Vì sao Hội Thánh Tin Lành Việt Nam không được phép tổ chức Đại hội?
Thứ Bảy, 11/28/2020 - 01:21 — minh-luat
Theo thông báo của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (HTTLVN) vào hôm 25/11, kỳ họp Đại hội đồng Giáo phẩm lần thứ 10 của tổ chức tôn giáo này dự kiến diễn ra vào ngày 1-3/12/2020, đã không thể tổ chức được vì “chưa có giấy phép từ Ban Tôn giáo Chính phủ”.
Lý do được Hội Thánh nêu ra là do họ “không trình danh sách ứng viên Hội đồng Giáo phẩm trước khi bầu cử” theo quy định tại Điều 34 của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.
Trong cùng ngày, trang thông tin điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ cũng xác nhận việc chưa chấp thuận cho HTTLVN tổ chức kỳ họp Đại hội đồng Giáo phẩm lần thứ 10.
Tại Công văn số 911/TGCP-LT, ký ngày 25/11/2020 bởi Phó trưởng ban Nguyễn Ánh Chức, cho biết, lý do Ban Tôn giáo Chính phủ chưa chấp thuận cho HTTLVN tổ chức Đại hội là do “thủ tục chưa đầy đủ và chưa đúng theo quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo”.
Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị Hội Thánh cần thực hiện đúng quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo về việc “đăng ký người được bầu vào Hội đồng Giáo phẩm” với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để được chấp thuận tổ chức Đại hội.
Ảnh chụp màn hình btgcp.gov.vn: Công văn của Ban Tôn giáo Chính phủ chưa chấp thuận cho HTTLVN tổ chức Đại hội
Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, một công cụ gia tăng kiểm soát của chính quyền
Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được Quốc Hội thông qua và có hiệu lực vào ngày 1/1/2018, bất chấp ý kiến chỉ trích dữ dội trước đó từ các tổ chức tôn giáo và các chuyên gia luật pháp nhân quyền, vì luật này vẫn còn duy trì "cơ chế xin-cho" trong sinh hoạt tôn giáo và trao quyền cho các cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào công việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo.
Tại Điều 34 của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định: Tổ chức tôn giáo trước khi bầu cử ra nhân sự lãnh đạo tôn giáo phải gửi danh sách hồ sơ đăng ký ứng viên đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tại Khoản 5 của điều luật này quy định, cơ quan nhà nước có quyền từ chối ứng viên, tức chính quyền có thẩm quyền loại bỏ bất kỳ ứng viên nào do tổ chức tôn giáo đệ trình lên.
Như vậy, điều luật này đã trao quyền cho các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo có thể can thiệp vào công tác nhân sự của bất kỳ tổ chức tôn giáo nào tại Việt Nam, thông qua quá trình phê duyệt nhân sự trước khi tổ chức tôn giáo đó bầu cử ra lãnh đạo. Quá trình phê duyệt này có thể loại bỏ các ứng viên lãnh đạo mà chính quyền cho là “có vấn đề”, cũng như chính quyền có thể cơ cấu “đảng viên đội lốt nhà tu” tham gia vào thành phần lãnh đạo của tổ chức tôn giáo đó.
Một thực tế đã tồn tại hàng chục năm nay ở Việt Nam, các chức sắc lãnh đạo tôn giáo phải đi “sinh hoạt chi bộ Đảng” không phải là ít, dù ít khi được công khai. Một mặt họ là một lãnh đạo của một tổ chức tôn giáo, nhưng mặt khác họ lại là thành viên của đảng Cộng sản VN-một đảng cầm quyền có chủ trương vô thần. Như vụ việc gây xôn xao dư luận, Lộ tin Hòa thượng có 50 năm tuổi Đảng, đứng vào hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của Giáo hội nhờ vào vào thành tích “tham gia kháng chiến”. Đây là minh chứng cho thấy chính quyền đã can thiệp sâu rộng vào công tác bầu cử nhân sự của tổ chức tôn giáo này.
Sự phản kháng của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam
Trở lại việc HTTLVN quyết định không tổ chức Đại hội để bảo lưu các quyết định trước đó về việc không chấp nhận thực thi điều 34 của Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, cho thấy một sự phản kháng quyết liệt của tổ chức tôn giáo này đối với khả năng Ban Tôn giáo Chính phủ có thể can thiệp vào công tác bầu chọn nhân sự của họ.
Thông báo của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam về việc không tổ chức Đại hội lần thứ 10
Cụ thể, tại Thông báo không tổ chức Đại hội lần thứ 10 của HTTLVN nêu rõ, việc tổ chức tôn giáo này không thể thực hiện điều 34 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được căn cứ vào: (1) Quyết nghị của Đại hội đồng Tổng Liên Hội vào tháng 7/2017 có biểu quyết của toàn thể Đại biểu (100%); Và (2) căn cứ vào biên bản số 11/2020/BB-TT, ngày 11/11/2020 của Thường trực Tổng Liên Hội về việc tổ chức Đại hội đồng Giáo phẩm là “không đồng ý trình ứng viên trước”.
Cách làm của HTTLVN trong việc chọn ra nhân sự lãnh đạo là họ sẽ tự xắp xếp và tổ chức bầu cử nhân sự lãnh đạo cho Hội Thánh, khi xong xuôi rồi mới thông báo về kết quả bầu cử cho chính quyền. Chứ dứt khoát không để cho chính quyền nhúng tay phê duyệt vào danh sách các ứng viên của họ trước ngày bầu cử.
Như vậy, từ các văn bản nội bộ của HTTLVN cho thấy, tổ chức tôn giáo này đang thực hiện hành vi bất tuân dân sự, phản kháng lại các quy định pháp luật được đặt ra nhằm kiểm soát tôn giáo. HTTLVN quyết tâm bảo vệ cho quyền tự do tôn giáo, trong đó có việc tự do bầu chọn ra những người lãnh đạo cho tổ chức tôn giáo mình, chứ không để chính quyền can thiệp vào việc bầu cử nội bộ của họ.
Chuyên gia nói gì về vấn đề này?
Vào năm ngoái, Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đưa ra nhận xét kết luận rằng, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo của Việt Nam đã hạn chế tự do tôn giáo và tín ngưỡng một cách vô lý, chẳng hạn như thông qua việc bắt buộc đăng ký và quá trình công nhận. Ủy ban khuyến nghị Nhà nước cần tiến hành các biện pháp để ngăn chặn, và đáp lại nhanh chóng và hiệu quả với tất cả các hành vi can thiệp vô lý với tự do tôn giáo.
Trước đó, Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng, ông Heiner Bielefeldt có bài phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền LHQ về chuyến viếng thăm Việt Nam vào năm 2015, nhận định rằng: “Việc thực hiện quyền con người về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, không thể bị phụ thuộc vào bất kỳ hành vi cụ thể nào để công nhận, cho phép hoặc phê duyệt về mặt hành chính. Cần phải thấy rõ rằng quyền của một cá nhân hay một nhóm người cho tới quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng không bao giờ có thể được 'tạo ra' bằng bất kỳ thủ tục hành chính nào. Thay vào đó, phải là điều ngược lại: Việc đăng ký cần phải phục vụ quyền con người, mà bản thân quyền đó phải được tôn trọng trước bất kỳ sự đăng ký nào. Từ nhận thức cơ bản này, việc đăng ký nên là một đề nghị của Nhà nước chứ không phải là một yêu cầu pháp lý bắt buộc”.
Vào năm ngoái, Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đưa ra nhận xét kết luận rằng, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo của Việt Nam đã hạn chế tự do tôn giáo và tín ngưỡng một cách vô lý, chẳng hạn như thông qua việc bắt buộc đăng ký và quá trình công nhận. Ủy ban khuyến nghị Nhà nước cần tiến hành các biện pháp để ngăn chặn, và đáp lại nhanh chóng và hiệu quả với tất cả các hành vi can thiệp vô lý với tự do tôn giáo.
Trước đó, Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng, ông Heiner Bielefeldt có bài phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền LHQ về chuyến viếng thăm Việt Nam vào năm 2015, nhận định rằng: “Việc thực hiện quyền con người về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, không thể bị phụ thuộc vào bất kỳ hành vi cụ thể nào để công nhận, cho phép hoặc phê duyệt về mặt hành chính. Cần phải thấy rõ rằng quyền của một cá nhân hay một nhóm người cho tới quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng không bao giờ có thể được 'tạo ra' bằng bất kỳ thủ tục hành chính nào. Thay vào đó, phải là điều ngược lại: Việc đăng ký cần phải phục vụ quyền con người, mà bản thân quyền đó phải được tôn trọng trước bất kỳ sự đăng ký nào. Từ nhận thức cơ bản này, việc đăng ký nên là một đề nghị của Nhà nước chứ không phải là một yêu cầu pháp lý bắt buộc”.
minh-luat's blog Bình luận