Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 20/08/2020

Thursday, August 20, 2020 // ,

 Đọc báo Pháp – 20/08/2020

Liên Âu can thiệp vào khủng hoảng Belarus nhưng ngại phản ứng từ Nga – Mai Vân

Trên trang nhất các tờ báo Pháp ra ngày hôm nay, 20/08/2020 có hai chủ đề lớn đã đẩy toàn bộ các hồ sơ khác xuống hàng thứ yếu: Cuộc đảo chánh quân sự tại Mali và quyết định của Liên Hiệp Châu Âu can thiệp vào Belarus. Điểm được các báo nêu bật là châu Âu đã đứng ra bênh vực phong trào biểu tình chống bầu cử gian lận và trừng phạt giới lãnh đạo tại Minsk, nhưng lại cố tránh khiêu khích Nga.

Trong bài viết mang tựa đề: “Belarus: Châu Âu rón rén vì ngại khiêu khích Matxcơva”, Le Figaro nhận thấy thách thức thực sự đối với châu Âu là tránh được kịch bản Nga sáp nhập Crimée của Ukraina vào năm 2014.

Cố lôi kéo Nga vào một giải pháp cho Belarus

Đối với 27 nước Liên Âu, không thể chỉ ngồi yên quan sát, nhất là nếu Belarus xích lại gần Nga. Nhưng cũng không thể can thiệp quá mạnh, xen quá mức vào nội tình Belarus để thêm củi lửa cho Loukachenko. Châu Âu không quên tuyên bố của Matxcơva, đã nói đến hành động “can thiệp của thế lực ngoại bang” tuy không nêu đích danh châu Âu.

Theo Le Figaro, chính việc lo ngại Nga đưa quân can thiệp đã thúc đẩy Bruxelles tổ chức cuộc họp bất thường. Và cũng không lạ gì khi Charles Michel, Emmanuel Macron và Angela Merkel đều đã nhấc điện thoại để trao đổi với Vladimir Putin, và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu đã ghi nhận tuyên bố của điện Kremlin là Nga không có ý muốn can thiệp quân sự vào Belarus.

Về tiến trình chính trị, châu Âu yêu cầu chính quyền Belarus tiến hành một cuộc đối thoại quốc gia, nhưng tránh kêu gọi bầu cử lại, mà chỉ hỗ trợ cho nguyện vọng dân chủ của người dân Belarus. Và châu Âu cũng không còn nghĩ đến việc làm trung gian hòa giải. Trách nhiệm này được giao  phó cho Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE mà Nga cũng là một thành viên.

Libération: Putin trong tư thế cân nhắc hơn thiệt

Về phần Libération, tờ báo thiên tả này La Croix có cái nhìn hơi khác đồng nghiệp Le Figaro. Bài viết “Belarus: Châu Âu xen vào, Nga kín đáo”, nhấn mạnh đến việc châu Âu đã không công nhận thắng lợi của ông Loukachenko, trong lúc mà Putin, dù chính thức ủng hộ đồng minh của mình, nhưng không quá lộ liễu.

Tờ báo ghi nhận là thủ tướng Đức và tổng thống Pháp đã thúc giục ông Putin gây sức ép với Loukachenko để ông chấp nhận đối thoại với đối lập và từ bỏ việc sử dụng vũ lực. Phủ tổng thống Pháp thì kêu gọi một sự “phối hợp” giữa Nga và châu Âu để tìm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Belarus.

Về phía Nga, ông Putin vẫn tiếp tục ủng hộ đồng minh chính trị, kinh tế, quân sự lâu năm của mình nhưng chỉ chỉ trích một cách nửa vời việc châu Âu can thiệp vào công việc nội bộ Belarus.

Đối với Libération, tuy có những tuyên bố bực dọc, gây lo ngại trong những ngày qua, Nga lúc này có vẻ không sẵn sàng “lội nước” để cứu vãn chế độ sắp sụp đổ của Loukachenko.

Tờ báo trích dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng “Putin đang cân nhắc lợi hại sao cho không phải trả giá cao. Hậu thuẫn cho Loukachenko có lợi lộc gì không? Hay là tác động đến tiến trình chuyển tiếp, gây ảnh hưởng với lãnh đạo tương lai và cả tương lai của đất nước” mà ông không muốn thấy thoát khỏi ảnh hưởng Nga.

Ý kiến chung các chuyên gia là khi nào cuộc phán kháng ở Belarus không có màu sắc bài Nga và thẳng thừng thiên châu Âu thì Putin sẽ không can thiệp.

Cặp bài trùng Macron-Merkel lại phối hợp hành động vì châu Âu

Bài phân tích về quyết định của Liên Hiệp Châu Âu liên quan đến Belarus đã được Le Figaro lồng vào hồ sơ chung về cuộc gặp thượng đỉnh Pháp-Đức mở ra hôm nay tại Pháp mà tờ báo nêu bật trên trang nhất trong hàng tựa chính: “Merkel và Macron chăm lo cho một châu Âu đang chịu nhiều áp lưc”.

Le Figaro đã điểm qua những vấn đề đang khiến hai lãnh đạo hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu nhức đầu: Không kể đến kế hoạch vực dậy kinh tế cần phải triển khai, thủ tướng Đức và tổng thống Pháp còn phải phối hợp hành động trên hồ sơ Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Brexit, Mali, bên cạnh nhiều hồ sơ khác nữa.

Theo tờ báo, sau cú phối hợp ngoạn mục đã cho phép thông qua kế hoạch vực dậy kinh tế châu Âu thời hậu Covid vào cuối tháng 7, Angela Merkel và Emmanuel Macron gặp nhau lại vào hôm nay ở Brégançon tại Pháp, nơi tổng thống Pháp đang nghỉ hè.

Đối với Le Figaro, lời mời của ông Macron cho thấy tầm quan trọng mà ông dành cho quan hệ cá nhân với thủ tướng Đức, với biết bao thách thức đang chờ đợi hai nhà lãnh đạo: Cụ thể hóa đề án vay mượn của châu Âu với bao nhiêu là cuộc thảo luận kỹ thuật phức tạp, phối hợp đáp án chung trước dịch Covid-19 đang tăng lây nhiễm trở lại, gọt dũa các giải pháp của Liên Âu trước tình hình Belarus, đưa ra cùng một tiếng nói đối với Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng sức ép lên Hy Lạp, chuẩn bị cho tình huống không có thỏa thuận về Brexit với Luân Đôn…

Theo Le Figaro, quả là đối với Paris và Berlin, các tình trạng khẩn cấp đang dồn dập, trong bối cảnh giữa hai lãnh đạo không phải lúc nào cũng dễ nhất trí, đặc biệt là trên hồ sơ Thổ Nhĩ Kỳ – Hy Lạp.

Trên các vấn đề này, Le Figaro cho rằng tổng thống Pháp có thể khai thác mối ưu tư hiện này của bà Merkel, muốn dựa trên đầu tàu Pháp-Đức để trau chuốt di sản châu Âu của mình.

Đảo chánh ở Mali, Pháp không khỏi lo ngại

Một trong những chủ đề bao trùm trang nhất các báo Pháp ra ngày hôm nay là cuộc đảo chánh tại Mali, một nước châu Phi đồng minh của Pháp đang vất vả chiến đấu chống các nhóm thánh chiến Hồi Giáo.

Dưới hàng tựa lớn trang nhất: “Tại Mali, một cuộc đảo chánh khiến Pháp lo ngại”, Le Monde đã tóm lược sự kiện, theo đó tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keïta, còn được gọi theo tên tắt là IBK, tại chức từ năm 2013, đã bị lật đổ hôm 18/08 trong một cuộc đảo chánh quân sự. Ông đã bị một nhóm quân nhân bắt giữ vào buổi trưa, đến tối thì loan báo quyết định từ chức trên đài phát thanh và truyền hình quốc gia.

Le Monde ghi nhận là giới quân nhân đảo chánh khẳng định là họ muốn thiết lập một tiến trình « chuyển tiếp chính trị dân sự » sau khi vị tổng thống bị phản đối dữ dội từ nhiều tháng nay bị lật đổ. Một phát ngôn viên của phe đảo chánh cũng cho biết là giới chỉ huy cuộc đảo chánh sẽ tôn trọng các cam kết quốc tế của nước Mali.

Đối với tờ báo Pháp, Paris hiện đang lo ngại rằng cuộc khủng hoảng bùng lên ở Mali sẽ tạo ra một khoảng trống chính trị tại một quốc gia đồng minh của Pháp trong cuộc chiến chống các nhóm thánh chiến đang hoành hành ở vùng ba biên giới Mali, Burkina Faso và Niger.

Trong bài viết trang trong mang tựa « Sau cuộc đảo chính ở Mali, Pháp lo ngại an ninh trong khu vực sẽ tiếp tục xấu đi », Le Monde nêu bật các lý do khiến Paris lo lắng : Đó là việc Mali là một quốc gia không có toàn vẹn lãnh thổ, với quyền lực trung ương quá yếu, nhưng lại là một đồng minh của Pháp trong cuộc chiến chống lại các nhóm thánh chiến và là một nhân tố then chốt trong khu vực châu Phi nói tiếng Pháp.

Chiến dịch Barkhane của Pháp dứt khoát bị tác động

Nhật báo Công Giáo La Croix cũng dành tựa chính trang nhất cho tình hình Mali, nhưng nhìn thấy là nước này đã tiến thêm “một bước vào chốn mịt mù“.

Đối với La Croix, sau khi bị giới quân nhân đảo chánh lật đổ, tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keïta đã tuyên bố từ chức, giải tán chính phủ và Quốc Hội. Trong lúc đó thì phe đảo chánh đã lên tiếng kêu gọi thiết lập một “tiến trình chuyển tiếp chính trị dân sự” với mục tiêu là tổ chức được một cuộc “tổng tuyển cử đáng tin cậy” thể hiện tính dân chủ và yêu cầu hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Theo La Croix, đây là một “tiến trình chuyển tiếp đầy nguy cơ” do việc người dân đã mất niềm tin nghiêm trọng đối với giới chính trị Mali, trong lúc đất nước này tiếp tục bị các nhóm thánh chiến Hồi Giáo đe dọa.

Boubacar Traoré, giám đốc Văn Phòng Tham Vấn về an ninh châu Phi Afriglob cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay tại Mali là làm sao “tạo lại tính chính đáng cho Nhà nước và áp đặt được quyền lực quốc gia” trên người dân vốn đã phải liên tục trải qua những cuộc khủng hoảng chính trị.

Đối với nước Pháp, La Croix ghi nhận là cuộc đảo chánh đã đặt ra một thách thức mới cho chiến dịch Barkhane mà Pháp đang tiến hành chống thánh chiến Hồi Giáo tại Mali.

Cho dù ngay trong những phát biểu đầu tiên, phe đảo chánh ở Mali đã nhấn mạnh đến tính bền vững của các hoạt động quốc tế đang diễn ra ở Mali, thì cho dù không bị đe dọa, nhưng chiến dịch Barkhane vốn bao trùm vùng 3 biên giới Mali, Burkina Faso và Niger sẽ gặp thêm trở ngại trong một môi trường bất ổn và biên giới bị khép kín.

Đảo chánh ở Mali: 7 năm lãng phí?

Đề tài Mali cũng hiện diện trên trang nhất tờ báo thiên tả Libération, dù không phải là chủ đề số một, dưới dạng một câu hỏi ngắn gọn: “Đảo chánh tại Mali: Đe dọa hay hy vọng?

Trong một hồ sơ dài 4 trang bên trong, Libération giải thích rõ ràng hơn. Cuộc đảo chánh là một mối đe dọa vì đánh dấu sự thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc ổn định đất nước.

Libération nhắc lại rằng vào năm 2012, tại Mali cũng đã xẩy ra một cuộc đảo chánh quân sự, lật đổ chế độ của tổng thống Amadou Toumani Touré, với hệ quả là đẩy miền bắc Mali vào vòng tay các nhóm thánh chiến. Pháp đã phải tung chiến dịch Serval để can thiệp và tái chiếm miền bắc. Sau đó, Ibrahim Boubacar Keïta, được bầu lên làm tổng thống Mali rồi được bầu lại vào mùa hè năm 2018.

Thế nhưng, tình hình Mali vẫn không yên, miền bắc Mali không những chưa được bình định mà giờ đây, đến lượt miền trung Mali cũng bị lực lượng thánh chiến liên tục tấn công. Và chế độ IBK, bị người dân phản đối ngày càng dữ dội, đã lại bị cuộc đảo chánh quân sự hôm thứ Ba vừa qua lật đổ một cách dễ dàng.

Tuy nhiên theo Libération, cuộc đảo chánh lần này dường như lại được cả phe đối lập lẫn người dân Mali ủng hộ vì họ rất chán ngán chế độ tệ hại đương quyền, và đây chính là dấu hiệu hy vọng.

Thanh niên Thái Lan đòi cải tổ chế độ quân chủ

Về châu Á, Libération nhìn về Thái Lan với biểu tình sôi sục và ghi nhận trong hàng tựa : Người Thái đòi hỏi “cải tổ chế độ quân chủ”.

Tờ báo phỏng vấn bà Christine Cabasset, thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Đương Đại, để tìm hiểu thêm về những cuộc biểu tình của sinh viên Thái Lan gần đây, chưa từng thấy về quy mô cũng như đòi hỏi, sẵn sàng tố cáo nền quân chủ Thái Lan. Hôm Chủ Nhật 16/08 vừa qua, đã có 10.000 người xuống đường, điều chưa từng thấy từ năm 2016.

Theo chuyên gia Cabasset, những người biểu tình có 4 yêu sách chính: Trước tiên họ đòi hỏi giải tán Quốc Hội, tức là muốn thủ tướng Prayuth ra đi; họ cũng muốn có một Hiến Pháp mới, vì Hiến Pháp hiện tại là do chế độ quân phiệt soạn ra; đòi hỏi thứ 3 là chấm dứt sách nhiễu đối lập. Riêng yêu sách thứ tư là điều chưa từng có từ trước đến nay: Cải tổ chế độ quân chủ.

Theo bà Christine Cabasset, đòi hỏi thứ tư còn mang tính lịch sử. Quốc vương hiện tại Rama X, lên ngôi tháng 5/2019. Người cha, quốc vương Rama IX – đã trị vì suốt 69 năm – rất được kính trọng, nhưng quốc vương mới không có được hào quang này. Ông sống phần lớn thời gian tại Đức và bị chỉ trích về cuộc sống xa hoa.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Pháp, phải lưu ý người Thái không đòi bãi bỏ nền quân chủ mà chỉ muốn hiện đại hóa, muốn Quốc Hội có quyền kiểm soát nhà vua, hoàng gia và tài sản của vua.

Vấn đề là ở Thái Lan, chỉ trích chế độ quân chủ là việc làm rất nguy hiểm. Chiếu theo luật khi quân nghiêm khắc hiện hành, thì mọi chỉ trích có thể dẫn đến án tù giam.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200820-li%C3%AAn-%C3%A2u-can-thi%C3%AA%CC%A3p-va%CC%80o-khu%CC%89ng-hoa%CC%89ng-belarus-nh%C6%B0ng-nga%CC%A3i-pha%CC%89n-%C6%B0%CC%81ng-t%C6%B0%CC%80-nga

 

Tin tổng hợp

(CGTN & TTVN) – Đập Tam Hiệp đạt đỉnh lũ lịch sử. 

Vào lúc 8 giờ sáng ngày 20/08/2020, lưu lượng nước đổ về đập thủy điện lớn nhất thế giới, khánh thành năm 2006, ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã lên đến 75.000 mét khối/giây. Trước áp lực này, đập Tam Hiệp đã phải mở 11 cửa xả lũ, với lưu lượng xả 49.400 mét khối/giây. Cũng trong ngày 20/08, báo chí Việt Nam cho biết nhà máy thủy điện Mã Đồ Sơn ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, thông báo xả lũ suốt 8 giờ trên sông Hồng, nhưng không cho biết lưu lượng xả, khiến phía Việt Nam vất vả đối phó.

(AFP) - Hồng Kông : Các nội dung « nhạy cảm » bị rút khỏi sách giáo khoa. 

Báo chí Hồng Kông hôm 20/08/2020 loan báo, các nhà xuất bản ở đặc khu được yêu cầu rút khỏi sách giáo khoa các nội dung như khái niệm bất tuân dân sự, hình ảnh một số khẩu hiệu của phong trào đấu tranh dân chủ, và tên một số đảng phái. Nghiệp đoàn giáo chức Hồng Kông (HKPTU) tố cáo việc kiểm duyệt này, kêu gọi chính quyền bảo đảm tự do trong ngành giáo dục.

(SCMP) – Ấn Độ và Trung Quốc cùng gởi chiến đấu cơ đến biên giới. 

Các chiến đấu cơ tân tiến nhất được điều đến những căn cứ không quân gần biên giới Ấn-Trung ở Himalaya. Các hình ảnh vệ tinh từ thứ Hai 17/08/2020 cho thấy hai phi cơ tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc xuất hiện tại căn cứ Hòa Điền (Tân Cương) cách khu vực tranh chấp Aksai Chin 320 km. Ấn Độ đã triển khai năm chiến đấu cơ hiện đại Dassault Rafale đến Ladakh, bay tuần tra ban đêm ở vùng núi Himachal Pradesh.

(AFP) – Gián điệp : Na Uy trục xuất một nhân viên ngoại giao Nga. 

Thứ Tư 19/08/2020, hai hôm sau khi bắt quả tang một công dân Na Uy trao tài liệu cho một nhân viên ngoại giao Nga trong một nhà hàng, Oslo cho biết đã thông báo tin này cho Sứ quán Nga và yêu cầu nhân viên Nga, thực sự là điệp viên, từ nay đến cuối tuần  phải rời Vương quốc. Theo hồ sơ tư pháp, nghi can Na Uy tên Harsham Singh Tathgar, hoạt động trong ngành dầu hỏa, nhìn nhận đã trao cho điệp viên Nga nhiều thông tin, đổi lại « các khoản tiền quan trọng » nhưng khẳng định là các tài liệu này « không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia ». Trên FaceBook, Sứ quán Nga cho rằng « trợ lý đại diện thương mại » bị câu lưu mà không có lý do chính đáng.

(AFP) – Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quân nhân Mali đảo chính lập tức quay về doanh trại. 

Ngoài ra, các thành viên Hội Đồng Bảo An họp khẩn hôm 19/08/2020 còn yêu cầu trả tự do ngay cho tất cả các nhà lãnh đạo bị bắt, nhấn mạnh sự cần thiết phải « tái lập Nhà nước pháp quyền, hướng về trật tự hiến định ». Tổng thống Mali, Ibrahim Boubacar Keïta, bị phe đảo chính lật đổ tối thứ Ba 18/08 đã từ chức. Dù các quân nhân đảo chính đã có những tuyên bố trấn an, nhưng Liên minh châu Phi đã ngưng tư cách thành viên của Mali.

(AFP) – Google bị trục trặc trên toàn thế giới. 

Nhiều dịch vụ phổ biến của Google như Gmail hôm 20/08/2020 bị rối loạn trong nhiều tiếng đồng hồ. Google cho biết dịch vụ Gmail đã được tái lập đối với một số người sử dụng và tập đoàn này đang tiếp tục khắc phục. Sự cố bắt đầu xảy ra vào 5 giờ GMT, việc gởi các mail và tập tin đính kèm, ghi lại các cuộc họp video, tạo tập tin trên Drive đều không thực hiện được, chủ yếu tại châu Âu, Đông Nam Á và Nhật Bản.

(Vietnamnet) – Covid-19 : Việt Nam hiện có 150 ổ dịch.

Trong lúc chính quyền thông báo đã kiểm soát được ổ dịch thành phố Hải Dương, và bộ Giáo Dục cho biết chuẩn bị tiến hành kỳ thi tốt nghiệp phổ thông đợt 2, bộ Y Tế hôm 20/08/2020 báo động về số lượng 150 ổ dịch đã có, và yêu cầu tất cả các địa phương « rà soát các kịch bản ứng phó ». Quyền bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long  nhấn mạnh « nếu dịch xảy ra ở các địa phương khác, sẽ bùng phát không kém Đà Nẵng ». Ngày 20/08, Việt Nam thông báo có thêm 14 ca nhiễm mới, trong đó có 12 ca trong nước và 2 ca nhập cảnh.

(AFP) – Covid-19 : Châu Âu chống dịch trọng điểm, không phải phong tỏa toàn xã hội. 

Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), hôm 20/08/2020, khen ngợi các quốc gia thuộc Liên Hiệp Châu Âu đã « chuẩn bị tốt », khoanh vùng, đẩy lùi dịch ngay tại các địa phương, có nguy cơ bùng phát. Châu Âu « vừa xử lý được dịch bệnh, vừa duy trì được các hoạt động kinh tế và giáo dục » là ghi nhận của đại diện WHO tại châu Âu, ông Hans Kluge.

(AFP) – Covid-19 :  Liên Hiệp Châu Âu ký hợp đồng thứ 4 mua vac-xin.

Ủy Ban Châu Âu hôm 20/08/2020, thông báo đã đặt mua 225 triệu liều vac-xin của hãng bào chế Đức CureVac. Ba hợp đồng trước đó là mua của hãng dược Pháp Sanofi (300 triệu), của hãng dược Mỹ Johnson & Johnson (400 triệu) và hãng dược Anh-Thụy Điển AstraZeneca (300 triệu liều).

(AFP) – Bác sĩ Fauci : Mỹ sẽ không bắt buộc toàn dân tiêm vac-xin.

Ngày 19/08/2020, bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Hoa Kỳ về các bệnh truyền nhiễm, thông báo chính quyền Liên bang sẽ không bắt buộc toàn dân tiêm chủng, mà tùy theo các nhóm có nguy cơ, ví dụ như các nhân viên y tế, hay trẻ em. Vài giờ trước đó, thủ tướng Úc thông báo tiêm chủng chống Covid-19 sẽ là bắt buộc với toàn dân, ngoại trừ một số trường hợp không tiêm chủng vì lý do y tế.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200820-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 20/8:

Nối tiếp vợ, ông Obama có kế hoạch

nói xấu ông Trump;

Mỹ dừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông

Lục Du

Sáng nay, thứ Năm (20/8), mục Điểm tin thế giới của DKN xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin sau:

Nối tiếp vợ, ông Obama có kế hoạch nói xấu ông Trump

Tài liệu rò rỉ cho thấy, trong bài phát biểu vào thứ Tư trước các đảng viên đảng Dân chủ, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama dự định sẽ nêu ra các thất bại của Tổng thống Trump khiến 170.000 người Mỹ chết vì đại dịch viêm phổi Vũ Hán, làm mất hàng triệu việc làm và đe dọa nền dân chủ cả trong và ngoài nước, theo Reuters

Vợ của ông Obama, bà Michelle, đã lên tiếng chỉ trích ông Trump hôm thứ Hai rằng Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ không có năng lực và “đơn giản là không thể trở thành người mà chúng ta cần”.

Sau đó ông Trump đã phản pháo khi nói trên Twitter rằng ông sẽ không thể trở thành Tổng thống Mỹ nếu như không phải vì những việc làm của ông Obama, chồng bà Michelle, ám chỉ rằng sự yếu kém của vị tổng thống da màu đã khiến cử tri Mỹ chọn ông làm tổng thống trong cuộc bầu cử hồi cuối năm 2016.

Mỹ dừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ngừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông hôm thứ Tư, theo SCMP. Đây là động thái trừng phạt tiếp theo của Washington đối với Bắc Kinh kể từ khi lực lượng đang nắm quyền ở Trung Quốc bị chỉ trích vì thông qua luật an ninh quốc gia nhằm bóp nghẹt tự do của đặc khu này.

Hiệp ước dẫn độ là một trong ba thỏa thuận song phương giữa Hoa Kỳ với Hồng Kông mà chính quyền Trump tuyên bố sẽ đình chỉ.

Bà Morgan Ortagus, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Các thỏa thuận này bao gồm việc [dẫn độ] những tội phạm đào tẩu tự thú, chuyển giao những người bị kết án và miễn thuế đối ứng đối với các khoản thu có được từ hoạt động quốc tế của các con tàu”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết động thái này thực hiện theo lệnh hành pháp ngày 14/7 của Tổng thống Donald Trump, trong đó tuyên bố rằng, vì luật an ninh quốc gia, Hồng Kông “không còn đủ tự chủ để nhận được sự đối xử đặc biệt trong mối quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Trung Quốc & Nga đối nghịch EU trong vấn đề Belarus

Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu (EU) đã thể hiện xu hướng đối lập trong vấn đề Belarus. Trung Quốc và Nga cho thấy họ muốn bảo vệ Tổng thống Lukashenko thì EU từ chối kết quả bầu cử bị người dân Belarus lên án là gian lận, giúp vị tổng thống đã tại vị 26 năm tiếp tục nắm quyền, theo bản tin hôm thứ Năm của SCMP.

Chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích “các thế lực nước ngoài” làm hỗn loạn Belarus, còn chính phủ Nga đe dọa sẽ điều quân đội tới giúp ông Lukashenko dập tắt các cuộc biểu tình rầm rộ trong những ngày qua.

Sau một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến khẩn cấp, Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel đã gửi một thông điệp tới người dân Belarus rằng EU “đứng về phía các bạn”.

Các cuộc biểu tình lớn chưa từng có trong lịch sử của Belarus phản đối và yêu cầu Tổng thống Lukashenko từ chức đã bước sang ngày thứ 11.

Úc bắt giữ tàu cá chở 2 tấn Cocaine

Một con thuyền đánh cá đang vận chuyển 2 tấn cocaine đã bị chặn ở vùng biển Australia vào cuối tuần qua. Đây là vụ buôn bán ma túy bất hợp pháp lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện ở Australia, nhà chức trách Úc cho biết thông tin hôm thứ Tư, theo Fox News.

Tàu Coralynne đã bị chặn vào đêm thứ Bảy ngoài khơi Newcastle sau khi các sĩ quan tình báo Úc thấy con tàu này nhận những kiện hàng hóa đáng ngờ từ một con tàu nước ngoài.

Lực lượng Biên phòng Australia cho biết 1,98 tấn cocaine có nguồn gốc từ Hoa Kỳ được chứa trong 1.890 kiện hàng đã được đưa ra khỏi tàu đánh cá hiện đang cập cảng Sydney. Cơ quan này cho biết giá trị của lô hàng cấm này lên đến 616 triệu USD.

Afghanistan: Đánh bom, ít nhất 4 người thiệt mạng

Có ít nhất 4 người chết và 13 người bị thương sau các vụ đánh bom nhắm vào các cơ quan chính phủ ở Afghanistan, các quan chức địa phương cho biết thông tin hôm thứ Tư, theo Fox News.

Hai quả bom gắn vào nhau phát nổ ở thủ đô Kabul của Afghanistan đã giết chết hai nhân viên công lực, trong đó có một sĩ quan cảnh sát và làm bị thương hai người khác, cảnh sát thông tin.

Trong một vụ khác ở Puli Khumri, thủ phủ tỉnh Baghlan ở phía bắc Afghanistan, một quả bom nhắm vào một chiếc xe của cơ quan tình báo tỉnh, khiến 2 người tử vong và 11 người bị thương, bao gồm cả quân đội và dân thường, Nazir Najem, người phát ngôn của tỉnh trưởng tỉnh Baghlan cho biết.

Hiện chưa có lực lượng nào đứng ra nhận trách nhiệm cho các vụ tấn công. Phát ngôn viên lực lượng Taliban, Zabiullah Mujahid, nói rằng ông không biết có các vụ nổ ở Kabul, theo AP.

Mỹ sẽ khôi phục hầu hết lệnh trừng phạt Iran

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Tư cho biết, ông đang chỉ đạo Ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) rằng Mỹ có kế hoạch khôi phục hầu như tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đã bị đình chỉ trước đây đối với Iran, theo Reuters.

Trước đó vào thứ Ba, Reuters đưa tin ông Pompeo có thể sẽ đến New York vào thứ Năm để thúc đẩy các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran, và sẽ cuộc gặp với với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres.

Hiện Nga và Trung Quốc đang tìm cách cản trở Hoa Kỳ trừng phạt chính phủ Iran, lực lượng bị coi là kẻ quấy rối và bảo trợ cho các tổ chức khủng bố khét tiếng ở Trung Đông.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-20-8-noi-tiep-vo-ong-obama-co-ke-hoach-noi-xau-ong-trump-my-dung-hiep-uoc-dan-do-voi-hong-kong.html

 

Điểm tin thế giới tối 20/8:

Ông Obama đăng đàn nói xấu ông Trump;

Trung Quốc chỉ trích Mỹ

vì ngừng hiệp ước với Hồng Kông

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (20/8) của DKN xin gửi tới quý bạn đọc nội dung tóm lược của những tin sau:

Ông Obama đăng đàn nói xấu ông Trump

Cựu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ Tư đã ra mặt công kích người kế nhiệm Donald Trump, nói rằng ông Trump không phù hợp với chức vụ mà ông đang nắm giữ, và cho rằng việc bỏ phiếu cho ông Joe Biden vào cuối năm nay là điều cần thiết để đảm bảo cho sự tồn tại của nền dân chủ Mỹ, theo Reuters.

“Ông ấy không chú tâm đến công việc; không quan tâm đến việc tìm kiếm điểm chung; không quan tâm đến việc sử dụng quyền hành lớn để giúp đỡ bất cứ ai ngoài bản thân và bạn bè của mình; không quan tâm đến việc đối đãi một cách đúng đắn đối với vai trò tổng thống ngoài việc lợi dụng nó để thu hút sự chú ý mà ông ấy khao khát”, ông Obama chỉ trích ông Trump trong đêm thứ ba của Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ.

“Donald Trump không làm tốt được công việc bởi vì ông ấy không thể”, ông Obama nhân xét. “Và hậu quả của thất bại đó là nghiêm trọng”.

Trước khi nghỉ hưu ông Obama từng chất vấn kế hoạch phát triển kinh tế của ông Trump, nói rằng chỉ có cây đũa thần ông Trump mới có thể giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức 3%. Tuy nhiên, trái ngược với những dự đoán của ông Obama, kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã tăng trưởng ngoạn mục. Năm 2018, tỷ lệ tăng trưởng GDP Mỹ đạt 3,18%, và trước khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán xảy ra, có thời điểm tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm trở lại đây.

Ông Obama cũng bị chỉ trích đã quá nhu nhược trước chính quyền Trung Quốc. Dưới thời vị tổng thống da màu, Bắc Kinh đã hoàn thành việc bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Trung Quốc chỉ trích Mỹ vì ngừng hiệp ước với Hồng Kông

Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông đã lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ sau khi Washington đình chỉ ba hiệp ước song phương với Hồng Kông, bao gồm hiệp ước dẫn độ và hiệp ước miễn thuế cho tàu bè, nhấn mạnh rằng việc chấm dứt những hiệp ước này sẽ gây hại cho cả hai bên, theo SCMP.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm thứ Năm cho biết Bắc Kinh ủng hộ quyết định đình chỉ thỏa thuận giữa Hồng Kông và Mỹ về tương trợ tư pháp trong các vấn đề hình sự để trả đũa “những hành vi sai trái” của Hoa Kỳ.

“Chúng tôi ghi nhận tuyên bố của chính quyền Hồng Kông, trong đó phản đối và lên án mạnh mẽ việc đơn phương đình chỉ các thỏa thuận [của phía Mỹ]. Phía Trung Quốc hoàn toàn đồng ý với quan điểm của chính quyền Hồng Kông trong việc này”, ông Triệu nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.

Trung-Nga có thể bị Mỹ trừng phạt trong vấn đề Iran

Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cảnh báo Nga và Trung Quốc không nên coi thường việc tái khởi động tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran, điều mà Tổng thống Trump đã chỉ đạo ông nêu ra tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc ở New York hôm thứ Năm, theo Reuters.

Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có chế tài Nga và Trung Quốc nếu họ từ chối tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran hay không, ông Pompeo nói với Fox News hôm thứ Tư rằng: “Chắc chắn vậy”.

Ông Pompeo sẽ gặp ông Dian Triansyah Djani – Đại sứ Indonesia tại Liên Hợp Quốc, người đang giữ chức chủ tịch HĐBA trong tháng 8 – để gửi đơn khiếu nại về việc Iran không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Kim Jong Un thừa nhận không đạt mục tiêu kinh tế

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thừa nhận kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của ông đã không đạt được các mục tiêu trong nghị quyết, đồng thời cam kết sẽ công bố một kế hoạch mới tại đại hội đảng Lao động sẽ được tổ chức vào tháng Giêng năm tới, truyền thông KCNA của Triều Tiên đưa tin hôm thứ Năm, theo Yonhap.

“Nền kinh tế đã không được cải thiện khi liên tục đối mặt với tình hình căng thẳng cả trong lẫn ngoài và những thách thức đa dạng, bất ngờ từ nhiều phía”, ông Kim nói trong khi đọc một nghị quyết được thống nhất tại cuộc họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên tổ chức hôm thứ Tư.

Rất hiếm khi lãnh đạo Triều Tiên thừa nhận thất bại trong chính sách của mình.

Các chuyên gia nhận định, ông Kim cũng có thể tận dụng thời điểm diễn ra đại hội đảng Lao động để công bố chính sách mới của Bình Nhưỡng đối với Hoa Kỳ sau khi đã biết kết quả ai là người chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, ông Trump hay ông Biden.

Nga: Chính trị gia đối lập Putin hôn mê, nghi bị đầu độc

Ông Alexei Navalny, chính trị gia Nga đối lập với chính phủ Putin, đã rơi vào trạng thái hôn mê tại một bệnh viện ở Siberia hôm thứ Năm sau khi uống một tách trà. Người phát ngôn của ông Navalny, bà Kira Yarmysh, tin rằng tách trà mà ông uống đã bị bỏ thuốc độc, theo Reuters.

Ông Navalny bắt đầu cảm thấy mệt khi trở về Moscow từ Siberia bằng máy bay vào sáng thứ Tư. Ông đã được nhanh chóng đưa tới bệnh viện sau khi máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống thành phố Omsk.

“Chúng tôi cho rằng Alexei đã bị đầu độc bằng thứ gì đó trộn vào trà của ông. Đó là thứ duy nhất ông ấy uống vào buổi sáng. Alexi giờ đã bất tỉnh”, bà Yarmysh nói.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-20-8-ong-obama-dang-dan-noi-xau-ong-trump-trung-quoc-chi-trich-my-vi-ngung-hiep-uoc-voi-hong-kong.html

Tin Việt Nam – 20/08/2020

 Tin Việt Nam – 20/08/2020

Giới phê bình nói gì về việc VN tiếp tục xây tượng đài Hồ Chí Minh?

Việc xây tượng đài Hồ Chí Minh trăm tỉ, nghìn tỉ khắp nơi là nhằm củng cố chế độ và cũng là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, theo một số các nhà phân tích.

Giữa lúc Việt Nam đang gồng mình chống dịch Covid-19, việc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang hôm 7/8 công bố chi 353 tỉ đồng xây quảng trường rộng 8,29 ha tại đảo Phú Quốc, bao gồm tượng đài lãnh tụ Hồ Chí Minh cao 18 mét, đã gây ra nhiều tranh luận.

Trước đó, ngày 13/6, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình, công trình “kỷ niệm 63 năm ngày Bác Hồ về thăm địa phương” nằm ở trung tâm thành phố Đồng Hới, với cụm tượng đài màu vàng nổi bật.

Công trình có vốn đầu tư 120 tỉ đồng này đã xuất hiện nhiều vết nứt chỉ sau hơn một tháng kể từ khi khánh thành.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, tiến sĩ Nguyễn Quang A đánh giá:

“Việc xây tượng đài Hồ Chí Minh cũng như các nhà lãnh đạo cộng sản khác như Fidel là chủ trương nhất quán của đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu nhìn lại lịch sử của cả thế giới, tất cả các nhà cầm quyền đều vô cùng coi trọng biểu tượng như quảng trường, hình lãnh tụ, lá cờ, bài hát hay tượng đài, chúng là phần vô cùng quan trọng của hệ thống”.

“Nó giúp gieo vào đầu con người hình gắn bó với chế độ”, ông nói thêm.

‘Áp đặt tư tưởng để củng cố chế độ’

Năm 2015, UBND tỉnh Sơn La công bố đề án chi 1.400 tỉ đồng xây quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh, trong đó “công trình tượng Bác Hồ chiếm khoảng 200 tỉ đồng”. Trong bối cảnh Sơn La là tỉnh nghèo, nhiều người dân thiếu ăn, công trình “ngàn tỉ” này ngay lập tức bị người dân, giới trí thức và một số đại biểu Quốc hội phản đối kịch liệt.

Tại Việt Nam, hàng trăm tượng đài, đền thờ, công viên tưởng niệm Hồ Chí Minh và các lãnh tụ cộng sản khác, như Lê Duẩn, Fidel Castro, Tôn Đức Thắng…, đã mọc lên khắp các tỉnh thành trong nhiều năm qua, với chi phí mỗi công trình từ vài chục tỉ đồng tới cả ngàn tỉ đồng. Con số tượng đài đang tiếp tục tăng giữa lúc đề án mới đang được triển khai.

Châu Á và cơn sốt dựng tượng

Việt Nam ‘làm tượng đài hoành tráng quá’

Theo đề án quy hoạch, Việt Nam xây thêm 14 tượng đài Hồ Chí Minh nữa trong giai đoạn 2015-2030 (không tính 31 tượng đài đã được xây trước khi có đề án), trong đó có những tượng đài đã hoàn thành ở Quảng Bình, Bình Định trong vài năm gần đây… Con số trên chỉ bao gồm tượng đài nhóm A, tức tượng đài lớn ở các đô thị trung tâm hành chính, chưa tính một số lượng lớn tượng đài trong khuôn viên cơ quan, tổ chức, trường học.

Đa phần các công trình đều ngự trị ở trung tâm thành phố, đập vào mắt người dân mỗi ngày như nhắc họ không được quên các lãnh tụ cũng như hệ tư tưởng mà các lãnh tụ đó sáng lập, vun bồi. Theo giới phân tích, việc xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh là nhằm “áp đặt tư tưởng” phục vụ cho mục đích “củng cố chế độ”.

“Việc xây dựng tượng đài giúp củng cố chế độ, gieo vào đầu người dân khuôn khổ suy nghĩ trong giới hạn môi trường do chính đảng Cộng sản tạo ra. Đây là sự áp đặt tư tưởng qua biểu tượng. Kể cả âm nhạc, nghệ thuật cũng là một phần của hệ thống cai trị này”, ông Nguyễn Quang A nói.

Ông phân tích thêm: “Những biểu tượng đó có ảnh hưởng rất lớn và sâu rộng. Người dân phải nghe ra rả những điều như thế suốt từ nhỏ đến lớn qua báo đài, kịch nhạc, phim ảnh. Dần dần, những điều này hằn sâu vào con người, khiến họ tự hào với truyền thống và quá trình lịch sử đấy và biến nó từ của một nhóm người thành của một cộng đồng được tạo ra theo khuôn mẫu của họ. Đấy là ‎ý đồ rất thâm sâu.

Nếu không có phản biện, không có tự do ngôn luận để xới những vấn đề đó ra thì người dân rất dễ rơi vào mụ mẫm với những niềm tin như vậy”.

Ông Nguyễn Quang A đánh giá tác động của việc chi ngân sách xây dựng tượng đài đối với dân tộc “là khủng khiếp” nhưng với đảng Cộng sản Việt Nam thì việc xây tượng đài “góp phần củng cố cho chế độ nên họ sẵn sàng chi tiêu”.

“Đây là phần quan trọng của bộ máy kìm kẹp tư tưởng. Vấn đề không phải là nên dành ngân sách xây tượng đài vào những khoản cấp bách khác như trường học, bệnh viện… mà vấn đề là họ không tiếc tiền để làm điều đó”, ông phân tích.

“Họ vẫn phải lo những vấn đề cấp bách nhưng đồng thời, các biểu tượng vẫn phải được duy trì. Nhiều khi chúng ta coi thường các biểu tượng đó và đấy là mối nguy hiểm. Vì ở tầng sâu của các biểu tượng như vậy, họ muốn đánh vào tiềm thức của người dân và muốn viết lại lịch sử, vẽ nên khuôn khổ để người dân tư duy trong đó. Phải hiểu sự sâu xa, thâm độc mới có thể đánh giá và tìm phương án giải quyết”.

Từ Ba Lan, nhà văn, doanh nhân Trần Quốc Quân chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng dựng tượng đài ngoài trời không phải là văn hóa hay tín ngưỡng của người Việt Nam cổ đại và cận đại. Ông nói văn hóa này theo chân thực dân Pháp du nhập vào Việt Nam trong quá trình “khai hóa văn minh” thuộc địa.

“Từ khi chế độ xã hội chủ nghĩa được thiết lập ở miền Bắc năm 1954 và trên cả nước năm 1975, các thể loại tượng đài lãnh tụ, danh nhân, anh hùng, liệt sĩ… đã trăm hoa đua nở. Điều này gần đây trở thành đại dịch bùng phát khắp các địa phương”, ông nói.

“Không thể phủ nhận thực tế là hình tượng Hồ Chí Minh vẫn ngự trị trong tâm tưởng một bộ phận lớn đảng viên, cán bộ và dân chúng. Đảng và chính quyền luôn xác định hình tượng Hồ Chí Minh là chỗ dựa tinh thần của toàn đảng, toàn quân, toàn dân đối với sự tồn vong của chế độ”, nhà văn Trần Quốc Quân đánh giá.

‘Tệ sùng bái cá nhân’

Trực tiếp chứng kiến những thay đổi ngoạn mục tại Đông Âu trong nhiều năm qua, nhà văn Trần Quốc Quân cho rằng “văn hóa tượng đài” của Việt Nam bị ảnh hưởng từ các nước này.

“Ở các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa và Liên Xô trước đây, tượng đài lãnh tụ cộng sản được xây dựng tại hầu hết các thành phố lớn xuất phát từ tệ sùng bái cá nhân, sùng bái lãnh tụ mà không dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống nào”, ông Quân nói.

“Các tượng đài chỉ tồn tại cùng với sự tồn tại của chế độ. Khi chính thể xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Đông Âu năm 1989 và 1990, rồi đến Liên Xô năm 1991 thì các tượng đài lãnh tụ cộng sản đã bị nhân dân giật đổ, chỉ còn lại ở vài nước tồn tại thể chế độc tài như Nga, Belarus, Kazakhstan, Turkmenistan…”

“Thể chế Việt Nam cộng sản cũng có tệ sùng bái cá nhân, sùng bái lãnh tụ. Việc dựng tượng đài ở Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ các nước như Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên và Đông Âu là điều không thể phủ nhận, và chẳng hề xuất phát từ truyền thống văn hóa nào của dân tộc”, ông Quân nhấn mạnh.

Trong mối liên hệ với Việt Nam, ông Quân kể lại một quá khứ với nhiều thay đổi tại nơi ông đang sống: “Tôi có may mắn chứng kiến quá trình sụp đổ của chủ nghĩa xã hội Đông Âu và Liên Xô thời 1989-1991, khởi đầu từ Ba Lan. Trong những ngày chuyển đổi thể chế, tôi tận mắt thấy người dân Ba Lan hồ hởi đi phá tượng F. E. Dzerzhinsky, là người Ba Lan, bạn chiến đấu của Lenin, trùm lực lượng an ninh Treca của Liên Xô sau Cách mạng tháng 10″.

“Tôi cũng thấy người dân Ba Lan đập bỏ hàng loạt tượng Lenin trong những ngày cách mạng sục sôi”, ông kể. “Năm 2014, sau khi phong trào Maidan ở Ukraine lật đổ tổng thống Viktor Yanukovych thân Nga, nhiều tượng đài Lenin đã bị giật đổ trong tiếng hò”.

‘Dễ cấp phép và dễ tham nhũng’

Theo các nhà quan sát, bởi Hồ Chí Minh là biểu tượng của chế độ nên các dự án mang tên lãnh tụ này thường được chính quyền xem xét trước hết ở khía cạnh chính trị mà bỏ qua các yếu tố kinh tế. Đó cũng là lý do các dự án này thường dễ được duyệt hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhắc lại một bài viết của tác giả nước ngoài về đường Hồ Chí Minh nhiều năm trước, trong đó có chi tiết “khen ngợi ý tưởng đặt tên đường”.

“Mang tiền xây dựng con đường trên lưng chừng núi là hoàn toàn phi nghĩa về mặt kinh tế nhưng bởi vì nó mang tên Hồ Chí Minh, đụng vào cốt lõi tư tưởng, biểu tượng của hệ thống thì dễ thông qua. Tượng đài Hồ Chí Minh cũng tương tự vậy”, ông nói.

Ông lưu ý thêm: “Những dự án này sẽ thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Nhưng vì động cơ dự án lại phù hợp với hệ thống nên được duyệt dễ dàng. Đây là phần chi phí đổi lấy sự tôn thờ của người dân. Có nhiều người tôn thờ, treo ảnh lãnh tụ trên bàn thờ là điều giúp chế độ này cai trị dễ. Như vậy, đối với người dân, điều này có thể là tai họa nhưng với người muốn nắm quyền, muốn duy trì hệ thống thì đây là khoản đầu tư sinh lời”.

Nhà văn Trần Quốc Quân đánh giá trong bối cảnh Việt Nam còn nghèo, việc xây dựng tượng đài và quảng trường Hồ Chí Minh, cũng như các tượng đài lãnh tụ cộng sản khác, và các tượng đài mang nặng tính chính trị, tuyên truyền ở hầu khắp các địa phương sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy.

“Điều này kìm hãm phát triển kinh tế và xã hội, làm nghèo đất nước. Nó còn gây phản tác dụng, giảm tình cảm yêu mến lãnh tụ của một bộ phận dân chúng. Chưa kể điều đó còn trái với di nguyện của Hồ Chí Minh”, nhà văn Trần Quốc Quân nói và cho rằng “tượng đài và quảng trường Hồ Chí Minh rất dễ trở thành miếng mồi cho quan tham”.

Xét ở một phương diện khác, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng việc xây các không gian công cộng như quảng trường lại ý nghĩa lớn đối với cộng đồng. “Tuy nhiên, bản thân các tượng không có quá nhiều ý nghĩa, sau này người ta có thể giật đổ hết”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng để tránh các hệ lụy về kinh tế cũng như chính trị, cần “nâng cao dân trí, vạch rõ mưu đồ của chế độ và người dân phải lên tiếng”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53832418

 

Vụ cứu bé sơ sinh: Dân tố công an

‘Lý Thông cướp công Thạch Sanh’

Bùi Thư

Khoảng hơn 18 giờ, em bé được đưa ra khỏi khe tường thành công và được đưa tới trạm y tế thị trấn.

Công an tại Hà Nội cho biết họ vừa đục tường để giải cứu một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, nhưng người dân chứng kiến nói rằng họ đã cứu cháu bé trước lúc lực lượng chức năng xuất hiện.

Anh Nguyễn Duy Tuân sống tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội kể anh là người đã cầm máy khoan đục tường cứu đứa trẻ ra vào chiều tối 18/8 và rằng anh không quan tâm việc lực lượng chức năng hay trên mạng nói gì.

“Quan trọng là cứu được đứa bé. Tôi làm việc thì trời biết, đất biết. Tôi không quan trọng việc đó”, anh Tuân nói với BBC News Tiếng Việt sáng 20/8.

Nhân chứng tố công an cướp công

Vụ việc xảy ra vào khoảng sau 17 giờ ngày 18/8 tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Lúc bấy giờ người dân phát hiện một trẻ sơ sinh bị mắc kẹt trong khe tường giữa hai ngôi nhà.

Trang Facebook chính thức của Công an TP Hà Nội vào đêm 18/8 đăng tải bài viết kèm hình ảnh về vụ việc. Cụ thể, trang thông tin này nói rằng Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an huyện Gia Lâm cùng Công an thị trấn Trâu Quỳ đã đục tường để giải cứu thành công đứa bé.

Facebook chính thức, Công an TP Hà Nội cho biết công an huyện Gia Lâm đã giải cứu thành công bé sơ sinh bị bỏ rơi.

Có một điểm lưu ý là trong bài viết xuất bản lúc 21 giờ 36 ngày 18/8 trên trang Facebook chính thức, Công an TP Hà Nội viết: “Do khe tường quá hẹp, lực lượng chức năng đã phải đục tường để đưa cháu ra ngoài với nỗ lực bằng mọi cách bảo đảm an toàn cho cháu”. Câu này sau đó, vào lúc 23 giờ 46 cùng ngày, đã được sửa lại thành “lực lượng chức năng đã cùng nhân dân đục tường”.

Sau khi công an khẳng định họ đã cứu cháu bé, ngay lập tức trên mạng xã hội xuất hiện thông tin tố cáo công an là “Lý Thông cướp công Thạch Sanh”.

Theo đó, nhiều nhân chứng kể rằng các thanh niên địa phương đã tự dùng khoan giải cứu cháu bé trước khi lực lượng chức năng có mặt.

Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt ngày 20/8, anh Phạm Thành Công, người đã tham gia giải cứu đứa bé, nói: “Đục tường gần xong rồi thì lực lượng chức năng mới đến. Công an với phòng cháy chữa cháy đứng nhìn thôi chứ lúc đó chúng tôi đang tập trung đục tường. Chúng tôi không quan tâm gì khác vì đợi người đến thì đã muộn, tôi còn không biết lúc đó đứa bé sống chết thế nào vì nó nằm im, không khóc gì. Khi tôi nhìn vào vách tường, tôi mới thấy tay đứa bé cử động, biết là còn sống”.

Một điểm vô lý trong bài viết trên Facebook của Công an, đó là thời điểm “người dân phát hiện cháu bé bị bỏ rơi” là 17 giờ 50 và thời điểm công an “giải cứu thành công là 18 giờ”. Chỉ mất 10 phút để công an tiếp nhận thông tin, đến hiện trường, đục tường và cứu cháu bé ra, đó là điều hầu như không thể.

Người tham gia cứu đứa bé nói gì?

Trả lời BBC News Tiếng Việt sáng 20/8, anh Nguyễn Duy Tuân, người cầm khoan đục tường cứu đứa bé ra kể lại:

“Hôm ấy tôi vừa đi làm về, khoảng 17 giờ 45 thì gặp một bé học sinh bảo tôi chạy sang giúp, có đứa bé bị vứt từ trên tầng xuống nhưng chưa chết. Thế là tôi vào nhìn, lúc đầu tôi tưởng là con búp bê, nhìn kĩ

mới thấy đúng là đứa trẻ. Tôi mới lập tức chạy xung quanh tìm máy khoan để đục tường và gọi cho lực lượng chức năng để báo sự việc. Lúc đó khoảng 17 giờ 50″.

“Tình hình lúc đó rất hỗn loạn, có cả trăm người xung quanh. Tôi đi mượn khoan, đục trong khoảng hơn 10 phút thì cứu được đứa bé ra. Lúc đầu mũi khoan bé quá, tôi phải vừa đục vừa chờ anh Phạm Thành Công đi tìm mũi khoan to hơn. Đục xong thì tôi thấy đứa bé vẫn nằm im, tới lúc động vào người nó mới khóc lên”.

Thanh niên Nguyễn Duy Tuân, người đã cầm khoan đục tường cứu đứa bé sơ sinh hôm 18/8.

Duy Tuân là thợ thạch cao, anh kể: “Công việc tôi trước giờ cũng quen với máy khoan nên tôi có kinh nghiệm định vị, tính toán vị trí để đục bỏ mảnh tường làm sao để không rơi vào đứa bé. Có bạn Nguyễn Lương Bằng ở đó lấy chổi che chắn để bụi gạch vỡ không bắn vào em bé”.

“Đục xong thì có một bà có kinh nghiệm bế đứa bé ra là khoảng 18 giờ 5. Khi đó trạm y tế gần đấy đến đưa bé đi”.

Nhớ lại sự việc hôm đó, anh Tuân nói: “Lúc đó tôi chỉ tập trung đục tường và chỉ mong cứu được đứa bé ra. Lính cứu hỏa, công an đến lúc tôi gần khoan xong, nhưng họ chỉ đứng đó để tôi đục. Lúc đó dù mệt nhưng đầu tôi chỉ mong cứu được đứa bé ra. Khi bế bé ra, mọi người đều nhẹ nhõm”.

Về thông tin lực lượng chức năng đã đục tường cứu đứa bé ra, anh Tuân nói: “Tôi không quan trọng việc đó”.

Anh Phạm Thành Công, người cho mượn máy khoan và cũng tham gia giải cứu kể lại, với BBC:

“Lúc ấy tôi đang chuyển nhà, có anh hàng xóm chạy hớt hải sang hỏi máy khoan, tôi có nên chạy đem sang. Nhóm ba anh em, anh hàng xóm ấy trực tiếp khoan, tôi hỗ trợ lắp máy, luồn dây điện, đục tường. Chúng tôi dùng chổi nhựa chặn trước ở đầu cháu bé, ba anh em khoan lùi lại để mảnh vỡ vụn không bắn vào đầu cháu. Đục đủ một khoảng để thò tay với tới chỗ bé đưa ra”.

“Lúc đấy tôi rùng mình, những vụ này thường chỉ nghe trên đài báo, chưa từng chứng kiến nên cũng hãi vì thấy bé đỏ hỏn, còn nguyên dây rốn. Nhưng khi đó chỉ nghĩ cách làm sao nhanh nhất cứu đứa bé. Khi cứu đứa bé ra được, tất cả mọi người vỡ òa, vỗ tay rồi đứa bé đi luôn. Cứu được một đứa trẻ bé bỏng thực sự rất xúc động”, anh Công thuật lại.

Anh Công cũng nói thêm, khi có bà bế ra, vợ anh cũng hỗ trợ quấn khăn cho đứa bé và nhân viên trạm y tế đã có mặt trước đó đợi để đưa bé đi.

Công an nói gì?

Cùng với lời khẳng định “lực lượng chức năng đã phải đục tường để đưa cháu ra ngoài”, trang Facebook của Công an TP Hà Nội còn đăng một tấm ảnh chụp cảnh các công an viên đang bế cháu bé tới bệnh viện và hình một nhân viên y tế đang chăm sóc cháu bé. Hai tấm ảnh còn lại cho thấy một khe tường hẹp và một lỗ thủng lớn do ai đó vừa mới đục.

Không có hình ảnh nào cho thấy công an đang thực hiện nghiệp vụ giải cứu cháu bé tại hiện trường.

Bộ Công an Việt Nam tổ chức lại bộ máy

An ninh công an VN: “Thanh bảo kiếm liệu có bị mẻ cùn”?

Có nhiều ý kiến bình luận bên dưới bài viết trên Facebook của cơ quan công an bày tỏ sự nghi ngờ, thậm chí chỉ trích “công an cướp công”.

“Chào các đồng chí Lý Thông. Ảnh chụp đẹp đấy”, một người tên Hoàng Dũng bình luận. Với tấm hình chụp cảnh công an bế cháu bé vào bệnh viện, người này viết thêm: “…Bố cục ảnh do ai sắp xếp mà nghệ thuật vậy ạ? Hai đồng chí nhìn vào máy ảnh, 2 đồng chí nhìn vào cháu bé, tỏ vẻ trìu mến, lại còn xen kẽ màu áo. Tôi chấm 9,5″.

Cũng có các bình luận “hoan hô công an” và tố áo kẻ vứt bỏ cháu bé.

Sau khi bị tố cáo “Lý Thông cướp công Thạch Sanh”, phía công an đã lên tiếng phản hồi. Trên báo Dân Việt, một đại diện cơ quan công an huyện Gia Lâm cho biết đơn vị đã tiếp nhận thông tin tố cáo chuyện “cướp công”.

Vị này khẳng định thông tin chính xác, chính thống đã được đăng tải trên trang Facebook của Công an TP Hà Nội.

“Hiện có rất nhiều thông tin hằng ngày trên mạng xã hội không được kiểm chứng, nhiều thông tin trái chiều nhằm mục đích tăng tương tác, câu ‘like’. Về cháu bé mắc kẹt được đơn vị đưa vào viện chăm sóc, sức khỏe cháu đã ổn định. Hiện chưa xác định ai là người mẹ của cháu cũng như nguyên nhân vì sao cháu rơi giữa khe tường”, đại diện công an cho biết thêm.

Trong vài năm trở lại đây, lực lượng công an rất chú trọng vào công tác truyền thông xây dựng hình ảnh. Trên báo chí và trên mạng xã hội thường xuất hiện các bài viết về thành tích và các việc làm tốt của công an cũng như hình ảnh công an khi thì trả lại tiền rơi cho người dân, khi thì đẩy xe giúp người dân qua đoạn đường ngập.

Có một dạo công an Việt Nam công bố nhiều bức hình cho thấy cán bộ, chiến sĩ giúp các cụ già nhặt cam rơi trên đường. Nhưng dư luận lúc đó cho rằng việc lặp đi lặp lại nội dung “giúp cụ già nhặt cam” làm dấy lên chỉ trích về sự nghèo nàn ý tưởng trong dàn dựng hình ảnh truyền thông cho công an.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53844908

 

VTV vi phạm pháp luật về bản tin

 “người bán hàng rong sống ký sinh trùng”?

VTV chính thức xin lỗi

Trước làn sóng phẫn nộ và chỉ trích gay gắt của dư luận đối với bản tin của VTV về những người bán hàng rong trong dịch COVID-19, được phát sóng vào ngày 17/8, cư dân mạng tại Việt Nam cho rằng biên tập viên Anh Quang đã lên tiếng xin lỗi qua tài khỏan Facebook cá nhân, có tên “Wang Phố Cổ”.

Trên dòng trạng thái, được đăng tải trong cùng ngày 17/8, Wang Phố Cổ xưng tôi và xác nhận đã “đọc nhịu một câu dẫn khiến khán giả xem truyền hình bị hiểu sai nội dung muốn truyền tải, gây ra những sự phản cảm không đáng có’. Người xin lỗi còn khẳng định “Đây hoàn toàn là sai sót của cá nhân tôi trong quá trình truyền tải thông tin tới khán giả. Trong khi nội dung của phóng sự là góc nhìn chia sẻ, đồng cảm với những người bán hàng rong vất vả mưu sinh, chứ không có bất kỳ một ý coi thường nào”.

Đài RFA ghi nhận lời xin lỗi vừa nêu lại gặp phải cơn bão phản đối mạnh mẽ hơn của dư luận xã hội. Rất nhiều người qua các kênh truyền thông đã yêu cầu Đài VTV cần phải xin lỗi những người bán hàng rong mà đã bị gọi là “sống ký sinh trùng” trong bản tin do biên tập viên Anh Quang loan đi trong ngày 17/8.

Biên tập viên Thu Hương thay mặt Đài VTV, vào ngày 19/8 chính thức trên sóng truyền hình, xin lỗi những người bán hàng rong vì “lỗi tác nghiệp nghiêm trọng”. Lời xin lỗi của biên tập viên Thu Hương tương tự ngôn từ được đăng tải trên Facebook Wang Phố Cổ. Chúng tôi xin được lược trích nguyên văn:

“Do sơ suất trong quá trình biên tập và lên sóng trực tiếp, biên tập viên dẫn chương trình của chúng tôi đã sử dụng từ ngữ không phù hợp và ngoài ý muốn khiến khán giả hiểu sai nội dung muốn truyền tải, trong khi toàn bộ phóng sự là góc nhìn chia sẻ và cảm thông với những gánh hàng rong đang phải vật lộn mưu sinh thời COVID-19″.

Phản ứng của dư luận

Mặc dù vậy, có những ý kiến của giới trong nghề truyền thông tại Việt Nam cho rằng lời xin lỗi này của VTV không được chấp nhận.

Blogger Đỗ Ngà, qua một bài viết, cho rằng vụ việc này của VTV không phải là một tai nạn theo như lời xin lỗi, mà là một tư tưởng mang tính hệ thống vốn có của những người Cộng sản.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, từ Sài Gòn vào tối ngày 19/8 giải thích với RFA vì sao ông cho rằng VTV đã ngụy biện:

Với tư cách tôi cũng làm ở Đài Truyền hình TP.HCM, tức là một đồng nghiệp của họ thì tôi cam đoan 100% tất cả những gì đã được đọc lên như vậy đều đã qua kiểm duyệt hết. Tôi khẳng định rằng không bao giờ có chuyện nói lầm, nói lẫn gì ở đây cả. Bởi vì đây không phải là một cuộc tọa đàm, không phải là một cuộc phỏng vấn mà đây là một bản tin nên không thể nào có sự nhầm lẫn xảy ra như vậy được. Nội dung được duyệt hết và duyệt kỹ từng con chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy. Tôi có thể khẳng định điều đó với tư cách tôi làm việc ở Đài Truyền hình TP.HCM trên 20 năm

-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

“Với tư cách tôi cũng làm ở Đài Truyền hình TP.HCM, tức là một đồng nghiệp của họ thì tôi cam đoan 100% tất cả những gì đã được đọc lên như vậy đều đã qua kiểm duyệt hết. Tôi khẳng định rằng không bao giờ có chuyện nói lầm, nói lẫn gì ở đây cả. Bởi vì đây không phải là một cuộc tọa đàm, không phải là một cuộc phỏng vấn mà đây là một bản tin nên không thể nào có sự nhầm lẫn xảy ra như vậy được. Nội dung được duyệt hết và duyệt kỹ từng con chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy. Tôi có thể khẳng định điều đó với tư cách tôi làm việc ở Đài Truyền hình TP.HCM trên 20 năm.”

Ông Nguyễn Ngọc Già cho biết quy trình chịu trách nhiệm về một bản tin trong đài truyền hình là một tập thể bao gồm cả ban biên tập và phó giám đốc phụ trách về nội dung. Do đó, nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng với nội dung bản tin gọi những người bán hàng rong là “sống ký sinh” hay “sống ký sinh trùng” đều phải do ban biên tập, phó giám đốc phụ trách về nội dung và tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, ông Trần Bình Minh, phải chịu trách nhiệm.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nêu lên những trách nhiệm mà tập thể Đài VTV phải đối diện:

“Việc phát ngôn của VTV đối với những người bán hàng rong, họ gọi là ký sinh trùng sống bám vào vỉa hè, thì về mặt đạo lý làm người, tôi cho là hạ nhục đồng bào, mà đặc biệt đây là những người đồng bào rất nghèo khổ. Thứ hai, về đạo đức nghề nghiệp thì họ đã phản bội lại độc giả, khán giả. Về mặt đảng viên thì họ vi phạm đạo đức đảng viên và họ vi phạm cả về Nghị quyết Trung ương của Đảng về nói và làm trái với đường lối, cương lĩnh của Đảng.

Về mặt luật pháp, họ đã phạm vào Khoản B, Mục 1, Điều 116, tội ‘Phá hoại chính sách đoàn kết’ và họ vi phạm vào Khoản B, Mục 1, Điều 117, tội ‘Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước CHXNCH Việt Nam’.”

Những người bán hàng rong nói gì?

Đài RFA, vào ngày 19/8 tiếp xúc với một số người bán hàng rong ở Sài Gòn và được nghe họ chia sẻ rằng do phải vất vả mưu sinh nên không đọc báo hay xem đài. Một vài người trong số này nói rằng họ được nghe khách mua hàng nói lại thông tin VTV gọi họ “sống ký sinh trùng” trên đường phố. Một người đàn ông đẩy xe bán bánh bò dạo, bộc bạch rằng:

“Không bán thì lấy gì mà ăn? Ở nhà thuê, nhà mướn mà không đi bán dạo thì lấy gì để sống đây? Mùa COVID-19 rồi, nói rằng những người bán hàng rong được hỗ trợ, mà lại đia phương nơi tạm trú thì kêu về quê làm đơn. Đi về quê, mang đơn đến cơ quan của xã nộp nhưng tới hôm nay cũng có nhận được hỗ trợ nào đâu.”

Ông bán bánh bò ở Sài Gòn trò chuyện với RFA thuộc trong nhóm hàng triệu người làm việc ở khu vực phi chính thức, theo định nghĩa trong kinh tế học. Những thân phận góp phần vào thơ ca, nhạc họa, di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam bằng tiếng rao hàng tâm tình với RFA rằng những ngôn từ đẹp đẽ hay miệt thị dành cho họ không ảnh hưởng gì đến từng đồng bạc lẻ mà họ dãi nắng dầm mưa mới chắt chiu có được. Song song đó, họ luôn trong tâm trạng lo lắng nếu gặp phải dân phòng hay công an thì mất hết tài sản lẫn miếng ăn của cả gia đình.

“Nói chung là kinh tế quá khổ cho nên mẹ con tôi tính vay mượn một ít tiền để đóng một chiếc xe bán thức ăn nhanh đường phố ở các công viên công cộng, để sống qua ngày trong mùa dịch bệnh này.”

Không bán thì lấy gì mà ăn? Ở nhà thuê, nhà mướn mà không đi bán dạo thì lấy gì để sống đây? Mùa COVID-19 rồi, nói rằng những người bán hàng rong được hỗ trợ, mà lại đia phương nơi tạm trú thì kêu về quê làm đơn. Đi về quê, mang đơn đến cơ quan của xã nộp nhưng tới hôm nay cũng có nhận được hỗ trợ nào đâu

-Người bán hàng rong

Trên đây là nỗi lòng của bà Nguyễn Thị Út, một phụ nữ trôi dạt từ đồng bằng sông Cửu Long lên Sài Gòn kiếm sống cách nay 2 thập niên. Bà đã tảo tần đủ mọi cách để nuôi đứa con gái duy nhất đến ngày tốt nghiệp đại học, ngành thiết kế đồ họa. Thế nhưng, bà Út nói rằng tạo hóa thật trớ trêu khi con gái bà chưa kịp tìm được việc làm và bà, một công nhân bị công ty sa thải do dịch COVID-19.

Bạn trẻ Đăng Quang, một trong số hàng trăm ngàn thanh niên Việt Nam bị mất việc làm bởi đại dịch COVID-19, trong một lần trao đổi với RFA cũng cho biết đã nghĩ đến bán nước giải khát trên vỉa hè trong thời buổi khó khăn chung của toàn xã hội, chứ không thể ngồi chờ sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Những người như anh Đăng Quang, bà Út, ông bán bánh bò dạo dù hoàn cảnh khác nhau nhưng đồng quan điểm rằng bán hàng rong là kế mưu sinh duy nhất khi không còn phương cách nào khác để lựa chọn.

Trở lại vụ việc bản tin của VTV gọi những người bán hàng rong “sống ký sinh trùng”, một số ý kiến trong giới nhà báo tại Việt Nam yêu cầu Đảng CSVN lãnh đạo và Bộ Chính trị phải xử lý nghiêm minh Đài VTV ở góc độ đảng viên và góc độ pháp luật. Còn nếu như cho rằng chỉ là “lỗi tác nghiệp” do nhầm lẫn hay nói nhịu và không xử lý thì sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu trong người dân đối với báo chí và “Đó

là một vết nhơ của Đảng CSVN đối với những người dân nghèo hành nghề mưu sinh một cách chân chính”.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-vtv-violate-the-law-on-insulting-street-vendors-as-parasites-in-news-08192020135720.html

 

Quy định phạt tiền hành vi gọi điện,

nhắn tin quảng cáo chưa được đồng ý!

Kể từ ngày 1/10 tới đây, những hành vi gọi điện, nhắn tin quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý một cách rõ ràng có nguy cơ đối mặt với hình phạt từ 5 đến 170 triệu đồng.

Nội dung vừa nêu nằm trong Nghị định 91/2020 của Chính phủ do Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, vận hành Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Trong Điều 7 Nghị định 91 cũng nói rõ rằng các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ viễn thông có quyền đăng ký hoặc rút ra khỏi Danh sách không quảng cáo. Danh sách này là tập hợp những số điện thoại mà người sử dụng đã đăng ký không chấp nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo nào.

Dựa vào thông tin trong danh sách vừa nêu, người quảng cáo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet không được phép gọi điện hoặc gửi tin nhắn quảng cáo tới bất kỳ số điện thoại nào trong danh sách này.

Theo đó, các doanh nghiệp và người gọi điện, nhắn tin quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với những hành vi sau: Gọi điện quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý một cách rõ ràng; Gọi điện quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo; Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo.

Trao đổi với RFA tối 19/8, một quản lý văn phòng bán thẻ hội viên khách sạn 5* tại Sài Gòn với nhiều năm kinh nghiệm không muốn nêu tên đưa ra nhận xét về nghị định sắp được áp dụng vào đầu tháng 10 như sau:

“Bây giờ Việt Nam là một nước đang phát triển chứ không phải như các nước đã phát triển lớn mạnh nên việc telesales này khắp mọi nơi, nếu như vậy sẽ hạn chế công việc của chị. Chị làm telesales chị cần phải gọi điện hàng ngày, gọi rất nhiều thì chị lấy số từ biển quảng cáo, hoặc bạn bè chị ai cho chị số điện thoại đó dặn chị đừng nói tên, thậm chí số chị chế, bịa ra để gọi, để chị phải thực hiện cuộc gọi đó. Mỗi cuộc gọi chị bị kiện đóng 10 triệu rồi không có tiền đóng thì sao? Tất nhiên sẽ hạn chế công việc của chị, văn phòng và doanh nghiệp chị phải đóng cửa.”

Vẫn theo chị quản lý bán thẻ hội viên khách sạn, việc xử phạt này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp theo hình thức telesales tại Việt Nam hiện nay.

Có khoảng 1.800.000 kết quả khi truy tìm thông tin về ‘Telesales tại Việt Nam’ trên Google. Trong đó, rất nhiều các lãnh vực đang áp dụng hình thức kinh doanh này như bất động sản, bảo hiểm, dịch vụ sức khỏe, tín dụng, truyền thông, nhà hàng, khách sạn…

Theo chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, trưởng bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế của Học viện Tài chính Việt Nam tại Hà Nội, rõ ràng Telesales đóng góp nhiều cho nền kinh tế, nhưng do những tiêu cực trong thực tế hiện nay nên ông cho rằng nghị định này được ban hành để đảm bảo sự thống nhất của nhà nước trong hoạt động quản lý kinh doanh:

“Nếu như trong trường hợp chưa được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt thì việc quảng cáo là tự phát, vì thế nên hình phạt là ưu tiên. Trước mắt tôi cho rằng hình phạt này là phù hợp để từ đó các cá nhân cũng như hộ gia đình, doanh nghiệp có thể có sự làm quen với chính sách mới. Thực tế chúng ta biết rằng hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều quảng cáo, những vụ lừa đảo thông qua quảng cáo trên mạng, quảng cáo cho vay, bán hàng cho đến quảng cáo mang tính đa cấp và lừa đảo. Những việc vi phạm cũng tương đối nhiều nên việc này cũng là cần thiết để quản lý hoạt động kinh doanh đi vào nề nếp.”

Từ Sài Gòn, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tích Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam giải thích rõ hơn về Nghị định 91 có hiệu lực từ ngày 1/10/2020 đối với việc xử phạt vi phạm hành chính trong quảng cáo bao gồm nhắn tin, gọi điện thoại do chính phủ mới ban hành:

“Tôi cho rằng đây là một cơ sở pháp lý để (hạn chế) người ta gọi là quấy rối người tiêu dùng. Trước đây cũng có quy định chỉ quấy rối 2 lần trở lên là sẽ báo cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm nhưng họ chưa sợ. Nên trường hợp người sử dụng trước đó đồng ý nhận quảng cáo tin nhắn, thư điện tử, thư quảng cáo, gọi điện quảng cáo nhưng sau đó có yêu cầu từ chối thì người quảng cáo phải chấm dứt ngay việc gửi quảng cáo đến người sử dụng. Nên tôi thấy rằng trường hợp vi phạm phạt tiền từ 5-10 triệu là đúng. Và sẽ phạt tiền từ 20-30 triệu đối với những hành vi là không chấm dứt việc gửi đến người nhận thư điện tử quảng cáo hoặc tin nhắn quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối.”

Với kinh nghiệm bản thân, Luật sư Hậu cho biết chính ông cũng không hề thích việc quảng cáo qua điện thoại hiện nay:

“Ngày nào họ cũng gọi đến chào bán đất, sản phẩm mình không hề thích ví dụ như quảng cáo sản phẩm nhân thọ làm mất thời giờ của mình và mình không thích nghe. Với Nghị định 91 này tôi cho rằng rất phù hợp và được người tiêu dùng đồng ý tích cực về nghị định này.”

Không đồng ý với quan điểm nêu trên, chị Phương Trang đang sống tại thành phố lớn nhất phía Nam cũng cho biết dù chị cũng bị làm phiền bởi những cuộc gọi, có nhiều lúc bận bù đầu chạy deadline mà cũng phải bắt máy rồi từ chối, đôi khi bực quá chị cũng không kiềm chế và có thái độ không đúng. Tuy nhiên chị không đồng ý với việc xử phạt:

“Chị nghĩ bán hàng qua điện thoại cũng là một ngành nghề phổ biến ở các nước khác chứ không riêng ở Việt Nam nên chuyện gọi điện để quảng cáo hay bán hàng thì nếu có nhu cầu thì để nghe người ta nói, không nghe thì tắt. Công bằng mà nói chị nghĩ nhà nước nên có cách quản lý nguồn thông tin khách hàng tốt hơn chứ không phải không quản lý được thì cấm đoán, xử phạt. Hiện tại chị không có niềm tin lắm vào Bộ Thông tin – Truyền thông về chuyện thành lập danh sách không muốn nhận tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo vì chỉ riêng chuyện cung cấp thông tin người dùng di động trước đây đã lùm xùm trong thời gian dài, bao nhiêu người dùng bị ‘ăn hành’ rồi.”

Trong Nghị định 91/2020 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/10 tới đây, mức phạt không chỉ dừng lại ở 5-10 triệu đồng, mà có thể lên đến 100 triệu đồng với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ thu hồi số điện thoại thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông hoặc Internet nếu không thực hiện các biện pháp để ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi rác, thư điện tử rác theo yêu cầu; không hỗ trợ người dùng ngăn chặn tình trạng trên… cũng có nguy cơ đối mặt với mức phạt tiền cao nhất lên tới 170 triệu đồng.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/regulations-on-fines-for-advertising-calls-and-texting-08192020145944.html

 

Bắt giam Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội

Hiểu Minh

Tối 20/8, ông Võ Tiến Hùng (Tổng giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội) bị bắt về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Theo nguồn tin trên báo Người lao động, hành vi sai phạm của ông Hùng có liên quan đến việc mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn TP. Hà Nội.

Đây cũng là một trong ba vụ án đang được Bộ Công an làm rõ trách nhiệm liên quan của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Hôm 11/8, ông Chung bị Thủ tướng đình chỉ công tác 90 ngày.

Tuổi Trẻ đưa tin, trước đó, câu chuyện mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn TP. Hà Nội được dư luận quan tâm, đặt dấu hỏi việc mua này có đấu thầu hay chỉ định mua.

Trước những đòi hỏi liên quan đến minh bạch, hiệu quả của việc sử dụng chế phẩm Redoxy-3C, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã giao Thanh tra TP. Hà Nội chủ trì thành lập đoàn liên ngành thanh tra toàn diện việc mua, đánh giá hiệu quả sử dụng đối với chất Redoxy-3C và yêu cầu sau khi hoàn thành thanh tra phải công khai kết quả.

Đến ngày 31/5, Thanh tra TP. Hà Nội công bố quyết định thanh tra toàn diện việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ trên địa bàn TP.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ tháng 9/2016, công tác xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ được thử nghiệm bằng chế phẩm Redoxy-3C tại 3 hồ Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu theo chỉ đạo của TP.

Sau khi thử nghiệm thành công, công tác xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C đã được UBND TP chấp thuận cho triển khai nhân rộng tại 87/125 hồ nội thành.

https://www.dkn.tv/thoi-su/bat-giam-tong-giam-doc-cong-ty-thoat-nuoc-ha-noi.html

 

Nhiều lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa bị kỷ luật

Tỉnh ủy Khánh Hòa vào chiều 19 tháng 8 ra thông báo về việc xem xét, thi hành kỷ luật đối với các đảng viên có vi phạm theo Thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Theo tin từ báo chí Nhà nước Việt Nam được loan tải cùng ngày, tỉnh ủy Khánh Hòa đã xem xét, quyết thi hành kỷ luật đối với ông Lê Văn Dẽ, tỉnh ủy viên, đảng ủy viên đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, bí thư đảng ủy, giám đốc Sở Xây dựng. Với cương vị là tỉnh ủy viên, giám đốc Sở Xây dựng từ năm 2011 cho đến thời điểm kiểm tra là năm 2019, ông Lê Văn Dẽ đã vi phạm về quy hoạch, xây dựng thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Người thứ hai là ông Trần Hòa Nam, tỉnh ủy viên, bí thư đảng ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, với cương vị là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư từ năm 2010 đến thời điểm kiểm tra năm 2019, ông Trần Hòa Nam đã vi phạm Luật Đầu tư 2005 và vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm.

Người thứ ba là ông Võ Tấn Thái, tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường. Với cương vị là tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường từ năm 2008 đến thời điểm kiểm tra năm 2019, ông Võ Tấn Thái đã vi phạm Luật Đầu tư 2005; Luật Đất đai 2013 và vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm.

Người thứ tư là ông Trần Sỹ Quân, Phó Bí thư Đảng ủy Cục Thuế, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa, với cương vị là Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh từ năm 2013 đến năm 2017, ông Trần sỹ Quân đã vi phạm quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm.

Theo Tỉnh ủy Khánh Hòa, những khuyết điểm, vi phạm của cả bốn ông trên là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã quyết định thi hành kỷ luật đối với các ông Lê Văn Dẽ, Trần Hòa Nam, Trần Sỹ Quân và Võ Tấn Thái bằng hình thức cảnh cáo.

Ngoài ra còn có các ông Trần Minh Hải, Đảng ủy viên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa; ông Nguyễn Văn Nhựt, đảng ủy viên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cũng có những vi phạm khi tại chức.

Tuy vậy, theo Tỉnh ủy Khánh Hòa, những vi phạm của ông Hải và ông Nhựt là ít nghiêm trọng, nhưng ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Cũng tin liên quan tỉnh Khánh Hòa, báo cáo của Chi cục Kiểm lâm cho thấy có hơn 2.657ha rừng (gồm hơn 130ha rừng tự nhiên và hơn 2.543ha rừng trồng) của chủ rừng nhà nước và hộ dân bị thiệt hại do nắng hạn.

Trong đó, chủ yếu là rừng mới trồng trong năm 2018-2019 và một số diện tích rừng trồng các năm 2000-2001.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/many-khanhhoa-leaders-were-disciplined-08202020083630.html

 

Truy tố 3 giám đốc vì sai phạm tại dự án tại Đắk Nông

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Nông hôm 18/8 ra quyết định truy tố 3 giám đốc công ty về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Nguồn tin trong nước trích dẫn cáo trạng, 3 bị can là Trượng Công Hậu, Phan Ngọc Chiến, và Nguyễn Văn Thái, đều là nguyên giám đốc doanh nghiệp đã thanh toán sai phạm hơn 1,1 tỷ đồng trong dự án đầu tư hơn 45 tỷ đồng, xây dựng công trình trụ sở làm việc Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông.

Năm 2013 Sở Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch Đắk Nông đã ký hợp đồng với Công ty Thiên Bảo do ông Hậu làm giám đốc, Công ty TNHH tư vấn xây dựng Hồng Đức Đắk Lắk do ông Thái làm giám đốc, và Công ty CP Tư vấn Kiểm định xây dựng Đắk Nông do ông Chiến làm giám đốc.

Ngày 6/8/2014, Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Nông thanh tra dự án trụ sở Đoàn ca múa nhạc dân tộc, chuyển sang Công an tỉnh Đắk Nông điều tra. Xác định điều tra cho thấy 3 bị can nghiệm thu khống, thanh toán không đúng với cự ly vận chuyển thực tế thi công, thành phần nghiệm thu không đúng quy định, và đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 245 triệu đồng.

Tờ Tiền Phong đặt câu hỏi vì sao ông Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, người ký hợp đồng với Công ty Thiên Bảo của ông Hậu, không bị kiến nghị xử lý gì trong vụ án nói trên. Theo báo Tiền Phong, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã có kiến nghị chỉ đạo Sở VH-TT&DL có hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Hồng Phong, cán bộ của Sở, có vai trò tham mưu triển khai dự án.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/three-executives-prosecuted-in-dak-nong-construction-project-08192020093630.html

Hai cô gái Việt kiếm được gần 1 tỷ đồng

 vì giúp người Trung Cộng nhập cảnh lậu

Tin Vietnam.- Báo Thanh niên ngày 19 tháng 8 năm 2020 loan tin, sau khi cấu kết với Chen Xian Fa, 27 tuổi, người Trung Cộng để đưa người nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng, Hồ Thị Thu Trinh, 24 tuổi, quê tỉnh Quảng Nam, và Huỳnh Ngọc Diễm, 41 tuổi, quê thành phố Đà Nẵng đã kiếm được gần 1 tỷ đồng.

Trước đó, vào khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2019, Chen Xian Fa nhiều lần liên lạc với Trinh để nhờ thuê nhà ở Đà Nẵng, còn Trinh thì liên lạc nhờ Diễm. Sau khi thu xếp xong việc thuê nhà, Chen Xian Fa và những người đồng hương của mình đã nhập cảnh lậu vào Việt Nam theo đường dây của người Trung Cộng và người Việt lập ra.

Khi nhóm của Chen Xian Fa đến được Đà Nẵng, Trinh, và Diễm đã cho nhóm này thuê nhà. Đến ngày 20 tháng 12, 2019, trong lúc đi kiểm tra việc ghi danh chỗ ở thì công an Đà Nẵng đã phát hiện ra nhóm của Chen Xian Fa, đồng thời thu giữ 14 laptop, 35 điện thoại, và 1 thùng phụ kiện điện tử.

Đối với Trinh, công an đã thu giữ 37 chiếc laptop, 156 điện thoại, 8USB, 5 bộ phát wifi, 6 thẻ ngân hàng, 2 sổ thông hành Trung Cộng, đồng thời phong toả 920 triệu đồng trong tài khoản của Trinh và gần 65 triệu đồng của Diễm.

Đến ngày 17 tháng 8 năm 2020, Viện kiểm sát thành phố Đà Nẵng đã ra cáo trạng truy tố Diễm, Trinh và Fa về hành vi “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam”. Tuy nhiên, việc những người Trung Cộng này nhập cảnh lậu vào Việt Nam để làm gì thì không được báo Thanh Niên đề cập tới.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/hai-co-gai-viet-kiem-duoc-gan-1-ty-dong-vi-giup-nguoi-trung-cong-nhap-canh-lau/

 

Khởi tố nữ chủ nhà nghỉ che giấu 20 người Trung Quốc

Công an tỉnh Bắc Ninh vừa cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Xoa (sinh năm 1984, trú tại Hương Mạc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) về hành vi tổ chức cho người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin hôm 19/8 trích thông tin từ Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết bà Xoa là người đã che giấu 20 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bị phát hiện tại khách sạn Yoyo HD (phường Võ Cường, Thành phố Bắc Ninh) hôm 5/8.

Bà Bùi Thị Thao, quản lý khách sạn Yoyo HD, đã khai báo với cơ quan chức năng rằng thông qua mạng Wechat, một người Trung Quốc (sinh năm 1989) đã đặt phòng khách sạn và gửi vị trí tại huyện Từ Sơn để nhờ phía khách sạn thuê xe taxi tới đón. Người quản lý khách sạn bị xác định đã cho nhóm 20 người Trung Quốc thuê phòng khách sạn từ tối ngày 4/8 dù không có giấy tờ, hộ chiếu.

Cơ quan chức năng cũng phát hiện nơi nhóm người tập kết là một nhà kho giáp ranh với nhà nghỉ Xuyên Điệp 2 của bà Nguyễn Thị Xoa.

Trước đó vào ngày 31/7, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt được 27 người Trung Quốc lưu trú trái phép tại nhà nghỉ Xuyên Điệp 2. Bà Nguyễn Thị Xoa bị nói đã đổ hoàn toàn trách nhiệm cho ông Đinh Phú Thượng (sinh năm 1989), người quản lý nhà nghỉ này.

Trong lúc cơ quan công an đang điều tra vụ việc trên thì bà Xoa bị xác định lại tiếp tục cho 20 người Trung Quốc khác lưu trú tại nhà nghỉ Xuyên Điệp 3 và dùng kho là nơi trốn nếu bị công an kiểm tra.

Bà Xoa bị nói là người biết tiếng Trung Quốc và có tiếng kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ ở thị xã Từ Sơn từ trước khi có dịch COVID-19. Bà này khai nhận với công an Bắc Ninh rằng từ tháng 6/2020 có liên lạc qua Wechat với người Trung Quốc.

Trong diễn biến liên quan, công an Đà Nẵng hôm 19/8 cũng cho biết đã xác định một đường dây đưa người Trung Quốc trái phép vào Việt Nam tại Đà Nẵng.

Nhóm người gồm Chen Xian Fa, Hồ Thị Thu Trinh (24 tuổi, ngụ tại huyện Phú Ninh, Quảng Nam) và Huỳnh Ngọc Diễm (41 tuổi, ngụ tại quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) đã bị bắt và khởi tố về tội tổ chức đưa người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-female-hostess-of-the-motel-who-hide-20-chinese-people-prosecuted-08202020084334.html

 

Sài Gòn truy quét người ngoại quốc

nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Tin từ Sài Gòn: Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin vào ngày 18/8, nhà chức trách ở các quận-huyện của thành phố Sài Gòn bắt đầu tăng cường công tác kiểm tra nhân khẩu, ghi danh tạm trú tạm vắng tại các khách sạn, nhà trọ, khu vực công cộng trên địa bàn nhằm sớm phát hiện các trường hợp người ngoại quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Phó giám đốc sở công an thành phố thiếu tướng Trần Đức Tài nói với báo Tiền Phong rằng số người ngoại quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đang tăng lên ở Sài Gòn. Công an thành phố phối hợp với các cơ quan ban ngành của các quận huyện tăng cường kiểm tra tạm vắng tạm trú.

Lực lượng công an cũng thường xuyên tuyên truyền đến người dân, các chủ nhà trọ, nhà cho thuê kịp thời phát hiện, thông báo cho cơ quan những trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép để xử lý theo quy định.  Công an thành phố cũng đã đề nghị Viện kiểm sát và Tòa án cùng cấp phối hợp, thu thập chứng cứ để sớm đưa ra xét xử theo quy định pháp luật các vụ án tổ chức, đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tại Sài Gòn, từ tháng Năm tới nay, nhà chức trách thành phố phát hiện 152 trường hợp nhập cảnh trái phép, trong đó 109 người Hoa Lục và 17 người Campuchia. Đáng chú ý là trường hợp bệnh nhân 912 quốc tịch Trung Cộng, nếu không kịp thời phát hiện và bệnh nhân tiếp tục trốn trong cộng đồng thì sẽ tạo ra những ổ dịch không rõ nguồn lây.

Người Hoa Lục vượt biên trái phép vào Việt Nam cũng tràn đến nhiều tỉnh ở miền Trung và miền Nam. Công an tỉnh Tây Ninh đang chuẩn bị trục xuất 41 người về Trung Cộng. Theo bộ quốc phòng, có hơn 16,500 người Hoa Lục đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ đầu năm đến nay, tạo ra mối nguy về an ninh quốc gia và an toàn dịch bệnh.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/sai-gon-truy-quet-nguoi-ngoai-quoc-nhap-canh-trai-phep-vao-viet-nam/

 

7 người chết và 4 người bị thương

do thiên tai ở 9 tỉnh miền Bắc

Tính đến 21 giờ ngày 19/8, đã có 7 người chết, 4 người bị thương và tổng thiệt hại tài sản, vật chất ước tính ban đầu hơn 45 tỷ đồng do mưa lũ, sạt lở đất gây ra tại 9 tỉnh ở miền Bắc, Việt Nam.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 20/5 dẫn số liệu ghi nhận của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cho thấy tình trạng mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất tại khu vực miền núi phía Bắc, đến tối hôm 19/8 đã làm hư hỏng hơn 1000 căn nhà hoặc di dời khẩn cấp, gần 2100 héc-ta lúa và hoa màu bị hư hại, gần 970 con gia súc và gia cầm bị cuốn trôi và một số tuyến đường liên tỉnh, liên xã bị sạt lở, trong đó hai tỉnh lộ 158 và 156B thuộc địa phận tỉnh Lào Cai và đoạn đường huyện xã Nậm Khao-xã Tà Tổng, thuộc tỉnh Lai Châu bị ách tắc và đi lại rất khó khăn.

Tổng thiệt hại được ước tính hơn 45 tỷ đồng tại 9 tỉnh bao gồm Lào Cai, Thái Nguyên, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng và Điện Biên. Hiện các địa phương này vẫn đang tiếp tục thống kê số liệu thiệt hại.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo sẽ tiếp tục có mưa, từ mức độ vừa cho đến rất to, và có dông ở các khu vực Đông Bắc, Việt Bắc và Tây Bắc. Song song đó có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, cảnh báo nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, các khu đô thị, các tỉnh và thành phố.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, tại phiên họp vào sáng ngày 20/8 đề nghị chính quyền các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Tây Nguyên có các phương án đảm bảo an toàn đê điều, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, phải có thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân đề phòng lũ quét, sạt lở đất, khu vực dân cư có nguy cơ mất an toàn.

Tổng cục Phòng chống Thiên tai và Viện Vật lý Địa cầu, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hồi trung tuần tháng 7 dự báo mưa bão ở khu vực miền núi phía Bắc của Việt Nam có khả năng gia tăng hơn kể từ tháng 9; đồng thời có nguy cơ rất lớn xuất hiện mưa, lũ lớn ở khu vực này tương tự như xảy ra tại Trung Quốc trong cùng thời điểm tháng 7/2020.

Trước đó vào đầu tháng 5, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc đưa ra gia dự báo mùa mưa bão năm 2020 đến muộn và có khoảng từ 11 đến 13 cơn bão cùng với áp thấp nhiệt đới hoạt động ở Biển Đông. Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tương đương những năm trước.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/seven-dead-n-four-injured-by-flood-n-landslides-in-northern-provinces-08202020083052.html

 

Nguy cơ lũ chồng lũ vì Trung Quốc

không cho biết thông số xả lũ trên sông Hồng

Trung Quốc dự kiến xả lũ Nhà máy thủy điện Mã Đồ Sơn, trên lưu vực sông Hồng tối ngày 20/8, nhưng không cho biết thông số xả lũ trên sông Hồng, dẫn đến nguy cơ lũ chồng lũ ở Việt Nam.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 20/8, theo thông báo của Sở Ngoại vụ Lào Cai về việc này.

Theo cơ quan chức năng Lào Cai, Trung Quốc không cho biết thông số cụ thể, sẽ gây khó khăn trong ứng phó. Phía Trung Quốc chỉ cho biết, gần đây do ảnh hưởng của bão, khu vực lưu vực sông Hồng xảy ra mưa lớn, mực nước sông dâng cao, để đảm bảo an toàn phòng lũ, nhà máy thủy điện Mã Đồ Sơn phải xả lũ.

Hiện lũ trên sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Lào Cai vẫn ở mức cao, trạm thủy văn Lào Cai quan trắc được mực nước ở mức 80,20 m, cao trên báo động 1 là 0,2m.

Cũng trong ngày 20/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã yêu cầu 5 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội cần có phương án ứng phó lũ trên sông Hồng, sẵn sàng sơ tán dân vùng nguy hiểm tới nơi an toàn, tăng cường rà soát bảo đảm các hồ chứa thủy điện.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi quan trọng…

Trong cùng ngày, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng đã có cuộc họp về tình hình mưa bão lũ hiện nay.

Cụ thể, bão số 4 đã đi vào đất liền phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, tiếp tục di chuyển sâu vào đất liền suy yếu và tan dần. Về tình mưa giông, dự báo từ ngày 21 đến 22/8, nhiều tỉnh phía bắc sẽ có mưa to, có khả năng xảy ra lốc và gió giật mạnh. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ và ngập úng tại các vùng trũng…

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cn-discharged-floods-on-the-red-river-but-did-not-give-specific-parameters-08202020075440.html

 

Số ca nhiễm COVID-19 tại VN

đã hơn 1 ngàn trường hợp

Bộ Y tế Việt Nam vào tối ngày 20 tháng 8 thông báo có thêm 14 ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận. Trong số này có 12 ca tại Đà Nẵng, Quảng Nam và 2 ca là người Việt về nước.

Như vậy tổng số bệnh nhân COVID-19 từ đầu mùa dịch đến nay tại Việt Nam là 1007 ca, với 25 trường hợp tử vong. Trong số này có 666 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Riêng từ ngày 25 tháng 7 đến nay số ca nhiễm trong cộng đồng là 525 ca.

Trong tổng số hơn 1000 ca nhiễm COVID-19, có 542 ca được điều trị khỏi.

Cũng trong ngày 20/8, trung tâm báo chí TPHCM phát đi thông báo bệnh nhân nam sinh năm 1993 được xác định dương tính sau khi nhập cảnh Việt Nam ngày 29/7 và được cách ly tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Sau 3 lần xét nghiệm âm tính được cho về nhà tự cách ly tại địa chỉ hẻm 52 đường Thoại Ngọc Hầu, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM.

Tuy nhiên đến ngày 18/8 kết quả xét nghiệm tái dương tính với coronavirus. Hiện bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại bệnh viện dã chiến Củ Chi, không sốt, không ho, không khó thở.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã xác định được 2 người thuộc diện F1, 4 người F2. UBND phường Hòa Thạnh cũng đã phong tỏa tạm thời 17 hộ sống xung quanh nhà của người bệnh, thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm cho 52 người liên quan.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/covid-19-update-08202020084826.html

 

Phong tỏa 17 căn nhà ở quận Tân Phú

Hiểu Minh

Trưa 20/8 TP.HCM phong tỏa 17 căn nhà trên đường Thoại Ngọc Hầu, quận Tân Phú, cách ly 52 người vì sống gần ca tái dương tính Covid-19.

Theo Tuổi Trẻ, ca tái dương tính này là bệnh nhân T.Đ.C. (nam, 27 tuổi, ngụ tại phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú).

Trước đó, bệnh nhân này được xác định dương tính với Covid-19 tại Guinea Xích Đạo (châu Phi). Bệnh nhân về Việt Nam ngày 29/7 và được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương.

Sau 3 lần xét nghiệm âm tính, người này được kết thúc cách ly vào ngày 14/8 và trở về nơi cư trú, tự cách ly tại nhà.

Kết quả xét nghiệm ngày 16 và 17/8, bệnh nhân đều âm tính với Covid-19. Tuy nhiên đến ngày 18/8, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này lại dương tính.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM xác định được 2 người thuộc diện F1, 4 người F2.

Hiện, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến Củ Chi để cách ly, điều trị trong tình trạng sức khỏe bình thường, không ho, sốt, khó thở.

Trước đó, quận Tân Phú đã thực hiện phong tỏa 8 căn nhà tại phường Tây Thạnh và 3 căn nhà trên đường Phú Thọ Hòa vì liên quan đến những ca mắc Covid-19.

https://www.dkn.tv/thoi-su/phong-toa-17-nha-o-quan-tan-phu.html

 

Bảo trợ cho Tù Nhân Lương Tâm – công việc thiết thực!

Giang Nguyễn

Gần đây Dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal, đại diện Địa hạt 47 tiểu bang California, chia sẻ tại một buổi hội luận về nhân quyền tại Việt Nam rằng ông đang thực hiện thủ tục để chính thức bảo trợ TNLT trẻ Nguyễn Văn Hóa.

“Tôi rất ấn tượng với những gì anh Hóa đã làm,” ông nói.

Anh Nguyễn Văn Hóa, một nhà báo trẻ tuổi và là cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do, đã đưa tin và hình ảnh video về những vụ biểu tình phản đối công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường tại Hà Tĩnh năm 2016. Năm 2017 anh Hóa bị tuyên án 7 năm tù và 3 năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.

“Video của anh đã đóng vai trò lớn cho thế giới thấy việc gì đã xảy ra ở Việt Nam. Tôi muốn sát cánh với anh, lên tiếng cho anh, và cho Việt Nam biết, chúng ta đang quan sát họ rất kỹ. Mỗi khi họ muốn tương tác với chính quyền Hoa Kỳ, những người bảo trợ TNLT như tôi sẽ lên tiếng đòi hỏi họ trả tự do cho những TNLT đó.”

Bà Nguyễn Thị Huệ, chị của Nguyễn Văn Hóa, nói bà cùng gia đình rất phấn khởi nghe tin về dự tính của Dân biểu Lowenthal. Bà nói những ý định của ông cũng chính là những điều mà Hóa mong chờ từ lâu.

“Mong muốn nhất của Hóa đó là sự quan tâm của cộng đồng người Việt, cũng như các LHQ và các nước, lá có tiếng nói cho Hóa. Nguyện vọng của Hóa từ lâu rồi, gần 2 năm rồi, là muốn có các đại sứ quán đại diện vào trại giam thăm Hóa 1 lần, để Hóa có những nguyện vọng muốn nói lên. Có những nguyện vọng mà Hóa cần phải cho người bên ngoài được biết nhiều hơn, nhưng nếu qua thư từ thì bị dập hết. Những cái thông tin đó họ không cho ra ngoài”. 9.20

Bà Huệ nói, sự bảo trợ từ dân biểu rất cần thiết vì từ tháng 6, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại với trung tâm ổ dịch tại Đà Nẵng, gần trại giam An Điềm nơi người em của bà bị giam, gia đình không còn được đi thăm nuôi, và hàng tháng, Hóa gửi thư xin thuốc men rất nhiều.

Chương trình bảo trợ TNLT, được gọi là Dự án Bảo vệ Tự Do, là một trong những chương trình chính của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Quốc Hội Hoa Kỳ.

Theo dân biểu Lowenthal, sự bảo trợ này sẽ cho phép ông phản đối hành vi bắt bớ, tù giam của Việt Nam, và yêu cầu thông tin về người TNLT qua các đường dây chính thức:

“Một khi chúng tôi nhận làm người bảo trợ (cho Hóa), tôi sẽ liên lạc với Đại sứ quán Hoa Kỳ, cho họ biết Hóa là TNLT của tôi bảo trợ, yêu cầu quý ông bà thông tin với chính quyền Việt Nam là tôi đã bảo trợ cho anh ấy. Tôi sẽ yêu cầu đại sứ quán, ‘Trả lời cho tôi biết về tình trạng của anh ấy, anh ấy ra sao? Đại sứ có thể thăm viếng anh ấy không?’ Có rất là nhiều điều chúng tôi có thể làm, một khi đã làm người bảo trợ cho Hóa”.

Ủy ban Tom Lantos được thành lập tại Hạ Viện vào năm 2008, với mục tiêu khuyến khích dân biểu Hoa Kỳ tích cực tham gia trong những vấn đề nhân quyền. Dân biểu Lowenthal là một trong 6 ủy viên ban chấp hành của ủy ban lưỡng đảng này.

Ông nói, khi ông được biết về trường hợp của blogger Nguyễn Văn Hóa, ông đã nộp đơn với Ủy ban Tom Lantos, đề cử TNLT này, và ông phải trình bày đầy đủ về hoàn cảnh của anh trước khi Ủy ban quyết định chấp nhận bảo trợ.

“Dự án Bảo vệ Tự Do thật sự là một cách để nghị viên Quốc Hội chúng tôi có thể thông tin đến những TNLT là chúng tôi đang bảo vệ họ, chúng tôi không quên họ. Chúng tôi đang sánh vai với họ”.

Chương trình bảo trợ TNLT của Quốc Hội Hoa Kỳ không phải là chương trình duy nhất mà còn nhiều chương trình tương tự của tổ chức, cơ quan khác tại Hoa Kỳ và các nước dân chủ.

Luật sư Anurima Bhargava, phó chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) từ cuối năm 2019 đã bảo trợ cho TNLT ông Nguyễn Bắc Truyển, qua Dự án Tù Nhân Lương tâm Tôn Giáo của Ủy hội.

Theo USCIRF, chính quyền Việt Nam giam ông vì những nỗ lực lên tiếng, bảo vệ tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và các cựu TNLT khác.

Ủy viên James Carr nhận xét về trường hợp ông Truyển:

“Ông ấy là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Công việc của ông chú trọng vào việc hỗ trợ pháp lý cho các gia đình TNLT và các cộng đồng tôn giáo bị đàn áp. Như quý vị cũng biết, ông bị bắt năm 2017, và ngày 5/4/2018 ông bị đưa ra xét xử. Và quý vị có thể tin không, ông bị tuyên án 11 năm tù. Tôi có rất nhiều người bạn từ Việt Nam. Việt Nam có thể hành xử tốt hơn. Họ không phải là một chính quyền yếu kém đến nỗi phải bắt một người như ông và giam ông 11 năm”.

Cựu tù nhân lương tâm, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, đã hai lần đi tù vì vận động cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Trong thời gian bị giam ông được văn phòng Dân biểu Alan Lowenthal và đại diện Quốc Hội Đức Quốc, Nghị viên Marie-Luise Dött lên tiếng can thiệp.

Từ Đức Quốc, Ls. Đài nói, những chương trình bảo trợ này vô cùng quý báu. Ông cho rằng, những sự bảo trợ có thể thay đổi đời sống hàng ngày trong tù và sau đó.

“Nó ảnh hưởng rất nhiều. Thứ nhất là bản thân mình ở trong nhà tù, khi đó thì mình cũng cảm nhận được cái sự thay đổi, từ cách đối xử của những người quản giáo, cho đến cách đối xử của điều tra viên. Ví dụ, trước khi có những sự bảo trợ như vậy, thì thái độ của quản giáo viên rất là khề khà, tức là họ muốn kéo dài thời gian của mình trong tù, mặc dù họ biết trước sau cũng phải thả mình, nhưng mà khi có dân biểu hoặc thượng nghị sĩ bảo trợ cho mình thì thái độ họ thay đổi khắc hẳn. Ví dụ đối với cá nhân tôi chẳng hạn. Lúc ngày 30/7/2017 thì an ninh, ý là giam tôi ít nhất 2 năm nữa rồi họ mới thả, nhưng sau đó 3 tháng thì họ vội vàng bảo, thôi chúng tôi không giữ anh ở đây nữa, chúng tôi hoàn tất hồ sơ nhanh, xử anh rồi cho anh đi Đức bởi vì lúc này sức ép từ nước Đức hay Mỹ và các nước khác rất là lớn với chúng tôi. Chúng tôi không thể giữ anh nữa. Thì đấy là từ người an ninh điều tra họ nói với mình”.

LS Đài bị trục xuất ngày 8/6/2018 và đưa đi Đức. Ông hiện cư ngụ tại Hanau. Ông đã gặp được người bảo trợ ông, dân biểu Quốc Hội Đức, bà Marie-Luise Dött, và tìm hiểu sự bảo trợ cụ thể diễn ra như thế nào:

“Thứ 1, bà ghi tên của tôi trên bàn làm việc. Và mỗi khi gọi điện thoại, bà sẽ gọi hàng tháng sang bộ ngoại giao Đức, hay sang bên Văn phòng Đối ngoại Đức, bà ấy hỏi là trong tháng tới, có phái đoàn nào của Việt Nam và Đức làm việc với nhau hay không. Nếu có, bà sẽ xin gặp cùng hoặc là sẽ có là thư gửi bên phía Việt Nam. Và đồng thời 2-3 tháng một lần, bà ấy gọi cho vị Đại sứ Việt Nam bà gây áp lực. Rồi bà nói là sẽ tổ chức cuộc gặp, giới thiệu về hội nghị đầu tư, và bà mời Đại sứ Việt Nam đến để gặp. Và khi gặp, vấn đề yêu cầu Việt Nam trả tự do cho tôi cũng là vấn đề đầu trước khi nói về vấn đề kinh tế. Khi mà vị dân biểu bảo trợ cho mình thì họ sẽ làm tất cả những gì có thể làm được trong mối quan hệ giữa quốc gia đó với Việt Nam, để gây áp lực trả tự do cho mình”.

Ông nói, trường hợp của Nguyễn Bắc Truyển hay Nguyễn Văn Hóa, nếu như họ muốn đi định cư tại Mỹ, thì việc bảo trợ của dân biểu có tác dụng rất lớn để nhà cầm quyền Việt Nam sớm trả tự do cho họ.

Theo ông, không có TNLT nào muốn phải rời đất nước, vì họ muốn được đóng góp cho dân chủ, nhân quyền ngay từ trong nước. Nhưng xét trên kinh nghiệm cá nhân, Ls. Đài nói, nếu phải tạm rời khỏi Việt Nam, nhất là với những bản án quá cao như ông Truyển, 11 năm tù, anh Hóa, 7 năm tù, người TNLT vẫn có thể tiếp tục đấu tranh hiệu quả từ nước ngoài:

“Cho nên là việc mình phải tạm thời rời khỏi Việt Nam, có lợi hơn cho chính người đó thoát khỏi nhà tù. Thứ 2, nếu ra bên ngoài mà mình biết tận dụng tốt thời gian, biết sử dụng mạng xã hội hiệu quả, thì đấu tranh thậm chí lợi hại hơn là ở trong nước.”

Dân biểu Alan Lowenthal cho biết, Ủy ban Nhân Quyền Tom Lantos sẽ có quyết định về việc bảo trợ TNLT Nguyễn Văn Hóa trong những ngày sắp tới.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/sponsoring-a-political-prisoner-a-practical-means-of-support-08192020160909.html

 

Cảnh sát biển Việt Nam sang Hoa Kỳ

để huấn luyện và tiếp nhận tàu WHEC 726

Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam đã ra quyết định thành lập đoàn công tác đi huấn luyện và tiếp nhận tàu tuần tra WHEC 726 lớp Hamilton tại Hoa Kỳ.

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cho truyền thông quốc nội biết thông tin trên vào ngày 20 tháng 8 sau cuộc họp của Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1.

Theo đó, sau thời gian tạm hoãn mọi hoạt động vì đại dịch COVID-19, đây là thời điểm chính thức Cảnh sát biển Việt Nam sang Hoa Kỳ và tiếp nhận tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton thứ hai.

Trước đó, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã tiếp nhận một con tàu tuần tra lớp Hamilton khác từ Hoa Kỳ, là chiếc WHEC 722 mang tên USCGC Morgenthau.

Con tàu trên hiện đã có số hiệu mới là CSB 8020 và thuộc Vùng Cảnh sát biển 3.

Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam cho hay sau khi tiếp nhận tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton thứ 2 từ lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ, con tàu sẽ giúp ích rất nhiều cho Cảnh sát biển Việt Nam trong việc tăng cường khả năng thực thi pháp luật trên biển.

Tàu tuần tra WHEC 726 lớp Hamilton có tên gọi USCGC John Midgett, lượng giãn nước đầy tải 3.250 tấn; chiều dài 115 m; chiều rộng 13 m; mớn nước 4,6 m; thủy thủ đoàn 160 người (20 sĩ quan, 140 thuyền viên).

WHEC 726 được trang bị hệ thống động lực kết hợp gồm 2 động cơ diesel và 2 động cơ turbine khí, cho tốc độ tối đa 29 hải lý/h (53,7 km/h), tầm hoạt động 14.000 hải lý (22.531 km) và thời gian bám biển liên tục là 45 ngày.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-marine-police-visit-usa-to-receive-large-coast-guard-whec-726-08202020075219.html

 

Việt Nam không tham gia diễn tập hải quân

‘lớn nhất thế giới’

Việt Nam không có tên trong danh sách 10 nước đang tham gia cuộc Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm nay ở Hawaii, dù đã được mời.

Hiện chính quyền Hà Nội chưa thông báo lý do không tham dự RIMPAC – cuộc diễn tập chỉ diễn ra trên biển từ ngày 17 tới 31 tháng Tám và không có các sự kiện giao lưu trên bờ do các quan ngại về virus Corona.

Hải quân Mỹ hồi tháng Năm xác nhận riêng với VOA Việt Ngữ rằng Việt Nam là một trong 25 nước được mời tham dự cuộc thao dượt hải quân diễn ra hai năm một lần và được coi là “lớn nhất thế giới”.

Tuy nhiên, Việt Nam không có tên trong danh sách 10 quốc gia, gồm các đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ, quyết định tham gia sự kiện trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan.

XEM THÊM:

Mỹ mời Việt Nam dự diễn tập hải quân ‘lớn nhất thế giới’, loại Trung Quốc

Hai năm trước, Bộ Quốc phòng Việt Nam cử tám sỹ quan tham mưu nhưng không phái tàu chiến tới dự RIMPAC 2018.

Theo Hải quân Mỹ, cuộc thao dượt hải quân quốc tế nhằm mục đích “thúc đẩy và duy trì các mối quan hệ hợp tác, vốn mang tính sống còn để bảo đảm an toàn và an ninh của các tuyến đường biển vì một khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Lực lượng này nói thêm rằng cuộc thao dượt diễn ra ở vùng biển quanh các hòn đảo ở Hawaii là “một nền tảng độc đáo nhằm củng cố khả năng tương tác và các mối quan hệ đối tác hàng hải chiến lược”.

https://www.voatiengviet.com/a/vi%E1%BB%87t-nam-kh%C3%B4ng-tham-gia-di%E1%BB%85n-t%E1%BA%ADp-h%E1%BA%A3i-qu%C3%A2n-l%E1%BB%9Bn-nh%E1%BA%A5t-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-/5551221.html

 

Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Malaysia

 xử lý nghiêm vụ bắn chết ngư dân Việt Nam

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 20/8 cho báo chí biết Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm tới phía Malaysia, bày tỏ quan ngại sâu sắc và yêu cầu xử lý nghiêm vụ Malaysia bắn chết ngư dân Việt Nam hồi khuya ngày 16/8 vừa qua, đồng thời đối xử nhân đạo đối với các ngư dân khác bị bắt giữ cùng ngày.

Theo Cơ quan Chấp pháp trên Biển của Malaysia, vào khuya ngày 16/8, tàu chấp pháp trên biển của Malaysia đã chặn 2 tàu cá Việt Nam ngoài khơi bang Kelantan, phía đông bắc Malaysia vì nghi ngờ các tàu này đánh bắt cá lậu trong vùng biển của Malaysia. 2 tàu cá Việt Nam đã tìm cách chống trả khi các ngư dân Việt Nam ném lên tàu Malaysia các vật cứng và bom xăng trước khi đâm vào tàu của Malaysia. Phía Malaysia đã nổ súng tự vệ khiến 1 ngư dân Việt bị thương và tử vong sau đó. Phía Malaysia sau đó đã bắt giữ 2 tàu cá cùng 18 ngư dân còn lại.

Theo Cơ quan Chấp pháp trên Biển của Malaysia, các ngư dân bị bắt giữ để điều tra với các cáo buộc đánh bắt cá lậu, xâm phạm vùng nước của Malaysia và cố ý giết người.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết phía Việt Nam đã yêu cầu Malaysia phải đối xử nhân đạo với những công dân này theo tinh thần hữu nghị và hợp tác chiến lược khi hai nước là thành viên của Cộng đồng ASEAN.

Nói với báo giới tại buổi họp báo thường kỳ hôm 20/8, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: “”Hiện nay chúng tôi đang đề nghị phía Malaysia tạo điều kiện đi thăm lãnh sự các ngư dân Việt Nam. Khi đại diện Đại sứ quán Việt Nam được phép đi thăm lãnh sự, chúng tôi sẽ cập nhật thông tin của các ngư dân”

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-send-diplomatic-not-to-malaysia-about-the-killing-of-a-viet-fisherman-08202020074736.html

 

Việt Nam phản ứng trước việc Trung Quốc

cho tàu thăm dò và máy bay ném bom đến Biển Đông

Việt Nam khẳng định lực lượng chức năng của Hà Nội vẫn giám sát chặt mọi động thái trên Biển Đông khi tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục hoạt động quanh lô dầu khí thuộc Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê thị Thu Hằng, đưa ra phát biểu vừa nêu tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 20 tháng 8 ở Hà Nội. Bà Hằng nói như vừa nêu khi được báo chí nước ngoài yêu cầu xác nhận và bình luận về thông tin, cơ sở dữ liệu tàu biển cho thấy suốt cả tháng qua, tàu hải cảnh 5402 của Trung Quốc tiến hành hoạt động tuần tra cộng thêm thăm dò quanh lô dầu khí 6.01 trong vùng thềm lục địa của Việt Nam. Sau khi tàu 5402 rời đi vào ngày thứ ba 18/8 vừa qua thì tàu hải cảnh 5202 vào thay thế.

Ngoài yêu cầu bình luận về vấn đề vừa nêu, báo giới còn nêu câu hỏi với người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam việc Trung Quốc vào đầu tháng 8 vừa qua điều oanh tạc cơ H-6J đến đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa.

Bà Lê Thị Thu Hằng nhắc lại Việt Nam nhiều lần khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Hà Nội có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này tại Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng “việc các bên đưa những loại máy bay chiến đấu cũng như vũ khí nói chung ra Hoàng Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn làm phức tạp tình hình ở Biển Đông”.

Reuters loan tin cho biết người phát ngôn Bộ Quốc Phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường vào cuối tháng trước nói các oanh tạc cơ H-6G và H-6J tham gia tập trận tại khu vực Biển Đông.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-reacts-against-china-s-survey-ship-in-eez-and-bomber-in-paracels-08202020074356.html

 

TQ xả lũ nhưng không cho thông số

- Hành động tiểu nhân?

Phía Trung Quốc sẽ xả lũ thủy điện Mã Đổ Sơn trên sông Hồng từ 9h đến 17h ngày 20/8, do ảnh hưởng của mưa bão tại nước này khiến mực nước hồ đạt đỉnh.

Dự kiến, hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái của Việt Nam sẽ phải hứng chịu một đợt lũ lụt lớn do Trung Quốc xả lũ ở Mã Đồ Sơn

Thông tin trên được Ban Ngoại vụ huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc thông báo cho Sở Ngoại vụ Lào Cai vào sáng ngày 20/8.

Vào sáng cùng ngày, ông Vũ Văn Cài – Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai, đã ký văn bản hỏa tốc gửi đến Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai và chính quyền các huyện: Bát Xát, TP. Lào Cai, Bảo Điều đáng ngạc nhiên là phía TQ không  không cung cấp thông số cụ thể, chỉ thông báo khả năng nước sông Hồng sẽ dâng cao hơn ngày 18/8.

Đây thực sự là một kiểu hành xử hết sức tiểu nhân của phía chính quyền TQ.

Trong khi đó, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió, từ chiều nay đến ngày 22/8, Việt Bắc, Tây Bắc tiếp tục mưa to, phổ biến 50-100 mm trong 24h, có nơi trên 120 mm.

Do mưa lớn kết hợp với hồ thủy điện Mã Đổ Sơn xả lũ, tỉnh Lào Cai dự báo mực nước trên sông Hồng qua địa bàn sẽ lên báo động 3, mức cao nhất trong thang báo động lũ của Việt Nam. Tỉnh đã yêu cầu các huyện, xã dọc lưu vực sông gồm thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng và Bảo Yên chủ động biện pháp phòng chống, dừng các hoạt động đánh bắt, giao thông đường thủy.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/36470-tq-xa-lu-nhung-khong-cho-thong-so-hanh-dong-tieu-nhan.html

 

Điểm tin trong nước sáng 20/8: Hà Nội thông báo

ca nhiễm thứ 12 ngoài cộng đồng;

Bệnh viện E ‘nội bất xuất, ngoại bất nhập’

Tâm Tuệ

Mục điểm tin trong nước sáng thứ Năm (20/8) của DKN xin gửi đến quý độc giả những nội dung sau:

Bệnh viện E ‘nội bất xuất, ngoại bất nhập’

Tin cập nhật lúc 6h ngày 20/8 từ Bộ Y tế: Việt Nam ghi nhận thêm một bệnh nhân tại Hà Nội mắc viêm phổi Vũ Hán, nâng tổng số ca toàn quốc lên 994 bệnh nhân.

Từ 20h tối 19/8, Bệnh viện E (Hà Nội) đã thực hiện nội bất xuất, ngoại bất nhập, dừng tiếp nhận bệnh nhân, không cho bệnh nhân xuất viện cũng như nhân viên y tế đang ở bệnh viện không được về nhà, do có 1 ca nhiễm virus Vũ Hán mới được phát hiện là bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Hà Nội thông báo ca nhiễm thứ 12 ngoài cộng đồng

Báo VnExpress dẫn thông tin từ lãnh đạo TP. Hà Nội ngày 19/8 cho biết người đàn ông quê Phú Thọ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán và đây là ca bệnh thứ 12 lây nhiễm ngoài cộng đồng ở thành phố.

Tối ngày 19/8, Trung tâm y tế quận Bắc Từ Liêm đã phun khử khuẩn khu vực ngách 10/117 Trần Cung, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm.

Trước đó, ngày 10/8 người đàn ông sốt và đau bụng. Ngày 12/8, ông được đưa đi khám tại khoa khám bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện E, sau đó về nhà người thân tại ngách 10/117 Trần Cung. Ngày 13/8, bệnh nhân nhập viện E, được chụp CT Scan phổi, có hình ảnh viêm phổi và được chuyển khoa Hô hấp trong ngày 15/8.

Ngày 18/8, bệnh nhân được lấy mẫu gửi Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm và cho kết quả dương tính ngày 19/8.

Người đi lễ quá đông, Hà Nội đóng cửa phủ Tây Hồ

Sáng 19/8 (tức ngày mùng 1/7 âm lịch), hàng nghìn người đến dâng lễ ở phủ Tây Hồ. Gần trưa, lượng khách đông hơn, đứng dày đặc trong khuôn viên Phủ. Theo ghi nhận của phóng viên báo VnExpress, có khoảng 4.000 người đã đến Phủ Tây hồ trong ngày và hầu hết mọi người đều đeo khẩu trang.

Công an phường Quảng An đã dựng barie ở hai cổng vào Phủ, yêu cầu người dân xếp hàng giãn cách. Hai cán bộ y tế đứng trước cổng để đo thân nhiệt, yêu cầu khách đi lễ sử dụng nước rửa tay sát khuẩn. Tuy nhiên, hàng nghìn người tập trung ở cổng Phủ nên lực lượng chức năng không thể bảo đảm việc giãn cách.

Do không thể kiểm soát, giới chức địa phương đã quyết định đóng cửa di tích này cho đến hết ngày 20/8. Sau khi đóng cửa Phủ, nhiều khách đi lễ và người buôn bán quanh khu vực này đã phản ứng, nhưng được chính quyền phường giải thích nên họ đã lần lượt ra về.

Giấu gần 50 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép

Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố Nguyễn Thị Xoa, 36 tuổi, về hành vi “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”, thông tin được ông đại tá Phạm Thế Tùng, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết ngày 19/8, theo VnExpress.

Khai với công an, Xoa nói từ tháng 6/2020, qua liên lạc với một số người Trung Quốc, Xoa đồng ý cho sử dụng nhà nghỉ của mình và thuê thêm nhà một số hộ dân ở thị xã Từ Sơn cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở. Sự việc bị công an phát hiện vào ngày 31/7. Sau lần đó, Xoa vẫn tiếp tục cho người Trung Quốc khác lưu trú ở nhà nghỉ của mình, còn thuê nhà kho bên cạnh để khách trốn khi bị kiểm tra và bị công an phát hiện vào ngày 4/8. Theo khai báo của Xoa, tổng số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép của 2 lần là 47.

Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, những người Trung Quốc phần lớn nhập cảnh qua đường mòn ở biên giới giáp Lạng Sơn đường tiểu ngạch ở Lạng Sơn và Lào Cai sau đó vào Bắc Ninh. Họ khai đến Việt Nam với mục đích tìm địa bàn để kinh doanh, mở nhà hàng và xin làm lao động tự do.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-20-8-ha-noi-thong-bao-ca-nhiem-thu-12-ngoai-cong-dong-benh-vien-e-noi-bat-xuat-ngoai-bat-nhap.html

 

Điểm tin trong nước tối 20/8: Lào Cai hỏa tốc

thông báo ứng phó Trung Quốc xả lũ;

Trung Quốc đưa máy bay ném bom ra đảo Phú Lâm

Hiểu Minh

Mục điểm tin trong nước tối thứ Năm (20/8) của DKN xin gửi đến quý độc giả những nội dung sau:

Lào Cai hỏa tốc thông báo ứng phó Trung Quốc xả lũ trên sông Hồng

Thanh Niên đưa tin, sáng nay, 20/8, ông Vũ Văn Cài, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai, đã ký văn bản hỏa tốc gửi đến Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai và chính quyền các huyện: Bát Xát, TP. Lào Cai, Bảo Thắng và Bảo Yên.

Theo Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai, cơ quan này đã nhận được thư liên hệ của Ban Ngoại vụ huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc thông báo thủy điện Trung Quốc sẽ xả lũ trên sông Hồng.

Do ảnh hưởng của bão số 4 và khu vực lưu vực sông Hồng xảy ra mưa to lớn, mực nước sông dâng cao, để đảm bảo an toàn phòng lũ, nhà máy thủy điện Mã Đồ Sơn (Trung Quốc) dự kiến sẽ xả lũ từ 9 giờ đến 17 giờ hôm nay (20/8). Khi đó, mực nước ông Hồng sẽ dâng cao hơn.

Theo đó, Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai có thông báo đến các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương được biết và chủ động để thông báo cho người dân ở khu vực ven sông Hồng được biết và chủ động các biện pháp ứng phó.

Phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc đưa oanh tạc cơ H-6J tới đảo Phú Lâm

Người lao động đưa tin, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 20/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Trung Quốc điều oanh tạc cơ H-6J đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi đầu tháng 8.

Bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định nhưng cũng xin nhắc lại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định việc các bên đưa các loại vũ khí cũng như máy bay chiến đấu ra quần đảo Hoàng Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

“Chúng tôi kêu gọi các bên có đóng góp có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông”- bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.

Chở quá tải 44%, tăng ga húc thẳng vào CSGT khi bị kiểm tra

Sáng 20/08, Phòng CSGT, Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, đã tạm giữ tài xế có hành vi chở quá tải và chống đối người thi hành công vụ.

Theo Tiền Phong, trước đó 1 ngày, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại cảnh một xe tải cố tình nhấn ga bỏ chạy khi trước mũi xe có một CSGT đang giang tay chặn xe lại. Sau khi phải chạy giật lùi hàng chục mét, thấy lái xe tiếp tục nhấn ga, người CSGT này đã bất lực, né ra khỏi mũi xe để bảo vệ tính mạng trước sự liều lĩnh của lái xe.

Sau đó, sự việc được xác định xảy vào ra vào sáng 19/8 tại QL1A đoạn qua phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình).

Công an tỉnh Ninh Bình ngay sau đó đã xác định danh tính và tạm giữ người tài xế Lê Minh Hạnh (42 tuổi, trú tại tại thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Người này đã vi phạm chở hàng quá tải 44% và không chấp hành hiệu lệnh của CSGT.

Bệnh nhân Covid-19 100 tuổi lần đầu xét nghiệm âm tính

Sau bốn lần xét nghiệm dương tính nCoV, “bệnh nhân 592” lớn tuổi nhất Việt Nam đã âm tính lần một.

Thông tin được Tiến sĩ Mai Văn Mười, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng tiểu ban điều trị Covid-19 tỉnh Quảng Nam, cho biết sáng 20/8. Hiện bệnh nhân tiếp xúc tốt, các chỉ số sinh hiệu ổn định. Cụ bà đang được theo dõi và chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Trung ương Đa khoa Quảng Nam, theo VnExpress.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-20-8-lao-cai-hoa-toc-thong-bao-ung-pho-trung-quoc-xa-lu-trung-quoc-dua-may-bay-nem-bom-ra-dao-cua-viet-nam.html

Powered by Blogger.