Pháp : Bộ trưởng Nội Vụ Cazeneuve được cử làm thủ tướng
Ngày 06/12/2016, phủ tổng thống Pháp loan báo : Bộ trưởng Nội Vụ Bernard Cazeneuve được đề cử làm thủ tướng, thay thế ông Manuel Valls. Thủ tướng Valls từ chức sau khi loan báo quyết định ra tranh cử tổng thống Pháp vào năm 2017.
Theo giới thân cận với tổng thống François Hollande, Bernard Cazeneuve là người có nhiều kinh nghiệm trong công việc điều hành Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và chống khủng bố, hai ưu tiên lớn hiện nay của Pháp. Thông tin về khả năng bộ trưởng Nội Vụ sẽ lên làm thủ tướng Pháp đã được lan truyền từ vài tuần lễ nay khi có dấu hiệu cho thấy là ông Manuel Valls sắp quyết định lao vào cuộc đua, đại diện cho cánh tả ra tranh cử tổng thống Pháp.
Bernard Cazeneuve chính là câu chuyện của một nhân vật mà trong vỏn vẹn hai năm đã từ tư thế một người không hề được công chúng biết đến, trở thành một bộ trưởng rất được dân Pháp ưa thích.
Sinh năm 1963 trong một gia đình có cảm tình với đảng Xã Hội Pháp, ông Bernard Cazeneuve đã từng bước xây dựng sự nghiệp chính trị : Được bầu làm ủy viên Hội Đồng Tỉnh vào năm 1994, ông đã đắc cử dân biểu liên tiếp hai nhiệm kỳ vào năm 1997 và năm 2002. Được bầu làm thị trưởng thành phố Cherbourg, vùng Normandie từ năm 2001, ông tham gia chính phủ Pháp của ông Jean-Marc Ayrault vào năm 2012, với chức bộ trưởng phụ trách vấn đề châu Âu.
Vào lúc ấy, dù ít được dân chúng biết đến, ông Cazeneuve đã được tân tổng thống Pháp François Hollande chú ý, và chưa đầy một năm sau, vào ngày 19/03/2013, Bernard Cazeneuve được cử làm bộ trưởng phụ trách Ngân Sách, thay cho ông Jérôme Cahuzac, người bị buộc phải từ chức sau vụ bê bối che giấu tài khoản ở ngoại quốc.
Đến tháng 04/2014, bộ trưởng Nội Vụ Manuel Valls được đề bạt làm thủ tướng Pháp, và ông Cazeneuve được cử thay thế. Dù có phong cách điềm đạm trái hẳn với tính cách hiếu động năng nổ của người tiền nhiệm, tân bộ trưởng Nội Vụ đã nhanh chóng thu phục được cảm tình của giới cảnh sát Pháp.
Thế rồi với một loạt những vụ tấn công khủng bố chưa từng thấy tại Pháp kể từ tháng 01/2015, ông Bernard Cazeneuve đã chứng tỏ được năng lực đối phó hữu hiệu của mình, nhất là luôn có mặt tại hiện trường, an ủi các nạn nhân, khích lệ giới cứu hộ và nhân viên điều tra, nhất là trấn an được dân tình.
Có thể nói là trong vòng hai năm gần đây, ông Cazeneuve đã trở thành gương mặt không thể thiếu vắng tại Pháp.
Syria : Nga và Trung Quốc
phủ quyết lệnh hưu chiến cho đông Aleppo
Dân cư ở khu vực đông Aleppo, Syria vẫn chưa thoát các trận oanh kích. Nga và Trung Quốc bác bỏ dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An về bảy ngày hưu chiến cho khu vực này. Đây là lần thứ sáu Nga phủ quyết và là lần thứ năm Trung Quốc bác bỏ dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về Syria.
Từ New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau cho biết chi tiết :
« Đang trên đà chiến thắng quân sự ở Aleppo, Nga quyết không nhượng bộ. Có nghĩa là sẽ không có hưu chiến, chừng nào Matxcơva còn chưa muốn. Chắc chắn Nga sẽ không chấp nhận hưu chiến khi chỉ còn vài giờ, hay vài ngày nữa là chiến thắng sẽ nằm trong tay họ. Lý do được ông Vitaly Tchourkine, đại sứ Nga bên cạnh Liên Hiệp Quốc đưa ra là lệnh hưu chiến sẽ tạo điều kiện cho phe nổi dậy tập hợp sức lực để phản công.
Bắc Kinh ủng hộ lập trường của Matxcơva và đó là một sự khiêu khích đối với Tây Ban Nha, New-Zéaland và Ai Cập, những nước đề xuất dự thảo nghị quyết thuần túy vì lý do nhân đạo. Trong mọi trường hợp, lá phiếu phủ quyết của Trung Quốc cho thấy sự thất bại của Hội Đồng Bảo An vốn cố gắng cho thông qua văn bản này, chỉ vài giờ trước khi có cuộc họp có thể mang tính quyết định tại Geneve.
Ngoại trưởng John Kerry và đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov sẽ thảo luận với nhau về kế hoạch để cho phe nổi dậy rút khỏi đông Aleppo. Matxcơva đã nhiều lần yêu cầu như vậy và coi đây là điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc hưu chiến mới cũng như tổ chức cuộc họp để tạo cơ may cuối cùng cho hơn 200.000 thường dân Syria vẫn đang mắc kẹt trong các trận oanh kích ».
Tuy nhiên, theo tin mới nhận từ AFP, cuộc họp được dự trù mở ra chiều nay, 06/12/2016, và ngày mai tại Genève – Thụy Sĩ, giữa Nga và Mỹ để đàm phán về Syria đã bị hủy vào giờ chót.
Nga chỉ trích là Mỹ đã từ chối một cuộc đối thoại « nghiêm túc » và cáo buộc Mỹ muốn tạo cơ hội cho phe nổi dậy Syria tranh thủ nghỉ lấy sức để phản công.
Trong một cuộc họp báo, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định với tổng thư ký Hội Đồng Châu Âu Thorbjorn Jagland rằng Nga « đã hiểu là không thể thảo luận nghiêm túc với các đối tác Mỹ (…) . Thật buồn khi phương Tây ngày nào cũng tỏ ra lo lắng về nhân quyền và quan tâm tới chiến dịch nhân đạo, nhưng lại tiếp tục ủng hộ các phần tử cực đoan ».
Ngoại trưởng Nga cũng tuyên bố là phe nổi dậy Syria không còn sự lựa chọn nào khác, họ phải rút khỏi Aleppo nếu không muốn bị tiêu diệt. Đồng thời ông Sergei Lavrov cũng chỉ trích phe nổi dậy với sự hậu thuẫn từ nước ngoài đã oanh kích một bệnh viện của Nga ở Syria, khiến hai bác sĩ Nga thiệt mạng và làm nhiều y tá Nga và thường dân Syria bị thương.
Trung Quốc choáng váng vì Donald Trump
Donald Trump sai lầm nếu xem Trung Quốc là một « miếng thịt muốn cắt thế nào cũng được » hay là « một quốc gia dễ bị khuynh đảo, bảo sao nghe vậy ». Qua báo chí Nhà nước, Bắc Kinh đã không tiếc lời chỉ trích tổng thống tân cử Mỹ, sau một thời gian dài ngậm bồ hòn làm ngọt.
Kẻ cắp gặp bà già, Bắc Kinh phát hiện trễ là Hoa Kỳ đã đổi chính sách trong quan hệ với Trung Quốc và Đài Loan. Theo AFP, thoạt đầu Bắc Kinh cho rằng nhà tỷ phú địa ốc Mỹ thiếu kinh nghiệm chính trị và ngoại giao nên có lời lẽ bốc đồng bất chấp nguyên tắc đối ngoại : lên án đích danh Trung Quốc cạnh tranh bất chính với các công ty Mỹ, tăng cường quân sự tại Biển Đông.
Tuy nhiên, Trung Quốc càng chịu đòn thì ông Donald Trump lại tung thêm những cú tấn công mới toàn đánh vào tử huyệt.
Ngày 02/12/2016, sau khi điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, nhà tỷ phú nổi tiếng với hành động khó lường một lần nữa nhấn vào hai vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc : dumping xuất khẩu và lấn chiếm Biển Đông.
Thái độ bất lực của Trung Quốc được thể hiện trong ngày 06/12/2016. Báo chí Nhà nước đổi giọng vừa kêu gọi cảnh giác vừa ngầm đe dọa. Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan tuyên truyền của phe diều hâu cảnh cáo : « Những lời nhắn Twitter của Donald Trump che giấu ý đồ của ông ta là xem Trung Quốc như một miếng thịt cừu… và ông ta muốn cướp tài nguyên của nước khác để làm giàu cho nước Mỹ ».
Cũng trong chiều hướng này, Nhân Dân Nhật Báo dành một bài xã luận khuyến cáo đừng nghĩ là tổng thống tân cử Mỹ « thiếu kinh nghiệm » trong lãnh vực ngoại giao và quân sự. Cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc cho rằng ông Trump « có lập trường riêng», chỉ có điều lập trường đó « không thích hợp với nền tảng quan hệ Mỹ -Trung ».
Vì sao Bắc Kinh nghi ngờ chủ nhân sắp tới tại Nhà Trắng đặt quan hệ với đảo Đài Loan ngang hàng với Hoa Lục ? Sau khi được Bắc Kinh chúc mừng thắng cử thì ông Donald Trump nhận lời điện đàm chia vui của Đài Bắc. Một chi tiết nữa là, theo Washington Post, các cố vấn của tổng thống tân cử xác nhận là vụ điện đàm Donald Trump -Thái Anh Văn không phải do bất ngờ mà là có tính toán trước, kể cả quyết định công bố nội dung buổi điện đàm.
Cú điện thoại của tổng thống Đài Loan là « kết quả của nhiều tháng chuẩn bị và thảo luận trong nội bộ ban cố vấn của tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ ».
Chuyên gia Stephen Yates, phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia giai đoạn 2001-2005, khẳng định là tên bà Thái Anh Văn được đưa « rất sớm » vào danh sách các nguyên thủ quốc tế mà chính quyền mới tại Mỹ « tiếp xúc ». Donald Trump tiên liệu trước là Bắc Kinh sẽ nổi giận nhưng ông cương quyết đối đầu.
Chung quanh ông Donald Trump còn có nhiều nhân vật thân với Đài Loan và muốn tăng cường hợp tác với Đài Bắc, trong đó có ông Reince Preibus. Chánh văn phòng tương lai của phủ tổng thống Mỹ đã nhiều lần gặp tổng thống Đài Loan, cho nên hai bên « biết rõ » họ phải làm gì, theo phân tích của chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ Stephen Yates.
Hoàn Cầu Thời Báo, trong bản tiếng Hoa, lên án ông Trump là một « nhà lãnh đạo không biết giữ mồm giữ miệng » và đe dọa « Trung Quốc sẽ trả đũa » nếu quyền lợi bị đụng chạm.
Cũng với luận điểm đe dọa, Nhân Dân Nhật Báo cho rằng Trung Quốc « phản ứng một cách ôn hoà » trước những « đòn thăm dò » của tổng thống Mỹ mới đắc cử, nhưng sẽ cứng rắn hơn sau khi ông Donald Trump nhậm chức. Theo phân tích của AFP, Bắc Kinh phát giác một cách muộn màng và đành phải chấp nhận sự thay đổi chiến lược đột ngột của Mỹ như chuyện đã rồi.
Trung Quốc vẫn tự hào có binh thư Tôn Tử. Ông Trump « biết » Trung Quốc, nhưng chính quyền Trung Quốc « biết » ông Trump quá trễ.
Ngân sách quốc phòng kỷ lục của Hàn Quốc
Quốc Hội Hàn Quốc ngày 05/12/2016 thông qua ngân sách quốc phòng cao kỷ lục cho năm 2017 : Hơn 40 ngàn tỷ won – tương đương với 34 tỷ đô la. Khoản ngân sách này chiếm 10% tổng ngân sách được thông qua và tăng 4% so với ngân sách 2016.
Trong ngân sách quốc phòng dự kiến, bên cạnh con số trên 28 ngàn tỷ won được sử dụng cho vấn đề nhân sự và hoạt động, có hơn 12 ngàn tỷ won sẽ được chi cho việc hiện đại hóa quân đội, trong đó có chi phí nghiên cứu và phát triển.
Theo trang mạng thông tin NK News của Mỹ, một quan chức bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho rằng việc tăng ngân khoản hiện đại hóa quân đội thể hiện quyết tâm của Seoul chống lại các mối đe dọa đến từ Bình Nhưỡng đã bộc lộ rõ trong năm nay.
Trong ngân sách mà bộ Quốc Phòng đề nghị, có phần dành để phát triển 3 hệ thống cột trụ chống lại Bắc Triều Tiên : Kill Chain – hệ thống tấn công phủ đầu, hệ thống phòng không Korean Air and Missile Defense KAMD và kế hoạch Korean Masive Punishment and Retaliation Plan KMPR với mục tiêu hủy diệt Bình Nhưỡng trong trường hợp tấn công hạt nhân.
Theo dự kiến thì các hệ thống này sẽ được triển khai vào giữa năm 2020, nhưng Hàn Quốc cho biết sẽ thực hiện sớm hơn do hiểm họa đến từ Bắc Triều Tiên.
Giới quan sát lưu ý là ngân sách quốc phòng được thông qua trong trong bối cảnh không thuận lợi: Hàn Quốc đang bị vướng vào một cuộc khủng hoảng chính trị có thể khiến tổng thống Park Geun Hye phải từ chức trước khi mãn nhiệm, trong lúc Bắc Triều Tiên gia tăng đe dọa và chính sách châu Á của tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump chưa rõ ràng.
Báo chí Nhật hoan nghênh
thủ tướng Abe thăm Trân Châu Cảng
Theo AFP, phát ngôn viên chính phủ Nhật, ngày 06/12/2016, cho biết, thủ tướng Shinzo Abe sẽ tới thăm Trân Châu Cảng, ở quần đảo Hawai, trong các ngày 26 và 27/12. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Nhật Bản, 75 năm sau trận tấn công bất ngờ của không quân Nhật nhắm vào một căn cứ quân sự Mỹ.
Báo chí Nhật Bản hoan nghênh chuyến đi, đặt biệt là trong bối cảnh tổng thống Mỹ Barack Obama, cách nay 7 tháng, đã tới thăm Hiroshima, thành phố hứng chịu quả bom nguyên tử đầu tiên của Hoa Kỳ.
Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles gửi về bài tường trình :
« Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tới Trân Châu Cảng để nói rằng chúng ta không bao giờ lặp lại những điều khủng khiếp của chiến tranh. Thế nhưng, cũng như cuộc viếng thăm Hiroshima của tổng thống Barack Obama, chuyến đi Trân Châu Cảng của ông Shinzo Abe không nhằm mục đích sám hối.
Thủ tướng Nhật sẽ không có những lời xin lỗi về vụ tấn công này. Ông sẽ chỉ nhấn mạnh đến những thay đổi tuyệt vời trong quan hệ giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Đặc biệt là ông Shinzo Abe không muốn làm dấy lên cuộc tranh luận về vụ oanh kích bất ngờ nhằm vào Trân Châu Cảng, đánh dấu việc Hoa Kỳ bắt đầu tham chiến và dẫn đến việc ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.
Hôm nay, tại Hiroshima, ông Suneo Tsuboi, chủ tịch hiệp hội các nạn nhân bom nguyên tử, tuyên bố, chuyến đi của ông Shinzo Abe tới Trân Châu Cảng đã diễn ra quá muộn, 75 năm sau vụ không quân Nhật tấn công hủy diệt hạm đội tàu chiến Mỹ ».
Phó tổng thống Philippines
muốn lãnh đạo phe đối lập chống Duterte
Phó tổng thống Philippines, bà Leni Robredo, ngày 05/12/2016 tuyên bố sẽ lãnh đạo phong trào đối lập chống lại tổng thống Duterte. Bà không tán thành chiến dịch chống ma túy với hàng loạt vụ hành quyết mà không thông qua xét xử.
Trả lời báo chí về quyết định của mình, bà Leni Robredo khẳng định rằng bây giờ « không phải lúc để sợ sệt, mà phải tin tưởng và can đảm ». Phó tổng thống Philippines như vậy đã trở thành nhân vật cao cấp nhất công khai phản đối chính sách của tổng thống Rodrigo Duterte.
Hôm Chủ Nhật 04/12/2016, bà Robredo tuyên bố từ chức bộ trưởng đặc trách Gia Cư, đồng thời tố cáo một « âm mưu » nhằm bãi chức phó tổng thống của bà. Đơn từ chức bộ trưởng của bà đã được tổng thống Duterte chấp nhận vào ngày hôm sau.
Tại Philippines, tổng thống và phó tổng thống được bầu riêng. Bà Robredo và ông Duterte thuộc hai đảng chính trị đối nghịch nhau. Theo thông lệ, phó tổng thống cũng phải giữ một chiếc ghế bộ trưởng.
Theo giới quan sát, bất đồng giữa hai lãnh đạo ở thượng tầng Nhà Nước, vốn âm ỉ từ lâu, đã thật sự bùng lên công khai từ khi ông Duterte, vào tháng trước, cho phép cải táng cố tổng thống độc tài Ferdinand Marcos như một anh hùng dân tộc.
Cộng thêm vào đó là chính sách bài trừ ma túy đẫm máu được tiến hành từ lúc ông Duterte nhậm chức, đã làm gần 5000 người thiệt mạng cho đến nay.
Vào hôm qua, bà Robredo khẳng định : « Sẽ mạnh mẽ chống lại tất cả những chính sách có hại cho dân chúng Philippines ». Bà cũng chỉ trích việc tái lập án tử hình cũng như hạ tuổi phạt tù trẻ em từ 15 xuống 9 tuổi.
Riêng về chiếc ghế phó tổng thống, bà Robredo cho là có âm mưu muốn đẩy bà đi và để chức vụ đó cho con trai của nhà độc tài Marcos, Ferdinand Marcos Junior, còn được gọi là « Bongbong ».
Libya : Quân chính phủ chiếm lại Sirte
Ngày 05/12/2016, chính quyền đoàn kết dân tộc Libya thông báo đã hoàn toàn chiếm lại được thành phố Sirte, cứ địa của lực lượng thánh chiến của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại quốc gia này.
Các thành phần thánh chiến đã mất đi một cứ địa mà họ đã ra sức bảo vệ từ 6 tháng qua. Phát ngôn viên quân sự Libya Reda Issa cho biết thành phố Sirte đã hoàn toàn được chiếm lại, hàng chục quân thánh chiến đã ra đầu hàng, trong lúc quân chính phủ lục soát từng nhà để tìm những người còn ẩn trốn.
Theo giới quan sát, đây là một vố đau mới của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo hiện đang đứng trước hàng loạt thất bại quân sự ở Irak và Syria : Lực lượng thánh chiến bị tấn công ở cứ địa Mossoul, miền bắc Irak và Raqa, miền bắc Syria.
Ngược lại, thắng lợi ở Sirte góp phần củng cố quyền lực của thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj, người đã gặp nhiều khó khăn từ khi lên cầm quyền vào cuối tháng 03/2016, trước một đối thủ mạnh là tướng Haftar, ở phía đông.
Theo AFP, chiến dịch tái chiếm thành phố Sirte bên bờ Địa Trung Hải, cách Tripoli 450 cây số, được khởi xướng từ trung tuần tháng 05/2016. Quân đội Libya có đến 700 người thiệt mạng, 3000 người bị thương, còn số tử vong trong lực lượng thánh chiến không được thông báo.
Theo yêu cầu của chính quyền Tripoli, Hoa Kỳ đã dùng Không Quân yểm trợ cho chiến dịch, thực hiện đến 470 phi vụ không kích, kể cả bằng máy bay không người lái.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc bị mất Sirte không có nghĩa là quân thánh chiến không còn hiện diện ở Libya.
Theo Claudia Gazzini, thuộc nhóm nghiên cứu International Crisis Group, người của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo vẫn hiện diện ở Benghazi, phía đông Libya và khi rút khỏi Sirte, các phần tử này đã chạy xuống phía nam, đến Sebha hay vùng gọi là « tam giác Salvador », là biên giới của 3 nước Libya, Algeri và Niger. Đây là một vùng trung chuyển lý tưởng của quân thánh chiến đến từ nước ngoài và là địa bàn buôn lậu vũ khí.
Trung Quốc tra tấn cán bộ đảng viên bị tố tham nhũng
Đảng Cộng Sản Trung Quốc sử dụng một loại « công lý bạo lực và bất hợp pháp » để lấy khẩu cung những đảng viên bị tố cáo tham ô. Trên đây là tố cáo của tổ chức bảo vệ nhân quyền Mỹ Human Rights Watch trong bản báo cáo công bố ngày 06/12/2016.
Từ khi ông Tập Cận Bình tung chiến dịch chống tham nhũng vào năm 2012, khoảng 88 triệu đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc có thể bị điều tra trong khuôn khổ kỷ luật nội bộ không liên quan gì với tư pháp. Tân Hoa Xã cho biết khoảng một triệu đảng viên đã bị trừng phạt.
Tuy nhiên, theo báo cáo của tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch, những người bị tình nghi tham ô bị nhốt vào những nơi bí mật cho đến khi nhận tội. Tỷ lệ bị kết án lên đến 99,62%. Chính ông Tập Cận Bình đã xây dựng chính sách chống tham nhũng trên cơ sở bạo lực và bất hợp pháp.
Báo cáo của Human Rights Watch dựa trên cáo trạng, bản án, tường thuật của báo chí và lời kể của gia đình những tù nhân này. Biện pháp ép cung gồm tra tấn, bỏ đói, không cho ngủ, đe dọa gia đình. Một nhân chứng kể lại là « phải sáng chế ra lời khai để khỏi bị đánh ».
Giới quan sát nghi ngờ ông Tập Cận Bình sử dụng chiêu bài chống tham nhũng để củng cố quyền lực, loại các đối thủ chính trị.
Tai tiếng chính trị tại Hàn Quốc :
Lãnh đạo các tập đoàn lớn điều trần trước Quốc Hội
Ngày 06/12/2016, lãnh đạo 8 tập đoàn công nghiệp lớn ở Hàn Quốc phải ra điều trần trước Quốc Hội, trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ bê bối liên quan tới tổng thống Park Geun-Hye.
Theo hãng tin AFP, đứng đầu danh sách 8 nhà lãnh đạo tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc ra điều trần trước Quốc Hội hôm nay gồm đại diện của Samsung, Hyundai, SK, LG, Lotte … Tất cả phải trả lời về việc quyên góp tiền cho hai quỹ « đáng ngờ » của bà Choi Soon-Sil, bạn thân tổng thống Park Geun-Hye.
Điều này không hề dễ chịu chút nào đối với các ông chủ tập đoàn, vì họ không có thói quen bị thẩm vấn hay phải biện bạch. Lãnh đạo của các tập đoàn đã bác bỏ các cáo buộc đổi tiền lấy đặc quyền, gián tiếp cho biết là họ đã thường xuyên chịu áp lực từ giới lãnh đạo cao nhất.
Ông Huh Chang-Soo, chủ tịch tập đoàn GS kiêm chủ tịch Liên Đoàn Công Nghiệp Hàn Quốc cho biết là các doanh nghiệp rất khó từ chối một yêu cầu từ phủ tổng thống. Còn Koo Bon-Moo, chủ tịch tập đoàn LG thì nói thêm là các doanh nghiệp không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo chính sách của chính phủ.
Samsung, tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, là doanh nghiệp đã quyên góp nhiều hơn cả cho quỹ của bà Choi : 17 triệu đô la. Ông Lee Jae-Yong, phó chủ tịch Samsung, đồng thời là người thừa kế tập đoàn này, luôn né tránh trả lời câu hỏi của các dân biểu về những cáo buộc thông đồng hay tiếp tay với bà Choi Soon-Sil.
Lãnh đạo Samsung chỉ nói là rất tiếc về những chuyện đã xảy ra : « Tôi có nhiều thiếu sót và Samsung có nhiều điều phải sửa chữa (…) Cuộc khủng hoảng này đã giúp tôi ý thức được là chúng tôi cần thay đổi để đáp ứng kỳ vọng của công chúng ».
Các phiên điều trần đã được phát trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình lớn của Hàn Quốc, tới nhiều triệu khán giả.
Còn bà Choi cũng sẽ bị chất vấn về việc cưỡng đoạt và lạm dụng quyền lực.
AFP dự báo chắc chắn hơn 30 dân biểu trong đảng bảo thủ Saenuri của chính tổng thống Park Geun-Hye sẽ bỏ phiếu ủng hộ việc phế truất bà và Quốc Hội sẽ thông qua.
Báo chí Mỹ : Donald Trump cố tình khiêu khích Bắc Kinh
Quan hệ giữa chính quyền mới tại Washington với Bắc Kinh có nguy cơ căng thẳng. Từ cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan cho đến việc tố cáo Trung Quốc « phá giá » đồng nhân dân tệ và quân sự hóa Biển Đông, tổng thống tân cử Mỹ và ban cộng sự nhắn gửi Bắc Kinh : phải chấp nhận ngôn ngữ ngoại giao mới của Mỹ.
Theo nhật báo Washington Post, quyết định công bố đoạn băng hình cuộc điện đàm giữa tổng thống tân cử Donald Trump với lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn đã được cân nhắc lợi hại và sửa soạn cẩn thận. Từ Washington, thông tín viên Anne- Marie Capomaccio phân tích :
“Người ta đã tưởng rằng cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn là một hành động thiếu cẩn trọng trong khi từ năm 1979 đến nay, Mỹ chỉ công nhận có một nước Trung Hoa duy nhất. Theo giải thích của phó tổng thống tân cử Mike Pence thì ông Donald Trump không thể từ chối điện thoại chúc mừng của bà Thái Anh Văn.
Thực ra rất có thể tất cả vụ việc này đã được chuẩn bị từ lâu. Theo nhật báo Washington Post, quyết định công bố đoạn băng hình đã được cân nhắc. Những thông điệp trên mạng Twitter của Donald Trump tố cáo Trung Quốc cố ý điều chỉnh đồng nhân dân tệ (để cạnh tranh bất chính) cũng là một trong những chủ đề tâm đắc của nhà tỷ phú địa ốc lúc tranh cử.
Nếu tất cả các hành động này là nhằm chứng tỏ một sự thay đổi trong giọng điệu ngoại giao của Mỹ thì mục tiêu đã đạt được. Bắc Kinh nổi giận và phát ngôn viên Nhà Trắng không giấu lo ngại : chúng tôi đã gọi điện cho đồng nhiệm Trung Quốc để nhắc lại cam kết chính sách một nước Trung Hoa, được thương lượng qua nhiều đời tổng thống Mỹ. Nếu tổng thống mới có mục tiêu khác thì tôi để ông ấy giải thích.
Không phải chỉ có Nhà Trắng quan ngại mà giới chuyên gia cũng kêu gọi chính quyền mới phải tỏ ra biết ngoại giao hơn. Ai cũng biết Trung Quốc là một đối tác khó tính và xung khắc tại Biển Đông là có thật nhưng không nên vì thế mà cắt đứt đối thoại. Thật ra không phải ai cũng nghĩ như thế. Trên một đài truyền hình Mỹ, một cố vấn của ông Trump tuyên bố thẳng thừng : ‘Nếu Trung Quốc không thích ngôn từ của chúng ta thì họ đi chỗ khác chơi’”.
Tướng Mattis được chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng
Carla Babb
NGŨ GIÁC ĐÀI —
Tổng thống tân cử Donald Trump lẽ ra sẽ chính thức loan báo tên người được ông chọn vào vị trí bộ trưởng quốc phòng trong ngày hôm nay, thứ Ba 6/12 tại North Carolina. Nhưng vì ông Trump tiết lộ danh tính nhân vật này hôm thứ Năm tuần trước ở Ohio, nên ai cũng biết tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là ai.
Tướng Thủy quân Lục chiến hồi hưu James Mattis đã được Tổng thống tân cử chọn cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng trong nội các của ông.
Ông Mattis từng đảm nhận chức Tư lệnh Bộ chỉ huy miền Trung, có trách nhiệm về các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông, và là Tư lệnh Tối cao của liên minh NATO.
Ông được nhiều người biết đến dưới biệt danh “Mad Dog”- Chó điên, một phần vì tinh thần chiến đấu kiên cường chống kẻ thù ở Afghanistan và Iraq, và được sự kính trọng của các đồng đội.
Tướng John Nicholson, Tư lệnh các lực lượng quốc tế tại Afghanistan nói:
“Ông ấy là một quân nhân của các quân nhân; một binh sĩ Thủy quân Lục chiến của những binh sĩ Thủy quân Lục chiến. Lần đầu tôi gặp ông ấy là ở tỉnh Nangahar bên Afghanistan, nơi diễn ra một cuộc chiến khốc liệt vào năm 2006, ông Mattis là một lãnh đạo đầy khả năng truyền cảm hứng cho binh sĩ dưới trướng. Tôi cũng là một quân nhân trong số đó.”
Các chuyên gia lưu ý rằng ông Mattis là một tướng lãnh và là một học giả.
Ông Michael O’hanlon thuộc Viện Brookings nói:
“Ông ấy là một trong các tướng lãnh có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết sâu rộng nhất trong thế hệ của ông.”
Ông Michael O’Hanlon nói rằng ông tin rằng kinh nghiệm và kiến thức của ông Mattis sẽ giúp ông trở thành một nhà lãnh đạo thực tiễn hơn so với đa số những người khác, về sức mạnh quân sự và giới hạn của sức mạnh đó.
Ông O’hanlon nói:
“Tôi tin rằng một người có kinh nghiệm chiến trường và có uy tín như ông Mattis sẽ là một cố vấn tốt cho ông Donald Trump bởi vì ông Trump có khuynh hướng lắng nghe lập trường tự chế đối với giải pháp quân sự, nếu quan điểm ấy đến từ một người như tướng Mattis.”
Trước khi chuẩn thuận ông Mattis cho chức vụ Bộ trưởng Quốc Phòng, Quốc hội phải thông qua một đạo luật miễn cho ông phải tuân hành quy định đối với các quân nhân là phải rời quân ngũ 7 năm, trước khi được giữ chức bộ trưởng quốc phòng. Ông Mattis chỉ mới giải ngũ cách đây có 3 năm.
Trước đây Quốc hội đã thông qua quy chế miễn trừ cho Tướng George Marshall trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, cho phép vị tướng này đảm nhận vị trí Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 1950.
Chuyển tiếp quyền lực
được đẩy mạnh bên trong toà tháp Trump
NEW YORK, NY —
Tổng thống tân cử Donald Trump đã cam kết rằng trong tuần này, ông sẽ công bố tên tuổi của hầu hết những nhân vật còn lại được chọn vào nội các mới, và thứ Hai 6/12 ông đề cử người đứng đầu Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị. Tuy nhiên bên trong toà tháp Trump, cuộc tìm kiếm nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ mới đang được mở rộng. Có mặt ở New York, Thông tín viên Ramon Taylor của VOA tường thuật rằng một cuộc tuần hành do ứng cử viên Tổng thống Đảng Xanh Jill Stein dẫn đầu đang diễn ra trước toà tháp Trump, để vận động đám đông tại Manhattan hãy ủng hộ việc tái kiểm phiếu ở 3 bang chiến trường.
Trong buổi sáng thứ Hai giá lạnh bên ngoài toà tháp Trump, những người đòi tái kiểm phiếu tại 3 bang chiến trường đối mặt với những người phản đối biện pháp này. Bà Jill Stein dẫn đầu cuộc tập hợp trong một nỗ lực đang tiếp diễn để đảm bảo kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng trước không bị tin tặc thao túng. Bà Stein phát biểu:
“Chúng ta có mặt ở đây là để trấn an ông Trump rằng ông không có gì phải lo sợ. Nếu ông tin vào dân chủ, nếu ông tin rằng thắng lợi bầu cử của ông là đáng tin cậy, thì hãy ngưng tấn công chúng tôi.”
Bà Rachel Desario là người ủng hộ việc tái kiểm phiếu. Bà phát biểu:
“Trong tư cách là cử tri, chúng ta cần bảo đảm nền dân chủ tuyệt đối không bị cản trở, và lá phiếu của chúng ta phải được đếm một cách chính xác. ”
Nhưng một người khác tên Pim Couch phản đối việc tái kiểm phiếu:
“Chúng ta ai cũng có cơ hội đi bỏ phiếu. Tất cả mọi người đều đi bầu. Và bây giờ chúng ta cần phải tiến tới phía trước.”
Bên trong toà tháp Trump, các nỗ lực vẫn được xúc tiến để tìm nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ kế tiếp. Tổng thống tân cử Donald Trump ghi thêm tên một nhân vật khác vào danh sách đang được cân nhắc cho chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao, đó là ông Jon Huntsman, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. Đây là một quyết định quan trọng trong bối cảnh vừa diễn ra cuộc điện đàm giữa Tổng thống tân cử Mỹ với Tổng thống Đài Loan, khi bà Thái Anh Văn gọi để chúc mừng ông Trump đắc cử. Cuộc điện đàm được diễn giải rộng rãi như một động thái thách thức Trung Quốc và có rủi ro phương hại tới các quan hệ Mỹ-Trung.
Những chức vụ khác hãy còn trống trong nội các của ông Trump gồm có: Bộ trưởng Nội vụ, Năng lượng, Nông nghiệp, Bộ Cựu Chiến binh và Bộ An ninh Nội địa.
Hôm thứ Hai, toán chuyển tiếp của ông Trump loan báo Bác sĩ giải phẫu thần kinh Ben Carson, từng là đối thủ của ông Trump trong cuộc đua để giành sự đề cử của Đảng Cộng hoà, đã được chọn để đứng đầu Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị.
Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence phát biểu:
“Chúng tôi lấy làm phấn khích về việc Bác sĩ Carson đã được đề cử để lãnh đạo Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị. Chúng tôi nóng lòng trông đợi thêm một tuần có nhiều kết quả khác trong tiến trình chuyển tiếp vốn đang đặt ra những tiêu chuẩn lịch sử.”
Trong khi đó ông Al Gore, cựu Phó Tổng thống của Đảng Dân chủ và là một nhà hoạt động bảo vệ môi trường, đã gặp ông Trump và ái nữ Ivanka trong một cuộc gặp được ông Gore miêu tả là một “nỗ lực chân thành để tìm kiếm những điểm chung.” Ông Al Gore phát biểu:
“Tôi cho rằng đây là một cuộc đối thoại vô cùng thú vị, và sẽ được tiếp tục.”
Ông Trump từng cho rằng biến đổi khí hậu không có thực mà chỉ là một thủ đoạn lừa đảo của Trung Quốc, tuy nhiên vào tháng trước, ông bày tỏ sẵn sàng xét lại quan điểm của mình về vấn đề biến đổi khí hậu trong một cuộc họp với báo The New York Times.
Điện đàm với TT Đài Loan
phản ánh quan điểm của các cố vấn của ông Trump
Stephan Yates, một phụ tá về chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa Mỹ, đã đến Đài Loan sáng thứ Ba 6/12, thực hiện chuyến thăm kéo dài một tuần, có thể bao gồm một cuộc gặp với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Ông Yates, chủ tịch Đảng Cộng hòa bang Idaho, nói với VOA hôm thứ Ba rằng ông không thay mặt ông Trump để chuyển đến bất cứ thông điệp nào tới bà Thái Anh Văn.
Trung Quốc đã chính thức phản đối cuộc điện đàm giữa ông Trump với bà Thái hồi tuần trước. Cuộc gọi này phản ánh quan điểm của ông Yates và nhiều cố vấn có lập trường cứng rắn khác trong đảng Cộng hòa, họ đang thúc giục ông Trump công khai bày tỏ lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
Tại Washington, Bộ Ngoại giao nói cuộc gọi không làm suy yếu chính sách “Một Trung Quốc” hiện nay của Hoa Kỳ.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa Dana Rohrabacher của bang California cho biết cuộc gọi gửi đi một lời cảnh báo ngoại giao với Trung Quốc. Có tin ông Rohrabacher là một ứng cử viên tiềm năng cho chức ngoại trưởng.
Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc John Bolton, người cũng nổi lên như là một ứng cử viên cho chức ngoại trưởng, nói đã đến lúc phải cải tổ quan hệ Mỹ-Trung, ông lưu ý tới “những tuyên bố đòi chủ quyền hung hăng và hiếu chiến” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và chưa bao giờ loại bỏ giải pháp sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo trở lại với quyền kiểm soát của Bắc Kinh. Hoa Kỳ chính thức cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan năm 1979.
Trong một diễn biến khác, truyền thông Đài Loan đưa tin bà Thái Anh Văn có kế hoạch quá cảnh ở New York trên đường đi thăm Nicaragua vào đầu tháng 1 trước lễ nhậm chức của ông Trump ngày 20/1. Tin cho hay bà Thái có thể không trực tiếp gặp ông Trump nhưng có kế hoạch gặp các phụ tá thân cận của ông.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Hai cho biết họ sẽ giải quyết việc quá cảnh của bà Thái với các “thủ tục phù hợp”.
Ông Trump dọa đánh thuế nặng
doanh nghiệp xuất khẩu việc làm
Tổng thống tân cử của Mỹ, Donald Trump, dọa áp thuế nặng đối với các công ty Mỹ đưa công ăn việc làm của người dân Mỹ ra nước ngoài mà vẫn tìm cách moi hầu bao của người tiêu dùng Mỹ.
Tuy nhiên, kế hoạch của ông Trump có thể sẽ đẩy cả chi phí cho doanh nghiệp Mỹ lẫn giá thành cho người tiêu dùng Mỹ lên cao và có nguy cơ gây ra một cuộc chiến thương mại.
Trong một loạt tin nhắn trên Twitter sáng sớm ngày 4/12, ông Trump cam kết sẽ áp dụng thuế suất 35% lên các sản phẩm bán trong nước Mỹ bởi bất kỳ doanh nghiệp nào sa thải nhân công Mỹ và xây dựng cơ sở sản xuất hay nhà máy mới ở nước khác.
Ông nói các công ty cần được cảnh cáo trước khi phạm một sai lầm đắt giá.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ông Trump sẽ gặp thách thức pháp lý nếu tìm cách áp đặt thuế suất lên một số công ty cụ thể mà không được Quốc hội chuẩn thuận.
Cũng có người nghi ngờ khả năng ông Trump truy ra các nhóm công ty đưa công ăn việc làm ra nước ngoài rồi đưa sản phẩm về thị trường Mỹ vì tòa sẽ ngăn hành động đó.
Ông Trump ra tranh cử với lời cam kết giúp nhân công Mỹ, giảm thuế và nới lỏng luật lệ cho doanh nghiệp.
Trong lúc vận động, ông nhiều lần đe dọa áp thuế 35% lên hàng nhập khẩu từ Mexico, 45% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Thuế quan nhằm tạo điều kiện cạnh tranh cho các công ty nội địa bằng cách làm cho sản phẩm của nước ngoài mắc hơn sản phẩm trong nước và cũng nhằm trừng phạt các công ty ngoại quốc về những thực hành thương mại bất công.
Nếu hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ bị thuế suất 45%, giá bán lẻ các mặt hàng này trên thị trường Mỹ có thể tăng trung bình 10%, theo tính toán của Capital Economics. Và như vậy, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả giá cao hơn vì không có nhiều sự lựa chọn khác thay thế cho nhiều sản phẩm làm từ Trung Quốc. Điển hình như Trung Quốc sản xuất khoảng 70% các máy tính xách tay và điện thoại di động trên thế giới.
Đánh thuế hàng nước ngoài cũng có thể gây ra một cuộc chiến thương mại. Tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc đã cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể trả đũa bằng cách giới hạn doanh số bán xe ô tô và iPhone của Mỹ trên thị trường Trung Quốc trong khi Bắc Kinh sẽ xoay sang đặt mua máy bay từ công ty Airbus ở Châu Âu thay vì từ công ty Boeing của Mỹ.
Ông Trump điện đàm với TT Đài Loan,
TQ hạ giảm tầm quan trọng
Trung Quốc ngày 5/12 loan báo Tổng thống tân cử của Mỹ Donald Trump và toán chuyển giao quyền lực của ông hiểu rõ quan điểm của Bắc Kinh liên quan đến cuộc điện đàm của ông Trump với Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn hôm 2/12.
“Thế giới hiểu rõ quan điểm chính thức của Trung Quốc. Mỹ, kể cả đội ngũ chuyển tiếp quyền lực của Tổng thống tân cử Trump, hiểu rõ quan điểm chính thức của Trung Quốc về vấn đề này,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng, nhấn mạnh.
Ông nói Đài Loan là vấn đề nhạy cảm nhất giữa hai nước Trung-Mỹ.
Ông Lục không cho biết chi tiết Trung Quốc đã nói rõ quan điểm với ông Trump và toán chuyển tiếp của ông Trump về vấn đề này như thế nào. Ông cũng từ chối suy đoán về cuộc điện đàm của ông Trump với bà Thái.
Phó Tổng thống tân cử Mike Pence hạ giảm tầm quan trọng của cuộc điện đàm này, nói rằng đây chỉ là một cuộc gọi “xã giao”, không cho thấy có sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.
Báo chí nhà nước Trung Quốc hôm 5/12 cũng tìm cách giảm bớt tầm quan trọng của sự kiện này, nói rằng cuộc gọi chỉ cho thấy sự thiếu kinh nghiệm ngoại giao của ông Trump chứ không phản ánh sự thay đổi của chính sách Mỹ về vấn đề Đài Loan, lãnh thổ mà Trung Quốc xem là một tỉnh của mình.
Ông Trump chọn ông Ben Carson
làm Bộ trưởng Gia cư và Phát triển Đô thị
Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ chọn ông Ben Carson, cựu bác sĩ phẫu thuật thần kinh và cựu đối thủ tranh đề cử của Ðảng Cộng hòa của ông, làm Bộ trưởng Gia cư và Phát triển Đô thị.
Thông cáo hôm thứ Hai của văn phòng chuyển giao chính quyền của ông Trump nói rằng ông Carson là “người tích cực cống hiến cho mục tiêu xây dựng cộng đồng và các gia đình trong các cộng đồng đó.” Thông cáo nói tiếp rằng ông Trump và ông Carson đã thảo luận về thông điệp hồi phục nền kinh tế, trong đó sẽ liên quan nhiều đến chuyện nội thành của các thành phố.
Kể từ khi ông Trump vượt lên dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận trong cuộc đua bên Ðảng Cộng hòa vào tháng 7 năm 2015, ông Carson là người duy nhất trong số gần 20 ứng cử viên đánh bật ông Trump xuống vị trí số hai, nhưng chỉ được vài ngày trước khi tỉ lệ ủng hộ ông Carson rớt xuống.
Ông Carson rút khỏi cuộc đua vào tháng 3 năm nay và quay sang ủng hộ ông Donald Trump. Tiếp đến ông đã là một trong các diễn giả phát biểu tại đại hội đảng bộ, nơi ông Donald Trump được Ðảng Cộng hòa chính thức đề cử ra tranh chức tổng thống với bà Hillary Clinton.
Từ khi đánh bại bà Clinton trong cuộc bầu cử hồi tháng trước, ông Trump đã tiến hành chọn nhân sự cho nội các và các chức vụ được ông chọn cần phải được Thượng viện đang do Ðảng Cộng hòa nắm giữ thông qua.
Ông Trump chưa công bố đề cử cho chức bộ trưởng ngoại giao. Việc chọn lựa đề cử cho chức vụ này đã được mở rộng sau các cuộc họp với 4 ứng viên hàng đầu nhưng chưa đi đến một quyết định nào.
Bà Kellyanne Conway, cố vấn của ông Trump, nói với các phóng viên báo chí tại cao ốc Trump Tower ở New York hôm Chủ nhật: “Việc ông Trump mở rộng tìm kiếm người làm bộ trưởng ngoại giao là đúng sự thật, và ngoại trưởng là chức vụ hết sức quan trọng của bất cứ tổng thống nào.
Tuần trước văn phòng của ông Trump có đề cập đến bốn người được xem là ứng viên hàng đầu cho chức ngoại trưởng, đó là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker, cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani, tướng Lục quân hồi hưu và là cựu giám đốc CIA, ông David Petraeus, và cựu ứng cử viên tổng thống của Ðảng Cộng hòa năm 2012 Mitt Romney.
Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, ông John Bolton cũng đã họp với ông Trump hôm thứ Sáu, và Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence cũng đưa tên ông Bolton vào danh sách ứng viên cho chức ngoại trưởng hôm Chủ nhật.
Cựu thống đốc bang Utah và cựu đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh ông Jon Huntsman cũng có tên trong danh sách này, theo tin của đài truyền hình CNN, và có cả tổng giám đốc của hãng Exxon, ông Rex Tillerson nữa.
Ông Trump có thể tự thực hiện
nhiều thay đổi về chính sách di dân
Tổng thống tân cử của Mỹ, Donald Trump, có thể sẽ đơn phương thực hiện nhiều thay đổi trong chính sách di dân như đã hứa khi tranh cử bằng cách sử dụng những quyền hành pháp mà ông chỉ trích Tổng thống Barack Obama đã dùng.
Dù đa số các biện pháp trong kế hoạch 10 điểm về chính sách di dân công bố trên trang web chuyển tiếp của ông Trump có thể được tiến hành mà không cần phía lập pháp thông qua, nhưng để thực thi hoàn toàn những điểm đó đòi hỏi ngân quỹ mà Quốc hội phải chuẩn chi, các chuyên gia pháp lý cho biết.
Một số các thay đổi này sẽ rất tốn kém, đòi hỏi mở rộng các tòa án di dân và các trung tâm giam giữ, theo chuyên gia luật di trú Stephen Yale-Loehr, thuộc Trường Luật Cornell.
Trục xuất thêm nhiều người đòi hỏi phải có thêm nhân lực ở tất cả các cấp trong hệ thống để điều tra, bắt giữ, và xử lý di dân bất hợp pháp.
Hiện nay, các tòa án chuyên trách về di dân đang quá tải với hơn 500 ngàn vụ án tồn đọng.
Các nơi giam giữ hiện đã gánh gồng 41 ngàn di dân chờ bị trục xuất hoặc ra tòa, và phải cần thêm nhiều cơ sở tạm giữ nữa nếu những người bị bắt không còn được tại ngoại trong lúc chờ tòa phán quyết.
Toán chuyển tiếp quyền hành cho ông Trump chưa cho biết tân Tổng thống định thực thi kế hoạch của mình như thế nào.
Trong số những hứa hẹn về di dân dễ thực hiện nhất cho ông Trump lúc này là lời cam kết đảo ngược các sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Obama.
Ông Trump có thể dễ dàng loại chính sách năm 2012 của ông Obama mang tên Chương trình DACA, qua đó cho phép những di dân tới Mỹ bất hợp pháp từ hồi nhỏ có thể nộp đơn xin giấy phép làm việc.
Theo chương trình vừa kể, hơn 740 ngàn người đã được miễn trục xuất, và nhiều người trong số này lo lắng rằng các thông tin cá nhân của họ có thể bị tân chính quyền sử dụng để lần ra tung tích của họ mà trục xuất.
Một điểm khác dễ thực hiện trong kế hoạch di dân của ông Trump là khước từ visa cho những người xuất xứ từ các nước không thể có quy chế thanh lọc, rà soát thích hợp.
TQ, Iran kêu gọi ông Trump giữ vững thỏa thuận hạt nhân Iran
Trung Quốc và Iran ngày 5/12 thúc giục các chính phủ chớ vi phạm thỏa thuận qua đó Iran đồng ý giới hạn hoạt động hạt nhân để được dỡ bỏ các biện pháp chế tài. Lời kêu gọi này rõ ràng nhắm trực tiếp vào Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump.
Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif, phát biểu nhân chuyến thăm Bắc Kinh rằng 7 nước nhất trí thỏa thuận hồi tháng 7 năm ngoái ‘có nghĩa vụ phải thực thi toàn diện.’
“Iran sẽ không cho phép bất kỳ nước nào có hành động đơn phương vi phạm thỏa thuận và Iran có quyền có hành động chống lại điều đó,” ông Zarif tuyên bố tại cuộc họp báo sau cuộc họp với Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc.
Thỏa thuận ký kết giữa Iran, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và Nga đề ra những điều chính phủ Iran phải làm để kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này trước khả năng chế tạo võ khí.
Thỏa thuận cũng quy định nghĩa vụ của các nước phương Tây trong việc chấm dứt nhiều biện pháp trừng phạt tài chính, thương mại và dầu khí vốn lâu nay làm tổn hại kinh tế Iran.
Thỏa thuận này có hiệu lực từ tháng giêng năm nay và đa phần được tôn trọng.
Tuy nhiên, ông Trump đã tuyên bố sẽ thương lượng lại các điều khoản của thỏa thuận vừa kể và tăng cường tính thực thi.
Không bên nào khác trong thỏa thuận muốn ‘bẻ vụn’ thỏa thuận vốn tốn hơn chục năm nỗ lực ngoại giao và gần 2 năm tròn đàm phán mới có được này.
Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh “thực thi đầy đủ” thỏa thuận giữa Iran với 6 cường quốc là “nghĩa vụ chung của tất cả các bên và không nên để những thay đổi trong tình hình nội bộ của các nước liên quan làm ảnh hưởng tới thỏa thuận này.”
TQ kêu gọi Ấn chớ làm phức tạp tranh chấp biên giới
Trung Quốc ngày 5/12 kêu gọi Ấn Độ chớ làm phức tạp thêm tranh chấp biên giới sau khi một lãnh tụ tinh thần cao cấp của Tây Tạng đang sống lưu vong ghé thăm một khu vực biên giới nhạy cảm do New Delhi kiểm soát nhưng Bắc Kinh nhận chủ quyền.
Đức Karmapa Lama, nhân vật quan trọng thứ ba trong Phật giáo Tây Tạng rời Tây Tạng sang Ấn sống lưu vong vào năm 2000, đã ghé thăm vùng Tawang thuộc bang Arunachal Pradesh của Ấn hồi tuần trước.
Trung Quốc đòi chủ quyền toàn bộ lãnh thổ Arunachal Pradesh, gọi đó là Nam Tây Tạng. Thị trấn Tawang lịch sử là một địa điểm chính của Phật giáo Tây Tạng. Nơi đây từng bị lực lượng Trung Quốc chiếm đóng trong cuộc chiến 1962.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng, nói “Chúng tôi hy vọng phía Ấn có thể tôn trọng những đồng thuận tương ứng của đôi bên, không có hành động làm phức tạp vấn đề biên giới.”
Ông nói thêm rằng duy trì hòa bình-ổn định trên biên giới và sự phát triển lành mạnh của mối quan hệ là lợi ích chung của hai nước.
Năm ngoái, lãnh đạo Trung-Ấn đã cam kết xoa dịu căng thẳng tranh chấp biên giới.
Ấn là nơi trú ngụ của nhiều người Tây Tạng lưu vong, trong đó có lãnh tụ tinh thần Đạt Lai Lạt Ma, người bị Bắc Kinh xem là một phần tử ly khai.
Khôi nguyên Nobel Hòa Bình Đạt Lai Lạt Ma nói ông chỉ muốn quê hương ông được quyền tự trị đúng nghĩa.
Châu Âu quy lỗi Trung Quốc làm bế tắc thỏa thuận EGA
Châu Âu ngày 4/12 quy lỗi Trung Quốc làm bế tắc một thỏa thuận mậu dịch môi trường toàn cầu vì đệ trình yêu cầu trễ hạn tại các cuộc thảo luận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với mục tiêu cắt giảm thuế cho hàng nhập khẩu thân thiện môi trường.
“Trung Quốc đưa ra danh sách các đề nghị toàn những yếu tố hoàn toàn mới, rất trễ trong tiến trình,” Ủy viên Thương mại của Liên hiệp Châu Âu, Cecilia Malmstrom, phát biểu với Reuters.
Thay đổi Tổng thống ở Mỹ cũng đặt ra một câu hỏi lớn về triển vọng tương lai của thỏa thuận này.
Bà Malmstrom là đồng chủ tịch các cuộc thảo luận nhằm giảm chi phí cho các sản phẩm có lợi cho môi trường bằng cách bỏ thuế thương mại đánh vào các mặt hàng này.
Bà nói “Giá như danh sách yêu cầu của Trung Quốc được đệ trình sớm hơn, chúng ta đã có cơ hội thảo luận về các điểm đưa ra. Nhưng giờ đã không thể tìm được một thỏa thuận, còn quá nhiều cách biệt,” bà Malmstrom cho biết thêm.
Về phía Trung Quốc, Bộ Thương mại nước này lập luận rằng Bắc Kinh đã nỗ lực lớn, chứng tỏ linh hoạt để giải quyết các mối quan tâm cốt lõi của các bên một cách hữu hiệu, nhưng cuộc họp thất bại vì “khác biệt quan điểm về các vấn đề chính.”
Đại sứ Mỹ tại WTO, Michael Punke, nói với báo giới rằng Mỹ đã cố gắng tìm hướng đi sáng tạo để đạt được thỏa thuận thành công nhưng tiếc rằng không phải thành viên nào cũng sẵn lòng đóng góp cho thành công ấy.
Phát ngôn nhân WTO, ông Keith Rockwell, bày tỏ thất vọng vì thỏa thuận bất thành nhưng nhiều đại biểu tham gia thương thuyết mạnh mẽ cam kết để đạt được một thỏa thuận và hy vọng sẽ thành công vào năm sau.
18 nước thành viên thuộc WTO tham gia đàm phán thỏa thuận EGA nhằm cắt giảm thuế cho các sản phẩm thân thiện môi trường trong đó có năng lượng sạch và tái tạo, kiểm soát ô nhiễm không khí, quản lý rác, xử lý nước thải, và giám sát chất lượng môi trường, giảm tiếng ồn.
Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ
không cho Tổng thống Đài Loan quá cảnh
Bắc Kinh hôm nay lên tiếng yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ không cho Tổng thống Đài Loan quá cảnh, khi bà Thái Anh Văn hướng dẫn phái đoàn chính phủ đi thăm các nước đồng minh Trung Mỹ vào giữa tháng Giêng năm tới.
Bộ ngoại giao Đài Loan chưa lên tiếng nói gì về chuyến đi của bà Tổng thống Thái Anh Văn, nhưng tin từ Bắc Kinh và Washington cho hay bà sẽ quá cảnh ở New York, kèm theo đồn đãi có thể bà sẽ gặp ông Trump.
Tối hôm qua, một viên chức thân cận với Tổng thống đắc cử Donald Trump nói rằng cuộc gặp gỡ này khó có thể xảy ra.
Tin mới nhất cho hay dường như đang có dàn xếp để bà Thái Anh Văn gặp ông Reince Priebus, người được ông Trump chọn để giữ chức Chánh Văn phòng Tổng thống.
Cũng tối hôm qua, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cho biết chưa có tin gì về chuyến đi của bà Tổng thống Đài Loan.
Bắc Hàn ‘tấn công mạng quân đội Nam Hàn’
Bộ Tư lệnh không gian mạng của Nam Hàn, được lập ra để ngăn chặn tin tặc, có vẻ đã bị Bắc Hàn xâm nhập, nguồn tin của quân đội Nam Hàn cho hay.
Một người phát ngôn của quân đội Nam Hàn cho BBC hay những thông tin mật được cho là đã bị đánh cắp, mặc dù không rõ chính xác dữ liệu gì đã bị truy cập.
Bắc Hàn đã từng bị cáo buộc tấn công vào các nhà băng và công ty truyền thông nhưng chưa bao giờ bị cáo buộc nhắm vào hệ thống của quân đội Nam Hàn.
Bình Nhưỡng trước đây đã bác bỏ những cáo buộc rằng họ liên quan đến tội phạm mạng.
“Dường như máy chủ nội bộ của Bộ Tư lệnh không gian mạng đã bị nhiễm mã độc. Chúng tôi thấy một số tài liệu quan sự, trong đó có thông tin mật, đã bị hack”, người phát ngôn quân đội nói với hãng tin Yonhap của Nam Hàn.
Chưa rõ là những tài liệu cấp thấp hay những chi tiết quan trọng hơn như kế hoạch chiến tranh đã bị truy cập.
Quân đội Nam Hàn cho biết phần hệ thống bị truy cập đã được cách ly sau khi vụ tấn công mạng này được phát hiện.
Bắc Hàn được cho là có đội ngũ hàng ngàn nhân viên tham gia vào chiến tranh mạng.
Người đào tẩu Bắc Hàn, giáo sư điện toán Kim Heung-Kwang cho BBC hay từ năm 2010, họ đã tập trung vào phát triển các giao diện lập trình ứng dụng, có khả năng được thiết kế để tấn công các cơ sở hạ tầng quốc gia.
Trong những năm gần đây, Bắc Hàn có lịch sử bị cáo buộc tấn công mạng đánh vào các cơ quan chính phủ, nhà băng và công ty truyền thông của Nam Hàn.
Hãng tin Reuters trích lời cảnh sát nói rằng năm 2014, Bắc Hàn có một chiến dịch có bàn tính để cài mã độc.
Chiến dịch này nhằm đặt nền móng cho một cuộc tấn công với tầm cỡ rất lớn, hãng này đưa tin.
Chiến dịch này bị phát hiện hồi tháng Hai năm nay sau khi nhiều tài liệu liên quan đến quốc phòng, bao gồm thiết kế cho cánh của máy bay chiến đấu F-15 bị đánh cắp.
Theo cảnh sát Nam Hàn, đã có khoảng 140.000 máy tính ở 160 công ty bị tấn công cho tới tháng Sáu năm nay.
Singapore đứng đầu bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu PISA
Singapore là nước có học sinh đạt kết quả thi cao nhất trong bảng xếp hạng giáo dục quốc tế. Các thiếu niên Singapore dẫn đầu trong kỳ thi các môn toán, đọc và khoa học.
Bảng xếp hạng PISA có tiếng, do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức, dựa trên các bài thi của các em học sinh 15 tuổi ở hơn 70 quốc gia.
Vương quốc Anh vẫn nằm ở nhóm giữa – sau những nước như Nhật, Estonia, Phần Lan và Việt Nam.
Giám đốc giáo dục OECD, ông Andreas Schleicher nói tiến bộ về giáo dục của Việt Nam là “thật đáng phục” còn Singapore không những “chỉ xếp hạng cao, mà còn ngày càng bỏ xa các nước khác.”
Xếp hạng PISA là gì? Trong ba câu:
Chương trình đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) đưa ra xếp hạng giáo dục dựa trên các bài thi quốc tế dành cho học sinh 15 tuổi ở các môn toán, đọc và khoa học.
Các bài thi này, do OECD tổ chức và thực hiện ba năm một lần, ngày càng trở nên quan trọng với các chính trị gia. Họ coi bảng xếp hạng toàn cầu này như một thước đo về đất nước và các chính sách của họ.
Các nước châu Á tiếp tục dẫn đầu, với Singapore xếp đầu bảng, thay vị trí của Thượng Hải, thành phố mà giờ đây được xếp hạng gộp trong kết quả của Trung Quốc.
Singapore đã thay thế Thượng Hải là nơi có hệ thống giáo dục được xếp hạng cao nhất – và Thượng Hải không còn được xếp hạng riêng trong bảng này.
Đã có nhiều tranh luận về việc Thượng Hải có thể đại diện cho trình độ ở các trường trên khắp Trung Quốc không – và năm nay, lần đầu tiên, Thượng Hải đã được gộp chung trong xếp hạng cho cả nước Trung Quốc, dựa trên kết quả các trường ở bốn tỉnh nước này.
Trong xếp hạng chung tính cả Thượng Hải, Trung Quốc nằm trong top 10 quốc gia về các môn toán và khoa học, nhưng không nằm trong top 20 về môn đọc.
Hong Kong và Macao cũng là những nơi có hệ thống giáo dục được đánh giá cao.
Các nước châu Á đứng đầu
Hệ thống giáo dục của các nước châu Á chiếm phần lớn các vị trí cao trong bảng xếp hạng này – chiếm 7 vị trí đứng đầu về toán. Dẫn đầu là Singapore, sau đó là Hong Kong, Macao, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Hàn.
Phần Lan, Estonia và Ireland là ba nước duy nhất không thuộc châu Á lọt vào các vị trí trong top 5 ở các môn này.
Ông Schleicher cho rằng các nước châu Á như Singapore đã đạt được kết quả cao mà không có sự khác biệt lớn giữa học sinh từ các gia đình khá giả và các gia đình khó khăn.
Học sinh Việt Nam đạt được kết quả cao hơn học sinh Đức và Thụy Sĩ trong môn khoa học – và vượt học sinh Mỹ về khoa học và toán.
Trong số các nước Nam Mỹ, ông Schleicher nhấn mạnh tiến bộ của Peru và Colombia.
đầu châu Á
Nhưng Vương quốc Anh đã không đạt được cải thiện nào – mặc dù các bộ trưởng giáo dục ở Anh coi bảng xếp hạng PISA là một thước đo quan trọng về tiến bộ giáo dục .
Về toán, Anh chỉ xếp thứ 27, tụt một bậc so với cách đây ba năm, ở vị trí thấp nhất kể từ khi Anh bắt đầu tham gia các kỳ thi của PISA năm 2000.
Về đọc, Anh xếp thứ 22, lên một bậc, nhưng vẫn không được vào top 20 như hồi năm 2006.
Môn có nhiều tiến bộ nhất của Anh là khoa học, lên vị trí thứ 15 từ thứ 21. Đây là vị trí cao nhất Anh đạt được kể từ năm 2006, mặc dù điểm thi thì thấp hơn.
Trong Vương quốc Anh, xứ Wales có kết quả thi thấp nhất ở cả ba môn.
Bộ trưởng Giáo dục Anh Kirsty Williams nói: “Chúng ta đều đồng ý là chúng ta không ở vị trí như mong muốn.”
Nhưng bà nói “mọi người đang làm việc chăm chỉ” để cải thiện kết quả ở xứ Wales – và điều quan trọng là phải “đi hết chặng đường”.
Scotland đứng sau Anh và Bắc Ai len, với kết quả tồi nhất từ trước đến nay.
Thứ trưởng Thứ nhất phụ trách về Scotland, ông John Swinney nói “kết quả này cho thấy có cơ sở để cải cách mạnh mẽ nền giáo dục Scotland”.
Anh có kết quả cao nhất trong Vương quốc Anh, nhưng so với những năm trước, “trình độ không hề lên”, ông Schleicher nói.
Giám đốc giáo dục OECD còn đưa quan ngại về tác động của tình trạng thiếu giáo viên. Ông nói một nền giáo dục không bao giờ có thể vượt hơn chất lượng của giáo viên.
“Rõ ràng là có thiếu giáo viên,” ông nói. Ông cảnh báo rằng các hiệu trưởng coi việc thiếu giáo viên như một “cản trở lớn” để nâng cao trình độ học sinh.
Vì sao nền giáo dục Singapore thành công?
Singapore, một nước châu Á nhỏ, đã không ngừng tập trung vào giáo dục như một cách phát triển nền kinh tế và nâng cao mức sống.
Từ một trong những nước nghèo nhất, với nhiều chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ khác nhau, Singapore đã vượt qua nhiều nước giàu hơn ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á để trở thành quốc gia hàng đầu về giáo dục.
Giáo sư Sing Kong Lee, phó chủ tịch Trường Đại học Công Nghệ Nanyang, nơi có Viện Giáo dục Quốc gia Singapore, nói một nhân tố quan trọng là chất lượng dạy học.
“Singapore đầu tư mạnh cho một đội ngũ giáo viên có chất lượng – để tăng uy tín cho nghề dạy học và thu hút những sinh viên đã tốt nghiệp giỏi nhất,” Giáo sư Lee nói.
Singapore tuyển giáo viên từ 5% những sinh viên giỏi nhất trong một hệ thống giáo dục được quản lý tập trung.
Tất cả các giáo viên được đào tạo ở Viện Giáo dục Quốc gia, và Giáo sư Lee nói đây là con đường duy nhất để đảm bảo quản lý chất lượng giáo viên và giúp các giáo viên mới “lên lớp một cách tự tin”.
Đây phải là một biện pháp nhất quán, lâu dài và được theo đuổi hàng chục năm, Giáo sư Lee nhận xét.
Giáo dục là một “hệ sinh thái”, ông nói, và “chúng ta không thể thay đổi một bộ phận riêng rẽ”.
Lãnh đạo các nước nói chuyện với nhau thế nào?
Tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump đã gây chu ý của truyền thông vì cách ông gọi điện cho lãnh đạo quốc tế.
Theo báo New York Times, các đồng minh của Mỹ “cứ gọi đại vào Tháp Trump” trong những ngày sau bầu cử.
Người ta càng thêm sốc khi ông Trump cho hay ông đã nói chuyện với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, mặc dù quan hệ chính thức Mỹ – Đài đã không còn gần 40 năm trước sau đòi hỏi của Trung Quốc.
Nhưng thủ tục nói chuyện bình thường giữa các nguyên thủ là như thế nào?
Putin đây, Obama có nhà không?
“Xin chào, cho tôi nói chuyện với tổng thống?” – trên thực tế ít người trực tổng đài nào sẽ nghe được câu này.
Nhân viên của các lãnh đạo đã phải lo chuẩn bị nền tảng trước khi hai nhà lãnh đạo chào hỏi nhau.
“Khi hai nước có quan hệ khăng khít, phòng hội nghị bên này chỉ cần gọi bên kia và nói lãnh đạo chúng tôi muốn gặp,” theo lời Stephen Yates, từng là phó cố vấn an ninh quốc gia cho cựu phó tổng thống Mỹ Dick Cheney.
Khi hai nước ít liên lạc với nhau, một đại sứ có thể chính thức đề nghị. Họ sẽ đề xuất nội dung nói chuyện, và nếu hai bên đồng tình, nhóm bên kia sẽ đưa nội dung vào nghị trình.
Được báo cáo trước
Các nguyên thủ quốc gia thường được báo cáo rõ trước khi nói chuyện với nhau.
Tại Mỹ, tổng thống được Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) nộp lên hồ sơ.
Nếu chỉ là cuộc gọi xã giao, thông tin cung cấp có thể sơ sài, như ai liên lạc, hai hay ba điểm chính. Cũng có thể nhắc nhờ là cần hỏi thăm người chồng, bà vợ bị ốm.
Nếu chủ đề nhạy cảm, NSC sẽ đề xuất gặp mặt ngắn để tường trình, và rồi cùng lắng nghe cuộc gọi.
Các lãnh đạo thế giới thường có các trợ tá và người phiên dịch ngồi cạnh.
Ngay cả nếu họ biết tiếng nước ngoài, họ cũng thường chỉ nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ.
“Đôi khi là do tự hào dân tộc, nhưng cũng để tránh hiểu lầm,” theo Kevin Hendzel, từng là chuyên gia ngôn ngữ cho Nhà Trắng.
Người phiên dịch cho tổng thống Mỹ phải được kiểm tra an ninh, nhân thân, thậm chí kiểm tra nói dối, trước khi được tiếp cận thông tin nhạy cảm ở cấp độ cao.
Đôi khi quá trình kiểm tra chặt đến nỗi Nhà Trắng loại nhầm người.
Ngoại trưởng Hillary Clinton, năm 2010 viết trong email, rằng “Tôi phải chiến đấu với người trực tổng đài Nhà Trắng, không tin lời giới thiệu của tôi.”
Đường dây nóng
Đường dây nóng Moscow-Washington, thường gọi là “điện thoại đỏ”, là hệ thống đặc biệt cho phép liên lạc trực tiếp giữa lãnh đạo Nga và Mỹ.
“Trái với huyền thoại, đây không phải là phone,” theo lời Kevin Hendzel.
Đường dây này dùng để gửi văn bản và hình ảnh được làm từ sau khủng hoảng tên lửa Cuba 1962, khi hai nước tiến gần đến chiến tranh hạt nhân.
Đây vẫn là hệ thống mở, cho phép liên lạc ngay nếu cần.