Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 11/08/2020

Tuesday, August 11, 2020 // ,

 Đọc báo Pháp – 11/08/2020

Hồng Kông: Khai tử quyền tự do báo chí – Anh Vũ

Vụ tấn công khủng bố ở Nigeria sát hại 8 nhân viên hoạt động nhân đạo trong đó có 6 người Pháp, nước Pháp cảm thấy lại bị khủng bố tấn công ; cuộc bầu cử tổng thống Belarus đang làm dấy lên làn sóng phản kháng chưa từng có ở quốc gia Đông Âu thuộc Liên Xô cũ này và tình hình Trung Quốc, từ Hồng Kông, Đài Loan đến cuộc đọ sức với Mỹ… Đó là những chủ đề được hầu hết các báo Pháp ra hôm nay phản ánh.

Trước hết xin được đến với các bài về Trung Quốc. Sự kiện mới nhất  được các báo quan tâm là vụ bắt  giữ nhà tài phiệt truyền thông Hồng Kông, Lê Trí Anh (Jimmy Lai) hôm qua 10/08/2020. Ngay lập tức các báo đều nhận ra đây là một đòn trấn áp của Trung Quốc đánh vào quyền tự do báo chí. Nhật báo Le Figaro và Libération đều có chung hàng tựa :« Bắc Kinh chà đạp quyền tự do báo chí ở Hồng Kông ».

Le Figaro gọi hôm qua là một « ngày đen tối đối với tự do báo chí Hồng Kông », khi hàng trăm cảnh sát ập vào khám xét tòa soạn báo Apple Daily của ông Lê Trí Anh, bắt giữ nhà tài phiệt truyền thông nổi tiếng có quan điểm chống lại chính sách trấn áp các quyền tự do của Bắc Kinh. Ông bị quy tội « thông đồng với thế lực bên ngoài » và « gian lận ».

Cả ngày hôm qua mạng xã hội ở Hồng Kông tràn ngập hình ảnh nhà tỷ phú bị còng tay bắt đi và cảnh hàng trăm cảnh sát « tập kích » vào tòa soạn báo Apple Daily của ông. Cảnh tượng giống như một cuộc trấn áp tội phạm nguy hiểm. Le Figaro cho biết 7 lãnh đạo các cơ sở truyền thông, trong đó có 2 con trai của Lê Trí Anh, cũng bị bắt giữ và cảnh sát cho bết có thể sẽ còn bắt thêm nhiều người nữa.

Le Figaro nhận định, vụ bắt giữ này « không có gì ngạc nhiên. Lê Trí Anh, 72 tuổi, là biểu tượng kháng cự của Hồng Kông trước Bắc Kinh. Ông đã trong tầm ngắm của đảng Cộng Sản Trung Quốc từ nhiều năm qua », vì có lập trường đối lập với chế độ Hoa Lục và nhất là có quan hệ rất tốt với chính quyền Mỹ.

Báo chí của đảng ở Hoa Lục đã nhiều lần chỉ trích nhà tỷ phú là « thế lực hắc ám » hay « kẻ phản bội ». Năm ngoái, ông cũng đã từng bị bắt vì ủng hộ cuộc biểu tình của người Hồng Kông kỷ niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn.

Tờ báo khẳng định vụ bắt giữ này là tiếp nối các hành động trấn áp quyền tự do ngôn luận bằng bộ luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh vừa cho áp dụng ở Hồng Kông. Còn Libération thì nhấn mạnh : « Bắt giữ nhà tài phiệt ủng hộ dân chủ Jimmy Lai và khám xét tòa soạn báo của ông ở Hồng Kông, cảnh sát cho thấy họ đang khóa miệng một trong những tiếng nói hiếm hoi chỉ trích chế độ độc tài Trung Quốc».

Tờ báo bình luận : «  Một ông chủ báo chí bị còng tay, một ban biên tập bị hàng trăm cảnh sát phong tỏa hàng giờ : Đó là diện mạo của báo chí Hồng Kông một tháng sau khi luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt được ban hành… Đặc khu hành chính này đã vĩnh viễn mất đi quyền miễn trừ đặc biệt trong lĩnh vực báo chí ».

Libération cho biết, trên một diễn đàn đăng trên nhật báo Mỹ New York Times, nhà tỷ phú truyền thông này đã viết : « … từ khi Hồng Kông trở lại dưới ách Trung Quốc năm 1997, tôi đã sợ rằng có ngày đảng

Cộng Sản Trung Quốc sẽ không để cho báo chí và cả người dân Hồng Kông được tự do. Cái ngày ấy đã đến ».

Vụ Tik Tok: Chủ đề chính trị kinh tế nhiều hơn là an ninh mạng

Vẫn trên Libération, hồ sơ sự kiện chính của tờ báo là quan hệ Mỹ -Trung qua sự kiện Tik Tok, đã được truyền thông khắp thế giới nói đến rất nhiều trong những ngày qua.

Trang bìa của tờ báo dành cho hình ảnh tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một lần gặp trước đây dưới hàng tự lớn : « Tik Tok : Chiến thuật của sen đầm Trump ». Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa gia hạn cuối cùng cho công ty Trung Quốc sở hữu mạng xã hội Tik Tok phải bán ứng dụng này cho một công ty Mỹ nếu không muốn bị cấm cửa ở Hoa Kỳ.

Tối hậu thư của ông Trump đã khiến chế độ Cộng Sản Bắc Kinh nổi đóa vì Trung Quốc hiểu ngay rằng đang bị Washington tấn công trên mọi mặt trận, lần này là lĩnh vực công nghệ số. Libération đặt  câu hỏi vụ việc này chỉ là một đòn ra oai của Donald Trump phục vụ tranh cử, hay đây là bước dạo đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới? Dẫu sao trận đấu này cũng cho thấy một trò gây ảnh hưởng thời công nghệ số.

Libération nhận định, vụ việc phản ánh các căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc này mang tầm vóc cuộc cạnh tranh địa chiến lược nghiêm trọng, « nó báo hiệu một phiên bản công nghệ của cuộc chiến tranh lạnh và một khả năng có thể xé lẻ Internet», theo Ian Bremmer lãnh đạo công ty phân tích rủi ro Eurasia Group, được tờ báo trích dẫn.

Mặt khác theo Libération thì vụ việc này cũng là một phiên bản Mỹ về « chủ quyền không gian mạng », điều mà vẫn được chủ trương trong các chế độ toàn trị như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, những nơi đã cấm cửa Facebook, Twitter và Google hoạt động trên lãnh thổ của mình.

Tờ báo dẫn lời giáo sư về truyền thông số thuộc Đại học Carnegie Mellon, Pittsburgh, Hoa Kỳ nhận định về động thái của chính quyền Trump : « Đây là chính sách thù địch có tầm nhìn ngắn, làm hỏng hình ảnh của Hoa Kỳ và sự họp tác không thể thiếu trong lĩnh vực công nghệ ».

Xã luận của Liberation nhận xét : Tổng thống Mỹ rất ghét bị xỏ mũi, với ông Trump, ứng dụng của Trung Quốc đang làm một bộ phận giới trẻ Mỹ thích thú này là một sự khiêu khích thực sự. Nhất là khi ứng dụng được sử dụng để kêu gọi tẩy chay cuộc mít tinh tranh cử của ông. Đó là nguồn gốc quyết định cấm Tik Tok tại Hoa Kỳ. « Cuộc đọ sức này liệu có kéo dài cho đến tận sau cuộc bầu cử Mỹ ? Dẫu sao thì ta vẫn thích hai cường quốc hàng đầu thế giới đánh nhau bằng mạng xã hội hơn là bằng tên lửa », Libération kết luận.

Đài Loan lại là vấn đề tranh cử của Donald Trump

Liên quan đến quan hệ Mỹ Trung, nhưng trong vấn đề Đài Loan, nhật báo kinh tế Les Echos đề cập đến sự kiện bộ trưởng Y Tế Mỹ vừa tới thăm Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh vẫn coi là một tỉnh ly khai của Trung Quốc.

Les Echos ghi nhận : «  Ủng hộ Đài Loan : Washington mở mặt trận mới với Bắc Kinh ». Theo tờ báo, việc một bộ trưởng Mỹ tới thăm Đài Loan lần đầu tiên kể từ 1979, năm Mỹ cắt đứt quan hệ với Đài Loan để nhượng bộ Trung Quốc, là một động thái khẳng định sự ủng hộ đối với chính quyền đảo Đài Loan, bất chấp các phản ứng của Bắc Kinh.

Rõ ràng chuyến thăm Đài Loan 3 ngày của bộ trưởng y tế Mỹ Alex Azar mang tính chính trị rất cao cho dù dưới lý do là hợp tác y tế song phương, trong bối cảnh Đài Loan đã thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 còn Mỹ thì đang loay hoay không làm sao khống chế được dịch.

Nhưng chuyến đi ẩn giấu một tham vọng của chính quyền Washington : Khơi dậy mối quan hệ về an ninh giữa Hoa Kỳ và hòn đảo độc lập. Mặt khác, giữa thời điểm quan trọng của chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, Trump muốn chứng tỏ ông luôn sẵn sàng đương đầu với Bắc Kinh trên mọi mặt trận, điều mà đảng Dân Chủ quá mềm yếu, như ông vẫn chỉ trích.

Donald Trump cũng muốn cho thấy ông là người duy nhất bảo vệ nước Mỹ trước các đe dọa từ Trung Quốc. Bởi thế ông đã mở mặt trận với Trung Quốc trên đủ các hồ sơ : Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, công nghệ số với Hoa Vi, Tik Tok, WeChat và ông vẫn còn chưa cạn nguồn để đấu lại Trung Quốc.

Từ nay đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ, chuyến thăm Hoa Kỳ đáp lễ của bộ trưởng Y Tế Đài Loan sẽ là một đòn hay ho cho tổng thống Donald Trump. « Mục tiêu là đẩy Trung Quốc vào khủng hoảng nhằm chứng minh rằng đảng Dân Chủ sẽ bất lực khi Bắc Kinh đe dọa », Les Echos nhận định.

Belarus : Tổng thống tái đắc cử, cử tri phản đối

Chuyển qua với một thời sự nóng đáng diễn ra ở quốc gia đông Âu thuộc Liên Xô cũ, cuộc bầu cử tổng thống Belarus. Các báo đều ghi nhận : Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Belarus hôm Chủ nhật vừa qua là tổng thống Alexandre Loukachenko tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 6 với 80% phiếu bầu. Còn hệ quả là biểu tình phản đối, ít nhất một người chết, hàng chục người bị thương và hơn 3 nghìn người bị câu lưu ngay trong tối công bố kết quả Chủ nhật, 10/08. Les Echos chạy tựa : «  Loukachenko tái đắc cử tại Belarus, nhưng dân chúng không thừa nhận ». Trong khi đó tựa của Libération :  « Belarus : Đường phố kháng cự, Loukachenko trấn áp ».

Tờ báo cho biết : Sau khi những kết quả kiểm phiếu đầu tiên cho thấy vị tổng thống nắm quyền từ 1994 lại tái đắc cử, các cuộc biểu tình dữ dội đã nổ ra ở hàng chục thành phố của  Belarus. Đối lập kêu gọi một cuộc tổng đình công.

Xã luận Le Monde chạy tựa:  « Chối bỏ dân chủ ở Belarus ». Tờ báo ghi nhận, vậy là Alexandre Loukachenko, từ một lãnh đạo hợp tác xã nông nghiệp lên cầm quyền sau khi Liên Xô sụp đổ, đã độc chiếm ngôi trị vì Belarus. Không có gì ngạc nhiên khi nhà độc tài này tuyên bố đắc cử với trên 80% phiếu, trong khi đối thủ của ông bà Svetlân Tsikhanovskaia chỉ đạt 9,9% phiếu, mặc dù bà khẳng định đạt đa số phiếu bầu.

Theo Le Monde, không thể coi cuộc bầu cử này là dân chủ, khi mà trước bầu cử hàng loạt các ứng viên đối lập bị bỏ tù, các phòng phiếu được tổ chức không có sự giám sát, báo chí nước ngoài bị cấm, cử tri ở các địa phương bị hăm dọa…

Cuộc bầu cử ở Belarus lần này là dịp để lôi cuốn sự chú ý của quốc tế đối với vấn đề nhân quyền bị vi phạm đã thành hệ thống ở đất nước chỉ có hơn 9 triệu dân, nằm lọt giữa Nga và Ba Lan này.

Một điểm khác là phản ứng của dân chúng về kết quả bầu cử cho thấy người dân Belarus đang mong muốn thay đổi chính trị sâu sắc ở đất nước này. Xã luận của Le Monde kêu gọi : « Liên Hiệp Châu Âu, được xây dựng trên nguyên tắc dân chủ, phải giúp đỡ xã hội dân sự Belarus lựa chọn số phận. Các nước châu Âu phải rút ra những hệ quả chính trị kinh tế từ cuộc bầu cử trò hề này và từ việc trấn áp biểu tình phản đối cuộc bầu cử phi dân chủ này. »

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200811-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-khai-t%E1%BB%AD-quy%E1%BB%81n-t%E1%BB%B1-do-b%C3%A1o-ch%C3%AD

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Dân Thái Lan tiếp tục biểu tình đòi dân chủ.

Hàng nghìn người Thái đã tham gia cuộc biểu tình phản đối chính phủ ngày 10/08/2020. Đây là cuộc biểu tình rầm rộ nhất để tỏ thái độ bất bình đối với chính quyền của Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha. Mang theo cờ cầu vồng và chân dung của những nhà hoạt động ủng hộ dân chủ bị mất tích, những người biểu tình đã xông vào Đại học Thammasat, nằm ở ngoại ô thủ đô Bangkok, vào đầu buổi tối. Cuộc biểu tình huy động tới 4.000 người.

(Reuters) – Doanh nghiệp Trung Quốc không tôn trọng chuẩn mực kế toán Mỹ sẽ bị xóa tên trên thị trường Mỹ. 

Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 10/08/2020 cho biết là các công ty từ Trung Quốc và từ các quốc gia khác không tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán sẽ bị hủy niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ vào cuối năm 2021. Ông Mnuchin và các quan chức khác đã chuyển đề xuất lên Ủy Ban Chứng Khoán Mỹ (SEC) vào tuần trước để buộc các công ty Trung Quốc tuân thủ cùng một tiêu chuẩn như các công ty Mỹ.

(AFP) – Covid-19 – Trung Quốc bị thêm gần 50 ca nhiễm mới. 

Theo Ủy Ban Y Tế Quốc Gia Trung Quốc ngày 10/08/2020, Trung Hoa Đại Lục ghi nhận thêm 49 ca nhiễm, trong đó có 35 ca ngoại nhập, 14 ca nội địa, đều ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Riêng tại Bắc Kinh, chính quyền đã cho mở tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia một cuộc triển lãm rầm rộ về cuộc chiến chống Covid-19 vừa qua, tập hợp khoảng 200 « tác phẩm » điêu khắc, hội họa hay tranh thủy mặc.

(Reuters) – Trong tuần này, Liên Hiệp Quốc sẽ bỏ phiếu một dự thảo nghị quyết của Mỹ về Iran.

Hoa Kỳ muốn kéo dài lệnh cấm vận bán vũ khí cho Iran. Tuy nhiên, theo nhiều nhà ngoại giao, biện pháp này không thành công và có nguy cơ làm suy yếu thêm thỏa thuận hạt nhân Iran. Lệnh cấm vận được triển khai trong khuôn khổ Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) được ký tại Vienna vào tháng 07/2015 và sẽ hết hạn vào tháng 10/2020.

(RFI) – Một nhóm luật sư và nhà đấu tranh muốn kiện sĩ quan Anh tội « tra tấn » ở Hồng Kông. 

Từ khi Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc, nhiều sĩ quan cấp cao của Anh vẫn làm việc trong lực lượng cảnh sát Hồng Kông. Theo thông báo ngày 10/08/2020 của nhóm này, trong đó có nhà đấu tranh La Quán Thông (Nathan Law), 3 trong số 6 chỉ huy cấp vùng là sĩ quan người Anh, từng đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi trấn áp theo lệnh của Bắc Kinh.

(AFP) – Indonesia: Núi lửa Sinabung hoạt động.

Sau bốn năm, ngọn núi lửa trên đảo Sumatra đã hoạt động trở lại từ cuối tuần qua và phun tro và khói dầy hơn vào ngày 10/08/2020. Chính quyền địa phương cho biết chưa có người bị thương nhưng cảnh báo nguy cơ núi lửa phun nham thạch. Núi lửa Sinabung hoạt động trở lại từ năm 2010 sau 400 năm ngủ yên. Những lần phun trào gần đây là 2013, 2014 và 2016.

(Le Figaro) – Slovakia trục xuất nhân viên ngoại giao Nga. 

Ngày 10/08/2020 chính quyền Slovakia thông báo trục xuất ba nhân viên ngoại giao Nga, có hành vi hoạt động ngoài khuôn khổ, dính líu vào “tội ác nghiêm trọng” tại một nước thành viên của NATO và Liên Hiệp Châu Âu. Vụ ám sát xảy ra vào năm 2019 tại một công viên ở Berlin, thủ đô nước Đức mà nạn nhân là một cựu thủ lãnh Tchetchenia tị nạn. Một công dân Nga được lãnh sự quán Slovakia ở Saint Peterbourg cấp visa du lịch Châu Ậu đã đến Berlin hạ sát Zelimkhan Khangoshvil. Cảnh sát Đức bắt được nghi can, Vadim Krasikov, một kẻ giết mướn chuyên nghiệp. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Slovakia không giải thích chi tiết. Bộ Ngoại Giao Nga cho biết sẽ trả đũa tương xứng.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200811-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 11/8:

Thế giới phản đối Bắc Kinh bắt Jimmy Lai;

Vụ nổ Beirut đã được cảnh báo từ trước

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Ba (11/8) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Thế giới phản đối Bắc Kinh bắt Jimmy Lai

Việc chính quyền Hồng Kông bắt giữ ông trùm truyền thông Jimmy Lai đã khiến quốc tế bất bình. Washington và Brussels và nhiều thực thể quốc tế khác gọi động thái bắt giữ nhà hoạt động dân chủ này là ví dụ mới nhất về việc Bắc Kinh sử dụng luật an ninh quốc gia mới để bịt miệng những người bất đồng chính kiến, theo SCMP.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng vụ bắt giữ là bằng chứng cho thấy chính phủ Trung Quốc đã và đang “bóp nghẹt” quyền tự do của người dân Hồng Kông.

“Tôi vô cùng lo lắng trước các báo cáo về việc bắt giữ [ông Lai] theo Luật An ninh Quốc gia hà khắc áp dụng cho Hồng Kông”, ông Pompeo nói trong một bài đăng trên Twitter. “Thêm bằng chứng cho thấy [Đảng Cộng sản Trung Quốc] đã trốn tránh các quyền tự do của Hồng Kông và làm xói mòn các quyền cơ bản của người dân”.

Anh, Liên minh Châu Âu và Liên Hợp Quốc cũng bày tỏ quan ngại về hành vi đàn áp các nhà hoạt động dân chủ diễn ra chỉ hơn một tháng sau khi luật an ninh mới được Bắc Kinh ban hành, với mức án cao nhất là tù chung thân cho những người bị cáo buộc vi phạm.

Vụ nổ Beirut đã được cảnh báo từ trước

Các quan chức an ninh Lebanon đã cảnh báo thủ tướng và tổng thống vào tháng trước rằng 2.750 tấn amoni nitrat được lưu trữ tại cảng Beirut gây ra rủi ro an ninh và có thể phá hủy thủ đô nếu phát nổ, theo Reuters.

Chỉ hơn hai tuần sau cảnh báo, các hóa chất công nghiệp này đã phát nổ thiêu rụi phần lớn bến cảng, khiến ít nhất 163 người thiệt mạng, 6.000 người khác bị thương và phá hủy khoảng 6.000 tòa nhà, theo chính quyền thành phố Beirut.

Các quan chức an ninh đã gửi cho thủ tướng và tổng thống một bức thư đề ngày 20/7 cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn từ đống amoni nitrat lưu tại cảng Beirut. Hiện văn phòng của hai lãnh đạo cao nhất Lebanon chưa trả lời yêu cầu bình luận về thông tin này của Reuters.

Máy bay Trung Quốc xâm phạm vùng trời Đài Loan

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết Bắc Kinh đã triển khai máy bay chiến đấu đi qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan hôm thứ Hai (10/8). Động thái này diễn ra trong khi Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar đang trong chuyến thăm Đài Loan, nhiều thập kỷ sau khi Mỹ-Đài cắt đứt mối quan hệ chính thức, theo SCMP.

Lực lượng không quân Đài Loan cho biết hành động của không quân Trung Quốc diễn ra vào khoảng 9 giờ sáng thứ Hai. Hai máy bay J-10 và J-11 của Trung Quốc được phát hiện bay vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ đã theo dõi sát sự việc và chuẩn bị tên lửa phòng không để sẵn sàng “đánh đuổi chúng [máy bay Trung Quốc] một cách mạnh mẽ”.

Lầu Năm Góc hỗ trợ xây dựng mạng 5G cho Mỹ

Lầu Năm Góc có kế hoạch dành ra một phần lớn băng thông của không quân cho dịch vụ Internet tốc độ cao bên dân sự. AP cho hay, đây được xem là một phần trong nỗ lực đi trước Trung Quốc trong việc triển khai công nghệ 5G không dây.

Chính quyền Trump hôm thứ Hai thông báo rằng họ đã xác định được phổ tần vô tuyến được sử dụng cho các hệ thống phòng thủ radar, có thể chia sẻ với các nhà cung cấp viễn thông thương mại mà không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết Ủy ban Truyền thông Liên bang sẽ có thể bán đấu giá 100 megahertz của phổ “dải trung”, trong công nghệ 5G, bắt đầu từ tháng 12 năm 2021 để sử dụng sớm nhất vào giữa năm 2022. Trước đây nó đã được sử dụng cho các hệ thống radar trên tàu và hàng không.

Mỹ: Nhắc đeo khẩu trang, một cụ già bị đánh

Insider đưa tin, một người đàn ông ở Washington đã bị bắt và bị buộc tội hành hung cấp độ hai, sau khi bị cáo buộc làm gãy xương hàm của một cựu chiến binh 72 tuổi trong cuộc tranh cãi về việc đeo khẩu trang phòng virus Vũ Hán.

Cody Hansen, 35 tuổi, bị bắt tại nhà riêng ở Spokane, Washington hôm thứ Bảy (8/8), gần một tháng sau vụ việc xảy ra vào ngày 18/7 tại khách sạn Red Lion Inn and Suites in Kent. Hansen phải nộp 10 ngàn USD tiền bảo lãnh để được tại ngoại.

Theo Fox, cảnh sát cho biết Hansen đã đánh một người đàn ông 72 tuổi tại hành lang khách sạn. Người đàn ông bị đánh là một cựu chiến binh và bị tàn tật một phần. Sự việc xảy ra sau khi vị cựu chiến binh nhắc bạn gái của Hansen về việc đeo khẩu trang.

Vị cựu chiến binh nói với cảnh sát rằng Hansen sau đó đã đến hành lang, đấm ông nhiều lần khiến ông bất tỉnh và gãy xương hàm. Sự việc được camera an ninh hành lang khách sạn ghi lại.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-11-8-the-gioi-phan-doi-bac-kinh-bat-jimmy-lai-vu-no-beirut-da-duoc-canh-bao-tu-truoc.html

 

Điểm tin thế giới tối 11/8:

Mỹ sẽ gán nhãn hàng Hồng Kông

là ‘made in China’; Nga phê duyệt vắc xin Covid

khi chưa hoàn tất thử nghiệm

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Ba (11/8) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Mỹ sẽ gán nhãn hàng Hồng Kông là ‘made in China’

Hàng hóa sản xuất tại Hồng Kông để xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ được dán nhãn là hàng hóa Trung Quốc sau ngày 25/9, theo một thông báo hôm thứ Ba của chính phủ Mỹ.

Động thái này diễn ra sau khi chính quyền Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông và chính phủ Hoa Kỳ quyết định chấm dứt quy chế đặc biệt dành cho hòn đảo từng là thuộc địa cũ của Anh.

Thông báo của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ cho biết, hàng hóa được sản xuất tại Hồng Kông phải chịu cùng mức thuế với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.

Nga phê duyệt vắc xin Covid khi chưa hoàn tất thử nghiệm

Bộ Y tế Nga đã phê duyệt vắc xin Covid-19 do Viện Gamaleya của Moscow phát triển, sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người, Tổng thống Vladimir Putin cho biết hôm thứ Ba (11/8), theo Reuters và Bloomberg.

Động thái này có thể mở đường cho việc Moscow tổ chức tiêm chủng hàng loạt cho người Nga ngay cả khi giai đoạn cuối của các thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của vắc xin vẫn chưa kết thúc.

Tốc độ tung ra vắc xin của chính phủ Nga cho thấy quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc đua toàn cầu về một sản phẩm y tế hiệu quả trong phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán, nhưng đã làm dấy lên lo ngại rằng họ có thể đang đặt uy tín quốc gia lên trước khoa học và an toàn.

Nhật coi Đài Loan là ‘đối tác rất quan trọng’

Mặc dù chính phủ Nhật Bản vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức nào về chuyến thăm của Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Alex Azar tới Đài Loan, nhưng một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật hôm thứ Hai (10/8) cho biết Tokyo sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan thông qua tất cả các phương tiện hiện có, theo Taiwan News.

Theo tờ Sankei Shimbun, một quan chức ngoại giao Nhật Bản giấu tên nói rằng mặc dù Tokyo không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc, nhưng Nhật coi Đài Loan là một “đối tác rất quan trọng” cùng chia sẻ các giá trị phổ quát.

Vị quan chức này nhấn mạnh, Chính phủ Nhật Bản ủng hộ việc Đài Loan tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPSEP) cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tỷ phú Jimmy Lai bị áp giải tới du thuyền để khám xét

Tỷ phú Jimmy Lai Chee-ying, người bị bắt hôm thứ Hai theo luật an ninh Trung Quốc, đã bị cảnh sát Hồng Kông áp giải lên du thuyền của ông vào hôm nay để phục vụ các hoạt động điều tra của nhà cầm quyền, theo SCMP.

Một chiếc xe cảnh sát không nhãn hiệu đã chở nhà hoạt động dân chủ 72 tuổi tới bến thuyền Hồng Kông ở Sai Kung vào khoảng 11 giờ sáng.

Một nguồn tin cảnh sát nói với SCMP rằng các sĩ quan từ đơn vị cảnh sát của Cục An ninh Quốc gia mới đưa ông Lai tới du thuyền của ông để khám xét.

Bắc Kinh đang sử dụng đạo luật an ninh mới và chính quyền đặc khu Hồng Kông gia tăng các hoạt động bắt bớ những người hoạt động dân chủ. Ngoài ông Lai, nhà hoạt động trẻ tuổi Agnes Chow (Châu Đình), 23 tuổi, cũng đã bị bắt cùng nhiều nhà hoạt động khác vào ngày thứ Hai.

Ông Pompeo: ĐCSTQ thích ông Biden hơn ông Trump

Trên chương trình “Spicer and Co.” của Newsmax TV phát sóng hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng Iran, Trung Quốc và Nga “đang tham gia vào các hoạt động gây ảnh hưởng tại Mỹ”.

Ông Pompeo nói thêm rằng không có gì ngạc nhiên khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thích ứng cử viên tổng thống thứ 46 của đảng Dân chủ, tức cựu Phó Tổng thống Joe Biden, hơn Tổng thống Trump, vì họ đã chịu nhiều tổn thất sau các chính sách cứng rắn của ông Trump.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-11-8-my-se-gan-nhan-hang-hong-kong-la-made-in-china-nga-phe-duyet-vac-xin-covid-khi-chua-hoan-tat-thu-nghiem.html

 

Tin Việt Nam – 11/08/2020

 Tin Việt Nam – 11/08/2020

Hà Nội: Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bị đình chỉ công tác ‘vì ba vụ án’

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ngày 11/8 ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Bộ Công an VN quyết ‘truy bắt bằng được’ ông chủ Nhật Cường

Cử tri ‘lo lắng’ vụ công ty Nhật Cường

Diễn biến xảy ra sau các đồn đoán nói rằng ông Chung sẽ bị Đảng Cộng sản kỷ luật.

Quyết định ngày 11/8 của Thủ tướng nói việc tạm đình chỉ là để “xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan trong một số vụ án theo quy định của pháp luật”.

Thời hạn tạm đình chỉ công tác là 90 ngày kể từ ngày ra quyết định trên.

Ông Nguyễn Đức Chung là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội từ năm 2015.

Báo Thanh Niên đưa tin Bộ Chính trị đã có quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội

Trước đó, ông Chung là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TP Hà Nội.

Trong quá trình công tác, ông từng được khen thưởng: Huân chương Chiến công hạng Nhất (2009, 2012); Huân chương Chiến công hạng Ba (1998, 2001, 2009); Anh hùng Lực lượng vũ trang (10-2004)…

Ba vụ án liên quan?

Báo Tuổi Trẻ nói họ đã nói chuyện với Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người Phát ngôn Bộ Công an ngày 11/8 và ông này cho biết, theo điều tra ban đầu, ông Nguyễn Đức Chung có liên quan đến ba vụ án.

Thứ nhất, vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

Thứ hai là vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TP Hà Nội.

Thứ ba là vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” mà Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án.

Trước đó đã có quyết định khởi tố bị can, bắt giam hai cán bộ gần cận Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và một nhân viên của Bộ Công an.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ngày 22/07 phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ba bị can.

Hai bị can gần cận với Chủ tịch UBND TP Hà Nội là Nguyễn Anh Ngọc, cán bộ Phòng Thư ký biên tập, Tổ giúp việc, và Nguyễn Hoàng Trung, lái xe của ông Nguyễn Đức Chung.

Bị can thứ ba là Phạm Quang Dũng, cán bộ công an thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu Bộ Công an (C03).

“Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với 03 cá nhân có hành vi chiếm đoạt tài liệu mật trong vụ án “Công ty Nhật Cường” do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thụ lý điều tra,” bản tin trên trang của Bộ Công an đưa.

Một thứ trưởng Bộ Công an vào cuối tháng Sáu cho biết đây là đại án tham nhũng ”rất nghiêm trọng” được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi và chỉ đạo.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là Trưởng ban này.

Bộ Công an khởi tố vụ án Nhật Cường hồi tháng 5/2019, và C03 là nơi thụ lý điều tra vụ án.

Cử tri ‘lo lắng’ vụ công ty Nhật Cường

Bộ Công an VN quyết ‘truy bắt bằng được’ ông chủ Nhật Cường

Tổng cộng có 26 bị can cho tới lúc này và bị can chính là Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Nhật Cường.

Bị can Huy, hiện đang bị truy nã quốc tế, đã bị khởi tố 4 tội danh trong đó có tội buôn lậu và rửa tiền.

Bùi Quốc Việt – anh trai của Bùi Quang Huy, mới đây cũng bị bắt để điều tra về tội buôn lậu.

Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm từng nói “bằng mọi biện pháp, cách gì có thể làm được thì đều làm để bắt được ông Bùi Quang Huy.”

Trong số các bị can có cả cựu Chánh văn phòng Thành ủy Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở KH-ĐT TP. Hà Nội và Chánh văn phòng Sở KH-ĐT.

Vụ án Công ty Nhật Cường được báo chí đăng tải nhiều trong những tháng qua sau các hoạt động kinh doanh, trúng thầu… liên quan tới một số dự án thuộc Thành phố Hà Nội bị cho là có sai phạm.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53737288

 

Phúc thẩm vụ Gateway: Công ty Ngân Hà

đột ngột rút toàn bộ kháng cáo

Sáng 11 tháng 8 năm 2020, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tiến hành xử phúc thẩm vụ nam sinh lớp 1 trường Gateway Lê Hoàng L. tử vong do bị bỏ quên trên ôtô đưa đón.

Phiên phúc thẩm được mở để xét đơn kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Bích Quy (người đưa đón học sinh), Doãn Quý Phiến (tài xế), Nguyễn Thị Thủy (Giáo viên chủ nhiệm), và Công ty Ngân Hà.

Tại phiên xử này, tòa cũng triệu tập hai giám định viên của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an. Luật sư Nguyễn Thanh Sơn, bào chữa cho bị cáo Quy, đề nghị triệu tập thêm hai người làm chứng là ông Lê Thế Quân (giảng viên giáo dục thể chất, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và chị Nghiêm Thị Trang (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Tại tòa, bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này là Công ty Ngân Hà xin rút toàn bộ kháng cáo. Bị cáo Nguyễn Thị Bích Quy đề nghị xem lại các tình tiết và xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Phiến cũng xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Thủy xin hưởng án treo.

Tại phiên sơ thẩm hôm 15 tháng 1 năm 2020, Hội đồng xét xử tuyên án bị cáo Phiến 15 tháng tù giam, bị cáo Quy 24 tháng tù giam, cùng vì tội vô ý làm chết người. Với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Thủy 12 tháng tù giam, cấm hành nghề một năm từ ngày thi hành án.

Về trách nhiệm bồi thường dân sự, đơn vị cung cấp dịch vụ xe đưa đón là Công ty Ngân Hà phải bồi thường 249 triệu đồng cho gia đình bị hại. Các bị cáo và công ty Ngân Hà kêu oan.

Bị hại trong vụ án là cháu Lê Hoàng L. học sinh lớp 1 Tokyo, trường tiểu học Gateway. Cháu L. được xác định tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón ngày 6 tháng 8 năm 2019.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/appeal-of-gateway-case-nganha-company-suddenly-withdraw-the-entire-appeal-08112020082050.html

 

Công an cộng sản thẩm vấn linh mục Nguyễn Duy Tân,

 đe doạ giữ ông vì viết Facebook

Tin từ Đồng Nai: Nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Đồng Nai thẩm vấn linh mục Công giáo Nguyễn Duy Tân về việc ông đưa thông tin lên mạng xã hội, và đe doạ sẽ giữ ông lại đồn công an để điều tra.

Công an huyện Thống Nhất đã “mời” linh mục Nguyễn Duy Tân lên văn phòng của Đội An ninh của công an huyện vào ngày 03/8 để làm việc về việc đăng tải lên mạng xã hội thông tin có liên quan đến tình hình chính trị và trật tự an toàn xã hội. Sau buổi làm việc, phía công an lại buộc ông lên làm việc tiếp vào ngày 10/8.

Theo một số nguồn tin, phía công an muốn giữ ông lại để tra vấn tiếp về các bài viết của ông trên Facebook. Trước đây, công an Đồng Nai đã nhiều lần “mời” ông lên đồn công an để tra khảo.  Linh mục Nguyễn Duy Tân là một trong nhiều linh mục Công giáo hay chỉ trích nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam về vi phạm nhân quyền, tham nhũng, không kiên quyết trước Trung Cộng ở Biển Đông trên mạng Facebook. Ông còn là một nhà hoạt động nhân quyền, hay trợ giúp cho nhiều gia đình tù nhân lương tâm và người hoạt động.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn tìm cách bịt miệng những linh mục luôn trăn trở về tình hình đất nước như Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Duy Tân, Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam. Linh mục Nguyễn Văn Lý đã bị cầm tù nhiều năm và hiện đang bị quản thúc. Cộng sản còn gây sức ép lên Giáo hội Công giáo và buộc linh mục Đặng Hữu Nam phải nghỉ mục vụ.

Có khoảng 7 triệu tín hữu Công giáo ở Việt Nam. Nhiều giáo phận bị bức hại, bị nhà cầm quyền cộng sản cướp đất đai và chịu nhiều giới hạn khác trong việc phát triển giáo phận.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/cong-an-cong-san-tham-van-linh-muc-nguyen-duy-tan-de-doa-giu-ong-vi-viet-facebook/

 

Hàng chục người bịt mặt

 căng băng rôn “đòi đất” Đan viện Thiên An

Liên tiếp vào hai buổi chiều ngày 11 và ngày 10 tháng 8 năm 2020, hàng chục người đeo khẩu trang đi đến khu vực đồi Thánh giá nằm trong khuôn viên Đan viện Thiên An ở xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế la hét, căng băng rôn yêu cầu cơ sở tôn giáo này trả lại đất cho người dân và cho xã.

Tuy nhiên, một linh mục thuộc Đan viện cho biết đây là nhóm người gồm các cán bộ an ninh thường phục và các hội nhóm ở xã Thủy Bằng đến đây để quấy rối, sau khi bên Đan viện đặt một phiến đá ghi lại lịch sử cây thánh giá ở đây nhiều lần bị hạ bệ.

Linh mục Võ Văn Giáo, người phụ trách đào tạo ở Đan viện Thiên An vào tối ngày 11 tháng 8 nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:

Nhìn chung thì không phải mục đích của họ đòi đất nữa, mà tại vì trong thời điểm này này anh em có khắc một phiến đá ghi lại tóm tắt lịch sử của cây thánh giá bị người ta hạ bệ, gọi là cây thánh giá Khổ Nạn.

Ghi tóm tắt mấy dòng đã được hơn một tuần nay rồi thì cái đó có lẽ làm cho nhà cầm quyền thấy sao sao đó, rồi họ kích động dân hay làm áp lực để mình có một cái động thái gì đó, chứ còn vấn đề đất đai chúng con có đụng đến ai đâu.

Thực tế thì người dân được Đan viện chúng con chia sẻ đất đai trước đây rất là nhiều từ năm 68, 75 được Đan viện cho đất, rồi mượn đất cách này cách khác.

Ngay cả gia đình ở bên cạnh thì Đan Viện cũng hỗ trợ đất đai làm sao có thể lấy đất của người khác được, làm sao mà Đan viện Thiên An có thể lấy đất của xã Thủy bằng được?

Nếu bà con có mất đất thật sự thì thì cứ viết đơn lên kiện chính quyền đi, có gì thì đối chất với nhau chứ làm sao có những động thái như thế.”

Phóng viên trong cùng ngày gọi điện cho công an thị xã Hương Thủy để hỏi về vụ việc, tuy nhiên cán bộ công an trực điện thoại từ chối trả lời và đề nghị đến trực tiếp trụ sở để làm việc.

Khu vực những người bịt mặt đến để quấy rối nằm trong khuôn viên 107 héc-ta mà Đan viện Thiên An sở hữu từ thời Việt Nam Cộng Hòa đến giờ, tuy nhiên theo Đan viện chính quyền hiện nay đã không công nhận phần đất thuộc sở hữu của cơ sở tôn giáo này.

Trong 2 năm 2016 và 2017 các đan sĩ và linh mục thuộc Đan viện đã dựng ở đây một cây thánh giá và tượng Chúa Giê Su, tuy nhiên nhiều người lạ mặt sau đó đến tấn công và bẻ gãy thánh giá.

Khu vực đồi thông của Đan viện cũng nhiều lần bị cháy không rõ lý do mà những đan sĩ ở đây nghi ngờ là có người đốt.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/so-called-spontaneous-groups-have-come-to-thien-an-monastery-in-hue-for-land-claims-08112020073201.html

 

Chính quyền Vũng Tàu phát hiện

kho hàng giả bán trực tuyến, doanh thu tiền tỷ

Chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa phát hiện một kho hàng chứa hàng ngàn sản phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng, bán hàng online, thu về hàng tỷ đồng/tháng.

Truyền thông trong nước, vào ngày 11/8, dẫn nguồn từ một cán bộ thuộc cơ quan Quản lý Thị trường, cho biết kho hàng vừa nêu ở tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền. Lực lượng chức năng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong cùng ngày 11/8 đã tiến hành niêm phong kho hàng có diện tích 300 m2, chứa lượng hàng tồn kho ước tính trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Số hàng hóa nhái các thương hiệu Gucci, Chanel, Hermes… gồm quần áo, giày dép, túi xách, mắt kính…được lấy từ nguồn hàng ở chợ Đồng Xuân (ở Hà Nội) và chợ An Đông (ở TP.HCM).

Tin cho biết các cơ quan chức năng, vào chiều ngày 10/8 đã tiến hành kiểm tra xe ô tô của ông Nguyễn Hoàng M., trong lúc ông M. đang vận chuyển hàng hóa từ cửa hàng Nguyễn và bị cho là có nhiều nghi vấn. Ông M. đã không xuất trình được giấy tờ liên quan số hàng hóa trên xe ô tô.

Đông thời, bà Thủy, một người có mặt trong cửa hàng Nguyễn cũng không cung cấp được hóa đơn chứng minh nguồn gốc của lô hàng. Bà Thủy khai nhận số hàng hóa trong cửa hàng Nguyễn được mua từ các chợ đầu mối Đồng Xuân, An Đông và bán lại cho khách hàng qua live stream trên mạng xã hội. Mỗi tháng cửa hàng thu về 1-2 tỷ đồng. Riêng trong tháng 7/2020, đạt doanh thu 1,7 tỷ đồng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vung-tau-authority-discovered-fake-goods-sold-online-billions-revenue-08112020082219.html

 

Hơn 20.000 pin Mặt Trời được lắp đặt

nhưng vướng mắc nhiều khó khăn

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vào ngày 11/8 cho biết, trong 7 tháng 2020 đã lắp đặt gần 20.000 pin mặt trời trên mái nhà với tổng công suất lên tới gần 550 MWp trên phạm vi toàn quốc.

Truyền thông quốc nội dẫn thống kê của Tập đoàn điện lực Việt Nam cho thấy đến nay đã có hơn 42.000 pin mặt trời mái nhà đã được đưa vào vận hành với tổng công suất pin hơn 925 MWp.

Theo số liệu của EVN tổng số tiền điện mà tập đoàn điện lực đã thanh toán cho khách hàng lặp đặt điện mặt trời mái nhà hơn 374 tỷ đồng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc đối với dự án điện mặt trời mái nhà.

Trong cùng ngày, đại diện tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết đã có công văn gửi Bộ Công thương kiến nghị tháo gỡ hàng loạt vướng mắt cho dự án điện mặt trời mái nhà.

Theo đó EVN cho biết đang gặp nhiều khó khăn trong việc phân biệt dự án điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời nối lưới do chưa rõ định nghĩa về công trình xây dựng và cơ sở để xác định loại hình điện mặt trời mái nhà.

Hiện nay có nhiều dự án điện mặt trời có công suất dưới 1 MW thực hiện theo mô hình trang trại nông nghiệp, cơ sở để xác định là điện mặt trời mái nhà chưa rõ ràng và chưa có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương hướng dẫn việc kinh doanh bán điện mặt trời có phải thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cần phải làm thủ tục bổ sung đăng ký ngành nghề kinh doanh theo quy định Luật Đầu tư hiện hành.

Do còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ nên hàng loạt dự án điện mặt trời của người dân vẫn chưa được đấu nối, chưa thanh toán tiền điện hay vướng thủ tục ở nhiều địa phương.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-than-20000-solar-power-panels-installed-but-many-difficulties-exist-08112020112202.html

 

Covid-19 tại Việt Nam:

4 ca tử vong mới đều liên quan với ổ dịch Đà Nẵng

Mai Vân

Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục hoành hành tại Việt Nam. Hôm qua, 10/08/2020, Bộ Y Tế Việt Nam chính thức xác nhận 4 ca tử vong mới đều có liên quan đến ổ dịch bùng lên tại Đà Nẵng.

Trong số này có hai người đàn ông trên 60 tuổi, và hai phụ nữ 33 và 47 tuổi. Tất cả đều được xác nhận là đã có nhiều bệnh nền, từ suy thận mãn tính cho đến tiểu đường.

Tính đến hết ngày hôm qua, như vậy là Việt Nam đã có tổng cộng 15 ca tử vong, chủ yếu là những người lớn tuổi và bị nhiều bệnh nền.

Cũng theo thống kê của bộ Y Tế Việt Nam, cho đến nay tổng cộng đã có 847 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 318 ca nhiễm ngoại nhập, đã bị cách ly ngay.

Các tỉnh, thành tại Việt Nam bị dịch trải dài từ bắc xuống nam, bao gồm: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Thái Bình, Đồng Nai, Hà Nam, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Trị, Thanh Hóa, Hải Dương, Khánh Hòa.

Theo nhận định của hãng tin Bloomberg hôm nay, dịch bệnh trỗi dậy ở Việt Nam bộc lộ các khó khăn mà chính quyền gặp phải, không chỉ trong việc chống bệnh, mà còn trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế. Sau khi chính phủ bãi bỏ các biện pháp cách giãn xã hội đưa ra vào mùa xuân, dân chúng đã trở lại các sinh hoạt như bình thường, đổ xô đến bãi biển Đà Nẵng, bị nhiễm virus, rồi mang về phát tán tại địa phương của mình.

Theo Bloomberg, khó khăn đối với Việt Nam là không rõ dịch mới bùng lên này xuất phát từ đâu. Virus có thể du nhập vào Việt Nam mà không bị phát hiện, lây lan từ một trường hợp bị sót, thông qua thiết bị bị cách ly hay một người nhập cư bất hợp pháp, nhưng cũng có thể lây từ một con thú sang người.

Cách xử lý cứng rắn của Việt Nam để ngăn chặn virus đã tránh được cho đất nước bị lâm vào tình trạng các láng giềng, như Philippines, Indonesia. Nhưng Việt Nam, với bệnh viện luôn đông nghẹt, có thể sẽ vấp phải tình trạng vừa lây lan giữa các bệnh nhân, vừa quá tải nhanh chóng, trong trường hợp ca bệnh tăng vọt.

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200811-covid-19-t%E1%BA%A1i-vi%C3%AA%CC%A3t-nam-4-ca-t%C6%B0%CC%89-vong-m%E1%BB%9Bi-%C4%91%C3%AA%CC%80u-li%C3%AAn-quan-v%E1%BB%9Bi-%C3%B4%CC%89-di%CC%A3ch-%C4%91a%CC%80-n%C4%83%CC%83ng

 

Vì sao nhiều người ngại ngần cài app Bluezone?

Diễm Thi, RFA

Bluezone là ứng dụng sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (Bluetooth Low Energy) để ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các điện thoại di động thông minh cùng cài đặt và sử dụng Bluezone. Ứng dụng sẽ cảnh báo nếu người dùng có tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc người đã từng tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm COVID-19.

Ứng dụng này do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế triển khai dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Bốn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thực hiện gồm: BKAV, Memozone, VNPT, MobiFone.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tất cả mọi người đến làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước cần được yêu cầu cài đặt phần mềm Bluezone ngay từ cổng ra vào.

Ông Hùng đồng thời chỉ đạo Cục Viễn thông làm việc với các nhà mạng hàng ngày gửi tin nhắn đề nghị người dân cài đặt phần mềm để bảo vệ sức khỏe cho mình và cho cộng đồng.

Tại buổi công bố các giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại Bộ Thông tin và Truyền thông hôm 18 tháng 4 năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bluezone là bước tiến mới, có tính đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng chống dịch bệnh. Đột phá ở chỗ chính quyền không thu thập thông tin người dân, thông tin chỉ lưu trên điện thoại cá nhân.

Trong khi đó, mới hôm 8 tháng 8 năm 2020, chuyên gia bảo mật công nghệ thông tin Dương Ngọc Thái viết trên blog của mình rằng, máy chủ có toàn quyền quyết định lấy dữ liệu bất kỳ lúc nào mà không cần có sự đồng ý của người dùng. Có thể máy chủ sẽ không bao giờ làm vậy, nhưng câu hỏi là làm sao chúng ta có thể kiểm tra được nếu họ không cam kết và không cung cấp thông tin cách họ làm trên máy chủ?

Chẳng hạn những tiếp xúc như tôi vừa nói chỉ ghi lại trên điện thoại của người dùng và không được gửi lên server. Chỉ khi nào có phát hiện người bị nhiễm COVID thì lúc đó dữ liệu mới được gửi lên server với sự đồng ý của người dùng. – Nguyễn Tử Quảng

Trao đổi với RFA tối 10 tháng 8 về vấn đề này, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO BKAV cho biết, ích lợi của Bluezone là giúp cho nhà nước có nhật ký tự động trong việc mọi người gặp nhau hàng ngày. Nếu có một người nào đó bị nhiễm COVID-19 thì cơ quan y tế sẽ dựa vào các số liệu được ghi nhận để biết ai đã tiếp xúc với ai, vào lúc nào. Từ đó truy vết và phát hiện những người có nguy cơ nhiễm COVID-19 để phòng ngừa. Không có chuyện dữ liệu cá nhân bị lộ ra ngoài. Ông nói:

“Đây là chủ đề được rất nhiều người quan tâm. Phần mềm này nó chỉ hiệu quả khi có đủ số lượng lớn người sử dụng. Ngay từ khi phát triển chúng tôi đã phải để ý đến việc này. Nó sử dụng các thuật toán để đảm bảo không lộ những thông tin cá nhân của người dùng. Chẳng hạn những tiếp xúc như tôi vừa nói chỉ ghi lại trên điện thoại của người dùng và không được gửi lên server. Chỉ khi nào có phát hiện người bị nhiễm COVID thì lúc đó dữ liệu mới được gửi lên server với sự đồng ý của người dùng.”

Ông Quảng cho biết thêm rằng, ngoài việc phải có sự đồng ý của người dùng, công ty còn có nhiều biện pháp bảo mật khác để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, chẳng hạn như mỗi một người khi tiếp xúc thì máy này chỉ ghi nhận là thấy tiếp xúc với một máy khác chứ không biết được tiếp xúc ở đâu. Thứ hai, các mã số sinh ra ngẫu nhiên và cứ 15 phút thì đổi mã số một lần. Tất cả những biện pháp đó đều để đảm bảo việc thông tin cá nhân được bảo vệ riêng tư.

Vì sao dân phản ứng?

Với những biện pháp bảo mật thông tin cá nhân chặt chẽ như giải thích của ông Nguyễn Tử Quảng cũng như khẳng định chính quyền không thu thập thông tin người dân của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều người dân vẫn không tin họ được bảo vệ.

Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, từ Úc nêu nhận định của ông:

“Về mặt kỹ thuật, cho dù nhà nước Việt Nam không quản lý một cách chặt chẽ thì người dân vẫn ngần ngại. Tại vì bất cứ quyết định nào đó mà đi từ chính phủ, ngay cả quyết định có lợi có thể giúp cứu sinh mạng người dân thì người dân vẫn ngần ngừ. Đó là phản xạ tự nhiên của việc chống lại sự kiểm soát của một chế độ.

Họ không tin chính phủ. Cho dù chính phủ có thiện ý đi chăng nữa họ vẫn không tin và họ từ chối bằng cách này cách khác. Một trong những cái từ chối là sự bùng nổ trên mạng xã hội chỉ trích, khai thác những góc độ mang tính ngờ vực về vấn đề thu thập thông tin của ứng dụng đó hơn là họ mở rộng lợi ích của app này.”

Theo ông Diêu, nếu phải đặt lên bàn cân. Một bên là nguy hiểm về dịch bệnh, một bên là nguy hiểm về thông tin cá nhân bị lộ, người dân sẵn sàng đánh đổi nguy hiểm của tính mạng để từ chối sử dụng cái app có thể làm lộ thông tin cá nhân của họ.

Ông Trần Trọng Nhân, hiện đang sống trong nước cho biết, chính phủ đã quá nhiều lần không trung thực với dân nên rất khó thuyết phục tất cả người dân đồng thuận cài đặt Bluezone vì nó nhạy cảm.

Ông Nhân ủng hộ và hỗ trợ chính quyền trong việc phòng chống dịch bệnh nhưng không đồng ý cài app Bluezone. Ông giải thích:

“Thứ nhất Bluezone do nhà nước thiết lập nhưng họ không minh bạch cái cơ chế làm việc như thế nào trong khi nó liên quan tới việc truyền dữ liệu cá nhân của mình qua một máy khác.

Vì đây là công nghệ, sử dụng dữ liệu cá nhân của mình. Tôi không có niềm tin. Phải có bên thứ ba độc lập, tức là phải có đối tác giám sát từ nước ngoài. Phần mềm này hoạt động bao lâu, như thế nào, cơ sở dữ liệu lưu ở đâu và dưới dạng nào, công ty hay cơ quan nào chịu trách nhiệm bảo mật…

Với Bluezone, có vẻ như BKAV là công ty bảo mật nhưng BKAV có độc lập với nhà nước hay không thì dến giờ này tôi vẫn không tin. Nếu họ hợp tác với Bộ Công an hay bộ nào từ phía nhà nước thì họ sẽ cung cấp dữ kiệu cá nhân của mình khi nhà nước cần. Tôi thấy điều đó không an toàn.”

Ông Trần Trọng Nhân kết luận, một chế độ độc tài thì không thể nào có sự minh bạch cho nên ông không tin.

Theo ông Nguyễn Tử Quảng, để phần mềm Bluezone hoạt động hiệu quả thì cần từ 60 đến 70 phần trăm những người sử dụng smartphone cài đặt. Hiện ở Việt Nam không bắt buộc nhưng thủ tướng và chính phủ có đề nghị người dân cài đặt. Hiện mới chỉ đạt 15 triệu người cài đặt trong khi cần đến 40 triệu người cài đặt. Ông cho biết:

“Mới một tuần triển khai đã có 15 triệu người cài đặt rồi thể hiện sự đồng tình ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, như bầu cử ở Mỹ thì cũng có người đồng tình, người phản đối. Xã hội tất yếu nó như vậy và trong câu chuyện này, những người có ý kiến phản đối rất nhỏ bé so với những người ủng hộ. Không đơn giản nhưng chúng tôi kỳ vọng trong một, hai tuần tới sẽ đạt mức độ cần thiết.”

Dù chính phủ khuyến khích, hy vọng người dân cài đặt app Bluezone với mục đích bảo vệ cộng đồng trước đại dịch COVID-19, giảm thiểu các nguy cơ lây lan, giúp mọi người trở lại cuộc sống bình thường. Đó là điều ai cũng mong muốn, nhưng nhiều người dân vẫn bày tỏ sự hoài nghi trên mạng xã hội như, “Phàm cái gì đảng bảo hay, bảo tốt ta làm ngược lại”; “Cài hay không là quyền của mỗi người. Cái lý: vì sức khoẻ cộng đồng là không vững vàng, và không đáng để đánh đổi với quyền riêng tư cá nhân, nên tui không đổi. Cái gốc rễ vẫn là: niềm tin vào cơ chế, có hay ko?”; …

Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh, người sáng lập mạng xã hội Livenguide nói với RFA rằng, để ngăn ngừa Coronavirus lan tràn thì việc biết ai bị nhiễm hay có triệu chứng để ‘tránh xa’ là điều cần làm. Mục đích chính hiện nay là làm sao để dịch bệnh đừng lây lan. App Bluezone ra đời cũng không ngoài mục đích đó. Tuy vậy, nhiều người, trong đó có cả những chuyên gia than phiền về việc bảo mật dữ liệu, bảo mật tính riêng tư của người sử dụng app. Ông nêu giải pháp:

“Thật ra, Livenguide, một mạng xã hội mà tôi tham gia sáng lập hiện giờ cũng đã có nhiều tính năng định vị người dùng và thậm chí có một bản đồ vị trí của mọi người dùng (nếu họ cho phép) trên trang nhất. Các bạn có thể đăng ký dùng Livenguide (đơn giản, hoàn toàn miễn phí), cho biết vị trí của mình, nếu thấy ho hay sốt gì đó thì ghi mình đang có triệu chứng, nếu đã test thấy bị dính Coronavirus thì ghi bị dính. Mọi người khác bất cứ lúc nào bật màn hình Livenguide lên sẽ thấy vị trí người bệnh hiện lên màu đỏ, người có triệu chứng hiện lên màu cam. Như vậy họ sẽ tránh xa để tất cả cùng an toàn.”

Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên sử dụng app theo dõi để phòng chống dịch bệnh, nhưng theo ông Hoàng Ngọc Diêu thì những app đó cũng nối qua Bluetooth nhưng không lưu lại dữ liệu, không truy vết hai thiết bị di động ở cùng địa điểm hay thời gian…

Ở Việt Nam, khi người dân nghe nói truy tìm, theo dõi những di chuyển hay tiếp xúc cá nhân thì họ lo ngại.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-do-people-concernabout-bluezone-dt-08102020151107.html

 

Việt Nam trục xuất hàng chục người Trung Quốc,

ghi nhận thêm 2 ca tử vong vì COVID-19

Việt Nam vừa trục xuất 21 người Trung Quốc được cho là nhập cảnh trái phép vào Quảng Nam sau khi hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày giữa lúc dịch virus corona bùng phát trở lại xuất phát từ những ca nhiễm đầu tiên ở Đà Nẵng.

Công an Quảng Nam hôm 9/8 cho biết họ đã bàn giao nhóm người Trung Quốc “nhập cảnh trái phép” tại tỉnh miền Trung này cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn để tiến hành các thủ tục trục xuất về nước trước đó một ngày, theo truyền thông trong nước.

Tháng trước, công an Quảng Nam bắt giữ 21 người quốc tịch Trung Quốc “cư trú trái phép trên địa bàn tỉnh.” Theo các bản tin của trang mạng trong nước, những người này được một số đối tượng người Trung Quốc và người Việt Nam tổ chức nhập cảnh trái phép theo đường tiểu ngạch vào Việt Nam, sau đó đưa về Quảng Nam.

Những người này được cho là nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nhằm tìm kiếm việc làm ở thành phố biển Đà Nẵng, nơi hiện đang là điểm nóng của đợt bùng phát dịch mới nhất ở Việt Nam.

XEM THÊM:

Việt Nam phá đường dây đưa người Trung Quốc trái phép vào miền Trung

Như VOA đã đưa tin, công an Việt Nam hôm 25/7 bắt giữ một người đàn ông Trung Quốc cầm đầu một đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng và Quảng Nam giữa lúc miền Trung trở thành “điểm nóng” COVID-19 mới sau hơn 3 tháng không lây nhiễm trong cộng đồng. Gao Liang Gu (Cao Lượng Cố), 42 tuổi người Trung Quốc, thừa nhận đã tổ chức đường dây đưa hơn 30 người Trung Quốc nhập cảnh vào Quảng Nam và Đà Nẵng.

Theo Bộ Quốc phòng, lực lượng an ninh biên giới đã ngăn chặn hơn 16.000 người nước ngoài có ý định nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong năm nay tính đến tháng 7.

Thiếu tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an, cho biết rằng hơn 500 người có quốc tịch Trung Quốc đã nhập cảnh trái phép vào 27 trong số 63 tỉnh thành trên cả nước Việt Nam trong năm nay.

Thủ tướng Phúc, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ hôm 29/7, yêu cầu Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý tốt biên giới, khởi tố điều tra vi phạm trong quản lý biên giới. Việt Nam đóng cửa biên giới với Trung Quốc, nơi bắt nguồn đại dịch COVID-19, từ tháng 2 khi chưa có ca nhiễm nào trong cộng đồng ở Việt Nam.

Sau hơn 2 tuần kể từ khi có ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng trong gần 100 ngày, Việt Nam đã ghi nhận thêm gần 400 ca dương tính mới, nâng tổng số lên 863 người tính đến ngày 11/8.

Đợt bùng phát trở lại xuất phát từ Đà Nẵng cũng khiến Việt Nam chứng kiến những ca tử vong đầu tiên vì COVID-19. Hai trường hợp tử vong, ghi nhận trong ngày 10-11/8, đều là 2 bệnh nhân nam, 37 tuổi và 68 tuổi, đều có bệnh lý nền nặng, nâng tổng số lên 16 người chết vì COVID-19.

Đợt bùng phát mới đã lan ra 15 tỉnh, thành của Việt Nam, sau khi hàng trăm nghìn người đi du lịch từ Đà Nẵng trở về nhà, trong đó phần đông là Hà Nội và TPHCM.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-truc-xuat-hang-chuc-nguoi-trung-quoc-ghi-nhan-them-2-ca-tu-vong-vi-covid-19/5539136.html

 

Nhiều tỉnh, huyện xây tượng đài hàng tỉ đồng

giữa đại dịch, gây bất bình

Huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, vừa công bố dự án quảng trường có tượng đài cố chủ tịch Hồ Chí Minh, với kinh phí hơn 350 tỉ đồng. Dù sẽ xây trong năm 2021, song giữa lúc Việt Nam có đại dịch Covid-19, việc công bố dự án đang gây ra phản cảm, bất bình.

Tương tự như vậy là một loạt dự án tượng đài ở các tỉnh, các huyện khác tốn kém ít nhất gần chục tỉ đồng trở lên được công bố trong vài tuần trở lại đây, trùng thời điểm dịch Covid-19 không chỉ lây lan và giết chết ít nhất 16 người, mà còn làm đình trệ kinh tế, hàng chục triệu người mất việc hoặc giảm thu nhập.

Bên cạnh dự án hơn 353 tỉ mới công bố ở Phú Quốc, chỉ điểm sơ qua một vài dự án được đưa lên báo chí Việt Nam trong thời gian qua, có thể thấy danh sách dưới đây.

… trong dịch Covid-19, đến các bệnh viện còn thiếu trang thiết bị. Rồi người dân với đại dịch Covid này phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, … rất nhiều doanh nghiệp phá sản và đóng cửa. Vậy thì lại lấy tiền đóng thuế của dân để xây những tượng đài, quảng trường không cần thiết vào lúc này là việc tôi phản đối.

Doanh nhân Lê Hoài Anh

Quảng Bình khánh thành quảng trường Hồ Chí Minh bao gồm tượng đài cùng tên vào giữa tháng 6, có tổng số vốn đầu tư 120 tỷ đồng, nhưng đến đầu tháng 8 đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.

Huyện Yên Định báo cáo với tỉnh Thanh Hóa việc xây tượng đài Bà Triệu từ năm 2020 đến 2023, kinh phí 20 tỉ đồng, dù huyện này bị tố cáo là “đang nợ” 50 tỉ đồng của các cán bộ và cựu cán bộ huyện, cũng như của một số người dân.

Phước Sơn, một trong những huyện nghèo nhất Việt Nam, thuộc tỉnh Quảng Nam, đang xây tượng đài Chiến thắng Khâm Đức, kinh phí 14 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 8 này.

Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh ở một huyện nghèo thuộc tỉnh Bình Định “dự kiến hoàn thành trong tháng 7” với kinh phí 48 tỉ đồng.

Tỉnh Hậu Giang sẽ khởi công tượng đài Chiến thắng Chày Đạp vào tháng 10 tới ở huyện Phụng Hiệp, kinh phí hơn 7 tỉ đồng.

Tỉnh Bến Tre nâng cấp tượng đài Đồng khởi Bến Tre, dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Tuy chính quyền không công bố con số kinh phí, nhưng những người am hiểu xây dựng ước tính sẽ không dưới 10 tỉ đồng.

Một bài viết hồi tháng 1 năm nay trên trang web của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết trên toàn Việt Nam có 400 tượng đài do các cấp trung ương, tỉnh và huyện đầu tư, quản lý.

Bài viết cho rằng nếu chia số tượng đài đó cho 63 tỉnh, thành phố, trung bình mỗi tỉnh, thành phố có 6,3 tượng đài.

“Tỷ lệ này có thể nói là ít so với nhu cầu của các địa phương. Đặc biệt là hiện nay rất thiếu những tượng ngoài trời quy mô nhỏ về những nội dung văn hóa, nghệ thuật phục vụ đời sống văn hóa tinh thần ở các khu đô thị, khu dân cư, vườn hoa, công viên v.v…”, bài viết đưa ra nhận xét.

Theo quan sát của VOA, những ngày này, nhiều người dân bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội về những công trình tượng đài kể trên, ngoài ra họ cũng thể hiện thái độ bất bình về việc nhiều địa phương xây cổng chào, bị cho là “rất tốn kém song không có tác dụng gì”.

Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh có nhiều ảnh hưởng trên Facebook bình luận về vấn đề này với VOA:

“Đó là những công trình, những việc làm hết sức là phản cảm, khi mà trong dịch Covid-19, đến các bệnh viện còn thiếu trang thiết bị. Rồi người dân với đại dịch Covid này phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, nhiều việc làm bị mất, rất nhiều thu nhập của người dân bị giảm, rất nhiều doanh nghiệp phá sản và đóng cửa. Vậy thì lại lấy tiền đóng thuế của dân để xây những tượng đài, quảng trường không cần thiết vào lúc này là việc tôi phản đối”.

Hôm 10/7, Tổng cục Thống kê của Việt Nam nói tính đến tháng 6, cả nước có gần 31 triệu người lao động bị “ảnh hưởng tiêu cực” bởi dịch Covid-19, trong đó là gần 900.000 người thất nghiệp. Con số có thể còn tăng thêm vào cuối năm, Tổng cục cảnh báo.

Nữ doanh nhân có gần 330 nghìn người theo dõi trên Facebook nhấn mạnh rằng những công trình đó “lãng phí tiền đóng thuế của người dân”, chưa kể đến chất lượng kém của một vài công trình trong số đó càng gây bất bình.

Cùng với nhiều người, bà Lê Hoài Anh đặt nghi vấn rằng những người có thẩm quyền ở các địa phương thực hiện các dự án xây tượng đài là để tham nhũng, tư túi.

… tham nhũng để xây được bệnh viện, trường học, nó cũng còn có ích cho người dân chút xíu nào đó hơn. Thực ra đó cũng một ý kiến tuy là nó hơi tiêu cực, nhưng thực sự ra, có lẽ trong thời buổi này, tôi nghĩ cũng còn hơn là xây những quảng trường.

Bà Lê Hoài Anh

Theo Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2019 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Việt Nam đứng thứ 96 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này cho thấy tham nhũng trong khu vực công vẫn là vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam.

Một số ý kiến được chia sẻ trên mạng xã hội cho rằng các quan chức Việt Nam khi dùng tiền thuế của dân để xây bất cứ công trình gì đều có “chia chác, ăn phần trăm”, vì vậy, một số người dân kêu gọi các quan chức “làm ơn” xây trạm y tế, cầu, đường… và “đừng” xây tượng đài, cổng chào nữa.

Đưa ra quan điểm về luồng dư luận này, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh nói với VOA:

“Thôi thì đằng nào cũng tham nhũng, thì tham nhũng để xây được bệnh viện, trường học, nó cũng còn có ích cho người dân chút xíu nào đó hơn. Thực ra đó cũng một ý kiến tuy là nó hơi tiêu cực, nhưng thực sự ra, có lẽ trong thời buổi này, tôi nghĩ cũng còn hơn là xây những quảng trường”.

Bà Hoài Anh bổ sung rằng bà chỉ tán thành giải pháp tình thế này trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam. Song về nguyên tắc, bà vẫn quyết liệt chống lại tham nhũng, vì trong suy nghĩ của bà, tệ nạn này là nguyên nhân làm cho Việt Nam không phát triển được.

https://www.voatiengviet.com/a/nhieu-tinh-huyen-xay-tuong-dai-hang-ti-dong-giua-dai-dich-gay-bat-binh/5538943.html

 

Việt Nam công bố nhiều gói cứu trợ

do dịch COVID-19  mà doanh nghiệp

vẫn đóng cửa hàng loạt?

Trong bảy tháng đầu năm 2020, có gần 63.500 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư, bình quân mỗi tháng khoảng 9.060 doanh nghiệp đóng cửa, tập trung nhiều ở nhóm quy mô vừa và nhỏ.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 8 năm 2020 liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du lịch Lửa Việt, nhận định:

“Cái này cũng giống khó khăn chung của thế giới thôi, khi dịch bệnh hoành hành thì kinh tế đình trệ, người ta không có tiền đi chơi, chưa kề tâm lý người Việt rất ngại lây nhiễm dịch bệnh. Cho nên không riêng gì ngành du lịch, mà hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang hết sức khó khăn và những khó khăn này không như lần đầu và không ai có thể nói trước được. Ví dụ như đợt đầu, cả nước thực hiện phòng chống dịch rất tốt, 99 ngày không có ca lây nhiễm, rồi đùng một phát nó bùng ra, ngoài dự báo của nhiều người, không ai lường trước được chuyện đó, họ có thấy trở lại nhưng không nghĩ nguy hiểm như vậy.”

Rất nhiều doanh nghiệp cần được giúp đỡ, nhưng chưa tiếp cận được sự giúp đỡ của nhà nước. Vì vậy cho nên người ta không có cách nào khác là phải đóng cửa thôi…

-Bùi Kiến Thành

Trong số các doanh nghiệp rút khỏi thị trường, có khoảng gần 33 ngàn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. Đây là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động ngắn, đa số là dưới 5 năm và quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Nhiều nhất là trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, vui chơi giải trí, lưu trú và ăn uống…

Còn lại là các doanh nghiệp chờ làm thủ tục hoàn tất giải thể, chủ yếu là bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, xây dựng, đa số hoạt động tại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, lý giải nguyên nhân khó khăn hiện nay:

“Trong thời gian vừa qua, Việt Nam có giãn cách xã hội, không cho người dân ra đường, cho nên sản xuất bị đình trệ. Việt Nam một số năm gần đây xuất nhập khẩu ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì dịch bệnh cho nên đầu vào cũng khó khăn, Ngay cả đầu ra của Việt Nam cũng rất khó khăn, đến giờ một loạt chủ hàng ở nước ngoài xin không thực hiện các hợp đồng. Cho nên sản xuất của Việt Nam cần phải có sự chuyển hướng, phải có sự thay đổi. Đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến thị trường nội địa, để cầm cự qua được thời gian đại dịch này.”

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, chính phủ Việt Nam đã công bố nhiều gói cứu trợ để vực dậy nền kinh tế bị đình trệ, như gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp, hay gói tín dụng 16 ngàn tỉ đồng với lãi suất 0%/năm cho doanh nghiệp vay để trả cho người lao động ngừng việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, và mới nhất là gói hỗ trợ doanh nghiệp lên đến 250 ngàn tỷ đồng.

Vì sao Việt Nam công bố nhiều gói cứu trợ nhưng vẫn không thể cứu các doanh nghiệp phá sản? Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, người có nhiều kinh nghiệm trong ngành dệt may và da giầy, giải thích với Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 8 năm 2020:

“Các gói hỗ trợ đấy được tuyên bố lên, nhưng mà nó có đến tay doanh nghiệp cần được giúp đỡ hay không, thì chưa thấy được rõ ràng. Theo những thông tin tôi nhận được thì rất nhiều doanh nghiệp cần được giúp đỡ, nhưng chưa tiếp cận được sự giúp đỡ của nhà nước. Vì vậy cho nên người ta không có cách nào khác là phải đóng cửa thôi…”

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, có nhiều lý do, một là điều kiện để tiếp cận các gói cứu trợ quá khắc khe, hai là cá cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về vấn đề đó chưa làm hết mức có thể, để nhanh chóng thực hiện các gói cứu trợ đấy. Đó là vấn đề, và phải cố gắng làm nhanh hơn nữa, ông nói tiếp:

“Nhà nước cần phải nhanh chóng phối hợp với các hội đoàn, ví dụ như phòng thương mại, hay các câu lạc bộ doanh nghiệp vừa và nhỏ… để mà đưa ra các phương án để giúp đỡ cho các doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn này, và phải nhanh chóng triển khai. Hiện nay, vấn đề đưa ra chính sách đến triển khi thì thời gian hơi quá dài, nên doanh nghiệp không có sức chịu đựng nổi. Vì vậy phía nhà nước cần nhanh chóng hơn, quyết liệt hơn trong vấn đề đưa ra các chương trình giúp đỡ và triển khai các chương trình giúp đỡ.”

Vào cuối tháng 7 năm 2020, tại buổi tọa đàm ‘Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19’ do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng – VCCI Đà Nẵng tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, một thông tin đã gây sốc các đại biểu khi mới chỉ có gần 3% doanh nghiệp nhận được các hỗ trợ từ chính sách khắc phục khó khăn do dịch Covid – 19.

Anh em cũng động viên nhau, cố gắng vượt qua khó khăn, hoặc phá sản, chứ khó trông cậy vào nhà nước, trong khi nhà nước cũng còn rất nhiều cái khó khăn.

-Nguyễn Văn Mỹ

Chủ tịch Nguyễn Văn Mỹ cho biết thêm:

“Thật ra nói nhiều chứ đâu có nhiều, gói lớn nhất là dự tính chi 250 ngàn tỷ, tương đương hơn 10 tỷ đô la. Mà lấy số này chia cho khoảng 750 ngàn doanh nghiệp thì không ăn thua gì, chia đều ra thì chả bỏ bẻn gì. Cho nên thấy rằng Việt Nam chưa giàu như các nước Mỹ, Nhật… để mà hỗ trợ kiểu đó. Cái đó chỉ là liệu pháp tinh thần, động viên nhiều hơn là thực tế. Chưa kể nói là như thế, nhưng phân bổ như thế nào, xét duyệt như thế nào, cách nhận như thế nào cũng không hề đơn giản.”

Ông Nguyễn Văn Mỹ cho biết, vì vậy ông cũng như nhiều doanh nghiệp cho rằng, thay vì hỗ trợ, có thể miễn giảm các loại thuế. Ông nói tiếp:

“Ví dụ như là Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia, trong đó có tôi đề nghị giảm 50% thuế VAT… Tôi còn đề nghị giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 50% các khoản đóng bảo hiểm xã hội… nhưng nhà nước cũng chưa có phản ứng cụ thề. Vừa rồi chỉ nghe thông tin sẽ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng mà mình đâu có doanh thu đâu mà có thu nhập? Nhưng anh em cũng động viên nhau, cố gắng vượt qua khó khăn, hoặc phá sản, chứ khó trông cậy vào nhà nước, trong khi nhà nước cũng còn rất nhiều cái khó khăn.”

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, cho biết, COVID-19 gây ra các tác động rất tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ cũng có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng phải chứng minh được đã ngừng việc 3 tháng, hay đang gặp khó khăn. Những quy định để có thể nhận trợ cấp đối với các doanh nghiệp như thế theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh là quá ngặt nghèo, cho nên đến tận bây giờ, hầu như chưa có doanh nghiệp nào nhận được các gói hỗ trợ của chính phủ Việt Nam.

Còn Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, khi trả lời RFA cho rằng chính phủ phải xem xét thêm, để làm sao tăng cường hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, để sớm khắc phục tình trạng bị đình trệ do Covid-19. Theo bà, gói tiền ngân sách sẵn sàng bỏ ra để hỗ trợ doanh nghiệp là khá lớn, nhưng trong quá trình thực hiện không kịp thời và đủ mức. Chính phủ cần có những hệ thống để kiểm tra giám sát và thúc đẩy thực hiện tiếp những chính sách đã đề ra về lĩnh vực này. Những chính sách này là đúng, nếu thực hiện tốt thì sẽ hiệu quả hơn nhiều so với tình trạng hiện nay.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-has-vn-announced-many-bailout-packages-but-businesses-still-closed-08102020140244.html

 

Ngư dân Ninh Thuận

bị Trung Quốc bắt ở Vịnh Bắc Bộ

Mười một (11) ngư dân tỉnh Ninh Thuận bị Hải cảnh Trung Quốc bắt giữ khi đang đánh cá tại Vịnh Bắc Bộ.

Tin do mạng báo Thanh Niên loan đi ngày 11 tháng 8. Cụ thể, tin cho biết vào ngày 27 tháng 7, Ủy Ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận thông báo có nhận được công điện đề ngày 23 tháng 7 của Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh với nội dung Hải cảnh Trung Quốc vào ngày 21 tháng 7 đã bắt tàu cá NT-91567 với cáo buộc ‘đánh bắt trái phép tại vùng biển phía Trung Quốc tại Vịnh Bắc Bộ. Hải cảnh Trung Quốc đưa chiếc tàu và 11 ngư dân trên đó về thành phố Phong Thành, tỉnh Quảng Tây.

Mạng báo Thanh Niên cho biết thuyền trưởng tàu cá NT-91567 là ông Nguyễn Hữu Mỹ, 27 tuổi, ngụ tại phường Mỹ Đông,  thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Trong chuyến đi biển lần này trên tàu còn có 10 ngư dân.

Bà Trần thị Kim Loan, vợ thuyền trưởng Nguyễn Hữu Mỹ, nói với phóng viên Báo Thanh Niên rằng tàu NT-91567 chuyên đi đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến thường kéo dài hơn một tháng. Thông thường cứ vài ba ngày thì ông Mỹ gọi điện về cho gia đình; tuy nhiên hơn nửa tháng nay bặt vô âm tín. Gia đình chỉ mới nhận được tin tàu và ngư dân bị phía Trung Quốc bắt cách đây ba ngày.

Hiệp định phân chia Vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết vào ngày 25 tháng 12 năm 2000. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc phân định lại như thế không thỏa đáng vì Công ước Pháp- Thanh năm 1887 đã phân định toàn bộ Vịnh Bắc Bộ bằng kinh tuyến 108 độ 3’.

Hiệp định này được ký dưới thời ông Lê Khả Phiêu là Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, người mới qua đời hôm 9 tháng 8 vừa qua và sẽ được Hà Nội làm quốc tang trong hai ngày 14 và 15 tháng 8 sắp tới.

Trước đó 1 năm cũng dưới thời ông Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư, hiệp định biên giới Việt- Trung cũng được ký kết và có chỉ trích rằng phía Hà Nội nhượng một phần lãnh thổ cho Bắc Kinh

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/eleven-vietnamese-fishermen-from-ninh-thuan-detained-by-chinese-marine-force-in-the-tonkin-gulf-08112020074932.html

 

Dịch vụ phim ảnh trực tuyến ngoại quốc

 sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn tại Việt Nam

Các dịch vụ phim ảnh trực tuyến xuyên biên giới tại Việt Nam như Netflix, iflix, Amazon, WeTV và iQIYI đã tạo ra một thị trường nhộn nhịp, đem đến nhiều lợi ích cho người xem. Chúng có nội dung phong phú, hấp dẫn hơn dành cho nhiều đối tượng cùng với chất lượng hình ảnh cao hơn.

Tuy nhiên, theo truyền thông của nhà nước cộng sản, đại diện hãng cung cấp phim trưc tuyến DANET cho rằng, các nhà cung cấp ngoại quốc đang có lợi thế không công bằng tại thị trường Việt Nam khi không phải trả thuế hoặc tham gia công cuộc kiểm duyệt nghiêm ngặt.

Các chính sách và quy định hiện hành đối với các hãng ngoại quốc chưa được quy định rõ ràng, vì vậy nhiều vi phạm có thể xảy ra. Theo Cơ quan Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Việt Nam, nhiều phim trên Netflix đã vi phạm pháp luật cộng sản Việt Nam do có nội dung không phù hợp với trẻ em, không phù hợp về mặt văn hóa do chứa đựng những thông tin không chính xác về lịch sử và các xung đột biên giới.

Hiện Luật Điện ảnh của cộng sản Việt Nam không có quy định về việc kiểm soát hoặc xử phạt vi phạm đối với các nhà cung cấp dịch vụ phim và truyền hình ngoại quốc qua internet. Các quy định này đang được xem xét và có thể được sửa đổi để phù hợp với các hình thức truyền thông mới. (BBT)

https://www.sbtn.tv/dich-vu-phim-anh-truc-tuyen-ngoai-quoc-se-duoc-kiem-soat-chat-che-hon-tai-viet-nam/

 

Đại hội 13: Dịch COVID-19 tái phát

lộ rõ năng lực yếu kém của chính quyền địa phương

TS. Phạm Quý Thọ

Theo số liệu chính thức: “tính đến sáng 11/8, Việt Nam ghi nhận 847 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó giai đoạn mới từ ngày 25/7 đến nay có 389 ca mắc mới trong cộng đồng trong đó có 16 trường hợp tử vong…. Đà Nẵng tiếp tục cách ly xã hội từ 0h ngày 12/8…”

Đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt khi nó tái phát ở Đà Nẵng – một thành phố du lịch lớn nhất miền Trung với những đặc điểm khác với ban đầu khởi phát, và sau  99 ngày không có trường hợp tử vong. Việc đối phó với sự bùng phát của đại dịch lần này lộ rõ năng lực của chính quyền địa phương, khi đã ‘bị động’ và không có sự chuẩn bị kế hoạch hành động, phương tiện vật chất và nhân lực y tế cần thiết. Chính phủ trung ương đã vào cuộc với quyết tâm ‘không để Đà Nẵng ‘vỡ trận’, như lời của  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên truyền thông.

Năng lực của chính quyền địa phương trong quá trình phân cấp, phân quyền, vốn là ‘vấn đề’ của cơ chế quyền lực tập trung khi chuyển nền kinh tế sang thị trường, nay trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bộc lộ rõ hơn là ‘điểm nghẽn’ của thể chế. Trung ương Đảng đã trừng phạt nghiêm khắc nhiều lãnh đạo địa phương vì tham nhũng và suy thoái chứng tỏ niềm tin chính trị đang bất ổn trầm trọng. Đại hội 13 tới đây coi công tác cán bộ là quyết định, nhưng liệu một chính quyền trung ương mạnh hơn có thể cải thiện niềm tin chính trị và nâng cao được năng lực chính quyền địa phương?

‘Không để Đà Nẵng ‘vỡ trận’

Tính từ khi ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra vào ngày 01/02/2020 Việt Nam đang trải qua hơn nửa năm đối phó với đại dịch COVID-19. Ngay từ đầu có quan niệm và cách tiếp cận ‘nghiêm túc’ về sự nguy hiểm của nó, Chính phủ đã kích hoạt ‘trạng thái thời chiến’ với sự vào cuộc của ‘cả hệ thống chính trị’: áp dụng cách ly, truy vết nguồn gốc, đóng cửa biên giới, khai báo y tế, đo thân nhiệt, trang bị chất sát khuẩn, đeo khẩu trang bắt buộc và phong toả địa bàn có nguy cơ cao, kiểm soát “tập trung đông người”, hạn chế việc đi lại và buôn bán….

Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 ‘tâm thế sẵn sàng’ đã suy giảm khi tâm lý sớm thoả mãn dẫn đến ‘chủ quan’ với bệnh dịch. Biểu hiện rõ rệt là sự tuyên truyền thiên về ‘thành tích’ sự kiểm soát nguồn lây và không có trường hợp tử vong. Bởi vậy, khi dịch tái bùng phát ở Đà Nẵng, chính quyền địa phương đã tỏ ra ‘bị động’. Lây nhiễm cộng đồng, không xác định được nguồn gốc, chủng virus biến thể mới nguy hiểm và lây lan nhanh sang các địa phương khác, khiến số ca nhiễm tăng nhanh với nhiều trường hợp tử vong…. Thủ tướng đã ‘đồng ý’ phong toả toàn thành phố từ 28/7 và tuyên bố không để Đà Nẵng ‘vỡ trận’ với sự huy động tối đa nguồn lực, đội ngũ y bác sĩ từ trung ương, quân đội và tỉnh thành khác trong cả nước để chống dịch.

Chức năng độc đoán ‘rối loạn’

Kích hoạt ‘tình trạng thời chiến’ để đối phó với dịch COVID-19 có thể ‘xa lạ’ với một số quốc gia dân chủ, nhưng được coi là phù hợp với chế độ ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi đại dịch lây lan trên diện rộng chức năng độc đoán bị ‘rối loạn’, và ‘nghẽn thể chế ‘đã xảy ra khi chính quyền địa phương đã ‘lúng túng’.

Dường như ‘thói quen’ ỷ lại vào sự lãnh đạo, chỉ đạo từ trung ương khiến chính quyền Đà Nẵng đã không chuẩn bị kế hoạch theo phương châm 4 tại chỗ, bởi vậy ‘nguồn lực, phương tiện, sự chỉ đạo và phương án hành động’ chỉ là ‘khẩu hiệu’ hơn là sự sẵn sàng. Trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm, cơ sở điều trị, đội ngũ y bác sĩ đã không có đủ và kịp thời khi dịch bùng phát và lây lan. Ngoài ra, nếu như sự phân luồng, sàng lọc người bệnh đến khám và người ‘tiềm ẩn’ mắc virus SARS-CoV-2 thì sự bùng phát dịch đã có thể được phát hiện sớm hơn…. Việc test nhanh và xét nhiệm PCR cũng chậm trễ ở Hà Nội và một số tỉnh thành.

Chính quyền địa phương cũng đang ‘bế tắc’ trong triển khai thực hiện chính sách đầu tư công như ‘một mũi nhọn’ để hồi phục và tăng trưởng kinh tế. Đầu tư công là lĩnh vực chính quyền địa phương được phân quyền, tuy nhiên đã ‘ì ạch’ giải ngân, tình trạng ‘có tiền mà không biết tiêu’ đáng ngạc nhiên! Nhiều hội nghị, đối thoại ‘căng thẳng’ giữa Chính phủ với các lãnh đạo địa phương nhằm tìm ra các biện pháp thúc đẩy, và những ‘lời hứa quyết tâm’ thiếu thuyết phục được các nhà chuyên môn và công luận. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng do đại dịch cũng chậm được triển khai do việc rà soát các đối tượng và đánh giá tác động khó khăn…

Mục tiêu kép vừa chủ động chống dịch vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ theo đuổi đang gặp thách thức, trong đó có năng lực yếu kém của chính quyền địa phương là nỗi lo có thể phải trả giá bằng chi phí y tế cao và hiệu quả kinh tế thấp.

Bất ổn niềm tin chính trị

Tập trung quyền lực ở trung ương để chỉnh đốn đảng, làm thay đổi quan hệ giữa trung ương và địa phương, làm trầm trọng thêm sự bất ổn niềm tin chính trị, và hậu quả về chính sách có thể nặng nề. Cải cách thể chế chính trị không theo kịp thực tế chuyển đổi sang thị trường khiến bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên lãnh đạo suy thoái đạo đức, lối sống và tham nhũng. Việc phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho địa phương trong điều kiện thiếu cơ chế hiệu quả giám sát hữu hiệu khiến cho tình hình ‘trục lợi’, tham nhũng thêm trầm trọng và lan rộng. Nhiều quan chức địa phương bị kỷ luật và bỏ tù do làm ‘tổn hại nghiêm trọng uy tín của đảng và nhà nước’, nhưng danh sách chắc sẽ còn kéo dài trong chiến dịch chống tham nhũng vẫn tiếp tục.

Dịch COVID-19 có vẻ không cản được ‘quyết tâm’ của Đảng Cộng sản tổ chức Đại hội 13 theo dự định. Kế hoạch đại hội cấp trên cơ sở sắp được hoàn thành, sau đó là đại hội cấp tỉnh, thành và tương đương để có thể xác định được số đại biểu tham dự đại hội toàn quốc. Lá phiếu của họ về nguyên tắc quyết định các vị trí lãnh đạo cấp cao nhất.

Đảng dường như đang làm chủ quá trình này. Hàng ngày, trên truyền thông công bố các quyết định của Bộ Chính trị, Ban bí thư kiểm tra, giám sát đại hội các cấp đồng thời với điều động, luân chuyển các lãnh đạo địa phương như ‘đánh cờ người’ với mục đích trung ương giành thế chủ động trước địa phương để tập trung quyền lực cao hơn.

Tuy nhiên, việc tập trung quyền lực cao hơn có lẽ không phải là phương sách chế ngự một cách bền vững cuộc khủng hoảng niềm tin chính trị. Đã đến lúc chính sách cải cách hướng đến những đối trọng cần thiết, sự cân bằng giữa quyền lực nhà nước và xã hội, trong đó vai trò tham gia chính trị lớn hơn của người dân cả ở cấp trung ương lẫn địa phương

Phạm Quý Thọ gửi từ Hà Nội

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/party-congress-13-covid-19-coming-back-reveals-incompetence-of-local-governments-08112020094156.html

 

Điểm tin trong nước sáng 11/8:

Thêm 2 ca tử vong do virus Vũ Hán;

Quảng Nam yêu cầu xây bệnh viện dã chiến

Tâm Tuệ

Mục điểm tin trong nước sáng thứ Ba (11/8) của DKN xin gửi đến quý độc giả những nội dung sau:

2 ca tử vong do vius Vũ Hán

Tin cập nhật lúc 20h26′-23h41′ ngày 10/8 từ Bộ Y tế thông báo thêm 2 ca tử vong do nhiễm virus Vũ Hán (ca thứ 14 và 15) là “bệnh nhân 343” và “bệnh nhân 522”.

Cụ thể, “bệnh nhân 436”, nam 66 tuổi (ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã tử vong. Đây là ca tử vong thứ 14 ở Việt Nam vì nhiễm virus Vũ Hán.

Bệnh nhân có tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối, đã điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc – Bệnh viện Đà Nẵng từ ngày 6 đến 28/7. Ngày 7/8, bệnh nhân hôn mê, đồng tử giãn, không đáp ứng ánh sáng. Đến 8h30 ngày 10/8, bệnh nhân hôn mê sâu, huyết áp tụt thấp, tim đập rời rạc và tử vong lúc 9h cùng ngày

Chỉ vài giờ sau khi thông báo ca tử vong thứ 14, khuya Bộ Y tế xác nhận ca tử vong thứ 15, là “bệnh nhân 522”, nam, 68 tuổi, bị suy thận và virus Vũ Hán.

“Bệnh nhân 522”, ở Thăng Bình, Quảng Nam, có tiền sử suy thận mạn tính, ung thư thận di căn phổi, đái tháo đường type 2. Từ ngày 31/7 đến 5/8, bệnh nhân diễn tiến nặng có biểu hiện suy hô hấp, xuất

huyết tiêu hóa, sốt cao liên tục. Ngày 10/8, bệnh nhân lơ mơ, tim đập rời rạc, huyết áp tụt, dù được cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Cùng ngày, Việt Nam có 6 ca mắc mới (bệnh nhân 842-847), trong đó Quảng Nam 1 ca, 4 Đà Nẵng 4 ca và nhập cảnh tại TP.HCM 1 ca.

Quảng Nam yêu cầu xây bệnh viện dã chiến

Theo Ban chỉ đạo Phòng chống dịch covid-19 tỉnh Quảng Nam, tính đến tối 9/8, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã thực hiện 14.728 mẫu xét nghiệm (tính từ ngày 25-7 đến nay). Trong đó, 72 mẫu dương tính, 8.439 mẫu âm tính, 6.217 mẫu đang chờ kết quả (trong ngày 8 lấy 3.958 mẫu). Trước tình hình và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh Quảng Nam đã có phương án lên xây bệnh viện dã chiến.

Trước đó, theo Dân trí, Bộ Y tế đã lên phương án giao một số địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế chuẩn bị cơ sở vật chất để có thể xây dựng bệnh viện dã chiến.

Quảng Nam: Bé trai 8 tuổi nhiễm virus Vũ Hán tiếp xúc 21 người trong lớp

Chiều 10/8, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Quảng Nam công bố hành trình của bệnh nhân nhí trên địa bàn, nằm trong 6 ca nhiễm nCoV vừa được Bộ Y tế công bố.

“Bệnh nhân 842” trú phường Tân An, thành phố Hội An. Ngày 24/7, bé trai 8 tuổi được mẹ chở đến nhà bà ngoại (“bệnh nhân 774”, công bố ngày 7/8) và có tiếp xúc.

Chiều cùng ngày, em học bóng rổ tại Trường tiểu học Lương Thế Vinh. Tại đây, nam sinh tiếp xúc với thầy giáo và 12 bạn cùng lớp. Sáng 25/7, bệnh nhân học tiếng Anh tại nhà cô giáo trên đường Nguyễn Văn Cừ, lớp có 8 người.

Ngày 25-26/7, bệnh nhân cùng bố mẹ và những gia đình bạn bè đến khách sạn trên đường Thoại Ngọc Hầu, phường Cẩm Phô. Bệnh nhân ở cùng phòng với hai con của bạn bè bố mẹ.

Tối 26/7, bé sốt 39 độ C và sáng hôm sau được bố đưa đến phòng khám tư ở đường Hải Thượng Lãn Ông, chỉ tiếp xúc với bác sĩ. Ngày 28/7 đến 7/8, đứa trẻ 8 tuổi ở nhà, không đi đâu, chỉ tiếp xúc với người thân. Ngày 9/8, bé có kết quả dương tính nCoV.

Bắc Ninh: Quản lý nhà nghỉ chứa 27 người Trung Quốc nhập cảnh lậu

Báo VnExpress đưa tin, ngày 10/8, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang cho biết đã tạm giữ Đinh Phú Thượng, 31 tuổi, quản lý nhà nghỉ ở Xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh về hành vi tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.

Trước đó, ngày 1/8, Công an thị xã Từ Sơn kiểm tra hành chính nhà nghỉ do Thượng quản lý, phát hiện 27 người quốc tịch Trung Quốc không có giấy tờ nhập cảnh hợp pháp.

Nhóm người Trung Quốc chủ yếu nhập cảnh qua các đường tiểu ngạch ở Lạng Sơn và Lào Cai sau đó vào Bắc Ninh với mục đích tìm địa bàn để kinh doanh, mở nhà hàng và xin làm lao động tự do.

Hiện, 27 người Trung Quốc này đã được đưa đi cách ly tập trung. Công an đang xem xét ra quyết định xử phạt với mỗi người 4 triệu đồng về hành vi nhập cảnh bất hợp pháp và sau khi hết cách ly sẽ trục xuất về nước.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-11-8-6-ca-mac-moi-2-ca-tu-vong-do-vius-vu-han-quang-nam-yeu-cau-xay-benh-vien-da-chien.html

 

Điểm tin trong nước tối 11/8:

1 ca tử vong, 16 ca nhiễm mới; Nhật ký thỏa thuận

cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra

Tâm Tuệ

Mục điểm tin trong nước tối thứ Ba (11/8) của DKN xin gửi đến quý độc giả những nội dung sau:

1 ca tử vong, 16 ca nhiễm mới

Tin cập nhật lúc 18h20′ ngày 11/8 của Bộ Y tế cho biết, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca tử vong do virus Vũ Hán là bệnh nhân 832 (nam, 37 tuổi, ở Hướng Hóa, Quảng Trị).

Tiền sử: đái tháo đường type 1, suy kiệt dài ngày, suy tim. Từ ngày 8/8 – 10/8, bệnh nhân nhập viện điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Quảng Trị được lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 09/8, bệnh nhân có kết quả dương tính SARS-COV-2.

Ngày 10/8, do suy kiệt, bệnh nhân được Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Quảng Trị chuyển đến Trung tâm cách ly và điều trị covid-19 – Bệnh viện Trung ương Huế, cơ sở 2, được chẩn đoán: Viêm phổi do covid-19 biến chứng suy hô hấp trên bệnh nhân đái tháo đường type I, suy tim, suy kiệt nặng (người teo đét, cân nặng 30 kg).

Ngày 11/8, bệnh nhân có 4 lần ngừng tuần hoàn hô hấp, được các bác sĩ tiến hành cấp cứu, hồi sức tích cực, tạo nhịp tim ngoài lồng ngực nhiều lần. 10h30: bệnh nhân tử vong.

Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi nặng do Covid-19, trên bệnh nhân ,đái tháo đường type 1 suy kiệt dài ngày, suy tim.

Cũng theo thông tin cập nhật của Bộ Y tế, lúc 18h01′ Việt Nam tiếp tục ghi nhận thêm 16 ca nhiễm virus Vũ Hán mới là (bệnh nhân 848-863). Trong đó, Đà Nẵng 10 ca, Quảng Nam 4 ca, Quảng Trị 2 ca. Các ca bệnh từ bệnh nhân 848 đến bệnh nhân 856 ở các địa bàn Sơn Trà, Hải Châu, Hòa Vang, Liên Chiểu (Đà Nẵng), tuổi từ 14 đến 78, thông tin dịch tễ đang được cập nhật bổ sung.

Nhật ký thỏa thuận cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra

Nhật Bản đã ký một thỏa thuận cho vay trị giá 36,6 tỷ Yên (345 triệu đôla) với Việt Nam để cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra nhằm tăng cường khả năng thực thi luật biển, theo SCMP.

Thỏa thuận này được công bố khi Bắc Kinh tăng cường các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Thỏa thuận này cũng đến vào thời điểm Hoa Kỳ ngày càng bày tỏ lập trường cứng rắn trước Trung Quốc, cái mà Washington gọi là yêu sách hàng hải “hoàn toàn trái pháp luật” cùng chiến lược “bắt nạt” Việt Nam và các quốc gia tranh khác trên Biển Đông.

Thời gian vay là 40 năm, thời gian ân hạn 10 năm. Thời gian dự kiến hoàn thành dự án từ tháng 7/2020 – 10/2025 khi tàu tuần tra thứ 6 được bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Hiệp định vốn vay này được ký kết dựa trên cơ sở Công hàm Trao đổi của dự án được thực hiện trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật Bản vào ngày 6/6/2017, và là hiệp định vốn vay đầu tiên được ký kết tại Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây kể từ tháng 8/2017, theo Thanh Niên.

11 ngư dân Ninh Thuận bị Hải cảnh Trung Quốc bắt giữ

11 ngư dân Ninh Thuận bị Hải cảnh Trung Quốc bắt giữ khi đang hành nghề khai thác hải sản ở vùng biển vịnh Bắc bộ của Việt Nam. Thông tin vừa nêu được Báo Thanh Niên đăng tải chiều 11/7.

Theo nguồn tin tàu cá bị Trung Quốc bắt mang mã hiệu NT-91567 do ngư dân Nguyễn Hữu Mỹ (27 tuổi, ở P.Mỹ Đông, TP.Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận) làm thuyền trưởng, trên tàu còn có 10 ngư dân, hành nghề ở vùng biển vịnh Bắc bộ của Việt Nam.

Báo Thanh Niên cho biết họ đã liên hệ với gia đình của các ngư dân vào sáng nay và những người này vô cùng lo lắng bởi những ngày qua không có thông tin về người thân của họ. Người nhà ngư dân mong các cơ quan chức năng của Việt Nam sớm can thiệp để các ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ sớm được đoàn tụ với gia đình.

An Giang: Bệnh nhân nhập cảnh trái phép tử vong không phải do virus Vũ Hán

Nhà chức trách An Giang vừa thông tin về bệnh nhân nhập cảnh trái phép về tỉnh này tử vong lúc 4h30′ ngày 7/8 là do choáng nhiễm trùng, lao phổi bội nhiễm, suy kiệt nặng chứ không phải do nhiễm virus corona Vũ Hán.

Truyền thông địa phương đưa tin, Bà Khưu Thị Sáng (vợ ông Việt) cho biết, bà cùng chồng là ông Trần Văn Việt qua Campuchia sinh sống khoảng tháng 5/2019. Bản thân ông Việt bị di chứng của bệnh tai biến, thoái hóa cột sống, dạ dày, lao phổi… 3 tháng gần đây, bệnh của ông Việt ngày càng nặng hơn.

Khoảng 18 giờ 30 phút, ngày 3/8, bà Sáng cùng chồng thuê xe về Việt Nam, từ khu vực Mương Vú qua xã Khánh An, với số tiền 700.000 đồng, sau tiếp tục thuê xe về thẳng nhà ở ấp Phước Thọ vào lúc 21 giờ cùng ngày. Trong thời gian ở nhà, gia đình có điện thoại nhờ dịch vụ y tế tư nhân đến chích thuốc cho ông Việt, nhưng bị từ chối.

Đến 16 giờ, ngày 6/8, gia đình đưa ông Việt đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh (TP. Châu Đốc) cấp cứu. Đến khoảng 4 giờ 30 phút, ngày 7-8, ông Việt tử vong, tử thi ông được đưa về nhà bằng xe của Chữ thập đỏ xã Đa Phước.

Nguyên nhân tử vong được ngành y tế An Giang xác định là do choáng nhiễm trùng, lao phổi bội nhiễm, suy kiệt nặng không phải do nhiễm virus Vũ Hán.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-11-8-1-ca-tu-vong-16-ca-nhiem-moi-nhat-ky-thoa-thuan-cung-cap-cho-viet-nam-6-tau-tuan-tra.html

Powered by Blogger.