Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chống thù ghét người gốc Á

Thursday, April 22, 2021 // ,

 VOA

23/4/2021

Người Mỹ gốc Việt tuần hành phản đối tội ác thù ghét người gốc Á tại Little Saigon ngày 3/4/21.


Thượng viện Mỹ ngày 22/4 thông qua dự luật nhắm vào các tội ác thù ghét người gốc Á.

Các thượng nghị sĩ chấp thuận dự luật với số phiếu 94-1. Thượng nghị sĩ Josh Hawley, Đảng Cộng hòa, bang Missouri, là người duy nhất chống lại dự luật này.

Dự luật do Thượng nghị sĩ Mazie Hirono, đảng Dân chủ, bang Hawaii, đưa ra. Dự luật sẽ chỉ thị Bộ Tư pháp nhanh chóng xem xét các tội ác thù ghét liên hệ đến COVID-19 được báo cáo với các cơ quan thực thi pháp luật và giúp các cơ quan này lập ra cách báo cáo online các vụ vi phạm và tiếp xúc với công chúng.

Dự luật cũng chỉ thị cho tổng chưởng lý và Bộ Y tế-Dịch vụ Nhân sinh ban hành những hướng dẫn để giảm thiểu các ngôn từ kỳ thị chủng tộc khi mô tả đại dịch.

Cùng lúc, Ủy ban Tư pháp Hạ viện cũng đưa ra một phiên bản tương tự của dự luật, do dân biểu Grace Meng, Dân chủ, bang New York, đệ trình ngày 21/4.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Dân chủ, bang California, nói dự luật này sẽ được biểu quyết tại phiên họp toàn thể Hạ viện.

Hạ viện và Thượng viện chung cuộc phải dung hòa cả hai dự luật để thông qua cùng một phiên bản trình lên Tổng thống Joe Biden ký ban hành thành luật.

(Theo NBC News/Washington Post)

Tổng thống Philippines đe doạ “một cuộc chiến đẫm máu” ở Biển Đông với Trung Quốc

RFA

2021-04-20

Tổng thống Philippines đe doạ “một cuộc chiến đẫm máu” ở Biển Đông với Trung QuốcHình minh hoạ. Tuần tra Philippines đi qua các tàu cá của Trung Quốc ở đá Ba Đầu hôm 14/4/2021
 AP













Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 19/4 nói ông đang chuẩn bị để gửi tàu chiến ra Biển Đông để bảo vệ chủ quyền trước sự xâm phạm của tàu Trung Quốc và nếu điều này xảy ra thì sẽ có “một cuộc chiến đẫm máu”.

Đây là lần phát biểu đầu tiên công khai của Tổng thống Duterte trên truyền hình của Philippines kể từ sau khi nước này vào cuối tháng ba tố cáo Trung Quốc điều hơn 200 tàu cá ra đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa các nước.

Ông Duterte nói ông không quan tâm lắm đến việc đánh bắt cá tại khu vực đó vì không có đủ cá để tranh giành tại đó, nhưng ông muốn bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên dầu khí ở đây. Ông nói:

“Khi chúng tôi bắt đầu khai thác, và khi chúng tôi bắt đầu khai thác bất cứ thứ gì từ Biển Đông bao gồm dầu của chúng tôi, thì vào lúc đó tôi sẽ gửi các tàu xám của chúng tôi ra để giữ chủ quyền”.

Ông Duterte nói tàu xám có ý nói các tàu thuộc hải quân của Philippines.

Tổng thống Duterte cũng nói nếu Trung Quốc bắt đầu khoan tìm dầu khí thì ông sẽ lên tiếng phản đối và nếu Bắc Kinh khai thác dầu thì đó là lúc Philippines phải có hành động.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, Tổng thống Duterte đã tìm cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với Trung Quốc, và rất miễn cưỡng khi phải lên tiếng phản đối Trung Quốc về những tranh chấp ở Biển Đông.

Vụ hàng trăm tàu cá Trung Quốc xâm phạm đá Ba Đầu mà Philippines đòi chủ quyền đã khiến cả Philippines và Việt Nam phải lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc và việc tàu cá Trung Quốc vào đây là để tránh gió.  

Tin Hoa Kỳ - VOA

Tin Quốc tế - RFA

 Bốn chiến hạm của hải quân Pháp và Úc cùng hiệp đồng trên Biển Đông.

Biển Đông: Bốn chiến hạm của Úc và Pháp tập trận chung

Khinh hạm HMAS Anzac và tàu tiếp liệu HMAS Sirius của Hải quân Hoàng gia Úc đã có cuộc tập trận chung ở Biển Đông cùng với Hải quân Pháp.

Ai muốn phản biện, hãy nhìn gương Báo Sạch

  RFA blog

Trong phiên họp đầu tiên của tân chính phủ, tân Thủ Tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra ba thông điệp làm nức lòng người. Trong đó, thông điệp thứ ba là “phải nghe ý kiến phản biện”. Nhưng như gáo nước lạnh âm 50 độ C đổ vào niềm tin hy vọng vừa le lói, chỉ năm ngày sau, ba nhà báo của nhóm Báo Sạch, tiếng nói phản biện sôi động duy nhất gần đây đã bị khởi tố bắt giam.

Theo báo chí lề phải, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa mới ngày 15-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra khá nhiều thông điệp quan trọng thể hiện tầm nhìn và phương thức hành động của Chính phủ mới. Ấn tượng nhất có lẽ là 3 thông điệp không làm thay, hành động phải có thể chế và lắng nghe phản biện.

Thủ Tướng bảo nghe, Công An bắt nhốt

Với thông điệp phản biện, ông Chính không nói chung chung mà đưa ra nội dung, phương thức lắng nghe, tiếp nhận tiêu hóa ý kiến phản biện rất cụ thể: “thành viên Chính phủ phải nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện. Các góc nhìn khác nhau sẽ mang lại những nhận thức khác nhau về sự vật. Vấn đề không phải là công nhận một góc nhìn nào đó mà là tập hợp được tất cả các góc nhìn này. Ai sẽ phải đảm nhận công việc này nếu không phải là các thành viên Chính phủ?” (1)

Nghe đến đây có lẽ các nhóm trí thức của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhóm Bô Xít hay hương linh cố Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh sẽ hởi lòng hởi dạ. Dư luận xã hội trong nhiệm kỳ mới chắc chắn sẽ được tôn trọng, lắng nghe. Sinh hoạt dân chủ sẽ sôi động hơn…

Nhưng mừng chưa kịp no thì lo đã tới. Số người ít ỏi tự ứng cử đại biểu quốc hội với mong muốn có tiếng nói đóng góp với nhà nước lớp bị bắt lớp xin tự rút lui. Chỉ năm ngày sau phiên họp chính phủ, ba thành viên của nhóm báo sạch lại bị khởi tố bắt giam theo điều 331 BLHS “lợi dụng  quyền tự do dân chủ ….”

Báo Sạch là gì? Gồm những ai? Đã làm gì lọi dụng quyền tự do dân chủ để hại ai?

Nói nhóm Báo Sạch, người ta cứ ngỡ là một tổ chức chính trị, xã hội quy mô chặt chẽ đáng gờm nhưng nhìn lại các thành viên, các thức hoạt động của họ chỉ là một nhóm bạn ngẫu hứng trên diễn đàn facebook chỉ có bốn thành viên là Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang và Nguyễn Thanh Nhã. Họ gặp nhau ở một điểm chung: cùng nghề nghiệp, cùng nhiệt huyết muốn nói lên sự thật, bằng kiến thức vận dụng pháp luật phản biện với những sự kiện vụ việc thuần túy kinh tế, xã hội.

Báo Sạch: Những nhà báo trẻ, nhiệt tình

Không thể đồng nhất Trương Châu Hữu Danh và Báo Sạch, mặc dù Hữu Danh là thành viên, là admin của Báo Sạch vì thật ra Báo Sạch không phải là một tổ chức mà chỉ là tên một diễn đàn theo mụch đích chung là góp tiếng nói phản biện xã hội mà mõi người có phương pháp tác nghiệp, thể hiện khác nhau. Trên diễn đàn Báo Sạch có khi họ ghi tện riêng của từng người trong từng bài viết. 

Trong đó, Hữu Danh đột phá điều tra, thâm nhập các hoạt động xã hội, có quan hệ rộng với nhiều giới. Các thành viên còn lại của Báo Sạch chỉ thuần túy thông tin và bình luận phản biện.

Nói về nhiệt tình, Nguyễn Phước Trung Bảo đã từng một lần bị trút nước lạnh. Năm 2009, khi còn làm báo Thanh Niên. Bài viết “Tản mạn đảo xa” của Trung Bảo đăng trên báo Xuân số tết báo Du Lịch đã gây chấn động, Báo Du Lich bị đình bản, cha anh là nhà báo Nguyễn Trung Dân, Phó Tổng Biên Tập trực báo này bị thu thẻ nhà báo.

Như tựa đề của nó, bài “Tản mạn đảo xa” (2) rất hiền hòa, nhẹ nhàng viết về tâm trạng bùi ngùi nhớ lại ký ức và cảm nghĩ về cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày 9-12 năm 2007, nhắc về lòng yêu nước của thanh niên Việt. Căng nhất trong bài báo có lẽ là đoạn này: “Nếu có “kẻ xấu” nào đó “kích động” người ta đi biểu tình vì yêu nước, ta nên tôn trọng những “kẻ xấu” này. Ngược lại, khi “người tốt” tìm cách ngăn cản sự biểu lộ đầy phẫn uất một cách chính đáng của người dân vì chứng kiến đất mẹ bị xâm phạm, thì hẳn những kẻ vẫn mạo xưng “người tốt” này cần phải được xem lại. Khi mà kẻ tham lam ở phương Bắc không chỉ thể hiện sự bá quyền trên các văn bản tuyên bố mà chuyển qua hành động đầu tư, khai thác dầu khí ngay trong khu vực lãnh hải của chúng ta thì sự sát cánh của nhân dân và Nhà nước lại càng cần kíp hơn bao giờ”.

Khi báo điện tử Một Thế Giới mới thành lập, Trung Bảo là Thư Ký Tòa soạn đầu tiên. Sau đó, Trung Bảo rời nghề báo, lập doanh nghiệp, cứ tưởng là đã thoát “nghiệp”. Như Nguyễn Du nói “Đã mang lấy nghiệp vào thân”, trước những sự kiện nhiễu nhương Trung Bảo lại lên tiếng, bước đầu là trên fb cá nhân và cuối cùng là Báo Sạch. Nhưng chừng như với kinh nghiệm đã có, Trung Bảo biết kềm chế và tự giới hạn mình trong các đề tài thuần túy kinh tế, xã hội, pháp lý.

Đoàn Kiên Giang là phóng viên lành tính điềm đạm của báo Nhà Báo và Công luận. Báo Sạch, với tên gọi của nó đã là một thách thức nên hứng chịu rất nhiều gạch đá từ nhiều phe phái: Dư luận viên, nhóm báo chí bưng bô, nhóm báo chí đâm thuê chém mướn, Đoàn Kiên Giang mấy lần có các bài viết lưu ý cộng đồng có thái độ, phương pháp tranh luận xây dựng, thân thiện, không bỏ bóng đá người, không miệt thị, … Trên trang riêng của mình người ta thấy rằng đến ngày 9-12, Đoàn Kiên Giang vẫn có bài đăng trên Nhà Báo và Công Luận.TP.HCM Dự án The River Thủ Thiêm được giao đất với giá "không tưởng" (3)

Nguyễn Thanh Nhã là thành viên mờ nhạt nhất trong Báo Sạch. Thông tin trên mạng xã hội thì có vài thành viên là đồng nghiệp bày tỏ thương cảm và những thông tin ít ỏi về Thanh Nhã như Nguyễn Quốc Việt cựu đồng nghiệp ở báo Pháp Luật TPHCM viết “năm 2005, Nhã thi vào báo Pháp Luật TP.HCM và làm chung toà soạn với mình cỡ 5 năm, rồi Nhã về SG tiếp thị.

- Tính tình Nhã vui vẻ, hoà đồng và có tài vặt như ảo thuật, đàn ghi-ta.

- về nghiệp vụ, chuyên môn Nhã chưa từng bị điều tiếng gì. năm 2013 mình bị đuổi khỏi báo Pháp Luật TP.HCM và về làm chung với Nhã ở Một Thế Giới được 6 tháng. Rồi ae chia tay nghề báo.

Cuộc sống chật vật lắm, nhưng Nhã là người mình biết nhiều nhất trong các thành viên báo sạch.” (4)

Phác thảo vài giòng về nhân thân các thành viên Báo Sạch dể thấy rằng đây là những thanh niên có hiểu biết đúng đắn, có lý tưởng, nhân thân tốt và không có động cơ gì để lợi dụng quyền tự do dân chủ.

Nhiệt huyết ấy lẽ ra phải đươc nhân lên, nếu có sai lệch chỉ cần uốn nắn chứ không phải trấn áp vùi dập.

Phản biện chuyện xã hội đơn thuần

Hoạt động của họ cũng đơn giản thể hiện công khai trên trang fb Báo Sạch, Làm Báo Sạch. Thiết nghĩ muốn điều tra làm rõ chỉ cần đọc, phân tích các trang này và chất vấn, không nhất thiết phải trấn áp nặng nề là bắt giam.

Báo sạch đã ra đời như thế nào? Theo Fbker Lê Nguyễn Hương Trà thì “Báo sạch thành lập 2019 sau vụ việc của doanh nghiệp Asanzo trên Tuổi Trẻ. Thành viên nhóm bao gồm các nhà báo và đã gây nhiều tiếng vang, nhanh chóng đạt được lượng theo dõi khủng”. (5)

Nói chính xác hơn, Báo Sạch ra đơi chính từ scandal Ansazo đình đám kéo dài từ tháng 6-, mãi đến nay cũng chưa hoàn toàn chấm dứt. Nguyên Asanzo là doanh nghiệp Việt Nam lắp ráp hàng điện máy, điện tử gia dụng phân khúc giá rẻ được đông đảo người tiêu dùng tín nhiệm, được chứng nhận danh hiệu Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao.

Ngày 21-6 ( ngày “Báo Chí Cách Mạng” Việt Nam), báo Tuổi Trẻ khởi đăng loat phóng sự nhiều kỳ Điều tra lật tẩy Asanzo (6).

Từ thông tin Asanzo nhập linh kiện Trung Quốc về lắp ráp trong nước và phát hiện một số lô hàng của các doanh nghệp khác nhập khẩu từ Trung Quốc gắn nhản hiệu Asanzo, Báo Tuổi Trẻ quy chụp Asanzo buôn lậu, trốn thuế, làm giả thương thiệu, lừa dối khách hàng. Tổng Cục Hải Quan, Cục Thuế TPHCM cũng ra quyết định xử phạt hành chính và chuyển hồ sơ cho Bô Công An khởi tố Asanzo về tội buôn lậu, trốn thuế. Thủ Tướng Chính Phủ cũng chỉ đạo làm rõ. Người tiêu dùng vốn nhạy cảm và ấn tượng xấu với từ Trung Quốc nên tẩy chay hàng Asanzo. Báo TT còn đánh lấn, xúc phạm cả Ban Chủ Nhiệ, chương trình Hàng Việt Nam Chất lượng Cao mà chính bà Vũ Kim Hạnh, nguyên TBT tiền nhiệm báo TT nhiều thế hệ trước hiện đang là chủ nhiệm.

Chính trong bối cảnh bức xúc đó, từ những bài viết rời rạc trên các trang Facebook cá nhân, các nhà báo này kết hợp thành diễn đàn Báo Sạch. Báo Sạch đưa các thông tin phản biện với báo TT trong đó có quan điểm của chính Bộ Công Thương và cơ quan tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam cũng đang bối rối vì thời điểm đó chưa có quy định thế nào là hàng hóa “made in Viet Nam” với hàng sản xuất trong nước. Nói Asnzo làm hàng giả, lừa dối khách hàng là chưa có cơ sở.

Cũng trong lúc này, trên mạng xã hội lưu truyền hình ảnh, thông tin cho thấy nhà báo VT trực tiếp tổ chức loạt phóng sự điều tra của báo TT có văn bản và nhắn tin yêu cầu Asanzo ký hợp đồng “giải cứu truyền thông” với số tiền rất lớn. Báo TT đình chỉ công tác nhà báo VT mà nợ công chúng một lời giải thích. Báo TT cũng nợ bà Vũ Kim Hạnh và Ban Chủ Nhiệm chương trình Hàng VNCLC lời xin lỗi về thông tin không chính xác.

Nói có căn cứ, góp phần giải oan

Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã điều tra làm rõ và hơn một năm sau mới có kết luận, cho rằng “do pháp luật hiện hành chưa điều chỉnh về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước, cũng chưa có quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” nên việc Asanzo mua linh kiện từ các công ty và cá nhân trong nước, sau đó thực hiện việc gia công, lắp ráp tạo ra sản phẩm điện tử hoàn chỉnh, ghi nhãn “Sản xuất tại Việt Nam”, hoặc “Chế tạo tại Việt Nam”, “Nước sản xuất Việt Nam”, “Xuất xứ Việt Nam” hoặc “Sản xuất bởi Việt Nam” là phù hợp quy định”, “chưa có căn cứ xác định Công ty Asanzo có hành vi lừa dối khách hàng trong việc bán các sản phẩm hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo” (7)

Về hành vi trốn thuế, đến ngày 21-4-2021, Chủ tịch Asanzo vẫn khẳng định “Trong quyết định xử phạt hành chính của cơ quan thuế, mặc dù chúng tôi cho rằng có một số điểm chưa đồng tình, nhưng với tinh thần tránh thất thoát ngân sách nhà nước, công ty sẽ đồng ý đóng toàn bộ các khoản thuế theo quyết định của cơ quan thuế”. (8)

Như vậy những phản biện của Báo Sạch trong vụ Asanzo là có căn cứ.

Người viết bài này hoàn không thích hàng TQ, không ủng hộ việc nhập hàng TQ lắp ráp và gắn thương hiệu Việt Nam, quảng cáo theo công nghệ Nhật. Nhưng luật pháp không cấm, thị trường chấp nhận, thì việc dùng quyền lực báo chí quy chụp doanh nghiệp phạm pháp là sự lạm quyền đáng hổ thẹn. Báo Sạch phản biện với tệ nạn ấy thì có hại cho ai?

Đề tài thứ hai mà Báo Sạch tham gia phản biện là vụ án Hồ Duy Hải. Với đề tài này, Báo Sạch thông tin về những phát hiện mới, những tình tiết, tài liệu của vụ án mới phát hiện và bình luận pháp lý.

Thí dụ như những bản ảnh hiện trường mới phát hiện, những bút lục bị bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án, nghi vấn hung thủ thuận tay phải…

Những thông tin, tài liệu này được luật sư  tập họp và kiến nghị đến các cơ quan chức năng để kêu oan, khiếu nại tái thẩm vụ án và tố cáo yêu cầu khởi tố về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án. Viện Kiểm sát, Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội đã tiếp nhân và đang xử lý. Với vụ án oan khuất này, không riêng Báo Sạch mà cả báo chí lề phải cũng tham gia. Trên mạng youtube nhiều kênh thông tin bình luận bịa đặt xuyên tạc nặng nề sao không ai bị xử lý gì?

Quyền cung cấp thông tin tội phạm được pháp luật minh định thì việc Báo Sạch đăng các thông tin này cũng không thể là lợ dung quyền tự do dân chủ để làm hại đến ai.

Phó Thủ Tướng phải nói phân hai

Đề tài thứ ba, gần đây nhất mà Báo Sạch theo đuổi là vụ Tổng Liên Đoàn Lao Đông kỷ luật ông Lê Vinh Danh, hiệu trưởng của trường Đại Học Tôn Đức Thắng. Quan điểm Báo Sạch cho rằng ông Danh quản lý hiệu quả, đưa ĐHTDT thành thương hiệu, đào tạo chất lượng tốt. Việc cơ quan chủ quản trực tiếp kỷ luật và sắp xếp nhân sự của nhà trường là không phù hợp với quy chế tự chủ giáo dục.

Chính Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam khi trả lời chất vấn trước Quốc Hội cũng phải nói nước đôi "nếu trong trường hợp có Hội đồng trường thì việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xử lý Hiệu trưởng trường Tôn Đức Thắng mà không căn cứ vào đề nghị của Hội đồng trường thì không đúng luật. Tuy nhiên, đây là một trường hợp rất đặc thù bởi vì Hội đồng trường trường Tôn Đức Thắng đã hết nhiệm kỳ và việc kiện toàn Hội đồng trường của Tổng Liên đoàn là chậm trễ do nguyên nhân cả chủ quan và khách quan…." (9).

Trong vụ này, Báo Sạch mở rộng thêm đến việc Tổng Liên Đoàn Lao Động có công văn yêu cầu nhà trưởng phải trích nộp 30% lợi nhuận và việc ông Bùi Văn Cường - nguyên bí thư tỉnh Đăk Lắck, nguyên Chủ tịch TLĐLĐ tiền nhiệm đạo văn trong luận văn Tiến sĩ. Báo Sạch cũng bênh vực ông Tiến sĩ Phạm Đình Quý khi ông này bị Công An Đắc Lắk khởi tố bắt giam về hành vị tố cáo ông Cường đạo văn.

Báo Sạch căn cứ vào luật cho rằng hành vi vu khống chỉ bị cấu thành tội khi nội dung vu khống là tội phạm. Thí dụ đặt điều nói ai đó giết người thì phạm tội nhưng nếu chỉ bịa chuyện nói ai đó nghiện rượu thì không phạm tội. Hành vi đạo văn không phải là tội phạm nên dù ông Quý có nói sai sự thật thì cũng chỉ có thể phạt hành chính chứ không cấu thành tội hình sự. Huống hồ chi ở đây kết quả giám đinh cho thấy luận văn ông Cường có sử dụng tài liệu của người khác :trong mức cho phép””

Đây cũng là vấn đề pháp lý cần phải làm rõ vì có liên quan đến nhiều người. Nếu dễ dải trong việc bắt người về hành vi vu cáo thì quyền bắt người quá rộng, ai cũng có thể thành tội phạm.

Ông Phạm Minh Chính, hãy làm như ông nói!

Với ba nguồn thông tin nói trên, nội dung Báo Sạch đã nêu đều mang tính phản biện xã hội. Báo Sạch đưa ra góc nhìn của mình, có thể trái ý với góc nhìn của một ai đó thì liệu có phải là tội phạm để bị giam cầm xét xử?

Rất tâm đắc với ý kiến của tân Thủ Tướng: “thành viên Chính phủ phải nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện. Các góc nhìn khác nhau sẽ mang lại những nhận thức khác nhau về sự vật. Vấn đề không phải là công nhận một góc nhìn nào đó mà là tập hợp được tất cả các góc nhìn này”

Vụ án hiện đang được Công An Cần Thơ thụ lý và được biết, tân Thủ Tướng ứng cử Đại biểu Quốc Hội tại Cần Thơ. Như vậy, tân Thủ Tướng có đến hai trách nhiệm phải trực tiếp xem xét vụ việc Báo Sạch.

Thứ nhất, sẽ làm gương, thực hiện thông điệp mở đầu nhiệm kỳ của Chính Phủ lắng nghe các ý kiến phản biện của Báo Sạch và sớm giải oan cho các bị can. Thứ hai, trách nhiệm của một Đại Biểu Quốc Hội phải lắng nghe ý kiến phản biện của cử tri, của dư luận xã hội về vụ việc trấn áp người phản biện trên địa bàn ứng cử. 

Tân Thủ Tướng phải xem xét và kết luận làm rỏ làn ranh giữa từ ngữ long trong “phản biện” và “tội lợi dụng quyền tự do dân chủ” để người dân có thể mở miệng mà không bị tù oan!

Nếu không làm được điều ấy thì thông điệp của tân Thủ Tướng cũng chỉ là lời đầu môi chót lưỡi mị dân. Công dân dù tâm huyết đến mấy, muốn đóng góp ý kiến xây dựng nhà nước đến mấy nhớ tới Báo Sạch đều sẽ rùng mình ớn lạnh.

Những cử tri bỏ phiếu cho Đại Biểu Phạm Minh Chính sẽ bị sốc hàng vì đã bầu lầm cho kẻ chỉ nói không làm, nói một đường làm một nẻo.

Vấn đề là từ đầu năm 2021 đến nay, rất nhiều nhà báo, fbker thậm chí là người tự ứng cử D(BQH đã bị bắt giam vô cớ bởi điều luật mơ hồ 331, nếu tình trạng này không được ngăn chặn, khắc phục thì công luận bị buộc phải hiểu rằng việc bắt bớ đàn áp báo chí là quan điểm chung của hệ thống chính trị chuyển tiếp giữa các nhiệm kỳ chinh phủ và của cả chính ông tân Thủ Tướng. Dư luận quốc tế và các đối tác nước ngoài cũng đang nhìn và chờ đợi.

 

  1. https://tuoitre.vn/3-thong-diep-khoi-dau-cua-thu-tuong-20210417080045559.htm
  2. https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/tan-man-cho-dao-xa.html

3-https://congluan.vn/doan-kien-giang-signature24/#o-dao-xa.html

4-https://www.facebook.com/profile.php?id=100056263429182

5-https://www.facebook.com/lenguyenhuongtra.de

6-https://tuoitre.vn/dieu-tra-lat-tay-asanzo-e471.htm

7-https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/thoi-su/30864/bo-...

8-https://nhadautu.vn/chu-tich-asanzo-bon-dau-hieu-vi-pham-khong-du-can-cu...

9-https://vtv.vn/chinh-tri/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-tra-loi-chat-van-vu-hi...

Việt Nam có thật sự hợp tác với các tổ chức nhân quyền quốc tế?

  RFA

2021-04-22

Việt Nam có thật sự hợp tác với các tổ chức nhân quyền quốc tế?Hình ảnh một số nhà hoạt động đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ.
 Courtesy The Project 88
















Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Công an - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ, Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn mới đây khẳng Việt Nam chủ động hợp tác với các cơ quan, cơ chế nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Theo Bộ Công an, thời gian qua Việt Nam cũng thường tuyên truyền về nhân quyền, đồng thời trên các diễn đàn quốc tế Ha Nội cũng phản bác cáo buộc mà những tổ chức nhân quyền quốc tế hay Bộ ngoại giao nước khác nêu ra.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 22/4, nhận định:

“Họ (chính quyền) nói dối một cách lem lẻm như vậy thì thật sự cũng không có gì là lạ, từ xưa đến nay họ vẫn thế... Họ nói bậy như thế nào... những việc họ làm bậy như thế xong lại chối leo lẻo... nhưng xong lại nói rất là tốt, hợp tác rất ngon lành... Thì tôi nghĩ các tổ chức nhân quyền phải phản bác lại.”

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn nói tuân thủ hợp tác, đối thoại với LHQ, các tổ chức phi chính phủ, nhà nước khác trên thế giới để cải thiện nhân quyền... Nhưng tôi cho rằng chỉ là hình thức thôi.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Đơn cử hôm 11/3/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo xác định các vi phạm của Chính quyền Việt Nam trong các vấn đề bao gồm: bắt cóc, bắt giam người tùy tiện, tra tấn người bị bắt tạm giam, tình trạng đối xử bất công đối với các tù chính trị. Hạn chế nghiêm trọng nhất ở Việt Nam theo báo cáo chính là hạn chế các quyền tự do bao gồm tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do internet, và tự do tôn giáo. Hoa Kỳ cáo buộc chính quyền Việt Nam đã bắt giữ tùy tiện những người dám lên tiếng chỉ trích Chính phủ.

Khi đó Chính quyền Việt Nam lập tức cho rằng báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sai sự thật, không thực tế...

Theo thống kê của Tổ chức The Project 88, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ và khuyến khích tự do ngôn luận ở Việt Nam, tính đến ngày 22 tháng 4 năm 2021, tại Việt Nam đang có 256 nhà hoạt động có nguy cơ gặp rủi ro từ phía chính quyền.

Ngoài ra, có 239 nhà hoạt động đang bị giam giữ trong tù, trong đó có 83 nhà hoạt động là nữ giới và 64 nhà hoạt động dân tộc thiểu số... Những nhà hoạt động này bị bắt và kết án theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015 với tội danh bị quy là “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc Điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

000_8X69GV.jpg
Ảnh minh họa chụp ngày 15 tháng 12 năm 2020 cho thấy nhà văn Việt Nam Trần Đức Thạch trong phiên tòa xét xử tại tỉnh Nghệ An của Việt Nam, khi ông bị kết án 12 năm tù về tội âm mưu lật đổ chính quyền. AFP.

Trở lại với cam kết hợp tác với các Tổ chức nhân quyền quốc tế của Bộ công an Việt Nam, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, một cựu tù nhân quyền, nhận định với RFA hôm 22/4 từ Sài Gòn:

“Về các cam kết của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thì tôi cho rằng nó chỉ có tính hình thức. Còn thực trạng thì quyền con người đã bị hình sự hóa trong Bộ luật hình sự bằng những điều 109, 117, 331... Những điều này dẫn đến mâu thuẫn với những điều trong Bộ Luật Hình sự như điều 160 (tội xâm phạm quyền bầu cử ứng cử của người dân); điều 163 (xâm phạm quyền hội họp, lập hội); điều 167 (xâm phạm quyền tự do ngôn luận, biểu tình)... Đó là thực trạng thứ nhất.”

Thực trạng thứ hai theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già là các tổ chức quốc tế lên tiếng không có sự ảnh hưởng mang tính chi phối, nên không có tính can thiệp vì chỉ là những tổ chức xã hội dân sự. Còn các tổ chức nhà nước Âu Mỹ thì quyền con người xảy ra xung đột với chủ quyền quốc gia, đồng thời nó gây ra bế tắc về đối ngoại. Tức là quốc gia này không được can thiệp nội bộ quốc gia khác. Vì vậy, những báo cáo từ Hoa Kỳ, Châu Âu chỉ có tính chất khuyến cáo, khuyến nghị. Do đó, theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nó không mang tính chi phối hay quyết định để giảm bớt tình hình đàn áp nhân quyền ở Việt Nam hiện nay. Ông nói tiếp:

“Về hình thức thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn nói tuân thủ hợp tác, đối thoại với Liên Hiệp Quốc, các tổ chức phi chính phủ, nhà nước khác trên thế giới để cải thiện nhân quyền... Nhưng tôi cho rằng chỉ là hình thức thôi, còn thực chất thì họ không muốn tạo tiền lệ cho người dân, dù bất cứ hình thức nào, họ không muốn người dân ‘lờn mặt’. Do đó việc mở rộng hay thu hẹp quyền con người ở Việt Nam thì nó là một ý đồ chính trị theo trào lưu và thời cuộc thôi. Thời cuộc hiện nay thì rõ ràng những ngày qua tình trạng bắt bớ, xâm phạm quyền con người rất nghiêm trọng. Qua thông điệp của nhà cầm quyền, thì tôi cho rằng thời cuộc hiện nay là khá phức tạp về đối nội đối ngoại... và có lẽ Bộ chính trị đang cần tập trung ứng phó, nên việc bắt bớ gia tăng... là dường như họ muốn cho nhẹ đầu hơn, để đối phó với những quốc đề quan trọng khác.”

Qua thời gian, số người dám cất tiếng nói, dám đấu tranh ngày càng nhiều, và hoạt động ngày càng mạnh dạn, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả hơn, dẫn dắt được nhiều người hơn... thì tôi nghĩ đó là chỉ dấu tốt hơn. Kể cả việc số người bị bắt vào tù ngày càng nhiều cũng cho thấy cuộc đấu tranh vì tự do, vì nhân quyền ở Việt Nam đang phát triển.
-Ông Vũ Minh Trí

Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (Human Rights Committee), một cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc, trong báo cáo năm 2020 về việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Việt Nam, đã cáo buộc Hà Nội “vi phạm công ước” khi nói về các đạo luật và thực hành liên quan đến tự do biểu đạt. Ủy ban cũng đã yêu cầu Việt Nam khẩn cấp thực hiện các biện pháp để thay đổi tình trạng này. Tương tự, Việt Nam lại phản bác lại cáo buộc này.

Ông Vũ Minh Trí, cựu quân nhân cấp tá, trước đây từng công tác tại Tổng cục 2, khi trả lời RFA hôm 22/4 từ Việt Nam, cho rằng thực tế đã chứng tỏ tất cả, rất nhiều người hoạt động nhân quyền ở Việt Nam không có vi phạm gì, chỉ đi đòi những quyền lợi chính đáng ví dụ như phản đối thu phí BOT trái quy định, chống tham nhũng... chứ không đòi thay đổi chế độ gì... mà bị bắt đưa vào tù.

Theo ông Trí, tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam tương đối phổ biến và đã kéo dài nhiều năm nay. Thế nên, những ý kiến của các tổ chức quốc tế rất xác đáng. Còn với phản hồi của Bộ Công an thì theo ông Trí, có thể coi là hết sức trơ tráo. Tuy nhiên ông Trí cho rằng cũng có mặt có chuyển biến tốt hơn:

“Tôi nghĩ tình hình đang diễn biến ngày càng tốt hơn, ví dụ như trường hợp của tôi, các vị lão thành nói nếu cách nay 20 năm thì có lẽ tôi đã bị bỏ tù hoặc bị giết... nhưng đến bây giờ tôi vẫn có thể trả lời đài... Như vậy có nghĩa rằng là cách đây 20 năm ở Việt Nam con người luôn bị kềm kẹp trong trạng thái sợ hãi. Như ở cơ quan tôi làm về tình báo, thì các cụ thường nói ‘sợ ta hơn cả sợ địch’.... vì ‘địch’ bắt cùng lắm là chết, còn ‘ta’ mà nghi ngờ thì thật sự cực nhục không chỉ bản thân mà cả gia đình. Thế nhưng qua thời gian, số người dám cất tiếng nói, dám đấu tranh ngày càng nhiều, và hoạt động ngày càng mạnh dạn, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả hơn, dẫn dắt được nhiều người hơn... thì tôi nghĩ đó là chỉ dấu tốt hơn. Kể cả việc số người bị bắt vào tù ngày càng nhiều cũng cho thấy cuộc đấu tranh vì tự do, vì nhân quyền ở Việt Nam đang phát triển.”

Ông Vũ Minh Trí cho biết ông rất nể phục những người dù bị sách nhiễu, đánh đập, nhưng vẫn tiếp tục đứng lên đấu tranh, không chỉ đấu tranh cho bản thân họ mà còn cho mọi người. Theo ông Trí, tự do nhân quyền đã là xu thế chung của thế giới, mọi người đều hướng tới, kẻ nào đi ngược xu thế đấy, thì càng chóng bị đào thải.

Powered by Blogger.