Chủ tịch xã mượn cây cảnh giá 300 triệu đồng không trả còn quay lại cưỡng chế, nói là vu khống – Hiểu Minh
Ông Đỗ Minh Hoàng (53 tuổi, ngụ xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) tố cáo ông Nguyễn Thanh Tú, chủ tịch xã Thới Tam Thôn, mượn cây cảnh trưng bày ở trụ sở xã nhưng không trả, còn quay lại cưỡng chế di dời nhiều chậu cảnh tại đây.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng cho biết khoảng tháng 3/2019, ông Tú cùng một số cán bộ xã đến gặp, hỏi mượn một số cây cảnh về trưng bày ở khuôn viên sân của xã. Vì từng làm việc, quen biết với nhau, ông Hoàng đồng ý.
Sau đó, ông Hoàng gọi cho anh Trần Thanh Ngôn chạy xe cẩu tới di chuyển 4 cây sanh, 2 cây nguyệt quế tới sân UBND xã Thới Tam Thôn, còn 1 cây sứ do xe của xã tự chở. Tổng 7 cây này theo ông Hoàng giá trị khoảng 300 triệu đồng.
Cũng theo lời ông Hoàng, khoảng tháng 6/2019 ông lên xã thì không thấy số cây cảnh để ở ngoài sân nên tìm ông Tú hỏi thì được trả lời đang nâng sân trụ sở nên đã dời cây cảnh đi chỗ khác. Cuối năm 2019, ông Hoàng lên xã gặp ông Tú đòi lại mấy cây cảnh để mang về chăm sóc cho kịp dịp Tết Nguyên Đán 2020. Tuy nhiên ông Tú ngỏ ý tiếp tục mượn để trưng bày.
Sau đó, ông Hoàng tiếp tục gặp ông Tú vài lần nữa để đòi lại cây nhưng không được. Ông Hoàng cho rằng từ việc đòi cây cảnh (dù không được), ông Tú cưỡng chế phần đất mà ông Hoàng san lấp để làm nơi trồng cây cảnh vào ngày 11/9/2020.
Người phát ngôn của xã nói không mượn cây cảnh, nói rằng ông Hoàng vu khống
Về nội dung tố cáo, ông Nguyễn Toàn Nam, Bí thư đảng ủy xã Thới Tam Thôn, khẳng định xã hoàn toàn không mượn cây cảnh của ông Hoàng trưng bày vào vào tháng 6/2020. Ông Nam cho hay ông mới về xã công tác được 3 tháng, còn sự việc mượn cây theo nội dung phản ánh là từ tháng 3/2019.
Dù vậy, theo tìm hiểu từ cán bộ, công chức của xã, không có việc xã mượn cây cảnh của ông Hoàng để chưng. Đồng thời, báo cáo của ông Tú cũng khẳng định ông không mượn cây cho xã cũng như mượn cho cá nhân. Còn việc cưỡng chế do phần diện tích mà ông Hoàng vi phạm san lấp (khoảng 200m2) để làm nơi trồng cây cảnh, xã xử lý theo đúng quy định, thủ tục.
“Về lời lẽ, clip tố cáo của ông Hoàng trên mạng xã hội có dấu hiệu vu khống, ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức. Công an xã đã củng cố hồ sơ chuyển cho công an huyện làm rõ”, ông Nam nói.
Khi ông Tú hỏi mượn, tôi đồng ý liền, tôi không vu khống ông Tú
Ngày 17/9, Thanh tra huyện Hóc Môn đã mời ông Hoàng lên làm việc, yêu cầu cung cấp các bằng chứng về việc có cho ông Tú mượn cây cảnh.
Ông Hoàng khẳng định hoàn toàn hiểu rõ và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin, clip tố cáo. “Tôi làm cây cảnh, gắn bó hoạt động hội nông dân ở xã Thới Tam Thôn mấy chục năm rồi. Nhiều đời lãnh đạo xã, huyện mượn cây cảnh của tôi chưng trong các dịp nên mối quan hệ giữa chúng tôi rất tốt. Khi ông Tú hỏi mượn, tôi đồng ý liền. Tôi không vu khống ông Tú” – ông Hoàng nói.
Một nhân chứng là ông Trần Thanh Ngôn xác nhận có chở cây từ vườn của ông Hoàng tới sân của UBND xã Thới Tam Thôn. “Sau khi chở cây đến trụ sở xã, có một người đàn ông ở trong xã đưa cho tôi 1,2 triệu đồng tiền công” – ông Ngôn nói.
Trên báo BVPL một nhân chứng khác chứng kiến việc ông Hoàng trao đổi với ông Tú về việc đòi lại cây là ông Nguyễn Thành Long (ngụ xã Thới Tam Thôn). “Vào tháng 6/2019, tại phòng làm việc của ông Tú, khi ông Hoàng hỏi số cây cảnh cho mượn, ông Tú nói đã gửi cây cho một người tên Sơn bên quản lý đô thị”, ông Long kể.
Theo đó, Thanh tra huyện Hóc Môn đã mời ông Nguyễn Thành Long (SN 1966, ngụ phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM), người làm chứng câu chuyện giữa ông Hoàng và ông Nguyễn Thanh Tú, Chủ tịch xã Thới Tam Thôn.
Ông Long kể: “Hôm mà tôi với anh Hoàng lên xã, anh Hoàng có việc là làm giấy chứng minh cho con gái, còn tôi đi gặp Công an xã xin tạm trú tạm vắng cho con đi học. Khi gặp anh Hoàng trên xã thì anh Hoàng có rủ tôi lên phòng của anh Tú chủ tịch để hỏi về việc mấy cây anh Tú mượn cho xã. Khi lên phòng thì sau mấy câu chào hỏi thì anh Tú có lấy 3 chai nước ra mời, anh Hoàng có hỏi anh Tú là mấy cây em mượn của anh đâu rồi?
Anh Tú trả lời là mấy cây của anh á, khi xã nâng sân lên thì em có kêu cẩu cây đi gửi. Anh Hoàng có hỏi lại là sao mấy cây của anh, em không kêu anh lên cẩu về mà phải cẩu đi gửi, anh cũng là dân chăm sóc cây mà. Lúc này, anh Tú có móc điện thoại gọi cho anh Sơn bên quản lý đô thị, họ nói nội dung gì
thì tôi không biết. Sau đó thì tôi ra ngoài hút thuốc, còn nội dung câu chuyện sau đó hai người nói gì thì tôi không rõ.
“Tôi xác nhận là anh Tú có trả lời là nâng sân nên mang cây đi gửi, còn anh Hoàng có hỏi là mấy cây em mượn của anh đâu rồi”. ông Long khẳng định.
Tại buổi làm việc với Thanh tra huyện Hóc Môn, ông Long cũng xác nhận những lời nói trên là đúng sự thật.
Trả lời phóng viên báo Bảo vệ Pháp luật vì sao UBND xã lại thực hiện cưỡng chế trong thời gian gấp rút, luật sư Lê Trung Phát – Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, đối chiều với quy định trong luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thì trường hợp ra quyết định cưỡng chế của UBND xã Thới Tam Thôn có những vẫn đề chưa rõ, không đúng với quy định.
Tham quan nuôi bồ nhí: Phản bội vợ sẽ bị Trời trừng phạt
Nhân quả nhãn tiền của người quản lý khách sạn Hilton và niềm tin vào sự thiện lương trường tồn
https://www.dkn.tv/thoi-su/chu-tich-xa-muon-cay-canh-gia-300-trieu-dong-khong-tra-con-quay-lai-cuong-che-noi-la-vu-khong.html
Việt Nam xuất khẩu hơn 800 triệu khẩu trang
Việt Nam đã xuất khẩu hơn 800 triệu khẩu trang tám tháng đầu năm 2020 trong bối cảnh COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm trên thế giới, theo báo chí trong nước.
Tờ Pháp luật TP HCM dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết rằng tính từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp của Việt Nam xuất hơn 846 triệu khẩu trang.
Gần nhất, trong tháng Tám, hơn 70 doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn 135 triệu chiếc, và tháng Sáu có số lượng nhiều nhất với hơn 236 triệu.
Theo tờ báo này, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là khẩu trang vải, vải chống bụi mịn, khẩu trang y tế…
Tin cho hay, các thị trường nhập khẩu nhiều khẩu trang Việt Nam gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Mỹ.
Báo điện tử VnExpress đưa tin, hồi tháng Tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “đồng ý cho xuất khẩu khẩu trang y tế không giới hạn số lượng để tận dụng cơ hội đưa sản phẩm này ra thế giới”.
https://www.voatiengviet.com/a/vi%E1%BB%87t-nam-xu%E1%BA%A5t-kh%E1%BA%A9u-h%C6%A1n-800-tri%E1%BB%87u-kh%E1%BA%A9u-trang/5599573.html
Đề án Ngoại Ngữ Quốc Gia 2020 đi về đâu?
Thanh Trúc
Ngoại ngữ là cách đầu tư cho thanh niên, sinh viên trong môi trường hội nhập, nhưng Đề Án Ngoại Ngữ Quốc Gia của Bộ Giáo Dục Đào Tạo từ năm 2009 xem ra không tới đích khi điểm thi Anh văn năm nay vẫn thấp nhất so với các môn học khác.
Năm 2009 Bộ Giáo Dục Đào Tạo Việt Nam đề xuất một chương trình 10.000 tỷ Đồng là Đề Án Ngoại Ngữ Quốc Gia 2020, mục tiêu được nêu rõ “ Đến năm 2020 đa số thanh niên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin, giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa , biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của Việt Nam”.
Chương trình dạy tiếng Anh phổ cập đang áp dụng cho lớp Sáu được đưa xuống áp dụng cho học sinh từ lớp Ba cũng được Bộ Giáo Dục Đào Tạo cho thực hiện từ 2009.
Đề án Ngoại Ngữ Quốc Gia 2020 là một trong những dự án tiền tỷ của Bộ Giáo Dục Đào Tạo, nghe thì thật là hay song bị nhiều người cho là hoang tưởng, là nhận định của Giáo sư Phạm Minh Hoàng, từng giảng dạy tại Đại Học Bách Khoa Sài Gòn khi đề án ra đời:
“Người đưa ra đề án này là ông Nguyễn Thiện Nhân, hồi đó ông là bộ trưởng Bộ Giáo Dục Đào Tạo. Cái đề án đào tạo 10.000 tỷ VND, tương đương 500 triệu USD là số tiền không nhỏ. Đến năm 2020 chủ yếu là sinh viên phải nói thành thạp tiếng Anh. Thành thạo nghĩa là có thể giao tiếp, có thể trình bày một bài bình luận bằng tiếng Anh, nói rành rọt một vấn đề bằng tiếng Anh, lúc đó mới được gọi là thành thạo tiếng Anh”
“Không còn đầy 3 tháng nữa thì hết năm 2000, khả năng học sinh và thậm chí giáo viên tiếng Anh, đã không đạt mức thành thạo được. Chỉ biết nói chắc chắn đề án này đã thất bại rồi”.
Không phải đợi tới lúc này mà từ tháng 10/2016, 7 năm sau khi Đề Án Ngoại Ngữ Quốc Gia 2020 được triển khai, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đã thừa nhận đây là đề án thiếu thực tế, đến 2020 cũng chưa thể thực hiện được các mục tiêu dù đã sử dụng hết một nửa kinh phí.
Theo một bài viết đọc được trên trang Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn hôm 23/9, lẽ ra 2020 phải là “đích đến” như mục tiêu ban đầu của Đề Án Ngoại Ngữ Quốc Gia, thế nhưng thực tế điểm thi tiếng Anh năm nay vẫn thấp kỷ lục trong các môn thi tốt nghiệp phổ thông.
Vẫn theo người viết, một cử nhân Anh văn tốt nghiệp ở Australia, điểm Anh ngữ trung bình của học sinh Việt Nam được coi là “thấp bền vững”, chưa lên được vị trí 4,6 trên thang điểm 10.
Đối với nhà giáo Đỗ Việt Khoa thì điều này chứng tỏ Đề Án Ngoại Ngữ Quốc Gia 2020 không có hiệu quả:
“Suốt mấy năm vẫn cách dạy cũ, phương tiện hầu như không thay đổi, chưa thực sự phục vụ cho việc học và việc sử dụng, giáo viên thì không đủ nhiều để lên lớp một cách tích cực”
Nguyên nhân chính là người dạy, nguyên nhân phụ là cách dạy, không đầu tư được vào 2 yếu tố này thì đừng trách tại sao học sinh Việt Nam dốt Anh ngữ, là khẳng định của nhà giáo Đỗ Việt Khoa:
“Căn bản là phương pháp dạy, phương pháp học, phương pháp tiếp cận rất lạc hậu, chậm thay đổi. Phải nói nghiêm túc điểm trung bình thi tốt nghiệp môn Anh vừa rồi chỉ 2,7 là quá kém”.
Theo kết quả khảo sát toàn quốc 2014-2015, được bài viết trên Thời Báo Sài Gòn Kinh Tế dẫn lại, trong số 4.598 giáo viên tiếng Anh được hỏi đến chỉ 729 thầy cô có bằng cử nhân đại học chính quy, còn lại là những người có bằng cao đẳng hoặc đại học tại chức. Nhu cầu lớn nhất của các giáo viên này, theo cuộc khảo sát, là được bồi dưỡng, tập huấn phương pháp giảng dạy tiếng Anh theo qui chuẩn.
Muốn có học sinh giỏi thì trước hết phải đào tạo giáo viên chuẩn với trình độ Anh văn chuyên nghiệp. Giáo sư Phạm Minh Hoàng.
“Những gì tôi thấy được trong thời gian dạy ở Đại Học Bách Khoa, chuyện cười ra nước mắt là có những lần giáo viên tiếng Anh đang dạy nửa chừng, một phái đoàn Anh tới thì giáo viên bỏ chạy hết vì không nói thạo tiếng Anh. Giáo viên phải giỏi thì mới có thể đào tạo được trong vòng 10 năm một tầng lớp sinh viên, học sinh nói được tiếng Anh một cách thông thạo. Điều đó đã không làm được và sẽ không làm được nếu cứ tiếp tục cách quản lý như vậy. Đề án 500 triệu USD chắc chắn đổ sông đổ biển thôi”.
Một đội ngũ giáo viên Anh văn có bài bản là cái thiếu lớn nhất mà Bộ Giáo Dục Đào Tạo phải cân nhắc trước khi cho thực hiện thí điểm Đề Án Ngoại Ngữ Quốc Gia 2020, là quan điểm của cô Trang Tracey, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Anh ở TPHCM, sau này lập ra các trung tâm Ivy Language Schools và cùng đồng hành với dự án của Bộ Giáo Dục Đào Tạo:
“Đề án ngoại ngữ được triển khai tại một số thành phố lớn trong đó có Sài Gòn, thì một số trường chính qui, phổ thông trên địa bàn Sài Gòn có mời chúng tôi cùng liên kết để mà đào tạo thao chuẩn mới đề án này đưa ra”.
“Vì đề án đưa ra là thí điểm, bấy giờ các trường cũng thiếu giáo viên nên phải gấp rút cần một đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp hơn, qui chuẩn hơn, thành ra là chúng tôi cung cấp nhân lực có sẵn tại các trung tâm ngoại ngữ của mình”.
“Theo cá nhân tôi là người có cơ hội đi cùng đề án này thì tôi thấy đề án rất cần thiết để thay da đổi thịt, thay áo cho việc dạy ngoại ngữ ở Việt Nam. Nhưng khi triển khai thì nhiều cái bất cập lắm, bây giờ sau hơn 10 năm rồi mà nhiều mục tiêu cũng chưa được cải thiện”
Không đủ giáo viên để thực hiện Đề Án Ngoại Ngữ Quốc Gia 2020 là cái bất cập rõ nhất mà nguyên nhân theo cô Trang Tracey:
“Giáo viên tiếng Anh phải được đào tạo bài bản, nhưng mà đặc thù xưa giờ là mấy ai chọn ngành sư phạm, hơn nữa sư phạm Anh phải là người thật sự có năng khiếu về tiếng Anh thì mới đăng ký hoặc thi vào ngành đó. Do vậy đầu vào giáo viên tiếng Anh rất hạn chế. Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có duy nhất một trường đào tạo tiếng Anh bài bản được Nhà Nước công nhận là Đại Học Sư Phạm, mà chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh thì không phải trường nào cũng được cấp phép cũng được dạy, thế thì làm sao mà có đầy đủ lượng giáo viên trải đều để phục vụ cho đề án”.
“Riêng về bồi dưỡng tiếng Anh, chỉ có một thời gian ngắn, có thể là đào tạo tập trung, thì như vậy rất cập rập, không sâu và không có chất lượng bài bản để mà đúng chuẩn. Đó là lỗ hổng rất lớn”.
Một bất cập khác nữa, cô Trang Tracey nói tiếp, là sự thiếu thốn trang thiết bị để dạy ngoại ngữ theo phương pháp mới, chưa kể thời lượng và lịch trình học Anh văn ở các cấp không đáp ứng được nhu cầu học và luyện Anh ngữ:
“Trường chính qui lúc đó chưa có đủ trang thiết bị, chưa có đủ sách, nói chung chưa có đủ tất cả mọi thứ để hội nhập theo qui chuẩn quốc tế. . Hiện tại học sinh Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn, khối lượng học rất nặng, không còn thời gian nhiều cho môn ngoại ngữ”.
“Một tiết tiếng Anh 45 phút mà bị xé lẻ ra chứ không liên tục 90 phút, một tuần có 2 hay 3 hoặc 4 tiết là không đủ. Nên giảm tiết học các môn phụ, tăng thêm giờ học tiếng Anh cho phù hợp với yêu cầu thì lúc đó mới có kết quả theo như đề án đã đề ra”.
Tóm lại, vẫn lời cô Trang Tracey, thời hạn 10 năm để biến Việt Nam có thế mạnh về ngoại ngữ như đề án của Bộ Giáo Dục Đào Tạo chẳng những không khả thi mà còn bị coi là quá gấp gáp.
Giáo viên tiếng Anh phải được đào tạo bài bản, nhưng mà đặc thù xưa giờ là mấy ai chọn ngành sư phạm, hơn nữa sư phạm Anh phải là người thật sự có năng khiếu về tiếng Anh thì mới đăng ký hoặc thi vào ngành đó. Do vậy đầu vào giáo viên tiếng Anh rất hạn chế. – Trang Tracy
Đề án Ngoại Ngữ Quốc Gia 2020, cô nói, đã thổi một làn gió mới vào lãnh vực ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, thế nhưng vì hệ thống và lộ trình còn nhiều bất cập khiến dự án đến thời hạn 2020 vẫn không tiến xa được bao nhiêu.
Trong lúc nhà giáo Đỗ Việt Khoa đánh giá Đề Án Ngoại Ngữ Quốc Gia 2020 là một thất bại, blogger Lưu Trọng Văn, một tiếng nói phản biện có tính xây dụng trên mạng, lại nghĩ rằng vì quá nặng về lý thuyết thành ra không có gì đáng ngạc nhiên trước khả năng và trình độ sinh ngữ thấp kém của đa phần học sinh sinh viên cho tới lúc này.
Dưới mắt nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, đầu tư mà không có công cụ đo lường, đánh giá kết quả từng giai đoạn để có thể điều chỉnh hợp lý và kịp thời, thì hiệu quả thấp là điều khó tránh khỏi:
“Giáo viên tiếng Anh bao nhiêu phần trăm có thể đọc được sách báo tiếng Anh, bao nhiêu phần trăm có thể giao tiếp một cách thoải mái với người Anh người Mỹ. thế thì làm sao mà đào tạo học sinh đạt yêu cầu”.
“Vấn đề chính vẫn là giáo viên và phương pháp giảng dạy. Cho nên yếu tố quyết đinh là đào tạo lại hoặc bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên tiếng Anh, phải cập nhật phương pháp giảng dạy mới nhất của thế giới”.
Dù muốn dù không thì ngoại ngữ rất quan trọng trong xu thế hội nhập của Việt Nam, là khẳng định của những người bày tỏ quan điểm ở đây.
Với cô Trang Tracey cũng như dịch giả Hoàng Hưng, kinh phí đầu tư phải được rót một cách hợp lý từ trên xuống các ban ngành liên quan, còn phương án giảng dạy phải được thay đổi từ cấp đào tạo thấp nhất trở lên thì mới đạt kết quả như ý trong tương lai.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ambitious-foreign-language-learning-project-for-student-deflated-09262020172523.html
Ngành giáo dục CSVN cần tìm “vaccine”
để ngăn nạn dịch nói tục, chửi thề của học sinh
Tin Vietnam.- Vấn nạn nói tục, chửi thề trong học sinh, sinh viên Việt Nam ngày càng càng phổ biến, và lan rộng như một bệnh dịch về văn hoá mà báo Vietnamnet gọi tốc độ của nó như cơn lũ. Trước sự việc này, ngày 26 tháng 9 năm 2020, báo Vietnamnet loan tin rằng, Việt Nam cần phải có phương cách để ngăn chặn vấn nạn này đến mức được gọi là “vaccine” để “tiêm” thẳng vào trẻ em khi còn rất nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Ngai, cựu phó giám đốc sở Giáo sục và đào tạo Cộng sản tại Sài Gòn đưa ra các phương cách để chữa nạn dịch nói tục, chửi thề của giới học trò Việt Nam là phải có giải pháp đồng bộ từ gia đình đến nhà trường, và các tổ chức xã hội khác. Người lớn phải biết quan tâm, giáo dục trẻ ngay từ khi còn bé. Đối với nhà trường, thì từng giáo viên, nhân viên trong trường cũng phải uốn nắn học sinh có tật nói tục, chửi thề.
Theo ông Ngai thì các đoàn thể chính trị, xã hội Cộng sản cũng phải tham gia công cuộc này. Ngoài ra, các cơ quan hành chính Cộng sản phải có quy tắc ứng xử văn minh, phải có văn hoá giao tiếp trong cộng đồng. Tiến sĩ Lê Đông Phương, thành viên hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhận xét, việc nói tục, chửi thề đang là một phần tất yếu của cuộc sống trong nhiều gia đình Việt Nam, vì vậy nhà trường rất khó thay đổi được học sinh.
Ông Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên trường trung học Lê Quý Đôn ở Sài Gòn ví rằng, cần phải ngăn chặn dịch nói bậy của học sinh giống như ngăn chặn dịch coronavirus 19. Đồng thời phải có vaccine phòng nạn dịch này ngay từ khi trẻ còn nhỏ.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nganh-giao-duc-csvn-can-tim-vaccine-de-ngan-nan-dich-noi-tuc-chui-the-cua-hoc-sinh/
Sợ cây ngã, chuyên gia CSVN đề nghị
đốn sạch cây cổ thụ ở Sài Gòn
Tin Saigon.- Báo Tuổi trẻ ngày 26 tháng 9 năm 2020 loan tin, sau sự việc một người đàn ông đi đường bị cây dầu ở vỉa hè trên địa bàn quận 5 đổ đè lên người tử vong vào chiều 24 tháng 9 năm 2020, thì một số viên chức Cộng sản đã đề nghị nhà cầm quyền cần có kế hoạch loại bỏ hết cây cổ thụ trên đường phố ở Sài Gòn để phòng ngừa tai nạn.
Ông Vũ Văn Điệp, giám đốc trung tâm hạ tầng kỹ thuật thuộc cho rằng, hệ thống cây xanh đường phố ở Sài Gòn quá lớn, trong đó có nhiều cây cổ thụ lâu năm, mà theo đúng lộ trình của người Cộng sản đưa ra là phải loại bỏ những cây này để bảo đảm an toàn.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Anh, phó giám đốc công ty trách nhiệm một thành viên công viên cây xanh cũng đồng ý phải loại bỏ các cây cổ thụ. Bà Anh cho rằng, một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ ngã đổ cây vừa qua là do cây bị xâm hại. Nhiều cây bị cắt ngang rễ khiến cây yếu đi, dẫn đến ngã đổ.
Được biết, hầu hết những cây cổ thụ trên đường phố Sài Gòn đã được trồng cách đây cả trăm năm, trong đó có nhiều cây hiện nay được xếp vào nhóm gỗ quý ở Việt Nam như lim xẹt, xà cừ. Hệ thống cây này không chỉ giúp cho Sài Gòn tươi đẹp, mà nó còn được xem là bộ máy điều hoà không khí khổng lồ của thành phố đã và đang trở nên nắng nóng và ô nhiễm hơn. Nên dư luận cho rằng, thay vì tìm cách bảo vệ cây, thì những người Cộng sản lại muốn loại bỏ.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/so-cay-nga-chuyen-gia-csvn-de-nghi-don-sach-cay-co-thu-o-sai-gon/
Liệu Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc?
Ngày 24/9 vừa qua, trong bài phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư, Chủ tịch nước trong kỳ họp thứ 75 của Đại hội Đồng Liên Hợp Quốc, ông ta có nhắc “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, tránh các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và giải quyết các tranh chấp và khác biệt thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý.”
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nói trước Liên Hiệp Quốc về biện pháp pháp lý liên quan đến căng thẳng Biển Đông nhưng không phải là lần đầu tiên quan chức cấp cao Việt Nam ám chỉ đến các biện pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Hồi tháng 11/2019, trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo Biển Đông do Học Viện Ngoại Giao Việt Nam đồng tổ chức tại Hà nội, Thứ trưởng ngoại giao Lê Hoài Trung trong bài diễn văn khai mạc, đã nêu “chúng ta có những kinh nghiệm về thúc đẩy hợp tác về giải quyết tranh chấp chồng lấn thông qua đàm phán và thông qua những biện pháp khác theo đúng như chương 6 hiến chương LHQ – chương về nghĩa vụ giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế. Chúng ta ở đây đều biết đó là các biện pháp: tìm hiểu sự thật, trung gian, hoà giải, thương lượng, trọng tài, quá trình tố tụng pháp lý quốc tế.”
Với phát biểu này của ông Lê Hoài Trung, nhiều báo chí nước ngoài đã nhận thấy những hàm ý trong việc Việt Nam sẽ sử dụng biện pháp pháp lý đối với vấn đề Biển Đông, tức là sẽ theo chân Philippines khởi kiện Trung Quốc về các các hành động hung hăng, xâm phạm UNCLOS của Trung Quốc.
Để tìm hiểu về khả năng Việt Nam sẽ đưa việc khởi kiện Trung Quốc ra toà quốc tế, cần nhìn lại một loạt các sự kiện liên quan dẫn đến phát biểu mới nhất của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngày 12/12/2019, Malaysia đã chính thức đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (CLCS) xin công nhận thềm lục địa mở rộng theo điều 76 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), liên quan đến ranh giới thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở ở phía bắc Biển Đông. Động thái này dẫn đến một loạt công hàm ngoại giao từ các bên có tranh chấp chủ quyền và các bên liên quan. Tính đến thời điểm này, đã có 12 nước đệ trình công hàm lên CLCS. Điều này cũng trùng với đánh giá chung của Washington về lập trường của Mỹ đối với các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/7 đã nói rõ rằng Mỹ đồng ý với phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.
Những công hàm ngoại giao này được ví như “thời khắc kết tinh” cho các tranh chấp ở Biển Đông. Nhiều bên đã công khai làm rõ lập trường của mình về các vấn đề pháp lý quan trọng. Thay đổi duy nhất có thể so sánh trong thông điệp công khai về tính hợp pháp của các yêu sách hàng hải ở Biển Đông là vào năm 2009-2010 sau vòng cuối cùng đệ trình lên CLCS và năm 2016 sau phán quyết của tòa trọng tài. Trong trường hợp đầu tiên, các quốc gia phải cân nhắc giá trị pháp lý của cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc và các yêu sách chồng chéo của chính các nước này. Trong trường hợp thứ hai, các quốc gia phải chịu áp lực tuyên bố liệu họ có ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc hay không. Trong lần mới nhất này, các bên cuối cùng cũng phải tập trung vào phán quyết đó cũng như một số lý lẽ pháp lý thay thế mà Trung Quốc đưa ra để giải thích cho các yêu sách của mình.
Trong năm qua, hầu hết các nước đã “tấn công” một vài điểm trong các yêu sách của Trung Quốc. Song vẫn có những khác biệt đáng kể trong các ý kiến đó. Các nước khác đã không đi xa như Philippines và Mỹ trong việc bác bỏ các lập luận của Bắc Kinh, mặc dù Indonesia và Việt Nam gần đến mức độ này. Trang Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) trực thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) đã liệt kê quan điểm của các nước về các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông:
1. Pháp, Đức và Vương Quốc Anh đã nhấn mạnh đến các điều kiện cụ thể và đầy đủ được quy định trong Công ước về việc áp dụng chế độ đảo đối với các thực thể địa lý được hình thành tự nhiên. Các hoạt động cải tạo đất hoặc các hình thức chuyển đổi nhân tạo khác không thể làm thay đổi việc phân loại của một thực thể theo Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
2. Ngay sau pháp quyết của tòa trọng tài, các quan chức Ấn Độ đã trích dẫn kinh nghiệm của chính New Delhi làm bằng chứng cho thấy các quốc gia nên tuân thủ phán quyết. Sự liên hệ này khó có thể bị bỏ qua cho dù là cố tình. Giống như một vài nước ASEAN, Ấn Độ cũng tôn trọng quyết định của Tòa trọng tài quốc tế về việc giải quyết các tranh chấp hàng hải với các nước láng giềng một cách hòa bình.
3. Indonesia rõ ràng đã không kêu gọi Trung Quốc tuân thủ, nhưng nhiều lần viện dẫn phán quyết là để khẳng định các nguyên tắc của luật pháp quốc tế mà tất cả các quốc gia phải tuân thủ… Indonesia lưu ý rằng quan điểm của nước này “đã được xác nhận bởi phán quyết ngày 12/7/2016″… Indonesia liên tục kêu gọi tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982.
4. Các tuyên bố của Indonesia kể từ ít nhất là năm 2009 đã nhấn mạnh rằng các tranh chấp ở Quần đảo Trường Sa chỉ có thể được đưa ra từ từng đặc điểm riêng lẻ. Công hàm gần đây của nước này có tham khảo các quy tắc UNCLOS cho việc vẽ đường cơ sở tới các thực thể đá/nhô lên khi thủy triều thấp nếu chúng gần bờ hoặc là một phần của một quốc đảo. Indonesia chỉ ra rằng không có điều kiện nào áp dụng cho Trường Sa: “Việc cho phép sử dụng các bãi đá, rạn san hô, đảo san hô không có người ở tách biệt với đất liền và nằm giữa biển làm cơ sở để tạo ra không gian biển gây lo ngại cho các nguyên tắc cơ bản của Công ước và xâm phạm lợi ích chính đáng của cộng đồng toàn cầu”.
5. Việt Nam tái khẳng định lập trường nhất quán về phán quyết này như đã được phản ánh đầy đủ trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi tới Tòa án ngày 5/12/2014. Tuyên bố năm 2014 đã công nhận phán quyết của Tòa trọng tài và quyền mang tranh chấp ra giải quyết tại Toà trọng tài của Philippines.
6. Quyền lợi biển của mỗi thực thể luôn nổi khi thuỷ triều lên thuộc Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa sẽ được xác định theo Điều 121.3 của UNCLOS. Năm 2014, tuyên bố của Việt Nam đối với phiên tòa xét xử vụ kiện của Philippines chống Trung Quốc ở Biển Đông đã nhấn mạnh rằng không có thực thể nào đang bị Trung Quốc chiếm đóng là các đảo theo Điều 121 UNCLOS (mặc dù nó không liên quan đến trạng thái của các thực thể khác).
Theo như nhận xét của AMTI thì với công hàm ngày 30/3/2020 của mình, mặc dù quan điểm của Việt Nam thống nhất với các quan điểm trước đó, nhưng Việt Nam vẫn giữ thái độ dè dặt trước việc yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ Phán quyết Trọng tài 2016.
Với phát biểu mới nhất từ người đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam, nhiều người đang mong đợi Việt Nam – nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN lần này và cũng là nước đang thể hiện vai trò tích cực trong vấn đề Biển Đông sẽ có những quyết định pháp lý mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lợi ích dân tộc trước các hành động xâm phạm hung hăng của Trung Quốc.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/will-vn-sue-china-09262020171144.html
Điểm tin trong nước sáng 27/9:
Rơi xuống hồ, 3 cháu bé đuối nước thương tâm;
Cảnh báo mưa giông ở Bắc Bộ và Biển Đông
Tâm Tuệ
Mục Điểm tin trong nước sáng Chủ nhật (27/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Rơi xuống hồ, 3 bé đuối nước thương tâm
Ngày 26/9, 3 em học sinh tiểu học ở Lâm Đồng đuối nước thương tâm khi rơi xuống hồ tưới cà phê.
Theo truyền thông địa phương, khoảng 12 giờ trưa 26/9, có 6 -7 cháu nhỏ từ lớp 2 đến lớp 5 ở thôn 5 (xã Đại Lào, TP. Bảo Lộc) dắt nhau đi chơi trong xóm. Lúc đi qua một hồ tưới cà phê thì không may 3 cháu nhỏ bị rơi xuống hồ. Lúc này, các em còn lại đã chạy đi gọi người lớn đến ứng cứu.
20 phút sau, một số người dân trong Thôn 5 mới hay tin và xuống hồ tìm kiếm; đồng thời, thông báo vụ việc đến lực lượng cứu hộ.
Tuy nhiên, khi cả 3 cháu được đưa lên bờ đều đã tử vong thương tâm.
Ba cháu nhỏ bị đuối nước được xác định, gồm: Nguyễn Thị Kim N. (10 tuổi), Nguyễn Hữu B. (7 tuổi – em cháu N.) và cháu Phạm Đình C. (8 tuổi) cùng ngụ tại Thôn 5 (xã Đại Lào, TP Bảo Lộc).
Theo ông Phạm Công Hương – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lào, hồ tưới cà phê nơi các cháu nhỏ gặp nạn sâu hơn 2m. Hiện tại, địa phương vẫn chưa thể xác định cụ thể nhóm học sinh đi chơi có 3 cháu bị đuối nước. Vì vậy, lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục bơm nước đề phòng còn có nạn nhân.
Ngày 30/9, khởi công 3 dự án cao tốc Bắc – Nam
Ngày 26/9 Bộ Giao thông vận tải (BGTVT) cho biết sẽ đồng loạt khởi công 3 dự án nằm trên trục cao tốc Bắc – Nam vào ngày 30/9.
Cụ thể, dự án Mai Sơn – quốc lộ 45 sẽ khởi công tại xã Hà Long (huyện Hà Trung, Thanh Hóa). Dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết được khởi công tại xã Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Dự án Phan Thiết – Dầu Giây được khởi công tại xã Hàng Gòn (Long Khánh, Đồng Nai).
Gây thất thoát 132 tỷ đồng, Cựu GĐ Công ty Lương thực Trà Vinh bị đề nghị 30 năm tù
Truyền thông trong nước đưa tin, tòa sơ thẩm TP.HCM đã mở phiên xét xử bị cáo Trần Văn Tâm, cựu Giám đốc công ty Lương thực Trà Vinh và 11 đồng phạm, về các tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cùng bị xét xử chung còn có 4 bị cáo: Huỳnh Thế Năng, cựu Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II); Vũ Bá Vinh, cựu Trưởng ban kiểm soát nội bộ Vinafood II; Huỳnh Văn Tranh, cựu Kiểm soát viên Vinafood II; Trịnh Ngọc Thuận, cựu Trưởng phòng tài chính kế toán Vinafood II, về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo đó, bị cáo Trần Văn Tâm, cựu Giám đốc công ty Lương thực Trà Vinh bị Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt 30 năm tù vì gây thiệt hại 132 tỷ đồng. 4 bị cáo còn lại bị đề nghị phạt mỗi bị cáo từ 30-36 tháng tù, cho hưởng án treo.
Theo cáo trạng, Vinafood II là doanh nghiệp cổ phần Nhà nước. Công ty Lương thực Trà Vinh là đơn vị hạch toán phụ thuộc Vinafood II, không có vốn và tài sản riêng.
Trong 5 năm, từ năm 2012-2017, bị cáo Trần Văn Tâm điều hành công ty đã làm thua lỗ, thất thoát 814 tỷ đồng.
Ông Tân bị cáo buộc là đã chỉ đạo nhân viên báo cáo gian dối, câu kết với một số cá nhân tại các doanh nghiệp bên ngoài lập khống hồ sơ mua bán lúa, gạo, phụ phẩm, nhằm nâng khống hàng tồn kho và công nợ.
Ngoài ra, từ ngày 26/12/2013 đến 30/3/2015, bị cáo Trần Văn Tâm lợi dụng chức vụ quyền hạn đã cùng với các đồng phạm thực hiện hành vi tham ô 5,1 tỷ đồng để hợp thức khoản tiền mua, bán hai căn nhà số 36 Võ Thị Sáu và số 68 Bạch Đằng (TP. Trà Vinh) của Vinafood II, chuyển thành tài sản cá nhân.
Từ năm 2012 đến năm 2017, ông Tâm cùng các đồng phạm cũng đã mua bán khống hàng hóa, rút tiền của Vinafood II sử dụng không đúng mục đích, gây thiệt hại 127 tỷ đồng.
Theo VKS, 4 bị cáo đã không thực hiện đầy đủ chức trách, để bị cáo Trần Văn Tâm và đồng phạm lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại 132 tỷ đồng.
Cảnh báo mưa giông ở Bắc Bộ và Biển Đông
Hôm nay (27/9), Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết do ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía bắc kết hợp với hội tụ gió ở mực trên cao 3.000m, các tỉnh Bắc bộ sẽ có mưa rào và giông diện rộng, cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Cùng ngày, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã cảnh báo một vùng xoáy thấp đang hoạt động trên khu vực giữa và nam Biển Đông.
Do ảnh hưởng của vùng xoáy thấp này kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam, khu vực giữa và nam Biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, từ Cà Mau – Kiên Giang và vịnh Thái Lan, có mưa rào và giông mạnh, có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió
giật mạnh. Ngoài ra, vùng xoáy thấp trên Biển Đông sẽ có tác động đến thời tiết các tỉnh Nam bộ và nam Tây nguyên trong ngày 27/9.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-27-9-roi-xuong-ho-3-chau-be-duoi-nuoc-thuong-tam-canh-bao-mua-giong-o-bac-bo-va-bien-dong.html
Điểm tin trong nước tối 27/9:
Nhiều khó hiểu tại dự án làm khẩu hiệu
‘mỗi từ gần một tỷ đồng’ ở Hoà Bình
Tâm Minh – Hiểu Minh
Mục Điểm tin trong nước tối Chủ nhật (27/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Range Rover bốc cháy trên cầu Chương Dương
Trên trang Giao thông Quốc gia, chiều 27/9, chiếc Range Rover màu đen bốc cháy trên cầu Chương Dương, phường Bồ Đề, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tại hiện trường, xế hộp bốc cháy tại làn giữa dành riêng cho ôtô. Ngọn lửa cháy dữ dội bao trùm toàn bộ xe. Cột khói đen bốc lên cao hàng chục mét.
Cả 2 phía đầu cầu ở làn ôtô, người dân hiện chỉ được di chuyển ở 2 làn hỗn hợp bên ngoài. Đến 17h50 ngọn lửa được khống chế, chiếc xe bị cháy đã đưa ra khỏi hiện trường.Hiện chưa có thống kê về thương vong.
Nhiều khó hiểu tại dự án làm khẩu hiệu ‘mỗi từ gần một tỷ đồng’ ở Hoà Bình
Báo Lao động thông tin, những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin tỉnh nghèo Hòa Bình cho lắp đặt một câu khẩu hiệu dài 11 chữ trên đồi Ông Tượng tốn gần 11 tỷ đồng.
Nhưng sự khó hiểu không chỉ nằm ở kinh phí đắt đỏ. Theo bài viết đăng trên Báo Lao Động ngày 27/9, địa điểm thi công dãy khẩu hiệu trên còn chồng lấn lên một dự án chống sạt trượt trên đồi Ông Tượng với kinh phí lên đến 340 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành vì thâm hụt vốn.
Cụ thể vào năm 2017, đồi Ông Tượng bị sạt lở do mưa lũ nên chính quyền tỉnh Hoà Bình đã phê duyệt khẩn cấp Dự án xử lý khối sạt trượt có tổng mức đầu tư 340 tỷ đồng do Công ty Hoàng Sơn thi công.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, dự án này liên tục bị chậm tiến độ do thiếu vốn. Nhà thầu còn đang bị “âm” tiền khi thi công công trình.
Cũng theo Báo Lao Động, để neo các chữ cái trong khẩu hiệu, nhà thầu đã đóng vào vách núi hàng trăm cọc nhọn. Việc làm này ít nhiều ảnh hưởng theo hướng bất lợi đến lớp gia cố trong dự án chống sạt trượt; từ đó đội kinh phí lên rất nhiều.
Ôtô lùa đoàn xe máy đi ăn cưới, 9 người bị thương
Theo VnExpress, tai nạn xảy ra lúc 21h ngày 26/9 tại đường tỉnh 395E, đoạn qua thôn Phú Đa, xã Hồng Khê, huyện Bình Giang. Tài xế Toàn đã rời hiện trường, không đưa các nạn nhân đi cấp cứu.
Ngày 27/9, Công an huyện Bình Giang (Công an tỉnh Hải Dương) cho biết, ôtô của Nguyễn Văn Toàn đi hướng từ xã Thái Học về xã Cổ Bì. Tới thôn Phú Đa, tài xế mất lái, lao phương tiện vào 4 xe máy đi chiều ngược lại.
9 nam, nữ công nhân đi trên 4 xe máy bị thương nặng. Họ làm việc tại khu công nghiệp Hải Dương, đang trên đường về sau khi dự tiệc cưới. 9 người đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương.
Hà Nội: 200 hộ dân ‘cố sống’ trong khu tập thể gần 50 tuổi sập xệ
Bà Vũ Thị Kim Nhị, 80 tuổi, cư dân khu nhà tập thể 3 tầng cho báo Thanh Niên biết đã ở đây từ năm 1976, khi nhà còn rất mới. Qua thời gian, 3 dãy nhà với cả nghìn người sinh sống đã xuống cấp rất nghiêm trọng.
Căn hộ của bà Nhị ở tầng 3 dãy nhà A, đứng dưới mái hiên có trần đã thủng trơ khung, bà cho biết, khu nhà được xây dựng, đưa vào sử dụng từ những năm 1970.
“Khu nhà này đã xuống cấp rất nghiêm trọng, thể hiện rõ nhất là ở phần mái nhà, tường nhà, cầu thang… Những hộ ở tầng 3 như chúng tôi mới thấu rõ nhất của tình trạng xuống cấp. Mái ngói xô lệch, vỡ nhiều viên, mỗi lần trời mưa là thấm dột nhiều chỗ, tha hồ mang xô, chậu ra hứng nước. Nước mưa chảy vào khiến nhiều vị trí trần bị bong lở xuống, rất nguy hiểm. Có lần, đang ngủ thì vữa trần rơi xuống đứt cả dây màn, may không có ai bị thương. Riêng dãy nhà D được xây dựng sau vài năm nhưng cũng đã xuống cấp rất nhiều”, bà Nhị cho biết.
Cũng theo bà Nhị, nhiều năm qua, đa phần các hộ dân đều tự bỏ tiền tu sửa lại nhà cửa, nhất là các hộ ở tầng 3 đã tự bỏ tiền đảo ngói, làm lại trần bằng thạch cao hay nhựa. Nhưng mái hiên, cầu thang thì không ai làm, nên khi trời mưa vẫn dột nhiều vô kể.
Anh Nguyễn Văn Quang, 40 tuổi, cư dân dãy nhà C chỉ rõ từng mảng tường bị bong tróc lớp vữa trát, trở gạch; các khu cầu thang hầu hết đều lở lớp vữa, trơ cốt thép đã hoen rỉ… “Nhiều lần mưa to, đường nội bộ khu nhà tập thể bị ngập, nước tràn vào tầng 1 các dãy nhà. Trên dột, dưới ngập nước mưa là tình trạng thường xuyên của khu này”, anh Quang nói.
Tình trạng xuống cấp rõ nhất, nghiêm trọng nhất là ở khu vực cầu thang, lan can, mái hiên. Theo các hộ dân, từ năm 2016, đã có nhà đầu tư ngỏ ý muốn xây dựng lại khu nhà tập thể này nhưng chưa đạt được thỏa thuận về cơ chế đền bù nên đến nay chưa triển khai được.
Thêm 5 ca mắc Covid-19 mới
Bộ Y tế chiều 27/9 cho biết Việt Nam ghi nhận thêm 5 ca mắc mới Covid-19 (BN1070-1074).
Cụ thể:Ca bệnh 1070 (BN1070): Nữ, 27 tuổi, có địa chỉ tại xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Ca bệnh 1071 (BN1071): Nữ, 34 tuổi, có địa chỉ tại xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Ca bệnh 1072 (BN1072): Nam, 32 tuổi, có địa chỉ tại phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Ca bệnh 1073 (BN1073): Nam, 25 tuổi, có địa chỉ tại phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Ca bệnh 1074 (BN1074): Nam, 33 tuổi, có địa chỉ tại xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Các bệnh nhân từ Pháp trên chuyến bay VN5010 nhập cảnh tại Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 25/9, được chuyển cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Bình Dương.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-27-9-nhieu-kho-hieu-tai-du-an-lam-khau-hieu-moi-tu-gan-mot-ti-dong-o-hoa-binh.html