Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Diễn biến bất thường trước ngày trả tự do cho Anh Ba Sàm

Thursday, April 11, 2019 // ,
LTS: Số tiền mà chính phủ Việt Nam phải bỏ ra trả cho vụ kiện này là 45.416.439,5 Mỹ kim, theo Tòa Trọng tài Quốc tế. Trong đó chính phủ Việt Nam phải bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình số tiền 27.581.596 Mỹ kim cho phần tài sản đã chiếm của ông Bình và 10 triệu đôla cho “thiệt hại tinh thần”. Chính phủ Việt Nam còn phải trả án phí 786.672,71 Mỹ kim cho Tòa Trọng tài Quốc tế và phải trả 7.111.170,94 Mỹ kim cho chi phí pháp lý và luật sư.
Gần 45,5 triệu Mỹ kim phải trả nói trên, chưa phải là tổng chi phí phải chi cho vụ kiện này, bởi vì số số tiền đó chưa tính tới chi phí vé máy bay, ăn ở khách sạn, xe cộ đi lại… cho phái đoàn đại diện chính phủ Việt Nam khi tham dự các phiên tòa Tòa trọng tài Quốc tế ở Paris, với tư cách là bị đơn.
Số tiền phải chi trả này vẫn còn ít hơn 27,5 lần so với số tiền mà ông Bình kiện đòi bồi thường ban đầu: 1,25 tỷ Mỹ kim. Mặc dù thua kiện, nhưng không phải thua một số tiền quá lớn lên tới cả tỷ Mỹ kim, mà chỉ tốn khoảng 45,5 triệu USD, nhưng tiền ở đâu ra để chính phủ VN trả cho vụ kiện này?
Trong khi chính phủ nợ như chúa chổm, mỗi ngày ngân sách nhà nước phải chi 330 tỷ đồng trả lãi vay, tức gần 15 tỷ USD, bây giờ phải gánh thêm hơn 45 triệu USD nữa. Chỉ có cách tăng thuế, phí… À mà chính phủ mới vừa tăng giá xăng, giá điện, dân chúng kêu ca quá chừng, bây giờ còn mặt hàng nào nữa để tăng thuế, phí, bù vào khoảng thua hơn 45 triệu này? Phải đè dân ra vặt, như vặt lông vịt thôi!
Nhưng điều quan trọng hơn là, vụ ông Bình thắng kiện tại Tòa án Trọng tài Quốc tế, sẽ là cơ sở để những người dân oan khắp nơi trên cả nước tập hợp lại, khởi kiện chính quyền CSVN trong tương lai.
Những người dân oan bị chính quyền cướp đất, cướp nhà, những cái chết oan ức vì tranh đấu đòi quyền lợi… có thể đòi công lý nơi Tòa án Trọng tài Quốc tế (ICC). Khả năng thắng kiện của họ rất lớn, nếu họ được các luật sư giỏi cố vấn và bảo vệ. Qua đó, chính phủ Việt Nam cũng sẽ bớt sử dụng luật rừng để ức hiếp người dân.
____
Khánh An
11-4-2019
Triệu phú Trịnh Vĩnh Bình là một trong những Việt kiều đầu tiên trở về nước đầu tư sau khi Việt Nam mở cửa. Ảnh: VOA

Tòa án Quốc tế vừa gửi thông báo thắng kiện cho ông Trịnh Vĩnh Bình, người đã theo đuổi vụ kiện xuyên thế kỷ đối với chính phủ Việt Nam. Theo đó, chính phủ Việt Nam buộc phải bồi thường cho triệu phú người Hà Lan gốc Việt tổng cộng 37.581.596 đôla thiệt hại và gần 7,9 triệu đôla án phí.
Đây được xem là một sự kiện chưa từng có đối với chính phủ Việt Nam khi phải bồi thường số tiền lớn như vậy cho một doanh nhân gốc Việt vì đã chiếm đoạt sai trái tài sản đầu tư của họ tại Việt Nam.
Trong thông báo kèm theo phán quyết dài gần 200 trang gửi cho ông Trịnh Vĩnh Bình mà VOA đọc được, Tòa án Quốc tế yêu cầu chính phủ Việt Nam bồi thường cho ông Bình 27.518.596 đôla cho phần tài sản đã chiếm của ông, 10 triệu đôla cho “thiệt hại tinh thần”, 786.672,71 đôla cho án phí ở Tòa án Quốc tế và 7.111.170,94 đôla cho chi phí pháp lý, luật sư.
Trả lời VOA ngay sau khi nhận được thông báo thắng kiện từ Tòa án Quốc tế, triệu phú đã hơn 70 tuổi xúc động nói: “Qua hơn 20 năm tranh đấu để đòi lại công lý, tôi thấy con đường Tòa án Quốc tế là rất tốt. Họ rất công tâm. Họ xử trắng ra trắng, đen ra đen. Cho nên về mặt luật pháp, công lý thì vụ này là rất rõ ràng. Tòa án đã cho mình thấy là những gì mình trông đợi ở Tòa án để cảnh báo chính phủ Việt Nam về những việc làm sai trái của họ, những gì đang xảy ra hằng ngày ở Việt Nam và vẫn đang tiếp tục xảy ra, thì họ phải điều chỉnh lại”.
Triệu phú gốc Việt nói rằng ông hy vọng vụ kiện của ông sẽ mở ra một con đường cho những người dân khác mất đất đai, tài sản tại Việt Nam muốn giành lại công lý.
“Đây có thể là một dấu hiệu cho chính phủ Việt Nam thấy rằng những ngày tới đây, họ không nên khinh xuất bắt bớ người vô tội hoặc để cho con ông cháu cha, những người có thế lực, vây cánh chiếm đoạt tài sản một cách vô tội vạ, chiếm đoạt một cách hợp pháp bằng cách ‘cưỡng chế’ theo luật pháp Việt Nam, nhưng dĩ nhiên, theo luật pháp quốc tế thì đây là một sự vi phạm trắng trợn”.
Ông cảnh báo chính phủ Việt Nam “hãy coi chừng” vì từ vụ kiện của ông, người dân Việt Nam sẽ “có cơ sở” để tiếp tục khởi kiện trong tương lai.
Điểm lại vụ kiện xuyên thế kỷ
Xuất phát của vụ kiện xuyên thế kỷ bắt đầu từ những năm thập niên 1990, khi ông Trịnh Vĩnh Bình, khi đó là triệu phú rất thành công ở Hà Lan với biệt danh “Vua Chả Giò”, trở về Việt Nam đầu tư theo tiếng gọi “Về nước đầu tư” của Hà Nội.
Ông Trịnh Vĩnh Bình quyết định trở về nước đầu tư. Courtesy Photo

Sau khi quyết định bán cơ sở kinh doanh tại Hà Lan, ông Bình đã mang về nước 2.338.250 đôla và 96 ký vàng sau 60 lần nhập cảnh, bắt đầu từ năm 1990, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Tổng cục hải quan Việt Nam và Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất.
Về nước, ông bắt tay vào kinh doanh trong nhiều lĩnh vực: khách sạn, thủy hải sản, xuất khẩu, nông sản, rau quả, trồng rừng… Nhưng chiến lược nhất, có lẽ là lãnh vực đất đai, vì theo như lời ông, “tôi có những bài toán lâu dài chứ không phải như Việt Nam nói là kinh doanh địa ốc”. Cứ như thế, trong vòng hơn 6 năm, giá trị số vốn ban đầu ông Bình đưa về Việt Nam được nhân lên hơn 8 lần.
Theo lời cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nói với VOA, ông Bình đã trở nên “thành công và khá nổi tiếng ở Việt Nam” vào thời điểm đó nhờ tính năng động, chủ động và nhạy bén trong kinh doanh.
Tuy nhiên, sự thành công quá nhanh của ông Bình tại Việt Nam đã gây ra “sức cuốn hút không bình thường”, theo lời của cựu Đại sứ Việt Nam. Ông bị rơi vào những cái “bẫy” của các thế lực “đục nước béo cò”.
Bộ sưu tập xe-một trong số rất nhiều tài sản của ông Bình tại Việt Nam. Courtesy Image

Ngày 5/12/1996, ông Trịnh Vĩnh Bình chính thức bị bắt với cáo buộc tội “trốn thuế”. Cáo buộc ban đầu này sau đó nhanh chóng được chuyển đổi thành “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và tội “hối lộ” vì thiếu căn cứ.
Ông Trịnh Vĩnh Bình bị tạm giam hơn 18 tháng trước khi được đưa ra xét xử. Trong thời gian này, ông Bình cho biết ông không được phép tự ý chọn luật sư, mà PA 24 chỉ định luật sư cho ông và buộc ông phải trả 50 triệu đồng cho luật sư này.
Ông Bình kể với VOA rằng điều kiện giam giữ khắc nghiệt trong thời gian này đã khiến ông suy sụp hoàn toàn và từng nghĩ đến chuyện tự tử.
Tháng 8/1998, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên án 13 năm tù đối với ông Trịnh Vĩnh Bình về tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai và tội đưa hối lộ, phạt 400 triệu đồng, tịch thu tài sản được cho là “sang nhượng bất hợp pháp”.
Báo Công An Nhân Dân ngày 6/6/2005 cho biết đến ngày ông Bình bị Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt giữ (5/12/1996), ông nắm trong tay 11 căn nhà, 114 nền nhà và 2.847.745 m2 đất.
Ông Bình tham quan địa điểm đầu tư tiềm năng tại Việt Nam vào tháng 4/1990. Courtesy Photo

Ngày 25/2/1999, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan có thư khẩn gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam, yêu cầu chính phủ Việt Nam hoãn thi hành án cho trường hợp của ông Trịnh Vĩnh Bình cho đến khi các chính sách mới về chính sách đầu tư tại Việt Nam được làm rõ.
Sau bản án sơ thẩm, ông Bình đã kháng cáo, gửi đơn thư khiếu nại, cầu cứu lên khắp các cơ quan nhà nước, thậm chí lên các quan chức cấp cao ở trung ương và cũng đã có những chỉ đạo can thiệp từ Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và một số giới chức khác.
Tuy nhiên, nỗ lực của ông Bình và một số quan chức Việt Nam, lẫn phía Hà Lan đều không mang lại hiệu quả. Lý do, theo lời cựu Đại sứ Việt Nam Đinh Hoàng Thắng nói với VOA rằng “Việt Nam có câu ‘đục nước béo cò’ có lẽ khá đúng trong trường hợp này. Mà ‘cò’ ở đây lại là những con cò lớn và nhiều khi không xuất đầu lộ diện.”
Vị cựu Đại sứ này thừa nhận rằng vụ án Trịnh Vĩnh Bình đã gây ra rất nhiều căng thẳng ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan vào thời điểm đó.
Sau phiên phúc thẩm, bản án của ông Trịnh Vĩnh Bình giảm từ 13 năm xuống thành 11 năm tù (năm 1999). Báo Thanh Niên ngày 14/7/2012 cho hay nhiều tài sản (nhà và đất) của ông Bình được tòa phúc thẩm giao cho UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai tịch thu. Hai cơ sở sản xuất (diện tích gần 40.000 m2) cùng 9 căn nhà trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao cho Cục Thi hành án dân sự bán đấu giá.
“Phiên xử sơ thẩm đến phúc thẩm không thay đổi gì mấy. Tôi thấy tình hình không êm rồi. Họ có giấy triệu tập tôi trở lại trại tù. Họ cho tôi thời gian 7 ngày. Trong thời gian đó, tôi tiếp tục làm đơn khiếu nại, nhưng thấy không êm rồi. Tới giờ chót, tức ngày hôm sau đi trình diện thì tôi trốn,” ông Bình nói với VOA.
Sau khi ra khỏi Việt Nam, ông Bình đã nộp đơn kiện chính phủ Việt Nam ra tòa trọng tài quốc tế. Hai bên “dàn xếp” ngoài tòa vào năm 2005 và Việt Nam đền ông Bình 15 triệu đôla, miễn án, tạo điều kiện cho ông Bình trở lại Việt Nam, đồng thời hoàn trả tài sản đã tịch biên.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tin tức về vụ kiện đã bị cắt đứt hoàn toàn, cả trong nước lẫn quốc tế. Nguyên nhân, theo lời ông Bình, là vì đây là điều kiện phía Việt Nam đưa ra trong Thỏa thuận: Không tiết lộ thông tin cho truyền thông, báo chí.
Tháng 1/2015, ông Trịnh Vĩnh Bình quyết định khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra Tòa trọng tài Quốc tế lần thứ hai vì theo lời ông Bình, người cho là mình đã “bị lừa”, thì chính phủ Việt Nam đã lần lữa không trả lại bất kỳ tài sản nào cho ông ngoài số tiền bồi thường trên.

Một chuyến thăm quê Một chuyến thăm quê

Phạm Thanh Nghiên
11-4-2019
Phần 1: Thi bị bắt
Sau vụ nhà bị đập, vợ chồng tôi nhận được nhiều sự chia sẻ về vật chất lẫn tinh thần từ bạn bè khắp nơi, trong nước cũng như hải ngoại. Điều ấy mang lại sự an ủi lớn lao, xoa dịu phần nào nỗi đau đớn mà gia đình chúng tôi không may gặp phải. Song, một cách thành thật tôi phải thừa nhận rằng, những biến cố quá lớn trong thời gian qua (mà vụ đập nhà chỉ là một trong những điều tôi tệ thôi) ít nhiều khiến chúng tôi mệt mỏi, suy sụp. Quyết định về Bắc thăm nhà được vợ chồng tôi xem như một cách giảm bớt căng thẳng, tìm chốn bình yên bên người thân ruột thịt sau những tai ương, sóng gió.
Chuyến đi lần này, ít nhiều mang nỗi ám ảnh bị giết hụt của chuyến thăm nhà lần trước cách đây tròn hai năm. Tôi dùng từ “giết hụt” để mô tả hành động của gã thanh niên cao lớn bịt mặt bằng khẩu trang, cầm gậy sắt nhằm vào đỉnh đầu chồng tôi rồi giáng một cú chí mạng khi anh Tú vừa bước vào xe taxi.
Kẻ ác kia đã rình sẵn đâu đó và đợi chúng tôi bước ra khỏi nhà của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa để thực hiện hành vi của hắn. Cho đến hôm nay, chúng tôi vẫn tin rằng kẻ chủ mưu không phải gã thanh niên đeo “rọ mõm”. Nó là một tội ác mang tên chế độ. Và anh Tú thoát chết trong tích tắc do sự che chở của Thiên Chúa.
Không có giấy tờ tùy thân, chồng tôi không thể đi máy bay. Tôi thì chẳng thể đi tàu lửa được vì chứng say xe, với lại bé Tôm còn quá nhỏ để chịu đựng suốt 32 tiếng đồng hồ trên tàu lửa. Có nghĩa là chúng tôi chẳng bao giờ được đi xa cùng nhau. Mẹ con tôi về Hải Phòng trước. Anh Tú và Nguyễn Ngọc Tường Thi (*) nhảy tàu lửa về sau.
Cũng chỉ vì cái tội không có giấy chứng minh nhân dân (CMND) nên anh Tú phải nhờ một người khác mua vé giúp và đi cùng. Chúng tôi rủ Thi đi vì quý mến cậu ấy. Thi cũng coi vợ chồng tôi như người nhà. Vả lại, cùng cảnh tù đày, khổ sở nên dễ thông cảm cho nhau. Thi bảo “nghe nói đồ ăn Hải Phòng ngon lắm, người Hải Phòng mến khách nên em cũng muốn đi một chuyến cho biết”.
Sau bao trông ngóng, hồi hộp, rồi anh Tú và Thi cũng về tới nhà tôi an toàn. Các anh chị, các cháu tôi ai cũng nghèo, nhưng mến khách. Không khí gia đình đầm ấm làm Thi thấy thoải mái như ở nhà. Chỉ có điều, khí hậu miền Bắc khắc nghiệt khiến cậu ta hơi mệt. Thi là dân lao động, chạy xe Grap nên ở ngoài đường suốt, không quen ngồi một chỗ trong nhà. Cậu ta lượn ra ngõ, đi đi lại lại đến chóng cả mặt.
Tôi dặn:
– Em đừng ra ngõ nữa, loanh quanh ở đây thôi. Bọn côn an Hải Phòng khốn nạn lắm, nó rình bắt khách nhà chị luôn đấy.
– Đứng đây chắc không sao đâu chị. Với lại mình có làm gì đâu mà nó bắt.
– Thi nói với tôi như thế. Rồi cứ ra ngoài cổng đứng chơi, hút thuốc, ngắm người qua lại. Tôi phải dặn người nhà để mắt đến Thi, phòng khi cậu ấy bị lôi đi. Kinh nghiệm suốt ba năm bị quản chế khiến tôi nghĩ bất cứ ai đến thăm tôi cũng có thể bị bắt cóc, bị đánh đập.
Trong bữa cơm chiều, tôi nảy ra ý định thuê xe đi Cát Bà. Thế là các anh chị, các cháu tôi lên kế hoạch. Điện thoại gọi nhau í ới, hẹn hò rôm rả. Người thì thuê xe, kẻ thì được phân công mua đồ ăn, thức uống để chuẩn bị cho chuyến đi được ấn định vào hai ngày sau đó.
Tôi muốn chồng tôi có một chuyến đi chơi ra trò. Chín năm sống phiêu bạt ở Thái Lan, 14 năm ở tù, ra tù thì em trai và bố lần lượt qua đời. Rồi không chịu được cảnh bất công, lại lên tiếng, lại đấu tranh và tiếp tục bị khủng bố, bị đàn áp, bắt bớ, đánh đập.
Chúng tôi lấy nhau, hạnh phúc nhân đôi đồng nghĩa với việc hiểm nguy sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Bé Tôm chào đời là một phép lạ, một niềm hạnh phúc ngoài sức tưởng tượng của hai vợ chồng. Thế rồi bao nhiêu vốn liếng tích cóp nhiều năm của cả hai vợ chồng, cộng với vay mượn thêm, chúng tôi mua một mảnh đất, xây căn nhà nho nhỏ ở Vườn rau Lộc Hưng (VRLH) để con gái có chỗ vui chơi, để nó không phải lớn lên trong cảnh thuê nhà trọ. Thế là quá đủ đầy, mãn nguyện rồi.
Chuyện bắt bớ, đánh đập, tù đày trong bước đường tranh đấu tiếp theo, không phải là điều chúng tôi quá bận tâm hay sợ hãi. Vì ai mà chẳng gặp những chuyện như thế khi đối kháng với nhà nước này. Nhưng, (lại nhưng) căn nhà xinh xắn vừa mới hoàn thành, chỉ được ở duy nhất một đêm đã bị giật sập cùng tất cả các căn nhà khác ở VRLH.
Biến cố này nằm trong một chuỗi những biến cố xảy đến cho gia đình chúng tôi, nhất là đối với cuộc đời của chồng tôi, anh Huỳnh Anh Tú. “Suốt gần 30 năm nay, anh chưa có ngày nào được sống bình yên. Lúc nào cũng ở tư thế phải đối phó, phải sẵn sàng đón nhận những điều tồi tệ”. Mỗi lần xảy ra chuyện gì, chồng tôi lại thở than như thế. Nghe não ruột. Nhưng từ khi nhà bị đập, anh ấy vốn ít nói lại càng trở nên lầm lỳ, thích ngồi một mình hơn. Sự thay đổi của chồng đôi khi khiến tôi sợ hãi.
Thôi thì ra Bắc đổi gió vậy.
Sáng hôm sau, khi tôi còn đang ôm bé Tôm trên giường thì chị gái tôi chạy vào, hớt hải:
– Thi bị bắt rồi. Chúng nó đưa lên đồn công an phường Đông Hải 1.
Tôi bực mình hơn là ngạc nhiên:
– Đã bảo đừng ra ngoài mà không nghe cơ. Tiên sư lũ côn an Hải Phòng nó vẫn láo và hung hãn như thế.
Tôi thay đồ. Chồng tôi lo lắng hỏi:
– Em đi đâu?
– Thì ra đồn công an đòi thằng Thi về chứ đi đâu.
– Dì cứ từ từ xem thế nào đã. Tốt nhất là để chị đi. Chứ dì mà đi, chúng nó xông vào nhà bắt chú Tú thì cả nhà biết xoay sở làm sao. Lúc ấy ai lo cho bé Tôm.
Tôi không còn cách nào khác là loan báo việc Thi bị bắt lên facebook, và chờ tin của anh chị tôi.
Một lúc sau, anh rể và chị gái tôi về, tường thuật sơ sự việc. Đại loại công an Hải Phòng “mời” Thi về đồn để hoạnh họe về chuyến ra Hải Phòng. Họ còn yêu cầu chị gái tôi đưa chồng tôi là anh Huỳnh Anh Tú ra phường trình diện, báo cáo tạm trú. Ôi, lại có cái trò con cái về nhà bố mẹ thì phải ra công an trình diện và khai báo tạm trú nữa! Công an hứa “làm việc” xong sẽ thả Thi về.
Tạm trú chỉ là cái cớ để bắt bớ, hoạnh họe, khủng bố thôi. Ai cũng biết tỏng. Điều tôi ngạc nhiên là tại sao họ (côn an HP) lại thừa nhận đang giam giữ Thi? Tôi cũng không tin lời hứa của họ sẽ thả Thi (về nhà tôi) sau khi làm việc xong. Bao nhiêu người bị bắt chỉ vì đến thăm tôi, bị đưa lên đồn công an tra khảo. Nhưng hỏi đến là họ chối, cãi bay cãi biến “chúng tôi không bắt ai”.
Tôi đã nghĩ đến trường hợp xấu nhất là họ sẽ đưa Thi đến một vùng ngoại thành hẻo lánh, lột hết đồ của cậu ta từ quần áo đến tiền bạc, giấy tờ, điện thoại. Thậm chí đánh cho một trận thừa sống thiếu chết rồi “kệ mẹ tên phản động”. Hoặc nhẹ nhàng hơn là sẽ móc túi cậu ta, tự lấy tiền mua vé rồi áp giải Thi ra phi trường, tống về Sài Gòn kèm theo lời đe dọa “đi đâu thì đi, nhớ chừa mảnh đất Hải Phòng ra nếu còn muốn sống”.
Tôi giục chị gái:
– Chị nấu cơm sớm đi để em mang ra đồn cho Thi. Em sẽ làm ầm lên rồi muốn đến đâu thì đến. Chị với anh Tú ở nhà trông Tôm.
Tôi vừa dứt lời thì Thi về. Tôi ngạc nhiên:
– Sao bọn công an Hải Phòng hôm nay quân tử thế nhở?
Thi hì hì cười:
– Khiếp quá, em đang lơ ngơ thế nào mà những mười mấy thằng xông tới bắt. Lên đồn cũng cả đống mấy chục người quây. Đúng là công an Hải Phòng kinh thật.
Thì ra là khi Thi bị bắt, đúng lúc anh trai tôi đi làm qua trông thấy. Thi không chịu đi, còn hoạnh họe bọn người kia vì sao bắt người vô cớ. Chắc không muốn ồn ào, sợ to chuyện, một trong những kẻ đi bắt người phân bua:
– Anh cứ đi theo chúng tôi lên đồn. Đây này, có anh Sơn biết chúng tôi, anh đừng lo.
– Thế chúng mày định đưa cậu ấy đi đâu? Anh trai tôi hỏi.
– Bọn em mời anh ấy lên phường Đông Hải 1, hỏi chút chuyện rồi tụi em cho về thôi.
Thế là chúng đưa Thi đi. Anh trai tôi chỉ kịp quay về báo cho chị gái tôi biết, rồi anh đi làm.
Tôi nghĩ, nếu không giáp mặt nhau, không có câu “anh Sơn biết chúng tôi” thì chắc gì Thi đã lành lặn, yên ổn mà trở lại nhà tôi.
Thi kể:
– Một thằng công an miệng dẻo như kẹo còn bảo em “anh có muốn đi chơi ở đâu tụi em tư vấn cho? Hay là muốn đi Cát Bà cứ bảo em. Các anh chị đi đâu cứ yên tâm đã có tụi em đi theo bảo vệ”.
Tôi lộn tiết:
– Bà mẹ chúng nó hay hớm gì trò nghe lén điện thoại. Giờ nó án ngữ mấy đống đeo rọ mõm rình rập thế kia thì còn đi đứng gì, mất vui. Lại còn dọa đi theo bảo vệ nữa. Bảo cái mả cha chúng nó.
Chồng tôi lườm một cái rõ dài:
– Em cứ văng tục cho nó quen cái miệng đi.
Thi lại cười hềnh hệch.
– Em phục chị Nghiên luôn. Bao nhiêu năm phải chịu đựng lũ ma quỷ này. Mà công an Hải Phòng có vẻ sợ chị thì phải. Em cảm thấy thế. Bà Thủy (**) còn bảo em về khuyên chị gỡ bài đấy. Lúc mụ ấy nói em mới đoán là chị la làng trên fb. Mụ này là sếp hay sao ấy, thấy bọn kia có vẻ khúm núm, sợ sệt trước mụ này. Mụ còn tự ý mở điện thoại của em. Em không cho. Khiếp, người đâu mà mất lịch sự.
– Chúng nó ghét chị thôi, chứ sợ gì. Nó mà biết sợ chị em mình thì đất nước này khác rồi.
Ai cũng bực mình, không hẳn vì chuyến đi Cát Bà bị hủy, mà vì cả nhà tôi, dâu rể trai gái, thậm chí các cháu tôi cũng bị công an thường phục đi theo, giám sát. Nhà các anh, các chị tôi đều bị canh gác, dòm ngó như đối tượng tội phạm đang bị điều tra.
Mệt mỏi sau chuyến đi xa, bị khủng bố, cầm tù trong nhà, cộng thêm thời tiết miền Bắc đang giao mùa nên cả Thi, vợ chồng tôi lẫn bé Tôm đều ốm. Thi nằng nặc đòi về sớm vì buồn chán, vì nhớ con, rồi công việc đang đợi ở Sài Gòn. Chưa kịp thưởng thức các món ngon đất Cảng, chưa kịp thấy “người Hải Phòng mến khách” đã bị lực lượng rọ mõm chào hỏi một cú nhớ đời rồi.
Đêm hôm ấy, bé Tôm sốt cao phải nhập viện. Tôi không kịp chào hỏi hay dặn dò gì Thi vì bận chăm con. Chiều hôm sau, tôi nhận được tin nhắn của Thi: “Có hai thằng an ninh Hải Phòng đi theo em tới tận phi trường. Em qua cổng an ninh nó mới thôi. Vừa về tới đầu hẻm đã có mấy thằng an ninh thành Hồ đón sẵn rồi chị ạ. Nó hỏi han vớ vẩn xong mới cho em vào nhà. Mà về tới Sài Gòn là em thấy hết bệnh luôn chị ơi. Chị tranh thủ cho bé Tôm vào đi, ngoài đấy khí hậu kinh quá”.
Nửa tháng sau khi bị công an Hải Phòng bắt cóc, hôm qua 10/4/2019, Thi lại bị công an thành Hồ mời lên làm việc. Một tờ giấy mời không ghi giờ giấc, ngày/ tháng/ năm, không ghi rõ địa chỉ trụ sở công an nơi công dân phải đến. Nực cười nhất là cái mục lý do mời công dân lên đồn làm việc được ghi nguyên văn thế này : “Để: một số việc có liên quan”.
Việc có liên quan tức là chuyến đi Hải Phòng nhằm mục đích gì? Quan hệ thế nào với đối tượng chống phá là Phạm Thanh Nghiên, Huỳnh Anh Tú? Tại sao lại viết “linh tinh” trên facebook. Việc Thi chia sẻ bài của tôi về chuyện cậu ấy bị bắt tại Hải Phòng được công an thành Hồ diễn giải là “viết linh tinh”. Rồi phải cam kết không được biểu tình, giăng biểu ngữ nhân ngày phỏng hai hòn Miền Nam 30/4.
Thôi Thi ơi, có bố là cựu TNLT, bản thân cũng từng đi tù với cái gọi là “chống nhà nước”, bây giờ lại thân thiết với vợ chồng “phản động” Tú-Nghiên thì coi như cuộc sống chạy Grap kiếm tiền nuôi con kể như khó khăn chồng chất gian truân rồi em ạ.
Thôi, cố lên vậy! Chứ biết sao bây giờ.
Chú thích:
(*) Nguyễn Ngọc Tường Thi: Ngày 1/4/2011, cả nhà Thi gồm vợ chồng anh, cha ruột là ông Nguyễn Ngọc Cường bị bắt với cáo buộc vi phạm điều 88 “tuyên truyền chống nhà nước”. Vì vợ Thi là Phạm Bích Chi đang mang bầu nên bị tòa tuyên 03 năm án treo. Thi bị 18 tháng tù giam trong khi cha anh bị tuyên 7 năm tù giam, 3 năm quản chế. Ông Cường là một cựu quân nhân thời VNCH. Sau năm 1975, ông tham gia phong trào chống cộng, đòi từ do dân chủ và bị bắt bốn lần đi tù, tổng cộng 17 năm.
Xin xem thêm bài về cựu TNLT Nguyễn Ngọc Cường qua bài viết của blogger Huỳnh Anh Tú.
(**) Lã Thị Thu Thủy: Một nữ nhân viên an ninh cao cấp thuộc phòng an ninh chính trị Hải Phòng. Một kẻ hống hách, sắt máu bị cả phe dân chủ lẫn phe đồng nghiệp khinh ghét. Lã Thị Thu Thủy là nhân vật được tôi đề cập đến trong cuốn sách “Những mảnh đời sau song sắt”.
Sài Gòn ngày 11/4/2019
(Còn nữa)
Thi “đi làm việc” tại đồn công an p 9, Gò Vấp.

Giấy mời

Lực lượng rọ mõm nhân dân bố ráp nhà tôi ở Hải Phòng

Powered by Blogger.