Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Việt Nam được gì, mất gì khi kiện TQ ra Tòa?

Wednesday, August 28, 2019 // ,

Việt Nam được gì, mất gì nếu khởi kiện Trung Quốc ra tòa là một câu hỏi lớn vì thế mà có thể hiểu được cho đến nay Hà Nội chưa tiến hành biện pháp này. Bài viết này muốn đi sâu phân tích về câu hỏi này để đóng góp thêm một góc nhìn cho Hà Nội cân nhắc.

Một điều có thể thấy là cũng như vụ kiện mà Philippines đa tiến hành năm 2013, Trung Quốc sẽ phản đối và không tham gia vụ kiện bởi lẽ họ biết rõ Trung Quốc không có cơ sở pháp lý cho các yêu sách của họ ở Biển Đông, hơn thế nữa phán quyết 12/7/2016 đã trở thành một án lệ và nếu Việt Nam khởi kiện thì điều này sẽ giúp Việt Nam giành thắng lợi trong vụ kiện.
Điều lo ngại nhất khi Philippines tiến hành vụ kiện năm 2013 là việc Tòa có thẩm quyền để xem xét đơn kiện của Philippines hay không. Đến nay, điều này đã được giải quyết. Một số nhà phân tích có đưa ra việc Việt Nam và Trung Quốc đã ký “Thỏa thuận về những nguyên tăc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” năm 2011 có thể ảnh hưởng đến vấn đề thẩm quyền của Tòa. Đúng là trong Thỏa thuận 2011, có nội dung hai bên nhất trí tiến hành đàm phán để giải quyết các vấn đề trên biển, nhưng nội dung này không triệt tiêu việc Việt Nam khởi kiện và sẽ không ảnh hưởng đến vấn đề thẩm quyền của Tòa nếu Việt Nam tiến hành mọi công việc theo đúng các quy trình tố tụng của Tòa và chọn được những nội dung phù hợp để đưa vào đơn khởi kiện như Philippines đã làm bởi lẽ: (i)“Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” năm 2011 hoàn toàn không có nội dung nào mà Việt Nam cam kết không sử dụng biện pháp pháp lý hoặc liên quan đến việc loại bỏ sử dụng cơ quan tài phán quốc tế; (ii) trong Thỏa thuận, hai bên nhất trí thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Điều này không có gì cản trở Việt Nam khởi kiện Trung Quốc bởi lẽ luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 coi đàm phán là bước đi đầu tiên trong tiến trình giải quyết bằng pháp lý. Trong trường hợp 2 bên đàm phán không được thì có thể tiếp tục đưa ra cơ quan tài phán quốc tế hoặc tham khảo ý kiến tư vấn của bên thứ 3.
Như vậy, có thể khẳng định Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc năm 2011 không ngăn cản việc Việt Nam tiến hành khởi kiện Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần có các bước đi cần thiết để tiến tới khởi kiện, nghĩa là trước tiên cần đàm phán với Trung Quốc để giải quyết các bất đồng. Trên thực tế, sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký kết “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” năm 2011, Việt Nam và Trung Quốc đã có các cuộc đàm phán về vấn đề trên biển, song đến nay chưa đạt được bất cứ tiến triển nào. Mặt khác, trong các vụ việc tranh chấp trên biển, bao gồm việc nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính, Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp ngoại giao với Trung Quốc và trao công hàm phản đối yêu cầu Trung Quốc rút tàu, nhưng Trung Quốc không rút mà tiếp tục xâm phạm vùng biển của Việt Nam được xác định theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Đây chính là bước đi của Việt Nam để đủ điều kiệncó thể khởi kiện Trung Quốc.Rõ ràng những biện pháp đàm phán ngoại giao với Trung Quốc để giải quyết vấn đề đã không đạt kết quả nên Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế.
Phụ lục VII Phần XV trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 quy định về một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc cho các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Cơ chế này cho phép các thành viên kiện nhau về các tranh chấp liên quan đến việc diễn giải và áp dụng Công ước, trong đó có tranh chấp về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.Với cơ chế này, dù Trung Quốc không chấp nhận ra tòa cũng không ngăn cản được vụ kiện. Trung Quốc cố ý không giải quyết tranh chấp một cách công bằng, và mục đích của cơ chế này chính là để cho các thành viên UNCLOS có thể thoát khỏi những sự cố ý tồi tệ như thế. Trong vụ việc ở bãi Tư Chính từ đầu tháng 7, Trung Quốc đã cố tình phớt lờ những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam, tiếp tục các hành vi xâm lấn.
Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển sẽ được thành lập để xem xét đơn kiện.Hội đồng Trọng tài bao gồm năm trọng tài: mỗi bên được chọn một và các bên cùng nhau chọn số còn lại. Nếu không đủ năm trọng tài vì các bên không đồng ý với nhau, hay có bên không chọn, thì Chủ tịch Tòa Trọng tài Quốc tế về Luật Biển (ITLOS)sẽ chọn như trong vụ kiện của Philippines. Trong vụ kiện của Philippines, về nguyên tắc Philippines và Trung Quốc mỗi bên được chọn một trọng tài, nhưng chỉ có Philippines lựa chọn trọng tài viên của mình Trung Quốc không tham gia, không chỉ định trọng tài viên của mình nên Chủ tịch ITLOS Shunji Yanai chọn bốn trọng tài còn lại.
Phán quyết của Tòa Trọng tài được thiết lập theo Phụ lục VII của UNCLOS hoàn toàn có tính ràng buộc giữa các quốc gia trong vụ kiện, đối với các quốc gia này thì không khác gì Tòa án Công lý Quốc tế đã xử. Thí dụ, phán quyết 2016 có tính ràng buộc giữa Philippines và Trung Quốc, dù Trung Quốc không công nhận.Tuy nhiên, phán quyết đó không có tính ràng buộc đối với các quốc gia khác không tham gia vụ kiện. Trong trường hợp này, do Việt Nam không phải là bên tham gia vụ kiện nên phán quyết ngày 12/7/2016 không ràng buộc giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Thực ra, Việt Nam có thể tham gia vụ kiện của Philippines với tư cách bên thứ 3 nếu Việt Nam đề nghị Tòa Trọng tài. Khi đó, nhiều ý kiến đã cho rằng Việt Nam bỏ lỡ cơ hội này để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam bằng pháp lý mà không phải đứng ra khởi kiện Trung Quốc.
Giờ đây, nếu Việt Nam muốn có một phán quyết có tính ràng buộc giữa mình và Trung Quốc, Việt Nam phải đứng ra kiện Trung Quốc. Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài tuy không ràng buộc Việt Nam, song là một án lệ rất thuận lợi cho Việt Nam. Đây là một thuận lợi lớn của Việt Nam so với Philippines trước đây. Nội dung phán quyết 12/7/2016 sẽ là tham chiếu quan trọng để các quan tòa trong vụ kiện giữa Việt Nam – Trung Quốc xảy ra ra phán quyết.
Chắc chắn Trung Quốc sẽ không tự nguyện tuân thủ phán quyết, cũng như họ đã không tuân thủ phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện của Philippines.Nhưng một phán quyết xác nhận Việt Nam đúng, Trung Quốc sai, sẽ vô cùng hữu ích trong việc tranh thủ sự ủng hộ của thế giới. Các nước khác, đặc biệt là Mỹ, có thể ủng hộ Việt Nam một cách danh chính ngôn thuận, không thể bị cho là thiên vị một bên trong tranh chấp và sự ủng hộ của họ sẽ có nhiều trọng lượng hơn.
Mặt khác, thêm một phán quyết nữa cùng với phán quyết 12/7/2016 sẽ tạo thêm nhiều sức ép hơn đối với Trung Quốc, một nước lớn, Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an; đồng thời sẽ làm người dân Trung Quốc hiểu rõ chân lý thấy rõ được sự lừa dối dư luận của những người cầm quyền ở Bắc Kinh.Trung Quốc sẽ không thể ngụy biện rằng họ đang giải quyết và quản lý tranh chấp với các nước nhỏ một cách tốt đẹp, các nước ngoài khu vực không nên xen vào. Các nước khác có thể lên tiếng bảo vệ các công ty dầu khí của họ.
Ông cha ta lâu nay thường nói “con có khóc, mẹ mới cho bú”. Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam mà Việt Nam không dũng cảm đứng ra kiện Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi của mình thì nước nào đứng ra bảo vệ Việt Nam được.Cho dù Trung Quốc không thực hiện phán quyết thì đây vẫn là cơ sở pháp lý được thế giới thừa nhận để Việt Nam tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc trong tương lai.
Những điều phân tích nói trên là cái được lớn nhất mà Việt Nam khởi kiện Trung Quốc. Với khí phách của dân tộc Việt, đây là việc mà Hà Nội nên làm vào thời điểm hiện nay. Nếu bỏ phí cả những biện pháp đó thì "chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc... há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa?” như Trần Hưng Đạo đã từng nói trước đây.
Một vấn đề đặt ra là Việt Nam sẽ mất gì nếu khởi kiện Trung Quốc? Chắc chắn quan hệ Việt – Trung sẽ xấu đi, song chỉ là nhất thời vì Trung Quốc cũng rất cần Việt Nam. Hãy nhìn quan hệ Philippines – Trung Quốc sẽ thấy trong thời gian vụ kiện của Philippines, Trung Quốc cũng đã gây sức ép rất mạnh lên Philippines hòng buộc Philippines rút đơn kiện. Nhưng sau khi Tòa ra phán quyết ngày 12/7/2016, Trung Quốc lại tìm cách ve vãn Philippines. Việt Nam đã từng đứng vững kể cả khi Trung Quốc tấn công Việt Nam năm 1979 khi mà Việt Nam còn đang bị bao vây, cấm vận. Ngày nay tình thế đã khác, Việt Nam có thể tranh thủ quan hệ với các nước khác, kể cả Mỹ để giảm bớt sức ép từ Trung Quốc. Một số ý kiến còn cho rằng đây lại chính là cơ hội để Việt Nam “thoát Trung” và trở nên độc lập, tự cường hơn.

Chuyên gia Mỹ: TQ đang tìm cách chi phối, tạo luật chơi với các quốc gia trong khu vực


Mặc dù Trung Quốc đã phê chuẩn và tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) song Bắc Kinh lại vi phạm những quy định của Công ước này. Hành vi của Trung Quốc cho thấy nước này đang tìm cách trở thành bá quyền, lấn át, chi phối trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nguyên Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về chiến lược và phát triển lực lượng của Mỹ Elbridge Colby (23/8) cho biết, việc Trung Quốc điều nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông thời gian qua là hành vi đặc biệt quan ngại. Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “cắt lát salami” hay còn gọi là chiến lược “tằm ăn dâu”, áp dụng đối với Việt Nam và Philippines. Khẳng định Mỹ không chấp nhận việc Trung Quốc tạo ra và kiểm soát các đảo nhân tạo, ông nhấn mạnh đây là sự vi phạm các cam kết. Trung Quốc đang sử dụng các hòn đảo đó đe dọa Việt Nam và Philippines.Chuyên gia Colby cũng nhấn mạnh mặc dù Trung Quốc đã phê chuẩn và tham gia Công ước UNCLOS song lại vi phạm những quy định của Công ước này. Không những vậy, Trung Quốc cũng không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.
Theo chuyên gia Elbridge Colby, tình hình Biển Đông hiện nay khác với trên biển Hoa Đông, nơi có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp. Trên biển Hoa Đông, Mỹ và Nhật Bản có liên kết chặt chẽ hơn, Nhật Bản cũng có tiềm lực tốt hơn. Còn ở Biển Đông, năng lực của các nước yếu hơn và quan hệ với Mỹ cũng không bằng Nhật Bản. Ông Colby cho rằng vấn đề chính hiện nay mà nhiều nước đang đối mặt là Trung Quốc thực hiện chiến lược chia rẽ, cô lập và gây sức ép để buộc các nước phải chấp nhận điều kiện, luật chơi của mình.
Trong khi đó, quan điểm của Mỹ là muốn có một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở tự do, nơi các quốc gia có quyền quyết định tương lai, về cách tiến hành giao thương, quan hệ an ninh, kết nối về mặt chính trị; khẳng định điều này cũng phù hợp với lợi ích các quốc gia trong khu vực, khi họ không muốn sống dưới cái bóng của Trung Quốc. Việc Mỹ thực hiện các hoạt động tuần tra ở Biển Đông dù rất tốt nhưng chưa đủ để đem lại sự thay đổi trong tính toán của Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn tiếp tục lợi dụng những kẽ hở đó bằng các hoạt động cụ thể ở khu vực Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc đang tiếp tục lợi dụng cách làm là thực hiện các hành động luôn để những căng thẳng ở dưới ngưỡng xung đột, song nếu nước này ra tay chớp nhoáng và tạo ra những thực tế mới, sẽ rất khó có thể đảo ngược. Vì vậy, Mỹ phải thực hiện những biện pháp khác và phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn các hành vi khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông. Mỹ cũng có thể thực hiện những động thái mạnh mẽ hơn bằng cách công nhận việc khẳng định chủ quyền của các nước như Việt Nam, Philippines... Hiện Mỹ cần lên tiếng ủng hộ về mặt chính trị đối với lập trường của Việt Nam trên Biển Đông; đồng thời giúp nâng cao năng lực để Việt Nam có thể tự bảo vệ cũng như khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.
Ngoài ra, ông Elbridge Colby cũng cho biết, Mỹ và Việt Nam có cơ sở để hợp tác quốc phòng. Phía Mỹ muốn Việt Nam xây dựng và nâng cao hệ thống chống tiếp cận/chống đột nhập (A2/AD), tăng cường hệ thống phòng không, hệ thống phòng thủ tên lửa, thu thập thông tin tình báo, xây dựng và tăng cường hệ thống tên lửa chống hạm, chống tàu ngầm để khiến Trung Quốc khó có khả năng ra tay và sử dụng sức mạnh của họ hơn.
Phân tích, nhận định của ông Elbridge Colby được đưa ra ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ (22/8) đưa ra tuyên bố chỉ trích, lên án Trung Quốc điều tàu hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, đồng thời hối thúc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Theo tuyên bố trên, Mỹ cho biết Trung Quốc đã triển khai một tàu khảo sát thuộc sở hữu của chính phủ cùng với các tàu hộ tống có vũ trang vào vùng biển thuộc EEZ và thềm lục địa của Việt Nam hồi đầu tháng 8; khẳng định các hành động này của Trung Quốc tiếp tục đặt ra một câu hỏi nghiêm túc về các cam kết của Trung Quốc trong đó có Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông trong đó lấy giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp hàng hải.Bộ Ngoại giao Mỹ gọi việc triển khai tàu khảo sát của Trung Quốc là sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực đe dọa các bên yêu sách khác rút khỏi việc khai thác, phát triển các nguồn tài nguyên ở Biển Đông.Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng chỉ ra rằng, trong những tuần gần đây Trung Quốc đã có “hàng loạt bước đi gây hấn nhằm can thiệp” vào các hoạt động kinh tế đã tồn tại lâu dài của các nước khác ở Biển Đông - những nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang có tranh chấp với Trung Quốc.Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, mục đích của Bắc Kinh là “dọa dẫm các nước để họ phải từ bỏ các mối quan hệ hợp tác với những công ty dầu khí nước ngoài và chỉ làm việc với các công ty nhà nước của Trung Quốc”. Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng cáo buộc Trung Quốc đang gây áp lực đối với Việt Nam vì việc Việt Nam hợp tác với một công ty năng lượng của Nga cũng như các đối tác quốc tế khác; nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc làm phương hại đến hòa bình và an ninh khu vực cũng như gây ra những tổn thất về kinh tế cho các quốc gia Đông Nam Á bằng cách ngăn chặn khả năng tiếp cận của họ đối với nguồn hydrocarbon chưa được khai thác có trị giá lên tới 2,5 nghìn tỉ USD.Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, các công ty năng lượng của Mỹ có lợi ích ở Biển Đông và Washington “cam kết tăng cường an ninh năng lượng cho các đối tác và đồng minh của chúng tôi ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương và trong việc đảm bảo hoạt động sản xuất dầu khí không bị gián đoạn trên thị trường toàn cầu.

Malaysia - Việt Nam tăng cường quan hệ song phương


Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27-28/8/2019.Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Mahathir Mohamad kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Malaysia vào tháng 5/2018.


Chuyến thăm hữu nghị, thắt chặt quan hệ song phương

Theo thông tin trên, trong thời gian ở thăm Việt Nam, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad sẽ hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chào xã giao lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và có một số hoạt động khác.Chuyến thăm sẽ là cơ hội để hai bên làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, nâng cao hiệu quả hợp tác, tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt vào năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc còn Malaysia là chủ nhà của năm APEC.

Trong suốt 46 năm qua, quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên tất cả các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa… Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên có các chuyến thăm lẫn nhau, điển hình như chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư Đỗ Mười (1994), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (1998), Thủ tướng Phan Văn Khải (1998), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2007, 2015), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2011); và các chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Mahathir Mohamad (1992, 1996, 1998), Quốc vương Alamrhum Tuanku Jaafar Ibni Almarhum Tuanku Abdul Rahman (1995), Quốc vương Sultan Mizan Zainal Abidin Ibni Almarhum Sultan Mahmud Al-Muktafi Billah Shah (2009), Thủ tướng Najib Tun Razak (2014), Chủ tịch Thượng viện S. Vigneswaran M Sanasee (tháng 1/2018)…

Về quan hệ chính trị, trao đổi đoàn thường xuyên diễn ra ở cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội và giao lưu nhân dân. Các cơ chế hợp tác luôn được lãnh đạo hai nước quan tâm thúc đẩy và duy trì. Điển hình trong năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã thăm chính thức Malaysia từ ngày 11-13/7/2017. Tiếp đến, từ 27-28/7/2017, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Malaysia Anifah Aman đã thăm chính thức Việt Nam và cùng với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban Hợp tác Kinh tế, Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam - Malaysia tại Hà Nội.

Ngoài ra, để cụ thể hóa Tuyên bố chung về khuôn khổ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Malaysia, phiên họp Đối thoại chiến lược quan chức cấp cao (SOSD) lần thứ nhất giữa hai nước đã được tiến hành vào ngày 4/4/2016 tại Hà Nội do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh và Phó Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Malaysia, Dato Muhammad Shahrullkam Yaakob đồng chủ trì.

Quan hệ song phương giữa hai nước luôn được củng cố và duy trì qua nhiều thế hệ lãnh đạo. Điều này đã được thể hiện rõ trong thời gian trước và sau cuộc tổng tuyển cử quan trọng lần thứ 14 (GE 14, 9/5/2018) của Malaysia vừa qua. Đây là thời điểm nhạy cảm khi các chính trị gia của Malaysia đều rất bận rộn, hoạt động đối ngoại thường được tiết giảm dành thời gian cho các hoạt động trong chiến dịch tranh cử giữa liên minh các đảng. Tuy nhiên, Bộ trưởng trong Văn phòng Thủ tướng Shahidan Bin Kassim vẫn tới dự Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Malaysia do Đại sứ quán tổ chức (26/3/2018). Sau bầu cử, nhiều cơ quan Malaysia trong quá trình tái cơ cấu, chưa có ngay lãnh đạo đứng đầu nhưng phía bạn vẫn luôn tỏ thiện ý hoan nghênh các đoàn Việt Nam sang thăm và làm việc nhằm tăng cường giao lưu và hiểu biết chung giữa hai nước. Chính phủ mới của Malaysia và cá nhân Thủ tướng Mahathir Mohamad rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Thủ tướng Mahathir đã có kế hoạch sang thăm chính thức Việt Nam kết hợp tham dự WEF-ASEAN vào giữa tháng 9/2018.

Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam chỉ sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan.Tiềm năng về hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước sẽ còn rất lớn khi hai nước đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới được ký giữa 11 quốc gia vào 9/3/2018 vừa qua. Về đầu tư, Malaysia xếp thứ 7/125 nước và vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam. Tính đến hết tháng 12/2017, Malaysia có 568 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký 12,187 tỷ USD.

Ngoài hợp tác về kinh tế, hợp tác hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước cũng luôn được lãnh đạo hai nước quan tâm và đẩy mạnh. Đặc biệt, năm 2018 đánh dấu kỷ niệm 10 năm hai nước ký MOU hợp tác quốc phòng.Điều này được thể hiện qua nhhiều chuyến thăm lãnh đạo cấp cao giữa hai nước đã diễn ra như chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tới Malaysia từ 25-27/10/2016; Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang tham dự Triển lãm Hàng hải và Hàng không Quốc tế Langkawi 2017 (LIMA 2017) từ 21-25/3/2017 và dự Hội nghị không chính thức Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 15 (ACDFIM 15) kết hợp thăm chính thức Malaysia từ 4-6/3/2018.Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục tăng cường đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin, phòng chống cướp biển, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ tàu thuyền Việt Nam gặp nạn trên biển.

Ngoài ra, hai nước cũng thể hiện mối quan hệ tin cậy và gắn bó khi cùng là thành viên của nhiều tổ chức như ASEAN, APEC, UN, RCEP, CPTPP… và chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề như vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, việc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Malaysia và vấn đề Biển Đông

Malaysia là một trong 5 nước tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Trong nhiều năm qua, Malaysia đã tích cực thực thi chính sách Biển Đông nhằm bảo vệ “chủ quyền” và lợi ích của mình trong khu vực. Từ trước đến nay, Malaysia thúc đẩy chính sách tương đối khiêm tốn “không đối đầu, không gây chuyện” trong vấn đề Biển Đông, cố gắng tránh xung đột bên ngoài, đặc biệt là xung đột quân sự, mà sử dụng nhiều hơn biện pháp chính trị để đảm bảo duy trì lợi ích vốn có của mình tại Biển Đông. Malaysia ủng hộ đề xướng hợp tác khai thác chung ở Biển Đông, giữ lập kiềm chế trong vấn đề Biển Đông, không ngừng tăng cường xây dựng năng lực quân sự của mình ở khu vực Biển Đông, thúc đẩy hợp tác quân sự với các nước như Mỹ, Việt Nam...

Từ khi lên cầm quyền đến nay, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã có nhiều tuyên bố, hành động cụ thể khẳng định sẽ làm hết sức để bảo vệ chủ quyền, lợi ích của Malaysia ở Biển Đông và phản đối các hành động phi pháp, đe dọa sử dụng vũ lực hay quân sự hóa trong khu vực, cụ thể: Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (14/8/2018) tuyên bố Malaysia “ủng hộ việc các tàu biển, kể cả chiến hạm, di chuyển qua Biển Đông, nhưng phản đối việc triển khai lực lượng đóng quân tại đó”; lên tiếng cảnh báo việc quân sự hóa trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông có thể sẽ gây nên chạy đua vũ trang không lành mạnh. Ông Mahathir cũng tố cáo Mỹ can thiệp vào các tranh chấp thuần túy của châu Á với việc thường xuyên cho tàu chiến, máy bay triển khai hoạt động cũng như việc Trung Quốc cho tàu tuần tra trong vùng. Ian Storey, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, cho rằng ông Mahathir sẽ cứng rắn với các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông hơn so với người tiền nhiệm, vốn bị coi là nhượng bộ Bắc Kinh và Malaysia sẽ quyết tâm cao để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước này trên Biển Đông.

Ngoài ra, ông Mahathir Mohamad nhiều lần tuyên bố, Trung Quốc cần tôn trọng quyền tự do đi lại trên Biển Đông của tàu bè tất cả các nước và Trung Quốc chớ nên gây căng thẳng không cần thiết ở vùng biển này; cho biết Malaysia đang tìm cách giảm sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Malaysia bằng cách tăng cường hợp tác với các nước (ASEAN, Mỹ và Nhật Bản) và xem xét, hủy một dự án do các công ty Trung Quốc tài trợ. Hành động này của Malaysia có thể sẽ góp phần thúc đẩy nước này có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trong chuyến thăm Trung Quốc 5 ngày (17-21/8), Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã tuyên bố hủy bỏ dự án đường sắt cao tốc và hai đường ống dẫn năng lượng trị giá 22 tỷ USD với Trung Quốc.Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ riêng việc phá vỡ hợp đồng dự án Đường sắt bờ biển phía Đông (ECRL), phía Malaysia sẽ phải bồi thường cho các công ty Trung Quốc khoảng 5,5 tỷ USD.

Việt Nam không chọn Huawei vì lý do an ninh – Theo VOA

28/8/2019


Nhiều người dùng điện thoại di động khi đứng chờ xe buýt ở Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình Bloomberg - Photographer: Manan Vatsyayana/AFP via Getty Images)
Nhiều người dùng điện thoại di động khi đứng chờ xe buýt ở Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình Bloomberg – Photographer: Manan Vatsyayana/AFP via Getty Images)
Việt Nam có ý định trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên cung cấp mạng 5G mà không dùng các thiết bị của Huawei, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc đang bị Mỹ hạn chế giao dịch vì những lo ngại về an ninh.
Giám đốc điều hành của Viettel Lê Đăng Dũng nói với Bloomberg rằng Tập đoàn Viettel, hiện là nhà mạng di động lớn nhất của Việt Nam do Bộ Quốc phòng sở hữu, sẽ triển khai thiết bị của Ericsson tại Hà Nội và công nghệ của Nokia ở thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông Dũng, tập đoàn này sẽ dùng bộ vi xử lý 5G của Qualcomm và một công ty khác của Mỹ, thay vì dùng công nghệ của Huawei.
“Lúc này, chúng tôi sẽ không hợp tác với Huawei,” ông Dũng nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg tại trụ sở chính của Viettel ở Hà Nội. Người đứng đầu Viettel nói rằng hiện nay hợp tác với Huawei là hơi nhạy cảm khi có những thông tin rằng không an toàn khi sử dụng các thiết bị của Huawei.
Với tất cả những thông tin như vậy, theo ông Dũng, quan điểm của Viettel là tập đoàn này nên dùng những thiết bị an toàn hơn. “Do đó chúng tôi chọn Nokia và Ericsson từ châu Âu,” CEO của Viettel nói với Bloomberg.
Các nhà mạng nhỏ hơn của Việt Nam dường như cũng tránh xa Huawei. Bloomberg trích dẫn truyền thông trong nước cho biết MobiFone hiện đang sử dụng thiết bị của Samsung trong khi Công ty Dịch vụ Viễn thông Việt Nam, tức Vinaphone, đã hợp tác với Nokia để triển khai mạng 5G.
Ông Dũng tin rằng Huawei hiện đang gặp khó khăn ở Việt Nam vì những công ty khác, cùng với Viettel hiện có khoảng 60 triệu người dùng trong số 96 triệu dân ở Việt Nam, cũng đều không dùng thiết bị của tập đoàn công nghệ Trung Quốc này.
Huawei, có trụ sở ở Thâm Quyến, giải quyết các mối nghi ngại đó bằng cách chỉ ra rằng các chính phủ và các khách hàng ở 170 quốc gia trên toàn thế giới đang dùng sản phẩm của họ và nó không gặp phải bất kỳ nguy cơ an ninh mạng nào so với công nghệ viễn thông của bất cứ nhà cung cấp nào khác. Các chế tài của Mỹ đối với Huawei sẽ khiến cho doanh thu từ việc kinh doanh các thiết bị người tiêu dùng của tập đoàn công nghệ Trung Quốc này thiệt hại khoảng 10 tỷ USD.
Lý do địa chính trị?
Theo Bloomberg, Việt Nam đang âm thầm đứng về phía Mỹ, trong đó chính quyền của Tổng thống Trump cấm Huawei mua công nghệ Mỹ vì các lý do an ninh quốc gia. Quyết định không dùng công nghệ Huawei của Viettel làm cho Việt Nam tách ra khỏi nhóm các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Philppines, Thái Lan và Malaysia – những nước này sẵn sàng triển khai công nghệ của công ty Trung Quốc.
Tuy nhiên, người đứng đầu Viettel, ông Dũng, khẳng định với Bloomberg rằng quyết định của Viettel không sử dụng Huawei cho các mạng 5G của họ là một quyết định mang tính kỹ thuật chứ không liên quan gì tới các lý do về mặt địa chính trị.
“Chúng tôi quyết định không dùng Huawei, không phải vì lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei – chúng tôi chỉ đưa ra quyết định của mình thôi,” ông Dũng nói. “Nhiều nước khác, trong đó có Mỹ, đã có bằng chứng cho thấy Huawei không an toàn cho an ninh của mạng lưới quốc gia. Do đó chúng tôi cần phải thận trọng hơn.”
Trước đây chính phủ Việt Nam đã có những nghi ngờ về công nghệ của quốc gia láng giềng Trung Quốc.
Năm 2016, các quan chức chính phủ đã tuyên bố xem xét lại việc sử dụng công nghệ Trung Quốc sau các vụ tấn công mạng vào hai sân bay lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong đó họ cáo buộc một nhóm hacker Trung Quốc đã thực hiện các vụ tấn công đó.
Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng đang xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua khi các tàu hải cảnh của 2 nước đụng độ gần Bãi Tư Chính trong nhiều tuần gần đây. Một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra năm 2014, làm bùng ra các cuộc biểu tình trong và ngoài nước phản đối hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông.
“Việt Nam không thể tin tưởng Trung Quốc,” Lê Hồng Hiệp, thành viên Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nói với Bloomberg. “(Việt Nam) không thể đặt cơ sở hạ tầng trọng yếu của mình vào rủi ro chỉ vì (Huawei) mời chào cái gì đó rẻ hơn những công ty khác.”
Việt Nam còn một lý do khác để tránh công nghệ của Huawei: đó là mong muốn của họ trong việc tăng cường các mối quan hệ an ninh và kinh tế với Mỹ, Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales ở Úc, nói với Bloomberg. Theo chuyên gia về các vấn đề Việt Nam, việc dùng mạng 5G của Huawei có thể làm cho Mỹ do dự trong việc chia sẻ một số thông tin tình báo với Việt Nam.
“Mỹ đang gây áp lực lên mọi quốc gia để không dính líu vào Huawei,” theo GS Thayer.
(VOA)

Powered by Blogger.