Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 19/08/2019

Tuesday, August 20, 2019 2:04:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 19/08/2019

Chuyên gia: Khả năng đụng độ vũ trang

 tại Bãi Tư Chính đang tăng cao

Trong lúc có những thông tin về việc Việt Nam đã cử một tàu hộ vệ tên lửa hiện đại nhất đến khu vực Bãi Tư Chính, các chuyên gia cho rằng khả năng đụng độ quân sự giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang tăng cao khi tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục các hoạt động bị coi là “bất hợp pháp” tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Các nguồn tin không chính thức từ các chuyên gia trong và ngoài nước cho biết, chiến hạm Quang Trung, một trong 4 chiến hạm lớp Gepard 3.9, đã được đưa đến khu vực Bãi Tư Chính nơi tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc đang hoạt động tại vùng biển mà Việt Nam nói là “hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán” của mình.
Tàu Hải Dương 8 hôm 13/8 trở lại khu vực Bãi Tư Chính, nơi trước đây tàu chấp pháp đôi bên từng “đối đầu” năm 1994 trong một tình huống tương tự, sau gần 1 tuần rút ra khỏi khu vực này.
Bộ Ngoại giao (BNG) Việt Nam hôm 16/8 yêu cầu Trung Quốc “rút toàn bộ nhóm tàu,” bao gồm Hải Dương 8 và các tàu hộ tống, cũng như phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm “nghiêm trọng.” Đó là lần thứ 4 BNG Việt Nam lên tiếng về vụ việc này.
Việc tàu Trung Quốc trở lại tiếp tục hoạt động khảo sát địa chấn, theo các chuyên gia, sẽ làm nguy cơ đụng độ giữa Hà Nội và Bắc Kinh trên Biển Đông tăng lên.
Nhà nghiên cứu về hải quân Trung Quốc của Mỹ, Ryan Martinson, hôm 17/8 cho biết qua một cập nhật trên trang Twitter rằng: “Dường như một trong hai chiếc tàu hiện diện của Việt Nam là tàu chiến lớp Gepard (Quang Trung).”
Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales, qua một cập nhật trên trang Twitter cá nhân, hôm 18/8 cũng trích dẫn “nhiều nguồn tin ở Hà Nội” nói rằng “Việt Nam đã cử chiến hạm Quang Trung HQ-016 tới Bãi Tư Chính hôm nay 18/8.”
Mặc dù truyền thông trong nước không khẳng định việc tàu Quang Trung được đưa tới Bãi Tư Chính nhưng ZingNews, Infonet và trang tin tức MSN hôm 19/8 cùng đồng loạt đăng tin và ảnh “cận cảnh chiến hạm Quang Trung” với các thông tin về con tàu tên lửa do Nga đóng có bổ sung thêm chức năng dò tìm và chống tàu ngầm cùng dàn phóng ngư lôi loại 533mm.
Nói với VOA từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp – nhà nghiên cứu an ninh và chính trị khu vực của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS có trụ sở ở Singapore, cho biết rằng tàu Quang Trung “hiện đang neo ở một trong những bãi cạn ở Bãi Tư Chính” thông qua dữ liệu hành trình mà ông có được từ MarineTraffic.
“Tàu Quang Trung đang ở gần khu vực Bãi Tư Chính thế nhưng báo chí Việt Nam chắc là được lệnh không nói gì cả,” theo TS Hà Hoàng Hợp. “Cũng giống như khi tàu địa chất Hải Dương 8 đi ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam hôm 8/8 và đến 13/8 quay trở lại nhưng báo chí cũng không được nói. Cho đến ngày 16/8 khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng thì các báo lúc đó mới nói.”
Bộ Ngoại giao Việt Nam không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của VOA về việc tàu Quang Trung được cử đến bãi Tư Chính trong bối cảnh đụng độ với Trung Quốc.
Việt Nam “quân sự hóa vụ đối đầu”
TS Hà Hoàng Hợp, cũng là thành viên của IISS và chủ tịch Think Tank Viet, cho rằng việc Việt Nam điều tàu chiến ra khu vực này là điều tất yếu sau một tháng “xua đuổi các tàu (Trung Quốc)” mà không được.
Nhận định về động thái điều tàu Quang Trung ra Bãi Tư Chính, GS Thayer, trong bản tin phân tích chính trị và an ninh khu vực ra ngày 18/8, cho rằng nếu thông tin trên là đúng thì điều này có nghĩa rằng Việt Nam “đang nâng mức độ và đưa ra thông điệp về quyết tâm bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam cũng như bảo vệ các tàu hải cảnh của họ tại Bãi Tư Chính.”
Theo ông Martinson, người đầu tiên công bố thông tin về cuộc “đối đầu” giữa các tàu hải cảnh của Việt Nam và Trung Quốc tại Bãi Tư Chính, nếu việc tàu Quang Trung được cử đến đó để ngăn cản hoạt động của tàu Trung Quốc là đúng thì “khả năng đụng độ vũ trang (của Việt Nam) với Trung Quốc đã tăng cao đáng kể.”
Nếu khả năng đụng độ vũ trang xảy ra, nó sẽ giống với vụ “đối đầu” hồi năm 1994 giữa các tàu của Việt Nam và Trung Quốc cũng tại Bãi Tư Chính, theo TS Alexander Vuving, chuyên nghiên cứu về an ninh châu Á và Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương ở Haiwaii, nhận định trên trang Twitter cá nhân hôm 17/8.
Cho biết về thông tin của vụ việc năm 1994, TS Hà Hoàng Hợp cho biết bốn tàu chiến của Việt Nam đã được điều ra khu vực Bãi Tư Chính để “xua đuổi” 2 tàu thăm dò của Trung Quốc vào thời gian đó.
Theo GS Thayer, người chuyên nghiên cứu về các vấn đề Việt Nam và khu vực, với việc đưa tàu Quang Trung đến khu vực đụng độ, Việt Nam “đã có động thái quân sự hóa vụ đối đầu ở Bãi Tư Chính trước” và Trung Quốc giờ đây “sẽ đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan là liệu sẽ đáp trả hay không bằng việc điều các tàu của Hải quân Quân giải phóng Nhân dân ra Bãi Tư Chính.” Vị giáo sư này cho rằng nếu làm như vậy, Trung Quốc sẽ bị coi là “kẻ gây hấn quân sự và gây ra những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc.”
Việt Nam đã lên tiếng kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và mặc dù Mỹ đã đưa ra những lời chỉ trích về hành động “bắt nạt” của Trung Quốc trong tháng qua, Bắc Kinh vẫn tiếp tục thách thức chủ quyền của Việt Nam.
Trong động thái liên quan đến việc Trung Quốc điều tàu đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Đại tướng David Goldfein, tham mưu trưởng Không quân Mỹ, nói rằng Hoa Kỳ “tôn trọng các quyết định và hành động của lãnh đạo Việt Nam.”
“Chúng tôi luôn luôn ủng hộ quyền tự vệ và phòng vệ chính đáng của Việt Nam,” Đại tướng Goldfein được VietNamNet trích lời nói tại một buổi họp báo tại Hà Nội hôm 18/8. “Chúng tôi sẽ quan sát các hoạt động của Chính phủ Việt Nam để sẵng sàng hợp tác, làm việc với các bạn.”
Tuy nhiên, Giáo sư Carl Thayer hôm 5/8 nói với VOA rằng “Mỹ sẽ không ép (tàu) Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam” vì Việt Nam không phải là một đồng minh của Mỹ trong khu vực. Điều quan trọng đối với Việt Nam lúc này, theo GS Thayer, là khi Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới thăm Washington trong thời gian tới trong năm nay, “liệu Việt Nam và Mỹ có nâng mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược hay không? Và liệu Việt Nam sẽ làm điều đó vì áp lực từ Trung Quốc hay không?”

Tướng Không quân Mỹ

khẳng định cam kết tiếp tục tuần tra Biển Đông

Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu chiến đi qua khu vực Biển Đông để ngăn chặn Trung Quốc tìm cách kiểm soát tuyến đường biển chiến lược quan trọng này. Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ, Tướng David Goldfein cho báo giới biết như vậy trong một họp báo qua điện thoại nhân chuyến thăm đến Philippines hôm 16 tháng 8.
Tướng Goldfein và Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương – Tướng Charles Brown vừa có chuyến thăm đến Philippines và Việt Nam từ ngày 16/8 vừa qua vào giữa lúc Trung Quốc đang có những hành động gây hấn đối với cả Manila và Hà Nội tại khu vực Biển Đông.
Tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng với đoàn tàu hộ tống vừa quay lại khu vực gần Bãi Tư Chính của Việt Nam hôm 13/8 sau vài ngày rút đi. Trước đó, đoàn tàu này cũng có mặt ở khu vực này từ đầu tháng 7 và ở lại hơn một tháng, bất chấp những phản đối chính thức về mặt ngoại giao của Việt Nam.
Trong cuộc gặp với báo chí ở Hà Nội vào ngày 18 tháng 8, tướng David Goldfein một lần nữa nhấn mạnh cam kết của Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương và phản đối các hành động của Trung Quốc. Ông nói: “Tôi nhấn mạnh lại tuyên bố rất mạnh mẽ của Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đưa ra. Đó là chúng tôi phản đối mạnh mẽ các hoạt động gây ảnh hưởng và thách thức những quyền lợi chính đáng cũng như chủ quyền của Việt Nam trong khu vực. Chúng tôi hoàn toàn cam kết ủng hộ hoạt động hợp tác, đảm bảo quyền lợi hai nước.
Về việc Trung Quốc điều tàu đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trước hết chúng tôi tôn trọng các quyết định và hành động của Việt Nam. Chúng tôi luôn ủng hộ quyền tự vệ và phòng vệ chính đáng của Việt Nam, chúng tôi sẽ theo sát các hoạt động của Việt Nam, sẵn sàng hợp tác làm việc với Việt Nam”.
Khi được hỏi liệu chuyến thăm của các quan chức cấp cao Không quân Mỹ đến Philippines và Việt Nam lúc này có liên quan gì đến những hành động của Trung Quốc thời gian gần đây ở Biển Đông, tướng Goldfein cho biết kế hoạch thăm đã chuẩn bị từ hơn 1 năm.
Các tướng Không quân Mỹ sẽ có những cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam vào ngày 19 tháng 8, trong đó có cuộc gặp với Trung tướng Lê Huy Vịnh – Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 7 tháng 8, Hoa Kỳ cũng đã điều nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan đến thăm cảng Manila sau chuyến tuần tra Biển Đông của nhóm tàu này.

Hai đại tướng không quân Mỹ phản đối các hoạt động

thách thức quyền chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông

Hai lãnh đạo cấp cao của không quân Mỹ mạnh mẽ phản đối các hành vi thách thức quyền chủ quyền cũng như các hoạt động hợp pháp của VN.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam từ 18 – 19.8, chiều qua, 2 vị đại tướng của không quân Mỹ là Tham mưu trưởng David Goldfein và Tư lệnh không quân khu vực Thái Bình Dương Charles Brown Jr. đã có buổi trao đổi với báo chí trong nước xoay quanh những hành động ngang ngược, đe dọa trật tự và ổn định khu vực của Trung Quốc trên Biển Đông.
Phải tôn trọng trật tự quốc tế
Mở đầu buổi trao đổi, đại tướng Goldfein nhấn mạnh đây là chuyến đi duy nhất đến khu vực Thái Bình Dương trong năm nay mà ông có thể thực hiện, và Việt Nam là một điểm dừng chân quan trọng cả về lý do công việc lẫn lý do cá nhân.
Về mặt công việc, ông Goldfein bày tỏ “rất tự hào” vì đây là chuyến thăm đầu tiên của một tham mưu trưởng không quân Mỹ kể từ sau chiến tranh Việt Nam. “Tôi ở đây để nhấn mạnh lại thông điệp đã được lãnh đạo của chúng tôi là Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo nhắc đi nhắc lại nhiều lần: với tư cách một đối tác, chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam trở thành một đất nước thịnh vượng và hùng mạnh”, tướng Goldfein nhấn mạnh và cho biết thêm Mỹ cũng hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong khu vực về những lợi ích chung, mà quan trọng hàng đầu trong số đó là những trật tự quốc tế mà tất cả các quốc gia phải tôn trọng như tự do hàng hải, hàng không, không gian mạng… “Chúng tôi cam kết tôn trọng trật tự đó với Việt Nam, và hy vọng với sự hiện diện của 2 đại tướng ở Việt Nam là một thông điệp thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Mỹ với mối quan hệ vô cùng quan trọng giữa hai bên”, đại tướng Goldfein nói.
Về lý do cá nhân, cha của đại tướng Goldfein lẫn đại tướng Brown đều tham gia chiến tranh Việt Nam và “luôn dành sự tôn trọng với các đồng đội và đối thủ ở Việt Nam”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về các hoạt động ngang ngược gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, Tham mưu trưởng không quân Mỹ Goldfein một lần nữa nhấn mạnh lại những phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo từng đưa ra, khẳng định “Chúng tôi mạnh mẽ phản đối những hoạt động đang diễn ra hiện nay, thách thức quyền chủ quyền và những hoạt động hợp pháp trên biển của Việt Nam”. “Một lần nữa, sự hiện diện của chúng tôi ở đây là một thông điệp cho cam kết về mối quan hệ gắn bó giữa hai nước”, ông nhấn mạnh.
Chúng tôi cũng đang quan sát rất kỹ các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông… Rõ ràng các hoạt động của họ có tác động không mong muốn, đặc biệt với khu vực đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực

Nhiều nguy cơ với khu vực

đặt ra với “Hành động của TQ”

Lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam”. Đó là tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khi trả lời báo chí ngày 16/8. Theo đó, lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua, việc tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Bởi đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982″.
Theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS và luật pháp quốc tế.
Hành động ngang ngược của Trung Quốc tiếp tục khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ và lên án. Khi trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, Giáo sư Alexander Vuving, nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định: “Hành động ngang ngược của Trung Quốc sẽ đặt ra nhiều nguy cơ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
PV: Thưa Giáo sư, Trung Quốc đã tái xâm phạm trái phép vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam với việc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ tống vào khu vực bãi Tư Chính-Vũng Mây. Trước tiên, Giáo sư bình luận như thế nào về những mục đích của Trung Quốc khi liên tục tiến hành các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt nam?
Giáo sư Vuving: Tôi nghĩ rằng, việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã thể hiện nhiều mục đích. Thứ nhất, tàu Hải Dương 8 khảo sát ở phía Tây đảo Trường Sa là khu vực chiến lược rất quan trọng trên Biển Đông, nơi Trung Quốc chưa có điều kiện khảo sát. Bây giờ họ có điều kiện hơn, có tàu lớn và khả năng tiếp tế từ các đảo nhân tạo, đặc biệt là Đảo Chữ Thập thì họ có điều kiện hơn để họ làm.
Những dữ liệu khảo sát địa chấn ở khu vực này không chỉ có giá trị đánh giá về trữ lượng dầu khí và khoáng sản dưới lòng biển mà còn có giá trị cho tàu ngầm ở đây, trong đó Trung Quốc đang phát triển mạnh các tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo, loại vũ khí răn đe chiến lược rất quan trọng, có khả năng đánh đòn trả đũa trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Mục tiêu thứ 2 của Trung Quốc là cản phá các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam ở vùng lan đỏ, hiện thực hóa yêu sách đường Lưỡi Bò vô lý và ngang ngược của Trung Quốc. Trung Quốc đưa ra một quan điểm riêng về Luật Biển quốc tế, họ có yêu sách ngang ngược về chủ quyền Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế. Trung Quốc sử dụng sức mạnh đơn phương để đè bẹp luật pháp quốc tế, uốn luật pháp theo ý mình với logic đó.
Mục tiêu thứ ba, họ muốn gây sức ép lên Việt Nam và các nước ASEAN khác để buộc các nước phải thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông COC-theo quan điểm của Trung Quốc. Năm ngoái, Ngoại trưởng Trung Quốc đã đề ra mục tiêu trong vòng 3 năm đến năm 2021 sẽ thông qua được Bộ Quy tắc Ứng xử này. Hiện nay, Trung Quốc đang ép các nước trong khu vực phải tạm gác tranh chấp
cùng khai thác với Trung Quốc. Cho nên, hành động của Trung Quốc là “nếu anh không nghe lời tôi thì tôi sẽ cản trở anh và tôi sẽ làm những gì mà tôi muốn”. Thứ tư nữa, họ cũng muốn thử phản ứng của Việt Nam và các nước khác. Tục ngữ có câu “mềm nắn rắn buông”, nếu Việt Nam có phản ứng không đủ mạnh thì Trung Quốc sẽ tiếp tục làm tới, còn nếu Việt Nam phản ứng mạnh quá sức chịu đựng của Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ rút lui. Họ sẽ rút kinh nghiệm và sẽ tìm cách khác để tiếp tục hiện thực hóa đường Lưỡi Bò.
PV: Giáo sư vừa phân tích 4 mục tiêu của Trung Quốc khi họ đưa nhóm tàu Hải Dương 8 liên tục xâm phạm trái phép trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa tàu khảo sát vào hoạt động trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vậy Giáo sư đánh giá như thế nào về những nguy cơ đặt ra đối với khu vực khi Trung Quốc liên tục tiến hành các hành động trái phép như vậy?
Giáo sư Vuving: Tôi nghĩ có 2 nguy cơ lớn nhất dối với khu vực. Với hành động này, Trung Quốc tiếp tục hướng tới con đường giành thêm các quyền kiểm soát Biển Đông, khống chế không gian biển ở khu vực. Nguy cơ thứ hai, sự áp đặt đơn phương của Trung Quốc đã chà đạp lên luật pháp quốc tế. Nếu không bị ngăn cản sẽ củng cố thêm một hiện thực mới trên Biển Đông là “sức mạnh của Trung Quốc đứng cao hơn luật pháp quốc tế”, buộc mọi người phải chấp nhận. Riêng đối với Việt Nam, Việt Nam sẽ đối mặt với các nguy cơ mất quyền khai thác các nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Thứ hai, nếu Trung Quốc khống chế được không gian trên Biển Đông có nghĩa là Việt Nam đi ra đi vào ngôi nhà của mình hoặc muốn tiếp tế cho các đảo của mình cũng phải xin phép Trung Quốc. Sâu xa hơn, nếu Trung Quốc độc chiếm hoàn toàn Biển Đông thì cán cân lực lượng của khu vực Đông Á sẽ ngả rất mạnh về phía Trung Quốc. Trung Quốc sẽ nổi lên như một kẻ bá chủ trong khu vực. Mọi người có thể nhìn thấy sức mạnh của Trung Quốc có thể chà đạp lên luật pháp, đứng trên luật pháp thì khi đó, độc lập, tự chủ của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam sẽ bị xâm hại nghiêm trọng.
PV: Giáo sư vừa bình luận về những tham vọng và những tính toán của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng theo ông, các động thái gần đây của Mỹ và cộng đồng quốc tế “liệu đã đủ” để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc?
Giáo sư Vuving: Cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ nhất. Mỹ có chung lợi ích ở Biển Đông và không muốn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Mỹ cũng đủ mạnh để không phải lo ngại sự trả đũa của Trung Quốc. Rõ ràng nhân tố Mỹ là nhân tố không thể thiếu được đối với các quốc gia trong vùng muốn bảo vệ độc lập, chủ quyền của mình trước Trung Quốc.
Tuy nhiên, những hành động của Mỹ trong suốt thời gian vừa qua khi Trung Quốc gây hấn và có những bước đi táo bạo muốn độc chiếm Biển Đông lại chưa đủ. Mỹ mới chỉ tuần tra hàng hải và hành động trên mới chỉ ghi nhận quan điểm của Mỹ về vấn đề tự do hàng hải, thể hiện quyết tâm của Mỹ để bảo vệ tự do hàng hải. Tuy nhiên, nó không tạo nên được sự răn đe đối với Trung Quốc, nó chưa buộc Trung Quốc phải trả một cái giá đủ lớn.
PV: Giáo sư vừa nói những hành động của Mỹ là chưa đủ để ngăn chặn các hành vi ngang ngược của Trung Quốc, vậy đâu là “hành động đủ” của cộng đồng quốc tế thưa Giáo sư?
Giáo sư Vuving: Tôi nghĩ trước hết phải thu thập và công bố các bằng chứng về sự vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Chúng ta đã biết là Tòa Trọng tài Quốc tế năm 2016 đã ra Phán quyết khẳng định rõ “yêu sách đường Lưỡi Bò của Trung Quốc trên Biển Đông là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế. Rồi một loạt các hoạt động của Trung Quốc như quấy rối, ngăn chặn và xây đảo nhân tạo cũng là trái với luật pháp quốc tế. Rất nhiều hoạt động nhằm hiện thực hóa đường Lưỡi Bò trái với luật pháp Quốc tế, những quốc gia trong vùng nếu có được bằng chứng phải trưng ra đẩy đủ đưa ra trước công luận quốc tế. Về sau này, đây sẽ là những tài liệu rất giá trị để Tòa án quốc tế nhìn vào.
Các nước phải kết hợp với nhau mạnh hơn nữa để tạo thành một mặt trận quốc tế đủ lớn để chống lại sự vi phạm quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông, chống lại yêu sách đường Lưỡi Bò của Trung Quốc trên Biển Đông. Có như vậy mới có thể tạo đủ sức ép buộc Trung Quốc phải thay đổi hành vi. Đồng thời cũng phải có những hành động hợp pháp bảo vệ các nước ven bờ, chẳng hạn như những hành động thăm dò dầu khí, đánh cá bình thường của ngư dân Việt Nam. Tất cả những hoạt động này phải được bảo vệ. Tôi nghĩ rằng, không chỉ có các nước ven bờ như Việt Nam, Philippines, Malaysia mà kể cả các nước bên ngoài có chung lợi ích bảo vệ luật pháp quốc tế cũng hoàn toàn có thể hợp tác với nhau, không chỉ bằng con đường quân sự mà có thể sử dụng các tàu chấp pháp giúp đỡ nhau, tăng cường năng lực để cùng nhau bảo vệ thi hành luật pháp quốc tế trong khu vực này.
PV: Giáo sư đánh gíá như thế nào về khả năng khởi kiện Trung Quốc với các hành vi trái phép hiện nay?
Giáo sư Vuving: Rõ ràng, những hành động hiện nay của Trung Quốc như đưa tàu vào vùng chủ quyền của Việt Nam, xua đuổi tàu cá … hoàn toàn là bất hợp pháp. Nếu Việt nam thu thập được đủ bằng chứng và công bố ra quốc tế thì sẽ xây dựng được một hệ thống tư liệu quý báu, khi đưa ra Tòa thì khả năng thắng kiện 100% bởi vì các hoạt động của Trung Quốc hoàn toàn sai luật pháp quốc tế.
PV: Giáo sư có dự báo như thế nào về tình hình Biển Đông trong những ngày tới?
Giáo sư Vuving: Một trong những cách Việt Nam có thể bắt Trung Quốc “nâng” cái giá phải trả với những hành động phi pháp của mình đó là tạo điều kiện cho quốc tế vào và nhìn thấy, thu thập các bằng chứng Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, chẳng hạn như tạo điều kiện cho các phóng viên quốc tế tới thực địa để trực tiếp lấy thông tin về các hành động quấy nhiễu và cản phá của Trung Quốc và đó sẽ là những bằng chứng hùng hồn và mạnh mẽ nhất để buộc Trung Quốc chùn bước trong điều kiện hiện nay. Năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan, Việt Nam đã đưa nhà báo quốc tế ra tận nơi chứng kiến và ghi hình và chính điều đó đã góp phần không nhỏ khiến Trung Quốc phải rút giàn khoan về sau 2 tháng rưỡi hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Thứ hai, nếu Việt Nam không có những phản ứng đủ mạnh để buộc Trung Quốc phải trả giá thì Trung Quốc sẽ tiếp tục làm những gì mà họ đã và đang làm. Họ sẽ tiếp tục làm nhiều cách để thực thi đường Lưỡi Bò của họ. Cho đến nay họ chưa phải trả giá cho các hành vi của họ, nên họ sẽ tiếp tục thực hiện ý đồ của mình bằng nhiều hành vi khác nhau. Một kịch bản trong tương lai, họ sẽ bao vây một đảo của Việt Nam, cắt đường tiếp tế vào đảo. Do đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động thăm dò, cản phá, quấy rối các hoạt động đánh bắt cá của Việt Nam, Philippines, Malaysia, kể cả bên trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, rồi họ sẽ tăng cường tập trận, kể cả bắn tên lửa trên Biển Đông.

Mỹ ‘phối hợp đa phương’ ở Biển Đông

Một quan chức ngoại giao Mỹ chuyên về vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế mới nói rằng Washington “phối hợp đa phương” trong khi đương đầu với Trung Quốc trên Biển Đông.
Khi được hỏi về nỗ lực yêu cầu Bắc Kinh minh bạch hóa các hoạt động quân sự trên Biển Đông, bà Andrea L. Thompson, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ chuyên trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, trả lời rằng “đây là một nỗ lực chung, không phải của riêng Hoa Kỳ”.
“Chúng tôi phối hợp với các đối tác và đồng minh nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải và quyền tự do đi lại ở khu vực đó [Biển Đông]. [Chúng tôi] phối hợp song phương cũng như đa phương nhằm quy trách nhiệm cho Trung Quốc”, bà Thompson nói hôm 13/8 trong một cuộc họp báo.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác của chúng tôi. Chúng tôi cũng tin tưởng tuyệt đối vào đội ngũ lãnh đạo cấp cao ở cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng để đảm bảo rằng Trung Quốc biết rõ quan điểm của chúng tôi và sẽ tiếp tục đứng lên bảo vệ lẽ phải cũng như quyền tự do hàng hải”.
Tuyên bố về việc “phối hợp đa phương” của Mỹ với các nước khác về Biển Đông được đưa ra đúng ngày xuất hiện tin tàu khảo sát của Trung Quốc quay lại khu vực Bãi Tư chính trong thềm lục địa của Việt Nam, ít ngày sau khi rời đi. Đây là khu vực nơi một công ty Nhật đang thực hiện khoan thăm dò theo hợp đồng với tập đoàn Rosneft của Nga ở Việt Nam.
Các chuyên gia về Biển Đông từng nói với VOA tiếng Việt rằng sự liên quan của công ty Nga và Nhật trong vụ “đối đầu” giữa tàu hải cảnh Việt Nam và Trung Quốc ở Bãi Tư Chính đã “gây phức tạp” cho quyết sách của chính quyền Bắc Kinh cũng như “đa phương hóa” và “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông.
Chính quyền Bắc Kinh lâu nay tuyên bố chỉ đàm phán giải quyết vấn đề Biển Đông với các quốc gia trực tiếp liên quan.
Sau khi vấp phải chỉ trích của Washington về “hành động khiêu khích” ở Bãi Tư Chính, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng lên tiếng cho rằng Mỹ “vu khống”, “vô trách nhiệm” đồng thời nói thêm rằng Hoa Kỳ và “các thế lực bên ngoài khác” khuấy động bất ổn ở Biển Đông.
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Andrea L. Thompson năm ngoái đã có chuyến thăm kéo dài nhiều ngày tới Việt Nam, quốc gia bà nói là “một trong các đối tác mạnh” của Mỹ ở khu vực.
Liên quan tới vấn đề hợp tác hàng hải, một tuyên bố của Mỹ mới đây nói rằng “một Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có khả năng và vững mạnh ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là điều sống còn để thúc đẩy cấu trúc khu vực nhằm hỗ trợ việc quản trị dân chủ và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, thông qua luật pháp quốc tế”.
Tài liệu được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố còn nói rằng Hoa Kỳ giúp huấn luyện các lực lượng tuần duyên của ASEAN, tiến hành các chương trình hỗ trợ an ninh nhằm củng cố an ninh hàng hải của các nước trong khu vực cũng như sẽ cùng với Thái Lan tổ chức Cuộc Diễn tập Hàng hải đầu tiên giữa ASEAN và Mỹ vào tháng Chín tới.
Mỹ, quốc gia không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, luôn khẳng định không đứng về bất kỳ quốc gia nào trong tranh chấp lãnh hải giữa nhiều nước.
Trong một cuộc họp báo mới đây, khi được hỏi về việc Mỹ sẽ hợp tác như thế nào nhằm củng cố quyền tự do hàng hải với các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Đô đốc Karl L. Schultz, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ, đề cập tới việc mới đây đã “đón tiếp lãnh đạo của Cảnh sát Biển Việt Nam” và “đang hợp tác chặt chẽ” với phía Hà Nội.
“Vì là láng giềng của Trung Quốc, rõ ràng họ phải rất cẩn trọng trong quan hệ ở khu vực”, Đô đốc Schultz nói.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.