Tin Việt Nam – 05/10/2020
3 dân biểu Mỹ kêu gọi trả tự do cho TNLT Nguyễn Bắc Truyển trước đối thoại nhân quyền
Ba dân biểu Hoa Kỳ vào ngày 2 tháng 10 vừa qua đã viết thư gửi Ngoại trưởng Mike Pompeo, yêu cầu người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác tại Việt Nam.
Thư với nội dung như vừa nêu được đưa ra trước đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ- Việt Nam lần thứ 24 sẽ diễn ra vào ngày 6 tháng 10 này.
Thư do 3 dân biểu đồng ký tên gồm bà Zoe Lofgren và hai ông Harley Rouda, Alan Lowenthal. Nội dung thư nêu rõ “việc trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển sẽ là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá sự cải thiện nhân quyền và chứng tỏ chính phủ Việt Nam cam kết cải thiện các quyền tự do cá nhân trong phạm vi đất nước của họ.”
Hai dân biểu Zoe Lofgren và Harley Rouda là người bảo trợ cho tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển trong dự án bảo vệ tự do của Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos thuộc Hạ Viện Hoa Kỳ.
Phó chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế (USIRF), bà luật sư Anurima Bhargava cũng bảo trợ cho tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển theo Chương trình tù nhân lương tâm, tôn giáo của USIRF. Ủy hội này cho biết gần đây có liên lạc nhiều lần với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về hồ sơ của tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển.
Ông Nguyễn Bắc Truyển là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy, và là Chủ tịch Hội Ái hữu cựu tù chính trị Việt Nam. Ông cùng một số thành viên Hội Anh em Dân chủ bị cơ quan chức năng bắt hồi năm 2017 với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Vào tháng 4 năm 2018, ông bị tòa tuyên án 11 năm tù theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 1999.
Tù nhân lương tâm, nhà thơ Trần Đức Thạch
bị truy tố về tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chế độ”
Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định truy tố tù nhân lương tâm (TNLT), nhà thơ, cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 341, Quân đoàn 4, quân đội Bắc Việt -Trần Đức Thạch. Ông này cũng là người vừa nhận được giải thưởng Nguyễn Chí Thiện 2020.
Tin dẫn nguồn từ kết luận điều tra của cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Nghệ An đề ngày 18 tháng 9. Theo đó, ông Trần Đức Thạch bị truy tố về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chế độ” theo điều 109, Bộ luật hình sự VN với mức án có thể lên đến 20 năm tù.
Nhà thơ Trần Đức Thạch bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ vào ngày 23/4/2020. Lúc đó, bà Nguyễn Thị Chương – vợ ông Thạch cho RFA hay có người giả vờ xin vào nhà để hỏi thăm chồng bà rồi trở mặt bắt luôn. Cũng theo bà Chương, ông Thạch hiện bị giam giữ tại trại giam Nghi Kim, tỉnh Nghệ An.
Ông Trần Đức Thạch, sinh năm 1952 ở Nghệ An, là một nhà hoạt động tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam trong nhiều năm qua.
Hồi tháng 10 năm 2009, ông đã từng bị TAND TP Hà Nội kết án 3 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cùng với hai ông Vũ Văn Hùng và Phạm Văn Trội.
Ông Thạch là tác giả của tác phẩm “Hố chôn người ám ảnh” kể lại sự việc lính Bắc Việt khi thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh đã thảm sát hàng trăm thường dân vô tội ở xã Tân Lập, bây giờ gọi là Xuân Lập, thuộc huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai ngay trước ngày 30-4-1975. Với những đóng góp của mình, giải thưởng mang tên tù chính trị Nguyễn Chí Thiện 2020 đã được trao cho ông vào ngày 28/9/2020.
TNLT Trần Đức Thạch cũng là một thành viên của Hội Anh em dân chủ, một tổ chức tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam một cách ôn hòa không được nhà nước công nhận và đã có hàng chục thành viên bị bắt giữ và thụ án trong những năm qua.
Các bị cáo trong vụ Đất vàng Lê Duẩn
làm đơn kháng cáo
Ông Trương Văn Út (nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý đất – Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM) và ông Nguyễn Hoài Nam (nguyên Bí thư Quận ủy Quận 2 TPHCM) vừa có đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt.
Truyền thông Nhà nước loan tin hôm 5/10, trích thông tin từ Tòa án Nhân dân TPHCM cho biết, hai người xin giảm án có liên quan đến vụ án ông Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM) cùng đồng phạm giao cho tư nhân khu nhà, đất ở số 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, TPHCM khiến Nhà nước thiệt hại hơn 252 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp liên quan đến vụ án được nói cũng làm đơn kháng án vì cho rằng án sơ thẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích doanh nghiệp.
Bà Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Lavenue) trước đó cũng đã làm đơn kháng án sơ thẩm.
Hôm 20/9 vừa qua, Tòa án Nhân dân TPHCM đã tuyên án phạt ông Nguyễn Thành Tài 8 năm tù với tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Với cùng tội danh, bà Lê Thị Thanh Thúy bị tuyên 5 năm tù, và ông Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM) lãnh án 5 năm tù.
Ông Trương Văn Út bị phạt 3 năm tù, tổng hợp với hình phạt 5 năm tù trước đó là 8 năm tù. Ông Nguyễn Hoài Nam bị tuyên 4 năm tù.
Cáo trạng xác định ông Nguyễn Thành Tài cùng đồng phạm đã chỉ đạo, tổ chức việc thanh lý khu đất 8-12 Lê Duẩn không qua đấu thầu, giao đất cho doanh nghiệp tư nhân trái luật.
Hội đồng Xét xử xác định ông Tài vì nể bà Thúy nên đã ký nhanh và nhiều văn bản tạo điều kiện giúp công ty của bà này tham gia dự án với tư cách nhà đầu tư dù biết công ty không đủ năng lực.
Thái Lan dự định
mua 3 nhà máy điện mặt trời ở Việt Nam
Tập đoàn WHAUP của Thái Lan lên kế hoạch mua 3 nhà máy điện mặt trời ở Việt Nam và thương vụ dự kiến sẽ được hoàn tất vào đầu năm 2021.
Tờ Bangkok Post, vào ngày 5/10 dẫn lời của giám đốc điều hành Tập đoàn WHAUP (WHA Utilities and Power), ông Niphon Bundechanan cho biết như vừa nêu.
Ông Niphon cho biết WHAUP đang thương thuyết để mua lại các nhà máy điện mặt trời có công suất từ 50 đến 250 MW.
Giám đốc điều hành Tập đoàn WHAUP, công ty hoạt động kinh doanh điện lực lớn nhất ở Thái Lan, cho biết thêm rằng WHAUP có kế hoạch trở thành cổ đông đa số hoặc chủ sở hữu hoàn toàn 3 nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam và dự kiến thủ tục mua bán sẽ xong vào đầu năm tới. Tuy nhiên, tổng giá trị đầu tư vào 3 nhà máy điện mặt trời không được tiết lộ.
Trong cùng ngày 5/10, truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn nguồn từ Bộ Công thương cho biết cơ quan này cần thực hiện một chương trình thí điểm xác định giá điện mặt trời, trong giai đoạn chuyển tiếp từ mua bán điện cố định (gọi là cơ chế FIT) sang hình thức đấu thầu.
Theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, do Thủ tướng Việt Nam ban hành cuối tháng 4 năm 2020, các dự án đáp ứng yêu cầu về thời điểm được cấp chủ trương đầu tư và có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 được áp dụng cơ chế FIT trong vòng 20 năm. Các dự án không đáp ứng được tiêu chí của cơ chế FIT sẽ phải được xác định qua cơ chế cạnh tranh, nghĩa là đấu thầu theo giá từ thấp đến cao.
Bộ Công thương dự kiến, từ tháng 11/2020 đến tháng 5/2021 sẽ tổ chức lựa chọn dự án theo giá điện, và từ năm 2021 đến tháng 6/2022 là thời gian hoàn thiện thủ tục và thực hiện đầu tư dự án.
Các dự án điện mặt trời tham gia Chương trình giá điện đấu thầu phải dưới mức giá trần do Thủ tướng phê duyệt, và sẽ được lựa chọn để phát triển cho đến khi đạt tổng quy mô công suất của Chương trình.
Chương trình áp dụng đối với các dự án điện mặt trời chỉ 1 lần cho dự án điện mặt trời nổi và điện mặt trời nối lưới. Chương trình không áp dụng đối với dự án điện mặt trời nối lưới được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và hình thức mua bán điện trực tiếp.
Cơ chế giá FIT nhằm để khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc KEPCO
tham gia dự án nhiệt điện than tại Việt Nam
Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã quyết định tham gia vào dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam, bất chấp những chỉ trích ngày càng tăng từ các nhà đầu tư toàn cầu và các nhóm môi trường nước ngoài.
The Korea Times dẫn tin từ tập đoàn nhà nước này cho biết hôm 5/10.
Theo KEPCO, các thành viên hội đồng quản trị của tập đoàn đã đồng ý tham gia vào dự án Vũng Áng 2 trị giá 2,2 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy nhiệt điện than 600 megawatt tại tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Dự án dự kiến sẽ khởi công vào nửa đầu năm 2021.
Dự án nhà máy điện trị giá 2,2 tỷ USD ở Vũng Áng ban đầu được đầu tư bởi Tập đoàn Mitsubishi và Công ty Điện lực & Ánh sáng Trung Quốc (CLP) của Hồng Kông, mỗi bên nắm giữ 40% cổ phần và Công ty Điện lực Chugoku của Nhật Bản nắm giữ 20% cổ phần còn lại. Nhưng sau khi CLP thông báo sẽ rút khỏi dự án do chính sách thoát than mới được thông qua, Mitsubishi đã đề xuất KEPCO mua lại cổ phần của CLP.
Tin cho biết, nếu sự tham gia của KEPCO được hoàn tất, các công ty Hàn Quốc như Samsung C&T và Doosan Heavy Industries dự kiến sẽ tham gia dự án với tư cách là nhà thầu kỹ thuật, mua sắm và xây dựng (EPC).
KEPCO hiện đang phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng của các nhà đầu tư, với lo ngại dự án sẽ khiến KEPCO không đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp, cũng như việc đang tiến hành thay đổi các tiêu chuẩn năng lượng toàn cầu, vốn coi trọng năng lượng tái tạo hơn.
Các nhà hoạt động môi trường cũng phản đối và kêu gọi KEPCO rút lại kế hoạch của mình, vì các nhà máy nhiệt điện than thải ra một lượng lớn khí nhà kính và các chất gây ô nhiễm không khí. Các nhà đầu tư toàn cầu của KEPCO cũng phản đối động thái đầu tư vào các dự án nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài.
Bất chấp những chỉ trích, KEPCO cho biết việc tham gia dự án xây dựng sẽ giúp mình và các công ty Hàn Quốc khác cùng tham gia dự án này, tạo ra cơ cấu lợi nhuận ổn định vì KEPCO sẽ vận hành nhà máy này trong 25 năm.
Bộ Công an yêu cầu PVN cung cấp
thông tin về dự án Junin 2-Venezuela
Cơ quan an ninh điều tra thuộc Bộ Công an yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cung cấp thông tin, tài liệu và danh sách những cá nhân liên quan về dự án Junin 2 đầu tư ở Venezuela. Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin hôm 5 tháng 10 năm 2020.
Lý do được Bộ Công an nêu ra là đang thu thập chứng cứ theo Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự để điều tra, xác minh tố giác về dấu hiệu sai phạm tại dự án Junin 2.
Hồi tháng 3 năm 2020, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – Bộ Công an đã có văn bản gửi PVN về việc xác minh, thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan tới dự án này.
Dự án Junin 2-Venezuela được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2010 với tổng vốn đầu tư hơn 12,4 tỷ USD, trong đó chi phí đầu tư đến năm 2015 gần 8,9 tỷ USD và từ 2016 trở đi khoảng 3,5 tỷ.
60% vốn đầu tư tại dự án Junin 2 được liên doanh vay, tương ứng 5,8 tỷ USD. 40% còn lại do các bên đóng góp tương ứng 3,1 tỷ USD. Phần vốn góp của phía Việt Nam phải đóng tương ứng với tỷ lệ tham gia 40% trong hợp đồng hơn 1,24 tỷ USD. Đặc biệt, dự án còn chi tới 584 triệu USD gọi là chi phí hoa hồng trả cho Venezuela khi thăm dò, khai thác mỏ này bất kể có dầu hay không. Phía PVN giải thích khoản tiền 584 triệu USD là khoản tiền mà nhà thầu phải trả cho nước chủ nhà khi ký hợp đồng dầu khí, không phải tiền hoa hồng.
Tuy nhiên sau đó, dự án không có tiến triển nên cuối năm 2013, Thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ đã chỉ đạo Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) tạm dừng đầu tư vào dự án.
Theo báo cáo tài chính năm 2016 của PVN, PVN sau khi chi hai khoản chi phí lần đầu và lần thứ hai với hơn 442 triệu USD vào năm 2011 và 2012 thì đến năm 2013, PVN phải ngừng nộp cho phía Venuezuela khoản chi phí lần ba là 142 triệu USD để đánh giá lại.
Việt Nam thông qua dự án
hơn 5 tỷ USD của tập đoàn Mỹ
Thành phố cảng Hải Phòng vừa phê duyệt dự án tổ hợp nhà máy điện khí hóa lỏng trị giá 5,09 tỷ USD do tập đoàn dầu khí hàng đầu của Mỹ, ExxonMobil, phát triển, dự kiến sẽ bắt đầu phát điện vào năm 2026-27.
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 1/10, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết nhà máy điện tại khu công nghiệp Tiên Lãng sẽ có công suất ban đầu là 2,25 gigawatt (GW) và sẽ được mở rộng lên 4,5 GW vào năm 2029-2030, theo Cổng thông tin điện tử TP Hải Phòng.
UBND thành phố này cho biết dự án cũng sẽ bao gồm một kho cảng nhập với công suất 6 triệu tấn khí đốt tự nhiên hoá lỏng mỗi năm.
Tuyên bố của UBND thành phố Hải Phòng được đưa ra vài ngày sau chuyến thăm của Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink hôm 28/9 tới thành phố cảng, trong đó ông đã tới thắp hương tưởng niệm các vị anh hùng đánh bại quân Nam Hán từ phương Bắc ở Bạch Đằng Giang cách đây hơn 1.300 năm. Theo trang tin chính thức của UBND TP Hải Phòng, Đại sứ Mỹ trong chuyến thăm này bày tỏ mong muốn rằng lãnh đạo Hải Phòng “quan tâm ủng hộ Dự án Tổ hợp khí LNG-Điện Hải Phòng của Tập đoàn ExxonMobil với trị giá đầu tư khoảng 5,1 tỷ USD, đồng thời đề nghị thành phố sớm có văn bản gửi Bộ Công thương để hỗ trợ việc đưa Dự án vào Quy hoạch điện 7 điều chỉnh về Phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam.”
Vào tháng 6, báo điện tử chính phủ cho biết Việt Nam hoan nghênh động thái đầu tư vào Việt Nam của tập đoàn Mỹ, trong đó “có khai thác khí thiên nhiên (LNG), lọc hoá dầu và sản xuất điện từ LNG,” sau cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch toàn cầu của tập đoàn ExxonMobil, ông Irtiza Sayyed.
Vào thời điểm đó, Chính phủ Việt Nam nói rằng một dự án điện ở Hải Phòng có thể sử dụng LNG nhập khẩu từ Hoa Kỳ hoặc các nước khác.
Ngoài dự án ở Hải Phòng, tập đoàn ExxonMobil đang có kế hoạch đầu tư phát triển chuỗi điện khí công suất 3.000MW tại Long An với cam kết cung cấp liên tục đầy đủ LNG trực tiếp từ Mỹ và một số nước khác, theo Vietnam Finance.
Viện Năng lượng Việt Nam đang soạn thảo quy hoạch tổng thể phát triển điện năng mới và đã lập danh sách 22 nhà máy điện LNG với tổng công suất tiềm năng lên đến 108,5 GW, nhà máy đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023.
Theo Reuters, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng từ năm 2021 do nhu cầu vượt xa việc xây dựng các nhà máy mới.
Một công ty liên doanh của Mỹ với Việt Nam, LNG Chân Mây, cũng đang có kế hoạch đầu tư tới 6 tỷ USD vào một dự án điện ở Việt Nam để tìm cách thu lợi nhuận từ nhu cầu điện tăng cao của quốc gia Đông Nam Á cũng như giúp thu hẹp thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.
John Rockkeep, CEO của liên doanh với 60% vốn của Mỹ, nói với Reuters bên lề Diễn đàn cao cấp về năng lượng Việt Nam 2020 hồi tháng 7 rằng “dự án hiện đang nằm trên bàn của Thủ tướng (Việt Nam) và chúng tôi hy vọng sẽ nhận được giấy phép đầu tư vào mùa thu này.”
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-thong-qua-du-an-hon-5-ty-usd-cua-tap-doan-my/5609360.html
Dư luận Việt Nam “hoảng sợ”
khi tỉnh Quảng Trị định mua bình hút tài lộc
để tặng các đại biểu cộng sản dự đại hội
Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 4 tháng 10 năm 2020 loan tin, Tỉnh ủy Cộng sản tỉnh Quảng Trị đã lên kế hoạch bỏ ra 544.6 triệu đồng để mua bình 500 bình gốm hút tài lộc cao cấp và các loại phù hiệu của đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ 17 để tặng cho các đại biểu Cộng sản tham dự đại hội. Như vậy, trung bình mỗi chiếc mình có giá từ 500,000 đến 600,000 đồng.
Ngoài ra, tỉnh này cũng dự định bỏ ra 631.25 triệu đồng để mua sắm cặp đựng tài liệu tặng thêm cho các đại biểu Cộng sản. Sau khi biết thông tin này, dư luận Việt Nam, đặc biệt là một số người dân Quảng Trị đã tỏ ra “hoảng sợ” vì nếu “bình hút tài lộc cao cấp” có tác dụng thì đồng nghĩa với việc tiền trong túi người dân sẽ chui vào những “chiếc bình” được tặng.
Việc này của Tỉnh ủy Cộng sản Quảng Trị chẳng khác nào khuyến khích, mong muốn các viên chức trong tỉnh hãy tham nhũng nhiều hơn, hãy vơ vét mồ hôi công sức của người dân nhiều hơn. Vì đã làm viên chức thì lương thưởng đã nằm trong quy định, nên việc “hút tài lộc” này nếu không phải vơ vét từ dân thì sẽ lấy từ đâu?
Mặt khác, dư luận cũng cho rằng, những người Cộng sản vốn là vô thần, từng bài xích, đàn áp các tôn giáo nhưng giờ lại quá mê tín dị đoan, tin vào chiếc bình vô tri vô giác để mang lại sự giàu có cho mình. Ngoài ra, dư luận còn phản đối việc mua sắm trên vì Quảng Trị là một tỉnh nghèo, năm nào cũng xin gạo cứu đói nhưng các quan chức lại có thể chi tiền thỏa mái để phục vụ nhu cầu mê tín dị đoan của họ.
An Nhiên
Đảng CSVN khai mạc Hội nghị Trung ương 13,
bàn công tác nhân sự
Hội nghị Trung ương 13 vừa khai màn với các nội dung trọng tâm bao gồm công tác nhân sự và hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội Đảng khóa 13.
Báo điện tử Chính phủ của Việt Nam cho biết Hội nghị Trung ương 13 đã khai mạc sáng nay tại Hà Nội và dự kiến sẽ kéo dài tới ngày 10/10.
Trong sự kiện lần này, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ cho ý kiến, xem xét về tình hình kinh tế – xã hội năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021; tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng; công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 và một số vấn đề quan trọng khác.
Ông Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo gì?
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người đang gặp vấn đề sức khỏe từ hơn một năm qua, đã phát biểu khai mạc hội nghị.
Theo báo điện tử Chính phủ, trong phát biểu “thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư”, ông Trọng đã “nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đại biểu tham dự Hội nghị và phát biểu một số ý kiến có tính chất nêu vấn đề, gợi mở để các đồng chí Trung ương quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định”.
Ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng hội nghị diễn ra trong bối cảnh nhiệm kỳ Đại hội 12 sắp kết thúc, các tổ chức đảng đã hoàn thành đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, đã và đang tiến hành đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.
Chuẩn bị Đại hội 13: Thách thức cho Đảng Cộng sản Việt Nam?
Đại hội Đảng 13 và ‘Cuộc đua Tam Mã’ vào ghế tổng bí thư
Ông còn cho biết hiện cả nước đang phát huy những kết quả quan trọng đã đạt được, vừa tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiểm soát đại dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế – xã hội, nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nghị quyết Đại hội 12 của Đảng và nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020.
Ông nhấn mạnh: “Nội dung chương trình hội nghị lần này bao gồm những vấn đề rất cơ bản và hệ trọng. Đề nghị các đồng chí Trung ương dành thời gian tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp”.
Trong hơn một năm qua, sau khi đột ngột lâm bệnh trong chuyến đi tới tỉnh Kiên Giang vào giữa tháng 4/2019, ông Trọng ít xuất hiện trước công chúng. Tình trạng sức khỏe của ông sau đó ít được biết đến. Mới đây, theo Quyết định được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/8, sức khỏe lãnh đạo nhà nước được xếp vào loại “tối mật” nên người dân càng không thể biết được.
‘Trường hợp đặc biệt’
Một trong những vấn đề quan trọng được công chúng và giới quan sát quan tâm là công tác nhân sự cho khóa 13 sắp tới. Trong đó, nhiều câu hỏi đã được đặt ra như: “Ai sẽ thay thế ông Trọng?”, “Ông Trọng có tiếp tục là ‘trường hợp đặc biệt’?”, “Tứ trụ sẽ gồm những ai?”
Theo cơ cấu nhân sự dự kiến, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Khóa 13 sẽ có 200 người. Số ủy viên Bộ Chính trị dao động từ 17 đến 19 người và Ban Bí thư có từ 11 đến 13 người.
Độ tuổi của ủy viên Ban chấp hành Trung ương được cơ cấu với tỉ lệ 10-15% dưới 50 tuổi, 75 đến 80% từ 51 đến 60 tuổi và 10% từ 61 tuổi trở lên. Ủy viên dự khuyết không được quá 45 tuổi. Người lần đầu tiên vào Ban chấp hành Trung ương phải còn đủ tuổi để công tác hai nhiệm kỳ. Người tái cử vào Ban chấp hành Trung ương phải dưới 60 tuổi, còn tái cử vào Bộ Chính trị phải dưới 65 tuổi.
Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam có cơ chế “trường hợp đặc biệt” cho những người vượt ngoài khung tuổi này. Ông Nguyễn Phú Trọng chính là một trong những “trường hợp đặc biệt”, dù quá tuổi vẫn được cơ cấu tái cử vào khóa 12.
Từ thực tế này, vấn đề “trường hợp đặc biệt” được giới quan sát và công chúng cực kỳ quan tâm trước Đại hội Đảng sắp tới.
Sức khỏe của các ủy viên Bộ Chính trị cũng là vấn đề lớn và gây nhiều tranh luận trong thời gian qua. Ngoài ông Trọng, trong khóa 12 hiện tại, đã có một ủy viên Bộ Chính trị qua đời khi đang làm Chủ tịch nước là ông Trần Đại Quang. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cũng đang lâm trọng bệnh. Từ tháng 7/2017 đến nay, ông Huynh không còn xuất hiện trong các hoạt động chính trị. Vị trí Thường trực Ban Bí thư của ông cũng đã được giao cho ông Trần Quốc Vượng nắm giữ.
‘Đảng đã quá đắt đỏ’
Một trong những vấn đề nổi cộm đang được người dân quan tâm trong thời gian gần đây là tệ “hoang phí” trong việc tổ chức đại hội đảng các cấp, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc khóa 13.
Mới đây nhất, Tỉnh ủy Quảng Trị vào tối 3/10 đã phải hủy gói thầu “bình hút tài lộc cao cấp và các loại phù hiệu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17″. Trước đó, để phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị gửi thông báo mời thầu “bình hút tài lộc cao cấp và các loại phù hiệu” với dự toán gói thầu hơn 544 triệu đồng. Sau khi người dân phản ánh, đặc biệt là thông qua mạng xã hội Facebook, tỉnh này đã quyết định hủy bỏ khoản mua sắm trên.
Các bình luận ‘mong Đảng Cộng sản dân chủ hóa, thậm chí đa đảng’
Việt Nam: Đảng Cộng sản ‘tách đôi là cách đa đảng giúp ổn định, không biến loạn’
Trước đó, hàng loạt tỉnh cũng đã chào các gói thầu trị giá hàng tỉ đồng để sắm cặp da, cặp giả da và quà tặng cho đại biểu, trong đó bao gồm tỉnh Quảng Bình dự chi 2,2 tỉ đồng mua cặp giả da. Tỉnh ủy Tuyên Quang cũng mời thầu 2 gói thầu may 428 bộ trang phục cho các đại biểu với tổng dự toán hơn 2,5 tỉ đồng.
Bình luận về điều này, Hưng Phạm Ngọc, một người có nhiều ảnh hưởng trên Facebook, viết trên trang cá nhân: “Tuyên Quang chi 2 tỉ rưỡi may đồ cho đại biểu dự đại hội đảng bộ tỉnh là một ví dụ nữa cho thấy đảng đang trở nên quá đắt đỏ với dân tộc này”.
Doanh nhân Văn Công Mỹ đặt vấn đề về trường hợp của tỉnh Quảng Trị:
“Qua cái tin Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị đã quyết định hủy gói thầu ‘bình hút tài lộc cao cấp và các loại phù hiệu Đại hội Đảng bộ tỉnh…’ chúng ta bỗng giật mình nghĩ người Cộng sản đang ở đâu, và đang làm gì trong xã hội này? Phải chăng họ đang chễm chệ trên cao, khoác bộ cánh sang trọng và…hút, mà trong cái bình ấy, mồ hôi nước mắt của người dân không biết tự khi nào đã bị họ mặc nhiên biến thành ‘tài lộc’ bất tận hưởng!”.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ, chính phủ phải tăng chi ngân sách cho chống dịch và phục hồi kinh tế, việc chi tiêu cho hoạt động của đại hội đảng các địa phương càng gây ra bức xúc cho người dân.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54382370
Điểm tin trong nước sáng 5/10:
Bác sĩ xài bằng giả mở phòng khám liên tỉnh;
Đề xuất làm 43 trạm xe đạp công cộng ở Sài Gòn
Mạnh Đức
Mục Điểm tin trong nước sáng thứ 2 (ngày 5/10) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Cha, mẹ bị phạt đến 1 triệu nếu sai con nhỏ mua thuốc lá
Tuyến cao tốc hơn 6.300 tỷ đồng ở miền Tây
Đề xuất làm 43 trạm xe đạp công cộng ở trung tâm Sài Gòn
Bác sĩ xài bằng giả mở phòng khám liên tỉnh
Ôtô tông xe máy, húc lan can cầu rơi xuống sông, 5 người chết
Và sau đây là nội dung chi tiết
Cha, mẹ nếu sai con nhỏ mua thuốc lá có thể bị phạt đến 1 triệu đồng
Pháp luật TP.HCM – Nghị định 117/2020 được Chính phủ ban hành vào 28/9, chính thức có hiệu lực từ 15/11/2020 và thay thế Nghị định 176/2013.
Một trong những điểm đáng chú ý của nghị định mới là đưa mức phạt đối với các hành vi vi phạm về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá cho người dưới 18 tuổi.
Cụ thể, Điều 29 Nghị định 117 quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối người nào sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá.
Như vậy, từ ngày 15/11 (ngày Nghị định 117 chính thức có hiệu lực) cha, mẹ sai bảo con chưa đủ 18 tuổi đi mua thuốc lá thì có thể bị phạt đến một triệu đồng.
Ngoài ra, tại Nghị định 117 cũng quy định mức phạt tiền với nhiều hành vi vi phạm khác để phòng chống tác hại của thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, như sau: – Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá: Phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi hút thuốc lá: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 – 500.000 đồng khi .
Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em: Phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng…
Tuyến cao tốc hơn 6.300 tỷ đồng ở miền Tây
VnExpress – Khởi công từ giữa năm 2016, dự án Cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi có điểm đầu kết nối với cầu Vàm Cống (Cần Thơ), điểm cuối nối với tuyến tránh TP. Rạch Giá, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
Dự án có vốn đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó vốn vay Hàn Quốc hơn 4.500 tỷ (200 triệu USD), còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.
Tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi là một phần của dự án Kết nối trung tâm đồng bằng Mekong, gồm cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đường nối hai cầu, dài 28km, vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng, trở thành tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cao tốc này kết nối với tuyến N2, thông suốt từ Bình Phước, Bình Dương và TP.HCM về đến Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và tận mũi Cà Mau, không phải qua Quốc lộ 1A, giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Theo báo Zing, Đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (chủ đầu tư dự án) cho biết dự án ban đầu dự kiến thông xe vào cuối tháng 9/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết nên tiến độ thông xe lùi lại một tháng.
Đề xuất làm 43 trạm xe đạp công cộng ở trung tâm Sài Gòn
Pháp luật & Bạn đọc – Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT) vừa có văn bản gửi UBND Thành phố về việc đề xuất triển khai dự án thí điểm xe đạp công cộng Mobike trên địa bàn.
Theo đó, dự án sẽ được triển khai thí điểm tại khu vực quận 1 và dọc tuyến đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu (quận 3, tuyến đường có dự án xe buýt ưu tiên BRT). Trong giai đoạn thí điểm, Sở GTVT đã khảo sát và thống nhất sử dụng 43 vị trí để làm nơi đậu cho 388 xe đạp, dự kiến triển khai trong 1 năm.
Người sử dụng xe đạp sẽ phải trả 5.000 đồng/30 phút, 10.000/60 phút, thời gian đầu sẽ miễn phí sử dụng 15 phút từ 1-3 tháng.
Xe đạp được gắn hệ thống khóa thông minh và đảm bảo an toàn như khoá hỗ trợ tính năng GPS, hỗ trợ đóng/mở khoá xe qua kết nối 2G/3G/4G/Bluetooth, phương thức đóng/mở khoá bằng cách sử dụng ứng dụng trên smatphone (điện thoại thông minh) để quyét mã QR-Code được in trên khoá. Hệ thống khoá có sử dụng năng lượng mặt trời được gắn sẵn trên xe.
Bên cạnh đó, lốp xe đạp được thiết kế và sử dụng loại chống thủng, có trang bị đèn để đi vào buổi tối, các chi tiết đảm bảo chắc chắn, bền bỉ, chống ăn mòn, phù hợp với thời tiết tại TP.HCM.
Bác sĩ xài bằng giả mở phòng khám liên tỉnh
Thanh Niên – Ngày 4/10, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai – Phan Huy Anh Vũ cho biết vừa phát hiện, xử lý vụ việc Giám đốc Công ty TNHH nha khoa Gold Sài Gòn (H.Long Thành) sử dụng bằng bác sĩ răng hàm mặt và chứng chỉ hành nghề giả.
Cụ thể, qua kiểm tra phát hiện ông Đào Thái Xương – nhân viên phòng khám, đang khám cho bệnh nhân nhưng không có chứng chỉ hành nghề. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh do Sở Y tế Đồng Nai cấp ngày 30/12/2019.
Làm việc với Thanh tra Sở Y tế vào ngày 10.8, ông Nguyễn Bá Ngọc (Giám đốc Công ty TNHH nha khoa Gold Sài Gòn) và ông Đỗ Viết Đại (người chịu trách nhiệm chuyên môn, kỹ thuật của phòng khám) thừa nhận ông Đào Thái Xương không có chứng chỉ hành nghề.
“Bản thân ông Nguyễn Bá Ngọc có bằng bác sĩ, chứng chỉ hành nghề và làm giám đốc phòng khám, nhưng lại thuê người khác đứng tên chuyên môn kỹ thuật, khiến chúng tôi nghi ngờ có thể văn bằng, chứng chỉ này là giả nên tạm giữ để xác minh làm rõ”, đại diện Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai cho biết.
Ngày 12/8, Thanh tra Sở Y tế tiếp tục làm việc với ông Nguyễn Bá Ngọc về vấn đề bằng cấp thì ông này thừa nhận bằng tốt nghiệp bác sĩ răng hàm mặt do Trường đại học Y Dược TP.HCM cấp ngày 22.10.2011 và Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh số 003683/HCM-CCHN do Sở Y tế TP.HCM cấp ngày 10/9/2014 đều là giả.
Với vi phạm sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề, Sở Y tế Đồng Nai đã xử phạt hành chính Phòng khám nha khoa Gold Sài Gòn 50 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám chữa bệnh 4 tháng 15 ngày. Đối với hành vi sử dụng bằng cấp giả của ông Nguyễn Bá Ngọc, Sở Y tế đã chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh Đồng Nai để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Ôtô tông xe máy, húc lan can cầu rơi xuống sông, 5 người chết
Tuổi Trẻ – Khoảng 20h tối 4/10, một ôtô (chưa rõ người cầm lái) chạy trên cầu treo sông Giăng nối hai xã Thanh Liên và Phong Thịnh (huyện Thanh Chương) thì tông hai người chạy xe máy trên cầu, rồi húc đổ lan can cầu và lao xuống sông.
Người dân nhanh chóng đưa một người chạy xe máy bị thương đến bệnh viện cấp cứu, đồng thời hô hoán mọi người xuống sông cứu một người đi xe máy và những người trong ôtô.
Đến 22h10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể ba người đàn ông mắc kẹt trong ôtô. Riêng 1 người đi xe máy vẫn đang mất tích dưới sông.
Lúc 22h30, lực lượng cứu nạn đã tìm thấy nạn nhân tử vong thứ 4 – là người đàn ông đi xe máy bị rơi sông sau vụ tai nạn.
Lúc 23h, thông tin từ các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương, nạn nhân là người đi xe máy được đưa đi cấp cứu cũng không qua khỏi so vết thương quá nặng. Như vậy, vụ tai nạn nghiêm trọng làm 5 người chết, trong đó có 2 người đi xe máy, 3 người trong xe ôtô.
3 nạn nhân trong ôtô tử vong là ông Nguyễn Thế Tuấn (40 tuổi), Lê Đình Anh (37 tuổi) và Lê Đình Quyết (47 tuổi), cùng ngụ xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương.
2 người đi xe máy tử vong là anh Đào Văn Nam và Hoàng Anh Tuấn (28 tuổi), cùng ngụ xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương.
Điểm tin trong nước tối 5/10: Tỉnh Hòa Bình
tháo khẩu hiệu ‘11 chữ gần 11 tỷ đồng’; Vùng
áp thấp hướng vào Trung Bộ sẽ gây mưa rất to
Tâm Minh – Hiểu Minh
Mục Điểm tin trong nước tối thứ 2 (ngày 5/10) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Vùng áp thấp hướng vào Trung Bộ sẽ gây mưa rất to
Tỉnh Hòa Bình tháo khẩu hiệu ‘11 chữ gần 11 tỷ đồng’
Thủy điện Hòa Bình xả lũ, người dân thiệt hại hơn 10 tấn cá
Dịch tả lợn châu Phi tái phát ở Hà Tĩnh
Vùng áp thấp hướng vào Trung Bộ sẽ gây mưa rất to
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 5/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,5-14,5 độ Vĩ Bắc; 114,7-115,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 330 km về phía Bắc Đông Bắc.
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và kết hợp với hoạt động của không khí lạnh, nên từ ngày 7 đến 11-10 ở các tỉnh Trung Bộ có khả năng mưa to đến rất to, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 500-700 mm/đợt.
Tỉnh Hòa Bình tháo khẩu hiệu ‘11 chữ gần 11 tỷ đồng’
Theo Báo Doanh nhân và Pháp luật, trước sự bức xúc của dư luận, tỉnh Hoà Bình ngày 3/10 đã tháo dỡ xong bảng khẩu hiệu đang thi công dang dở trên đồi Ông Tượng.
Hiện trường chỉ còn những cọc thép đã được gia cố. Đơn vị thi công cũng di chuyển phương tiện máy móc khỏi đồi Ông Tượng.
Phóng viên Báo Doanh nhân và Pháp luật đã liên hệ với lãnh đạo tỉnh Hoà Bình và Công ty Anh Kỳ, đơn vị trúng thầu, song chưa nhận được phản hồi về lý do tháo dỡ.
Trước đó, hồi tháng 7, tỉnh Hòa Bình chi gần 11 tỷ đồng lắp đặt dòng chữ lớn với 11 chữ trên đồi ông Tượng. Trung bình mỗi chữ trên khẩu hiệu có giá khoảng 950 triệu đồng.
Thủy điện Hòa Bình xả lũ, người dân thiệt hại hơn 10 tấn cá
Truyền thông trong nước vừa cho biết sau khi hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ từ hôm 2/10, nhiều lồng cá trên sông Đà, thuộc hai xã Thạch Đồng và Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ có hiện tượng cá chết.
Theo thông tin từ chính quyền huyện Thanh Thủy, hiện tượng cá chết bất thường bắt đầu xuất hiện từ sáng hôm 4/10, đến nay vẫn đang tiếp diễn. Số lồng cá bị thiệt hại là trên 20 lồng, trong đó có 6 lồng mất trắng chủ yếu là cá lăng với tổng số cá chết đến nay khoảng trên 10 tấn.
Đây là lần đầu tiên sau 2 năm thủy điện Hòa Bình xả lũ, lần gần nhất vào tháng 9/2018.
Dịch tả lợn châu Phi tái phát ở Hà Tĩnh
Dịch tả lợn châu Phi vừa tái phát ở tỉnh Hà Tĩnh khi mới đây một ổ dịch đã được phát hiện ở xã Quang Lộc, huyện Can Lộc.
Ổ dịch mới được phát hiện tại nhà ông Nguyễn Viết Công, trú thôn Thượng Lội, xã Quang Lộc. Trước đó hai hộ nuôi cùng thôn với ông Công cũng xuất hiện tình trạng lợn chết, dương tính với dịch, số lợn phải tiêu hủy của ba gia đình đến nay là 15 con.
Trong năm 2020, dịch tả lợn châu Phi tái phát ở Hà Tĩnh khiến 92 con lợn của 24 hộ dân ở huyện Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hương Khê, thị xã Hồng Lĩnh, thành phố Hà Tĩnh bị chết, tổng số lợn phải tiêu hủy là 5,7 tấn. Từ tháng 8 đến lúc dịch tái phát ở huyện Can Lộc, tỉnh không phát sinh ca bệnh mới.
Trước khi khởi công đập Tam Hiệp, hai nhân vật quan trọng lần lượt mơ thấy bị xuống địa ngục
Bí mật phong thuỷ linh thiêng của Hồ Tây, ngay cả Cao Biền cũng không thể phá giải