Mỹ: Tổng thống Biden nhậm chức - thách đố và hy vọng
BBC
Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, Joe Biden, đã có một bài diễn văn nhậm chức đầy cảm xúc và gợi cảm hứng, với nhiều lời lẽ hứa hẹn sẽ đoàn kết nước Mỹ và đưa nước Mỹ vượt qua những khó khăn nội trị và trở lại vị trí cường quốc dẫn đầu và tái hội nhập trên thế giới.
Tuy nhiên, có vẻ vẫn còn những thách đố, thách thức không nhỏ đang chờ đợi tân chính phủ từ ngày đầu tiên, 20/01/2021, như một số ý kiến chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.
Bài học gì cho người Việt từ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ?
'Phân tán nhân tâm' là thách đố lớn nhất?
Từ Hội An, kinh tế gia Bùi Kiến Thành, một người từng có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ và từng tư vấn chính sách về kinh tế, hội nhập và bang giao Việt - Mỹ cho lãnh đạo Việt Nam trước đây trong nhiều năm, bình luận với BBC hôm 20/01 từ Hội An:
"Thách thức lớn nhất đang chờ đợi ông Biden và chính quyền mới của ông về mặt đối nội theo tôi là tình hình phân tán nhân tâm, một phần lớn trong số 74 triệu cử tri bỏ phiếu cho ông Trump sẽ tiếp tục bị ông Trump tác động có khả năng dẫn đến bạo động khó lường, chính sách "Hòa hợp Dân tộc" sẽ bị cản trở, nhiều Dân biểu và Nghị sỹ Quốc Hội Mỹ vì sợ bị ông Trump kêu gọi tẩy chay sẽ không dám có những quyết định, động thái sáng suốt "vì dân vì nước", ủng hộ cho chính sách hòa hợp, gây cản trở lớn cho khả năng thực hiện những chiến lược phát triển của ông Biden.
"Ngoại trừ ông Trump bị Thượng viện Mỹ "phế truất" và tiếp theo là Thượng viện thông qua nghị quyết cấm ông Trump không được ứng cứ vào các chức vụ của Liên Bang, ông Trump sẽ còn có khả năng khuấy động chính trường Mỹ để ngăn cản ông Biden thực hiện những chinh sách cải cách, và xóa bỏ những "sai lầm" của chính quyền Trump.
"Thứ đến là đại dịch COVID-19 và hậu quả trên nền kinh tế Mỹ, tuy nhiên, nhờ có vaccine sẽ được phổ biến trên toàn quốc, đại dịch sẽ được kiểm soát, và nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi.
"Nhưng đây chỉ là vấn đề thời gian, nền kinh tế Mỹ có đủ phương tiện, kiến thức, bản lĩnh, nội lực để vượt qua khủng hoảng kinh tế."
Khôi phục vai trò lãnh đạo thế giới liệu có dễ dàng?
Cùng ngày, nhà nghiên cứu lịch sử Lê Văn Sinh (ĐHQG Hà Nội) bình luận với BBC cho rằng việc khôi phục "vai trò lãnh đạo thế giới" của Hoa Kỳ sẽ không hoàn toàn dễ dàng:
"Về đối ngoại, tôi cho rằng khôi phục vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ đã bị Donald Trump 'vứt bỏ' sau bốn năm cầm quyền của ông là một thách thức lớn.
"Rõ ràng đây là một trong những thách đố không dễ giải quyết một sớm, một chiều.
"Nhưng tôi tin, với kinh nghiệm nhiều thập niên làm chính trị, Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ và nội các của ông sẽ làm cho nước Mỹ dần lấy lại vị thế lãnh đạo thế giới, kết nối lại và tăng cường khối liên minh các quốc gia dân chủ chống các chế độ độc tài, bạo quyền và dần khôi phục nền kinh tế nước Mỹ.
"Ông Trump đã dùng mọi cách thức và các thủ đoạn chính trị nhằm đảo ngược kết quả bầu cử của người dân Hoa Kỳ, nhưng ông đã thất bại.
"Sự kiện này cho thấy, nền dân chủ Hoa Kỳ đủ sức đề kháng và chiến thắng khuynh hướng mà Tổng thống Donald Trump là người đại diện."
Khôi phục những giá trị Mỹ nhưng chính sách thế nào?
Từ Leeds, Anh quốc, cũng hôm thứ Tư, nhà báo tự do, Song Chi nêu quan điểm của mình với BBC, đề cập những vấn đề chính sách nào mà chính quyền Biden có thể sẽ phải cân nhắc thi triển để khôi phục những điều mà bà cho là 'những giá trị Mỹ':
"Ngoài việc hàn gắn, đoàn kết một nước Mỹ đang bị chia rẽ nghiêm trọng, tôi cho rằng một thách đố lớn với Biden và tân nội các của ông là khôi phục lại những giá trị của nước Mỹ. Về đối ngoại, cụ thể có thể sẽ phải khôi phục ảnh hưởng, vị thế, vai trò của Mỹ trên thế giới thể hiện qua 3 chính sách lớn.
Đó là, thứ nhất củng cố lại mối quan hệ giữa Mỹ với các nước đồng minh lâu đời đã bị lung lay nhiều 4 năm qua; thứ nhì, đưa nước Mỹ trở lại với các tổ chức, định chế thế giới như WHO, Hiệp định biến đổi khí hậu Paris, củng cố ảnh hưởng của Mỹ tại Liên Hiệp quốc, khối NATO và có thể sẽ xem xét quay lại với Hiệp định TPP, hiện tại được gọi là hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - phiên bản khác của TPP mà không có Mỹ.
"Kể từ khi Mỹ rút khỏi TPP, Trung Quốc đã thành công trong việc hình thành RCEP, với sự tham gia của 15 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. RCEP đang là thỏa thuận thương mại lớn nhất hành tinh, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu.
"Tập Cận Bình cũng tuyên bố sẽ xem xét gia nhập CPTPP. Nếu thành công, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng thay thế Mỹ trong việc viết nên luật chơi mới không chỉ tại châu Á - Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn cầu.
"Do đó, việc khởi động lại TPP được đánh giá là cách hữu hiệu và nhanh chóng nhất trong việc tạo ra một đối trọng với Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Đồng thời, đây cũng chính là con đường để Mỹ tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo thế giới của mình.
Cuối cùng, thứ ba, trong việc xác định lại các "kẻ thù chiến lược" trong đó thách thức lớn nhất là Trung Quốc, tiếp theo là Nga, có khả năng Hoa Kỳ sẽ tìm con đường "ngoại giao mềm" với những quốc gia như Iran, thậm chí kể cả Bắc Hàn để tập trung sức lực đối phó với Trung Quốc, tiếp theo là Nga, và chắc chắn Hoa Kỳ dưới thời Biden sẽ trở lại với các đồng minh để có những chiến lược hữu hiệu nhằm ngăn chặn, kìm hãm, bao vây Trung Quốc.
"Nhưng với quá nhiều thử thách từ trong ra ngoài, và thế giới thì đã thay đổi nhiều so với 4 năm trước khi ông Biden rời Nhà Trắng với tư cách cựu Phó Tổng thống nên chúng ta cũng không rõ liệu ông Biden có đủ thời gian để giải quyết được bao nhiêu phần trăm, song mặt khác, với một dàn nhân sự nội các đầy kinh nghiệm, năng lực, và với Hạ viện lẫn Thượng viện đều do đảng Dân chủ nắm kiểm soát, thì đó là những lợi thế cho ông Biden và chính quyền của ông," bà Song Chi nói với BBC.
Sẽ mất nửa năm hay cả một nhiệm kỳ?
Từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Mai Thanh Sơn, nhà quan sát thời sự và chính trị nói với BBC ông tin rằng có thể có những thách đố mà ông Biden và nội các phải xử lý tới nửa hay cả nhiệm kỳ:
"Trong năm cuối cùng mà Tổng thống Donald Trump tại vị ở Nhà Trắng, chính trường cũng như xã hội Mỹ đã trải qua nhiều biến cố lớn: dịch cúm gây ra khiến nhiều người chết, kinh tế bị đình trệ, xã hội nảy sinh nhiều mâu thuẫn và xung đột…
"Vì thế, về đối nội, thách thức lớn nhất của chính quyền Joe Biden trong thời gian tới, theo tôi, là tiếp tục ngăn ngừa một cách có hiệu quả dịch bệnh do Covid-19 gây ra, thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội, thông qua đó hàn gắn lại những rạn nứt của xã hội Mỹ.
"Còn về đối ngoại, tôi nghĩ rằng, đảng Dân chủ của ông Joe Biden và đảng Cộng hòa của cựu Tổng thống Donald Trump có những điểm tương đồng nhất định trong cách nhìn nhận hay đánh giá về tham vọng của Trung Quốc cũng như tình trạng xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng ở đất nước này.
"Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống Trump trong 4 năm cầm quyền hình như đã tạo ra những khoảng cách nhất định giữa Mỹ và EU cũng như giữa Mỹ và Liên hiệp Anh. Việc củng cố hay thắt chặt mối quan hệ truyền thống với EU và Anh có lẽ sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của tân Tổng thống Biden.
"Tôi cũng không hoài nghi việc ông Biden cũng vẫn sẽ tiếp tục củng cố trục Mỹ-Ấn-Nhật-Úc để duy trì cán cân quyền lực ở khu vực Thái Bình Dương. Điều mà tôi chưa thể hình dung được là những chính sách cụ thể nào sẽ được chính quyền của ông Biden áp dụng đối với Nga, Trung Quốc và Đài Loan. Quan hệ Trung Quốc-Đài Loan luôn là một thách thức lớn đối với mọi chính thể Mỹ, bất cứ đại diện của đảng nào nắm giữ chức vị Tổng thống.
"Cuối cùng, tôi cho rằng chính quyền của ông Biden có thể sẽ chỉ mất 2 năm để khắc phục dịch cúm và vực dậy nền kinh tế. Nhưng với việc hàn gắn những rạn nứt xã hội, có thể ông ấy sẽ mất cả nhiệm kỳ. Riêng đối với Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia đồng minh dân chủ sẽ mất nhiều thời gian hơn một thập niên để đối phó," Tiến sỹ Mai Thanh Sơn bình luận với BBC.