Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 08/09/2020

Tuesday, September 8, 2020 // ,
Đọc báo Pháp – 08/09/2020

Căng thẳng Washington- Bắc Kinh ngày càng phức tạp trước bầu cử Tổng thống Mỹ – Anh Vũ

Quan hệ Mỹ – Trung với «những rối ren đầy nguy hiểm» trong lúc cuộc chạy đua vào Nhà Trắng bước vào chặng cuối quyết liệt, Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Erdogan cùng những tham vọng thành thế lực lớn trong khu vực Địa Trung Hải, nước Anh với Liên Hiệp Châu Âu vẫn nhùng nhằng chưa thể chia tay êm đẹp…. Đó là những chủ đề chiếm trang nhất các tờ báo chính của Pháp ra hôm nay 08/09/2020.
Trước hết đến với nhật báo Le Figaro. Quan hệ căng thẳng Mỹ- Trung  là sự kiện chính của tờ báo với hàng tựa lớn trang nhất: «Những rối ren nguy hiểm giữa Bắc Kinh và Washington».
«Chưa bao giờ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979, Hoa Kỳ và Trung Quốc lại lao vào một cuộc đọ sức căng thẳng như lúc này», Le Figaro nhận định. Nhất là vào thời điểm cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ đang bước vào hồi quyết định khi mà cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đều đua nhau chứng tỏ quan điểm cứng rắn với chế độ Bắc Kinh.
Tờ báo nhắc lại các quan hệ Trung-Mỹ gần đây: «Sau các màn khẩu chiến là liên tiếp các trừng phạt ngoại giao vì các hồ sơ Hồng Kông, Tân Cương. Trên mặt trận kinh tế thì chưa hết Hoa Vi, đã chuyển sang TikTok. Cùng lúc, Hải Quân và Không Quân hai nước thi nhau biểu dương sức mạnh trên Biển Đông, trong eo biển Đài Loan. Hòn đảo ly khai mà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thề sẽ thu hồi, giờ được Mỹ công khai bảo vệ, đang thành tâm điểm mới của cuộc đối đầu giữa hai cường quốc của thế giới».
Trong bài báo «Giữa Washington và Bắc Kinh, xích mích liên tục tiếp nối», nhật báo Pháp điểm lại những căng thẳng leo thang ở cả hai phía Mỹ và Trung Quốc trên mọi mặt trận. Những động thái như vậy tiềm ẩn những rủi ro đẩy thế giới vào một cuộc xung đột lớn. Tờ báo dẫn phát biểu của ngoại trưởng
Mỹ hôm 12/08 vừa qua tại Praha, báo động về một cuộc thập tự chinh ý thức hệ mới: « Chúng ta đang đối mặt với cuộc chiến tranh lạnh 2.0. Và mối đe dọa của đảng Cộng Sản Trung Quốc khó kiềm chế hơn so với Liên Xô (trước đây) nhất là mối đe dọa đó xen vào kinh tế, chính trị và xã hội của chúng ta ».
Le Figaro ghi nhận, về phía Trung Quốc, « Ngoài khơi, trên bầu trời, quân đội liên tiếp mở tập trận, đặc biệt trong vùng kênh Ba Sĩ, ở phía nam Đài Loan và trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền tới 90% diện tích, bất chấp các quy định của Liên Hiệp Quốc và phán quyết năm 2016 của tòa án quốc tế La Haye.  Từ tháng 7, Washington chính thức đứng về phía các nước trong vùng cũng đòi chủ quyền trong vùng biển chiến lược này, như Việt Nam, Philippines hay Malaysia. Hải Quân Mỹ  liên tiếp tiến hành các cuộc tuần tra. Hồi tháng 7, Mỹ còn cùng lúc điều 2 tàu sân bay tham gia. Đáp lại Hải Quân Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận ở quần đảo Hoàng Sa, nơi họ đã dùng vũ lực chiếm từ 1974 ».
Các hành động phô trương sức mạnh giữa hai nước tiếp tục leo thang khiến một số dư luận lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột trong những tuần trước bầu cử tổng thống Mỹ này. Tuy nhiên theo các nhà phân tích thì « xung đột quân sự là không thể xảy ra vì cả hai phe đều không muốn chiến tranh », nhất là tổng thống Donald Trump từ khi vào Nhà Trắng không bao giờ tỏ ra thích thú với các cuộc phiêu lưu quân sự.  Bản thân Bắc Kinh sau đại dịch đang muốn băng bó lại vết thương nên cần ưu tiên cho kinh tế.
Nhưng theo xã luận của Le Figaro, điều đáng lo ngại nhất là trong giai đoạn bầu cử Mỹ này, « khi mà tổng thống mãn nhiệm đang gặp khó khăn trên mặt trận chống dịch Covid và kinh tế, ông ta sẽ không mất gì nhiều khi lấy Trung Quốc làm khẩu hiệu tranh cử, thì mọi hành vi không kiểm soát được đều có nguy cơ dẫn đến hậu quả không lường trước được ».  Xã luận tờ báo kết luận : « Phần còn lại của thế giới có thể cầu nguyện để những tuần lễ này, hai cường quốc hàng đầu thế giới duy trì các kênh trao đổi về khủng hoảng. Trong trường hợp cần. »
Trung Quốc: Tư tưởng bá quyền cả trong môi trường
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, chuyển qua trang báo Le Monde. Tờ báo có bài phóng sự dài đề cập đến một nước Trung Quốc lấn lướt các quốc gia láng giềng, trên cả vấn đề môi trường. Bài viết của tác giả Bruno Philip có tựa đề : « Mêkông cạn khô vì các con đập »
Bài phóng sự đưa độc giả đến các địa phương nằm dọc bên sông Mêkông ở Thái Lan để cho thấy một thực tế đã xảy ra từ lâu nay, nhưng giờ đang thêm trầm trọng hơn: Đó là vô số các đập thủy điện xây dựng ở Trung Quốc và Lào đang làm đảo lộn lưu lượng dòng chảy của con sông, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân ở hạ lưu Mêkông.
Bài báo nhắc lại là ở hạ lưu sông Mêkông, các nước Thái Lan, Cam Bốt, Miến Điện, Lào và Việt Nam, năm 2019, đã bị hạn hán tồi tệ nhất trong bốn chục năm qua. Thủ phạm số 1 được đa số các chuyên gia chỉ ra không phải là biến đổi khí hậu mà là Trung Quốc.
Từ đầu thế kỷ này, khi đã có kinh tế khá giả, Trung Quốc đã xây không dưới 11 đập trên sông Mê Kông để trị thủy, sản xuất điện năng cho riêng họ, không cần biết hậu quả về môi trường sinh thái ra sao đối với các nước ở hạ lưu của con sông lớn thứ 4 châu Á này.  Thêm vào đó, Lào một quốc gia nhỏ bé, đang trở nên lệ thuộc ngày càng nhiều vào đế chế phương bắc, cũng đang theo chân Trung Quốc làm trầm trọng thêm tình hình và khiến người Thái rất phẫn nộ vì cuộc sống 1/3 dân Thái phụ thuộc vào dòng sông này, bị đe dọa nghiêm trọng.
Bài viết nhắc lại, hồi cuối năm 2019, Lào đã khánh thành đập thủy điện chắn ngang sông Mê Kông, tại tỉnh Xayaburi. Con đập cao 32 mét, có khả năng sản xuất 1.285 megawatts điện/năm, chủ yếu để xuất khẩu sang Thái Lan và công trình cũng do tập đoàn của Thái Lan CK Power thi công.
Tác giả cho biết một báo cáo của các tổ chức bảo vệ môi trường Thái Lan, công bố hồi tháng 4 năm nay, cho biết năm 2019 Trung Quốc đã giữ một lượng nước khổng lồ sau những con đập của họ trên sông Mêkông, không cần biết họ đang gây hạn hán phía hạ lưu sông. Trung Quốc cãi là họ cũng bị hạn hán, nhưng các chuyên gia đã chỉ rõ như thế là dối trá vì các dữ liệu chụp từ vệ tinh cho thấy trong khi vùng cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc ứ đầy nước thì phía Cam Bốt, Thái Lan, Việt Nam cạn khô. Các nước bên dòng sông Mêkông đã kêu gọi Trung Quốc « hợp tác » điều chỉnh lưu lượng dòng chảy sông bằng cách « xả đập nhiều vào mùa khô và xả ít vào mùa mưa, nhưng theo báo Bangkok Post, thì Trung Quốc làm ngược lại ».
Bài báo khẳng định: « Sự thờ ơ của Trung Quốc trước số phận của những láng giềng bé nhỏ không chỉ gây ra hạn hán mà còn cả lụt lội, khi mà chuyện đóng mở van đập nước là việc làm theo ý của họ… »
Bài báo dẫn lời giáo sư Santiprop Siriwattanaphaiboom về môi trường tại đại học Udon Thani ở đông bắc Thái Lan nói : « Lượng nước sông Mêkông chỉ có 18% ở Trung Quốc. Tính về khối lượng thì Thái Lan và Lào là nước chiếm nhiều hơn cả. Là những nước liên quan hàng đầu, chúng tôi có quyền đặt câu hỏi: Người Trung Quốc muốn gì. Sử dụng tiềm năng thiên nhiên, ở đây là thủy điện, để tăng cường quyền lực chính trị của họ chăng? Hay đó cũng là chiến lược để bảo đảm kiểm soát dòng sông, trên phương diện giao thông, thương mại, ngay cả ở hạ lưu? Họ có cái nhìn rất hẹp hòi, không thấy sự kết nối giữa hệ sinh thái, cuộc sống người dân bên bờ sông, thiên nhiên và môi trường ».
Tham vọng vô độ của Erdogan
Chuyển qua một căng thẳng địa chính trị khác đang diễn ra trong khu vực Địa Trung Hải, giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước trong vùng và rộng hơn là với phương Tây.
Trang nhất của nhật báo Công Giáo La Croix chạy tựa lớn: « Điều mà Erdogan tìm kiếm » cùng nhận định: « Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không còn trông cậy vào các đồng minh phương Tây nữa để đẩy mạnh lợi ích của nước mình ». Trong bài viết « Tham vọng vô độ của Erdogan »,  La Croix điểm lại các sự kiện diễn ra từ khi ông Tayip Recep Erdogan lên cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 17 năm qua, cho thấy là trong các hồ các hồ sơ Lybia, cũng như về an ninh hay tranh giành nguồn khí đốt ở đông Địa Trung Hải, giờ đây tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không còn sợ gây căng thẳng với các nước châu Âu, trong đó có Pháp. Vài năm gần đây, chính quyền của ông Erdogan, đang hướng về châu Phi để gia tăng ảnh hưởng khu vực, sau Libya giờ đến Senegal.
Theo La Croix, Hồi Giáo, quá khứ hoàng kim của thời đế chế Ottoman, đồng thời khai thác những điểm yếu cũng như sự chia rẽ của phương Tây, là những yếu tố thuận lợi được Erdogan sử dụng phục vụ cho tham vọng bành trướng, đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành cường quốc khu vực.
Bầu cử tổng thống Mỹ, đua nước rút trong vài bang quyết định
Về thời sự Mỹ, chỉ còn hơn một tháng nữa đến ngày bầu cử tổng thống 3/11. Báo Le Monde ghi nhận : Cho dù ứng cử viên đảng Dân Chủ Joe Biden đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận ở trong nước, một lần nữa cuộc bầu cử lần này sẽ vẫn chỉ quyết định ở một số bang chủ chốt và chưa có gì chắc chắn. Trong khi đó tổng thống Donald Trump cũng như đối thủ, đang tập trung tất cả vào một vài bang, chủ yếu ở phía đông bắc nước Mỹ, có thể làm thay đổi cán cân bầu cử. Trong bối cảnh như vậy hình ảnh một nước Mỹ chia rẽ lại càng nổi rõ, đặc biệt ở bang Florida qua bài phóng sự: Hai bang Florida cho một kỳ bầu cử tổng thống.
Brexit đầu xuôi đuôi chưa lọt
Nhật báo Libération cho biết, hôm nay, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu bước vào vòng đàm phán thứ 8 tại Luân Đôn để tìm ra thỏa thuận cho mối quan hệ trong tương lại, hậu Brexit. Cả Luân Đôn và Bruxelles đều tỏ cho thấy hai bên không có hy vọng gì để đạt được một thỏa thuận tự do thương mại trước ngày kết thúc thời kỳ chuyển tiếp Brexit vào 31/12 tới. Vòng đàm phán tới dự kiến vào ngày 28/09, trước khi Hội Đồng Châu Âu họp ngày 15 và 16/10 để quyết định có hay không thỏa thuận.
Trong khi đó, trong những ngày qua, thủ tướng Boris Johnson liên tiếp có các tuyên bố gây sức ép, dọa Anh sẽ bỏ qua các cam kết rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu ký hồi thàng 10/2019. Viễn cảnh Brexit không thỏa thuận đang trở lại. Đây là điều sẽ gây thiệt hại cho nước Anh nhiều hơn là châu Âu, theo Libération.

Tin tổng hợp
(Reuters) – Đài Loan kêu gọi liên minh chống các hành động “hiếu chiến” giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc.
Phát biểu ngày 08/09/2020 tại một diễn đàn ở Đài Bắc có sư tham dự của nhiều quan chức an ninh Đài Loan và nhà ngoại giao phương Tây, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn khẳng định rằng Đài Loan đang đi đầu trong việc bảo vệ tự do, bảo vệ nền dân chủ khỏi các hành vi “hiếu chiến độc đoán”. Bà còn nhấn mạnh rằng việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực cần có những nỗ lực mang tính phối hợp giữa các nước.
(AFP) – Miến Điện: Vận động tranh cử cho Quốc Hội mới khai mạc.
Cuộc vận động chính thức khai mạc vào hôm nay, 08/09/2020, với 97 đảng tham gia, trong đó có đảng của bà Aung Sann Suu Kyi là Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ. Theo giới quan sát  trong cuộc bỏ phiếu diễn ra vào tháng 11 này, đảng này sẽ lại thắng, vì nếu bà Aung Sann Su Kyi bị quốc tế chỉ trích về vấn đề người Rohingya, thì phần đông dân chúng Miến Điện lại rất mến mộ bà.
(Kyodo) – Thủ tướng Abe đề xuất với tổng thống Duterte tăng cường mối quan hệ Nhật Bản-Philippines.
Trong cuộc điện đàm ngày 07/09/2020, tổng thống Philippines cũng tỏ lòng biết ơn với ông Shinzo Abe, người sắp rời cương vị thủ tướng Nhật Bản vì lý do sức khỏe. Hai nhà lãnh đạo nhất trì tiếp tục hợp tác song phương chặt chẽ hơn để bảo đảm cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở.
(CNN) – Lo bị bắt, hai nhà báo Úc rời Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ song phương xấu đi.
Theo thông báo của hai tòa soạn, nhà báo Bille Birtles, thông tín viên tại Bắc Kinh của ABC và Michael Smith, thông tín viên tại Thượng Hải của Australian Financial Review (AFR), được nhân viên ngoại giao Úc tháp tùng, đã về đến Sydney sáng 08/09/2020. Trước đó, hai nhà báo Úc phải ẩn náu trong cơ quan đại diện ngoại giao Úc sau khi bị cảnh sát Trung Quốc đến “thăm”. Ngày 14/08, Cheng Lei, một nữ nhà báo Úc gốc Hoa, làm việc cho đài CGTN, bị bắt vì nghi ngờ “có hành vi phạm tội đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc”, theo giải thích của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc trong buổi họp báo ngày 08/09.
(AFP) – Vụ ám sát Jamal Khashoggi: Bản án cuối cùng hủy 5 án tử hình. 
Thay vào đó, “năm bị cáo bị kết án 20 năm tù và 3 bị cáo khác lĩnh án từ 7 đến 10 năm tù”. Bản án cuối cùng đã được một tòa án Ả Rập Xê Út tuyên vào ngày 07/09/2020. Trước đó, vào tháng 05/2020, con trai của Jamal Khashoggi tuyên bố “đã tha thứ” cho những kẻ sát hại dã man nhà báo đối lập trong lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
(Reuters) – Lãnh đạo Hồng Kông: 12 người Hồng Kông, vượt biển sang Đài Loan bị bắt, sẽ bị xét xử tại Hoa lục
Trưởng đặc khu Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, hôm nay 08/09/2020, thông báo tin trên. 12 người Hồng Kông, bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ hôm 23/08, ngoài khơi tỉnh Quảng Đông,  được truyền thông địa phương cho biết, đang tìm cách trốn sang Đài Loan « xin tị nạn chính trị ». Luật sư của một nhóm trong số 12 người bị bắt đã không có quyền tiếp xúc thân chủ của họ. Bà Lâm từ chối không trả lời câu hỏi của phóng viên về chủ đề này.
(AFP) – Liên Âu : Ô nhiễm là nguyên nhân của 13% số tử vong. 
Theo  thống kê của Cơ Quan Môi Trường Châu Âu (AEE), 630.000 người chết trong năm 2012 có nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp do môi trường bị ô nhiễm. Một số điểm tích cực về môi trường châu Âu trong nghiên cứu trên là chất lượng nước ở các bãi biển, hay nước ngầm (hơn 85% điểm bơi lội và 74% mạch nước ngầm có chất lượng tốt).

Điểm tin thế giới sáng 8/9:

Ông Trump tái đề cập việc hủy quan hệ với Trung Quốc;

Nhà lãnh đạo đối lập Nga thoát khỏi hôn mê

Lục Du
Sáng nay, thứ Ba (8/9), mục Điểm tin thế giới của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ông Trump tái đề cập việc hủy quan hệ với Trung Quốc
Reuters đưa tin, Tổng thống Trump hôm thứ Hai (7/9) đã đề cập trở lại ý tưởng cắt đứt mối quan hệ giữa hai nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc, nói rằng Mỹ sẽ không chịu thiệt hại sau việc này.
“Bạn đề cập đến từ tách rời (decouple), đó là một từ thú vị”, ông Trump nói trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng sau khi cho biết ông sẽ mang việc làm từ Trung Quốc trở lại nước Mỹ.
“Chúng ta đã mất hàng tỷ đô la và nếu chúng ta không làm ăn với họ, chúng ta sẽ không mất hàng tỷ đô la. Nó được gọi là tách rời, vì vậy bạn sẽ bắt đầu suy nghĩ về nó”, ông Trump nói.
Ông Trump nói thêm: “Chúng tôi sẽ đưa việc làm từ Trung Quốc trở lại Hoa Kỳ và chúng tôi sẽ áp thuế đối với các công ty rời Mỹ để tạo việc làm cho Trung Quốc và các nước khác”.
Nhà lãnh đạo đối lập Nga thoát khỏi hôn mê
Nhà lãnh đạo đối lập điện Kremlin, Alexei Navalny, đã vượt qua tình trạng hôn mê và bắt đầu có các phản ứng, bệnh viện ở Đức điều trị cho ông thông báo hôm thứ Hai (7/9), theo Fox News.
Bệnh viện Charite ở Berlin cho biết tình trạng của ông Navalny đã được cải thiện và ông đã có thể phản ứng với những câu hỏi, nhưng “hậu quả lâu dài của vụ ngộ độc nghiêm trọng có thể sẽ không được loại trừ”.
Chính phủ Đức hôm 3/9 thông báo rằng các xét nghiệm được thực hiện trên các mẫu lấy từ cơ thể ông Navalny cho thấy kết quả dương tính với sự hiện diện của chất độc thần kinh Novichok.
Novichok, có nghĩa là “lính mới” trong tiếng Nga, ám chỉ một nhóm chất độc thần kinh do Liên Xô phát triển trong những năm 1970 và 1980 với mật danh Foliant. Một số biến thể của chất này được ước tính là độc hơn chất độc thần kinh VX (được dùng trong vụ ám sát Kim Jong Nam, anh trai của Kim Jong Un, năm 2017) từ 5 đến 8 lần, BBC đưa tin.
WHO đang phê duyệt vắc xin Covid Trung Quốc
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang làm việc với Bắc Kinh về yêu cầu cấp chứng nhận quốc tế đối với bất kỳ loại vắc xin Covid-19 nào của Trung Quốc, một quan chức cấp cao cho biết hôm thứ Hai, Reuters đưa tin.
“Văn phòng của WHO tại Trung Quốc và trụ sở của WHO đã làm việc với các cơ quan quản lý Trung Quốc”, trợ lý Tổng giám đốc WHO Mariangela Simao phát biểu tại một cuộc họp báo tại Geneva. “Chúng tôi đang liên hệ trực tiếp, chúng tôi đã chia sẻ thông tin và các yêu cầu đối với việc phê duyệt vắc xin [Trung Quốc]”.
Công ty dược phẩm Sinovac Biotech Ltd của Trung Quốc hôm thứ Hai cho biết, theo kết quả thử nghiệm sơ bộ, vắc xin Covid của họ dường như an toàn cho người lớn tuổi, trong khi phản ứng miễn dịch cho người trẻ tuổi hơi yếu.
Trung Quốc bị cáo buộc bắt cóc 5 người Ấn Độ
Fox News hôm thứ Ba (7/9) đưa tin, một nghị sĩ Ấn Độ đã cáo buộc quân đội Trung Quốc bắt cóc 5 thường dân Ấn Độ ở gần khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước.
Nghị sĩ Tapir Gao, đại diện cho bang Arunachal Pradesh, cho biết thông tin này trong một tweet vào thứ Bảy tuần trước, nhưng ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết, theo BBC.
Cũng theo BBC, quân đội Ấn Độ hiện đã gửi một tin nhắn cho phía Trung Quốc để hỏi về vụ bắt cóc. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói với BBC rằng Bắc Kinh “chưa có thông tin chi tiết nào để công bố” về cáo buộc này, và nói thêm rằng Trung Quốc “chưa bao giờ công nhận khu vực gọi là ‘Arunachal Pradesh’ là vùng lãnh thổ của Ấn Độ, vì đó là một khu vực thuộc Tây Tạng của Trung Quốc”.
Belarus: Nhân vật hàng đầu phe đối lập bị bắt cóc
Sáng thứ Hai, những người đàn ông mặc đồ đen đã bắt cóc bà Maria Kolesnikova, một nhân vật hàng đầu của phe đối lập ở Belarus, nhóm đồng sự của bà Maria cho biết, theo SBS News.
Là một nhà phê bình gay gắt Tổng thống Lukashenko, bà Maria đã đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các cuộc biểu tình và đình công diễn ra nhiều tuần qua ở Belarus.
Vụ bắt cóc bà Kolesnikova diễn ra trong bối cảnh giới chức Belarus dường như đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình và cản trở công việc của hội đồng đối lập vốn bị cáo buộc có âm mưu lật đổ Tổng thống Lukashenko, người đã tại vị suốt 26 năm và bị người biểu tình tố có hành vi gian lận trong cuộc bầu cử hôm 9/8 nhằm giữ ghế.

Điểm tin thế giới tối 8/9:

Bắc Kinh nêu lý do bắt nhà báo Úc;

Ấn Độ bác cáo buộc nổ súng ở biên giới với Trung Quốc

Hải Lam | DKN 2 giờ tới 666 lượt xem
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Ba (8/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Bắc Kinh nêu lý do bắt nhà báo Úc
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay nói nhà báo Úc Cheng Lei bị bắt vì nghi ngờ “đe dọa an ninh quốc gia”, theo Reuters.
Ông Triệu Lập Kiên phát biểu trong buổi họp báo ở Bắc Kinh: “Công dân Úc Cheng Lei bị nghi ngờ có hành vi phạm tội gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc. Các biện pháp bắt buộc đã được thực hiện và các cơ quan liên quan đang điều tra vụ việc”.
“Sự việc đang được xử lý theo pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của bà Cheng sẽ được đảm bảo đầy đủ”, ông Triệu tuyên bố. Đây là lần đầu tiên giới chức Trung Quốc giải thích lý do cô Cheng bị bắt sau hơn hai tuần.
Ấn Độ bác cáo buộc nổ súng ở biên giới với Trung Quốc
Quân đội Ấn Độ hôm nay bác cáo buộc đã nổ súng ở biên giới với Trung Quốc, đồng thời tuyên bố rằng chính lính Trung Quốc mới là bên bắn chỉ thiên, theo tờ The Hindu của Ấn Độ.
Một nguồn tin quốc phòng cho biết, sau những căng thẳng xảy ra ở biên giới, tướng Manoj Naravane của Tư lệnh Lục Quân đã đệ trình vụ việc lên Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh.
“Trong trường hợp cấp bách ngày 7/9, quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đang cố gắng áp sát một trong các vị trí tiền tuyến của chúng tôi dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC). Khi bị quân đội Ấn Độ can ngăn, PLA đã bắn vài phát đạn chỉ thiên để thị uy”, phát ngôn viên của Tư lệnh Lục quân cho biết trong một thông cáo.
“Tuy nhiên, bất chấp các động thái khiêu khích nghiêm trọng, quân đội chúng ta đã tỏ ra rất kiềm chế và hành động một cách cẩn thận, có trách nhiệm”, vị phát ngôn viên nói thêm.
Thông cáo cho biết thêm, Trung Quốc tiếp tục thực hiện các hành động khiêu khích khiến căng thẳng leo thang. “Quân đội Ấn Độ chưa từng vượt qua đường ranh giới LAC hay sử dụng bất cứ biện pháp gây hấn nào, kể cả nổ súng”.
Thông cáo được Lục quân Ấn Độ đưa ra sau khi PLA cáo buộc lính Ấn Độ vượt qua ranh giới LAC và xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc ở khu vực núi Shenpao, bờ nam hồ Pangong Tso và nổ súng.
Đài Loan kêu gọi liên minh
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm nay kêu gọi các nền dân chủ thành lập liên minh để chống lại “các hành động gây hấn” và bảo vệ tự do, theo Reuters.
“Việc tăng tốc quân sự hóa nhanh chóng Biển Đông, các chiến thuật vùng xám ngày càng gia tăng và thường xuyên ở eo biển Đài Loan và Biển Hoa Đông, chiến thuật ngoại giao cưỡng chế được sử dụng chống lại các quốc gia và tập đoàn … đều đang gây bất ổn cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”, bà Thái phát biểu tại một diễn đàn có sự tham dự của các quan chức an ninh hàng đầu Đài Loan và các nhà ngoại giao cấp cao phương Tây. Tuy nhiên, bà không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc trong phát ngôn của mình.
Bà Thái cho biết ‘đã đến lúc các quốc gia cùng chí hướng, các nước bạn bè dân chủ trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cả các quốc gia khác cần thảo luận về một khuôn khổ “nhằm duy trì một trật tự chiến lược để ngăn cản các hành động gây hấn đơn phương. Bà cũng cho biết khuôn khổ này phải có thể thúc đẩy “các nỗ lực bền vững và có tính phối hợp”.
Bà Thái kêu gọi một chiến lược tránh khơi mào chiến tranh nhưng vẫn thể hiện được quyết tâm bảo vệ các nền dân chủ bằng cách khuyến khích hợp tác, minh bạch và giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.
Samsung sắp đóng cửa nhà máy sản xuất tivi duy nhất ở Trung Quốc
Phát ngôn viên Samsung hôm 7/9 cho biết tập đoàn điện tử này sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất tivi ở Trung Quốc vào tháng 11, theo The Epoch Times.
Người phát ngôn cho biết, nhà máy sản xuất TV ở Thiên Tân là cơ sở sản xuất TV của Samsung Electronics duy nhất ở Trung Quốc. Quyết định này là một phần trong “nỗ lực không ngừng để nâng cao hiệu quả” các cơ sở sản xuất của mình, Samsung cho biết trong một tuyên bố trước đó.
Hãng tin Yonhap hôm 7/9 đưa tin, nhà máy có khoảng 300 công nhân. Samsung từ chối bình luận về số lượng công nhân, nhưng cho biết họ có thể sẽ giữ lại một số công nhân và thiết bị.

Tin Việt Nam – 08/09/2020

Tin Việt Nam – 08/09/2020

Đồng Tâm: Kêu gọi khẩn cấp bảo vệ nhân chứng Bùi Viết Hiểu

Vào ngày 7 tháng 9, 6 tổ chức xã hội dân sự độc lập và hơn 50 người dân quan tâm đến vụ này ký tên vào Đơn Yêu cầu Khẩn cấp gửi đến Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Việt Nam, yêu cầu bảo vệ nhân chứng Bùi Viết Hiểu nhân phiên toà xét xử 29 người dân Đồng Tâm đang diễn ra từ ngày 7/9.
Đơn nêu lại Kiến nghị của các luật sư tham gia bào chữa gửi đề ngày 3 tháng 9. Theo đó, một trong những người bị đưa ra xét xử, cụ Bùi Viết Hiểu, khai với luật sư về việc chứng kiến một cảnh sát bắn chết cụ Lê Đình Kình từ phía trước. Lời khai này phù hợp với dấu vết 2 viên đạn xuyên từ ngực ra lưng. Và lời khai này hoàn toàn ngược với kết luận điều tra là cụ Kình bị bắn từ sau lưng. Bản thân ông Bùi Viết Hiểu cũng bị bắn nhưng may mắn sống sót.
Đơn Yêu cầu Khẩn cấp nêu ra 5 điểm trong đó có điểm phải bảo vệ nhân chứng Bùi Viết Hiểu, chuyển ông đến nơi giam giữ khác không do công an quản lý.
Đơn yêu cầu tạm ngừng vụ xử và Quốc hội cử người giám sát toàn bộ quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Ngoài ra không để Bộ Công an điều tra vì chính bộ này phê duyệt chiến dịch Đồng Tâm nên không thể khách quan. Một yêu cầu nữa là phải làm rõ cái chết của cụ Lê Đình Kình theo những đơn tố cáo, hoặc phải mở một vụ án độc lập về việc sát hại cụ Lê Đình Kình và mưu sát không thành ông Bùi Viết Hiểu.
Phiên toà xét xử 29 người dân Đồng Tâm bị cáo buộc tội giết người và chống người thi hành công vụ dự kiến kéo dài 10 ngày.
Đây là những người bị bắt giữ sau vụ hàng ngàn công an tấn công và xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, rạng sáng ngày 9/1 vừa qua liên quan đến một vụ tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền. Vụ đụng độ đã khiến 4 người thiệt mạng gồm 3 công an và một dân thường là ông Lê Đình Kình.

Ông Nguyễn Đức Chung

là ‘mắt xích quan trọng’ trong vụ Đồng Tâm?

Mỹ Hằng
Ông Nguyễn Đức Chung được xem là đã ra nhiều văn bản liên quan đến vụ tranh chấp đất đai kéo dài ở Đồng Tâm, cũng như việc chấp thuận chủ trương tấn công vào thôn Hoành rạng sáng 9/1/2020, theo ý kiến một luật sư.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt sáng 8/9, ngày thứ hai của vụ xử Đồng Tâm gây chấn động dư luận, luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong những người bào chữa cho các bị cáo, nói:
“Có rất nhiều quyết định, văn bản của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội liên quan đến vụ việc đất đai Đồng Tâm.”
“Đúng ra, ban đầu, vai trò ông Chung trong vụ án không nhiều. Tuy nhiên, các tình tiết trong hồ sơ vụ án thì lại nêu rất nhiều đến các quyết định, văn bản của ông Nguyễn Đức Chung, liên quan đến Đồng Tâm. Hồ sơ vụ án nêu rằng đây là các vấn đề hành chính liên quan thôi, tuy nhiên nó được nhắc đến rất nhiều. Có nghĩa là cơ quan điều tra xem đó là các chứng cứ, bằng chứng cần được xem xét.”
“Như vậy, các vấn đề có trong hồ sơ vụ án thì phải được đưa ra thẩm định công khai tại tòa. Tức là người cần phải được đưa ra để xem xét không ai khác là ông Nguyễn Đức Chung – người tham gia nhiều nhất trong vụ việc tranh chấp đất đai Đồng Tâm. Trong đó có việc ông Chung liên quan đến quyết định số 2346/KL-TTTP-P5 “Về việc thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức”, cho tới nhiều vấn đề khác, như đối thoại với dân Đồng Tâm, đến việc trả lời báo chí, v.v…”
“Như vậy, ông Chung là một mắt xích quan trọng trong việc cần làm rõ đối với vấn đề tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm được nêu trong vụ án,” luật sư Ngô Anh Tuấn khẳng định.
“Việc triệu tập ông Chung là điều hợp l‎ý. Tuy nhiên tòa không đồng ý,” ông Ngô Anh Tuấn kể lại.
“Trong cáo trạng cũng ghi rõ kế hoạch tấn công vào Đồng Tâm được công an TP Hà Nội đưa ra, đề nghị, UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương, Bộ Công an phê duyệt.”
“Tuy nhiên chúng tôi lại không được nhìn thấy vấn đề này trong hồ sơ vụ án. Trước đây, các luật sư chúng tôi có đề nghị công khai tài liệu này. Nhưng tôi được nghe rằng đây là tài liệu mật, có thể họ đưa ra khỏi hồ sơ. Nên dù chúng tôi yêu cầu nhưng không được họ cung cấp.”
Trước đó, trong ngày xét xử đầu tiên 7/9, Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Trương Việt Toàn, đã không đồng ý triệu tập Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và một số người khác theo kiến nghị của các luật sư, với lý do những người này không liên quan tới vụ án.
Ông Lê Đình Kình, người thiệt mạng trong vụ công an tấn công vào thôn hoành rạng sáng 9/1/2020, giải thích về tranh chấp khiếu kiện tại xã Đồng Tâm năm 2017
Ông Nguyễn Đức Chung đã ‘làm gì’ ở Đồng Tâm?
Khi vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm lên đến cao trào, đỉnh điểm là việc dân làng Đồng Tâm bắt giữ hàng chục cán bộ công an làm con tin ngày 16/4/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp xuống Đồng Tâm để đối thoại với người dân.
Trong cuộc đối thoại trực tiếp hôm 22/4, ông Chung đã trao văn bản viết tay, cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân Đồng Tâm.
Thế nhưng chỉ sau đó hai tháng, hôm 13/6/2017, cảnh sát điều tra thuộc Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự liên quan tới vụ đối đầu giữa người dân Đồng Tâm với giới chức do tranh chấp đất đai, theo hướng nhằm làm rõ hai tội danh “bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Dưới thời ông Chung, UBND TP Hà Nội cũng ký văn bản đồng ý với chủ trương của Công an TP Hà Nội về kế hoạch tấn công vào thôn Hoành rạng sáng ngày 9/1/2020.
Các bị cáo đồng loạt nhận tội
Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết thêm là trong phiên xét xử buổi sáng ngày 8/9, điểm đáng chú ý là các bị cáo đồng loạt nhận tội.
“Về cơ bản trước đây họ cũng đã có lời khai gần tương tự như vậy rồi, nhưng có điều hơi đặc biệt là hôm nay họ đồng loạt khai, xin nhận tội hết.”
“Chúng tôi không đưa ra nhận định theo hướng rằng có thuyết âm mưu ở đây, mà có thể khi ra tòa, đối diện với các mức án nặng, họ nghĩ rằng nếu có phản cung cũng không chống lại được thực tại nên họ chấp nhận nhận hết lỗi lầm để xin nhẹ tội.”
“Dù vậy, một số bị cáo lưu‎ ý rằng dù nhận tội, nhưng trong cáo trạng có nhiều hành vi nêu không đúng. Họ cho rằng dù họ có hành vi nhưng không nghiêm trọng như trong cáo trạng nêu. Có nghĩa là họ không hoàn toàn phục tùng các nội dung nêu trong cáo trạng.”
“Chúng tôi cũng ghi nhận hành động của một số bị cáo khi gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại. Họ nói họ gây lỗi, dù chưa biết lỗi đến mức độ nào nhưng họ xin lỗi chân thành trên khía cạnh con người.”
“Tôi cho rằng kết cục các bị cáo có thể sẽ chấp nhận phán quyết của tòa chứ không kêu oan.”
“Điều này cũng khiến các luật sư khó để có thể nói khác ý kiến của các bị cáo được. Chúng tôi chỉ xin chứng minh rằng hành vi của họ có xứng đáng bị mức án đó hay không, hay có xứng đáng bị cấu thành tội danh đó hay không, chứ không thể nói họ không có cái hành vi đó,” luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC.
Phiên tòa xử 29 người Đồng Tâm dự kiến diễn ra trong 10 ngày, bắt đầu từ 7/9, nhưng theo nhận định của luật sư Ngô Anh Tuấn, với tốc độ xét xử như hiện tại, có thể phiên tòa có khả năng kết thúc sớm hôm thứ Năm 10/9.

Vụ Đồng Tâm:

Thêm sự thật và tính tàn bạo bị vạch trần!

Cao Nguyên
Những luật sư tham gia bào chữa cho 29 người dân Đồng Tâm trong phiên toà diễn ra vào ngày 7/9 ở Hà Nội cho biết những kiến nghị và khiếu nại của họ đều bị Hội đồng xét xử trực tiếp hoặc gián tiếp bác bỏ. Trong khi đó, người thân của 29 bị cáo bị lực lượng công quyền kiểm soát chặt chẽ, không được dự phiên toà.
Phiên toà xét xử 29 người dân Đồng Tâm bị cáo buộc với tội giết người và chống người thi hành công vụ bắt đầu vào ngày 7/9 và dự kiến sẽ kéo dài 10 ngày.
Các bị cáo bị bắt giữ sau vụ tấn công của hàng ngàn cảnh sát vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1/2020, liên quan đến một vụ tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền. Vụ tấn công đã khiến 3 cảnh sát và một dân thường là ông Lê Đình Kinh thiệt mạng.
Trước khi phiên xử diễn ra, các luật sư tham gia bào chữa cho 29 bị cáo trong vụ án này có kiến nghị căn cứ trên lời khai của một người chứng kiến thời khắc cụ Lê Đình Kình bị bắn chết. Ngay trong ngày đầu của đợt xét xử, các luật sư lại có những khiếu nại mới theo qui định tố tụng của Việt Nam.
Kiến nghị làm rõ tình tiết vụ án không được xem xét
Trước phiên sơ thẩm, vào ngày 3/9/2020, một bản kiến nghị của nhóm luật sư Đồng Tâm gởi Hội Đồng Xét Xử. Trong đó, các luật sư nêu lên một chi tiết đáng chú ý là lời khai của bị cáo Bùi Viết Hiểu về nguyên nhân cái chết của cụ Lê Đình Kình khi được tiếp xúc với luật sư bào chữa.
Ông Hiểu nói rằng “cụ Kình bị bắn ngay trước mặt ông Hiểu, người bắn đứng trước cụ Kình khoảng 1 mét, nòng súng to như cổ tay, nhắm thẳng vào ngực cụ Kình. Cụ Kình ngã xuống, chết trước mặt tôi, sau đó chó nghiệp vụ vào kéo xác cụ Kình đi…”.
Lời khai này trùng hợp với khám nghiệm tử thi cụ Kình cho thấy “Hai vết thương phía trước ngực tròn nhỏ, không có xây xát nhưng hai vết thương sau lưng lớn hơn, bờ mép vết thương nham nhở chứng tỏ đạn được bắn từ hướng trực diện, từ trước ra sau và loại đạn là loại đạn chạm nổ nên vết thương đạn xuyên qua phía sau sẽ lớn hơn phía vào.”
Tuy nhiên, trong bản Kết luận điều tra của Công an TP.Hà Nội thì cụ Kình bị bắn hai phát từ phía sau lưng, cách chừng 2-2,5m.
Cụ Kình bị bắn ngay trước mặt ông Hiểu, người bắn đứng trước cụ Kình khoảng 1 mét, nòng súng to như cổ tay, nhắm thẳng vào ngực cụ Kình. Cụ Kình ngã xuống, chết trước mặt tôi, sau đó chó nghiệp vụ vào kéo xác cụ Kình đi – Lời khai của ông Bùi Viết Hiểu
Chính vì những điều còn chưa sáng tỏ, nên nhóm luật sư Đồng Tâm bao gồm 13 người đã ký tên trong bản kiến nghị, yêu cầu Toà án Nhân dân (TAND) TP. Hà Nội trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Cần triệu tập thêm những người có liên quan đến vụ án như bà Dư Thị Thành (vợ cụ Lê Đình Kình), Nguyễn Thị Duyên (vợ bị can Lê Đình Uy), chiến sỹ cảnh sát đã bắn chết cụ Kình, làm bị thương Bùi Viết Hiểu…
Mặt khác, bản kiến nghị còn đề nghị HĐXX đảm bảo quyền tự do tác nghiệp, đưa tin của báo chí, quyền tham dự phiên toà của thân nhân các bị hại, bị can và những người dân quan tâm.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, người bào chữa cho ông Bùi Viết Hiểu vào tối ngày 7 tháng 9 cho biết HĐXX đã nhận được đơn kiến nghị này nhưng họ gián tiếp từ chối. Còn các ý kiến của luật sư như triệu tập thêm người sẽ được xem xét trong quá trình xét xử:
Họ nhận được rồi nhưng họ không xem xét. Họ không nói là không chấp nhận nhưng họ gián tiếp không chấp nhận. Sáng nay tôi cũng cung cấp thêm cho họ một bản nữa.
Họ trả lời lòng vòng trong phiên tòa thôi. Họ nói là đã ghi nhận một số ý kiến của luật sư và sẽ triệu tập người này, người kia hoặc sẽ xem xét ý kiến này, ý kiến kia trong quá trình xét xử.
Nhưng mà bởi vì trong yêu cầu của chúng tôi là có có trả hồ sơ điều tra bổ sung, nhưng họ không chấp nhận, và tiếp tục xét xử. Đó là cách mà họ gián tiếp phủ nhận yêu cầu của chúng tôi.”
Luật sư khiếu nại quyền tiếp xúc bị cáo
Ngày 7/9/2020, Một bản khiếu nại khác mới nhất được các luật sư soạn thảo và gởi cho Chánh án TAND TP.Hà Nội ngay trong giờ nghỉ trưa của ngày xét xử đầu tiên.
Theo luật sư Đặng Đình Mạnh, trong toà, lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên toà đã ngăn cản các luật sư tiếp xúc với bị cáo do mình bào chữa:
Thường thì trước giờ xét xử các luật sư sẽ đi sớm để gặp các bị cáo, trao đổi thêm hoặc giờ giải lao, nhưng ở đây mỗi khi mà HĐXX chưa làm việc thì những cảnh sát đứng thành một hàng để ngăn cách luật sư với các bị cáo. Họ không cho sự tiếp xúc qua lại.”
Chủ toạ phiên toà tuyên bố “các luật sư đã có thời gian nghiên cứu hồ sơ, đã có thời gian tiếp xúc với bị cáo trong trại giam nên việc tiếp xúc giữa luật sư và bị cáo tại phiên toà là không cần thiết”
Các luật sư đã soạn đơn khiếu nại gởi Chánh án phiên toà yêu cầu được đảm bảo quyền tiếp xúc giữa người bào chữa và bị cáo theo đúng quy định pháp luật.
Luật sư Mạnh cho biết đơn khiếu nại đã gởi nhưng HĐXX chưa xem xét trong buổi chiều ngày xét xử đầu tiên:
Chiều hôm nay họ chưa đả động gì đến đơn khiếu nại hết. Đầu giờ chiều họ cấm dứt phần thủ tục, chuyển qua phần xét hỏi.”
Toà chiếu phim “tuyên truyền”
Ngoài ra, luật sư Đặng Đình Mạnh cũng nêu 2 điểm đáng chú ý, bất thường diễn ra trong buổi chiều. Thứ nhất là Toà cho chiếu phim phóng sự, tài liệu như tuyên truyền có chủ đích cho Chính quyền:
Ở đầu phần xét hỏi, thay vì hỏi theo một cách thông thường thì họ làm một chuyện chưa từng có. Đó là cho trình chiếu một cái clip, mà thật ra nó giống như là một đoạn phóng sự, phim tài liệu mà trong đó nêu quan điểm của Chính quyền cho rằng người dân Đồng Tâm đã khiếu kiện đất đai không đúng.
Đồng thời, từ chuyện đó đưa đến chỗ không đúng thứ hai là tấn công lực lượng vào tối ngày 9/1/2020 làm chết 3 chiến sĩ. Rồi cuối phim họ đưa cảnh của những những gia đình “bị hại” là 3 chiến sĩ bị chết, nào là cô vợ trẻ khóc không ra tiếng, rồi đứa con thơ 6 tháng tuổi… Đại khái là như vậy.
Tôi là một trong những luật sư đã phản ứng về chuyện này. Tại vì, lẽ ra trong giai đoạn xét hỏi, nếu được trình ra những cái clip, âm thanh hoặc hình ảnh, thì nó phải là những clip, âm thanh và hình ảnh mang ý nghĩa chứng cứ của vụ án. Tức là, nó là những tình tiết có thật và phải nguyên vẹn, không bị chỉnh sửa.
Một đoạn phim thì nó không phải là như vậy, khi nó được dựng theo quan điểm của người dựng phim. Nó được cắt gọt chỉnh sửa, thậm chí họ lồng nhạc vào đó để tạo ra những hiệu ứng… thì đó không phải là chứng cứ. Đây là một điều rất lạ lùng mà tôi đã phản đối.
Điều bất thường thứ 2 là toà đã chiếu các đoạn clip nhận tội của các bị cáo mà luật sư không được biết trước:
Sau đó, toà chuyển qua xét hỏi 6 bị cáo đầu vụ. Và mỗi một bị cáo thì họ lại xuất trình một đoạn clip ghi hình, trong đó 6 người này đã khai nhận tội trạng của mình.
Về nội dung khai nhận tội thì mình không nói. Cái vấn đề là ở chỗ với những đoạn clip khai nhận tội này thì khi các luật sư tham khảo hồ sơ không hề có những cái clip nhận tội này.
Khi họ đưa ra thì các luật sư hết sức bất ngờ. Đây cũng là một điểm mà các luật sư hết sức bất bình. Bởi vì họ tung ra những cái clip đó mang tính chất bất ngờ như là để lừa dối các luật sư. Lẽ ra, theo luật tất cả những cái đó phải có trong hồ sơ vụ án, mà Khi các luật sư tiếp xúc thì  họ được quyền coi và tham khảo trước, tìm hiểu trước về nó.”
Gia đình tìm mọi cách đến toà chỉ mong thấy mặt người thân
Ở bên ngoài Toà án, một người thân của cụ Kình không nêu tên chia sẻ với Đài Á Châu Tự do rằng người dân Đồng Tâm luôn bị canh gác nghiêm ngặt, đặc biệt là gia đình có người bị bắt. Hôm 6/9, nhiều chủ nhà xe phải huỷ hợp đồng chở người dân Đồng Tâm đến toà:
Cả nhà chị hơn một chục người, anh em, chú thím này kia đi hết, lối xóm người ta cũng đi nữa. Nhà chị chắc khoảng 20 người, đi từ Đồng Tâm cũng có và những nơi khác cũng có. Có người đi từ hôm qua, và có người đi từ hôm nay, nhưng phải đi lén tại vì họ canh gác dữ lắm. Cổng nhà chị họ canh từ hôm qua đến giờ nên chị phải đi lén.
Họ điều quân về đứng khắp các đường vào trong làng. Những gia đình có người bị bắt là họ đứng trước cổng anh suốt luôn, không cho đi.
Các chủ xe không ai dám chở hết. Họ từ chối hết. Hôm trước đặt xe rồi nhưng người ta lại bảo người ta không chở, có nghĩa là đã bị khống chế.
Cả ở những xã lân cận, những người bạn, em út của chị ở những xã khác xa lắm cũng thuê xe 16 chỗ để lên. Người ta đã đồng ý cả tuần rồi thì xong đến hôm qua họ từ chối.”
Sáng nay, gia đình và người dân ở Đồng Tâm khó khăn lắm mới đến được cổng toà, nhưng không ai được vào. Sau 8 tháng, được nhìn thấy anh chị em, những người thân của mình, dù chỉ vài phút trên báo chí cũng khiến gia đình yên tâm phần nào.
“Hôm nay, chị và người nhà lên đến tòa vào đến cổng từ sáng. Chị đứng ở cổng thì sau đó bị họ đuổi, họ không cho đứng, đành phải đi xa tuốt ngoài đường lớn.
Chị cứ nghĩ rằng khi mà xe chở phạm nhân ra thì hi vọng rằng cả nhà sẽ đứng đó cho các em ở trên xe nhìn thấy người nhà, để trong lòng của nó có được niềm vui là gia đình ra với nó. Nhưng rốt cuộc chờ mãi cũng không thấy xe nào ra cả. Chờ đến tận 1 giờ thì gia đình chị về ăn cơm, một số thì ở lại đấy.
Hôm nay không được vào, nhưng được nhìn thấy các em ở trên hình ảnh thì gia đình cũng vui phần nào. Bởi vì lúc nghe tin này, lúc nghe tin kia, nhưng hôm nay thực sự được nhìn thấy các em cũng yên tâm phần nào. Mình chỉ mong cho người ta nhìn thấy mình thôi mà cũng không được nữa. Hôm nay không có một bóng người nhà, người thân nào được vào cả. Chỉ toàn là bên phía công an thôi.
Sáng giờ, người dân Đồng Tâm chỉ cập nhật tin tức được qua mạng báo của công an viết lên, thì làm sao mà đúng được. Có những khúc hỏi cung đều bị cắt không đúng sự thật, họ chỉ lấy từng đoạn thôi.”
Người thân của cụ Lê Đình Kinh có mặt bên ngoài phiên toà nhưng không muốn nêu tên vì lý do an toàn cho RFA biết, ông Trịnh Bá Khiêm, người dân Dương Nội, bố của hai nhà hoạt động về Quyền đất đai là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, bị bắt sáng nay khi một mình đến trước cổng toà:
Sáng nay, có mấy người nhà của những người bị bắt ra đó, không biết họ làm gì mà bị đuổi đi. Có một người bị bắt là chú Trịnh Bá Khiêm. Ông ấy ra vì thương dân Đồng Tâm, bởi vì con của ông ấy bị bắt cũng vì dân Đồng Tâm.
Ông ấy ra đứng hỏi thăm mấy người trong gia đình nhà chị. Nói chuyện một chút thôi là ông ấy bị lực lượng chức năng lại áp giải đi, nói rằng ông ấy không liên quan đến Đồng Tâm, rồi nó ép ông ấy lên xe chở đi mất tích luôn.”
Theo thông tin từ chị Nguyễn Thị Duyên, cháu dâu cụ Lê Đình Kình thì có ít nhất 3 người đã bị bắt trong ngày hôm nay, 7/9. Ngoài ông Trịnh Bá Khiêm còn có 2 vợ chồng em của bà Nguyễn Thị Lụa, là một trong 29 bị can trong vụ án này.
Nhiều nhà hoạt động ở Hà Nội bị theo dõi, ngăn chặn đi lại
Không chỉ có gia đình bị làm khó, hàng loạt nhà hoạt động tại Hà Nội nói với RFA rằng họ bị lực lượng an ninh thường phục canh trước cửa, thậm chí ngăn cản ra khỏi nhà từ trước khi diễn ra phiên xử sơ tâm vụ án xảy ra.
Ông Lê Hoàng đang ở Hà Nội cho RFA biết ông bắt đầu bị canh nhà từ sáng ngày 6/9, liên tục có nhiều người thay phiên nhau canh gác suốt đêm cho đến giờ.
Sáng nay, trời Hà Nội mưa to nhưng ông Hoàng vẫn bị ngăn cản đưa con mình đến trường rồi đi làm.
Chị Đỗ Thị Thu là vợ của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương nói có đến gần chục người thường phục canh trước nhà. Chị Thu khẳng định rằng những người canh gác gia đình chị đều là cán bộ phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội:
Lúc sáng nay có khoảng gần chục người họ theo dõi em, và bây giờ bố mẹ em vừa đi chợ thì 3, 4 tên cũng đi theo. Em và bố mẹ em đi đến đâu thì họ cũng đi theo hết.
Tối qua thì họ lởn vởn quanh nhà em để xem tình hình, còn canh thì sáng sớm nay lúc vừa ra ngõ thì mẹ em đã thấy rồi.
Canh nhà em toàn là công an phường và công an quận Hà Đông. Họ mặc thường phục hết. Bởi vì họ hay canh nhà em nên đều là công an phường và công an quận hết.”
Tương tự, ông Phan Vân Bách cũng bị canh liên tục từ sáng 6/9. Ông Bách cho rằng mình sẽ bị canh trong vài ngày tới, cho đến khi kết thúc phiên toà sơ thẩm:
“Sáng qua lúc anh ra khỏi nhà là khoảng 9 giờ 30, anh có sang 1 nhóm thánh Tin Lành. Tầm 11 giờ về thì có bác thuê phòng nhà anh báo là có khoảng 5,6 người an ninh nhà nước đang canh dưới chân cầu thang chung cư. Anh đoán ngay có liên quan đến vụ xét xử vụ án 29 người dân Đồng Tâm.”
Bị sách nhiễu vì ký “Tuyên bố Đồng Tâm”
Vài ngày trước phiên xử, bà Huỳnh Thị Út, mẹ của TNLT Trần Hoàng Phúc xác nhận với RFA rằng vào sáng ngày 4/9/2020, bà bị an ninh quận Tân Bình (TP.HCM) “mời” làm việc vì đã ký tên vào bản “Tuyên Bố Đồng Tâm” từ tháng 1/2020.
Theo bà Út, buổi làm việc diễn ra khá ôn hoà. Bà nêu quan điểm trong biên bản giải trình rằng “Sự việc xảy ra ở Đồng Tâm không có tình người. Đang đêm sử dụng lực lượng trang bị vũ khí, sử dụng cả chó để tấn công vào khu vực Đồng Tâm gây tổn thất, thiệt hại về tình mạng cho người dân Đồng Tâm. Cụ thể là xâm phạm đến tính mạng của cụ Lê Đình Kình, tổ chức bắt người trong gia đình của ông Kình.”
Bản “Tuyên bố Đồng Tâm” do nhiều nhân sĩ, trí thức Việt Nam khởi xướng hồi ngày 10/1/2020 và kêu gọi mọi người cùng các tổ chức xã hội dân sự ký tên ủng hộ. Trong bản Tuyên bố có  yêu cầu Chính quyền Việt Nam phải “Điều tra một cách khách quan trung thực về sự thật xung quanh vụ đổ máu ngày 9/1 ở Đồng Tâm, có sự tham dự của báo chí, giới luật gia, các nhân sĩ và tổ chức dân sự độc lập. Khởi tố vụ án không chỉ đối với những người dân bị coi là chống đối, mà cả với những người ra mệnh lệnh, chỉ đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang xông vào khu dân cư trong đêm tối một cách bất minh vì đó là nguyên nhân buộc người dân chống đối.”
Ngay trước khi phiên toà diễn ra, tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) đã lên tiếng quan ngại về phiên toà này vì cho rằng phiên toà không độc lập và kết quả là án bỏ túi.

Mở đầu vụ xử Đồng Tâm: Phiên toà sẽ “có án rất nặng”?

Vụ xét xử sơ thẩm liên quan biến cố bố ráp, tập kích Đồng Tâm khai mạc ngày 07/9/2020 đang là tâm điểm chú ý của công luận trong và ngoài Việt Nam quan tâm vụ việc này.
Hôm thứ Hai, 07/9, một số nhà quan sát thời sự cho BBC News Tiếng Việt biết tâm điểm quan tâm của công luận xung quanh phiên xử sơ thẩm này là gì và có điều gì đáng lưu ý.
Từ Hà Nội, blogger, nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá An ninh, Bộ Công an nói với BBC:
“Mọi người quan tâm nhất việc phiên tòa tổ chức theo cách gì và có dấu hiệu gì thể hiện bình đẳng và đúng pháp luật trong việc xét xử hay không.
“Ví dụ như là người dân có được đến nghe, rồi tham dự hay không hoặc là thân nhân của những bị cáo có được vào trong tòa một cách bình thường hay không. Đương nhiên buổi đầu, người ta có thể cũng quan tâm đến thủ tục phiên tòa như thế nào.”
“Đó là những điều mà tôi thấy dư luận rất chú ý, nhưng đặc biệt tôi thấy báo chí có vẻ không hào hứng trong chuyện đưa tin một vụ án rất lớn như thế này và có vẻ như các báo chí tránh né.”
“Cái đó tôi nghĩ là một dấu hiệu mà người cầm quyền phải lưu tâm. Tôi biết tâm lý các nhà báo, họ thấy rằng đưa tin vụ này rất là khó.”
“Nếu lâu nay, từ khi xảy ra vụ việc (09/1/2020) đến giờ thì đương nhiên là họ lấy thông tin hết từ Bộ Công an, nhưng bây giờ khi đã diễn ra phiên tòa, bắt buộc họ phải thể hiện thông tin mà họ nắm bắt được ở phiên tòa.”
“Và ít ra họ phải thể hiện một chút chính kiến trong đó, mà như thế, tôi đoán họ rất có thể sẽ không đi theo đúng chỉ đạo ở trên và có thể họ phải tự hiểu là phải nên đưa như thế nào, thì cái này họ rất là giằng xé.”
“Nếu như họ đưa theo phong cách từ tháng 01/2020 cho đến bây giờ, thì có thể họ sẽ phải đối mặt với dư luận, công chúng đánh giá rất ghê và trong nội bộ của họ, tôi tin rằng là họ không dễ thống nhất theo kiểu mà cứ đưa tin theo cách lâu nay mà Bộ Công an thông tin gì, cáo trạng đưa thông tin gì, thì cứ đưa như thế, họ không thể làm như thế được.”
Hội đồng xét xử tỏ ra ‘cầu thị’?
Từ thành phố Hanau, CHLB Đức, Luật sư và nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Đài nói với BBC:
“Về phía hành nghề luật sư, tôi chú ý đến những gì mà Hội đồng xét xử sẽ đáp ứng theo đúng các kiến nghị mà các luật sư đã gửi cho Hội đồng xét xử trước đó.
“Đọc lại những tin tức xung quanh phiên tòa, tôi thấy nghe chừng Hội đồng xét xử cũng tỏ ra cầu thị, các luật sư đã đề nghị triệu tập một số nhân chứng, trong đó có bà Dư Thị Thành (vợ ông Lê Đình Kình), thì Hội đồng xét xử nói rằng là nếu như trong quá trình thẩm vấn mà thấy cần thiết, thì sẽ triệu tập bà Dư Thị Thành.
“Thứ hai là các luật sư đề nghị trả lại hồ sơ để điều tra lại từ đầu, thì Hội đồng xét xử cũng nói là trong quá trình xét xử vụ án mà thấy rằng cần thiết phải dừng phiên tòa, trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát, hoặc là cho cơ quan điều tra điều tra lại, thì họ cũng sẽ chấp nhận.
“Thì đây là một điều lạ vì trước đây, đối với các vụ án trước, các luật sư có đề nghị thì thường Hội đồng xét xử bác ngay từ đầu, thẳng thừng luôn, nhưng lần này họ có nói là sẽ chờ đợi.
“Nhưng tôi hy vọng là nếu như với số lượng luật sư như vậy và có quá nhiều vi phạm trong quá trình tố tụng mà các luật sư đã chỉ ra thì hy vọng vụ án sẽ tạm đình chỉ lại để chuyển trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra điều tra lại.
“Và tôi hy vọng là trong quá trình thẩm vấn, chờ đợi những lời khai của những người được mô tả là có hành vi trực tiếp liên quan ‘cái chết’ của ba người cảnh sát thì nó sẽ phơi bày ra, hy vọng là báo chí sẽ đưa tin trung thực những lời khai của các bị cáo đó trước tòa.”
Tiếp tục cứng rắn với dân?
Từ Hà Nội, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, cựu Trung tá quân đội nhân dân Việt Nam nói với BBC:
“Tôi nghĩ là phiên tòa này kết quả của nó sẽ rất là đáng buồn cho nhân dân, nhất là đáng buồn cho bàn con ở trong Đồng Tâm.
“Không biết là có án ‘tử hình’ hay không, nhưng một khi đã gán cho người ta là ‘giết người’ và ‘chống người thi hành công vụ’, thì chắc là án rất là nặng.
“Thế còn nếu mà họ cố tình kết những án như thế thì tôi nghĩ là trước kia niềm tin của nhân dân đối với nhà nước, đối với lãnh đạo đã rất là thấp rồi, thế mà bây giờ cứ đưa ra vụ này và làm đến mức độ như thế này, thì tôi nghĩ chắc là niềm tin đó xuống con số âm mất.”
“Tôi nghĩ là họ vẫn cứ dựa vào cường quyền, bạo lực ‘bịt miệng’ để mà rồi họ đàn áp, thì Đại hội 13 của ĐCS của họ cũng sắp diễn ra, nhưng mà ngay trong nội bộ của họ cũng vẫn cứ mâu thuẫn, rồi tranh đoạt nhiều thứ lắm.
“Thế thì bây giờ dân rất là hoang mang, nhưng có lẽ chẳng ai làm gì được họ, nhà cầm quyền cả, họ cứ muốn thế nào thì họ làm, thì không biết đến ngày nào đó thì hoặc là mất nước, hoặc là sẽ có một cuộc mà nó giống như cái lò-xo nó bật lên.
“Mà bật lên thì tôi rất sợ là nó sẽ thành ra một cuộc vô chính phủ, rồi nó loạn lạc cả lên, nên rất là lo ngại. Chứ còn bây giờ tôi cảm giác như là họ vẫn cương quyết dùng bạo lực để họ cai trị đất nước, chứ không có cái gì thay đổi cả.
Mô hình quản lý xung đột thế nào?
Cũng từ Hà Nội, Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh, một nhà nghiên cứu và giảng dạy đại học bình luận với BBC về phiên xử và vụ án:
“Tôi thấy về mô hình quản lý xung đột hiện đại, người ta phải quản lý ngay từ khi nó diễn ra rủi ro có thể xảy ra xung đột.
“Thực ra để loại trừ xung đột, thế giới đều có hai cách, mà cách đầu tiên là cách mà người ta sẽ dùng bạo lực và cách thứ hai là cách quản lý hiện đại bây giờ, tức là bắt đầu quản lý từ lúc mà có thể gặp rủi ro.
“Xong sau đó, nếu như có rủi ro, người ta phải thực hiện những bước như tất cả những ai trên thế giới đều biết, trong đó có nói hết toàn bộ sự thực để lấy lại niềm tin, nhưng cái đó chúng ta biết là sẽ không bao giờ xảy ra ở Việt Nam.
“Tất cả những người quản lý xung đột đều nói như chúng ta đều biết là cái đấy sẽ không xảy ra ở Việt Nam, cho nên 100% các lần xung đột mà tôi nhìn thấy, nếu xét và liên quan đến vấn đề chính trị, thì bao giờ cũng kết thúc bằng cách quản lý bạo lực.
“Còn nếu trong trường hợp mà những chuyện gọi là ‘râu ria’ có thể nhượng bộ được, người ta sẽ dùng một cách dân túy, thì trường hợp như là ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi đó, xuống Đồng Tâm, theo tôi là ông muốn dùng cách dân túy.
“Đấy là một trường hợp hiếm hoi, nhưng sau đó chúng ta không biết tại làm sao mà cách đó không được tiếp tục và chúng ta thấy ngay cả cách quản lý rủi ro xung đột của ông Chung cũng không phải là cách quản lý theo quan điểm hiện đại, tức là theo quy trình từ gốc rễ của rủi ro – người ta đã không làm như vậy.
“Cho nên không chỉ nói riêng phiên xử này, không riêng Đồng Tâm, mà nếu một lúc nào đó chính quyền học được cách quản lý rủi ro xung đột một cách bài bản hơn, thì những bi kịch như Đồng Tâm mới không tiếp tục xảy ra nữa.”
Quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi một cuộc phỏng vấn, bình luận trên Facebook của BBC News Tiếng Việt hôm 09/7/2020 về phiên tòa sơ thẩm khai mạc xét xử vụ án ‘giết người’ làm chết ‘ba công an’ ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội vào hôm 09/1.

Vụ án Đồng Tâm: chồng Bà Cấn Thị thêu bị bắt,

luật sư làm đơn khiếu nại chủ toạ

Tin Vietnam.- Vào trưa 7 tháng 9 năm 2020, Facebook mang tên Thu Đỗ là vợ của anh Trịnh Bá Phương, con dâu của tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu thông báo, bố chồng chị Thu là ông Trịnh Bá Khiêm đã bị an ninh Cộng sản bắt đi đâu chưa rõ.
Theo chị Thu, ông Khiêm đã cùng một số dân oan khác đã đến gần khu vực trụ sở toà án Cộng sản Hà Nội để hướng tinh thần về 29 người dân oan Đồng Tâm đang bị Toà án Cộng sản mang ra xử. Nhưng không biết vì sao ông lại bị an ninh bắt mang đi. Được biết, trong suốt nhiều ngày qua, kể từ khi vợ ông Khiêm là bà Cấn Thị Thêu, và 2 con trai là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư bị nhà cầm quyền bắt giam, một mình ông Khiêm liên tục đến các trại giam, và ban Tiếp dân trung ương Cộng sản để đấu tranh cho người thân của mình.
Đặc biệt, hơn một tuần trước, sau khi biết tin anh Trịnh Bá Tư đã tuyệt thực 20 ngày, ông Khiêm đã đội mưa, thức thâu thêm ở trước cổng trại tạm giam tỉnh Hoà Bình để đòi được vào gặp con trai mình nhưng vẫn chưa được gặp.
Trong một diễn biến khác, vào trưa cùng ngày 7 tháng 9, trên trang Facebook Luân Lê của luật sư Lê Văn Luân, là một trong những luật sư tham gia bào chữa cho 29 người dân Đồng Tâm cho biết, ông và các luật sư khác đã làm đơn Khiếu nại đối với hành vi tố tụng trái pháp luật của ông Trương Việt Toàn, là thẩm phán, chủ toạ phiên toà. Nguyên nhân là do ông Toàn ngăn cản không cho các luật sư tiếp xúc với thân chủ mình tại toà, vì ông Toàn cho rằng việc tiếp xúc là “không cần thiết”.
An Nhiên

Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền kêu gọi CSVN cho phép

quốc tế theo dõi phiên toà xử dân oan Đồng Tâm

Tin từ Bangkok: Tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW) kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cho phép các nhà quan sát quốc tế độc lập, gồm cả giới ngoại giao, báo chí và các tổ chức xã hội dân sự theo dõi phiên toà xử 29 công dân Đồng Tâm trong các ngày 07 đến 16 tháng 9 về cáo buộc “giết người” và “chống người thi hành công vụ.”
Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của HRW nói lực lượng an ninh cộng sản Việt Nam cần chấm dứt việc sách nhiễu và theo dõi thân nhân của các bị cáo. Trong phát biểu của mình ngày 07/9, ông Robertson nói rằng HRW rất lo ngại về thủ tục tố tụng và quyền được xét xử công bằng dành cho 29 người dân Đồng Tâm đang bị xét xử.
Nạn tra tấn và bức cung vốn vẫn phổ biến trong các trại giam của công an trong khi khái niệm tòa án độc lập còn xa vời, và các bản án được đảng Cộng sản định sẵn là các đặc thù của cái gọi là hệ thống tư pháp Việt Nam.
Ông cũng nói quyền gặp luật sư của các bị cáo bị hạn chế và chỉ được thực hiện sau khi công an đã thẩm vấn, lấy cung và điều tra xong. Còn có rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời về những gì đã xảy ra trong vụ tấn công vào xã Đồng Tâm.  Ông nói nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang gấp rút kết tội các bị cáo và mọi người có thể thấy rõ là Hà Nội muốn trừng phạt các bị cáo bằng các bản án rất nặng để răn đe những ai dám chống lại quyền lực nhà nước trong tương lai.  Tuy nói phiên toà là công khai nhưng thân nhân của các bị cáo không được vào khu vực xử án.
Nhà cầm quyền Hà Nội và nhiều địa phương khác đã đưa công an tới gần nhà riêng của hàng trăm người bất đồng chính kiến và người hoạt động trong mấy ngày gần đây nhằm ngăn cản họ đi tới khu vực xử án.  Chưa rõ đại diện ngoại giao của các nước có được phép đến quan sát phiên toà cho dù là ở phòng khác gần phòng xử án hay không.
Quốc Tuấn

Vụ Đồng Tâm: Đã đến lúc nhà nước VN

 làm ‘cách mạng lại’ về đất đai?

Theo dõi phiên sơ thẩm về vụ án ‘giết người’ và ‘chống người thi hành công vụ’ mà chính quyền cáo buộc và đang xét xử 29 bị cáo ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội trong sự kiện ngày 09/1/2020, kinh tế gia Bùi Kiến Thành cho rằng phiên tòa này dù có các bản án nặng nề được đưa ra sau cùng sẽ không giải quyết được căn nguyên vấn đề.
Các vấn đề tranh chấp, xung đột đất đai nảy sinh từ gốc rễ lớn hơn, chuyên gia kinh tế này nói và đảng cộng sản, nhà nước, chính quyền ngày nay, và kể cả tới đây trong Đại hội 13, cần tiến hành một cuộc cách mạng về cải tổ luật pháp về sở hữu, đất đai, ruộng đất để trả lại quyền sở hữu cho người dân ở Việt Nam.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 08/9/2020 từ thành phố Hội An của Việt Nam, ông Bùi Kiến Thành nói:
“Đây là một vấn đề căn bản về quyền sở hữu đất đai cho người dân ở Việt Nam. Tại vì ông cha ta từ nghìn năm nay, hay là ít nhất cũng là từ khi Lê Thánh Tông vào miền Nam cùng với bao nhiêu người để mở mang bờ cõi, thì đất là đất của nhân dân, nhà vua công nhận những đất khai hoang ra là được nhân dân làm chủ.
“Từ hàng trăm năm, hay bao nghìn năm như thế, thế nhưng bỗng nhiên năm 1975, nhà nước mới ở Việt Nam ra đạo luật bảo rằng đất thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước thống nhất quản lý. Những câu chữ đó là những thuật ngữ mà theo tôi là sự chiếm đoạt hoàn toàn quyền sở hữu của nhân dân trên đất đai. Đó là một việc mà tôi thấy là không hợp lý đối với nhân tình, thế thái và đối với cả lịch sử.”
Luật pháp có dân chủ và thấu tình, đạt lý?
Và chuyên gia kinh tế từng tư vấn chính sách hội nhập quốc tế và phát triển cho chính phủ và nhà nước Việt Nam trong nhiều thập niên trước đây, nói tiếp:
“”Và chuyện như thế sẽ dẫn tới bao nhiêu chuyện khác, ví dụ cụ thể như ở Đồng Tâm vừa rồi nói là đất ở Đồng Tâm từ năm 1980 là đất của quốc phòng, nhưng hồi trước đó thì thế nào? Ai cho quốc phòng, quân đội đất ấy?
“Phải có một cơ quan nào tự nhiên lấy đất của nhân dân rồi cho quốc phòng, rồi sau đó quốc phòng bảo rằng đó là đất của quốc phòng, nhưng câu hỏi đặt ra là muộn nhất trước năm 1980 thì nó như thế nào?
“Vì vậy tôi nghĩ về vấn đề dân chủ, về vấn đề quyền sở hữu tư nhân và vấn đề sở hữu đất đai ở Việt Nam càng phải nghiên cứu lại, tôi thấy luật đất đai của Việt Nam, kể cả luật trưng dụng, cưỡng chế v.v… liên quan đến đó, phi dân chủ và thực sự là phi nhân nghĩa đối với đồng bào, đối với đất nước, đối với ông bà, Tổ tiên.
“Cho nên không phải riêng gì chuyện ở Đồng Tâm, còn nhiều nơi khác, trong đó có Thủ Thiêm v.v… và bao nhiêu chuyện khác, bây giờ nhà nước tự nhiên cho mình quyền cấp cho người này quyền sử dụng đất này, cấp cho người kia quyền sử dụng đất kia, quyền sở hữu này nọ, câu hỏi đặt ra là anh lấy quyền gì để anh cấp như vậy?
“Phải chăng ở đây có ai đó nhân danh và chiếm đoạt quyền quản lý được dân phúc quyết, thừa nhận dân chủ, rồi anh biến anh thành chủ đất của đất đai của nhân dân, như thế là không được.
“Vì thế, tôi nhắc lại không riêng gì vấn đề Đồng Tâm, mà toàn đất nước Việt Nam hiện nay đang có vấn đề phi lý ấy, do đó tôi khuyên các vị có chức, có quyền nhanh chóng nghiên cứu lại để hoàn trả lại quyền sở hữu tư nhân về đất đai, ruộng đất cho người dân, quyền sở hữu này áp dụng cho toàn dân.
“Chứ không thể nào dùng thuật ngữ là đất đai là sở hữu của toàn dân do nhà nước đứng ra thống nhất quản lý được, quản lý kiểu gì mà anh lấy đất đai, ruộng đất, ao chuôm của người ta, anh làm đủ thứ chuyện, rồi anh cho phong sở hữu cho người kia, trao sở hữu cho người nọ…, như thế là không được, theo tôi.”
Các bản án nặng có giải quyết căn cốt vấn đề?
Trước câu hỏi như trong vụ Đồng Tâm đang được chính quyền đem ra xét xử, liệu các bản án được tuyên, các phán quyết cuối cùng mà dù có nặng nề đến mấy với các bị cáo là người dân, nông dân địa phương, thì có thể giải quyết được rốt ráo, căn cốt vấn đề xung đột và tranh cấp nóng bỏng về sở hữu đất đai như đã đang diễn ra lâu nay ở Việt Nam hay không, ông Bùi Kiến Thành đáp:
“Nó không giải quyết được vấn đề gì cả. Tại vì nhà nước ăn cướp quyền sở hữu đất đai của nhân dân, rồi bây giờ người ta uất ức, bức xúc vì không được giải quyết, người ta có hành động đấu tranh, thì các hành động bạo lực như vừa rồi có khác gì phong kiến, tư bản ở đâu đó trước kia mang quân, đem lính tới để mà chiếm đoạt đất đai là tài sản của nhân dân?
“Cho nên, theo tôi vấn đề đó là phải bình tĩnh để suy nghĩ, những cuộc đấu tranh của nhân dân như ở Đồng Tâm diễn ra, thì nhà nước, chính quyền càng phải suy nghĩ về nguồn gốc của quyền sở hữu từ thời ông bà, tổ tiên của người ta như thế nào? Chứ không phải là phạt tù hay phạt nặng đi nữa mà như thế là xong.
“Theo tôi cách làm đó chưa giải quyết và sẽ không giải quyết được vấn đề đó trong toàn đất nước Việt Nam này cả.”
Trước câu hỏi cần nhà nước, chính quyền ưu tiên làm gì, sửa đổi gì trong chính sách, luật pháp và đường lối để giải quyết rốt ráo vấn đề được đặt ra nói trên và tránh để xảy ra những vụ việc gây xung đột như ở Đồng Tâm ở Hà Nội hay tranh cãi như ở Thủ Thiêm và nhiều nơi khác, kinh tế gia từ Hội An nói:
“Theo tôi, phải sửa căn bản luật đất đai, phải hủy bỏ luật đất đai hiện nay đi và công nhận quyền sở hữu đất đai là của nhân dân và do nhân dân tự quản lý, chứ không phải là nhà nước giành quyền đó từ tay nhân dân mà quản lý đất đai của họ, tức là của dân, như bấy nay.
“Anh nói là anh quản lý nhưng anh đi vào anh lấy của dân rồi anh phân cho người này, cấp quyền cho người nọ, thu hồi, cưỡng chế, trưng thu, trung dụng giao lại cho người khác v.v…, rõ ràng như thế chính cách thức đó là nguyên nhân gây ra tranh cãi, khiếu nại, đấu tranh, bạo động… và là cớ để nhà nước từ đó sử dụng bạo lực mà ra chứ không phải là tinh thần của luật pháp và quyền lực thực sự của pháp quyền, của luật pháp.
“Nhân đây tôi cũng nói thêm là trên thế giới cũng có những lúc mà chính quyền, nhà nước chấp nhận quyền bạo động mà người ta gọi là luật về nổi dậy chính nghĩa, hay được biết đến là “insurrection law”. Sau cách mạng Pháp, người ta công nhận quyền bạo động của nhân dân Pháp. Nhưng mà nhà nước Việt Nam bây giờ không công nhận quyền đó.
“Cho nên đây là những vấn đề căn bản mà Việt Nam cần phải xem lại và tôi kiến nghị các vị có chức, có quyền trong Quốc hội, cũng như trong chính phủ phải nghiên cứu kỹ vấn đề luật sử của Việt Nam đem luật Hồng Đức của Lê Thánh Tông ra mà nghiên cứu để có vấn đề cơ sở luật pháp về đất đai từ từ thời tổ tiên, ông bà để lại, chứ không thể nào đột nhiên ra một loạt luật pháp, chủ trương, chính sách như từ 1975 đến nay rồi chiếm đoạt của nhân dân như thế.”
Làm cách mạng về luật pháp và tính khả thi?
Khi được hỏi liệu đề nghị trên có khả thi không, nhất là ngay trong ban lãnh đạo đảng, nhà nước và Quối hội Việt Nam hiện nay cũng có những ý kiến nói đã, đang có những nhóm lợi ích, hay những nhóm lũng đoạn chính sách có thế lực rất mạnh mà chính nội bộ đảng và nhà nước cũng phải thừa nhận, ông Bùi Kiến Thành nói:
“Tôi thấy rằng, kể cả tới đây chỉ còn một số tháng thì tới Đại hội 13 của đảng CSVN, vấn đề ở đây là vẫn phải làm, vẫn phải tiến hành.
“Còn khả thi hay không thì phải nhìn vào trách nhiệm của những người mà phải bảo vệ quyền lợi của nhân dân.
“Anh đã từng nói là có thể làm cách mạng để cướp chính quyền thành công trong Cách mạng tháng Tám, anh làm được cách mạng để lật đổ chế độ phong kiến hay thực dân của Pháp đi, mà khi đó anh tuyên bố làm cách mạng để đưa lại một đất nước dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc, thì tại làm sao mà anh lại không thể làm cách mạng để sửa đổi luật mà nhiều người cho là bất hợp pháp, bất hợp lý như thế được?
“Thật sự, luật đất đai của nhà nước Việt Nam hiện nay theo tôi là một luật bất hợp pháp, chứ không phải chỉ là vấn đề dừng ở bất hợp hiến.
“Cho nên, việc ấy là điều mà anh, tức là nhà nước, chình quyền, cần phải làm. Còn khi làm như thế nào thì tất nhiên là gặp khó khăn, trở ngại rồi, gặp chống đối của các nhóm lợi ích, lũng đoạn của các nhóm lũng đoạn chính sách v.v… là bình thường, nhưng bổn phận của những người quản lý, lãnh đạo nhà nước, nếu xưng là do dân, của dân, vì dân, thì bổn phận của lãnh đạo đất nước là phải làm cái gì mà hợp tình, hợp lý cho dân.
“Chứ không phải là để tồn tại mãi mãi một cái luật mà nó bất hợp lý như thế được,” kinh tế gia Bùi Kiến Thành nói với BBC News Tiếng Việt trên quan điểm riêng hôm 08/9/2020 từ Hội An.

Việt Nam sắp xét xử 20 người bị cáo buộc tội khủng bố,

thuộc tổ chức Triều Đại Việt Nguyễn

Toà án Nhân dân TP Hồ Chí Minh hôm 8/9 cho báo Công An biết toà sẽ lên lịch trong thời gian sớm nhất để xét xử 20 người về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” và “Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ”.
Đây là những người bị cáo buộc đã tham gia chế tạo và đặt bom gây nổ tại trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh hôm 20/6/2018 khiến 1 cán bộ bị thương.
Theo báo Công An, hai đối tượng chính trong nhóm người này là Nguyễn Tuấn Thanh (sinh năm 1990) và cha ruột là Nguyễn Khanh. Hai người được xác định đã tham gia một nhóm của người Việt có tên là Triều đại Việt Nguyễn có trụ sở ở Canada. Đây là nhóm đã bị Bộ Công an xếp vào danh sách khủng bố.
Theo báo Công An, hai cha con Khanh và Thanh khai nhận đã có mối quan hệ thân thiết với ông Ngô Hùng, Tổng tư lệnh của Triều đại Việt Nguyễn. Ngô Hùng phong cho Khanh là Tỉnh trưởng khu tự trị Đồng Nai và phong cho Thanh hàm Thiếu tướng. Sau đó Ngô Hùng chuyển 120 triệu đồng cho Khanh và giao nhiệm vụ cho Khanh tổ chức người chế tạo chất nổ để gây nổ tại trụ sở các cơ quan công an.
Một người cháu của Khanh là Dương Bá Giang đã chế tạo chất nổ. Khanh đã đưa hai quả nổ cho một người có tên là Vũ Hoàng Nam. Người này sau đó đã chọn địa điểm gây nổ là Công an phường 12, quận Tân Bình. Nhóm người này đã đến đồn công an với lý do xin xác nhận giấy tờ và đặt một trái nổ ở chỗ ghế ngồi tiếp tân, một trái khác ở khu vực để xe, sau đó ra ngoài dùng điều khiển kích nổ và bỏ trốn về tỉnh Đồng Nai.
Cũng theo báo Công An, ông Khanh cũng giao một quả nổ khác cho Nguyễn Xuân Phương với yêu cầu gây nổ tại trụ sở Công an phường Tam Hiệp, Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Nhưng Phương đã vứt quả nổ ở nơi vắng vẻ rồi báo là đặt chất nổ nhưng có thể bị hư.
Cơ quan pháp luật Việt Nam đồng thời cũng đã quyết định khởi tố, truy nã quốc tế đối với ông Ngô Hùng (tên đầy đủ là Ngô Văn Hoàng Hùng).
Trong một lần trả lời Đài Á Châu Tự Do vào tháng 7 năm 2018 từ Canada, ông Ngô Hùng đã xác nhận có liên quan đến nhóm người đặt chất nổ ở trụ sở Công an phường 12 và khẳng định: “Đó là những chiến sĩ của Triều Đại Việt, tôi yêu cầu phải tức khắc trả ngay những người đó. Nếu không trả thì các ông phải gánh hậu quả trong những ngày tới. Cuộc chiến ngày hôm nay không phải chỉ 1 nhóm người công an đó đâu.”
Tuy nhiên ông Ngô Hùng cho rằng ông Nguyễn Tuấn Thanh là người bị bắt oan.

Thủ tướng VN kỷ luật cảnh cáo

nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi

Ông Trần Ngọc Căng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa chính thức bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo Quyết định 1371 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành.
Báo Nhà nước Việt Nam loan tin ngày 8/9, cho biết thêm nguyên nhân do ông Căng có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác.
Cụ thể, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp 44, ông Trần Ngọc Căng đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ.
Tại kỳ họp thứ 45 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương diễn ra vào đầu tháng 6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định những vi phạm vừa nêu của ông Căng gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, nên đã thi hành kỷ luật về Đảng đối với ông Căng.
Đến cuối tháng 6, ông Căng đã gửi đơn lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xin thôi giữ chức vụ và được nhận quyết định cho nghỉ hưu vào tháng 7 vừa qua.
Nguyên nhân xin nghỉ hưu được báo trong nước dẫn lời ông Trần Ngọc Căng vì ông cảm thấy mệt mỏi trước những bàn tán của dư luận sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương có quyết định kỷ luật.
Đồng thời, vẫn theo ông Căng, việc thôi chức trước tuổi hưu ba tháng của ông cũng nhằm phục vụ cho công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020-2025 sắp tới.
Ông Trần Ngọc Căng được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2011-2016 vào năm 2014, và tái cử chức vụ này nhiệm kỳ 2016-2021.

Đại gia xăng dầu Trịnh Sướng bị truy tố

Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Nông ngày 8/9 cho biết vừa hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang tòa để xét xử đối với nhân vật Trịnh Sướng được mệnh danh ‘đại gia xăng dầu’ về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo điều 192 Bộ luật hình sự 2015.
Theo cáo trạng, ông Trịnh Sướng thành lập công ty Mỹ Hưng với ngành nghề kinh doanh chính là mua bán xăng dầu và các sản phẩm có liên quan, mua bán khí dầu mỏ hóa lỏng. Sau 11 năm hoạt động, ông mở thêm một công ty cũng về ngành nghề kinh doanh như trên nhưng do em vợ làm giám đốc.
Cuối năm 2016, ông Trịnh Sướng biết việc sản xuất xăng giả bằng cách pha dung môi với xăng thật cùng các loại hóa chất khác để tạo màu giống xăng thật và bán ra thị trường.
Để có nguyên liệu sản xuất xăng giả và tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, ông thường không trực tiếp mua mà thông qua nhiều cá nhân và tổ chức. Đến năm 2019, ông mua hàng triệu lít dung môi và hóa chất chở bằng đường thủy và đường bộ về kho, các công nhân đang thực hiện việc bơm hóa chất để pha trộn thì bị cơ quan điều tra bắt giữ.
Ông Trịnh Sướng bị truy tố về tội sản xuất hơn 137 triệu lít xăng giả có giá gần 2.500 tỷ đồng, đại gia Trịnh Sướng bị cáo buộc thu lợi bất chính hơn 100 tỷ, khung hình phạt 7-15 năm tù.
Cùng bị truy tố là 38 bị can khác, trong đó có nhiều chủ doanh nghiệp xăng dầu, hóa chất tại TP HCM, TP Cần Thơ, Đăk Nông như: Đinh Chí Dũng (Giám đốc Công ty TNHH Đinh Chí Dũng, ngụ quận 9),
Nguyễn Ngọc Quan (Giám đốc Công ty hoá chất Tâm Quang, huyện Bình Chánh), Nguyễn Thị Thu Hòa (Phó giám đốc – điều hành Công ty Phạm Sơn)…

15 cơ quan, tổ chức liên quan vụ xét xử nguyên lãnh

đạo TP.HCM Nguyễn Thành Tài bị triệu tập

15 cơ quan và 11 tổ chức, cá nhân bị triệu tập trong phiên phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Nguyễn Thành Tài, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) TP.HCM cùng 4 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 8/9, cho biết phiên tòa vừa nêu dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 16 đến ngày 21/9 tới đây và sẽ do thẩm phán Nguyễn Thị Thanh Bình, thẩm phán Tòa Hình sự-Tòa án Nhân dân (TAND) TP.HCM, làm chủ tọa.
Tin cho biết Hội đồng Xét xử quyết định triệu tập tổng cộng 26 tổ chức và cá nhân đến tòa trong vụ án liên quan khu đất “vàng”, ở địa chỉ số 8-12 đường Lê Duẩn. Trong đó có 9 công ty, 11 cá nhân và 6 cơ quan bao gồm Ban chỉ đạo 09, UBND TP.HCM cùng Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT), Sở Tài chính, Cục thuế, Chi Cục thuế quận 1.
Bên cạnh đó, Hội đồng Xét xử cũng yêu cầu đại diện Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương và 3 cá nhân trực tiếp làm công tác giám định trong quá trình điều tra vụ án có mặt tại phiên tòa sơ thẩm.
Hồi trung tuần tháng 8, báo giới trong nước loan tin TAND TP.HCM sẽ mở xét xử sơ thẩm đối với Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Tài (SN 1952), về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” gần 2000 tỷ đồng liên quan đến khu đất “vàng” 8-12 đường Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1).
Bốn đồng phạm sẽ bị xét xử trong cùng vụ án gồm các ông Đào Anh Kiệt, cựu giám đốc Sở TN-MT; Nguyễn Hoài Nam, nguyên bí thư quận 2; Trương Văn Út, nguyên phó phòng quản lý đất Sở TN-MTvà bà Lê Thị Thanh Thuý, nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Hoa Tháng Năm và Lavenue.
Theo cáo trạng, Viện Kiểm sát Nhân dân xác định bị can Nguyễn Thành Tài là người tổ chức, đã “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 BLHS 2015, với khung hình phạt từ 10-20 năm tù.

Công an Bắc Ninh bắt giữ

giám đốc rút súng dọa bắn tài xế xe tải

Ông Nguyễn Văn Sướng, giám đốc một công bảo vệ rút súng dọa bắn tài xế xe tải ở Bắc Ninh, vừa bị công an thành phố này ra lệnh bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp, để điều tra về hành vi đe dọa giết người.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 8/9 và cho biết lệnh bắt giữ khẩn cấp này được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Ninh phê chuẩn hôm 7/9/2020.
Ông Nguyễn Văn Sướng, 52 tuổi, trước khi bị bắt cư trú tại Khu Lãm Trại, phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Vào ngày 5/9/2020, trên mạng xã hội xuất hiện một video clip cho thấy một người đàn ông dùng súng để uy hiếp, đe dọa tài xế xe tải… Với thông tin ‘Do đường hẹp nên tài xế xe 99A xin vượt không được đã tìm cách ép xe; tài xế xe kia xuống xe rút một vật ‘giống súng quân dụng’ ra đe dọa …’
Qua điều tra thông tin từ video, Công an tỉnh Bắc Ninh xác định: Vụ dùng súng đe dọa xảy ra lúc 10 giờ ngày 5/9/2020, trên Quốc lộ 18 thuộc địa phận Cầu Ngà, phường Vân Dương. Người đàn ông dùng súng là Nguyễn Văn Sướng, hiện là Giám đốc Công ty Dịch vụ bảo vệ Hàm Long ở số 15 Hai Bà Trưng, Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh.
Ông Nguyễn Văn Sướng sau đó bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Bắc Ninh triệu tập và tạm giữ khẩu súng là công cụ hỗ trợ, nhãn hiệu RC88, 2 viên đạn cao su và 1 viên đạn hơi cay…
Theo công an thành phố Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Sướng khai rằng, khi đang lái xe Toyota Fortuner thì xảy ra mâu thuẫn với một tài xế xe tải, nên đã dùng súng bắn đạn cao su để đe dọa… Nhưng khi được mọi người can ngăn thì đã lên xe rời đi.
Hiện Công an Thành phố Bắc Ninh đang tiếp tục điều tra vụ việc.

5 tờ báo bị phạt với cáo buộc đưa tin sai sự thật, mục đích

Năm tờ báo tại Việt Nam đã bị xử phạt hành chính với cáo buộc đưa tin sai sự thật và thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động.
Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Việt Nam ngày 8/9 đã ra quyết định xử phạt 4 cơ quan báo chí gồm các báo điện tử Dân Việt, Tổ Quốc, VnExpress và Báo Thanh Niên.
Trước đó, Tạp chí Ngày Nay và tạp chí điện tử Ngày nay đã bị thanh tra Bộ TT&TT Việt Nam xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 48 triệu đồng với lý do đã thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép.
Bốn tờ báo trên đã lần lượt bị phạt tiền từ 3 triệu, 12 triệu đồng đến 45 triệu đồng do lỗi vi phạm đưa “thông tin sai sự thật”.
Cụ thể, Bộ TT&TT nêu ra những sai phạm như báo điện tử Dân Việt đã đưa thông tin bị cho sai sự thật trong bài viết “Khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang, cựu phó bí thư TP.HCM”. Vi phạm này được xác định “do lỗi kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi hệ thống quản lý tin bài đã xuất bản tin chờ”.
Báo điện tử Tổ Quốc bị nói vi phạm đưa thông tin sai sự thật trong bài viết về hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Báo VnExpress bị cho đưa thông tin sai sự thật trong bài viết về lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng và báo Thanh Niên bị xử phạt 45 triệu đồng do đưa “thông tin sai sự thật trong loạt bài viết đăng tháng 5-2020 về một số dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT tại TP Hải Phòng”.

Ngay từ đầu Formosa được nhà cầm quyền

cho thoải mái xả thải ra môi trường

Tin Vietnam.- Báo Thanh niên loan tin, tại hội nghị đại biểu Quốc hội Cộng sản Việt Nam vào ngày 4 tháng 9 năm 2020, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên môi trường Cộng sản cho biết, Formosa là dự án có nguồn xả thải lớn nhưng lại được cho phép tự do xả thải ra môi trường.
Theo ông Hà, không chỉ mình Formosa mà những dự án có nguồn xả thải lớn khác như Lee&Man cũng được tự do xả thải ra môi trường. Ông Hà giải thích, Formosa, Lee&Man là những dự án lớn, có nguồn thải lớn nhưng lại do nhà cầm quyền cấp tỉnh phê duyệt dự án và không cần tính toán đánh giá tác động môi trường sơ bộ.
Ông Hà cho rằng, việc đánh giá tác động là phải dựa trên mức độ ảnh hưởng tác động của nguồn thải, phạm vi tác động nơi đặt nhà máy, dự án trên thực tế chứ không phải như cách nhà cầm quyền đang làm là chỉ dựa vào quy mô hay loại hình đầu tư dự án trên lý thuyết. Đây là cách làm mang tính hình thức, phản khoa học, gây nguy hiểm cho môi trường.
Cách làm này của nhà cầm quyền đã được hơn 10 tòa đại sứ ngoại quốc góp ý với nhà cầm quyền nên loại bỏ. Các tòa đại sứ nói rằng, cách làm của Cộng sản Việt Nam không giống ai trên thế giới nên không có cơ sở khoa học khi tính toán tác động môi trường, vẫn theo ông Hà.
An Nhiên

Công ty Nhật Mitsui và T7 Malaysia hợp tác

đóng tàu hải quân, tuần duyên cho Việt Nam

Công ty Cơ khí & Đóng tàu Mitsui (MES) của Nhật Bản và bộ phận hàng hải của T7 Global Berhad, một tập đoàn đầu tư có trụ sở tại Malaysia, đã ký thỏa thuận hợp tác đóng tàu cho Hải quân và Cảnh sát biển Việt Nam.
Theo báo mạng Malaysian Defence, biên bản ghi nhớ (MOU) được T7 Marine, công ty con của T7 Global ký với Mitsui vào ngày 27/8 và được công bố vào đầu tháng 9.
Tạp chí quốc phòng Janes cho biết thỏa thuận nhấn mạnh những nỗ lực ngày càng tăng của Nhật Bản nhằm khám phá các cơ hội xuất khẩu quốc phòng ở Đông Nam Á. Biên bản ghi nhớ, có hiệu lực trong ba năm, nêu rõ hai công ty sẽ tận dụng kinh nghiệm và chuyên môn của nhau trong việc khám phá các cơ hội đóng tàu tại Việt Nam và tìm kiếm các hợp đồng kinh doanh mới tại đây.
Biên bản ghi nhớ không đưa thêm chi tiết về thỏa thuận nói trên, tuy nhiên phát ngôn nhân của Công ty Cơ khí & Đóng tàu Mitsui trả lời tạp chí Janes vào ngày 8 tháng 9 rằng công ty sẽ tìm cách đóng “tàu hải quân và tàu tuần tra” cho Việt Nam thông qua thỏa thuận mới, mặc dù các địa điểm cụ thể cho các dự án đóng tàu vẫn chưa được thống nhất. Người phát ngôn này cũng khẳng định Mitsui không có cơ sở đóng tàu nào tại Việt Nam.
Theo Janes, Mitsui là một trong những công ty đóng tàu hải quân lớn nhất Nhật Bản. Kinh nghiệm và năng lực của công ty bao gồm việc đóng các tàu khu trục, tàu khảo sát, tàu tuần tra và xây dựng bến tàu đổ bộ cho Lực lượng Phòng vệ Biển của Nhật Bản (JMSDF).

Đẩy mạnh hợp tác dầu khí với Mỹ:

Đòn nhất cử lưỡng tiện cho Việt Nam

Vào lúc tập đoàn Nga Rosneft được cho là đã từ bỏ một đề án khai thác dầu khí với Việt Nam tại Biển Đông dưới sức ép nặng nề của Trung Quốc, phải chăng lối thoát cho Việt Nam để bảo đảm chính sách năng lượng của mình sẽ là đẩy mạnh hợp tác với Mỹ? Đây chính là quan điểm của chuyên gia Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore.
Trong bài phân tích “Ý nghĩa chiến lược của công cuộc hợp tác Viêt Mỹ về dầu khí – The Strategic of Vietnam-US Oil and Gas Cooperation” đăng trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat vào hôm qua, 07/09/2020, nhà nghiên cứu nhiều kinh nghiệm về Biển Đông này đã cho rằng việc tăng cường hợp tác với các tập đoàn dầu khí Mỹ sẽ cho phép Việt Nam vừa giảm được thặng dư thương mại với Mỹ, một điều đang cần làm, vừa bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình tại Biển Đông.
Mỹ nổi lên thành đối tác dầu khí quan trọng của Việt Nam
Theo chuyên gia Lê Hồng Hiệp, nhu cầu năng lượng của Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng từ 8,5% đến 9,5% mỗi năm trong vòng 5 năm tới đây. Vào lúc cần phải giảm lệ thuộc vào các nhà máy điện chạy bằng than, Việt Nam đang tìm cách tăng nguồn cung cấp dầu khí và phát triển các nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên, với Mỹ đang nổi lên thành một đối tác quan trọng.
Việt Nam hiện đang làm việc với tập đoàn Mỹ ExxonMobil để phát triển mỏ khí đốt Cá Voi Xanh ngoài khơi bờ biển miền Trung, có trữ lượng ước tính khoảng 150 tỷ mét khối. Khí từ mỏ này sẽ được sử dụng để chạy 3 nhà máy điện khí sẽ xây dựng tại khu kinh tế Dung Quất gần đó.
Vào tháng 11 năm 2019, công ty AES Corp của Mỹ cũng đã giành được sự chấp thuận xây dựng tổ hợp nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2 (2,25 GW) tại tỉnh Bình Thuận. Nhà máy sẽ chạy bằng khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ.
Ngoài Sơn Mỹ 2, Việt Nam hiện đang phát triển 4 dự án điện khí khác sử dụng LNG nhập khẩu là Cà Ná 1, (1,5 GW), Sơn Mỹ 1 (2,25GW), Bạc Liêu (3,2 GW) và Long Sơn 1 (1,2 GW).
Với hàng loạt nhà máy điện chạy bằng khí đốt như trên, Việt Nam tất yếu sẽ phải sẽ phải tăng nhập khẩu khí LNG, một sản phẩm mà Hoa Kỳ hiện đã trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ ba thế giới, chiếm hơn một nửa công suất khí hóa lỏng toàn cầu vào năm ngoái 2019.
Hợp tác với Mỹ sẽ giúp Việt Nam giảm được thặng dư thương mại
Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, sức cung đang tăng của Mỹ cùng với nhu cầu ngày lớn của Việt Nam về khí đốt hóa lỏng mở ra một triển vọng mới cho hợp tác Việt-Mỹ, và nhất là sẽ cho phép Việt Nam giảm bớt thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Hiệp đã nêu ví dụ về nhà máy điện Sơn Mỹ 2, khi vận hành, mỗi năm sẽ cần đến khoảng 2 tỷ đô la khí hóa lỏng nhập từ Mỹ. Đây là một con số đáng kể khi mà trong năm 2019, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ chỉ ở mức 14,4 tỷ đô la.
Dĩ nhiên, Mỹ không phải là nhà cung cấp LNG duy nhất, nhưng việc mua từ các nhà cung cấp Mỹ sẽ cho phép Việt Nam cải thiện cán cân thương mại với Hoa Kỳ, một vấn đề mà Washington luôn yêu cầu Hà Nội phải giải quyết.
Theo Hải Quan Việt Nam, trong năm 2019, Việt Nam đã có đến 47 tỷ đô la thặng dư mậu dịch với Mỹ. Mức thâm hụt này đã khiến chính quyền của tổng thống Donald Trump bất bình, và vào giữa năm ngoái, ông Trump từng gọi Việt Nam là “kẻ lạm dụng” thương mại. và đe dọa áp đặt thuế quan đối với hàng nhập từ Việt Nam.
Trước phản ứng bất bình từ Washington, Hà Nội đã cam kết cải thiện cán cân thương mại, đặc biệt bằng cách tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Việc mua khí hóa lỏng của Mỹ để dùng trong các nhà máy nhiệt điện theo kế hoạch của mình là một chiến lược có thể gọi là “nhất tiễn hạ song điêu”.
Đối với chuyên gia Lê Hồng Hiệp, giải tỏa được quan ngại của Washington rất quan trọng đối với Hà Nội, vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và mọi sắc thuế trừng phạt đều tác hại đến ngành xuất khẩu và đe dọa tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Mỹ sẵn sàng ủng hộ doanh nghiệp của minh nếu bị Trung Quốc áp lực
Không chỉ được lợi về phương diện thương mại, về mặt chiến lược, thì Hoa Kỳ đang đóng một vai trò chủ chốt trong nỗ lực của Việt Nam đẩy lùi các hành vi cưỡng bức của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong những cuộc đối đầu lớn với Trung Quốc ở Biển Đông vào năm 2014 và 2019 chẵng hạn, lập trường ủng hộ của Mỹ đã giúp cho thấy then chốt đói với Hà Nội trong nỗ lực huy động ủng hộ của quốc tế trước hành vi bắt nạt của Trung Quốc.
Theo ông Lê Hồng Hiệp, việc hoạt động dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông bị Trung Quốc liên tục sách nhiễu trong thời gian gần đây, có thể là cơ hội “tốt” để Hà Nội đưa các công ty Mỹ như ExxonMobil vào tham gia các đề án dầu khí của mình, nhất là khi mà các đối tác ngoại quốc khác không thể kháng cự lại Trung Quốc.
Sau tập đoàn Tây Ban Nha Repsol bỏ việc khai thác cùng với PetroVietnam ở 3 lô gần Bãi Cỏ Rong, thì đối tác lâu đời của PetroVietnam, là tập đoàn Nga Rosneft như cũng đang rút lui trước sức ép của Bắc Kinh.
Gần đây, Hoa Kỳ đã cứng giọng đối với các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và lên án Bắc Kinh ngăn chặn hoạt động hợp pháp của các quốc gia tranh chấp khác trong vùng biển của họ.
Để chống lại hành động của Trung Quốc, phương án làm việc với các công ty Mỹ để phát triển tài nguyên dầu khí là một chiến lược khả thi đói với Hà Nội, vì chính quyền Mỹ có quyết tâm cao hơn là các nước khác trong việc hậu thuẫn cho các công ty của mình trước sự sách nhiễu của Trung Quốc.
Hà Nội không thể tiếp tục cúi đầu trước Trung Quốc
Thế đứng từ lâu của Việt Nam là tránh đối đầu với Trung Quốc, đồng thời duy trì một thế cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, Hà Nội không thể tiếp tục cúi đầu trước sức ép của Trung Quốc.
Cho dù Việt Nam có thiện chí và nỗ lực để giữ chừng mực trong việc xích lại gần Washington để không làm Bắc Kinh  phật ý, Trung Quốc vẫn ngày càng áp lực thêm trên chính quyền Việt Nam qua nhiều lần làm gián đoạn hoạt động dầu khí ngoài khơi Việt Nam. Cho nên dứt khoát Việt Nam phải biến hợp tác dầu khí với Mỹ thành một loại đòn bẩy chiến lược chống lại hành vi cưỡng ép của Trung Quốc.
Cuối cùng, nếu Hà Nội chọn xích lại gần Washington, Bắc Kinh chỉ có thể tự trách mình mà thôi. Chính chủ nghĩa bành trướng trên biển của Trung Quốc và hành động hù dọa đã ép buộc Việt Nam.
Ngoài ra, nếu không đứng lên kháng lại Trung Quốc, Việt Nam sẽ bị đe dọa không chỉ về mặt chủ quyền ở Biển Đông, mà cả trên mặt an ninh năng lượng lâu dài và thịnh vượng kinh tế.

Mỹ cùng Việt Nam

thúc đẩy tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương

Hoa Kỳ sẽ công bố các sáng kiến và khoản đầu tư mới tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tại diễn đàn doanh nghiệp khu vực do Chính phủ Mỹ cùng hợp tác với Chính phủ Việt Nam tổ chức trong tháng tới tại Hà Nội.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 6/9 cho biết Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ-Thái Bình Dương thường niên lần thứ 3 sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 28-29/10 dưới sự phối hợp tổ chức của chính phủ Mỹ, chính phủ Việt Nam, Phòng Thương mại Mỹ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN.
“Diễn đàn thúc đẩy một tầm nhìn cho Ấn Độ-Thái Bình Dương như là một khu vực tự do và rộng mở của các quốc gia độc lập, mạnh mẽ và thịnh vượng,” theo thông báo đăng trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 6/9.
Lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp của Mỹ, Việt Nam và trên toàn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ thảo luận vác vấn đề như năng lượng và cơ sở hạ tầng, kinh tế kỹ thuật số, kết nối thị trường, y tế và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, cũng như cơ hội xây dựng quan hệ đối tác và thương mại giữa Mỹ với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, qua hình thức trực tuyến.
“Diễn đàn sẽ giới thiệu các khoản đầu tư có ảnh hưởng lớn của khu vực tư nhân và các nỗ lực của chính phủ nhằm hỗ trợ cạnh tranh thị trường, tăng trưởng việc làm và phát triển tiêu chuẩn cao vì sự thịnh vượng hơn nữa ở Ấn Độ-Thái Bình Dương,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Tại diễn đàn thường niên lần thứ 2 diễn ra vào tháng 11/2019 ở Bangkok, Thái Lan, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross dẫn đầu đoàn doanh nghiệp của Hoa Kỳ tham dự với nhiệm vụ ủng hộ các mục tiêu của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc đẩy mạnh hoạt động thương mại của Mỹ trong khu vực, thúc đẩy các cơ hội xuất khẩu tạo việc làm cho các công ty Mỹ, và đáp ứng các nhu cầu của khu vực về phát triển kinh tế.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, nhiệm vụ này nhằm chứng minh cam kết của Hoa Kỳ đối với sự hợp tác kinh tế bền vững ở Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.
Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần đầu ra mắt vào tháng 7/2018 tại Mỹ, được xem là trụ cột kinh tế trong chiến lược của chính quyền Tổng thống Trump đối với khu vực đại diện cho hơn một nửa dân số thế giới và hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu, đồng thời là công cụ để mở rộng vai trò của Mỹ đối với nền kinh tế của khu vực này thông qua đầu tư và tăng cường xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của các công ty Mỹ.
Theo giới quan sát, Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được Mỹ khởi xướng nhằm để đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, một chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối ba châu lục – gồm châu Á, châu Âu và châu Phi – với quy mô rất lớn.
Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ lần đầu được Tổng thống Trump công bố tại Hội nghị cấp cao Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tổ chức ở Đà Nẵng tháng 11/2017, nhằm tăng ảnh hưởng của Mỹ và kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Ngoài kinh tế, 3 trong số 4 trụ cột còn lại của chiến lược này còn gồm có hợp tác về ngoại giao, quốc phòng và an ninh hàng hải.

Liên minh quân sự Việt Nam-Ấn Độ đang hình thành

để đối đầu Trung Quốc trên Biển Đông?

Các hành động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông đã đẩy Hà Nội và New Delhi lại gần nhau hơn trong một mối quan hệ đối tác ngày càng khăng khít về quân sự được xem là để đối trọng với Trung Quốc
Việc Trung Quốc gần đây đưa oanh tạc cơ H-6J ra đảo Phú Lâm, một trong những khu vực tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, khiến Hà Nội tức giận.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội Lê Thị Thu Hằng hôm 20/8, như nhiều lần trước đây lên tiếng về các hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc trên Biển Đông, tuyên bố rằng việc triển khai máy bay ném bom H-6J, mà Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc nói là để “trấn áp và ngăn chặc các hoạt động quân sự khiêu khích của Mỹ,” là “hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam” và làm “phức tạp tình hình” trong khu vực.
Trong tháng 7 vừa qua, Trung Quốc hai lần công bố tiến hành tập trận tại khu vực Biển Đông và Bộ Ngoại giao ở Hà Nội cả hai lần đều lên tiếng phản đối khi cho rằng hoạt động này của Trung Quốc là “vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo” Hoàng Sa.
Những hoạt động này của Trung Quốc nằm cao trong nghị trình khi Đại sứ Việt Nam Phạm Sanh Châu gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Harch Vardhan Shringla hôm 21/8, theo truyền thông Ấn Độ.
Phía Việt Nam đã thông báo với Ấn Độ về tình hình căng thẳng leo thang tại Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại nơi này với việc triển khai tàu, chiến đấu cơ và ít nhất một máy bay ném bom tại vùng biển mà Việt Nam nói thuộc chủ quyền của mình và cũng là nơi hãng ONGC của Ấn Độ có các hoạt động dầu khí.
Theo Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales, một chuyên gia về quân sự trong khu vực, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc điều máy bay ném bom ra quần đảo Hoàng Sa – Trung Quốc đã từng đưa một vài oanh tạc cơ tầm xa H-6K tới khu vực này năm 2018. Tuy nhiên, theo nhận định của GS Thayer, sự cởi mở của Việt Nam về cuộc gặp của Đại sứ Châu là có ý nghĩa quan trọng.
“Việc Việt Nam thông báo với Ấn Độ phần nhiều cho thấy rằng Việt Nam đang tham gia vào một hành động ngoại giao để nêu ra các hành động của Trung Quốc với mục đích tìm kiếm sự ủng hộ chính trị,” GS Thayer được South China Morning Post trích lời nói.
Truyền thông Việt Nam không đăng tải về cuộc gặp này nhưng Đại sứ Phạm Sanh Châu hôm 21/8 cho biết qua trang Twitter các nhân rằng ông đã gặp mặt Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ để “thảo luận các phương cách nhằm thúc đẩy mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Ấn Độ.”
Trong sự kiện mà các nguồn ngoại giao gọi là cuộc gặp chính thức, Đại sứ Phạm Sanh Châu nói Việt Nam quyết tâm phát triển mối quan hệ hợp tác toàn diện mạnh mẽ với Ấn Độ.
Với việc tiếp cận Ấn Độ, Việt Nam đã cho thấy không chỉ một mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước mà còn cho thấy sự ủng hộ không ngừng của mình đối với tự do hàng hải và hàng không của Ấn Độ trên Biển Đông, theo Thạc sỹ Huỳnh Tâm Sáng của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.
“Ấn Độ và Việt Nam giờ đây cùng ở điểm hội tụ về chiến lược,” ông Sáng nói với South China Morning Post. “Cả hai bên đều phản đối việc Trung Quốc coi Biển Đông là ao nhà của mình và cùng có lợi ích trong việc gìn giữ hoà bình và ổn định trong vùng biển đầy tranh chấp.”
Cùng “mối thâm thù”
Các mối quan hệ quốc tế, trong đó có Ấn Độ, đang giúp cho Việt Nam chống lại được tham vọng chiếm trọn Biển Đông và “nuốt sống Việt Nam” của Trung Quốc từ nhiều đời nay, theo nhà báo Võ Văn Tạo. Người từng chiến đấu trong quân đội nhân dân Việt Nam nói với VOA rằng Ấn Độ sẽ là nước đáng tin cậy để Việt Nam cùng liên minh chống lại Trung Quốc.
“Những quốc gia mà họ không bao giờ xoá được thâm thù với Trung Quốc là Ấn Độ và Nhật Bản và tôi nghĩ (Việt Nam) liên minh được với những quốc gia đó thì mới bền vững được,” nhà báo Võ Văn Tạo nói. “Trung Quốc luôn luôn muốn nuốt vùng biên giới ở Kashmir, ỷ mạnh hơn để bắt nạn quân đội Ấn Độ mặc dù Ấn Độ là một cường quốc hạt nhân.”
Cùng nhận định trên, ông Mohan Malik của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược NESA thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng “cả Ấn Độ và Việt Nam đều nhận thấy Trung Quốc là một cường quốc theo chủ nghĩa bành trướng cà bất cẩn, không bao giờ có thể thoả mãn về mặt lãnh thổ và do đó là một mối ngụy hiểm rõ ràng và hiện tại.” Nhà nghiên cứu của NESA được South China Morning Post trích lời cho rằng Ấn Độ đang tìm cách đối phó với Trung Quốc như Trung Quốc đã làm với Ấn Độ, là “ngăn chặn và bao vây.”
Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường các mối quan hệ với Ấn Độ để giải quyết các mối lo ngại chung về hành động tuyên bố chủ quyền ngày càng tăng của Trung Quốc trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corporation, Derek Grossman.
“Điều này có thể liên quan đến việc chia sẻ thông tin, huấn luyện quân sự và có lẽ là mua sắm vũ khí,” nhà nghiên cứu Grossman nói, đồng thời cho biết thêm rằng quân đội hai nước rất bổ trợ nhau vì cả hai đề chủ yếu dựa vào thiết bị quân sự từ thời Liên Xô hoặc Nga.
Quan hệ quốc phòng và quân sự giữa Ấn Độ và Việt Nam cũng đã gia tăng trong vài năm gần đây. Trong chuyến thăm gần đây nhất của một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam tới Ấn Độ cuối năm ngoái, Thứ trưởng Phan Văn Giang tuyên bố rằng hợp tác quốc phòng là một trụ cột quan trọng của quan hệ Việt Nam-Ấn Độ.
Tuy không phải là một bên tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nhưng Ấn Độ coi đây là một vùng biển quan trọng khi có tới 55% lượng hàng hoá thương mại của Ấn Độ di chuyển qua ngả này và Ấn Độ cũng tham gia nhiều dự án khai thác dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông.
Trung Quốc đã phản đối các dự án khai thác dầu khí của Ấn Độ nhưng Ấn Độ nói việc hợp tác khai thác năng lượng với Việt Nam trên Biển Đông là phù hợp với luật pháp quốc tế.
Sự hợp tác nhiều hơn nữa giữa Ấn Độ và Việt Nam trong các hoạt động khai thác dầu khí có thể sẽ diễn ra vì những hành động phát triển cơ sở hạ tầng vượt trội của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp với Ấn Độ ở Kashmir, theo nhà nghiên cứu Malik của NESA.
Ấn Độ coi tự do hàng hải trên Biển Đông là trọng tâm trong tầm nhìn chiến lược của họ trong một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do là rộng mở, và theo nhà nghiên cứu Malik, điều quan trọng hơn đối với Ấn Độ là kiềm chế những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết khu vực biển có tranh chấp.
Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, dù cả Hà Nội và New Delhi đều có thể thấy được lợi ích trong một mối quan hệ nở rộ nhưng cả hai bên sẽ thận trọng, nhất là Việt Nam.
Việt Nam không thể để xảy ra xung đột ngày càng lớn với Trung Quốc vì Bắc Kinh có “sức mạnh đòn bẩy trong tay”, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, an ninh nguồn nước (Mekong) và Biển Đông.
Theo GS Thayer, mặc dù tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông là nguyên nhân chính gây khó chịu trong quan hệ song phương giữa Hà Nội và Bắc Kinh, “Việt Nam không muốn tranh chấp này trở thành tâm điểm duy nhất trong mối quan hệ giữa hai nước.”
Và vì Việt Nam hoạt động thông qua khuôn khổ đa dạng hoá và đa phương hoá quan hệ, cũng như thu hút các cường quốc khác như Nhật Bản, Nga và Mỹ nên, theo GS Thayer, Hà Nội biết rằng họ có “đòn bẩy quan hệ” mà họ có thể dựa vào khi cần hỗ trợ “nếu Trung Quốc trở nên quá hung hăng.”
Trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam mới nhất công bố cuối năm ngoái, Việt Nam tiếp tục không tham gia liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào trong chính sách quốc phòng “bốn không” của mình.

Điểm tin trong nước sáng 8/9: Bắt khẩn cấp

giám đốc công ty bảo vệ rút súng dọa tài xế;

Bộ GTVT đồng ý để Bộ Công an sát hạch bằng lái xe

Tâm Tuệ
Mục Điểm tin trong nước sáng thứ Ba (8/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
26 học sinh ở Quảng Trị bị ong đốt phải nhập viện
26 học sinh tiểu học từ lớp một đến bốn bị ong vò vẽ đốt, phải nhập viện cấp cứu lúc 16h30 chiều 7/9.
Báo Vietnamplus cho hay vụ việc xảy ra khoảng 16h cùng ngày, các em học sinh của Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ, trong lúc ra chơi thì thấy tổ ong ở phía sau trường.
Sau đó các em đã chọc phá nên bị đàn ong bay ra đốt. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, các học sinh bị ong đốt đã được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ để chữa trị. Thống kê ban đầu, có 26 học sinh bị ong đốt và phải nhập viện điều trị.
Hiện tình hình sức khỏe của tất cả 26 em đã ổn định. Theo thông tin từ lãnh đạo huyện Cam Lộ, đàn ong đốt các học sinh ghi là ong mật.
Nhật viện trợ 455 tỷ đồng giúp Việt Nam ứng phó dịch virus Vũ Hán
Bộ Y Tế chiều 7/9 cho biết Nhật Bản sẽ viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 455 tỷ đồng để giúp ứng phó với dịch viêm phổi Vũ Hán.
Mục tiêu của khoản viện trợ này là hỗ trợ kỹ thuật nâng cấp các trang thiết bị y tế đối với 4 bệnh viện Trung Ương gồm: Bệnh nhiệt đới Trung ương, Phổi Trung ương, C Đà Nẵng và Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương.
Khoản viện trợ  sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian 18 tháng, từ tháng 8/2020  tháng 1/2022.
Bắt khẩn cấp giám đốc công ty bảo vệ rút súng dọa tài xế
Ngày 8/9, truyền thông trong ước đưa tin, ông an Bắc Ninh có lệnh bắt khẩn cấp ông Nguyễn Văn Sướng (sinh năm 1968, trú Khu Lãm Trại, phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh) về hành vi “Đe dọa giết người” theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự.
Ông Nguyễn Văn Sướng là Giám đốc Công ty dịch vụ bảo vệ Hàm Long (có địa chỉ tại số 15 đường Hai Bà Trưng, phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh).
Người đàn ông này “nổi tiếng” trên mạng xã hội Việt Nam vào ngày 5/9 vì đã rút súng đe dọa một tài xế lái xe tải, xảy ra trên Quốc lộ 18 thuộc khu vực Cầu Ngà (phường Vân Dương, TP. Bắc Ninh).
Tại cơ quan công an, ông này khai nhận đã sử dụng khẩu súng do mâu thuẫn với tài xế xe tải trong quá trình tham gia giao thông.
Công an sau đó đã khám xét nhà riêng và xác định, ôtô màu đen hiệu Fortuner mang biển kiểm soát 99A – 306.30 là chiếc xe mà ông Sướng đã sử dụng như trong clip được cư dân mạng chia sẻ; đồng thời thu giữ 1 khẩu súng nhãn hiệu RC 88, số hiệu 17470285G; 2 viên đạn cao su và 1 viên đạn hơi cay.
Bộ GTVT đồng ý để Bộ Công an sát hạch bằng lái xe
Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản thống nhất để Bộ Công an chủ trì sát hạch giấy phép lái xe, theo thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc.
Báo VnExpress thông tin, chiều qua (7/9), Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho ý kiến vào dự luật Bảo đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đại diện cơ quan soạn thảo, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Công an cho biết, đa số thành viên Chính phủ đồng ý vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này.
Theo quy định hiện hành, Bộ Giao thông Vận tải phụ trách lĩnh vực đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; nếu lĩnh vực này được quy định trong Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nghĩa là sẽ chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an phụ trách.
Tuy nhiên, do vẫn còn ý kiến khác nhau nên ban soạn thảo xây dựng thêm phương án thứ hai là “dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe”.

Điểm tin trong nước tối 8/9:

Phát hoảng, gần 1,2 triệu đồng tiền mua sách;

Mua ‘bằng’ bác sĩ giá chỉ 3 triệu đồng!

Hiểu Minh
Mục Điểm tin trong nước tối thứ Ba (8/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Phát hoảng, gần 1,2 triệu đồng tiền mua sách
Theo báo Tuổi Trẻ, năm học 2020 – 2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1. Cùng với đó, sách giáo khoa (SGK) cho chương trình mới này được xã hội hóa, mức giá tăng so với SGK lớp 1 của năm học trước.
Tuy nhiên, theo niêm yết giá của các nhà xuất bản (NXB), một bộ SGK theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT không quá 200.000 đồng. Ví dụ các bộ SGK lớp 1 của NXB Giáo Dục Việt Nam có giá từ 179.000 – 194.000 đồng/bộ. Nhưng trên thực tế, nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 phải chi số tiền gấp nhiều lần như thế do phải “mua kèm” sách bổ trợ, sách tham khảo, tài liệu và đồ dùng học tập.
Còn các lớp 2 đến lớp 12 hiện vẫn học theo SGK tương ứng với chương trình cũ do NXB Giáo Dục phát hành. Giá một bộ sách trong danh mục bắt buộc của lớp 8 là 135.000 đồng. Nhưng một phụ huynh có con học lớp 8 cho biết, đã nhận từ cô giáo chủ nhiệm của con danh mục sách phải mua “khiến nhiều người phát hoảng”.
Cụ thể, danh sách liệt kê 39 đầu SGK và sách bổ trợ “bắt buộc mua”, còn 17 đầu sách khác thuộc nhóm “tự chọn”. Tổng số tiền của sách bắt buộc phải mua trên 755.000 đồng, còn số tiền sách “tự chọn” là 434.000 đồng. Tính cả hai loại trong danh mục trên gần 1,2 triệu đồng. Đây mới chỉ là “tiền sách”, chưa kể các loại tiền đầu năm mà một học sinh trung học phải mua như đồng phục, tiền nước sạch, tiền vệ sinh, tiền gửi xe, tiền hỗ trợ bán trú, học phí…
Mua ‘bằng’ bác sĩ giá chỉ 3 triệu đồng!
Đầu tháng 9/2020, PV Thanh Niên ghi nhận một người đàn ông tên R. (ngụ Q.8) mua “bằng” bác sĩ trên trang lambangsieutoc.com. Trang này quảng cáo: “Chúng tôi sẽ giúp bạn làm bằng đại học giá rẻ, cam kết chất lượng 100% như bằng thật. Các bạn hoàn toàn có thể sử dụng bằng mang đi công chứng nhà nước, xin việc”.
Khi ông R. gọi vào số 090697235x của trang lambangcapsieutoc.com, thì được một người tự xưng tên Tuấn Tú, chào hàng: “Bằng bác sĩ giả giá 3 triệu đồng. Nếu cần gấp thì 1, 2 ngày là có. Bằng này công chứng sử dụng… bình thường như bằng thật!”.
Vài ngày sau, ông R. nhận được cuộc gọi từ số 090299439x, báo ra địa chỉ đã giao kèo trước đó nhận “bằng” bác sĩ. Lúc này, nam thanh niên (khoảng 30 tuổi), chạy xe máy (BS 59P2 – 896.xx), mặc trang phục của một công ty giao hàng nhanh, đưa “bằng” bác sĩ giả cho khách. Điều đáng nói, ngoài “bằng” bác sĩ đa khoa, còn có cả bảng điểm, bằng photocopy đã sao y bản chính…
Thêm 5 bệnh nhân mắc Covid-19
5 bệnh nhân được cách ly tại Cần Thơ và Tây Ninh. Như vậy đến 18h ngày 8/9, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo Việt Nam đã có 1.054 người nhiễm Covid-19.
Thực tập sinh Việt Nam được khen vì cứu người ngã cầu ở Nhật Bản
Theo báo Vũ Đức Huỳnh, 22 tuổi, quê ở Yên Bái, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật, hôm 7/9 được Sở Cứu hỏa và Cứu nạn tỉnh Fukuoka khen tặng vì đã cứu người đuối nước thoát chết.
Trước đó vào ngày 9/6, khi đang đi dạo ven một con sông ở thành phố Onojo, Nhật Bản, Hùynh phát hiện một phụ nữ khoảng 50 tuổi ngã từ trên cầu xuống nước. Ngay lập tức, Hùynh nhảy xuống sông và bơi về phía người này.
Huỳnh cho biết sông sâu đến mức anh không thể chạm chân tới đáy. Khi bơi đến chỗ người phụ nữ, anh nắm lấy tay bà và bơi trở lại bờ.
Chàng trai quê gốc Yên Bái có kỹ năng bơi lội điêu luyện từ bé. Huỳnh cho biết rằng anh từng 4 lần cứu người suýt chết đuối khi còn ở Việt Nam.
Powered by Blogger.