Tin Biển Đông – 21/06/2019
Trung Quốc lại triển khai
máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa
Hãng tin CNN của Mỹ hôm 21/6 cho biết hãng này đã có được những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc vừa triển khai ít nhất 4 máy bay chiến đấu J-10 ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam.
Theo CNN, những hình ảnh vệ tinh này được chụp hôm 19/6. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai máy bay J-10 ra các đảo do nước này kiểm soát ở Biển Đông.
Vào năm ngoái, Trung Quốc cũng triển khai máy bay ném bom tầm xa H-6K ra đảo Phú Lâm. Trung Quốc gọi những hoạt động triển khai quân sự này là huấn luyện bình thường và nói các nước khác không nên nói quá lên vấn đề.
CNN đưa những tấm hình vệ tinh mới cho một số chuyên gia để lấy nhận xét về những hoạt động mới của Trung Quốc ở vùng nước tranh chấp. Đánh giá chung của các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang cố tình cho thế giới thấy vùng đảo là thuộc chủ quyền của Trung Quốc và họ có thể đưa máy bay chiến đấu đến bất cứ khi nào họ muốn. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn cho các nước thấy khả năng về không quân vươn ra toàn bộ Biển Đông của nước này.
Các chuyên gia đánh giá nhiều khả năng Trung Quốc sẽ để máy bay chiến đấu J-10 trên đảo vì những máy bay này đều không mang thêm thùng nhiên liệu ngoài. Điều này có nghĩa là các máy bay sẽ được tiếp liệu trên đảo.
Quần đảo Hoàng Sa đã từng do Việt Nam kiểm soát. Tuy nhiên, vào năm 1974, Trung Quốc đã mang quân ra chiếm quần đảo này và kiểm soát toàn bộ quần đảo từ đó đến nay.
Ngày 18/6, Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Konrad-Adenauer Stiftung (KAS) của Đức và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Đối thoại Biển lần thứ 5 với chủ đề “Hợp tác ASEAN trong vấn đề Biển Đông”.
Tại Đối thoại, giới chuyên gia, học giả đã trao đổi về một số vấn đề như diễn biến tranh chấp Biển Đông, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và cách để ASEAN có thể định hình và khẳng định vị trí trong cuộc xung đột đó; vai trò của Việt Nam cũng như những kỳ vọng khi Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)… những giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN cũng như sự hợp tác giữa các thành viên trong khối trong vấn đề Biển Đông.
Theo giới chuyên gia, các vấn đề xung đột đã tạo ra thách thức lớn đối với hòa bình ổn định trong khu vực trong nhiều năm qua. Không thể phủ nhận, các quốc gia Đông Nam Á cũng đang dần có những quan điểm và lợi ích khác nhau, cũng như cách tiếp cận khác nhau trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, ASEAN vẫn nỗ lực duy trì và khẳng định mong muốn đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực.
Trong khuôn khổ đối thoại, các đại biểu cũng đã cùng thảo luận và đưa ra nhiều phương thức giúp định hình những ưu tiên, xác định điểm chung, xây dựng lòng tin giữa các quốc gia ASEAN để giải quyết các vấn đề mang tính chất nhạy cảm trên Biển Đông, đặc biệt là các vấn đề về suy giảm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên cá…
Trước đó, Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Konrad-Adenauer Stiftung (KAS) của Đức và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã tổ chức 4 buổi Đối thoại liên quan vấn đề biển đảo.
Tại Đối thoại lần thứ 4 với chủ đề “Hợp tác quốc tế giải quyết vấn nạn rác thải nhựa ở Biển Đông” (16/1/2019), Tiến sỹ Nguyễn Lê Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo cho rằng, ngoài việc triển khai tốt chính sách, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác khu vực, chia sẻ thông tin về ô nhiễm rác thải nhựa ở khu vực Biển Đông. Để thực hiện điều này, các nước trong khu vực cần có kế hoạch hành động cùng với nguồn lực hậu thuẫn phù hợp để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương đối với từng quốc gia. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các sản phẩm tái chế, công nghệ tái chế trong tương lai... Trong khi đó, Phó Giáo sư Nguyễn Chu Hồi nhận định sự hợp tác giữa các nước trong khu vực Biển Đông để chung tay cùng giải quyết vấn đề rác thải nhựa không chỉ là nguyên tắc chung trên thế giới mà còn là nhu cầu hết sức cấp thiết đối với các nước trong bối cảnh hiện nay. Theo Phó Giáo sư Nguyễn Chu Hồi, việc tăng cường hợp tác giữa các nước trong các vấn đề môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa cũng tạo dựng được lòng tin, thể hiện những dấu hiệu về thiện chí chính trị trong việc giải quyết những vấn đề còn lại ở Biển Đông.
Tại Đối thoại lần thứ ba với chủ đề “Luật Quốc tế và Biển Đông” (11/6/2018), Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh, luật quốc tế là cơ sở bảo đảm an ninh và ổn định quốc tế cũng như khu vực. Tại Biển Đông, các bên liên quan đều tuyên bố tuân thủ luật pháp quốc tế, song cách diễn giải luật khác nhau tạo ra thách thức lớn đối với hợp tác khu vực. Do đó, đối thoại lần này là cơ hội thúc đẩy sự hiểu biết chung giữa các chuyên gia, giới hoạch định chính sách và công chúng nói chung, từ đó góp phần rút ngắn khoảng cách về nhận thức và thúc đẩy hợp tác trên Biển Đông. Cũng tại Đối thoại, các diễn giả đã thảo luận những vấn đề pháp lý ở Biển Đông. Trong đó có nguyên tắc thượng tôn pháp luật, địa vị pháp lý của các thực thể, phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện của Philippines ở Biển Đông, khía cạnh pháp lý của ý tưởng hợp tác cùng phát triển trong khu vực, bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông...
Tại Đối thoại lần thứ 2 với chủ đề “Hợp tác nghề cá tại Biển Đông” (15/3/2018), giới chuyên gia, học giả đã tập trung thảo luận về tình hình và đánh giá cơ hội hợp tác nghề cá tại Biển Đông. Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, Tiến sĩ Lê Hải Bình cho biết nghề cá tại Biển Đông mang lại nhiều lợi ích không chỉ về mặt kinh tế mà còn góp phần ổn định kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống mưu sinh cho hàng trăm triệu người dân ven biển ở Biển Đông. Tuy nhiên, trước tình hình đánh bắt cá quá mức, hoạt động đánh bắt cá trái phép (IUU Fishing) và việc ngư dân sử dụng những phương thức đánh cá gây hủy diệt môi trường biển, các quốc gia tại Biển Đông có trách nhiệm khai thác nghề cá bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái biển. Ông Peter Girke - Trưởng đại diện Quỹ KAS tại Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh trữ lượng cá đang ngày càng suy giảm, các nước cần tích cực thúc đẩy các biện pháp hợp tác trên cơ sở tính toán cân bằng lợi ích của từng lĩnh vực và giữa các quốc gia. Tại Đối thoại, bà Stacey Nation - Tham tán Chính trị Đại sứ quán Australia đánh giá cao việc tổ chức Đối thoại Biển lần thứ hai cho biết, Australia áp dụng cách tiếp cận đa diện trong hoạt động nghề cá nói chung và chống lại các hành vi đánh cá trái phép nói riêng. Australia đã hợp tác tích cực với Việt Nam trong hoạt động nghề cá và cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương chặt chẽ trong thời gian tới. Các diễn giả đều đồng tình rằng hiện nay tại Biển Đông, tình hình đánh bắt cá trái phép, đánh bắt cá bằng các phương thức hủy diệt môi trường và nhận thức kém về bảo vệ môi trường biển là nguyên nhân chính dẫn đến việc suy giảm nghiêm trọng nguồn cá. Do đó, các quốc gia cần hợp tác với nhau một cách toàn diện, thực chất.
Việc sở hữu máy bay P-3C Orion có thể giúp Philippines tăng khả năng tuần thám biển dù phải vượt qua nhiều rào cản.
"Chỉ cần sở hữu được một máy bay P-3 Orion cũng có ích cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ tìm hiểu khả năng đặt mua một hoặc hai chiếc", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana phát biểu hồi cuối tháng 5, đề cập tới khả năng ký hợp đồng mua mẫu máy bay tuần thám được mệnh danh là "sát thủ săn ngầm" của Mỹ.
Bộ trưởng Lorenzana cho rằng những chiếc P-3 sẽ tăng cường đáng kể khả năng tuần thám biển của quân đội Philippines. Quân đội nước này hiện có năng lực giám sát các vùng biển xa bờ rất hạn chế, do chỉ biên chế 5 máy bay tuần thám hạng nhẹ TC-90 được Nhật Bản viện trợ trong giai đoạn 2017-2018 cho lực lượng hải quân.
Tokyo ban đầu cho thuê những chiếc TC-90, nhưng sau đó tặng toàn bộ cho Philippines nhờ việc nới lỏng các quy định về chuyển giao thiết bị quân sự cho nước ngoài. TC-90 có tầm bay gấp đôi các phi cơ tuần tra trước đó của không quân Philippines, nhưng tính năng kỹ chiến thuật của nó vẫn bị giới hạn khá nhiều do không được trang bị các hệ thống trinh sát hiện đại.
"Bộ trưởng Lorenzana sẽ sớm gửi đề xuất mua máy bay cho phía Mỹ", Bộ Quốc phòng Philippines sau đó ra thông cáo cho hay. Nếu được phê duyệt, hợp đồng này sẽ nằm trong Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA), chương trình chuyên cung cấp thiết bị quân sự loại biên cho đối tác và đồng minh của Mỹ nhằm hỗ trợ nỗ lực hiện đại hóa quân đội.
Mỹ hiện chưa bình luận về khả năng bán P-3 cho Philippines, nhưng nước này gần đây đang tăng cường nỗ lực hỗ trợ đồng minh, đối tác trong khu vực nâng cao năng lực tuần tra trên biển, đảm bảo an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Phiên bản P-3C Orion có tầm hoạt động tới 4.400 km và bán kính chiến đấu 2.500 km, gấp đôi những chiếc TC-90 trong biên chế Philippines hiện nay. Đây là "sát thủ săn ngầm" chủ lực của hải quân Mỹ từ thập niên 1960, liên tục được nâng cấp với những hệ thống cảm biến hiện đại.
Các phi đội P-3C Mỹ đang dần được loại biên để nhường chỗ cho dòng P-8A Poseidon tối tân, nhưng chúng vẫn có khả năng tuần thám biển mạnh mẽ, cùng hệ thống vũ khí uy lực gồm tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon, vũ khí diệt tàu ngầm và thủy lôi.
Ngân sách quốc phòng có hạn của Philippines khiến phương án mua các máy bay cũ của Mỹ qua EDA là giải pháp hợp lý nhất. Tuy nhiên, Philippines có thể đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình vận hành mẫu máy bay tuần thám này, trong đó thách thức đầu tiên là những khí tài có thể được trang bị trên P-3C do Mỹ chuyển giao.
"Từng có nhiều cuộc tranh cãi nhạy cảm ở Philippines trong các hợp đồng EDA trước đây, tập trung vào năng lực khí tài sau khi được chuyển giao", chuyên gia an ninh Brian Harding thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Mỹ, nhận xét.
Một trong những thỏa thuận lớn nhất giữa Mỹ và Philippines trong chương trình EDA là hợp đồng chuyển giao các tàu tuần tra lớp Hamilton. Tuy nhiên, khả năng tác chiến của những con tàu được Mỹ chuyển giao cho Philippines bị cắt giảm đáng kể khi bị tháo radar điều khiển hỏa lực, pháo tự động và tổ hợp phòng thủ cực gần (CIWS) Phalanx.
"P-3C sẽ chỉ là một vận tải cơ thông thường nếu không có đầy đủ trang bị nguyên gốc", Bộ trưởng Lorenzana tuyên bố.
Một máy bay P-3C của hải quân Mỹ. Ảnh: Planespotter.
|
Harding cũng đồng quan điểm, cho rằng máy bay P-3C chỉ có ích nếu không bị tháo dỡ bớt trang bị. "Những chiếc Orion sẽ đóng vai trò hỗ trợ phi đội TC-90 để tăng cường năng lực giám sát biển. Chúng từng thể hiện hiệu quả trên mặt đất khi thông tin tình báo từ máy bay P-3C Mỹ được chuyển cho Philippines trong chiến dịch giải phóng Marawi khỏi lực lượng phiến quân", Harding nói thêm.
Ngay cả khi có thể sở hữu máy bay P-3C, Philippines cũng có thể gặp nhiều thách thức trong quá trình sử dụng. Năm 1977, nước này đặt hàng 35 tiêm kích F-8 bị hải quân Mỹ loại biên, nhưng quá trình bảo dưỡng kém khiến phần lớn số phi cơ này bị hư hại và không có khả năng vận hành.
Việc Philippines mua P-3C của Mỹ có thể vấp phải phản ứng từ Trung Quốc, quốc gia đã chi nhiều tiền viện trợ cho Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte. Tuy nhiên, những sự cố như vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines ở bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam có thể thúc đẩy giới quân sự ở Manila tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ.
"Trung Quốc có thể không hài lòng với việc Philippines biên chế và triển khai máy bay tuần thám biển tầm xa trên Biển Đông. Tuy nhiên, Manila hoàn toàn có quyền cải thiện năng lực kiểm soát các vùng biển của họ", Harding đánh giá.
http://biendong.net/bi-n-nong/28791-mau-sat-thu-san-ngam-my-co-the-giup-philippines-tang-nang-luc-tuan-tra-bien.html
0 comments