Trung Quốc không muốn bị xem là kẻ bảo trợ tập đoàn quân sự Miến Điện
RFI - PHÂN TÍCH
Đăng ngày:
Sau 6 ngày thương lượng, mặc cả gay go, cuối cùng Anh Quốc đã thành công được một việc mà không ai nghĩ là có thể được. Lần đầu tiên Trung Quốc lên án tập đoàn quân sự Miến Điện về việc đã lật đổ một chính quyền dân cử, rồi sau đó đàn áp đẫm máu những người biểu tình đòi tái lập dân chủ.
Một nhà ngoại giao châu Âu được hãng tin AFP trích dẫn đã rất ngạc nhiên về sự thay đổi thái độ của Trung Quốc, vì cho tới nay, Bắc Kinh vẫn cho cuộc khủng hoảng Miến Điện là chuyện nội bộ của nước láng giềng, vốn là sân sau của họ.
Theo nhiều nguồn tin ngoại giao cũng do AFP trích dẫn, sở dĩ Trung Quốc thay đổi hẳn lập trường như vậy, thứ nhất là vì quan hệ Mỹ-Trung dưới thời tổng thống Joe Biden nay trở nên hòa dịu hơn, chứ không đầy sóng gió như dưới thời Doanld Trump. Có lẽ nhờ vậy mà bên trong Hội Đồng Bảo An, đại diện của Hoa Kỳ và Trung Quốc, cả hai đều là thành viên thường trực, dễ nói chuyện với nhau hơn.
Lý do thứ hai là ngay chính Bắc Kinh cũng đang cảm thấy khó xử trước một cuộc đảo chính quân sự ở Miến Điện khiến họ hoàn toàn bị động và không biết làm cách nào giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Bảo đảm ổn định
Một nhà ngoại giao, xin miễn nêu tên, nói với AFP: "Trung Quốc không muốn bị xem là kẻ bảo trợ cho tập đoàn quân sự". Một vị đại sứ, cũng xin giấu tên, bổ sung: "Họ rất là khó chịu, không biết chọn giải pháp cho đúng". Theo vị đại sứ này, đối với Bắc Kinh, điều quan trọng nhất là phải làm sao duy trì được ổn định ở Miến Điện, cũng như ở vùng biên giới giữa hai nước, và họ chấp nhận bất cứ một kiểu ổn định nào, dù là do phe quân sự hay do một chính quyền dân sự bảo đảm.
Nhưng sự ổn định theo như mong muốn của Trung Quốc thì lại đang ngày càng rời xa, với các cuộc biểu tình, đình công chống đảo chính vẫn tiếp diễn hàng ngày, bất chấp đàn áp dã man của lực lượng an ninh Miến Điện.
Ngay từ giữa tháng 2, đại sứ Trung Quốc tại Miến Điện, Trần Hải (Chen Hai), đã từng tuyên bố rằng, việc quân đội lên nắm quyền, chấm dứt thời kỳ 10 năm dân chủ ở Miến Điện "không hề là điều mà Trung Quốc mong muốn". Đại sứ Trung Quốc còn thanh minh là Bắc Kinh "đã không hề được báo trước về thay đổi chính trị" ở Miến Điện.
Hôm qua, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Huân (Zhang Hun) lần đầu tiên cho rằng đã đến lúc làm cho tình hình Miến Điện "xuống thang" và mở đối thoại để giải quyết khủng hoảng và Bắc Kinh sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải.
"Lằn ranh đỏ" đối với Trung Quốc
Thật ra nếu đọc kỹ, thì tuyên bố mà Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhất trí thông qua không hề có từ "đảo chính", vì cả Trung Quốc lẫn Nga đều không cho việc phe quân sự lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi là đảo chính. Hội Đồng Bảo An cũng không dự trù các "biện pháp" bổ sung, mở đường cho các biện pháp trừng phạt của quốc tế.
Theo hãng tin AFP, hai điểm nói trên thật ra đã có trong văn bản đầu tiên mà Anh Quốc đề nghị hôm thứ Sáu tuần trước, cũng như trong bản dự thảo trao cho 14 thành viên khác của Hội Đồng Bảo An hôm thứ Hai. Nhưng rốt cuộc cả hai điểm đều bị gạt đi, dưới áp lực của Trung Quốc và Nga. Có lẽ đó là cái giá mà các nước phương Tây phải chấp nhận trả, để được Trung Quốc cũng như Nga bỏ phiếu thuận cho bản tuyên bố hôm qua của Hội Đồng Bảo An.
Theo hãng tin AFP, đối với Bắc Kinh lẫn Matxcơva, hai điểm nói trên ( đảo chính và trừng phạt ) là những "lằn ranh đỏ" không được vượt qua. Ấn Độ và Việt Nam, hai thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An, cũng có cùng lập trường. Thật ra thì trong bản tuyên bố đầu tiên ngày 04/02, cũng được toàn bộ 15 thành viên thông qua, Hội Đồng Bảo An cũng đâu có nói đến "đảo chính", mà chỉ bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình hình ở Miến Điện. Tuy vậy, rõ ràng là bản tuyên bố được thông qua ngày hôm qua có giọng điệu cứng rắn hơn hẳn so với bản tuyên bố ngày 04/02, lên án các tướng lãnh Miến Điện nặng nề hơn bao giờ hết, đồng thời nêu bật vai trò của hiệp hội ASEAN, theo như mong muốn của các thành viên châu Á của Hội Đồng Bảo An.