Quan hệ Âu – Mỹ thời Joe Biden sẽ khác và thú vị hơn? – Thùy Dương
Le Monde tập trung chủ yếu vào thời sự trong nước, đặc biệt là về các biện pháp nới lỏng phong tỏa mà tổng thống Macron đã thông báo trong bài phát biểu trên truyền hình tối 24/11/2020, những thách thức mà nhà nước Pháp phải đối mặt trong thời gian tới, cũng như dự luật « an ninh toàn diện » hiện đang gây nhiều tranh cãi tại Pháp.
Tuy nhiên, Le Monde lại dành mục thời luận cho chính sách ngoại giao trong tương lai của nước Mỹ dưới thời tổng thống Joe Biden với châu Âu. Đối với cây bút chuyên luận Sylvie Kauffmann, Joe Biden có thể là tổng thống Mỹ thân châu Âu nhất, nhưng có lẽ Biden sẽ không thể quan tâm đến các vấn đề của châu Âu bởi ông có quá nhiều việc phải lo.
Chuyến công du châu Âu lần gần đây nhất của Joe Biden là vào tháng 02/2019. Tại Hội nghị An ninh Munich, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã thúc giục các nước châu Âu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran như Mỹ đã làm. Phát biểu sau Mike Pence, Joe Biden đã cố trấn an các quan chức châu Âu. Cựu phó tổng thống Mỹ thời Obama hứa « Rồi điều đó cũng sẽ trôi qua thôi. Chúng tôi sẽ trở lại ! » Châu Âu khi đó tỏ ra không mấy quan tâm.
Sự hiện diện của Donald Trump tại Nhà Trắng đã khiến châu Âu chìm vào một cơn ác mộng chiến lược thực sự. Qua nhiều giai đoạn hoài nghi, cuối cùng châu Âu cũng nhận ra thực tế : Mỹ đã rời xa châu Âu và chỉ quan tâm đến một số chính quyền dân túy. Nhưng Joe Biden đã giữ lời hứa : Ông ấy đang trở lại. Khi nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20/01/2021, Biden sẽ là tổng thống Mỹ giàu kinh nghiệm nhất về quan hệ quốc tế kể từ thời George Bush cha. Không chỉ vậy, nhìn từ châu Âu, đội ngũ lãnh đạo đối ngoại mà ông Biden công bố hôm 23/11, là « đội hình trong mơ ». Chẳng hạn, Tony Blinken, người được chọn làm lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ, lớn lên ở Paris và quen thuộc với châu Âu.
Thế nhưng liệu điều đó sẽ mang lại phép màu cho châu Âu hay chỉ là ảo ảnh ? Cây bút thời luận của Le Monde nhấn mạnh cần khẩn trương giúp những người châu Âu tin rằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ trở lại như ban đầu, thoát ra khỏi những suy nghĩ ngây ngô đó. Các cuộc đối thoại trực tuyến mạnh mẽ trong ba tuần qua giữa các chuyên gia châu Âu và Mỹ về tương lai quan hệ đôi bên đã tiết lộ hai điều : tương lai này sẽ khác và sẽ có nhiều điều thú vị hơn.
Khác bởi vì thế giới đã thay đổi, không chỉ từ khi Trump lên nắm quyền : xu hướng bài toàn cầu hóa, sự vươn lên khẳng định của Trung Quốc, sức mạnh của công nghệ, sự trỗi dậy của các chế độ toàn trị. Ngoài ra, cũng phải nói đến hậu quả của đại dịch Covid-19.
Một số nhân vật trong chiến dịch tranh cử của phe Dân Chủ và chắc chắn nằm trong chính quyền Biden, không giấu giếm là ưu tiên hàng đầu của họ sẽ là kiểm soát được đại dịch và vực dậy nền kinh tế Mỹ. Họ ý thức được là việc dân Mỹ bị chia rẽ nặng nề sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn, họ cũng ý thức được hình ảnh nền dân chủ Mỹ đã xấu đi. Cố vấn an ninh quốc gia tương lai Jake Sullivan chủ trương chính sách đối ngoại có lợi cho tầng lớp trung lưu Mỹ.
Một nhân vật khác dự đoán chính quyền Biden sẽ dành 80% sức lực cho chính trị trong nước và 20% cho quan hệ đối ngoại. Trong số 20% đó, Trung Quốc sẽ chiếm phần chính. Vậy thì còn lại bao nhiêu cho các đồng minh châu Âu của Mỹ ?
Tổng thống Biden sẽ biết cách chữa lành vết thương mà Trump để lại. Ông Biden cũng sẽ đưa Washington trở lại cuộc chơi đa phương vốn rất quan trọng, trong bối cảnh thế giới đang đối đầu với những thách thức lớn về khí hậu và sức khỏe, y tế. Biden cũng sẽ tìm cách hồi sinh cuộc đấu tranh cho các giá trị dân chủ chung, vốn đã chịu nhiều tổn hại. Nhưng phần còn lại là nhiệm vụ của châu Âu. Đó chính là điều thú vị.
Châu Âu muốn tự chủ hơn chăng ? Điều đó là tốt và đúng ý chính quyền Mỹ : Phải quan tâm nhiều đến châu Á, chính quyền Biden sẽ không còn nhiều thời gian và phương tiện cho các cuộc xung đột ở cửa ngõ châu Âu : từ Balkan đến Caucase, từ không gian hậu Xô Viết đến đông Địa Trung Hải, từ châu Phi đến Trung Đông … Châu Âu cũng phải đề phòng khả năng kỳ bầu cử tổng thống trong 4 năm tới sẽ lại làm Mỹ thay đổi chính sách.
Nhà báo Sylvie Kauffmann kết luận để bảo vệ lợi ích và đảm đương trách nhiệm, châu Âu cần có những đề xuất và đặc biệt là phải vượt qua sự chia rẽ nội bộ. Cả Mỹ và châu Âu đều đang có « một cơ hội », « một cơ may độc nhất vô nhị » : Tái tạo mối quan hệ Âu-Mỹ trong một thế giới khác, kể cả bằng cách hợp tác để đối phó với Trung Quốc. Chưa biết liệu Âu-Mỹ có giành được thắng lợi hay không, nhưng đó là điều nên thử !
Sức mạnh nền dân chủ Mỹ
Cũng quan tâm đến nước Mỹ, báo công giáo La Croix giới thiệu bài xã luận « Ánh sáng ở phía Tây ». Nước Mỹ đang sang trang mới. Các bang lần lượt chính thức xác nhận kết quả kiểm phiếu. Khả năng phe Donald Trump lật ngược thế cờ pháp lý dường như không còn, khó có điều gì có thể cản trở các đại cử tri bầu cho Joe Biden vào ngày 14/12, nhất là khi tổng thống mãn nhiệm đã bất ngờ cho phép khởi động tiến trình chuyển tiếp quyền lực, cho dù ông Trump không thừa nhận thất bại.
Đối với La Croix, nền dân chủ Mỹ đã chứng tỏ có năng lực thực sự để chống đỡ trước những cám dỗ quyền lực cá nhân. Trước mùa hè, quân đội Mỹ cũng đã có cơ hội để cho thấy họ biết cách giữ khoảng cách với Donald Trump. Lần này, chính các thẩm phán, dân biểu địa phương, thường là các dân biểu Cộng hòa, là những người đã đặt lợi ích của đất nước lên trên hết.
Điều chính quyền Biden cần làm là thuyết phục được hàng chục triệu công dân hiện vẫn còn nghĩ rằng chiến thắng của Donald Trump đã bị Biden đánh cắp. Điều này đặt cho Joe Biden một nhiệm vụ khó khăn phía trước. Tuy nhiên, ông Biden cũng tiếp cận nhiệm vụ khó khăn đó với một tinh thần tích cực. Vị tổng thống tân cử tuyên bố « Tôi muốn đất nước này đoàn kết » và cam kết nối lại các cuộc thảo luận quốc tế, đặc biệt là về đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, La Croix cảnh báo điều đó không có nghĩa là mọi thứ sẽ diễn ra trong tình hữu nghị.
Thái Lan : Quân đội chuẩn bị sẵn sàng trấn áp phong trào đấu tranh
Nhìn sang châu Á, La Croix quan tâm đến phong trào biểu tình đòi cải tổ chế độ quân chủ Thái Lan. Ngày hôm qua, nhiều chục ngàn người đã tập trung ở khu phía bắc thủ đô Bangkok, trước trụ sở Ngân hàng thương mại Siam (BCS), một trong những nhà băng lớn nhất Thái Lan và quốc vương là một trong những cổ đông chính.
La Croix trích dẫn một nhà giảng dạy nghiên cứu về lịch sử tài chính của nền quân chủ Thái Lan từ thế kỷ XIX đến nay, theo đó Ngân hàng thương mại Siam, ngân hàng đầu tiên của vương quốc Thái Lan, được thành lập từ năm 1907, là tâm điểm của mọi bi kịch của đất nước này. BCS nằm trong khối tài sản khổng lồ mà hoàng gia Thái tích lũy được từ nhiều thập kỷ qua và một phần có được nhờ các khoản thuế dân chúng đóng góp.
Nhưng lần này, theo ông Pavin Chachavalpongpun, một người Thái Lan tị nạn chính trị tại Nhật, giảng viên Trung tâm nghiên cứu về Đông Nam Á tại Kyoto, chính sự minh bạch của Cục Quản lý Tài sản Hoàng gia (CPB) mới là đích nhắm công khai của người biểu tình. Trước đây, cơ quan này nằm dưới sự kiểm soát của bộ Tài Chính Thái Lan và có sự phân tách rõ ràng giữa tài sản của nhà vua và tài sản của Nhà nước. Thế nhưng, sau khi Maha Vajiralongkorn lên ngôi, quốc vương đã cho thông qua một đạo luật với sự ủng hộ của thủ tướng Chan-O-Cha, cho phép mọi tài sản quốc gia nằm dưới quyền sở hữu và quản lý kín đáo của ông.
Giờ đây, người biểu tình không chỉ đòi thủ tướng Chan-O-Cha từ chức, đòi Quốc Hội sửa đổi Hiến Pháp và hoàng gia phải cải tổ, mà còn đòi xóa bỏ đạo luật cho phép nhà vua thâu tóm mọi tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện giờ mọi đòi hỏi của phong trào đấu tranh Thái Lan vẫn chưa được hồi đáp.
Một số nhà quan sát nhấn mạnh phong trào khản kháng đang chịu nhiều sức ép, chính quyền có thể sử dụng vũ lực bất cứ lúc nào, các cơ quan tình báo đang được đặt trong tình trạng báo động và quân đội đang chuẩn bị trấn áp người biểu tình, và nếu bạo lực nổ ra, họ sẽ đòi cho áp dụng luật khi quân và chứng minh là có đảo chính.
Châu Âu và chiến lược tự chủ về dược phẩm
Về thời sự châu Âu, báo kinh tế Les Echos quan tâm đến chiến lược của Ủy ban châu Âu nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm thuốc men.
Khi virus corona bùng phát từ Trung Quốc và lan sang châu Âu, các bệnh viện và công dân châu Âu cay đắng nhận ra rằng họ không thể tự chủ về khẩu trang, phương tiện xét nghiệm, thậm chí hoạt chất Paracetamol cũng phải nhập của Trung Quốc và Ấn Độ. Từ bài học kinh nghiệm đau thương này, Ủy Ban Châu Âu đã nhận ra rằng Liên Âu phải phát huy các nguồn lực riêng của mình để đảm bảo nhu cầu dược phẩm. Hôm qua, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu giới thiệu « chiến lược dược phẩm cho châu Âu », cho phép mọi công dân được chăm sóc y tế an toàn và được cung cấp các loại thuốc có chất lượng với giá phải chăng.
Thế nhưng, theo Les Echos, hiện giờ vẫn rất khó dự báo là mục tiêu châu Âu giảm lệ thuộc về dược phẩm vào các nước ngoài khối sẽ kéo theo những khoản đầu tư lớn và tái dịch chuyển sản xuất về châu Âu hay đơn giản chỉ là châu Âu đa dạng hóa sản xuất và thành lập kho dự trữ chiến lược.
Huyền thoại Maradona, khoảng sáng và bóng tối
Trong khi đa phần các báo Pháp hôm nay vẫn tập trung vào tình hình trong nước trên nhiều lĩnh vực, như giảm nhẹ các biện pháp hạn chế phòng dịch, tranh luận về biện pháp cách ly bệnh nhân Covid, làm cách nào để củng cố niềm tin của dân chúng vào vac-xin, thương mại hóa mạng 5G tại Pháp … thì báo Libération lại dành cả trang nhất và gần chục trang bài cho huyền thoại Maradona, người vừa qua đời ở tuổi 60 tại Buenos Aires.
Không chỉ nói về cuộc đời, sự nghiệp của Maradona, với những khoảng sáng, bóng tối … Libération còn dành nhiều bài viết giới thiệu các sắc thái tình cảm mà công chúng dành cho « cậu bé vàng » – « vị thánh sống » Maradona. Mục thể thao của Le Figaro cũng dành để vinh danh Maradona : huyền thoại từ một cậu bé ở khu ổ chuột vươn lên thành ông vua bóng đá, một huyền thoại không chỉ có thành công, mà còn trải qua những cảnh khốn cùng, những vết thương, ma túy, những vụ tai tiếng …
Tin tổng hợp
(AFP & Le Monde) – Iran thả một nhà nghiên cứu phương Tây để đối lấy 3 công dân bị giam ở Thái Lan.
Nhà nghiên cứu chuyên về Trung Đông mang hai quốc tịch Úc và Anh, bà Kylie Moore-Gilbert, 33 tuổi, đã được Teheran trả tự do hôm qua 25/11/2020 sau 800 ngày bị giam giữ vì cáo buộc làm gián điệp cho Israel. Đổi lại, ba công dân Iran có liên can đến vụ ám sát hụt các nhà ngoại giao Israel ở Thái Lan năm 2012 đã được thả. Ba người này ra đi với lá cờ Iran trên vai, hô vang những câu ca ngợi Thượng Đế và Mahomet, còn bà Moore-Gilbert đầy vẻ ưu tư, mang khăn choàng Hồi giáo, có nữ đại sứ Úc tại Iran đi kèm. Bà bày tỏ sự cay đắng vì « đến Iran với những ý định tốt đẹp », nhưng lại bị lãnh án 10 năm tù.
(Figaro) – Mạng 5G bắt đầu được triển khai tại Pháp.
Sau khi nhà mạng SFR tung ra gói cước 5G cho điện thoại di động tại Nice hôm 20/11, đến lượt Orange hôm nay 26/11/2020 theo chân với mục tiêu phủ sóng trên 160 địa phương từ nay cho đến cuối năm, là mạng lưới 5G rộng nhất hiện nay. Về phía Bouygues Telecom ấn định ngày ra mắt mạng 5G là 01/12, còn Free, như thường lệ, chờ đến phút chót mới thông báo. Riêng Paris tình hình vẫn chưa ngã ngũ. Các cuộc tranh cãi về việc sử dụng mạng 5G vẫn kéo dài. Để sử dụng công nghệ mới này cần phải cư ngụ trong vùng phủ sóng và sở hữu smartphone tương thích, hiện nay có khoảng 30 loại trên thị trường Pháp.
(AFP) – Qatar tố cáo Bahrein vi phạm chủ quyền trên biển.
Bộ Nội Vụ Qatar hôm qua 25/11/2020 tố cáo hai chiếc tàu của Bahrein đã vi phạm lãnh hải nước mình. Về phía Bahrein nói rằng hai tàu do lực lượng tuần duyên sử dụng đã bị chặn trái phép, một thuyền trưởng báo cáo vì máy hư nên trôi dạt đến Qatar. Đây là sự kiện hiếm hoi vì Bahrein, Ả Rập Xê Út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Ai Cập đã cấm vận Qatar cả trên không, trên biển và trên bộ từ tháng 6/2017 vì cho rằng Doha thân thiết với Iran và các nhóm Hồi giáo cực đoan, không có tàu nào được đi vào vùng biển Qatar.
(AFP/RFI) – Cam Bốt: 120 nhà đối lập ra tòa, Liên Hiệp Quốc lo ngại.
Một vụ án chính trị xét xử 120 nhà đối lập bắt đầu từ thứ Năm 26/11/2020 tại Phnom Penh. Nhiều bị cáo có liên quan đến đảng Cứu Nguy dân Tộc của ông Sam Rainsy, đối thủ của thủ tướng Hun Sen, lưu vong tại Pháp từ năm 2015, để tránh bản án tù mà ông cho là dàn dựng. Trong số bị cáo, có Theary Seng, một trong những người hoạt động thiện nguyện bị cáo buộc « âm mưu tạo phản ». Trả lời phỏng vấn RFI, bà Theary Seng, cho biết « đây là một trò dàn dựng ». Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc Rhona Smith tố cáo vụ án « vì động cơ chính trị, vi phạm nhân quyền, không đặt trên một cơ sở pháp lý rõ ràng ».
(Reuters) – Kinh tế Anh « tồi tệ » nhất từ 300 năm qua.
Thông báo ngân sách cho năm 2021 bộ trưởng Tài chính Anh, Rishi Sunak cho biết Luân Đôn phải đi vay gần 400 tỷ bảng Anh vào năm tới để đối mặt với khủng hoảng kinh tế Covid-19 gây nên. GDP dự trù giảm hơn 11 % đây là mức « tệ hại » nhất từ đầu thế kỷ 18. Một trong những hậu quả kèm theo từ tình trạng ảm đạm này là chính phủ « buộc lòng phải cắt giảm các khoản viện trợ phát triển » dành cho các nước nghèo.
(AFP) – Tập đoàn Disney dự trù sa thải 32.000 nhân viên tại các khu trung tâm giải trí.
Trong thông cáo ngày 26/11/2020 ban giám đốc Disney cho biết dịch Covid-19 cướp đi công việc làm của 32.000 nhân viên trong những tháng sắp tới. Tháng 9/2020 công ty mẹ đã thông báo cho 28.000 nhân viên nghỉ việc tại các trung tâm giải trí ở Mỹ. Chỉ riêng trong tháng 11/2020 Disney thua lỗ 710 triệu đô la trên thị trường Hoa Kỳ vì virus corona.
(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ kết án tù 337 người vì vụ đảo chính hụt hồi năm 2016.
Hình phạt vừa được một tòa án tại Ankara đưa ra vào hôm 26/11/2020. Trong số những người này có nhiều tướng lĩnh Kkông Quân. Một số bị lãnh án chung thân.
Điểm tin thế giới 26/11:
Sắp có ‘Tuần hành cho Trump’ vào tháng 12; Thợ sửa máy tính xách tay của Hunter Biden mất tích
Lục Du
Hôm nay, thứ Năm (26/11), mục Điểm tin thế giới của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ông Lin Wood có tweet ám chỉ mối quan hệ giữa Biden và ĐCSTQ. Luật sư trong nhóm pháp lý của Tổng thống Trump hôm 25/11 đã đăng tải một tweet với nội dung sau: “Các phương tiện truyền thông xã hội chủ nghĩa và dòng chính là vũ khí tuyên truyền của các phần tử xấu thuộc bên thứ 3 [ĐCSTQ] muốn lật đổ Tổng thống được bầu hợp lệ. Họ là Bậc thầy lừa dối. Họ tuyên bố @realDonaldTrump thua và bây giờ sẽ cố gắng thực hiện một cuộc đảo chính. [Cần] hiểu rằng: [Tổng thống] Trump đã thắng, Biden và các đồng chí của ông ta giờ sẽ cố gắng đảo chính”. Bên dưới tweet của ông Wood có bức hình ông Tập Cận Bình đang “kéo cổ” ông Joe Biden.
Tập Cận Bình chúc mừng tổng thống ‘truyền thông’ Joe Biden. Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình ngày 25/11 đã chúc mừng ông Joe Biden và bày tỏ mong muốn “hợp tác cùng có lợi” trong bối cảnh Mỹ – Trung xung đột về thương mại, công nghệ và an ninh. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cho biết, trong bức điện chúc mừng, Tập nói với Biden rằng các mối quan hệ “lành mạnh và ổn định” là “kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế” (Chi tiết).
Truyền thông và ông Biden công khai cấu kết đánh cắp bầu cử Mỹ. Đó là đánh giá của Tucker Carlson, người dẫn chương trình nổi tiếng trên Fox News. Tối 23/11, ông Carlson cho biết cái gọi là những gã khổng lồ công nghệ và truyền thông dòng chính ở Mỹ đều nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Dân chủ, bầu cử lần này bị thao túng là kết quả của “sự thông đồng công khai giữa truyền thông và ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ [Joe Biden]”.
Đội ngũ của Biden ‘sống trong thế giới giả tưởng’. Đây là nhận xét của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 24/11. Quan chức ngoại giao hàng đầu của chính quyền Trump cho rằng những nhân vật mà ông Bien lựa chọn cho các vị trí trong nội các của mình (trong trường hợp ứng viên Dân chủ thắng cử) đều là những người có cách nhìn không thực tế đối với tình hình nước Mỹ.
Thợ sửa máy tính xách tay của Hunter Biden mất tích. John Paul Mac Isaac, chủ cửa hàng sửa chữa máy tính tại thành phố Wilmington, tiểu bang Delaware, người giao một bản sao ổ cứng của Hunter
Biden cho luật sư Rudy Giuliani, đã đóng cửa hàng sửa máy tính của mình và rời bỏ thành phố. Hiện người ta chưa biết Isaac ở đâu. Bản sao dữ liệu mà Isaac chuyển cho luật sư Giuliani được cho là chứa nhiều nội dung nhạy cảm, bao gồm các giao dịch trái pháp luật và mối quan hệ mờ ám của cha con ông Biden với ĐCSTQ.
Hoàng Chi Phong bị biệt giam, nghi có dị vật trong bụng. Quản trị viên mạng xã hội của Hoàng Chi Phong cho biết điều này trên Facebook vào đêm 24/11, nói rằng nhà hoạt động trẻ tuổi bị biệt giam tại khu y tế của Trung tâm Giam giữ Lai Chi Kok và phim chụp X-quang của Hoàng cho thấy một “dị vật trong bụng”.
Anh đề xuất dự luật: Dùng thiết bị Huawei phạt 100.000 bảng mỗi ngày. Đây là dự luật được chính phủ Anh đưa ra vào ngày 24/11. Chính phủ Anh cũng đã mở một trang web cùng ngày để cảnh báo các công ty kỹ thuật số và công nghệ nước này về những rủi ro đạo đức, pháp lý và thương mại mà họ có thể gặp phải khi mở rộng thị trường sang Trung Quốc và tiếp nhận đầu tư từ nước này.
Huyền thoại bóng đá Diego Maradona qua đời. Ông ra đi ở tuổi 60 vì đột quỵ tại nhà riêng vào tối 25/11 (giờ địa phương). Hai tuần trước, ông Maradona được phẫu thuật để loại bỏ những cục máu đông trong não. Ông xuất viện hôm 11/11 nhưng vẫn được chăm sóc và theo dõi hàng ngày. Liên đoàn Bóng đá Argentina đã xác nhận thông tin này trên trang chủ của mình.
Sẽ có một cuộc ‘Tuần hành cho Trump’ vào tháng 12. Các nhà tổ chức cho biết cuộc tuần hành lần ngày sẽ được tiến hành vào ngày 12/12 và dự kiến sẽ có nhiều người hơn nữa tham gia so với những cuộc tuần hành trong tháng 11. Thời điểm cuộc tuần hành này diễn ra rất quan trọng khi hai ngày sau đó, ngày 14/12, cử tri đoàn tại các tiểu bang sẽ bỏ phiếu để bầu tổng thống.
Tạp chí tiêu điểm
75 năm sau phiên tòa Nuremberg : Tòa án Hình sự Quốc tế, di sản kế thừa vẫn chưa hoàn chỉnh
Minh Anh
Ngày 20/11/1945, tòa án quân sự quốc tế bắt đầu xét xử một số lãnh đạo cao cấp chế độ Đức Quốc Xã. Lần đầu tiên trong lịch sử, những tội ác chiến tranh, tội ác chống hòa bình và tội ác chống nhân loại được đưa ra xét xử trước một tòa án quốc tế. Sự kiện đánh dấu cột mốc cho sự hình thành Tòa án Hình sự Quốc tế – CPI sau này.
« Mong rằng bốn nước đại cường thắng trận nhưng cũng chịu nhiều thương tổn không có hành động báo thù đối với những kẻ thù tù binh của họ, đây là một trong những vật cống quan trọng nhất mà một cường quốc chẳng bao giờ phải trả cho lẽ phải ». Bằng những lời lẽ trang trọng này, chưởng lý Robert H. Jackson, thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Mỹ, đã khai mạc phiên xử.
Một phiên tòa chưa từng có
Định mệnh trớ trêu, tòa án quốc tế được thành lập tại Cung điện Công lý tráng lệ của thành phố Nuremberg, thành trì đế chế cổ, và thành phố biểu tượng của chủ nghĩa phát xít. Chính tại nơi đây, Hitler thường tổ chức các cuộc tập hợp và ban hành các đạo luật chống người Do Thái năm 1935.
Trong lịch sử ngành luật, Nuremberg được xem như là một phiên tòa ngoại hạng. Hai mươi bốn nhân vật lãnh đạo cao cấp của Đức Quốc Xã ngồi ghế bị cáo. Mười tháng xử án, với gần 3.000 tấn tài liệu, 6.600 mẫu vật chứng và hàng trăm nhân chứng.
Phiên xử quy tụ hơn 400 nhà báo, hàng trăm thông dịch viên để chuyển ngữ các cuộc tranh luận theo 4 thứ tiếng và một biên bản nghe luận dầy 16.000 trang. Sau 218 ngày tranh cãi, phiên tòa kết thúc vào ngày 01/10/1946 với 12 bản án tử hình, ba lệnh tha bổng và 7 án tù đi từ 10 năm đến chung thân.
Ông Matthias Gemahlich, tiến sĩ về sử học trên tờ Deutsch Well của Đức, nhắc lại rằng ý định lập một tòa án quân sự đặc biệt xét xử những hành động bạo tàn của các lãnh đạo và quân nhân Đức Quốc Xã, đã được bốn nước đồng minh là Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh và Pháp bàn thảo ngay từ năm 1943. « Bốn cường quốc đồng minh này đã đạt được một đồng thuận sao cho có được một tòa án quốc tế, một cơ quan có thẩm quyền để xét xử các nhà lãnh đạo, các đại diện và các quan chức cao cấp của Đức Quốc Xã. »
Phiên tòa khai mạc nhưng vắng bóng Adolf Hitler, đã tự sát vì không muốn rơi vào tay Đồng Minh. Nhưng trên ghế bị cáo, vẫn còn có Hermann Goring – nhân vật số 2 của chế độ Đức Quốc Xã, Rudolph Hess, Hans Frank hay Robert Ley, những nhân vật cao cấp.
Do vậy, với nhà nghiên cứu sử học Matthias Gemahlich , « Đây đúng là một điều rất mới trong lịch sử bởi vì trước đó, chưa từng có một định chế, một cấp tòa án nào như thế có được thẩm quyền và trách nhiệm này. Và họ cũng có được đồng thuận sao cho phiên xử này phải được công minh. Tòa án Quân sự Nuremberg lúc đó là độc lập, không có một quân lệnh nào và các thẩm phán cũng độc lập ».
75 năm sau nhìn lại, Nuremberg cho thấy là một phiên tòa ở cấp độ quốc tế với những thẩm phán đến từ nhiều nước khác nhau vẫn là điều có thể. Đó là một phiên tòa có tranh luận. « Các bị cáo vẫn có quyền phát biểu, họ cũng có cả luật sư và do vậy họ có thể chuẩn bị trước khi phiên tòa được mở » theo như ghi nhận của sử gia Ornella Rovetta, trường đại học Bruxelles trên đài RTBF của Bỉ.
Phiên tòa Nuremberg còn là dịp để tìm hiểu điều gì đã dẫn đến những hành động tàn bạo, để rồi từ đó cho ra đời những thuật ngữ pháp lý mới như tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại và sau này là diệt chủng. Những khái niệm, những nguyên tắc cơ bản mà theo bà Viviane Dettrich, phó giám đốc Viện nghiên cứu các nguyên lý Nuremberg, khi trả lời đài RFI cho rằng 75 năm sau vẫn còn giữ nguyên các giá trị, làm nền tảng cho các vụ xử quốc tế sau này như nạn diệt chủng tại Rwanda hay như các vụ thảm sát ở Nam Tư cũ.
« Đó là một sự đổi mới về pháp lý. Các từ, thậm chí các thuật ngữ đã được tạo ra vào thời kỳ đó như thuật ngữ ʺtội ác chống nhân loạiʺ chẳng hạn. Đây là lần đầu tiên, loại hình tội phạm mới này nằm trong chương trình nghị sự của phiên tòa Nuremberg.
Thuật ngữ học giờ đã có những thay đổi. Trước đây, người ta nó đến tội ác chống nhân loại, tội ác chống hòa bình, những thuật ngữ đó đã được đưa vào trong từ vựng quốc tế. Ngày nay, người ta nói đến tội danh gây hấn nhiều hơn là tội ác chống hòa bình .
Nhưng trên thực tế những tội danh đó vẫn là những tội ác quốc tế, chúng cũng chính là những tội ác được tòa án Nuremberg nhìn nhận vào năm 1945. Điều gây ấn tượng chính là khái niệm diệt chủng lại không được đề cập đến trong Hiến chương Luân Đôn, nguồn gốc của phiên tòa Nuremberg. Phải đợi đến năm 1948 khái niệm này mới có trong Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng (Convention pour la Prevention et la Repression du Crime de genocide). »
Nếu như năm 1945, Nuremberg đã khai cổng, thì con đường đi đến công lý quốc tế thật sự cũng nhiều chông gai. Phải đợi đến hơn nửa thế kỷ, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Tòa án Hình sự Quốc tế – CPI, mới thật sự ra đời năm 1998, đóng trụ sở tại La Haye. Chỉ có điều bối cảnh chính trị ngày nay đã có nhiều đổi khác.
Tuy không có những cuộc đại chiến, nhưng bà Viviane Dettrich cho rằng những cuộc xung đột nhỏ và dai dẳng nổ ra khắp nơi, đang đặt CPI trước nhiều thách thức quốc tế trong việc xét xử các tội ác ngày nay. « Thách thức hiện tại cho chúng ta là tiếp tục duy trì ý tưởng một nền công lý quốc tế do phiên tòa Nuremberg mang lại. Đúng là tình hình hiện nay hoàn toàn khác biệt, nghĩa là các cuộc chiến dai dẳng hơn, những mối đe dọa tái hiện, những kẻ gây tội ác tìm cách lẩn trốn, việc thu thập nhân chứng và bằng chứng nhiều khó khăn hơn. Nền công lý ngày nay đang bước vào bối cảnh bị chính trị hóa sâu sắc và bị chia năm xẻ bảy. »
Công lý của kẻ mạnh?
Nhưng rủi thay những hạn chế của Nuremberg năm xưa cũng là những giới hạn của CPI ngày nay. Ngay khi mở phiên tòa, Nuremberg đã bị chỉ trích là tòa án của bên thắng cuộc đối với bên bại trận. Đó là một nền công lý một chiều và nhiều mảng tối vẫn chưa được làm sáng tỏ. Vì sao không ai phán xử những tội ác do phe Đồng Minh gây ra ?
Tính chất phổ quát, tính chính đáng của CPI giờ còn thêm phần hạn hẹp do thiếu vắng sự hiện diện của nhiều nước lớn. Vẫn theo nhà nghiên cứu về Nuremberg, việc cả Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều không tham gia vào CPI là những trở ngại lớn cho sự vận hành của định chế quốc tế này.
« Người ta thấy rõ có một kiểu hợp tác ʺtheo mónʺ. Nhất là ở những nước lớn, người ta chỉ thấy có một sự hợp tác pháp lý quốc tế nếu như điều đó có lợi cho họ. Còn nếu như điều đó gây bất lợi, phiền hà, thì họ thoái lui hay thậm chí đối đầu với các định chế một cách trực diện. Quả thật, đây là một nhược điểm, do còn thiếu sự ủng hộ từ nhiều quốc gia. Nhưng mặt khác, chúng ta có được 123 nước đã tham gia ký kết và phê chuẩn Hiệp ước Roma, đó cũng chính là những nước thành viên của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế CPI. Dù vậy, cũng nên nhìn nhận là vẫn còn thiếu tính phổ quát, đây thật sự là một khiếm khuyết quan trọng cho CPI. »
Thế giới hẳn chưa quên việc chính quyền Donald Trump hồi đầu tháng 9/2020 đã ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào các lãnh đạo CPI nhằm trả đũa tòa án La Haye thông báo mở điều tra về tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại của binh sĩ Mỹ tại Afghanistan.
Làm thế nào một quốc gia có thể đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào lãnh đạo của CPI ? Một hành động mà bà Viviane Dettrich đánh giá là « điều chưa từng thấy, đáng quan ngại », có thể gây ra những « tác động tai hại về việc tôn trọng các quyền cũng như gây trở ngại cho các tòa án tiến hành công việc của mình một cách độc lập ».
Trong bối cảnh này, nhiều câu hỏi được đặt ra : Tương lai nào cho nền công lý quốc tế ? Nên chăng thành lập một tổ chức khác để xét xử các tội ác quốc tế ? Hay là cần phải có nhiều ràng buộc để các nước phải hợp tác nhiều hơn ? Liệu công lý có thể được thực thi theo một cách khác nghĩa là tự bản thân các nước thi hành công lý ? Về điểm này, phó giám đốc Viện Nghiên cứu các nguyên tắc Nuremberg lạc quan dự phóng hướng đi có thể cho nền công lý quốc tế trong tương lai:
« Một trong những nguyên tắc cơ bản của CPI chính là nguyên tắc ʺtính chất bổ sungʺ. Nghĩa là, trước hết, công tác truy tố và xét xử phải được tiến hành ở cấp độ quốc gia. Chỉ khi nào không có thiện chí chính trị và khả năng, các vụ việc mới được xét xử trên bình diện quốc tế.
Tuy nhiên, ngày nay, ngày càng có nhiều quốc gia xem xét nghiêm túc trách nhiệm của họ, đương nhiên các phiên tòa sẽ phải là công minh, hợp pháp và các vụ xử thật sự được nghiên cứu kỹ để đưa những người có trách nhiệm ra trước pháp luật.
Chúng ta cũng thấy là ngày càng có những nước thứ ba xét xử những cá nhân vì những tội ác quốc tế phạm phải ở một nước khác. Ở đây, chúng ta có thể nói đến khái niệm thẩm quyền phổ quát, và theo nguyên tắc này, một nhà nước có khả năng và đôi khi có bổn phận truy tố một người bị nghi ngờ phạm các tội ác quốc tế ở bên ngoài lãnh thổ của mình.
Chẳng hạn, việc nước Đức cho mở phiên tòa xét xử các nhà lãnh đạo chế độ Syria là một ví dụ điển hình. Trong vụ việc này, có một sự hợp tác Pháp – Đức về tư pháp trên phương diện hình sự. Tư pháp Đức đã phối hợp với bộ phận chuyên trách về tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh của Viện Công tố Paris để tiến hành các cuộc điều tra chung.
Chúng ta thấy rõ là sự hợp tác này được tiến hành ở cấp độ quốc gia, thế nên đây sẽ là một sai sót nếu phủ nhận vai trò quan trọng của các cấp tòa án quốc gia như là một thành tố của nguyên tắc Nuremberg, nhất là khi đối chiếu với nguyên tắc tính bổ sung do CPI khuyến nghị.
Thế nên, tương lai của luật quốc tế, đôi khi được định đoạt bởi những quân cờ ở cấp quốc gia và do vậy, cũng nên thật sự nhìn nhận những tiến bộ đáng kể đang diễn ra tại Đức và nhiều nơi khác. »
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị truy tố, khung 10-15 năm tù
Ông Nguyễn Đức Chung về làng Mỹ Đức, Đồng Tâm để đối thoại với người dân hồi tháng 4/2017
Ông Nguyễn Đức Chung và các đồng phạm bị truy tố về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Trong đó, ông Chung được xác định có vai trò chủ mưu.
Chỉ sau 5 ngày có kết luận điều tra của cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 4 bị can trong vụ án “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” xảy ra tại Hà Nội.
Ngày 25/11, ông Chung cùng Phạm Quang Dũng, cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bị VKSND Tối cao truy tố về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước với khung hình phạt 10-15 năm tù, theo khoản 3 điều 337 Bộ luật hình sự 2015. Đây là mức phạt cao nhất của tội danh này.
Hai bị can khác là thuộc cấp thân thiết của ông Chung cũng bị truy tố cùng tội danh gồm: Nguyễn Anh Ngọc, 46 tuổi, công tác tại phòng thư ký biên tập, tổ giúp việc UBND TP Hà Nội; Nguyễn Hoàng Trung, 37 tuổi, lái xe của ông Nguyễn Đức Chung, đồng thời là chuyên viên phòng thư ký – biên tập, Văn phòng UBND TP Hà Nội. Hai người này bị truy tố theo khoản 1; khung hình phạt 2-7 năm tù.
Bản cáo trạng cho thấy ông Nguyễn Đức Chung có vai trò chủ mưu vụ đánh cắp tài liệu điều tra đại án Nhật Cường. Đây là vụ án hình sự buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo buộc, muốn nắm thông tin điều tra, tài liệu, ông Chung thông qua người quen để móc nối với cán bộ điều tra đang thụ lý vụ án Nhật Cường lúc bấy giờ là ông Phạm Quang Dũng.
Ngày 16/6/2019 ông Chung đã đặt vấn đề và được Dũng đồng ý cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình tiến độ điều tra vụ án Công ty Nhật Cường.
Từ tháng 7/2019 đến 6/2020, thực hiện đề nghị của ông Chung, Dũng đã 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu mật. Trong số này, Dũng chuyển cho ông Chung 2 lần với 6 tài liệu được xem là mật. Việc cung cấp tài liệu cho ông Chung thực hiện qua ba cách: Gọi điện thoại qua ứng dụng phần mềm Viber; chuyển trực tiếp file ảnh chụp và thông qua người khác để cung cấp tài liệu này.
Bị can Trung và Ngọc Anh bị cáo buộc một lần tham gia in, chỉnh sửa 3 tài liệu mật cho ông Chung. Quá trình điều tra cũng xác định ông Chung và vợ là Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa đều là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Đây chỉ là một trong ba vụ án mà Bộ Công an đang điều tra về ông Nguyễn Đức Chung.
Ngoài ra, còn vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Báo Người Lao Động đưa tin, bên hành lang Quốc hội chiều 26/5/2020, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm nói về việc Bùi Quang Huy – Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường bỏ trốn, ông Tô Lâm đã khẳng định: “Bằng mọi biện pháp, cách gì có thể làm được thì đều làm để bắt được”.
Vụ án thứ hai ông Nguyễn Đức Chung có liên quan là “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TP Hà Nội.
Đầu tiên, ngày 11/8, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để xác minh, điều tra.
Bình luận với BBC hôm 23/11 vừa qua, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nói: “Nếu vụ án được xử trước Đại hội 13, theo tôi có thể coi đây là vụ án điểm nhằm gửi đi thông điệp, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không từ bỏ công cuộc “Đốt lò” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Chủ trì cuộc họp ngày 25/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đã nhấn mạnh “hoàn thành đúng tiến độ” điều tra, truy tố, xét xử một loạt vụ án tham nhũng lớn. Trong đó, vụ án Công ty Nhật Cường được nhắc tới là một trong 5 vụ cần “khẩn trương điều tra”.
Lấy trộm tiền của học sinh, một giáo viên chủ nhiệm bị cảnh cáo
Tin Vietnam.- Trang Zing ngày 23 tháng 11 năm 2020 loan tin, một giáo viên chủ nhiệm lớp 11 tại một trường trung học phổ thông ở thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước đã bị kỷ luật cảnh cáo vì lấy trộm tiền của học sinh lớp mình chủ nhiệm.
Trang Zing không nói rõ tên giáo viên cũng như tên trường mà cô giáo này đang làm việc. Theo hiệu trưởng nhà trường, vào cuối tháng 10, trong lúc đi kiểm tra lớp của mình chủ nhiệm, giáo viên này đã phát hiện học sinh lớp mình để tiền hớ hênh trong cặp nên bị lòi ra, nhưng thay vì cất giúp cho học sinh thì cô giáo đã lấy trộm luôn.
Trang Zing không nói rõ vì sao sự việc bị bại lộ, mà chỉ nói rằng, sau khi hành vi của cô giáo bị phát hiện thì cô đã khai toàn bộ sự việc với nhà trường, rồi mang tiền trả lại cho học sinh. Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hội đồng nhà trường đã họp, bỏ phiếu thống nhất kỷ luật giáo viên vi phạm với mức cảnh cáo.
Ông Lý Thanh Tâm, Giám đốc sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bình phước nói rằng, ông chưa xem báo cáo của nhà trường gửi lên nhưng đã nghe qua sự việc bằng miệng. Ông Tâm cho rằng, cô giáo này đã vi phạm đạo đức nhà giáo, sẽ bị giải quyết nghiêm để làm gương, và thẩm quyền giải quyết sự việc thuộc về nhà trường.
Được biết, trong những năm trở lại đây, ngành giáo dục Cộng sản Việt Nam luôn luôn xảy ra những sự việc phi nhân đạo, và phản giáo dục từ Bộ trưởng xuống đến giáo viên, học sinh. Nhiều nữ giáo viên thì trở thành trò mua vui cho quan chức Cộng sản, bị điều đi tiếp khách như tiếp viên nhà hàng; hoặc có những giáo viên hoặc hiếp dâm học sinh, hoặc Hiệu trưởng thì trở thành tú ông, bắt học sinh vào trong đường dây mua bán dâm, và rất nhiều câu chuyện tương tự khác đang tồn tại trong ngành giáo dục.
55 người dùng bằng đại học giả để kiếm lấy tiến sỹ và nghiên cứu sinh
Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 25 tháng 11 năm 2020 loan tin, Công an Cộng sản đã phát hiện trường đại học Đông Đô ở Hà Nội đã cấp 193 bằng đại học giả, trong đó có 55 người dùng bằng đại học giả này để hợp thức hoá cho việc bảo vệ luận án tiến sỹ, hoặc xét tuyển nghiên cứu sinh.
Kết luận của cơ quan điều tra Cộng sản cho biết, trong số 193 người được cấp bằng đại học giả, có 60 người sử dụng bằng để tiếp tục gian dối. Trong các con số kể trên, 1 người sử dụng bằng đại học mua của trường Đông Đô để thi tuyển công chức, 2 người dùng để kê khai vào hồ sơ viên chức, xét tuyên thạc sỹ; 55 người còn lại đã dùng vào việc làm hồ sơ để sử dụng việc xét tuyển nghiên cứu sinh, hoặc gian dối lên một mức độ cao hơn nữa là kiếm bằng tiến sỹ.
Ngoài bán bằng đại học cho 193 người, thì trường đại học Đông Đô đã tự ý tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 đại học cho hơn 3,527 học viên, thu về hơn 24 tỷ đồng. Hành động này của nhà trường chưa được bộ Giáo dục Cộng sản cho phép làm.
Sau khi sự việc bị phát hiện, tiến sỹ Trần Khắc Hùng, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Viện trưởng Viện đào tạo liên tục, Viện trưởng viện Đào tạo và phát triển công nghiệp 4.0 của trường đại học Đông Đô đã bỏ trốn nên bị Công an phát lệnh truy nã.
Nạn bạo hành trong xã hội Việt Nam qua vụ cháu bé tại quán bánh xèo ở Bắc Ninh
Giang Nguyễn
Hành động của bà chủ quán bánh xèo bị cộng đồng lên án. Có người lên mạng nêu rõ quan điểm cá nhân gọi bà chủ quán hành hạ nhân viên là “cầm thú”, “ác ôn”, và “loại súc sinh”.
“Cùng là con người với nhau sao lại tàn nhẫn đến thế,” là comment của một Facebooker trước sự việc. Một độc giả khác lên tiếng, “Thiết nghĩ loại này cho vào tù nhanh khỏi cần mất thời gian giải quyết”.
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, chủ quán bánh xèo Miền Trung ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, vào ngày 22/11 đã bị công an huyện mời lên làm việc vì có dấu hiệu bạo hành với nhân viên. Báo chí Nhà nước Việt Nam dẫn lời Phó trưởng Công an huyện Yên Phong tin rằng, “Tuyết thừa nhận toàn bộ sự việc đánh cháu Duy. Ngoài ra, nữ chủ quán còn khai nhận đánh nhân viên khác là Võ Văn Đức vì cho rằng thanh niên này lười làm”. Cơ quan chức năng cũng đã khám xét nơi ở và làm việc và ra quyết định tạm giữ bà Tuyết để tiếp tục điều tra.
Hai nhân viên là cậu bé Trương Quang Duy, 14 tuổi, và Võ Văn Đức, 21 tuổi, cùng quê ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, thường xuyên bị chủ quán đánh đập, đối xử vô nhân đạo. Ngày 21/11 bà chủ nghi Duy trộm cắp tiền, đánh đập em đến nỗi em không chịu được nữa. Đến chiều khi bà chủ đi vắng, em trốn ra ngoài và được người lạ giúp đưa đi bệnh viện và báo cho cơ quan chức năng. Tại Trung tâm Y tế huyện Yên Phong phát hiện những vết thương chi chít trên tay chân, dấu hiệu của sự tra tấn trong thời gian dài bằng dụng cụ sắt, que nóng.
Duy kể lại với báo chí trong nước rằng, “Bà chủ không chỉ đánh mình con, một anh khác cũng thường xuyên bị đánh. Trước đấy còn có một anh bị đánh đau quá, làm việc không được trả tiền nên anh đó đã bỏ trốn”. Duy cho biết em không còn mẹ, xuất thân từ một gia đình nghèo khó, phải bỏ học để theo anh chị đi làm xa. Em đã được giới thiệu đến quán làm việc từ tháng 9.
“Nhưng tôi nghĩ bạo lực nó có nguồn gốc ở truyền thống xa xưa, nên giải pháp không phải là trừng phạt, mà giải pháp là nâng cao nhận thức của người dân, làm sao cho cả xã hội lên án bạo lực dù cho nó nhỏ.” PGS-TS Vũ Mạnh Lợi
PGS-TS Vũ Mạnh Lợi, nguyên Phó Viện Trưởng, Viện Xã hội học Việt Nam nhận định về vụ việc này như sau:
“Nếu bạo lực gây thương tích nặng thì pháp luật nghiêm minh và có tính răn đe. Tuy nhiên đối với bạo lực ở mức thấp hơn, thì có vẻ như nó chưa đủ sức răn đe. Nhưng tôi nghĩ bạo lực nó có nguồn gốc ở truyền thống xa xưa, nên giải pháp không phải là trừng phạt, mà giải pháp là nâng cao nhận thức của người dân, làm sao cho cả xã hội lên án bạo lực dù cho nó nhỏ. Chúng ta chưa có chuẩn mực như vậy. Phải xây dựng cho bằng được chuẩn mực xã hội mà không chấp nhận bạo lực dưới bất cứ hình thức nào, mức độ nào. Thế thì điều này mình chưa làm được, xã hội cũng như nhà nước chưa làm được”.
Đơn cử câu chuyện thương tâm của bé Duy đã diễn ra trước mặt khách hàng. Một khách hàng quán Bánh xèo Miền Trung comment trên Facebook “Em biết bạn này lần nào vào (quán) cũng thấy bị quát chửi”.
Bé Duy kể lại với báo chí rằng “bà Tuyết thường lôi Duy vào phòng kín để đánh nền các nhân viên khác không biết, mà dù có chứng kiến nhưng trước thái độ hung dữ của chủ quán, vì miếng cơm manh áo họ chẳng dám can ngăn”.
Theo PGS-TS Lợi đây là những ví dụ cho thấy nhiều người vẫn một cách gián tiếp chấp nhận bạo lực. Chưa nói đến người xung quanh, PGS-TS Lợi bày tỏ quan ngại trước thái độ của các nhân viên chấp nhận sư hành hung này. Ông giải thích:
“Bản thân các cháu không nhận thức rõ được mình có quyền gì. Cái hiểu biết về quyền bất khả xâm phạm về thân thể của mỗi cá nhân cũng có vấn đề. Rõ ràng nó đặt dấu hỏi lớn cho việc giáo dục trẻ em, thanh thiếu niên.
Tôi nghĩ trước mắt, nâng cao nhận thức của người dân mới là biện pháp quan trọng nhất. Đưa nó vào giáo dục phổ thông ngay từ lớp một, mẫu giáo, dậy cho trẻ em làm người là không dùng bạo lực, thì chúng ta sẽ giảm dần được.Tất nhiên vấn đề giảm bạo lực nó đi kèm với nhiều vấn đề an ninh xã hội khác, Chúng ta cũng phải có tiến bộ trong việc đảm bảo cuộc sống cho người dân, công ăn việc làm cho thanh thiếu niên vv. Nhưng biện pháp quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức thông qua giáo dục từ nhỏ”.
Nếu việc đánh đập và hành hạ từ phía chủ quán quá sức chịu đựng của một đứa bé đã ảnh hưởng vào tự tin của em, thì điều đó cũng dễ hiểu. Bác sĩ tâm lý trị liệu Lê Văn Ẩn, làm việc với thanh thiếu niên trong gần 30 năm phục vụ, từ Santa Ana, California, cho biết các em bị hành hung càng lâu thì việc điều trị càng khó:
“Hành hung đánh đập như vậy là trauma (chấn thương tâm lý) như bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, bom đạn, giống y chan như vậy thôi. Nhưng mà các em mà càng bị lâu thì sẽ đi vào tiềm thức rồi vô thức… Bởi vì 14 tuổi còn phát triển về nhân cách, hành vi cử chỉ, ngôn ngữ, giao tế, sẽ ảnh hưởng lắm. Trị liệu tâm lý là gì? Bác sĩ hay chuyên viên tâm lý sẽ ngồi xuống nói chuyện với các em này để giúp các em lấy lại niềm tin, và hiểu rằng cái này là biến cố thôi chứ không phải mọi người xung quanh cũng là người xấu hết. Làm sao để họ giúp các em phát triển một sự tự tin mới. Muốn như vậy người chuyên viên trị liệu hay là gia đình, bạn bè là những người lấy lại niềm tin”.
Bé Duy đang được điều trị tại Trung Tâm Y tế huyện Yên Phong về các vết thương trên thể sát. Nhưng Bác sĩ Ẩn nhận xét hậu quả của loại bạo hành như trường hợp của bé Duy về mặt tâm lý là điều đáng lo vì nó ảnh hưởng đến việc phát triển của em. Ông khẳng định, các em có thể vượt qua được khủng hoảng tâm lý như vậy nếu được trị liệu đúng mức. Việc này, ông nói, cần có sự phối hợp, tình thương của người mẹ, người anh người chị, thầy cô… là những điều mà Duy không có.
PGS-TS Vũ Mạnh Lợi đã từng nghiên cứu về bạo hành trong gia đình trong nhiều năm. Ông nêu ra thêm một khía cạnh theo ông cần phải lưu ý nếu muốn nhắm đến một chuẩn mực xã hội không chấp nhận bạo hành dưới mọi hình thức:
“Bạo lực là hành vi đáng lên án. Khi chúng ta lên án hành vi bạo lực thì cũng nên công bằng. Lên án hành vi bạo lực thì đúng, nhưng một người có hành vi bạo lực chưa chắc đã là người xấu. Cái đấy nên phân biệt, mà nhiều người không đồng ý với tôi. Bởi vì tôi vẫn có niềm tin. Nhiều người nghĩ là đánh con là giáo dục. Nhưng nếu họ được giải thích, được thuyết phục thì họ không đánh nữa. Tôi vẫn tin vào phần tốt, tiến bộ của con người. Còn nếu như bạn cho rằng những người gây ra bạo lực là những người bỏ đi, thì tôi cho là không công bằng. Chúng ta phân biệt, chúng ta lên án hành động bạo lực của họ. Nhưng chúng ta vẫn có niềm tin trong nhân cách của họ có những phần thiện nếu được giác ngộ thì ngăn chặn được trong tương lai”.
Ông nói nếu chúng ta chống bạo lực, thì cũng phải nhìn lại thái độ của mình với những người gây ra bạo lực, liệu nó có nẩy sinh ra cực đoan trong chính chúng ta không?
Nghị định về việc ‘Ngân hàng phải cung cấp thông tin cá nhân cho Sở thuế’ là trái luật
Cao Nguyên
Nhiều người dân Việt Nam đang lo lắng một nghị định mới cho phép Sở thuế được phép yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp thông tin cá nhân khách hàng. Một số luật sư thậm chí cho rằng nghị định này trái luật.
Vào ngày 5/12/2020, Nghị định 126 có quy định gây tranh cãi này sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Điều 30 trong Nghị định này quy định “Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật.”
Các ngân hàng sẽ xác định các tài khoản có giao dịch với những nhà cung cấp ở nước ngoài mà chưa đăng ký, nộp thuế ở Việt Nam. Từ đó, ngân hàng sẽ khấu trừ, trích tiền để nộp thay chủ tài khoản.
Thậm chí, Ngân hàng thương mại còn có nghĩa vụ phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế.
Người dân lo lắng
Nhiều người ở Việt Nam cho biết họ lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân và số dư tài khoản ngân hàng sẽ bị đánh thuế như thế nào.
Anh S (một người muốn giấu tên vì lý do an toàn), người dân sống tại Sài Gòn, nhận định rằng đây là một nghị định bất hợp lý và rất khó áp dụng, anh nói:
“Nghị định 126 không ổn. Việc làm lộ thông tin tài khoản ngân hàng là người dân đã cảm thấy khó chịu rồi. Nếu áp dụng thì làm sao để bảo mật thông tin của khách hàng. Ai biết được quy trình có bị rò rỉ các thông tin tài khoản quan trọng của người dùng không. Mặt khác, phải nêu ra rõ ràng các trường hợp để truy thu thuế hợp lý chứ.
Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp khác có thể phát sinh các giao dịch ngân hàng như: Chuyển khoản cho người thân, bạn bè mượn tiền. Vậy người thân, bạn bè cũng phải trả thuế cho trường hợp này à? Hay việc tôi thuê một kế toán làm bán thời gian. hàng tháng tôi chỉ chuyển khoản đến kế toán để kế toán sắp xếp và chuyển khoản lại cho các nhân viên khác. Vậy kế toán phải trả thuế rồi nhân viên cũng trả thuế tiếp, như vậy là phải trả 2 lần thuế?
Tôi chuyển khoản cho người quen để đi mua giúp các thiết bị cần thiết. Vậy số tiền chuyển khoản này cũng phải đóng thuế?
Nói chung là còn rất nhiều trường hợp bất cập khác nữa. Và đặc biệt việc lộ thông tin tài khoản cá nhân khiến người dùng rất khó chịu.”
Việc làm lộ thông tin tài khoản ngân hàng là người dân đã cảm thấy khó chịu rồi. Nếu áp dụng thì làm sao để bảo mật thông tin của khách hàng. Ai biết được quy trình có bị rò rỉ các thông tin tài khoản quan trọng của người dùng không. – Người dân
Ông M (muốn giấu tên vì lý do an toàn), là chủ một cơ sở buôn bán ở Hà Nội lo ngại rằng khi áp dụng quy định này, người dân sẽ chuyển sang giao dịch bằng tiền mặt và khi đó sẽ càng khó quản lý hơn:
“Tôi thấy nếu thực hiện thì người dân và doanh nghiệp sẽ chuyển qua giao dịch tiền mặt. Khi đó khó quản lý hơn và lượng giao dịch tiền mặt sẽ rất khủng gây hỗn loạn thị trường giao dịch. Ngành ngân hàng cũng không thu được phí.
Vấn đề bảo mật tài khoản cá nhân cũng không được chắc chắn sẽ dẫn đến việc người dân không tin tưởng để tiền trong tài khoản.”
Nghị định trái luật
Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn nói Nghị định 126 này trái với nguyên tắc tố tụng và nguyên tắc bảo mật thông tin:
“Theo nguyên tắc thì ngân hàng phải bảo mật tất cả mọi thông tin của khách hàng. Ngân hàng chỉ có thể tiết lộ các thông tin của khách hàng trong trường hợp điều tra tội phạm. Có nghĩa là chỉ những cơ quan tiến hành tố tụng, ví dụ như công an điều tra hay là viện kiểm sát hoặc là tòa án thì mới có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp những thông tin của khách hàng của mình.
Sở thuế không được coi như là một cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, nếu cơ quan thuế yêu cầu như vậy là trái nguyên tắc tố tụng, trái nguyên tắc bảo mật khách hàng của hệ thống ngân hàng.”
Nghị định 117/2018 quy định về việc bảo mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng nêu rõ: Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được giữ bí mật, không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng cho tổ chức, cá nhân khác. Trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.
Luật sư Phạm Công Út cho rằng vấn đề nằm ở “cái đuôi” “Trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật” được ghi trong luật này. Bởi vì nó dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền của cơ quan thuế:
“Ngân hàng phải bảo mật thông tin của khách hàng, nhưng mà nó còn thòng thêm một điều khoản nữa là “trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì ở Việt Nam có đến hàng trăm loại, thì chưa có một danh mục nào nói cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào có quyền yêu cầu phải thực hiện cả.
Đó là luật nhưng chưa thật chặt chẽ để đưa vào thực tiễn, dễ dẫn đến lạm quyền để phong tỏa tài khoản của một pháp nhân. Điều đó tạo ra một cái quyền lực đối với phía cơ quan thuế. Bình thường có thể truy tố đối với hành vi trốn thuế trên 50 triệu đồng trở lên, chứ không cần thiết phải phong tỏa tài khoản như thế thì nó không hợp lý.”
Có thể kiện
Theo ý kiến các luật sư, khi Nghị định 126 này chính thức được áp dụng, nếu ai bị trừ thuế từ tài khoản ngân hàng có thể khiếu nại. Luật sư Phạm Công Út nói:
“Đầu tiên họ phải khiếu nại ngân hàng để ngân hàng xem xét lại. Khi mà không xong thì có thể khởi kiện phía ngân hàng do họ bị thiệt hại. họ có quyền khiếu nại cơ quan thuế vì đã tính thuế sai. Sau đó là có quyền khởi kiện ngân hàng một vụ án hành chính.”
Giải đáp thắc mắc về chuyện ngân hàng sẽ thu thuế ra sao đối với số dư trong tài khoản cá nhân, đối với những khoản tiền không phải là thu nhập… Luật sư Mạnh cho biết:
“Cái này mình phải đặt ra cả hai phía. Đối với khách hàng thì luật thuế thu nhập cá nhân yêu cầu là khi mình có phát sinh thu nhập thì mình phải có nghĩa vụ khai báo thuế.
Còn đối với cơ quan thuế, một khi họ phát hiện ra dòng tiền và cho rằng đây là nguồn thu nhập của người dân, thì cơ quan thuế phải chứng minh được điều đó. Nếu cơ quan thuế không chứng minh được điều đó thì đó được coi như là một nguồn tài sản hợp pháp của người dân. Không được tự tiện cứ coi như là nguồn tiền vào tài khoản đó là thu nhập của người dân.”
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Thuế trả lời mạng báo VnExpress vào ngày 25/11, khẳng định đối tượng chủ yếu mà ngành thuế hướng tới chính là những người kiếm tiền trực tuyến như bán hàng online hay có nguồn thu nhập từ nước ngoài như sản xuất nội dung trên nền tảng Youtube và Facebook…. Ông nói nhiều người có nguồn thu nhập lớn trên mạng nhưng vẫn “chây ì” trong việc đóng thuế do họ cho rằng ngành thuế sẽ không nắm được thu nhập của họ.
Việt Nam và Hoa Kỳ đối thoại chính sách quốc phòng trực tuyến
Tin từ Hà Nội, Việt Nam – Cuộc đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ 2020 đã được tổ chức trực tuyến vào hôm thứ Ba (24/11) với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề An ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPSA), ông David F. Helvey.
Hai bên khẳng định các cuộc hợp tác quốc phòng song phương trong thời gian qua đã phát triển mạnh mẽ theo Bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác quốc phòng năm 2011 và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015, đóng góp vào quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.
Trong bài phát biểu, ông Chiến đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của hai nước trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt trong việc thực hiện dự án tẩy độc dioxin tại phi trường Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai do quân đội Hoa Kỳ và lực lượng miền Nam Việt Nam sử dụng trong chiến tranh và dự án hỗ trợ người khuyết tật do chất độc da cam dioxin, tìm kiếm hài cốt quân nhân mất tích.
Ông Chiến cho biết thêm hai nước đã cùng nhau hợp tác hiệu quả trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc và nâng cao năng lực của Lực lượng tuần duyên Việt Nam. Về phần mình, ông Helvey khẳng định Hoa Kỳ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam và mong nước này tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Ông cũng cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ Hoa Kỳ tìm kiếm quân nhân mất tích và cam kết sẽ thúc đẩy các dự án hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh. (BBT)
Viện trưởng VKSNDTC nói không có chứng cứ thì không thể buộc tội: nói vậy mà không phải vậy!
Diễm Thi, RFA
Chiều 23 tháng 11 năm 2020, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao có buổi tiếp xúc với cử tri một số quận ở Thành phố Hồ Chí Minh sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Tại buổi tiếp xúc, một vài cử tri cho rằng có một số cán bộ đương chức phạm tội và đề nghị xử lý hình sự, ông Trí cho biết pháp luật không để oan sai nhưng cũng không để lọt tội phạm, tất cả mọi việc phải làm theo pháp luật, nếu không có chứng cứ thì không thể buộc tội.
Trước việc cử tri bức xúc về tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu, phiền hà người dân và đề nghị xử lý một số cán bộ có sai phạm, ông Lê Minh Trí khẳng định, sai ở đâu còn có pháp luật, mình không thể quy kết người ta tội phản quốc như vậy. Cách nói như thế là đang xúc phạm đến người khác, thậm chí vu khống hoặc lợi dụng tuyên truyền dân chủ để xúc phạm người khác.
Một số người quan tâm tin rằng, ngay tại nghị trường Quốc hội mà ông Lê Minh Trí khẳng định “không có chứng cứ thì không thể buộc tội” là chỉ dấu tốt cho nền tư pháp Việt Nam, rồi đây sẽ tránh được nhiều án oan. Một số khác lại cho rằng, đó chỉ là cách nói của ông Trí mà thực tế thì khác hẳn.
Với Luật sư Phạm Công Út, cách nói của ông Trí là cách nói chụp mũ người khác khi ông Trí là người có quyền nhưng lại không trả lời được cử tri trong trường hợp này. Vị luật sư này nói thêm:
“Oan hay không thì có ít nhất ba cơ quan tiến hành tố tụng và một vài cơ quan không phải là cơ quan tiến hành tố tụng. Ông Lê Minh Trí là bên Viện Kiểm sát. Đây là nơi kiểm tra, giám sát toàn bộ các hoạt động về pháp luật trong xã hội. Nhưng đối với bên ủy ban thì hiếm khi nào thấy bên Viện Kiểm sát ra một cái quyết định nào đó về việc xử phạt là sai và phát hiện ngay từ đầu. Mà chỉ đợi người ta khiếu nại rồi khởi kiện ra tòa bằng một vụ án hành chánh thì Viện Kiểm sát mới tham gia tố tụng. Theo quan sát của tôi thì phát biểu của Viện Kiểm sát có lợi cho phía bên Chính quyền.”
Ông Lê Minh Trí là bên Viện Kiểm sát, là nơi kiểm tra, giám sát toàn bộ các hoạt động về pháp luật trong xã hội. Nhưng đối với bên ủy ban thì hiếm khi nào thấy bên Viện Kiểm sát ra một cái quyết định nào đó về việc xử phạt là sai và phát hiện ngay từ đầu. – Luật sư Phạm Công Út
Ông Phạm Công Út nói thêm, hệ thống pháp luật Việt Nam chia làm ba cơ quan. Thứ nhất là cơ quan điều tra tức là bên Bộ Công an, chịu sự quản lý của cơ quan hành pháp (gọi là hành pháp nhưng thực tế VN không có tam quyền phân lập). Nếu nói theo lý luận thì cơ quan điều tra và tòa án là hai cơ quan độc lập. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là người có vị trí cao trong ngành tòa án. Mặc dù trên lý thuyết thì bên công an có vị trí thấp hơn Viện Kiểm sát hoặc tòa án nhưng trong thực tế đôi khi họ lại ở vị trí thường trực hoặc là những vị trí then chốt về đảng từ cấp địa phương cho đến cấp trung ương. Do đó, có khi bên công an chỉ đạo ngược lại bên Viện Kiểm sát hoặc tòa án. Đó là thực tiễn.
Luật sư Đặng Trọng Dũng nêu quan điểm của ông:
“Ông Trí nói như vậy không sai nhưng thực tế như thế nào thì ông ta biết điều đó hơn ai hết, thành ra ông ấy né tránh vấn đề một cách ngoạn mục bởi ngôn ngữ tiếng Việt của mình. Khi ra tòa thì ngôn ngữ tiếng Việt là một thứ tiếng đa nghĩa. Luật sư hiểu khác, điều tra viên hiểu khác, Viện Kiểm sát hiểu khác, thẩm phán hiểu khác. Nhưng người quyết định lại là thẩm phán. Trong trường hợp này ông Lê Minh Trí là công tố thì ông ấy nói gì làm sao ai có thể đụng đến được nếu ông ấy bảo không có chứng cứ, không có tội.
Thật sự những lời nói của ông Trí ở nghị trường rất quan trọng, mà những người nào làm trong ngành đó, kể cả đại biểu Quốc hội lẫn dân đều hiểu là ông ấy né tránh vấn đề. Ông ấy lý luận theo cách của ông ấy chứ thực tế sinh động ngoài xã hội không như ông ấy nói.”
Niềm tin của người dân Việt Nam về ngành tư pháp ngày càng đi xuống khi có nhiều vụ án oan được báo chí Nhà nước phanh phui, và được chính Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng xác nhận trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 15 tháng 6 năm 2020.
Có thể kể ra vài vụ điển hình như ông Hàn Đức Long bốn lần bị kết án tử hình dù vô tội. Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án chung thân với tội giết người dù ông liên tục kêu oan. Ông Huỳnh Văn Nén hai lần bị kết án tử hình oan với gần 17 năm ngồi tù oan…
Riêng trường hợp Hồ Duy Hải, trả lời cử tri sáng 24 tháng 11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết vụ án Hồ Duy Hải có oan hay không oan thì đang chờ ý kiến kết luận của các cơ quan có thẩm quyền.
Sau phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng tại nghị trường Quốc hội, ông Lê Văn Cuông, từng là Đại biểu Quốc hội khóa 11 thuộc đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa nói với RFA:
“Nền tư pháp Việt Nam những năm qua có nhiều đổi mới, tức là có Ban chỉ đạo để đổi mới tư pháp. Ban này hoạt động liên tục và có nhiều thay đổi so với trước đây để hội nhập thế giới. Cho nên trong quá trình thực thi pháp luật, tính dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cũng được mở rộng so với trước đây.
Tuy nhiên, gần đây có một số vụ án chưa được sự đồng thuận của dư luận xã hội, người ta nghi ngờ có sự oan sai và có những ý kiến khác nhau về quan điểm xét xử cho nên nó cũng tạo cho ngành tư pháp bị giảm uy tín và niềm tin nhất định. Nhưng tôi nghĩ cái niềm tin đối với cải cách tư pháp thời gian qua được nâng lên.”
Ông Trí nói như vậy không sai nhưng thực tế như thế nào thì ông ta biết điều đó hơn ai hết, thành ra ông ấy né tránh vấn đề một cách ngoạn mục bởi ngôn ngữ tiếng Việt của mình. Khi ra tòa thì ngôn ngữ tiếng Việt là một thứ tiếng đa nghĩa. – Luật sư Đặng Trọng Dũng
Theo báo cáo được ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao trình bày trước Quốc hội vào sáng 26 tháng 10 vừa qua, trong năm 2020, ngành Kiểm sát đã huỷ 716 quyết định tạm giữ thiếu căn cứ, trái pháp luật.
Liên quan tới tội danh gọi là ‘tội phản quốc’ mà ông Lê Minh Trí đề cập tại buổi tiếp xúc cử tri, dư luận cho rằng đó là cách ông Lê Minh Trí bảo vệ những người cùng phía với chính quyền, chứ với những người bất đồng chính kiến thì lại khác.
Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defender), tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2020, ít nhất 276 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ khác. Con số này không bao gồm ông Ngô Hào đang bị đình chỉ thi hành án vì lý do sức khoẻ và hai ông Nguyễn Trung Lĩnh cùng Lê Anh Hùng bị buộc phải vào bệnh viện tâm thần mà không qua xét xử tại toà.
Vào tháng 3 năm nay, sau khi Hoa Kỳ công bố báo cáo toàn diện về tình trạng nhân quyền trên toàn thế giới, trong đó chỉ trích thành tích nhân quyền yếu kém của Việt Nam trong năm 2019, ông Scott Busby, Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao vì Dân chủ, Nhân quyền và Lao Động Hoa Kỳ nói với RFA rằng, phía Hoa Kỳ lo ngại về việc Việt Nam vẫn còn xu hướng bắt giữ người muốn tự do bày tỏ ý kiến của mình như chỉ trích chính phủ.
Phía Hoa Kỳ có kêu gọi Việt Nam hãy trả tự do cho những tù nhân chính trị nhưng chính phủ Việt Nam phần lớn vẫn tuyên bố rằng những trường hợp này đã vi phạm những điều luật của Việt Nam cho nên phải bị kết án. Ông Scott Busby bày tỏ quan điểm rằng nhiều điều luật của Việt Nam vẫn còn rất mơ hồ và thường được áp dụng một cách tùy tiện.
Khi Đại biểu Quốc hội VN “xin lỗi” và nói rằng Công an “đông quá”
Mới đây, Quốc hội Việt Nam thu hút sự chú ý của công luận khi một Đại biểu Quốc hội phát biểu công khai tại nghị trường góp ý với Bộ trưởng Công an Việt Nam rằng quân số của ngành này là quá đông.
“Xin lỗi đồng chí Bộ trưởng, lực lượng công an quá đông”, là phát biểu của Đại biểu Sùng Thìn Cò thuộc đoàn Đại biểu tỉnh Hà Giang, nói với người đứng đầu ngành Công an Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm, trong một phiên thảo luận liên quan lực lượng công an, bảo đảm an ninh ở tuyến cơ sở.
Hôm 24/11/2020, một số nhà phân tích thời sự, chính trị Việt Nam từ trong nước và hải ngoại trao đổi với BBC News Tiếng Việt về ý nghĩa và điều gì có thể rút ra qua phát biểu này.
“Tại cuộc thảo luận của Quốc hội Việt Nam về “Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” ngày 17 tháng 11 vừa rồi, đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò nói với Bộ trưởng Công an Tô Lâm rằng, ” Xin lỗi đồng chí, nhưng các đồng chí đông quá” Phát biểu của ông Sùng Thìn Cò phản ánh một thực trạng là ngành công an ngày càng đông thêm cả quân lẫn tướng,” từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nói với BBC.
“May mắn là Dự luật không được Quốc hội chuẩn thuận. Giả sử, Quốc hội Việt Nam thông qua dự luật này, Công an sẽ có lực lượng khoảng 1,5 triệu người, tức là ước tính cứ 1.000 dân có 15 viên công an phục vụ.
“Tôi xin đặt câu hỏi là đất nước thái bình sao phải cần nhiều công an? Sao phải cần hàng mấy trăm tướng lĩnh? Thời chiến tranh Việt – Mỹ, quân đội chính quy của Việt Nam không có số lượng tướng và lính nhiều đến thế. Câu hỏi này không chỉ đặt ra cho giới lãnh đạo mà theo tôi còn dành cho con dân nước Việt nữa.
“Thực vậy, sự gia tăng lực lượng công an thời gian qua phản ánh sự lo ngại của giới chức về vai trò lãnh đạo xã hội của họ. Khuynh hướng công an hóa bộ máy nhà nước đã hình thành và ngày càng diễn ra mạnh hơn trong mấy chục năm qua.”
Quyền lực quá lớn, hậu quả thế nào?
Cũng từ Hà Nội, hôm 23/11, cựu Thiếu tá An ninh Nguyễn Hữu Vinh, người từng có nhiều năm làm việc tại Bộ Công an Việt Nam, bày tỏ mong muốn có thêm nhiều tiếng nói ‘mạnh dạn’ hơn góp ý cho ngành này:
“Theo tôi, việc một đại biểu quốc hội nêu vấn đề ngành Công an “đông quá”, rồi báo chí đăng lên, rõ là một chuyện hiếm có. Xưa nay, mặc định đây là ngành hầu như không được bàn sâu tới những bất hợp lý bên trong nó, từ khâu đào tạo, tổ chức bộ máy, ngân sách, cho tới công tác nghiệp vụ.
“Trong khi các ngành khác như giáo dục, y tế, nông nghiệp v.v.. thì luôn được đem ra mổ xẻ trên báo chí, quốc hội. Vậy thì làm sao có thể giúp cho nó sửa chữa những bất hợp lý bên trong, thậm chí là phải có một cuộc cải cách. Bộ máy “bóp” chỗ này “phình” chỗ kia; hoạt động thì kín bưng; quyền lực thì quá lớn, v.v.. dễ thấy hậu quả sẽ như thế nào.
“Mong là cũng từ những chất vấn gần đây của đại biểu quốc hội với ngành công an, sẽ dần có được nhiều tiếng nói mạnh dạn hơn, mới giúp cho ngành này giảm bớt tiêu cực, nâng cao hiệu quả công tác.”
Từ Hà Nội, Luật sư Lê Quốc Quân cho rằng phát biểu của Đại biểu Quốc hội Việt Nam là “chính xác”:
“Tôi thấy rõ ràng rằng Bộ Công an đang có nhiều động thái tăng cường quyền lực của mình như can thiệp vào quản lý dữ liệu công dân, đề nghị chuyển dạy học lái xe sang cho Bộ Công An và đặc biệt là dự luật Xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, nhóm toàn bộ dân phố, dân phòng, công an bán chuyên trách… để xây dựng một lực lượng thống nhất với biên chế đến 1,5 triệu người.
“Ngoài ra hiện nay Bộ công an còn xây dựng cơ chế phối hợp giữa đảng uỷ công an Trung ương với các tỉnh uỷ, tỉnh thành để hình thành nên sự thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở. Phát biểu của Đại biểu Sùng Thìn Cò là chính xác vì tôi luôn có cảm giác ngành công an rất đông. Tôi không có con số thống kê cụ thể, nhưng trước đây chỉ để riêng gác một người bất đồng chính kiến, như bản thân tôi, khi đi ra ngoài cũng đã chục người trong ngày mà biết bao nhiêu người bị canh gác như vậy, số lượng lớn và quyền lực chắc chắn cũng theo đó mà to ra.”
Từ Đài Bắc, Đài Loan, luật gia, nhà báo Trịnh Hữu Long cho rằng phát biểu của Đại biểu Quốc hội không phải ngẫu nhiên mà có phát biểu mà ông cho là “trêu” ngành công an Việt Nam.
Theo một dự thảo luật được bàn thảo tại Quốc hội mà nếu được thông qua, công an Việt Nam sẽ có quân số lên đến 1,5 triệu trên 85 triệu dân
“Chắc chắn là có một sự bất thường ở đây, mà trong quan sát, theo dõi, thì ngành Công an trong mấy chục năm nay đã có xu hướng phình to, có xu hướng ngày càng chiếm lĩnh các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, có xu hướng lấn sân sang các nhóm lợi ích khác trong chính quyền.
“Theo tôi, ông Sùng Thìn Cò không phải ngẫu nhiên mà phát biểu như vậy được, không có ai tự nhiên mà lại đi “trêu” ngành công an và lãnh đạo Bộ Công an như vậy cả. Cần lưu ý rằng ông Sùng Thìn Cò là một tướng lĩnh bên quân đội, phát ngôn của ông ấy, tôi cho rằng có thể đại diện cho một nhóm trong quân đội đang cảm thấy bị ngành công an lấn sân quyền lực, đang cảm thấy quyền lực của họ trong bộ máy chính quyền, cũng như trong quản lý xã hội càng ngày càng ít đi, giảm thiểu do sự lấn sân của ngành công an và Bộ Công an.
“Đó có thể coi là tiếng nói của một nhóm lợi ích và tôi cho rằng còn nhiều nhóm lợi ích khác nữa trong nội bộ của đảng cộng sản và trong chính quyền mà đang cảm thấy một áp lực ngày càng lớn từ ngành Công an và bộ Công an rằng ngành này đang lấn sân họ, gây áp lực mà họ phải bị ảnh hưởng thế này, thế kia và làm ảnh hưởng tới lợi ích của rất nhiều người.
“Do đó, các nhóm lợi ích bị thiệt hại hay chịu áp lực lên tiếng như thế là điều hoàn toàn có thể hiểu và dự đoán được, nhưng đây là một chỉ dấu cho thấy Bộ Công an đã vượt qua làn ranh đỏ và gây thách thức, phản ứng với khả năng chịu đựng và tính chấp nhận của các nhóm lợi ích từ các nhánh quyền lực khác và buộc nhóm bị ảnh hưởng phải có những phản ứng như phát ngôn trên của Đại biểu Sùng Thìn Cò.
“Và qua đây cũng không loại trừ khả năng bản thân trong nội bộ đảng cũng có những lực lượng tiến bộ cảm thấy rằng Việt Nam đang đi theo xu hướng một mô hình “nhà nước cảnh sát” với quy mô quá lớn, do đó cần phải có những cảnh báo để ngăn chặn.”
Từ Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Lê Văn Sinh cho rằng khuynh hướng được cho là “công an trị” ở Việt Nam đang trở nên ngày càng rõ hơn và thử bàn về tương lai của xu thế này từ góc nhìn lịch sử.
“Khi một đảng chính trị tự khẳng định nó là “lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội” ( Hiến pháp 1980 và các năm 1992, 2013,) thì cũng là lúc đảng chính trị đó tìm mọi biện pháp và cách thức giữ vững quyền lực tối thượng trong tay mình. Và, để giữ vững quyền cai trị của đảng, xu hướng “Công an trị, an ninh trị” theo tôi là điều tất phải đến.
“Quan sát bộ máy nhà nước từ phường xã cho tới cấp cao nhất, và sự gia tăng lực lượng ngày càng phình to, cùng là sự mở rộng quyền lực quản lý dân chúng của ngành công an trong mấy chục năm qua, ta dễ dàng nhận ra khuynh hướng công an trị ngày càng rõ ràng hơn.
“Tuy nhiên, lịch sử cận đại thế giới và loài người cho thấy, các quốc gia độc tài, đảng trị mang đến nghèo đói và đau khổ cho dân chúng. Sớm muộn gì loại nhà nước này cũng sẽ bị đào thải.”
“Báo động giả” về thế lực thù địch?
Cựu Thiếu tá An ninh Nguyễn Hữu Vinh đề cập một khía cạnh mà ông quan tâm mà ông gọi là “báo động giả” mà có thể ngành công an và an ninh tại Việt Nam đang cho thấy.
“Chính qua báo chí, qua phát ngôn của nhiều vị lãnh đạo cho thấy dường như “các thế lực thù địch” đang hoạt động ghê gớm lắm, mất chế độ đến nơi. Rồi cứ lúc nào cũng Việt Tân … Việt Tân. Trong ngành y, chẩn bệnh không đúng, dùng thuốc quá liều dễ sinh ngộ độc, bệnh nặng thêm, mà chết.
“Chuyện “an ninh chính trị” cũng vậy, đánh giá quá mức mối nguy hiểm của “các thế lực thù địch”, tới độ như “báo động giả” cũng rất nguy hiểm. Cuộc sống của người dân, của giới trí thức tinh hoa có thể bị kiểm soát quá mức cần thiết, dẫn đến tâm lý bất an, bất mãn, kìm hãm phát triển trí sáng tạo v.v..
“Còn những mặt trái sâu xa của lối “báo động giả” thì không thể kể hết. Cuối cùng là mâu thuẫn ngấm ngầm tích tụ dần dần khó đo đếm được, một khi có biến cố thiên tai, bệnh dịch khó kiểm soát, ngoại xâm … dễ làm bùng nổ xã hội khôn lường, hoặc ít ra là mất đi sự cố kết cần thiết của cả xã hội đặng vượt qua được khủng hoảng.”
Luật sư Lê Quốc Quân nghĩ rằng không nên bàn đến chuyện “đúng, sai” với vai trò và vị thế của ngành công an tại Việt Nam hiện nay và ông giải thích quan điểm của mình.
“Tôi cho rằng Việt Nam là mô hình Đảng trị, Bộ công an cũng chỉ được coi là một thanh kiếm để bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng. Để cho kiếm càng ngày càng sắc và sự cai trị ngày càng lớn thì người ta phải tạo điều kiện để người trong ngành có quyền lợi gắn liền với đảng. Có quyền lợi thì sẽ có sự trung thành tuyệt đối. Tôi thấy có một khẩu hiệu trước đây người ta đã đề cập trong ngành công an là “còn đảng, còn mình”.
“Câu đó thật minh nhiên và tài tình hết sức, nói thẳng tưng ra là phải bảo vệ vị thế của đảng, sự độc quyền lãnh đạo của đảng như chính là bảo vệ lực lượng công an, không cần gì đến chuyện khác nữa. Kinh nghiệm của tôi thì thấy rõ, họ làm việc theo lãnh đạo, chỉ đâu là đánh đó, bảo sao là làm vậy. Trước đây nhiều lần làm việc với tôi họ đều nói “Đó là mệnh lệnh phải tuân thủ tuyệt đối, đừng bàn chuyện đúng sai.”
Hai lý do của việc phình to bộ máy?
Luật gia, nhà báo Trịnh Hữu Long từ Đài Bắc cho rằng lý do của việc bộ máy, quân số ngành công an Việt Nam bị “phình to” là có gốc rễ từ vấn đề thể chế, và theo ông có hai điểm cần nói về lý do, nguyên nhân.
“Theo tôi, ở đây có lý do về mặt thể chế, thứ nhất trong khuynh hướng chung bộ máy nhà nước phình to, thì lý do phình to là bởi vì đảng Cộng sản Việt Nam có tham vọng kiểm soát xã hội Việt Nam ở một quy mô vô cùng rộng lớn mà bao hàm bộ ba thị trường, xã hội dân sự và các yếu tố, lực lượng nước ngoài.
“Khi quy mô dân số và các hoạt động trong xã hội lớn lên và gia tăng, thì bộ máy nhà nước cũng lớn lên theo và hơn nữa với cơ chế xin – cho, hối lộ, đút lót để chạy chọt xin việc ở Việt Nam, một người chạy vào cơ quan nhà nước sẽ có nhu cầu “thu hồi vốn” đã bỏ ra để chạy, và có một cách thu hồi vốn là trở thành một người đi tuyển mộ cho bộ máy nhà nước và nhận tiền “chạy chọt”, thì cơ chế đó luôn luôn làm cho bộ máy nhà nước phình ra. Đó là lý do mà lâu nay người ta không thể nào tinh giản biên chế được.
“Với cơ chế và bộ máy kiểu đó, người này vào được, họ sẽ có nhu cầu tham nhũng và tận dụng từ những người mới vào và bộ Công an, ngành công an cũng không nằm ngoài xu hướng đó, nhưng bộ này có địa vị đặc biệt, phân biệt với các bộ, ngành khác, đó là không chỉ đóng vai trò gìn giữ an ninh, trật tự xã hội như ở các nước dân chủ, mà nó còn đóng vai trò hết sức đặc biệt là bảo vệ chế độ nữa.
“Và khi đảm nhiệm vai trò này càng ngày càng khó khăn trước những thử thách từ sự phản kháng xuất phát từ nhận thức các quyền của người dân càng ngày càng cao, như đã được chứng kiến khoảng 20 năm trở lại đây, vai trò bảo vệ chế độ của bộ Công an, ngành công an càng lớn hơn nữa và lớn hơn thì bộ máy phải phình to hơn, phải cấp nhiều tiền từ ngân sách hơn, tuyển nhiều nhân sự hơn và mở nhiều cơ quan hơn như từ cục An ninh mạng cho tới lực lượng bảo an ở cấp cơ sở.
“Đó là những lý do khiến bộ máy công an phình ra và khi mà họ đã nắm được các quyền lực trong cơ quan nhà nước, họ sẽ không bao giờ muốn từ bỏ và trái lại họ lại càng có tham vọng và mong muốn tăng cuờng và mở rộng quyền lực chính mình, và cấp nào cũng muốn phát triển bộ máy của mình và kết quả là họ càng cơi nới bộ máy, nhân sự ra, đây là vấn đề của thể chế, cơ chế mà nếu không giải quyết được, thì nó sẽ không thể ngăn chặn được quá trình phình to bộ máy như thế.”
Nhân dịp này, các ý kiến cũng đề cập với BBC về điều mà họ tin là cần phải có giải pháp cho vấn đề mà Đại biểu Quốc hội Việt Nam cho là “lực lượng công an quá đông”.
Ông Nguyễn Hữu Vinh cho rằng cần có sự cải tổ thể chế, chính trị và cả tư tưởng:
“Theo tôi đây vẫn là câu hỏi quá lớn, mà hễ động tới nó, người ta lại dễ nghĩ tới vai trò của Đảng. Trong lúc vẫn khăng khăng một chính thể mô hình một đảng như hiện nay, thì việc đầu tiên vẫn là phải mở rộng quyền tự do dân chủ, “cởi trói” cho tư tưởng, tinh thần của dân như đã từng làm từ 30 năm trước (rồi lại vội “trói” trở lại). Vai trò của ngành công an ở đây quan trọng nhất.
“Từ đó, sẽ có được “trên dưới một lòng” thực sự hơn, được rất nhiều thuận lợi để có những điều chỉnh hợp lý thể chế chính trị, kinh tế, luật pháp …
“Nếu cứ quá tin vào những lối “báo động giả” như nói ở trên, luôn trong tâm trạng bất an, sợ “các thế lực thù địch” ở đâu đó vùng lên lật đổ, rồi siết chặt thêm quản lý xã hội, thì tất cả cùng dẫn nhau vào con đường bế tắc mà thôi.”
Ông Lê Văn Sinh cũng chia sẻ quan điểm về cải cách và theo ông phải đi từ gốc rễ của vấn đề:
“Tôi cho rằng, vấn đề gốc rễ của xã hội Việt Nam hôm nay là cải cách thể chế chính trị. Một khi Đảng Cộng Sản Việt Nam không chấp nhận các lực lượng xã hội khác chính kiến với họ được tham dự công việc xây dựng đất nước thì sẽ không có bất kỳ một sự thay đổi theo hướng tích cực nào hết.”
Ông Lê Quốc Quân cho rằng để cải tổ đúng hướng, ngành công an Việt Nam trong tương lai cần “trung lập” và thượng tôn pháp luật.
“Tôi nghĩ cần phải có có tự do dân chủ, xa hơn là phải đa nguyên đa đảng. Không một nhà nước nào mà không có công an, an ninh, cho nên nó vẫn luôn cần thiết. Tuy nhiên để ngành công an chỉ có một mục tiêu là bảo vệ an ninh, bảo vệ nhân dân mà không phải là “còn đảng còn mình” thì ngành sẽ làm việc trung lập và chỉ tuân theo pháp luật.
“Khi có luật các tổ chức đảng phái, luật của ngành công an cụ thể thì thì quyền lực không bị lợi dụng, không thể tự tiện phình to hay thu nhỏ lại mà do nhu cầu của đất nước. Tự do báo chí cũng vô cung quan trọng vì khi đó báo chí và người dân sẽ giám sát được quyền lực trong xã hội, bao gồm cả ngành công an.”
Phi chính trị hóa và phi tập trung hóa?
Theo ông Trịnh Hữu Long, có hai giải pháp cụ thể cần quan tâm khi đúc rút từ kinh nghiệm quốc tế và khu vực:
“Kinh nghiệm từ những nước chuyển đổi từ độc tài, toàn trị sang dân chủ, văn minh bao giờ cũng bao gồm việc phải cải cách bộ máy cảnh sát, bộ máy công an như thế nào.
“Ở các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa cũ, các nước khác như là Hàn Quốc, Đài Loan có rất nhiều kinh nghiệm trong chuyện này và kinh nghiệm này luôn luôn bao hàm hai việc, thứ nhất là phải phi chính trị hóa bộ máy công an, bộ máy công an sẽ không là tài sản riêng, công cụ riêng, không phục vụ cho một đảng phái nào cả.
“Nó phải nằm ngoài chính trị và nó chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự xã hội và trấn áp tội phạm mà thôi, còn an ninh quốc gia có thể là vấn đề của bên phía quân đội.
“Việc phi chính trị hóa bộ máy công an, cảnh sát như thế phải là việc đầu tiên, phải bãi bỏ toàn bộ những chức danh chính trị trong các cơ quan công an, rồi phải có những cơ chế để ngăn chặn các đảng phái chính trị gây ảnh hưởng trong bộ máy công an.
“Và việc xét duyệt, cấp ngân sách cho ngành công an, bộ Công an cũng phải thông qua những cơ chế rất minh bạch để những ai, lực lượng nào cố tình gây ảnh hưởng lên bộ Công an bằng cách xét duyệt ngân sách sẽ bị phát giác và công luận biết được ai là người gây ảnh hưởng.
“Thứ hai nữa, bên cạnh phi chính trị hóa, là phải phi tập trung hóa bộ máy công an. Hiện nay bộ máy và hệ thống chính trị trong công an Việt Nam được xây dựng theo hệ thống thống nhất từ trung ương xuống địa phương, gồm có đảng ủy Công an Trung ương mà trong đó các ông Nguyễn Phú Trọng, hay Tô Lâm đang có chân trong đó, đây là cơ quan đầu não chính trị, họ chỉ đạo quản lý toàn bộ hệ thống trong đó có bộ Công an, các sở Công an, công an của các quận, huyện, vươn xuống cả tuyến công an xã và thậm chí họ còn chỉ đạo quản lý cả các lực lượng dân phòng ở các làng, phường, xã.
“Đây là một bộ máy từ trung ương quản lý thống nhất xuống cả địa phương đảm bảo cho việc huy động lực lượng rất lớn khi cần để phục vụ quyền lực của đảng và của chính ngành này, và đó chính là một mối nguy, mối đe dọa đối với bất kỳ một lực lượng chính trị nào khác, và bản thân nó, tự nó có thể biến thành một nhà nước trong một nhà nước, và nó đủ sức đe dọa các thiết chế khác trong xã hội, như có thể đe dọa Tòa án, đe dọa Quốc hội, đe dọa Chính phủ và bất kỳ ai.
“Do đó, phi chính trị hóa ngành công an là tách cơ quan công an trung ương ra khỏi các cơ quan công an địa phương, cơ quan công an địa phương là do chính quyền địa phương lập ra, còn cơ quan công an trung ương là do chính quyền trung ương lập ra, tách ra như vậy và phi tập trung hóa, thì sẽ ngăn chặn việc chúng liên kết với nhau để có thể trở thành một mối đe dọa to lớn như trên đã nói nữa.
“Đó là một kinh nghiệm ở các nước, tôi không rõ nó có phù hợp với Việt Nam hay không, thế nhưng nhìn chung về nguyên tắc bao giờ cũng phải bao gồm hai việc là phi chính trị hóa và phi tập trung hóa như thế,” ông Trịnh Hữu Long nói với BBC.
Điểm tin trong nước sáng 26/11: Bức xúc chuyện phá rừng, làm thuỷ điện; Xét nghiệm Covid-19 với thực phẩm nhập khẩu
Mạnh Đức
Mục lục bài viết
Kinh tế Việt Nam quý 3 vẫn tăng trưởng bất chấp đại dịch
Cử tri Đà Nẵng bức xúc chuyện phá rừng, làm thuỷ điện
Việt Nam lấy mẫu xét nghiệm virus viêm phổi Vũ Hán với thực phẩm nhập khẩu
Đã bắt được nghi phạm nổ súng tại trạm BOT Thanh Nê
Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội
Mục Điểm tin trong nước sáng thứ Năm (ngày 26/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Kinh tế Việt Nam quý 3 vẫn tăng trưởng bất chấp đại dịch
Theo sme.asia, các nước trên thế giới đang phải hứng chịu sự tàn phá kinh tế do đại dịch Viêm phổi Vũ Hán gây ra, nhưng Việt Nam đang trở thành câu chuyện thành công về kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á.
Việt Nam duy trì mức tăng trưởng dương ổn định khi các nền kinh tế khác vẫn đang còn chật vật.
GDP thực tế của Việt Nam trong quý 3/2020 tăng khoảng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý tăng trưởng thứ hai liên tiếp trong bối cảnh đại dịch đang càn quét thế giới.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, năm nay, Việt Nam sẽ trở thành nước đứng thứ 4 về GDP danh nghĩa trong ASEAN, vượt qua Singapore, Malaysia và Philippines.
Cử tri Đà Nẵng bức xúc chuyện phá rừng, làm thuỷ điện
Sau tình trạng lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng ở miền Trung xảy ra trong thời gian gần đây, nhiều cử tri Đà Nẵng bức xúc khi đề cập chuyện phá rừng làm thuỷ điện trong buổi tiếp xúc với Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng sáng 25/11.
Báo Pháp Luật dẫn lời cử tri Nguyễn Trí Tổng cho biết: “Rừng nước ta đang mất dần theo năm tháng. Một phần nguyên nhân do thủy điện nhỏ và biệt phủ của các đại gia. Thủ tướng đã có lệnh cấm rừng nhưng cấm cứ cấm, chặt cứ chặt, hậu quả không cần biết. Tại kỳ họp Quốc hội lần này, hai vấn đề nóng là rừng và quản lý thủy điện vẫn chưa được kết luận”.
Còn cử tri Nguyễn Bá Trôi thì đặt câu hỏi: ’”Tại sao không thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý các công trình thủy điện. Thủy điện xả lũ trong lúc mưa, ngập lụt như thế thì khổ người dân miền Trung.’’
Ông Trôi nói thêm: “Nhân dân còn nói trước đây có cà phê cóc, quán nhậu cóc, giờ thì có cả thủy điện cóc. Như thế thì ai quản lý được. Mưa ngập lụt, nước biển dâng lên, nước từ thượng nguồn đổ xuống, đồng bằng trũng vậy mà xả liền để giữ tài sản của mình, giữ đập của mình. Nhân dân mất tài sản, thậm chí cả tính mạng thì chúng ta làm kinh tế để làm gì?
Việt Nam lấy mẫu xét nghiệm virus viêm phổi Vũ Hán với thực phẩm nhập khẩu
Bộ Y tế đề nghị lấy mẫu trên bao bì để xét nghiệm virus viêm phổi Vũ Hán đối với thực phẩm nhập khẩu từ các nước đang có dịch.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chiều 25/11 trao đổi với báo chí trong nước cho biết thời gian qua một số nước trên thế giới đã xét nghiệm và công bố tìm thấy virus corona trên bao bì thực phẩm đông lạnh.
Ông nói: “Đây có thể là một trong những nguy cơ lây nhiễm sang người. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai xét nghiệm.”
Về chi phí xét nghiệm, ông Phong nói: “Chúng tôi chưa bắt buộc doanh nghiệp phải trả chi phí xét nghiệm này. Vì vậy, giá thành thực phẩm đông lạnh nhập khẩu sẽ không bị ảnh hưởng”.
Đã bắt được nghi phạm nổ súng tại trạm BOT Thanh Nê
Nguồn tin riêng của Báo Người Lao Động cho biết vào khoảng 15 giờ hôm qua 25/11, lực lượng Công an tỉnh Thái Bình đã phát hiện, bắt giữ được đối tượng Bùi Xuân Đại (SN 1987, trú tại phường Trần Lãm, TP Thái Bình) – là nghi phạm đã gây ra vụ nổ súng tại khu vực trạm thu phí BOT Thanh Nê vào đêm 23/11 vừa qua khiến anh B.H.H. (19 tuổi, trú tại xã Bình Minh, huyện Kiến Xương) trọng thương.
Vào thời điểm bị bắt giữ, nghi phạm Bùi Xuân Đại đang lẩn trốn tại nhà 1 người quen ở TP Thái Bình.
Trước đó vào khoảng 20 giờ 30 phút ngày 23/11, tại khu vực trạm thu phí BOT Thanh Nê, anh B.H.H. vừa bước từ xe ôtô con của gia đình xuống quán nước vỉa hè gần khu vực trạm thu phí thì bất ngờ bị một người mở cửa xe khách mang logo của nhà xe Đ.T. chạy tuyến Thái Bình – Hà Nội và ngược lại dùng súng “hoa cải” bắn.
Sau khi nổ súng, thấy anh H. dính đạn, gục xuống, đối tượng gây án lập tức rút khỏi hiện trường. Anh H. được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình trong tình trạng đa chấn thương, tập trung ở vùng cổ, vai trái và phía trên ngực trái, mất nhiều máu, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức, TP Hà Nội.
Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội
Báo Lao Động đưa tin, ngày 25/11, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành kết luận thanh tra theo đơn tố cáo một số nội dung của dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội.
Quy mô toàn tuyến dài 12,5km, trong đó trên cao 8,5km, đi ngầm 4km; điểm đầu là Nhổn, điểm cuối là ga Hà Nội. Tổng mức đầu tư dự án được tăng từ 783 triệu euro lên 1.176 triệu euro.
Theo kết quả thanh tra, đến thời điểm thanh tra công tác nghiệm thu và thanh quyết toán gói thầu trên vẫn chưa hoàn thành, nguyên nhân chính là do hồ sơ nghiệm thu khối lượng không đảm bảo, có dấu hiệu sai khối lượng thi công.
Mặt khác hồ sơ hoàn công của gói thầu cũng chưa đúng quy định, có hiện tượng không đúng với thực tế và không đúng với phương án kỹ thuật được phê duyệt..
Trách nhiệm để xảy ra sai phạm này thuộc chủ đầu tư dự án và các đơn vị liên quan: Bộ tư lệnh công binh – cơ quan chủ quản nhà thầu, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô và đơn vị thi công gói thầu này.
Điểm tin trong nước tối 26/11- Thủ tướng: Không để lợi dụng lãnh thổ nước này chống lại nước kia; Giá xăng tăng lên cao nhất 8 tháng
Tâm Tuệ- Hiểu Minh
Mục lục bài viết
Thủ tướng: Không để lợi dụng lãnh thổ nước này chống lại nước kia
Gần 30m tường bao của 1 trường tiểu học ở Đồng Nai bất ngờ đổ sập
Giá xăng tăng lên cao nhất 8 tháng
Thủy điện tích nước ‘chui’ bị phạt 500 triệu đồng
Mục Điểm tin trong nước tối thứ Năm (ngày 26/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Thủ tướng: Không để lợi dụng lãnh thổ nước này chống lại nước kia
“Các nước ASEAN tăng cường xây dựng lòng tin, trao đổi thông tin giữa cơ quan thực thi pháp luật, không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng lãnh thổ nước này chống lại nước kia”, đó là phát biểu nổi bật của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia được nhiều trang tin trong nước dẫn lại trong sáng 26/11.
Theo Thủ tướng, trong năm qua, các nước ASEAN vừa chống dịch lại phải đối mặt với một “kẻ thù nguy hiểm” khác, đó là tội phạm xuyên quốc gia ngày càng gia tăng với nhiều hình thức, thủ đoạn mới và tinh vi.
Gần 30m tường bao của 1 trường tiểu học ở Đồng Nai bất ngờ đổ sập
Theo Người lao động, sự việc xảy ra tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Trước đó, gần 14 giờ ngày 25/1, bức tường dài gần 30m tại khu vực nhà để xe của học sinh tại khu B Trường tiểu học Trần Quốc Toản bất ngờ đổ ào xuống, đè hơn 20 chiếc xe đạp của học sinh đang để tại đây. May mắn thời điểm này học sinh đang trong giờ học nên không xảy ra thương vong. Hiện hệ thống tường này đang chực chờ sập tiếp.
Giá xăng tăng lên cao nhất 8 tháng
Báo Zing cập nhật, từ 15h30 chiều 26/11, giá xăng E5 RON 92 trong nước tăng 609 đồng/lít lên 14.494 đồng/lít. Trong khi đó, xăng RON 95 tăng thêm 650 đồng/lít. Trong đó giá xăng hiện tại ở mức cao nhất trong vòng 8 tháng qua (kể từ ngày 29/3).
Không chỉ xăng, giá các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng mạnh. Giá dầu diesel tăng 596 đồng/lít; dầu hỏa tăng 576 đồng/lít; dầu mazut tăng 651 đồng/kg. Sau khi điều chỉnh, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel là 11.434 đồng/lít; dầu hỏa là 10.138 đồng/lít và dầu mazut là 11.742 đồng/kg.
Tại kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính – Công Thương không thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng RON 95 trích lập 100 đồng/lít; dầu diesel ở mức 100 đồng/lít, xăng E5 RON 92 ở mức 1.000 đồng/lít, dầu mazut là 200 đồng/kg; dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít; dầu diesel 300 đồng/lít.
Nguồn tin trên cho hay tổng số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu hết quý III năm nay ước đạt 10.049 tỷ, mức cao kỷ lục kể từ khi được công khai vào năm 2013.
Thủy điện tích nước ‘chui’ bị phạt 500 triệu đồng
Sáng 26/11, ông Nguyễn Văn Phương – Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho báo VnExpress biết, đã phạt chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật 500 triệu đồng sau 3 lần tích nước không đúng quy định giữa mùa mưa bão.
Cùng ngày Đoàn kiểm tra của Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi Trường đã làm việc với thủy điện Thượng Nhật liên quan việc khai thác, sử dụng nước mặt, nếu vi phạm nữa sẽ thu hồi.