Tổng thống Putin ủng hộ Trung Quốc, Việt Nam nói gì?
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay, 22/9, chính thức lên tiếng về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ lập trường của Trung Quốc về biển Đông.
Trong cuộc họp báo quốc tế, người phát ngôn của Bộ này, ông Lê Hải Bình nêu lại quan điểm của Việt Nam là “giải quyết mọi tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hoà bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS, đề cao sự tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật với các vùng biển và đại dương”.
Hồi đầu tháng này, ông Putin được trích lời nói rằng Nga ủng hộ lập trường của Trung Quốc về phán quyết của Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc, phản đối bên thứ ba can thiệp vào biển Đông.
Cũng liên quan tới biển Đông, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng trả lời câu hỏi về cuộc tập trận Nga – Trung trên vùng biển này, mới kết thúc hôm 19/9.
Ông Bình nói rằng Việt Nam “mong tất cả các nước đóng góp tích cực vào việc duy trì hoà bình, ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng như ở châu Á – Thái Bình Dương”.
Phát ngôn viên này cho rằng “mọi hoạt động, gồm các hoạt động quân sự tại Biển Đông cần tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc”.
Trước đó, hôm 12/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng cuộc tập trận “không nhắm vào một bên thứ ba nào”.
Cũng trong buổi họp báo, ông Bình cho biết Việt Nam đang xác minh thông tin “Đài Loan xây dựng các cấu trúc phục vụ mục đích quân sự trên đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa”.
Người phát ngôn này nói thêm: “Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa, vì vậy phía Đài Loan chiếm đóng và tiến hành các hoạt động tại khu vực này là hoàn toàn phi pháp và xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối”.
Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 21/9 tuyên bố họ đang yêu cầu Google làm mờ các hình ảnh về một số cơ sở xây cất trên biển Đông.
Theo MOFA, VnExpress, Xinhua, SCMP
Indonesia xác nhận
quan chức Việt tới đảo Natuna giáp biển Đông
Indonesia cho biết rằng một thứ trưởng của Việt Nam thăm Natuna, nơi từng bùng ra căng thẳng giữa Jakarta với Trung Quốc, khiến Tổng thống Widodo phải lên tàu chiến để thị uy.
Bộ trưởng phụ trách Ngư nghiệp và Hàng hải của Indonesia, Susi Pudjiastuti, mới cho VOA Việt Ngữ biết rằng Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Vũ Văn Tám tới thăm quần đảo tiền tiêu nằm tiếp giáp với biển Đông ở quốc gia Đông Nam Á này.
Ông Tám công du tới Indonesia giữa tháng trước, và tin cho hay, đôi bên đã soạn biên bản ghi nhớ mà dự kiến sẽ được ký vào giữa tháng này tại Jakarta, trong đó có việc “thiết lập đường dây nóng để xử lý các vụ việc đột xuất xảy ra trên biển”.
Khi được hỏi về tầm quan trọng của quan hệ hàng hải giữa Indonesia và Việt Nam, bà Pudjiastuti nói rằng “đây là sự hợp tác hết sức chiến lược”.
Quan chức phụ trách về ngư nghiệp của Việt Nam tới Natuna ít lâu sau khi Tổng thống Indonesia cùng các quan chức an ninh, ngoại giao và quốc phòng đi thị sát quần đảo hẻo lánh, đồng thời họp nội các ngoài khơi nơi này nhằm chuyển thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh sau khi xảy ra va chạm trên biển giữa tàu Indonesia và Trung Quốc.
Chuyến thăm ngắn ngày của ông Tám diễn ra trong bối cảnh chính quyền quốc gia cùng nằm trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á bắt giữ rồi đánh chìm nhiều tàu thuyền của Việt Nam bị cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng lãnh hải của Indonesia.
Theo tin báo chí của cả hai nước, đây cũng là một trong những chủ đề chính được mang ra thảo luận.
Nữ Bộ trưởng của Indonesia nói với VOA Việt Ngữ:
“Chúng tôi mới vừa thả khoảng 200 ngư dân. Những người vẫn còn bị giữ mới bị bắt. Chúng tôi đã phóng thích tất cả những người đã bị bắt giữ trước đó”.
Bà Pudjiastuti nói thêm rằng việc đánh đắm các tàu nước ngoài “hết sức hiệu quả trong việc ngăn chặn hàng trăm tàu bè khỏi lãnh hải của chúng tôi”, nhấn mạnh rằng “đây là cách tốt nhất”.
Trao đổi với VOA Việt Ngữ, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá, xác nhận rằng 228 người đã trở về Việt Nam từ tuần trước trên tàu của lực lượng kiểm ngư Việt Nam.
Quan chức này nói thêm:
“Việc ngư dân ra nước ngoài đánh bắt là một điều đáng tiếc, nhưng vẫn phải hỗ trợ để cho bà con ngư dân trở về có cuộc sống bình thường, nhưng khó lòng mà bình thường được bởi vì vi phạm luật pháp của nước khác thì như vậy là đã bị tịch thu tàu bè hết rồi, tài sản cũng mất hết. Hội chúng tôi động viên bà con về thì tương thân tương ái thế thôi. Còn ở dưới địa phương ai ở nghiệp đoàn, hội nghề cá, các chỗ đấy người ta giúp đỡ cụ thể gì thì tôi chưa nắm được”.
Ông Thắng nhận định thêm rằng việc đánh bắt trái phép của các ngư dân Việt Nam mang tính “tự phát”, và chưa xác định được rằng đó là “việc làm có hệ thống”.
Thành viên cấp cao của tổ chức bảo vệ ngư dân này nói rằng “chúng tôi luôn luôn vận động cho bà con ngư dân, tuyên truyền cho bà con ngư dân, kiến thức biển, luật pháp của biển Việt Nam cũng như luật pháp biển của các nước lân cận”.
Không chỉ Indonesia, mà nhiều nước như Philippines, Thái Lan, Palau hay thậm chí Australia thời gian qua đã bắt nhiều ngư dân Việt, sau khi cáo buộc họ đánh bắt hải sản trái phép.
Khi được hỏi ý kiến về những nhận định trên mạng rằng “chính việc Trung Quốc ngăn chặn đánh bắt ở vùng biển truyền thống của Việt Nam trên biển Đông, nên ngư dân Việt phải đi các vùng biển của nước khác để đánh bắt”, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nói:
“Có thể có nhiều người suy nghĩ như thế này, như thế nọ. Còn đối với phía chúng tôi vẫn khẳng định rằng vùng biển một triệu km vuông đặc quyền kinh tế của chúng tôi vẫn được đảm bảo để bà con ngư dân đánh bắt. Các cơ quan chấp pháp của chúng tôi như là kiểm ngư, hải quân cũng như bộ đội biên phòng thì luôn luôn cố gắng hiện diện để bảo vệ ngư trường truyền thống của bà con. Chúng tôi cũng tổ chức đoàn đội để giữ vững ngư trường của mình, cũng không để đến nỗi có một suy nghĩ như thế. Còn những việc tàu bè Trung Quốc va đập, húc tàu của Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa của Việt Nam thì có chứ không phải không, nhưng không thể nào làm bà con ngư dân chùn bước, không đánh bắt ở vùng biển của mình”.
Tháng trước, Indonesia kỷ niệm Lễ Độc lập bằng việc đánh đắm hơn 60 tàu cá nước ngoài, trong đó có của người Việt, bị chặn bắt ngoài khơi đảo Natuna vì bị cáo buộc hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của Indonesia.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, “tại đảo Natuna, đoàn đã dự lễ kỷ niệm Ngày độc lập lần thứ 71 của Indonesia”, tuy nhiên, bản tin này không đề cập tới việc nước này mạnh tay với tài sản của ngư dân Việt.
Trước đó, Bộ Ngoại giao từ Hà Nội đã “bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc lực lượng chức năng Indonesia đánh chìm một số tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển của Indonesia”, và kêu gọi chính quyền Jakarta xử lý ngư dân Việt vi phạm lãnh hải của Indonesia “trên tinh thần nhân đạo và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, cùng là thành viên của ASEAN”.
Đài Loan xây gì trên đảo Ba Bình ?
Hôm thứ Ba, 20/09/2016, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn một tờ báo địa phương Đài Loan cho biết phát hiện có “ bốn cấu trúc kiên cố ” được xây dựng trên đảo Itu Aba (mà Việt Nam gọi là đảo Ba Bình, đá ngầm lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, do Đài Loan kiểm soát và gọi là đảo Thái Bình). Giới chuyên gia đặt câu hỏi ” Đài Loan xây gì trên đảo Ba Bình ? “
Theo trang mạng The Diplomat, ngày 21/09/2016, thì có nhiều lời đồn thổi tại Đài Loan cho rằng đó là các khẩu pháo phòng không đã được đặt trên đảo Ba Bình. Đặc biệt việc các quan chức chính phủ Đài Loan từ chối “ tiết lộ bất kỳ cơ sở quân sự nào trên đảo Thái Bình và mục đích của chúng là gì ” do tính chất bí mật, càng làm gia tăng các lời đồn đoán. Theo đó, Đài Bắc đã tăng cường củng cố hệ thống phòng thủ trên đảo Ba Bình ngay sau khi có phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Philippines. Trong phán quyết, Tòa cho rằng Ba Bình không phải là ” đảo “, mà chỉ là ” đá “ và do vậy không có lãnh hải 12 hải lý.
Bất kể đó là cấu trúc gì, rõ ràng những cơ sở đó có tính chất rất nhậy cảm và dường như có liên quan đến mục tiêu an ninh. Tuy nhiên, theo The Diplomat, chưa hẳn là việc Đài Loan tăng cường hệ thống tên lửa địa đối không được thực hiện ngay sau phán quyết của La Haye. Có nhiều khả năng Đài Loan đã dự tính củng cố năng lực tình báo, giám sát và nhận dạng xung quanh đảo Ba Bình từ trước đó.
Dù Đài Bắc cho đến giờ vẫn luôn bảo vệ quan điểm của mình, muốn quốc tế công nhận Ba Bình như là một đảo thực thụ theo luật quốc tế, nhưng Đài Loan chưa bao giờ tìm cách hạn chế tự do lưu thông hàng hải trong lãnh hải hay vùng phụ cận của Ba Bình. Việc nâng cao khả năng do thám, giám sát, theo dõi (ISR) có thể cho thấy là Đài Loan quan tâm trực tiếp đến việc quản lý các hoạt động tầu thuyền trong vùng biển gần đảo này. Hơn nữa, các hệ thống phòng không, hệ thống Sky Bow (Thiên Cung – Tien Kung) và hệ thống phòng không Antelope, là những dàn di động.
Với việc Trung Quốc và các nước có đòi hỏi chủ quyền tăng cường các hoạt động quân sự trên Biển Đông, Đài Bắc, qua động thái này, dường như cũng dấn thêm bước nữa trong cuộc chạy đua này. Vào đầu năm nay, khi ông Gregory Poling thuộc tổ chức Asia Maritime Transparency Initiative và ông José Abeto Zaide của Manila Bulletin đến thăm đảo Ba Bình, cả hai ông đều không nhận thấy có sự hiện diện khả thi về những cấu trúc này hay như kế hoạch nào để thiết lập một cơ sở phòng không gần với đường băng ở phía tây Ba Bình.
Bất kể đó là cấu trúc gì, Đài Loan cũng không có ý định minh bạch. Phản ứng của Đài Loan về phán quyết ngày 12/7 của Tòa La Haye rõ ràng rất là tiêu cực. Trong khi đó, ngoại trưởng Đài Loan đánh giá việc phát hiện các cấu trúc kiên cố trên đảo Ba Bình là “ hoàn toàn không thể chấp nhận được ”.
Đài Loan kiên quyết chiếm giữ đảo Ba Bình trước tiên là để lưu thông tầu bè và sau đó là để hỗ trợ ngư dân của họ hoạt động xung quanh vùng biển này. Nhưng việc lắp đặt hệ thống phòng không trên đảo Ba Bình – tuy không hẳn giống như các nước có tranh chấp khác, bao gồm cả Trung Quốc và Việt Nam đang có những tranh chấp trên Biển Đông – có lẽ lại là một động thái khiêu khích ngoài ý muốn của Đài Loan.
Tuy nhiên, The Diplomat tỏ ra thận trọng cho rằng một khi chưa có bằng chứng rõ ràng, tốt hơn hết cũng đừng nên vội vã kết luận về các ý đồ của Đài Loan.
Nga, Trung Quốc xích lại gần nhau hơn nhưng ngờ vực vẫn còn
Trung Quốc và Nga vừa tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên ở Biển Đông, bao gồm một cuộc diễn tập chiếm đảo và đổ bộ lên đảo cũng như diễn tập chống tàu ngầm và phòng không.
Ở Trung Quốc, những cuộc diễn tập này được ca ngợi là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai nước, nhưng những nhà phân tích cảnh báo rằng dù Moscow và Bắc Kinh đang nhìn thấy sự hội tụ lợi ích và những cơ hội hợp tác, song mối quan hệ này hãy còn xa mới đạt tới mức liên minh chiến lược, ngay cả khi Trung Quốc muốn mô tả nó như vậy.
Tàu thuyền qua lại trong đêm
Cuộc diễn tập huấn luyện hải quân chung giữa Nga và Trung Quốc được tổ chức gần hai tháng sau khi một tòa án quốc tế phán quyết chống lại tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết thủy lộ có tranh chấp và giàu tài nguyên này. Một mục tiêu chính là gửi đi tín hiệu tới Mỹ và những nước khác.
Ông Alexander Neill, nhà nghiên cứu cao cấp Đối thoại Shangri-La phụ trách châu Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Singapore, nhận định: “Đây rõ ràng là một sự thể hiện những lợi ích chiến lược mới và rằng Nga và Trung Quốc, và cả hai hợp lại nếu cần thiết, sẽ là những nước dự phần ở Biển Đông.”
Đợt diễn tập năm nay ở châu Á là đợt diễn tập thứ tư mà hải quân hai nước đã tổ chức. Năm ngoái, hai nước tiến hành những cuộc tập trận chung ở Địa Trung Hải, trong một hoạt động mà Trung Quốc coi là một nỗ lực được hợp thức hóa để tạo dựng sự hợp tác giữa quân đội hai nước.
Dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể có cùng quan điểm về môi trường an ninh khu vực, cho dù đó là việc thách thức vai trò của Mỹ ở Biển Đông hay chống đối Hàn Quốc triển khai hệ thống phi đạn Phòng thủ Khu vực Cao độ Giai đoạn cuối (THAAD), sự hội tụ lợi ích của hai nước giống như tàu thuyền qua lại trong đêm hơn, theo lời ông Neill.
Ông nói: “Trong khi sức mạnh quốc gia toàn diện của Nga suy yếu về mặt chiến lược, Trung Quốc trỗi lên trên trường quốc tế về mặt chiến lược và có một điểm giao nhau, một khoảng thời gian mà hai nước chia sẻ những lợi ích chung.”
Dấu ấn trong khu vực
Nga đã chuyển sự chú ý của mình nhiều hơn sang Thái Bình Dương và Đông Nam Á trong những năm gần đây, khi chế tài bắt đầu có tác động mạnh tới Moscow. Quyết định của Nga tham gia những cuộc diễn tập ở Biển Đông chỉ là sự kiện nổi bật mới nhất của sự chuyển dịch đó.
“Nga đang bắt đầu tăng cường sự hiện diện của mình ở vùng Viễn Đông trong mấy năm qua và họ muốn để lại dấu ấn ở đâu đó trong vùng biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông),” Hoàng Giới Chính, một giáo sư tại Đại học Đạm Giang ở Đài Loan, nhận định.
Ông nói thêm: “Nó có thể là một cử chỉ, có thể không có ý nhĩa về mặt quân sự, nhưng việc này chắc chắn là nhằm gửi đi một tín hiệu tới Mỹ.”
Mối quan tâm chung đối với việc thách thức Mỹ không nhất thiết có nghĩa là Moscow muốn chỉ hợp tác với Bắc Kinh không thôi. Ông Hoàng lưu ý rằng dù Nga đã đồng ý tham gia những cuộc diễn tập chung năm nay ở Biển Đông, các cuộc diễn tập được tổ chức cách xa những điểm nóng nhiều tranh chấp hơn, có lẽ một phần là để tránh chọc giận Philippines hay Việt Nam, hai trong số những nước có tuyên bố chủ quyền cạnh tranh trong khu vực.
Ông Hoàng nói: “Khi bạn di chuyển lực lượng ra xa đường bờ biển hoặc khu vực phô diễn trên bộ thì bạn sẽ cần hàng không mẫu hạm. Và việc này phức tạp hơn. Vì thế có lẽ họ không thoải mái với việc này trong năm nay.”
Liên kết, nhưng không liên kết
Những nhà phân tích Trung Quốc cho rằng mối quan hệ sẽ chỉ trở nên mạnh hơn và chính sự kìm tỏa của Mỹ đang khiến hai nước xích lại gần nhau hơn.
Một bài bình luận đăng trên Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan thông tấn được Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn, hôm thứ Hai nói rằng những cuộc tập trận chung nêu bật cách thức mà Trung Quốc và Nga hợp tác về những lợi ích cốt lõi.
Bài bình luận viết: “Nga chịu những biện pháp trừng phạt kinh tế vì sáp nhập Crimea, và chỉ có Trung Quốc mới có thể làm nhẹ bớt bớt gánh nặng của Moscow. Trung Quốc bị Mỹ và Nhật Bản kìm tỏa ở Đông Hải và Nam Hải, và chỉ có Nga mới đủ mạnh để giảm bớt áp lực của Trung Quốc.”
Bài báo cũng nói những cuộc diễn tập này nêu bật cách thức mà sự hợp tác chiến lược Trung-Nga còn nhiều hơn chỉ là một liên minh. Bài báo nói thêm rằng sự hợp tác song phương và sự tin tưởng lẫn nhau về mặt chính trị đã phát triển đến mức cao.
Trong khi truyền thông nhà nước tập trung vào những cơ hội mà cả hai đều có để phát triển mối quan hệ, những nhà phân tích lưu ý rằng mối quan hệ này vẫn luôn bị ảnh hưởng bởi sự ngờ vực và thái độ tiêu cực ngầm, và sẽ tiếp tục như vậy, cho dù đó là sự bành trướng của Trung Quốc vào Trung Á hoặc những thương vụ bán vũ khí của Nga cho Bắc Kinh.
Ashley Townshend, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ ở Đại học Sydney, nhận xét:
“Trung Quốc nhận thấy có lợi khi cường điệu mức độ mà Nga liên kết với họ ở Biển Nam Trung Hoa ngay tại thời điểm này, nhưng điều đó không có nghĩa là họ liên kết với nhau.”
Ông Townshend nói sự liên kết về lợi ích mà hai nước đang chứng kiến mang tính ngoại giao nhiều hơn.
Nếu Nga được xem là một đối tác liên minh với Trung Quốc trong khu vực, thì điều này sẽ gây tổn hại tới những lợi ích quốc phòng trong khu vực, ông nói thêm.
Ông nói: “Nga bán vũ khí tinh vi, không chỉ là bất kỳ vũ khí cũ nào, cho Việt Nam, nước rõ ràng ở phía bên kia cuộc tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa, và vì vậy Nga, cũng như những nước khác trong khu vực, chắc chắn không muốn thể hiện mình ủng hộ lập trường của Trung Quốc quá mạnh mẽ trong tranh chấp.”
Mỹ-Nhật khẳng định
quyết tâm tăng cường hợp tác về Biển Đông
Trọng NghĩaĐăng ngày 22-09-2016 Sửa đổi ngày 22-09-2016 12:23
Biển Đông tiếp tục nổi bật trong hợp tác Hoa Kỳ-Nhật Bản. Trong cuộc tiếp xúc song phương ngày hôm qua, 21/09/2016 bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York (Mỹ), phó tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông
Trong một bản thông cáo báo chí, Nhà Trắng xác nhận rằng trong cuộc gặp, hai lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản đã « tái khẳng định sức mạnh không gì lay chuyển được của liên minh Mỹ – Nhật ».
Ngoài việc lên án các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa mới đây của Bắc Triều Tiên, hai ông Biden và Abe còn đồng ý « tăng cường hợp tác trên các vấn đề Biển Hoa Đông và Biển Đông », đồng thời xác nhận rằng hai nước Mỹ và Nhật Bản cùng chia sẻ lập trường về tầm quan trọng của việc « kiến tạo và duy trì một trật tự mới, dựa trên các quy tắc pháp luật ở vùng Châu Á -Thái Bình Dương ».
Phó tổng thống Mỹ và thủ tướng Nhật Bản như vậy là đã xác nhận trở lại những gì được bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Tomomi Inada nhấn mạnh ngày 15/09 trong bài phát biểu ở Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược CSIS tại Washington, theo đó Tokyo ủng hộ mạnh mẽ các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng không, hàng hải của Hải quân Mỹ nhằm duy trì trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật pháp tại Biển Đông, và sẽ tăng cường hoạt động tại Biển Đông thông qua nhiều hình thức trong đó có việc cho Hải Quân Nhật tham gia các hoạt động tuần tra tập huấn chung với Hải Quân Mỹ.
Giới quan sát cũng ghi nhận là thái độ quan tâm đến Biển Đông và Biển Hoa Đông được phó tổng thống Mỹ và thủ tướng Nhật nêu bật một hôm sau khi chính tổng thống Mỹ Barack Obama, trong diễn văn trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, đã đề cập đến Biển Đông và cho rằng « một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp dựa trên luật pháp sẽ mang lại ổn định lâu bền hơn rất nhiều so với việc quân sự hóa một vài mỏm đá và rạn san hô », ám chỉ rõ ràng đến các hành động hung hăng của Trung Quốc tại vùng quần đảo Trường Sa.