Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 25/05/2020

Monday, May 25, 2020 // ,
Đọc báo Pháp – 25/05/2020

Luật an ninh và cơ hội cuối cùng để chiến đấu cho tự do của Hồng Kông – Thụy My

Khi Anh trao trả Hồng Kông ngày 01/07/1997, thế giới lạc quan, tin rằng Trung Quốc và phương Tây sẽ tiến gần với nhau. Tiếc thay, một phần tư thế kỷ sau, sự thể diễn ra ngược lại. Hồng Kông đã trở thành biểu tượng cho thấy khó thể chung sống hòa bình giữa hai hệ thống ngày càng trái ngược.
Le Figaro hôm nay chạy tựa « Việc làm, bằng cấp : Giới trẻ, nạn nhân gián tiếp của virus corona ». Các kỳ thi bị hoãn, kỳ thực tập hủy bỏ, hy vọng ký hợp đồng làm việc tan biến…các thanh niên dưới 25 tuổi bị lãnh đòn từ đại dịch, khi bước vào một thị trường lao động đang chao đảo.
Libération dành trang nhất và bốn trang trong cho « Lời kêu gọi của nhân viên y tế : Thưa ông tổng thống, lời nói suông chưa đủ ». Tương tự, « Bệnh viện : Một big bang để làm bật tung xiềng xích » là tít lớn của Les Echos.
La Croix có cái nhìn bao quát với chủ đề « Thay đổi thế giới », bắt đầu loạt bài gợi lên những hướng mới để đối phó với những cuộc khủng hoảng đang trải qua. Le Monde đặt vấn đề « Ngoại giao : Hồi kết của quyền lực mềm Mỹ ? »
Liên quan đến châu Á, tất cả các báo Pháp hôm nay đều có bài viết về Hồng Kông. Le Figaro cho biết « Hồng Kông : Hàng ngàn người biểu tình thách thức Bắc Kinh », La Croix báo động « Người Hồng Kông đưa ra lời kêu cứu SOS với toàn thế giới ». Libération mô tả « Người Hồng Kông nắm lấy cơ hội cuối cùng để bảo vệ tự do », còn Les Echos nhận xét « Tại Hồng Kông, hành động thô bạo của Bắc Kinh lại thổi bùng cơn giận dữ của đường phố ».
Cơ hội cuối cùng để chiến đấu cho tự do
La Croix cho rằng, khi hàng ngàn người biểu tình hôm Chủ nhật 24/05/2020 chống lại luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt, người dân Hồng Kông muốn gởi đi cùng lúc hai thông điệp : « Sẽ chiến đấu đến cùng » và « Chúng tôi cần có sự ủng hộ của mọi người ».
« Hồng Kông độc lập », « Hãy chiến đấu cho tự do », « Quang phục Hồng Kông », « Các vị không thể giết hết tất cả chúng tôi, người Hồng Kông sẽ không bao giờ bỏ cuộc »…đó là những khẩu hiệu được các báo Pháp ghi nhận. Trong đám đông có cả trẻ em, những cặp vợ chồng trẻ và người cao niên, họ bày tỏ sự phẫn nộ trước đạo luật được coi là cây đinh mới đóng vào cỗ quan tài Hồng Kông, ngày càng ít tự do hơn.
Một nữ sinh viên nói với Libération : « Trung Quốc bắt các khuôn mặt dân chủ để gây tác động đến chúng tôi, nhưng họ không chịu hiểu rằng phong trào không có người cầm đầu và giới trẻ căm ghét chế độ Bắc Kinh ». Một người khác nói thêm : « Chúng tôi không làm gì được trước chế độ cộng sản, nhưng ít nhất cũng phải nắm lấy cơ hội cuối cùng này để bảo vệ quyền tự do biểu lộ ý kiến trên đường phố ».
Đọc thêmHồng Kông và những « ông già đi chiến đấu »
Le Figaro dẫn lời của lãnh tụ sinh viên Hồng Kông Hoàng Chi Phong : « Đây là khởi đầu của hồi kết. Chúng tôi không còn bao nhiêu thời gian, thế nên chúng tôi có mặt ở đây dù đang trong mùa dịch ». Trả lời La Croix, Hoàng Chi Phong cho rằng luật an ninh quốc gia là sự trả thù của Bắc Kinh đối với phong trào dân chủ Hồng Kông, và anh là đích nhắm đầu tiên. « Cách đây vài ngày, kênh truyền hình nhà nước CCTV trực tiếp cáo buộc tôi là người tổ chức biểu tình, cho dù tất cả mọi người đều biết rằng phong trào phản kháng không có lãnh đạo. Hồng Kông sẽ không ngã xuống mà không chiến đấu ».
Công an, thẩm phán từ Hoa lục : Bản án tử cho Hồng Kông
Libération nhận thấy số người biểu tình ít hơn nhiều so với trước đại dịch, họ bị nhấn chìm trong hơi cay. Một ngày trước đó, cảnh sát đã lục soát hệ thống métro và các tuyến đường giao thông chiến lược dẫn đến đảo Hồng Kông và Đồng La Loan (Causeway Bay), bị nghi là điểm tập trung của người biểu tình. Việc tập họp từ 8 người trở lên bị cấm do con virus từ Vũ Hán, thế nên Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền không kêu gọi xuống đường.
Chỉ những người kiên quyết nhất mới đi biểu tình, với chiếc khẩu trang mong manh. Đối diện với họ là cảnh sát trang bị nón sắt, mặt nạ chống hơi độc. Hơi cay, vòi rồng tung ra trấn áp. Bài hát cách mạng vang lên, nhưng tương quan lực lượng quá chênh lệch. Đến 16 giờ 30, cảnh sát đã câu lưu 120 người và đến tối, còn lùng soát những điểm kháng cự cuối cùng.
Đọc thêm: Hồng Kông hiện đại chiến đấu bằng vũ khí thời Trung Cổ
Đối với luật sư Lương Doãn Tín (Wilson Leung), từ một năm qua nhận biện hộ cho những nạn nhân bạo lực cảnh sát, « đó là hồi kết của sự khác biệt giữa Hoa lục và Hồng Kông. Trung Quốc muốn ký bản án tử cho thành phố chúng tôi ». Luật an ninh sẽ giúp công an Trung Quốc được điều tra ở Hồng Kông đồng thời lập ra các tòa án đặc biệt với các thẩm phán từ Hoa lục. Bà Vương Tùng Liên (Maya Wang), phụ trách về Trung Quốc của Human Rights Watch tố cáo « Bắc Kinh lại vi phạm nhân quyền, hôm nay là Hồng Kông, ngày mai sẽ là toàn thế giới ».
Cộng đồng quốc tế có cứu được Hồng Kông ?
Trước cỗ máy đàn áp của Trung Quốc, người Hồng Kông hiểu rằng chỉ có cộng đồng quốc tế mới cứu được họ, dù không mấy ảo tưởng. Nhật báo đối lập Apple Daily đăng trọn một trang lời kêu cứu với tổng thống Mỹ Donald Trump « Hãy đến cứu chúng tôi ! ». Ông chủ báo huyền thoại Lê Trí Anh (Jimmy Lai), 73 tuổi, người Công giáo và là nhà đấu tranh dân chủ từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn 1989, hôm 22/05 còn mở một tài khoản Twitter « để tố cáo và huy động chống lại sự đàn áp của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tôi chiến đấu đến cùng và sẽ không bao giờ rời Hồng Kông ».
Cộng đồng quốc tế đang bận rộn đối phó với đại dịch virus corona, nên phản ứng còn yếu ớt. Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông, ông Chris Patten dù vậy cũng thành công trong việc tung ra lời kêu gọi thế giới ủng hộ : « Trung Quốc đã phản bội người Hồng Kông, và phương Tây cần phải ngưng cúi đầu trước Bắc Kinh ». Trên 200 chính khách từ 23 quốc gia gồm dân biểu, thượng nghị sĩ, cựu bộ trưởng…(nhưng không có người Pháp nào) đã ký vào lời kêu gọi Trung Quốc tôn trọng hiệp ước Anh-Trung năm 1984.
Hoa Kỳ đe dọa xét lại ưu đãi thương mại dành cho đặc khu Hồng Kông, còn Liên Hiệp Châu Âu ra thông cáo rất ngoại giao cho biết « quan tâm đến diễn tiến tình hình ở Hồng Kông ». Anh quốc khá im lặng, dù có lời đồn là thủ tướng Boris Johnson có thể cho một số người Hồng Kông tị nạn. Một bài xã luận của tờ Times thẳng thắn kêu gọi « Hãy cho người Hồng Kông quyền định cư và làm việc tại Anh quốc ».
Trước các cuộc biểu tình mới, hôm Chủ nhật ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố sẽ nhanh chóng áp dụng luật an ninh quốc gia. Về mặt kinh tế, loan báo của Bắc Kinh khiến các nhà đầu tư lo lắng cho tương lai Hồng Kông : Les Echos ghi nhận thị trường chứng khoán Hồng Kông đã sụt mất 5,6%.
Tập Cận Bình trong ngõ cụt
Trong bài xã luận mang tựa đề « Hồng Kông, nạn nhân của cuộc đối đầu Mỹ-Trung », Le Monde nhận định Bắc Kinh muốn siết chặt Hồng Kông bất chấp quy tắc « Một đất nước, hai chế độ ». Thái độ quyết liệt của tổng thống Mỹ Donald Trump đã không khiến Trung Quốc trở nên ôn hòa.
Chế độ « nhất quốc, lưỡng chế » có từ năm 1997 đang sống những giờ phút cuối cùng. Quốc Hội Trung Quốc ngày thứ Năm 28/05 tới sẽ thông qua một dự luật « an ninh quốc gia » áp đặt cho Hồng Kông. Điều khoản 23 của Hiến Pháp Hồng Kông dự kiến cấm mọi hành động phản quốc, ly khai, nổi dậy chống Trung Quốc, nhưng chưa bao giờ được áp dụng do người Hồng Kông chống đối kịch liệt.
Một năm sau những cuộc biểu tình khổng lồ chống dự luật dẫn độ, sáu tháng sau cuộc bầu cử ngập trong đợt thủy triều dân chủ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định bất chấp tất cả, áp đặt cho Hồng Kông một luật mà người dân quyết liệt chống. Thông điệp rất đơn giản : Hồng Kông là Trung Quốc.
Tập Cận Bình chứng tỏ ông ta đang trong ngõ cụt. Từ một năm qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã liên tiếp phạm những sai lầm về Hồng Kông, biến một phong trào từ một nguyên nhân nhỏ ban đầu trở thành một cuộc nổi dậy chống chế độ cộng sản. Hàng ngàn thanh niên bị câu lưu, một số bị tống giam, và tuổi trẻ Hồng Kông không còn gì để mất. Họ không biểu tình để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, mà để chống một tương lai tồi tệ. Áp đặt luật an ninh quốc gia tất nhiên sẽ không mang lại sự yên bình.
Hồng Kông cho thấy phương Tây khó thể hòa hợp với chế độ Bắc Kinh
Liệu Bắc Kinh còn có thể đi xa đến đâu nữa ? Chế độ lại trở nên cứng rắn với chính sách quy chụp mọi hành động phản kháng là « nổi dậy », coi việc đối thoại là chứng tỏ sự yếu kém. Về phía phương Tây có vẻ không tìm thấy giải pháp.
Theo Le Monde, khi liên tục khiêu khích Trung Quốc  trên đủ mọi lãnh vực trong những tháng gần đây, Washington đã gây phản tác dụng. Nhà Trắng càng tỏ vẻ bênh vực dân chủ Hồng Kông, thì người dân Hoa lục càng ủng hộ chính quyền Bắc Kinh. Hành động cứng rắn mới của Bắc Kinh vừa là lời đáp của quyền lực Trung Quốc – đã trở thành dân tộc chủ nghĩa – vừa nhằm mang lại yên tĩnh ở Hồng Kông.
Hôm thứ Sáu 22/05, ông Josep Borrell, cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên hiệp châu Âu đã nhắc lại « sự gắn bó » của Liên Hiệp với nguyên tắc « Một đất nước, hai chế độ » đã giúp Hồng Kông có được quyền tự trị rộng rãi. Ông nhấn mạnh « tầm quan trọng của việc duy trì tranh luận dân chủ » và tôn trọng nhân quyền. Tuy nhiên châu Âu khó có khả năng khuyên giải Bắc Kinh.
Khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc ngày 01/07/1997, thế giới tương đối lạc quan, tin rằng Trung Quốc và phương Tây sẽ tiến gần với nhau, và Hồng Kông sẽ là một trong những phương tiện cho mục tiêu này. Tiếc thay, một phần tư thế kỷ sau, sự thể diễn ra ngược lại. Hồng Kông đã trở thành biểu tượng cho thấy khó thể chung sống hòa bình giữa hai hệ thống ngày càng trái ngược.
Mỹ siết quy định để ngăn các công ty Trung Quốc lên sàn chứng khoán
Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên lãnh vực kinh tế, Les Echos nêu ra việc Bắc Kinh từ bỏ mọi mục tiêu tăng trưởng để tập trung chống thất nghiệp. Bên cạnh đó là việc Mỹ muốn dựng thêm hàng rào ngăn chận các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Wall Street.
Những công ty từ Hoa lục không còn được hoan nghênh. Sau vụ bê bối Luckin Coffee, Nasdaq và Thượng Viện Mỹ muốn áp đặt các quy định mới chặt chẽ hơn. Luckin Coffee – công ty Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với Starbucks, từng huy động được 500 triệu đô la hồi tháng 5/2019 – vừa thú nhận rằng đã thổi phồng doanh số bán, và cổ phiếu công ty này bèn sụt giá 90%. Nasdaq lần đầu tiên đã quyết định những công ty Trung Quốc phải huy động được tối thiểu 25 triệu đô la khi niêm yết, và trong nhóm phải có người kiểm soát tính minh bạch.
Về phía Thượng Viện Hoa Kỳ, thứ Tư tuần trước đã thông qua một luật buộc các công ty Trung Quốc phải cam kết là không bị một chính phủ nước ngoài kiểm soát. Luật này nếu được Hạ Viện đồng ý, sẽ giúp cơ quan kiểm soát chứng khoán Mỹ từ chối cho niêm yết những công ty nào chưa được PCAOB (cơ quan giám sát kiểm toán) kiểm tra. Ngay sau đó các tập đoàn lớn Trung Quốc như Alibaba, Baidu, JD.com đã từ bỏ ý định lên sàn.
Quỹ đầu tư – rủi ro Muddy Waters, từng vạch trần mánh khóe « làm đẹp » báo cáo tài chính của các công ty Trung Quốc China MediaExpress, Rino International, Sino-Forest…cho rằng cần phải bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ Mỹ. Theo ông Carson Block, người sáng lập quỹ này : « Một khi Trung Quốc vẫn là Nhà nước du côn so với các quy định của thị trường chứng khoán Mỹ, thì các công ty từ Hoa lục không thể huy động vốn từ thị trường Hoa Kỳ ».
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200525-lu%E1%BA%ADt-an-ninh-v%C3%A0-c%C6%A1-h%E1%BB%99i-cu%E1%BB%91i-c%C3%B9ng-%C4%91%E1%BB%83-chi%E1%BA%BFn-%C4%91%E1%BA%A5u-cho-t%E1%BB%B1-do-c%E1%BB%A7a-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng

Tin tổng hợp
(Yonhap) – Khách Việt đến Hàn Quốc đông nhất.
Thống kê của bộ Tư Pháp Hàn Quốc, hôm nay, 25/05/2020, cho biết số lượng người Việt đến Hàn Quốc trong tháng Tư chiếm tỷ lệ cao nhất, trong khi mà du khách nước ngoài đến nước này đã bị giảm liên tục trong bốn tháng qua vì đại dịch virus corona. Trong tổng số hơn 34 nghìn khách nước ngoài đến xứ sở Kim Chi trong tháng trước, khách Việt chiếm 10.327 người. Đây là lần đầu tiên du khách Việt Nam được xếp đầu danh sách trên cả Trung Quốc, Nhật Bản hay Mỹ.
(RFI) – Ấn Độ mở lại đường hàng không.
Sau 2 tháng không được bay, bắt đầu từ 25/05/2020, các hãng hàng không Ấn Độ đã có thể cất cánh. Trước mắt một phần các tuyến bay nội địa trở lại hoạt động tuy vẫn còn nhiều bang tỏ ý lo ngại về dịch bệnh. Hiện mới chỉ có vài chục chuyến bay được lên chương trình. Khởi động lại ngành hàng không là chủ trương mà chính phủ Ấn Độ mong muốn được triển khai sớm.
(AFP) – Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.
Thủ tướng Nhật Bản ngày 25/05/2020 thông báo chính thức dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại một số vùng còn lại, trong đó có thủ đô Tokyo. Tình trạng khẩn cấp đã được ban hành hôm 07/4 tại Tokyo và 6 vùng khác trong bối cảnh dịch bệnh lan nhanh, số ca nhiễm mới thường nhật tăng vọt trong tháng Ba năm 2020. Tính đến Chủ Nhật, 24/05, cả nước đã có 16.581 ca nhiễm và 830 người chết vì Covid-19.
(AFP) – Nga vượt mốc 350.000 người nhiễm Covid-19.
Số liệu thống kê ngày 25/05/2020 cho biết Nga có 8.946 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số người bệnh Covid-19 lên thành 353.427 người. Cũng trong 24 giờ qua, nước Nga ghi nhận thêm 92 ca tử vong, nâng tổng số nạn nhân của virus corona là 3.633 người.
(AFP) – Nga kêu án một người Mỹ 18 năm tù.
Ông Paul Whelan, cựu thủy quân lục chiến, song tịch Anh – Mỹ bị Viện Kiểm Sát Nga đề nghị mức án tù này vào hôm nay, 25/05/2020, về tội gián điệp, một cáo buộc mà ông Paul Whelan luôn bác bỏ và khẳng định là bị gài bẫy. Ông Paul Whelan, 50 tuổi, bị bắt năm 2018 vào lúc một trong những người ông quen biết đang chuyển giao cho ông một chiếc khóa USB mà người này nghĩ là những tấm ảnh được chụp trong những chuyến đi Nga trước đó cùng người bạn đời.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200525-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 25/5:

Cố vấn Nhà Trắng ví Bắc Kinh giấu virus

giống Liên Xô che đậy vụ Chernobyl

Lục Du
Chào mừng quý độc giả đến với mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên. Bản tin sáng nay, thứ Hai (25/5), của chúng tôi có những tin sau:
Cố vấn Nhà Trắng ví Bắc Kinh giấu virus giống Liên Xô che đậy vụ Chernobyl
Reuters cho hay, hôm Chủ nhật, cố vấn an ninh Nhà Trắng Robert O’Brien đã nêu ra sự tương đồng trong cách Trung Quốc xử lý dịch viêm phổi Vũ Hán với cách Liên Xô xử lý thảm họa hạt nhân Chernobyl vào năm 1986.
Ông Robert O’Brien nói rằng Bắc Kinh biết về virus xuất phát từ Vũ Hán từ tháng 11/2019 nhưng đã nói dối Tổ chức Y tế Thế giới và ngăn các chuyên gia quốc tế tiếp cận thông tin.
“Họ [Bắc Kinh] đã phát tán một con virus ra thế giới, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế Mỹ mà chúng tôi phải chi ra để giúp nền kinh tế sống còn và giữ cho người Mỹ sống sót trong thời kỳ dịch bệnh này”, ông O’Brien nói trong chương trình “Meet the Press” của Kênh NBC.
“Việc che giấu virus này sẽ đi vào lịch sử cũng giống như vụ Chernobyl. Chúng ta sẽ xem loạt phim đặc biệt trên HBO về việc này 10 hoặc 15 năm sau”, cố vấn Nhà Trắng nhấn mạnh.
Moscow cũng từng che giấu mức độ nghiêm trọng của vụ Chernobyl được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử.
G7 có thể họp trực tiếp vào cuối tháng sau
Cuộc gặp mặt trực tiếp giữa các lãnh đạo G7 có thể sẽ diễn ra vào cuối tháng 6, ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh Nhà Trắng cho biết hôm Chủ nhật (24/5), theo Reuters.
Tổng thống Trump hồi tháng 3 đã hủy cuộc họp trực tiếp giữa các thành viên G7 vì dịch viêm phổi Vũ Hán và dự kiến sẽ tổ chức sự kiện này vào ngày 10/6.
Ông Trump hôm 20/5 nói rằng ông có thể sẽ tổ chức cuộc họp trực tiếp giữa các thành viên G7 ở một địa điểm gần Washington. Ông cho rằng động thái này sẽ truyền đi một thông điệp rằng thế giới đang trở lại trạng thái bình thường.
Thủ tướng Anh bào chữa cho lỗi sai của cố vấn
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên tiếng bênh vực cố vấn Dominic Cummings sau khi ông Cummings vi phạm lệnh phong tỏa chống virus Vũ Hán, theo BBC.
Thủ tướng Johnson nói ông tin rằng ông Cummings “không còn lựa chọn” nào khác ngoài việc phải đi từ London đến vùng Đông Bắc để chăm sóc con cái.
Ông Jonhson cho rằng, “trong mọi khía cạnh, ông ấy đã hành động có trách nhiệm, hợp pháp và với sự chính trực”.
Mặc dù vậy, có nhiều ý kiến cho rằng ông Cummings nên từ chức khi một người ở vị trí của ông lại vi phạm lệnh phong tỏa của chính phủ.
Nam Phi: Nới lỏng phong tỏa dù dịch Covid diễn biến xấu
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo nới lỏng các biện pháp phong tỏa trong dịch Covid-19 bắt đầu từ 1/6, dù ông cảnh báo rằng tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán ở đất nước có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều, BBC ngày 25/5 đưa tin.
Thông báo của ông Ramaphosa đưa ra sau khi một công ty khai thác khoáng sản cho biết 164 công nhân của họ đã dương tính với nCoV.
Theo thống kê của Worldometers, tính tới sáng thứ Hai (giờ Việt Nam) Nam Phi có thêm 1.240 ca nhiễm bệnh mới, đưa tổng số người nhiễm virus Vũ Hán ở quốc gia này lên 22.583, trong đó 429 người đã tử vong (tăng 22 ca). Quốc gia này hiện đã trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất châu Phi.
Trung Quốc cáo buộc Mỹ lan truyền ‘dối gian’ về Covid-19
BBC đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm Chủ nhật đã cáo buộc Hoa Kỳ truyền bá thuyết “âm mưu và những lời dối trá” về dịch viêm phổi Vũ Hán.
Ông Nghị nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ đã bị nhiễm “virus chính trị” và kêu gọi quốc gia này “ngừng việc lãng phí thời gian và ngừng lãng phí các sinh mệnh trân quý” trong cuộc chiến chống lại Covid-19.
Ông Nghị đưa những phát biểu này trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng hơn sau khi Washington liên tục lên án việc Bắc Kinh che giấu sự thật về dịch bệnh khiến thế giới bị động trước loại virus chết người. Chính quyền Trung Quốc cho tới nay vẫn chưa cho các nhà điều tra quốc tế tìm hiểu nguồn gốc và con đường lây lan của virus Vũ Hán.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-25-5-co-van-nha-trang-noi-bac-kinh-giau-virus-giong-lien-xo-che-day-vu-chernobyl.html

Điểm tin thế giới chiều 25/5:

Trung Quốc tuyên bố vụ thu hoạch 1,5 tấn rau

 ở Phú Lâm là ‘thắng to’

Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Hai (25/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Trung Quốc tuyên bố vụ thu hoạch 1,5 tấn rau ở Phú Lâm là ‘thắng to’
Hoàn cầu Thời báo, tờ báo nhà nước Trung Quốc đưa tin Trung Quốc vừa thu hoạch 1,5 tấn rau tại căn cứ quân sự lớn nhất của mình ở đảo Phú Lâm. Đây là đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng trên thực tế Trung Quốc kiểm soát. Cuộc thu hoạch vừa rồi được xem là “một chiến thắng to lớn” của Bắc Kinh trong cuộc chiến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, VOA Việt ngữ trích bản tin của tờ Hoàn cầu.
VOA cho hay, đó là vì theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), những nơi duy trì được khả năng cư trú của con người, có nền kinh tế độc lập, không phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài thì đủ điều kiện để trở thành đảo chính thức.
Triều Tiên có thể phóng SLBM nhằm tăng cường “chiến lược răn đe hạt nhân”
Nhiều khả năng Triều Tiên sẽ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) nhằm “tăng cường chiến lược răn đe hạt nhân”, tờ Yonhap dẫn lời các chuyên gia cho biết hôm 25/5.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa mới có tầm bắn lớn hơn và SLBM hoặc tàu ngầm có khả năng là những vũ khí chiến lược mới của Triều Tiên. Tàu ngầm trọng tải 3.000 tấn, có khả năng mang 3 SLBM và đang được chế tạo tại căn cứ hải quân của Triều Tiên ở Sinpo.
Cổ phiếu Alibaba sụt giảm sau dự báo tăng trưởng chậm
Alibaba Group Holding Ltd. lao dốc sau khi dự báo tăng trưởng doanh thu sẽ chậm lại trong năm nay, phản ánh sự bất ổn kinh tế sau đại dịch Covid-19 ngay tại sân nhà cũng như khả năng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc phá vỡ hoạt động kinh doanh của hãng, theo bản tin của báo Bloomberg ngày 25/5.
Cổ phiếu của Alibaba đã giảm tới 4% tại Hồng Kông vào ngày 25/5, sau khi giảm gần 6% tại New York cuối tuần trước đó. Gã khổng lồ thương mại điện tử dự báo tăng trưởng doanh số bán hàng trong năm nay ít nhất là 27,5% xuống còn 650 tỷ nhân dân tệ (91 tỷ USD), giảm so với 35% trước đó và thấp hơn một chút so với ước tính của các nhà phân tích. Trong khi đó hãng công bố mức tăng 22% tốt hơn dự kiến trong doanh thu quý 3 là 114,3 tỷ nhân dân tệ, đánh dấu tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong lịch sử.
Tàu dầu Iran đã vào lãnh hải Venezuela
Fortune, tàu đầu tiên trong số 5 tàu chở dầu của Iran đến Venezuela nhằm cứu vãn tình trạng thiếu nhiên liệu ở Venezuela, đã tới lãnh hải Venezuela mà không gặp phải sự can thiệp tức thời nào của Mỹ, như những gì chính quyền tổng thống Maduro mô tả là mối đe dọa, theo Aljazeera ngày 24/5.
Fortune đã chính thức vào Vùng đặc quyền kinh tế của Venezuela lúc khoảng 7h30 chiều (giờ địa phương) hôm 24/5, theo dữ liệu hoạt động trung chuyển dầu TankerTracker.
“Tàu dầu đầu tiên của Iran đã tới bờ biển Venezuela”, đại sứ quán Iran tại Venezuela đăng trên Twitter và “biết ơn Lực lượng Vũ trang Bolivaria hộ tống tàu”.
Các tàu dầu khác của Iran bao gồm Forest, Petunia, Faxon và Clavel dự kiến sẽ đến Venezuela trong vài ngày tới.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-25-5-trung-quoc-tuyen-bo-vu-thu-hoach-15-tan-rau-o-phu-lam-la-thang-to.html

Tạp chí việt nam

Biển Đông :

Trung Quốc lấn, Mỹ làm căng, Việt Nam chờ thời

Thu Hằng
Từ đầu năm 2020, Trung Quốc vẫn thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với các nước láng giềng Đông Nam Á, được kỳ vọng là sẽ hoàn thiện trong năm nhiệm kỳ Việt Nam làm chủ tịch luân phiên của ASEAN. Nhưng trên thực địa, Bắc Kinh liên tiếp mở rộng yêu sách chủ quyền, tăng cường hiện diện ở những vùng biển đang có tranh chấp.
Những sự kiện trên, cùng với những chỉ trích, cáo buộc gay gắt lẫn nhau liên quan đến dịch Covid-19, khiến quan hệ song phương Mỹ-Trung thêm căng thẳng trên mọi phương diện. Quân đội Mỹ huy động đội tầu tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, trong đó có Biển Đông, điều đội oanh tạc cơ B-1B trở lại Guam để hỗ trợ lực lượng tại chỗ của Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác trong khu vực Thái Bình Dương. Theo trang South China Morning Post ngày 19/05, Hoa Kỳ đã gia tăng hoạt động quân sự trên không và trên biển « sát cửa » Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2020 nhiều gấp ba lần so với nguyên một năm 2019.
Có đúng là Trung Quốc đang lợi dụng dịch Covid-19 để thâu tóm Biển Đông ? Việt Nam đối phó thế nào trước những căng thẳng Mỹ-Trung trong khu vực ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).
RFI : Phải chăng Biển Đông đang trở thành khu vực thể hiện sức mạnh và đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ? Những căng này có thể đi đến đâu ?
Benoît de Tréglodé : Năm 2020, chúng ta sống trong giai đoạn rất đặc biệt. Đại dịch Covid-19 đã làm thổi bùng căng thẳng trong quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vì lý do dịch tễ. Nhưng những vấn đề đối nội nảy sinh trong đợt dịch Covid-19 cũng phần nào đó tác động đến cách hoạt động trên trường quốc tế của hai nước.
Những yếu tố trên rất quan trọng để hiểu được những lý do đằng sau một « cuộc chiến thông tin » trong đó các bên Trung Quốc, Việt Nam, Hoa Kỳ hoặc phương Tây nói chung, bảo vệ một đường lối, một lịch trình mang tính chất quốc gia của mình, cũng như để có được một cái nhìn chung về diễn biến của bối cảnh chiến lược trên thực địa. Sự căng thẳng trong quan hệ song phương giữa Washington và Bắc Kinh là yếu tố chủ đạo để hiểu những sự kiện đang diễn ra ở Biển Đông.
Yếu tố thứ hai mà tôi cho là đóng vai trò trọng tâm để hiểu được mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, đó là phải ngược trở lại bản báo cáo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ trình bày vào tháng 06/2019 nhân Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Trong báo cáo gồm ba chủ đề chính này, Hoa Kỳ mô tả mạng lưới ngoại giao và những đối tác của họ ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á. Chủ đề trọng tâm thứ ba được nêu trong báo cáo, đó là coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất cho an ninh trong khu vực. Sự việc đã rất rõ ràng ngay từ thời điểm đó và đây cũng chính là điểm, về lý thuyết, định hình khuôn khổ chính sách hiện nay của Mỹ ở Đông Nam Á.
Trên đây là hai yếu tố bối cảnh quan trọng để hiểu được những gì đang diễn ra trên thực địa. Vậy chuyện gì đang diễn ra ?
Đúng là có nhiều nhà bình luận, từ vài tuần nay, nhắc đến việc Trung Quốc tái thúc đẩy những hành vi khiêu khích trong bối cảnh khủng hoảng dịch tễ quy mô toàn cầu và Bắc Kinh tranh thủ thời cơ để đẩy các quân cờ trên thực địa, trong đó phải kể đến ba sự kiện. Thứ nhất là vụ tầu cá Việt Nam bị đâm chìm vào đầu tháng 04/2020 ở quần đảo Hoàng Sa. Tiếp theo là việc « thành phố Tam Sa » của Trung Quốc lập hai quận mới : Tây Sa (Xisha) ở Hoàng Sa và Nam Sa (Nansha) ở Trường Sa. Và sự kiện thứ ba là việc tầu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 gần đây tiếp tục hoạt động trong lãnh hải của Malaysia.
Ba sự kiện trên, theo tôi, cần phải đặt chúng vào bối cảnh tổng thể hơn về quan hệ quốc tế, đặc biệt là sự cạnh tranh Mỹ-Trung. Cả ba yếu tố này không hẳn là đặc biệt trong năm 2020 này bởi chúng đều phụ thuộc vào tính chất liên tục trong chính sách hàng hải của Trung Quốc trong khu vực đã có từ khá lâu. Lấy ví dụ vụ tầu cá của ngư dân Việt Nam bị đâm chìm vào đầu tháng 04/2020, phải đặt biến cố này vào bối cảnh có từ lâu, cụ thể là từ năm 2014 khi xảy ra khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981.
RFI : Dù sao cũng có thể thấy là kiểu xung đột này xảy ra thường xuyên hơn từ đầu năm 2020. Vậy nguyên nhân là gì ?
Benoît de Tréglodé : Kiểu đối đầu, kiểu xung đột này thường xuyên xảy ra và có thể được giải thích với hai yếu tố.
Thứ nhất, phải nhắc lại rằng từ khoảng 10 năm gần đây, cả Trung Quốc và Việt Nam đều tăng cường đội dân quân biển. Năm 2009, Việt Nam đã áp dụng Luật Dân quân tự vệ biển – lực lượng phòng vệ hàng hải và loại tầu dành cho nhiệm vụ này cũng xuất hiện từ thời điểm đó. Theo tôi nhớ vào năm 2010, chủ tịch nước Việt Nam lúc đó đã khuyến khích lực lượng dân quân biển cùng với các hiệp hội nghề cá đến các khu vực có tranh chấp với Trung Quốc để tăng cường sự hiện diện của Việt Nam. Điều này rất quan trọng để hiểu được tình hình tại chỗ. Phía Trung Quốc cũng làm tương tự, vì thế thường xuyên xảy ra các vụ tranh chấp, đôi khi rất dữ dội, giữa ngư dân, dân quân biển và hải cảnh trong các vùng biển có tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Yếu tố thứ hai là việc lập ra hai « quận » mới trực thuộc « thành phố Tam Sa », bao gồm cả không gian biển khu vực quần đảo Trường Sa. Trở lại bối cảnh lịch sử gần đây, chúng ta thấy truyền thông từng nói nhiều về việc Trung Quốc thành lập « thành phố Tam Sa » vào năm 2012. Đây là cách đáp trả của Bắc Kinh về việc Quốc Hội Việt Nam, vào tháng 06/2012, đã thông qua Luật Biển bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Kể từ đó, Trung Quốc đòi chủ quyền về hành chính. Và yêu sách đó được cụ thể hóa bằng việc thành lập hai « quận » Tây Sa và Nam Sa mà thực ra, nằm trong kế hoạch « thành phố Tam Sa » đã có từ trước đó. Một điểm quan trọng đáng lưu ý khác, đó là « thành phố Tam Sa » khi được Trung Quốc thành lập năm 2012, bất chấp đòi hỏi chủ quyền của các đối tác và các nước láng giềng, mà đứng đầu là Việt Nam, chỉ có khoảng 400 dân cư, nhưng giờ có đến 1.800 người, chủ yếu sống ở khu vực bắc Hoàng Sa.
Đúng là chúng ta thấy rõ các chính sách như gia tăng dân số, xây dựng cơ sở hạ tầng… nhưng nên nhớ rằng chính sách đó chưa hẳn là nhân cơ hội tình hình dịch bệnh năm nay mà thực ra, là chiến lược lâu dài, mang tính chất liên tục của Trung Quốc từ những năm 2010. Tương tự như việc tầu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc thâm nhập vào vùng biển của Malaysia cũng giống như sự kiện đã xảy ra với Việt Nam.
Vì vậy, tôi không thấy có sự gia tăng vô cùng quan trọng nào trong giai đoạn khủng hoảng Covid-19, mà thực ra, đó là sự tiếp tục trong chính sách đã có từ khá lâu của Trung Quốc.
RFI : Dường như Trung Quốc biết cách tận dụng chính sách « Bốn Không » của Việt Nam để gia tăng hoạt động ngày càng hung hăng hơn ?
Benoît de Tréglodé : Chính sách « Bốn Không » trước là chính sách « Ba Không » của Việt Nam : Không tham gia liên minh quân sự ; không liên kết với nước này để chống nước kia ; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác. Chính sách này được sửa đổi vào tháng 11/2019 trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam với điểm « Không » thứ tư, đó là « không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực trong quan hệ quốc tế », trong đó có việc không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh hải trong khu vực.
Nội dung vẫn khá mang tính truyền thống, đó là việc đưa ra những tuyên bố phòng thủ để có thể bảo vệ những quyền lợi chủ quyền đang bị đe dọa vì những lấn lướt trên thực địa trong chính sách hàng hải của Trung Quốc mà chúng ta đã nêu ở trên.
Về vấn đề này, nên đề cập một điểm, mang tính rất thời sự : Hà Nội đang nêu ra khả năng đe dọa đối tác Trung Quốc và báo với cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam sẵn sàng làm như Philippines từng làm, có nghĩa là viện đến công lý quốc tế để có thể làm nổi rõ những tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là vào năm 2014, chính quyền Việt Nam từng cho thấy dấu hiệu là có thể kiện nhưng từ đó vẫn không có chuyện gì thực sự xảy ra.
Một lần nữa, chúng ta cần chú ý rằng mọi chuyện rất phức tạp. Những mối liên hệ chính trị, kinh tế, quân sự giữa các nước láng giềng và các quốc gia khác trong khu vực không cho phép các nước xây dựng một hướng đi chung.
RFI : Việt Nam có thể thu được lợi ích gì từ việc Hoa Kỳ hiện diện thường xuyên hơn và mạnh hơn trong khu vực, đặc biệt là vào năm đánh dấu 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương Việt-Mỹ ?
Benoît de Tréglodé : Các kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại không giải thích hết về quan hệ quốc tế. Đúng là Việt Nam sẽ kỷ niệm một phần tư thế kỷ tái lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Đó là sự kiện quan trọng đánh dấu thời kỳ mở cửa của đất nước từ năm 1975. Nhưng cũng đừng quên là 2020 cũng đánh dấu 70 năm quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Tiếp theo, cần phải xem xét thực tế hiện diện của Mỹ từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Đông Nam Á và những hoạt động của Trung Quốc trên thực địa. Chúng ta thấy là ngay từ tháng 03/2020 đã có nhiều cuộc họp giữa bộ trưởng Y Tế các nước ASEAN với sự hiện diện của bộ trưởng Y Tế Trung Quốc. Phía Hoa Kỳ cũng tổ chức họp trực tuyến với các đồng nhiệm ASEAN, nhưng không hiện diện thực sự trên thực địa.
Về mặt quân sự, nếu nhìn vào số lượng chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải cho phép hải quân Mỹ được điều tầu đến bảo đảm tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế, thì rõ ràng là số lượng các chuyến hải tuần như vậy đã tăng nhiều.
Nhưng nếu nhìn vào mối quan hệ song phương thực sự diễn ra như thế nào giữa các nước, có thể thấy là rất nhiều quốc gia Đông Nam Á bảo vệ một nguyên tắc chủ đạo đối với khu vực : Đó là họ không muốn Washington buộc họ phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Và đây cũng là một trong những nguyên tắc ngoại giao của rất nhiều nước trong vùng và đang được tái khẳng định.
Chính sách của tổng thống Donald Trump đưa đến tham vọng là thuyết phục các đối tác Đông Nam Á của Mỹ chọn một phe. Nhưng đây lại một nguyên tắc không khả thi đối với rất nhiều nước trong khu vực.
RFI : Những tác động về kinh tế từ dịch Covid-19 ảnh hưởng như nào đến hoạt động của Mỹ ở vùng Biển Đông ?
Benoît de Tréglodé : Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung từ một năm nay đã tạo điều kiện thuận lợi rõ ràng cho nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam cũng không bị thiệt hại nặng nề về kinh tế do dịch Covid-19.
Một điều thú vị cần nêu lên, đó là cách đây khoảng 10 ngày, tổng thống Mỹ chính thức thông báo rằng do cách Trung Quốc xử lý dịch Covid-19, 27 công ty đã rời Trung Quốc chuyển sang hoạt động ở Đông Nam Á, nhưng lại không phải ở Việt Nam mà là ở Indonesia. Chúng ta thấy là mọi chuyện có vẻ tế nhị hơn và Việt Nam không phải là bên chiến thắng duy nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Phải hiểu việc Hoa Kỳ nhắm vào một quốc gia khác, mà không phải Việt Nam trong bối cảnh này như thế nào ? Một số nhà phân tích cho tổng thống Mỹ hẳn vẫn còn nghi ngờ về khả năng Việt Nam thoát hẳn khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc vì lý do kinh tế, chính trị, kể cả lý do lịch sử lâu đời.
Vào thời điểm có thể dẫn đến chiến tranh lạnh với sự chia rẽ giữa các nước chống hoặc ủng hộ chính sách của Trung Quốc và vào lúc mà mọi việc trở nên tế nhị hơn với một số nước vừa phản đối những hành vi xâm lấn của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng vẫn cần đến sự ủng hộ về kinh tế và chính trị, tôi cho rằng khu vực Đông Nam Á vẫn muốn giữ cân bằng giữa các cường quốc.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200525-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-trung-qu%E1%BB%91c-l%E1%BA%A5n-m%E1%BB%B9-l%C3%A0m-c%C4%83ng-vi%E1%BB%87t-nam-ch%E1%BB%9D-th%E1%BB%9Di

Tin Việt Nam – 25/05/2020

Tin Việt Nam – 25/05/2020

Bộ Công an thừa nhận bắt nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy

Cổng thông tin điện tử Bộ Công an Việt Nam hôm 24 tháng 5 năm 2020 thông báo cho biết, ông Nguyễn Tường Thụy – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập bị bắt để mở rộng điều tra vụ án “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đứng đầu.
Cũng theo Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP. Hồ Chí Minh ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Tường Thụy ở Hà Nội vào hôm 18-5 cùng cáo buộc tội danh với ông Phạm Chí Dũng.
Bộ Công an cho rằng, quá trình bắt, khám xét đã được tiến hành theo đúng quy định pháp luật và đã thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng có liên quan đến hành vi phạm tội phục vụ công tác điều tra vụ án.
Vào sáng ngày 23-5, ông Thụy, 70 tuổi, bị bắt giữ khi đang ở nhà riêng tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Vợ ông Thụy là bà Phạm Thị Lân chiều hôm đó tường thuật lại vụ việc với RFA, nói chồng mình bị đám đông mặc thường phục xông vào nhà, khống chế và dùng vũ lực để cưỡng chế không theo bất kỳ quy trình pháp luật nào.
Nhà báo Nguyễn Tường Thụy sinh năm 1950 gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1970 và phục vụ trong đó 22 năm trước khi giải ngũ với cấp hàm Đại úy.
Những năm gần đây ông viết báo, viết blog và là chủ trang blog mang tên ông với gần 4 triệu lượt truy cập. Ông đồng thời cũng là blogger của Đài Á Châu Tự Do.
Sau khi có thông tin về vụ bắt giữ ông Nguyễn Tường Thuỵ, Đài Á Châu Tự Do đã ra thông cáo lên án vụ bắt giữ và thúc giục chính quyền Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với blogger này.
Năm 2014, ông Thụy cùng một số người khác đến Hoa Kỳ và ra trước Quốc hội Mỹ để điều trần về Tự do báo chí ở Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của RFA khi đó ông Thụy cho hay:
“Tôi là một người viết báo tự do và là một blogger tôi quan tâm đến vấn đề báo mạng trong quá trình phát triển của xã hội. Việt Nam hiện nay quyền tự do báo chí rất hạn chế và ở Việt Nam chỉ có thừa nhận báo chí nhà nước”.

Nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ bị bắt

vì CSVN mở rộng vụ án nhà báo Phạm Chí Dũng

Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 24 tháng 5 năm 2020 loan tin, Công an Cộng sản tại Sài Gòn thông báo nguyên nhân bắt nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ là do liên quan đến ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam.
Cổng thông tin điện tử của công an Cộng sản tại Sài Gòn thông báo, nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ bị khởi tố theo điều 117, bộ luật Hình sự là “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống phá nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Công an Cộng sản xác định nhà báo Phạm Chí Dũng là người cầm đầu vụ án, và việc bắt nhà báo Thuỵ là mở rộng điều tra. Vì vậy, sau khi bắt ông Thuỵ ở Hà Nội thì Công an Cộng sản sẽ đưa ông về Sài Gòn.
Theo thành viên của Hội nhà báo Độc lập, sau khi ông Phạm Chí Dũng bị bắt vào cuối tháng 11 năm 2019, thì ông Thuỵ là Phó chủ tịch Hội đã thay ông Dũng điều hành Hội cho đến giờ, nhưng vị trí Chủ tịch Hội vẫn còn bỏ trống.
Vợ nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ cho biết, an ninh Cộng sản đã khởi tố chồng bà từ hồi đầu tháng 1 năm 2020 nhưng đến ngày 23 tháng 5 năm 2020 họ mới thực hiện bắt giam ông. Trước khi bị bắt khoảng một tuần, ông Thuỵ đã đự đoán mình chuẩn bị bị bắt nhưng ông đã nhất quyết không lẩn trốn.
Được biết, ông Thuỵ là cựu chiến binh của quân đội Cộng sản, ông gia nhập quân ngũ từ khi còn trẻ và ở trong quân đội cho đến năm 1992 thì về hưu.
An Nhiên

Bộ Giao thông Vận tải CSVN đổ thừa

sự chậm trễ của dự án đường xe điện trên cao

Cát Linh-Hà Đông cho dịch COVID-19

Tin từ Hà Nội: Trong báo cáo gửi Quốc hội cộng sản tuần qua, Bộ Giao thông Vận tải nói rằng đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thời tốc độ tiến hành của dự án đường xe điện trên cao Cát Linh – Hà Đông, khi các nhân sự của tổng thầu, cố vấn giám sát, và cố vấn đánh giá an toàn hệ thống vẫn chưa thể sang Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và người hoạt động cho rằng việc đổ thừa này là không hợp lý vì dự án Cát Linh – Hà Đông đã chậm, đội vốn nhiều lần, bê bối trong lúc xây dựng, tai nạn lao động… đã xảy ra trước khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Cộng và ở Việt Nam.
Cho dù hạn chế người ngoại quốc vào Việt Nam, nhà cầm quyền Hà Nội đã ưu ái dự án, đồng ý đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải cho 43 chuyên gia Trung Quốc tham gia dự án này  được nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian cách ly.
Dự án đường xe điện trên cao Cát Linh – Hà Đông, dài khoảng 13km, dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Tuy vậy đến nay, sau khoảng hơn 10 lần chậm trễ thực hiện, dự án này vẫn chưa thể đi vào hoạt động.
Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 419 triệu Mỹ kim nhưng đội lên thành 886 triệu năm ngoái. Tổng thầu EPC là Công ty Tập đoàn 6 Đường xe điện Trung Cộng và cố vấn giám sát là Công ty Giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường xe điện Bắc Kinh.
Quốc Tuấn

Công ty Huê Phong cắt giảm

hàng ngàn công nhân vì Covid-19

Công ty Huê Phong ở TP.HCM phải cắt giảm 2.222 công nhân do những tác động của đại dịch Covid-19.
Báo Tuổi Trẻ cho biết vào ngày 24/5, lãnh đạo Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM đã làm việc với Công ty cổ phần giày da Huê Phong liên quan đến việc công ty này cho hàng ngàn công nhân nghỉ việc.
Trước đó, Huê Phong đã thông báo cho nghỉ việc 2.222 lao động với tổng số tiền chi trả trợ cấp mất việc là 52 tỉ 747 triệu đồng.
Tổng số nhân viên của công ty trước khi giảm người là khoảng 4700 lao động.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Trưởng Phòng Nhân sự của Công ty Huê Phong, giải thích với báo Tuổi Trẻ:
“Sau tết công nhân công ty vẫn trở lại nhà xưởng làm việc bình thường nhưng khi dịch Covid-19 xảy ra ở Trung Quốc và các nước châu Á, chúng tôi gặp khó khăn do nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
“Thời gian qua, chúng tôi đã cho công nhân ngừng việc, trả lương không dưới mức lương tối thiểu. Nếu tiếp tục tạm hoãn hợp đồng lao động thì không chi trả lương và như vậy công nhân sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, khách hàng chưa cho biết cụ thể lúc nào họ sẽ khôi phục lại đơn hàng nên công ty buộc lòng phải cắt giảm lao động.”
Được biết, 91% lượng hàng xuất khẩu của công ty này là tới thị trường châu Âu và Mỹ. Khi hai khu vực này đóng cửa để chống dịch Covid-19, các đơn hàng bị hủy, công ty đã không thể bán được sản phẩm của mình.
Ông Hưng nói rằng nếu tình hình tiếp tục khó khăn, công ty sẽ phải cắt giảm thêm khoảng 500 lao động nữa.
Huê Phong chỉ là trường hợp mới nhất trong số các doanh nghiệp là nạn nhân của đại dịch Covid-19. Các chỉ số về phá sản, sụt giảm doanh thu, thua lỗ và cắt giảm lao động tại Việt Nam hiện được đánh giá là “rất đáng lo ngại”.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 4 cho thấy khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.
Doanh thu quý I năm 2020 của các doanh nghiệp giảm xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí như chi trả lương và các khoản liên quan cho người lao động, lãi vay, thuê mặt bằng… Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp liên quan đến lao động: gần 30% doanh nghiệp áp dụng giải pháp cắt giảm lao động; trên 21% doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương và gần 19% doanh nghiệp giảm lương lao động.
Cổng thông tin này cũng cảnh báo “nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, hiện tượng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam (doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, đã có thị phần nhất định, có vai trò dẫn dắt một số ngành kinh tế quan trọng) có thể sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ”.
Sau khi tình hình dịch bệnh tạm hạ nhiệt tại Việt Nam, vực lại các hoạt động kinh tế trở thành ưu tiên hàng đầu.
Tại hội nghị với doanh nghiệp ngày 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Giờ là lúc lò xo bị nén lại sẵn sàng để bung ra. Cần tập trung hơn nữa khởi động nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2020 trên 5%, không thấp như IMF dự báo là 2,7%. Các bộ ngành phải xắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ cho doanh nghiệp”.

Bắt Phạm Thành, Nguyễn Tường Thuỵ:

Những giọt nước tràn ly

Lập Quyền Dân
Chiến dịch trấn áp thẳng tay các nhà báo độc lập để “trong sạch hoá địa bàn”, chuẩn bị sàn đấu cho một “Hoa sơn luận kiếm” tại đại hội 13 sắp tới hay đây là cuộc ra đòn cấp tập để “vỗ mặt” các nhà đấu tranh
dân chủ? Có thể là cả hai, vì trước sau ĐCSVN cũng sao chép cái chủ trương mà Quốc hội Trung cộng đang thảo luận về Luật An ninh cho Hong Kong trong những ngày nóng bức này.
——————————
Thật ra, họ có thể chờ cho Trung cộng thảo luận xong Bộ luật được coi là “hồi chuông báo tử cho Hong Kong” rồi hẵng trong sạch hoá địa bàn. Đấy là tiếng lóng của công an mỗi khi họ phát động chiến dịch đàn áp báo chí tự do và xã hội dân sự nói chung. Nhưng họ đã không chờ được, vì họ biết “thời gian và thuỷ triều không chờ đợi ai”. Có quá nhiều tình huống khẩn cấp đang xuất hiện, họ họp bàn, hẳn nhiên cũng có tranh luận, nhưng rồi họ đã lấy quyết định. Bắt Phạm Thành, Nguyễn Tường Thuỵ và nếu dư luận “êm êm” thì có thể bắt tiếp một số nhà báo, nhân sỹ và trí thức khác.
Để dễ hiểu, tạm hình dung có hai phái (Trên thực tế có thể nhiều hơn). Phái thứ nhất chủ trương bắt, triệt hạ tận gốc rễ xã hội dân sự, theo đường lối của bác Mao, bác Đặng trước đây và nay đang hưởng lộc và hành động theo chỉ thị của của bác Tập. Phái thứ hai giảo hoạt hơn, tuy đồng ý, nhổ cỏ phải nhổ tấn gốc, đánh rắn phải đánh dập đầu, nhưng thời buổi 4.0 mà nền quản lý “công an trị” này mới ngoi ngóp ở hạng 0.4, thì cần thận trọng hơn và thăm dò dư luận quốc tế một chút. Phái thứ hai này vừa qua thắng thế. Quyết định “đánh”, quyết định “bắt” đã bị ngâm tôm suốt trong nhiều tháng trời, từ hồi tháng 9/2019.
Nhưng rồi các tình huống nóng bỏng mới xuất hiện và đảng đã ra tay. Các sới vật “lộ bài” quá nhiều. Nào là bộ đội đánh công an, viện kiểm sát đánh toà án. Người dân lâu nay phải ngậm miệng nhưng họ biết từ rất lâu chuyện các nhóm công an và chính quyền ở mọi cấp đã thông đồng cho Tàu vào nắm các vùng đất hiểm yếu về an ninh quốc phòng. Nay nhân dịp cái gọi là “tập hợp ý kiến cử tri”, người ta mới cho “bật mí” có đến hàng ngàn ha đất – từ Tây Nguyên đến Sài Gòn, từ Đà Nẵng “đáng sống” đến các địa phương “đang chết” sau mùa Virus Vũ Hán – đều đã thuộc chủ quyền của Tàu ngay trên đất Việt.
Liên quan đến phiên giám đốc thẩm vụ án Cầu Voi, Viện trưởng VKSTC Lê Minh Trí “choảng nhau” với chánh án TATC Nguyễn Hòa Bình làm cho Quốc hội “mở mắt” trước nhiều điều trái luật. Cuộc chơi nhau giữa Viện và Toà, giữa hai nhóm trung uỷ xem ra không ổn. Bây giờ mới nhận ra sự nguy hiểm của việc không có Toà Bảo hiến thì quá muộn. Làm thế nào Quốc hội có thể thay mặt nhân dân để bảo vệ công lý khi từ ban đầu, Việt Nam đã không chấp nhận “tam quyền phân lập”. Mọi Toà đều xử các vụ theo tinh thần “án bỏ túi”. Nghĩa là khi đảng đã quyết định ai đó là phạm nhân thì đúng như chánh án Nguyễn Hoà Bình đã tuyên, dầu thủ tục tố tụng có sai sót bao nhiêu, vẫn không làm thay đổi “bản chất” vụ án.
Khi dịch bệnh COVID-19 vừa tạm lắng ở Việt Nam, chính phủ lại bất ngờ “đánh úp”, công bố thành lập Ban Quản lý khu kinh tế thí điểm Vân Đồn, một khu vực nằm trong Dự luật Đặc khu Kinh tế (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) đã bị dư luận cả nước phản đối từ năm 2018. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói với BBC ngày 22/5/2020 rằng, bà không được ai tham vấn, bà cũng hoàn toàn không biết và thực sự bị bất ngờ với việc thành lập và đưa vào vận hành thí điểm khu kinh tế Vân Đồn của chính phủ Việt Nam.
Bà Chi Lan phát biểu: “Có những lợi ích người ta theo đuổi mà bị đông đảo công chúng phản ứng, kể cả ở diễn đàn Quốc hội, thì người ta sẽ tìm con đường đi lặng lẽ, kín đáo hơn, có thể gọi là đánh úp đối với xã hội”. Bà Chi Lan cũng chỉ rõ, có thể có những cách vận động kín đáo hơn. Trước đây với Dự luật Đặc khu, có thể họ đã quá tự tin về khả năng được thông qua nên làm rất ồn ào, quảng bá rất hoành tráng. Nào là “lót ổ” cho Phượng Hoàng, nào là đầu tư “một lãi mười, lãi trăm”. Đến khi dân trong cả nước bác bỏ thì nay rút kinh nghiệm, họ rút vào bí mật. Trong bối cảnh hỗn chiến như vậy mà để Hội nhà báo độc lập tung các bài phân tích trên các cộng đồng mạng thì quá nguy hiểm.
Một nguyên nhân khác dẫn đến bắt Phạm Thành và Nguyễn Tường Thuỵ, đó là nhân tố đối ngoại có tác động ít nhiều, ủng hộ cho phái chủ trương phải đẩy các cuộc bố ráp thành cao trào. Mở ngoài nhưng phải cài trong. Trên bối cảnh các nước Đông Nam Á hiện đang có xu hướng muốn đứng lên chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông. Giáo sư Luật Quốc tế Raul Pedrozo trao đổi với BBC hôm 21/5/2020: “Giờ là đến lúc các quốc gia Đông Nam Á phải lựa chọn giữa việc tiếp tục thỏa hiệp hay cùng nhau đứng lên. Trung Quốc là kẻ bắt nạt. Cách duy nhất để chống lại kẻ bắt nạt là đẩy lùi nó và đứng lên bảo vệ lợi quyền của mình”.
Dư luận trong nước đang khấp khởi mừng thầm. Việt Nam có khả năng nay mai sẽ là thành viên của “Bộ Tứ mở rộng” (Quad Plus). Tuy nhiên, bước đầu chính quyền nhẹ nhàng và khôn khéo, nói gia nhập “Quad Plus” chỉ là để phòng chống COVID-19. Nhưng ai cũng biết, COVID chỉ là tạm thời, “chết dưới bàn tay Tàu cộng” (Sách của Peter Navarro và Greg Autry rất nên đọc) mới là vĩnh viễn. Việt Nam đã được Hoa Kỳ mời cùng với 25 đồng minh và đối tác của Mỹ tham gia cuộc tập trận “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC) lớn nhất hai năm một lần (Hẳn nhiên là Tàu cộng do xấu chơi nên đã bị loại khỏi danh sách khách mời).
Việt Nam một mặt, buộc phải tính tiếp các bước hội nhập sâu hơn vào tiến trình do Mỹ dẫn dắt, để giảm bớt sức ép của Trung cộng trên Biển Đông và cả đất liền, đồng thời ghi điểm với dân chúng, chứ không phải muốn dân chủ hoá đất nước. Mặt khác, đảng vẫn phải làm an lòng quan thầy Bắc Kinh, khẳng định bản chất của thể chế là toàn trị và phản dân chủ, cần “dọn bãi đáp” cho độc tài, bóp nghẹt mọi tiếng nói phản biện. Dù đó là phản biện lành mạnh mà thỉnh thoảng trong cơn u mê vì uống quá nhiều “Mao đài”, đảng cũng muốn lắng nghe, hoặc giả vờ lắng nghe. Nhưng không phải lúc này! Đừng để xã hội dân sự hiểu nhầm, thấy đỏ tưởng chín. Giờ là lúc “tinh thần Tố Hữu” phải được lên ngôi: “Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ…/ cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng/ thờ Mao Chủ tịch, thờ Stalin bất diệt”.
Trong thể chế “công an trị”, dân chúng kể cả nhân sỹ trí thức là những người được coi có một số nguồn tin nội bộ cũng không bao giờ hiểu nổi tư duy quái đản của dàn lãnh đạo hiện nay. Có ý kiến cho rằng, những vụ bắt bớ này là để tâng công với Tổng chủ, nhưng ngược lại, cũng có đánh giá, “yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”. Người ta đang vô hiệu hoá Tổng chủ, vì thấy Tổng chủ có ý tham gia các thiết chế “khối thịnh vượng” Quad Plus. Hẳn nhiên, như thường lệ, Tổng chủ phải đu dây. Vì chưa đủ lực lượng, bản lĩnh, lại ăn theo “cái máng lợn” Tàu quá lâu, nên vẫn phải đu dây. Chính thể không cho phép Phạm Thành viết sách và Nguyễn Tường Thuỵ mở Blog chỉ trích Tổng chủ là người mà hai nhân sĩ này cho rằng đã “làm tất cả những điều gì mà Trung Quốc mong muốn từ Việt Nam”. Họ cũng gọi thẳng “Tập Cận Bình là kẻ xâm lược bẩn thỉu”.
Nhưng nếu chỉ vì những lý do trên thì sao đảng lại không bắt hai nhà dân chủ ấy cách đây 9 tháng, lúc tập sách vừa ra đời? Câu trả lời chỉ có thể là, trước mỗi dịp đại hội, đảng muốn chứng minh: CSVN không cần dân chủ vẫn có thể trị quốc. Tin tưởng vào điều đảng cho là “tính ưu việt của chế độ”, hoặc ít nhất thì cũng không ai được động đến “câu văn bia” đầy hoang tưởng của Tổng chủ: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay”. Nhưng nhà văn Phạm Thành (68 tuổi), nhà báo-cựu chiến binh 22 năm trong quân ngũ Nguyễn Tường Thuỵ (70 tuổi) lại là chủ nhân những Blog xưa nay chuyên vạch trần bản chất thối nát và hư hỏng của chính thể mà Nguyễn Phú Trọng và đồng đảng không ngớt lời ca ngợi là “cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”.
Thay vì cùng đua với ASEAN, đặc biệt là với Indonesia để đón đầu làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng đang chạy khỏi Trung Quốc, CSVN lại tập trung toàn tâm toàn ý vào các sới vật. Từ nay cho tới khi đại hội 13 diễn ra, sẽ có hàng chục sới vật khác nhau mà ngay Tổng chủ cũng không tài nào kiểm soát nổi. Các đợt bắt bớ nhiều khi chỉ là hệ quả ngẫu nhiên của các đấu đá phe nhóm. Nếu các tổ chức dân sự không vận động toàn xã hội phản kháng thích hợp trước làn sóng đàn áp, thì với đà này, Bộ luật An ninh sắp được Bắc Kinh thông qua không chỉ bóp nghẹt dân chủ Hong Kong, mà còn có thể được triển khai mạnh mẽ hơn ngay ở Việt Nam. Sau đại dịch COVID-19, những tưởng sẽ tránh được “hàm cá mập” Trung cộng. Nhưng với các đợt khủng bố ngày càng lan rộng, liệu Việt Nam có trở thành một “nhà tù vĩ đại” ở châu Á, sau cả Bắc Kinh lẫn Bình Nhưỡng?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Điểm tin trong nước sáng 25/5: Suối bất ngờ

chuyển màu đỏ như máu;

Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy bị bắt

Tâm Minh – Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng ngày 25/5 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Suối bất ngờ chuyển màu đỏ như máu ở Bình Dương
Ghi nhận của báo Tiền Phong, vào chiều 24/5, nước ở con suối mang tên suối Cây Sao ở phường Tân Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương xuất hiện màu đỏ kỳ lạ khiến người dân hoang mang, lo sợ.
Người dân địa phương cho hay, đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy màu nước suối kỳ lạ như thế. “Trước đây, tôi chỉ ngửi thấy mùi hơi khó chịu ở suối nhưng chưa từng thấy màu đỏ như thế”, một người dân sống gần suối Cây Sao cho biết.
Tại khu vực quanh suối Cây Sao có nhiều công ty. Tuy nhiên, màu nước xuất hiện kỳ lạ này hiện vẫn chưa xác định nguyên nhân từ đâu.
Nhà chức tránh TP. Dĩ An đã lấy mẫu nước đi kiểm nghiệm.
Bạc Liêu: 3 người từ Campuchia về không khai báo y tế
Sáng 24/5, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), cho biết địa phương vừa phát hiện 3 người từ Campuchia về không khai báo y tế, không cách ly tập trung theo quy định, theo báo Thanh Niên.
Qua xác minh, khoảng 2 giờ ngày 22/5, bà P.T.D (48 tuổi, ở ấp Cây Gừa, xã Vĩnh Hậu A, H.Hòa Bình) từ Campuchia qua cửa khẩu Long Bình (An Giang) đi xe khách từ An Giang về TP. Cần Thơ (không rõ số hiệu). Khi đến Cần Thơ, bà D. tiếp tục đón xe 15 chỗ về Bạc Liêu (không rõ số hiệu), trên xe có trên 10 người. Khoảng 7 giờ cùng ngày, bà D. về đến TP. Bạc Liêu và được em trai T.T.K chở về nhà bằng xe máy.
Sau đó, khoảng 10 giờ 30 phút, ngày 23/5, Trung tâm Y tế H.Hòa Bình tiếp tục nhận được tin báo của công an phát hiện có 2 người từ Campuchia về nhà ở ấp 13, xã Vĩnh Hậu, H. Hòa Bình.
Qua xác minh, xác định anh Lý Quang (24 tuổi) cùng em ruột Lý Quyền (21 tuổi), cùng ở ấp 13, xã Vĩnh Hậu. Khoảng 14 giờ ngày 21/5, Quang và Quyền đi xe ôm từ Campuchia về cửa khẩu Hà Tiên. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, đi từ Hà Tiên qua bến xe Châu Đốc (An Giang). Sau đó, 2 người đi xe khách dịch vụ Trần Tính, trên xe có 2 người đi cùng là tài xế và phụ xe. Khi về tới H. Hòa Bình thì được cha ruột là ông L.L ra đón. Đến khoảng 3 giờ 40 ngày 22/5, Quang và Quyền về đến nhà.
Trung tâm Y tế H. Hòa Bình đưa bà D. và con gái là chị C. cùng anh Quang và anh Quyền vào khu cách ly tập trung. Đồng thời, lấy mẫu gửi xét nghiệm, tiến hành phun hóa chất xử lý môi trường.
Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy bị bắt
Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy bị lực lượng an ninh bắt tạm giam sau một cuộc đột kích tại nhà riêng vào sáng ngày thứ Bảy 23/5 ở Hà Nội trong một đợt trấn áp mới nhắm vào những người chỉ trích chính phủ.
Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi nhà văn Phạm Thành bị công an Hà Nội bắt giữ vào ngày thứ Năm.
Ông Thụy, 69 tuổi, hiện giữ vai trò Quyền Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, một tổ chức ủng hộ tự do ngôn luận qua các bài viết mang tính phản biện về thời sự trong nước. Ông cũng là blogger của Đài Á Châu Tự do (RFA).
Vợ của ông, bà Phạm Thị Lân, cho VOA biết gia đình đã dự liệu về một vụ bắt giữ nhắm vào ông vì lực lượng an ninh thường xuyên theo dõi trước nhà. Nhưng vụ đột kích vẫn khiến bà bất ngờ và không kịp chuẩn bị.
Lệnh khởi tố cho biết ông Thụy sẽ bị tạm giam tại trại giam Chí Hòa ở TP. HCM, bà nói, nhưng bà không biết chồng bà đã bị đưa đi khỏi Hà Nội hay chưa vì không được cho biết thêm thông tin nào khác.
Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam cho biết ông Thụy là thành viên thứ 2 của hội bị bắt sau khi chủ tịch của hội, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và cũng là một blogger của VOA Tiếng Việt, bị bắt vào tháng 11 năm ngoái với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước.”
Nắng nóng rủ nhau ra đập tắm, 2 học sinh đuối nước
Chiều 24/5, ông Lê Trường Sơn – chủ tịch xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh xác minh thông tin trên và cho biết vụ việc xảy ra vào khoảng 13h cùng ngày, theo Tuổi trẻ.
Theo đó, nhóm học sinh rủ nhau vào đập Cây Trường thuộc xã Quang Diệm tắm do trời nắng nóng. Em N.C.C. (16 tuổi) và N.Q.H. (18 tuổi) nhảy xuống tắm trước thì bị chìm do nước hồ sâu. Khoảng hai giờ sau, thi thể hai em được tìm thấy.
2 nạn nhân đang học lớp 10 và lớp 11 Trường THPT Hương Sơn.

Điểm tin trong nước chiều 25/5:

Báo cáo nghi vấn Công ty Nhật ở Bắc Ninh

hối lộ cán bộ Việt Nam hơn 5 tỷ đồng

Minh Khuê
Mục Điểm tin trong nước chiều 25/5 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Báo cáo nghi vấn Công ty Nhật ở Bắc Ninh hối lộ cán bộ Việt Nam hơn 5 tỷ đồng
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản vừa báo cáo Văn phòng Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam liên quan đến thông tin đăng tải trên Báo Asahi (Nhật Bản) ngày 12/5/2020, theo báo Pháp Luât TP. HCM.
Báo Asahi cho biết Công ty Tenma Nhật Bản (trụ sở ở Tokyo) đã khai báo với Tổng cục kiểm sát Tokyo về việc công ty con là Công ty Tenma Việt Nam (tại Quế Võ, Bắc Ninh) đã hối lộ cán bộ ở Việt Nam tổng số tiền khoảng 25 triệu yên (khoảng gần 5,4 tỷ đồng).
Khoản tiền trên được Lãnh đạo Công ty Tenma cho phép chi trả, thực hiện qua 2 lần nhằm mục đích để cơ quan thuế miễn giảm khoản truy thu thuế đối với công ty con tại Việt Nam.
Liên quan đến thông tin này, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho hay Website của công ty đã đăng thông tin Tổng Giám đốc công ty, ông Fujino Kaneto (67 tuổi, nguyên quán Tokyo, Nhật Bản) sẽ từ chức ngay sau Đại hội cổ đông dự kiến tổ chức tháng 6/2020 để chịu trách nhiệm về sự việc này.
Nam sinh lớp 9 bị điện giật tử vong khi cắt tỉa cây trong trường
Nam học sinh N.T.A. (15 tuổi), khi đang chặt tỉa cành cây phi lao trong khuôn viên Trường THCS Quyết Thắng thì bất ngờ bị điện giật ngã xuống đất vào chiều 8/5, theo báo Tuổi trẻ.
Ông Đinh Quốc Toản – hiệu trưởng Trường THCS Quyết Thắng, cho biết sự việc này xảy ra khi nam học sinh tham gia lao động phát tỉa cành cây của trường nhưng không may bị điện giật gây thương tích nặng.
Ngay sau đó, nam sinh được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi và tử vong vào tối 22/5 tại nhà riêng trên địa bàn xã Quyết Thắng.
Thông tin với phóng viên báo Vietnamnet, ông Trần Hồ Đăng – Chủ tịch TP. Hải Dương cho biết, nhà chức trách đang làm rõ vụ việc. Ông Đăng hướng dẫn phóng viên liên hệ với lãnh đạo phòng GD-ĐT thành phố để có thông tin chi tiết.
Khi liên hệ với bà Lê Thị Mỹ Phương, Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Hải Dương thì bà Phương cho hay phải xin ý kiến của Chủ tịch TP mới trả lời báo chí được.
Campuchia nói Việt Nam không coi trọng mối quan hệ giữa hai nước
Tờ Khmer Times hôm nay 25/5 cho hay Chính phủ Việt Nam vẫn chưa trả lời một công hàm ngoại giao được Campuchia gửi hôm 13/5 về việc dựng 31 lều của lính Việt Nam ở vùng tranh chấp biên giới, và thêm rằng Việt Nam dường như không coi trọng mối quan hệ láng giềng giữa hai nước.
Sau cuộc hội đàm ở cấp tỉnh, biên phòng Việt Nam cho biết sẽ gỡ các lán trại. Tuy nhiên cho đến nay, chỉ có 3 lều được dỡ bỏ, còn lại 28 lều vẫn tồn tại trong khu vực này.
Các lều mà Campuchia đề cập đến, theo báo chí trong nước là các chốt kiểm soát mà biên phòng Việt Nam dựng lên gần đây để “thực hiện nhiệm vụ kép, vừa bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vừa thực hiện nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19”.
Hai cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La bị đề nghị mức án 23- 25 năm tù
Ngày 24/5, phiên tòa sơ thẩm vụ án gian lận điểm trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La đề nghị hình phạt 12 bị cáo với mức án cao nhất từ 23-25 năm tù.
Trong đó, bị cáo Trần Xuân Yến (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) giữ vai trò chính trong vụ án, các bị cáo còn lại đồng phạm với vai trò giúp sức tích cực. Bị cáo Yến bị đề nghị mức án 7-8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.

Powered by Blogger.