Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng: Năm năm phản biện và hành động
Saturday, January 19, 2019 //
Slider
,
Tin Việt Nam -
Lê Thân
19-1-2019
Nhân giỗ lần thứ năm luật gia Lê Hiếu Đằng (22/01/2014 – 22/01/2019)
Sinh thời, trả lời phỏng vấn chuyên mục “Xây dựng Đảng” của báo Sài Gòn giải phóng (ngày 12/11/2007), luật gia Lê Hiếu Đằng, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh nói: Phản biện là đưa cuộc sống vào nghị quyết Đảng.
Những người giáo điều bảo thủ nói ngược lại: Đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống!
Những phản biện sắc bén của Lê Hiếu Đằng càng ngày càng đi ngược lại với chủ trương áp đặt, độc đoán mà thực chất là đàn áp những tiếng nói vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia dân tộc.
Vị lãnh tụ của phong trào đấu tranh của sinh viên Sài Gòn và các đô thị Miền Nam trước năm 1975, đã trở thành “thế lực thù địch” của những kẻ cướp đất của đồng bào ở Thủ Thiêm lúc nào không hay?!
Lê Hiếu Đằng là một trong 72 người đầu tiên kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 2013. Ông cũng là một trong những người đi đầu trong phong trào biểu tình tại thành phố Hồ Chí Minh chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam. Ông tuyên bố: Việt Nam vi phạm nhân quyền khi trấn dẹp biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam.
Trong bài viết vào tháng 8/2013 “Suy nghĩ nhân những ngày nằm bệnh”, ông đã công khai những suy nghĩ của mình về thực trạng của đất nước và sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền đã phản lại những người đã góp phần xây dựng chế độ, trong đó có ông. Ông thấy việc cần thiết, cấp bách, là phải dân chủ hóa đất nước, xây dựng thể chế đa đảng…
Lê Hiếu Đằng ra đi ngày 22/01/2014 (nhằm ngày 22 tháng Chạp năm Quý Tỵ). Ngày 10 tháng 02 năm 2014, tức 18 ngày sau khi Lê Hiếu Đằng mất, các đồng đội của ông trong phong trào đấu tranh của sinh viên Sài Gòn và các đô thị Miền Nam trước 1975 và bạn bè của ông có mặt hôm đó tại Văn Thánh thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức thành lập “Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng” và bầu Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm làm chủ nhiệm Câu lạc bộ.
Từ đó đến nay đã tròn 5 năm.
Trung thành với di sản của Lê Hiếu Đằng để lại là: Đấu tranh bảo vệ đất nước trước sự bành trướng và xâm lăng của nhà cầm quyền Trung Quốc, đấu tranh ôn hòa để dân chủ hóa đất nước… Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đã phấn đấu không mệt mỏi cho hai mục tiêu trên. Nhân 5 năm ngày giỗ của Lê Hiếu Đằng, chúng tôi, những thành viên của Câu lạc bộ, tự hào nói trước linh hồn của anh rằng, Câu lạc bộ đã không hổ danh khi mang tên anh: Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng.
Trong 5 năm qua, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đã theo sát tình hình chính trị xã hội, kinh tế của đất nước, đặc biệt là tình hình xâm lấn biển đảo và phá hoại môi trường của Trung Quốc ở nước ta để kịp thời tổ chức xuống đường biểu tình chống xâm lược. Có thể lấy một điểm nhấn là cuộc xuống đường sáng ngày 05/11/2015. Ngay sáng hôm đó, khi tên cướp Tập Cận Bình vừa đáp xuống Hà Nội, khi các vị cao niên thành viên của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng còn đang bị vây hãm chặt chẽ không thể ra khỏi nhà, thì hai thành viên trẻ của Câu lạc bộ là kỹ sư Trần Bang và nữ nhà báo Sương Quỳnh đã dẫn đầu đoàn biểu tình tại Hồ Con Rùa, Sài Gòn, hô vang khẩu hiệu: Tập Cận Bình cút đi!
Trần Bang bị đánh trào máu mặt nhưng anh vẫn hô to: Máu tôi đổ vì Tập Cận Bình! Có chết tôi cũng đuổi Tập Cận Bình! Cuộc loạn đả đã diễn ra, giằng co, lôi kéo. Các bạn trẻ nữ đã lao vào cứu Trần Bang… Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam mà cả hội trường phải đứng lên vỗ tay. Nhưng chỉ ngày hôm sau tại Singapore, Tập tuyên bố Trường Sa, Hoàng Sa là của Trung Quốc!
Trong 5 năm qua, những ngày lịch sử 19/1 (mất Hoàng Sa), 17/2 (chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc), 14/3 (chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma)… Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đều tổ chức đi thắp hương dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn, để tưởng nhớ những chiến sĩ đã lẫm liệt hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều thành viên Câu lạc bộ cao tuổi đã phải rời nhà từ 3 giờ sáng để thoát vòng vây đến thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ.
Mỗi dịp Tết về, Câu lạc bộ đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình có người thân vì biểu tình chống Trung Quốc mà trở thành tù nhân lương tâm của chế độ hèn với giặc, ác với dân. Nhân dân thành phố Mỹ Tho không bao giờ quên hình ảnh tù nhân Côn Đảo Võ Văn Thôn năm xưa, ngày 14/12/2015 đã dẫn đầu đoàn đại biểu Câu lạc bộ Lê hiếu Đằng xuống chờ đón Nhạc sĩ Việt Khang trở về sau 4 năm tù đày vì đã sáng tác những bài ca yêu nước chống bọn cướp nước và bán nước! Nhân dân Long An cũng không bao giờ quên nhà báo Kha Lương Ngãi cùng các thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đã nhiều lần lặn lội đến thăm hỏi và tặng quà những người nông dân hiền lành đã bị bọn “cướp nay có Đảng có đoàn hẵn hoi” (thơ Nguyễn Duy) cướp đất của họ!
Xuống đường biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo, đi mọi miền đất nước thăm hỏi bà con dân oan mất đất mất nhà, đói khổ vì môi trường bị nhiễm độc hết kế sinh nhai… Câu lạc bộ còn phản biện bằng văn bản, chủ trương sai trái, phản dân chủ, phản tiến bộ của chính quyền từ chủ trương “Sân gôn đuổi sân bay” đến Luật Đặc khu kinh tế phản dân hại nước…
Uy tín của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng ngày một lan rộng, nâng cao trong dư luận trong ngoài nước. Nhiều trí thức văn nghệ sĩ ở Sài Gòn đã tự nguyện tham gia Câu lạc bộ. Có người từ Thủ đô Hà Nội như nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, thạc sĩ Đào Tiến Thi… cũng xin gia nhập Câu lạc bộ. Những thành viên Câu lạc bộ tuy ở xa nhưng cũng đóng góp “hội phí” mỗi tháng 20.000 đồng đều đặn góp phần cho quỹ thăm hỏi các tù nhân lương tâm… Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đã trở thành một tổ chức dân sự xã hội đúng với ý nghĩa của xã hội dân sự mang tính thời đại này.
Tình hình đất nước ngày một thay đổi, phát triển nhanh chóng, những việc làm của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng chỉ là bước đầu khiêm tốn, nhưng cùng với các tổ chức dân sự khác, nó đóng góp các bài viết phản biện có giá trị, các tuyên bố quan trọng cho việc hình thành một xã hội dân sự rộng lớn, mà bất cứ một quốc gia nào muốn phát triển trong ổn định, tiến tới văn minh dân chủ và phồn vinh đều phải trải qua và tránh được những bất ổn, xáo trộn và đổ máu không đáng có. Tương lai của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đầy hứa hẹn…
Sài Gòn, ngày 19 tháng 01 năm 2019
Thay mặt Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng
Chủ nhiệm
Lê Thân