Myanmar: Mỹ ‘kinh khiếp’ trong ngày chết chóc nhất kể từ cuộc đảo chính
BBC
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Washington thấy 'kinh khiếp' bởi ngày chết chóc hôm thứ Bảy ở Myanmar.
Hàng chục người đã bị lực lượng an ninh giết chết trong các cuộc biểu tình vào ngày đẫm máu nhất kể từ khi quân đội lên tiếp quản đất nước hồi đầu tháng trước.
Ông Blinken nói rằng những vụ giết người này, với hơn 100 người thiệt mạng, cho thấy "chính quyền sẽ hy sinh mạng sống của người dân để phục vụ số ít".
"Người dân Miến Điện quả cảm từ chối sự lên ngôi khủng bố của quân đội."
Đại sứ quán Mỹ trước đó nói rằng lực lượng an ninh đang "giết hại thường dân không vũ trang", trong khi phái đoàn EU tại Myanmar nói ngày thứ Bảy - Ngày Lực lượng Vũ trang Myanmar- sẽ "được ghi dấu là một ngày của khủng bố và ô danh".
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết ông "vô cùng sốc" còn Ngoại trưởng Anh Dominic Raab gọi đây là "sự tồi tệ mới".
Cuộc đàn áp đẫm máu nhằm vào dân thường - bao gồm trẻ em - diễn ra khi người biểu tình bất chấp cảnh báo và vẫn xuống đường tại các thị trấn và thành phố.
Nhóm giám sát Hiệp hội Hỗ trợ Tù chính trị (AAPP) xác nhận ít nhất 91 ca tử vong trong khi truyền thông địa phương đưa ra con số cao hơn.
"Họ đang giết chúng tôi như giết chim, giết gà, ngay cả trong nhà của chúng tôi", một người dân tên Thu Ya Zaw nói với hãng tin Reuters ở thị trấn Myingyan miền trung.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục biểu tình bất chấp điều đó."
Đợt bạo lực mới nhất khiến số người thiệt mạng trong các cuộc đàn áp biểu tình ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2 đã lên đến hơn 400 người.
Quân đội đã nắm quyền kiểm soát quốc gia Đông Nam Á này sau cuộc bầu cử mà đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng long trời lở đất.
Chuyện gì đã xảy ra vào thứ Bảy?
Người biểu tình tập trung khắp Myanmar, còn gọi là Miến Điện.
Đài truyền hình nhà nước đã phát sóng một thông báo vào tối hôm trước, nói rằng mọi người "nên rút ra bài học từ thảm kịch của những cái chết tồi tệ trước đó, rằng quý vị có thể đối mặt với nguy cơ bị bắn vào đầu và vào lưng".
Lực lượng an ninh dốc toàn lực để dẹp biểu tình.
Hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy những người với vết thương do súng bắn và gia đình đang khóc thương.
Giám đốc Mạng lưới Nhân quyền Miến Điện ở Anh nói với BBC rằng quân đội đã cho thấy họ "không có giới hạn, không có nguyên tắc gì".
"Đó là thảm sát, không còn là một cuộc đàn áp nữa," Kyaw Win nói.
Các cuộc đàn áp bạo lực bằng đạn thật đã được ghi nhận tại hơn 40 điểm trên khắp đất nước.
Trang tin địa phương Myanmar Now đưa số người chết lên đến 114, trong khi Liên Hiệp Quốc cho biết họ đang nhận được báo cáo về "hàng chục người thiệt mạng" và hàng trăm người khác bị thương.
AAP nói trong số những người thiệt mạng có một bé gái 13 tuổi bị bắn chết tại nhà.
Các nhân chứng và nguồn tin kể với BBC Miến Điện có người biểu tình chết tại các thành phố và thị trấn Magway, Mogok, Kyaukpadaung và Mayangone.
Người chết cũng được ghi nhận ở Yangon và trên các đường phố của thành phố lớn thứ hai đất nước - Mandalay, nơi những người biểu tình mang theo cờ của đảng NLD và giơ ba ngón tay mang nghĩa chống độc tài.
Quân đội chưa bình luận gì về các vụ giết người. Trong một bài phát biểu trên truyền hình vào Ngày Lực lượng Vũ trang, thủ lĩnh cuộc đảo chính Min Aung Hlaing cho biết quân đội muốn "chung tay với toàn thể quốc gia để bảo vệ nền dân chủ".
Ông nói: "Đưa ra yêu sách thông qua hành vi bạo lực ảnh hưởng đến ổn định và an ninh là không phù hợp."
Trong khi đó, một nhóm vũ trang dân tộc thiểu số ở miền đông Myanmar nói các máy bay phản lực quân sự đã nhắm vào vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát. Cuộc không kích được phát động vài giờ sau khi nhóm Liên minh Dân tộc Karen cho biết họ đã tấn công một đồn quân sự gần biên giới Thái Lan.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa nhóm này và quân đội sau nhiều năm tương đối hòa bình.
Trẻ em trong số những người chết và bị thương
Moe Myint, BBC Miến Điện
Trên khắp cả nước, trẻ em nằm trong số những người bị thương và thiệt mạng trong ngày đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính 1/2.
Mẹ của Pan Ei Phyu, một cô bé 14 tuổi, nói rằng bà đã vội đóng tất cả các cửa trong nhà khi nghe tin quân đội xuống đường. Nhưng bà đã không đủ nhanh. Một lúc sau, bà ôm thi thể đẫm máu của con gái trong lòng.
"Tôi thấy con mình ngã quỵ và ban đầu nghĩ rằng nó chỉ trượt chân. Nhưng sau đó máu tràn ra từ ngực", bà nói với BBC Miến Điện từ Meiktila ở miền trung Myanmar.
Màn giết chóc ngẫu nhiên ấy trong các vụ bắt giết hôm nay đặc biệt gây sốc. Được trang bị vũ khí chiến đấu, lực lượng an ninh sẵn sàng bắn bất cứ ai họ nhìn thấy trên đường phố. Sự tàn bạo mà họ đang phô bày về khả năng của họ đang tiến tới một cấp độ khác so với những gì chúng ta đã thấy kể từ cuộc đảo chính.
Không bên nào - phía quân đội hay phong trào ủng hộ dân chủ - sẵn sàng lùi bước. Quân đội cho rằng họ có thể khủng bố người dân để đạt được "sự ổn định và an ninh". Nhưng phong trào xuống đường, do những người trẻ tuổi lãnh đạo, quyết tâm một lần và mãi mãi đem đất nước thoát khỏi chế độ độc tài quân sự.
Thật đau đớn khi phải đếm số người chết, đặc biệt là trẻ em.
Sơ lược về Myanmar
- Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, độc lập khỏi Anh quốc vào năm 1948. Trong phần lớn lịch sử hiện đại của Myanmar, nước này nằm dưới sự cai trị của quân đội
- Các hạn chế bắt đầu được nới lỏng từ năm 2010, dẫn đến bầu cử tự do vào năm 2015 và việc thành lập chính phủ do nhà lãnh đạo đối lập kỳ cựu Aung San Suu Kyi khởi xướng vào một năm sau đó
- Năm 2017, quân lính thuộc nhóm dân tộc Rohingya đã tấn công các đồn cảnh sát, và quân đội Myanmar cùng các nhóm phật tử địa phương đã đáp trả bằng một cuộc đàn áp chết người, được cho là đã giết chết hàng nghìn người Rohingya. Hơn nửa triệu người Rohingya chạy trốn qua biên giới sang Bangladesh, và Liên Hiệp Quốc sau đó gọi đây là "ví dụ kinh điển về thanh lọc sắc tộc