Cảnh sát Hong Kong đã bắn hơi cay vào đám đông những người xuống đường biểu tình phản đối việc chính quyền quyết định hoãn kỳ bầu cử cơ quan lập pháp ở vùng lãnh thổ này.
Gần 300 người đã bị bắt trong cuộc biểu tình không được phép hôm Chủ Nhật.
Kỳ bầu cử lẽ ra được tổ chức vào hôm 6/9, nhưng chính quyền đã hoãn lại một năm với lý do đây là điều cần thiết trong bối cảnh đang có tình trạng lây nhiễm virus corona tăng mạnh.
Phe đối lập cáo buộc chính quyền lấy dịch bệnh làm cái cớ để ngăn cản quyền bầu cử của người dân.
Các nhà hoạt động đối lập đã hy vọng sẽ giành được đa số phiếu trong Hội đồng Lập pháp, do người dân đang tức giận đối với việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới gây nhiều tranh cãi tại Hong Kong, và nỗi lo sợ rằng quyền tự do ở vùng lãnh thổ này đang bị xói mòn.
Hong Kong, cựu thuộc địa của Anh, đã được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997 theo một thỏa thuận cam kết đảm bảo quyền tự trị cao cho vùng lãnh thổ này trong vòng 50 năm.
Các ứng viên ủng hộ dân chủ đã giành được lợi thế chưa từng có trong kỳ bầu cử hội đồng cấp quận hồi năm ngoái, thắng ở 17 trên tổng số 18 hội đồng.
Biểu tình ngày Chủ Nhật
Hàng ngàn người đã xuống đường ở Hong Kong, đánh dấu thời điểm lẽ ra là ngày bầu cử.
Hô vang "Hãy trả lại tôi quyền bầu cử!" các nhóm biểu tình đi được một đoạn ngắn thì bị cảnh sát chống bạo loạn được trang bị vũ khí đầy đủ chặn lại.
Có 289 người đã bị bắt, truyền thông địa phương tường thuật.
"Tôi muốn quyền bầu cử của mình. Thật là hổ thẹn [cho chính quyền] khi hoãn kỳ bầu cử," Leung Kwok-hung, một trong những người bị bắt giữ hôm Chủ Nhật, được trang mạng South China Morning Post dẫn lời.
Trước đó, một nhà hoạt động đối lập nổi tiếng là Tam Tak-chi đã bị bắt với cáo buộc đã có những lời phát biểu kích động tâm lý thù hận và coi khinh chính quyền.
Ông bị cảnh sát bắt giữ theo Luật An ninh Quốc gia mới được áp dụng ở Hong Kong, là luật do Bắc Kinh ban hành hồi tháng Sáu với nội dung hình sự hóa nhiều hình thức biểu đạt quan điểm chính trị.
Người biểu tình Portland ném gạch đá, bom xăng về phía cảnh sát, buộc lực lượng này phải dùng hơi cay đáp trả và bắt hơn 50 người.
Cảnh sát thành phố Portland, bang Oregon, gọi sự việc đêm 5/9, đêm thứ 100 liên tiếp người dân biểu tình chống phân biệt chủng tộc, là "bạo lực và hỗn loạn". Ít nhất một người dân đã bị thương do bom xăng và được đưa tới bệnh viện, trong khi một sĩ quan cảnh sát cũng bị thương ở tay do bị người tình ném pháo hoa trúng.
Cảnh sát Portland nói thêm lực lượng đã sử dụng nhiều biện pháp kiểm soát đám đông, trong đó có dùng hơi cay, để giải tán người biểu tình. Truyền thông địa phương ước tính khoảng 400 người tham gia biểu tình đêm 5/9.
"Đó là ngày thứ 100 của các cuộc biểu tình 'Mạng người da màu quan trọng' ở Portland, kể từ khi George Floyd chết. Họ muốn ngăn chúng tôi tuần hành. Đó là quyền trong hiến pháp của chúng tôi và chúng tôi ở đây để thể hiện bản thân", Jay, một người biểu tình 20 tuổi, nói.
Biểu tình hàng đêm đã làm náo động trung tâm thành phố Portland, bang Oregon, trong gần ba tháng kể từ sau cái chết của Floyd. Căng thẳng tiếp tục dâng cao sau vụ nổ súng ở thành phố hôm 29/8, khiến một người thiệt mạng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi các điểm nóng biểu tình là những thành phố bị "những kẻ côn đồ bao vây" và gọi các cuộc bạo loạn gần đây là "khủng bố trong nước".
Ông chủ Nhà Trắng hôm 2/9 ký bản ghi nhớ dọa cắt ngân sách liên bang đối với các thành phố ông cho là "vô pháp", gồm Seattle, Portland, New York và Washington.
Các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ khởi phát từ tháng 5 sau khi người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát ghì chết ở Minnesota. Sự việc đang dần lắng xuống bất ngờ bùng phát trở lại gần đây sau khi Jacob Blake, người đàn ông da màu 29 tuổi, bị một cảnh sát da trắng bắn trước mặt ba con ở Kenosha, Wisconsin.
Cựu lãnh đạo Ngân hàng Thế giới cảnh báo thế giới có thể trông giống như năm 1900 nếu các nước không hợp tác với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Ông Robert Zoellick chỉ ra rạn nứt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Ông Zoellick, một trong những công chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ, đã cố vấn cho sáu tổng thống Mỹ trong suốt sự nghiệp của mình.
Ông nói với BBC sự hợp tác là "cách duy nhất để nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi suy thoái".
Ông Zoellick, người cũng từng là thứ trưởng ngoại giao Mỹ, cho biết mối quan tâm lớn nhất của ông là căng thẳng leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
"Tôi nghĩ rằng [mối quan hệ Mỹ Trung] đang rơi vào tình trạng rơi tự do lúc này và tôi không nghĩ rằng chúng ta biết đâu là đáy, và đó là một tình huống rất nguy hiểm," ông nói với chương trình Bản tin Kinh doanh Châu Á BBC.
Ông Zoellick cảnh báo rằng "thế giới có thể trông giống thế giới năm 1900 khi các cường quốc cạnh tranh" nếu các nước bắt đầu xa lánh toàn cầu hóa và theo đuổi các lợi ích dân tộc chủ nghĩa.
Ông Zoellick từng là chủ tịch của Ngân hàng Thế giới từ năm 2007 đến năm 2012, những năm có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Với tư cách là người đứng đầu tổ chức này, ông đã hợp tác chặt chẽ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các chính phủ trên thế giới để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính.
"Cuộc khủng hoảng tài chính 2008-09 là một sự kiện rất nghiêm trọng nhưng chúng tôi đã có G20, [và] các ngân hàng trung ương cùng hợp tác. Tổng thống Bush và sau đó là Tổng thống Obama là một phần trong các nỗ lực quốc tế cùng với [lúc đó là thủ tướng Vương quốc Anh] Gordon Brown, "ông nói.
"Thành thật mà nói, ngay cả Trung Quốc đã từng có một chương trình kích cầu rất mạnh và cũng hợp tác theo nhiều cách khác nhau. Ngày nay chúng ta không có ý thức hợp tác như vậy. "
Ông Zoellick kêu gọi Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc trong việc tìm ra giải pháp cho đại dịch, thay vì "qui kết tội đối với Trung Quốc".
Trump 'sai lầm'
Người mà ông đổ lỗi cho việc gây ra nhiều thiệt hại là Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Zoellick từng làm việc trong giai đoạn cầm quyền của các Tổng thống trước đây của Đảng Cộng hòa George W Bush và George H W Bush. Nhưng ông nói rõ về sự ngán ngẩm của mình đối với đương kim tổng thống của đảng Cộng hòa.
"Tôi đã phản đối Trump ngay từ đầu ... không chỉ vì quan điểm chính sách của ông ấy mà còn vì những gì tôi nghĩ là sai lầm trong tính cách của ông ấy.
"Tôi đã lo lắng về những gì ông ấy sẽ làm với các định chế và hiến pháp và chúng tôi đang thấy điều đó nảy sinh, và trong đại dịch, chúng ta đang nhìn thấy một khía cạnh khác, đó là một câu hỏi về năng lực."
Ông Zoellick tin rằng sự hoài nghi của Tổng thống Trump về các liên minh và chủ nghĩa bảo hộ của Hoa Kỳ đã làm tăng thêm sự lo lắng tại châu Á vào thời điểm mà quyền lực của Trung Quốc đang bắt đầu khỏa lấp trong khu vực.
Đó là chủ đề mà ông giải thích trong cuốn sách mới của mình, có tên Nước Mỹ trên thế giới: Lịch sử ngoại giao và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Ở thời điểm này lòng người trong xã hội đang hướng về phiên tòa vụ án Đồng Tâm chuẩn bị diễn ra. Ngày 24/8 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Đây là vụ án có ảnh hưởng lớn tới lương tâm nhận thức xã hội, đủ tầm lớn để người đứng đầu Đảng và Nhà nước thấy cần thiết phải đưa ra quan điểm ý kiến chỉ đạo.
Nhưng với cơ chế lề lối của hệ thống lâu nay, ông sẽ không nói thẳng quan điểm của mình về vụ việc mà sẽ nói qua những ngôn ngữ của nghị quyết, kiểu ngôn ngữ như thông điệp mà nếu dành đủ độ quan tâm thì sẽ hiểu được.
Xem kỹ bài viết thì thấy có đoạn văn sau có ý nghĩa liên hệ tới vụ Đồng Tâm.
"Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định dân là gốc, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.
Để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, phải kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hoá về phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thật trong sạch, vững mạnh, làm cho Đảng thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Trong bối cảnh vụ án Đồng Tâm, đảng viên Lê Đình Kình 56 tuổi Đảng bị bắn chết, niềm tin xã hội đang có những chiều hướng trái ngược nhau, thì đoạn văn nêu trên quả là có nhiều ý nghĩa.
Đầu tiên, nếu xác định dân là gốc thì trong toàn bộ việc xử lý tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm các cơ quan chính quyền địa phương đã xác định coi dân là gốc chưa?
Nếu Đảng và Nhà nước luôn xác định là phải thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thì khi ông Lê Đình Kình nói rằng đất đồng Sênh là đất dân cày thì chính quyền địa phương đã thực sự tin tưởng tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của người dân chưa?
Nếu xác định phải kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng thì trong vụ tranh cãi đất đồng Sênh, có ai là người biết hơn dân ở đây là ông Kình? Chẳng phải chính ông Kình và người dân Đồng Tâm đã bàn, đã làm, đã kiểm tra, đã giám sát đó sao?
Nói Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân, xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, thì chính đảng viên Lê Đình Kình đã làm cái việc là gắn bó máu thịt với người dân Đồng Tâm, chính ông Kình mới là người đang làm đúng những lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Cho nên, khi Tòa án đang chuẩn bị đưa 29 bị cáo trong vụ Đồng Tâm ra xét xử, thì bài viết của người đứng đầu Đảng và Nhà nước lại truyền đi những nhận định có thể được hiểu là sự phê phán trách móc đối với chính quyền các cấp xử lý vụ việc.
Điều này đặt ra đòi hỏi cho các cán bộ tòa án, mà bản thân cũng là đảng viên, cần phải nhận ra và đưa tinh thần chỉ đạo đó vào công tác xét xử.
Làm sao kiểm nghiệm?
Có một vấn đề đặt ra là hiện nay mức độ ảnh hưởng của ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay ra sao, các cơ quan liên quan sẽ thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông đến đâu, nhất là khi lâu nay đã có dư luận về vấn đề sức khỏe và liệu có cách nào để kiểm nghiệm đánh giá?
Công cụ kiểm duyệt
Là một người quan tâm, tôi cũng định hình phương thức kiểm nghiệm cho mình.
Bài viết của ông Nguyễn Phú Trọng bao quát nhiều vấn đề của đất nước, mỗi người làm việc ở các ngành lĩnh vực khác nhau khi đọc sẽ thấy được ý kiến chỉ đạo riêng đối với ngành lĩnh vực mình.
Là một luật sư thường xuyên lên tiếng thúc đẩy cho cải cách thể chế, cải cách nền tư pháp, mới đây tôi còn viết một tiểu luận có tiêu đề về 'Giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế', được chuẩn bị cho in thành sách nhưng đã bị ách lại bởi chính sách kiểm duyệt xuất bản của ngành tuyên giáo, do dị ứng e ngại với những đề xuất cải cách.
Khi xem bài viết của ông Nguyễn Phú Trọng, tôi thấy như được gợi nhắc tới công việc mình đang làm, trong một bài viết không quá dài mà ông đã sử dụng đến 9 lần từ "đột phá". Điều này cho thấy một sự chú trọng rất đáng lưu ý về việc cần tạo ra các bước cải cách đột phá để tạo đà cho phát triển.
Ông viết:
"Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, v.v..., khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Chú trọng xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách để giải quyết hiệu quả, hài hoà mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội. Đặc biệt, phải tạo được những bước đột phá thực sự về thể chế để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, rất thiết thực và cụ thể."
Nếu ở các nước tiến bộ, nơi mà quyền tự do xuất bản được tôn trọng thì việc in một cuốn sách không thành vấn đề. Nhưng ở Việt Nam lâu nay có chính sách kiểm duyệt xuất bản, những đầu sách bị cho là cấp tiến nhạy cảm sẽ bị gác chặn lại.
Nhưng nếu nội dung sách tương thích phù hợp với quan điểm lãnh đạo nhà nước thì khả năng cao là sẽ được cấp phép. Mà nếu bị ngăn lại thì đó sẽ là bằng chứng cho thấy quyền lực của lãnh đạo đã suy giảm cho nên ý kiến thuận chiều cũng không được cho qua.
Ngay khi bài viết của ông Trọng được báo đăng công khai tôi đã phân tích chỉ ra sự tương thích giữa mong muốn về cải cách đột phá của ông Trọng và bản thảo cuốn sách của tôi về các giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế. Từ đó đặt vấn đề xem xét lại chính sách kiểm duyệt đối với cuốn sách.
Qua việc xử lý chính sách xuất bản này tôi sẽ tự kiểm nghiệm cho mình về mức độ ảnh hưởng của ông Nguyễn Phú Trọng, và thấy được những lời lẽ về coi dân là gốc, tin tưởng và coi trọng dân có thực sự được thực thi hay không.
Bài thể hiện quan điểm và văn phong của người viết. Luật sư Ngô Ngọc Trai là một trong các luật sư nhận bào chữa cho các bị cáo trong vụ xử về Đồng Tâm tới đây.