Tác giả: Thành Nguyễn |
Nguồn: VnExpress |
Ngày đăng: 2019-01-11 |
Trump muốn một nước Mỹ "kín cổng cao tường" bằng bức tường 5 tỷ USD, còn các đối thủ muốn đất nước rộng mở và hướng tới tương lai.
Trump xem xét các mẫu tường biên giới ở California tháng 7/2018. Ảnh: AP.
Nhìn bề ngoài, cuộc chiến khiến chính phủ Mỹ bị đóng cửa trong gần ba tuần qua đều liên quan đến những tranh cãi quanh dự án xây dựng bức tường biên giới 5 tỷ USD mà Tổng thống Donald Trump từng đưa ra khi tranh cử. Nhưng nhiều chuyên gia phân tích cho rằng về bản chất, đây là cuộc đối đầu giữa hai ý niệm hoàn toàn khác nhau về bản sắc của nước Mỹ hiện nay, theo
Dallas News.
Bình luận viên Carl P. Leubsdorf cho rằng ý tưởng xây bức tường biên giới với Mexico của Trump là minh chứng cho khẩu hiệu "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", câu nói thể hiện niềm tin trước sau như một của Trump rằng nước Mỹ hiện nay là một "thảm họa", hay theo ngôn từ trong diễn văn nhậm chức của ông là "sự giết chóc". Trump muốn đưa nước Mỹ trở lại thời kỳ trước, bằng cách ngăn trở, trục xuất hoặc hạn chế những người ông cho là đã làm thay đổi đất nước này.
Với tâm niệm đó, Trump không chỉ muốn dựng lên bức tường bê tông hay rào thép để ngăn cản dòng người di cư bất hợp pháp từ Nam Mỹ. Ông còn tạo ra các rào cản pháp lý để ngăn những người nhập cư hợp pháp, phần lớn đến từ châu Á, trong khi kêu gọi tăng lượng người nhập cư da trắng đến từ châu Âu, chẳng hạn như Na Uy.
Trong khi đó, các đối thủ của Trump, chủ yếu là những nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện và Thượng viện, lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược về nước Mỹ. Họ cho rằng "những ngày xưa thân ái" mà Trump thường nhắc tới không hẳn tốt đẹp cho đại bộ phận người Mỹ, đặc biệt là những người da màu và các cộng đồng sắc tộc, tôn giáo thiểu số. Những người theo quan điểm này muốn giữ cánh cửa tới nước Mỹ luôn rộng mở và hướng tới tương lai, thay vì nuối tiếc quá khứ.
Niềm tin của họ xuất phát từ câu nói nổi tiếng của cựu tổng thống Ronald Reagan rằng "Những ngày tươi đẹp nhất của nước Mỹ đang ở phía trước" và những hành động thực tiễn của cựu tổng thống Barack Obama trong việc bảo vệ và thúc đẩy các nhóm nhập cư cũng như thiểu số. Họ cho rằng bức tường biên giới của Trump vừa là trở ngại về vật lý, vừa là hành động phi đạo đức không thể chấp nhận được. Nancy Pelosi, tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ, gọi đây là thứ "vô đạo đức", "không phải là nước Mỹ như một quốc gia".
Trump bắt đầu ra mặt đối đầu với lập trường này từ tháng 6/2015, khi ông tuyên bố ra tranh cử tổng thống và cam kết "xây một bức tường siêu vĩ đại ở biên giới phía nam" để ngăn chặn "những kẻ khủng bố, hiếp dâm và buôn lậu ma túy từ Mexico cũng như nhiều nơi khác". "Và tôi sẽ buộc Mexico phải chi tiền cho bức tường", ông nói thêm.
Ý tưởng buộc Mexico phải chi tiền xây tường đã phá sản từ lâu, dù Trump tuyên bố rằng việc thu nhập của người Mỹ tăng lên nhờ hiệp định thương mại mới ký với Canada và Mexico đồng nghĩa với việc Mexico ít nhất đã "trả tiền gián tiếp cho bức tường".
Trong bài phát biểu trên sóng truyền hình trực tiếp từ Phòng Bầu dục hôm 8/1, Trump tìm cách tái định nghĩa bức tường, cho rằng đây không phải là một hàng rào mà là giải pháp để xử lý "cuộc khủng hoảng nhân đạo" ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ gốc Phi, gốc Mexico, phụ nữ và trẻ em. Ông khẳng định cuộc khủng hoảng này không phải do mình gây ra, mà xuất phát từ "các chuyên gia hành pháp".
Một cậu bé Mexico nhìn qua hàng rào biên giới với Mỹ năm 2016. Ảnh: AFP.
Nhưng với Trump, bức tường vẫn là giải pháp mang tính biểu tượng để giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp và ông vẫn muốn dựng rào thép để xử lý vấn đề này, dù người vượt biên bất hợp pháp không phải nguồn nhập cư trái phép duy nhất ở Mỹ. Nghiên cứu của Trung tâm Pew cho thấy lượng người đến Mỹ bằng visa hợp pháp sau đó trốn ở lại còn cao hơn rất nhiều so với người vượt biên từ Mexico.
Dù vậy, Trump vẫn khước từ mọi thỏa hiệp để giải quyết những vấn đề nhập cư cấp bách và phức tạp, khăng khăng đòi xây bức tường biên giới để thực thi chính sách "rào kín nước Mỹ" của mình. Trong cuộc thảo luận với các lãnh đạo đảng Dân chủ ở Nhà Trắng hôm qua, Trump đùng đùng nổi giận bỏ ra ngoài khi đối thủ không chấp nhận ý tưởng xây tường của ông. Tổng thống Mỹ sau đó gọi cuộc thảo luận này là "hoàn toàn phí thời gian".
Trong hai năm cầm quyền đầu tiên của Trump, nước Mỹ trong mắt cộng đồng quốc tế trở thành một quốc gia "không khoan nhượng" với người nhập cư, khi ngăn cấm công dân một số nước Hồi giáo nhập cảnh và tìm mọi cách cắt giảm số người đến Mỹ, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Những sắc lệnh hành pháp của Trump từng gây rối loạn ở các sân bay Mỹ và làm dấy lên phản ứng quyết liệt từ dư luận.
Các thẩm phán liên bang Mỹ đã phải nhiều lần can thiệp vào các sắc lệnh này của Trump. Họ yêu cầu chính quyền không hủy bỏ chương trình DACA bảo vệ khoảng 800.000 trẻ em được bố mẹ đưa tới Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ, hay chặn sắc lệnh trục xuất 300.000 người tới Mỹ tị nạn do thiên tai, xung đột vũ trang và các mối đe dọa ở El Salvador, Haiti, Nicaragua và Sudan. Các thẩm phán cho rằng chính sách này phản ánh "thái độ chống lại người nhập cư không phải da trắng, không có nguồn gốc châu Âu, vi phạm quy định về quyền bình đẳng trong hiến pháp".
Nhiều người nhập cư hợp pháp đến Mỹ cũng bị chính quyền Trump hạn chế cấp quốc tịch hoặc thẻ thường trú (thẻ xanh) nếu họ hưởng các phúc lợi như bảo hiểm y tế Mediaid, phiếu ăn hay nhà ở xã hội. Phần lớn trong số 12,6 triệu người được cấp thẻ xanh ở Mỹ đến từ các nước như Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Cộng hòa Dominica.
Không chỉ ngăn cản dòng người tới Mỹ từ bên ngoài, chính quyền Trump còn tìm cách giảm bớt những chính sách bảo vệ với các cộng đồng thiểu số trong nước, từ quyền bầu cử của người da màu cho tới quyền nhập ngũ của những người chuyển giới.
Bình luận viên Leubsdorf cho rằng tình trạng bế tắc của nước Mỹ hiện nay rồi cũng phải đến hồi kết thúc, nhiều khả năng là khi Trump áp dụng quyền hành pháp để buộc quốc hội phải chi tiền cho dự án xây tường biên giới, trong khi miễn cưỡng chấp nhận một số điều khoản để mở cửa chính phủ trở lại. Nhưng trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020, cử tri Mỹ sẽ phải đối mặt với câu hỏi lớn: Họ muốn nước Mỹ "kín cổng cao tường", hay một quốc gia "hướng về phía trước"?
Thành Nguyễn
-----------
Trump nổi giận, bỏ về giữa cuộc họp với phe Dân chủ về tường biên giới
Tác giả: Phương Vũ |
Nguồn: VnExpress |
Ngày đăng: 2019-01-11 |
Phe Dân chủ nói rằng Trump đập bàn rồi bỏ về trong khi phe ủng hộ Tổng thống chỉ trích đối phương thiếu thiện chí đàm phán.
Tổng thống Mỹ Trump tại tòa nhà quốc hội Mỹ ngày 9/1. Ảnh: AFP.
"
Thật là phí thời gian", Trump ngày 9/1 viết trên Twitter về cuộc gặp tại Nhà Trắng với các lãnh đạo quốc hội hàng đầu của phe Dân chủ. "
Tôi nói tạm biệt, không có gì được việc cả!".
Chuck Schumer, quan chức đảng Dân chủ hàng đầu tại Thượng viện, nói với các nhà báo rằng Trump "đập bàn" sau đó "đứng dậy và bỏ về". "Một lần nữa, chúng ta thấy ông ấy nổi cơn giận dữ vì mọi chuyện không đúng ý mình", Schumer nói, theo AFP.
Tuy nhiên, những người ủng hộ Trump trong cuộc họp đổ lỗi cho phe Dân chủ. Theo Kevin McCarthy, quan chức đảng Cộng hòa tại Hạ viện, Tổng thống đã hỏi các lãnh đạo đảng Dân chủ liệu họ có đồng ý tài trợ cho dự án xây tường biên giới của ông để đổi lấy việc chấm dứt đóng cửa chính phủ hay không.
Chủ tịch phe Dân chủ của Hạ viện Nancy Pelosi "giơ tay và nói không, không đời nào", McCarthy kể. "Chúng ta một lần nữa thấy các lãnh đạo phe Dân chủ không có thiện chí đàm phán", Phó tổng thống Mỹ Mike Pence nói. "Tôi không nhớ là Tổng thống có lớn tiếng hay đập tay xuống bàn" trong cuộc họp.
Trump muốn quốc hội thông qua ngân sách 5,7 tỷ USD để xây tường ở biên giới với Mexico - điều ông nói là cần thiết để ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp nguy hiểm, những kẻ buôn ma túy và buôn lậu từ nước láng giềng.
Mâu thuẫn giữa chính quyền Trump và quốc hội về ngân sách xây bức tường đã khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa từ ngày 22/12. Đảng Dân chủ cho rằng bức tường sẽ có ít tác động thực sự đến vấn đề biên giới và thay vào đó, cách tiếp cận cứng rắn của Trump sẽ tạo ra khủng hoảng nhân đạo cho những người di cư dễ bị tổn thương.
Phương Vũ