Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 05/11/2020

Thursday, November 5, 2020 // ,

 Đọc báo Pháp – 05/11/2020

Dù thắng hay bại, Donald Trump cũng đã thay đổi thế giới – Thụy My

Trên Le Figaro, tác giả Benjamin Haddad nhận định: «Dù là người chiến thắng hay chiến bại, Donald Trump cũng đã thay đổi thế giới». Trả lời Financial Times năm 2018, Henry Kissinger mô tả Donald Trump như một trong những nhân vật «thỉnh thoảng xuất hiện trong lịch sử để đánh dấu hồi kết của một thời đại, buộc phải từ bỏ những vọng tưởng».

Tựa chính của tất cả nhật báo Pháp ra ngày hôm nay đều tập trung vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Le Monde đăng ảnh hai ứng cử viên với dòng tít lớn «Trump-Biden: Hợp chủng quốc tự xâu xé». Libération chơi chữ, thay vì Maison Blanche tức Nhà Trắng, tờ báo chạy tựa «Maison flanche», tạm dịch ngôi nhà suy sụp.

Trên trang nhất La Croix là lá cờ Mỹ với một đường nứt chéo và hàng tít « Rạn vỡ ». Không hẹn mà nên, đây cũng là tựa chính của Les Echos. Ảnh của hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden cũng chiếm trang bìa Le Figaro với tựa đề vô cùng ngắn gọn : « Ai ? ». Các báo cũng dành rất nhiều trang trong cho chủ đề này : Le Monde 12 trang, Libération 8 trang, Le Figaro 6 trang…

Thăm dò lại sai, lực lượng ủng hộ Donald Trump vẫn đông đảo

Một ứng cử viên Cộng Hòa « không giống ai », một ứng viên Dân Chủ đáng thất vọng : kịch bản của năm 2016 được lặp lại. Không có « làn sóng xanh » như dự đoán, các cơ quan thăm dò một lần nữa lại sai lầm. Lần đầu tiên kể từ năm 2000, một ngày sau khi các phòng phiếu đóng cửa vẫn chưa biết được ai là tân tổng thống.

Những người ủng hộ ông Trump huy động đông đảo, và Donald Trump chống chọi mạnh mẽ hơn người ta tưởng. Đại dịch rốt cuộc không phải là tiêu chí hàng đầu để chọn lựa, nhiều cử tri Mỹ la-tinh vẫn bỏ phiếu cho ông Trump, cử tri nữ không ồ ạt dồn phiếu cho Biden như người ta tưởng. Các vụ bạo động, phá hoại của phong trào Black Lives Matter cũng đóng vai trò không nhỏ.

Đọc thêm: Vụ George Floyd và lá bài lập lại trật tự của Donald Trump trong bầu cử

Số người đi bầu lên đến mức kỷ lục : 160 triệu, tức 66,9%. Dân Chủ vẫn giữ được Hạ Viện nhưng Cộng Hòa đang thắng thế ở Thượng Viện. Những món tiền khổng lồ được rót vào để bơm lên các ứng cử viên Dân Chủ, nhưng chủ tịch phe đa số ở Thượng Viện Mitch McConnell vẫn vượt xa ở Kentucky. Dù tiêu tốn hết 100 triệu đô la tiền quyên góp cho Dân Chủ, Jamie Harrison vẫn thất bại nặng nề trước Lindsey Graham của đảng Cộng Hòa ở Nam Carolina, khiến ông Graham gọi đây là « món đầu tư tệ nhất trong lịch sử chính trị nước Mỹ ».

Kịch bản tệ hại

Trả lời Les Echos, nhà nghiên cứu Laurence Nardon của IFRI nhận định với việc kết quả của hai ứng cử viên sát nút nhau, « Chúng ta đang trong kịch bản tệ hại nhất ». Ông Trump sẽ kiện tụng, khiến khó có tuyên bố chính thức vào ngày 08/12 và cử tri đoàn không thể bỏ phiếu ngày 14/12 như lịch trình dự kiến.

Nếu Joe Biden đắc cử nhưng không có đa số ở Thượng Viện, thì có thể lãnh đạo được hay không ? Đối với phía Cộng Hòa, Biden có thể bị coi là thiếu tính chính danh với kết quả khít khao và những phản đối của ông Trump. Cũng giống như tình trạng của Donald Trump trong nhiệm kỳ vừa qua, bị Dân Chủ chỉ trích vì thua phiếu phổ thông. Đảng Dân Chủ cần phải chiếm được 60 ghế ở Thượng Viện, nhưng điều này hầu như bất khả.

Bầu cử tổng thống Mỹ: Biden tự tin, Trump tố cáo bị ‘cướp đoạt’ chiến thắng

Bài xã luận của các báo nêu ra vấn đề đưa ra phân giải trước Tối cao Pháp viện. La Croix cho rằng như vậy cuộc đấu tranh sẽ chuyển từ lãnh vực chính trị sang tư pháp, sẽ tác hại đến lòng tin của người Mỹ đặt vào lá phiếu và các định chế.

Le Figaro đặt câu hỏi, người ta sẽ nghĩ gì về một đất nước phải nhờ đến tòa án để quyết định kết quả bầu cử ? Tờ báo tỏ ý tiếc là ứng cử viên Cộng Hòa muốn tranh thủ đa số ở Tối cao Pháp viện – một điều không có gì là chắc chắn. Tuy đa số thẩm phán do Cộng Hòa bổ nhiệm, nhưng họ vẫn phải giữ uy tính cho bản thân và cho định chế. Về phía ông Biden cũng chuẩn bị một cuộc chiến pháp lý với đội ngũ luật sư hùng hậu.

Có điều Donald Trump đã chứng tỏ là giai tầng cử tri bầu cho ông rộng rãi hơn, vững chắc hơn là thăm dò đã dự đoán. Dù thắng hay bại, cung cách của ông đã tạo dấu ấn lâu dài trong đời sống chính trị nước Mỹ. Trump không cần làm yếu đi nền dân chủ để bảo đảm được chỗ đứng trong lịch sử. Còn theo Libération, đây là kịch bản buồn và là bài học cho châu Âu : dân chủ là tài sản quý giá và mong manh.

Một nước Mỹ chia rẽ sâu sắc

Trong bài « Nước Mỹ rạn nứt », Les Echos ghi nhận kịch bản lo ngại lâu nay đã thành sự thật : một Mỹ quốc bị phân đôi, chia rẽ sâu sắc và đến giờ này vẫn chưa biết được tân tổng thống là ai.

Một điều chắc chắn là cuộc bầu cử kỳ này cho thấy chiến thắng năm 2016 của Donald Trump không đơn giản là một « sự cố » như Châu Âu hằng tưởng.

Đọc thêm: Bầu cử tổng thống: Nước Mỹ trên thùng thuốc súng

Những lá phiếu ủng hộ chủ trương dân tộc, chống giới tinh hoa, chống chủ nghĩa tự do vẫn là thời sự ở nước Mỹ cũng như trên thế giới, vượt khỏi cá nhân tổng thống Mỹ. Cử tri chừng như quan tâm đến kinh tế hơn là đại dịch. Một bài học rút ra là không dễ đánh bại một ứng cử viên dân túy, bất chấp bốn năm đầy xáo trộn vừa qua.

Trước một nước Mỹ chia rẽ và yếu đi, Châu Âu chỉ có thể trông cậy vào sức mạnh của chính mình. Bởi vì Hoa Kỳ sẽ không tặng món quà nào về thương mại hoặc thuế quan, và sẽ không sớm lấy lại vai trò lãnh đạo thế giới đã bị từ bỏ, ngay cả khi thay đổi ông chủ Nhà Trắng.

Donald Trump, nhân vật đã làm thay đổi thế giới

Trên Le Figaro, tác giả Benjamin Haddad của think tank Atlantic Council có trụ sở ở Washington nhận định : « Dù là người chiến thắng hay chiến bại, Donald Trump cũng đã thay đổi thế giới ».

Khi báo lên khuôn, các tiểu bang Rust Belt đang kiểm những lá phiếu cuối cùng của một cuộc bầu cử sát nút, khác với dự đoán của các chuyên gia và cơ quan thăm dò. Một lần nữa, kết quả sẽ được quyết định bởi các cử tri công nhân da trắng là nạn nhân của phi kỹ nghệ hóa, trước đây theo Dân Chủ nhưng đã tặng cho ông Donald Trump chiến thắng cách đây bốn năm.

Đọc thêm: Chuyên gia: Sẽ rất sai lầm nếu không thấy sức mạnh chính trị tuyệt vời của Donald Trump

Ông Trump đã thay đổi thế giới cũng như mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và châu Âu. Trump đóng vai trò gia tốc và biểu hiện cho những xu hướng về chiều sâu. Nước Mỹ đang dần từ bỏ chủ nghĩa toàn cầu, hành động như một cường quốc bình thường bảo vệ lợi ích của mình trên trường quốc tế đang chia năm xẻ bảy, trong một hệ thống đa phương bất lực, hồi kết của hy vọng toàn cầu hóa hậu chiến tranh lạnh.

Trả lời Financial Times năm 2018, Henry Kissinger mô tả Donald Trump như một trong những nhân vật « thỉnh thoảng xuất hiện trong lịch sử để đánh dấu hồi kết của một thời đại, buộc phải từ bỏ những vọng tưởng ».

Trump kết thúc ảo tưởng dân chủ hóa Trung Quốc

Trong khi tranh cử, Joe Biden chống lại chính sách đối ngoại của Donald Trump. Những tuần lễ đầu của một chính quyền Biden sẽ sưởi ấm trở lại quan hệ Âu-Mỹ : quay lại với Hiệp định khí hậu Paris, những bài diễn văn về các giá trị chung, về NATO…Ứng cử viên Biden còn hứa hẹn tổ chức một « thượng đỉnh của các nền dân chủ ».

Những bất đồng về thương mại như GAFA vẫn tiếp tục, nhưng có thể Mỹ sẽ không sử dụng công cụ thuế quan với châu Âu. Tuy nhiên thành công của các ứng viên dân túy từ Donald Trump đến Bernie Sanders khiến giới tinh hoa Mỹ phải ý thức về hậu quả tiêu cực của các hiệp định tự do mậu dịch với một số khu vực.

Đọc thêm: Tình báo Mỹ : Trung Quốc không muốn ông Trump tái đắc cử

Nhiệm kỳ của ông Trump đã kết thúc quan niệm rằng khi mở cửa kinh tế Trung Quốc sẽ trở nên dân chủ. Đó là hy vọng của những người như Joe Biden khi ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Sự độc đoán của Tập Cận Bình, tham vọng địa chính trị thấy rõ qua « Con đường tơ lụa mới », gian trá trong thương mại và dối trá về đại dịch đã làm tan biến kỳ vọng này.

Biden xưa nay chủ trương hợp tác với Bắc Kinh, như đa số giới tinh hoa Mỹ, nay gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc là « côn đồ ». Chiến lược đối đầu với Bắc Kinh của chính quyền Trump được lưỡng đảng ủng hộ. Một chính quyền Biden cũng sẽ coi việc đối phó với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu, và cùng quan điểm với châu Âu về thương mại, công nghệ, quân sự.

Dàn xếp hòa bình cho lò lửa Trung Đông : Thành tựu lâu dài

Ở Trung Đông, ai có thể nghi ngờ được chính sách cơ cấu lại bản đồ khu vực của Donald Trump ? Chắc chắn Joe Biden sẽ không dời lại đại sứ quán Mỹ ở Israel về Tel Aviv. Nhiều nhà bình luận từng cho rằng Trung Đông sẽ dậy sóng nếu Mỹ công nhận Jerusalem, nhưng rốt cuộc chẳng có chuyện gì xảy ra. Ngược lại, ông Trump còn vận dụng việc các quốc gia Ả Rập Sunni xích gần lại với nhau xung quanh Ả Rập Xê Út và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, cũng như Israel phải đối phó với mối đe dọa Iran, để dẫn đến việc ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau.

Đây là một thành tựu dài lâu, trong khi trước đó các chuyên gia khẳng định không thể nào có được các thỏa thuận này nếu không có tiến trình hòa bình Israel-Palestine. Phương thức thương lượng và tương quan lực lượng lập ra với Iran (một cách thô bạo như vụ trừ khử tướng Soleimani) cho thấy hiệu quả hơn chính sách của những người tiền nhiệm.

Đọc thêm: Đại dịch Covid và Donald Trump giúp châu Âu thức tỉnh trước Bắc Kinh

Cuối cùng, nhiệm kỳ ông Trump đã chứng tỏ giới hạn của quan hệ hai bên bờ Đại Tây Dương vốn đã có từ trước, như trường hợp Obama trở mặt vào phút chót, không muốn cùng với Pháp tham gia tiêu diệt quân thánh chiến Hồi giáo ở Syria. Donald Trump chỉ lặp lại, một cách thô bạo hơn, các chỉ trích của những người tiền nhiệm về việc chia sẻ gánh nặng quốc phòng.

Liệu Châu Âu có thể để cho an ninh của các công dân mình nằm trong tay vài chục ngàn cử tri của Pennsylvania cứ mỗi bốn năm ? Tại Libya, tại Địa Trung Hải trước Thổ Nhĩ Kỳ, đối mặt với nạn khủng bố, Châu Âu có những vấn đề an ninh của chính mình và phải bảo đảm được sức mạnh. Donald Trump đã thay đổi cục diện quốc tế, và nay thì Châu Âu không thể trở thành những người gác đền cuối cùng cho một thế giới của ngày hôm qua.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201105-d%C3%B9-th%E1%BA%AFng-hay-b%E1%BA%A1i-donald-trump-c%C5%A9ng-%C4%91%C3%A3-thay-%C4%91%E1%BB%95i-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi

Tin tổng hợp

(Kyodo) – Trung Quốc cho phép hải cảnh sử dụng vũ khí ở những vùng biển tranh chấp.

Theo một đạo luật được Quốc Hội công bố hôm qua, 04/11/2020, Trung Quốc sẽ cho phép hải cảnh của nước này sử dụng vũ khí đối với các tàu ngoại quốc có những hoạt động “trái phép” tại những vùng biển mà Bắc Kinh kiểm soát, nếu không tuân lệnh của hải cảnh. Luật mới này có thể là nhắm vào các tàu của Nhật hoạt động chung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà hai nước đang tranh chấp.

(AFP) – Cảnh sát Hồng Kông khuyến khích người dân tố giác vi phạm luật An ninh quốc gia. 

Hôm nay, 05/11/2020, cảnh sát Hồng Kông thông báo khởi động một đường dây chuyên biệt để người dân đặc khu này có thể tố giác những vi phạm luật An ninh quốc gia, mà Trung Quốc đã áp đặt từ cuối tháng Sáu vừa qua. Người dân có thể gởi các hình ảnh, âm thanh và video qua SMS, email hay qua mạng WeChat. Các tổ chức nhân quyền xem đây là một hành động mới của chính quyền nhằm bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận ở Hồng Kông.

(AP) – Thủ tướng Cam Bốt bị cách ly sau cuộc họp với đoàn Hungary. 

Thủ tướng Hun Sen và bốn bộ trưởng đã bị cách ly kể từ hôm nay 5/11/2020, sau khi gặp ngoại trưởng Hungary cùng ngày, người dương tính với virus corona. Trên Facebook, Hun Sen cho biết ông xét nghiệm âm tính, nhưng chấp nhận cách ly trong 14 ngày.  Ông cho biết thêm là vợ và 16 nhân viên của ông – vệ sĩ và tài xế – cũng cho kết quả âm tính.

(AFP) – Kinh tế Indonesia lần đầu tiên suy thoái kể từ năm 1999. 

Theo cơ quan thống kê quốc gia Indonesia hôm nay, 5/11/2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia đã giảm 3,49% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 5,3% trong quý II. Tức là suy thoái, sau hai quý suy giảm liên tiếp. Indonesia trải qua cuộc suy thoái cuối cùng vào cuối thập niên 1990, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, khiến nước này khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Do khủng hoảng, chế độ độc tài Suharto sụp đổ năm 1998.

(AFP) – Mỹ chính thức ra khỏi Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris. 

Đã được thông báo từ lâu nhưng quyết định này của Hoa Kỳ chính thức có hiệu lực từ ngày 04/11/2020. Ứng viên tổng thống của bên đảng Dân Chủ, Joe Biden báo trước ở cương vị chủ nhân Nhà Trắng ông sẽ quay trở lại với thỏa thuận lịch sử này, và Hoa Kỳ sẽ chung tay với thế giới chống biến đổi khi hậu. Kế hoạch của ứng viên Biden dự trù 1.700 tỷ đô la để giảm lượng khí thải carbon từ nay đến năm 2050.

(Reuters) – Nhật tiếc việc Mỹ rời Hiệp định Khí Hậu Paris. 

Người phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ Nhật Bản Katsunobu Kato phát biểu hôm nay 05/11/2020 trước báo giới, cho rằng việc Hoa Kỳ rút là vô cùng đáng tiếc: “Vấn đề biến đổi khí hậu không phải là chuyện của riêng một quốc gia nào, mà nó phải được toàn bộ cộng đồng quốc tế giải quyết.”

(AFP) – Hậu Brexit : Vẫn còn nhiều “bất đồng rất nghiêm trọng”. 

Trên mạng Twitter hôm qua, 04/11/2020, nhà thương thuyết của Liên Hiệp Châu Âu Michel Barnier cho biết là vẫn còn “những bất đồng rất nghiêm trọng” trong  các cuộc đàm phán với Anh Quốc về quan hệ giữa hai bên thời hậu Brexit. Các bất đồng này vẫn liên quan đến các điều kiện cạnh tranh công bằng, cách thức điều hành thỏa thuận tương lai và đánh cá. Các nhà thương thuyết đã đề ra hạn chót là giữa tháng 11 phải đạt được thỏa thuận giữa Bruxelles với Luân Đôn.

(AFP) – Pháp tăng gấp đôi lực lượng kiểm soát biên giới. 

Phát biểu tại biên giới Pháp -Tây Ban Nha hôm nay, 05/11/2020, tổng thống Emmanuel Macron thông báo tăng gấp đôi lực lượng an ninh kiểm soát các đường biên giới của Pháp, để ngăn chận nguy cơ khủng bố, buôn lậu và nhập cư trái phép. Lực lượng này sẽ tăng từ 2.400 lên 4.800 người. Quyết định được đưa ra sau loạt tấn công khủng bố gần đây, trong đó có vụ xảy ra tại thành phố Nice.

(AFP) – Covid-19 : Trung Quốc chận kiều dân Anh và Bỉ để ngăn ngừa dịch. 

Thông cáo của tòa đại sứ Trung Quốc tại Luân Đôn và Bruxelles ngày 05/11/2020 cho biết tạm ngừng cấp visa cho các công dân Anh và Bỉ, vì lý do y tế. Tới nay virus corona đã cướp đi sinh mạng của 48.000 người Anh, còn Bỉ là nơi có tỷ lệ tử vong so với dân số cao nhất thế giới.

(AFP) – 45 tỉnh của Pháp bị đặt trong tình trạng có “mức  độ rủi ro cao” nhiễm cúm gia cầm.

Thông cáo được đưa ra hôm nay 05/11/2020.Trong số này có tỉnh Gers và Landes ở miền tây nam. Đây là hai nơi chủ yếu cung cấp gan ngỗng béo trong mùa lễ Giáng Sinh.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201105-tin-ngan

Điểm tin thế giới sáng 5/11:

TT Trump nói có điều gì đó ‘rất kỳ lạ’ trong kiểm phiếu;

 Thế giới hồi hộp chờ kết quả bầu cử Mỹ

Hải Lam

Mục lục bài viết          

TT Trump nói có điều gì đó ‘rất kỳ lạ’ trong kiểm phiếu

Thế giới hồi hộp chờ kết quả bầu cử Mỹ

Chuyên gia: Dù TT Trump hay ông Biden thắng, ĐCSTQ vẫn thua

Bắc Kinh phản đối Mỹ bán máy bay không người lái cho Đài Loan

Bộ trưởng Hungary nhiễm nCov sau khi gặp Thủ tướng Campuchia

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (5/11) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

TT Trump nói có điều gì đó ‘rất kỳ lạ’ trong kiểm phiếu

Tổng thống Donald Trump nghi ngờ kết quả kiểm phiếu qua thư khi ông đang bị đối thủ Joe Biden dẫn trước về phiếu đại cử tri.

“Tối qua, tôi đang dẫn trước, thường là rất vững chắc, tại nhiều bang chủ chốt, gần như là tất cả các bang do đảng Dân chủ kiểm soát. Đột nhiên, lợi thế dẫn trước biến mất một cách thần kỳ khi các phiếu bầu qua thư được kiểm. Rất kỳ lạ, và những “các thăm dò dư luận” đã sai hoàn toàn”, Tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 4/11.

Tuy nhiên, dòng tweet này của ông Trump đã bị kiểm duyệt, với lý do “nội dung gây tranh cãi hoặc sai lệch về bầu cử”.

Dòng tweet trên được đăng vài giờ sau khi TT Trump, trong một cuộc họp báo vào trưa 4/11 (giờ VN) nói rằng có “một nhóm người rất đáng buồn” đang cố gắng gian lận cuộc bầu cử này và tuyên bố sẽ đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao.

Thế giới hồi hộp chờ kết quả bầu cử Mỹ

Không chỉ người Mỹ, người dân thế giới cũng đang hồi hộp chờ đợi kết quả bầu cử khi hai ứng viên vẫn bám đuổi sít sao.

Hầu hết lãnh đạo và các ngoại trưởng thế giới “án binh bất động”. “Chúng ta hãy chờ xem kết quả ra sao”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Anh Dominic Raab. “Tình thế hiện giờ có mức độ bất ổn rất lớn. Cuộc đua sít sao hơn nhiều người nghĩ”.

“Chúng ta sẽ chỉ biết ai là người chiến thắng sau khi tất cả phiếu bầu được kiểm”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier nói hôm 4/11.

Trên Twitter, các từ khóa Trump, Biden và Bầu cử Mỹ 2020 đang nằm trên top thịnh hành tại nhiều nơi trên thế giới như Nga, Pakistan, Malaysia, Keny, khắp châu Âu và Mỹ Latinh.

Nga, nước bị giới chức Mỹ cáo buộc cố gắng can thiệp bầu cử, chưa đưa ra phản ứng chính thức nào.

Chính quyền Trung Quốc nói rằng bầu cử là vấn đề nội bộ và họ “không có ý kiến gì”.

Ở Úc, đám đông theo dõi kết quả trong một quán bar ở Sydney. Một người tên là Glen Roberts nói: “Từ hồi Trump bước chân vào chính trường, tin tức thú vị hơn rất nhiều. Mọi người không bao giờ lường trước được ông ấy sẽ nói gì, thật là hay. Tin tức sẽ nhạt đi nếu Trump thua”.

Trong khi đó, có những người cho biết cuộc bầu cử Mỹ sẽ có tác động đến người dân toàn thế giới.

Chuyên gia: Dù TT Trump hay ông Biden thắng, ĐCSTQ vẫn thua

Ông Marion Smith, Giám đốc điều hành Quỹ Kỷ niệm Nạn nhân Cộng sản tại Washington nhận định trên tờ USA Today, tổng tuyển cử Mỹ năm 2020, dù ông Trump hay ông Biden thắng, kẻ thua lớn nhất vẫn là Đảng Cộng sản trung Quốc (ĐCSTQ).

Theo ông Marion Smith, dù ông Trump hay ông Biden đắc cử, thì Mỹ đều có khả năng chọn lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Một trong những lý do chính là thái độ của người dân Mỹ đối với Trung Quốc.

Ông Marion Smith chỉ ra, mặc dù nhân vật chính trị Mỹ trong 40 năm qua đều lấy lòng Trung Quốc nhưng người Mỹ vẫn giữ tâm phòng bị đối với chủ nghĩa Cộng sản. Đặc biệt, sau đại dịch viêm phổi Vũ

Hán và Bắc Kinh đàn áp nền dân chủ Hồng Kông, ⅔ người Mỹ có cái nhìn tiêu cực đối với chính quyền Trung Quốc.

Nhìn nhận hai ứng cử viên tổng thống là ông Trump và ông Biden, ông Marion Smith cho rằng, ông Trump chuyển chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sang phương hướng tự tin hơn, cộng thêm việc ông Trump rất nỗ lực khôi phục ngành sản xuất cũng như trừng phạt nghiêm doanh nghiệp Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.

Ngược lại, ông Biden có thiên hướng theo đường lối thân thiện Trung – Mỹ. Tuy nhiên, ông Marion Smith cũng đề cập rằng ông Biden đã nói rõ ràng về vấn đề Bắc Kinh đàn áp nhân quyền và lên án ĐCSTQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Do đó, ông Marion Smith cho rằng, dù là ai thắng cử đi nữa, người Mỹ đều sẽ yêu cầu vị tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo cần có thái độ cứng rắn đối với chính quyền ĐCSTQ.

Bắc Kinh phản đối Mỹ bán máy bay không người lái cho Đài Loan

Bắc Kinh hôm thứ Tư (4/11) tuyên bố Washington đã gửi những tín hiệu sai trái và nghiêm trọng tới lực lượng quân sự Đài Loan khi Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn thỏa thuận bán thương vụ bán máy bay không người lái tối tân cho hòn đảo.

Reuters đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết trong cuộc họp báo thường nhật ngày 4/11, Bắc Kinh sẽ có những phản ứng cần thiết trước vụ việc này.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 3/11 thông báo bán 4 máy bay không người lái MQ-9B cùng các thiết bị liên quan và chương trình đào tạo nhân sự, trị giá 600 triệu USD cho Đài Loan đã chính thức thông báo cho Nghị viện. Nghị viện có 30 ngày để xem xét thương vụ. Tuy nhiên, do cả hai đảng đều ủng hộ việc bảo vệ Đài Loan, nên Nghị viện khả năng cao sẽ phê duyệt thương vụ này.

Bộ trưởng Hungary nhiễm nCov sau khi gặp Thủ tướng Campuchia

Người đứng đầu Bộ Y tế Hungary hôm 4/11 cho biết, Ngoại trưởng nước này đã có kết quả dương tính với virus cúm Vũ Hán ở Thái Lan, một ngày sau khi ông gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Theo AFP, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã bay tới Phnom Penh hôm 3/11 để ký kết các thỏa thuận về quản lý hàng không dân dụng, nông nghiệp và nước, cũng như mở lại đại sứ quán sau 25 năm gián đoạn. Ông Szijjarto đã chụp hình với Thủ tướng Hun Sen và không đeo khẩu trang.

Ngoại trưởng Hungary cũng gặp mặt người đồng cấp Campuchia và bắt tay với một nhóm các bộ trưởng khác.

Vào tối 3/11, ông Szijjarto đến Bangkok và nhanh chóng được đưa đến bệnh viện sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm Vũ Hán.

Các cuộc họp theo lịch trình của Ngoại trưởng Szijjarto tại thủ đô Thái Lan đã bị hủy và một máy bay đã được đặt từ Hungary để đưa ông về nước.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-5-11-tt-trump-noi-co-dieu-gi-do-rat-ky-la-trong-kiem-phieu-the-gioi-hoi-hop-cho-ket-qua-bau-cu-my.html

Điểm tin thế giới tối 5/11:

Chiến dịch TT Trump đệ đơn kiện tại 3 bang chiến trường

Hải Lam

Mục lục bài viết          

Chiến dịch TT Trump đệ đơn kiện tại 3 bang chiến trường

Ngoại trưởng Hàn Quốc sắp thăm Mỹ

Bà Thái: Ủng hộ Đài Loan đã là xu hướng chủ đạo ở Mỹ

Quan chức Iran khuyên học sinh đốt cờ Mỹ

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (5/11) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Chiến dịch TT Trump đệ đơn kiện tại 3 bang chiến trường

Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 4/11 đã đệ đơn kiện tại 3 bang chiến trường là Michigan, Pennsylvania và Georgia.

Người quản lý chiến dịch Bill Stepien cho biết trong một tuyên bố: “Khi các phiếu bầu ở Michigan tiếp tục được kiểm đếm, cuộc đua tổng thống ở bang này vẫn cực kỳ sít sao như chúng ta đã biết. Chiến dịch của Tổng thống Trump đã không được cung cấp quyền tiếp cận nhiều địa điểm kiểm phiếu để giám sát việc mở các lá phiếu và quá trình kiểm phiếu, như luật pháp Michigan quy định”.

“Hôm nay, chúng tôi đã đệ đơn kiện lên Tòa án Michigan để tạm dừng tính (phiếu) cho đến khi (chúng tôi) được giám sát. Chúng tôi cũng yêu cầu xem xét những lá phiếu đã được mở và đếm trong khi chúng tôi không có quyền giám sát”, tuyên bố có đoạn.

Fox Carolina đưa tin, Justin Clark, phó giám đốc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, cho biết trong một tuyên bố hôm 4/11 (5/10 giờ Việt Nam) rằng chiến dịch đang “kiện để ngăn chặn các quan chức của đảng Dân chủ kiểm phiếu và xử lý phiếu bầu mà không có sự theo dõi của các quan sát viên đảng Cộng hòa” ở bang chiến địa Pennsylvania. Ông cho biết chiến dịch muốn “tạm thời ngừng kiểm phiếu cho đến khi có sự minh bạch và đảng Cộng hòa có thể đảm bảo tất cả việc kiểm đếm được thực hiện trung thực và theo luật”.

Chiến dịch của Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa tại bang Georgia đã thông báo đang khởi kiện ở bang Georgia để “đảm bảo tính toàn vẹn của cuộc bầu cử”.

Ngoại trưởng Hàn Quốc sắp thăm Mỹ

Giới chức Seoul hôm 5/11 cho biết, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha có kế hoạch thăm Washington vào cuối tuần.

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, bà Kang sẽ đến Washington vào Chủ nhật, theo lời mời của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Chuyến thăm dự kiến kéo dài bốn ngày.

Hai bên sẽ tổ chức một cuộc họp về các vấn đề song phương và khu vực, trong đó có các cuộc đàm phán bị đình trệ nhằm loại bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên để đổi lấy việc Mỹ giảm nhẹ các lệnh trừng phạt.

Nhà Xanh cho biết, ai đắc cử tổng thống Mỹ, Seoul vẫn sẽ duy trì liên minh “vững chắc” với Washington và tiếp tục hợp tác để phát triển mối quan hệ hơn nữa.

Bà Thái: Ủng hộ Đài Loan đã là xu hướng chủ đạo ở Mỹ

Trong khi thế giới chờ đợi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm nay nói rằng sự ủng hộ đối với Đài Loan đã trở thành một phần của dư luận chính thống và cũng là một chủ đề có sự đồng thuận của lưỡng đảng Mỹ.

Theo CNA, Tổng thống Thái cho biết chính quyền của bà đang theo dõi chặt chẽ diễn biến bầu cử nhưng họ tin tưởng vào tương lai của quan hệ song phương dù bất kỳ ai đắc cử..

Dựa trên nền tảng hiện có, Đài Loan sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng với Mỹ dựa trên những lợi ích và giá trị chung. Chính phủ Đài Loan đã duy trì quan hệ chặt chẽ với Washington, các đảng lớn của Mỹ và các tổ chức tư vấn, và điều đó sẽ không thay đổi sau cuộc bầu cử, theo tổng thống Thái.

Nhà lãnh đạo Đài Loan cho biết bà cũng tin rằng mặc dù có thể có một số thay đổi trong Nghị viện Mỹ, nhưng sự ủng hộ đối với việc bán vũ khí và những hỗ trợ khác cho Đài Loan khó có thể thay đổi.

Quan chức Iran khuyên học sinh đốt cờ Mỹ

Iran đã hủy bỏ cuộc tuần hành Ngày sinh viên truyền thống – nhân kỷ niệm ngày Iran chiếm giữ Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tehran vào năm 1979 – lần đầu tiên sau gần 40 năm do lo ngại dịch viêm phổi Vũ Hán, trang Breitbart dẫn tin hôm 2/11 từ Iran International cho biết.

Để phù hợp với tình trạng giãn cách xã hội, Quyền Trưởng Tổ chức Sinh viên Basij của Iran, Mojtaba Bastan, đã công bố một chiến dịch mới có tiêu đề “Mọi người cùng nhau căm ghét Hoa Kỳ”.

Phát biểu với đài truyền hình nhà nước Iran trong tuần này, Bastan nói rằng “vào lúc 9 giờ sáng 3/11, phụ huynh và học sinh nên cùng nhau ‘giẫm đạp và đốt’ các lá cờ của Mỹ, Israel và Pháp tại nhà, như vậy có thể chơi với lửa một cách an toàn mà không phải lo lắng về việc nhiễm một loại virus chết người”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-5-11-chien-dich-tt-trump-de-don-kien-tai-3-bang-chien-truong.html

Tạp chí tiêu điểm

Quan hệ Mỹ – Châu Âu thời D.Trump :

Đồng minh cốt lõi hay là kẻ thù, đối thủ cạnh tranh ?

Minh Anh

Chưa có lúc nào mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu rơi vào trạng thái « tuy gần mà xa » lạ lùng như lúc này. Bốn năm trị vì của ông hoàng địa ốc New York, Donald Trump ở Nhà Trắng còn làm cho mối quan hệ đôi bờ Đại Tây Dương, tuy chưa đến nỗi phải đi đến « chia lìa » nhưng hố ngăn cách ngày càng thêm sâu thẳm.

Cũng như bao nước khác trên toàn thế giới, Liên Hiệp Châu Âu đang nóng lòng ngóng đợi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, diễn ra ngày 03/11/2020, với một câu hỏi lớn : Tương lai nào cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương ? Joe Biden hay Donald Trump, bất kể ai thắng cử đi chăng nữa, giới chuyên gia tại Pháp cho rằng giờ là lúc để xem xét lại mối quan hệ Mỹ – Châu Âu trong dài hạn.

Mối liên hệ giữa đôi bờ Đại Tây Dương, hình thành sau năm 1945, được thiết lập dựa trên nền tảng mối lo hiểm họa tiềm tàng từ chế độ Stalin thời Liên Xô nhắm vào các nước Tây Âu ; lời kêu gọi hỗ trợ của những nước châu Âu và việc thành lập Liên minh Đại Tây Dương nhờ vào cam kết của tổng thống Mỹ Truman thời đó.

Cùng với thời gian, « những hiểu lầm xuyên Đại Tây Dương », theo như cách nói của cựu ngoại trưởng Mỹ H. Kissinger, mỗi lúc một nhiều. Từ việc đóng góp ngân sách quốc phòng của các nước đồng minh châu Âu, chiến lược chung cho Liên minh, nỗi lo về các thỏa thuận giải trừ vũ khí, cho đến cả tham vọng của Pháp thành lập một trục phòng thủ chung cho châu Âu nằm ngoài khuôn khổ Liên minh…

Châu Á và châu Âu : Nhất bên trọng, Nhất bên khinh ?

Rồi tình hình địa chính trị ngày nay cũng khác xa nhiều so với lúc xưa. Thế giới không còn ở thế hai cực Hoa Kỳ – Liên Xô nữa, mà ngày càng có xu hướng đa cực. Cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, vươn lên trở thành một trong số các cường quốc hàng đầu thế giới, người ta còn chứng kiến sự ra đời một chuỗi các tiểu cường quốc khác nhau, đặc biệt là tại châu Á, và nhất là mối đe dọa khủng bố Hồi giáo cực đoan ngày càng lớn mạnh.

Châu Âu không còn là mối bận tâm ưu tiên và duy nhất của Mỹ. Trọng tâm lợi ích của Mỹ dần chuyển hướng sang châu Á. Thế nên, sợi dây kết nối hai bờ Đại Tây Dương « sẽ bị giãn dần là điều không thể nào tránh khỏi », theo như khẳng định của cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine trên tờ l’Opinion. Đối với Liên Hiệp Châu Âu, hành động Mỹ từ bỏ cam kết đối với đồng minh được thể hiện rõ qua sự kiện Hoa Kỳ thời Obama từ chối can thiệp vào Syria sau khi vạch ra « lằn ranh đỏ » cho chế độ Damas.

Chỉ có điều việc ông Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng năm 2016, còn thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình biến « mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thành xuyên Thái Bình Dương », do Hoa Kỳ bắt đầu từ thời tổng thống Bill Clinton, và « ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vùng châu Á – Thái Bình Dương », theo như quan sát của nhà nghiên cứu Roberto de Primis, chuyên gia về Hoa Kỳ, trường đại học Quebec, Montreal, Canada trên kênh truyền hình Euronews.

Vẫn theo nhà nghiên cứu Roberto de Primis, sự rạn nứt trong mối quan hệ Mỹ và châu Âu được thể hiện rõ ở hai điểm. Thứ nhất là khi chính quyền Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn dĩ là « một thắng lợi đầu tiên của ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu ». Điểm rạn nứt thứ hai là khi « Hoa Kỳ quyết định giáng cấp một số hình thức đại diện của Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu, từ hình thức Nhà nước – Nhà nước chuyển sang thành đại diện bên cạnh một tổ chức quốc tế ». Chính là hai đòn đau này, tuy chưa thể đẩy hai bên đi đến sự « chia lìa » như cách nói của ông Primis, nhưng cũng đủ để làm mối quan hệ mỗi ngày thêm phần tồi tệ.

Châu Âu nghĩ gì về sự « lạnh nhạt » của Mỹ ?

Kể từ khi Donald Trump đắc cử, Liên Hiệp Châu Âu bước vào một giai đoạn đầy bất định và nhiều biến động trong quan hệ quốc tế. Châu Âu cho rằng Hoa Kỳ đang chuyển từ vị thế người bảo đảm trật tự thế giới tự do sang thành đối tác hàng đầu (primus inter pares). Học thuyết « America First ! » của Donald Trump nhanh chóng được đánh đồng với việc từ bỏ hoặc xem lại các cam kết trên bình diện ngoại giao hay thương mại.

Những căng thẳng này diễn ra trong bối cảnh, thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới, mà ở đó, « hỗn loạn chiến lược » và cạnh tranh giữa các siêu cường (Nga, Trung Quốc và Mỹ) đã thay thế cho trật tự thế giới do Hoa Kỳ từng kiến tạo và bảo vệ kể từ năm 1945.

Thế nên, Liên Hiệp Châu Âu ý thức được rằng phải xây dựng cho mình một đường hướng chiến lược (dù không phải dễ do khó tìm được một đồng thuận trong khối), thậm chí xem xét lại các mối liên minh, kể cả với Nga để có thể đối phó trước tầm ảnh hưởng của Trung Quốc (quyền lực mềm kinh tế của Bắc Kinh được xem như là một mối đe dọa cho các lợi ích của châu Âu).

Liệu Washington có còn là đồng minh số một của Liên Hiệp Châu Âu nữa hay không ? Nhà nghiên cứu Maud Quessard, chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ, Viện Nghiên cứu Chiến lược trường Quân sự Pháp, trả lời phỏng vấn đặc san Diplomatie khẳng định : « Washington vẫn là một đối tác ưu tiên và không thể thiếu cho Liên Hiệp Châu Âu, nhưng nhiều giải pháp khác cũng được nhắm đến ».

Donald Trump : Liên Hiệp Châu Âu là kẻ thù tệ hại ?

Ngược lại, trong nhãn quan chính quyền Donald Trump, Liên Hiệp Châu Âu không còn là đồng minh cốt lõi cho Mỹ và khối NATO. Ông Donald Trump là vị tổng thống đầu tiên xem Liên Hiệp Châu Âu như là một đối thủ cạnh tranh, thậm chí là một « kẻ thù thương mại » tệ hại hơn cả Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại – thuế quan là đỉnh điểm căng thẳng. Với Liên Hiệp Châu Âu, chính sách bảo hộ mậu dịch của ông Donald Trump nhắm vào khu vực chẳng khác gì một lời « tuyên chiến » với tự do thương mại mà châu Âu luôn đề cao. Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngần ngại đánh giá việc nhập khẩu xe hơi châu Âu như là một mối họa cho an ninh quốc gia.

Phát biểu gay gắt này của chủ nhân Nhà Trắng hiện nay đối với đối tác thương mại châu Âu được giải thích phần nào bởi thái độ « thù ghét các cơ chế đa phương », không mang lại nhiều lợi thế cho nước Mỹ bằng các cuộc « mặc cả song phương » theo như giải thích của Roberto de Primis. « Đó chính là những gì chúng ta đã thấy sau các cuộc đàm phán với Mêhicô và Canada cho thỏa thuận thương mại ba bên hay như cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. »

Nhà nghiên cứu Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc nghiên cứu văn phòng cố vấn German Marshall Fund of the United States, chi nhánh tại Paris, trên đài France Culture, lưu ý rằng lời lẽ gay gắt này của Donald Trump với châu Âu không phải là một điều mới mẻ.

Chính sách đối ngoại với châu Âu của Washington luôn có tính liên tục. Từ nhiều đời tổng thống qua, Hoa Kỳ luôn duy trì một thái độ « nước đôi » với khối 27 nước. Liên Hiệp Châu Âu vừa là một đồng minh trong nhiều hồ sơ quốc tế lớn nhưng cũng vừa là một đối thủ cạnh tranh, thế nên phải luôn tìm cách gây chia rẽ.

Chính sách này được thể hiện rõ qua chuyến công du Đông-Trung Âu hồi cuối tháng 8/2020 của ngoại trưởng Mike Pompeo, nhằm « gây chia rẽ, sử dụng và thao túng những chia rẽ đó, vốn dĩ đã hiện hữu trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu, để rồi lập nên một kiểu chính sách mặc cả, gây áp lực giữa các nước thành viên EU », nhà nghiên cứu về Mỹ nhận xét.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ có cách đối xử này với đồng minh châu Âu. Bà Alexandra de Hoop Scheffer lưu ý rằng « các tổng thống tiền nhiệm như Bush hay Obama cũng đã làm y như vậy. Ông Biden, nếu có đắc cử, chắc chắn cũng làm điều tương tự. Điều này chúng ta cảm nhận thấy được qua vấn đề chủ quyền công nghệ, sàng lọc các hoạt động đầu tư Trung Quốc… ». Và chiến lược gây chia rẽ châu Âu này thật sự được tăng tốc hơn dưới thời chính quyền Donald Trump.

NATO lỗi thời !

Mối quan hệ Mỹ – Châu Âu căng thẳng không chỉ trong lĩnh vực thương mại và ngoại giao mà cả trong vấn đề quân sự. Trong suốt 4 năm nhiệm kỳ tổng thống, nguyên thủ Mỹ không ngừng chỉ trích khối NATO. Câu phát biểu nổi tiếng « NATO lỗi thời » của nguyên thủ Mỹ khiến nhiều nước thành viên phải sững sờ, dẫn đến phản ứng gây sốc từ tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng « NATO trong trạng thái chết não ».

Nguyên thủ Mỹ lên án các nước thành viên không chia sẻ gánh nặng tài chính gây thiệt hại cho ngân sách nước Mỹ và đe dọa rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp ước Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương. Một lập trường không được giới chính khách tại Mỹ đồng chia sẻ. Tuyệt đại đa số các nghị sĩ và thượng nghị sĩ Mỹ đều cho rằng rút Mỹ ra khỏi NATO « có lẽ sẽ làm một sai lầm chiến lược ».

Do vậy, theo nhận định của Roberto de Primis, chuyên gia về Hoa Kỳ trường đại học Quebec tại Montreal, những tuyên bố trên của ông Donald Trump chỉ thể hiện quan điểm của cá nhân ông. Bởi vì, nếu xem xét kỹ « ngân sách của bộ Quốc Phòng Mỹ năm 2019. Mức ngân sách này đã cho phép mở rộng rất nhiều tái cam kết quân sự Mỹ trên toàn cầu, nhất là ngay trong lòng nội bộ Liên Hiệp Châu Âu để đối phó với Nga, sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông. »

Về điểm này, chuyên gia người Pháp, ông Maud Quessard cũng có cùng một quan điểm khi nhắc lại rằng ngân sách dành cho NATO có một đồng thuận chính trị cũng như công luận Mỹ. Việc đòi hỏi chia sẻ gánh nặng quân sự là một mối bận tâm muôn thuở của các nhà lãnh đạo Mỹ từ những năm 1950. Tuy nhiên, chính tính khí thất thường khó đoán khó lường của ông Donald Trump lại được xem như là một yếu tố thúc đẩy « quyền tự chủ chiến lược » và làm tăng thêm lợi ích của châu Âu đối với chiến lược phòng thủ chung.

Điều nghịch lý là giới chính khách Mỹ một mặt mong muốn châu Âu tăng thêm phần đóng góp ở mức 2% của GDP nhưng mặt khác lại không muốn châu Âu tự chủ chiến lược. Washington diễn giải mong muốn « tự chủ chiến lược » đó giống như là một hình thức chối bỏ NATO và hợp tác với Hoa Kỳ.

Nhìn lại những bất đồng giữa châu Âu và Mỹ trong những năm gần đây, nhà nghiên cứu Maud Quessard kết luận như sau : Donald Trump thật sự đánh dấu một sự đoạn tuyệt trong cách nhìn mà hầu hết các nguyên thủ Mỹ đã có về sự hình thành Liên Hiệp Châu Âu từ năm 1950. Đối với nhiều đời tổng thống liên tiếp, từ Eisenhower cho đến Obama, sự bình ổn chính trị và sức sống kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu, trước hết, được xem như là những lá chủ bài cho các lợi ích của Mỹ.

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20201105-my-eu-donald-trump-dong-minh-doi-thu

Powered by Blogger.