Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Kỷ niệm chiến thắng Đống Đa Mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789

Thursday, February 18, 2021 // ,

Đào Tăng Dực

17-2-2021

Ảnh: FB tác giả

Tôi lại được vinh hạnh tham dự một Đại Lễ của dân tộc.

Ngày thứ Ba 16 tháng 2 Năm 2021, Tập Hợp Đồng Tâm, trong phạm vi giới hạn của mùa Đại Dịch Vũ Hán, như mỗi năm tại Nhà Thờ Đức Quốc Tổ, 187 The Horsley Drive, Fairfield East NSW 2165, đã long trọng và trang nghiêm tổ chức Lễ Tưởng Niệm Chiến Thắng Đống Đa của Đại Việt, dưới sự lãnh đạo của Bắc Bình Vương Quang Trung Nguyễn Huệ, nghiền nát tham vọng bá quyền của Giặc Tàu phương Bắc.

Trong khi đó, Đại Hội 13 của đảng CSVN lại hèn nhất tiếp tục lưu nhiệm TBT Nguyễn Phú Trong, một gương mặt già nua và bị các bình luận gia thế giới và nhân dân Việt Nam nhận diện là tay sai của Tập Cận Bình, với lời bình luận bất hủ: “Trà Tàu Ngon hơn trà Việt Nam”.

TBT Nguyễn Phú Trọng cũng chứng tỏ rất hèn với câu tuyên bố năm 2015 về sự trốn chạy Tàu Cộng tại Biển Đông “Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?…”

Nguyễn Phú Trọng minh thị chủ trương thà mất nước còn hơn mất đảng.

Chính vì thế khi Đại Hội 13 quyết định lưu giữ nhân vật này trong chức vụ TBT, thì toàn đảng đã rơi mặt nạ là một tập thể bán nước.

Lễ tưởng niệm chiến thắng Đống Đa chỉ vài ngày sau Đại Hội 13 ngoài tác động vinh danh thế hệ Tây Sơn quyết tử cho dân tộc sinh tồn trước dã tâm của Giặc Phương Bắc và tưởng nhớ công đức của Bắc Bình Vương Quang Trung Nguyễn Huệ, còn vạch trần âm mưu bán nước của TBT Nguyễn Phú Trọng và bè lũ trong đảng CSVN.

Xin đính kèm một số hình ảnh, bài khấn nguyện do Ông Trần Hữu Triêm tuyên đọc và Tóm lược công đức của Quang Trung Đại Đế do Ông Lê Thanh Long tuyên đọc.

Việt Nam Văn Hiến

Năm thứ 4900

Hôm nay ngày 16 tháng 2, năm 2021,

Nhằm mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu,

Ngày kỷ niệm chiến thắng Đống Đa

và tưởng nhớ công đức của Quang Trung Hoàng Đế

và thế hệ Tây Sơn anh dũng.

Trước bàn thờ Quốc Tổ, được thiết lập tại số 187

The Horsley Drive, thành phố Fairfield, tiểu bang NSW, Úc đại lợi,

Tất cả chúng con, lòng thành lễ bạc,

Cung kính tiến dâng, đồng tâm kính thỉnh:

Kính lạy Nhị Vị Tộc Tổ,

Kính lạy Liệt Vị Quốc Tổ của 18 đời Hùng Vương,

Kính lạy Quang Trung Hoàng Đế và thế hệ Tây Sơn,

Kính lạy Anh hùng, Liệt nữ và Hồn thiêng sông núi của Tổ quốc Việt nam.

Nhớ khi xưa:

Khi vận nước, đang hồi bỉ cực,

Lúc non sông, chìm cảnh điêu linh.

Phía Bắc:

Lê Triều hấp hối, sinh Chiêu Thống,

Muối mặt cầu Thanh, nhục để đời.

Phương Nam:

Chúa Nguyễn thừa cơ xin Pháp viện,

Rước cả quân Xiêm vào đất Phù sa.

Cũng may thay!

Lẽ tuần hoàn, trời đất chẳng ngừng xoay,

Trên dãy đất, địa linh sinh nhân kiệt.

Đất Tây Sơn sinh người áo vải,

Tuốt gươm thiêng, thề sống chết với non sông.

Quyết giử Nước, không vào tay giặc dữ,

Quyết giử Dân, khỏi mang ách nô vong,

Quyết giử Văn, còn Văn Hiến tinh tuyền,

Quyết giử Đạo, nòi Tiên Long Nhân chủ.

Theo tiếng gọi, dưới ngọn cờ tụ nghĩa,

Mười vạn quân, trăm chiến tượng sẳn sàng,

Thần tốc tiến binh, vượt núi băng ngàn,

Hẹn tuần sau, mừng Tết ở Thăng Long.

Dẫu thế giặc, có binh hùng tướng mạnh,

Thì Nam quân, nhờ dạ sáng chí bền.

Gián Thủy, Nguyệt Quyết, Hà Hồi thi nhau đổ,

Ngọc Hồi, Nhật Tảo, Khương Thượng tiếp nhau rơi.

Nghi Đống liệu khó bề sống sót,

Đành nuốt hờn treo cổ tại Đống Đa.

Sĩ Nghị biết đã cùng đường mạc lộ,

Ống đồng chui, ấn tín chẳng kịp mang.

Ôi, hai mươi chín vạn hùng binh,

Vẫn tưởng Nam bang, sẽ nuốt nhục qui hàng,

Trong phút chốc, thành đám tàn quân tan tác.

Ngoài biên ải, mùi sát khí vẫn còn vương trong gió,

Trong xóm thôn, tiếng hoan ca đã cuồn cuộn dâng cao.

Thăng Long ơi, Thêm một lần bay bổng,

Vì chí lớn dọc ngang, Vì nghiệp lớn huy hoàng,

Vì ngàn thu còn mãi, Vì có người áo vải đất Quy Nhơn.

Biên cương hề tạnh lửa, Xã tắc hề hoan ca.

Nhưng than ôi!

Kể từ lúc Rồng Thiêng khuất bóng,

Đã hơn tám vạn lần,

Ánh dương ngùn ngụt lửa ở phương Đông,

tắt ở phương Đoài,

Bóng nguyệt tỏ cây rừng đất Bắc,

sáng soi đồng lúa Cửu Long.

Giờ còn lại ai, còn lại ai vững lái trước cuồng phong?

Đau đớn thay!

Đã chín mươi năm dâu bể,

Đất nước thêm một lần đại nạn,

Khi giặc Đỏ về làm tan nát cả giang sơn.

Kìa Chiêu Thống thời nay,

Thay nhau ngồi sừng sửng ở Ba Đình,

Không cạo đầu, chẳng để tóc đuôi sam,

Mang họ Việt, nhưng toàn phường bán nước,

Gian tà thâm độc, như lũ giặc ngoại xâm.

Họa Bắc thuộc, rỏ ngàn cân treo sợi tóc.

Nay xin nguyện:

Trước anh linh đức Quang Trung Hoàng Đế,

Ghi ngày giỗ trận, nhớ Bắc Bình Vương,

Xin phù hộ, độ trì,

Cho chân cứng đá mềm, được bền tâm vững chí,

Ðồng Tâm thề quyết noi gương, cùng cất cao lời huấn dụ:

‘Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng,

Đánh cho nó chích luân bất phản,

Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn,

Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ.’

Cho nước Nam, hoa thắm lá xanh rờn,

Cho người người rộn rã tiếng yêu thương.

Nay quyết thề, không hổ thẹn với người xưa,

Vì một trận Ðống Ða,

Còn nghìn thu oanh liệt,

Vì trước sau, lòng như vàng đá,

Vàng chẳng hề phai, đá chẳng sờn.

Lòng thành khấn nguyện, cúi xin chứng giám.

Trước nhất, chúng tôi xin lượt đọc công đức của vua Quang Trung và thế hệ Tây Sơn

Đức Nguyễn Huệ sinh năm Quý Dậu (1753) tại huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), là con của ông Nguyễn Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng.

Ngài có người anh tên Nguyễn Nhạc và người em là Nguyễn Lữ. Tương truyền, 3 anh em đều theo học cả văn lẫn võ với thầy Trương Văn Hiến. Về binh pháp thì Ngài vượt trội hơn, được xem là thiên tài về quân sự, chưa bao giờ bại trận trong suốt 20 năm chinh chiến.

Thời gian đầu, giúp anh là Nguyễn Nhạc, Ngài đánh vào Gia Định 4 lần, khiến Nguyễn Ánh phải mấy phen trốn chạy.

– Năm 1784, Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm, Ngài cho phục binh tại Xoài Mút, tiêu diệt 2 vạn quân Xiêm và đánh chìm 300 chiến thuyền.

– Năm 1786, Ngài tiến quân ra Bắc, thắng nhiều trận liên tiếp ở Thuận Hóa, Quảng Trị, Quảng Bình. Sau đó, giương cao ngọn cờ “Phù Lê diệt Trịnh”, chiếm Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn Nam và đến ngày 21/7/1786, đại quân của Ngài tiến vào Thăng Long.

– Ngày 31/7/1786, Ngài và các tướng sĩ Tây Sơn cùng các quan văn, quan võ Bắc Hà vào triều, chúc mừng vua Lê Hiển Tông và Ngài được sắc phong làm “Nguyên soái Phù dực chính vũ Uy quốc công” và được vua gả công chúa Ngọc Hân. Sau đó, Nguyễn Nhạc ra lệnh cho Ngài rút quân về Nam, đóng tại Thuận Hóa, được phong chức Bắc Bình Vương.

Vua Lê Chiêu Thống nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh đánh dẹp tay chân của họ Trịnh, nhưng sau đó thì Nguyễn Hữu Chỉnh cậy công chuyên quyền. Từ Huế, Ngài sai Vũ Văn Nhậm, mang quân ra diệt trừ Nguyễn Hữu Chỉnh. Khi thấy Nhậm có ý làm phản, Ngài kéo quân ra Bắc giết luôn Vũ Văn Nhậm và giao cho Ngô Văn Sở trấn thủ Thăng Long và đất Bắc.

Lê Chiêu Thống hoảng sợ chạy sang Tàu cầu cứu, rước 20 chục vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu lấy danh nghĩa phù Lê, nhưng thật ra là mưu toan thôn tính nước Việt. Trước khí thế đông đảo của quân Thanh, Đại tư mã Ngô Văn Sở nghe theo lời khuyên của quân sư Ngô Thời Nhiệm, rút quân Tây Sơn về núi Tam Điệp để lập phòng tuyến.

Bắc Bình Vương lập đàn tế trời tại Bân Sơn, lên ngôi lấy hiệu là Quang Trung hoàng đế. Ngài tuyên bố: “Chỉ trong vòng 10 ngày sẽ quét sạch quân xâm lược và sẽ cùng quân sĩ ăn Tết trong thành Thăng Long vào mùng 7 tháng Giêng”, sau đó Ngài mang quân tiến ra Bắc.

Ngài và đại quân đánh trận Ngọc Hồi giết Hứa Thế Hanh.

Còn Đô đốc Long thống lãnh một vạn quân (phần lớn là kỵ binh và tượng binh) bí mật theo con đường núi, tấn công vào Đống Đa để mở con đường tiến quân vào Thăng Long.

Đang đêm tối, bỗng dưng thấy rực sáng vì doanh trại bị đốt, tiếng súng nổ khắp nơi, tiếng reo hò vang dội cùng với đàn voi xuất hiện phá trại, quân của Sầm Nghi Đống kinh hoàng bỏ chạy.

Chỉ trong buổi sáng mùng 5 Tết, tất cả doanh trại giặc ở Đống Đa bị san bằng, 10 vạn quân Thanh tan vỡ. Sầm Nghi Đống tự tử và Tôn Sĩ Nghị dẫn 5 ngàn tàn quân trốn chạy về nước.

Chiến thắng này khiến vua Càn Long chấm dứt ý đồ xâm lăng nước Việt. Trong thời gian yên ổn, vua Quang Trung huấn luyện quân sĩ để chuẩn bị đánh chiếm lại Lưỡng Quảng và những vùng đất bị xâm chiếm. Nhưng tâm nguyện chưa thành thì Ngài băng hà vào đêm 29 tháng 7 nǎm Nhâm Tý (1792), hưởng dương 40 tuổi.

***

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt đã tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, từng đánh bại nhiều kẻ thù phương Bắc, nhưng chưa có lần nào phải đương đầu với hàng chục vạn quân mà lại thắng trận liệt oanh trong một thời gian ngắn.

Chiến thắng này là một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm, mãi đến hôm nay vẫn là niềm tự hào của con dân nước Việt. Chiến thắng Đống Đa của vua Quang Trung và thế hệ Tây Sơn anh dũng là chính nét son về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc.

Thế nhưng, 200 năm sau Tập đoàn lãnh đạo CSVN lại theo gót Lê Chiêu Thống thần phục Tàu Cộng để tiếp tục nắm quyền cai trị đất nước. Từ đó, một dân tộc có nhiều thành tích hào hùng trong công cuộc đuổi Hán, diệt Mông, phá Tống, bình Chiêm, dẹp Minh, thắng Thanh… bắt đầu lụn bại dần dưới sự lãnh đạo của một nhóm người ươn hèn, khiến mảnh giang sơn mà các bậc tiền nhân đã đổ xương máu gìn giữ suốt gần 5000 năm sắp lọt vào tay Tàu Cộng khiến cho nhiều con dân nước Việt cảm thấy ngậm ngùi và tủi nhục.

Nhiều người còn quan tâm đến tiền đồ của đất nước đã không ngại hiểm nguy vùng lên tranh đấu giải thể chế độ cộng sản và kêu gọi chống giặc ngoại xâm đã bị bạo quyền cộng sản cầm tù, thậm chí còn bị giết chết.

Trước nguy cơ Việt Nam bị xóa tên trên bản đồ thế giới, con dân Việt trong và ngoài nước không còn cách nào khác hơn là vùng lên giải trừ chế độ cộng sản, đồng tâm hiệp lực chống lại hiểm họa Bắc thuộc mới để đất nước Việt Nam được trường tồn.

Kỷ niệm chiến thắng Đống Đa Mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789 | Tiếng Dân (baotiengdan.com) 

Chỉ trong 14 năm, Bắc Kinh đã ba lần xâm lược nước ta – Ba mùa xuân đau thương, mất mát

 Cù Mai Công

17-2-2021

Không được sợ Trung Quốc!” (Cố Tổng bí thư Lê Duẩn).

Sáng 17-2-1979, 21 tháng Giêng năm Kỷ Mùi, Trung Quốc đưa 600.000 quân và 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối mở cuộc tấn công xâm lược nước ta dọc theo biên giới phía Bắc – từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu) hơn ngàn cây số.

Dựa vào số quân đông nhất trong tất cả lịch sử các cuộc xâm lược Việt Nam từ xưa tới nay, quân xâm lược Trung Quốc đã cùng lúc tấn công trên nhiều hướng, với 3 mũi trọng điểm: Cao Bằng, Lào Cai và Lạng Sơn.

Các hướng đều tập trung lực lượng rất lớn, kết hợp bộ binh, pháo binh với xe tăng, tiến công ồ ạt theo chiến thuật “biển người”.

Họ muốn mau chóng đánh phủ đầu, phá vỡ các trận địa phòng thủ, đập tan kháng cự của quân ta, đánh chiếm nhanh trong một, hai ngày các mục tiêu, đặc biệt các thị xã Cao Bằng, Lào Cai và Lạng Sơn.

Đối mặt với 600.000 quân Trung Quốc xâm lược lúc ấy, ta có 130.000 quân – gần 2/3 là dân quân. Nhưng dù chỉ bằng 1/4 quân số địch, chúng ta đã phản kháng quyết liệt, chặn đứng ý đồ “đánh nhanh thắng nhanh” của quân xâm lược phương Bắc.

Các đội quân tinh nhuệ của ta từ chiến trường Campuchia cũng được không vận, xa vận, hải vận liên tục về Hà Nội; chuẩn bị tiến lên biên giới phía Bắc và lập tuyến bảo vệ Thủ đô. Nhất là khi Trung Quốc tuyên bố đã chiếm được Cao Bằng, Lào Cai.

Sáng 5-3, Trung Quốc tuyên bố đã chiếm thêm được Lạng Sơn, “mở toang cánh cổng tiến về Hà Nội”. Họ tuyên bố vậy, nhưng cũng nắm được tin lệnh tổng động viên + một số sư đoàn của ta ở các nơi, nhất là Campuchia đã tập trung đủ ở Hà Nội chuẩn bị tiến lên biên giới quyết liệt phản công nên ngay lập tức tuyên bố rút quân.

Cũng sáng 5-3, chương trình phát thanh 90 phút thường ngày của Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt: “Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. (…). Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc”.

Cuộc chiến này chúng ta thắng, nhưng cũng bao nhiêu mất mát: hàng vạn người Việt, quân cũng như dân đã ngã xuống. Ngay giữa mùa xuân.

* Trước đó 5 năm, ngày 19-1-1974, 27 tháng Chạp năm Quý Sửu, chỉ còn vài ngày nữa là Tết, Bắc Kinh đã xâm lược, cưỡng chiếm Hoàng Sa của chúng ta. 75 người lính Việt đã hy sinh, xác thân vùi trong biển quê hương.

* Sau đó 9 năm, 14-3-1988, 27 tháng Giêng năm Mậu Thìn, họ lại chiếm một số đảo, bãi đá của chúng ta cho tới giờ. 64 lính Việt đã ngã xuống, máu hòa vào biển Tổ quốc.

ĐÃ LÀ NGƯỜI VIỆT, DÙ KHÁC CHIẾN TUYẾN, KHÔNG AI MƠ HỒ VỚI CÁI GỌI LÀ “HỮU NGHỊ VIỂN VÔNG” CỦA CÁC THẾ LỰC CẦM QUYỀN TRUNG HOA

Trước 1975, ở miền Bắc, Tổng bí thư Lê Duẩn nổi tiếng là một người có thái độ cứng rắn, quyết liệt theo hướng không chấp nhận lệ thuộc giới lãnh đạo Bắc Kinh. Ông khẳng định: “Chúng ta ở bên cạnh một đất nước mà lịch sử của nước đó chưa bao giờ từ bỏ dã tâm xâm lược đất nước ta”.

Ngay lịch sử VN ở thế kỷ 20 đã chứng minh nhiều lần cái dã tâm ấy: “Hoa quân nhập Việt” 1945, Hoàng Sa 1974, Chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc 1979, Trường Sa 1988… Và gần đây là hàng loạt hành vi xâm lấn Biển Đông. Người láng giềng “4 tốt, 16 chữ vàng” ấy càng lúc càng trơ trẽn – đến mức thô bỉ khi nói “VN không có quyền” nói đến Hoàng Sa, Trường Sa. Dã tâm của họ ngày càng lộ liễu đến mức trắng trợn.

Ở miền Nam trước 1975, ngay từ thời Đệ nhất cộng hòa, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm cũng là một người có thái độ và hành động cứng rắn, quyết liệt với những thế lực Trung Hoa (từ Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông) không khác Tổng bí thư Lê Duẩn.

Hễ là người Việt Nam, dù khác chiến tuyến, thậm chí đối lập nhau về chính trị, có lẽ không ai mơ hồ với những âm mưu, thủ đoạn “tằm ăn lá” của các thế lực Trung Hoa. Tới giờ vẫn vậy, thậm chí con tằm này hôm nay ăn còn táo tợn, công khai hơn trước.

PHẢI CÓ TÂM THẾ, QUYẾT TÂM LẤY LẠI HOÀNG SA, TRƯỜNG SA NGAY TỪ ĐỜI NÀY CHỨ KHÔNG ĐẨY CHO ĐỜI CON CHÁU!

Không được sợ Trung Quốc!” (Cố TBT Lê Duẩn).

Hiện nay, sau nhiều tháng, nhiều năm kình địch, cục diện Mỹ – Trung đã lật bài ngửa với nhau.

Trước một loạt thái độ, hành xử phải nói là bất chấp của nhà cầm quyền Bắc Kinh ở khắp nơi, trên mọi mặt từ chính trị, kinh tế, quân sự đến Covid và sau bao nhiêu lần máy bay, tàu chiến Trung – Mỹ vờn nhau, đã đến lúc Mỹ không thể lịch sự, tế nhị với Bắc Kinh nổi.

Đúng là Mỹ chỉ nói tự do hàng hải ở Biển Đông. Nhưng đó là mâu thuẫn đối kháng với tham vọng – “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Mâu thuẫn đối kháng là mâu thuẫn một mất một còn. Có lợi cho ta, có lợi cho Hoàng Sa – Trường Sa của ta.

Ngay trong nước họ, chuyện Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông… cũng là mâu thuẫn đối kháng quyết liệt, chỉ chờ cơ hội bùng nổ. Đài Loan thì luôn luôn mật phục chờ cơ hội và chắc chắn không cam chịu cho Bắc Kinh thôn tính bằng vũ lực.

Bắc Kinh càng lúc càng lộ ra bộ mặt ghê tởm của mình; đang bị toàn bộ các nước xung quanh, nhiều nước lớn trên thế giới nhìn như một con quái vật.

Năm nay, họ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921-2021) nên càng hung hãn hơn. Mới đây, họ ra luật Hải cảnh, cho phép bắn tàu nước ngoài đi vào vùng lãnh hải mà họ tự tiện cho là của họ. Nhiều vùng biển thuộc về Việt Nam bị họ cưỡng chiếm lâu nay.

Chế độ Bắc Kinh độc tài, tàn bạo, dối trá, dơ bẩn và tham lam vô độ… bậc nhất trong lịch sử loài người tưởng chừng “trơ trơ như đá, vững như đồng” có thể sẽ sụp đổ rất nhanh khi có sự biến quốc tế + lòng dân trong nước họ, tất yếu sẽ đến. Vấn đề thuộc về thời gian.

Nên nhớ Trung Quốc không chỉ bị nhất diện mai phục mà thực tế đang bị thập diện mai phục, từ trong ra ngoài nước họ.

Dù cực kỳ khó khăn, muôn trùng khó khăn nhưng phải có tâm thế, quyết tâm lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa ngay từ đời này chứ không đẩy cho con cháu lấy.

Bao đời nay, có cuộc chiến chống xâm lược phương Bắc nào không cực kỳ khó khăn, muôn trùng khó khăn. Nhưng chúng ta đều đã chiến thắng.

Cục diện mới, cơ hội mới đang diễn ra rất nhanh, có lợi cho ta. Đã là người Việt phải có niềm tin này nếu thật sự muốn thu phục giang sơn, biển đảo của ta về một mối.

Cho những mùa xuân vẹn toàn lãnh thổ Việt Nam.

1 Comments 

Van Nguyen
Nhân nhân Việt Nam muôn người như một, đã quyết tâm không để cho TQ xâm lăng bờ cõi nước ta thêm một lần nữa, bằng bất cứ giá nào.
Nhưng, điều khó khăn và nguy hiểm nhất, đó là đảng csVN, đảng đang cầm quyền cai trị đất nước một cách tuyệt đối và toàn diện lại quyết một lòng nhận TQ là quan thầy, là người bạn trung kiên, chí cốt...?!
Do đó, muốn toàn dân trong và ngoài nước cùng chung tay, đồng lòng chống bọn giặc xâm lược TQ, chúng ta phải bằng mọi cách giải thể đảng csVN, lấy lại quyền cai trị đất nước, mở ra một cuộc tổng tuyển cử tự do, minh bạch, bầu ra một chính quyền vừa có tài, vừa đức độ để lãnh đạo toàn quân, toàn dân chống lại giặc Tầu, đòi lại biển đảo đã bị họ xâm chiếm.
Nếu còn để đảng csVN tiếp tục nắm quyền cai trị, sớm muộn gì VN cũng sẽ mất vào tay bọn bá quyền bành trướng TQ.

Ngày này 42 năm trước

 Nguyễn Thông

17-2-2021

Ngày này tức là ngày 17 tháng 2. Còn 42 năm trước, tức vào buổi chiều 17.2.1979. Khi ấy tôi dạy tại Trường dự bị đại học TP.HCM. Mới gần 2 tuổi nghề, hăng lắm, trường giao việc gì cũng nhận, thậm chí chưa giao cũng xung phong. Hồi ấy không biết, hoặc chưa có bài vè “Tiến lên ta quyết tiến lên/Tiến lên ta lại xông lên hàng đầu”, hăng bởi đang là đoàn viên.

Sáng 17.2.1979, cả trường vẫn hoạt động bình thường, thầy trò lên lớp, học hành theo lịch, chả có gì thay đổi. Chị Nguyễn Thị Huệ, giáo viên hóa, Bí thư Đoàn trường còn dặn tôi sáng mai nhớ bám chiếc xe Reo của ông Thi già tài xế xuống cơ sở 2 dưới Tiền Giang để bồi dưỡng lớp đối tượng đoàn. Thầy Nghiệp, thầy Chi, anh Dương dưới ấy đã chuẩn bị xong cả rồi, lên lớp 2 buổi trong ngày, tới chiều tối sẽ quá giang xe đưa rước giáo viên về lại Sài Gòn.

Suốt buổi sáng 17.2, không có thông tin gì. Trưa, nghe thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Năm thông báo họp đột xuất các trưởng bộ môn, trưởng phòng ban, bí thư đoàn, chủ tịch công đoàn. Hình như có chuyện chi ghê gớm lắm. Tan họp, ai cũng căng thẳng. Chú Dương Cao Thăng, Chủ tịch Công đoàn trường thông báo Trung Quốc nó đánh ta rồi. Có khi nó thốc xuống tận Hà Nội. Đánh từ sáng sớm nhưng hồi đó thông tin liên lạc kém nên tới trưa nghe đài Tiếng nói Việt Nam mới biết. Đài phát liên tục những thông tin mới nhất, nào là bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh trở mặt, nào là quân ta đang chiến đấu anh dũng cản bước tiến của quân thù, nào là sắp có lệnh tổng động viên trên cả nước, v.v..

Buổi chiều thầy hiệu trưởng cho cả trường nghỉ học. Ngày mai sẽ tổ chức mít tinh phản đối bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh. Chị Huệ bảo tôi thôi không phải xuống Tiền Giang nữa, hoãn lớp đối tượng đoàn, để lo việc trên này đã. Mấy anh em Bắc kỳ chúng tôi, các thầy Nguyễn Văn Vy, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Tài Hoạt, Lưu Văn Trường, Nguyễn Đức Tuấn, tôi, và các thầy người Nam mới được kết nạp đoàn như Nguyễn Cương, Lê Thành Thượng, Nguyễn Hữu Nghiệp, Chu Đức Khánh… sốt sắng lo công việc ngày mai. Ai cũng căng thẳng. Lại chiến tranh.

Tuần trước, tôi đi với thầy Thượng và nhiều sinh viên tới quân y viện 175 ở Gò Vấp thăm hỏi thương binh từ mặt trận Campuchia về, thấy nằm la liệt cả ngoài sân ngoài vườn, mỗi ngày đưa về cả trăm người cụt chân cụt tay, mù mắt…, thương lắm. Lại nhớ ông Lê Duẩn năm 1975 hớn hở bảo từ nay đất nước ta sạch bóng quân thù, hóa ra không phải vậy. Thầy Vy và tôi nhờ đám học sinh khệ nệ khiêng một tấm bảng gỗ rộng mấy mét vuông dựng ngay lối đi chính, kẻ phấn rõ to lên bảng hàng chữ “Tổ quốc lâm nguy, tuổi trẻ trường DBĐH sẵn sàng lên đường nhập ngũ”. Thầy Năm đi ngang qua, nhìn vậy có vẻ hài lòng lắm.

Chiều tối, thầy Trần Mộng Lang trong đảng ủy trường và chú Thăng thông báo tiếp rằng từ tối nay tăng cường trực ban, canh gác cẩn mật. Chú Thăng nói nhỏ trường ta nằm ngay địa bàn chính của người Hoa, phường 9 quận 5 là thủ phủ của người Hoa, mặc dù họ đã bỏ đi nhiều trong vụ nạn kiều năm ngoái (1978) nhưng vẫn phải cảnh giác. Tôi được phát một khẩu súng trường K44, 2 kẹp đạn, mỗi kẹp 10 viên, cứ hết ca trực khoác luôn về nhà. Khẩu súng này mãi tới năm 1988 tôi mới trả lại cho thầy Trần Minh Chưởng phụ trách đội tự vệ, từng có vài năm cứ đêm giao thừa lại đứng trên hành lang lầu 4, lôi súng ra chĩa lên giời làm 2 viên trong tiếng pháo nổ đì đùng. Không bắn được bọn bành trướng bá quyền thì làm pháo nổ giao thừa vậy.

Sáng 18.2, nhà trường mít tinh, đăng ký tình nguyện sẵn sàng lên đường bảo vệ tổ quốc. Rất đông thanh niên trai tráng ghi tên, chả biết bộ phận lưu trữ của trường có còn giữ lại được những hồ sơ quý báu ấy. Từ bấy giờ, nhắc tới Trung Quốc là bao giờ cũng liền với cụm từ “bọn bành trướng bá quyền”, “bọn phản động Bắc Kinh”. Tivi chiếu phim “Mây đen bao phủ bầu trời Bắc Kinh”.

Ảnh: Báo Nhân Dân

Người ta chuyền tay nhau bản photo cuốn sách trắng “Sự thật mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc” của Nhà xuất bản Sự Thật, trong đó đảng vạch trần bản chất dối trá không thay đổi hàng nghìn năm của Trung Quốc, nhất là đám cộng sản Tàu, chửi không tiếc lời, thề không đội trời chung, quyết không môi răng gì nữa. Từ nay thì anh đi đường anh tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi. Chỉ có điều, tôi nhớ một hôm đang gác đêm, thầy Hùng thắc mắc, Trung Quốc lâu nay đối với mình tốt thế, nó cho mình không thiếu thứ gì, ngay cái áo Tô Châu tao đang mặc đây (thầy Hùng xoa lên áo giơ ra), của thằng em đi bộ đội cho, cũng do Tàu viện trợ, thế mà tự dưng nó giở mặt ngay được.

“Mối tình hữu nghị Việt – Hoa/Vừa là đồng chí vừa là anh em”, anh em đồng chí thế chó nào mà lại ra nông nỗi này? Hay là bởi mình với nó cũng cùng một duộc, duộc cộng sản, cùng bản chất, mà bấy lâu mình cứ nghĩ là tốt đẹp?

Câu hỏi ấy của thầy Hùng tới giờ vẫn chưa có sự giả nhời chính thức, mà thầy Hùng thầy Vy thầy Tuấn thầy Nghiệp chú Thăng… đều đã lần lượt về cõi tiên cả rồi.

Ngày này 42 năm trước | Tiếng Dân (baotiengdan.com)

Tin Việt Nam - RFI

Powered by Blogger.