Kết quả cuộc hội đàm giữa ông Donald J. Trump (Tổng thống Mỹ) và ông Kim Young-un (Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên) giống như một gáo nước lạnh tạt vào nhiều viên chức cũng như hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam. Những nhận định, tuyên bố kiểu như: “Việt Nam – Trung tâm hòa giải xung đột quốc tế”, hay “Đã đến lúc Việt Nam định vị mình là cường quốc hạng trung” trở thành lố bịch, đáng thương nhưng chẳng ai cảm thấy tội nghiệp!
Trên mạng xã hội, việc xiển dương thái quá cả tâm thế lẫn tư thế của Việt Nam qua sự kiện chính phủ Bắc Hàn và chính phủ Mỹ chọn Việt Nam làm nơi gặp nhau để thương lượng giờ giống như cung cấp đạn và bia cho công chúng tự do tác xạ. Trương Thanh Lê bỡn cợt, cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Bắc Hàn là hội nghị đầu tiên ở Việt Nam không… “thành công tốt đẹp”. Trương trách đảng và nhà nước… chủ quan, khai trương “trung tâm” to đùng mà quên… coi ngày (1)!
Phuc Dinh Kim thì nhìn thất bại của cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Bắc Hàn ở một khía cạnh khác: “Trung tâm hòa giải xung đột thế giới” đời đời căm thù… Cohen (nhân vật từng là luật sư riêng của ông Trump, trình diện Quốc hội như một nhân chứng, cung khai nhiều chi tiết không chỉ bất lợi cho sự nghiệp chính trị của ông Trump mà còn có thể gây nguy hại cho vị thế Tổng thống của ông, đó cũng là lý do nhiều người tin ông Trump rời Việt nam sớm hơn dự kiến) (2).
Cũng có những facebooker như Ngọc Vinh viết hẳn một lá thư gửi ông Trump và ông Young-un, trách cả hai “làm màu”. Lẽ ra chỉ cần trò chuyện qua điện thoại thì lại bày vẽ gặp nhau ở “Trung tâm hòa giải xung đột thế giới”. Thế là rình rang chuyên cơ, xe lửa bọc thép, đặc vụ, cận vệ chạy bộ, cảnh khuyển… khiến trẻ con Việt Nam phải dậy sớm, ra đường phơi mình trong gió lạnh để vẫy cờ, vẫy hoa. Sinh hoạt chẳng phải Hà Nội mà ngay cả Sài Gòn cũng rối loạn vì cấm đường. Ngân sách – cũng là phúc lợi của dân chúng bị cắt để tiếp đãi, kể cả nuôi ba, bốn ngàn “thằng” nhà báo quốc tế (3).
Theo hướng đó, Vũ Bùi thắc mắc, thực đơn năm món, hết sức sang trọng mà Việt Nam chuẩn bị để chiêu đãi thượng khách nhưng thượng khách không thèm ăn không rõ Thủ tướng và tùy tùng có xúm vào xơi không chứ đổ bỏ rõ ràng uổng quá (4). Tương tự, không ít facebooker như Thuy Le nhấn mạnh, Mỹ và Bắc Triều Tiên chỉ mượn chỗ để gặp nhau, Việt Nam chẳng có vai trò nào trong hội đàm, song bởi hoang tưởng về vị thế, vai trò (trung tâm hòa giải xung đột quốc tế), cả hệ thống truyền thông chính thức lẫn giới hữu trách cùng trở thành ấu trĩ, bắt cả trẻ con ra đường xếp hàng dưới mưa phùn, gió lạnh cắt da để nghênh đón một lãnh tụ độc tài như Kim Young-un, chẳng nghĩ gì tới sức khỏe của chúng là điều không thể chấp nhận được (5).
Ở vị trí một nhà báo, Nguyen Son nêu thắc mắc: Bao giờ báo chí Việt Nam bớt nhảm nhí, loan tin giả trong những sự kiện chính trị như cuộc hội đàm giữa ông Trump và Young-un? Bao giờ hệ thống truyền thông Việt Nam tường thuật, phân tích, bình luận “lõi” của sự kiện, ngưng khai thác những chuyện ngoài lề như xe nguyên thủ, trang bị đặc vụ,…thậm chí tào lao như nam phóng viên ngoại quốc đẹp thế nào, nữ phóng viên ngoại quốc xinh ra sao?
Nguyen Son còn dẫn một số tin, bài bịa đặt nhằm tâng bốc sai sự thật như câu chuyện về Harris Edbrahim (làm việc cho Reuters) để ba lô ngoài hàng rào 30 phút, khi quay lại vẫn còn nguyên. Son nhấn mạnh, nơi Harris để ba lô là khu vực hạn chế, cảnh sát và camera dày đặc, làm sao mất được (!), khai thác chi tiết ấy, “cho” Harris ca ngợi Việt Nam an ninh là… lạ lùng! Một bài viết ngắn, sai nhiều chi tiết, từ quốc tịch của Harris, đến chuyện đương sự ăn, nghĩ đã khiến Reuters phản ứng và cả cơ quan truyền thông lẫn phóng viên tường thuật phải xin lỗi đương sự, đính chính là điều phải ngẫm nghĩ (6).
Hồ hởi, náo nức vì Việt Nam trở thành địa điểm mà cả Mỹ lẫn Bắc Hàn đồng ý chọn làm địa điểm hội đàm lần thứ hai đã tan. Tiếp tục quá lời, quá phận, nên những chì chiết của công chúng như Dung Tran dẫu rộ lên khắp mạng xã hội, giới hữu trách và hệ thống truyền thông chính thức vẫn tìm không ra cửa để biện bạch: Thông báo! “Trung tâm hòa giải xung đột thế giới” đã sập tiệm. Nay tuyên bố giải tán! M… tưởng ngon ăn, nổ thấu Trời (7).
Đó cũng là lý do có những facebooker như Hung Dang thách thức: Việt Nam nên tiếp tục vai trò “Trung tâm hoà giải xung đột”, kiến tạo hoà bình bằng cách… mời hai “thằng” đang đánh nhau kịch liệt là Pakistan và Ấn Độ qua uống trà đàm đạo (8)! Có những facebooker như Loc Pham nhận định gọn bâng: Việt Nam vẫn đi mây về gió! “Trung tâm hoà giải xung đột quốc tế”? Hoà giải với dân còn chưa xong, làm sao hoà giải “xung đột quốc tế” (8)?
Điềm đạm hơn, Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, sự phấn khích khi Việt Nam được Mỹ và Bắc Hàn chọn làm nơi hội đàm lần hai là có thể hiểu được vì đã lâu Việt Nam mới được giữ một vai trên sân khấu chính trị quốc tế song không nên để cảm xúc dẫn đi xa quá, nhất là khi nhìn vào lý do mà Việt Nam được chọn: Với Bắc Hàn, Việt Nam có thể là một mô hình đáng tham khảo, dù cải tổ kinh tế và hội nhập quốc tế song đảng cộng sản vẫn cầm chịch. Với Mỹ và cộng đồng quốc tế, chuyện Bắc Hàn trở thành một Việt Nam thứ hai sẽ giúp thiên hạ bớt lo. Tuy nhiên không phải lúc nào được xem như “tấm gương” cũng đáng tự hào. Tại sao Việt Nam không phải là “tấm gương” cho những Malaysia, Indonesia, Thái Lan, thậm chí cho Philippines, Myanmar, Cambodia mà chỉ là “tấm gương” cho Bắc Hàn – một thảm họa cả về nhân quyền kinh tế, xã hội? Liệu có đáng tự hào? Chỉ nên tự hào khi kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ song hành với pháp trị được củng cố, dân chủ được thúc đẩy, nhân quyền được tôn trọng, giống như đã từng xảy ra ở Nhật (Sự thần kỳ Nhật Bản), Nam Hàn (Kỳ tích sông Hán), Đài Loan (Kỳ tích Đài Loan) và trở thành tấm gương cho nhiều quốc gia trên thế giới (9).
Đó cũng là lý do khiến Jonathan London ngỏ lời, tâm tình với người Việt: Đừng để bị bịp vì những lời khen của những nhân vật như Trump, Young-un. Sự phát triển của Việt Nam có thể gây ấn tượng vì mức tăng trưởng GDP, mức sống,… nhưng theo sau đó còn có khủng hoàng môi trường, hối lộ – tham nhũng, những vụ cưỡng đoạt đất. So với một số quốc gia, Việt Nam đạt được một số thành công song còn nhiều mặt khác rõ ràng chưa được. Việt Nam đang tìm đường để đi. Tự quyết định đường để mình đi là tốt nhưng con đường đó phải thực sự là nguyện vọng của dân chúng. Muốn phát triển mạnh hơn, nâng danh tiếng và vị trí lên cao hơn, rõ ràng là cần nỗ lực đề giữ vai trò tích cực trên chính trường khu vực và thế giới song đừng ôm những lời khen của Trump, của Young-un, hãy ôm lấy những giá trị thật sự xứng đáng với một quốc gia văn minh: Chính trị đa nguyên, tôn trọng nhân quyền của mọi người, bảo đảm công bằng xã hội… Chỉ như thế mới giành được sự tôn trọng thật sự của nhân loại (10).