06/01/2019
Luật An ninh mạng (ANM) của CS Việt Nam bắt đầu áp dụng ngày 1 tháng Giêng 2019. Euan McKirdy, Chủ bút trang nhà của Cable News NetWork (CNN), có bài tường trình ngày 2 tháng Giêng, 2019: Luật ANM kiểu Stalin của Việt Nam có hiệu lực khiến các nhà tranh đấu trên mạng và các nhóm tranh đấu quyền hạn lo ngại.
Người ủng hộ tự do ngôn luận, các nhóm tranh đấu cho quyền hạn, báo động rằng khi luật ANM Việt Nam được áp dụng, ký giả thường dân, các nhà viết blog sẽ dễ dàng bị bắt bớ.
Truyền thông chính phủ cho biết từ 1 tháng Giêng 2019, theo luật này - chỉ trích chính phủ là hình tội, các công ty internet buộc phải lưu trữ tại địa phương dữ kiện về người sử dụng và giao nộp cho chính phủ không cần lệnh của tòa án.
Trong bài viết dọn đường cho luật nói trên được ban hành, truyền thông công quyền mô tả bộ luật gồm 7 chương: "bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự xã hội và an toàn trên mạng lưới cũng như bảo đảm trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân."
Diễn văn đầu năm của Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng CS nói: "Phải tăng cường mọi nỗ lực của khối thông tin để tạo sự 'đồng thuận xã hội'. Ai lạm dụng tự do thông tin và ngôn luận, gây nguy hại cho quốc gia và các công dân phải bị trừng trị thích đáng".
Mô hình toàn trị
Sau khi được Quốc hội thông qua vào mùa Hè trước, bộ luật bị các tổ chức nhân quyền cũng như các nhóm ủng hộ nhân quyền chống đối mạnh mẽ.
Daniel Bastard, người đứng đầu tổ chức Phóng viên không biên giới khu Á châu, Thái bình dương nói với CNN: "Mô hình toàn trị kiểm soát thông tin. Bất cứ nội dung nào bị coi là chống ý thức hệ CS đều bị dẹp bỏ, hầu hết các tác giả bài viết bị coi là kẻ thù của quốc gia, rất giống mô hình (xã hội) kiểu Stalin."
Bastard cho rằng - dù bộ luật được đưa ra tham khảo ý kiến công chúng nhưng ngay từ khi được soạn thảo đã rất khắt khe.
Sắc lệnh ấn hành vào cuối năm (2018) giải thích luật sẽ được áp dụng như thế nào, theo Bastard - giải thích "không có gì thỏa đáng. Sắc lệnh còn tệ hơn dự luật. Không rõ ràng. Vẫn không biết luật sẽ được áp dụng như thế nào. Chính phủ cho rằng Google dự định đặt văn phòng tại Việt Nam, điều chưa được xác nhận, nghĩa là chúng ta đang ở khu vực xám". (khu vực xám: mù mờ, không rõ ràng).
Vẫn theo Bastard: "Luật nầy rõ ràng dựa theo luật an ninh của Trung cộng, rập khuôn kiểu Tàu chỉ khác ở chỗ Facebook không bị ngăn chận tại Việt Nam". Ông cũng nói luật ANM khiến các trang truyền thông xã hội lớn bị ngăn chận. "Chúng ta đang đứng trước ngã ba đường".
CNN yêu cầu chính phủ cs Việt Nam cho ý kiến về các lời nói trên, nhưng không được đáp ứng.
Quan tâm nghiêm trọng
Jeff Paine Giám đốc quản trị Liên hiệp Internet Á châu (Asia Internet Coalition) một tổ chức kỹ nghệ, đưa ra nhận định về dự luật vào cuối năm:
"Luật ANM dẫn tới lo ngại về tự do và quyền riêng tư của dân Việt, sẵn sàng gây thiệt hại nghiêm trọng viễn ảnh tăng trưởng kinh tế toàn quốc.
Đòi hỏi dữ kiện phải đặt tại chỗ là sự ôm đồm quá lớn, sẽ đưa đến những hậu quả tai hại cho phát triển kinh tế, sự tin tưởng của nhà đầu tư và mọi cơ hội cho doanh thương địa phương."
Human Rights Watch (HRW - Quan sát nhân quyền) gọi luật ANM là sự "càn quét" thông tin người sử dụng, xâm phạm quyền riêng tư của người dùng, theo đó công ty cung cấp dịch vụ internet phải "kiểm soát thông tin của người sử dụng, lưu giữ dữ kiện tại chỗ, đồng thời phải tiết lộ thông tin người dùng cho nhà cầm quyền biết không cần trát tòa."
Phó Giám Đốc HRW khu Á châu, Phil Robertson nói rằng: "Luật ANM gia tăng khả năng theo dõi của Bộ Công An nhắm vào các chỉ trích đảng và gia tăng sự độc quyền cai trị của đảng CS thêm sâu rộng. Bất cứ ai dùng internet tại Việt Nam đều không có sự riêng tư."
Triệt hạ
CS Việt Nam đã và đang bóp nghẹt mọi phát biểu trên tuyến.
Nhà viết blog nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thường được biết dưới tên Mẹ Nấm, dịch tiếng Anh là 'Mother Mushroom', bị Bộ CA bắt giữ tháng 10 năm 2016. Thông tấn xã chính phủ (Vietnam News Agency) gọi bà là "Người xúi giục chống nhà nước".
Nhà viết blog từng nổi tiếng với câu nói:
"Nếu bạn im lặng, ai sẽ lên tiếng đây?"đã bị tuyên án 10 năm tù vào tháng Sáu 2017.
Blog của Nguyễn (Ngọc Như Quỳnh) bao gồm nhiều vấn đề: tịch thu đất đai, tự do ngôn luận, sự tàn bạo của CA. Gần cuối năm ngoái bà được phóng thích sau một năm rưỡi thọ bản án 'tuyên truyền chống nhà nước', bà được chấp thuận tỵ nạn tại Hoa kỳ.
Sau khi bà được thả và bị trục xuất sang Hoa kỳ, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với CNN - Chính phủ Hoa kỳ tiếp tục kêu gọi Việt Nam "thả vô điều kiện tức khắc tất cả tù nhân lương tâm và cho phép công dân Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị không sợ hãi và không bị trả thù".
Ủy ban Bảo vệ ký giả đã trao giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế cho Nguyễn (Ngọc Như Quỳnh), Ủy ban cho biết có ít nhất 10 ký giả gồm luôn Nguyễn vào thời điểm 1 tháng 12, 2017, đang bị giam cầm tại Việt Nam.
Euan McKirdy (CNN)
VNCH Ngọc Trương dịch.
2019.01.03