Đọc báo Pháp – 16/05/2020
Pháp thời hậu phong tỏa:
Vì sao nhất thiết phải mở lại trường học?
Trọng NghĩaCovid 19 tiếp tục là chủ đề chính trên trang bìa các tuần báo ra vào giữa tháng Năm 2020, với trọng tâm chú ý là giai đoạn “hậu phong tỏa” trên L’Express và Le Point, trong lúc L’Obs, Courrier International và The Economist mở rộng tầm nhìn ra toàn bộ thời kỳ có thể gọi là “hậu Covid-19”.
Trang bìa L’Express tuần này nêu bật một biện pháp biểu tượng của thời kỳ hậu phong tỏa tại Pháp: Mở cửa lại các trường học. Ngay dưới hàng tựa nhỏ: “Vì sao nhất thiết phải mở lại các lớp học”, L’Express chạy một tít lớn trên hai hàng như để trả lời cho câu hỏi đặt ra: “Trường học cũng vậy, cũng là một nhu cầu sống còn!”.
L’Express: Trường học góp phần giảm bất bình đẳng xã hội
Đối với tạp chí Pháp, cho dù nguy cơ dịch bệnh Covid-vẫn còn, các lớp học cần phải được cấp tốc mở lại vì rất nhiều lý do hoàn toàn chính đáng, để đấu tranh chống lại tình trạng bất bình đẳng trong xã hội cũng như trong giáo dục. Dĩ nhiên là chính quyền phải có những biện pháp phòng ngừa y tế cần thiết.
L’Express đã dành một hồ sơ sáu trang cho việc phân tích những lý do vì sao cần phải đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết của các giáo viên, giới làm công tác giáo dục, lãnh đạo các hiệp hội. Đối với những người
này, trường lớp là cái phao cấp cứu đối với với các thiếu niên đang gặp khó khăn, cả về học vấn lẫn tâm lý, là nơi để lắng nghe và giúp đỡ các em trong trường hợp cần thiết.
Một thông tri mới đây của bộ Y Tế Pháp, căn cứ vào vô số các nghiên cứu trong nước và ngoài nước, đã xác định rằng do tình trạng phong tỏa, sức khỏe của hàng triệu trẻ em đang bị đe dọa, đặc biệt là những em phải sống trong những gia đình nghèo khó, nhà cửa chật chội, thiếu kết nối internet nên không thể học từ xa.
Tạp chí Pháp đã trích dẫn các chuyên gia theo dõi các vấn đề y tế cảnh báo: “Việc bị cắt đứt với một môi trường giáo dục, đồng thời là môi trường sống, có thể có tác hại trước mắt và lâu dài đến cả sức khỏe tinh thần và thể chất [...]. Các tầng lớp bấp bênh nhất về kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất và điều đó sẽ có hậu quả không tốt cho sự phát triển và sức khỏe của con cái họ, đào sâu thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội vốn đã rất cao.”
L’Express đã ghi nhận lời chứng của một giáo viên vùng Seine-Saint-Denis, ngoại ô bắc Paris, nơi có đến 28% cư dân sống dưới ngưỡng nghèo khó, cho biết là đối với các em học sinh thuộc các gia đình khó khăn, bữa ăn tại căng tin nhà trường là bữa ăn có chất lượng duy nhất trong ngày.
Một giáo viên khác, cũng giảng dậy ở vùng ngoại ô bắc Paris thì nêu lên thảm cảnh của nhiều em mà việc sống ở nhà “đồng nghĩa với bất hạnh”, với việc các em bị bố mẹ đánh đập, trong khi mà trường học chính là nơi mang lại hạnh phúc cho các em.
Ngoài ra còn có tình trạng các em phải bỏ bê việc học vì không thể học từ xa do không có phương tiện vi tính hay kết nối Internet. Thực tế là hiện vẫn có 15% dân Pháp không có Internet.
Đó là chưa kể đến các vấn đề tâm lý, như học một mình ở nhà rất buồn chán, hay sinh lý như các tình trạng lạm dụng màn hình, tăng cân, rối loạn giấc ngủ…
Le Point: Nước Pháp thời hậu Covid-19 sẽ vươn dậy như thế nào
Tuần báo Pháp Le Point cũng dành trang bìa cho nước Pháp, nhưng nhìn dưới góc độ lịch sử cận và hiện đại.
Bên cạnh một bức ảnh của tướng De Gaulle, là các con số biểu thị cho bốn năm trong lịch sử cận đại và hiện đại của nước Pháp, 1871, 1919, 1945… và 2020? Ý nghĩa chuỗi con số này đã được làm rõ trong hàng tựa lớn: “Nước Pháp đã vươn dậy trở lại như thế nào”.
Theo Le Point, trong lịch sử cận đại của nước Pháp, sau mỗi lần bị tàn phá nặng nề, chủ yếu là do chiến tranh, chính quyền Pháp và người dân Pháp đã biết đoàn kết một lòng để khôi phục lại đất nước, như vào năm 1871 sau khi Pháp bị thua trong cuộc chiến với đế quốc Phổ, tiền thân của nước Đức ngày nay, hay vào năm 1919, sau Đệ Nhất Thế Chiến, hoặc năm 1945, sau Đệ Nhị Thế Chiến, với sự giúp đỡ một phần của Hoa Kỳ.
Tình hình 2020 sau Covid-19 cũng tệ như 1945, sau Thế Chiến II
Thế còn năm 2020 này thì sao? Đối với tạp chí Pháp, với dịch Covid-19, cho dù bộ máy sản xuất và cơ sở hạ tầng của Pháp không bị bất kỳ thiệt hại nào, nhưng tình hình hiện tại có thể gợi lại những khó khăn mà nước Pháp đã gặp phải vào năm 1945.
Hiện nay, Nhà Nước Pháp bị lâm vào tình trạng bị nợ tối đa, trong lúc các ngân quỹ đều trống rỗng, sự yếu kém về kinh tế của nhiều doanh nghiệp nhỏ là điều hiển nhiên, trong lúc tổng thống Emmanuel Macron đã cam kết xây dựng một Nhà Nước-Phúc Lợi kiểu mới.
Đối với Le Point, tương tự như vào năm 1945, vấn đề đặt ra không chỉ khôi phục nền kinh tế truyền thống, mà còn phải chuẩn bị cho tương lai, cụ thể là bảo vệ các ngành công nghiệp của ngày mai như trí tuệ nhân tạo, 5 G, cáp quang học… Để làm điều này, Pháp có thể vay tiền của châu Âu, định chế sẽ đóng vai trò của người Mỹ vào năm 1945.
Tuy nhiên, theo Le Point, hiện nay có hai câu hỏi chưa có lời giải đáp. Thứ nhất là liệu trong nước Pháp ngày nay đã có hay chưa một ý chí chung là phải xóa bỏ cái cũ để “đại tu mô hình kinh tế và xã hội” như vào năm 1945? Câu hỏi thứ hai là liệu người Pháp ngày nay có sẵn sàng “xắn tay áo” lao vào công cuộc khôi phục đất nước với tinh thần kỷ luật từng được các nhà sử học nêu bật hay không?
L’Obs: “Thế giới hôm sau” qua ba câu hỏi
Chủ đề Covid-19 cũng xuất hiện một cách gián tiếp trên trang bìa tạp chí L’Obs, nhưng liên quan đến cuộc sống con người trong thế giới hậu Covid-19, một vấn đề hết sức triết lý.
Chen vào giữa hàng tựa lớn trang bìa “Thế giới hôm sau – Le Monde d’après” – tức là thế giới thời hậu Covid-19 – tạp chí L’Obs đã xen vào hai câu hỏi nhỏ “Ta giữ cái gì?” và “Ta bỏ cái gì”. Ở trang trong, có thêm câu hỏi thứ ba “Ta sáng tạo cái gì?”.
Tạp chí Pháp giải thích rằng ba câu hỏi kể trên đã được triết gia Pháp Bruno Latour đặt ra gần đây khi ông suy nghĩ về bộ mặt của “Thế giới hôm sau”, sau những biến động trong cuộc sống do dịch Covid-19 gây nên.
Trong bối cảnh trong hai tháng qua, trên báo chí cũng như trên mạng xã hội đã xuất hiện biết bao phân tích, ý kiến về những bài học cần rút tỉa, những điều cần thay đổi sau đại dịch, tạp chí Pháp đã chuyển ba câu hỏi của triết gia Latour cho các kinh tế gia, khoa học gia, những lãnh đạo công đoàn hay chính khách… với đề nghị trả lời.
Trong số những người được hỏi có các tên tuổi như nhà kinh tế Thomas Piketty, cựu bộ trưởng môi trường Pháp Nicolas Hulot, hay nữ thủ tướng Iceland…
L’Express: Covid-19 biến các nhà dịch tễ học thành “siêu sao”
Riêng về dịch Covid-19, tạp chí L’Obs nêu bật sự ưu ái dành cho các nhà khoa học mà tờ báo cho là đang trở thành các “siêu sao”.
Trong một hồ sơ dài 4 trang, L’Obs trích dẫn triết gia Pháp Elodie Giroux ghi nhận: “Xã hội chúng ta có xu hướng tôn vinh những cá nhân và xu hướng này đang mạnh hẳn lên hiện nay vì người ta cần đến những anh hùng vào lúc có khủng hoảng”.
Thế nhưng, tạp chí Pháp lại thấy rằng đây là một nghịch lý vì biến khoa học thành những câu chuyện về các cá nhân anh hùng thì quả là phi lý. Nhìn về lịch sử khoa học thì đây là một bước lùi vì các bộ môn chuyên ngành ngày nay hơn bao giờ hết đều là những công trình tập thể.
Hiện tượng lại càng đáng ngạc nhiên hơn vì người ta đang chứng kiến sự phục thù của dịch tễ học, một ngành mà cho đến nay không mấy được tôn vinh.
Nữ bác sĩ Anne-Marie Moulin, cũng là một triết gia đã nhận xét một cách hóm hỉnh: “Dịch tễ học từng không được xem như một ngành khoa học vẻ vang, vì bị đánh giá là quá gần với khoa học xã hội và không dẫn đến nhiều khám phá lớn. Thế nhưng vào lúc này, các nhà dịch tễ học đột nhiên xuất hiện như những nhà khoa học lớn”.
Bây giờ họ đã trở nên những chỉ huy trưởng của đội ngũ y tế đang ở tuyến đầu chống dịch. Tại Pháp, những người lính thì được vỗ tay hoan hô lúc 20 giờ, còn các chỉ huy thì được người ta tôn sùng.
Courrier International: Thành phố thời hậu Covid-19 sẽ ra sao?
Tương tự như đồng nghiệp L’Obs, tạp chí Pháp Courrier International tuần này cũng dành hồ sơ chính cho thời kỳ hậu Covid-19, nhưng khai thác khía cạnh “Thay đổi các thành phố” như thế nào.
Đối với Courrier International, các đô thị lớn là những nơi bị dịch Covid-19 tác hại nhiều nhất, do đó cần phải được thiết kế lại sao cho dễ sống hơn trở lại. Và vấn đề không đơn giản vì phải suy nghĩ lại từ những khâu nhà ở, chuyên chở công cộng, cho đến khâu đô thị hóa nói chung.
The Economist: Goodbye toàn cầu hóa?
Còn The Economist thì chú ý đến một hậu quả của đại dịch Covid-19 được thường xuyên nhắc tới từ hơn hai tháng qua.
Dưới hàng tựa lớn trang bìa “Goodbye toàn cầu hóa”, tuần báo Anh cảnh báo về “mồi nhử nguy hiểm của sự tự cung tự cấp”.
L’Express: Tài phiệt vùng Vịnh thủ lợi nhờ dịch bệnh
Dịch Covid-19 đã gây tác hại ghê gớm cho kinh tế nhiều nước trên thế giới, nhưng không phải ai cũng thiệt. Theo L”Express, dịch do virus corona gây nên lại là “của trời cho” cho giới tài chính vùng Vịnh: Trong lúc phần lớn các công ty xí nghiệp thế giới gặp nhiều khó khăn, một số gần kề phá sản, thì các quỹ đầu tư vùng Vịnh xoa tay mừng rỡ.
Dù rất ít được quảng đại quần chúng biết đến, các quỹ khổng lồ này, do các vương quốc dầu lửa điều hành, nắm hàng trăm tỷ đô la tích sản, và dĩ nhiên đã lợi dụng tình trạng thị trường chứng khoán thế giới sụp đổ, mất đi 20% trong vòng vài tuần.
Một số công ty, như ở Châu Âu và Mỹ đã thấy giá trị của mình tuột giảm 50% có khi 60%, trở thành những miếng mồi ngon dễ bắt và Quỹ Đầu Tư Nhà Nước Ả Rập Xê Út (PIF) đã nhanh chóng lộ mặt.
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200516-pha%CC%81p-th%C6%A1%CC%80i-h%C3%A2%CC%A3u-phong-to%CC%89a-vi%CC%80-sao-nh%C3%A2%CC%81t-thi%C3%AA%CC%81t-pha%CC%89i-m%C6%A1%CC%89-la%CC%A3i-tr%C6%B0%C6%A1%CC%80ng-ho%CC%A3c
Tin tổng hợp
(AFP) – Công dân Pháp vẫn bị cách ly khi đến Anh.
Hôm qua, 15/05/2020, chính phủ Luân Đôn xác định là công dân Pháp không được miễn trừ, theo quy định cách ly những người từ nước ngoài đến Anh bằng đường hàng không. Trước đó, trong một thông cáo chung, Luân Đôn và Paris đã nhấn mạnh là việc cách ly không áp dụng đối với người đến từ nước Pháp “ở giai đoạn hiện nay”. Chính phủ Anh đã bị chỉ trích nặng nề về sự biệt đãi này.
(Reuters) – TT Mỹ cách chức tổng thanh tra bộ Ngoại Giao. Chủ tịch Hạ Viện lên án.
Trong một bức thư gửi chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi thuộc đảng Dân Chủ, tổng thống Trump viết là ông không còn tin tưởng vào tổng thanh tra Steve Linick, nhưng không giải thích chi tiết. Quyết định đưa ra tối hôm qua 15/05/2020 bị phe Dân Chủ chỉ trích mạnh mẽ. Chủ tịch Ủy ban Ngoại Giao của Hạ Viện cho biết văn phòng tổng thanh tra đã mở điều tra về ngoại trưởng Mike Pompeo và quyết định nói trên là bất hợp pháp. Chủ tịch Hạ Viện cho rằng ông Steve Linick bị trừng phạt vì đã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Hiến Pháp và an ninh quốc gia. Bà đánh giá kiểu trả đũa của tổng thống là rất nguy hiểm.
(AFP) – Chống dịch Covid tại Brazil: Bộ trưởng Y Tế từ chức vì bất đồng với tổng thống.
Bộ trưởng Y Tế Brazil Nelson Teich, mới nhậm chức cách đây 4 tuần, đã từ chức hôm qua, 15/05/2020, do bất đồng với tổng thống Jair Bolsonaro, vào lúc mà quốc gia Nam Mỹ này đang bước vào giai đoạn gay go nhất của dịch Covid-19. Người tiền nhiệm đã bị tổng thống cách chức cũng vì những bất đồng về cách đối phó với dịch. Trong một thời gian dài, tổng thống Brazil xem thường virus corona, nay ông lại kêu gọi người dân trở lại làm việc, chỉ trích các biện pháp phong tỏa ở nhiều bang.
(AFP) – Teheran kết án tù nhà nghiên cứu Pháp gốc Iran.
Bị giam ở Iran từ gần một năm nay, nhà nghiên cứu mang hai quốc tịch Pháp – Iran Fariba Adelkhah vừa bị kết án 5 năm tù với tội danh “thông đồng nhằm gây phương hại an ninh quốc gia”. Kể từ khi bị bắt vào tháng 06/2019, bà Adelkhah vẫn một mực kêu oan. Pháp đã lên án vụ bắt giữ nhà nghiên cứu này và vẫn đòi trả tự do cho bà. Teheran không công nhận song tịch, nên không xem bà Adelkhah là công dân Pháp.
(New York Times) – Dầu lửa Mỹ sẽ đến Belarus trong bối cảnh quốc gia Liên Xô này cũ không được Nga bán dầu.
Hôm qua 15/05/2020, chính quyền Belarus cho biết lô hàng 80.000 tấn dự kiến sẽ cập cảng Klaipeda, Litva, vào tháng 6 và từ đó sẽ được chuyển bằng đường sắt đến Belarus. Ngoại trưởng Vladimir Makei cho biết hợp tác với Mỹ về dầu lửa là “một yếu tố đảm bảo an ninh năng lượng ». Lâu nay Belarus vẫn phụ thuộc vào dầu giảm giá từ Nga, nhưng hầu hết các chuyến hàng đã bị đình lại từ tháng 01 do bất đồng về giá dầu. Căng thẳng giữa Belarus và Nga gia tăng trong những tháng gần đây do các cuộc đàm về hội nhập kinh tế sâu rộng bị đình trệ.
(AFP) – Virus corona : Air Canada sẽ sa thải hơn 50-60% nhân viên.
Thông báo trên được đưa ra hôm qua 15/05/2020. Lý do là hãng hàng không lớn nhất Canada đã phải giảm tới 95% số chuyến bay do Canada đóng cửa biên giới và có các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19. Air Canada cho rằng sẽ còn phải chờ rất lâu nữa mới có thể quay lại hoạt động bình thường. Trước khi dịch bệnh xảy ra, Air Canada sử dụng khoảng 38.000 lao động. Các nhân viên sẽ bắt đầu bị sa thải vào đầu tháng 6.
(AFP) – 119 người : Kỷ lục số ca tử vong vì Covid tại Nga trong vòng 24 giờ.
Theo số liệu chính thức, tổng số người chết vì virus corona tại Nga cho đến hôm qua 15/05/2020 là 2.537 người. Nhiều người cho rằng con số tử vong được chính quyền đưa ra thấp hơn nhiều so với thực tế. Nhà chức trách bác bỏ nghi ngờ đó, giải thích Nga chỉ thống kê số người tử vong trực tiếp do virus corona, còn các nước khác tính tất cả những ca tử vong và dương tính với virus corona. Theo Matxcơva, có một lý do khác là dịch bùng phát muộn ở Nga nên bệnh viện có thời gian chuẩn bị và chính quyền có chính sách xét nghiệm tầm soát rộng. Số ca mới nhiễm virus corona giảm xuống mức thấp nhất từ hai tuần nay : 9.200 ca trong 24 giờ (mức trung bình trong hai tuần qua là 10.000 người).
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200516-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 16/5:
Mỹ chặn nguồn cung chip toàn cầu của Huawei
Băng ThanhMục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (16/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Mỹ chặn nguồn cung chip toàn cầu của Huawei
Theo Reuters, chính quyền của Tổng thống Trump hôm 15/5 đã chặn nguồn cung chip toàn cầu của công ty viễn thông Trung Quốc Huawei.
“Hành động này đặt Mỹ lên hàng đầu, các công ty Mỹ lên hàng đầu và an ninh quốc gia Mỹ là trên hết”, một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Hoa Kỳ nói với các phóng viên trong một cuộc họp ngắn vào hôm 15/5.
Quy tắc của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, có hiệu lực vào ngày 15/5 nhằm buộc các nhà cung cấp chip ở Mỹ phải tìm kiếm giấy phép của chính phủ Hoa Kỳ trước khi bán cho Huawei.
Trước đó, vào năm 2019, Huawei đã được liệt vào danh sách đen của Bộ Thương mại Hoa Kỳ do những lo ngại về an ninh quốc gia, khi sản phẩm của Huawei được cho là có thể theo dõi người dùng.
Đài Loan bác điều kiện của Trung Quốc để tham gia WHO
Theo VOA, Bộ trưởng Y tế Đài Loan hôm 15/5 đã gạt bỏ điều kiện chủ yếu của Trung Quốc cho phép Đài Loan tham gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Điều kiện đó là: Đài Loan phải chấp nhận mình là một phần thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Trước đó, Đài Loan đã ráo riết vận động để được tham gia hội nghị trong tư cách quan sát viên và dự cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) vào tuần tới. WHA là cơ quan ra quyết định của WHO.
Tuy nhiên, Trung Quốc nói rằng Đài Loan chỉ có thể tham gia nếu đảo quốc này tuân theo nguyên tắc Một Trung Quốc, tức là thừa nhận Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc.
Tại một cuộc họp báo ở Đài Bắc, Bộ trưởng Y tế Đài Loan Chen Shih-chung đã bác bỏ đòi hỏi của Trung Quốc. Ông nói Đài Loan sẽ không từ bỏ nỗ lực tham gia WHA mặc dù đảo quốc này chưa nhận được lời mời.
Thành phố Trung Quốc cách ly hàng nghìn người
Theo AFP, Thành phố Thẩm Dương cách ly hơn 7.500 người do lo ngại về cụm dịch mới sau khi phát hiện thêm ba ca nhiễm trong 5 ngày qua.
Chính quyền thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, xác nhận các ca nhiễm mới có liên quan tới một cụm dịch ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm. Khoảng 7.500 người trở về từ Cát Lâm từ ngày 22/4 và những người tiếp xúc gần với ba ca nhiễm đều bị cách ly 21 ngày, được xét nghiệm axit nucleic ba lần.
Thành phố cũng quyết định hoãn mở cửa trở lại các trường học, được lên kế hoạch đón học sinh quay lại vào hôm 15/5.
Thẩm Dương, thành phố khoảng 7,5 triệu dân, đã báo cáo ca nhiễm cộng đồng đầu tiên sau 89 ngày hôm 11/5 và tiếp tục ghi nhận thêm hai trường hợp hôm 14/5.
Ông Trump thúc đẩy chiến dịch vaccine Covid-19 thần tốc
Theo Reuters, tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 15/5, Tổng thống Donald Trump đã giới thiệu Moncef Slaoui, cựu giám đốc bộ phận phát triển vaccine của công ty dược phẩm GlaxoSmithKline, cùng đại tướng Gustave Perna phụ trách “Chiến dịch Thần tốc”, chương trình phát triển vaccine Covid-19 của Mỹ. Chính phủ Mỹ sẽ đầu tư vào 14 vaccine tiềm năng được chọn từ hàng trăm loại để đầu tư phát triển và hy vọng sẽ có vaccine vào “cuối năm hoặc sớm hơn”.
“Gần đây tôi được thấy dữ liệu ban đầu từ thử nghiệm lâm sàng vaccine nCoV. Dữ liệu này khiến tôi thêm tự tin rằng chúng ta có thể cung cấp vài trăm triệu liều vaccine vào cuối năm 2020. Chúng tôi sẽ làm tốt nhất có thể”, Slaoui nói trong cuộc họp báo.
Slaoui cho biết ngoài vaccine, “Chiến dịch Thần tốc” sẽ tập trung vào phát triển thuốc điều trị những người nhiễm nCoV, đồng thời cải thiện và tối ưu xét nghiệm. “Thật vinh dự khi được phụng sự đất nước và thế giới trong nỗ lực đáng chú ý này”, Slaoui nói.
Động đất 6,5 độ ở Mỹ
Theo AP, vào ngày 15/5, trận động đất mạnh 6,5 độ đã xảy ra tại khu dân cư thưa thớt ở bang Nevada, tây Mỹ và chưa có báo cáo thiệt hại.
Theo cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, động đất xảy ra ở độ sâu 7,5 km, cách khoảng 56 km về phía tây của thị trấn Tonopah.
Jacob Stritenberger, Phó cảnh sát trưởng hạt Esmeralda, cho biết ông cũng cảm nhận thấy rung chấn và đó là trận động đất lớn nhất ông từng trải qua.
“Rất nhiều người dân địa phương tới đây và nói rằng TV của họ bị rung chuyển, họ đều cảm thấy điều đó. Nhưng tôi chưa nghe thấy ai nhắc tới thiệt hại nào”, Keith Hasty, nhân viên tại một trạm xăng ở Tonopah cho biết.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-16-5-my-chan-nguon-cung-chip-toan-cau-cua-huawei.html
Điểm tin thế giới chiều 16/5:
Tàu khu trục Mỹ áp sát Thượng Hải,
lúc Trung Quốc đang tập trận
Quý KhảiMục Điểm tin thế giới chiều thứ Bảy (16/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Tàu khu trục Mỹ áp sát Thượng Hải, lúc Trung Quốc đang tập trận
USS Rafael Peralta, một tàu khu trục của Hải quân Mỹ, được phát hiện đang di chuyển qua biển Hoàng Hải ngoài khơi thành phố Thượng Hải hồi sáng thứ Sáu (15/5), trong một động thái được một người quan sát gọi là “đùa với lửa”. Đây là phát hiện dựa trên ảnh chụp của Sáng kiến tình hình chiến lược Biển Đông, một Viện Chính sách có trụ sở tại ĐH Bắc Kinh. Đây là con tàu khu trục thứ hai của Mỹ được ghi nhận lai vãng tại biển Hoàng Hải trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Theo South China Morning Post, sự xuất hiện của tàu khu trục Mỹ xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc hôm thứ Năm (14/5) triển khai một cuộc tập trận quân sự mở rộng ở Hoàng Hải bao gồm hai tàu sân bay. Cuộc tập trận kéo dài 11 tuần sẽ diễn ra cho đến ngày 31/7.
Máy bay săn ngầm Mỹ 2 lần áp sát căn cứ tàu ngầm lớn nhất Trung Quốc
Giới theo dõi máy bay quân sự thế giới tình cờ phát hiện máy bay săn ngầm P-8A Poseidon của Mỹ áp sát căn cứ tàu ngầm Du Lâm trên đảo Hải Nam của Trung Quốc ngày 15/5, theo báo Tuổi Trẻ.
Theo thông tin từ một nhà quan sát quân sự, đây không phải lần đầu máy bay Mỹ xuất hiện trong khu vực. Tuy nhiên, khác các lần trước, việc chiếc P-8A chủ động bật tín hiệu nhận diện chứng tỏ quân đội Mỹ đang muốn gửi thông điệp tới Trung Quốc.
Cuối năm ngoái, tướng Charles Q. Brown Jr. – Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Mỹ – đã tiết lộ với báo Tuổi Trẻ rằng Mỹ thường xuyên triển khai máy bay ném bom, máy bay tuần thám và máy bay không người lái đến Biển Đông nhưng thường kín tiếng với báo giới nên ít người biết đến.
Quốc gia Châu Âu đầu tiên tuyên bố chiến thắng đại dịch Covid-19
Chính phủ Slovenia tuyên bố dịch bệnh tại nước này đã bị dập tắt hôm thứ Năm, kể từ khi áp dụng các biện pháp phong tỏa khẩn cấp vào ngày 12/3, trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên làm được điều này, theo tờ BalkanInsight.
Viện Y tế Công cộng Quốc gia, NIJZ, cho biết Slovenia chỉ ghi nhận 35 trường hợp nhiễm Covid-19 trong vòng 14 ngày qua, và tỷ lệ lây nhiễm đã giảm xuống dưới con số 1.
Tuy nhiên, chính phủ Slovenia cũng cho biết tuy rằng “tình hình hiện tại có thể cho phép nới lỏng các lệnh phong tỏa, nhưng chúng chưa thể được loại bỏ hoàn toàn”.
Tổng thống Trump sa thải Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao
Chính quyền Trump đã sa thải tổng thanh tra Bộ Ngoại giao Steve Linick, người mở cuộc điều tra nhắm vào bộ trưởng ngoại giao Mike Pompeo, theo The Guardian.
Tổng thanh tra Steve Linick đã được thông báo về quyết định sa thải vào tối thứ Sáu (15/5). Ông sẽ được thay thế bởi Stephen Akard, một đồng minh thân cận của phó tổng thống Mike Pence.
Trong một lá thư gửi Chủ tịch Hạ viện, ông Trump nói:
“Điều quan trọng là tôi có niềm tin tuyệt đối vào những người được bổ nhiệm làm Tổng thanh tra. Nhưng đó không còn là trường hợp của vị Tổng thanh tra này nữa”.
Người Mỹ chia sẻ thông điệp từ Chúa về dịch Covid-19
Dịch Covid-19 đã thúc đẩy gần 2/3 những người Mỹ có đức tin thuộc mọi tín ngưỡng cảm thấy Chúa đang nhắn nhủ nhân loại thay đổi cách sống của mình, một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, theo AP News.
Trong khi virus Vũ Hán khiến thế giới lao đao, mang lại gánh nặng kinh tế đến hàng triệu người và giết chết hơn 80.000 người Mỹ, kết quả thăm dò ý kiến dư luận của Trường Thần học thuộc Đại học Chicago và Trung tâm nghiên cứu các vấn đề công The Associated Press-NORC cho thấy người dân Mỹ có thể đang tìm kiếm ý nghĩa sâu sắc hơn trong bối cảnh dịch bệnh bùng nổ.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-16-5-tau-khu-truc-my-ap-sat-thuong-hai-luc-trung-quoc-dang-tap-tran.html
Tạp chí đặc biệt
Ngoại trưởng Đài Loan: « Chống Covid-19,
chế độ chuyên chế Trung Quốc khó thể minh bạch »
Minh AnhTrước những thành công chống dịch Covid-19 mà không cần thiết lập lệnh phong tỏa hà khắc như tại Trung Quốc, ngày càng có nhiều nước lên tiếng ủng hộ Đài Loan gia nhập Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO).
Nhân sự kiện cuộc họp đại hội đồng của WHO sắp diễn ra tại Genève, Thụy Sĩ, từ ngày 17-21/05/2020, mục Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này, giới thiệu một số quan điểm của ông Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu), ngoại trưởng Đài Loan về cuộc chiến chống dịch Covid-19, khả năng gia nhập WHO và mối quan hệ giữa Trung Quốc – Đài Loan hiện nay, khi trả lời phỏng vấn nhà báo Adrien Simorre, ban tiếng Pháp đài RFI.
RFI : Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, người Ethiopia, gần đây lên án Đài Loan có những lời lẽ phân biệt chủng tộc nhắm vào cá nhân ông ấy. Ngoại trưởng có quan điểm ra sao trước những cáo buộc này ?
Ông Ngô Chiêu Tiếp : Quả thật chúng tôi có nghe Tiến sĩ Tedros cáo buộc thẳng thừng Đài Loan là phân biệt chủng tộc và đã khởi xướng những lời lăng nhục kỳ thị nhắm vào ông ấy. Chúng tôi lấy làm tiếc trước những kiểu tấn công như thế. Nhưng tôi có thể bảo đảm với quý vị rằng chính phủ Đài Loan không làm như vậy và chúng tôi cũng chưa bao giờ khuyến khích bất kỳ người dân Đài Loan nào hành động như vậy cả.
Đài Loan từ lâu đã bị gạt ra khỏi cộng đồng quốc tế và chúng tôi hiểu hơn bất kỳ ai khác tâm trạng bị đối xử kỳ thị. Kể từ khi được dân chủ hóa, Đài Loan luôn lên án mọi hình thức phân biệt đối xử, và cam kết của chúng tôi trên phương diện này mạnh hơn bất kỳ nước nào khác, chỉ vì chính bản thân chúng tôi đã bị gạt ra khỏi cộng đồng quốc tế.
Những lời cáo buộc này của ông Tedros được đưa ra ngay sau khi có nhiều quan chức chính phủ Đài Loan lên tiếng chỉ trích cách thức Tổ Chức Y Tế Thế Giới xử lý cuộc khủng hoảng dịch tễ. Ông có nghĩ rằng chính việc Trung Quốc gây ảnh hưởng (với WHO) đã dẫn đến hậu quả là thế giới chậm trễ phản ứng trước dịch bệnh ?
Thứ nhất, quả thật Đài Loan cũng nằm trong số những nước lên tiếng cho rằng một số quyết định của WHO có thể là sai lầm. Ví dụ như trường hợp người ta đã thấy rõ là khi dịch bệnh đã trở nên nghiêm trọng ở Trung Quốc, thì Tổ Chức Y Tế Thế Giới lại khẳng định rằng giao thương quốc tế hay du lịch quốc tế vẫn nên tiếp tục. Đài Loan đã có lập trường riêng, nhưng chúng tôi không phải là những người duy nhất. Trên trường quốc tế, có rất nhiều chỉ trích về cách xử lý cuộc khủng hoảng của WHO và những chỉ trích của Đài Loan cũng giống với những gì các nước khác đưa ra.
Điểm thứ hai, đó là những gì tự bản thân chúng tôi nhận thấy được. Ví dụ như bức thư mà chúng tôi gởi đến WHO hồi cuối năm 2019 để báo động nguy cơ lây nhiễm giữa người với người xung quanh thành phố Vũ Hán. Bức thư này vẫn không được hồi âm. Đây không phải là phương pháp làm việc phù hợp, nếu muốn hành động một cách minh bạch liên quan đến căn bệnh truyền nhiễm này.
Hệ quả là cộng đồng quốc tế gánh lấy dịch bệnh một cách nặng nề, không chỉ có Trung Quốc, mà cả châu Âu, Hoa Kỳ và giờ là châu Phi nữa. Vì lý do này mà chúng tôi cho rằng Tổ Chức Y Tế Thế Giới lẽ ra đã có thể làm được nhiều hơn để hiểu rõ hơn nguồn gốc và sự phát triển của dịch bệnh, và cho phép tất cả các nước trên thế giới chuẩn bị tốt hơn để đối phó với đại dịch.
Đài Loan đã phản ứng rất nhanh ngay từ những dấu hiệu đầu tiên của dịch bệnh. Điều gì giải thích cho phản ứng sớm này ?
Năm 2003, Đài Loan đã bị dịch SARS tấn công nặng nề, làm hàng ngàn người bị nhiễm bệnh và có số ca tử vong đáng kể. Đây là một bài học đau đớn cho chúng tôi, và từ đó chúng tôi hiểu rằng phải luôn sẵn sàng để đối mặt với một nguy cơ dịch bệnh mới.
Ngày 31/12/2019, tức đúng vào ngày chúng tôi gởi thư báo động cho WHO cũng như là nhiều thư điện tử cho chính phủ Trung Quốc, chúng tôi đã bắt đầu cho kiểm soát tất cả các chuyến bay đến từ Vũ Hán để xác định những hành khách nào có những triệu chứng viêm phổi không điển hình.
Đến tháng Giêng năm 2020, vào lúc các báo cáo xung quanh một căn bệnh truyền nhiễm tại Vũ Hán tiếp tục được gởi về, Đài Loan đã cử các chuyên gia của mình đến tiến hành các cuộc điều tra tại chỗ. Dù rằng họ không thể thu thập được hết các thông tin cần thiết cho cuộc điều tra, nhưng họ hiểu rằng có điều gì đó không bình thường đang diễn ra. Khi các nhà điều tra về đến Đài Loan, chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị cho khả năng có một đợt dịch bệnh. Trung tâm chỉ huy chống dịch bệnh được kích hoạt cho phép áp dụng cách tiếp cận liên chính phủ để đối phó với dịch.
Rồi vào trung tuần tháng Giêng, ngay sau khi có xác nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Đài Loan, chúng tôi đã đình chỉ mọi chuyến bay đến từ Vũ Hán và đưa ra một loạt biện pháp nhằm ngăn chận những dòng du khách đến từ những vùng bị nhiễm dịch nặng có thể vào Đài Loan. Chúng tôi cũng quyết định ngưng xuất khẩu khẩu trang y tế và khởi động dây chuyền sản xuất hàng loạt trong nước để bảo đảm mỗi công dân Đài Loan đều được bảo vệ.
Cuối cùng, chúng tôi cho thiết lập một cơ chế để có thể truy tìm được tất cả các điểm tiếp xúc của các ca nhiễm được xác nhận. Giới lái xe taxi đã được huy động sao cho việc vận chuyển một số người bệnh đến các trung tâm cách ly một cách an toàn, và chính quyền địa phương chăm lo cho những người bị cách ly.
Nhờ vào chiến lược này mà dịch bệnh ngày nay dường như trong tầm kiểm soát của Đài Loan. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không được an toàn chừng nào cộng đồng quốc tế chưa khống chế được dịch bệnh. Chính vì lý do này mà chúng tôi rất mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm của mình với cộng đồng quốc tế.
Nhìn vào phản ứng có hiệu quả này, ông có nghĩ rằng tình hình thế giới có thể sẽ khác đi, nếu như Đài Loan là thành viên của WHO hay không ?
Thật khó hình dung được chuyện gì có thể xảy ra nếu như Đài Loan là thành viên, hay đơn giản chỉ là quan sát viên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Trước tiên, tôi nghĩ rằng Đài Loan phải có quyền tiếp nhận tất cả các thông tin cần thiết từ phía WHO, ngay khi chúng tôi cần đến. Bởi vì, lúc này đây, quả thật là Đài Loan hầu như không thể tiếp cận các thông tin kịp thời từ phía WHO.
Một điểm khác nữa là chính những thông tin mà Đài Loan mong muốn chia sẻ với cộng đồng quốc tế đã không được truyền đi. Chúng tôi chỉ biết gửi các thông tin tới bộ phận phụ trách « Các quy định y tế quốc tế (IHR) », nhưng không biết là sau đó chúng đi đâu.
Cuối cùng, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cũng có nghĩa vụ đến giúp đỡ những nước nào cần đến sự hỗ trợ của Đài Loan, nhất là bởi vì chúng tôi có những chuẩn mực về y tế cao hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực. Cơ chế tốt nhất có lẽ là thông qua WHO để đến giúp đỡ những nước đó, nhưng điều này vẫn chưa thể làm được trong hoàn cảnh hiện nay.
Tôi có thể đưa ra một ví dụ cụ thể : Năm 2019, chúng tôi nhận thấy cuộc chiến chống virus Ebola rất quan trọng, và chúng tôi đã đề nghị một khoản hỗ trợ cho WHO để chống dịch. Thế nhưng, WHO đã bác đề nghị của chúng tôi.
Tình trạng này cho thấy Đài Loan cần phải tham gia vào WHO một cách trực tiếp hơn nữa, bất kể với tư cách là thành viên chính thức hay quan sát viên. Như vậy chắc chắn mới có lợi cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới.
Hội đồng Y tế Thế giới của WHO sẽ diễn ra từ ngày 17 – 21/05/2020. Liệu ông có mong là sẽ có những tiến bộ thật sự cho việc Đài Loan gia nhập WHO hay không ?
Có hai cấp độ quan sát. Một mặt, điều này phụ thuộc vào thái độ của WHO, và nhất là từ ông tổng giám đốc, tiến sĩ Tedros. Nhìn vào các phản ứng và bình luận của ông ấy, chúng tôi không hy vọng lập trường của WHO có chút thay đổi nào về sự tham gia của Đài Loan. Chúng tôi cũng hình dung ra rằng Bắc Kinh tiếp tục gây áp lực, không cho Đài Loan gia nhập. Trong những điều kiện này, khả năng Đài Loan có thể được cấp quy chế quan sát viên xem như rất hạn hẹp, nếu không muốn nói là không tồn tại.
Tầm mức thứ hai, chính là sự ủng hộ của quốc tế. Chắc chắn là có một nước từ chối sự tham gia của chúng tôi, nhưng còn có nhiều nước khác ủng hộ, đặc biệt là từ những nước mà chúng tôi cùng chia sẻ những giá trị chung. Gần đây, chính phủ Mỹ, Úc, New Zealand, Canada và Nhật Bản đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Đài Loan tham gia WHO.
Chúng tôi nhận thấy các nước châu Âu kín đáo bày tỏ là họ sẽ ủng hộ Đài Loan vào WHO. Tôi không thể nói với quý vị những gì họ đang trao đổi trong hậu trường, nhưng tôi có thể bảo đảm với quý vị rằng số các nước châu Âu sẵn sàng viết thư yêu cầu WHO để Đài Loan tham gia vào tổ chức này là khá lớn. Ngay cả tại châu Mỹ Latinh, khu vực mà chúng tôi chỉ còn lại một đồng minh ngoại giao duy nhất, nhiều nước cũng sẵn sàng làm tương tự.
Khi gộp tất cả những tiếng nói này, người ta có thể nói là việc tán đồng Đài Loan gia nhập WHO như là một quan sát viên hiện nay đang lên đến đỉnh điểm. Kể từ giờ chúng tôi có một cơ sở tinh thần để yêu cầu WHO cấp cho chúng tôi quy chế thành viên quan sát.
Chính quyền Donald Trump mới đây thông báo rút đóng góp tài chính của Mỹ cho WHO. Ông vẫn luôn tin vào tầm quan trọng và năng lực của định chế để tổ chức phối hợp y tế thế giới ?
WHO vẫn là tổ chức quốc tế duy nhất xử lý các vấn đề dịch tễ thế giới. Lẽ đương nhiên là có nhiều người lấy làm tiếc rằng WHO do một tác nhân duy nhất chi phối, và cho rằng WHO lẽ ra phải được cải tổ để vận hành một cách hiệu quả hơn. Quan điểm này chúng tôi cũng đồng tình, và chúng tôi nghĩ rằng cải cách đầu tiên mà WHO lẽ ra phải tiến hành là cho phép Đài Loan gia nhập.
Tiếp đến, mỗi nước có phương pháp riêng của mình thử suy nghĩ tìm cách để khuyến khích hay thúc đẩy WHO cải tổ một cách nghiêm túc, do vậy tôi sẽ không bình luận quyết định của tổng thống Trump. Những gì tôi thấy, đó là cả một nỗ lực của quốc tế để tìm hiểu, điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19 và suy nghĩ một phương cách chung nhằm chống dịch bệnh. Tất cả những nỗ lực đều đáng quý cả, và điều quan trọng nhất đối với Đài Loan là có thể được tham gia vào nỗ lực này.
Trung Quốc dường như đang lao vào một chiến lược quảng bá về hiệu quả của mô hình chuyên chế trong việc xử lý dịch bệnh. Nền dân chủ Đài Loan thể hiện một mô hình phản biện không thể chối cãi.
Phải chăng hệ thống dân chủ của Đài Loan đã giúp các ông chống chọi được với dịch bệnh ?
Vì quý vị đang ở Đài Loan, đương nhiên quý vị cũng có theo dõi các buổi họp báo của trung tâm chỉ huy của chúng tôi và thấy rõ cách thức các buổi họp báo diễn ra đều trên cơ sở một sự minh bạch toàn diện ! Quý vị có thể đưa ra bất cứ câu hỏi gì và giám đốc trung tâm chỉ huy sẽ tiếp tục trả lời các câu hỏi cho đến khi mối nghi ngờ nhỏ nhất được xóa tan. Sự minh bạch toàn diện này chỉ có thể tồn tại trong một hệ thống dân chủ. Điều này cho phép đáp ứng mong muốn tạo dựng niềm tin mạnh mẽ giữa người dân và chính phủ.
Còn ở bên kia, hệ thống của Trung Quốc cộng sản rất khác biệt, một hệ thống chuyên chế được ghi trong Hiến Pháp, không thể nào minh bạch, trung thực về tình hình dịch bệnh, bởi vì mục tiêu của họ là sự ổn định chế độ và củng cố quyền lực. Đây là một mối liên hệ với quyền lực rất khác biệt.
Kể từ khi tình hình đã được cải thiện ở trong nước, Trung Quốc quả thật bắt đầu cung cấp trang thiết bị y tế, bằng cách phô trương điều này dưới hình thức trao tặng và tìm cách đòi các nước tiếp nhận phải ca ngợi mô hình của Trung Quốc. Nhưng có nhiều quốc gia nhận thấy đó không phải là những khoản ban tặng mà là những là đợt giao hàng được bán với mức giá cao hơn thị trường rất nhiều, và một số nước cũng nhận thấy một phần trang thiết bị gởi đến đã bị hư hỏng. Do vậy, tôi nghĩ là Trung Quốc đã cố gắng « rao bán » mô hình của mình với cộng đồng quốc tế và tìm cách chứng tỏ tính ưu việt của mô hình đó, chẳng hạn so với mô hình của Đài Loan, thế nhưng cộng đồng quốc tế chối bỏ.
Tôi tin chắc rằng những nước chia sẻ cùng những giá trị với chúng tôi, nếu họ chú ý đến kinh nghiệm của Đài Loan, họ sẽ nhận thấy rằng các phương pháp dân chủ vẫn là tốt nhất để xử lý dịch bệnh, hơn là một cách tiếp cận chuyên chế.
Trong những thông báo gần đây, Trung Quốc bóng gió rằng Đài Loan rất có thể tận dụng dịch bệnh để tiến đến tuyên bố độc lập. Ông có thể cho biết rõ hơn lập trường của Đài Loan về vấn đề này hay không ?
Vào một thời điểm dịch bệnh đổ ập đến Đài Loan cũng như những nơi khác trên thế giới, điều duy nhất mà chúng tôi lo lắng là làm sao có khả năng đối phó với tình hình này và hỗ trợ tốt nhất phần còn lại của thế giới.
Nếu lấy ví dụ chiến dịch để gia nhập WHO, chúng tôi đã tiến hành việc này hàng năm kể từ những năm 2000, và năm nay chúng tôi chẳng làm gì hơn ngoài những gì chúng tôi đã làm trước đây.
Năm nay, còn có một sự khác biệt, đó là Đài Loan đã chứng tỏ được khả năng kềm hãm dịch bệnh, và vì lý do này, đã có một sự công nhận mạnh mẽ hơn cho việc Đài Loan gia nhập WHO. Và điều đó chẳng có liên hệ gì với việc Đài Loan mong muốn tuyên bố hay đòi độc lập.
Dù Trung Quốc khẳng định mạnh mẽ rằng Đài Loan thuộc về Trung Quốc thì ai cũng biết điều đó là sai, thực tế không phải như thế. Thực tế chính là Đài Loan đã tự thân tồn tại, rằng Trung Quốc và Đài Loan là khác nhau, và hai bên bờ eo biển Đài Loan được quản lý bởi hai chính phủ khác biệt.
Cho nên, cần cẩn trọng trước những gì Trung Quốc đang làm cho một số nước phải tin, thậm chí trước những gì Trung Quốc buộc những nước đó phải nói công khai, nhất là khi Bắc Kinh muốn làm cho mọi người tin rằng Đài Loan thuộc về Trung Quốc.
Tuy nhiên, tôi có cảm giác rằng ngày càng có nhiều nước hiểu rõ tình hình thực tế của Đài Loan, rằng chúng tôi không phải là một phần của Trung Quốc. Và những gì chúng tôi mong muốn chính là duy trì nguyên trạng hiện nay sao cho mối quan hệ giữa đôi bờ eo biển có thể tiếp tục trong hòa bình và ổn định.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200516-dai-loan-trung-quoc-covid-19-who