Đọc báo Pháp – 25/07/2020
Covid-19: Vác-xin chưa có đã tranh mua tranh bán – Anh Vũ
Các tuần báo chính của Pháp ra tuần này tiếp tục xoay quanh đại dịch Covid-19. Các chủ đề chính tập trung vào những biến đổi sâu rộng trong đời sống xã hội trên khắp hành tinh vì trận dịch kéo dài dai dẳng hơn nửa năm qua.
Với tựa lớn trang nhất « Nên chăng ta thay đổi cuộc sống ? » Courrier International đưa độc giả qua các thành phố lớn từ New York, Bruxelles, Paris cho tới Tokyo, nơi có những người dân đang tính đến việc thay đổi căn bản cuộc sống vì khủng hoảng dịch virus corona.
Đợt phong tỏa gần như toàn cầu để chống dịch Covid-19 vừa qua đã để lại những dấu tích trong cuộc sống con người nhất là ở các đô thị.
Chia tay với thành phố
Courrier International lấy lại một loạt các bài phóng sự của những tờ báo lớn của châu Âu và Mỹ, ghi nhận thực tế mới là ngày càng đông người dân muốn rời các thành phố lớn về sống ở nông thôn hay ra ngoại ô, để được sống rộng rãi trong không khí thoáng đãng hơn. Phương thức làm việc từ xa lên ngôi càng thúc đẩy mạnh biến đổi xã hội này. Với một số khác, đợt phong tỏa vừa qua đã làm thay đổi nhiều cách sinh hoạt, ăn uống, cách suy nghĩ về cuộc sống …
Theo Courrier International, « khó có thể ước tính được số lượng người muốn thay đổi cuộc sống nhưng đó là hiện tượng toàn cầu ».
Chiếc xe đạp muôn năm !
Trong khi đó tuần báo l’Obs tập trung vào một thay đổi lớn được ví như là cuộc cách mạng trong cuộc sống của người dân Pháp. Đó là việc sử dụng phương tiện xe đạp cũng đang trở thành trào lưu, cuốn hút đông đảo dân đô thị từ sau đợt phong tỏa. Tờ báo ghi nhận tại các thành phố từ lớn cho đến nhỏ, giờ đây xe đạp đang chiếm dần chỗ của xe hơi. Điều mà trước khi có trận dịch này, rất khó có thể quảng bá cho loại phương tiện đơn giản, thân thiện với môi trường cũng như sức khỏe này. Xe đạp giờ đang trở thành phương tiện vừa thích ứng được các nhu cầu giải trí luyện tập sức khỏe cũng như di chuyển trong công việc. Theo con số thống kê được tờ báo dẫn thì có 65% dân Pháp di chuyển vì công việc hàng ngày trong khoảng cách 5 km, một quãng đường lý tưởng cho việc xử dụng xe đạp hơn là xe hơi về nhiều mặt.
L’Obs dành loạt bài phóng sự dài, gặp gỡ những người trong các lĩnh vực đời sống khác nhau để giải thích vì sao người dân Pháp đang ngày càng đông phát hiện ra tiện ích lớn của chiếc xe đạp. Với xe đạp, người dân sống trong xã hội hiện đại cảm thấy làm chủ được thời gian của mình, được tiếp xúc với môi trường sống và rất nhiều tiện lợi khác trong sinh hoạt hàng ngày người ta có thể khai thác ở phương tiện di chuyển rẻ tiền này.
Trong khi đó chủ đề chính của L’Express là làm sao cứu được ngành văn hóa, niềm kiêu hãnh của nước Pháp, đã bị đại dịch Covid-19 đánh quỵ chỉ trong vài tháng khi mà các nhà hát, các sân khấu kịch nghệ phải đóng cửa, các liên hoan, lễ hội văn hóa đều đã bị hủy bỏ. Theo con số thống kê chính thức, thu nhập trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực văn hóa Pháp đã bị mất 22,3 tỷ euro. Từ nhà hát, rạp phim, bảo tàng đến ngành công nghiệp biểu diễn, đều trong cảnh hoang tàn ảm đạm, chờ đợi Nhà nước cứu vớt.
Covid-19 : Vác-xin, chưa có hàng đã « mua tranh bán cướp »
L’Express chú ý tới vác-xin phòng ngừa virus, liều thuốc của hy vọng đang được cả thế giới mong đợi. Tờ báo đặt câu hỏi : « Có ai lại mua sản phẩm còn chưa có và chẳng ai dám chắc bao giờ thì có hàng ? Chắc chắn chẳng ai làm như vậy, trừ trường hợp đối với vác-xin phòng Covid-19 hiện vẫn còn ở trong giai đoạn nghiên cứu ».
Thực tế là đang có rất nhiều quốc gia ký đơn đặt hàng trước với các nhà công nghiệp dược phẩm. Mục đích của họ là để phòng xa khi các nghiên cứu vác-xin cho ra sản phẩm có hiệu quả thì dân của nước họ sẽ được dùng thuốc.
Tờ báo đưa ra những con số chóng mặt về tiền đặt trước : « Hoa Kỳ đã chi cho các phòng thí nghiệm tới 3,5 tỷ euro. Công ty Novavax được nhận 1,4 tỷ euro với cam kết cung cấp cho thị trường Mỹ, tất nhiên là nếu có được vác-xin. Châu Âu cũng không phải là ngoại lệ. Pháp, Đức, Ý, Hà Lan cũng đã đặt trước tiền với công ty Astra Zeneca để có 300 triệu liều ». Công ty này đã nhận của Mỹ 1 tỷ euro với cam kết cung cấp 300 triệu liều. Những thỏa thuận giao kèo như vậy sẽ còn xuất hiện thêm nhiều trong những tuần, những tháng tới, theo L’Express.
Có hiện tượng đó là vì nước nào cũng tính toán được thiệt hại kinh tế do đại dịch sẽ còn lớn hơn rất nhiều so với khoản tiền bỏ ra đặt cho các nhà công nghiệp dược phẩm. Nhưng việc làm này cũng đặt ra vấn đề. Liệu các nước có chấp nhận mất hết số tiền đặt nếu vác-xin ra đời không có hiệu quả và giá thành sẽ ra sao, dù nhiều phòng thí nghiệm tuyên bố không lấy lãi trên sản phẩm này « trong thời kỳ đại dịch » ? Còn sau đó thì giá sẽ thế nào ?
Chưa có sản phẩm đã tranh mua mà còn cả tranh bán. Trong một bài viết khác, L’Express cho thấy làm thế nào mà vác-xin phòng Covid-19 của Viện Pasteur Pháp thành của Mỹ. Tuần báo cho hay, đến đầu tháng 8 này vác-xin hòng Covid-19 do Viện Pasteur của Pháp nghiên cứu sẽ lần đầu được thử nhiệm lâm sàng trên người. Chưa biết kết quả ra sao nhưng cách đây vài tuần, một trong những công ty bào chế dược phẩm lớn nhất thế giới của Mỹ, Merck-MSD đã mua bản quyền của vác-xin này. Chỉ có Merck mới có năng lực tài chính để tiến hành hoàn chỉnh các thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng và sản xuất hàng triệu triệu liều. Như vậy có nghĩa là, « vác-xin trong tương lai, thành quả nghiên cứu ban đầu của người Pháp giờ thuộc về người Mỹ nắm quyền sản xuất và thương mại và cả lời lãi nếu có ».
Các chuyên gia y học và cả các cấp cao của chính quyền Pháp đã phải can thiệp để một phần sản phẩm ra đời phải được dành một phần cho người Pháp, tờ báo cho biết thêm.
Với L’Express thì sự việc này là một thí dụ mới về việc Pháp luôn gặp khó khăn trong việc chuyển những phát hiện của các nhà khoa học của mình thành khiệu quả thương mại.
Châu Âu và bài toán khó Trung Quốc
Chuyển qua chủ đề chính trị quốc tế, vẫn trên tuần báo L’Express có bài : « Vấn đề Trung Quốc » đặt ra cho châu Âu ».
Bài báo cho hay, buổi lễ Quốc Khánh Pháp 14/7 vừa rồi, trên khán đài có hai quan khách Mỹ kín đáo ngồi dự đó là cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Robert O’Brien và người trợ lý Matt Pottinger. Họ có mặt ở Paris không phải với mục đích chính là xem diễu binh mà chủ yếu đề nghị gặp các đồng cấp Pháp, Đức, Anh và Ý để chỉ bàn về một chủ đề : Trung Quốc.
Tuần báo Pháp cho biết Mattinger từng là thông tín viên của nhật báo Mỹ Wall Street Journal tại Bắc Kinh cho tới sau khi xảy ra sự kiện khủng bố 11/09/2001 mới từ chức, rồi sau đó gia nhập lực lượng thủy quân Mỹ tại Afghanistan. Giờ đây ông là một trong những người kiến tạo chủ chốt trong chiến lược chống Trung Quốc của Washington.
Người Mỹ hiện không khó gì tìm được lập luận chống Bắc Kinh : Từ hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Biển Đông, xử lý đại dịch virus corona cho đến luật an ninh quốc gia với Hồng Kông. L’Express nhận định, « chính quyền Trump đã chọn cách « kiềm chế » và « tách cặp », tức là phong tỏa Trung Quốc trên mọi lĩnh vực, kinh tế, công nghệ, chính trị ». Người Mỹ đang thúc đẩy các đồng minh ở châu Âu, châu Á -Thái Bình Dương theo họ và nhằm cô lập Trung Quốc.
Theo tác giả bài viết, đúng là châu Âu cũng ý thức được mối đe doa từ chế độ Bắc Kinh nhưng cũng không muốn mù quáng chạy theo một chính quyền Mỹ coi Liên Âu không còn là bạn, một chính quyền đang phá hỏng các công trình đa phương như rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, thỏa thuận hạt nhân Iran hay Tổ chức Y tế Thế giới…
Châu Âu đang rơi vào thế khó : Làm sao chọn được đường đi của riêng mình mà vẫn không làm phương Tây bị chia rẽ, điều chỉ có lợi cho Bắc Kinh ? làm sao bảo vệ lợi ích của mình mà vẫn không thờ ơ với số phận người Duy Ngô Nhĩ hay Hồng Kông ? Và cuối cùng là làm sao xác quyết toàn vẹn chủ quyền châu Âu một cách hài hòa? Thế nhưng cuộc họp tại Paris ngày 14/07 nói trên cho thấy « vấn đề Trung Quốc » đã trở thành trọng tâm dù châu Âu có muốn hay không, bài viết kết luận.
Đổ xô đến Sao Hỏa
Phần cuối mục điểm báo dành cho thông tin khoa học. L’Obs trong bài « mục tiêu Sao Hỏa » cố gắng giải mã các chương trình đi tới Sao Hỏa đang diễn ra tấp nập chưa từng thấy trong tháng này.
Ba chuyến thám hiểm quốc tế tới hành tinh đỏ đã diễn ra trong ít ngày vừa rồi. Trong đó tham vọng lớn nhất là dự án của Cơ quan Không gian Mỹ Nasa, hứa hẹn năm 2031 sẽ mang về trái đất những mẫu sự sống trên Sao Hỏa, tất nhiên là nếu tìm thấy. Tất cả các chuyến bay vừa khởi hành mới chỉ ở đoạn đầu của một hành trình dài nhiều tháng.
Ngoài dự án của châu Âu ExoMars đã bị hoãn lại đến năm 2022, trong tháng 7 này có ba chuyến bay không người lái cùng điểm đến là Sao Hỏa. Trước tiên đó là dự án Hope do Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất chi tiền, đã được phóng ngày 20/07. Tiếp đó đến dự án Trung Quốc và ngày 30 tháng 7 tới đến lượt dự án của Nasa mang tên Sao Hỏa 2020. Trong các chương trình nói trên, dự án của Mỹ được coi có tham vọng hơn cả, không chỉ hy vọng tìm ra và mang về các mẫu sự sống trên Sao Hỏa mà còn tình chuyện thương mại hóa các chuyến bay đến hành tinh đỏ.
Tin tổng hợp
(The New India Express) - Mỹ : Úc tham gia tập trận hải quân Malabar sẽ giúp bảo vệ lợi ích chung.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Steven Biegun ngày 23/07/2020 tuyên bố như trên trong bối cảnh Ấn Độ đang suy nghĩ về việc mời Úc tham gia tập trận thường niên Malabar lần tới với các nước Ấn, Mỹ và Nhật ở Ấn Độ Dương.
(Reuters) – Mỹ và Nga chuẩn bị thảo luận song phương về an ninh không gian.
Thông báo trên được một đại diện Mỹ hôm 24/07/2020 cho biết đây là đối thoại đầu tiên kể từ 2013. Có khả năng cuộc họp mở ra tại Vienna-Áo. Hoa Kỳ hy vọng phát triển những tiêu chuẩn về cách hành xử có trách nhiệm trong không gian.
(Taipei Times) – Chuyên gia Đài Loan cảnh báo nguy cơ xung đột cường độ nhẹ giữa Đài Loan và Trung Quốc.
Phát biểu trong một diễn đàn an ninh ngày 23/07/2020, trung tướng Chang Yen-ting, một cựu chỉ huy Không Quân Đài Loan đã nghỉ hưu nêu những điểm nóng có thể xảy ra xung đột vũ trang, căn cứ vào những hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc ở gần Đài Loan, gồm quần đảo Đông Sa (Dongsha, còn gọi là Pratas), đảo Thị Tứ (ở Biển Đông) hoặc hương Ô Khâu (Wuciou), thuộc huyện Kim Môn của Đài Loan. Những địa điểm này có một điểm chung là “dễ bị tấn công nhưng lại khó phòng thủ”.
(SCMP) – Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi Đức đừng để bị Mỹ gây sức ép.
Trong cuộc điện đàm với ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 24/07/2020, chỉ vài giờ sau khi ngoại trưởng Mỹ kêu gọi lập liên minh dân chủ chống đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Vương Nghị kêu gọi Berlin không tham gia vào trò gây sức ép của Mỹ để chống Trung Quốc. Về phía ngoại trưởng Đức, ông Maas nhấn mạnh đến đối thoại với Bắc Kinh về những vấn đề căng thẳng hiện nay.
(RFI) – Hậu Covid-19 : Kinh tế Pháp phục hồi nhanh hơn một số nước khác.
Theo nghiên cứu của Boston Consulting Group (BCG) công bố ngày 24/07/2020, kết quả này có được là nhờ vào sức tiêu thụ của các hộ gia đình, hiện ở mức tương đương với giai đoạn đầu dịch Covid-19. Tuy nhiên, thành tích này có thể bị tác động nếu dịch tái bùng phát. Nghiên cứu của BCG gồm 9 nước, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Brazil và Anh. Trong số này, Pháp là nước có hoạt động kinh tế thấp nhất trong thời gian phong tỏa.
(AFP) – Mỹ công bố ảnh cáo buộc Nga giao vũ khí cho Libya.
Ngày 24/07/2020, bộ Quốc Phòng Mỹ khẳng định, Matxcơva tiếp tục giao nhiều loại vũ khí cho quân nổi dậy Libya, như chiến đấu cơ, tên lửa phòng không, mìn và xe bọc thép. Những thiết bị quân sự này được vệ tinh chụp lại “trên nhiều mặt trận” tại Syrte và tại căn cứ không quân Al Khadim, ở phía đông Libya.
(RFI) - Cuba mở cửa hàng dành cho khách có ngoại tệ.
Biện pháp này được chính quyền Cuba triển khai từ đầu tuần để thu đồng đô la nhằm có ngoại tệ nhập khẩu hàng.Hàng hóa trong các cửa hàng này phong phú, đa dạng hơn và khách cũng không phải xếp hàng lâu như các cửa hàng bình thường. Những người có ngoại tệ thì hài lòng, những người khác thì cho là biện pháp của chính quyền càng làm tăng bất bình đẳng xã hội.
(RFI) - Cơ quan quản lý hàng không Hoa Kỳ (FAA) ra lệnh kiểm tra van động cơ 2.000 máy bay Boeing phải đậu ở mặt đất do dịch Covid-19.
Quyết định được đưa ra hôm 24/07/2020 sau khi phát hiện ra những máy bay Boeing 737 NG và Classic không vận hành ít nhất bảy ngày đã có những sự cố ở van động cơ. Tập đoàn Boeing cũng khuyến cáo van động cơ máy bay đậu trên mặt đất dài ngày hoặc ít được sử dụng hơn vì đại dịch Covid -19 có thể dễ bị ăn mòn.
(AFP) – Người dân nhiều nước giảm bớt ủng hộ cách xử lý dịch Covid-19 của chính phủ.
Nghiên cứu do văn phòng KekstCNC thực hiện tại 6 nước (Pháp, Anh, Đức, Mỹ, Thụy Điển và Nhật Bản) và được công bố ngày 25/07/2020. Chỉ có 35% người dân Anh được hỏi đánh giá tích cực hành động của chính phủ, giảm 3 điểm so với tháng Sáu; 44% người dân Mỹ bất bình về cách xử lý dịch (tăng thêm 4 điểm). Đa số người được điều tra ủng hộ biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang.
Điểm tin thế giới sáng 25/7:
Mỹ đột kích lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (25/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Mỹ đột kích lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston
Theo hãng tin Houston Chronicle, một nhóm quan chức của Mỹ đã vào bên trong lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston khoảng 16h40 ngày 24/7 theo giờ địa phương, chưa đầy 1 tiếng sau khi qua hạn chót buộc đóng cửa cơ sở ngoại giao này.
Một xe ô tô nhỏ được cho là chở quan chức ngoại giao của Mỹ cùng với một số người khác dừng bên ngoài lãnh sự quán. Ban đầu, họ tìm cách vào bên trong lãnh sự quán Trung Quốc qua 3 lối vào khác nhau nhưng không thành và buộc phải phá khóa cửa sau. Khoảng một giờ sau đó, các xe và lính cứu hỏa cũng có mặt bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc.
Hãng tin Houston Chronicle cho biết, trong ngày 24/7, các nhân viên ngoại giao của lãnh sự quán Trung Quốc đã chuyển đồ ra khỏi cơ sở ngoại giao này. Ngay trước thời hạn đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc, cảnh sát địa phương cũng đã lập các rào chắn xung quanh tòa nhà, phong tỏa các con đường gần đó.
Trước đó, vào hôm 21/7, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, buộc các nhân viên ngoại giao tại đây phải rời đi trong vòng 72h. Washington nói rằng, quyết định này là nhằm “bảo vệ sở hữu trí tuệ và thông tin bảo mật của người Mỹ”.
Úc gửi công hàm bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
“Chính phủ Úc bác bỏ tất cả yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), đặc biệt là những yêu sách trên biển không tuân thủ các quy tắc của công ước về đường cơ sở, các khu vực trên biển và việc phân loại thực thể”, nội dung trong công hàm của phái đoàn Úc tại Liên Hợp Quốc ngày 24/7 nêu rõ, theo Bloomberg.
Công hàm nhấn mạnh thêm: “Không có cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc vẽ các đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể trên biển hoặc nhóm đảo ở Biển Đông. Úc phản đối yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, quyền và lợi ích hàng hải ở Biển Đông”.
Động thái trên của Úc diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, gọi các yêu sách này là “phi pháp”.
Gần đây, Úc – một đồng minh của Mỹ – liên tục có những động thái cứng rắn với Trung Quốc, như việc kêu gọi điều tra nghi vấn Bắc Kinh giấu dịch Covid-19. (chi tiết)
FBI truy lùng “gián điệp quân sự” của Trung Quốc khắp nước Mỹ
Reuters đưa tin, thông qua hàng loạt cuộc thẩm vấn gần đây ở 25 thành phố của Mỹ, FBI cho biết họ đã phát hiện nhiều công dân Trung Quốc làm nghiên cứu khoa học ở Mỹ để “che giấu mối liên hệ thực sự” của họ với quân đội Trung Quốc nhằm “lợi dụng nước Mỹ và người dân Mỹ”.
Cũng theo Bộ Tư pháp Mỹ, 4 người trong số đó đã bị truy tố vì gian lận thị thực, trong đó 3 người đã bị bắt, 1 người được cho là đang “cố thủ” hơn 1 tháng qua trong lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố San Francisco.
Tháng trước, Giám đốc FBI Christopher Wray nói rằng, khoảng một nửa trong số gần 5.000 cuộc điều tra phản gián mà FBI đang tiến hành có liên quan đến Trung Quốc. Giới chuyên gia gọi đây là chiến dịch truy quét hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ lớn chưa từng có kể từ khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979.
EU nhất trí trừng phạt luật an ninh Hồng Kông
Reuters dẫn một dự thảo của EU cho biết, 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu EU ngày 24/7 đồng ý loạt biện pháp trừng phạt nhằm thể hiện sự “lo ngại sâu sắc” với luật an ninh Hồng Kông của Trung Quốc. Các biện pháp này bao gồm hạn chế thương mại và xem xét lại các thỏa thuận thị thực với đặc khu hành chính Hồng Kông.
Dự thảo cho biết, liên minh sẽ “xem xét kỹ lưỡng hơn và hạn chế xuất khẩu các thiết bị cùng công nghệ nhạy cảm có thể được sử dụng tại Hồng Kông”, đặc biệt nếu có cơ sở nghi ngờ chúng được sử dụng “trái mong muốn” trong hoạt động “trấn áp, ngăn chặn liên lạc nội bộ hoặc giám sát không gian mạng”. Đề xuất này dự kiến có hiệu lực từ ngày 28/7.
Trước đó, vào ngày 30/6, Trung Quốc đã ban hành luật an ninh Hồng Kông, trong đó hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người Hồng Kông vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các “trường hợp nghiêm trọng” thuộc về chính quyền trung ương ở Trung Quốc đại lục.
Trên 40 nước tố cáo Triều Tiên vi phạm chế tài Liên hiệp quốc
Theo Reuters, hơn 40 nước vào ngày 24/7 đã khiếu nại Triều Tiên vi phạm mức trần của Liên hiệp quốc về nhập cảng dầu tinh chế.
Trước đó, vào tháng 12/2017, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc gồm 15 thành viên đã áp mức trần tối đa hàng năm cho Triều Tiên là 500.000 thùng nhằm cắt nguồn nguyên liệu cho chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn đạo của nước này.
Trong khiếu nại lên ủy ban chế tài Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, 43 nước, trong đó có Mỹ, Anh và Pháp, nói họ ước tính trong 5 tháng đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã nhập khẩu hơn 1,6 triệu thùng dầu tinh chế qua 56 chuyến tàu chở dầu bất hợp pháp.
Các nước yêu cầu ủy ban chế tài của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc có quyết định chính thức rằng Triều Tiên đã vượt quá mức giới hạn và “thông báo cho các nước thành viên phải ngưng ngay việc bán, cung cấp, hay chuyển các sản phẩm dầu tinh chế cho Triều Tiên trong những tháng còn lại trong năm nay”.
Điểm tin thế giới tối 25/7:
Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật ở vịnh Bắc Bộ
Quý Khải
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Bảy (25/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật ở vịnh Bắc Bộ
Quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài 9 ngày ở ngoài khơi bờ biển phía nam nước này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ, theo tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng (SCMP).
Cụ thể, lực lượng không quân của Bộ Tư lệnh Quân đội miền Nam Trung Quốc cho biết trong một thông báo hôm thứ Sáu (24/7) rằng “các cuộc tập trận bắn đạn thật” sẽ được tiến hành ở phía tây bán đảo Lôi Châu. Bán đảo Lôi Châu nằm ở cực nam tỉnh Quảng Đông, phía tây hướng ra vịnh Bắc bộ và phía đông hướng ra Biển Đông.
Cuộc tập trận sẽ được phân thành hai giai đoạn, giai đoạn đầu từ hôm nay đến Thứ Hai (27/7), giai đoạn hai từ Thứ Ba (28/7) đến Chủ Nhật (2/8), theo thông báo của Cục Hải sự Bắc Hải. (chi tiết)
Úc chỉ trích ‘hành vi cưỡng chế’ của Trung Quốc
Úc đã chỉ trích các “hành vi cưỡng chế” của Bắc Kinh ở Biển Đông và “luật an ninh quốc gia” áp đặt lên Hồng Kông trước thềm các cuộc đàm phán an ninh ở Mỹ vào tuần tới, theo tờ News.com.au.
Trên tờ The Weekend Australian, Ngoại trưởng Úc Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynold đã khẳng định sự hợp tác mạnh mẽ hơn với Mỹ về vấn đề Trung Quốc
Hai vị bộ trưởng nhận định đại dịch Covid-19 đang làm trầm trọng thêm các thách thức chiến lược khó khăn nhất từng được chứng kiến trong nhiều thế hệ.
“Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, biến động kinh tế và một chính quyền độc tài đang trỗi dậy muốn thâu thập quyền lực và sức ảnh hưởng với cái giá phải trả là các quyền tự do và chủ quyền của chúng tôi”, hai vị bộ trưởng viết.
Động thái trên xuất hiện trong bối cảnh Úc chính thức bác bỏ tất cả yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc nhắc Đức không “theo chân” Mỹ
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã yêu cầu Đức không chọn phe trong căng thẳng Mỹ-Trung, chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích Berlin “vì không đứng lên đòi tự do cho Hồng Kông”, theo SCMP.
Thông điệp của ông Vương diễn ra một ngày sau khi ông Pompeo có bài phát biểu lên án Trung Quốc trên nhiều phương diện, đồng thời kêu gọi các quốc gia dân chủ thành lập một liên minh chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhà Trắng cảnh báo Trung Quốc ngừng trò “ăn miếng trả miếng”
Nhà Trắng hôm thứ Sáu kêu gọi Trung Quốc ngừng hành vi “trả đũa ăn miếng trả miếng” khi ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô để đáp trả vụ Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Bắc Kinh ở Houston, theo Reuters.
“Hành vi đóng Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là để bảo vệ tài sản trí tuệ và thông tin cá nhân của người dân Mỹ. Chúng tôi kêu gọi ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) chấm dứt những hành động xấu thay vì tìm cách trả đũa theo kiểu ăn miếng trả miếng”, John Ullyot, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói.
Người đàn ông Singapore nhận tội làm gián điệp cho Trung Quốc tại Mỹ
Hôm thứ Sáu tại một tòa án liên bang Mỹ, một người đàn ông Singapore tên Jun Wei Yeo, còn gọi là Dickson Yeo, đã nhận tội làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc trong giai đoạn 2015-19, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố, theo BBC News.
Trong lời thú tội của mình, anh này thừa nhận đã tiếp cận những nhân viên Mỹ có khả năng tiếp cận thông tin mật của quân đội và chính phủ, và dùng tiền để moi được những thông tin này.
Yeo thường khai thác điểm yếu của những người này như không hài lòng với công việc hoặc khó khăn tài chính. Yeo sẽ bảo nạn nhân rằng các báo cáo sẽ được gửi cho khách hàng ở châu Á nhưng thực tế là cho chính quyền Trung Quốc.
Yeo đã bị bắt khi bay sang Mỹ hồi năm 2019.
Ấn Độ ký thỏa thuận quốc phòng với Israel trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc
Ấn Độ và Israel đã tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác quân sự thông qua mua bán thiết bị quốc phòng trọng yếu. Thông báo này của phía Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh xảy ra cuộc xung đột biên giới với Trung Quốc, theo EurAsian Times.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã tổ chức một cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel là ông Benjamin Gantz, trong đó trọng tâm là việc tăng cường quan hệ quốc phòng song phương.
Bộ trưởng Singh đã cập nhật cho Bộ trưởng Gantz về tình hình dọc theo Đường kiểm soát thực tế đang trong tình trạng xung đột ở Ladakh tại khu vực biên giới Ấn-Trung.