Nền kinh tế TQ ra sao khi thương chiến với Mỹ?
Saturday, August 3, 2019 //
Tin Kinh tế
Sự nguy hiểm của thương chiến nằm ở chỗ, những nguy cơ của nó có thể làm phân tâm các nhà hoạch định chính sách khỏi việc cải cách cơ cấu kinh tế.
Cuộc thương chiến Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động năm 2018 đã khiến nền kinh tế Trung Quốc “bầm dập”. Lần đầu tiên từ năm 2010, chỉ số tăng trưởng sản phẩm quốc nội của đất nước tỷ dân có dấu hiệu giảm. Gạt vấn đề thương chiến sang một bên, mối nguy hiểm thực sự nằm ở những điểm yếu trong cấu trúc kinh tế Trung Quốc, vốn đã tồn tại trong suốt mấy chục năm qua
Thương chiến Mỹ-Trung đã vượt ra khỏi lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc, đồng thời cũng làm phức tạp nhiều vấn đề, khi tác động của nó đã đột nhiên phá vỡ những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền Bắc Kinh, nhằm giải quyết những vấn đề trong cấu trúc kinh tế.
Thậm chí trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, giới lãnh đạo Bắc Kinh đã từng tuyên bố rằng, mô hình tăng trưởng của Trung Quốc là “bất ổn, không cân bằng, không có sự phối hợp và thiếu bền vững”. Trung Quốc đã nhận ra rằng, nước này đã bị cuốn vào vòng luẩn quẩn khi ngày càng phụ thuộc nhiều vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản, và điều này đã làm nảy sinh ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về cơ cấu.
Có ba vấn đề chính ở đây. Thứ nhất là mức nợ cao nằm ở chính quyền địa phương. Được thúc đẩy bởi những ưu đãi tăng trưởng theo hướng đầu tư, các chính quyền địa phương đã có xu hướng đầu tư chủ yếu dựa vào việc vay để tạo quỹ cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Từ năm 2000 đến 2017, các chính quyền địa phương đã đầu tư tài sản cố định gấp 12 lần so với mức chính quyền trung ương đưa ra, dù mức thuế ở chính quyền địa phương chỉ là 75% so với chính phủ trung ương. Khi các dự án cơ sở hạ tầng không tạo ra được lợi nhuận trong thời gian ngắn, thì chính quyền địa phương tiếp tục vay để trả nợ.
Theo số liệu do công ty xếp hạng tín dụng Chengxin của Trung Quốc đưa ra, thì trong đầu năm 2018, mức nợ tồn đọng của các chính quyền địa phương, vốn luôn có liên kết với các doanh nghiệp quốc doanh nằm trong khoảng 3,8 nghìn tỷ USD tới 5,2 nghìn tỷ USD. Mức nợ này chiếm gần 80% nợ công, và cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển.
Nợ của chính quyền địa phương chiếm tỉ lệ 80% nợ công Trung Quốc. Ảnh: China.org
|
Những khoản nợ cao chót vót này sẽ có thể rút cạn quỹ tiết kiệm và làm chậm các khoản đầu tư tư nhân. Và điều này sẽ buộc chính quyền Bắc Kinh đưa ra 2 lựa chọn: Hoặc là đưa bảo lãnh cho các chính quyền địa phương, hoặc cho phép thị trường tài chính rơi vào tình trạng bất ổn không thể tưởng tượng được.
Vấn đề thứ hai là sự mất cân bằng ngày càng tăng giữa khu vực tư nhân và khu vực công. Khu vực công dù hoạt động kém hiệu quả hơn, nhưng lại được tiếp cận tốt hơn với các khoản vay ngân hàng và trợ cấp của chính phủ. Điều này khiến các doanh nghiệp tư nhân dễ gặp khủng hoảng thanh khoản hơn, khi Trung Quốc chuyển sang đường lối kiềm chế mức nợ.
Chính phủ Trung Quốc gần đây đã tiếp quản Ngân hàng Baoshang, một ngân hàng địa phương do ngân hàng này có quá nhiều khoản nợ không thanh toán được. Điều này đã tác động tới các doanh nghiệp tư nhân, đồng thời khiến các tổ chức tài chính lớn phải tính toán lại những tài sản rủi ro, và giảm các khoản vay liên ngân hàng cho các ngân hàng địa phương nhỏ mà khu vực tư nhân phụ thuộc rất nhiều.
Nợ công Trung Quốc đã chiếm hơn 50% GDP của nước này. Ảnh: tradingeconomics
|
Cuối cùng, việc thiếu các nguồn tăng trưởng kinh tế mới là thách thức cấp thiết nhất. Tăng trưởng nhờ việc tiêu dùng là cách phát triển bền vững và an toàn, nhưng không đủ để hỗ trợ tốc độ tăng trưởng GDP hiện tại của Trung Quốc. Bắc Kinh còn cần phát triển các ngành công nghiệp và công nghệ mới.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã làm phức tạp các vấn đề trên. Bên cạnh sự bất ổn của thị trường chứng khoán, nhiều nhà phân tích dự đoán rằng, căng thẳng thương mại sẽ khiến chỉ số tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay giảm mạnh xuống dưới mức 6%. Đồng thời, các biện pháp chính sách nhằm giải quyết các vấn đề cấu trúc kinh tế của Trung Quốc đang phải đối mặt với sự bi quan và triển vọng xấu gây ra ảnh hưởng quá mức đến việc hoạch định chính sách.
Chặng đường cải cách của Trung Quốc rất khó khăn và đã gặp phải nhiều thất bại, nhất là từ những bất ổn gia tăng của thương chiến gần đây. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc vẫn có thể chịu đựng được tổn thất tạm thời trong thương mại, như việc nước này tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang châu Phi và Đông Nam Á.
Tờ SCMP trích dẫn nhận định của chuyên gia Hans Yue Zhu cho rằng, những tổn thất từ thương chiến sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, và chính phủ Trung Quốc nên bám sát tiến trình của việc cải cách. Tương lai của Trung Quốc trong việc tăng trưởng kinh tế bền vững, đó là nước này ít phụ thuộc vào những thị trường bên ngoài và tăng các mức đầu tư lớn.