Nhà báo Bùi Tín để lại ‘một tài sản hết sức quý giá’
VOA
Sự ra đi của nhà báo Bùi Tín, một trong những nhà bất đồng chính kiến Việt Nam nổi tiếng nhất ở hải ngoại và là blogger lâu năm của VOA, để lại nỗi buồn thương và cảm giác mất mát cho những người quen ông hoặc biết đến ông qua những bài viết sắc sảo từ hàng chục năm qua.
Sau gần một tháng nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy yếu, ông qua đời vào sáng sớm ngày 11 tháng 8 ở ngoại ô Paris, Pháp, nơi ông tị nạn chính trị kể từ năm 1990. Ông hưởng thọ 91 tuổi.
“Tôi lặng người đi và cảm thấy rất bất ngờ dù biết bác tuổi đã cao và gần đây cũng ốm yếu,” ông Nguyễn Tường Thụy, một nhà báo độc lập và nhà hoạt động dân chủ, chia sẻ với VOA từ Việt Nam.
Một người lính và một nhà báo, ông Bùi Tín viết nên những chương cuộc đời mình bằng trải nghiệm và hiểu biết của người từng là quan chức cao cấp bên trong nhà nước cộng sản, và sau này bằng sự phản tỉnh được khơi gợi cảm hứng bởi lý tưởng tự do và dân chủ.
“Người ta nói rằng số năm tháng mà mình sống trên cuộc đời này chắc có lẽ không quan trọng bằng những việc mà mình đã làm được khi sống trên quả đất này,” nhà báo Đinh Quang Anh Thái của báo Người Việt nói với VOA từ California. “Ông Bùi Tín đã sống một cuộc đời rất trọn vẹn.”
Bùi Tín nhập ngũ năm 18 tuổi vào thời Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sau đó trở thành ký giả của báo Quân đội Nhân dân Việt Nam với bút danh Thành Tín. Sau sự kiện 30 tháng 4, 1975, ông giải ngũ và tiếp tục viết báo, vươn lên đến vị trí phó tổng biên tập báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông quyết định xin tị nạn ở Pháp trong một chuyến đi công cán sang Paris vào năm 1990.
Đó là một sự kiện vẫn in sâu trong trí nhớ của ông Phạm Minh Hoàng. Nói chuyện với VOA từ Paris, vị giáo sư và nhà hoạt động nhân quyền này cho biết ông đọc thấy tin ông Bùi Tín đào thoát trên nhật báo Le Monde khi đó.
“Tờ Le Monde đăng chuyện đào thoát của bác khá chi tiết và sau đó họ có đăng một mẩu tin của tờ Nhân dân phê phán chuyện bác đào thoát,” ông Hoàng kể lại. “Tờ Nhân dân chế giễu bác, ‘Thành Tín’ có nghĩa là người giữ chữ tín nhưng mà thực sự ông ấy là người ‘bội tín.’”
Phản tỉnh và phản biện
"Bội tín" với chủ nghĩa cộng sản, ông Bùi Tín tìm thấy niềm tin nơi lý tưởng tự do. Ông trở thành một trong những tiếng nói mạnh mẽ chỉ trích chính quyền Việt Nam và cổ súy cho dân chủ và nhân quyền ở quê nhà qua những bài viết phản biện.
Với những trải nghiệm và mối quan hệ
của một người trong cuộc, ông đem đến cho độc giả hiểu biết về nội tình của nhà
nước cộng sản ít người biết tới, lý giải và phân tích mọi diễn biến bằng sự
nhạy bén và am tường của một nhà báo kỳ cựu. Lập luận của ông rành mạch, ngôn
ngữ của ông sắc sảo có khi đanh thép xoáy sâu vào vấn đề mà ông bàn luận
Cộng tác với VOA Tiếng Việt trong tư
cách một blogger thường xuyên, ông đã viết hơn 1.000 bài bình luận từ năm 2009
cho tới nay, bám sát mọi sự kiện và diễn biến trong đời sống chính trị, xã hội,
kinh tế và văn hóa ở Việt Nam nhưng vẫn luôn để mắt đến thời sự quốc tế, nhất
là Trung Quốc và Mỹ.
Ông đả kích gay gắt Luật An ninh
Mạng trong một bài blog
đăng ngày 13 tháng 6, một ngày sau khi nó được Quốc hội Việt Nam thông qua. Ở
tuổi 91, ông tôn vinh Internet là “túi khôn của nhân loại” và phê phán luật
nhằm kiểm soát dữ liệu người dùng này là “phản động.”
Trong một bài viết được chia sẻ hơn 3.000 lần, ông đòi
chính quyền phải trả “món nợ lưu cữu” cho người dân là ban hành luật về hội
họp, biểu tình.
Và ông luôn dành một tình cảm trân
quý đặc biệt cho những nhà hoạt động trong nước, nêu tên và ca ngợi thành tích
của họ trong một bài tổng kết đăng vào cuối năm 2017.
‘Một mất mát to lớn’
“Những gì mà bác để lại là một tài
sản hết sức quý giá,” ông Nguyễn Tường Thụy nói. “Tôi không dám nói rộng nhưng
đối với tôi Bùi Tín là một người thầy, vừa là nhân cách vừa là nhiệt huyết.”
Ông Thụy, thành viên ban biên tập
Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, cho biết ông đã “ngưỡng mộ” tài viết lách của ông
Bùi Tín từ đầu những năm 1970 khi còn là một người lính trẻ mới 20 tuổi đời.
Sau khi ông Bùi Tín tị nạn ở Pháp, ông Thụy nói ông thường nghe trộm “đài địch”
để theo dõi ông Bùi Tín viết gì vì những bài viết đó “mở mang chúng tôi rất
nhiều vấn đề.”
Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam nói
trong một thông cáo rằng sự ra đi của ông “là một mất mát to lớn, không chỉ đối
với bản thân [hội], mà rộng hơn là phong trào đấu tranh dân chủ - nhân quyền
Việt Nam.”
Sự mất mát đó được cảm nhận rõ bởi
nhiều nhà hoạt động. Trên mạng xã hội họ loan tin về sự ra đi của ông kèm theo
những thông điệp chia buồn.
“CÁC CỤ RỦ NHAU ĐI CẢ .....CÒN CHÚNG
TA CHỜ NGÀY RỜI KHỎI CÕI TẠM NÀY,” nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng chia sẻ trên
Facebook, sau khi loan thêm tin nhạc sĩ Tô Hải qua đời không lâu sau ông Bùi
Tín.
“Rõ ràng sự ra đi của bác là một mất
mát lớn cho những người yêu chuộng tự do,” giáo sư Phạm Minh Hoàng nói với VOA
qua điện thoại. Năm ngoái ông Hoàng bị Việt Nam tước quốc tịch và trục xuất về
Pháp trong điều mà ông nói là “sự trả thù” đối với hoạt động của ông nhằm cổ
súy cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.
Xem tất cả các bài blog của nhà báo
Bùi Tín ở đây.