Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Chủ Nhật, 12 Tháng 1, 2025
Tin Mới :

Tin Việt Nam – 07/11/2019

Thursday, November 7, 2019 7:27:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 07/11/2019

Y án 12 năm tù Việt Kiều Mỹ bị cáo buộc

 “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”

Công dân Mỹ gốc Việt Michael Phương Minh Nguyễn (55 tuổi) bị Tòa án nhân dân cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh sáng ngày 6 tháng 11 năm 2019 tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho một người khác trong vụ án nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:
Hôm qua, ngày mùng 6 đã xử tại Tòa án nhân dân cấp cao thành phố Hồ Chí Minh, kết quả là y án đối với ông Michael Phương Minh Nguyễn – 12 năm tù giam. Sau khi thi hành án xong sẽ bị trục xuất về Mỹ. Ông Huỳnh Đức Thịnh vẫn y án 1 năm tù giam và hiện giờ ông vẫn đang tại ngoại và có thể là ít bữa nữa sẽ có lệnh thi hành án và ông sẽ bị ‘chung’ thêm 9 tháng nữa.”
Trong cùng vụ án, hai anh Huỳnh Đức Thanh Bình và Trần Long Phi không kháng cáo.
Trong phiên sơ thẩm trước đó, ông Huỳnh Đức Thịnh, cha của anh Huỳnh Đức Thanh Bình bị tuyên 1 năm tù giam với tội danh “Không tố giác tội phạm” nhưng luật sư cho rằng ông này không có tội.
Luật sư Miếng cho biết thêm phiên tòa có khoảng 200 công an, an ninh nhưng không có người nhà của bị cáo nào tham dự.
Ông Michael Phương Minh Nguyễn chỉ được luật sư chỉ định là ông Hồ Huy Lễ bào chữa. Tuy nhiên theo ông Miếng, luật sư này đã làm hết sức bằng cách tìm ra nhiều tình tiết giảm nhẹ cho công dân Hoa Kỳ nhưng không được tòa án chấp nhận.
Sau phiên tòa, luật sư Nguyễn Văn Miếng gặp viên chức chính trị của Tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn cũng đến để xem xét xử. Khi được viên chức này hỏi là ‘luật sư có ngạc nhiên trước phiên xử’ thì luật sư cho hay ‘không hề ngạc nhiên về bản án này’.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TPHCM, năm 2018, ông Michael Phương Minh Nguyễn từ Hoa Kỳ trở về Việt Nam lập nhóm “Quốc nội quật khởi” nhằm lật đổ chính quyền.
Kế hoạch của những người này được cho là biểu tình kết hợp với kẹt xe với dự định sẽ lôi kéo 100 người tham gia biểu tình. Cáo trạng cũng quy kết những người này mua sắm vũ khí để chống trả lại cơ quan chức năng, chuẩn bị lương thực và nơi lẩn trốn để sử dụng trong thời gian dài.
Nhiều dân biểu Hoa Kỳ đã lên tiếng đề nghị chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Michael Phương Minh Nguyễn nhưng không được đáp ứng.
Hôm 24 tháng 6 năm nay, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm tuyên ông Michael Phương Minh Nguyễn 12 năm tù giam, trục xuất sau khi thi hành án.
Hai thanh niên khác là anh Huỳnh Đức Thanh Bình (SN 1996) bị tuyên 10 năm tù giam và anh Trần Long Phi (SN 1998) 8 năm tù giam với cùng một cáo buộc.
Cả ba người đều bị bắt vào tháng 7 năm 2018 và bị giam giữ gần một năm mới bị đưa ra xét xử.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/overseas-vietnamese-michael-phuong-minh-nguyen-s-sentence-unchanged-11072019073224.html

Toà cấp cao bác bỏ

kháng cáo của ông Michael Minh Phương Nguyễn

Tin từ Sài Gòn, ngày 07/11/2019: Toà án cấp cao chế độ cộng sản Việt Nam tại Sài Gòn đã bác bỏ kháng cáo của công dân Hoa Kỳ gốc Việt Michael Minh Phương Nguyễn, giữ nguyên bản án 12 năm tù giam về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” đã tuyên án trong phiên toà sơ thẩm ngày 24/6 năm nay.
Cũng trong phiên kháng cáo này, toà giữ nguyên bản án 1 năm tù giam đối với cựu tù chính trị Huỳnh Đức Thịnh, người từng bị kết án bởi phiên toà sơ thẩm cuối tháng 6 về tội danh “không tố giác tội phạm.”
Cùng trong một vụ là hai nhà hoạt động trẻ Huỳnh Đức Thanh Bình, con trai ông Thịnh, và Trần Long Phi. Họ bị toà án sơ thẩm kết án tương ứng 10 năm và 8 năm tù giam, nhưng hai bạn trẻ này không kháng cáo.
Theo nhiều nhà hoạt động nhân quyền ở Sài Gòn, không một thân nhân nào của ông Michael và ông Thịnh được vào phòng xử án để theo dõi phiên toà vốn chỉ diễn ra trong 3 giờ đồng hồ.
Một số viên chức của Toà Đại sứ và Toà Lãnh sự của Hoa Kỳ đã đến quan sát phiên kháng cáo, và có thông tin là họ đang vận động để nhà cầm quyền Việt Nam trục xuất ông Michael sớm.
Trong tháng 11, nhà cầm quyền cộng sản đã và sẽ đưa nhiều người bất đồng chính kiến ra xét xử về những tội danh nguỵ tạo. Ngày 07/11, Toà án cấp cao tại Sài Gòn sẽ nghe kháng cáo của ông Nguyễn Ngọc Ánh, người bị kết án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” trong phiên toà sơ thẩm tháng 6. Những người bị đem ra toà tiếp theo là vợ chồng luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải với cáo buộc trốn thuế, 4 ông Võ Thường Trung, Đoàn Viết Hoan, Nguyễn Đình Khuê và Ngô Xuân Thành với cáo buộc “gây rối an ninh” và giảng viên cao đẳng Nguyễn Năng Tĩnh với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/toa-cap-cao-bac-bo-khang-cao-cua-ong-michael-minh-phuong-nguyen/

Nhà hoạt động môi trường Nguyễn Ngọc Ánh

bị tòa phúc thẩm y án 6 năm

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho kỹ sư nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh, vào tối ngày 7 tháng 11 cho Đài Á Châu Tự Do biết một số thông tin về phiên phúc thẩm như sau:
“Hôm nay Tòa áncó nhiều điểm khác nhiều phiên tòa khác, thứ nhất là an ninh siết chặt nghiêm ngặt ngay cả luật sư cũng không được phép mang laptop vào phòng xét xử. luật sư phải khiếu nại, kỳ kéo, tranh đấu cuối cùng được mang usb copy tài liệu, in ra. Có điểm lạ tất cả những người đến dự khán phiên tòa gồm người nhà, vợ các TNLT khác đều được vào tòa nhưng chỉ được vào phòng xem qua màn ảnh tivi, không được vào trực tiếp phòng xét xử. Đây là điều hết sức lạ, trước nay việc vào tham dự rất khó khăn, duy có điều  ở phòng đó thì những người tham dự qua màn hình TV nói rằng khi nào, luật sư nói trong tòa hoặc bị cáo nói thì màn hình bị cắt đen thui không có tín hiệu nào cả.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết thêm anh Ánh giữ thái độ hết sức kiên cường, Ánh thừa nhận hết tất cả hành vi trong bản cáo trạng nêu duy có điều rằng Ánh không thừa những hành vi đó là hành vi có tội, Ánh cho rằng tất cả hành vi anh làm là thực hiện quyền người dân được làm theo hiến pháp, đó là quyền tự do ngôn luận (nói tất cả những điều mình muốn) gồm cả quyền tham gia xây dựng chính quyền, góp ý những vấn đề về xã hội, và kêu gọi biểu tình cũng là quyền do hiến pháp qui định, thực ra là kêu gọi những người dân khác tham gia thực hiện quyền công dân của mình nó cũng không gọi là vi phạm tội.
Vào ngày 6 tháng 11, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) ra thông cáo báo chí kêu gọi chính phủ Hà Nội trả tự do cho ông Nguyễn Ngọc Ánh.
Theo HRW thì việc truy tố và giam giữ nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh rõ ràng vi phạm quyền tự do ngôn luận của bản thân ông này.
Ông John Sifton, Giám đốc Vận động Châu Á của HRW, được dẫn lời trong thông cáo báo chí rằng ông Nguyễn Ngọc Ánh là một trường hợp trong số ngày càng nhiều các nhà bất đồng chính kiến bị giam giữ vì bày tỏ ý kiến trên Facebook. Chính quyền Việt Nam dường như đang cho rằng việc sử dụng nền tảng mạng xã hội theo đúng mục đích thiết kế là một tội hình sự.
Trả lời RFA hôm 6/11, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc chuyên trách châu Á, thuộc Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói:
“Tôi thực sự rất quan ngại về việc nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh ra tòa ngày mai vì phải đăng bài và đưa bình luận trên tài khoản Facebook cá nhân. Ông ấy lẽ ra không phải ra tòa và phải được trả tự do. Đó là việc một cá nhân thực thi quyền tự do ngôn luận. Lẽ ra không nên coi là phi pháp khi người ta đưa thông tin trên mạng xã hội và ông ta phải được trả tự do. Toà án tỉnh ở Việt Nam buộc tội ông ấy vì ông ấy dám chỉ trích chính quyền, lên tiếng cảnh báo về môi trường, nhân quyền. Đó là cách nhà cầm quyền Việt Nam đáp trả lại những tiếng nói chỉ trích. Thật sự thì những người như ông này lên tiếng vì họ muốn điều tốt cho Việt Nam.”
Kỹ sư nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh bị cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre bắt vào ngày 30 tháng 8 năm ngoái với cáo buộc ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghịa Việt Nam’ theo điều 117 Bộ Luật HÌnh sự Việt Nam.
Tòa sơ thẩm ở Bến Tre vào ngày 6 tháng 6 vừa qua tuyên ông Nguyễn Ngọc Ánh 6 năm tù giam và 5 năm quản chế. Theo truyền thông trong nước thì ông Nguyễn Ngọc Ánh chia sẻ các tin, bài ‘phản động’ nhằm nói xấu đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam, kích động người dân biểu tình trong dịp quốc khánh. Tuy nhiên, theo HRW thì các bài viết của ông Nguyễn Ngọc Ánh là về các vấn đề điển hình thu hút quan tâm của các nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam, nạn hủy hoại môi trường do nhà máy Formosa gây nên kể từ tháng 4 năm 2016, tình trạng thiếu tự do chọn lựa trong cuộc bầu cử năm 2016, hay các quan ngại về điều kiện sống của các tù chính trị.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/appeal-trial-upholds-6year-sentence-to-nguyen-ngoc-anh-11072019080324.html

Nhà máy đóng tàu Dung Quất nợ 7000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Chính phủ vừa gửi tới Quốc hội về 12 dự án thua lỗ của Ngành Công Thương, Nhà máy đóng tàu Dung Quất hiện nay đang mang nợ 7000 tỷ đồng và đứng bên bờ vực phá sản.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 7/11 trích báo cáo tài chính của Nhà máy đóng tàu Dung Quất cho biết nguyên nhân chủ yếu là vì các khoản nợ cũ của Tập Đoàn Công Nghiệp Tàu Thủy (Vinashin) đối với các tổ chức tín dụng khiến lãi chồng chất.
Vào tháng 6/2010, Vinashin thực hiện chủ trương tái cơ cấu, bàn giao Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất (DQS) cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Phó Tổng giám đốc DQS xác nhận các khoản nợ lớn từ thời Vinashin tồn tại kéo dài khiến doanh nghiệp tham gia đấu thầu tìm kiếm sản phẩm đầu vào rất khó khăn. Đại diện DQS nói nhà máy không có sản phẩm nhưng doanh nghiệp phải ‘gồng mình’ trả lương, bảo hiểm đều đặn cho khoảng 2200 kỹ sư, công nhân với mức lương từ 3,5 đến 20 triệu một tháng cho mỗi lao động.
Bộ Công Thương đánh giá tài sản cố định của DQS chưa quyết toán được phần lớn các đầu tư dự án từ thời Vinashin. Nhà máy được đánh giá có hiệu suất sử dụng tài sản thấp khoảng 20-30%. Nhiều trang thiết bị của DQS được nói không phù hợp, lạc hậu, hoặc không đạt chất lượng để tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh dẫn đến phí khấu hao hàng năm của doanh nghiệp rất lớn.
Báo trong nước cho biết DQS hiên nay vẫn có các đơn hàng thi công đóng mới, sửa chữa một số tàu dịch vụ của đơn vị trong ngành. Tuy nhiên, giá trị các đơn hàng này không lớn.
Vụ án Vinashin là một trong những vụ án kinh tế lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam vì đã gây thất thoát cho Nhà nước trên 4 tỷ USD. Vinashin được đánh giá là biểu tượng của chính sách ‘tập đoàn kinh tế’ thua lỗ.
Một loạt quan chức, cán bộ liên quan đến Vụ án Vinashin đã bị đem ra xét xử với cáo buộc ‘Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.’
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dung-quat-shipyard-owes-vnd-7000-billion-11072019081306.html

Bộ Công thương: khai thác dầu mỏ

trong gia đoạn suy kiệt, ngành than gặp khó khăn

Báo cáo mới đây của Bộ Công thương Việt Nam cho thấy sản lượng dầu mỏ khai thác tại Việt Nam đang giảm, trong khi ngành than gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp của Bộ Công thương cho thấy sản lượng khai thác dầu thô trong 10 tháng qua ước đạt hơn 11 triệu tấn, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 8,6 tỷ m3 tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thông tin từ Bộ Công thương được truyền thông trong nước trích đăng, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí tiếp tục được triển khai theo kế hoạch. Tuy nhiên, khai thác dầu ở các mỏ chủ lực trong năm 2019 đang trong giai đoạn suy kiệt, sản lượng giảm mạnh, các mỏ mới phát hiện đều khá nhỏ, cận biên, điều kiện phát triển, vận hành phức tạp, chi phí cao…
Theo một báo cáo của PetroVietnam hồi cuối năm ngoái, dầu mỏ cạn kiện, thiếu vốn đầu tư và khai thác mới sẽ khiến sản lượng dầu thô của Việt Nam giảm 10% mỗi năm từ nay cho đến năm 2025.
Thống kê của Tổng Cục thống kê cho thấy sản lượng dầu thô của Việt Nam năm ngoái trung bình khoảng 247.000 thùng một ngày, giảm gần 12% một năm.
Ngoài ra, những căng thẳng với Trung Quốc ngoài Biển Đông, nơi có các lô dầu khí quan trọng của Việt Nam cũng ảnh hưởng tới việc sản xuất dầu khí của Việt Nam, theo nhận định của PetroVietnam đưa ra hồi năm ngoái. PetroVietnam cho biết căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến khả năng Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào việc khai thác dầu khí.
Việt Nam cũng đã phải nhập dầu thô từ Mỹ. Lô dầu thô đầu tiên PetroVietnam nhập từ Mỹ là 950.000 thùng từ US West Texas Intermediate. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam có khả năng sẽ nhập thêm dầu thô từ Hoa Kỳ.
Liên quan đến việc khai thác than, Bộ Công thương cho biết sản lượng than sạch 10 tháng đầu năm ước đạt gần 38 triệu tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, ngành than của Việt Nam lại đang phải đối mặt với những khó khăn như điều kiện khai thác của các mỏ ngày càng xuống sâu và đi xa hơn, làm tăng cung độ vận chuyển, hệ số bóc đất đá đối với các mỏ lộ thiên tăng, gia tăng áp lực mỏ lớn… làm tăng chi phí khai thác.
Than là nguyên liệu quan trọng trong ngành điện của Việt Nam. Năm 2020, dự báo tỷ trọng nhiện điện chạy than của Việt Nam chiếm khoảng 41% tổng cung lượng điện và Việt Nam cần khoảng 54 triệu tấn than cho các nhà máy nhiệt điện mỗi năm.
Để đảm bảo đủ than cho sản xuất, Bộ Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất than lớn tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong các khâu sản xuất than; áp dụng công nghệ cơ giới hóa đào lò, khai thác than trong điều kiện kỹ thuật mỏ cho phép để nâng cao năng suất lao động.
Riêng than cho phát điện, Bộ Công thương chỉ đạo chủ đầu tư nhà máy điện khẩn trương ký hợp đồng mua bán than năm 2020 và dài hạn với các đơn vị cung cấp than là cơ sở lập và phê duyệt biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2020.
Theo Tổng Cục thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 17 triệu tấn than đá, tăng hơn 103 % so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường cung cấp than lớn nhất cho Việt Nam là Australia, Indonesia, Nga và Trung Quốc. Ngoài ra Việt Nam cũng nhập khẩu than đá từ Nhật Bản, Malaysia và Mỹ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/trade-ministry-oil-exploitation-decrease-coal-mines-have-issues-11072019074043.html

Bộ Công An xác định 39 nạn nhân Việt Nam

trên xe tải vào Anh Quốc

Bộ Công An vào tối ngày 7/11 đã có thông cáo báo chí xác định tất cả 39 nạn nhân bỏ mạng trên chiếc xe container đông lạnh vào Anh hôm 23/10 đều là người Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 1/11, Cảnh sát Anh đã xác định cả 39 nạn nhân trên chiếc xe tải đều là người Việt Nam.
Trong thông cáo báo chí mới, Bộ Công An cho biết 39 công dân này có hộ khẩu thường trú tại Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế.
Thông cáo viết: “Bộ Công an Việt Nam lấy làm tiếc và gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân và mong gia đình các nạn nhân sớm vượt qua những đau thương, mất mát to lớn này.”
Ông Ngô Toàn Thắng, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 7/1 cho biết đoàn công tác Việt Nam sang Anh do thứ trưởng Ngoại trưởng Tô Anh Dũng dẫn đầu đã có nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành và giới chức chính phủ Anh. Hai phía cùng phối hợp đẩy nhanh việc xác minh danh tính các nạn nhân xấu số và lo giải quyết hậu sự.
Khi đại diện hãng thông tấn AFP đề nghị cung cấp chi tiết thêm thông tin về vụ việc này, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời cơ quan chức năng hai nước đang tích cực làm việc và sẽ sớm cung cấp thêm thông tin về vấn đề này.
Cũng tin liên quan, truyền thông trong nước dẫn phát biểu của thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn rằng có nhiều khả năng vào chiều nay (7/11) hoặc chậm nhất là ngày mai (8/11) sẽ có danh sách 39 nạn nhân thiệt mạng trong container tại Anh. Đồng thời, hai nước cũng đang đàm phán về phương án sẽ đưa thi thể các nạn nhân về Việt Nam.
Cũng trong ngày 7/11, bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng cho báo chí biết, hiện Việt Nam vẫn đang phối hợp với cơ quan chức năng Anh để tiến hành đối chiếu. Vụ việc này có những cách biệt pháp luật giữa Việt Nam và Anh nên còn nhiều vấn đề cần phải trao đổi.
Đại tá Lê Xuân Hoài, phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho biết các gia đình ở địa phương này có thân nhân trong vụ 39 người chết trong thùng container ở Anh sẽ nhận thi thể ở sân bay Nội Bài.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ministry-of-foreign-affairs-on-39-lorry-deaths-in-england-11072019084017.html

Bộ Ngoại giao lên tiếng

 về việc phản đối Thành Long đến Việt Nam

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều ngày 7/11, đã trả lời câu hỏi của các phóng viên, về việc cư dân mạng kêu gọi tẩy chay diễn viên Jackie Chan (tức Thành Long) đến Việt Nam.
Tin từ truyền thông trong nước cho biết, khi phóng viên một hãng thông tấn nước ngoài nêu câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Tổ chức từ thiện Operation Smile mời diễn viên Thành Long đến Việt Nam đã làm dấy lên làn sóng phản đối trên mạng xã hội do diễn viên này đã công khai ủng hộ “đường lưỡi bò”, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng, trả lời đến nay ông mới biết thông tin như trên.
Và ông Thắng chỉ lập lại câu thường nói: “Tuy nhiên, như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Trước đó, khi Operation Smile đăng tải poster diễn viên Thành Long để đồng hành với chương trình kỷ niệm ‘30 năm vì những nụ cười – Hành trình của những điều kỳ diệu’, nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng Thành Long không xứng đáng với hình ảnh một đại sứ gắn liền với trẻ em do từng bỏ rơi con gái ruột là Ngô Trác Lâm.
Ngoài ra, cư dân mạng cũng cho rằng, nam diễn viên nổi tiếng này cũng không xứng đáng, vì là một trong những nghệ sĩ Trung Quốc từng công khai ủng hộ cái gọi là “đường lưỡi bò” phi pháp của Bắc Kinh.
Đến chiều ngày 7/11, poster này đã bị tháo bỏ khỏi website chính thức của Operation Smile, thay vào đó là một tấm poster khác.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-ministry-of-foreign-affairs-talked-about-opposing-jackie-chan-to-vietnam-11072019082429.html

Việt Nam bác bỏ báo cáo

về tự do internet của Freedom House

Việt Nam hoàn toàn bác bỏ những đánh giá cho rằng Việt Nam thiếu tự do internet trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Freedom House.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 7/11, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng, khi được đề nghị cho biết phản ứng đối với báo cáo về tự do Internet của Freedom House, trả lời rằng: “Tôi hoàn toàn bác bỏ những đánh giá về Việt Nam trong báo cáo ngày 5 tháng 11 năm 2019 của Tổ chức Freedom House. Đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin là chính sách nhất quán của Việt Nam và đã được quy định trong Hiến pháp”.
Ông Thắng cho rằng Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy sự phát triển của internet nhằm phục vụ công cuộc xây dựng phát triển đất nước, cũng như đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin, học tập và làm việc của người dân.
Báo cáo về tự do internet năm 2019 với nhan đề “Khủng hoảng mạng xã hội” được Freedom House công bố vào ngày 5 tháng 11, đánh giá Việt Nam chỉ được 24/100 điểm, thuộc nhóm 0-39 điểm, là quốc gia không có tự do internet. Tổ chức này nhận định Việt Nam là một quốc gia độc đảng, bị chi phối trong nhiều thập kỷ bởi Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền.
Thống kê cho thấy từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2018, hơn 1.500 nội dung đã bị Facebook xóa theo yêu cầu của chính phủ Hà Nội, tăng gấp ba lần so với sáu tháng trước đó. Những nội dung từ các nhà hoạt động, tổ chức xã hội dân sự và người dùng thông thường cũng bị xóa.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Ngô Toàn Thắng khẳng định công nghệ thông tin, trong đó có mạng xã hội đã và đang được sử dụng rộng rãi trong đời sống sinh hoạt, kinh tế, văn hóa xã hội ở Việt Nam.
Freedom House là một tổ chức phi chính phủ quốc tế có chức năng theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu, cũng như khảo sát và nghiên cứu về tình trạng thực thi tự do chính trị cũng như các quyền tự do cơ bản của công dân tại các quốc gia trên thế giới.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-rejected-the-lack-of-internet-freedom-assessment-in-the-freedom-house-report-11072019072947.html

“Tham nhũng trong lực lượng

chống tham nhũng tăng”: Vì sao?

Chống tham nhũng càng tham nhũng
Tại phiên báo cáo công tác của cơ quan tư pháp trước Quốc hội, diễn ra trong ngày 4 tháng 11, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo năm 2019 với ghi nhận rằng công tác phòng chống tham nhũng dù đạt đạt kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan phòng chống tham nhũng lại có hành vi tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu rằng bà đồng quan điểm với kết quả báo cáo năm 2019. Bà Lê Thị Nga nhấn mạnh tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng trong năm 2019 tăng so với năm trước đó.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng, thuộc tỉnh Thái Nguyên còn lên tiếng phản ánh rằng vấn đề này được Ủy ban Tư pháp nêu lên trong nhiều năm, thế nhưng tình hình không có chuyển biến mà thậm chí còn phức tạp và có chiều hướng gia tăng theo từng năm.
Đương nhiên là như thế
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương nói với RFA rằng kết quả báo cáo trước Quốc hội như vừa nêu không có gì mới mẻ và đáng ngạc nhiên. Ông Nguyễn Khắc Mai lý giải:
Điều này gần như là thói quen và quy luật rồi. Bởi vì rất dễ hiểu là khi một nhà nước toàn trị do một đảng cầm quyền và không có ai kiểm soát thì tất yếu là các cơ quan trực thuộc nhà nước lủng đoạn thôi. Bởi vì có ai kiểm tra, kiểm soát được họ đâu. Có lần ông Trọng từng nhận định là phải chống tham nhũng trong bộ phận đi chống tham nhũng. Cho nên chuyện này gần như là đương nhiên và đây là một nỗi đau lớn của dân tộc
-Ông Nguyễn Khắc Mai
“Điều này gần như là thói quen và quy luật rồi. Bởi vì rất dễ hiểu là khi một nhà nước toàn trị do một đảng cầm quyền và không có ai kiểm soát thì tất yếu là các cơ quan trực thuộc nhà nước lủng đoạn thôi. Bởi vì có ai kiểm tra, kiểm soát được họ đâu. Có lần ông Trọng từng nhận định là phải chống tham nhũng trong bộ phận đi chống tham nhũng. Cho nên chuyện này gần như là đương nhiên và đây là một nỗi đau lớn của dân tộc.”
Trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, cho đến thời điểm hiện tại có 2 vụ bị phanh phui, có thể nói là gây rúng động trong dư luận bao gồm vụ án 2 ông cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông nhận hối lộ số tiền hàng triệu đô la Mỹ và một vụ các cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng, khi đang thanh tra ở tỉnh Vĩnh Phúc và bị công ăn tỉnh này bắt giữ hồi trung tuần tháng 6 vừa qua.
Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng những vụ việc như thế đã, đang và sẽ còn tiếp diễn, với dẫn chứng qua lời tuyên bố của cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan:
“Bà Doan bảo là ‘ăn không kể thứ gì’ mà. Bất cứ cái gì cũng ăn: ăn từ hài cốt liệt sỹ, ăn cho đến thức ăn của trẻ con, thuốc men của người bệnh tật…Ăn có từ cái gì đâu. Cho nên tình trạng tham nhũng gần như là quy luật và không thể nào giải quyết được, nếu thể chế hiện nay vẫn tồn tại.”
Ông Nguyễn Khắc Mai còn nhắc lại nhận định của cố Giáo sư Hoàng Tụy rằng hệ thống chính trị Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo bị hỏng thì tất cả hệ thống con đều bị hỏng theo.
Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, từng khẳng định với RFA về bộ máy hành chính của Việt Nam là một bộ máy tham nhũng “vô phương cứu chữa”.
“Bộ máy hành chính của Đảng và hành chính của Nhà nước thì nhân viên bên cạnh lương thì còn bổng. Bổng đã lớn nhưng còn dựa vào quyền để đục khoét của dân thì tham nhũng này mới là khủng khiếp. Tham nhũng từ trên xuống dưới. Càng lên cao thì càng tham nhũng lớn. Trên chóp bu tham nhũng thì cấp dưới tội gì không tham nhũng và cứ thế tham nhũng xuống tận cơ sở. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Cho nên cả bộ máy đó không phương cứu chữa.”
Giải quyết thế nào?
Đại biểu Hoàng Văn Hùng, tại phiên báo cáo công tác của Cơ quan Tư pháp trước Quốc hội, hôm 4/11 đã đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp nhằm phát hiện và xử lý nghiêm khắc những cán bộ, công chức có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng bị phạm tội để tạo niềm tin cho người dân.
Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra của cơ quan tư pháp cũng đề nghị Chính phủ cần phải tổng kết, đánh giá và nhận diện để dự báo đúng tình hình tham nhũng nhằm đề ra giải pháp phòng chống hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn.
Muốn chống tham nhũng thành công phải dựa vào dân, nghe dân chứ đừng theo ý Đảng thì họ sẽ triệt được tất cả những kẻ tham nhũng. Còn nếu cứ như bây giờ là phe nọ giết phe kia thì diệt được chân rết này sẽ tòi ra chân rết khác. Hiện nay họ chỉ chống tham nhũng trên bề mặt. Tóm lại, còn Đảng Cộng sản thì không bao giờ chống tham nhũng được vì họ vừa đá bóng vừa thổi còi, đúng như câu ‘luật là ta, ta là luật’
-Nhà báo Trần Quang Thành
Mặc dù vậy, Đài RFA ghi nhận giới quan sát tình hình Việt Nam cùng khẳng định rằng những đề nghị này không bao giờ đạt hiệu quả. Ông Nguyễn Khắc Mai nêu lên một giải pháp hữu hiệu mà người đứng đầu là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước cần phải làm là:
“Ông Trọng khôn ngoan thì phải tiếp xúc với nhóm người có ý kiến độc lập. Còn muốn cải thiện tình hình thì phải mở rộng dân chủ và lắng nghe trí thức cũng như cải tổ bộ máy lãnh đạo của Đảng.”
Còn nhà báo Trần Quang Thành, người từng bị tạt acid hồi năm 1991bởi các bài viết chống tiêu cực và phơi bày tham nhũng tại Việt Nam, thì khẳng định rằng:
“Muốn chống tham nhũng thành công phải dựa vào dân, nghe dân chứ đừng theo ý Đảng thì họ sẽ triệt được tất cả những kẻ tham nhũng. Còn nếu cứ như bây giờ là phe nọ giết phe kia thì diệt được chân rết này sẽ tòi ra chân rết khác. Hiện nay họ chỉ chống tham nhũng trên bề mặt. Tóm lại, còn Đảng Cộng sản thì không bao giờ chống tham nhũng được vì họ vừa đá bóng vừa thổi còi, đúng như câu ‘luật là ta, ta là luật’ mà.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/corruption-in-anti-corruption-forces-has-increased-why-11062019132527.html

Biển Đông: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao VN nói

không loại trừ khả năng kiện TQ

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hoài Trung nói rằng trong nhiều biện pháp để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam không loại trừ khả năng tiến hành các hành động pháp lý‎, theo Reuters.
Nhận định này được ông Trung đưa ra trong phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11, diễn ra hôm 6/11 tại Hà Nội.
Việt Nam cố gỡ thế bí Biển Đông?
Đại biểu Quốc hội VN đề xuất kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
Ông Trung cũng nói rằng, hợp tác trên biển, trong đó có Biển Đông “cần có lòng tin vào môi trường luật pháp quốc tế, vào các cơ chế và thể chế chung.”
“Việc đơn phương diễn giải luật quốc tế trái với chuẩn mực chung và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, làm giảm lòng tin vào luật pháp quốc tế, làm xói mòn thượng tôn pháp luật. Việc này có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm đe doạ hoà bình, ổn định hoà bình, an ninh ở khu vực và quốc tế,” ông Trung nói, theo tờ VnExpress.
Theo Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nói rằng, Việt Nam thích đàm phán nhưng không còn sự lựa chọn nào khác cho tranh chấp trên biển Đông.
“Chúng tôi biết rằng, các biện pháp này bao gồm tìm kiếm sự thật, trung gian hòa giải, đàm phán, trọng tài và kiện.
“Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước về luật biển của Liên Hiệp quốc 1982 (UNCLOS 1982) có đủ các cơ chế cho chúng tôi áp dụng những biện pháp này,” ông Trung nói.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn diện tích biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn. Nước này đã thiết lập các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo.
Tuy nhiên, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan đều có tuyên bố chủ quyền ở các khu vực thuộc vùng biển này.
Năm 2013, Philippines từng kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague.
Phán quyết của tòa vào năm 2016 đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.
Hồi năm 2014, cựu Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng từng cho biết là, Chính phủ Việt Nam đang xem xét những phương án phòng vệ đối với Trung Quốc, trong đó có cả việc kiện ra tòa, sau vụ Trung Quốc dịch chuyển trái phép dàn khoan vào vùng lãnh hải của Việt Nam trên Biển Đông.
Còn năm nay, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc lại gia tăng sau khi tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc tiến hành khảo sát địa chấn kéo dài một tháng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) nhưng cũng bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Trong lần xâm phạm mới này của tàu khảo sát Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần cáo buộc tàu khảo sát này và các tàu hộ tống vi phạm chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu các tàu Trung Quốc ngay lập tức rời khỏi khu vực trên.
Tuy nhiên, lần này, Việt Nam chưa từng đề cập công khai đến khả năng tiến hành các hành động pháp lý như biện pháp phòng vệ cho đến phát biểu nói trên của ông Lê Hoài Trung.
Tại kỳ họp Quốc hội Việt Nam khóa XIV lần thứ 8 đang diễn ra tại Hà Nội, hôm 31/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng, cần đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế liên quan tới việc nước này xâm phạm bãi Tư Chính của Việt Nam và nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền khác.
Ông Bill Hayton, chuyên gia về biển Đông tại Viện hoàng gia về Các vấn đề quốc tế Chatham House, cho biết, có thể điều này sẽ dẫn đến có sự chia rẽ lớn về chính trị trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, đây có lẽ là lựa chọn duy nhất còn lại với Việt Nam, theo Reuters.
Ông Hayton cũng nói thêm rằng, toàn bộ Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 này dường như tập trung quanh câu hỏi đó.
Trong 50 diễn giả tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông năm nay, có cả một số chuyên gia pháp lý liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc, gồm cựu thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) Rudiger Wolfrum.
Hội thảo năm nay có chủ đề “Hợp tác vì An ninh và Phát triển tại Khu vực”, diễn ra trong hai ngày 6 và 7/11.
Hợp tác ASEAN để giải quyết thách thức biển
Bài phát biểu trên của ông Trung, theo VnExpress, đề cập đến việc Việt Nam vừa đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, ông Trung nói rằng, Việt Nam hy vọng sẽ cùng các đối tác thúc đẩy hiệu quả hợp tác các cơ chế của ASEAN để giải quyết các thách thức biển.
“Việt Nam tin tưởng rằng duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông không chỉ là lợi ích mà còn là trách nhiệm của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế,” ông Trung được VnExpress dẫn lời nói.
Hoa Kỳ lên án mối đe dọa của Trung Quốc trên Biển Đông
Bắc Kinh nói sẵn sàng hợp tác với ASEAN để xây dựng COC
Tổng thống Trump không dự Thượng đỉnh Đông Á ở Bangkok
Trả lời câu hỏi của BBC News Tiếng Việt qua thư điện tử, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, chuyên gia nghiên cứu cộng tác Trung tâm Nghiên cứu quốc tế thuộc Trường Đại học KHXH&NV ở Sài Gòn, cho rằng, việc Việt Nam trở thành Chủ tịch ASEAN vào năm sau sẽ giúp thúc đẩy giải quyết một số vấn đề tồn tại ở Biển Đông.
Tuy nhiên hiệu quả tới đâu thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Cụ thể, ông Phương nhìn nhận rằng, Việt Nam sẽ đẩy vấn đề Biển Đông trở thành ưu tiên nghị sự trong các cuộc họp ASEAN, cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác.
Đây là lợi thế của việc làm chủ tịch.
Đồng thời, Việt Nam có thể đưa các phát ngôn lên án Trung Quốc vào tuyên bố chung, đẩy mạnh giải quyết các bất đồng trong đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), và chủ động đưa ra những biện pháp giúp kết nối phản ứng của ASEAN cũng như các đối tác trước hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo ông Phương, về mặt đối ngoại đa phương, Việt Nam luôn coi ASEAN tổ chức đa phương quan trọng nhất trong việc đảm bảo duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực, và trong việc cân bằng giữa các nước lớn, cụ thể là với Trung Quốc và Mỹ.
Tình hình Biển Đông, nếu thiếu tiếng nói của ASEAN, sẽ không thể giải quyết được một cách căn cơ, vì dù gì các tranh chấp ở Biển Đông cũng có yếu tố đa phương.
“Khả năng của Việt Nam trong việc dẫn dắt ASEAN tốt tới mức nào sẽ được thể hiện qua năm Việt Nam làm chủ tịch.
“Bản thân tôi hy vọng rằng, Việt Nam sẽ nắm lấy các cơ hội để trở thành một trong những nước đầu tàu ASEAN trong một số vấn đề. Điều này Việt Nam có thể làm được, thứ quyết định là quyết tâm chính trị.
“Nói cách khác là, liệu Việt Nam có muốn làm đầu tàu hay không,” ông Phương nói.
Tuy nhiên, ông Phương cũng cho rằng, không nên coi ASEAN là một công cụ toàn năng hay duy nhất, giúp giải quyết các vấn đề ở Biển Đông.
“ASEAN quan trọng, ASEAN cần có tiếng nói, nhưng ASEAN đang bị chia rẻ trầm trọng với sự ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc lên một số nước thành viên.
“Thêm vào đó, “phương cách ASEAN” vốn yêu cầu sự đồng thuận, khiến cho các biện pháp thống nhất, hiệu quả đối phó với Trung Quốc chỉ là một giấc mơ. Bản thân tôi không đặt quá nhiều kỳ vọng đột phá trong năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN 2020 sắp tới,” ông Phương khẳng định.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50328017

Hiệp định Đối tác Kinh tế RCEP

Nguyễn Xuân Nghĩa
Hôm Thứ Ba mùng năm, Tổng bí thư Tập Cận Bình khai mạc cuộc Triển Lãm Xuất Nhập Khẩu tại Thượng Hải với hứa hẹn cải cách và cởi mở nền kinh tế Trung Quốc theo trào lưu toàn cầu hóa. Nhưng sự thật lại không hẳn như vậy. Một ngày trước đó, tại Bangkok của Thái Lan, Ấn Độ rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện RCEP do Bắc Kinh cổ võ từ bảy năm nay. Liệu rằng trào lưu bảo hộ mậu dịch có đang thắng thế hay không, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu…
Bảo hộ mậu dịch thắng thế?
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, khi trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn chưa ngã ngũ, lãnh tụ Bắc Kinh là ông Tập Cận Bình có bài diễn văn tại Thượng Hải hôm mùng năm hàm ý đả kích tinh thần bảo hộ mậu dịch của Mỹ và hứa hẹn phá bỏ mọi ngăn cách kinh tế với các nước. Nhưng trước đó một ngày thì tại thủ đô Thái Lan, Ấn Độ lại quyết định ra khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện RCEP do Bắc Kinh vận động từ năm 2012. Như vậy, thưa ông, liệu thế giới có đi vào thời kỳ bảo hộ mậu dịch hay không?
Ngoài lợi thế nhỏ trong RCEP và thế mạnh hơn các nước khác trong TPP, Việt Nam đã có hiệp ước tự do kinh tế với Liên hiệp Âu châu, cho nên cần khai thác ưu thế này cho mình. Và cách khai thác quan trọng nhất là tự cải cách về kinh tế, xã hội và chính trị, việc cải cách đầu tiên là luật lệ và giáo dục đào tạo.
-Nguyễn Xuân Nghĩa 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta đi từng bước chầm chậm để hiểu ra các vấn đề phức tạp của thế giới. Trước hết, trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Bắc Kinh đã bùng nổ từ mùa Xuân năm ngoái mà chưa ngã ngũ. Đôi bên đang cố dàn xếp một thỏa thuận sơ khởi tưởng sẽ hoàn tất giữa tháng này để lãnh đạo hai nước có thể ký kết nhân Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu Thái Bình Dương gọi là APEC tại thủ đô Santiago của Chile. Nào ngờ xứ này lại có loạn và hủy bỏ hội nghị quốc tế đó trong khi hai nước còn tiếp tục đàm phán.
- Tại Thượng Hải, Tổng bí thư Tập Cận Bình đưa ra năm hứa hẹn cải cách kinh tế để hội nhập với thế giới nhưng vẫn chỉ là hứa hẹn không thực. Mục tiêu thật của ông là đả kích Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ cho việc đàm phán thương mại với Mỹ, chứ trong hoàn cảnh hiện tại, Trung Quốc chưa thể cải tổ trong hướng mở rộng luồng giao dịch tự do với các nước vì sẽ gặp khá nhiều rủi ro ở bên trong. Chúng ta sẽ còn nói thêm về chuyện này.
Nguyên Lam: Thưa ông, thế còn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện RCEP, vì sao Ấn Độ lại rút lui?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hiệp định đó muốn mở rộng việc buôn bán giữa 10 nước của Hiệp hội ASEAN và sáu nước khác là Ấn Độ, Nam Hàn, New Zealand, Nhật Bản, Úc và Trung Quốc. Đấy là một sáng kiến do Bắc Kinh đề xướng từ năm 2012 với tham vọng hoàn thành vào năm 2015. Nhưng sau 26 vòng đàm phán trong bảy năm trời, việc đó vẫn chưa thành và là một thất bại của Bắc Kinh.
- Chúng ta không quên là vào thời ấy, có 12 nước đang thương thảo Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương gọi là TPP. Hiệp định này không có Trung Quốc và thực tế là cơ chế hợp tác toàn diện về kinh tế nhằm cô lập Bắc Kinh. Nhưng cuối cùng thì phía Hoa Kỳ lại ngần ngại vì tính chất toàn diện ấy đòi hỏi quá nhiều đổi thay và sau khi đắc cử rồi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định này.
Khác biệt giữa TPP và RCEP
Nguyên Lam: Nếu Nguyên Lam hiểu không lầm thì Hiệp định TPP là sáng kiến của Hoa Kỳ từ năm 2009 mà sau khi hoàn thành năm 2015, Hoa Kỳ lại triệt thoái. Còn Hiệp định RCEP là sáng kiến của Trung Quốc nhằm phá vỡ áp lực của Mỹ khi liên kết với 15 nước, không có Hoa Kỳ. Thưa ông, hai sáng kiến này có gì là khác biệt?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hiệp định TPP có tham vọng hội nhập toàn diện 12 nền kinh tế của thế giới, trong ý nghĩa bao hàm từ thương mại đến đầu tư, bảo vệ giới lao động và môi sinh. Nó khiến các thành viên đều phải cải cách cơ chế luật lệ bên trong cho tự do, thông thoáng và minh bạch hơn. Nhưng chính lý tưởng đó lại khiến Quốc hội Hoa Kỳ ngần ngại và bác bỏ, nên Tổng thống Barack Obama không dám đưa ra cho Quốc hội phê chuẩn vào năm 2015 và trong cuộc bầu cử năm 2016, các ứng viên tranh cử tổng thống của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều muốn bác bỏ hay tu chính lại. Sau khi Mỹ rút lui thì Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực đó với 10 nước kia.
- Đối diện thì Hiệp định RCEP do Bắc Kinh đề xướng giữa 16 nước có mục tiêu thu hẹp hơn, là chỉ hạ thấp hàng rào thuế quan trong luồng giao dịch thương mại giữa các nước, chứ không có tham vọng thay đổi cơ chế về đầu tư hay lao động và môi sinh, v.v…. Vậy mà việc đó vẫn không thành khi Ấn Độ đòi triệt thoái. Lý do nhỏ là luồng giao dịch bất lợi của Ấn Độ khi bị nhập siêu quá lớn với kinh tế Trung Quốc, tử 20 tỷ đô la vào năm 2009 đã tăng gần gấp ba, là 57 tỷ vào năm ngoái. Lý do lớn hơn là dù nước nào cũng đề cao tự do mậu dịch thì vẫn lặng lẻ bảo vệ quyền lợi của mình, hai nền kinh tế mạnh nhất và đông dân nhất Á Châu là Trung Quốc và Ấn Độ cũng đều có phản ứng đó.
Việt Nam nên làm gì?
Nguyên Lam: Và Việt Nam có tham dự cả hai Hiệp định này. Khi quốc gia nào cũng ngấm ngầm bảo vệ quyền lợi của mình, ông nghĩ rằng Việt Nam nên làm gì để cho mục tiêu bảo vệ đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nên nghĩ tới cái trục nằm giữa bốn cường quốc kinh tế như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, đó là Hiệp hội 10 nước ASEAN tại Đông Nam Á. Năm tới, Việt Nam sẽ làm chủ tịch luân phiên của khối ASEAN thì nên tăng cường hội nhập kinh tế với các nước đó. ASEAN có hơn 600 triệu dân và sản lượng kinh tế gần ba ngàn tỷ đô la chứ không ít, nhưng lại thiếu lãnh đạo, đang bị Bắc Kinh khuynh đảo và uy hiếp về an ninh.
Ngày nay, khi trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bùng nổ, giới đầu tư đi tìm bãi đáp khác thì Việt Nam mới thấy rằng lợi thế của mình lại có giới hạn nếu so sánh với các nước lân bang tại Đông Nam Á. Kết luận của tôi là Hà Nội đang được cảnh báo, nhưng có kịp cải tiến không thì tôi chưa biết.
-Nguyễn Xuân Nghĩa

- Trong Hiệp định gọi là “Đối tác Kinh tế Toàn diện RCEP” do Bắc Kinh khởi xướng, Việt Nam có lợi, nhưng chỉ là một phần nhỏ. Trong Hiệp định TPP đã cải thiện với 11 nước còn lại, Việt Nam có thế mạnh hơn vì chỉ có Malaysia là thành viên trong khối ASEAN. Ngoài ra, Việt Nam đã có hiệp ước tự do kinh tế với Liên hiệp Âu châu, cho nên cần khai thác ưu thế này cho mình. Và cách khai thác quan trọng nhất là tự cải cách về kinh tế, xã hội và chính trị, việc cải cách đầu tiên là luật lệ và giáo dục đào tạo.
Nguyên Lam: - Đặt lại vấn đề trong bối cảnh sâu rộng là trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hay mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Ấn Độ, thưa ông, Việt Nam nên nghĩ gì và làm gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Việc đầu tiên là đừng thò ngón tay vào giữa hai răng cưa Mỹ-Hoa khi bán hàng của Tầu qua Mỹ dưới thương hiệu “Made in Vietnam”.
- Chế độ Hà Nội cứ đòi kiểm soát tất cả mà chỉ có mạng lưới rất rộng và nông cho nên chẳng thể kiểm soát hay thực thi chính sách và vẫn có quá nhiều lỗ hổng. Chuyện buôn lậu đồ Tầu qua Mỹ là một trong cả trăm thí dụ.
- Thứ hai, trong trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, người ta đã thấy nhiều doanh nghiệp quốc tế muốn tìm ra nguồn chế biến khác tại Đông Nam Á, và tại Việt Nam, như Apple khi ráp chế Airpods, hay Google với điện thoại Pixel, hoặc Nintendo Switch. Ngoài Việt Nam, thì Đài Loan, Malaysia hay Thái Lan, v.v… cũng đang chiêu dụ giới đầu tư đang muốn rút khỏi Trung Quốc. Nhưng lợi thế đó của Việt Nam vẫn có giới hạn và không bền vững. Lý do khách quan là chuyển dịch đầu tư như vậy là tốn kém và đòi hỏi thời gian. Lý do chủ quan từ phía Việt Nam là vẫn thiếu hạ tầng cơ sở về vật chất, luật lệ và giáo dục đào tạo.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin hỏi rằng ông kết luận thế nào về những vấn đề kinh tế và chính trị quá phức tạp và đan kết vào nhau như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu nhìn từ xa, là cả chục năm trước, Trung Quốc đã mất dần ưu thế dân số đông và nhân công rẻ để là công xưởng chế biến toàn cầu. Vì vậy, các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã thấy một cơ hội mới vì cũng đã đầu tư vào khu vực chế biến để xuất khẩu ra ngoài. Việt Nam còn tham gia vào Hiệp định TPP, cùng với Malaysia và trước Indonesia hay Thái Lan, nên có lợi thế sớm hơn. Ngày nay, khi trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bùng nổ, giới đầu tư đi tìm bãi đáp khác thì Việt Nam mới thấy rằng lợi thế của mình lại có giới hạn nếu so sánh với các nước lân bang tại Đông Nam Á. Kết luận của tôi là Hà Nội đang được cảnh báo, nhưng có kịp cải tiến không thì tôi chưa biết.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/the-regional-comprehensive-economic-partnership-11062019130952.html

Ngán ngại về đề nghị đầu tư của Trung Quốc

vào cảng Vũng Áng!

Báo trong nước loan tin cho biết Tập đoàn Cảng Hạ Môn của Trung Quốc vào ngày 27/10 đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về việc mở tuyến container tại cảng Vũng Áng, từ đó nối với cảng Hạ Môn ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Cũng trong buổi gặp gỡ, Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Cảng Hạ Môn cho biết ông thấy cảng Vũng Áng ở Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển trong việc kết nối với các cảng quốc tế cũng như hệ thống giao thông đường bộ kết nối qua Lào, Thái Lan…
Có thể từ sau Vũng Áng, Trung Quốc có thể phát triển mô hình đó qua những cảng biển khác mà chẳng hạn người ta đang lo ngại một số các đặc khu trước đây, trong đó cũng liên quan đến hệ thống cảng biển trong sáng kiến Một vành đai – Một con đường của Trung Quốc. - ThS. Hoàng Việt
Do đó, ông bày tỏ mong muốn được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ Tập đoàn Cảng Hạ Môn có được cơ hội hợp tác và đầu tư.
Cảng Hạ Môn là 1 trong 7 cảng hàng đầu của Trung Quốc và là cảng container lớn thứ 16 thế giới.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông và Trung Quốc cho rằng việc đầu tư này nằm một phần trong dự án Vành đai – Con đường của Trung Quốc vì trong dự án này, Trung Quốc muốn phát triển các hạ tầng, đặc biệt là một số cảng biển. Vì vậy ông cho rằng việc này hoàn toàn phù hợp với chiến lược Vành đai – Con đường của Bắc Kinh. Ông nói thêm:
“Thực ra mà nói thì Vũng Áng chưa phải là vị trí tốt nhất, nhưng mà nó sẽ là khởi đầu vì nếu Trung Quốc thành công ở Vũng Áng thì nó kiểm soát toàn bộ khu vực miền Trung của Việt Nam. Miền Trung cũng là khu vực rất quan trọng, hiểm yếu. Cũng có thể từ sau Vũng Áng, Trung Quốc có thể phát triển mô hình đó qua những cảng biển khác mà chẳng hạn người ta đang lo ngại một số các đặc khu trước đây, trong đó cũng liên quan đến hệ thống cảng biển trong sáng kiến Một vành đai – Một con đường của Trung Quốc.”
Còn theo ông Đỗ Thái Bình, kỹ sư đóng tàu, thành viên Hội Khoa Học Biển thành phố Hồ Chí Minh, từng làm trong Cục Cơ Khí Bộ Giao Thông Vận Tải cho rằng việc giao lưu buôn bán giữa Việt Nam với các nước xung quanh là việc bình thường, nhất là hiện nay, chính phủ Hà Nội giao lưu buôn bán với Bắc Kinh bằng đường biển cũng rất lớn. Vấn đề nhập khẩu từ các cảng Trung Quốc sang Việt Nam cũng như Việt Nam buôn bán với Trung Quốc qua các cảng như Mũi Dầu ở Mao Minh phía Quảng Đông, tất cả mua bán rất bình thường ở các cảng đó. Tuy nhiên, vẫn có lo ngại:
“Việc lập ra một cảng riêng của Trung Quốc ở Vũng Áng thì bản thân Vũng Áng là khu vực có vị trí địa lý điểm quan trọng ở vùng biển. Việc đó đã có nhiều nhà nghiên cứu về vấn đề này. Đặc biệt là nó gần với khu vực Formosa chuyên về vấn đề thép do Đài Loan – Trung Quốc đã xây dựng ở đó. Tuy rằng của Đài Loan nhưng có rất nhiều yếu tố Trung Quốc trong đó. Bây giờ việc xây dựng hẳn một cảng của Trung Quốc thì ta thấy rằng kế hoạch Một vành đai – Một con đường của Trung Quốc đã đưa ra từ lâu và rất muốn Việt Nam phải tham gia con đường đó. Thực ra kế hoạch đó của Trung Quốc cũng muốn để thâu tóm và đặt quyền lợi Trung Quốc trên hết, các nước có cái đó hoàn toàn chỉ mang tính chất phụ thuộc. Cho nên tôi cho rằng để một cảng chuyên dùng của Trung Quốc ở vùng đó (Vũng Áng), không phải một cảng container chuyên dùng mà còn có hệ thống logistic để hoạt động mạnh mẽ thì theo tôi là điều bất lợi về phía chủ quyền của Việt Nam ở trên biển.”
Đồng tình với ông Đỗ Thái Bình, Thạc sĩ Hoàng Việt cũng đưa ra đề nghị chính phủ Việt Nam phải cẩn thận xem xét kỹ bởi vì đã có rất nhiều bài học về những dự án liên quan đến Một vành đai – Một con đường:
“Chẳng hạn như dự án Cảng Hambantota của Sri Lanka là một câu chuyện rất rõ mà khi Sri Lanka không đủ trả nợ khoản vay và đã vướng vào vòng nợ nần, phải trao quyền rất lớn và rất lâu 99 năm cho Trung Quốc kiểm soát cảng Hambantota đó. Ngoài ran gay cả nước láng giềng Việt Nam là Campuchia chẳng hạn, một loạt khu vực Sihanoukville cũng là những cảnh báo cho việc Trung Quốc đang đầu tư và nắm quyền kiểm soát.”
Dưới góc nhìn khác, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp – nhà nghiên cứu độc lập lại cho rằng:
“Không phải thâu tóm mà chính phủ Việt Nam ký với chính phủ Trung Quốc ủng hộ cái đó (Vành đai- Con đường), tham gia nếu có thể chứ không có cam kết gì hơn. Nên bảo Trung Quốc thâu tóm thì không đúng, Việt Nam chỉ cho thuê thôi chứ không như các nước khác người ta (Trung Quốc) cho vay tiền xong đòi tiền bằng cảng, là giở bẫy nợ ra nhưng Việt Nam không bị dính bẫy nợ đó, Việt Nam không nợ Trung Quốc tiền. Việc này là việc từ lâu Trung Quốc bàn với chính phủ Việt Nam để xin mở một cảng logistic ở đó (Vũng Áng). Việc này chưa dứt khoát nhưng chắc họ sẽ mở được cảng logistic ở đó nhưng cảng đó không phải 100% thuộc quyền quản lý của họ (Trung Quốc) đâu.”
Để một cảng chuyên dùng của Trung Quốc ở vùng đó (Vũng Áng), không phải một cảng container chuyên dùng mà còn có hệ thống logistic để hoạt động mạnh mẽ thì theo tôi là điều bất lợi về phía chủ quyền của Việt Nam ở trên biển. - Đỗ Thái Bình
Tuy nhiên, ông Đỗ Thái Bình lại bày tỏ lo ngại đối với khả năng quản lý của các cơ quan chức năng hiện nay:
“Thật ra mà nói Trung Quốc trong việc quản lý của Việt Nam vừa qua thì phía Việt Nam không quản được, nên việc chia sẻ để vẫn giữ vững được chủ quyền là không đơn giản. Việc để cho yếu tố Trung Quốc ở cảng đó (Vũng Áng) là bất lợi vì cho thuê như thế cái lợi của mình không đáng kể so với cái hại.”
Khu kinh tế Vũng Áng là một trong 9 khu kinh tế ven biển được Chính phủ Việt Nam lựa chọn để phát triển trung tâm công nghiệp luyện thép, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung vầ cả nước.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phía Tập đoàn Cảng Hạ Môn khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực cảng biển, logistic tại Vũng Áng.
Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, chính quyền Việt Nam cần phải tỉnh táo và xem xét kỹ những dự án này vì hiện nay ở Việt Nam đang có những khu Trung Quốc thuê và xây dựng nhưng chính quyền Việt Nam hoàn toàn không được biết và không được quyền kiểm tra xem có những gì trong đó. Ông cho rằng đó là những tiềm ẩn, không chỉ là dự án về cảng biển, kinh tế mà đằng sau là chính trị, có thể cả quân sự.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-china-investment-in-vung-ang-port-a-part-of-belt-n-road-initiative-11062019124349.html

Luật sư của 7875 nguyên đơn

kiện công ty Formosa: “Hãy tin vào chúng tôi!”

Châu Thi
Tòa án quận Đài Bắc ngày 14 tháng 10 năm 2019 tuyên bác bỏ vụ kiện của 7875 nguyên đơn người Việt Nam kiện các lãnh đạo và công ty Formosa Flastic cùng các công ty con ra tòa vì cho rằng tòa án Đài Loan không có thẩm quyền xét xử.
Ngày 24 tháng 10, hàng chục người đã tổ chức họp báo trước Tòa án quận Đài Bắc của Đài Loan để nộp đơn kháng kiện đồng thời đến Viện Tư pháp trao kháng thư nhằm yêu cầu xem xét các quy định liên quan đến thẩm quyền giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, trên mạng Internet những ngày vừa qua loan truyền tin đồn Hội công lý cho nạn nhân Formosa và Tổ chức bảo vệ quyền môi trường (ERF) không đóng tiền tòa án khoảng 1 triệu 200 ngàn Đài tệ (tương đương 40 ngàn USD) dẫn đến việc Tòa án bác bỏ vụ kiện chứ không phải do “không có thẩm quyền xét xử”.
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do đã đến văn phòng của tổ chức Environmental Rights Foundation phỏng vấn qua phiên dịch tiếng Anh với luật sư Huang Xin-wen, một trong các luật sư tham gia vụ kiện để làm rõ việc này.
Phóng viênXin chào, xin luật sư có thể giới thiệu về mình và tổ chức mà bà đang tham gia.
Luật sư Huang Xin-wen: Chúng tôi là một Tổ chức Bảo vệ Quyền môi trường (ERF), và tôi là luật sư ở trong tổ chức này. Tổ chức của chúng tôi được thành lập như là kết quả của việc dời chỗ của tòa án sau khi mở rộng giai đoạn 3 của công viên khoa học trung tâm Đài Loan.
Tổ chức của chúng tôi đã được đăng ký chính thức ở cơ quan quản lý bảo vệ môi trường tại Đài Loan và Tòa án quận Đài Bắc tại Đài Loan. Đại diện của chúng tôi là từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Cơ quan bảo vệ môi trường của chính phủ và cũng từ các tổ chức phi chính phủ.
Nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp các trợ giúp pháp lý về môi trường cho những người nghèo, chẳng hạn, nông dân, ngư dân, cư dân và cả người bản địa. Chúng tôi đã xử lý một số trường hợp nổi tiếng ở Đài Loan. Tổ chức quyền môi trường là một tổ chức rất quan trọng giúp cung cấp các trợ giúp pháp lý về môi trường.
Phóng viên: Làm sao phía bà biết về vụ việc Formosa gây ô nhiễm môi trường biển Việt Nam và làm thế nào mà các luật sư của tổ chức nhận làm luật sư cho vụ kiện của 7875 nguyên đơn này ở Đài Loan?
Luật sư Huang Xin-wen: Chúng tôi biết về trường hợp ô nhiễm này kể từ năm 2016, nó đã được Hiệp hội luật gia môi trường (EJA) ở Đài Loan chú ý đến.
Chúng tôi biết rằng một công ty Formosa Plastic Corporation của Đài Loan đã thành lập một nhà máy thép tại Việt Nam và làm ô nhiễm biển tại đây.
Kể từ đó, chúng tôi tổ chức một loạt các hành động. Chúng tôi phản đối và yêu cầu Formosa đưa cho chúng tôi một câu trả lời và chịu trách nhiệm chính thức. Luật sư Chang, Yu-inn, người cũng là Chủ tịch của EJA tiếp tục theo đuổi vụ án kể từ đó.
Trong năm đầu tiên, hành động của chúng tôi bao gồm, thứ nhất là yêu cầu Formosa tiết lộ thông tin liên quan về ô nhiễm.
Thứ hai là yêu cầu Bộ Kinh tế (Đài Loan) cải cách các quy định và luật pháp liên quan để khi họ xem xét đầu tư nước ngoài từ các công ty Đài Loan với tiêu chuẩn cao hơn và đảm bảo tập đoàn Đài Loan sẽ không gây ô nhiễm ở nước ngoài.
Sau đó, chúng tôi nhận ra rằng vụ việc đã không diễn ra tốt đẹp ở Việt Nam.
Tòa án Việt Nam từ chối thụ lý vụ án, và chúng tôi bắt đầu đánh giá liệu chúng tôi có nên làm vụ án này ở Đài Loan hay không.
Cuối cùng, chúng tôi đã quyết định, chúng tôi phải nộp hồ sơ này tại Đài Loan. Một loạt các luật sư cũng đã đến Việt Nam và để các nguyên đơn chỉ định chúng tôi làm luật sư.
Phóng viênCó một lời đồn trên mạng Internet cho rằng luật sư đã không đóng phí cho vụ kiện này và chính vì vậy Tòa án quận Đài Bắc đã bác bỏ vụ kiện ngay từ đầu? Bà giải thích sao về việc này?
Luật sư Huang Xin-wen: Chúng tôi muốn nhân cơ hội này và nói rằng các báo cáo từ kênh Nửa vòng trái đất (NVTĐ TV) là không đúng sự thật, và chúng tôi đã yêu cầu họ xin lỗi và xác minh thông tin này.
Thứ hai, liên quan đến án phí, vì hầu hết các nạn nhân đều ở trong tình trạng đột nhiên bần cùng, Hội Công lý cho nạn nhân Formosa (JFFV) đã quyên góp tiền cho chúng tôi trên toàn cầu, và sau đó chuyển số tiền mà họ đã huy động được cho Tổ chức Bảo vệ Quyền Môi trường (ERF).
Vì vậy, vào ngày 28 tháng 6, chúng tôi đã trả tiền án phí và chúng tôi có hóa đơn ở đây từ tòa án quận Đài Bắc. (Đây là tiếng Trung Quốc, chúng tôi cũng có Phiên bản tiếng Anh để hiểu rõ hơn.)
Chúng tôi cũng đã cung cấp nội dung này cho kênh NVTĐ TV và nói với họ rằng, chúng tôi đã nộp tiền và chúng tôi đã nhận được hóa đơn ngay tại đó, nhưng họ lại đặt câu hỏi liệu hóa đơn là thật hay giả.
Chúng tôi cũng có một thông cáo báo chí từ Tòa án quận Đài Bắc. Chúng tôi đã bôi cho nó nổi bật lên đây (trên tài liệu thông cáo báo chí từ TDC) cho biết: vào ngày 28 tháng 6, chúng tôi đã trả án phí. Chúng tôi đã đáp ứng tất cả các yêu cầu pháp lý về thủ tục và chúng tôi có thể nộp đơn.
Tôi nghĩ rằng tất cả thông tin này đều có sẵn trên internet và họ có thể xác minh thông tin rất dễ dàng. Chúng tôi cũng đã cung cấp hóa đơn nộp tiền cho kênh NVTĐ TV. Tuy nhiên, họ vẫn khăng khăng phá hoại danh tiếng của JFFV và ERF.
Vì vậy, ở đây chúng tôi muốn nhân cơ hội này yêu cầu NVTĐ TV làm rõ thông tin này và xin lỗi chúng tôi, đồng thời gỡ bỏ những câu chuyện hư cấu này.
Phóng viênNhững tin đồn này có ảnh hưởng gì đến vụ kiện của các nạn nhân Formosa?
Luật sư Huang Xin-wen: Vì chúng tôi đã nộp đơn kiện và việc này đòi hỏi một lượng người nhất định như nhân sự, nhân lực và tiền bạc.
Chúng tôi cần dịch giả dịch tất cả các tài liệu tiếng Việt này sang tiếng Trung để chúng tôi có thể hiểu, chúng tôi cần luật sư đọc qua tất cả các tài liệu này và ra tòa, chúng tôi cần các học giả ở Đài Loan để tìm kiếm lời khuyên.
Tất cả những điều này đều đòi hỏi tiền bạc. Khi NVTĐ TV báo cáo những tin tức giả mạo này, họ đang phá hoại tài trợ của chúng tôi từ Hoa Kỳ, quốc tế và những người từ Việt Nam.
Điều mà họ đang cố gắng làm là cắt đứt tài trợ của chúng tôi, do vậy chúng tôi không thể làm được những điều tốt nhất cho các nạn nhân. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu họ làm rõ thông tin sai lệch và xin lỗi chúng tôi.
Thứ hai, nếu danh tiếng của ERA và JFFV bị phá hoại, điều này sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến niềm tin của nạn nhân.
Tôi nghĩ rằng một mối quan hệ rất quan trọng trong vụ kiện là sự tin tưởng giữa các luật sư và nguyên đơn. Và vì đây là một vụ kiện xuyên quốc gia, nên các luật sư của chúng tôi không thể dễ dàng tiếp cận tất cả các thân chủ của chúng tôi, họ phải đi qua biên giới và chính phủ VN đang cố gắng ngăn chúng tôi gặp họ.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng điều này sẽ gây ra sự ngờ vực giữa các mối quan hệ và nó thực sự sẽ gây tổn hại cho vụ án.
Phóng viên: Vào ngày 14 tháng 10, tòa án quận Đài Bắc đã đưa ra phán quyết và tuyên bố: “Đài Loan không có thẩm quyền của vụ kiện này và thẩm quyền phải thuộc về Việt Nam”. Bà nghĩ gì về điều này?
Luật sư Huang Xin-wen: Tòa án quận Đài Bắc đã bác bỏ vụ án dựa trên bộ luật tố tụng dân sự nói rằng quyền tài phán phải ở nơi nguyên nhân, kết quả của sự ô nhiễm và hành vi gây ô nhiễm xảy ra.
Tuy nhiên, tại tòa án tố tụng dân sự Đài Loan, có hai khái niệm cũng có thể xác định là bên nào có thẩm quyền.
Theo thẩm quyền đồng thuận: Nếu cả hai bên, nguyên đơn và bị đơn đều đồng ý và quyết định họ muốn đến một tòa án nhất định, thì tòa án đó sẽ có thẩm quyền của vụ án.
Thẩm quyền khi có sự xuất hiện tại tòa: Nếu tòa án quyết định rằng họ sẽ có phiên xét xử hoặc có phiên tòa và bị đơn tham dự phiên tòa mà không từ chối. Điều này có nghĩa là bị đơn đã chấp thuận và đồng ý rằng tòa án có thẩm quyền.
Nhưng tòa án quận Đài Bắc đã không tổ chức bất kỳ phiên tòa nào từ đầu và chỉ bác bỏ vụ kiện của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng Tòa án quận Đài Bắc đã vi phạm quy tắc tố tụng dân sự của Đài Loan và loại trừ hai lựa chọn này.
Actor sequitur forum rei (Nguyên đơn phải theo Tòa án của bị đơn) là một khái niệm pháp luật được quốc tế công nhận.
Trong vụ án dân sự, chúng tôi có nguyên tắc: các nguyên đơn tuân theo bị cáo. 7875 Nguyên đơn của chúng tôi đã quyết định rằng họ sẽ ra tòa của những người bị đơn bao gồm Formosa Plastic, China Steel, những bị đơn khác là một công ty ma trăm phần trăm ở nước ngoài.
Vì hầu hết các bị cáo đều ở Đài Loan, nên có vụ kiện ở Đài Loan thực sự tuân theo thực tế là Đài Loan có thẩm quyền quốc tế.
Và điểm cuối cùng: Tòa án tuyên bố rằng không thuận tiện để thu thập chứng cứ ở Đài Loan.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, vấn đề quan trọng nhất là liệu Formosa Plastic có phạm sai lầm trong việc ra quyết định hay không.
Formosa là một nhóm rất tập trung, nơi tất cả các quyết định liên quan đến hoạt động, ký kết hợp đồng hoặc xây dựng, bảo vệ môi trường, an toàn và sức khỏe – tất cả đều được thực hiện bởi trung tâm hành chính.
Đó là một nhóm rất tập trung và họ được tạo ra bởi một số người nhất định đưa ra quyết định, vì vậy tất cả bằng chứng này thực tế là ở Đài Loan.
Tôi nghĩ điều rất quan trọng là chúng tôi có vụ án này ở Đài Loan vì thực sự rất thuận tiện để đi tìm bằng chứng.
Phóng viênBà sẽ làm gì nếu Tòa án cấp cao cũng tiếp tục bác bỏ kháng cáo?
Luật sư Huang Xin-wen: Nhóm luật sư của chúng tôi đã đưa ra quyết định. Chúng tôi thấy phán quyết này là vô lý. Chúng tôi nghĩ rằng phải có một số vấn đề trong quy trình hành chính để họ mắc sai lầm như vậy.
Vì vậy, chúng tôi tin rằng nếu Tòa án Tối cao xem xét đúng đắn tuyên bố của chúng tôi sẽ thấy là vụ kiện không nên được bác bỏ.
Nếu Tòa án Tối cao vẫn quyết định bác bỏ vụ kiện của chúng tôi vì một số lý do nào khác, chúng tôi sẽ tìm mọi cách để lên Tòa án tối cao.
Phóng viên: Luật sư có bất kỳ cập nhật gì về vụ án này không?
Luật sư Huang Xin-wen: Sau khi chúng tôi đưa ra kháng cáo chống lại phán quyết, cho đến nay không có cập nhật nào về quyết định của tòa án.
Phóng viênLuật sư có bất kỳ hy vọng hoặc kỳ vọng nào cho vụ án này? Liệu các nguyên đơn sẽ đòi được công lý và được đền bù?
Luật sư Huang Xin-wen: Tôi nghĩ rằng luôn luôn có sự chú ý và nỗ lực của nhóm luật sư để cho các nạn nhân được bồi thường thích đáng theo nguyên tắc công lý và công bằng.
Và tôi nghĩ rằng vụ kiện này vẫn sẽ còn mất một thời gian ở Đài Loan, tuy nhiên, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều và tiếp tục cố gắng ở ngay tại đây.
Chúng tôi đã thực hiện một số chiến dịch truyền thông và chúng tôi muốn nhiều người biết thêm về trường hợp này, nguyên nhân của vụ án này, kết quả của vụ án này, v.v….
Và chúng tôi cũng tiếp tục yêu cầu Bộ Kinh tế tiến hành cải cách các đạo luật và nâng cao tiêu chuẩn, để các tập đoàn Đài Loan không gây ô nhiễm ở nước ngoài. Vì vậy, tôi nghĩ rằng trong trường hợp này chúng ta đã đạt được một số thành tựu bằng cách thu hút nhiều sự chú ý hơn.
Còn câu hỏi, liệu chúng tôi có thể đảm bảo những nạn nhân này được bồi thường đúng cách hay không hoặc liệu chúng tôi có thể thắng vụ kiện này hay không?
Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã cố gắng nhưng luật pháp vẫn tuân theo các nguyên tắc đạo đức và luôn có một số điều không chắc chắn trong vụ kiện, vì vậy chúng tôi không thể đưa ra một lời hứa và chúng tôi không thể nói chắc chắn.
Tuy nhiên, tại Đài Loan, có rất nhiều luật sư giúp đỡ trong vụ án này bao gồm cả những cái tên mà chúng ta đã biết và công khai. Bên cạnh đó, có các tổ chức như ERF, EJA, TAHR (Hiệp hội Nhân quyền Đài Loan) và Liên Minh Giám Sát Việc Thực Hiện Các Công Ước Nhân Quyền (Covenants Watch) đã quan sát và chú ý đến vụ này.
Chúng tôi cố gắng biến trường hợp này thành một phong trào môi trường quan trọng ở Đài Loan.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đạt được một số kết quả ban đầu, ngày càng có nhiều người biết đến vụ này. Nhưng tất nhiên, với vụ kiện, nó luôn là biến số.
Phóng viênBà có biết vụ kiện nào tương tự như trường hợp này không?
Luật sư Huang Xin-wen: Liên quan đến các vụ án xuyên quốc gia, chúng tôi có một vụ án nổi tiếng ở Đài Loan nhưng đó là một cách khác. Đó là trường hợp RCA, một vụ án gây hại xuyên quốc gia.
Một công ty nước ngoài đã thành lập một công ty tại Đài Loan, làm ô nhiễm ở đây và gây thiệt hại cho sức khỏe của người dân Đài Loan.
Nguyên đơn là hơn 500 người, và cuối cùng chúng tôi đã thắng kiện thành công và nhận tiền bồi thường cho các nạn nhân.
Tuy nhiên, không giống như tòa án Việt Nam, Đài Loan chúng tôi là một quốc gia dân chủ với hệ sinh thái độc lập nên chúng tôi thực sự có thể thực hiện các thủ tục pháp lý phù hợp và để có biện pháp khắc phục cho nạn nhân. Điều đó không thể được thực hiện ở Việt Nam.
Chúng tôi đã đến thăm một học giả luật để nghe lời khuyên, người đó là chuyên gia về tài phán quốc tế, và đã cho chúng tôi một ví dụ rất quan trọng liên quan đến quyền tài phán quốc tế.
Đó là trường hợp một công ty châu Âu thành lập công ty con ở châu Phi và gây ô nhiễm ở châu Phi.
Người dân địa phương sau đó đã đến châu Âu để đấu tranh cho vụ án. Tòa án châu Âu công nhận rằng vì có mối quan hệ công ty mẹ và công ty con, các nạn nhân châu Phi có thể nộp đơn kiện tại châu Âu và tòa án châu Âu có thẩm quyền. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đó là một ví dụ rất hay và đó là ví dụ mà chúng ta có thể làm theo.
Tôi muốn nhân cơ hội này và chân thành nói rằng các bạn có thể tin tưởng vào chúng tôi và đặt niềm tin nơi chúng tôi. Tổ chức của chúng tôi và các nhóm đối tác đã và đang nỗ lực hết sức để giúp đỡ trong trường hợp này. Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều với rất nhiều nhân lực. – LS. Huang Xin-wen
Điều đó có nghĩa là một công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về kết quả của các công ty con của họ. Và những người có quyền đang bị làm tổn hại có thể đến công ty mẹ và đòi hỏi phải khắc phục.
Phóng viênBà có muốn nói gì với người VN, những người muốn biết thêm về trường hợp này?
Luật sư Huang Xin-wen: Hiện tại, một số phương tiện truyền thông (cho dù họ có bị kiểm soát hay không) lan truyền một số tin đồn về chúng tôi và một số người có thể lo lắng về việc đưa vụ kiện này cho chúng tôi hoặc lo là có thể tin tưởng được vào chúng tôi hay không.
Tôi muốn nhân cơ hội này và chân thành nói rằng các bạn có thể tin tưởng vào chúng tôi và đặt niềm tin nơi chúng tôi. Tổ chức của chúng tôi và các nhóm đối tác đã và đang nỗ lực hết sức để giúp đỡ trong trường hợp này. Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều với rất nhiều nhân lực.
Chúng tôi có thể không thể đảm bảo một trăm phần trăm rằng sẽ thắng kiện, nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục cố gắng với mọi nỗ lực của mình.
Chúng tôi đang cố gắng để cộng đồng quốc tế, chính phủ Đài Loan và người dân Đài Loan biết tầm quan trọng của vụ việc này và để biết là một công ty Đài Loan đã làm hại đất nước Việt Nam và người Việt Nam như thế nào.
Vì vậy, chúng tôi ERF, EJA, TAHR, CW và các nhóm đối tác khác sẽ tiếp tục theo dõi vụ án này và để nâng cao nhận thức trong trường hợp này.
Phóng viên: Cảm ơn bà đã đến với cuộc phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do.
Sau cuộc phỏng vấn luật sư Huang Xin-wen đã cung cấp cho phóng viên chúng tôi biên lai nộp tiền từ Tòa án Quận Đài Bắc số tiền 1,205,310 Đài tệ (khoảng 40 ngàn USD) và cung cấp phán quyết của tòa án, Thông cáo báo chí ngày 24 tháng 10 của Tòa án quận Đài Bắc theo đường dẫn
http://jirs.judicial.gov.tw/GNNWS/NNWSS002.asp?id=534673
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/formosa-case-lawyer-believe-in-us-11072019095640.html

+ Ý kiến
Powered by Blogger.