Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Giải mã quan hệ tay ba Phi-Mỹ-Trung thời Duterte

Tuesday, October 18, 2016 // , ,
Giải mã quan hệ tay ba Phi-Mỹ-Trung thời Duterte
 Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (p) bên cạnh thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Thượng Đỉnh ASEAN+3 ở Vientiane (Lào) ngày 07/09/2016.Reuters

Đăng ngày 18-10-2016
Sau khi mắng mỏ đồng minh lâu năm là Mỹ, tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chính thức đi thăm Trung Quốc (18-21/10/2016), với mục tiêu rõ ràng là chiêu dụ Trung Quốc. Theo hãng tin Mỹ AP ngày 17/10, chuyến đi này có thể giúp hiểu rõ thêm là ông Duterte muốn xa rời đồng minh kết ước Washington đến đâu để xích lại gần một siêu cường châu Á đang cương quyết tranh giành lãnh thổ của một quốc gia nhỏ và nghèo như nước ông.
Theo nhận định của AP, đây quả là một canh bạc với tiền ăn thua cực lớn đối với tân tổng thống Philippines : Việc ông điều chỉnh lại quan hệ giữa Philippines với hai cường quốc lớn nhất thế giới sẽ tác động đến liên minh Mỹ-Phi đã có từ 65 năm nay, một liên minh được xem là trụ cột chính trong chính sách xoay trục qua châu Á của tổng thống Mỹ Barack Obama. Trung Quốc có nhiều dấu hiệu là sẽ thừa dịp lấn lại phần sân đã bị mất trên một quốc gia Đông Nam Á đã chiến thắng trong một vụ kiện trọng tài quan trọng đánh vào yêu sách lãnh thổ quá lớn của Bắc Kinh ở Biển Đông, chỉ mới ba tháng trước đây.
Để hiểu rõ tầm mức hệ trọng của chuyến công du Trung Quốc của ông Duterte, hãng tin Mỹ đã nêu bật 4 vấn đề cốt lõi cần lưu ý dưới dạng câu hỏi
1. Tại sao ông Duterte chuyển hướng ngoại giao và ông chờ đợi gì từ phía Trung Quốc ?
Có vẻ như là ý muốn hoạch định một chính sách đối ngoại độc lập với Mỹ của ông Duterte bắt nguồn từ nhiều nguyên do, trong đó có cả lịch sử thời Mỹ còn đô hộ Philippines.
Ông Duterte giận Mỹ sau một sự cố năm 2002, trong đó ông cáo buộc các nhân viên FBI của Mỹ là đã đánh tháo cho một người Mỹ bị quy trách nhiệm phá nổ một phòng khách sạn ở thành phố Davao, nơi ông Duterte từng là thị trưởng trong một thời gian dài.
Gần đây, ông đã nặng lời với ông Barack Obama, đòi đày đối phương « xuống địa ngục » sau khi đồng nhiệm Mỹ chỉ trích chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu của ông. Ông đã loan báo các kế hoạch giảm thiểu sự hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ tại Philippines mà theo ông, chỉ có tác dụng chọc giận các thành phần Hồi giáo tại miền Nam Philippines, trong lúc lại không giúp được quân đội èo uột của Philippines nâng cao năng lực.
Vào tháng trước ông từng nói : « Tôi không phải là fan của người Mỹ ».
Ông Duterte muốn có tiến bộ trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Trung Quốc và mở rộng hợp tác quốc phòng song phương, với Bắc Kinh có thể là một nguồn cung cấp vũ khí mới cho Philippines.
2.  Liệu ông Duterte có nêu hồ sơ Biển Đông rất gai góc khi có mặt ở Trung Quốc ?
Trước khi đi thăm Brunei và Trung Quốc, ông Duterte nói là ông sẽ đề cập đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ, kể cả phán quyết ngày 12/07/2016 của một tòa án trọng tài quốc tế, phủ nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông, dựa trên cơ sở lịch sử. Trong khi cam đoan là sẽ « không mặc cả » về chủ quyền của Philippines và bám sát các tuyên bố chủ quyền của nước mình, ông Duterte lại nói là « sẽ không có việc áp đặt cứng ngắc. »
Trong các thông điệp hướng về phía Trung Quốc, ông Duterte nói rằng ông chủ yếu muốn ngư dân Philippines có lại quyền đánh bắt tại vùng bãi cạn Scarborough ở Biển Đông đang tranh chấp giữa hai bên nhưng lại bị Trung Quốc chiếm giữ. Ông đồng thời cũng muốn đẩy mạnh thương mại và đầu tư sau nhiều năm quan hệ băng giá. Có tin cho rằng ông Duterte có thể tìm kiếm sự đảm bảo từ phía Trung Quốc là sẽ dừng việc bồi đắp thêm các hòn đảo trong khu vực tranh chấp.
Những chủ đề nhạy cảm này có thể được đề cập đến trong cuộc hội đàm với Tập Cận Bình. Ông Duterte cũng cho biết là ông cũng sẽ gặp thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và chủ tịch Quốc Hội Trương Đức Giang.
Một quan chức Philippines biết rõ việc soạn thảo bản tuyên bố chung sau chuyến thăm tiết lộ : Một vài ngày trước chuyến quốc du của tổng thống Philippines tại Trung Quốc, hai bên vẫn chưa thống nhất được ý kiến về các đoạn nói về tranh chấp Biển Đông.
3. Mỹ phản ứng ra sao trước việc ông Duterte thúc đẩy quan hệ với đối thủ chủ chốt của mình tại châu Á ?
Mỹ nói rằng họ muốn nhìn thấy quan hệ tốt đẹp hơn giữa Philippines và Trung Quốc, vì lo ngại rằng mọi sự xấu đi nghiệm trọng nào cũng có thể làm khu vực mất ổn định và có thể buộc Washington phải hành động theo tinh thần Hiệp Ước Phòng Thủ Chung Mỹ-Phi năm 1951.
Cho dù vậy, Mỹ không muốn thấy quan hệ Phi-Trung chuyển biến đến mức gây hại cho quan hệ giữa Washington và Manila, và môt sự suy giảm rõ rệt trong quan hệ Mỹ-Phi sẽ gióng lên tiếng chuông báo động, vì lẽ Philippines vẫn là một phần quan trọng trong chuỗi liên minh mà Mỹ đã thành lập ở châu Á, chạy từ Nhật Bản, Hàn Quốc, xuống đến Úc.
Bất kỳ nỗ lực nào của ông Duterte nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng với Trung Quốc đều có thể khiến cho quân đội Hoa Kỳ bất an, nếu họ cảm thấy sự an toàn của các hoạt động và các nhân viên quân sự Mỹ có thể bị tổn hại.
Quan hệ giữa Mỹ và Philippines rất sâu đậm, thể hiện qua một thế kỷ bang giao và hơn 3 triệu người Mỹ gốc Philippines. Mối liên kết như vậy có thể đảm bảo rằng quan hệ giữa hai bên vẫn gần gũi, bất kể việc chính sách đối ngoại thời ông Duterte đi theo hướng nào.
Quan hệ giữa Trung Quốc với các láng giềng, thường lên xuống theo nhịp độ các cuộc khủng hoảng, và rất có khả năng là một cuộc tranh chấp mới trên Biển Đông có thể kéo theo các biện pháp trả đũa kinh tế, ngoại giao mới của Bắc Kinh. Trong trường hợp đó, Hoa Kỳ chắc hẳn là sẽ lại bênh vực Philippines, vì rất muốn nhắc nhở Manila rằng ai mới là bạn thật sự của họ.
4. Trung Quốc hy vọng thu hoạch được gì từ chuyến thăm  và từ bất kỳ một sự chuyển hướng nào của ông Duterte ?
Trong khi bày tỏ sự cởi mở đối với những nỗ lực của ông Duterte để thúc đẩy thương mại và tìm kiếm nguồn tài trợ cho hệ thống đường sắt và cơ sở hạ tầng khác tại Philippines, không chắc là Trung Quốc sẽ lùi bước trên các yêu sách chủ quyền Biển Đông mà họ có từ lâu, kể cả đòi hỏi đối với bãi Scarborough, nơi lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc tiếp tục ngăn chặn ngư dân Philippines.
Trung Quốc được cho là sẽ hoan nghênh bất kỳ sự suy giảm ảnh hưởng nào của Hoa Kỳ trong các quốc gia châu Á, vì lẽ điều đó tạo ra nhiều khoảng trống hơn để Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng kinh tế, chính trị và quân sự của mình.
Trung Quốc đã bị bất ngờ trước chính sách « xoay trục » của Mỹ sang châu Á – trong đó mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Philippines là một yếu tố quan trọng – vì vậy một sự chuyển hướng của Manila sẽ phục vụ mục tiêu mà Bắc Kinh đề ra là xóa bỏ các nỗ lực của Washington trong việc gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trong vùng.
Bắc Kinh cũng rất muốn xếp xó phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, và tiếp tục cách tiếp cận của Trung Quốc, tức là đàm phán về tranh chấp lãnh thổ trên cơ sở song phương với các nước liên quan. Phán quyết La Haye – mang tính chất đa phương – sẽ làm giảm trọng lượng tương đối của Trung Quốc đối với các nước có tranh chấp với Trung Quốc, và mở cửa cho các loại can thiệp từ bên ngoài, điều mà Bắc Kinh luôn tố cáo.
Cuối cùng, mối quan hệ ấm áp hơn với Philippines cũng có thể mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là cho Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á vừa thành lập và được Bắc Kinh ủng hộ như là một định chế thay thế cho Ngân Hàng Phát Triển Châu Á, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và các tổ chức tài chính toàn cầu khác. Các công ty Trung Quốc sẽ tích cực chộp lấy bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng lớn nào được Philippines đưa ra, đặc biệt là trong lãnh vực xây dựng đường bộ và đường sắt.

Tin Hoa Kỳ – 18-10-2016

Vợ Donald Trump bảo vệ chồng

AFP
AFP
Melania đã kết hôn với Trump 11 năm và có một người con
Bà Melania Trump nói những bình luận tục tĩu trong đoạn video về chồng bà là không thể chấp nhận được, nhưng đó không thể hiện Donald Trump mà bà biết.
Bà nói ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa có lỗi vì cuộc nói chuyện của “đám đàn ông” nhưng đã bị gợi ý bởi người dẫn chương trình Billy Bush.
Trong video ông Trump nói với ông Bush, người sau đó dẫn trong chương trình Access Hollywood (Đường tới Hollywood) của Đài NBC, rằng ông có thể xâm hại phụ nữ vì ông là một ngôi sao.
Đoạn băng khiến nhiều Đảng viên Cộng hòa tuyên bố không ủng hộ ông Trump nữa.
Từ sau vụ việc, nhiều phụ nữ đã công khai và cáo buộc ông Trump vì quấy rối tình dục. Ông chối bỏ các cáo buộc này.
Trong cuộc phỏng vấn trên Đài CNN, lần xuất hiện đầu tiên sau sự việc, phu nhân của ông Trump bảo vệ hành động của chồng, bà nói ông chưa bao giờ có hành động không phù hợp trong nhiều năm qua.
Phụ nữ thường tiến lại gần và cho ông ấy số điện thoại, bà nói.
Ông Trump bị nhiều phụ nữ nói đã quấy rối
GETTY IMAGES
Trump bị nhiều phụ nữ nói đã quấy rối
Và trong đoạn băng video năm 2005 bị truyền thông đăng tải 10 ngày trước, bà nói: “Tôi đã nói với chồng rằng, anh biết đấy, ngôn ngữ đó thật không thích hợp. Thật không chấp nhận được.”
“Và tôi rất ngạc nhiên, bởi vì đó không phải là người đàn ông tôi biết.”
Khi đoạn băng bị công bố, bà Trump phát hành một thông cáo nói bà thấy những lời lẽ ông Trump nói là phản cảm, nhưng bà chấp nhận lời xin lỗi của ông.
Giờ bà tin rằng Billy Bush, người đã bị sa thải khỏi đài NBC vì đoạn băng, chính là thủ phạm.
Bà nói ông Trump đã bị “dẫn dắt – như bị gài – từ người dẫn chương trình để nói những điều dơ bẩn và tồi tệ.”
Chỉ còn ba tuần nữa người Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống, các khảo sát cho thấy ông Trump đang bị bỏ xa một khoảng cách đáng kể so với ứng viên đối thủ Hillary Clinton ở các bang trọng yếu. – BBC

Bầu cử Mỹ: Donald Trump vẫn bị động

Mai Vân

media
Ửng viên Donald Trump tại bang New Jersey, ngày 15/10/2016. REUTERS/Jonathan Ernst
Còn 3 tuần lễ nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump vẫn thua đối phương Dân Chủ Hillary Clinton. Theo kết quả thăm dò ở cấp toàn quốc công bố ngày 17/10/2016, bà Hillary được 45,9% dự định bầu, ông Donald Trump, 39%.
Bị vướng vào những vụ tai tiếng miệt thị phụ nữ, Donald Trump tìm cách đảo ngược tình thế, vợ của ông, bà Melania, hôm qua đã trả lời phóng vấn trên hai đài truyền hình CNN và Fox News để bảo vệ chồng. Bà tố cáo truyền thông “cánh tả” cố tình bới móc những chuyện hơn một chục năm về trước.
Trong lúc đó thì từ một tuần nay, bà Hillary Clinton đã rất kín đáo, im hơi lặng tiếng. Ngày 19/10, tại Las Vegas diễn ra cuộc tranh luận cuối cùng, nhiều người tự hỏi tại sao bà không vận động mạnh hơn.
Thông tín viên RFI, Anne Marie Capomaccio, từ Las Vegas, nêu thắc mắc của dư luận :
 Hillary Clinton đi đâu rồi ? Tại sao bà không lên tiếng nữa, trong lúc mà Donald Trump bị vướng trong tố cáo xách nhiễu tình dục ? Cho đến lúc bà Clinton chỉ đến vận động trong 52 cuộc mít tinh trong khi đối thủ của bà đi phát biểu đến 88 lần…
Báo chí đã nêu lên câu hỏi này, nhận định là ứng viên đảng Dân Chủ có lẽ bị quá khứ chồng bà làm cho vướng víu. Nhưng đối với René Lake, chuyên gia tư vấn đảng Dân Chủ, sự vắng mặt của Hillary Clinton là một chiến lược sẽ mang lại hiệu quả.
Hillary Clinton không có mặt ở hiện trường, nhưng cuộc vận động tranh cử của bà vẫn diễn ra đấy chứ : ứng viên phó tổng thống Tim Kane, tổng thống Obama và phu nhân Michelle, Bill Clinton, cô con gái Chelsea đều có mặt tại những bang quyết định…
Biết bao cuộc mít tinh kêu gọi cử tri ủng hộ cho Hillary Clinton, trong lúc bà chuẩn bị cho cuộc tranh luận ngày mai… Bà sẽ giải thích về những tiết lộ gần đây của Wikileaks về những quan điểm trái ngược của bà như trên vấn đề tự do mậu dịch…
Donald Trump cho biết sẽ tấn công bà không ngơi nghỉ trên những tiết lộ này. ” – RFI

Bà Clinton mở rộng nỗ lực sang những bang Cộng hòa truyền thống

Những cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Clinton đã vượt lên dẫn trước ông Trump với cách biệt còn lớn hơn.
Những cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Clinton đã vượt lên dẫn trước ông Trump với cách biệt còn lớn hơn.
WASHINGTON —
Ngày càng tin tưởng mình sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton đang mở rộng chiến dịch vận động tranh cử của bà sang những bang mà lâu nay vốn bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa, với hy vọng chặn đứng con đường tiến tới chiến thắng của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump và hỗ trợ việc bầu cử những nhà lập pháp khác theo Đảng Dân chủ vào Quốc hội.
Còn ba tuần nữa là tới ngày bầu cử, ban vận động tranh cử của bà Clinton cho biết sẽ chi thêm 2 triệu đôla quảng cáo ở bang Arizona thuộc vùng tây nam. Bang này chỉ bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ một lần trong 16 cuộc bầu cử gần đây.
Ban vận động của bà Clinton cũng dự định đưa đệ nhất phu nhân Michelle Obama, người đại diện của bà Clinton được lòng nhiều cử tri nhất, tới bang này vào ngày thứ Năm để tổ chức một buổi vận động cho bà Clinton. Những cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Clinton và ông Trump đang cạnh tranh sít sao ở bang New Mexico nằm ở phía bắc biên giới Mexico.
Ngoài ra, chiến dịch tranh cử của bà Clinton cũng đang tăng cường nỗ lực ở hai bang miền trung tây là Missouri và Indiana, nơi ông Trump đang dẫn trước. Nhưng cả hai bang này đều đang có những cuộc đua sít sao vào Thượng viện mà cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa đều coi là quan trọng trong nỗ lực giành quyền kiểm soát chính trị vào năm sau tại Thượng viện, nơi phe Cộng hòa đang nắm thế đa số.
Những cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Clinton, cựu ngoại trưởng Mỹ đang nỗ lực trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ, đã vượt lên dẫn trước ông Trump với cách biệt còn lớn hơn. Ông Trump, tỉ phú bất động sản với những phát biểu huênh hoang, đang nỗ lực vươn tới chức vụ công cử đầu tiên của mình. Website chính trị Real Clear Politics tính trung bình kết quả những cuộc khảo sát toàn quốc cho thấy bà Clinton dẫn trước bảy điểm phần trăm, trong khi một số nhà phân tích chính trị nói rằng bà có 90 phần trăm xác suất trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Bà Clinton và ông Trump sẽ đối mặt trong cuộc tranh luận thứ ba và cũng là cuối cùng của họ vào tối thứ Tư này.  - VOA

Bầu cử Mỹ 2016: Khác biệt về chính sách đối ngoại

Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump (trái) và ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton đối đáp trong cuộc tranh luận tổng thống lần 2 tại Đại học Washington ở St. Louis, 9/10/2016.
Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump (trái) và ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton đối đáp trong cuộc tranh luận tổng thống lần 2 tại Đại học Washington ở St. Louis, 9/10/2016.
WASHINGTON —
Lo lắng về kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ, thế giới đang theo dõi sát tình hình giữa lúc ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ bên Đảng Cộng hoà Donald Trump trình bày kế sách của họ để đối phó với chủ nghĩa khủng bố và giải quyết các vấn đề toàn cầu khác. Quan điểm của hai ứng viên tổng thống Mỹ về thế giới ra sao? Lập trường của họ về các vấn đề chính sách đối ngoại, từ những liên minh quốc tế cho tới việc đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo là gì?
NATO, Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã ra đời cách đây 67 năm về trước, đã bị đẩy vào chiến dịch vận động tranh cử đầy cay đắng tại Hoa Kỳ. Bà Hillary Clinton, ứng cử viên của Đảng Dân chủ phát biểu:
“Chúng ta phải hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh của chúng ta, nhưng đó là một vấn đề mà trong thời gian qua, Donald (Trump) tỏ ra không mấy quan tâm.”
Ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump:
“Chúng ta đã làm việc với họ trong rất nhiều năm rồi, giờ chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn chưa từng thấy.”
Quan điểm khác biệt về mức độ cam kết của Mỹ đối với NATO nêu bật thế giới quan của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, theo nhà khoa học chính trị Jeremy Mayer. Ông nhận xét.
“Tôi tin rằng ông Trump là một người theo chủ nghĩa dân tộc, một người muốn lấy lòng dân, trong khi bà Hillary Clinton là một người theo chủ nghĩa quốc tế, ủng hộ một chính sách đa phương.”
Ông Trump ủng hộ một lực lượng quân đội hùng mạnh và hứa hẹn một chính sách đối ngoại dựa trên các lợi ích của nước Mỹ. Về phần bà Clinton, bà hứa sẽ dùng tất cả mọi công cụ quyền lực, từ ngoại giao cho tới phát triển, để đẩy mạnh chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Hai viễn kiến tương phản nhau đã dẫn tới những khác biệt lớn về chính sách đối với các nước đối nghịch chẳng hạn như Nga. Ông Trump nói về nước này như sau:
“Tôi không biết ông Putin, tôi nghĩ nếu chúng ta hoà hoãn với nước Nga thì rất tốt, bởi vì hai nước chúng ta có thể cùng sát cánh chống lại Nhà nước Hồi giáo.”
Bà Hillary Clinton có lập trường diều hâu hơn. Bà tuyên bố:
“Tôi sẽ đứng lên trực diện nước Nga. Tôi đã từng đối mặt với ông Putin và nhiều người khác, và trong cương vị Tổng thống, tôi cũng sẽ làm như vậy.”
Hai ứng cử viên tổng thống cũng bất đồng quan điểm mạnh mẽ với nhau về thoả thuận hạt nhân với Iran. Ông Trump miêu tả đây là một thoả thuận xấu, không có lợi cho Hoa Kỳ. Bà Hillary Clinton thì cho rằng thoả thuận này đã giúp kiềm chế chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Tehran.
Về vấn đề đánh bại Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, vấn đề đối ngoại mà người dân Mỹ quan tâm nhất, những khác biệt về chính sách giữa hai ứng cử viên còn sâu rộng và rõ nét hơn nữa. Ông Donald Trump nói:
“Tôi không thích ông Bashar al-Assad một chút nào, nhưng ông ta đang tiêu diệt quân Nhà nước Hồi giáo. Nga cũng thế, và Iran cũng vậy, và các nước này dàn hàng với nhau bởi vì chính sách đối ngoại của ta quá yếu.”
Bà Hillary Clinton đề cập tới vấn đề này trong cuộc tranh luận thứ nhì giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ:
“Nga không hề quan tâm tới Nhà nước Hồi giáo. Họ chỉ muốn giữ ông Assad ở vị thế cầm quyền. Cho nên thời tôi còn giữ chức Ngoại trưởng, tôi đã cổ vũ và bây giờ vẫn tiếp tục cổ vũ việc thiết lập các khu vực cấm bay, an toàn.”
Nhưng cũng như trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong quá khứ, giới cử tri Mỹ chú trọng nhiều hơn tới các vấn đề khác: đó là vấn đề kinh tế và công việc làm ăn của họ, chứ không mấy quan tâm tới chính sách đối ngoại. – VOA

Điểm Báo Pháp – 18-10-2016

Zumwalt: Bảo bối mới nhất của Hải Quân Mỹ

Minh Anh – 18-10-2016
media
Tàu khu trục USS Zumwalt (DDG-1000) chạy thử nghiệm trên Đại Tây Dương, 07/12/2015.Wikimedia by U.S. Navy
Hải Quân Hoa Kỳ vừa được trang bị một loại tầu chiến tối tân nhất trên thế giới. Một sự kiện được ông Ray Mabus, bộ trưởng bộ Hải Quân Mỹ đánh giá là một « bước đại nhảy vọt » cho Hải Quân nước này. Báo Le Monde số ra ngày 18/10/2016 hóm hỉnh chạy tựa « Với Zumwalt, Hoa Kỳ đóng phim ‘Star Trek’ trên biển ».
Một sự ví von không phải là vô cớ. Vì chỉ huy chiếc tàu chiến mới toanh này tên là James Kirk, trùng tên với nhân vật chỉ huy tàu không gian Enterprise trong bộ phim truyền hình khoa học giả tưởng « Star Trek ». Một sự trùng hợp kỳ lạ !
« Zumwalt » là tên của chiếc tầu khu trục DDG-1000 vừa được hạ thủy hôm thứ Bảy 15/10/2016. Ngược với các kiểu thân tàu truyền thống, tầu khu trục mới này có hình dạng như một đầu mũi tên và theo hình tháp (thân tầu rộng ở phía dưới và hẹp dần ở bên trên).
Tầu được trang bị 80 bệ phóng tên lửa, pháo 155mm có thể đánh sâu vào trong đất liền đến 100km. Những « nòng pháo thủy quân nặng nhất được thiết kế từ nhiều thập niên nay » như nhận định của Chris Cavas, chuyên gia cho báo Mỹ Defense News.
Việc hạ thủy chiếc Zumwalt đánh dấu những tiến bộ của Hoa Kỳ trước đối thủ Nga. Trang mạng của Pháp chuyên về Biển và Hải Quân tỏ ra ngạc nhiên về khả năng tàng hình của tầu khu trục này.  Tờ báo viết : « Theo Hải quân Mỹ, khả năng bị ra-đa phát hiện thấp đến 50 lần so với những tầu khu trục trước đây. Một ngư dân trong vùng Bath, từng gặp chiếc tầu này khi đang trên đường chạy thử, đã cho biết là trên màn ảnh ra-đa của ông, âm thanh do chiếc USS Zumwalt dội ra làm ông nghĩ đó chỉ là một chiếc tàu đánh cá cỡ nhỏ dài chừng 12-15 mét ».
Cái bẫy công nghệ
Ý tưởng đóng chiếc Zumwalt được phát triển dưới thời tổng thống Ronald Reagan trong những thập niên 1980. Nhưng công nghệ dành cho chiếc tầu khu trục này đã cho thấy có một sự đột phá mà Lầu Năm Góc đang muốn phát triển.
Với các động cơ chạy bằng điện cảm ứng, tàu có thể tạo ra 78 megawatt điện. Các động cơ cảm ứng đó còn cho phép phát triển các loại vũ khí điện từ trong tương lai : các loại pháo không cần thuốc nổ, có tầm bắn 400 km với tốc độ viên đạn bằng nhiều lần tốc độ âm thanh, hay như các loại vũ khí điều khiển bằng năng lượng như sóng vi ba và tia laser.
Điểm yếu nhất của chiếc tầu khu trục này là giá thành quá đắt. Hải quân Hoa Kỳ dự trù sở hữu 32 chiếc. Nhưng giờ đành phải chấp nhận có … 3. Với giá thành hơn 6 tỷ đô la một chiếc, chưa tính đến chi phí phát triển, chương trình trang bị loại tầu chiến vượt quá 20 tỷ. Năm 2009, bộ Quốc Phòng Mỹ đành phải dừng dự án quyết định ưu tiên tầu khu trục lớp Arleigh Burke, nhẹ hơn, tàng hình ít hơn, nhưng cũng hiệu quả và nhất là rẻ hơn.
“Tiền nào của đó”. Đối với mọi quân đội hiện đại, cuộc đua công nghệ còn là một cái bẫy. Ông Thibault Lamidel, chuyên viết blog « Le Fauteuil de Colbert » cho rằng : « Để có thể trả được những loại tầu chiến như thế, Hải Quân phải từ bỏ điều kiện ưu thế khác, số lượng và sự hiện diện. Ngày nay, Hải quân Mỹ có từ 320 – 340 chiến hạm, và lẽ ra họ phải cần đến ít nhất là 400 để trở thành một lực lượng Hải Quân toàn cầu hiện diện khắp nơi trên toàn thế giới như mong muốn của Reagan ».
Đối với vị chuyên gia này, Zumwalt « vẫn chỉ là một bài thực hành công nghệ ». Do đó, Hải Quân Mỹ chưa đủ khả năng lật ngược mối tương quan lực lượng tại châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng đủ để gây ấn tượng trong « chính sách ngoại giao thủy chiến » nhắm vào Trung Quốc.
Duterte đến thăm người bạn lớn Trung Hoa
« Duterte đến thăm người bạn mới Trung Quốc » là hàng tựa thông báo trên Le Monde. Chuyến công du Bắc Kinh bốn ngày của tổng thống Philippines bắt đầu từ hôm nay, thứ Ba 18/10/2016 cho thấy quan hệ « Bắc Kinh và Manila đang tan băng » như nhận xét của nhật báo kinh tế Les Echos.
Một sự chuyển hướng chiến lược là nhận định chung của cả hai tờ báo. Ông Rodrigo Duterte muốn thiết lập các mối « liên kết » với Nga và nhất là với Trung Quốc, và tỏ ý rất « có thể phá vỡ » mối quan hệ với Hoa Kỳ. Điều đó còn thể hiện rõ qua thái độ ngưỡng mộ của ông đối với vị « chủ tịch lớn » Trung Quốc và không ngần ngại sỉ vả Barack Obama, bảo ông « chui thẳng xuống địa ngục ».
Thái độ quay ngoắc của ông Duterte đã gây lo ngại cho giới quan sát cũng như các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc. Một bộ phận chính khách Philippines lo sợ rằng với tính cách « bốc đồng » và giọng điệu hơi cực đoan, ông Duterte sẽ nhượng bộ Trung Quốc quá mức trên phương diện ngoại giao để tìm kiếm một sự hỗ trợ trong việc phát triển kinh tế, đồng thời làm xấu đi chính sách phòng thủ mà Hoa Kỳ hứa giúp.
Cả Le Monde và Les Echos đều thấy rằng chuyến công du Trung Quốc của ông Duterte là « món quà trời cho » dành cho chính quyền Bắc Kinh, dù rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng không mấy ưa thích gì tính khí thất thường của lãnh đạo Philippines.
Le Monde còn cho rằng Trung Quốc đã tỏ ra hả hê khi nhìn thấy vào cuối nhiệm kỳ của ông Obama, một trong những con cờ quan trọng trong chính sách « xoay trục sang châu Á » đã bất ngờ ngả theo Bắc Kinh và mắng mỏ tổng thống Hoa Kỳ.
Trung Quốc : Vết đau xã hội cho việc hiện đại hóa quân đội
Le Figaro nhìn sang Trung Quốc với cuộc biểu tình hiếm có của các cựu binh sĩ Trung Quốc ngay trước bộ Quốc Phòng trong tuần trước. Họ yêu cầu chính phủ phải có những biện pháp hỗ trợ thỏa đáng cho những binh sĩ bị giải ngũ do chính sách hiện đại hóa quân đội mà ông Tập Cận Bình đưa ra. Nhật báo có bài giải thích đề tựa « Nỗi đau của quân đội Trung Quốc ».
Quân đội Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn có nhiều biến chuyến sâu sắc. Chủ tịch Tập Cận Bình, lãnh đạo quân đội tối cao, vào tháng 9/2016 thông báo giảm 300.000 quân số, trong tổng số 2,3 triệu quân nhân. Một chương trình tái cấu trúc lớn nhất từ nhiều thập niên qua.
Mục tiêu là để tập trung hiện đại hóa hải quân và không quân. Quân đội Trung Quốc ngày càng hiện diện nhiều trên vùng Biển Đông, nơi mà nước này đã cho quân sự hóa nhiều bãi đá ngầm đang có tranh chấp chủ quyền với nhiều nước khác trong khu vực, trong đó có cả Philippines.
Thế nhưng, chương trình phục viên các binh sĩ bị giải ngũ đã gặp nhiều khó khăn do tình trạng kinh tế trì trệ và do việc chế độ cũng đang tìm cách tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thừa thải, dẫn đến việc sa thải hàng loạt người lao động. Đó là chưa kể đến việc do gặp khó khăn về kinh tế hay nạn tham nhũng, nên nhiều địa phương không áp dụng các chính sách do Bắc Kinh dự trù.
Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc đang trong vòng xoáy của chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập Cận Bình đưa ra từ bốn năm nay. Hàng chục tướng lĩnh đã bị loại khỏi bộ máy quân đội do những hành vi hủ hóa ngông cuồng. Chiến dịch chống tham nhũng đó đã làm tê liệt nhiều quan chức cũng như nhiều định chế khác, khiến họ do dự không dám đưa ra bất kỳ quyết định nào.
Cuối cùng, quân đội cũng đang gánh chịu những hệ quả trực tiếp từ những khó khăn của nền kinh tế. Ngân sách dành cho quân đội chỉ tăng có 7,6% trong năm nay, mức tăng thấp nhất từ năm 2010, sau cú nhảy vọt 10% năm 2015 và 12,2% năm 2014.
Thái Lan để tang nửa mùa ?
Trở lại vùng Đông Nam Á, Le Monde quan tâm đến tình hình đất nước Thái Lan trong giai đoạn tang lễ, khóc thương quốc vương Bhumibol mà họ tôn sùng như vị thánh vừa qua đời hôm 13/10/2016. Theo bài viết đề tựa « Tại Thái Lan, tang lễ và quan nhiếp chính », tác giả bài viết cho rằng lệnh để quốc tang chỉ « nửa vời ».
Tình cảm của người dân Thái Lan giờ đây pha lẫn giữa sự buồn bã và lo lắng cho tương lai đất nước. Nền dân chủ và chính trị Thái Lan sẽ đi về đâu khi mà hoàng thái tử xin hoãn đăng quang một năm nữa ; khi mà quyền cai trị đất nước được tạm thời trao cho một vị nhiếp chính đã 96 tuổi, và từng là một cựu tổng tư lệnh quân đội ?
Đất nước Thái Lan bị chia rẽ sâu sắc giữa tầng lớp tinh hoa và nông dân, giữa nông thôn và thành thị. « Cái tin quốc vương qua đời là một tin xấu thêm nữa » nhấn chìm một đất nước đang trong giai đoạn khủng hoảng.
Tuy nhiên, theo quan sát của tác giả bài viết, việc yêu cầu để tang toàn quốc trong một năm mang mầu sắc nửa vời. Thủ tướng Thái và tổng tư lệnh quân đội yêu cầu các tụ điểm vui chơi giải trí giảm cường độ. Nhưng tại những khu phố sầm uất, như Patpong lễ hội vẫn tiếp diễn. Quốc vương qua đời, nhưng Bangkok phải sống !
Mossoul : Trận đánh đã mở màn !
Liên quân quốc tế và Irak mở chiến dịch tấn công quân thánh chiến để lấy lại thành phố Mossoul là tâm điểm thời sự quốc tế trên các báo Pháp. Le Monde trên trang nhất đưa hàng tít nhỏ : « Irak : Trận đánh Mossoul đã bắt đầu ».
Le Figaro có bài phóng sự đặc biệt dài 3 trang báo lớn « Ngay giữa lòng trận đánh Mossoul ». Đây cũng là tít lớn trên trang nhất. Đặc phái viên của tờ báo đã có dịp theo chân các chiến binh peshmerga người Kurdistan trong cuộc tấn công ở phía đông Mossoul.
Đánh thì được rồi đó, nhưng sau đó thì sao ? Đối với Le Figaro, đây mới chính là « Vấn đề gai góc sau thắng lợi quân sự ». Làm thế nào phân chia quyền và nguồn lực giữa các phe phái Shia, Sunni và Kurdistan ? Một thách thức chính trị lớn cần phải được giải quyết.
Với Libération, « Trận Mossoul : Liên Hiệp Quốc lo sợ dòng người tị nạn trong tuần ». Tờ báo dẫn lời điều phối viên nhân đạo của tổ chức quốc tế này, dự phóng khoảng 200.000 di tản trong « hai tuần tới ». Con số này còn có thể tăng lên đáng kể tùy thuộc vào tình hình các cuộc tấn công. Cuộc chiến này là cơ hội để người « Kurdistan và Ả Rập kết hợp » với nhau như quan sát của nhật báo công giáo La Croix.
Nobel : Châu Âu mất chất xám
Mùa giải Nobel đã kết thúc nhưng dư âm vẫn còn đọng lại. « Nobel và rò rỉ tài năng châu Âu » là ghi nhận của ông Jean-Marc Vittori đăng trên tờ Les Echos. Trong số bảy nhân vật được trao giải Nobel sinh sống tại Hoa Kỳ, ngoại trừ Bob Dylan là sinh ra ở Mỹ, số còn lại, những nhà khoa học sáng giá đều được sinh ra tại châu Âu. Xem về tuổi tác của họ, có thể nói là các nhà khoa học đó đã phản ảnh được tiến bộ thời đại. Nhưng châu Âu vẫn trì trệ cản đường làm thất thoát các tài năng của mình. – FRI

TIN ĐỌC NHANH

AFP- Syria : Nga thông báo ngưng oanh kích Aleppo trong vài giờ
Aleppo tiết tục bị máy bay Nga và Damas oanh tạc suốt ngày thứ hai. Tuy nhiên, bộ trưởng quốc phòng Serguei Choigou tuyên bố sẽ ngưng oanh kích Aleppo từ 8 giờ sáng đến 16 giờ chiều trong ngày 20/10 vì lý do « nhân đạo ». Mục đích là để các đoàn xe cứu trợ, tản thương ra vào, dân chúng di tản và chiến binh nổi dậy rút lui.
 AFP- Brasil : chiến tranh băng đảng trong tù, 18 chết
Người bị mất đầu, người bị thiêu sống, tổng cộng 18 tù nhân trong hai nhà giam ở Brazil bị giết trong đêm chủ nhật rạng sáng thứ hai, 17/10/2016. Đây là kết quả trận thanh toán giữa hai băng đảng. Bạo lực có thể sẽ tiếp diễn. Băng « biệt kích thủ đô » ra lệnh thanh toán phe đối nghịch « biệt kích Vermelho » trong tất cả các trại tù trong nước. Tình báo Brazil được đặt trong tình trạng báo động.
AFP- Bắc Triều Tiên lại bị lên án
Hai ngày, sau vụ thử tên lửa không thành công của Bình Nhưỡng, hôm qua, 17/10/2016, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã « lên án mạnh mẽ » và đe dọa bổ sung các biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên. Trong một tuyên bố có sự nhất trí hoàn toàn, 15 thành viên Hội đồng Bảo an đánh giá một lần nữa Bình Nhưỡng lại vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm Bắc Triều Tiên mọi hoạt động liên quan đến hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
AFP - WikiLeaks tố cáo Ecuador cắt Internet của Julian Assange
Trang web WikiLeaks hôm 17/10/2016 đã cáo buộc chính phủ Ecuador là đã ngắt kết nối mạng Internet của ông Julian Assange, nhà sáng lập trang mạng này, hiện đang sống lưu vong tại sứ quán Ecuador ở Luân Đôn (Anh Quốc). Wikileaks cho rằng việc cắt Internet là phản ứng sau vụ trang web này tung lên mạng các tài liệu bị rò rỉ liên quan tới ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton. – RFI

Tin khắp nơi – 18-10-2016

Tin khắp nơi – 18-10-2016
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thăm tầu tuần tra mới do Nhật Bản cung cấp, ngày 12/10/2016.REUTERS/Damir Sagolj

Tổng thống Philippines thăm Trung Quốc với trọng tâm kinh tế

Mai Vân
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đến Hạ Môn, miền Nam Trung Quốc, vào hôm nay, 18/10/2016, để bắt đầu chuyến công du dự trù kéo dài 4 ngày. Trọng tâm kinh tế của chuyến thăm được nêu bật với một phái đoàn hùng hậu gồm hàng trăm doanh nhân tháp tùng theo ông.
Báo chí Trung Quốc và Philippines đều hoan nghênh một chuyến thăm lịch sử, và phía Philippines đặt nhiều hy vọng trên hợp tác kinh tế. Mọi người cũng chờ đợi xem hồ sơ tranh chấp Biển Đông sẽ được đề cập như thế nào.
Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Heike Smith, nêu bật thái độ ve vãn của Trung Quốc đối với ông Duterte :
« Hải quan Trung Quốc không còn đốt các thùng chuối Phlippines nữa. Trung Quốc đã bỏ cấm vận trên mặt hàng chuối cũng như dứa nhập khẩu từ Philippines.
Để chiêu dụ người bạn mới Rodrigo Duterte, vốn đã khoe là có dòng máu Trung Hoa trong người, chính quyền Trung Quốc đã có ý định đề nghị giúp Philippines xây dựng xa lộ và đường xe lửa hầu phát triển cơ sở hạ tầng. Về phía Philippines, tổng thống Duterte đã đến thăm cùng với một phái đoàn gồm hàng trăm doanh nhân, chính là để tìm đầu tư trong lãnh vực hạ tầng cơ sở. Mục tiêu là các hợp đồng hàng tỷ đô la.
Tại Philippines, người ta vẫn đánh giá là trước Bắc Kinh, Manila vừa có thể thắng, vừa có thể thua. Theo báo mạng Rappler, Philippines đang chơi trò tung đồng xu với Trung Quốc, trong lúc Bắc Kinh thì cho rằng « mây mù đang tan », như lời của đại sứ Trung Quốc tại Manila. Bắc Kinh có vẻ ưa thích những tuyên bố đả kích đồng minh truyền thống Hoa Kỳ của ông Duterte.
Hồ sơ Biển Đông là vấn đề bất hòa chính giữa Philippines và Trung Quốc. Trước khi lên làm tổng thống, ông Duterte đã gợi lên khả năng cùng khai thác Biển Đông đánh đổi lấy việc Trung Quốc xây đường xe lửa. Hiện nay, ngư dân Philippines đang đòi quyền trở lại vùng đánh cá của họ gần những khu vực tranh chấp. 
Hồ sơ tranh chấp Biển Đông vô cùng tế nhị, và có thể là vỏ chuối khiến ông Duterte trượt chân bất cứ lúc nào trong chuyến viếng thăm cấp Nhà nước của ông. » – RFI

Trung Quốc trang bị vũ khí và canh tân quân đội Cam Bốt

Tú Anh

mediaBộ trưởng Quốc phòng Cam Bốt Tea Banh tiếp một tư lệnh Trung Quốc tại Phnom Penh ngày 17/10/2016.REUTERS/Samrang Pring
Theo loan báo của chính phủ Phnom Penh, Bắc Kinh đã chấp thuận viện trợ quân sự và giúp Cam Bốt canh tân quân đội. Trong hiệp hội ASEAN, Cam Bốt của thủ tướng Hun Sen là « lá chắn » bảo vệ lập trường của Trung Quốc chống lại mọi phê phán tranh giành biển đảo của các láng giềng.
Cuối tuần qua, bộ trưởng quốc phòng Cam Bốt Tea Banh đã bay sang Bắc Kinh thăm viếng trong hai ngày. Theo Reuters, trong cuộc tiếp xúc với báo chí vào ngày thứ hai 17/10/2016 tại Phom Penh, bộ trưởng quốc phòng Tea Banh cho biết Bắc Kinh sẽ cung cấp phương tiện cho Cam Bốt để nâng cao khả năng quốc phòng. Quân đội Cam Bốt dự kiến sẽ mua chiến đấu cơ của Trung Quốc trong tương lai nhưng hiện thời cần phải tập trung tăng cường bảo vệ không phận.
Theo nhận định của Reuters, bộ trưởng quốc phòng Cam Bốt đưa ra những thông tin này một tuần sau khi Phom Penh đón tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Lãnh đạo Trung Quốc không tiếc lời ca ngợi « quan hệ chặt chẽ » giữa hai nước, thông báo xóa món nợ 89 triệu đôla và sẽ cung cấp thêm cho chính phủ Hun Sen 14 triệu đôla viện trợ quân sự. Hai bên còn ký 31 thỏa thuận, trong đó có khoản vay 237 triệu đôla với lãi xuất thấp.
Cam Bốt đang có tranh chấp biên giới với Thái Lan và Việt Nam. Tuy là thành viên của ASEAN, nhưng chính quyền Hun Sen công khai ủng hộ Trung Quốc, bất chấp những tham vọng biển đảo của Bắc Kinh đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của các thành viên khác như Việt Nam và Philippines. – RFI

Đồng yuan vào “rổ tiền tệ” IMF: Thách thức cho Trung Quốc

Đồng yuan vào
Hai đồng tiền trong giỏ tiền tệ mới của FMI/IMF: đồng yuan Trung Quốc (p) và đồng đô la Mỹ.REUTERS/Jon Woo
Kể từ ngày 01/10/2016, « rổ tiền tệ » của IMF kết nạp thêm một đồng tiền mới : nhân dân tệ (hay là yuan). Đây là một biểu tượng lớn và một thắng lợi chính trị quan trọng đối với Trung Quốc.
Bắc Kinh đang đứng trước ba thách thức. Một là sẽ phải từng bước áp dụng quy luật tự do, kể cả quyền tự do chuyển ngân ra hay vào thị trường Trung Quốc theo luật cung cầu. Hai là Bắc Kinh vẫn muốn giữ tỷ giá hối đoái ổn định, nhưng lại phải bãi bỏ chế độ kiểm soát tư bản, và thứ ba là Trung Quốc không thể có chính sách tiền tệ độc lập khi nhà nước vẫn phải bảo vệ các tập đoàn quốc doanh sắp có nguy cơ phá sản.
Kể từ ngày 01/10/2016, rổ ngoại tệ do Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF quản lý dưới tên gọi chính thức là « Quyền rút vốn đặc biệt hay quyền trích xuất đặc biệt/ Droits de Tirage Spéciaux/Special Drawing Rights » có trị giá 285 tỷ đô la.
Trong rổ riền này, đồng đô la Mỹ chiếm 42 %; euro là 31 % ; Đồng yen là 8 %, đơn vị tiền tệ của Anh là 8 % và 11 % còn lại được dành cho đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Vị trí của đồng euro, đồng yen Nhật Bản và bảng Anh bị thu hẹp lại để nhường chỗ cho bạc của nền kinh tế thứ hai toàn cầu.
Để hòa nhập với 4 đơn vị tiền tệ truyền thống trong rổ tiền tệ của IMF, trong một năm qua, Trung Quốc đã từng bước « điều chỉnh » tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ. Cụ thể là trong ngắn hạn, Bắc Kinh đã phải hạ giá đồng tiền.
Điều này hoàn toàn trái ngược với mong đợi của quốc tế vì năm 2011, khi đề nghị « mời » nhân dân tệ gia nhập câu lạc bộ các đồng tiền được « quyền rút vốn đặc biệt », phương Tây hướng tới ba mục tiêu : một là tăng khả năng can thiệp của IMF trong trường hợp một quốc gia thành viên cần ngoại hối. Hai là giảm bớt trọng lượng của đồng đô la – qua đó là của Hoa Kỳ đối với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và sau cùng là một cách gián tiếp để buộc Trung Quốc thả nổi đồng tiền, tăng giá nhân dân tệ.
SDR-Rổ ngoại tệ của IMF
Quyền rút vốn đặc biệt hay Droits de Tirage Spéciaux/Special Drawing Rights đặt dưới sự quản lý của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế vừa là một ngân khoản tín dụng vừa là một loại ngoại tệ dự trữ được các thành viên công nhận và sử dụng, nhưng không được sử dụng để thanh toán.
Để tham gia vào rổ tiền tệ này, một đơn vì tiền tệ cần hội tụ ba điều kiện cơ bản : thứ nhất, đồng bạc đó phải là một ngoại tệ giao hoán phổ biến, nghĩa là được nhiều nước sử dụng làm phương tiện thanh toán. Tiêu chuẩn thứ nhì là đơn vị tiền tệ đó phải được « tự do sử dụng » trên thị trường ngoại hối. Sau cùng đồng tiền đó phải là đơn vị tiền tệ của một thành viên IMF.
Trong ba điều khoản này, tiêu chuẩn thứ nhì đòi hỏi một loạt sự điều chỉnh từ phía Bắc Kinh, quan trọng nhất là thả nổi đồng tiền, theo luật cung cầu của thị trường, và công nhận quyền « tự do luân chuyển » của các luồng tư bản.
Trong khuôn khổ tạp chí hôm nay, từ Hoa Kỳ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa cho rằng với việc đồng nhân dân tệ, yuan tham gia rổ tiền tệ của IMF, Bắc Kinh đang rơi vào hoàn cảnh khó xử mà giới trong ngành gọi là thế « Tam Nan ». Nhưng trước tiên ông trở lại với những chuyển biến gần đây của tỷ giá đồng tiền Trung Quốc :
Nguyễn Xuân Nghĩa : Trước hết, về bối cảnh thì việc đồng nhân dân tệ, còn được gọi là đồng nguyên, chính thức nằm trong rổ ngoại tệ gọi là Quyền Trích Xuất Đặc Biệt hay Đặc Trích – tức quyền rút vốn đặc biệt được Quỹ Tiền Tệ thông báo từ năm 2015, cho nên ta cần nhìn biến chuyển về hối suất đồng bạc này từ tháng 8/2015 cho đến nay chứ không phải từ hai tuần qua.
Tháng 8/2015, Bắc Kinh ra biện pháp phá giá mạnh, tới 1,9% trong một ngày mà lại không gọi là phá giá, rồi sau đó lặng lẽ điều chỉnh mỗi ngày cho lên hay xuống chút đỉnh theo tình hình giao dịch của hôm trước. Đó là biện pháp « phá giá ngầm » , cần thiết để tìm lợi thế xuất cảng với trị giá đồng bạc và hàng hóa rẻ hơn.
Khi gần đến kỳ hạn gia nhập cái rổ ngoại tệ quý tộc này, vào tháng 9/2016, việc phá giá ngầm như vậy tạm ngưng. Nhưng trong tuần lễ đầu tháng 10/2016, nhân dân tệ lại sụt giá tới mức thấp nhất kể từ sáu năm qua so với đô la Mỹ, khiến các thị trường lo ngại là Bắc Kinh lại tung đòn phá giá vì vậy, người ta mới thấy Ngân Hàng Trung Uơng Bắc Kinh kín đáo can thiệp để giữ giá đồng bạc cho khỏi sụt nặng hơn. Những động thái trái ngược ấy đã được các thị trường chú ý.
RFI :  Khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI công nhận đồng yuan/nhân dân tệ là một loại ngoại tệ mạnh để nằm trong rổ DTS/SDR thì điều ấy có nghĩa là đồng bạc này phải được tự do trao đổi và trị giá của nó sẽ do thị trường quyết định theo quy luật cung cầu, chứ vì sao Bắc Kinh vẫn có quyền định giá và can thiệp như vậy ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Bắc Kinh có hứa là sẽ áp dụng quy luật tự do, kể cả quyền tự do chuyển ngân tư bản ra hay vào thị trường nội địa theo quy luật cung cầu. Tôi thiển nghĩ rằng Quỹ Tiền Tệ biết rằng Bắc Kinh chưa thể thi hành cam kết ấy nhưng có thể là định chế này vẫn làm như tin tưởng vì thứ nhất để khỏi mang tiếng kỳ thị đồng bạc của nền kinh tế có sản lượng thứ nhì thế giới, và thứ hai, là cứ để quy luật thị trường đẩy Bắc Kinh vào chỗ phải tuân thủ sự cam kết. Và bây giờ Trung Quốc mới lâm thế kẹt khi vẫn phải can thiệp vào thị trường mà họ chia làm hai.
RFI : Thế kẹt đó là gì và nét đặc thù của đồng tiền Trung Quốc trên thị trường ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Đồng bạc của Trung Quốc được trao đổi trên thị trường nội địa và thị trường hải ngoại theo hai quy chế khác nhau và được yết giá khác nhau.
Nếu Bắc Kinh muốn đồng bạc được công nhận như một ngoại tệ giao hoán phổ biến và có giá trị của một ngoại tệ dự trữ như đồng đô la hay đồng euro trong rổ Đặc Trích thì phải dần dần thống nhất hai thị trường ấy.
Khi đồng nhân dân tệ sắp vào rổ Đặc Trích, từ trung tuần tháng 9/2016, Bắc Kinh đã có biện pháp can thiệp trên thị trường nội địa để giữ hối suất đồng bạc với đồng Mỹ kim ở quanh giá 6,67 yuan ăn một đô la. Biện pháp đó là tăng lãi suất giao dịch ngắn hạn giữa các ngân hàng, gọi là Hong Kong Interbank Exchange Rate hay HIBOR, tăng 24% cho giao dịch qua đêm và tăng 13% cho giao dịch trong một ngày.
Biện pháp can thiệp này có mục đích ngăn cản việc thiên hạ bán tháo đồng nhân dân tệ và chặn đà sụt giá của đồng bạc khi bắt đầu bước vào rổ Đặc Trích.
Sau đấy, lãi suất HIBOR đã giảm mạnh và đồng nhân dân tệ lại tiếp tục bị phá giá trong mươi ngày qua, nhưng không đến nỗi gây biến động cho các thị trường như Tháng Tám năm ngoái. Dù sao thiên hạ đều thấy đồng tiền Trung Quốc chao đảo và Bắc Kinh chóng mặt.
Chuyện rắc rối ấy có nghĩa là Bắc Kinh đang phải thỏa mãn hai mục tiêu trái ngược. Đó là để đồng bạc xuống giá nhờ vậy chiếm lợi thế xuất cảng vì hàng hóa rẻ hơn. Nhưng mục tiêu này gây biến động giá cả cho thị trường nội địa và mâu thuẫn với mục tiêu kia là làm sao ngăn được đà thất thoát tư bản, khi giới đầu tư thấy đồng bạc mất giá thì càng bán tháo để mua tài sản ở nước ngoài. Bắc Kinh bắt đầu hiểu ra thế nào là cái thế « tam nan » hay « tam đa đoan  » không thể nào có cả ba điều ước như trong truyện cổ tích và trong ba mục tiêu thì chỉ đạt được hai là mừng….
RFI : Thế nào là cái thế « tam nan » và ba mục tiêu đó là gì ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Giới kinh tế gọi hiện tượng này là « ba điều bất khả » , theo đó, ngân hàng trung ương có thể đề ra ba mục tiêu là 1) có hối suất đồng bạc cố định để không bị biến động ngoại hối, 2) có luồng giao dịch tài chánh tự do để khỏi áp dụng chế độ kiểm soát tư bản, và 3) có chính sách tiền tệ độc lập để theo quy luật thị trường chứ không do định hướng chính trị của nhà nước.
Nhưng trong ba mục tiêu ấy thì các ngân hàng trung ương chỉ có thể đạt được hai, chứ nếu muốn cả ba thì tất nhiên bị khủng hoảng như nhiều quốc gia đã từng bị trong quá khứ. Bắc Kinh không thể có chính sách tiền tệ độc lập khi nhà nước vẫn phải bảo vệ các tập đoàn quốc doanh sắp vỡ nợ để tránh nạn thất nghiệp, trong khi muốn có đồng nhân dân tệ được trao đổi theo tỷ giá ổn định mà lại bãi bỏ chế độ kiểm soát tư bản vì đồng tiền Trung Quốc được vào rổ tiền tệ của IMF.
RFI : Thách thức hiện nay cho nền kinh tế Trung Quốc ? Và hậu quả sẽ là những gì cho các bạn hàng hay các nền kinh tế giao dịch với Trung Quốc ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Về hậu quả cho thế giới thì có lẽ chúng ta phải dành vào dịp khác vì những thách đố hiện nay cho nền kinh tế Trung Quốc và cho lãnh đạo Bắc Kinh đã là chuyện quá phức tạp. Thứ nhất, từ nhiều năm nay nền kinh tế này vay mượn và mắc nợ nhiều và nhanh hơn khả năng sản xuất và trả nợ, là điều chúng ta đã có dịp phân tách khi Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS có phúc trình cảnh báo vào tháng trước.
Mới đây ta đã thấy có tin là trong nửa năm nay, 25% các doanh nghiệp Trung Quốc không thể trả được nợ và kinh tế sa sút lẫn nợ nần chống chất khi thị trường gia cư đang bị bể bóng khiến cho khủng hoảng tài chính càng dễ bùng nổ.
Thứ hai, theo Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, lượng hàng hóa giao dịch trên toàn cầu đã giảm mạnh và sẽ còn giảm qua năm tới. Điều ấy có nghĩa là các nước quá lệ thuộc vào xuất cảng càng khốn đốn, dù phá giá đồng bạc thì cũng chẳng giúp gì cho xuất cảng vì nhập cảng của các nước khác không tăng. Trong khi ấy, Bắc Kinh được cái tiếng là có đồng nhân dân tệ được vào rổ Đặc Trích mà vẫn cứ lao đao vì kinh tế suy trầm và vì nạn tẩu tán tư bản và muốn chặn đà thất thoát mà tung tiền can thiệp thì khối ngoại tệ dự trữ lại càng hao hụt.
Y như năm 2008, khi bước lên đài vinh quang với Thế vận hội Bắc Kinh thì Trung Quốc bắt đầu chu kỳ suy sụp và phải ráo riết bơm tiền. Năm nay, khi đơn vị tiền tệ quốc gia được vào rổ Đặc Trích thì cũng là lúc Bắc Kinh xanh mặt vì cái danh hão. Mà nếu có xé rào và phá giá thì cũng chưa tránh nổi khủng hoảng tài chánh như nhiều nhiều trung tâm nghiên cứu quốc tế đã tiên báo. – RFI

Áo : Xóa dấu tích nơi chôn nhau cắt rốn của Hitler

mediaBức ảnh chụp ngày 17/04/2015 cho thấy một bia tưởng niệm bên ngoài ngôi nhà nơi Hitler sinh ra.JOE KLAMAR / AFP
Chính quyền Áo đã quyết định san bằng ngôi nhà, nơi Adolf Hitler đã sinh ra và sống ít năm tuổi thơ, nhằm tránh địa điểm này trở thành nơi hành hương của những thành phần tân phát-xít. Thông tin trên được bộ trưởng Nội vụ Áo Wolfgan Sobotka cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Die Presse của nước này ngày 17/10/2016.
Quan chức Áo khẳng định « ngôi nhà của Hitler sẽ bị phá, nền móng có thể được giữ lại nhưng sẽ dựng lên một tòa nhà mới phục vụ cơ quan hành chính hoặc giáo dục.
Như vậy là nước Áo muốn kết thúc nhiều năm tranh cãi pháp lý và bàn luận chính trị xung quanh số phận của di sản phiền toái cho đất nước.
Căn nhà nằm trong trung tâm thành phố Braunau-am-inn, miền bắc nước Áo, gần biên giới với nước Đức. Từ năm 2011, khu nhà đã bỏ hoang. Tuy nhiên theo các nhân chứng sống gần tòa nhà, nơi đây vẫn thu hút nhiều phần tử tân Quốc xã tới thăm viếng hoặc đôi khi cũng là tụ điểm cho các cuộc biểu tình chống phát-xít.
Trước khi đập bỏ tòa nhà, nơi Hitler sinh ra ngày 20/4/1889 và sống tại đó 3 năm đầu tuổi thơ, chính phủ Áo còn phải hoàng tất thủ tục trưng dụng với chủ sở hữu ngôi nhà là bà Gerlinde Pommer, hiện vẫn còn chưa thỏa thuận được với Nhà nước.
Gia đình bà Pommer sở hữu khu nhà này từ hơn một thế kỷ nay, ngoại trừ một giai đoạn ngắn dưới thời Đức Quốc xã. Khi đó gia đình bà đã bán ngôi nhà cho Martin Borman, một lãnh đạo của đế chế Đức Quốc xã, một nhà chiến lược tài năng của Hitler.
Năm 1972, chính quyền Áo muốn tránh không để diễn ra các hoạt động tưởng niệm của thành phần tân phát-xit xung quanh địa điểm nhạy cảm này, nên đã ký hợp đồng thuê của bà Pommer tòa nhà. Hợp đồng thuê quy định rõ tòa nhà chỉ được sử dụng vào các mục đích giáo dục-xã hội hay hành chính.
Chính vì thế mà « nhà của Hitler », như mọi người vẫn quen gọi, trong vòng nhiều thập kỷ đã trở thành một trung tâm tiếp đón người khuyết tật, một bộ phân dân chúng từng là nạn nhân của chế độ Quốc xã.
Nhà nước Áo là người thuê tòa nhà từ 45 năm nay với giá 4800 euro/ tháng.
Hồi tháng Bảy năm nay (2016) một dự luật trưng thu đã được soạn thảo nhằm giúp Nhà nước Áo thu hồi khối tài sản này và chủ động sử dụng. Văn kiện sẽ được trình lên ủy ban Quốc hội vào ngày hôm nay 18/10/2016 với hy vọng từ nay đến cuối năm sẽ được nghị viện thông qua.
Sự việc trên đã gây ra nhiều cuộc tranh luận trong chính giới cũng như giới chuyên gia sử học. Chính quyền hiện nay muốn xóa sạch dấu tích di sản mang bóng dáng Hitler. Trong khi đó, có rất nhiều gợi ý khác như phá đi xây siêu thị, trại cứu hỏa…
Còn một tấm bia tưởng nhớ các nạn nhân của chủ nghĩa Quốc xã trước tòa nhà với dòng chữ : ” Đừng bao giờ có chủ nghĩa phát-xít : Hàng triệu người chết luôn nhắc nhở chúng ta điều đó “. Di tích này chắc chắn sẽ được giữ lại. – RFI

Phát hiện nhiều tù nhân Ukraina trong trại tù Nga

mediaNhà tù Lefortovo, Matxcơva, nơi giam giữ các công dân Ukraina.Alexey SAZONOV / AFP
Quan hệ giữa Matxcơva và Kiev lại dấy lên căng thẳng sau những phát giác mới đây cho thấy có nhiều kiều dân Ukraina đã bị bắt giữ vị bị Nga buộc tội khủng bố hoặc làm gián điệp. Những tù nhân như vậy hiện đang bị giam giữ trong nhà tù Lefortovo, một nơi được giám sát cực kỳ nghiệm ngặt trong vùng Matxcơva.
Thông tín viên RFI tại Matxcơva, Muriel Pomponne :
” Evgueni Panov và Andreï Zakhteï được những khách thăm tù mới đây phát hiện thấy đang ở trong nhà tù Lefortovo. Họ còn mang những dấu vết bị còng tay và sẹo trên mặt. Đó là những dấu vết của vụ bắt giữ thô bạo từ hôm 11 /08 vừa qua.
Vào khi đó, bộ Ngoại giao Nga đã thông báo phá vỡ một mạng lưới khủng bố người Nga và Ukraina tại thành phố Simferopol của Crimée. Hai quân nhân Nga đã thiệt mạng trong chiến dịch đó. Evgueni Panov et Andreï Zakhteï bị buộc tội tổ chức vụ khủng bố. Họ đã thừa nhận có tham gia vào vụ việc sau đó đã phản cung, vì có thể họ đã bị ép cung.
Một nhà báo Ukraina, Roman Souchtchenko cũng đã bị giam tại nhà tù Lefortovo từ hôm 30 /09. Hôm 07/10 vừa qua, ông chính thức bị buộc tội làm gián điệp. Là thông tín viên tại Pháp của một hãng thông tấn Ukraina, ông bị bắt khi đang đi nghỉ hè tại Nga. Chính quyền Nga quy cho ông là sĩ quan tình báo quân sự Ukraina và nghi ông đã thu thập các tin thức mật về hoạt động của quân đội và lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga.
Ukraina giờ đây khuyên các kiều dân của mình không nên đến Nga. ” -

Hơn 80 nghị sĩ Nhật Bản viếng đền Yasukuni

media
Nghị sĩ Nhật Bản tại đền Yasukuni (Tokyo-Nhật Bản) ngày 18/10/2016.REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Khoảng 85 nghị sĩ Nhật đã đến đền Yasukuni vào hôm nay 18/10/2016. Các chuyến viếng thăm đền của chính khách Nhật vốn luôn gây bất bình nơi Trung Quốc và Hàn Quốc, vì tại đấy có bài vị thờ một số tội phạm chiến tranh.
Các nghị sĩ, gồm dân biểu, thượng nghị sĩ thuộc nhiều đảng phái đã đến đây từ sáng sớm trong dịp lễ mùa thu, theo ghi nhận của phóng viên AFP.
Thủ tướng Shinzo Abe không đến viếng đền, nhưng đã gởi lễ vật vào hôm qua, 17/10.
Các chuyến viếng đền của chính khách, thành viên chính phủ, việc dâng lễ vật đều gây thịnh nộ ở Bắc Kinh và Seoul, cho là Tokyo không thật sự ” hối cải ” về hành động tội ác chiến tranh của mình.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã phản ứng gay gắt : “ Chúng tôi phản đối việc dâng lễ vật này và đòi hỏi Nhật phải suy nghĩ về quá khứ hung hăng và đưa ra những biện pháp cụ thể để lấy lại sự tin tưởng của các láng giềng Châu Á và cộng đồng quốc tế. ”
Đền Yasukuni thờ 2,5 triệu tử sĩ Nhật ngã xuống vì đất nước từ giữa thế kỷ XIX. Nhưng năm 1978, tên của 14 nhân vật bị xem là tội phạm chiến tranh, bị Đồng Minh kết án sau Thế chiến II, được đưa vào đền thờ một cách kín đáo. Từ đấy trở đi, đền Yasukuni luôn gây tranh cãi. – RFI

Hội đồng Bảo an LHQ tố cáo Bắc Hàn phóng thử tên lửa

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un (giữa) kiểm tra bệnh viện mắt Ryugyong mới được xây dựng ở Bình Nhưỡng hôm 18/10/2016.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un (giữa) kiểm tra bệnh viện mắt Ryugyong mới được xây dựng ở Bình Nhưỡng hôm 18/10/2016.
 AFP photo
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm qua lên tiếng tố cáo Bắc Hàn về hoạt động phóng thử tên lửa đan đạo tầm trung Musudan mới nhất vào hôm thứ bảy vừa qua.
Tin cho biết trong thông cáo được Hội đồng Bảo an hoàn toàn nhất trí, kể cả đồng minh Trung Quốc của Bắc Hàn, tất cả các thành viên đều lên án mạnh mẽ vụ thử nghiệm dù được cho biết thất bại.
Theo Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì việc phóng thử tên lửa Musudan mà Bình Nhưỡng tiến hành hôm thứ bảy vừa qua là việc vi phạm thêm nữa nghị quyết của quốc tế. Hội đồng sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình và có thêm những biện pháp đáng kể nữa.
Loại tên lửa Musudan của Bắc Hàn lần đầu tiên được ra mắt tại cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng vào tháng 10 năm 2010. Về mặt lý thuyết, loại hỏa tiễn đạn đạo này có tầm bắn từ 2500 đến 4000 kilomet.
Trong năm nay, Bắc Hàn cho phóng thử loại tên lửa này đến 7 lần; tuy nhiên theo tin tức ghi nhận chỉ có một lần được cho là thành công sau khi tên lửa bay 400 kilomet về phía Biển Nhật Bản. Còn lần hôm thứ bảy thì tên lửa nổ tung ngay sau khi phóng đi.- RFA

Thái Lan: Nghi phạm tội khi quân sẽ bị dẫn độ về nước?


Một nghi can (giữa) bị cáo buộc tội khi quân được hộ tống đến Phòng Tội phạm tại Bangkok ngày 19 tháng tám năm 2016.
Một nghi can (giữa) bị cáo buộc tội khi quân được hộ tống đến Phòng Tội phạm tại Bangkok ngày 19 tháng tám năm 2016.
 AFP photo
Chính quyền quân nhân Thái Lan cho biết sẽ đề nghị các nước khác trục xuất những nghi phạm về tội ‘khi quân’ đối với hoàng gia Xứ Chùa Vàng.
Bộ trưởng Tư pháp Paiboon Koomchaya của chính quyền quân nhân Thái Lan cho báo giới biết như vừa nêu và bày tỏ hy vọng được thông hiểu về chuyện dân Thái không chấp nhận những lời lẽ xúc phạm đến hoàng gia.
Hiện chính quyền Bangkok đang truy tìm sáu nghi phạm có tiếng đang ở nước ngoài. Những người này bị cho phạm luật khi quân- lese majeste. Sáu người này còn bị chính quyền quân nhân Thái Lan cho là cố kích động bất ổn ở Xứ Chùa Vàng.
Ông bộ trưởng tư pháp Paiboon Koomchaya thừa nhận có những trở ngại về ngoại giao và pháp lý trong yêu cầu dẫn độ những nghi phạm đó; tuy nhiên chính quyền quân nhân vẫn cứ xúc tiến đề nghị của phía Thái Lan.
Theo luật ‘khi quân- lese majeste’ của Thái thì ai chỉ trích hoàng gia, quan nhiếp chính hay người kế vị có thể bị tù đến 15 năm. – RFA

Iran kết án 2 công dân Mỹ 10 năm tù

Ông Siamak Namazi đã bị lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo bắt giữ hồi tháng 10 năm 2015 khi đi thăm gia đình ở Iran.
Ông Siamak Namazi đã bị lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo bắt giữ hồi tháng 10 năm 2015 khi đi thăm gia đình ở Iran.
Hãng thông tấn nhà nước Iran đưa tin hôm thứ Ba, 18/10, nước này vừa kết án một doanh nhân Mỹ gốc Iran và người cha 80 tuổi của ông mỗi người 10 năm tù giam.
Hãng tin Mizan cho hay Siamak Namazi và cha ông là Baquer, cả hai đều mang song tịch, đã bị kết án về tội danh “hợp tác với chính phủ Mỹ thù địch”. Tin không cung cấp thêm chi tiết.
Vì Iran không công nhận quy chế song tịch, nên hai cha con ông Nazami không có quyền yêu cầu lãnh sự Mỹ can thiệp.
Siamak Namazi đã bị lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo bắt giữ hồi tháng 10 năm 2015 khi đi thăm gia đình ở Iran. Cha ông bị bắt hồi tháng 2. Cha ông là cựu đại diện của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc, tức UNICEF, và từng nắm chức thống đốc tỉnh Khuzestan của Iran, dưới thời Vua Iran được Hoa Kỳ hậu thuẫn. – VOA

Hong Kong thất bại trong việc trì hoãn 2 nhà lập pháp nhậm chức

Nhà lập pháp Yau Wai-ching trưng ra biểu ngữ “Hong Kong không phải Trung Quốc”, ngày 12 tháng 10 năm 2016.
Nhà lập pháp Yau Wai-ching trưng ra biểu ngữ “Hong Kong không phải Trung Quốc”, ngày 12 tháng 10 năm 2016.
Ngày thứ Ba, chính quyền Hong Kong đã thất bại trong một nỗ lực pháp lý chưa từng có trước đây để ngưng lễ tuyên thệ nhậm chức của hai nhà lập pháp mới đắc cử. Hai người này thúc đẩy độc lập cho vùng tự trị Hong Kong.
Thẩm phán Tòa Phúc thẩm Thomas Au bác bỏ yêu cầu cuối cùng về một phán quyết của Tòa án chống lại quyết định cho phép hai nhà lập pháp tái tuyên thệ nhậm chức tại Hội đồng Lập pháp Hong Kong vào ngày thứ Tư.
Thẩm phán Au chấp nhận yêu cầu của chính quyền duyệt xét lại vụ này về phương diện pháp lý vào đầu tháng tới. Tuy nhiên vào thời điểm đó, hai nhà lập pháp này có thể đã phục vụ trong cơ quan lập pháp.
Tuần trước, hai nhà lập pháp Yau Wai-ching, 25 tuổi, và Baggio Leung, 30 tuổi, đã bị nhà cầm quyền lập pháp cấm không cho nhậm chức sau khi hai người tuyên thệ trung thành với “Quốc gia Hong Kong” và trưng bày một biểu ngữ “Hong Kong không phải là Trung Quốc” khi họ nỗ lực nhậm chức lần đầu tiên.
Việc tuyên thệ nhậm chức của hai người này là một trắc nghiệm đầu tiên về quyết tâm của họ đẩy mạnh vấn đề độc lập vào dòng chính của nền chính trị Hong Kong. Việc này cũng cho thấy sự phẫn nộ sâu rộng đối với những cơ chế thân Bắc Kinh.
Vào ngày thứ Tư tuần qua văn phòng đại diện của Trung Quốc tại Hong Kong đưa ra một tuyên bố bày tỏ “vô cùng phẫn nộ và lên án mạnh mẽ” về lập trường của hai nhà lập pháp này.
Kể từ đó các chính trị gia và những tổ chức thân Bắc Kinh đã gia tăng áp lực và nói rằng họ bất bình về những từ ngữ xúc phạm Trung Quốc và những lời nguyền rủa hai người đã sử dụng. Tuy nhiên hai nhà lập pháp này phủ nhận là không dùng những lời lẽ như vậy.
Vấn đề độc lập được xem như là một điều cấm kỵ tại cựu thuộc địa Anh, hiện đang được cai trị theo nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống” kể từ khi Hong Kong được trả về Trung Quốc vào năm 1997.
Tuy nhiên một số người trẻ đã bắt đầu đòi hỏi được tự trị nhiều hơn, từ quyền tự quyết cho đến độc lập, sau nhiều tháng biểu tình đòi dân chủ vào năm 2014 bị thất bại vì không đạt được sự nhượng bộ nào của Trung Quốc.
Luật sư của chính quyền Hong Kong đã thách thức quyết định của ông Andrew Leung tân chủ tịch cơ quan lập pháp lãnh thổ này cho phép hai nhà lập pháp Yau Wai-ching và Baggio Leung tái tuyên thệ nhậm chức trong tuần này. – VOA

Bỉ truy tố 4 người liên hệ đến khủng bố

Cảnh sát Bỉ bố ráp 15 căn nhà tại các thành phố Antwerp, Ghent và Deinze. 15 người đã bị bắt giữ để thẩm vấn.
Cảnh sát Bỉ bố ráp 15 căn nhà tại các thành phố Antwerp, Ghent và Deinze. 15 người đã bị bắt giữ để thẩm vấn.
Bỉ đã truy tố 4 người vì đã tham gia và giúp một tổ chức khủng bố bằng cách tài trợ và tuyển mộ người chiến đấu cho Nhà nước Hồi giáo tại Syria.
Văn phòng Công tố Liên bang ngày hôm nay cho biết lệnh truy tố này tiếp theo một vụ bố ráp của cảnh sát vào 15 căn nhà tại các thành phố Antwerp, Ghent và Deinze. 15 người đã bị bắt giữ để thẩm vấn.
Tuyên bố của văn phòng Công tố Liên bang nói không tìm thấy vũ khí hay chất nổ và vụ bố ráp không có liên hệ tức thời đến những cuộc tấn công hồi tháng 3 năm nay của Nhà nước Hồi giáo vào phi trường Brussels và một trạm xe điện ngầm, làm 32 người thiệt mạng.
Bỉ đã ban hành lệnh báo động kể từ những cuộc tấn công vào tháng 3 bởi những phần tử cực đoan thánh chiến trong nước.
Một số những người này, lớn lên tại trung tâm Brussels và được nhà cầm quyền Bỉ biết đến, cũng tham dự vào những cuộc tấn công tại Paris vào tháng 11 năm ngoái làm 130 người thiệt mạng
Powered by Blogger.