Covid-19 :
Địa chính trị không giới hạn trong đại dịch
Thùy Dương
Cũng như những ngày qua, đa phần các trang bài của báo Pháp hôm nay dành để nói về dịch bệnh Covid-19 từ nhiều góc độ khác nhau.
Báo Libération quan tâm đến cuộc chiến giá dầu? cảnh báo về nguy cơ nhiễm bệnh của những người cao tuổi trong các viện dưỡng lão. Còn báo Công Giáo La Croix không chỉ hướng sự chú ý đến người cao tuổi, mà quan tâm đến những nhóm người dễ bị tổn thương khác, như người vô gia cư và đặc biệt là mối đe dọa mà đội ngũ nhân viên chăm sóc y tế đang phải đối đầu.
Trong khi đó, báo Le Monde đi tìm lời giải thích về loại thuốc Plaquenil, nguồn cội của niềm hy vọng và nỗi ngờ vực về khả năng chữa khỏi bệnh Covid-19, đồng thời chú ý đến những thách thức đang đặt ra với chính quyền Pháp, nhất là tổng thống Macron, khi vừa phải đối phó với tình trạng khẩn cấp y tế, vừa chống khủng hoảng kinh tế, phải bảo vệ người làm công ăn lương, mà không làm tê liệt kinh tế đất nước.
Báo Le Figaro lược thuật lại quá trình virus conona nhấn chìm cả hành tinh trong vòng 3 tháng qua, đồng thời nói về lực lượng an ninh Pháp, những người đang lên tuyến đầu để đảm bảo lệnh phong tỏa được thực thi nghiêm túc. Trong lĩnh vực kinh tế, Les Echos dẫn lời bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire, theo đó cuộc khủng hoảng do virus coron gây ra có thể sánh với khủng hoảng năm 1929. Les Echos cũng cho biết hoạt động kinh tế tại khu vực đồng euro đã sụt giảm nhanh hơn cả hồi năm 2008 khi xảy ra khủng hoảng tài chính.
Covid-19 : Mặt trận địa chính trị của các cường quốc
Dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành dữ dội trên thế giới, từ Á sang Âu, song đây lại là cơ hội để một số nước giành chiến thắng địa chính trị, nhất là Trung Quốc và Nga. Bài xã luận của báo Le Monde nhận định Matxcơva và Bắc Kinh đang tuyên truyền quá đà về công tác trợ giúp nhân đạo cho Ý, quốc gia đang bị dịch nặng nhất châu Âu. Còn Liên Hiệp Châu Âu đang phải học cách chiến đấu trên mặt trận này, với một kế hoạch trợ giúp kinh tế quy mô.
Mở đầu bài xã luận, Le Monde nhấn mạnh, trong nỗi bất hạnh của dân tộc, nước Ý đã tạo ra một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại đối với các cường quốc vốn đang tìm cách khôi phục lại uy tín qua công tác hỗ trợ nhân đạo. Trung Quốc hiện giờ đang vươn lên tuyến đầu. Vào ngày 14/03, khi số bệnh nhân Covid-19 gia tăng mạnh tại Ý, một chiếc máy bay của Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc đã hạ cánh tại Roma, với sự hiện diện của phó chủ tịch của tổ chức và một số bác sĩ đã tham gia vào cuộc chiến chống dịch bệnh ở Trung Quốc, với nhiều máy trợ thở và 200.000 khẩu trang.
Tin tức và hình ảnh về sự kiện này tràn ngập trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, nhất là trên các ấn bản tiếng nước ngoài. Sự kiện trên cũng được ngoại trưởng Ý, Luigi Di Maio, thuộc Phong trào Năm Sao, ca ngợi như một chiến thắng của cá nhân ông. Ý là nước đầu tiên trong nhóm G7 hồi năm 2019 ký bản ghi nhớ thỏa thuận với chính quyền Bắc Kinh về dự án « Con đường tơ lụa mới ».
Kế tiếp phải kể đến nước Nga. Hôm Chủ Nhật 22/03, căn cứ không quân quân Pratica di Mare của Ý đã chào đón 9 phi cơ Iliouchine của Nga. Theo một thông cáo chính thức của Ý, 9 phi cơ nói trên, “theo lệnh của cá nhân tổng thống Nga Putin” đưa đến Ý 100 bác sĩ quân y và tám đội y tế lưu động, với nhiều khẩu trang, găng tay, máy trợ thở và nhiều thiết bị y tế trong khả năng của họ. Các hình ảnh của lãnh đạo Ngoại Giao Ý có mặt tại sân bay để nói lời cảm ơn tới “nước Nga, tổng thống Putin và chính phủ Nga” đã được phát đi khắp thế giới. Cùng ngày, Cuba cũng điều 52 bác sĩ và y tá tới Ý trợ giúp nước này chống dịch bệnh.
Theo Le Monde, những cử chỉ đoàn kết, tương thân tương ái này rõ ràng rất đáng được hoan nghênh, và công chúng thích thấy máy bay Nga vận chuyển thiết bị y tế hơn là oanh kích các bệnh viện ở Syria. Nhưng việc Nga sử dụng những hình ảnh đó vào mục đích tuyên truyền gợi nhắc rằng, trong đại dịch, địa chính trị không bị giới hạn. Thông điệp ngầm của lãnh đạo Ý Di Maio là những người bạn thực sự của Ý không phải là đồng minh vốn có trong Liên Hiệp Châu Âu, nơi mà tình đoàn kết cũng không được phát huy trong cuộc khủng hoảng di dân năm 2015. Trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, chính việc Áo đóng cửa biên giới với Ý, sau đó đến lượt Berlin và Paris hạn chế xuất khẩu trang sang Ý chắc chắn là một phần lý do.
Tuy nhiên, hôm thứ Hai vừa qua, chính quyền Đức thông báo các bệnh viện bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân người Ý. Tuần trước, Liên Âu cũng đưa ra các biện pháp trên quy mô lớn chưa từng có, để trợ giúp kinh tế cho các nước bị tác động mạnh vì dịch bệnh, trong đó có Ý. Khoản chi của Liên Âu lớn hơn rất nhiều so với số tiền Nga và Trung Quốc bỏ ra để giúp Ý.
Le Monde nhấn mạnh, ngay cả khi sự đoàn kết của các nước châu Âu trong lĩnh vực y tế đã thất bại, điều cần thiết là các quốc gia này phải thể hiện tình đoàn kết về kinh tế, kể cả sau khi dịch bệnh được kềm chế. Và Liên Âu phải cho thấy rõ điều đó, dù không giỏi về tuyên truyền. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, mới nhắc lại là hồi tháng Giêng Liên Âu đã gửi 56 tấn dụng cụ thiết bị y tế trợ giúp Trung Quốc sau khi nhận được đề nghị của Bắc Kinh. Theo Le Monde, điều lạ lùng là sự trợ giúp của châu Âu lại không được truyền thông Trung Quốc ghi hình và đưa tin.
Virus corona soi tỏ những bất bình đẳng xã hội
Dưới góc độ xã hội, khủng hoảng coronavirus là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận lại về sự bất bình đẳng. « Cuộc khủng hoảng này làm cho xã hội thấy được những người lâu nay vô hình », đó là nhận định của nhà xã hội học Camille Peugny, chuyên gia về bất bình đẳng xã hội, thuộc đại học Versailles-Saint-Quentin-en-Yvelines.
Dịch bệnh Covid-19 cho thấy rõ sự phân chia trong thế giới : Nhóm thứ nhất bao gồm những người có trình độ cao, nhóm thứ hai gồm những nhân viên được trả lương thấp và không được bảo vệ tốt. Trong khi những người « chiến thắng trong công cuộc toàn cầu hóa” được ngồi ở nhà, thì những người phục vụ họ phải ra khỏi nhà để làm việc : nhân viên thu ngân, người giao hàng, nhân viên chăm sóc y tế, người thu gom rác, hiến binh và cảnh sát, thợ làm bánh mì. Nói một cách hình ảnh, giống như khi đi leo núi, những người làm công việc phục vụ là những người phải đi đầu để bảo đảm sự sống cho những người đi phía sau.
Trả lời phỏng vấn của báo Libération, nhà xã hội học Camille Peugny nhấn mạnh, trong nền kinh tế toàn cầu hóa, hình mẫu lý tưởng là những người có bằng cấp cao, năng động và rất có giá trên thị trường lao động, nhưng thực tế là họ chỉ có thể hoạt động khi có một « đội quân » hỗ trợ âm thầm, giúp họ trông con sau giờ học, lau dọn nhà ở … Trong số đó, không thể không nói tới những nhân viên thu ngân phải làm việc tới tận 23h. Chuyên gia về bất bình đẳng nhấn mạnh cần nhìn nhận lại về vị trí của những người làm công việc phục vụ người khác trong xã hội hiện nay.
Báo Le Monde cũng quan tâm đặc biệt và dành một bài phóng sự dài « Nước Pháp của những nhân viên thu ngân » để nói về công việc vất vả nhân viên thu ngân trong các siêu thị tại Pháp, những người phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, do hàng ngày phải tiếp xúc ở khoảng cách gần với rất đông khách hàng người, trong bối cảnh người dân lo sợ thiếu nhu yếu phẩm nên đổ xô đến các siêu thị để mua sắm.
Bất chấp nỗi sợ hãi bị nhiễm bệnh và làm lây bệnh cho cha mẹ già yếu hay con nhỏ, các nhân viên thu ngân, 90% là nữ giới, vẫn phải lao động không ngừng nghỉ trong điều kiện lao động không đủ tốt, nơi găng tay và khẩu trang làm họ vướng víu khó làm việc và cũng không đảm bảo an toàn cho họ. Le Monde ca ngợi họ là những « người lính » đang nỗ lực hết sức để xã hội được ăn uống và được sống, dù họ chưa được xã hội quan tâm nhắc đến nhiều.
Thiên nhiên là mối đe dọa khủng bố sinh học lớn nhất
Trong thời gian qua, có rất nhiều thuyết âm mưu theo đó virus corona được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Trả lời phỏng vấn của báo Le Figaro, chuyên gia nhân học xã hội Frédéric Keck, thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp CNRS, cho rằng rất khó để mọi người hiểu tại sao giới lãnh đạo y tế quốc tế phải huy động cuộc chiến chống một con virus, có thể lây lan sang người qua loài dơi và để lại những hậu quả không thể dự báo, vì người dân chưa có khả năng miễn dịch. Nhưng việc nghĩ rằng loại virus này do con người tạo ra, nhằm khơi dậy nỗi sợ hãi và bán được thuốc hay khẩu trang, thì lại dễ dàng hơn đối với dân chúng.
Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, việc tạo ra một loại virus mới có thể lây sang người khó hơn so với việc để tự nhiên tạo ra các virus mới theo cơ chế đột biến và chọn lọc ngẫu nhiên. Các chuyên gia về virus đã nói, từ hồi xảy ra cuộc khủng hoảng SARS năm 2003, “thiên nhiên là mối đe dọa khủng bố sinh học lớn nhất”.
Có một nỗi sợ hãi lớn về một cuộc chiến vi khuẩn ở Trung Quốc kể từ thời Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), khi người Mỹ sử dụng vũ khí sinh học do người Nhật sản xuất trong Đệ nhị thế chiến. Tại Hoa Kỳ, nỗi sợ hãi về một cuộc tấn công khủng bố của các loại virus, như bệnh đậu mùa hoặc bệnh than, đã tăng cao kể từ sau Chiến tranh lạnh và sau khi có tiết lộ rằng các nhà vi khuẩn học Liên Xô đã bán thông tin cho “các quốc gia bất hảo”.
Tại châu Âu, thuyết âm mưu chủ yếu nhắm vào các ngành công nghiệp dược phẩm có thế lực (GSK, Sanofi, Roche … ). Những cáo buộc về xung đột lợi ích giữa các nhà khoa học và ngành dược phẩm đã diễn ra mạnh mẽ trong chiến dịch tiêm ngừa dịch H1N1 hồi năm 2009, dẫn đến sự mất lòng tin nghiêm trọng và kéo dài về việc tiêm phòng bệnh. Ở Châu Phi, có tin đồn virus HIV và Ebola là do người Mỹ tạo ra để giảm dân số tại châu lục này. Cũng có giả thuyết ở Hoa Kỳ cho rằng virus HIV được phát minh để nhắm vào người đồng tính nam.
Nhà khoa học của CNRS kết luận thuyết hành động có chủ ý thường dễ hiểu hơn các là kiến thức về cơ chế của sinh thái, tự nhiên.
Tin tổng hợp
(REUTERS) - Huy động công nghệ in 3 chiều (3D) sản xuất khẩu trang và máy trợ thở phục vụ chống dịch.
Trước tình trạng thiếu thốn khẩu trang và máy trợ thở ở khắp châu Âu, các hãng xe hơi Pháp Renault và PSA đã huy động công nghệ in 3 chiều để góp phần đẩy nhanh tốc độ sản xuất các mặt hàng y tế cực kỳ cần thiết để chống dịch Covid-19. Chi nhánh Renault tại Tây Ban Nha đã cho đặt khoảng 2 chục máy in 3D và các thanh nhựa làm khuôn mẫu để các nhân viên của mình có thể dùng để chế khẩu trang và phân phát cho các cơ sở y tế có nhu cầu khẩn cấp. Hãng PSA cũng đã có chương trình sản xuất khẩu trang bằng máy in 3D. Hãng này đã tặng 335 nghìn khẩu trang cho các bệnh viện, sở cảnh sát và các trại lính.
(Le Monde) - Tổng thống Brazil từ chối phong tỏa vì sợ làm suy sụp kinh tế.
Hôm qua, 24/03/2020, ông Jair Bolsonaro đã bãi bỏ các biện pháp phong tỏa dân cư đã được nhiều bang và các thành phố ở Brazil ban hành nhằm đối phó với đà lây lan của virus corona. Lãnh đạo Brazil biện minh rằng chính sách phong tỏa sẽ dẫn đến tàn phá nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ Latin. Ngay từ đầu, ông Bolsonaro luôn tỏ coi nhẹ nguy cơ của đại dịch Covid-19, hiện đã làm hơn 18 nghìn người chết và buộc 1/3 dân cư toàn cầu sống trong cảnh phong tỏa.
(AFP) – Động đất ngoài khơi quần quần đảo Kuril.
Động đất với cường độ 7,5 xảy ra trong đêm 24 rạng sáng 25/03/2020 ngoài khơi quần đảo Kuril, cực bắc đảo Hokkaido nước Nhật. Theo viện Vật Lý Điạ Cầu của Mỹ USGS, tâm chấn nằm sâu 59 km. Rất may là không có sóng thần như mọi người lo ngại . Quần đảo Kuril bị Liên xô đánh chiếm vào lúc Thế Chiến Hai sắp kết thúc và cho đến nay là điểm nóng trong tranh chấp Nga Nhật.
(Reuters) – Covid-19: Air Liquide tăng tốc sản xuất máy hô hấp.
Điểm tin thế giới sáng 25/3:
Ông Trump hi vọng
Mỹ mở cửa trở lại vào dịp lễ Phục sinh
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Tư (25/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ông Trump hi vọng Mỹ mở cửa trở lại vào dịp lễ Phục sinh
Tổng thống Trump, hôm thứ Ba (24/3), nói rằng ông hi vọng Hoa Kỳ sẽ mở cửa trở lại vào dịp lễ Phục sinh, tức vào ngày 12/4 tới đây, sau quãng thời gian đóng cửa để làm giảm sự lây lan của virus Vũ Hán, theo AP.
“Tôi rất muốn mở cửa đất nước và mong điều đó diễn ra trước lễ Phục sinh”, ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình của Fox News.
G-20 họp trực tuyến bàn vấn đề liên quan tới virus Vũ Hán
Các nhà lãnh đạo của nhóm các nền kinh tế lớn G-20 sẽ tham gia một cuộc họp video vào thứ Năm (26/3) để thảo luận về các vấn đề liên quan tới dịch viêm phổi Vũ Hán, trong bối cảnh có nhiều chỉ trích rằng nhóm này đã phản ứng chậm đối với đại dịch toàn cầu, theo Reuters.
Vua Salman, 84 tuổi, của Ả Rập Xê Út sẽ chủ trì cuộc họp này. Cuộc họp được tổ chức bao gồm mục tiêu thúc đẩy sự phối hợp toàn câu nhằm phản ứng với đại dịch COVID-19 và bàn về các tác động kinh tế do đại dịch này gây ra.
Reuters dự báo, hội nghị G-20 lần này có thể sẽ diễn ra căng thẳng khi nhiều thành viên của nhóm đang có những tranh chấp, như cuộc chiến giá dầu đang xảy ra giữa Ả Rập Xê Út và Nga, hay cuộc “đấu khẩu” về nguồn gốc của virus Vũ Hán giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ai Cập giới nghiêm trong hai tuần để chống virus Vũ Hán
Chính phủ Ai Cập đã thông báo về lệnh giới nghiêm từ 7 giờ tối đến 6 giờ sáng trong hai tuần kể từ thứ Tư (25/3) để ngăn chặn sự lây lan của virus Vũ Hán và những người vi phạm lệnh này sẽ bị trừng phạt theo luật khẩn cấp, Reuters đưa tin.
Việc đóng cửa các trường học ở Ai Cập cũng sẽ được kéo dài đến giữa tháng 4, trong khi các quán cà phê, câu lạc bộ thể thao, phòng tập thể dục sẽ đóng cửa trong hai tuần tới, đồng thời các nhà hàng sẽ bị hạn chế việc giao hàng. Ai Cập đã cho ngưng các chuyến bay từ ngày 19/3 cho đến cuối tháng. Theo thống báo mới, việc cấm bay tiếp tục được nới thêm cho tới 15/4.
Theo Worldometers, tính tới hết ngày 24/3, Ai Cập có 402 người nhiễm căn bệnh độc và 20 người chết.
Ấn Độ phong tỏa 1,3 tỷ dân trong 21 ngày
Chính phủ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ nửa đêm hôm qua nhằm ngăn virus gây dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan.
“Từ 0h đêm nay, toàn bộ đất nước sẽ bị phong tỏa hoàn toàn nhằm ngăn người dân ra khỏi nhà”, Thủ tướng Modi phát biểu trên truyền hình tối qua, nói thêm rằng lệnh phong tỏa hoàn toàn với 1,3 tỷ dân Ấn Độ sẽ có hiệu lực trong 21 ngày.
Chống COVID-19, Mexico đề nghị người dân giữ khoảng cách
Thứ trưởng Bộ Y tế Mexico hôm thứ Ba (24/3), trong một sự kiện, đã kêu gọi người dân áp dụng biện pháp giữ khoảng cách để tránh lây nhiễm nCoV. Tuy nhiên nhiều thành viên chính phủ Mexico trên sân khấu chật chội tại sự kiện này dường như không thực hiện được yêu cầu rằng mọi người cần đứng cách nhau ít nhất 1,5 mét để hạn chế lây nhiễm virus Vũ Hán, theo Reuters.
Tại sự kiện hôm thứ Ba, Thứ trưởng Bộ Y tế Hugo Lopez-Gatell cho biết Mexico đã chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm virus trong nội bộ cộng đồng, tức không phải các trường hợp bị nhiễm bệnh từ nước ngoài về, vì thế chính phủ đang đẩy mạnh các biện pháp giảm thiểu lây nhiễm, bắt đầu bằng việc cho ngưng các sự kiện lớn tập trung đông người.
Mexico, tính tới hết ngày 23/4, có 367 trường hợp nhiễm COVID-19 và 4 trường hợp tử vong, nhưng đất nước Trung Mỹ này đang chuẩn bị cho sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm mới virus Vũ Hán trong những tuần tới.
Nigeria: Hàng chục binh sĩ thiệt mạng sau khi bị phục kích
Khoảng 70 binh sĩ Nigeria đã thiệt mạng trong một cuộc phục kích của một nhóm phiến quân Hồi giáo ở bang Borno, các nguồn tin quân sự và an ninh nói với Reuters hôm thứ Ba (24/3).
Các nguồn tin nói rằng những kẻ tấn công đã sử dụng các vũ khí hạng nặng trong cuộc tấn công ở làng Gorgi vào tối thứ Hai. Phát ngôn viên của quân đội Nigeria, ông Sagir Musa, xác nhận có cuộc tấn công này.
Hiện chưa rõ lực lượng nào thực hiện cuộc phục kích. Ở khu vực xảy ra vụ việc có hai nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan đang hoạt động, một nhóm trong đó là các tay súng có liên hệ với IS, nhóm còn lại là các tay súng thuộc lực lượng Boko Haram.
Điểm tin thế giới chiều 25/3:
Mỹ đạt thỏa thuận gói cứu trợ 2.000 tỷ USD
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Tư (25/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Mỹ đạt thỏa thuận gói cứu trợ 2.000 tỷ USD
AFP đưa tin, các nhà lập pháp hàng đầu nước Mỹ vào đầu ngày 25/3 cho biết Nhà Trắng và Thượng viện đã đạt được thỏa thuận về một gói cứu trợ kinh tế trị giá khoảng 2.000 tỷ USD sau nhiều ngày đàm phán.
“Cuối cùng, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận”, lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cho biết, và nói thêm “mức đầu tư thời chiến khổng lồ” đã đạt được sau 5 ngày đàm phán căng thẳng.
“Chúng tôi đạt được một thỏa thuận lưỡng đảng về gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer nói ngay sau khi ông McConnell phát biểu.
Theo Reuters, trong gói cứu trợ trị giá 2.000 tỷ USD, 500 tỷ USD sẽ được trích ra để hỗ trợ các ngành kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, khoảng 250 tỷ USD dành để hỗ trợ tiền mặt trực tiếp lên đến 3.000 USD/hộ cho hàng triệu hộ gia đình ở Mỹ, 350 tỷ USD cho chương trình hỗ trợ cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ, 250 tỷ USD hỗ trợ người thất nghiệp và 130 tỷ USD cho các bệnh viện, 150 tỷ USD hỗ trợ các chính quyền địa phương ứng phó dịch.
Thái Lan ghi nhận thêm 109 ca nhiễm virus Vũ Hán
Thái Lan hôm nay ghi nhận thêm 109 trường hợp nhiễm virus Vũ Hán, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 934, trong đó 4 người đã tử vong.
Taweesin Wisanuyothin, phát ngôn viên của Bộ Y tế Công cộng Thái Lan cho biết trong các ca nhiễm mới, 27 người liên quan tới những ca bệnh cũ, 13 ca mới được phát hiện bao gồm cả những ca “ngoại nhập”. 67 người còn lại đang đợi kết quả điều tra về nguồn gốc lây nhiễm.
Hàng nghìn người kẹt trên ba du thuyền ngoài khơi Úc
AFP đưa tin, hàng nghìn khách trên ba du thuyền Artania, Magnifica và Vasco de Gama mắc kẹt ngoài khơi Úc vì giới chức không cho cập cảng để tránh lặp lại thảm họa du thuyền liên quan đến virus Vũ Hán.
Hai du thuyền Artania và Magnifica đang neo đậu ngoài khơi cảng Fremantle của bang Tây Úc và chiếc thứ ba Vasco de Gama, đang trên đường đi.
“Không có chuyện chúng tôi sẽ cho phép hành khách hoặc thủy thủ đoàn đi lang thang trên đường phố trong bang của chúng tôi”, thủ hiến Tây Australia, Mark McGowan nói với truyền thông hôm nay.
Một loạt các ca nhiễm ở Úc có liên quan tới tàu du lịch tới quốc gia này.
Dân quân Kurd kêu gọi ngừng bắn để chống virus Vũ Hán
Theo bản tin ngày 24/3 của TASS, các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là dân quân người Kurd đề xuất chấm dứt giao tranh khi virus Vũ Hán đã xuất hiện ở Syria.
“Các chỉ huy SDF đề xuất mọi phe phái tại Syria ngừng xung đột theo sáng kiến của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Chúng tôi hy vọng lệnh ngừng bắn nhân đạo này sẽ mở đường cho đối thoại và tiến trình chính trị nhằm kết thúc chiến tranh trên lãnh thổ Syria”, đài truyền hình Al-Hadath của SDF ra thông cáo cho biết.
Tổng thư ký Guterres hôm 23/3 kêu gọi cộng đồng quốc tế chấm dứt mọi xung đột vũ trang trên thế giới để tập trung đối phó đại dịch viêm phổi Vũ Hán.