‘Bàn tay’ TC làm hỏng thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội?
Các chuyên gia và nhà quan sát nói với VOA rằng việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un không đạt được một thỏa thuận ở Hà Nội hôm 28/2 là một điều “đáng tiếc,” nhưng không loại trừ khả năng có “bàn tay” TC làm hỏng thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội vào trưa 28/2 mà không đạt được một thỏa thuận chung. Tại buổi họp báo bắt đầu vào lúc 2 giờ chiều, Tổng thống Mỹ cho biết “bất đồng về lệnh cấm vận chính” là lý do hội nghị thượng đỉnh giữa ông và Chủ tịch Triều Tiên không đạt kết quả như mong đợi.
Nhà quan sát chính trị Quang Hữu Minh ở Saigon trao đổi với VOA:
Trung Quốc không có mặt nhưng Trung Quốc được nhắc đến… Đó là một lời phê bình khéo léo là ông đổ trách nhiệm thất bại trong việc ký kết này là do có sự tham gia của Trung Quốc. – Ông Quang Hữu Minh
“Phát biểu của Tổng thống Donald Trump về việc không ký được thỏa thuận với Triều Tiên nhưng ông lại nhắc đến Trung Quốc. Trung Quốc không có mặt nhưng Trung Quốc được nhắc đến… Đó là một lời phê bình khéo léo là ông đổ trách nhiệm thất bại trong việc ký kết này là do có sự tham gia của Trung Quốc.”
Ông Dương Đại Triều Lâm, nhà báo độc lập ở Việt Nam, cho VOA biết nhận định của ông về sự “bất thành” của thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2.
“Tôi nghĩ có tác động của Trung Quốc trong việc hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều gặp nhau tại Việt Nam trong hai ngày qua. Trung Quốc dựa vào địa chính trị của mình cũng như sự ảnh hưởng của mình đối với Triều Tiên để lồng ghép chương trình hạt nhân của Triều Tiên trong các thỏa thuận về thương mại của họ để mang lại lợi thế cho họ trong các thỏa thuận với phía Hoa Kỳ.
“Tôi nghĩ có bàn tay Trung Quốc trong việc cuộc đàm phán thượng đỉnh của hai bên bị thất bại ngày hôm nay.”
Tại cuộc họp báo tại Hà Nội vào chiều ngày 28/2, Tổng thống Donald Trump nói TC có ảnh hưởng rất lớn đối với Triều Tiên:
“Tôi nghĩ Trung Quốc là một nước lớn, cung ứng đến 93% lượng hàng hóa cho Triều Tiên, và do đó đóng vai trò lớn. Nhưng tôi tin rằng Triều Tiên có lập trường riêng của họ. Họ không nhận mệnh lệnh từ bất kỳ ai. Ông ấy (ông Kim) là một người mạnh mẽ và Triều Tiên đã làm được những điều khá kỳ diệu. Nhưng có đến 93% hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Trung Quốc có ảnh hưởng lớn và Trung Quốc là một nước đã hỗ trợ nhiều cho Triều Tiên, Nga cũng vậy.”
Tong Zhao, học giả hạt nhân của TC, nói với VOA:
“Tôi nghĩ Trung Quốc không đóng một vai trò trực tiếp nào trong các đàm phán song phương giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên mối quan hệ thân thiết giữa Triều Tiên và Trung Quốc lại làm cho cộng đồng thế giới nghĩ rằng Triều Tiên nhận được sự hậu thuẫn của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng Triều Tiên đã có chiến lược riêng để thiết lập vị thế của họ trong việc đàm phán với Hoa Kỳ.”
Bộ Ngoại giao TC hôm 28/2 nói rằng họ hy vọng đối thoại và liên lạc giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên vẫn có thể tiếp diễn.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC Lục Khảng nói trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh rằng cả hai bên đều đã thể hiện sự chân thành, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh ở Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Văn Luyến, chuyên gia điện nguyên tử của Việt Nam, cho VOA biết nhận định của ông về mục tiêu của hai bên đàm phán tại thượng đỉnh Hà Nội:
“Việc Triều Tiên có hạt nhân và tên lửa và vấn đề mà Triều Tiên mang ra mặc cả với Mỹ để đổi lấy việc nới bỏ cấm vận. Mỹ cũng có con bài là nếu như ông dẹp bỏ hạt nhân thì chúng tôi mới bỏ cấm vận. Hai bên đang thương lượng chuyện đó. Mỹ luôn luôn đưa ra điều kiên tiên quyết là Triều Tiên phi hạt nhân hóa nhưng phải kiểm chứng được, nghĩa là phải có thanh sát quốc tế hay một phái đoàn nào đó vào để chứng minh được Triều Tiên phi hạt nhân hóa một cách thật tình chứ không chỉ qua lời tuyên bố.”
Ông Dương Đại Triều Lâm cho biết:
“Việc ông Trump và ông Kim Jong Un không đạt được một thỏa thuận là một điều đáng tiếc. Thật đáng buồn cho nhân dân Triều Tiên vì nếu không đạt được các thỏa thuận và ông Kim vẫn tiếp tục theo đuổi đường lối chính trị của ông thì người dân Triều Tiên vẫn tiếp tục sống trong nền kinh tế kém phát triển, nghèo đói và lạc hậu. Người Triều Tiên chịu sự thiệt thòi nhiều nhất vì thỏa thuận không được ký kết.”
Ông Quang Hữu Minh nói việc Kim đi tàu hỏa đến TC rồi mới đến Việt Nam dự thưởng đỉnh cho thấy “thái độ lắng nghe” của Bình Nhưỡng đối với Bắc Kinh.
“Việc Hội nghị thượng đỉnh lần này tổ chức ở Việt Nam, tôi nghĩ phía Trung Quốc cũng không thích lắm. Kim Jong Un đã đi máy bay qua Singapore được thì không có lý do gì để ông không đi máy bay qua Việt Nam được. Vì vậy việc ông đi tàu hỏa qua ngõ Trung Quốc được xem như là một động thái gọi là ông lắng nghe Trung Quốc không chính thức trước khi ông đến Việt Nam.”
Ông Minh phân tích thông điệp của ông Trump sau khi ông cắt ngắn cuộc gặp Mỹ – Triều ở Hà Nội:
“Nếu như gặp nhau mà không ký được thỏa thuận thì ông Trump đi về thôi. Ông gửi ra một thông điệp, không chỉ cho Triều Tiên, mà còn cho Trung Quốc và Nga, là các nước có các vấn đề cần thỏa thuận với Mỹ, đó chính là đối với Tổng thống Mỹ hiện giờ, nếu làm và làm đúng thì ký, còn không làm, không đúng thì không ký. Thế thôi!”
Ông Trump gửi ra một thông điệp, không chỉ cho Triều Tiên, mà còn cho Trung Quốc và Nga, là các nước có các vấn đề cần thỏa thuận với Mỹ, đó chính là đối với Tổng thống Mỹ hiện giờ, nếu làm và làm đúng thì ký, còn không làm, không đúng thì không ký. – Ông Quang Hữu Minh
Truyền thông quốc tế trích lời các chuyên gia cho rằng Washington đã quá “vội vàng” trong việc xúc tiến hội nghị thượng đỉnh lần hai với Triều Tiên.
CNN trích lời ông Joseph Yun, cựu quan chức ngoại giao của Mỹ về Triều Tiên, cho rằng hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội đã kết thúc đột ngột vì “thiếu sự chuẩn bị.”
Theo https://www.voatiengviet.com/a/ban-tay-tq-lam-hong-thuong-dinh-my-trieu-tai-hanoi/4807730.html
0 comments