Biden có ý gì khi cùng lúc gay gắt với Nga và Trung Quốc ?
RFI
Đăng ngày:
Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ tiến hành một cuộc đối đầu gay gắt trên hai mặt trận : Với Nga – kẻ thù của Mỹ từ thời Chiến Tranh Lạnh và với Trung Quốc – đối thủ của Mỹ trong sắp tới. Phải chăng nguyên thủ Mỹ đang liều lĩnh khi cùng lúc đối đầu với Nga và Trung Quốc ?
Quan hệ giữa Mỹ với hai cường quốc hạt nhân đang ở mức thấp nhất kể từ khi Nixon thiết lập bang giao với Trung Quốc năm 1970 và khi Liên Xô sụp đổ đầu những năm 1990.
Hôm qua, 18/03/2021, khẩu chiến Mỹ - Trung đã nổ ra trong cuộc gặp cấp cao đầu tiên tại Alaska kể từ khi ông Joe Biden bước chân vào Nhà Trắng. Ngoại trưởng Antony Blinken không ngần ngại tố cáo Bắc Kinh ngày càng trấn áp trong nước và mỗi lúc « hung hăng với bên ngoài ».
Cùng ngày, truyền thông Mỹ tiết lộ tổng thống Biden tố cáo đồng nhiệm Nga là « kẻ sát nhân » khi trả lời một cuộc phỏng vấn. Matxcơva nhanh chóng đáp trả, tỏ thái độ khinh thường vị tổng tư lệnh mới của Mỹ là già nua.
Theo giới quan sát, sẽ là liều lĩnh khi nghĩ rằng tổng thống Mỹ mở cùng lúc hai mặt trận chống Nga và Trung Quốc – hai cường quốc hạt nhân trên thế giới. Bởi vì, qua những cuộc khẩu chiến này, tân chủ nhân Nhà Trắng dường như muốn bắn đi ít nhất ba thông điệp.
Thứ nhất, khi có những lời lẽ gay gắt với Nga và Trung Quốc, tân chính quyền Washington muốn cùng lúc đáp trả quan điểm chung của Matxcơva và Bắc Kinh, cho rằng Hoa Kỳ nói riêng và phương Tây nói chung đang hồi suy tàn. Nhà nghiên cứu Maya Kandel chuyên gia về Hoa Kỳ, thuộc trường Đại học Paris 3 – Sorbonne Nouvelle, trên France 24 nhấn mạnh đến ý định đáp trả bằng một chiến lược « địa kinh tế » của Hoa Kỳ - mặt trận cạnh tranh chủ lực giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới. An ninh kinh tế giờ được xem như là một phần an ninh quốc gia. Chiến lược này phải được thực hiện ở hai cấp độ : Tự chủ và vai trò hàng đầu các ngành công nghiệp Mỹ.
Từ chiến lược này, dẫn đến một thông điệp thứ hai của Biden « chính sách đối ngoại phục vụ cho đối nội ». Cứng rắn với Trung Quốc, chủ nhân Nhà Trắng muốn trấn an những tầng lớp cử tri cánh hữu và một bộ phận cánh tả cũng như là nhiều nhà chiến lược đảng Dân Chủ thường hay chỉ trích chủ nghĩa tân tự do đã tạo đà tiến cho Trung Quốc trên trường quốc tế, gây tổn hại cho việc làm của tầng lớp trung lưu trong các ngành công nghiệp Mỹ. Đây chính là lý do dẫn đến thắng lợi bầu cử của Donald Trump.
Mặt khác, khi có lời lẽ gay gắt với Putin, nguyên thủ Mỹ khẳng định sẵn sàng đối đầu trực tiếp với Putin, và như vậy hy vọng giải tỏa phần nào ba áp lực mà ông đang đối mặt. Theo giải thích của nhà chính trị học Marie-Christine Bonzom, chuyên gia về Hoa Kỳ với trang mạng 20 Minutes, hai áp lực đầu tiên là đến từ các cơ quan tình báo và một bộ phận nghị sĩ đảng Cộng Hòa, kêu gọi phải có những biện pháp cứng rắn với Nga, mà hồ sơ Nordstream 2 là một ví dụ điển hình.
Áp lực thứ ba là đến từ đảng Dân Chủ, những người chủ yếu gần gũi với cách suy nghĩ thời Clinton, và tân tổng thống Mỹ dường như đang nối lại với đường hướng này. Theo đó, việc nỗ lực xích lại gần Nga chỉ là « vô ích », rằng « Nga đã hoàn toàn ngả theo Trung Quốc », theo như phân tích của nhà chính trị học Jean de Gliniasty, viện IRIS.
Cuối cùng, thái độ cứng rắn này của ông Biden còn nhằm bảo đảm với các đồng minh tại vùng châu Á-Thái Bình Dương như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, rằng đã qua rồi cái thời chính sách hỗn loạn của vị Donald Trump ngông cuồng trước những kẻ chuyên quyền ở Bắc Kinh và Matxcơva.
Nhìn chung, giới quan sát đều có cùng một nhận định đường hướng đối ngoại Biden không khác gì mấy so với Donald Trump, có khác chăng là về mặt phương pháp. Tuy nhiên, ở đây, có một câu hỏi đáng được quan tâm : Phải chăng trong cách đối xử với hai cường quốc hạt nhân, Hoa Kỳ đang có thái độ « Nhất bên trọng, Nhất bên khinh » ?
Vì sao tổng thống Biden lại có thể « mắng » đồng nhiệm Nga một cách thậm tệ như thế ? Từ thời tổng thống Obama, Hoa Kỳ dường như không có cách đối xử công bằng giữa Matxcơva và Bắc Kinh. Vì đối thủ - nếu không muốn nói là kẻ thù chính là Trung Quốc, nên Joe Biden « không thể tự cho phép mình có một lời lẽ như vậy với Tập Cận Bình ». Theo ông Jean de Gliniasty, sở dĩ Hoa Kỳ tự cho phép mình làm điều này đó là vì Mỹ nghĩ rằng « Nga chỉ là một cường quốc trong khu vực ». Phải chăng đó là một suy nghĩ sai lầm và đầy rủi ro ?