Ngày 10/2, Bắc Kinh ban bố “Thông cáo phòng và kiểm soát dịch bệnh, nghiêm ngặt quản lý khép kín các khu dân cư”, đồng nghĩa với việc Bắc Kinh cũng gia nhập trạng thái “phong tỏa thành phố”. Phong tỏa thủ đô ngay trước thời khắc nhạy cảm về cuộc họp của “lưỡng hội”, liệu kỳ họp năm nay có thể tiến hành như dự kiến hay không?
|
Bắc Kinh tuyên bố phong tỏa thành phố, Thượng Hải tiếp bước theo sau (Ảnh: CNA) |
Theo báo cáo vào ngày 10/2 của truyền thông Đại Lục, bắt đầu từ ngày 10/2, chính quyền Bắc Kinh sẽ bắt đầu tiến hành quản lý khép kín các khu dân cư một cách nghiêm ngặt. Xe cộ và nhân viên bên ngoài không được phép vào thành phố, người dân Bắc Kinh cũng phải báo cáo tình hình sức khỏe, hoàn thành bản đăng ký lý lịch cá nhân.
Báo cáo cho biết, trong vòng 14 ngày trước khi đến Bắc Kinh, những người rời khỏi vùng dịch hoặc từng tiếp xúc với người ở vùng dịch, phải tiếp nhận kiểm tra theo quy định hoặc ở nhà quan sát, chủ động báo cáo tình hình sức khỏe, phối hợp với ban quản lý hữu quan, nhất loạt không được phép ra ngoài. Nếu từ chối các biện pháp phòng dịch như giám sát y tế, ở nhà quan sát, sẽ bị xử phạt.
Ngoài ra, những nơi công cộng không cần thiết cho cuộc sống trong khu dân cư tại Bắc Kinh nhất loạt đều phải đóng cửa. Các cơ quan đơn vị và xí nghiệp cũng phải tăng cường giám sát thân nhiệt nghiêm ngặt. Công ty môi giới nhà đất và chủ nhà trong thành phố Bắc Kinh phải cung cấp nhà cho thuê và thông tin của người thuê nhà cho đơn vị tại địa phương, để tiến hành công tác phòng dịch.
Trên thực tế, tình hình dịch bệnh tại Bắc Kinh sớm đã có dấu hiệu mất kiểm soát. Ngày 3/2, chính quyền Bắc Kinh tổ chức họp báo, tuyên bố đã phát hiện sự kiện dịch bệnh lây nhiễm tập thể, có 5 nhân viên y tế và 4 bệnh nhân nhiễm virus corona mới. Nhân viên y tế lây nhiễm được cho là một tiêu chí quan trọng về sự mất kiểm soát của dịch bệnh.
Điều đáng nói là ngày 3/2, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ họp báo trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao của ĐCSTQ. Điều này cũng chứng tỏ tình hình dịch bệnh tại Bắc Kinh rất nghiêm trọng. Reuters mới đây cũng đưa tin, Bắc Kinh đang xem xét trì hoãn Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc được tổ chức thường niên vào ngày 3/5.
Trước đó Apple Daily tại Hồng Kông cũng từng tiết lộ, tin đồn viêm phổi Vũ Hán dẫn tới cuộc đấu đá trong nội bộ quan chức cấp cao ĐCSTQ. Trong cuộc họp khẩn của Ban thường vụ Bộ chính trị vào ngày 25/1, ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường từng xảy ra xung đột gay gắt về công tác phòng chống dịch bệnh, và còn tranh luận gay gắt hơn về vấn đề liệu có tổ chức “lưỡng hội” vào đầu tháng 3 hay không.
Bản tin cho biết, Ban thường vụ phe Tập, do ông Tập Cận Bình đứng đầu, cho rằng nên tổ chức theo định kỳ, mục đích là để “ổn định” lòng dân, và thể hiện cảnh thái bình thịnh thế với ngoại giới. Nhưng phe còn lại trong Ban thường vụ do ông Lý Khắc Cường đứng đầu, lại cho rằng dịch viêm phổi Vũ Hán là “quốc nạn”, sẽ ảnh hưởng tới số liệu về kinh tế của Đại Lục, báo cáo công tác của chính phủ sẽ phải sửa chữa, nên đề xuất trì hoãn cuộc họp. Hai phe kiên quyết giữ ý kiến của mình, tới nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Hiện nay Trung Quốc đã có hơn 80 thành phố tiến hành phong tỏa thành phố, nhưng sẽ “phong tỏa cứng” hoặc “phong tỏa mềm” dựa theo tình hình cụ thể tại địa phương. “Phong tỏa cứng” như Vũ Hán, đóng cửa toàn bộ mọi mối liên hệ với bên ngoài như sân bay, bến xe của toàn bộ tỉnh Hồ Bắc, những phương tiện giao thông công cộng trong thành phố toàn bộ đều phải dừng lại. Nhưng những tình huống cấp thiết đặc thù như vận chuyển vật tư phòng dịch thì vẫn được tiến hành. “Phong tỏa mềm” là tiến hành quản lý khép kín các tiểu khu, như Bắc Kinh, Nam Kinh, Hàng Châu.
Từ Phi, hiệu phó điều hành của trường Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải cho biết, các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến là thành phố cấp một, có hoạt động kinh tế sôi động nhất, lưu lượng người lớn nhất, nên khả năng lây nhiễm chéo cũng cao nhất. Điều này có nghĩa là áp lực và tình hình chống dịch của những thành phố cấp một sẽ nghiêm trọng hơn.
Trong khi đó thị trường đều lo ngại những thành phố lớn này khi nào sẽ tuyên bố phong tỏa thành phố, bởi hễ phong tỏa thành phố e rằng sẽ dẫn tới cú sốc niềm tin về thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Thượng Hải cũng “phong tỏa thành phố”
Sáng ngày 10/2, sau khi Bắc Kinh tuyên bố thực thi “quản lý khép kín”, tiếp đó Thượng Hải cũng tuyên bố “phong tỏa thành phố”.
Chu Cần Hạo, cục trưởng Cục dân sự Thượng Hải trong buổi họp báo của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Thượng Hải, cho biết tuyệt đại đa số 13.000 “khu dân cư” đã thực hiện “quản lý khép kín”.
Chu Cần Hạo cho biết, “khu dân cư” tại thành phố Thượng Hải áp dụng biện pháp quản lý cổng ra vào, ví như quản lý nghiêm ngặt số lượng cổng ra vào, tăng cường kiểm soát, đồng thời tiến hành ba biện pháp “phải tra hỏi, phải đăng ký, phải đo thân nhiệt” khi mọi người ra vào. Nếu phát hiện thân nhiệt bất thường, sẽ lập tức báo cáo, đồng thời kịp thời đưa tới bệnh viện.
Chu Cần Hạo còn nói, với những người không phải cư dân thành phố, không có nhà ở, không có nghề nghiệp, sẽ tăng cường khuyên người đó quay trở về địa phương, hy vọng họ có thể tạm thời không vào Thượng Hải.
Ngoài ra, vào ngày 7/2, hai thành phố lớn là Quảng Châu và Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông, cũng đã tuyên bố “tiến hành quản lý khép kín”. Ngoài việc phong tỏa những thành phố trọng điểm, 4 tỉnh có dịch viêm phổi Vũ Hán tập trung nhất là Hồ Bắc, Liêu Ninh, Giang Tây và An Huy, sớm đã ở trong trạng thái “phong tỏa tỉnh”.
Vào ngày 10/2, Bắc Kinh (trung tâm chính trị) và Thượng Hải (trung tâm tài chính của Trung Quốc) lần lượt tuyên bố “phong tỏa thành phố”, lại càng khiến ngoại giới tập trung sự chú ý vào tình hình kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc cũng như lo lắng dịch bệnh sẽ có xu hướng lan nhanh trong tương lai.
Trình tự thời gian và khu vực tại Trung Quốc tuyên bố phong tỏa thành phố như sau:
Ngày 23/1: Thành phố Vũ Hán, Ngạc Châu, Tiên Đào, Tiềm Giang, Chi Giang, Thiên Môn thuộc tỉnh Hồ Bắc.
Ngày 24/1: Thành phố Hoàng Cương, Nghi Xương, Hàm Ninh, Hoàng Thạch, Hiếu Cảm, Xích Bích, Kinh Môn, Đương Dương, Ân Thi, Thập Yển thuộc tỉnh Hồ Bắc.
Ngày 25/1: Thành phố Tùy Châu thuộc tỉnh Hồ Bắc.
Ngày 31/1: Khu Vạn Châu, khu Lương Bình thuộc thành phố Trùng Khánh.
Ngày 31/1: Thành phố Ngô Trung, thành phố Ngân Xuyên thuộc khu tự trị Ninh Hạ của dân tộc Hồi.
Ngày 2/2: Thành phố Ôn Châu tỉnh Chiết Giang.
Ngày 4/2: thành phố Hàng Châu, Nhạc Thanh, Ninh Ba thuộc tỉnh Chiết Giang; thành phố Nam Kinh, Từ Châu, Nam Thông thuộc tỉnh Giang Tô; thành phố Trịnh Châu, Trú Mã Điếm thuộc tỉnh Hà Nam; thị trấn Cảnh Đức thuộc tỉnh Giang Tây; thành phố Phúc Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến; thành phố Lâm Nghi thuộc tỉnh Sơn Đông; thành phố Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang.
Ngày 5/2: Toàn bộ tỉnh Liêu Ninh (tổng cộng 14 thành phố); thành phố Nam Xương, thuộc tỉnh Giang Tây; thành phố Côn Minh tỉnh Vân Nam; thành phố Hợp Phì tỉnh An Huy; thành phố Nam Ninh, thủ phủ của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; thành phố Tế Nam, Thái An, Nhật Chiếu, Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông.
Ngày 6/2: Toàn bộ tỉnh Giang Tây (tổng cộng 11 thành phố).
Ngày 7/2: Toàn bộ tỉnh Hồ Bắc (tổng cộng 17 thành phố); thành phố Thiên Tân; thành phố Quảng Châu, Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông; thành phố Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên.
Ngày 10/2: Thành phố Bắc Kinh, thành phố Thượng Hải.
Theo Website của chính phủ Trung Quốc công bố, tối ngày 9/2, thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường đã điện đàm với thủ tướng Đức Angela Merkel, chủ yếu trao đổi ý kiến về công tác phòng ngừa dịch viêm phổi Vũ Hán (virus corona mới). Mặc dù ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh với bà Merkel rằng, hy vọng cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Đức, có thể giữ gìn lý trí, ủng hộ Trung Quốc trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh, duy trì trao đổi bình thường giữa hai bên, đồng thời tăng cường hợp tác an ninh y tế công cộng quốc tế. Nhưng chính quyền Bắc Kinh ban đầu che giấu dịch bệnh, khiến nhiều nước trên toàn cầu phòng ngừa không chu toàn, khiến dịch bệnh lây lan. Do vậy hiện giờ những biện pháp phòng dịch được áp dụng, ngoài việc hỗ trợ máy bay chở du khách Trung Quốc về nước, đã có hơn 100 quốc gia và khu vực tiến hành các biện pháp quản chế với du khách nhập cảnh.
Trong đó, hơn một nửa quốc gia và khu vực đã cấm nhập cảnh đối với người Trung Quốc, hoặc người Hồ Bắc; hay hạn chế nhập cảnh với những người từng đến Trung Quốc hoặc tỉnh Hồ Bắc trong vòng 14 ngày; hoặc tạm thời dừng cấp visa thương mại tại sân bay, dừng các chuyến bay tới Trung Quốc, hoặc tiến hành cách ly, kiểm dịch với những người nhập cảnh mang quốc tịch Trung Quốc.
(Trí thức VN)