Cảnh phía sau Nhà Thờ Đức Bà Paris, Pháp, lúc bị hỏa hoạn, ngày 15/04/2019REUTERS/Charles Platiau
Là một thánh đường Công Giáo, nhưng ngay khi bị trận hỏa hoạn ngày 15/04/2019 tàn phá đáng kể, Nhà Thờ Đức Bà Paris đã nhận được những thông điệp yêu thương và trân trọng từ khắp mọi giới, từ mọi nước trên thế giới, không phân biệt tôn giáo, châu lục.
Đó là vì Nhà Thờ Đức Bà Paris đã đi vào tâm thức mọi người như là một biểu tượng văn hóa, không riêng gì của người Pháp, mà là của cả nhân loại.
Ngay từ tối hôm qua, sau khi có hung tin về vụ hỏa hoạn, nước Pháp đã đột nhiên đoàn kết hẳn lại. Người ta không thấy có bất kỳ một tiếng nói phê phán nào trong giới chính khách. Chỉ trước đó ít lâu, phe đối lập sẵn sàng đả kích những gì bị xem là không thỏa đáng trong bài đúc kết của tổng thống Pháp Macron về cuộc Thảo Luận Toàn Quốc nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Áo Vàng.
Cứ như thể tai họa giáng xuống Nhà Thờ Đức Bà Paris đã giúp xã hội Pháp tạm thời quên đi những tị hiềm, để toàn tâm toàn ý nghĩ đến việc làm sao khôi phục biểu tượng của nước mình.
Từ khi được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ XII, Nhà Thờ Đức Bà đã dần dần trở thành trái tim của nước Pháp, là chứng nhân của nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.
Gọi là trái tim của nước Pháp không ngoa, vì công trình này chính là mốc cây số không (Km0) xuất phát điểm của mọi quốc lộ tỏa ra khắp nước. Chính tiếng chuông của Nhà Thờ Đức Bà đã vang rền hôm 25/08/1944, báo hiệu ngày giải phóng Paris khỏi tay Phát Xít Đức, hay gần đây hơn là ngày 15/11/2015, với hồi chuông tưởng niệm nạn nhân của các vụ khủng bố trước đó hai hôm tại Paris.
Thế nhưng, Nhà Thờ Đức Bà Paris không chỉ là riêng của người Pháp mà đã đi vào tâm thức của tất cả mọi người trên thế giới như là một di sản văn hóa của nhân loại, là một trong những biểu tượng mà khách đến thăm Pháp không thể nào bỏ qua.
Theo hãng tin Pháp AFP, Nhà Thờ Đức Bà Paris là di tích lịch sử được nhiều người thăm viếng nhất châu Âu, với khoảng từ 12 đến 14 triệu lượt khách tham quan mỗi năm, tức là hơn 30.000 lượt mỗi ngày.
Góp phần nâng cao giá trị biểu tượng của Nhà Thờ Đức Bà Paris chính là tác phẩm văn học cùng tên của đại văn hào Victor Hugo, xuất bản năm 1831, đã đưa hai nhân vật Esmaralda và chàng gù Quasimodo đi vào huyền thoại.
Ở trên thế giới, không phải ai cũng có cơ hội ghé Paris tham quan Nhà Thờ Đức Bà, nhưng có lẽ ai cũng đã biết đến công trình này nhờ tác phẩm của Victor Hugo, được dịch ra hầu như mọi thứ tiếng trên thế giới, được chuyển thể thành phim, kịch, nhạc kịch. Hai ví dụ điển hình : Bộ phim hoạt hình « Chàng Gù Nhà Thờ Đức Bà – The Hunchback of Notre-Dame » của xưởng phim Mỹ Walt Disney, công chiếu năm 1996, hay vở nhạc kịch Notre-Dame de Paris của soạn giả Canada Luc Plamondon, ra mắt năm 1998.
Trong những thông điệp chia buồn với nước Pháp sau vụ hỏa hoạn hầu như tất cả các lãnh đạo thế giới đều công nhận rằng Nhà Thờ Đức Bà Paris là di sản của nhân loại.
Donald Trump, người chủ trương Nước Mỹ Trên Hết, đã thừa nhận rằng đây là một báu vật rất quý giá của thế giới, vượt lên trên mọi khuôn khổ, kể cả khuôn khổ quốc gia. Nhật Bản cũng nhìn thấy Nhà Thờ Đức Bà Paris « thực sự là một di sản của thế giới ».
Ngay cả với các nước Hồi Giáo như Iran, ngoại trưởng Javad Zarif cũng ghi nhận, Nhà Thờ Đức Bà Paris là một công trình « biểu tượng » đã « liên kết chúng ta qua kiệt tác văn học của Hugo », còn ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng « việc kiệt tác kiến trúc được công nhận là Di Sản Thế Giới bị phá hủy là một thảm họa cho toàn thể nhân loại ».
Khói và lửa bốc lên từ Nhà Thờ Đức Bà Paris, Pháp, tối ngày 15/04/2019REUTERS/Benoit Tessier
Hỏa hoạn, có lẽ do tai nạn, thiêu đốt một phần Nhà Thờ Đức Bà Paris, đã được khống chế vào sáng sớm thứ Ba 16/04/2019. Cấu trúc của báu vật biểu tượng văn hóa và tôn giáo của nhân loại không bị tổn hại. Trái lại, ngọn tháp chỉ thiên cao 93 mét, phần lớn mái ngói, kèo cột bằng gỗ từ thế kỷ 12 và toàn bộ hệ thống kính tròn trang trí bị cháy rụi. Người dân Pháp và du khách xúc động mạnh. Tổng thống Macron cam kết « nhà thờ sẽ được xây dựng lại ». Cộng đồng quốc tế tỏ tình đoàn kết.
Nhà Thờ Đức Bà Paris vẫn đứng vững. Sau một đêm tận lực, 400 lính cứu hỏa bảo vệ thành công cấu trúc bằng đá của ngôi thánh đường hơn 850 tuổi. Có mặt tại hiện trường, tổng thống Pháp Emmanuel Macron không giấu xúc động, cam kết với toàn dân là « báu vật quốc gia sẽ được tái xây dựng » vì đó « là lịch sử, là văn học, là niềm tưởng tượng, là nơi người Pháp trải qua những sự kiện lớn ».
Điều tra
Theo trung tá Gabriel Plus, phát ngôn viên lực lượng cứu hỏa Paris, ngọn lửa đã hoàn toàn bị khống chế, hầu hết được dập tắt. Thiệt hại vật chất rất nặng nề : toàn bộ mái nhà thờ bị hỏng, kèo cột bị cháy rụi, một phần vòm bán nguyệt sụp đổ, tháp mũi tên cùng với những ô kính tròn trăm năm tuổi biến thành than.
Ngọn lửa dường như xuất phát từ một giàn giáo trên nóc thánh đường vào khoảng gần 19h hôm qua 15/04, và đã nhanh chóng lan ra, đốt cháy mái nhà thờ tọa lạc giữa thủ đô Paris, được xây dựng trong suốt gần 200 năm, từ thế kỷ XII. Do đang trong giai đoạn tái thiết, hệ thống giàn giáo phủ vây chung quanh Nhà Thờ Đức Bà Paris đã cản trở hoạt động của lính cứu hỏa, khiến cho việc chữa cháy rất khó khăn.
Tư pháp Paris đã cho mở cuộc điều tra về tội « sơ ý gây tổn hại ». Các nhà điều tra nghi ngờ ngọn lửa xuất phát từ công trường chỉnh trang nhà thờ và có thể là do bất cẩn.
Vụ cháy Nhà Thờ Đức Bà đã làm cho tổng thống Pháp Macron phải hủy thông điệp quan trọng gửi đến toàn dân được dự trù vào tối thứ Hai 15/04/2019, đáp ứng các đòi hỏi về an sinh xã hội của phong trào Áo Vàng.
Một câu hỏi then chốt được đặt ra ở đây là tại sao « không sử dụng máy bay chữa cháy » ? Ngay tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nóng lòng thúc giục lực lượng cứu hỏa Paris. Tổng Nha Phòng Vệ Dân Sự cho biết là không thể sử dụng « bom nước » vì sẽ làm sập toàn bộ nhà thờ.
Một ưu tiên khác vô cùng quan trọng là bằng mọi cách phải cứu các báo vật nghệ thuật vô giá bên trong nhà thờ. Tin vui là chiếc áo của thánh Louis và mũ gai trên đầu Chúa Jesus lúc bị hành hình còn nguyên vẹn.
Hàng loạt sáng kiến quyên góp tái thiết
Ngay sau khi hỏa hoạn xảy ra, tối hôm qua, 15/04/2019, tổng thống Emmanuel Macron khẳng định sẽ tổ chức một cuộc quyên góp toàn quốc để hỗ trợ việc tái thiết, dự kiến sẽ lâu dài và gian nan. Hàng loạt đóng góp và sáng kiến trùng tu ngay lập tức được đưa ra.
Thị trưởng thủ đô Paris Anne Hidalgo cho AFP biết trước mắt thành phố sẽ giải ngân 50 triệu euro, giúp cho việc trùng tu tháp nhà thờ bị hủy hoại. Chính quyền vùng Ile-de-France giải ngân 10 triệu. Thị trưởng Paris tuyên bố sẽ đề nghị với tổng thống tổ chức một hội nghị quốc tế của các nhà tài trợ, ngay trong những tuần tới.
Tối hôm qua, gia đình của nhà công nghiệp Pháp Pinault, lãnh đạo tập đoàn Kering, đứng thứ hai thế giới trong lĩnh vực thời trang xa xỉ (chủ nhân thương hiệu Yves Saint Laurent), thông báo đóng góp 100 triệu euro cho việc tái thiết thông qua công ty Artemis. Sáng nay, gia đình ông Bernard Arnault, giàu nhất nước Pháp, chủ tập đoàn LVHM đứng đầu thế giới trong lĩnh vực thời trang (chủ nhân thương hiệu Louis Vuitton), tuyên bố đóng góp 200 triệu euro. Tập đoàn L'Oréal cũng góp 200 triệu euro.
Quỹ Di Sản (Fondation du patrimoine), một tổ chức tư nhân, có sứ mạng bảo tồn các di sản Pháp, ngay ngày hôm nay, 16/04, đã khởi sự một chiến dịch « quyên góp quốc gia » tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris. Tập đoàn dầu khí Toyota mở màn chiến dịch, với khoản tiền 100 triệu.
Tổng giám đốc của tổ chức UNESCO Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc, bà Audrey Azoulay, có mặt tại Paris nhấn mạnh đến các đánh giá thiệt hại cần được tiến hành nhanh chóng : « Nhà thờ Đức Bà Paris thuộc về di sản của nhân loại. Công trình này nằm trong danh sách các di sản nhân loại của UNESCO. Tôi đến đây cũng để chuyển tải một thông điệp đoàn kết, hỗ trợ đối với những gì sắp phải làm. Sẽ có các đánh giá đầu tiên về mức độ thiệt hại, khâu này sẽ được tiến hành rất nhanh ».
Phạm Cao Phong Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Paris16 tháng 4 2019
Tôi viết những dòng này không bằng những giọt mực mà bằng những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt nhỏ xuống một linh hồn của nước Pháp vừa cất cánh bay vào vĩnh cửu và sẽ không bao giờ trở lại.
Linh hồn của Thánh đường Notre Dame Paris đã ra đi. Linh hồn của chàng Quasimodo tật nguyền, song có trái tim nhân hậu, trong sáng, đã xả thân cứu cô gái di gan Esmeranda trong tiểu thuyết 'Thằng Gù nhà thờ Đức bà' không còn chốn quay về dưới mái vòm 800 năm tuổi nữa rồi.
Tám thế kỷ tồn tại, trải qua những cuộc chiến tranh tôn giáo, cuộc cách mạng Pháp 1789 cướp đi đầu của Vua Louis XVI, Hoàng hậu Marie -Antoinette d'Autriche, Công xã Paris quật mộ các vua chúa trong các thánh đường, những ngày năm 1871 quân Phổ kéo thần công và gươm giáo kỵ binh đen ngập Paris, ngày quân phát xít duyệt binh trên quảng trường Khải Hoàn Môn đau đớn, tủi nhục năm 1940 ấy… Notre-Dame vẫn tồn tại, vẫn thơ mộng như một lời an ủi bằng sự trường tồn của mình rằng bóng tối sẽ qua đi. Vậy mà sao có ngày hôm nay, tháng Tư, ngày 15 của Thế kỷ 21 ?
Buổi tối Định mệnh gọi tên linh hồn của Paris, các bạn Pháp của tôi trở nên cuồng phẫn. Họ thét gào, phẫn uất, "Thời đại này, với những công nghệ, những 4.0, với máy bay chống cháy, với trực thăng, những ông nghị, những nhà rao giảng đạo đức… chúng mày đi đâu hết rồi mà để lửa thiêu như thế? Sao các người có đổ tại gió, tại đường xá, người đi… Ôi, những thần linh, các ngài ở đâu trong giờ phút này? Làm gì đây với bất hạnh khủng khiếp này?"
Chẳng còn ai bình tĩnh nổi khi nhìn ngọn lửa réo gào, hung hãn quật đổ ngọn tháp cao 96m.
Họ như cảm nhận lại cảnh tòa Tháp Đôi tại New York bị nung chảy và sụt xuống ngày 11/9 đau thương. Mà cuối tuần là Chủ Nhật Lễ Paques rồi, Lễ trọng nhất trong cuộc sống tâm linh của người Công Giáo.
'Trái tim Paris'
Với người Pháp, Notre Dame de Paris không thuần chỉ là một công trình kiến trúc. "Đó là trái tim Paris, nơi tình thương của Chúa trên trời chia sẻ cho thành phố," Đức cha Tổng giám mục Chánh tòa Philipe de Maistre nói.
Người ta tin rằng vào thời kỳ đầu, kỷ nguyên Kitô giáo đã tồn tại trên khu vực của nhà thờ Đức Bà hiện nay, cũng là nơi phát tích của thành phố Paris. Năm 1771, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những nền móng của Thánh đường thờ thần Jupiter thời kỳ trung đại, sau đó vào Thế kỷ 4 (trước năm 452 sau CN), một ngôi nhà thờ khác thế chỗ cho phế tích này là nhà thờ St. Etienne.
Trước sự bùng nổ dân số, Paris bức thiết cần có một chốn giao lưu mới cho tín hữu. Các chuyên gia ước tính rằng dân số Paris đi qua trong một vài năm từ 25.000 cư dân vào năm 1180, bắt đầu triều đại Vua Philip II Augustus vào năm 1220, đã tăng lên thành 50.000 người, biến Paris thành thành phố Thiên Chúa giáo lớn nhất ở châu Âu, sau Rome.
Năm 1160, những viên đá đầu tiên, trong số đó là những phiến đá của các thánh đường trước đó được gọt đẽo lại, được thu thập cho việc khởi công xây dựng Notre Dame Paris tại vị thế hiện nay, dưới sự hiện diện của Giáo hoàng Alexandre III, Vua Pháp Louis VII và Giám mục Maurice de Sully.
Tên của kiến trúc sư đầu tiên đã không được nhắc tới. Giám mục Maurice de Sully chỉ đạo công việc xây dựng cho tới năm 1196, rồi tiếp tục bởi Giám mục Eudes de Sully.
Việc thi công đầu tiên gồm bốn giai đoạn chính:
1163-1182: Xây dựng điện và hai hành lang chính diện
1182-1190: Xây dựng hai gian cuối, các gian bên và diễn đàn
1190-1225: Xây dựng mặt ngoài, hai gian đầu của nhà thờ
1225-1250: Xây dựng hành lang thượng, hai tháp cùng thay đổi, mở rộng các cửa sổ
1350: Chính thức xây dựng xong
Các xây dựng tiếp theo từ cuối Thế kỷ 13 cho tới đầu Thế kỷ 14. Tên tuổi các kiến trúc sư được ghi lại có Jean de Chelles, Pierre de Montreuil, Pierre de Chelles, Jean Ravy và Jean le Bouteiller.
Việc xây dựng kéo dài đến 200 năm, nên kiến trúc Notre Dame de Paris mang nhiều phong cách. Song không vì thế mà vị thế của Notre Dame bị dèm pha hay ghẻ lạnh.
Bản quyền hình ảnhGetty ImagesImage caption
Hôn lễ của Hoàng đế Napoleon từng được cử hành tại Notre Dame de Paris
Gắn liền với lịch sử, tôn giáo
Hoàng đế Pháp được biết đến nhiều nhất, cũng là người viết ra bộ Dân Luật ảnh hưởng rất nhiều tới các bộ luật dân sự trên toàn thế giới là Napoleon Bonaparte đã cử hành hôn lễ ngày 2/12/1804 tại Notre Dame de Paris.
Napoleon cũng chỉ nối bước theo vết chân của một vị vua Pháp khác cũng lẫy lừng không kém, cũng để lại thánh tích tại Notre Dame de Paris.
Đó là Vua Louis IX, được phong thánh vào ngày 11/8/1297 dưới tên Thánh Louis bởi Giáo hoàng Boniface VIII, cùng sự có mặt của Vua Philip IV.
Thánh Louis 'St.Louis' đóng vai trò vĩ đại như Sa hoàng Nga Petrer le Great (1672-1725), nhưng trước đó cả bốn thế kỷ.
Một ông vua được lưu truyền về những đạo luật ngăn cản việc tra tấn, nhục hình hay trả thù trong các phiên tòa sử tại các lãnh địa của các thân vương, hay đưa nền tảng luật 'bào chữa vô tội' đối với bị can.
Những tệ nạn xã hội như tội báng bổ, đánh bạc, cho vay lãi và mại dâm đều có khung hình trừng phạt. Dân oan có quyền kháng cáo lên tận của vua, nhờ phán xử lại.
Thậm chí việc xung đột, tranh chấp đất đai, lãnh thổ giữa các quốc gia hoặc lãnh địa của các thân vương được khuyến nghị bằng Hội đồng hòa giải với lời mời các Nhà nước quân chủ khác tại châu Âu.
Danh tiếng của St.Louis vượt qua biên giới Pháp. Dưới triều đại của ông, một đồng tiền tệ duy nhất lưu hành trong Vương quốc và tiền thân của Nghị viện và Tòa án được thành lập, nền tảng của Đại học Sorbonne được xây dựng.
Rất ngoan đạo, nhân ái, Vua Louis đã cho xây dựng nhiều nhà thờ, tu viện và nhà tế bần, giúp đỡ dân nghèo, xây dựng Thánh Đường Ste-Chapelle vào năm 1242.
Bản quyền hình ảnhGetty ImagesImage caption
Một buổi lễ trình diễn ánh sáng có tên 'Dame de Coeur' bên trong Notre-Dame trong dịp kỷ niệm 100 năm Đệ nhất Thế chiến, hồi 10/2018
Trong tầng hầm của Notre Dame còn gìn giữ chiếc áo choàng trắng của Thánh Louis, và được coi là bảo vật quốc gia. May mắn thay, theo thông báo mới nhất thì hỏa hoạn không đụng chạm được tới thánh tích này.
Vua Louis cũng là một trong những thủ lĩnh của Cuộc Thập tự chinh thứ bảy giải phóng đất Thánh cùng với các vương hầu Robert of Artois, Alphonse of Poitiers và Charles of Anjou.
Một trong những thánh tích được St.Louis mua về năm 1239 và cũng gìn giữ tại Notre Dame de Paris trong một vòng pha lê rút chân không là chiếc vòng gai được cho là đội trên đầu Chúa Jesus ngày chịu nạn.
Chiếc 'vương miện' bện bằng rơm và cỏ gai này do các binh lính Roma nhạo báng Chúa đặt lên đầu người khi người nói mình là 'vua xứ Nazareth'. Thông báo đầu tiên ngay sau vụ hỏa hoạn là những báu vật kể trên đã được đưa về Tòa thị Chính Paris bảo quản.
St. Louis cũng đã từng đứng đây, trước Quảng trường nhà thờ này năm 1270 đọc di chiếu của mình trước khi đáp thuyền mở đầu cuộc Thập Tự chinh thứ tám. Và vĩnh viễn ra đi.
Bản quyền hình ảnhGetty ImagesImage caption
Do đang trong giai đoạn trùng tu nên nhiều bức tượng của Nhà thờ Đức Bà Paris đã được đưa đi trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn
Đơn cử thêm những sự kiện quan trọng khác đã diễn ra tại đây:
Vua Henri VI d' Angleterre lên ngôi ở năm 1431, kết thúc cuộc chiến tranh 100 năm (1337-1453).
Năm 1447, vua Charles VII cử lễ cầu hồn sau khi giành lại Paris.
Năm 1456, làm lễ phục hồi lại danh dự cho Jeane d'Arc, bị xử tử vì kết tội tà giáo, trở thành Nữ Thánh của nước Pháp sau này.
24/4/1558, hoàng hậu, vua xứ Ecosse cử hành hôn lễ với Françoi II.
Napoleon III cử hành hôn lễ ngày 30/01/1853.
Ngày 26/8/1944, bản Thánh ca Magnificat cất lên tại đây trong Ngày Giải phóng Paris khỏi tay phát xít.
Tháng 8/2008, Giáo hoàng Benoit XVI đã làm Thánh lễ tại Notre Dame.
15/11/2015, lễ tưởng niệm những vong hồn vụ khủng bố Paris cũng được cử hành trọng thể tại Notre Dame
Khi mới đến Paris, Notre Dame de Paris cũng là nơi tôi đón nghe những bài học tiếng Pháp đầu tiên.
Thầy Bảo, giáo sư của trường Quốc học Huế năm đó đã 95 tuổi, sau những buổi chiều dạy tôi phát âm tại nhà thầy thường khuyên tôi nên đi ra nhà thờ nghe các thánh lễ.
Buổi đầu đến đây, tôi không để ý là đổi giờ mùa đông sang mùa hè, nên đến sớm hơn một tiếng.
Tại đây tôi cũng gặp một cô gái Ba Lan cũng ở tình trạng tương tự. Cả hai cùng cười về sự vô tâm, song cũng là cái duyên thành bạn. Cô gái chia cho tôi nửa chiếc bánh croissant, chiếc bánh mang nỗi nhớ của Hoàng hậu Antoinette từ nước Áo xa xôi tới đất này, dạy dân Pháp làm. Cũng vì nhắc tới chiếc bánh croissant mà vợ vua Louis XVI bị rơi đầu, khi bà nói 'Chúng nó không có bánh mỳ thì cho ăn bánh croissant'.
Hôm nay quay lại chốn này, hồi tưởng lại những ngày đi học. Nhìn lại kè đá hay, thời xa vắng mà hai đứa ngồi ngắm nhìn những chiếc du thuyền 'muỗi' vui vẻ trôi trên dòng Seine.
Quasimodo, linh hồn chàng tạm trú ngụ trên những vòm cây quanh đây vậy nhé. Chữa xong Notre Dame thì về.
Không có Notre Dame, sông Seine côi cút làm sao.
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một nhà báo tự do sống tại Paris, Pháp.