Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa Ngày của Cha

Tuesday, June 23, 2020 // ,

Ngày của Cha (Father's Day) là ngày tôn vinh những hy sinh và cống hiến của người cha cho gia đình và xã hội; đồng thời cũng là dịp để con cái tỏ lòng thương yêu, kính trọng tới người cha thân yêu của mình.

Sự kiện:

Nguồn gốc Ngày của Cha

Ngày Của Cha được ăn mừng phổ biến từ những năm đầu thế kỷ 20 để bổ sung cho Ngày của Mẹ trong những ngày lễ tôn vinh những bậc làm cha mẹ. Ngày của Cha được cử hành vào nhiều ngày khác nhau trên toàn thế giới và thường liên quan đến việc tặng quà, bữa ăn tối đặc biệt cho cha, mẹ, và các hoạt động mang tính gia đình.
Việc ăn mừng Ngày của Cha sớm nhất được biết đến diễn ra ở Fairmont, Tây Virginia vào ngày 5 tháng 7 năm 1908. Sự kiện được bà Grace Golden Clayton tổ chức, với mong muốn vinh danh cuộc đời của 361 người tử nạn trong tai nạn hầm mỏ của Thảm họa Monongah Mining ở Monongah, Tây Virginia, vào ngày 06 tháng 12 năm 1907 vài tháng trước, trong số đó có 250 người là cha bị tử thương, để lại khoảng một nghìn trẻ em mồ côi.
Tuy nhiên, sự kiện đó bị lu mờ bởi các sự kiện khác trong thành phố. Tiểu bang Tây Virginia không chính thức công nhận ngày lễ này, và nó không được tổ chức trở lại. Tất cả công lao trong việc giúp Ngày của Cha ra đời về sau lại được ghi nhận cho Sonora Dodd người Spokane, đã tổ chức Ngày của Cha một cách độc lập vào 2 năm sau đó. Sự kiện của bà cũng chịu ảnh hưởng từ Ngày của Mẹ.
Nguồn gôc lịch sử và ý nghĩa Ngày của Cha
Ngày Của Cha được ăn mừng phổ biến từ những năm đầu thế kỷ 20
Vào một ngày trong năm 1909, trong khi đang nghe bài thuyết giáo về Ngày của Mẹ, cô Sonora đã nghĩ đến một ngày để vinh danh các người cha. Sonora là con gái lớn nhất trong sáu chị em, mẹ cô qua đời trong lúc sinh nên cha cô là ông William Jackson Smart đã một mình nuôi sáu chị em khôn lớn. Sonora yêu quý và kính trọng cha vì hiểu những nỗi vất vả của ông. Người cha trong mắt cô là biểu tượng của sự hy sinh, vị tha, bao dung. Vì vậy, cô muốn có một ngày đặc biệt để tôn vinh cha mình. Sonora đã chọn ngày 19 tháng 6 là “Ngày của Cha” vì ngày đó là sinh nhật của cha cô.
Sau nhiều năm kiến nghị dự luật công nhận Ngày của Cha, vào năm 1966, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson đã đã quyết định chính chức chọn ngày Chủ nhật thứ 3 trong tháng 6 hàng năm là Ngày của Cha trên toàn nước Mỹ. Sáu năm sau, tổng thống Richard Nixon đã ký duyệt và công bố Ngày của Cha chính thức là ngày quốc lễ của nước này vào năm 1972 .
Đến nay, Ngày của Cha đã được lan truyền khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ý nghĩa Ngày của Cha

Công việc bận rộn, nhiều điều phải lo toan khiến chúng ta có đôi lúc lãng quên đi sự hy sinh cao cả và tình cảm của cha dành cho mình. Ngày của Cha là dịp đặc biệt để con cái thể hiện sự yêu thương và lòng kính trọng với người cha kính yêu của mình.
Nguồn gôc lịch sử và ý nghĩa Ngày của Cha
Ngày của Cha là dịp đặc biệt để con cái thể hiện sự biết ơn và kính trọng với cha
Ngày của Cha không chỉ là ngày để chúng ta thể hiện tình cảm với người bố của mình mà với tất cả những người đàn ông, những người đóng vai trò như một người bố, đó có thể là ông, chú bác hoặc anh trai.
Trong Ngày Của Cha, chúng ta hãy cùng thể hiện tình cảm tới những người đàn ông chúng ta yêu quý để họ hiểu rằng họ có một vị trí quan trọng đặc biệt trong cuộc sống của chúng ta.
Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN

Đọc báo Pháp – 23/06/2020

Đọc báo Pháp – 23/06/2020

Châu Âu bắt đầu cứng rắn với Trung Quốc – Anh Vũ

Bên cạnh mối quan tâm chính là các chủ đề về thúc đẩy các hoạt động khôi phục kinh tế trong nước sau dịch, các báo Pháp hầu hết đều chú ý đến cuộc đối thoại thượng đỉnh qua video giữa chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và Hội Đồng Châu Âu với thủ tướng và chủ tịch Trung Quốc hôm qua thứ Hai, 22/06/2020. Cũng giống như hầu hết các tờ báo khác, nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận : « Châu Âu cao giọng trước Trung Quốc ».
Trong cuộc họp thượng đỉnh qua video kéo dài 1 giờ này, châu Âu đã không khách sáo che giấu thất vọng về quan hệ hai bên và thẳng thắn hiếm thấy nêu với Bắc Kinh các vấn đề «  nhạy cảm » mà trước đó người ta vẫn thấy EU né tránh sợ làm mếch lòng Trung Quốc. Theo Les Echos, trong lúc Bruxelles triển khai các chính sách cảnh giác hơn đối với Trung Quốc, cuộc khủng hoảng virus corona và tình hình tồi tệ đi ở Hồng Kông càng làm quan hệ hai bên thêm dè chừng nhau hơn.
Trong cuộc hội đàm cấp cao này, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đã có lời lẽ « đặc biệt cứng rắn với lãnh đạo Trung Quốc về các vấn đề an ninh mạng, quan hệ kinh tế, nhân quyền, quy chế về Hồng Kông cũng như về vấn đề khí hậu ».
Nhìn chung là các lãnh đạo châu Âu đều tỏ thất vọng . Châu Âu nhận thấy quan hệ hai bên thiếu sự qua lại và bây giờ không cần vội thúc đẩy mà phải thay đổi trước về chiều sâu.
Việc Bắc Kinh thắt chặt quản lý Hồng Kông cũng khiến « Liên Âu tỏ lo ngại về một nước Trung Quốc ngày càng trở nên ngạo mạn và hung hăng », tờ báo nhận xét.  Chính vì thế mà chủ tịch Hội Đồng Châu Âu nhấn mạnh đến mối « lo ngại sâu sắc » về nguyên tắc một đất nước 2 chế độ  với Hông Kông đang bị đe dọa. Bà Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu  thì khẳng định «  với Châu Âu, nhân quyền và các quyền tự do cơ bản là không thể thương lượng ».
Les Echos nhận thấy, trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhiều năm qua Châu Âu đã tích tụ khá nhiều thất vọng. « Từ giờ trở đi EU bắt đầu triển khai chiến lược phòng thủ rõ nét hơn trước Bắc Kinh » và, « trong khi tìm kiếm mối quan hệ tương tác có tính xây dựng với Bắc Kinh về nhiều chủ đề đa phương, Châu Âu giờ dường như đang quyết tâm nâng tầm cuộc chơi trước một đối tác từ giờ được đánh giá là  đối thủ mang tính hệ thống », nhật báo kinh tế nhận định.
Đây là một sự thay đổi rõ rệt, không chỉ giọng điệu, mà còn cả về chiến lược với Trung Quốc của Liên Âu vốn trước đây vẫn bị đánh giá là nhu nhược và bất lực trước Bắc Kinh. Vấn đề còn lại là để xem từ lời nói đến hành động thực tế như thế nào trong khi mà Liên Âu vốn vẫn có điểm yếu là thiếu đoàn kết và thiếu các phương tiện gây áp lực.
Trong khi đó thì « Trung Quốc của Tập Cận Bình trước tiên vẫn nhìn vào mối quan hệ dựa trên sức mạnh với câu hỏi Bắc Kinh luôn đặt ra : Đối thủ có cách nào để trừng phạt chúng ta ? »  Theo như phân tích của chuyên gia về Trung Quốc của Pháp François Godement, trong bài trả lời phỏng vấn trên Les Echos, cũng về chủ đề cuộc đối thoại EU – Trung Quốc.
Covid-19  chưa bị đẩy lùi mà còn lăm le quay lại
Liên quan đến đại dịch Covid-19, các thông tin đang trở lại đầy lo lắng trên các báo. Trong khi dịch đang dần được đẩy lùi ở châu Âu, đa phần các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đang theo đuổi các kế hoạch giải tỏa và mở lại cửa biên giới, thì ở nhiều nơi tiến triển của dịch vẫn đầy lo nghại đặc biệt sự xuất hiện trở lại ổ dịch lớn trong lò mổ ở Đức.
Thông tin được hầu hết các báo đăng tải với đầy lo ngại. Le Monde đưa tin « hơn 1300 ca nhiễm virus corona phát hiện tại lò mổ Gustersloh đang gây lo ngại ở Đức, khiến những người ủng hộ giải tỏa nhanh phải suy nghĩ lại ». Theo Le Monde, từ đầu dịch đến nay nhiều lò mổ được xác định là những ổ lây truyền Covid-19 ở Đức. Nhưng trường hợp mới phát hiện lần này gây lo ngại đặc biệt. « Trước hết đó là lò giết mổ gia súc lớn nhất châu Âu. Thứ hai là số lượng ca nhiễm rất lớn. Đến ngày 21/06, tức 4 ngày sau khi phát hiện ổ dịch, tại lò mổ này đã ghi nhận được hơn 1.300 ca nhiễm trên tổng số gần 7.000 nhân viên của công ty. Cuối cùng, bởi vì đây là lần đầu tiên sau hai tháng gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa trong cả nước, chính quyền Đức đặt vấn đề có thể cho phong tỏa trở lại vùng dịch.
Trong khi đó xã luận báo La Croix kêu gọi « Cảnh giác », nhất là với nước Pháp. Đại dịch Covid-19 đúng là có vẻ chững lại ở Châu Âu. « Mong muốn lớn của mọi người đều là sang trang giai đoạn khó khăn. « Bối cảnh chung khiến người ta nghĩ rằng dịch đã tắt. Trẻ em đã trở lại trường học, rạp phim mở cửa lại, các công ty lớn đẩy nhanh nhịp độ trở lại. trong các bệnh viện, các con số tử vong và người nhập viện cũng đã thuyên giảm ».
Thế nhưng virus vẫn lan truyền, ở Pháp và châu Âu, đặc biệt là nhiều nơi khác. Tổ chức Y tế Thế giới đầu tuần này đã cảnh báo « đại dịch tiếp tục tăng tốc trên thế giới ». Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê giờ là tâm dịch, ở Hoa Kỳ, Ấn Độ, dịch vẫn còn hoành hoành, ở Trung Quốc bóng ma về làn sóng dịch thứ hai đang hiển hiện. Châu Phi dường như tránh được đại họa nhưng vẫn còn đó nỗi lo….
Xã luận tờ báo nhấn mạnh, phải luôn đề cao cảnh giác, nhất là khi « giả thuyết về dịch trở lại vào mùa thu đã được hội đồng khoa học của chính phủ Pháp nhận định là cực kỳ nhiều khả năng. Chúng ta vẫn phải sống chung với Covid -19 ».
Lại thêm nghịch lý trong  cuộc chiến chống dịch ở Pháp
Vẫn liên quan đến chủ đề dịch virus corona. Báo Công giáo có bài viết «  Hàng triệu test PCR không sử dụng  sắp sửa không thể dùng được ». Sau một giai đoạn khan hiếm xét nghiệm vào thời điểm căng thẳng nhất của dịch, giờ đây các xét nhiệm ở Pháp lại rơi vào khủng hoảng thừa, có nguy cơ vút bỏ vào thùng rác. Tờ báo cho hay, vì dịch Covid-19 thuyên giảm, nhu cầu xét nghiệm bệnh thấp hơn rất nhiều với mục tiêu đề ra của chính phủ là làm từ 700 nghìn xét nghiệm PCR trong mỗi tuần. Hàng triệu mẫu phẩm xét nghiệm giờ nằm im trong các tủ đông của các phòng thí nghiệm tư nhân. Các mẫu sinh phẩm xét nghiệm này sẽ hết hạn sử dụng trong vòng 2 tháng nữa.
Facebook hướng đầu tư vào  châu Á
Vẫn trên trang báo Les Echos, liên quan đến châu Á có bài phân tích của tờ báo có tiêu đề:  « Facebook đổ về Châu Á để viết nên trang sử mới  của mình »
Tờ báo nhận thấy, mặc dù chủ trương mở mang đầu tư ra bên ngoài, nhưng mạng xã hội số 1 thế giới trong vòng 6 tuần qua đã thực hiện hai vụ đầu tư lớn tại Châu Á. Facebook đang tìm đầu mối tăng trưởng nhờ và sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử và thanh toán di động trong khu vực này. Les Echos cho hay : Cuối tháng Tư, Facebook đã bỏ ra gần 6 tỷ đô la để có được 10% cổ phần của Reliance Jio, nhà mạng viễn thông hàng dầu của Ấn Độ. Đầu tháng 5, mạng xã hội này lại bỏ hàng trăm triệu vào Gojek, một công ty khởi nghiệp đầy hứa hẹn ở Indonesia về các ứng dụng. Với các vụ đầu tư lớn này, Facebook đang chuẩn bị sân bãi để triền khai ứng dụng thanh toán tiền WhatsApp Pay. Nếu Facebook giờ tập trung chú ý đầu tư vào châu Á, đó là vì lục địa này là nguồn tăng trưởng với tiềm năng khổng lồ về số lượng người sử dụng, hiện 40% người dùng Facebook là ở châu Á.
Amazon cắm chân vào Pháp làm bàn đạp ở châu Âu
Liên quan đến một ông lớn khác trong nhóm những người khổng lồ Mỹ trong lịch vực công nghệ cao GAFA, nhật báo Libération dành hồ sơ chính cho Amazon, với  bài « Tại Pháp : Amazon muốn nắm quyền chỉ huy ».
Libération cho biết, người khổng lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử đang liên tiếp mở dự án cắm chân tại nước Pháp, để biến nước này thành một đầu cầu trong chiến lược phát triển ở châu Âu. Sự bành trướng của Amazon đang gây tranh cãi và phản đối trong dư luận Pháp.
Theo Libération, tham vọng bành trướng của Amazon tại Pháp đang rõ dần. Trong thời kỳ gần như cả thế giới bị phong tỏa, nhưng người khổng lồ Mỹ trong lĩnh vực thương mại điện tử vẫn tận dụng tốt khủng hoảng y tế. Thu nhập của Amazon tăng 26% ở quý đầu năm nay. Giữa đại dịch, Amazon vẫn khẳng định vị thế số 1 trong lĩnh vực thương mại qua mạng tại Pháp. Thời hậu khủng hoảng tập đoàn quyết định nhắm tới Pháp làm trung tâm phát triển ra toàn châu Âu.
Đang là thị trường lớn thứ 3 của Amazon tại châu Âu, sau Anh Quốc và Đức, Pháp có lợi thế là có biên giới với 8 nước. Các kho chứa hàng của Amazon đang mọc lên liên tiếp trong nhiều vùng của Pháp và bắt đầu vấp phải sự phản đối của nhiều cư dân địa phương hay nhiều tổ chức chính trị xã hội.

Tin tổng hợp
(Reuters) – Nhật Bản sẽ giảm bớt một phần các hạn chế du lịch qua Việt Nam.
Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã cho biết như trên ngày 23/06/2020, xác nhận rằng các chuyến bay giữa hai nước sẽ được phép tái lập từ ngày 25-27/06. Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc những phương án khác nhau nhằm giảm bớt các lệnh cấm nhập cảnh từng được đưa ra để ngăn chặn đà lây lan của virus corona.
(AFP) – Maduro “sẵn sàng” thảo luận với Trump.
Tuyên bố này được tổng thống Venezuela đưa ra khi trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn chính thức AVN ngày 22/06/2020. Hôm Chủ Nhật, 21/6, tổng thống Mỹ khi trả lời phỏng vấn trang mạng Axios cho biết ông để ngỏ khả năng gặp lãnh đạo Venezuela, và sau đó bổ sung thêm trên mạng Twitter rằng chỉ để thương lượng « việc rời bỏ quyền lực ôn hòa » của tổng thống Maduro.
(AFP) – Nhật Bản : Anh Quốc có 6 tuần để tìm một thỏa thuận thương mại song phương.
Ông Matsuura, trưởng đoàn đàm phán thương mại Nhật Bản, trả lời phỏng vấn tờ Financial Times ngày 23/06/2020, cho rằng đôi bên « nên hoàn tất các cuộc thương lượng từ đây đến cuối tháng 7 này », nhằm « tránh một khoảng trống vào tháng Giêng năm 2021 », thời điểm Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu có hiệu lực. Nhật Bản hy vọng có thể phê chuẩn thỏa thuận thương mại với Anh Quốc vào mua thu năm 2020.
(AFP) – Trung Quốc phóng vệ tinh cuối cùng trong hệ thống định vị vệ tinh Beidou (Bắc Đẩu).
Hôm nay, 23/06/2020, theo một phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, vệ tinh thứ 30 đã được phóng lên từ một trung tâm vũ trụ ở miền tây nam Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc phụ thuộc vào hệ thống định vị vệ tinh GPS của Mỹ. Hệ thống GPS được sử dụng nhiều trong các hoạt động định vị phương tiện giao thông, và đặc biệt qua điện thoại di động. Bắc Kinh hy vọng với hệ thống định vị vệ tinh này sẽ có thể chủ động, trong trường hợp xung đột với Mỹ nổ ra.
(AFP) – Siêu máy tính Nhật Bản soán ngôi Mỹ.
Fugaku – tên gọi khác của núi Phú Sĩ – siêu máy tính do Viện nghiên cứu Riken hợp tác với hãng tin học Fujitsu thiết kế đã qua mặt chiếc Summit của hãng IBM, Mỹ bốn lần liên tiếp vô địch trong hai năm qua. Bảng xếp hạng này do trang mạng chuyên về Top500, công bố mỗi năm hai lần. Tốc độ của Fugaku nhanh hơn Summit đến 2,8 lần, nghĩa là có thể thực hiện 415,53 petaflops thay vì là 148, 6 petaflops. Một petaflop tương đương với một triệu tỷ phép tính trong một giây. Dự tính Fugaku sẽ được đưa vào sử dụng 100% kể từ năm 2021, và đầu tiên hết là trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu Covid-19.
(AFP) – Hoa Kỳ : Trung Quốc có “nghĩa vụ” tham gia đàm phán giải trừ hạt nhân.
Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ, ông Marshall Billingslea, sau một cuộc thương lượng với Nga ngày 23/06/2020, cho rằng không tham gia vào cuộc thương lượng này, « Trung Quốc không chỉ đối đầu với Mỹ và Nga, mà với cả thế giới ». Từ ngày 22/6, Washington và Matxcơva bắt đầu thương thuyết về số phận của hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn có hiệu lực : New Start, sắp hết hạn vào tháng 2/2021.
(Reuters) – Căng thẳng biên giới : Ấn – Trung thỏa thuận rút quân.
Hôm nay, 23/06/2020, New Delhi và Bắc Kinh đạt thỏa thuận rút toàn bộ lực lượng khỏi một vùng biên giới trên dãy Himalaya, ở độ cao 4.000 mét, nơi đã diễn ra các đụng độ đẫm máu khiến 20 người chết, về phía quân đội Ấn Độ. Thông tin do một nguồn từ chính phủ Ấn Độ cung cấp. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng cho biết tướng lĩnh chỉ huy quân đội hai bên đã gặp nhau hôm qua.
(AFP) – Covid – 19 : WHO kêu gọi tăng mạnh sản xuất dược phẩm dexaméthasone.
Tuyên bố được đưa ra hôm qua, 22/06/2020, sau khi các nhà khoa học Anh thông báo loại thuốc này có thể giảm đáng kể tỉ lệ tử vong đối với các bệnh nhân Covid-19 nặng. Theo kết quả cuộc điều tra sơ bộ mang tên Recovery, dùng dược phẩm này có thể giảm đến một phần ba số tử vong đối với các bệnh nhân phải sử dụng máy trợ thở, và một phần năm tử vong với bệnh nhân phải tiếp oxy.
(AFP) – Đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm tình trạng thất học toàn cầu.
Hôm nay, 23/06/2020, UNESCO, cơ quan Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc, công bố bản báo cáo về chủ đề này. UNESCO đặc biệt lo ngại cho các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở phía nam sa mạc Sahara, châu Phi, cũng như vùng Trung và Nam Á. Hầu hết trong số 20 nước nghèo nhất là ở khu vực nam sa mạc Sahara. Ở những nước này, không có phụ nữ nghèo nào có điều kiện theo học hết cấp hai. Tính trên toàn thế giới, có đến gần 260 triệu thanh thiếu niên không có điều kiện đến trường, chiếm đến 17% dân cư ở tuổi đi học.

Điểm tin thế giới sáng 23/6:

Giữa căng thẳng, Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố

EU là đối tác

Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Ba (23/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin sau:
Giữa căng thẳng, Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố EU là đối tác
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hôm thứ Hai, nói rằng mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và đất nước của ông thiên về đối tác nhiều hơn là đối thủ, theo Reuters.
Ông Lý đưa ra phát biểu này trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và EU đang căng thẳng vì nhiều quốc gia thuộc EU cho rằng Bắc Kinh đã che giấu sự thật về virus Vũ Hán khiến đại dịch Covid-19 lây lan ra toàn cầu.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đã có cuộc họp trực tuyến với ông Lý hôm thứ Hai. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay, trong cuộc họp, ông Lý bày tỏ sự lạc quan về triển vọng hợp tác với EU, nói rằng Bắc Kinh bằng lòng phối hợp sâu với tổ chức này trong việc nghiên cứu vắc xin chống Covid-19.
LHQ tiếp tục lên án Triều Tiên về nhân quyền
Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc (HRC), hôm thứ Hai, đã thông qua một nghị quyết lên án việc nhà nước Bắc Hàn chà đạp các quyền cơ bản của con người. Việc làm này đã được HRC thực hiện liên tục trong 18 năm qua, theo Yonhap.
Trong phiên họp thứ 43 được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ, HRC gồm 47 quốc gia thành viên, đã thông qua nghị quyết bằng sự đồng thuận.
“(Hội đồng) quan tâm sâu sắc đến các vi phạm nhân quyền có hệ thống, phổ biến và trắng trợn ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, trong nhiều trường hợp, điều này đã cấu thành tội ác chống lại loài người”, nghị quyết của HRC viết.
Quan chức Trung-Ấn đàm phán
Reuters đưa tin, hôm thứ Hai, quan chức quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã có cuộc gặp trực tiếp sau cuộc xung đột biên giới căng thẳng khiến nhiều binh sĩ hai bên tử vong vào đầu tuần trước.
Một nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho biết, chỉ huy quân đội hai bên đã có cuộc hội đàm nhiều giờ tại Moldo, khu vực nằm bên vùng đất đang được Trung Quốc quản lý tính từ Đường kiểm soát thực tế (LAC) thuộc cao nguyên Aksai Chin, một trong hai vùng đất mà Trung-Ấn đang tranh chấp và là nơi xảy ra vụ xô xát vừa qua.
Cuộc họp kéo dài nhiều giờ. Trong cuộc họp, Ấn Độ yêu cầu Trung Quốc rút quân về vị trí mà họ đã cắm chốt kể từ tháng Tư trở về trước, một nguồn tin thứ hai từ chính phủ Ấn Độ nói với Reuters.
Đài Loan cho quân đội ra Biển Đông huấn luyện
Một quan chức quốc phòng Đài Loan hôm thứ Hai xác nhận, Thủy quân lục chiến Đài Loan đã triển khai quân tới đảo Pratas (Đông Sa) ở Biển Đông trong bối cảnh có thông tin quân đội Trung Quốc sẽ tập trận trong khu vực vào tháng Tám tới, theo Focus Taiwan.
Vị quan chức quốc phòng cho biết cuộc tập trận sẽ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và các kỹ năng hậu cần cho các sĩ quan Cảnh sát biển Đài Loan đóng trên đảo. (Chi tiết).
WHO: Covid-19 đang bùng phát đồng thời tại các nước lớn
Reuters dẫn tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Hai cho biết các trường hợp nhiễm virus Vũ Hán đang đồng thời tăng vọt ở một số quốc gia lớn, với mức độ “lo ngại tăng lên” ở Châu Mỹ Latinh, đặc biệt là ở Brazil.
“Bệnh nhân tăng có thể do việc mở rộng xét nghiệm, nhưng chúng tôi không tin rằng đây là hiện tượng do xét nghiệm”, chuyên gia cấp cao của WHO, ông Mike Ryan, nói trong một cuộc họp báo.
Ông Ryan cho biết, số lượng người dương tính với nCoV đã tăng vọt tại một số nước Mỹ Latinh như Chile, Argentina, Colombia, Panama, Bolivia, Guatemala, và đáng lo ngại nhất là Brazil, quốc gia có số bệnh nhân đã vượt quá 1 triệu và từng ghi nhận số người nhiễm bệnh mới tăng kỷ lục, 54.000 bệnh nhân sau 24 giờ.

Điểm tin thế giới tối 23/6:

Lũ lụt lớn ở miền Nam Trung Quốc trong 80 năm

Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Ba (23/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Lũ lụt lớn ở miền Nam Trung Quốc trong 80 năm
Miền Nam Trung Quốc đã chứng kiến đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong 80 năm, nhiều video cho thấy lượng lũ lớn tràn ngập 10 tỉnh và thành phố, đe dọa phá hủy đập Tam Hiệp, theo Taiwan News.
Khu vực sông Dương Tử của Trung Quốc đang vào mùa lũ, thượng nguồn nơi đập Tam Hiệp chặn ngang đang chứng kiến mức lũ cao nhất kể từ năm 1940.
Dự báo thời tiết của Trung Quốc đã đưa ra mức cảnh báo cao nhất về lũ lụt và mưa cho vùng trung và hạ lưu của sông Dương Tử đến Quý Châu. Lượng mưa dự kiến đạt cực đại vào thứ Ba và thứ Tư (23 và 24/6). Cảnh báo lũ lụt đã được ban hành tại hơn 10 tỉnh thành Trung Quốc, bao gồm Quý Châu, Trùng Khánh, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy, Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải và Quảng Tây.
Máy bay ném bom Trung Quốc đột nhập không phận Đài Loan
Các máy bay phản lực của Trung Quốc, bao gồm ít nhất một máy bay ném bom đã đột nhập khu vực nhận dạng phòng không của Đài Loan vào hôm 22/6, trước khi bị không quân Đài Loan cảnh báo. Quân đội Đài Loan cho biết, đây là vụ chạm trán lần thứ 8 như vậy trong hai tuần gần đây.
Vụ việc xảy ra sau một ngày Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn giám sát cuộc thử nghiệm máy bay huấn luyện mới. Không quân Đài Loan cho biết máy bay Trung Quốc tham gia vụ đột nhập không phận là máy bay ném bom H-6 và máy bay chiến đấu J-10.
Mỹ chuẩn bị công bố áp thuế nhôm đối với Canada
Hoa Kỳ đang lên kế hoạch tái áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu nhôm từ Canada, Reuters dẫn báo cáo từ Bloomberg cho biết. Dự kiến, vào thứ Sáu (26/6), Mỹ sẽ công bố tái áp dụng mức thuế quan 10% đối với nhôm từ Canada, quyết định có hiệu lực kể từ ngày 1/7.
New Zealand thu giữ 90 triệu USD tài sản của tội phạm mạng Nga
Cảnh sát New Zealand đã tịch thu tài sản trị giá 140 triệu đô la New Zealand (khoảng 90,68 triệu USD) liên quan đến một người đàn ông Nga bị nghi rửa hàng tỷ đô la tiền kỹ thuật số. Cảnh sát cho biết họ đã tịch thu tài sản do một công ty ở New Zealand nắm giữ, chủ sở hữu công ty là Alexander Vinnik, người này bị cả Pháp và Mỹ truy nã với cáo buộc chủ mưu rửa tiền của một đường dây bitcoin, theo Reuters.
Nồng độ kháng thể ở ‘bệnh nhân Covid-19 hồi phục’ nhanh chóng bị suy yếu
Nồng độ của một kháng thể được tìm thấy ở “bệnh nhân Covid-19 hồi phục” đã nhanh chóng suy yếu trong 2-3 tháng sau khi cấy cho cả bệnh nhân có triệu chứng và không triệu chứng, theo một nghiên cứu của Trung Quốc. Kết quả này đặt ra câu hỏi liệu khả năng miễn dịch nCoV của loại kháng thể này sẽ được bao lâu. Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y học Tự nhiên ngày 18/6.
Trung Quốc phóng vệ tinh Bắc Đẩu
Trung Quốc đã hoàn tất việc phóng vệ tinh Bắc Đẩu-3 (BeiDou-3) lên quỹ đạo vào sáng nay (23/5). Khoảng 20 phút sau khi phóng, vệ tinh đã đạt đến quỹ đạo được chỉ định, tờ SCMP dẫn thông báo của Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) cho biết. Bắc Đẩu-3 sẽ phối hợp với các vệ tinh thuộc hệ thống Bắc Đẩu được phóng trước đó sau khi hiệu chỉnh quỹ đạo và tiến hành một loạt thử nghiệm.
Vụ phóng được thực hiện vào lúc 8h43 (giờ Hà Nội) từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, thuộc tỉnh Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc. Tên lửa đẩy Trường Chinh 3B đã đưa vệ tinh lên quỹ đạo, hoàn thành thiết lập hệ thống định vị toàn cầu mang tên Bắc Đẩu. Tháng trước, Trung Quốc phóng tên lửa Trường Chinh 5B từ bãi phóng Văn Xương trên đảo Hải Nam, mang theo nguyên mẫu tàu vũ trụ thử nghiệm thế hệ tiếp theo của nước này. Sau gần một tuần quay quanh Trái Đất, bộ phận lõi (core stage) của Trường Chinh 5B rơi ngược trở lại Trái Đất.
Anh tìm thấy hào sâu 4500 năm tuổi gần di chỉ đá Stonehenge
Các nhà khảo cổ đã khai quật các điểm quanh Stonehenge, khu di chỉ cự thạch nổi tiếng ở Tây Nam nước Anh, và họ đã tìm thấy kết quả đặc biệt: đường hào 2 km bao quanh Durrington Walls, vùng Wiltshire. Có độ sâu tới 5 mét, rộng 10 mét, điểm khảo cổ mới tìm thấy này nằm cách Stonehenge 3 cây số, theo Reuters và BBC.
Các phát hiện ban đầu cho thấy có thể có tới 20 hào sâu, bao quanh điểm tôn thờ của người sống vào thời kỳ Đồ đá và có liên quan đến đền đá (henge). Theo các nhà nghiên cứu từ một loạt đại học gồm St Andrews, Birmingham, Warwick, Glasgow, và Đại học Wales Trinity Saint David thì tuổi của công trình hào đất mới tìm ra này là khoảng 4500 năm.

Powered by Blogger.