Posted on 16/09/2016 by The Observer
Nguồn: “Duterte killed justice official, hitman tells Philippine senate”, AFP, 15/09/2016
Biên dịch: Phan Nguyên
Ông Rodrigo Duterte đã bắn chết một nhân viên Bộ Tư pháp và ra lệnh giết các đối thủ, một cựu thành viên biệt đội ám sát điều trần trước Quốc hội vào hôm thứ năm (15 tháng 9), trong một cáo buộc gây chấn động chống lại vị tổng thống Philippines.
Tay sát thủ tự xưng đã tuyên bố trước phiên điều trần ở Thượng viện rằng ông và một nhóm cảnh sát cùng cựu phiến quân cộng sản đã giết chết khoảng 1.000 người suốt 25 năm theo lệnh của ông Duterte, trong đó có một nạn nhân được vứt cho cá sấu ăn thịt.
Nhiều người trong số những người còn lại bị siết cổ, đốt cháy, phân thây, rồi đem chôn ở một mỏ đá thuộc sở hữu của một sĩ quan cảnh sát và là một thành viên của biệt đội ám sát. Những người khác bị ném xuống biển cho cá ăn.
Edgar Matobato, 57 tuổi, đưa ra lời cáo buộc trước Thượng viện, cơ quan đang điều tra về các vụ giết người được cáo buộc là không qua xét xử trong chiến dịch đàn áp tội phạm của ông Duterte mà cảnh sát cho là đã khiến 3.140 người chết trong 72 ngày đầu tiên ông làm tổng thống.
Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền, Thượng nghị sĩ Leila de Lima, đã nói với phiên điều trần rằng Matobato đã đầu hàng cơ quan điều tra vào năm 2009 và cho đến gần đây được che chở bởi một chương trình bảo vệ nhân chứng.
Phát ngôn viên của ông Duterte nói các cáo buộc này đã được điều tra mà không có lời buộc tội nào được nộp lên tòa án, trong khi con trai của ông, Paolo Duterte, gọi các lời chứng này “chỉ là tin đồn” của “một người điên”.
Matobato nói rằng hồi năm 1993, ông và các thành viên khác trong biệt đội ám sát đang thực hiện một nhiệm vụ thì họ tới một con đường ở Davao bị chặn bởi một chiếc xe của một sĩ quan thuộc Cục Điều tra Quốc gia của Bộ Tư pháp.
Cuộc đối đầu đã dẫn tới một màn đấu súng khiến viên sĩ quan bị thương và hết đạn. Rodrigo Duterte, thị trưởng thành phố Davao vào thời điểm đó, sau đó đến hiện trường, Matobato nói.
“Thị trưởng Duterte là người đã kết liễu anh ta. Jamisola (tên của nhân viên Bộ Tư pháp) vẫn còn sống khi ông ấy (Duterte) đến. Ông ấy xả hết hai băng đạn Uzi (súng tiểu liên) vào người anh ta.”
“Tôi đã không giết bất cứ ai trừ khi có lệnh của Charlie Mike,” ông nói, và giải thích rằng đó là biệt danh của đội ám sát để chỉ ông Duterte, người lúc đó là thị trưởng của thành phố miền nam Davao, bằng cách ghép hai chữ cái đầu CM.
Người dân thường gọi Duterte là CM, tức City Mayor (thị trưởng thành phố).
“Giết người như ngóe”
Lời chứng của Matobato đã đưa ra các chi tiết đối với các cáo buộc lâu nay rằng Duterte đứng đằng sau một biệt đội ám sát vốn đã giết chết hơn một nghìn người ở Davao, nơi ông là thị trưởng trong gần hai thập niên qua.
“Công việc của chúng tôi là tiêu diệt bọn tội phạm, hiếp dâm, buôn bán ma túy, cướp giật. Đó là những gì chúng tôi đã làm. Chúng tôi giết người gần như hàng ngày, “Matobato nói.
“Người dân Davao đã bị giết như ngóe,” ông nói, và thêm rằng đội sát thủ chủ yếu giết những người bị nghi là tội phạm và kẻ thù cá nhân của gia đình ông Duterte từ năm 1988 đến 2013.
Phát ngôn viên của ông Duterte, ông Martin Andanar, cho biết ông nghi ngờ việc vị thị trưởng lúc đó có thể ra lệnh giết chết được cả 1.000 người.
“Tôi không nghĩ ông ấy có khả năng đưa ra một chỉ thị như thế. Ủy ban Nhân quyền đã điều tra điều này một thời gian dài trước đây và không có lời buộc tội nào đã được nộp lên,” ông nói.
Một phát ngôn viên khác, ông Ernesto Abella, nói rằng các cáo buộc cần phải được xem xét kỹ lưỡng.
“Dù lời chứng và các tuyên bố của vị chủ tịch (ủy ban Thượng viện) là gì, chúng ta sẽ phải có một cuộc điều tra thích hợp về điều đó.”
Ông Duterte, người nhậm chức hơn hai tháng trước, thắng cử hồi tháng 5 với một chênh lệch phiếu lớn dựa trên lời hứa sẽ giết hàng ngàn tội phạm.
Matobato nói các sát thủ đã nhận được “đơn đặt hàng” trực tiếp từ ông Duterte hoặc từ các sĩ quan cảnh sát được biệt phái tới làm việc ở văn phòng của thị trưởng.
Nhiều người trong số các nạn nhân bị bắt cóc bởi các thành viên của một nhóm người tự giới thiệu là nhân viên cảnh sát, sau đó họ bị đưa đến một mỏ đá địa phương nơi họ đã bị giết và chôn, ông nói thêm.
“Các sĩ quan này nói với chúng tôi giết người kiểu bình thường sẽ không đủ thỏa mãn. Họ là những kẻ thích giết người một cách dã man,” ông nói và mô tả cách các nạn nhân bị bóp cổ.
“Sau đó chúng tôi sẽ lột quần áo của họ, đốt cháy và chặt các thi thể,” Matobato nói, đồng thời cho hay ông đã đích thân giết “khoảng 50” người.
‘Mổ bụng phanh thây’
Thi thể của các nạn nhân khác bị mổ bụng và ném xuống biển, trong khi những người khác thì bị vứt bên lề đường ở Davao, và bàn tay của họ bị làm cho như đang nắm một khẩu súng ngắn, ông nói thêm.
Một trong các nạn nhân là một người đàn ông nước ngoài bị nghi ngờ là “khủng bố quốc tế”, còn một người là bạn trai của em gái ông Duterte.
Một nạn nhân khác là phóng viên đài truyền hình Davao Jun Pala, người liên tục chỉ trích ông Duterte, còn bốn người khác là vệ sĩ của một đối thủ người địa phương của con trai ông Duterte, Paolo Duterte, người hiện là phó thị trưởng thành phố Davao, Matobato nói.
Đáp lại, ông Paolo Duterte gọi các lời chứng của Matobato “chỉ là tin đồn”. “Tôi sẽ không thèm trả lời những cáo buộc của một người điên.”
Tổng thống Duterte trước đó đã bác bỏ là đã ra lệnh phục kích giết Pala ở Davao hồi năm 2003 nhưng mô tả Pala là một kẻ tống tiền và một “thằng chó đẻ thối tha”, người “xứng đáng bị như vậy”. Các bình luận này đã bị lên án bởi Liên Hợp Quốc và các cơ quan giám sát nhân quyền.
Bà De Lima cho biết Ủy ban Nhân quyền sau đó đã đào lên được một vài bộ xương người không xác định được là ai tại mỏ đá ở Davao.
Bà cho biết những phát hiện ban của Ủy ban Thượng viện sẽ được chuyển đến Tổng Thanh tra Philippines, mặc dù bà thừa nhận các tổng thống đương nhiệm được miễn truy tố hình sự và chỉ có thể bị phế truất thông qua quy trình đàn hạch (luận tội).
Matobato nói đội ám sát đã “tra tấn” ông khi ông rời khỏi nhóm vào năm 2013, khiến ông phải đầu hàng và tham gia chương trình bảo vệ nhân chứng của Bộ Tư pháp.
Tuy nhiên Matobato nói ông rời khỏi chương trình này và đi trốn khi ông Duterte thắng cử tổng thống.
Khi được hỏi tại sao ông rời đội ám sát, Matobato trả lời rằng: “Tôi cảm thấy lương tâm bị cắn rứt.”