5 lý do để Việt Nam được chọn làm nơi tổ chức hội nghị thượng định Mỹ-Triều
21/02/2019
Phạm Nguyên Trường dịch
Khi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại Việt Nam lần thứ hai vào các ngày 27 và 28 tháng 2, thế giới sẽ chú mục vào cái đất nước đã đi được một chặng đường dài từ sau Chiến tranh Việt Nam.
Cờ Mỹ và Triều Tiên được bày bán ở Hà Nội.
Quốc gia Đông Nam Á do cộng sản lãnh đạo này hiện là nền kinh tế đang bùng nổ và ngày càng trở thành tay chơi quyết đoán trong nền ngoại giao khu vực. Đây cũng là một trong số ít các quốc gia có quan hệ thân thiện với cả Washington lẫn Bình Nhưỡng.
Tại vòng đàm phán thứ nhất, được tổ chức vào tháng 6 năm ngoái tại Singapore, Triều Tiên đã đưa ra những lời hứa mơ hồ về việc tháo dỡ kho vũ khí hạt nhân của mình - nhưng không có những bước đi cụ thể nào. Bây giờ Trump đang cố gắng chứng minh rằng quan hệ của ông ta với nhà độc tài trẻ tuổi không phải là vở diễn.
Các chuyên gia cho rằng việc lựa chọn Việt Nam vừa có tính thiết thực vừa mang tính biểu tượng. Dưới đây là một một số lý do:
1. Địa điểm
Thành phố đăng cai vẫn chưa được tiết lộ, nhưng một trong những lựa chọn là thủ đô của Việt Nam, Hà Nội, nằm cách Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, 1.700 dặm. Gần hơn Chicago tới Los Angeles, và chuyến bay lần này thậm chí còn ngắn hơn chuyến bay của Kim tới Singapore.
Khác với người cha quá cố, Kim Jong Il, một người sợ bay và thường sử dụng một chiếc xe lửa bọc thép trong các chuyến đi nước ngoài hiếm hoi của mình, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên tỏ ra thoải mái khi đi máy bay.
Một số chuyên gia nghi ngờ về mức độ an toàn và tin cậy của các máy bay cũ do Liên Xô sản xuất hiện đang là những máy bay chở khách của đất nước này. Không chấp nhận mạo hiểm giữa không trung, Kim đã bay tới Singapore trên một chiếc máy bay phản lực của Air China do Bắc Kinh cho mượn.
Chuyến bay từ Bắc Triều Tiên đến Việt Nam sẽ chỉ qua không phận Trung Quốc hữu hảo, làm cho Kim cảm thấy an toàn hơn nữa. Trên mặt đất, nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ bước vào vòng tay siết chặt nếu không nói là nghẹt thở của một quốc gia độc đảng khác.
Chính quyền Việt Nam đang kiểm soát chặt chẽ bất đồng chính kiến, biểu tình và các phương tiện truyền thông đại chúng. Chiến dịch phòng chống tham nhũng trong thời gian vừa qua đã bắt giữ các quan chức cấp cao trong Đảng Cộng sản và trong các công ty quốc doanh, làm người ta so sánh với cuộc thanh trừng chính trị kiểu Trung Quốc.
Địa điểm khác có thể là thành phố ven biển Đà Nẵng, nơi đã tổ chức các hội nghị thượng đỉnh lớn và các tàu chiến có thể thả neo để bảo đảm thêm an ninh, các chuyên gia nói như thế.
Công chúng Việt Nam rất phấn khởi trước việc được làm chủ nhà của Trump và Kim, và không ai nghĩ rằng sẽ có bất kỳ cuộc biểu tình hay sự xáo trộn nào trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh.
“Về mặt an ninh, về mặt thân thiện, thật là tuyệt vời. Chắc chắn là Kim Jong-un sẽ rất thích thú”, Vũ Minh Khương, Phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore nói.
3. Mảnh đất trung lập
Mỹ và Việt Nam đã trải qua cuộc chiến tranh đẫm máu, nhưng quan hệ đã bỏ xa cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm, kết thúc vào năm 1975 và cướp đi sinh mạng của 58.000 binh sĩ Mỹ và cùng với khoảng 3 triệu binh sĩ và dân thường Việt Nam.
Kể từ khi Tổng thống Clinton bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, năm 1995, hai nước đã phát triển được quan hệ kinh tế và quân sự chặt chẽ, tập trung một phần vào quan tâm chung về các hoạt động thương mại của Trung Quốc và hành động của nước này ở Biển Đông.
Thương mại song phương đã nhảy từ 451 triệu USD vào năm 1995 lên gần 52 tỷ USD vào năm 2016. Lầu năm góc đang tiến hành cuộc đối thoại cấp cao hàng năm với các đối tác Việt Nam, và năm ngoái Việt Nam đã, lần đầu tiên, tham gia cuộc tập trận mang tên “Vành đai Thái Bình Dương” do Mỹ chỉ huy. Đây là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới.
Quan hệ giữa Việt Nam và Bắc Triều Tiên có lịch sử lâu dài hơn hơn. Hai nước này đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950, và tám năm sau, Kim Nhật Thành, người sáng lập Bắc Triều Tiên và là ông nội Kim Jong-un, đã đến thăm Hà Nội.
Tháng 12 vừa qua, Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm hoành tráng đánh dấu 60 năm chuyến thăm này, trong đó có một bữa tiệc. Phái đoàn Bắc Triều Tiên do Ngoại trưởng Ri Yong Ho dẫn đầu tham dự bữa tiệc này.
Truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên thông báo rằng, nhân dịp Tết, Kim Jong-un và Chủ tịch nước Việt Nam đã viết thư chúc mừng nhau.
“Không có nhiều địa điểm mà cả Bắc Triều Tiên lẫn Mỹ cùng tin tưởng”, Joshua Kurlantzick, cộng tác viên cao cấp về Đông Nam Á ở Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nói như thế.
4. Cảm hứng kinh tế
Một thập kỷ sau khi “Cuộc chiến tranh chống Mỹ” kết thúc - ở đấy người ta gọi “Chiến tranh Việt Nam” như thế - quốc gia Đông Nam Á bị quốc tế cô lập và đói khát, một cuộc thí nghiệm theo mô hình Stalin về tập thể hóa làm cho nông dân chết đói và quầy hàng trống rỗng.
Năm 1986, ban lãnh đạo Hà Nội khởi động chương trình tự do hóa, tái mở cửa đất nước và đã tạo ra một trong những bước ngoặt kinh tế đáng kinh ngạc nhất trong thời gian gần đây.
Kinh tế Việt Nam phát triển từ 6% đến 7% một năm, với các doanh nghiệp nhỏ hoạt động nhộn nhịp, khu vực sản xuất thịnh vượng và những ngôi nhà chọc trời lấp lánh ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày xưa gọi là Sài Gòn.
Các nhà lãnh đạo cộng sản của đất nước này đã nắm bắt hội nghị thượng đỉnh, như một cơ hội để quảng cáo trên trường quốc tế.
Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia về Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Institute of Southeast Asian Studies) ở Singapore nói: “Việt Nam rất muốn bán câu chuyện của mình trên toàn thế giới để quảng bá hình ảnh của mình, cũng như cải thiện tính chính danh của Đảng Cộng sản cầm quyền trên thế giới”.
Người Mỹ không thật tinh tế về những bài học mà Kim trông thấy. Ông này thường nói về phát triển nền kinh tế do nhà nước quản lý của đất nước của mình. Năm ngoái, Ngoại trưởng Michael R. Pompeo đã dùng bài phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp ở Hà Nội để trực tiếp nói với Kim rằng: “Phép lạ này có thể là của ngài”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Robert Palladino, nói rằng Việt Nam cho thấy “khả năng hòa bình và thịnh vượng”, chính quyền Trump đang hy vọng Kim sẽ coi đó là mô hình tăng trưởng có thể đi kèm với sự linh hoạt hơn về kinh tế, chứ không nhất thiết phải có nhiều tự do chính trị hơn.
5. Mô hình về tái định hình quan hệ với Mỹ
Từ kẻ thù cay đắng đến đối tác tin cậy, quỹ đạo của quan hệ Mỹ-Việt có thể kích thích nhà lãnh đạo trẻ của Bắc Triều Tiên, người được cho là say mê văn hóa phương Tây (nhất là giải bóng rổ NBA của Mỹ).
Quan hệ với Việt Nam bắt đầu một cách chậm chạp, với những nỗ lực song phương nhằm giải quyết vấn đề tù binh chiến tranh. Mở rộng sang hợp tác để đưa hài cốt quân nhân Mỹ về nước và dọn dẹp chất độc da cam, tức là chất làm rụng lá cây do máy bay Mỹ rải trên những khu vực rộng lớn ở Bắc Việt Nam.
Quan hệ văn hóa cũng phát triển nhanh chóng. Mỗi năm có hơn 20.000 sinh viên Việt Nam tới Mỹ học tập, thuộc nhóm sinh viên nước ngoài đông nhất.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Robert Palladino, nói rằng Việt Nam đã trở thành “một người bạn và đối tác thân thiết” của Mỹ và đã cho thấy “những khả năng cho hòa bình và thịnh vượng”.
Khương, một giáo sư và là một cựu quân nhân Bắc Việt Nam, người “được huấn luyện để chiến đấu với người Mỹ cho tới chết”. Năm 1993, ông đã giành được học bổng Fulbright để theo khóa học ở Harvard.
“Bạn có thể thấy sự chuyển dịch hệ hình trong tư duy của giới lãnh đạo Việt Nam trong một thời gian ngắn, và điều đó rất có lợi cho Kim. Trước đây, không ai ghét người Mỹ như Việt Nam. Chúng tôi đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ của mình”, Khương nói.
Hai cây bút, cộng tác viên của Times, Victoria Kim ở Seoul và Tracy Wilkinson ở Washington là tác giả bài viết này.
Nguồn: Los Angeles Times
VNTB gửi BVN.