Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin tổng hợp – 19/07/2020

Sunday, July 19, 2020 // ,
Tin tổng hợp – 19/07/2020
(SCMP) – Mỹ dọa trừng phạt những tập đoàn Trung Quốc tham gia bồi đắp tại Biển Đông.
Theo tờ báo Hồng Kông ngày 18/07/2020, trong số những tập đoàn nhà nước bị nêu tên có Công Ty Xây Dựng Truyền Thông Trung Quốc (CCCC), đã giúp bồi đắp nhiều hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, và Tổng Công Ty Dầu Khí Quốc Gia Trung Quốc (CNOOC), vì cho cắm giàn khoan HD-981 trong vùng biển của Việt Nam trong năm 2014. Ngày 14/07, ông David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương, tố cáo Trung Quốc sử dụng các công ty nhà nước để áp đặt các yêu sách chủ quyền « phi pháp tại Biển Đông. Do đó, Hoa Kỳ có thể sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và doanh nghiệp liên quan ».
(Nikkei) – Anh Quốc nhờ Nhật Bản giúp xây dựng mạng 5G.
Tờ báo Nhật Bản ngày 19/07/2020 cho biết chính phủ Anh Quốc có đề nghị Tokyo hỗ trợ trong việc xây dựng mạng lưới viễn thông không dây 5G tại Anh. Đại diện hai bên đã gặp nhau ngày 16/07, hai hôm sau khi Luân Đôn loan báo quyết định loại tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi ra khỏi mạng lưới 5G tại Anh. Hai tập đoàn điện tử Nhật Bản là NEC và Fujitsu sẽ thế chỗ của tập đoàn Trung Quốc.
(Bloomberg) – 653 triệu đô la để khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản rời Trung Quốc.
Bộ Kinh Tế, Thương Mại và Công Nghiệp Nhật Bản hôm 17/07/2020 thông báo danh sách 87 tập đoàn đầu tiên được chính phủ hỗ trợ để di dời cơ sở khỏi Hoa Lục. Đây mới chỉ là bước đầu tiên trong kế hoạch di dời các nhà máy sản xuất của Nhật Bản khỏi Trung Quốc. Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ là những bãi đáp mới cho doanh nghiệp Nhật Bản. Sau dịch Covid-19, chính quyền Shinzo Abe dự trù 220 tỷ yen trong kế hoạch dịch chuyển các nhà máy sản xuất khỏi Trung Quốc.
(Newsweek) – Joe Biden tố cáo Nga và Trung Quốc âm mưu phá hoại bầu cử Mỹ.
Trích dẫn các thông tin tình báo, ứng viên tranh cử tổng thống đảng Dân Chủ, ông Biden ngày 18/07/2020 cho biết là Nga và Trung Quốc đang tích cực tiến hành những mưu đồ can thiệp vào cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Mỹ vào tháng 11 tới đây. Theo ông, Nga thì vẫn tìm cách « phá hoại tính chính đáng của tiến trình bầu cử » tại Mỹ, trong lúc Trung Quốc và nhiều nước khác thì có những hành động « nhằm mục đích khiến người Mỹ mất niềm tin vào kết quả cuộc bầu cử ».
(AFP) – Hoãn nợ cho các nước nghèo, G20 dùng kế hoãn binh.
Trong cuộc họp cấp bộ trưởng Tài Chính và chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương nhóm G20 ngày 18/07/2020, các bên thông báo « hạ hồi phân giải » về quyết định triển hạn nợ cho các quốc gia nghèo nhất trên thế giới, giúp số này đối mặt với thách thức Covid-19. Ngân Hàng Thế Giới và nhiều tổ chức phi chính phủ kêu gọi G20 hoãn và thậm chí xóa nợ cho các nước chậm phát triển nhất trên thế giới.
(AFP) – Thêm 100 ca nhiễm virus corona tại Hồng Kông trong một ngày.
Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày 19/07/2020 cho biết tình hình « đáng lo ngại » và chưa có dấu hiệu cho thấy « tình hình trong vòng kiểm soát ». Trong hai tuần qua, Hồng Kông ghi nhận thêm « hơn 500 trường hợp » nhiễm bệnh. Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông chuẩn bị loan báo thêm nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa đà lây lan của dịch bệnh.
(AFP) – Úc đau đầu vì Covid-19.
Bang Victoria ngày 19/07/2020 thông báo kể từ giữa tuần tới, mọi người dân phải đeo khẩu trang tại các nơi công cộng. Bang này ghi nhận thêm 363 bệnh nhân trong ngày hôm qua. Tất cả các bang còn lại đều « đóng cửa » biên giới với Victoria hay ngừng đón nhận dân cư tại bang này. Trước đó thủ tướng Morisson thông báo Quốc Hội tạm ngưng hoạt động ít nhất cho đến hết ngày 24/07/2020 nhằm giảm thiểu nguy cơ các dân biểu trở thành những nguồn lây nhiễm.
(AFP) – Nhờ virus corona dân Cuba được sử dụng đồng đô la Mỹ.
Kể từ ngày 20/07/2020 dân Cuba được mua vào một số mặt hàng cần thiết bằng đô la. Chính quyền xóa bỏ thuế 10 % đánh vào đơn vị tiền tệ này của Mỹ. Bộ trưởng Kinh Tế Alejandro Gil ngày 18/07/2020 thông báo như trên và giải thích các biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ cùng với hậu quả kinh tế dịch Covid-19 đã thúc đẩy La Habana quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ.

Điểm tin thế giới sáng 19/7:

Mỹ có thể ‘giáng đòn’ các công ty Trung Quốc

 liên quan đến yêu sách Biển Đông

Băng Thanh
Mục Điểm tin thế giới sáng Chủ Nhật (19/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý đọc giả những tin sau:
Mỹ có thể ‘giáng đòn’ các công ty Trung Quốc liên quan đến yêu sách Biển Đông
Theo SCMP, ông David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, tuần này đã nói rằng, Trung Quốc đang sử dụng các công ty nhà nước để “bắt nạt” các nước láng giềng trong khu vực nhằm đảm bảo trữ lượng khoáng sản và dầu mỏ.
Theo ông Stiwell, Mỹ có thể đáp trả bằng cách áp lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức và doanh nghiệp có liên quan tới hoạt động trên của Trung Quốc.
Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ngày 14/7, ông Stilwell đã nêu tên Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) là đơn vị giúp Trung Quốc phát triển nhiều đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. Ngoài ra, quan chức Mỹ cũng đề cập tới Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) là đơn vị lắp đặt một giàn khoan lớn ở Biển Đông.
Những hình ảnh vệ tinh do tạp chí quốc phòng IHS Jane’s phân tích cho thấy công ty nạo vét Thiên Tân, một công ty con của CCCC, đóng vai trò trong việc cải tạo trái phép các rạn san hô ở Biển Đông, bao gồm đá Vành Khăn, đá Chữ Thập, thành những đảo lớn hơn để thiết lập đường băng và cơ sở quân sự trái phép.
Thủ phủ Tân Cương của Trung Quốc kích hoạt chế độ ‘thời chiến’
Theo Reuters, Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương của Trung Quốc đã chuyển sang chế độ “thời chiến” và đưa ra các kế hoạch ứng phó khẩn cấp nhằm ngăn ngừa Covid-19.
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV hôm 18/7 dẫn lời các quan chức Urumqi trong cuộc họp báo cùng ngày cho biết thành phố đã đình chỉ các cuộc tụ tập.
Chính quyền Urumqi cũng kêu gọi người dân không di chuyển ra ngoài thành phố nếu không cần thiết và yêu cầu xét nghiệm virus Vũ Hán với bất cứ ai rời đi nhằm ngăn chặn virus lây lan.
Trước đó, vào hôm 17/7, chính quyền Urumqi bất ngờ ra lệnh phong tỏa thành phố 3,5 triệu dân sau khi ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng sau 149 ngày “sạch bóng” Covid-19. Thành phố đã cấm hầu hết các chuyến bay đến và đi, đồng thời đóng cửa tuyến tàu điện ngầm và dịch vụ xe buýt từ tối 16/7. Những người từng ở Urumqi cũng bị từ chối vào các khu vực khác của Tân Cương.
Hàng ngàn người tụ tập ở Bangkok phản đối chính phủ Thái Lan
Hàng ngàn người đã tụ tập tại thủ đô của Thái Lan vào hôm 18/7 để kêu gọi thông qua hiến pháp mới, tổ chức các cuộc bầu cử mới và chấm dứt các luật mang tính áp chế.
Hô khẩu hiệu và giơ biểu ngữ, những người biểu tình, bao gồm chủ yếu là người Thái trẻ tuổi, hội tụ về Tượng đài Dân chủ mang tính biểu tượng của Bangkok ở khu phố cổ của thành phố, một địa điểm phổ biến để thể hiện quan điểm bất đồng, AP đưa tin.
Cuộc tụ tập này, được tổ chức bởi một nhóm tự gọi là Thanh niên Giải phóng, là cuộc tụ tập lớn nhất kể từ khi chính phủ Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 3 khi ứng phó với virus Vũ Hán.
Chân dung ông Clinton và ông Bush bị gỡ khỏi sảnh chính Nhà Trắng
Theo CNN, các trợ lý Nhà Trắng đã tiết lộ rằng hai bức chân dung của ông Clinton và ông Bush đã bị gỡ xuống vào tuần trước và được thay thế bằng chân dung của hai tổng thống Cộng hoà từng tại nhiệm hơn một thế kỷ trước.
Chân dung ông Bush hiện được thay thế bằng chân dung William McKinley, tổng thống Mỹ thứ 25 bị ám sát năm 1901, còn bức tranh ông Clinton được thay bằng tranh của Theodore Roosevelt.
Theo truyền thống, Nhà Trắng thường treo chân dung của những tổng thống Mỹ gần đây nhất ở vị trí nổi bật nhất, tại lối vào của toà nhà, để các vị khách trong những sự kiện chính thức dễ dàng quan sát.
Nhà Trắng hiện chưa có bình luận nào về thông tin trên.
Ông Biden cảnh báo nguy cơ Nga can thiệp bầu cử
“Chúng ta biết điều này từ trước và tôi đảm bảo với các bạn rằng tôi đã biết rõ nó vì tôi lại nhận được thông tin. Người Nga vẫn cố can thiệp quá trình bầu cử của chúng ta. Đó là sự thật”, Reuters dẫn lời ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden nói với người ủng hộ trong buổi gây quỹ trực tuyến hôm 17/7.
Ông Biden cũng cảnh báo nếu Nga còn tiếp tục hành vi can thiệp, họ sẽ phải trả giá rất đắt một khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11. Cựu phó tổng thống Mỹ nói thêm Trung Quốc cũng đang tiến hành các hoạt động “nhằm khiến chúng ta mất niềm tin vào kết quả cuộc bầu cử 2020”.
Không rõ thời điểm ông Biden bắt đầu nhận được thông tin tình báo là khi nào. Chiến dịch tranh cử của ông chưa bình luận về tuyên bố ông đưa ra.
Trước đó, vào tháng 5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng nước này không can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ sau khi Tổng thống Trump cho biết Trung Quốc “sẽ làm bất cứ điều gì” để ngăn ông đắc cử.

Điểm tin thế giới tối 19/7:

Trung Quốc cảnh báo ‘lũ lụt mạnh hơn’

Quý Khải
Mục Điểm tin thế giới tối Chủ nhật (19/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý đọc giả những tin sau:
Trung Quốc cảnh báo ‘lũ lụt mạnh hơn’
Chính quyền Trung Quốc hôm thứ Sáu (17/6) đã cảnh báo về sự xuất hiện của một trận lụt “mạnh hơn” tại đập Tam Hiệp, và đã đưa ra cảnh báo mới cho các thành phố ở hạ lưu, khi sẽ có nhiều mưa hơn trong những ngày tới, theo Asian Nikkei Review.
Các thành phố ở khu vực trung tâm đất nước dọc sông Dương Tử – con sông dài nhất Trung Quốc – đã bị ngập lụt trong tuần qua trong bối cảnh mùa mưa hàng năm, với trận lụt tồi tệ nhất kể từ năm 1998. Trên khắp đất nước, 433 con sông đã bị ngập lụt, và 141 người đã chết hoặc bị mất tích.
Những cơn mưa lớn đã quật ngã khu vực kể từ tháng trước, đẩy lượng mưa trung bình cao hơn so với năm ngoái 12%. Thiệt hại kinh tế từ lũ lụt dự kiến ​​sẽ đạt 86,2 tỷ nhân dân tệ (12 tỷ USD), theo một số ước tính.
Tình trạng này xảy ra khi nền kinh tế Trung Quốc vừa có chút tín hiệu tích cực trong quý hai. Chính phủ đã công bố hôm thứ Tư (15/7) rằng họ sẽ chi khoảng 1,7 tỷ nhân dân tệ cho các biện pháp ứng phó lũ lụt.
WHO báo cáo mức tăng kỷ lục số ca lây nhiễm Covid-19 trên toàn cầu hàng ngày
Tổ chức Y tế Thế giới đã báo cáo một sự gia tăng kỷ lục các trường hợp lây nhiễm virus corona toàn cầu ngày thứ hai liên tiếp, với tổng số ca gia tăng là 259.848 trong vòng 24 giờ.
Theo một bản báo cáo hàng ngày, mức gia tăng lớn nhất được báo cáo hôm thứ Bảy là từ các nước Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi. Mức kỷ lục trước đây của WHO đối với các ca lây nhiễm mới là 237.743 vào thứ Sáu. Số người tử vong tăng thêm 7.360, mức tăng một ngày lớn nhất kể từ ngày 10/5. Số người tử vong trung bình/ngày đạt 4.800 ca trong tháng 7, tăng nhẹ so với mức trung bình 4 600 ca/ngày trong tháng 6.
Tổng số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu vượt mốc 14 triệu vào thứ Sáu, theo thống kê của Reuters, đánh dấu một cột mốc quan trọng khác trong sự lây lan của căn bệnh đã giết chết gần 600.000 người trong 7 tháng kể từ khi khởi phát ở Vũ Hán. Tỷ lệ gia tăng quy đổi thành 1 triệu ca được báo cáo trong vòng dưới 100 giờ.
Trung Quốc cảnh báo Anh không được điều tàu sân bay đến Thái Bình Dương để liên hợp với Mỹ
Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Bảy với tờ The Times, Đại sứ Bắc Kinh tại London đã cảnh báo Anh không được điều một tàu sân bay mới đến đồn trú ở Thái Bình Dương, cho rằng đây là một “động thái rất nguy hiểm”.
Đại sứ Lưu Hiểu Minh nói rằng khi London cắt đứt quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu vào cuối năm nay, họ không nên “kéo bè kéo cánh với Mỹ để chống Trung Quốc” bằng cách triển khai quân sự.
“Hậu Brexit tôi nghĩ rằng Anh vẫn muốn đóng một vai trò quan trọng trên thế giới”, ông nói. “Nhưng đây không phải là cách để đóng một vai trò quan trọng”.
Trước đó tờ Times cho biết Anh đã ấp ủ kế hoạch đồn trú tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tại Thái Bình Dương như một phần của liên minh quốc tế đối trọng Trung Quốc.
Nhật Bản sẽ chi trả ít nhất 536 triệu USD để các doanh nghiệp rời Trung Quốc
Chính phủ Nhật Bản sẽ bắt đầu trả tiền cho các doanh nghiệp của mình để di dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc, trở về Nhật hoặc sang khu vực Đông Nam Á, một phần trong chương trình mới nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, theo Bloomberg.
57 công ty bao gồm nhà sản xuất khẩu trang tư nhân Iris Ohyama Inc. và Sharp Corp sẽ nhận được tổng cộng 57,4 tỷ yên (536 triệu USD) tiền trợ cấp từ chính phủ, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp cho biết hôm thứ Sáu. 30 doanh nghiệp khác sẽ nhận được tiền để di dời sản xuất sang Việt Nam, Myanmar, Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á khác, theo một thông báo độc lập, tuy nhiên không cung cấp thông tin chi tiết về số tiền bồi thường.
Chính phủ sẽ chi trả tổng cộng 70 tỷ yên trong đợt này, tờ Nikkei đưa tin. Các khoản thanh toán đến từ 243,5 tỷ yên mà chính phủ dành cho tháng Tư trong chương trình đảm bảo chuỗi cung ứng.
Iran gửi hộp đen máy bay Ukraine bị bắn hạ hồi tháng 1 tới Pháp
Các nhà điều tra quốc tế ở Paris cuối cùng đã có thể tiếp cận chiếc hộp đen của một máy bay chở khách Ukraine bị bắn rơi khỏi bầu trời bởi quân đội Iran, vì xác định nhầm máy bay này là một tên lửa đang phóng đến, theo Fox News.
Máy bay đang hướng tới Kiev vào ngày 8/1 thì bị bắn hạ vài giờ sau khi Iran tiến hành một vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ quân sự của quân đội Mỹ và lực lượng đồng minh ở Iraq. Những cuộc tấn công này nhằm trả đũa việc sát hại tướng Iran là Qassem Soleimani trong cuộc không kích của Mỹ ở Baghdad.
Chính quyền Iran đã gửi hộp đen tới Pháp hôm thứ Sáu, báo hiệu một giai đoạn điều tra mới 6 tháng sau vụ việc hồi tháng 1 khiến 176 người thiệt mạng, bao gồm 82 người Iran, 57 người Canada và 11 người Ukraine.
Pháp là một trong số ít các quốc gia có khả năng đọc các hộp đen bị hư hại. Thông tin thu thập được từ thiết bị có thể làm sáng tỏ các nhân tố, ví như đường bay và độ cao của máy bay khiến nó trở thành mục tiêu bị bắn hạ.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump chạy quảng cáo chống TikTok trên Facebook và Instagram
Khi ông Trump cân nhắc việc cấm TikTok, chiến dịch chính trị của ông đã bắt đầu chạy quảng cáo trên Facebook và Instagram, cáo buộc nền tảng có trụ sở tại Trung Quốc này tiến hành gián điệp đối với người dùng, theo Business Insider.
Hơn 100 đợt quảng cáo đã được triển khai hôm thứ Sáu khuyến khích người dùng Facebook ký đơn kiến nghị cấm TikTok tại Mỹ. Các quảng cáo, lần đầu được phát hiện bởi phóng viên Taylor Lorenz của tờ New York Times, xuất hiện khi chính phủ Mỹ đe dọa sẽ ban hành lệnh cấm trên toàn quốc đối với ứng dụng chia sẻ video có mối quan hệ với chính quyền Bắc Kinh này.
Việc TikTok có công ty mẹ là Bytedance, một công ty đặt trụ sở tại Trung Quốc, đã làm dấy lên nghi vấn từ các nhà lập pháp và chuyên gia bảo mật Mỹ về mức độ truy cập và sức ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với dữ liệu người dùng và khả năng kiểm duyệt nội dung trên nền tảng mạng xã hội này. Mối lo ngại về mối liên hệ TikTok – Trung Quốc đã tăng vọt trong những tuần gần đây sau khi Ấn Độ quyết định đưa ra lệnh cấm đối với ứng dụng hồi đầu tháng này.

Tin Việt Nam – 19/07/2020

Tin Việt Nam – 19/07/2020

15 công ty Nhật sắp rời Trung Quốc sang Việt Nam

15 doanh nghiệp Nhật Bản sắp sửa rời hoạt động của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam với sự hỗ trợ chi phí từ chính phủ Nhật Bản, theo danh sách được Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) công bố mới đây.
15 doanh nghiệp này nằm trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản chuẩn bị di dời hoạt động từ Trung quốc sang các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, và Lào.
Các doanh nghiệp chuẩn bị sang Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế, linh kiện điện thoại, máy điều hoà…
Lý do di chuyển này là do chính sách của chính phủ Nhật nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu được công bố hồi tháng 4 vừa qua, nhằm giảm lệ thuộc vào Trung Quốc sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Theo Jetro, chính phủ Nhật đưa ra một khoản tiền khoảng 2 tỷ đô la trong việc giúp các nhà sản xuất nước này di dời sảng xuất khỏi Trung Quốc.

Các nhà thầu Trung Cộng chiếm áp đảo

trong tổng số nhà thầu mua hồ sơ

2 dự án nhiệt điện Việt Nam

Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 18 tháng 7 năm 2020 loan tin, ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực Cộng sản cho biết, hai dự án nhiệt điện Na Dương 2 và Quỳnh Lập 1 của Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Cộng sản Việt Nam sau khi mời thầu thì chủ yếu là các nhà thầu Trung Cộng mua và nộp hồ sơ. Tại dự án nhà máy nhiệt điện Na Dương 2 thì có 16 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu, nhưng hầu hết là các nhà thầu Trung Cộng mua hồ sơ.
Còn dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 thì Tập đoàn Than khoáng sản nhận được 8 bộ hồ sơ quan tâm của các nhà thầu, trong đó có 7 bộ hồ sơ là của nhà đầu tư Trung Cộng, còn lại 1 bộ hồ sơ là của nhà đầu tư Việt Nam. Hiện tại, phía Tập đoàn Than khoáng sản đang tổ chức đánh giá hồ sơ quan tâm của nhà đầu tư, và tìm kiếm nhà đầu tư cùng phương án thực hiện dự án.
Vẫn theo báo Vietnamnet, nhiều dự án đang phát triển tại Việt Nam lâm vào tình trạng bế tắc vì dịch coronavirus 19. Đứng đầu trong các dự án bế tắc là dự án nhiệt điện Long Phú 1 của Tập đoàn Dầu khí Cộng sản Việt Nam. Kể từ tháng 3 năm 2019 đến nay, dự án này đã không có sự tiến triển về khối lượng công trình.
Được biết, trong vài năm trở lại đây, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cho xây dựng và phát triển ồ ạt nhiều nhà máy nhiệt điện, xu hướng này đang đi ngược lại so với thế giới vì mức độ ô nhiễm môi trường của các nhà máy nhiệt điện là không nhỏ.
An Nhiên

Việt Nam được gì khi Mỹ mạnh tay với TQ về Biển Đông?

Hôm 13 tháng 7 năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Michael Pompeo ra tuyên bố về lập trường của Washington đối với những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết diện tích Biển Đông.
Có lợi cho Việt Nam
Theo Washington, tuyên bố của Bắc Kinh đối với những nguồn tài nguyên xa bờ tại hầu hết khu vực Biển Đông là hoàn toàn phi pháp. Chiến dịch bắt nạt các nước nhỏ nhằm kiểm soát những nguồn tài nguyên đó cũng phi pháp.
Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Hoa Kỳ tìm cách giữ gìn hòa bình và ổn định, duy trì tự do hàng hải trên các vùng biển này phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ những lợi ích cho đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.
Ngày 15 tháng 7 năm 2020, Việt Nam lên tiếng về tuyên bố của Hoa Kỳ về lập trường của Washington đối với Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho rằng ‘hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế… Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này’.
Nhà quan sát chính trị, nhà báo Nguyễn An Dân, đánh giá tác động đến Việt Nam qua động thái mới nhất của Mỹ:
“Việt Nam được lợi vì tin chắc rằng lần này Mỹ kiên quyết hành động chứ không phải là những tuyên bố chung chung như trước đây. Trước đây khi Mỹ chưa sẵn sàng để xử lý Trung Quốc. Đa số các phát biểu của chính giới Mỹ chỉ là ủng hộ bằng lời nói chứ chưa đi vào thực tế. Bây giờ nó đi vào thực tế.
Một khi Mỹ đi vào hành động thực tế ở Biển Đông thì tất cả các nước nhỏ ở khu vực Biển Đông sẽ có lợi. Kể cả những nước nằm ngoài Biển Đông cũng sẽ có lợi khi họ trở thành đồng minh của Mỹ trong việc làm Trung Quốc suy yếu.”
Liên tiếp những năm qua, Trung Quốc nhiều lần có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Việt Nam cũng đã trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Trung Quốc chẳng những phớt lờ những yêu cầu ngoại giao của Việt Nam mà còn đưa tàu khảo sát được hộ tống bởi tàu hải giám vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trung tá quân đội Đinh Đức Long hoan nghênh tuyên bố của Hoa Kỳ về lập trường ở Biển Đông và cho đây là một cái lợi cho Việt Nam trong tình hình hiện nay:
“Tôi hoan nghênh tuyên bố đó vì đây là lần đầu tiên Mỹ thể hiện quan điểm chính thức khác với trước kia. Có tính bước ngoặt. Trước kia quan điểm của Mỹ là không đứng về bên nào trong các nước tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông. Lần này Mỹ đích danh lên án Trung Quốc và đứng về phía các nước ven biển Đông Nam Á mà chủ quyền biển đảo bị Trung Quốc đe dọa.
Lần đầu tiên Mỹ thể hiện việc chống lại lập trường của Trung Quốc trong việc đòi đến 90% diện tích Biển Đông, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi ủng hộ tuyên bố này nhưng tôi chưa thấy Mỹ công nhận Hoàng Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhưng chỉ cần Mỹ tuyên bố đúng theo công ước là có lợi cho Việt Nam rồi vì Mỹ là cường quốc có ảnh hưởng toàn cầu. Tiếng nói của Mỹ rất có giá trị trong trường hợp này.”
Việt Nam có thay đổi lập trường?
Hồi tháng 4 năm nay, mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc loan tin chính phủ nước này đã thông qua quyết định thành lập cái gọi là huyện đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa. Đây là đơn
vị hành chính mà Trung Quốc thành lập vào năm 2012 để quản lý Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa – cách Bắc Kinh gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trụ sở của cái gọi là huyện đảo Tây Sa sẽ đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trụ sở của cái gọi là huyện đảo Nam Sa sẽ đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 7 tháng 5 năm 2020, tác giả David Hutt có bài viết trên Asia Times tựa đề “Vietnam may soon sue China on South China Sea”, tạm dịch “Việt Nam có thể sớm kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông”. Theo đó, Hà Nội được cho là đang chuẩn bị hồ sơ kiện lên tòa trọng tài quốc tế chống lại yêu sách chủ quyền Biển Đông phi lý của Bắc kinh. Đây có thể là phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc ngày càng đe dọa và quấy rối trên tuyến đường hàng hải tranh chấp.
Hơn một tháng sau, ngày 12 tháng 6, Tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc có bài viết cho chương trình ‘Sáng kiến Tìm hiểu Tình hình Chiến lược Nam Hải’. Trong bài viết này, ông Tồn đe dọa rằng, nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc thì ‘sẽ phải trả giá đắt’ cho những biện pháp đáp trả từ phía Trung Quốc.
Với những hành động bị cho là ‘ngang ngược của Trung Quốc đối với Việt Nam và phản ứng của Hoa Kỳ về Biển Đông, Trung tá Quân đội Đinh Đức Long nêu quan điểm của mình:
“Có lẽ đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện chính kiến của mình trên thực tế. Về mặt ngoại giao, tôi nghĩ Việt Nam cẩn thận và khôn ngoan trong lĩnh vực này. Họ có thể không công khai hồ hởi ra mặt nhưng có lẽ bằng hành động, họ sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong việc thực hiện các tuyên bố về ứng xử Biển Đông.”
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có chung biên giới trên bộ và trên biển, có quá trình tương tác về văn hóa lịch sử cũng như các cuộc chiến tranh từ hàng ngàn năm.
Cựu thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng từng nói mối quan hệ với Trung Quốc là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
Nhà quan sát Nguyễn An Dân đánh giá mối quan hệ với Trung Quốc của chính phủ Hà Nội trong thời điểm hiện nay:
“Đến bây giờ tôi cho là nội bộ đảng cộng sản Việt Nam hiểu rằng không thể giữ hòa khí đối với Trung Quốc, trừ khi Việt Nam chịu mất biển của mình. Nhưng mất biển rồi thì hòa khí cũng chỉ là tạm thời, bởi khi Việt Nam mất biển thì bước tiếp theo là Trung Quốc muốn Việt Nam trở thành vùng phên dậu của họ trên đất liền. Tôi nghĩ đảng cộng sản Việt Nam hiểu điều đó.
Việt Nam sẽ biểu lộ sự ngả về Mỹ rõ hơn tại họ cũng biết sự kiên nhẫn của Mỹ, đặc biệt cá nhân Tổng thống Trump, có sự giới hạn. Mỹ đã tỏ thiện chí hết mức rồi.”
Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. Tòa kết luận rằng không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong Đường chín đoạn.
Về phía Trung Quốc, chính quyền của ông Tập Cận Bình chưa bao giờ công nhận phán quyết này. Bắc Kinh gọi phán quyết này là bất hợp pháp và không có hiệu lực.
Vào ngày 13 tháng 7 năm 2020, Đại sứ quán Trung Quốc một lần nữa nhắc lại, tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cùng các quyền về hàng hải và lợi ích khác trên Biển Đông sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết. Trung Quốc kiên quyết phản đối và nói sẽ không bao giờ chấp nhận các yêu sách hoặc hành động dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực.
Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế được ngoại trưởng Hoa Kỳ nhắc lại trong tuyên bố lập trường về Biển Đông ngày 13 tháng 7 vừa qua, theo đó Washington cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực là chung cuộc và có tính ràng buộc.

Điểm tin trong nước sáng 19/7: Tháo dỡ, cải tạo

nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng

Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng Chủ nhật (19/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Tháo dỡ, cải tạo nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng
Việc phá dỡ, cải tạo nhà hàng Panorama bắt đầu từ hôm 7/7 và chưa kết thúc, ông Trần Đức Quý -Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nói hôm 18/7, theo báo VnExpress.
Công trình không phá dỡ toàn bộ mà chỉ dỡ bỏ một phần các mái nhô ra phía sông Nho Quế của nhà hàng Panorama, các góc che khuất tầm nhìn của người đi đường. Chính quyền địa phương nói việc phá dỡ này sẽ không bồi thường thiệt hại cho bà Vũ Thị Ánh là chủ đầu tư, quản lý công trình.
Dự kiến trong quý 3/2020, việc cải tạo nhà hàng Panorama sẽ hoàn thành. Sau khi cải tạo, công trình sẽ trở thành điểm nhấn trên đèo Mã Pì Lèng”, ông Quý kỳ vọng và cho biết, bà Vũ Thị Ánh vẫn là chủ đầu tư, quản lý công trình này.
Nguyên nhân nước con suối đổi thành màu trắng sữa
Báo Tuổi trẻ dẫn phản ánh của người dân khu vực Tân Bình, tỉnh Bình Dương, vào tối ngày 17/7, nước tại dòng suối Sọ đổi thành màu sữa, nổi bọt trắng, có lúc chuyển màu xanh dương, màu đục … kèm theo đó là mùi nồng nặc bốc lên như mùi thuốc sâu, vốn xảy ra thường xuyên khoảng vài tháng nay.
Liên quan sự việc trên, ông Nguyễn Văn Yêm – chủ tịch phường Tân Bình – cho biết đã phát hiện một cơ sở phế liệu (không có tên) nằm trên đường Lê Hồng Phong (phường Tân Đông Hiệp, TP. Dĩ An) là nơi đổ nước rửa các thùng hóa chất thẳng xuống cống thoát nước, khiến dòng suối bị ô nhiễm.
Ngư dân Hà Tĩnh cứu cá voi
Báo VnExpress thông tin, ngư dân xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã đưa con cá voi nặng 200 kg bị mắc câu trở lại biển thành công, hôm 18/7.
Cá voi màu đen, dài hơn 2 m, dạt vào bờ biển thôn Phú Hải, xã Kỳ Phú sáng cùng ngày. Trong miệng cá bị mắc một lưỡi câu vòm làm bằng sắt, dài khoảng 5 cm. Hàng chục người khiêng cá từ trong bờ ra ngoài biển. Sau 2 tiếng, cá hoạt động trở lại. Người dân dùng thuyền đẩy cá ra ngoài khơi, nó có trở lại bờ hai lần vào lúc gần trưa và tiếp tục được đưa trở ra.
Đây là lần thứ hai cá voi xuất hiện ở bờ biển xã Kỳ Phú. Trước đó, tháng 8/2019, một con cá voi nặng 150 kg, dài 2 m, thân có nhiều vết thương dạt vào bờ biển trên địa bàn, được ngư dân hợp sức đưa lại biển thành công.
Việt Nam sẽ thiếu hụt gần 41.000 bé gái mỗi năm
Tại buổi Công bố báo cáo tình trạng dân số thế giới 2020 do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức, Báo cáo Thực trạng Dân số thế giới năm 2020 ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.
Thông tin trên được đưa ra dựa trên tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái, trong khi tỷ số “tự nhiên” là 105 bé trai/100 bé gái.

Điểm tin trong nước tối 19/7: Tuyển thầu làm

nhà máy điện, nhà thầu Trung Quốc chiếm đa số

Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước tối Chủ nhật (19/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Quảng Nam cách ly 21 người Trung Quốc bỏ chạy khỏi khu lưu trú khi bị kiểm tra
VnExpress cho biết, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam vừa cách ly 21 người Trung Quốc sau khi nhóm này bỏ chạy tán loạn ra khỏi một khu lưu trú khi bị lực lượng chức năng kiểm tra.
Thông tin đã được Đại tá Lê Chí Cương – trưởng Phòng quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Quảng Nam xác nhận với báo chí trong nước hôm 19/7.
Trước đó, chiều 18/7, nhận tin báo của người dân, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tại một khu lưu trú tại P.Điện Dương (TX.Điện Bàn) thì phát hiện một nhóm hàng chục người Trung Quốc đang lưu trú tại đây.
Khi thấy lực lượng chức năng, nhóm người này bỏ chạy tán loạn. Cơ quan chức năng đã tạm giữ một số người Trung Quốc sau đó tiếp tục truy tìm, phát hiện có 21 người. Tất cả được đưa vào khu cách ly tập trung ở TP. Tam Kỳ. Hiện vụ việc đang được giới chức Quảng Nam tiến hành điều tra.
Đắk Nông ghi nhận thêm 2 ca nhiễm bạch hầu
Báo chí trong nước hôm 19/7 cho biết Sở Y tế tỉnh Đắk Nông vừa ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại bon Philơte, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức. Nâng số trường hợp nhiễm dịch bạch hầu ở tỉnh này lên 32 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong.
Hai trường hợp mới nhất bao gồm 1 cháu 11 tuổi và 1 cháu 14 tuổi, nhập viện hôm 15/7 với triệu chứng sốt, ho, đau họng.
Hiện lực lượng chức năng đã tiến hành cách ly toàn bộ các gia đình tại ổ dịch, tiêm vắc xin phòng dịch cho hơn 630 người trong bon Philơte.
Tuyển thầu làm nhà máy điện, nhà thầu Trung Quốc chiếm đa số
Theo Thời báo Mỹ, báo cáo cập nhật tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV), hai dự án đang chuẩn bị các bước đầu tư gồm Dự án nhiệt điện Na Dương 2 công suất 110 MW và Dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 công suất 2×600 MW.
Ngày 6/1/2020, chủ đầu tư đã phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu EPC dự án nhiệt điện Na Dương 2, đóng thầu vào ngày 8/4.
Hiện dự án đã có 16 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu, hầu hết là nhà thầu Trung Quốc, theo Ban Chỉ đạo quốc gia.
Với dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1, TKV nhận được 8 bộ hồ sơ quan tâm, trong đó có 7 nhà đầu tư Trung Quốc và 1 nhà đầu tư Việt Nam.
Theo TKV, nếu lựa chọn được nhà đầu tư và được Thủ tướng chấp thuận vào cuối năm 2020, dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 có thể hoàn thành, đưa vào vận hành vào năm 2026-2027.
Powered by Blogger.