Đọc báo Pháp – 20/11/2020
Hiệp định RCEP : Không chỉ Trung Quốc, Nhật Bản cũng là bên thắng
Trọng Thành
Về thời sự quốc tế, chiến thuật « vườn không nhà trống », của tổng thống sắp mãn nhiệm Mỹ, chống chuyển giao quyền lực đến cùng, tiếp tục là chủ đề chính của báo chí Pháp hôm nay 20/11/2020. Về thời sự trong nước, dự luật về an ninh với điều khoản bị lên án là xâm phạm tự do ngôn luận là chủ đề trang nhất nhiều báo. Hiệp định thương mại RCEP giữa 15 nước châu Á, vừa ký kết, mà nhiều người coi là thắng lợi của Bắc Kinh, được nhiều báo quan tâm.
Le Monde có bài phân tích đáng chú ý của nhà báo Philippe Mesmer, thường trú tại Tokyo. Bài viết mang tựa đề « Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực RCEP, một bước thắng lợi đối với Nhật Bản » khẳng định việc ký kết RCEP là « một giai đoạn quan trọng trong chính sách thương mại của Tokyo ». 14 đối tác của Tokyo trong hiệp định này chiếm 46% tổng lượng hàng xuất khẩu của nước Nhật. Đối với Nhật Bản, thỏa thuận vừa ký thiết lập nên « một kiến trúc thương mại tự do đầu tiên » với Trung Quốc và Hàn Quốc, đối tác thương mại thứ nhất và thứ ba của Tokyo.
Le Monde điểm lại các cội nguồn của Hiệp định RCEP, với một thị trường khoảng 2 tỉ dân cư, chiếm 30% GDP toàn cầu, và lý do chính khiến Tokyo coi đây là một thắng lợi quan trọng, cho dù mới là một thắng lợi mang tính bước đệm.
Một thị trường rộng lớn tại bờ tây Thái Bình Dương, với khối ASEAN là trụ cột, là ý đồ của cả Nhật Bản và Trung Quốc từ khoảng 20 năm trở lại đây. Năm 2001, Bắc Kinh đề nghị ASEAN ký một thỏa thuận thương mại tự do trước 2010. Về phần mình, cũng vào thời điểm này, Nhật Bản khởi xướng kế hoạch xây dựng một cộng đồng kinh tế Đông Á cùng với khối ASEAN. Tiếp theo đó, Bắc Kinh mở rộng kế hoạch thành dự án ASEAN + 3 (gồm 10 nước ASEAN và 3 nước ngoài khối là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Kể từ năm 2006, chính phủ Shinzo Abe bắt đầu hướng đến một khu vực « Ấn Độ – Thái Bình Dương », đồng thời thúc đẩy dự án ASEAN + 6. Ngoài 13 quốc gia giống như dự án của Trung Quốc, còn có Ấn Độ, Úc và New Zealand. Hiệp định RCEP bắt đầu được thương lượng từ năm 2012, trong khuôn khổ dự án ASEAN + 6, do Tokyo đề xuất.
ASEAN, địa bàn cạnh tranh quyết liệt Nhật – Trung
Theo hai nhà nghiên cứu Peter A. Petri, trung tâm John L. Thornton về Trung Quốc, và Michael Plummer, đại học Johns Hopkins, « RCEP thường được giới thiệu một cách sai lầm là ‘‘do Trung Quốc chỉ đạo’’, trên thực tế, đây chính là một thắng lợi của ngoại giao cường quốc tầm trung của ASEAN ».
Đối với Nhật, tác động trước mắt của RCEP là tương đối hạn chế, bởi chỉ cho phép xóa bỏ tối đa là 91,5% thuế đối với hàng xuất khẩu của Nhật, so với việc xóa thuế 100% của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay Hiệp định TPP mới, ký kết năm 2018. Tuy nhiên, RCEP được coi là « hết sức quan trọng đối với việc hình thành một trật tự kinh tế quốc tế tự do và mở », theo chủ tịch Liên đoàn giới chủ Nhật Bản Keidanren, ông Hiroaki Nakanishi.
ASEAN là địa bàn cạnh tranh quyết liệt giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Năm 2018, tổng đầu tư của Nhật vào 6 nền kinh tế Đông Nam Á chủ yếu (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Việt Nam và Philippines) là 309 tỉ đô la, của Trung Quốc là 215 tỉ đô la.
Tokyo coi RCEP là bước đệm, bởi hiệp định này được coi là bước tiến quan trọng, mở ra triển vọng 3 quốc gia Đông Bắc Á ký kết vùng thương mại tự do Đông Bắc Á. Tokyo cũng được hy vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục Hoa Kỳ tham gia vào Hiệp ước TPP mới, một khi Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng, cũng như thuyết phục Ấn Độ tham gia RCEP.
Bắc Kinh vừa tuyên bố tự do kinh tế, vừa gia tăng kiểm soát
Báo chí Pháp đặc biệt chú ý đến việc Hiệp định RCEP được thông qua chỉ ít ngày trước thượng đỉnh APEC, diễn đàn kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, khai mạc hôm qua, 19/11. Theo Le Figaro, lãnh đạo Trung Quốc đã nhân dịp khai mạc APEC tự khẳng định như là « người đi đầu » trong việc cổ vũ cho thương mại tự do (APEC bao gồm các nền kinh tế hàng đầu thế giới hai bên bờ Thái Bình Dương, chiếm tổng cộng 60% GDP toàn cầu). Không nói ra, nhưng ai cũng hiểu, phát biểu của ông Tập Cận Bình gián tiếp chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ của tổng thống sắp mãn nhiệm Hoa Kỳ Donald Trump
Tuy nhiên, Le Figaro cũng lưu ý đến sự tương phản cao độ giữa tuyên bố của chủ tịch Trung Quốc với thực tế. Tử nhiều năm nay, Bắc Kinh – người lớn tiếng cổ vũ cho thương mại tự do – cũng nổi tiếng với các nỗ lực « ngăn cản các doanh nghiệp nước ngoài » làm ăn tại Trung Quốc và « các cạnh tranh bất chính ». Đúng vào lúc ông Tập Cận Bình hô hào mở cửa thị trường, tại lễ khai trương Hội chợ nhập khẩu ở Thượng Hải đầu tháng 11, nước Úc nhận ra là không còn có thể xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều mặt hàng như « gỗ, rượu vang hay tôm hùm ».
Một điểm khác cũng được Le Figaro nhấn mạnh là trong Hiệp định thương mại châu Á RCEP vừa được ký kết rất ít có các ràng buộc « về chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn môi trường », khác hẳn với Hiệp định TPP, do tổng thống tiền nhiệm Hoa Kỳ Obama chủ trương trước đây. Tuy nhiên, sự ra đời của RCEP – với hệ quả là kéo trung tâm kinh tế thế giới về khu vực châu Á – Thái Bình Dương – cũng « tạo áp lực » buộc Washington phải xem xét lại chính sách.
Thị trường Trung Quốc rủi ro cao, do can thiệp chính trị
Cũng Le Figaro có bài « Việc đảng Cộng Sản khống chế các doanh nghiệp gây khó cho việc mở cửa về tài chính của Trung Quốc ». Can thiệp chính trị của bộ máy đảng Cộng Sản vào hoạt động doanh nghiệp khiến ngay cả nhiều chủ doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, đảng viên Cộng Sản, cũng « sợ hãi ». Một trong những ví dụ mới nhất là việc công ty dịch vụ tài chính Ant, chi nhánh của tập đoàn Alibaba của tỉ phú Jack Ma, phải ngừng lên sàn chứng khoán Thượng Hải hôm 05/11. Kế hoạch dự kiến là mang tính lịch sử này đã bị đình hoãn vào phút chót. Theo kinh tế gia Julian Evans-Pritchard, việc đình hoãn này một lần nữa nhắc lại « sự thiếu minh bạch » của các thị trường Trung Quốc, và rủi ro cao độ do các can thiệp chính trị. Le Figaro ghi nhận việc đảng Cộng Sản Trung Quốc nắm trở lại khu vực kinh tế tư nhân nói riêng, và toàn xã hội nói chung, tăng tốc đáng kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012.
Úc bác bỏ yêu sách « 14 điểm » của Trung Quốc
Về châu Á, Libération đặc biệt chú ý đến căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Úc. Bài « Bắc Kinh giương móng với Canberra » ghi nhận một nấc thang mới, khi thủ tướng Úc Scott Morrison hôm qua, 19/11, đã thẳng thừng bác bỏ các đòi hỏi mà Bắc Kinh nêu ra trước đó hai hôm, khi khẳng định : « Nước Úc sẽ luôn là chính mình ». Các đòi hỏi của Bắc Kinh được sứ quán Trung Quốc thông báo bằng văn bản, gồm 14 yêu sách, với các phương tiện truyền thông Úc, để gây áp lực với Canberra. Chính quyền Trung Quốc chỉ trích Úc đòi điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19, xuất phát từ Vũ Hán, nay trở thành đại họa cho toàn cầu, hay việc Úc là quốc gia bên ngoài nhưng lại có lập trưởng phản đối Trung Quốc bành trướng quân sự tại Biển Đông, việc Canberra chống lại các đầu tư Trung Quốc tại Úc bị coi là mờ ám…
Căng thẳng Úc – Trung gia tăng không phải ngẫu nhiên. Cũng hôm thứ Ba vừa qua, 17/11, Úc và Nhật Bản vừa ký kết Thỏa thuận quốc phòng (thỏa thuận RAA), cho phép quân đội hai bên tập trận trên lãnh thổ của nhau. Le Monde chú ý đến phản ứng từ Trung Quốc, sau khi Tokyo và Canberra ký kết thỏa thuận lịch sử này. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo – chuyên chuyển tải lập trường cứng rắn của chính quyền Trung Quốc – nhận định Nhật Bản và Úc « đang được sử dụng như các công cụ để phục vụ cho ý đố của Mỹ » tập hợp liên minh chống Trung Quốc.
Chính quyền Úc tỏ thái độ hòa dịu, khi khẳng định thỏa thuận hợp tác quốc phòng RAA không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Úc với Bắc Kinh, đây chỉ là một bước mới trong quan hệ hợp tác mật thiết giữa Nhật và Úc, hai thành viên của Hiệp định thương mại châu Á giữa 15 quốc gia, vừa được ký kết, mà Trung Quốc tham gia.
Chống lại nền dân chủ Mỹ: Trump làm đủ cách để ngáng đường Biden
Chính sách của ông Donald Trump chống đối đến cùng, để ngăn cản đối thủ tiếp quản Nhà Trắng là hồ sơ chính của La Croix. Tờ báo chạy tựa trang nhất : « Donald Trump, tác oai tác quái », với nhận định : hai tuần sau chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tổng thống sắp mãn nhiệm liên tục có các biện pháp gây khó khăn cho đối phương. Xã luận La Croix mang tựa đề « Vườn không nhà trống » nhấn mạnh : ông Trump hoàn toàn có quyền khiếu kiện ra tòa, khi cho rằng cuộc bầu cử « có nhiều gian lận ». Tuy nhiên, tổng thống sắp mãn nhiệm đã chọn con đường đơn phương khẳng định ông mới là « người chiến thắng », và « cự tuyệt đối thoại với ứng cử viên Dân Chủ ». Hơn nữa, ông Trump còn cách chức nhiều cộng sự của ông, trong đó có người phụ trách tổ chức việc bầu cử, chỉ vì nhân vật này tuyên bố cuộc bầu cử vừa qua là « không thể chê trách ». Nhật báo Công giáo nhấn mạnh hành động của ông Trump cho thấy ông đang tấn công vào chính nền dân chủ Mỹ, khiến hàng triệu cử tri Mỹ mất lòng tin vào tính trung thực của cuộc bỏ phiếu. Trước khi buộc phải chấp nhận thất bại, ông Donald Trump muốn « để lại sau mình một đống hoang tàn », La Croix kết luận.
Nhật báo Kinh tế Les Echos cũng cùng một ghi nhận : vào lúc thất bại « ngày một rõ nét », tổng thống sắp mãn nhiệm Hoa Kỳ quyết định dùng mọi quyền lực trong tay để khiến cho việc chuyển giao quyền lực trở nên bội phần phức tạp. Bài « Trump gây khó khăn cho cuộc chuyển giao quyền lực như thế nào ? » của Les Echos khẳng định, kể từ hai tuần nay, không có bất cứ một phán quyết nào của tư pháp đứng về phía tổng thống sắp mãn nhiệm, và các cuộc kiểm phiếu lại đều xác nhận các kết quả đã có. Tuy nhiên, điều này không cản trở luật sư của Donald Trump, ông Rudy Giuliani, hôm 18/11, một lần nữa lớn tiếng tuyên bố bên Dân Chủ đã có một kế hoạch gian lận bầu cử quy mô lớn, tại nhiều thành phố.
Tự do ngôn luận – Pháp: Chính phủ phải điều chỉnh điều 24 bị phản đối
Về thời sự nước Pháp, từ nhật báo thiên tả Libération đến nhật báo thiên hữu Le Figaro, hay nhật báo kinh tế Les Echos, đều đặc biệt quan tâm đến điều khoản trong dự luật về an ninh – mang tên luật An ninh Toàn diện – đang được thảo luận tại Quốc Hội, quy định cấm phổ biến hình ảnh liên quan đến các nhân viên cảnh sát, trong các vụ cảnh sát bị cáo buộc đánh đập người dân. Theo Les Echos, dự luật cho phép truy tố những ai phổ biến các hình ảnh như vậy đe dọa quyền tự do thông tin, tự do báo chí – điều được nhiều hiệp hội bảo vệ nhân quyền cảnh báo. Vẫn theo Les Echos, dưới áp lực công luận, chính quyền đã buộc phải xem xét điều khoản 24 gây tranh cãi này. Xã luận Libération tố cáo việc chính quyền nhân cơ hội phong tỏa để thông qua các điều khoản tấn công vào quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Theo Le Figaro, điều luật tấn công tự do ngôn luận này không bị xóa bỏ, mà sẽ được « điều chỉnh ». Một nghị sĩ cánh hữu viết thư cho bộ Tư Pháp khẳng định điều khoản bị phản đối nói trên là không phù hợp với Hiến Pháp.
Tin tổng hợp
(Reuters) – Đài Loan bắt đầu tự đóng tàu ngầm.
Ngày 20/11/2020, chính quyền Đài Bắc thông báo tuần tới sẽ bắt đầu đóng chiếc tầu ngầm đầu tiên trong 8 chiếc thuộc một dự án tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo trước các đe dọa từ Trung Quốc. Chiếc tàu ngầm do Đài Loan tự đóng sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2024. Hiện tại Hải quân Đài Loan đã có 4 tàu ngầm, 2 thuộc thế hệ từ Thế chiến thứ 2.
(AFP) – Một quan chức cao cấp Mỹ sẽ đến thăm Đài Loan.
Theo chính quyền Đài Bắc ngày 20/11/2020, lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường, ông Andrew Wheeler dự kiến sẽ đến Đài Loan trước khi ông Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Đôi bên sẽ thảo luận về việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường. Lịch trình và nội dung chuyến thăm hiện đang được đôi bên soạn thảo, theo như giải thích của bộ Ngoại Giao Đài Loan.
(AFP) – Armenia thay bộ trưởng Quốc Phòng.
Thông báo của thủ tướng Nikol Pachinian đưa ra ngày 20/11/2020 sau thất bại ê chề của quân đội nước này tại Thượng Karabakh trước Azerbaijan. Ngoài bộ trưởng Quốc Phòng, chính phủ Armenia còn thông báo thay thế một loạt các quan chức khác như bộ trưởng Tình Trạng Khẩn Cấp, hay lãnh đạo ngành ngoại giao. Bản thân thủ tướng Nikol Pachinian cũng bị phe đối lập chỉ trích mạnh mẽ, đòi ông phải từ chức.
(AFP) – Bỉ cách ly 120 con thiên nga phòng cúm gia cầm.
Những con kênh tại thành phố Bruges thơ mộng sẽ phải vắng bóng 120 con thiên nga trong một thời gian, theo như thông báo của chính quyền thành phố ngày 19/11/2020. Số gia cầm này sẽ được đưa về một nơi ẩn náu an toàn sau khi phát hiện một số ca nhiễm cúm gia cầm đầu tiên ngày 13/11.
(Yonhap) – Chính sách về Bắc Triều Tiên của ông Joe Biden sẽ khác với chính sách thời Obama.
Đây là nhận định ngày 19/11/2020 của một nhóm nghị sĩ đảng Dân Chủ đang cầm quyền ở Hàn Quốc và lý do chính là bối cảnh chính trị tại Hàn Quốc. Theo nghị sĩ Yun Kun Young, vào thời ông Obama, “chính quyền tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tìm cách gây sức ép tối đa với Bắc Triều Tiên. Sự khác biệt lớn hiện nay là chính quyền Moon Jae In lại cổ vũ cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.
(AFP) – Thủ tướng Boris Johnson tăng ngân sách quốc phòng Anh.
Tại Hạ Viện Anh ngày 19/11/2020, ông Johnson xác nhận sẽ tăng thêm 10% ngân sách dành cho quân đội, tương đương với 16,5 tỉ bảng Anh cho bốn năm tới. Ngân sách quốc phòng Anh năm 2020 là 41,5 tỉ bảng. Với khoản tăng mới, chưa bao giờ quân đội Anh có ngân sách lớn như vậy kể từ cuối Chiến tranh lạnh, chiếm ít nhất 2,2% GDP, tương đương với mức cam kết của NATO. Ông Johnson khẳng định : “An ninh của Vương quốc là một ưu tiên” dù Anh đang đối phó với đại dịch Covid-19 và đàm phán Brexit, có thể khiến GDP giảm 11% trong năm 2020.
(AFP) – Venezuela mở cửa lĩnh vực dầu khí với đồng minh.
Biện pháp này đang được chính quyền tổng thống Nicolas Maduro tính đến thông qua một đạo luật “chống phong tỏa” được Quốc Hội lập hiến thông qua vào ngày 08/10/2020. Ông Nicolas Maduro từng thừa nhận là “luật chống phong tỏa này cho phép mọi việc”, trong đó có việc khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí, kể cả dưới hình thức đầu tư vô danh. Ngành khai thác dầu của Venezuela bị điêu đứng vì các lệnh cấm vận của chính quyền Mỹ.
(AFP) – Trốn thuế gây thiệt hại cho thế giới khoảng 427 tỉ đô la hàng năm.
Đây là kết quả được tổ chức phi chính phủ Tax Justice Network công bố trong báo cáo ngày 20/11/2020. Tổ chức này coi “trốn thuế” là mọi dòng tài chính chuyển ra nước ngoài để tránh nộp thuế, nhưng không đi sâu vào việc hành động đó là phi pháp hay không.
Điểm tin thế giới 20/11:
Bắc Kinh đe dọa nhóm Ngũ Nhãn; Nhóm pháp lý
của Trump họp báo về vụ kiện gian lận phiếu
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới ngày thứ Sáu (20/11) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Thành viên Đảng Dân chủ muốn “giáo dục lại” 75 triệu người ủng hộ Trump. Daily Wire cho hay, vào đêm thứ Tư (18/11), David Atkins, một thành viên của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ, đã bày tỏ mong muốn này. Qua Twitter, Atkins cho biết anh ta hiện là Giám đốc Vùng 10 của Đảng Dân chủ bang California.
Bắc Kinh đe dọa nhóm Ngũ Nhãn. Chính quyền Trung Quốc đã thể hiện sự phản đối gay gắt đối với các thành viên của nhóm này (Mỹ, Anh, Úc, New Zealand và Canada) sau khi Bắc Kinh bị Ngũ Nhãn lên án vì đứng sau việc hủy bỏ tư cách nghị sĩ của những chính trị gia được người dân Hồng Kông bầu chọn. Triệu Lập Kiên, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cảnh báo rằng “các con mắt” sẽ bị “chọc mù” nếu các thành viên của nó không “cẩn thận” trong các hành vi, The Postmillennial đưa tin.
Ông Trump đưa lại tweet về gian lận bầu cử năm 2012. Vào tối thứ Tư (18/11), Tổng thống Trump đã đăng lại nội dung tweet này, cho thấy gần 10 năm về trước, khi chưa bước vào cuộc đua tới Tòa Bạch Ốc, ông đã nhìn ra vấn đề gian lận trong bầu cử Mỹ. “Nhiều báo cáo hơn về việc máy bỏ phiếu chuyển [phiếu của ứng cử viên GOP Mitt] Romney sang cho [Tổng thống Barack] Obama”, ông Trump viết vào
Ngày bầu cử năm 2012. “Hãy chú ý đến máy [kiểm phiếu], đừng để lá phiếu của bạn bị đánh cắp”, theo Western Journal.
Biden chọn người chống Israel cho nội các mới. Ứng viên của Đảng Dân chủ có thể đang “quy hoạch” bà Karine Jean-Pierre, cố vấn cao cấp cho một tổ chức được tỷ phú thiên tả George Soros hậu thuẫn, vào vị trí thư ký báo chí Nhà Trắng. Bà Jean-Pierre được biết tới như một người chống nhà nước Do Thái một cách “điên cuồng”. Hiện người phụ nữ gốc Haiti cũng giữ vai trò cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử tổng thống 2020 của Biden, theo Western Journal.
Luật sự của chiến dịch Trump bị đe dọa. Nữ luật sư Linda Kerns là người đại diện cho Tổng thống Trump tại bang chiến địa Pennsylvania. Hiện bà đã được đưa vào diện bảo vệ chính thức sau khi nhận được “những lời đe dọa gây tổn hại”, theo Epoch Times.
Nhóm pháp lý của ông Trump họp báo về cuộc chiến pháp lý. Họ đã tổ chức một cuộc họp báo vào chiều thứ Năm (19/11) để giải thích các bằng chứng về hành vi gian lận cử tri mà họ tin rằng sẽ ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Cuộc họp báo do luật sư Rudy Giuliani chủ trì, cùng với các luật sư khác của Tổng thống Trump như Jenna Ellis, Sidney Powell và Joe Digenova. Giuliani cho biết nhóm của ông có đủ bằng chứng để “lật ngược [kết quả] của bất kỳ cuộc bầu cử nào”, theo Daily Caller.
Tổng giám đốc WHO bị tố hậu thuẫn quân nổi dậy. Reuters đưa tin, Tướng Birhanu Jula, tư lệnh quân đội Ethiopia hôm 19/11 tuyên bố trên truyền hình rằng Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đang hậu thuẫn cho nhóm nổi dậy Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) chống chính phủ. “Bản thân ông ấy là thành viên của nhóm đó và ông ấy là tội phạm”, tướng Jula nói.
Hạ viện Hoa Kỳ đề xuất cấm quan chức Trung Quốc nhập cảnh. Đại diện Đảng Cộng hòa của Arizona tại Hạ viện Hoa Kỳ, bà Debbie Lesko, đã đệ trình một dự luật vào ngày 17/11 nhằm ngăn chặn Đảng Cộng sản Trung Quốc cướp đoạt quyền sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại của người Mỹ bằng cách cấm các quan chức cấp cao của tổ chức này và con cái họ nhập cảnh vào Hoa Kỳ (Chi tiết).
Trợ lý của Biden muốn thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Theo tờ Sound of Hope, Mahlet Mesfin, thành viên thẩm tra nhóm chuyển tiếp của ông Biden, gần đây bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học với Trung Quốc, bao gồm các nghiên cứu trong lĩnh vực “chỉnh sửa gen”, nhằm đối phó với virus cúm Vũ Hán. Mesfin đã khen ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc sáng suốt trong phương diện kiểm soát dịch bệnh tại đại lục (Chi tiết).
Tạp chí xã hội
Pháp chống khủng bố : Bài toán khó
về ngăn chặn thông điệp thù hận trên mạng xã hội
Thùy Dương
Năm năm sau loạt vụ khủng bố tối 13/11/2015 tại Paris và ngoại ô khiến 130 người thiệt mạng, làm 350 người bị thương và gây chấn động toàn quốc, nước Pháp vẫn nhiều lần phải đương đầu với các vụ tấn công khủng bố. Cùng với thời gian và sự biến chuyển của xã hội, mối họa khủng bố đã có nhiều thay đổi khiến các biện pháp phòng chống không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Gây rúng động nhất trong thời gian gần đây có lẽ phải kể tới vụ Hồi giáo cực đoan sát hại man rợ, chặt đầu thầy giáo sử-địa Samuel Paty ở ngoại ô Paris ngày 16/10/2020 sau khi nhà giáo 47 tuổi cho học sinh xem tranh biếm họa của tuần báo Charlie Hebdo về nhà tiên tri Mohamed trong giờ học giáo dục công dân. Vụ Paty đã thổi bùng tranh luận về đấu tranh chống thông điệp hận thù, thúc đẩy Pháp tăng cường mặt trận chống khủng bố trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng thầy giáo Paty thiệt mạng một phần vì những thông điệp hận thù đã không được xóa bỏ kịp thời, kích động thủ phạm ra tay.
Theo France 24 ngày 30/10, hiện nay chính phủ Pháp ít lo ngại về nguy cơ tấn công khủng bố được chuẩn bị từ nước ngoài hơn là các hành động cá nhân đơn lẻ trong nước. Với sự phát triển bùng nổ của mạng internet và các mạng xã hội, hơn bao giờ hết, nước Pháp đang chật vật trong cuộc chiến chống các thông điệp hận thù và Hồi giáo cực đoan trên mạng internet.
Ngày 20/10/2020, trang mạng Public Senat trích dẫn phát biểu của bộ trưởng chuyên trách Quyền Công Dân / Bộ Nội Vụ Marlène Schiappa, trong một cuộc họp với lãnh đạo các mạng xã hội và trang web lớn tại Pháp trong khuôn khổ cuộc chiến chống « Hồi giáo cực đoan trên mạng Internet » : « Chúng ta đang phải đối phó với một thế hệ người cực đoan mới, đó là những thanh niên cực đoan hóa không phải do đến các đền thờ Hồi giáo cực đoan, do tiếp xúc với những người có tư tưởng cực đoan hay trở nên cực đoan khi ở trong nhà tù mà là những người trẻ tuổi trở nên cực đoan khi ngồi một mình trước màn hình điện thoại hay máy tính trong phòng riêng của họ ».
Tăng cường nhân sự cho Pharos là chưa đủ
Sau khi vụ sát hại thầy giáo Paty xảy ra, trang web Pharos của chính phủ Pháp chuyên về báo động, phân tích các nội dung phi pháp trên mạng internet được nhắc tới nhiều. Được thành lập từ năm 2009, nhưng thực ra Pharos không được công chúng biết đến nhiều cho dù nhiệm vụ của họ rất đa dạng : chống các nội dung hận thù trên mạng xã hội, trang web, diễn đàn, chống quấy rối, lừa đảo trên mạng internet … Chỉ vỏn vẹn có 30 nhà điều tra, mỗi năm phải tiếp nhận, xử lý hơn 200.000 ngàn báo động của cư dân mạng, thì không khó để hình dung hiệu quả thực sự của Pharos chỉ là rất hạn chế. Để khắc phục, chính quyền Pháp đã quyết định tăng cường nhân lực cho trang web Pharos.
Tuy nhiên, France Info ngày 02/11 trích dẫn nhận định của giảng viên Romain Badouard thuộc Viện Báo Chí Pháp, Đại học Paris II – Panthéon Assas, theo đó trong bối cảnh khối lượng thông tin được đăng tải ồ ạt trên mạng như hiện nay, chẳng hạn chỉ tính riêng Twitter, chỉ trong vòng một phút, có tới vài trăm ngàn tin nhắn được đăng tải, thì nhân sự của Pharos cho dù có tăng thêm hàng trăm, hàng ngàn người cũng sẽ là không đủ. Còn ông Marc Rees, tổng biên tập trang mạng NextInfact, chuyên về luật công nghệ số, nhấn mạnh ngoài việc tăng cường nhân lực cho Pharos, cần có sự chuyển tiếp nhanh chóng, hiệu quả từ các lời báo động, cảnh báo của Pharos đến hành động xử lý của cơ quan tư pháp.
Tăng cường trách nhiệm của các mạng xã hội
Trong số các biện pháp tăng cường kiểm soát và đấu tranh chống các thông điệp hận thù trên mạng xã hội, thủ tướng Pháp Jean Castex trong các bài phát biểu đã nói đến khả năng Pháp sẽ thông qua nhiều quy định, điều luật mới, chẳng hạn về tội gây nguy hiểm đến tính mạng người khác trên mạng xã hội. Tuy nhiên, theo đài France Culture, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, luật sư chuyên về quyền kỹ thuật số nhận định, nước Pháp đã có đủ luật để chống sự lan truyền các thông điệp thù hận trên mạng xã hội.
Nhà nghiên cứu Romain Badouard nói đến « đặc trưng kiểu Pháp » : cứ khi nào xảy ra thảm kịch, chính quyền Pháp lại tìm cách tạo ra các luật mới để chứng tỏ họ có hành động. Đối với ông, thách thức đặt ra hiện nay là áp dụng triệt để các luật đã có sẵn chứ không phải tạo ra thêm luật mới.
Còn luật sư về quyền kỹ thuật số Alexandre Lazarègue khẳng định trong bộ luật hình sự đã có các điều luật quy định việc xử lý những người kêu gọi tiến hành các hành vi phạm tội, kích động hận thù … và nhấn mạnh phải tăng cường, ràng buộc trách nhiệm của các mạng xã hội đối với nội dung được đăng tải, không thể coi mạng xã hội chỉ như một « thùng thư » trên mạng, ai muốn bỏ thư gì vào thì bỏ, không thể coi mạng xã hội chỉ là một nơi chứa các tin nhắn, thông điệp, mà phải coi mạng xã hội như cơ quan báo chí và áp dụng luật báo chí đối với họ.
Vẫn theo chuyên gia Lazarègue, ngoài việc buộc các mạng xã hội dỡ bỏ các nội dung kích động hận thù, chính quyền phải lưu ý đến tính minh bạch của các thuật toán mà các mạng xã hội sử dụng, phải khám phá được « hộp đen » thuật toán của các mạng xã hội, bởi theo chuyên gia Alexandre Lazarègue, chính các thuật toán này là « thủ phạm » : thông điệp càng cực đoan thì càng được mạng xã hội cho lan truyền nhanh.
Doanh nghiệp Phát bắt đầu tham gia mặt trận chống thù hận trên mạng
Chống thù hận trên mạng hiện nay không chỉ là nhiệm vụ cấp bách cho chính phủ Pháp mà còn bắt đầu thu hút được sự quan tâm của các công ty chuyên về trí thông minh nhân tạo và thuật toán thông minh trong việc tìm kiếm, sàng lọc, thu thập và báo động về thông tin giả mạo, sai lệch và bài viết kích động hận thù, cổ súy khủng bố trên các mạng xã hội. Một trong số đó là công ty khởi nghiệp Predicta Lab tại thành phố Toulouse, miền nam nước Pháp.
Trả lời đài France Info ngày 07/11/2020, ông Baptiste Robert, nhà sáng lập start-up Predicta Lab, giải thích : « Ý tưởng của Predicta Lab là ban đầu sẽ thu thập dữ liệu trên các mạng xã hội, tất cả các mạng xã hội, như TikTok, Facbook (…) phân tích các dữ liệu và rồi đưa ra các báo động tùy vào nội dung mà chúng tôi thu thập được, có thể liên quan đến sự thù hận trên mạng, hay việc phát hiện ra là có người đang bị hàng trăm người khác quấy rối, hay một sự kiện đang xảy ra (…)
Chúng tôi nhận thấy là từ khi Predicta Lab khởi động, chúng tôi đã phát hiện ra nhiều điều và rất nhanh chóng. Đúng là bây giờ sự thù hận đang lan truyền trên các mạng xã hội. Chẳng hạn hôm nay tôi mới thấy một đoạn vidéo quay cảnh một phụ nữ bị chồng đánh đập và bên dưới có hàng loạt bình luận mang tính thù hận. Có những người dành cả buổi tối, từ 18 giờ cho đến nửa đêm hay 1h sáng chỉ để chửi bới người khác trên mạng internet và cũng trong một buổi tối có những người viết từ « đồ đểu cáng », « đồ khốn nạn » hàng trăm lần và những từ này xuất hiện trong tất cả các tin nhắn Twitter của họ (…)
Đã có những chương trình tương tự, có những doanh nghiệp tương tự chủ yếu là doanh nghiệp Mỹ. Mạng xã hội nào cũng có công cụ riêng để theo dõi, nhưng ở Pháp thì chưa có doanh nghiệp nào thực sự làm những chương trình như thế này. Nước Pháp đang thực sự có nhu cầu về một thị trường như vậy và châu Âu cần có hành động để có thể xử lý tất cả những vấn đề này, đôi khi chúng liên quan nhiều đến an ninh quốc gia, chẳng hạn về hành vi ca tụng, cổ xúy khủng bố ».
Nhưng liệu trí thông minh nhân tạo có phải là một giải pháp thần kỳ để đấu tranh chống sự thù hận lan truyền trên mạng internet hay không ?Nhà sáng lập Predicta Lab nhấn mạnh :
« Công nghệ không phải là điều kỳ diệu. Vẫn còn rất khó để nắm bắt được hết các sắc thái. Thế nhưng, điều mà chúng tôi có thể làm và đã biết làm, đó là xác định được những bài viết có nội dung rõ ràng, trực tiếp, chẳng hạn như « Cần chặt đầu người Pháp ». Với những nội dung kiểu này, thuật toán của chúng tôi có thể hiểu được ngay và chúng tôi biết là đây là một thông điệp gây tội ác, một lời đe dọa, có người đang ca tụng, cổ súy khủng bố. Đó là những bài viết mà nội dung được thể hiện một cách trực tiếp, rõ ràng, cụ thể. Nếu chúng ta có thể loại bỏ hết những bài viết như thế khỏi các mạng xã hội thì điều này sẽ tốt cho tất cả mọi người và không khí trên các mạng xã hội cũng sẽ dịu đi ».
Sự ràng buộc của tự do ngôn luận
Về phía cộng đồng, bộ trưởng Marlène Schiappa, đề xuất ý tưởng triển khai « đội quân cộng hòa trên mạng ». Trên thực tế, đã có nhiều hội đoàn và nhiều nhóm cư dân mạng phối hợp để đấu tranh chống các phát ngôn hận thù, mang tính bạo lực trên mạng internet. Mục đích của họ là kêu gọi sự chú ý của những cư dân mạng mà họ gọi là những thành phần « đa số thầm lặng », những người đọc được các nội dung thù hận trên mạng, không hùa theo nhưng cũng không phản đối hay báo động cho cơ quan chức năng.
Thế nhưng, trả lời phỏng vấn báo 20 Minutes, nhà nghiên cứu Romain Badouard cho biết sự tự nguyện tham gia của cư dân mạng là rất cần thiết, nhưng nếu có sự tổ chức của chính quyền thì chưa chắc sẽ mang lại thành công bởi một số người sẽ dè chừng khi nghĩ rằng chính phủ có ý đồ can thiệp vào các cuộc tranh luận trên các diễn đàn, mạng xã hội.
Quả thực, người Pháp vốn dĩ đề cao quyền tự do ngôn luận, và chính điều này đã tạo thế khó cho chính quyền Pháp. Các đề xuất của chính quyền thường bị chỉ trích là ngăn chặn tự do ngôn luận. Sự thất bại của dự thảo luật Avia về chống hận thù trên mạng xã hội trước Hội Đồng Bảo Hiến của Pháp hồi tháng 06/2020 là một minh chứng.
Làm thế nào để duy trì quyền tự do ngôn luận mà vẫn kiểm soát không để nội dung hận thù lan truyền trên mạng, kích động bạo lực, khủng bố, gây hại cho an ninh quốc gia là bài toán khó mà chính quyền Pháp vẫn chưa có lời giải triệt để.
(Tổng hợp từ France 24, France Culture, France Info, Public Senat, 20 Minutes)