Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, cựu tư lệnh SĐ18 BB, qua đời ở tuổi 87

Friday, March 20, 2020 // ,
Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, cựu tư lệnh SĐ18 BB, qua đời ở tuổi 87

Mar 19, 2020 -  Mai Phi Long/Người Việt
HARTFORD, Connecticut (NV) – Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, cựu tư lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh QLVNCH, vừa qua đời tại bệnh viện Hartford, Connecticut, lúc 1 giờ 45 phút chiều (giờ địa phương) hôm Thứ Năm, 19 Tháng Ba, hưởng thọ 87 tuổi.
Tin này được cô Lê Bích Phượng, ái nữ của thiếu tướng, xác nhận với nhật báo Người Việt.
Cô cho biết, vị thiếu tướng ra đi bình yên trong lúc có gia đình con cháu nội ngoại tề tựu xung quanh.
Cô Bích Phượng kể thêm: “Ba em được đưa vào bệnh viện chiều Thứ Bảy, 14 Tháng Ba.”
“Hôm Thứ Tư, 18 Tháng Ba, cả gia đình, 11 người, đi từ Virginia lên Connecticut. Tới bệnh viện, nhưng không được vào hết. Mỗi lần vào chỉ được ba người,” cô Bích Phượng kể tiếp. “Ông biết mình sắp ra đi, nên nói: ‘Ba chuẩn bị đi hành quân.’”
Cô thêm: “Trưa Thứ Năm, bệnh viện tự nhiên dễ dãi, cho cả gia đình vào, lúc đó ông mới đi. Có lẽ ông biết, nên đợi cả gia đình vào, rồi mới đi.”
Theo Lược Sử QLVNCH của ba tác giả Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, và Lê Đình Thụy, vị thiếu tướng tư lệnh Sư Đoàn 18 sinh ngày 5 Tháng Ba, 1933, tại xã Bình Hòa, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định.
Ông có chín người con, hai trai và bảy gái.
Hồi chưa vào quân đội, ông là học sinh trường Lyceé Pétrus Ký, Sài Gòn, rồi tốt nghiệp tú tài I và II.
Sau đó, ông theo học khóa 10 Trần Bình Trọng trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt ngày 1 Tháng Mười, 1953.
Một năm sau, ông mãn khóa với cấp bậc thiếu úy, nhưng được giữ lại trường.
Năm 1954, ông được chọn đi học lớp huấn luyện viên tại trường Võ Bị Lục Quân Fort Benning, Columbus, Georgia, Mỹ.
Năm 1956, ông được thăng trung úy.
Sau đó, ông trở lại trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, giữ chức đại đội trưởng sinh viên sĩ quan, huấn luyện viên các khóa 13, 14, và 15.
Năm 1960, ông là tùy viên của Thiếu Tướng Lê Văn Kim.
Năm 1962, ông mang cấp đại úy, được đi du học lớp Tác Chiến Rừng Rậm tại Malaysia.
Năm 1963, ông phục vụ tại Khối Nghiên Cứu của Bộ Tư Lệnh Hành Quân.
Ngày 2 Tháng Mười Một, 1963, ông được thăng thiếu tá tạm thời, và đến cuối năm làm tỉnh trưởng tỉnh Long An.
Cuối năm 1964, ông bàn giao chức tỉnh trưởng cho Thiếu Tá Nguyễn Văn Lộc, và đến đầu năm 1965 ông làm tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn 31, Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Sau đó, ông làm trung đoàn phó Trung Đoàn 31.
Năm 1966, ông là giám đốc Trung Tâm Hành Quân Quân Đoàn IV.
Một năm sau, ông làm tỉnh trưởng tỉnh Chương Thiện, và đến năm 1968 được thăng cấp trung tá nhiệm chức ngay tại mặt trận.
Cuối Tháng Hai, 1969, ông bàn giao chức tỉnh trưởng cho Trung Tá Nguyễn Văn Ngưu để về làm tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Định Tường.
Năm 1970, ông được thăng đại tá nhiệm chức đặc cách tại mặt trận.
Tháng Ba, 1972, ông lại bàn giao chức vụ hiện tại cho Đại Tá Chung Văn Bông, và ngày 4 Tháng Tư làm tư lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh thay Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ.
Ngày 1 Tháng Mười Một, 1972, ông được vinh thăng chuẩn tướng nhiệm chức tại mặt trận.
Ngày 1 Tháng Ba, 1974, ông được vinh thăng chuẩn tướng thực thụ.
Ngày 24 Tháng Tư, 1975, ông được vinh thăng thiếu tướng nhiệm chức đặc cách tại mặt trận Xuân Lộc.
Trong những ngày cuối của cuộc chiến Việt Nam ông là người chỉ huy Sư Đoàn 18 Bộ Binh với chiến tích chặn đứng Cộng Quân vào Xuân Lộc, từ đó, ông có biệt danh “Người Hùng Xuân Lộc.”
Sau đó, ông bị tù Cộng Sản cho tới ngày 5 Tháng Năm, 1992.
Tháng Tư, 1993, ông định cư tại tiểu bang Virginia, Mỹ, và sau này chuyển về sống ở tiểu bang Connecticut.

Đọc báo Pháp – 20/03/2020


Đọc báo Pháp – 20/03/2020

Covid-19:

Trung Quốc tung chiến dịch ngoại giao khẩu trang

Trọng Nghĩa
Con virus corona tiếp tục bám vào báo chí Pháp ra ngày 20/03/2020. Không hẹn mà gặp hai tờ Le Monde và Le Figaro đều dành tựa lớn trang nhất cho tình trạng khan hiếm khẩu trang tại Pháp, trong lúc Libération và La Croix thì quan tâm đến giới y tá, bác sĩ đang đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh châu Âu gặp khó khăn vì dịch bệnh, Le Figaro đặc biệt ghi nhận sự kiện “Trung Quốc tung chiến dịch ngoại giao khẩu trang”, tựa bài phân tích ở trang quốc tế.
Le Figaro trước hết nêu bật một loạt cử chỉ của Trung Quốc đối với các nước đang bị lún sâu vào cuộc khủng hoảng Covid 19: Tặng cho nước Pháp 1 triệu chiếc khẩu trang, cử 300 bác sĩ qua Ý cùng với trang thiết bị để giúp chống dịch, cung cấp thiết bị hay trợ giúp y tế cho hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế, từ Nhật Bản, Pakistan cho đến Lào, Thái Lan… Tại châu Âu, ngoài Pháp và Ý, Bắc Kinh cũng ra tay giúp đỡ nhiều nước vùng Balkan, đặc biệt là Serbia
Cơ hội bằng vàng để tô điểm lại hình ảnh, đào sâu chia rẽ tại châu Âu và giữa Mỹ với châu Âu
Đối với Le Figaro, tình trạng rối loạn y tế mà dịch Covid-19 đang tạo ra tại châu Âu và Hoa Kỳ, là cơ hội bằng vàng cho Bắc Kinh để đánh bóng lại hình ảnh bị hoen ố năng nề sau những sai sót ban đầu trong cách xử lý dịch bệnh vào lúc bùng lên tại Vũ Hán.
Theo Le Figaro, con virus corona đã phơi bày những vết rạn nứt trong nội bộ châu Âu cũng như giữa châu Âu và nước Mỹ thời tổng thống Donald Trump, những kẽ nứt mà Trung Quốc đã chen vào để khoét rộng từ nhiều năm nay.
Chuyên gia Natasha Kassam thuộc viện nghiên cứu Lowy tại Úc cho rằng: “Đây là một cái tát mới vào mặt liên minh phương Tây, đặc biệt là liên minh giữa châu Âu và Hoa Kỳ. Viện trợ mà Trung Quốc dành cho Ý nổi bật lên thành một điểm tốt, đối nghịch với những tin đồn về những nỗ lực thô bạo của Trump để dành lấy một loại vác-xin từ một phòng thí nghiệm của Đức. Điều đó rất tốt cho hình ảnh của Trung Quốc”.
Không đủ dùng trong nước nhưng vẫn tung khẩu trang ra thế giới
Đối với Le Figaro, dù là nhà sản xuất khẩu trang số một thế giới, Trung Quốc hiện vẫn phải đối mặt với sự thiếu hụt loại phương tiện bảo vệ này dù nhu cầu cực lớn tại các thành phố châu Á. Thế nhưng Bắc Kinh đã tăng sản lượng lên gấp 10 lần trong vài tuần bằng cách huy động guồng máy công nghiệp của họ.
Từ mức 10 triệu chiếc mỗi ngày vào đầu tháng 2, trong vài ngày, sản xuất khẩu trang tại Trung Quốc đã tăng vọt, lên đến 54 triệu vào ngày 22/02, trước khi đạt kỷ lục 116 triệu đơn vị mỗi ngày kể từ ngày 29/02. Kỳ tích công nghiệp này đã có thể thực hiện được nhờ việc huy động các đại tập đoàn, sẵn sàng chuyển đổi công việc sản xuất, như tập đoàn dầu hỏa Sinopec, hay thậm chí là Foxconn của Đài Loan, thường sản xuất iPhone.
Trong bối cảnh sự gia tăng sản xuất ngoạn mục này vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu nội địa khổng lồ của quốc gia đông dân nhất thế giới này, với 530 triệu công nhân viên Trung Quốc cần khẩu trang mỗi ngày, Bắc Kinh vẫn đang thúc đẩy các nhà công nghiệp đáp ứng nhu cầu toàn cầu, vì đã đánh hơi cơ hội kinh tế và ngoại giao.
Trước lúc nổ ra cuộc khủng hoảng Covid-19, Trung Quốc đã là nhà sản xuất một nửa khẩu trang của hành tinh và đang cố tăng thêm thị phần. Thế nhưng, theo Le Figaro, các nước châu Âu trong đó có Pháp sẽ phải tìm nguồn cung ứng khác, và nhất là dựa vào chính mình để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân của mình trong trường hợp khẩn cấp như hiện nay.
Le Figaro kết luận: Đó sẽ là một bài toán hóc búa khác cho giới lãnh đạo phương Tây, những người đã chuyển cơ sở sản xuất sang Trung Quốc và hiện đang phải trả giá đắt cho sự lệ thuộc công nghiệp vào Bắc Kinh.
Le Monde: Thiếu khẩu trang, nhân viên y tế có nguy cơ bị phơi nhiễm
Về tình trạng thiếu khẩu trang tại Pháp, Le Monde báo động về hậu quả: “Nhân viên y tế bị phơi nhiễm”, ghi nhận nỗi giận dữ đang trào dâng trong các bệnh viện, phòng mạch, hiệu thuốc, các đơn vị cấp cứu SAMU.
Theo tờ báo, mức cung ứng thấp hơn nhu cầu rất nhiều, và ở một vài nơi, những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân không có được khẩu trang để tự bảo vệ.
Vấn đề, theo Le Monde, là trái với những lời hứa của chính phủ, hàng cung cấp rất thất thường, ngay cả các cơ quan y tế cấp vùng có vẻ như cũng mù tịt về số lượng khẩu trang hiện có.
Đối với Le Monde, tình trạng cung cấp nhỏ giọt đã làm gia tăng rủi ro lây nhiễm cho những nhân viên y tế, vốn đã phải làm việc căng thẳng. Chính vì vậy mà ngày càng có thêm nhiều người cảm thấy mình bị chính quyền bỏ rơi, không có phương tiện để chống dịch.
Le Figaro: “Những câu hỏi về một sự khan hiếm”
Tương tự như đồng nghiệp Le Monde, Le Figaro nêu bật “Những câu hỏi về một sự khan hiếm”, với ghi nhận là từ nhiều tuần lễ nay, các bác sĩ và nhân viên y tế đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu khẩu trang nghiêm trọng.
Theo Le Figaro, trong bối cảnh dịch coronavirus đang lây lan mạnh, nước Pháp đang tìm mọi cách để trang bị khẩu trang cho mình, trước tiên hết là cho những người làm việc trong lãnh vực y tế, cho các bệnh viện, cho các bác sĩ tư nhân đang rất cần đến phương tiện tự bảo vệ này.
Chính phủ Pháp hiện cần phải gia tăng khối lượng khẩu trang, do đó đã tăng cường sức ép trên các nhà sản xuất Pháp, cũng như gia tăng nhập khẩu. Quân đội, cũng như các ngành công nghiệp khác cũng được yêu cầu đóng góp.
Vấn đề được Le Figaro nêu bật là người dân bình thường cũng muốn được trang bị khẩu trang, nhưng giới chức y tế Pháp đã cho rằng khẩu trang không cần thiết đối với những ai không bị bệnh.
Dẫu sao, theo Le Figaro, tại Quốc Hội Pháp vào hôm qua, chính phủ đã bị các dân biểu chất vấn trên cách quản lý dịch Covid-19, trong đó có vấn đề để xẩy ra tình trạng khan hiếm khẩu trang.
Libération: CÁM ƠN giới y tá bác sĩ
Cũng chọn chủ đề dịch Covid-19, nhật báo Libération đã hô vang lời cảm ơn các nhân viên y tế Pháp đang ở trên tuyến đầu chống dịch. Hàng tựa đậm lớn viết bằng chữ in hoa “MERCI” trên trang nhất tờ báo, bên cạnh cận ảnh một nữ bác sĩ đeo khẩu trang, vẻ mặt đăm chiêu, đã nói lên lòng cảm ơn vô hạn của người Pháp trong mùa dịch bệnh khủng khiếp này.
Đối với Libération, cho dù tình hình đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn, bất kể các điều kiện làm việc khắc nghiệt, toàn bộ guồng máy y tế đang chiến đấu, với ý thức trách nhiệm mẫu mực, để đối mặt với dịch bệnh do con virus corona gây ra.
Tờ báo đã dành 14 trang báo để ghi nhận những lời chứng, đặc biệt liên quan đến các khó khăn, nguy hiểm mà các nhân viên y tế đang gặp phải, cũng như những lời cám ơn, động viên của mọi giới đối với sự tận tâm của các bác sĩ, y tá.
Trong bài xã luận mang tựa đề “Lòng biết ơn – Gratitude”, Libération đã nhắc lại một câu danh ngôn của thủ tướng Anh Churchill để cho rằng “Chưa bao giờ trong lịch sử y tế của đất nước, một số lượng người to lớn như thế lại mang nhiều ơn như thế đối với một nhóm người nhỏ như thế.
Câu nói của Churchill “Never so many owed so much to so few” – đưa ra trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, để nói về công ơn của những phi công Hoàng Gia Anh – theo Libération, rất thích hợp trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà mọi người đang lâm chiến với một con virus độc hại.
La Croix: Lời chứng từ những người “trên tuyến đầu” chống dịch
Cũng vinh danh giới nhân viên y tế Pháp, nhật báo La Croix nêu bật sự kiện đây là những người đang đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến chống Covid-19.
Ngay trang bìa, La Croix, chỉ chạy tít đơn giản “Trên tuyến đầu” bên trên ảnh chân dung một khuôn mặt nữ đeo khẩu trang, đầu trùm một cái mũ y tế mầu xanh, hai bàn tay đeo găng xanh đang đưa lên chỉnh một cặp kính bảo hộ màu trắng.
Nhật báo Công Giáo Pháp đã dành diễn đàn của mình cho những người trong ngành y tế Pháp, hiện đang huy động toàn lực để đối phó với dịch Covid-19.
La Croix cũng không quên nhắc lại rằng tình trạng khan hiếm khẩu trang tại Pháp đang làm cho giới bác sĩ và y tá lo ngại.
Les Echos: Nguy cơ kinh tế bị tê liệt vì Covid-19
Tờ báo kinh tế Pháp ghi nhận là tổng thống Pháp Macron đã hô hào động viên cả nước nỗ lực duy trì các hoạt động. Les Echos đặc biệt chú ý đến những mối lo ngại của bộ Kinh Tế Pháp trước ba dấu hiệu: Khó khăn và căng thẳng nẩy sinh trong ngành xây dựng và đóng gói, sự tụt giảm của mức tiêu thụ điện và sự sụp đổ của lãnh vực việc làm theo thời vụ.
Les Echos cũng ghi nhận một trong những cách đối phó: Đó là sẽ quy định một khoản tiền thưởng cho những ai chịu đi làm trong mùa dịch.
Nguy cơ kinh tế Pháp bị tê liệt còn gia tăng trong bối cảnh lệnh hạn chế đi lại và tụ tập để ngăn dịch sẽ được kéo dài.

Tin tổng hợp
(The Washington Times) –  Trung Quốc đe dọa dùng sóng điện từ tấn công tàu Mỹ tại Biển Đông. 
Hôm 17/03/2020, Hoàn Cầu Thời Báo – một tờ báo trực thuộc đảng Cộng Sản Trung Quốc – dẫn lời một chuyên gia quân sự nước này, cho biết quân đội Trung Quốc có thể dùng vũ khí laser và sóng điện từ không gây sát thương, để đẩy tàu Mỹ ra khỏi Biển Đông. Thông tin được báo Trung Quốc đưa ra cùng ngày với thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ về việc một nhóm tàu chiến Mỹ, bao gồm tàu tấn công đổ bộ tái chiếm đảo,do hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt chỉ huy, đang tập trận tại Biển Đông.
(Yonhap) – Virus corona : Hàn Quốc áp đặt biện pháp cách ly đặc biệt đối với những người đến từ nước ngoài. 
Hàn Quốc bắt đầu áp đặt các biện pháp đặc biệt này từ 19/03/2020, đối với người Hàn Quốc hồi hương cũng như người nước ngoài. Họ phải đo thân nhiệt ở các sân bay, hay hải cảng lúc đến, phải cho biết địa chỉ nơi ở, số điện thoại để liên lạc. Ngoài ra những người mới đến được yêu cầu tự nguyện cách ly trong 2 tuần để bảo đảm an toàn, và tải một ứng dụng tự kiểm tra tình trạng sức khỏe và cho biết trên mạng.
(AFP) – Tổng thống Mỹ hủy bỏ thượng đỉnh G7 dự kiến tại Camp David. 
Phát ngôn viên Nhà Trắng hôm qua 19/03/2020, thông báo việc tổng thống Trump hủy bỏ hội nghị dự trù diễn ra vào tháng Sáu tới là do virus corona lây lan. Thay vào đó, cuộc họp sẽ diễn ra dưới hình thức video. Nhà Trắng nói rõ thêm là có sự « phối hợp chặt chẽ » giữa 7 quốc gia, và sẽ có các cuộc họp khác qua video vào tháng 04-05.
(AFP) – Đến lượt nhiều nước Nam Mỹ đưa ra nhiều biện pháp mạnh chống virus corona. 
Ngày 19/03/2020, Achentina ban hành lệnh phong tỏa khoảng 44 triệu dân từ ngày 20 đến 31/03. Achentina có 128 ca nhiễm và 3 người chết vì virus corona. Trong khi đó, theo thông báo ngày 19/03 của chính quyền Brazil, tất cả các bãi biển và nhà hàng ở bang Rio de Janeiro sẽ bị đóng cửa trong vòng hai tuần, kể từ thứ Bẩy 21/03. Brazil còn mạnh tay hơn khi cấm công dân châu Âu, Úc và nhiều nước châu Á nhập cảnh kể từ thứ Hai 23/03 cho đến khi có lệnh mới.
(AFP) – Covid-19 : Thánh đường Sacré-Cœur trên đồi Montmartre, Paris đóng cửa. 
Trong lúc các nhà thờ tại Pháp vẫn được mở cửa mặc dù chính phủ lệnh cho người dân ở yên trong nhà, ban quản lý thánh đường Sacré-Cœur trên đồi Montmartre ngày 19/03/2020 thông báo đóng cửa. Lý do : Đây là một trong những di tích thu hút đông khách tham quan nhất của thành phố Paris. Từ ngày công trình được hoàn tất năm 1914, đây là lần đầu tiên Sacré-Cœur tạm ngưng đón công chúng.
(AFP) – Covid-19 : Chính phủ Pháp điều tàu chở trực thăng đến cảng Ajaccio,
để giải tỏa áp lực về y tế cho đảo Corse. Trong hai ngày cuối tuần, tàu chở trực thăng Tonner sẽ đảm nhiệm công tác đưa ít nhất 12 bệnh nhân trên đảo Corse về đất liền để điều trị. Tính đến trưa hôm qua (19/03/2020) trên đảo có 164 ca nhiễm virus corona, 7 người thiệt mạng. Đảo Corse có 340.000 dân cư, 25 % trong số này ngoài 60 tuổi. Ngay trên tàu Tonner có một bệnh viện quân y với 2 phòng mổ, 69 giường bệnh.
(AFP) –  Covid-19: Hàng không thế giới cần được trợ giúp 200 tỉ đô la. 
Khủng hoảng hiện nay có thể tồi tệ hơn và kéo dài hơn với hàng không thế giới, thậm chí nghiêm trọng hơn cả khủng hoảng tài chính 2008, dịch SARS hay vụ khủng bố 11 tháng 9/2001. Hôm qua, 19/03, Hiệp Hội Hàng Không Quốc Tế (IATA) cho biết các công ty hàng không cần được trợ giúp khẩn cấp, với tổng số tiền có thể lên đến 200 tỉ đô la, để bù vào các khoản thu bị thiếu hụt. Ngay từ đầu tháng 3, IATA đã ước tính thiệt hại do Covid-19 là 113 tỉ đô la. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, tình hình ngày một trầm trọng hơn. Các khoản trợ giúp này có thể được thực hiện dưới hình thức các quốc gia trực tiếp hỗ trợ tài chính cho các công ty nước mình.
(France 24) – WHO kêu gọi châu Phi nam sa mạc Sahara chuẩn bị đối phó với tình trạng tồi tệ nhất, sau trường hợp tử vong đầu tiên.
Đêm thứ Ba qua ngày thứ Tư 18/03, một nữ nghị sĩ của Burkina Faso, 62 tuổi, có tiền sử bệnh tiểu đường, qua đời vì Covid-19. Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) hôm qua, 19/03/3020, kêu gọi các quốc gia nam sa mạc Sahara cảnh giác, sẵn sàng trước đại dịch. Tại Burkina Faso, trên mạng xã hội, nhiều người phản đối các biện pháp của chính quyền trước đó, như đóng cửa trường học, hạn chế các cuộc tập hợp đông người. Cho đến nay, theo các số liệu chính thức, châu Phi còn rất ít bị dịch Covid-19 ảnh hưởng, tuy nhiên, số người nhiễm đang tăng lên nhanh chóng. Toàn châu Phi có khoảng 600 ca nhiễm, tính đến thứ Tư 18/03, trong đó có 16 người chết, chủ yếu là tại các nước Bắc Phi. Ai Cập bị nặng nhất, với 200 ca nhiễm, 6 người chết.
(AFP) – Vắng khách vì dịch Covid-19, một vườn thú ở Ý kêu cứu. 
Chủ sở hữu vườn thú Safari Park Pombia, ở tỉnh Novara, miền bắc Ý, cho biết sẽ không thể nuôi được 600 con thú nếu tình trạng phong tỏa kéo dài và không có khách tham quan. Trước lời kêu gọi của chủ vườn thú, nhiều gia đình đã mua trước vé tham quan khi vườn thú mở cửa trở lại. Một số người khác gửi lương thực và trang thiết bị, thậm chí cả xăng dầu. Hiện tại, những con vật này vẫn sống tốt.
(AFP) – Iran đóng cửa trung tâm thương mại và chợ vì virus corona. 
Tình hình dịch ngày càng thêm nghiêm trọng ở Iran, với 18.407 ca nhiễm và 1.284 người chết tính đến hết ngày 19/03/2020. Cho dù chính phủ khuyến cáo tránh tụ tập đông người, dân Iran vẫn tấp nập đi chợ để chuẩn bị cho Năm mới Iran, ngày 20/03. Vì vậy, chính quyền đã ra lệnh đóng cửa các khu chợ và trung tâm thương mại. Tuy nhiên, chưa một biện pháp phong tỏa nào được áp dụng trong dịp Năm mới, thời điểm các gia đình đoàn tụ và đến thăm nhau.

Điểm tin thế giới sáng 20/3:

Số người chết vì virus Vũ Hán ở Ý vượt Trung Quốc

Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Sáu (20/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Số người chết vì virus Vũ Hán ở Ý vượt Trung Quốc
Theo thống kê của Worldometers, số lượng người tử vong vì virus Vũ Hán ở Ý đã vượt qua Trung Quốc, mặc dù số người nhiễm ở quốc gia châu Âu chỉ bằng khoảng một nửa so với quốc gia Đông Á.
Cụ thể, số ca tử vong vì COVID-19 của Ý tăng lên 427 người vào thứ Năm (19/3) sau 24 giờ, nâng tổng số người tử vong vì virus Vũ Hán ở nước này lên 3.405, vượt quá con số tử vong 3.245 của Trung Quốc. Tuy nhiên, số người nhiễm bệnh ở Ý vẫn còn thấp hơn Trung Quốc, với 41.035 người nhiễm bệnh, trong khi con số này ở Trung Quốc là 80.928.
Tính theo tỷ lệ số người chết trên số người nhiễm, hoặc số người chết, số người nhiễm trên tổng số dân thì Ý với 60 triệu dân đang là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về những chỉ số này.
Mỹ tìm cách trị virus Vũ Hán bằng những thuốc đã có
Hôm thứ Năm (19/3), Tổng thống Trump đã đề cập tới các phương pháp điều trị có thể phát huy tác dụng đối với virus Vũ Hán, trong đó nói tới tiềm năng của một loại thuốc được sử dụng từ lâu để điều trị bệnh sốt rét và một số phương pháp khác vẫn đang được thử nghiệm, theo AP.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông Trump và Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, Stephen Hahn, đã nói tới thuốc trị sốt rét chloroquine, cùng với thuốc trị virus remdesivir, có thể phát huy tác dụng trong điều trị bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán.
Cùng ngày, nhà sản xuất thuốc Roche của Thụy Sĩ cho biết họ đang hợp tác với chính phủ Hoa Kỳ để bắt đầu một nghiên cứu về Actemra, một loại thuốc được sử dụng cho bệnh viêm khớp dạng thấp và một số bệnh lý khác, có tiềm năng dùng cho điều trị virus Vũ Hán.
EU mở tiếp hội nghị video bàn về tác động của virus Vũ Hán
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức thêm một hội nghị video vào ngày 26/3 để thảo luận về tác động của virus Vũ Hán, một quan chức hàng đầu của EU cho biết vào thứ Năm (19/3). Đây sẽ là hội nghị video lần thứ ba của EU, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại châu Âu.
Cùng ngày, Nghị viện châu Âu cho biết họ chuẩn bị phê chuẩn các biện pháp đặc biệt nhằm làm dịu cú sốc kinh tế do virus Vũ Hán gây ra, trong đó có kế hoạch chi 37 tỷ euro (39,48 tỷ USD) tiền của EU cho các chính phủ thành viên.
Hiện EU đã ban bố lệnh phong tỏa đối với tất cả các thành viên trong khối, 250 triệu dân của khối nay đang bị hạn chế di chuyển để tránh tạo điều kiện cho virus Vũ Hán lây lan. Ngoài Ý, nhiều thành viên khác của EU đang có số người nhiễm bệnh và tử vong vì virus Vũ Hán trong nhóm đầu của thế giới như Tây Ban Nha (18.077 người nhiễm, 831 người chết), Pháp (10.995 người nhiễm, 372 người chết), Đức (15.320 người nhiễm, 44 người chết), Hà Lan (2.460 người nhiễm, 76 người chết).
Mali: 29 binh sĩ thiệt mạng sau khi bị tấn công
Các tay súng Hồi giáo cực đoan bị nghi ngờ là lực lượng đã giết chết 29 binh sĩ Mali vào thứ Năm (19/3) trong một cuộc tấn công vào một căn cứ quân sự ở quốc gia từng là thuộc địa của Pháp, nằm ở phía tây châu Phi, theo Reuters.
Hiện vẫn chưa có lực lượng nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công xảy ra tại thị trấn Tarkint, nằm cách 125 km về phía bắc của Gao, một trong những thành phố lớn của Mali.
Quân đội Mali đã nhiều lần chịu tổn thất nặng nề từ các cuộc tấn công của những tay súng có liên hệ với nhóm phiến quân al Queda và IS.
Tổng thống Trump hủy cuộc họp trực tiếp với G7 vào tháng 6
Tổng thống Donald Trump sẽ hủy cuộc gặp trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo G7 tại trại David vào tháng 6 vì lo ngại ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thay vào đó sẽ tổ chức một hội nghị video, Nhà Trắng cho biết thông tin hôm thứ Năm (19/3), theo Reuters.
Quyết định này được ông Trump đưa ra sau khi nhiều nước trên thế giới tuyên bố đóng cửa biên giới và hạn chế người dân di chuyển để ngăn chặn sự lây lan của virus Vũ Hán.
Tổng thống Trump đã tổ chức một cuộc họp video với các nhà lãnh đạo G7 vào đầu tuần này, và dự định tổ chức các cuộc họp video tương tự vào tháng Tư, tháng Năm và tháng Sáu.

Điểm tin thế giới chiều 20/3:

Chuyên gia cảnh báo Trung Quốc

còn quá sớm để ăn mừng

Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Sáu (20/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Chuyên gia cảnh báo Trung Quốc còn quá sớm để ăn mừng
Trang tin VOA ngày 20/3 dẫn lời chuyên gia y tế công cộng cảnh báo chính quyền Trung Quốc chớ nên vội vã ăn mừng bởi vì nguy cơ một đợt bùng phát dịch bệnh thứ nhì có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm 18/3 cho biết tất cả 34 ca lây nhiễm mới được báo cáo ngày hôm trước đều là những ca lây nhiễm từ bên ngoài. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Hồ Bắc, nơi xuất hiện ca nhiễm virus Vũ Hán đầu tiên không ghi nhận ca lây nhiễm mới nào dù là từ trong nước hay từ nước ngoài. Tuy vậy, các nhà dịch tễ học nói không có lý do gì để chính quyền Trung Quốc tuyên bố chiến thắng tại thời điểm này.
“Tôi nghĩ hãy còn quá sớm để ăn mừng, có khả năng đợt bột phát thứ hai đã bắt đầu ở Trung Quốc”, Giáo sư dịch tễ học Ben Cowling thuộc Đại học Y tế Công thuộc Đại học Hồng Kông cảnh báo.
Lãnh đạo Tối cao Iran ca ngợi người dân hy sinh trong cuộc chiến chống virus
Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, trong một bài phát biểu trên truyền hình ngày năm mới Ba Tư (Persian New Year) vào ngày 20/3, đã ca ngợi những người Iran hy sinh trong cuộc chiến chống dịch viêm phổi Vũ Hán.
“Những hành động hy sinh [đáng ca ngợi] của các cơ quan y tế, y bác sĩ, trợ lý, quản lý và nhân viên làm việc trong các bệnh viện”, ông Khamenei nói, trông ông vẫn khỏe mạnh mặc dù có tin đồn rằng ông đã nhiễm virus Vũ Hán.
Các quan chức thân cận với ông Khamenei, được Reuters liên hệ, đã bác bỏ những lời đồn.
Mỹ có thể điều hàng chục ngàn Vệ binh Quốc gia giúp dân chống virus Vũ Hán
Hàng chục ngàn lính Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ có thể được điều động để giúp các tiểu bang đối phó với virus Vũ Hán đang lây lan nhanh chóng, trang VOA dẫn lời người đứng đầu lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ cho biết vào ngày 19/3.
Tướng Joseph Lengyel cho biết tổng cộng có 2 ngàn lính đã được điều động và từ đây tới cuối tuần có thể tăng gấp đôi. Vệ binh Quốc gia đã được gọi đi phục vụ tại 27/50 tiểu bang của Mỹ để hỗ trợ dọn dẹp khử trùng các nơi công cộng và phân phối thực phẩm tới nhà dân trong mùa dịch virus corona.
Kremlin nói Tổng thống Putin không cần xét nghiệm virus Vũ Hán
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không xét nghiệm chủng mới virus corona, và không cần phải trải qua xét nghiệm bởi vì ông khỏe mạnh và không có triệu chứng, Kremlin nói hôm thứ Sáu (20/3).
Theo Reuters, cho tới nay, Nga đã báo cáo 199 ca nhiễm virus Vũ Hán, ít hơn so với nhiều nước châu Âu khác. Nhưng con số này đã tăng mạnh trong những ngày gần đây và một người được chẩn đoán nhiễm virus đã tử vong.
Malaysia huy động quân đội thực thi các biện pháp nhằm khống chế virus Vũ Hán
Malaysia sẽ huy động quân đội hỗ trợ việc thực thi các biện pháp nhằm khống chế sự lây lan của virus corona, chính phủ cho biết hôm thứ Sáu, khi nước này đang vật lộn với số lượng ca nhiễm cao nhất ở Đông Nam Á.
Malaysia hôm nay đã báo cáo 130 ca lây nhiễm mới, nâng tổng số lên 1.030, chiếm gần 40% ca nhiễm ở Đông Nam Á.
Kể từ hôm 18/3, Malaysia đã đóng cửa biên giới, trường học và các doanh nghiệp không thiết yếu trong hai tuần và người dân được lệnh hạn chế ra ngoài.

Powered by Blogger.