Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ viên tịch ở Sài Gòn
Saturday, February 22, 2020 //
Tôn Giáo
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Đệ Ngũ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, vừa viên tịch vào lúc 9 giờ 30 phút tối (giờ địa phương) Thứ Bảy, 22 Tháng Hai, tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn, hưởng đại thọ 93 tuổi.
Tin này được Hòa Thượng Thích Viên Lý, chủ tịch Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại kiêm viện chủ chùa Điều Ngự, Westminster, xác nhận với nhật báo Người Việt.
Theo Wikipedia.org, Hòa Thượng Thích Quảng Độ sinh ngày 27 Tháng Mười Một, 1928, là tăng thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ ngày 17 Tháng Tám, 2008.
Ông là một nhân vật bất đồng chính kiến Việt Nam vì các hoạt động đấu tranh nhân quyền.
Ông là người được trao Giải Tưởng Niệm Thorolf Rafto năm 2006 và nhiều lần được đề cử giải Nobel Hòa Bình.
Đức Đệ Ngũ Tăng Thống sinh ra với tên Đặng Phúc Tuệ, tại xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Trong bản “Cáo Bạch” đề ngày 23 Tháng Hai, 2020 (giờ Việt Nam), của Tỳ Kheo Thích Nguyên Lý, trụ trì chùa Từ Hiếu, 59 Lô D Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8, Sài Gòn, viết rằng “Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ – Đệ Ngũ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đã viên tịch lúc 21 giờ 30 phút ngày 29 Tháng Giêng năm Canh Tý, tức ngày 22/2/2020. Thượng thọ 93 tuổi, 73 hạ lạp.”
Theo di huấn của Hòa Thượng Thích Quảng Độ ký ngày 5 Tháng Tư, 2019, được dẫn trên bản “Cáo Bạch” thì “Sau này khi tôi về cõi Phật, tôi hoàn toàn ủy quyền cho Hòa Thượng Thích Nguyên Lý cùng một số Tăng, Ni, và Phật tử có tâm với Giáo Hội lo toàn bộ tang sự cho tôi. Tang lễ đơn sơ, không để quá 3 ngày. Sau khi hỏa thiêu thì đem tro cốt của tôi rải xuống biển.”
Chương trình tang lễ được trụ trì chùa Từ Hiếu thông báo là lễ nhập quan lúc 2 giờ trưa ngày 23 Tháng Hai và lúc 8 giờ sáng ngày 25 Tháng Hai “cung tiễn kim quan đi hỏa thiêu,” rồi sau đó sẽ rải tro cốt xuống biển theo di chúc.
Bản “Cáo Bạch” còn dặn rằng, mọi người tới viếng “Không có điếu văn, tiểu sử, cảm tưởng và mọi hình thức thông thường khác, chỉ đến lễ bái, thọ tang mà thôi,” và “Xin miễn phúng điếu, kể cả vòng hoa, trướng liễn…”
Hòa Thượng Thích Quảng Độ, 93 tuổi, cùng với Hòa Thượng Thích Huyền Quang – Đệ Tứ Tăng Thống – đã viên tịch từ năm 2008, và nói chung cả Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) nổi tiếng thế giới với tấm gương kiên trì, can đảm chống đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền CSVN. Hai hòa thượng là những cái gai trong mắt lãnh đão CSVN suốt nhiều năm.
Ông từng bị chế độ bỏ tù tám năm và suốt mấy chục năm bị giam lỏng tại Thanh Minh Thiền Viện ở Phú Nhuận, Sài Gòn. Đến năm 2018 thì ông bị trục xuất về sống tại quê ở tỉnh Thái Bình nhưng sau đó ông đã quay lại Sài Gòn.
Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ từng được đề cử giải Nobel Hòa Bình một số lần từ tấm gương can đảm, kiên trì đấu tranh bất bạo động cho tự do tôn giáo, nhân quyền tại Việt Nam.
Trong một chuyến viếng thăm Đức Đệ Ngũ Tăng Thống của phái đoàn Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ (USCIRF) hồi Tháng Chín, 2019, theo lời tường thuật của Hòa Thượng Thích Nguyên Lý, trụ trì chùa Từ Hiếu, cho hay: “Phái đoàn hỏi Đức Tăng Thống rằng có nhờ đoàn đưa ra các kiến nghị can thiệp với nhà nước? Ngài đưa ra ba kiến nghị nhờ phái đoàn can thiệp: Tách tôn giáo ra khỏi chính quyền, vì chính quyền gắn kết với tôn giáo thì không có tự do dân chủ; không ép buộc tu sĩ Phật Giáo tham gia vào Quốc Hội và Hội Đồng Nhân Dân các cấp, bởi vì làm như vậy là sai với giáo luật nhà Phật; can thiệp để Việt Nam có tự do dân chủ, vì nếu vẫn còn độc đảng thì Giáo Hội không thể nào sinh hoạt được.”
GHPGVNTN thành lập năm 1964 tại Sài Gòn, quy tụ các hội đoàn, tông phái Phật Giáo tại miền Nam Việt Nam về một mối sau khi Đệ Nhất Cộng Hòa bị lật đổ và Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng cố vấn Ngô Đình Nhu bị sát hại.
Sau khi Cộng Sản miền Bắc đã nhuộm đỏ được cả miền Nam năm 1975, thì đồng thời các Giáo Hội hoạt động tự do, độc lập tại VNCH trước đó đều bị cướp đoạt tài sản, nhân sự bị khống chế, tù tội hay cưỡng ép hoàn tục. Nếu muốn tồn tại phải gia nhập các tổ chức tôn giáo quốc doanh, chịu sự chỉ huy của cán bộ đảng viên Cộng Sản núp danh tu sĩ.
Năm 1982, nhà cầm quyền CSVN tại Sài Gòn trục xuất Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Hòa Thượng Thích Quảng Độ về quản chế tại quê quán Quảng Ngãi và Thái Bình, không qua sự xét xử của tòa án. Tuy nhiên, mấy năm sau đó cả hai hòa thượng đã tìm cách quay lại Sài Gòn, cùng với hệ thống chùa và tăng sĩ trong hệ thống GHPGVNTN tiếp tục đấu tranh cho tự do tôn giáo, nhân quyền, gây nhiều tiếng vang trong dư luận thế giới.
Sau khi Hòa Thượng Thích Huyền Quang viên tịch, Hòa Thượng Thích Quảng Độ được suy cử làm Đệ Ngũ Tăng Thống. Nhưng từ những năm 2012-2013 trở đi, GHPGVNTN có những bất đồng trong nội bộ nên xảy ra nhiều xáo trộn, chia rẽ.
Năm 2013, Hòa Thượng Thích Quảng Độ thông báo “Cáo Bạch” từ nhiệm chức vụ tăng thống. Nhưng đến ngày 4 Tháng Chín, hòa thượng nhận lại chức vụ tăng thống. Sau đó, Hòa Thượng Thích Quảng Độ ra Giáo Chỉ số 10 thông báo chấm dứt chức vụ viện trưởng Viện Hóa Đạo của Hòa Thượng Thích Viên Định, chủ tịch Văn Phòng II của Thượng Tọa Thích Viên Lý tại hải ngoại, đồng thời bổ nhiệm nhân sự mới. Thành viên giáo phẩm của Giáo Hội còn lại rất ít người.
Trong bức thư gửi từ trong nước đề ngày 3 Tháng Mười, 2018, được Phòng Thông Tin Phật Giáo tại Pháp (IBIB) đăng tải, Hòa Thượng Thích Quảng Độ ra hai quyết định gồm “Bãi nhiệm chức vụ tổng thư ký cùng các chức vụ khác trong Ban Chỉ Ðạo Viện Hóa Đạo của đạo hữu Nguyên Chánh Lê Công Cầu, kể từ ngày ký bức Tâm Thư này. Mọi quyết định, giáo chỉ liên quan đến chức vụ của đạo hữu Cầu trước đây đều hủy bỏ, vô hiệu hóa.”
Và trong quyết định thứ hai “Tháng Năm năm ngoái, 2017, tôi viết hai bản Di Chúc và Di Huấn căn dặn những Phật sự Giáo Hội một khi tôi ra đi về cõi Phật. Trong di chúc có khoản tôi dự tính trao cho Hòa Thượng Thích Tâm Liên chức vụ Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống để điều hành Phật sự cũng như nhất tâm với chư tôn đức Hội Ðồng Lưỡng Viện bảo vệ pháp lý lịch sử của GHPGVNTN. Chờ ngày thuận duyên có thể tự do tổ chức Đại Hội Khoáng Ðại lần thứ 11 để Hội Ðồng Giáo Phẩm Trung Ương chọn lựa và suy tôn một vị trưởng lão vào chức vụ Đệ Lục Tăng Thống GHPGVNTN. Tôi đã gửi hai bản Di Chúc và Di Huấn đó sang Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế ở Paris để ban hành và công bố ngày nào tôi không còn nữa.”
Vì bất đồng ý kiến, nhiều hòa thượng, thượng tọa thuộc GHPHVNTN đã lập ra Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hoạt động độc lập cả từ trong nước và hải ngoại. Bây giờ, Hòa Thượng Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ viên tịch, GHPGVNTN có khôi phục lại như xưa hoặc vẫn tiếp tục chia rẽ, tùy thuộc vào các chức sắc đứng đầu hiện tại. (TN)