Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Thứ Bảy, 11 Tháng 1, 2025
Tin Mới :

Tin khắp nơi – 16/05/2019

Thursday, May 16, 2019 4:50:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 16/05/2019

Mỹ: Trump tuyên bố

‘tình trạng khẩn cấp’ quốc gia vì Huawei?

Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để bảo vệ các mạng máy tính của Mỹ khỏi các “kẻ thù ngoại bang”.
Ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông sản xuất bởi các công ty nước ngoài được cho là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Sắc lệnh không nêu tên bất kỳ công ty nào, nhưng được cho là nhắm vào Huawei.
Huawei ‘sẵn sàng ký thỏa thuận ‘không gián điệp’
VN có thể ‘không dùng Huawei’ cho mạng 5G?
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cho biết việc hạn chế hoạt động kinh doanh của họ tại Mỹ sẽ chỉ tổn thương người tiêu dùng và các công ty Mỹ.
Một số quốc gia, dẫn đầu là Hoa Kỳ, trong những tháng gần đây đã bày tỏ lo ngại rằng các sản phẩm do Huawei sản xuất có thể được Trung Quốc sử dụng để giám sát.
Hoa Kỳ đã gây áp lực lên các đồng minh để loại Huawei khỏi thế hệ tiếp theo của mạng 5G tại các nước này.
Trong một động thái riêng biệt, Bộ Thương mại Mỹ đã cho Huawei vào “Entity List” – một động thái cấm công ty này mua lại công nghệ từ các công ty Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính phủ.
Các phóng viên nói rằng các động thái này có khả năng làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn đã leo thang trong tuần này trong cuộc chiến thương mại mà hai nước tăng thuế đánh lên hàng hóa của nhau.
Huawei đang là tâm điểm của cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ-Trung đã thống trị chính trị toàn cầu trong năm qua.
Sắc lệnh nói gì?
Theo thông cáo của Nhà Trắng, sắc lệnh của ông Trump nhằm “bảo vệ nước Mỹ khỏi những kẻ thù ngoại bang đang tích cực và tăng cường tạo ra và khai thác các lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông”.
Pháp lệnh này cho phép bộ trưởng thương mại có quyền “cấm các giao dịch gây ra rủi ro không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia,” thông cáo cho hay.
Động thái này ngay lập tức được Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Ajit Pai hoan nghênh. Ông Ajit Pai tuyên bố rằng đó là “một bước quan trọng trong việc bảo vệ các mạng lưới của Mỹ”.
Hoa Kỳ đã hạn chế các cơ quan liên bang sử dụng các sản phẩm của Huawei và đã khuyến khích các đồng minh làm tương tự, trong khi Úc và New Zealand đều đã cấm sử dụng các thiết bị của Huawei trong các mạng di động 5G thế hệ tiếp theo.
Huawei phản ứng thế nào?
Huawei cho biết công việc của họ không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào và cho biết họ độc lập với chính phủ Trung Quốc.
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm thứ Năm 16/5, Huawei cho biết: “Hạn chế việc kinh doanh của Huawei tại Mỹ sẽ không khiến Mỹ an toàn hơn hay mạnh hơn.
“Thay vào đó, điều này sẽ chỉ giới hạn Mỹ trong các lựa chọn thay thế kém hơn và đắt tiền hơn, khiến Mỹ tụt lại phía sau trong việc triển khai 5G, và cuối cùng gây tổn hại đến lợi ích của các công ty và người tiêu dùng Mỹ.”
Tuyên bố cũng cho biết “những hạn chế vô lý” đối với Huawei đã đặt ra “các vấn đề pháp lý nghiêm trọng khác”. Huawei cũng kịch liệt phủ nhận các cáo buộc.
Hôm thứ Ba, chủ tịch Huawei cho biết “sẵn sàng ký các thỏa thuận không gián điệp với các chính phủ” trong một cuộc họp tại London.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48291167

San Francisco là thành phố đầu tiên tại Mỹ

cấm nhận diện khuôn mặt

By Dave LeePhóng viên công nghệ Bắc Mỹ
Giới lập pháp San Francisco vừa bỏ phiếu cấm sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Đây là thành phố đầu tiên của Hoa Kỳ làm điều này.
Công nghệ này sẽ không được phép sử dụng bởi các cơ quan địa phương, như các cơ quan quản lý giao thông vận tải, hay các cơ quan thực thi pháp luật.
Ngoài ra, mọi kế hoạch mua bất kỳ loại công nghệ giám sát mới nào đều phải được giới chức thành phố thông qua.
Tuy nhiên, giới phản đối cho rằng việc không áp dụng công nghệ nhân diện khuôn mặt sẽ khiến mọi người gặp nguy hiểm và có thể cản trở nỗ lực phòng chống tội phạm.
Việt Nam ‘mất tự do’ trong kỷ nguyên số hóa?
TPHCM: Lắp camera nhận dạng mặt người
Về việc TP HCM lắp camera nhận diện mặt người
Người ủng hộ động thái này thì nói công nghệ hiện tại vẫn chưa đủ tin cậy và tạo ra sự xâm phạm không cần thiết đối với quyền riêng tư và tự do của người dân.
Cụ thể, nhiều người cho rằng hệ thống này có lỗi nhận diện, đặc biệt với phụ nữ và những người có màu da tối.
“Với cuộc bỏ phiếu này, San Francisco tuyên bố rằng công nghệ giám sát khuôn mặt không tương thích với một nền dân chủ lành mạnh và người dân xứng đáng có tiếng nói trong các quyết định về giám sát bằng công nghệ cao,” Matt Cagle từ Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ tại Bắc California nói.
“Chúng tôi hoan nghênh việc thành phố lắng nghe cộng đồng và đi đầu về điều luật quan trọng này. Các thành phố khác cần lưu ý và thiết lập các biện pháp tương tự để bảo vệ sự an toàn và quyền công dân.”
Cuộc bỏ phiếu đã được thông qua bởi các giám sát viên thành phố San Francisco, tỷ lệ 8-1, với hai người vắng mặt. Chính sách này dự kiến ​​sẽ chính thức thành luật sau cuộc bỏ phiếu thứ Hai vào tuần tới.
“Thay vì cấm hoàn toàn, chúng tôi nghĩ một lệnh tạm hoãn sẽ phù hợp hơn”, Joel Engardio, phó chủ tịch của Stop Crime San Francisco nói.
“Chúng tôi đồng ý là có một số vấn đề với công nghệ ID nhận dạng khuôn mặt và không nên sử dụng nó ngay hôm nay. Nhưng công nghệ sẽ cải thiện và nó có thể là một công cụ hữu ích cho mục đích an toàn công cộng khi được sử dụng một cách có trách nhiệm. Chúng ta để ngỏ cho khả năng đó.”
Chính sách mới sẽ không áp dụng cho các biện pháp an ninh tại sân bay hoặc cảng biển San Francisco, vốn do các cơ quan liên bang, chứ không phải địa phương, điều hành.
Một số người đã vận động bất thành để cảnh sát địa phương có thể sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Trong khi cảnh sát San Francisco hiện không sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, các lực lượng cảnh sát khác trên khắp Hoa Kỳ đang được sử dụng công nghệ này.
TP HCM lắp camera nhận diện khuôn mặt
Trong một diễn biến khác, Trung tâm Điều hành Đô thị Thông minh TP Hồ Chí Minh vừa tích hợp hơn 1.000 camera ở các sở ngành, trong đó có nhiều camera có thể phân tích hình ảnh, nhận dạng khuôn mặt.
Phó giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Lê Quốc Cường được dẫn lời trên báo Thanh Niên:
“Khi muốn giám sát một người, sau khi hệ thống camera được thiết lập, chỉ cần người đó xuất hiện ở một hệ thống camera nào đó thì hệ thống tự nhận diện và báo về trung tâm điều hành.
“Các tính năng phát hiện đám đông, tụ tập, nhận dạng phương tiện, hành vi bạo lực, an ninh trật tự… cũng được thiết lập như vậy. Có nghĩa là sau khi được ‘huấn luyện’, mỗi khi ghi nhận hình ảnh trùng khớp với ‘huấn luyện’, camera sẽ tự động chuyển hướng để ghi nhận và gửi thông tin cho trung tâm.”
Luật sư Hồ Hữu Hoành nói với BBC: “TP Hồ Chí Minh, với nạn cướp giựt xảy ra thường xuyên, thì việc gắn camera là điều hữu ích cho chính quyền lẫn người dân.”
“Hệ thống CCTV không phải là điều mới mẻ trên thế giới. Nên Việt Nam, cụ thể là TP Hồ Chí Minh nếu thực hiện, thì không phải là ngoại lệ. Cần hiểu rằng, CCTV cũng là phương tiện hữu hiệu để hỗ trợ việc đảm bảo an ninh xã hội dưới cái nhìn của người dân và chính quyền. Và chúng ta, chỉ đặt ra vấn đề, nếu như chính quyền áp dụng để chấm điểm tín nhiệm công dân giống Trung Quốc.”
Facebooker Ann Đỗ thì nói với BBC: “Theo như tôi hiểu, thứ nhất là việc theo dõi công dân qua camera đã được triển khai giai đoạn một mà không thông qua ý kiến của người dân TP.Hồ Chí Minh. Người dân có quyền đồng ý hay không đồng ý nếu ai đó, dù là chính quyền, được quyền chụp hình/ảnh, quay video, lưu giữ và sử dụng hình ảnh đó của mình, tức việc sử dụng đó phải được chính công dân cấp phép, chiểu theo quyền riêng tư của công dân.”
“Chính quyền là bên lập pháp nhưng rõ ràng đã phạm pháp, vi phạm quyền riêng tư của công dân.”
“Thứ hai, việc lưu giữ nhận dạng hình ảnh công dân mà chính quyền không thích để ngăn chặn họ tiếp cận những dịch vụ như mua sắm, đi máy bay… nếu bị nhận diện, giống như những gì chính quyền Trung Quốc đã làm thì chứng tỏ chính quyền đang tìm cách cô lập những công dân có thái độ phản kháng hay không hài lòng với chính quyền.”
“Điều này cũng vi phạm nghiêm trọng quyền cơ bản của công dân.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48277738

Bang Alabama ban hành luật

cấm phá thai khe khắt nhất nước Mỹ

Trọng Nghĩa
Đúng theo dự kiến, ngày 15/05/2019, thống đốc tiểu bang Alabama, miền đông nam Hoa Kỳ, đã ký ban hành luật cấm phá thai ở mọi giai đoạn trong quá trình mang thai. Hành động phá thai bị xem là trọng tội và có thể bị phạt từ 10 đến 99 năm tù hoặc tù chung thân.
Lệnh này có dự trù một ngoại lệ, cho phép phá thai khi việc mang thai tạo ra nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng cho người mẹ, nhưng tuyệt đối không cho phép phá thai trong những trường hợp loạn luân hay bị cưỡng hiếp. Phụ nữ phá thai không bị phạt, chỉ có người thực hiện bị trừng phạt mà thôi.
Giới phản đối lệnh cấm này và cho biết sẽ nhanh chóng kiện lên Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ.
Theo thông tín viên Anne Corpet tại Washington, luật cấm phá thai ở bang Alabama nằm trong một xu hướng chung hiện nay tại Mỹ, với một số bang khác đã có lệnh cấm nhưng không khe khắt như luật ở Alabama :
« Đây là một ngày đen tối đối với phụ nữ ở Alabama và ở đất nước này. Giám đốc cơ quan kế hoạch hóa gia đình của tiểu bang Alabama đã tuyên bố như trên khi văn kiện được Thượng Viện tiểu bang tán đồng vào hôm qua (15/05).
Văn kiện này cấm phá thai ngay từ lúc mới thụ thai, và bác sĩ can thiệp sẽ bị phạt tù với án có thể lên đến 99 năm tù.
Ngay cả những phụ nữ bị hiếp dâm hay nạn nhân của những vụ loạn luân cũng không được quyền phá thai. Đây là đạo luật khe khắt nhất được thông qua ở Mỹ từ khi Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ hợp pháp hóa việc phá thai vào năm 1973.
Các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ thông báo quyết định kháng cáo, và đây chính là điều mà những người soạn thảo đạo luật mong muốn. Họ hy vọng trường hợp này được đưa lên Tòa Án Tối Cao để cho định chế này đảo ngược lại phán quyết « Roe chống Wade » đã hợp pháp hóa việc phá thai.
Đạo luật thông qua ở Alabama nằm trong xu hướng chung hiện nay : đã có 3 tiểu bang cấm phá thai kể từ khi thai được sáu tuần lễ, tức là vào lúc mà nhiều phụ nữ chưa biết là mình có thai ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190516-bang-alabama-ban-hanh-luat-cam-pha-thai-khe-khat-nhat-nuoc-my

Trump: Mỹ sẽ thắng

trong cuộc chiến thương mại với TQ

Tổng thống Trump khẳng định nếu Fed giảm lãi suất như những gì Trung Quốc sẽ làm thì cuộc chiến thương mại sẽ kết thúc và Mỹ sẽ giành chiến thắng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có “điều chỉnh” phù hợp với những động thái mà Trung Quốc sẽ thực hiện để giải quyết những khó khăn về kinh tế sau khi bị ảnh hưởng bởi thuế quan.
“Trung Quốc sẽ bơm tiền vào hệ thống của họ và có thể sẽ giảm lãi suất như họ vẫn thường làm vậy, để bù đắp cho hoạt động kinh doanh đã và đang thua lỗ. Nếu Fed cũng làm như vậy, cuộc chiến sẽ kết thúc và chúng ta sẽ chiến thắng. Trong bất kỳ tình huống nào, Trung Quốc đều muốn một thỏa thuận”, Tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 14/5.
Đề xuất của Tổng thống Trump về việc Fed hỗ trợ trong cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc từng được ông nhiều lần nêu ra nhằm gây sức ép để ngân hàng Trung ương Mỹ có các điều chỉnh thúc đẩy nền kinh tế phát triển, mặc dù tăng trưởng vẫn ổn định và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong 49 năm qua.
South China Morning Post nhận định bình luận này sẽ khiến Tổng thống Trump dễ dàng đổ lỗi và dồn sự chú ý sang Fed nếu căng thẳng thương mại leo thang khiến nền kinh tế lao dốc khi ông tái tranh cử vào năm 2020.
Các phát ngôn của ông Trump có thể khiến một số quốc gia lo ngại về việc Tổng thống Mỹ sẽ sẵn sàng phá vỡ những tiêu chuẩn lâu dài của ngoại giao kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên Fed nhấn mạnh rằng các quyết định của họ được đưa ra không phụ thuộc vào các quan điểm chính trị.
Sau khi Trung Quốc tuyên bố đáp trả thuế quan với hàng nhập khẩu Mỹ vào tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ đã “chao đảo” ngày 13/5. Ngay sau đó 1 ngày, Tổng thống Trump đã lên tiếng “trấn an” các nhà đầu tư khi khẳng định Mỹ vẫn đang duy trì đối thoại với Trung Quốc. “Tôi nghĩ mọi thứ rồi sẽ diễn biến tốt đẹp”, ông Trump phát biểu với báo giới sau khi rời Nhà Trắng trong chuyến thăm tới Louisiana.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28025-trump-my-se-thang-trong-cuoc-chien-thuong-mai-voi-tq.html

Mổ xẻ bế tắc thương mại Mỹ-Trung:

Thất vọng và sai lầm

Những leo thang mới nhất chứng tỏ hai nước vẫn chưa tìm được cách thức để đàm phán hiệu quả.
Trước khi bước vào hội đàm thương mại ở Washington tuần trước, Mỹ và Trung Quốc đều phát đi các tín hiệu rằng hai bên đang tiến rất gần tới một thỏa thuận, đến nỗi họ sắp bàn đến khâu hậu cần của một lễ ký. Nhưng chỉ trong vài ngày, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng.
Vào phút chót, Tổng thống Trump thông báo tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh hủy bỏ các cam kết. Tại Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình và nhóm cố vấn thân cận lập tức bàn cách trả đũa.
Sau đó, hai bên quyết định sẽ vẫn gặp nhau để tránh rạn nứt tới mức không thể hàn gắn, thậm chí chỉ để giữ cho đối thoại vẫn diễn ra. Vì vậy, đến nay, đàm phán thương mại chỉ mang lại rất ít bằng chứng cho thấy hai nước đã tìm ra cách thức đàm phàn thành công kể từ khi ông Trump và ông Tập gặp nhau ở Buenos Aires ngày 1/12.
Hôm 12/5, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói trong một bài phỏng vấn của Fox News rằng Trung Quốc đã mời Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện thương mại nước này Robert Lighthizer tới Bắc Kinh để đàm phán nhưng chưa có một kế hoạch cụ thể nào. Kudlow gợi ý một lối thoát, hai lần nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn rằng lãnh đạo Mỹ – Trung dự kiến gặp lại nhau tại hội nghị G-20 tiếp theo ở Nhật bản vào cuối tháng 6.
Xóa bỏ rạn nứt thương mại rốt cuộc lại tùy thuộc vào Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, và họ sẵn sàng thúc đẩy vấn đề sau những tháng đàm phán vốn gắn liến với rất nhiều ý định tích cực nhưng cũng đầy những tính toán sai lầm và cáo buộc lẫn nhau.
Bị đe dọa chính là các quy tắc cho thương mại toàn cầu trong một trật tự thế giới vốn đang được thúc đẩy bởi sự vươn lên nhanh chóng của Trung Quốc, và cả hai bên đều muốn thể hiện sức mạnh. Tuy nhiên, tranh cãi càng kéo dài thì nguy cơ sụp đổ kinh tế cho cả hai nước càng lớn, kéo theo đó là tình trạng bất trắc cho các thị trường chứng khoán toàn cầu.
Một hiệp ước thương mại cuối cùng có thể tạo động lực cho cả Mỹ và Trung Quốc, cung cấp chìa khóa cho hai bên ngồi lại với nhau ở một số mặt trận khác, từ chiến dịch của Mỹ chống tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei do lo ngại an ninh trong lĩnh vực viễn thông đến các quyền hàng hải ở Biển Đông.
Sau cuộc gặp Trump – Tập ở Argentina bên lề hội nghị G20, Mỹ thông báo sẽ hoãn tăng thuế từ 10% lên 25% vào ngày 1/3 nếu lo lắng của Washington được giải tỏa. Khi đến thời hạn này, Tổng thống Trump lại thông báo dừng vô hạn định nhưng sự kiên nhẫn đã hết vào ngày 5/5, khi ông lên Twitter thông báo sẽ tăng thuế trong 5 ngày nữa. Mức thuế tăng đánh vào lượng hàng Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, có hiệu lực từ ngày 10/5.
Đàm phán vẫn diễn ra nhưng căng thẳng vẫn bùng nổ. Hồi tháng 2, Mỹ than phiền Trung Quốc thay đổi các điều khoản đã nhất trí trước đó và điều này tái diễn trong thời gian gần đây. “Họ chơi chiêu trò với chúng tôi”, một quan chức thương mại cấp cao Mỹ nói về các cuộc hội đàm ở  Washington cách đây 3 tháng. “Nhiều lần chúng tôi bày tỏ sự thất vọng thực sự… Bạn có thể tử tế với ai đó nhưng cũng có lúc bạn cần phải lên tiếng ‘đừng làm phiền tôi nữa’”.
Đầu tháng 4, Bộ trưởng Mnuchin thông báo các nhà đàm phán đã đồng ý về cơ chế thực thi các điều khoản của một thỏa thuận thương mại tiềm tàng, khẳng định một trong những trở ngại chính đã được xóa bỏ dù Bắc Kinh không bao giờ đồng ý vấn đề đã được dàn xếp. Trước khi tới Bắc Kinh họp bàn thêm, ông Mnuchin nói đàm phán thương mại đang tiến gần tới vòng cuối kết luận các vấn đề”.
Sau đó, khi ông và ông Lighthizer chuẩn bị lên máy bay về nước, ông viết trên Twitter ngày 1/5 rằng các cuộc gặp “rất hiệu quả”. Ông Lighthizer có chung đánh giá như vậy.
Nhưng hoài nghi càng lớn khi Trung Quốc, theo quan điểm của Mỹ, bắt đầu từ bỏ các điều khoản đã nhất trí trước khi bắt đầu cuộc hội đàm tuần trước. Đặc biệt, ông Lighthizer cho rằng Trung Quốc “đang thay đổi các điểm mục tiêu” ở một số chi tiết nhất định khi thỏa thuận sắp xuất hiện trong tầm tay.
Các nhà đàm phán Trung Quốc đã để cho phía Mỹ biết rằng họ đã có những dự phòng nghiêm túc với văn bản này. Bắc Kinh không còn muốn cam kết thay đổi các điều luật liên quan sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ ép buộc, bảo hộ cùng nhiều vấn đề khác vốn là tâm điểm của chiến tranh thương mại hiện nay.
Với Trung Quốc, đây còn là vấn đề danh dự: Mỹ nên tin tưởng Bắc Kinh sẽ thực hiện những thay đổi đã cam kết, kể cả điều đó nhắm đến thay đổi các quy định chứ không phải luật pháp. Ngoài ra, Mỹ cũng không công bằng khi từ chối gỡ bỏ các mức thuế quan đã áp trong một năm chiến tranh vừa qua.
Ở Bắc Kinh, khi các cuộc đàm phán diễn ra, giới chức Trung Quốc tin họ đang có lợi thế. Tạp chí Phố Wall trước đó đưa tin, do Bắc Kinh nhìn nhận việc Tổng thống Trump công khai chỉ trích Cục Dự trữ liên bang và muốn hạ lãi suất chính là dấu hiệu chứng tỏ ông lo lắng về hướng đi tương lai của nền kinh tế Mỹ. Do vậy, giới chức Bắc Kinh nôn nóng tiến nhanh tới thỏa thuận.
Đó là một tính toán sai lầm. Ông Trump từ lâu đã kêu gọi hạ thấp chi phí vay mượn và cũng liên tục nhắc đến sức bền của nền kinh tế Mỹ.
Chủ tịch Tập Cận Bình càng cảm thấy tự tin bởi sự tăng trưởng kinh tế – kết quả của các chính sách kích thích của Bắc Kinh – và nhận định rằng kinh tế Mỹ chuẩn bị tiến vào chu kỳ chậm lại.
“Thời gian đang đứng về phía chúng ta“, một quan chức cấp cao Bắc Kinh thậm chí đã quả quyết như vậy.
Chính vì thế, phía Trung Quốc đã rất bất ngờ, khi ba ngày trước khi đàm phán ở Washinton diễn ra, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tăng thuế quan, từ mức 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh thoái lui – mối đe dọa ban đầu mà ông đặt ra cho thời hạn chót tăng thuế 1/3. Ông cũng tuyên bố sẽ bắt đầu các tiến trình pháp lý cần thiết để bổ sung thuế vào hầu hết các mặt hàng.
Theo Tạp chí Phố Wall, trong bối cảnh đó, chìa khóa cho những diễn biến tương lai có thể nằm trong tay lãnh đạo hai nước. Tổng thống Trump cho biết Chủ tịch Tập đã gửi cho ông một lá thư khi cuộc đàm phán tuần trước bắt đầu. “Chúng ta hãy làm việc cùng nhau, hãy cùng xem liệu chúng ta có thể giải quyết được điều gì đó không”.
Và sau cuộc đàm phán, ông Trump viết trên Twitter: “Mối quan hệ giữa Chủ tịch Tập và tôi vẫn rất mạnh mẽ, và các cuộc hội đàm trong tương lai sẽ tiếp tục”.
Ông cho biết thêm rằng thuế “có thể hoặc không được dỡ bỏ tùy thuộc vào những gì xảy ra với các cuộc đàm phán trong tương lai”. “Hiện tại, dường như cách duy nhất để khơi thông bế tắc là một cuộc đối thoại trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo”, một quan chức Bắc Kinh kết luận.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28026-mo-xe-be-tac-thuong-mai-my-trung-that-vong-va-sai-lam.html

Chiến tranh thương mại:

Mỹ không đủ lực đánh bại TQ?

Giới phân tích cho rằng, mặc dù tự tin nhưng Mỹ chưa chắc đã có thể đánh bại được Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại.
Mỹ kiên định, Trung Quốc quyết không lùi bước
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/5 tuyên bố rằng, ông không muốn vội vàng ký kết thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, vì cho rằng Mỹ đang ở vị thế tốt.
“Chúng tôi có thể thỏa thuận với Trung Quốc vào ngày mai… nhưng lần cuối cùng, khi gặp nhau, họ muốn sửa đổi các điều kiện. Không! Bây giờ chúng tôi đang ở một vị trí có lợi hơn so với thỏa thuận” – Tổng thống Trump viết trên Twitter.
Trump nói rằng liên quan đến các biện pháp mà ông đã thực hiện đối với Trung Quốc, hàng tỷ dollars và việc làm sẽ quay trở lại Mỹ.
“Chúng tôi sẽ thỏa thuận với Trung Quốc khi đến thời điểm. Sự tôn trọng của tôi đối với Chủ tịch Tập Cận Bình và tình bạn với ông ấy là vô tận, nhưng như tôi đã nói với ông ấy nhiều lần, đó phải là một thỏa thuận vĩ đại cho Hoa Kỳ, nếu không sẽ không có ý nghĩa gì” – ông Trump nói thêm.
Trước đó, ông chủ của Nhà Trắng cũng đã tuyên bố rằng, Washington không nên vội vàng trong đàm phán với Bắc Kinh, bởi vì Hoa Kỳ nhận được thuế suất lên tới 25% từ phía Trung Quốc đối với khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD.
“Đàm phán với Trung Quốc đang tiếp tục diễn ra rất thuận lợi và không cần vội vàng, bởi vì bây giờ Trung Quốc trả thuế 25% cho Hoa Kỳ đối với các sản phẩm và hàng hóa trị giá 250 tỷ USD” – nhà lãnh đạo Mỹ nói và nhấn mạnh rằng, những khoản thanh toán quy mô lớn này sẽ được nộp trực tiếp vào kho bạc của Mỹ.
Ông Trump cáo buộc Trung Quốc “đã phá vỡ thỏa thuận” trong các cuộc đàm phán thương mại. “Họ đã làm phá vỡ thỏa thuận. Vì vậy, họ sẽ phải trả giá. Chúng tôi sẽ tăng thuế… và không lùi bước” – ông Trump nói tại Florida với những người ủng hộ ông vào hôm 09/5.
Đáp trả lại những tuyên bố và hành động của Mỹ, Trung Quốc đã đáp trả một cách đanh thép rằng, nước này sẽ “đánh đến cùng” với Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 14/5 tuyên bố rằng, kinh nghiệm trước đây đã trở thành bằng chứng cho thấy Bắc Kinh không muốn chiến tranh thương mại, nhưng cũng không sợ cuộc chiến này. Nếu Washington mang một cuộc chiến đến trước cửa thì Trung Quốc sẽ đánh đến cùng.
Hậu quả của những tuyên bố cứng rắn giữa hai bên là thỏa thuận thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang bị đe dọa đổ vỡ. Vòng đàm phán cuối cùng diễn ra ngắn ngủi, hai bên giải tán, mà không đạt được thỏa hiệp nào.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng thuế nhập khẩu từ 10 đến 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Tổng thống Mỹ cũng ra lệnh chuẩn bị mức thuế 25% cho phần còn lại của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (khoảng 300 tỷ USD), hiện vẫn chưa phải chịu thuế.
Ngay sau khi Hoa Kỳ đưa ra mức thuế mới, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết, mặc dù không thể có người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại, Bắc Kinh sẽ buộc phải đưa ra các biện pháp đối phó với Washington.
Trung Quốc sẽ đáp trả như thế nào?
Sau đó, Bộ Tài chính của Trung Quốc tuyên bố từ ngày 1 tháng 6, sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa đối với việc nhập khẩu hàng hóa trị giá 60 tỷ USD từ Hoa Kỳ. Mức thuế nhập khẩu đối với các loại sản phẩm khác nhau thay đổi từ 5 đến 25%.
Cụ thể, trong danh sách có 2.493 mặt hàng áp thuế tăng ở mức 25%, 1.078 mặt hàng – 20%, 974 mục – 10%, còn đối với 595 mặt hàng khác sẽ giữ nguyên mức thuế 5%.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có hạn chế trong việc đưa ra con số đáp trả tương xứng vì tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai nước. Nhưng Trung Quốc còn những con bài khác trong túi. Một trong số đó là 1,2 nghìn tỷ dollars trái phiếu chính phủ.
Trung Quốc vẫn là chủ sở hữu trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ lớn nhất thế giới. Nếu Trung Quốc ngừng mua mới, hoặc thậm chí hơn thế, họ bắt đầu bán ra trái phiếu cũ, điều này có thể làm tụt giá chứng khoán của Mỹ. Và tỷ lệ phần trăm lãi suất, ngược lại sẽ tăng mạnh. Do đó, Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc xử lý nợ, và các doanh nghiệp cùng cá nhân trong việc vay vốn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng hơn nữa của nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên biện pháp này, Trung Quốc chỉ có thể áp dụng như một phương sách cuối cùng. Thực tế trên thế giới không có sự đầu tư thay thế nào đáng giá hơn so với trái phiếu kho bạc Mỹ. Ngoài ra, chính Trung Quốc cần dự trữ ngoại hối để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính.
Một chuyên gia của Viện nghiên cứu tài chính Chongyang, Đại học Nhân dân Trung Quốc Liu Ying cho rằng, Bắc Kinh không cần phải buông bỏ nợ của Mỹ.
Lí do thứ nhất là: Trung Quốc không phải châu Âu, Nhật Bản, Đức hay Nga mà Trung Quốc có nền kinh tế lớn hơn nhiều. GDP của Trung Quốc là 90 nghìn tỷ nhân dân tệ, dự trữ vàng là hơn 3 nghìn tỷ.
Hiện nay, vấn đề giữa hai nước không nằm ở thâm hụt thương mại. Không thể nói rằng, trong truờng hợp ngược lại, nếu thâm hụt buôn bán nghiêng về phía Trung Quốc, thì sẽ có chiến tranh thương mại hay không. Bắc Kinh có thể có thặng dư thương mại, còn lợi nhuận vẫn sẽ ở lại Mỹ. Một tình huống như vậy, với cán cân thương mại chênh lệch là kết quả của sự phân công lao động quốc tế, là kết quả của sự liên quan giữa các chuỗi sản xuất.
Đồng dollars là một loại tiền tệ trên thế giới. Chỉ trong điều kiện thâm hụt cán cân thanh toán, bạn mới có thể xuất ra đồng dollars. Có hơn một trăm quốc gia trên thế giới mà Hoa Kỳ mất cân bằng thương mại. Mỹ không thể mở cuộc chiến thương mại với tất cả các nước.
Vì vậy, phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là không có ý nghĩa gì. Washington đơn giản là sử dụng cái cớ của một cuộc chiến thương mại để tiến hành các cuộc đàm phán với Bắc Kinh, cố gắng đạt được những điều kiện tốt nhất cho chính mình.
Nguyên nhân thứ hai: Trung Quốc có một nền kinh tế thị trường quy mô lớn, có đủ không gian nội địa cho sự phát triển, triển vọng phát triển tốt, sự ổn định của nền kinh tế cũng rất tuyệt vời.
Kinh tế Trung Quốc cũng không còn phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu, nhu cầu trong nước trở thành động lực tăng trưởng. Tiêu thụ trong nước đã đóng góp hơn 60% tăng trưởng GDP, lĩnh vực dịch vụ đã tiếp cận công nghiệp và cũng đang trở thành động lực tăng trưởng.
Điều này đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo, bởi vì ngành dịch vụ phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhân lực. Do đó, sự phát triển của ngành dịch vụ có tiềm năng lớn.
Chuyên gia cho rằng, Mỹ chưa chắc đã đủ lực khuất phục được Trung Quốc
Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc dựa vào sự tăng trưởng sáng tạo. Khoa học và công nghệ cũng đóng góp gần 60% tăng trưởng GDP. Do đó, trong điều kiện phát triển của ngành dịch vụ, Bắc Kinh cũng chú ý đến phát triển thị trường, tăng trưởng kinh tế, khoa học và công nghệ. Vì vậy, nước này không sợ một cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Nguyên nhân thứ ba: Trung Quốc có hơn 3 nghìn tỷ dollars dự trữ ngoại hối, đó là điều kiện cần thiết.
Trung Quốc là một quốc gia lớn và cần đến dự trữ quy mô lớn. Xuất khẩu và nhập khẩu năm ngoái lên tới 30 nghìn tỷ nhân dân tệ, do đó một lượng dự trữ nhất định phải được duy trì, đủ để vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất.
Theo chuyên gia này, Trung Quốc có lẽ sẽ không bị giới hạn trong bất kỳ một biện pháp nào. Ở đây, đề cập đến một cách tiếp cận tích hợp.
Theo cựu phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Shirk, người lưu ý rằng các biện pháp hạn chế rất có khả năng liên quan đến việc cung cấp các sản phẩm nông nghiệp từ Hoa Kỳ.
Các biện pháp tương tự đã được Trung Quốc áp dụng trong quá trình suy giảm quan hệ với bất kỳ quốc gia nào. Chẳng hạn, Trung Quốc đã cấm cung cấp hạt cải Canada với số hàng trị giá 2 tỷ USD. Ngoài ra, đình chỉ việc cung cấp thịt lợn từ hai nhà sản xuất lớn nhất Canada. Sau khi mối quan hệ với Úc trở nên phức tạp, các tàu chở than từ Úc đã ngồi chơi ở các cảng Trung Quốc trong hơn một tháng.
Tất nhiên, trong mọi trường hợp, các hạn chế về nguồn cung đã được áp đặt vì những lý do cụ thể. Nông sản Canada không đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật. Than Úc cũng đã được kiểm tra việc tuân thủ các quy định về môi trường. Tuy nhiên, tất cả những sự chậm trễ này trùng khớp chính xác với thời gian khó khăn trong quan hệ giữa các quốc gia.
Nguyên nhân thứ tư: Trung Quốc có thể bù đắp những ảnh hưởng của việc áp dụng thuế do sự mất giá của đồng nhân dân tệ.
Theo ông Bo Zhuang, nhà kinh tế tại công ty phân tích TSLombard, được WSJ dẫn lời, nếu 25% thuế được áp dụng cho tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ phải hạ tỷ giá nhân dân tệ xuống còn 7,6 nhân dân tệ/1 USD.
Trong các vòng đàm phán thương mại trước đây, Bắc Kinh hứa với Washington là sẽ duy trì tỷ giá tiền tệ ở mức ổn định để không tạo ra lợi thế cạnh tranh giả tạo cho các công ty của mình. Tuy nhiên, nếu các quy tắc trò chơi đã thay đổi đáng kể và không đạt được thỏa thuận nào, không có gì ngăn cản Ngân hàng Trung ương Trung Quốc xem xét lại chính sách tiền tệ của mình.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28035-chien-tranh-thuong-mai-my-khong-du-luc-danh-bai-tq.html

Bộ trưởng Tài chính Mỹ

sắp tới TQ đàm phán thương mại

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho biết vào thứ Tư rằng ông có thể sẽ sớm sang Trung Quốc để tiếp tục đàm phán trong khi Washington và Bắc Kinh tìm cách giải quyết một cuộc chiến tranh thương mại đã ảnh hưởng đến nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu.
Ông Mnuchin không cho biết chi tiết về thời điểm của các cuộc đàm phán trong tương lai nhưng mô tả hai ngày đàm phán cao cấp với các quan chức Trung Quốc ở Washington vào tuần trước là mang tính xây dựng.
Hôm thứ Ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump phủ nhận các cuộc đàm phán với Trung Quốc đã đổ vỡ và thể hiện giọng điệu lạc quan về cơ hội đạt được một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại, nói rằng ông có mối quan hệ “hết sức tốt đẹp” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Trump, người dự định gặp ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào tháng tới, cũng kêu gọi Trung Quốc mua thêm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Các mặt hàng nông sản của Mỹ, bao gồm đậu nành, đã bị Trung Quốc nhắm đánh thuế quan trả đũa, và nông dân Mỹ, một bộ phận cử tri quan trọng ủng hộ ông Trump, đã bất mãn vì hai nước đã không thể tìm được một giải pháp cho tranh chấp.
Chính quyền Trump đã cam kết viện trợ tới 12 tỉ đôla để giúp bù đắp tổn thất cho các loại nông sản bị Trung Quốc áp thuế.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-tai-chinh-my-sap-toi-trung-quoc-dam-phan-thuong-mai/4919145.html

Trump định hoãn tăng thuế ô tô thêm 6 tháng

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ trì hoãn quyết định áp thuế quan đối với xe hơi và phụ tùng nhập khẩu thêm sáu tháng, ba quan chức chính quyền Trump nói với Reuters, tránh mở ra một mặt trận khác trong các cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu.
Một thông báo chính thức dự kiến sẽ được đưa ra trước ngày thứ Bảy, ngày mà ông Trump dự định sẽ đưa ra quyết định về các khuyến nghị của Bộ Thương mại bảo vệ ngành ô tô của Mỹ khỏi hàng nhập khẩu vì lí do an ninh quốc gia, các quan chức này cho biết.
Một phát ngôn viên của Nhà Trắng từ chối bình luận, theo Reuters.
Họ nói thêm rằng chính quyền đã soạn lời văn để chính thức trì hoãn quyết định về thuế quan đến hạn vào ngày 18 tháng 5.
General Motors Co, Volkswagen AG, Toyota Motor Corp và các hãng khác đã cảnh báo về các tác động tai hại của việc áp thuế quan lên tới 25 phần trăm đối với xe hơi và phụ tùng xe hơi nhập khẩu.
Reuters cho biết Nhà Trắng đã tổ chức một loạt các cuộc họp cấp cao về vấn đề này trong những ngày gần đây và các quan chức chính quyền đã liên tục nói với các nhà sản xuất ô tô rằng họ dự định trì hoãn quyết định này.
Vào tháng 2, Bộ Thương mại đã đệ trình báo cáo an ninh quốc gia “Section 232” lên Nhà Trắng. Cơ quan này đang điều tra xem liệu hàng nhập khẩu có gây tổn hại cho an ninh quốc gia của Mỹ hay không bằng cách làm suy yếu khả năng đầu tư vào các công nghệ tương lai của Mỹ. Các khuyến nghị cụ thể của Bộ Thương mại chưa được tiết lộ.
Thuế quan xe hơi đối mặt với sự phản đối rộng rãi trong Quốc hội. Nhà Trắng đã từ chối giao báo cáo của Bộ Thương mại cho Thượng nghị sĩ Cộng hòa Chuck Grassley, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, người vẫn đang đòi được xem qua.
Tuần trước, 159 thành viên lưỡng đảng của Hạ viện Hoa Kỳ đã gửi thư cho Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng, Larry Kudlow, để thúc giục ông khuyên ông Trump chớ “áp đặt những hạn chế thương mại có thể gây hại cho ngành ô tô và nền kinh tế Mỹ.”
https://www.voatiengviet.com/a/trump-dinh-hoan-tang-thue-o-to-them-6-thang/4919142.html

Đọ sức Mỹ-Trung:

Từ thương mại đến công nghệ và chiến lược

Mai Vân
Sau vài tháng tương đối yên ắng, hôm 10/05/2019, cuộc chiến thuế quan Mỹ Trung nóng bỏng trở lại, với quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump tăng mức thuế từ 10% trên 200 tỷ đô la hàng nhập từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực.
Không chỉ thế, ông Trump cho ra lệnh khởi động thủ tục tăng thuế trên 300 tỷ đô la hàng nhập khác từ Trung Quốc mà chưa bị thuế. Để trả đũa, Bắc Kinh cũng loan báo áp thêm thuế quan trên 60 tỷ đô la hàng nhập từ Mỹ kể từ 01/06.
Câu hỏi mọi người luôn nêu lên là thất thu thương mại của Mỹ so với Trung Quốc không phải là điều mới mẻ, và sau nhiều tháng căng thẳng, mức này còn sâu thêm, đạt kỷ lục là 420 tỷ đô la trong năm 2018, thế nhưng tại sao tổng thống Mỹ lại khuấy động vào lúc này ?
Cuộc chiến giành vị trí thống trị thế giới
Theo ông Jean-François Dufour, giám đốc DCA-Chine Analyse, một văn phòng cố vấn về thị trường Trung Quốc, vấn đề không đơn thuần là bù đắp thất thu thương mại mà là tranh giành vị trí thống trị thế giới.
Trả lời RFI, chuyên gia Dufour phân tích : « Thất thu mang tính cơ cấu có thể được phía Mỹ chấp nhận khi mà người ta vẫn trong một mô hình bất bình đẳng, tức là một mô hình trong đó Trung Quốc đóng vai trò, như người ta thường nói là công xưởng của thế giới. Nhưng từ khi Trung Quốc, vào khoảng năm 2015, loan báo ý định thay đổi vị trí với kế hoạch Made in China 2025, thì Mỹ đã thấy nguy cơ một cuộc cạnh tranh về sức mạnh kinh tế và công nghệ học có thể thay đổi hẳn ván cờ ».
Ông Dufour giải thích thêm : « Hệ thống của Trung Quốc vốn khác với hệ thống của Mỹ vì đó không phải là một nền kinh tế thị trường kiểu cổ điển. Trung Quốc có một mô hình khác cho phép bóp méo quy tắc cạnh tranh quốc tế. Và những gì mà Washington có thể chấp nhận đến bây giờ, thì giờ đây không thể chấp nhận nữa trong viễn cảnh mới đó. Điều này có thể giải thích là đằng sau cái cớ thất thu thương mại, người ta đã đi đến một cuộc chiến tranh thực sự ».
Trả lời RFI, bà Françoise Nicolas, giám đốc Trung Tâm Châu Á của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) cũng đánh giá đây là vấn đề nhận thức, và Mỹ « khó chấp nhận khi thấy vị trí hàng đầu của mình có thể bị cướp mất ».
Chiến tranh công nghệ
Trong mắt nhiều chuyên gia, đi kèm theo cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung để thống trị kinh tế thế giới, còn một cuộc chiến về công nghệ học không kém phần gay gắt.
Trong lãnh vực công nghệ học, đối với Mỹ cũng như Trung Quốc, mục tiêu đầu tiên là giữ được một sự độc lập chiến lược, cụ thể chống mưu đồ gián điệp, ăn cắp dữ liệu.
Mỹ vừa cấm tập đoàn điện thoại di động Trung Quốc China Mobile hoạt động trên đất Mỹ, để bảo vệ « an ninh quốc gia ». Đây cũng là lý do Washington loại Hoa Vi khỏi việc triển khai mạng 5G, vì hai tập đoàn này thân cận với tình báo Trung Quốc. Không chỉ tại Mỹ, Washington còn vận động các nước khác loại Hoa Vi.
Tập đoàn số 1 thế giới về drone dân sự Dji của Trung Quốc cũng bị Hoa Kỳ tố cáo về các hoạt đông gián điệp, do thám từ những địa điểm chiến lược cho đến các công ty xí nghiệp. Quân Đội Mỹ cuối cùng quyết định không sử dụng loại drone này nữa.
Một ví dụ khác được nêu bật là tập đoàn ZTE, rốt cuộc được phép hoạt động tại Mỹ nhưng với điều kiện chấp nhận giám sát của nhân viên an ninh Mỹ tại văn phòng của mình trong 10 năm.
Mục tiêu cần đạt về kinh tế, chiến lược và quân sự
Theo bà Sylvie Matelli, chuyên gia thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) : « Trung Quốc đang vươn lên mạnh về công nghệ thông tin liên lạc, và đó là những công cụ làm gián điệp. Sức mạnh của các công ty hoạt động trong lãnh vực này nằm ở chỗ họ nắm được thông tin có giá trị không chỉ về kinh tế, tài chính mà cả về chiến lược, dù đó là thông tin về đời sống cá nhân, thu thập qua các mạng xã hội, hay thông tin mang tính chiến lược hơn về các chính phủ hay công ty, tập đoàn. Và chúng ta hiện ở trong thế đối đầu này để xem ai sẽ có phương tiện và công nghệ học để thu thập một lượng tối đa thông tin ? Những thông tin đó cũng là một nguồn sức mạnh về quân sự, và cũng là một mặt trận trong cuộc chiến thương mại hiện nay ».
Một ví dụ trong sự canh tranh công nghệ hoc : Trung Quốc hiện đang phát triển hệ thống định vị của riêng mình để không phải sử dụng hệ thống GPS của Mỹ. Hệ thống Bắc Đẩu (Beidou) của Trung Quốc được cho là có thể bắt đầu hoạt động vào năm 2020.
Trong lãnh vực thẻ ngân hàng, Trung Quốc đang gạt qua một bên các tập đoàn Mỹ như Visa, Master Card hay American Express với những quy định rất chặt chẽ để thay thế bằng thẻ Trung Quốc : Aliplay, WeChat, UnionPay.
« Made in China »
Sự phát triển công nghiệp và công nghệ Trung Quốc còn nằm trong chương trình « Made in China 2025 » cho thấy cao vọng của Bắc Kinh và gây lo ngại ở Washington. Chương trình này có mục tiêu sử dụng công nghệ của riêng Trung Quốc ở tỷ lệ 70% cho các vật liệu, thành phần then chốt trong các lãnh vực về robot, xe hơi điện, viễn thông hay công nghệ học sinh thái. Một kế hoạch mà Washington đánh giá là « đáng sợ », và góp phần đáng kể trong việc làm quan hệ hai bên căng thẳng.
Đối với giới quan sát, nếu cả hai bên đều muốn thống trị về kinh tế, phát triển công nghệ học và bảo vệ an ninh, thì Trung Quốc còn có một mục tiêu đặc thù : Đó là kiểm soát dân chúng, giới hạn quyền tự do ngôn luận. Các mạng xã hội như Facebook, Google, Amazon hay Apple hầu như bị thay thế ở Trung Quốc bằng Baidu, Alibaba, Tencent hay Xiaomi, cũng đang nuôi tham vọng thống trị thế giới.
Bằng sáng chế
Vấn đề bằng sáng chế và tác quyền cũng nổi cộm trong cuộc chiến thương mại hiện nay.
Washington tố cáo Bắc Kinh ăn cắp công nghệ của Mỹ. Bà Sylvie Matelly nhắc lại là Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu từ lâu nay vẫn chỉ trích Trung Quốc trên vấn đề này. Theo chuyên gia của viện IFRI, Trung Quốc sao chép công nghệ học phương Tây và có xu hướng ăn cắp để phát triển công nghệ của mình. Từ mấy năm qua Mỹ và Châu Âu đã gây sức ép để Trung Quốc có một cơ chế tôn trọng tốt hơn vấn đề tác quyền. Điều trở trêu là vấn đề tác quyền được đưa ra ánh sáng vào lúc mà ngay chính Trung Quốc đang đổi thái độ, vì ngày nay họ có những công nghệ học do tự họ sáng chế mà họ cũng muốn bảo vệ.
Hiện giờ, trên bình diện quốc gia, Mỹ còn đứng đầu về số lượng bằng sáng chế được đăng ký, nhưng về mặt các công ty nộp bằng thì đứng đầu là hai công ty Trung Quốc, Hoa Vi và ZTE, và thứ ba mới là Intel của Mỹ. Theo Tổ Chức Tác Quyền Thế Giới, Trung Quốc có thể qua mặt Mỹ về tổng số lượng bằng sáng chế đăng ký ngay vào năm 2020.
Một nhà quan sát đã kết luận mỉa mai : Chúng ta đang xem một trận đấu của hai gã khổng lồ, với một kết cục hoàn toàn mờ mịt đối với mọi người.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190516-do-suc-my-trung-tu-thuong-mai-den-cong-nghe-va-chien-luoc

Lo ngại Iran, Mỹ rút nhân viên khỏi Iraq

Washington ra lệnh cho các nhân viên không khẩn cấp của Mỹ phải rời khỏi các phái bộ ngoại giao tại Iraq vào ngày thứ Tư trong một hành động rõ ràng cho thấy sự lo ngại về điều mà họ mô tả là những mối đe dọa từ Iran.
Máy bay trực thăng cất cánh suốt cả ngày từ khu nhà đại sứ quán rộng lớn gần sông Tigris, chở nhân viên ra ngoài, Reuters dẫn một nguồn tin người Iraq và một nguồn tin ngoại giao bên trong Vành đai Xanh được phòng thủ kiên cố của Baghdad cho biết. Nguồn tin người Iraq nói nhân viên Mỹ đang bay đến một căn cứ quân sự tại sân bay Baghdad.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang gia tăng áp lực chế tài mới đối với Tehran và nói rằng họ sẽ gửi thêm lực lượng đến Trung Đông để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ Iran đối với binh sĩ và các lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Iran gọi đây là “chiến tranh tâm lí” và một tư lệnh người Anh tỏ ra nghi ngờ những lo ngại của quân đội Mỹ về mối đe dọa đối với khoảng 5.000 binh sĩ của họ ở Iraq, những người đã giúp lực lượng an ninh Iraq chống lại các chiến binh thánh chiến Nhà nước Hồi giáo.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói các nhân viên của cả Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad và lãnh sự quán Mỹ ở Erbil, thủ phủ của vùng Kurdistan bán tự trị, đang được rút đi ngay lập tức vì những lo ngại về an toàn.
Không rõ có bao nhiêu nhân viên bị ảnh hưởng, và không có thông tin về bất cứ mối đe dọa cụ thể nào. Các dịch vụ visa đã bị đình chỉ tại các phái bộ ngoại giao được phòng thủ nghiêm ngặt của Mỹ.
“Đảm bảo sự an toàn của nhân viên chính phủ Hoa Kỳ và công dân Hoa Kỳ là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi … và chúng tôi muốn giảm thiểu rủi ro tổn hại,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Cả Mỹ và Iran đều nói rằng họ không muốn chiến tranh, và Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi hôm thứ Ba nói ông có những chỉ dấu cho thấy “mọi thứ sẽ kết thúc tốt đẹp” dù có những lời lẽ cứng rắn.
Iraq là một trong những nước duy nhất có quan hệ thân thiết với cả Mỹ và Iran. Nước này đã nói rằng họ sẽ giữ mối quan hệ vững mạnh mẽ với Iran, và với cả Mỹ và các nước láng giềng Ả-rập trong khu vực. Một số nước như Ả-ập Xê út coi Tehran là đối thủ cạnh tranh hàng đầu.
Mỹ, chiếm cứ Iraq từ 2003-2011 sau khi xâm lược nhằm lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein, đã điều quân đội trở lại đó vào năm 2014 để giúp chống lại Nhà nước Hồi giáo. Iran có quan hệ chặt chẽ với các đảng chính trị hùng mạnh ở Iraq và hỗ trợ các nhóm dân quân người Shia hùng mạnh.
https://www.voatiengviet.com/a/lo-ngai-iran-my-rut-nhan-vien-khoi-iraq/4919138.html

Chính phủ và phe đối lập Venezuela

sắp gặp nhau ở Na Uy

Các đại diện của chính phủ và phe đối lập Venezuela đã tới Na Uy để tìm giải pháp xử lý cuộc khủng hoảng tại quốc gia Nam Mỹ, các quan chức cho biết hôm 15/5.
AP nhận định rằng động thái này mở ra một chương mới nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị sau nhiều tháng biểu tình trên đường phố cũng như sau lời kêu gọi nổi dậy bất thành của phe đối lập.
Ngoài ra, theo hãng tin Mỹ, diễn biến này cũng cho thấy rằng chưa bên nào thắng thế trong cuộc tranh giành quyền lực, đẩy Venezuela vào tình trạng tê liệt sau nhiều năm xảy ra tình trạng siêu lạm phát và thiếu thốn lương thực cũng như thuốc men.
XEM THÊM:
Tướng Venezuela kêu gọi binh sĩ ‘nổi dậy’
Nó cũng cho thấy sự thay đổi chính sách của phe đối lập, vốn cáo buộc Tổng thống Maduro sử dụng các cuộc đàm phán trước đây để “câu giờ”.
Các thành viên cấp cao của cả hai bên sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận mang tính thăm dò ở Oslo, AP cho biết, dẫn lời một nguồn tin giấu tên trong quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát.
Các đại diện gồm Bộ trưởng Thông tin Jorge Rodriguez phía chính phủ và ông Stalin Gonzalez, một thành viên hàng đầu tại quốc hội.
Trong khi phát biểu trên truyền hình, ông Maduro không trực tiếp bình luận về cuộc đối thoại, nhưng nói rằng ông Rodriguez đang trong chuyến đi nước ngoài “rất quan trọng”.
https://www.voatiengviet.com/a/ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-v%C3%A0-phe-%C4%91%E1%BB%91i-l%E1%BA%ADp-venezuela-s%E1%BA%AFp-g%E1%BA%B7p-nhau-%E1%BB%9F-na-uy/4920007.html

Hoa Vi, bài toán trắc nghiệm

về mức độ độc lập của châu Âu với Mỹ

Thanh Hà
Thêm một dấu hiệu rạn nứt giữa Hoa Kỳ và châu Âu : vào lúc tại Washington Donald Trump ký sắc lệnh cấm các doanh nghiệp Mỹ sử dụng trang thiết bị viễn thông của Hoa Vi, thì lãnh đạo tập đoàn Trung Quốc này là khách mời của phủ tổng thống Pháp cùng với nhiều “đại gia” khác trong ngành công nghệ cao của thế giới.
Tổng thống Macron phát biểu bằng tiếng Anh tại hội chợ công nghệ cao VivaTech Paris sáng 16/05/2019 bồi thêm với tuyên bố “mục tiêu của Pháp không nhằm ngăn chận Hoa Vi hay bất kỳ một công ty ngoại quốc nào vì đấy không là phương tiện tốt nhất để bảo vệ an ninh quốc gia hay chủ quyền của châu Âu”.
Hoa Vi đang trở thành cái gai trong bang giao giữa Washington và các đồng minh truyền thống trên Lục Địa Già, đồng thời phản ánh thực trạng trong quan hệ giữa các nước phương Tây với người khổng lồ Trung Quốc.
Từ nhiều tháng qua, chính phủ Mỹ, Quốc Hội Hoa Kỳ và cả cơ quan tình báo CIA cũng như các viện nghiên cứu chiến lược tại Washington đồng thanh báo động Hoa Vi là tai mắt của Bắc Kinh để dọ thám các nước phương Tây, là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của châu Âu và Mỹ. Nhà Trắng thậm chí cho rằng Hoa Vi là một mối nguy hiểm đối với an ninh Hoa Kỳ.
Viện lý do này, tổng thống Donald Trump “cấm cửa” con chim đầu đàn của ngành viễn thông Trung Quốc trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang đọ sức về thương mại. Không chỉ có vậy, Hoa Kỳ còn liên tục thúc hối các đồng minh châu Âu noi gương Mỹ phạt Hoa Vi. Ở bên này bờ Đại Tây Dương, các đồng minh thân thiết nhất của Washington là Luân Đôn, Paris hay Berlin đều dửng dưng trước những báo động của Hoa Kỳ. Chưa kể là một số các nước Đông Âu hứa cho Hoa Vi trang bị mạng 5G.
Chính quyền Trump đặc biệt bực mình vì Luân Đôn vẫn cho phép các tập đoàn viễn thông của Anh dùng trang thiết bị Hoa Vi trong lúc Anh Quốc là một trong 5 thành viên của nhóm Five Eyes (gồm Canada, Mỹ, Úc, New Zealand và Anh), tức là một trong những đối tác đặc biệt của Hoa Kỳ trong lĩnh vực tình báo.
Việc chính quyền của thủ tướng Theresa May không “về hùa” với Nhà Trắng có thể xem như là một bằng chứng cho thấy những cáo buộc Hoa Vi là tai mắt của Bắc Kinh không có cơ sở.
Pháp và Đức không thuộc diện ưu tiên như Anh, nhưng cũng là những đối tác quan trọng của Hoa Kỳ. Ấy vậy mà tới nay, cả Berlin lẫn Paris cùng thận trọng, tránh lao vào một cuộc “chiến tranh công nghệ với Trung Quốc”.
Tương tự như trên hồ sơ hạt nhân Iran, châu Âu giữ khoảng cách với Hoa Kỳ. Không những thế, Paris, Berlin và ngay cả Luân Đôn, đang vướng bận vì hồ sơ Brexit, đều đang tìm cho mình một hướng đi riêng. Chỉ riêng với Trung Quốc, tương tự như Mỹ, châu Âu đồng lòng cứng giọng đòi Trung Quốc mở cửa thị trường và tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp ngoại quốc, phải tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ… và cũng dè chừng các đối tác Trung Quốc không kém gì Mỹ. Nhưng Bruxelles tránh giải pháp đối đầu.
Nếu như chính quyền Trump áp dụng trở lại chính sách “kềm tỏa” để hạ gục đối thủ như đã từng áp dụng trong thời kỳ chiến tranh lạnh với Liên Xô xưa kia, thì phía châu Âu có vẻ nghiêng về giải pháp đối thoại để tái cân bằng tương quan lực lược với đối phương.
Có lẽ việc lãnh đạo tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi được tiếp đón trọng thể tại điện Elysée, hay như sự kiện các lãnh đạo châu Âu đến tận Paris gặp chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 3/2019 là những dấu hiệu đầu tiên của chiến lược đó. Châu Âu đã ý thức được rằng, để tồn tại và có trọng lượng trên bàn cờ quốc tế, bất luận là về mặt ngoại giao, địa chính trị, hay thương mại, châu lục này bắt buộc phải có chung một tiếng nói. Đó là bài học lớn nhất mà Liên Âu rút tỉa được từ khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng.
http://vi.rfi.fr/phap/20190516-hoa-vi-bai-toan-trac-nghiem-ve-muc-do-doc-lap-cua-chau-au-voi-my

Brazil : Hàng trăm ngàn người

biểu tình bảo vệ ngành đại học

Trọng Nghĩa
Ngày 15/05/2019, một làn sóng người bao gồm cả giảng viên lẫn sinh viên đã tràn ngập đường phố nhiều thành phố lớn tại Brazil để chống các chủ trương của chính quyền cắt giảm đáng kể ngân sách tài trợ cho các trường đại học.
Đây là cuộc biểu tình toàn quốc đầu tiên chống lại tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro kể từ khi ông nhậm chức vào tháng Giêng. Cuộc biểu tình rầm rộ này cũng vượt ra ngoài chủ đề giáo dục để chỉ trích hai trụ cột trong chính sách của ông Bolsonaro : Mở rộng quyền mang súng và cải cách chế độ hưu bổng.
Theo hãng tin Pháp AFP, các cuộc biểu tình đã diễn ra ở 27 tiểu bang của Brazil, còn theo báo chí nước này, giảng viên và sinh viên cũng đã bãi khóa để phản đối tại 188 thành phố, một phong trào liên quan đến cả các trường công lẫn trường tư.
Các số liệu duy nhất được cảnh sát cung cấp vào tối 15/05 là đã có 20.000 người biểu tình ở Belem (phía bắc) và 15.000 người ở Brasilia (trung tây).
Nhưng theo các nhà tổ chức, 150.000 người đã biểu tình ở Sao Paulo (phía đông nam), 70.000 ở Salvador (đông bắc), 20.000 ở Curitiba (phía nam) và 15.000 ở Belo Horizonte (đông nam).
Ở Rio, hàng chục ngàn người đã chiếm lĩnh trung tâm thành phố và hình ảnh truyền hình nhìn từ trên không rất ấn tượng, như ở Sao Paulo chẳng hạn
Hàng trăm ngàn người biểu tình đã đáp lại lời kêu gọi của các công đoàn, phản đối việc đóng băng 30% ngân sách của các trường đại học liên bang.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190516-brazil-hang-tram-ngan-nguoi-bieu-tinh-bao-ve-nganh-dai-hoc

Vụ cháy Nhà Thờ Đức Bà Paris

sẽ để lại hậu quả như Tháp Đôi New York?

Mai Vân
Trong vụ hỏa hoạn xảy ra với Nhà Thờ Đức Bà Paris hôm 15/04/2019, đã có ít nhất 300 tấn chì bị tan chảy. Giới bảo vệ môi sinh và sức khỏe đang lo ngại về hậu quả của vụ này đối với sức khỏe con người, mà trước tiên hết là cư dân các khu vực quanh Nhà Thờ.
Nhiều người đã không ngần ngại so sánh sự cố ở Paris với thảm họa xẩy ra cho tòa Tháp Đôi World Trade Center ở New York, bị tấn công khủng bố ngày 11/09/2001, với những hậu quả mà 18 năm sau vẫn tồn tại.
Đối với giới bảo vệ môi sinh, điều đáng sợ được ghi nhận sau vụ World Trade Center chính là số lượng hàng chục ngàn người bị chết dần, chết mòn trong gần hai chục năm sau vụ khủng bố, do những căn bệnh liên quan đến hậu quả của sự cố, từ bệnh phổi cho đến bệnh ung thư, bạch huyết… Một ví dụ cụ thể là trong lực lượng cảnh sát cứu hỏa New York, đứng mũi chịu sào trong vụ World Trade Center, nếu chỉ có 23 thiệt mạng ngay khi xẩy ra khủng bố, số trường hợp tử vong về sau do hậu quả ô nhiễm đã lên đến 200 người.
Đó chính là tấm gương khiến giới bảo vệ môi trường và sức khỏe ở Paris lo ngại.
Một vùng ô nhiễm chì rộng lớn sau đám cháy Nhà Thờ Đức Bà Paris
Đã có đến 300 tấn chì bị nóng chảy trong vụ hỏa hoạn Nhà Thờ Đức Bà ngày 15/04/2019. Các phân tử chì giờ nằm lẫn trong bụi, đất, với một khu vực rộng lớn bị ô nhiễm.
Vấn đề là không chỉ có bụi, đất của khu vực chung quanh nhà thờ bị ô nhiễm, mà gió trong những ngày cuối tháng Tư, đầu tháng Năm đã mang các phân tử này về khu vực phía tây Paris, trong lúc các trận mưa đã cuốn bụi chì đi khiến sông Seine bị ô nhiễm.
Theo sở Cảnh Sát Paris, hàm lượng chì đo được trong những khu đất chung quanh Nhà Thờ Đức Bà Paris có chỗ đã cao hơn gấp 60 lần mức an toàn cho phép. Theo giới chuyên gia, chỉ một lượng chì thấp thôi cũng đã rất nguy hiểm rồi.
Nhiều người lo ngại sẽ có một thảm họa về sức khỏe như sau khi tòa Tháp Đôi New York bị sụp đổ. Bà Annie Thébaud-Mony, chuyên gia về bệnh ung thư phát sinh do công việc, cho rằng vụ hỏa hoạn của Nhà thờ Đức Bà Paris là mộtquả bom nổ chậm : « Hai thảm họa này tương tự nhau ở chỗ cả hai đều kéo theo một sự phân tán khủng khiếp chất ô nhiễm độc hại. Cái gương của World Trade Center lẽ ra phải làm cho chính quyền suy nghĩ ».
Chính quyền bị cáo buộc không quan tâm đến hậu họa
Theo các chuyên gia, chính quyền Pháp dường như không đo lường hết hậu quả. Bằng chứng : Sinh hoạt chung quanh khu vực nhà thờ vẫn tiếp tục như bình thường, như không có chuyện gì xẩy ra, vẫn tấp nập. Đây là một khu thường có rất nhiều khách du lịch, và sau vụ hỏa hoạn thì ai cũng muốn đến xem, cửa hàng, nhà hàng, quán cà phê rất đông khách.
Jacky Bonnemains thuộc hiệp hội Robin des Bois tỏ vẻ bực tức khi nhìn thấy « các nhà hàng vẫn mở cửa, người bán hàng ở các cửa hiệu t-shirt tiếp tục hít thở không khí ô nhiễm. Và nhất là không được đụng chạm đến hình ảnh tuyệt diệu mà người ta có về khu phố nay bị nạn này… ».
Đối với các hiệp hội, tiền quyên góp được cho việc tái thiết nhà thờ cũng phải được sử dụng để bảo vệ sức khỏe người dân trong khu phố và người lao động.
Nhà nghiên cứu Annie Thébaud- Mony cho rằng « trong số tiền được huy động, phải trích ra một phần để theo dõi sức khỏe người dân đang là nạn nhân của vụ hỏa hoạn này ».
Các hiệp hội yêu cầu chính quyền cho thực hiện một bản đồ chính xác các nơi bị chì ô nhiễm, mở chiến dịch xét nghiệm và tài trợ cho việc khắc phục tình trạng nhiễm độc chì.
Bác sĩ Mady Denantes của Hiệp Hội các Gia Đình bị Nhiễm Độc Chì – AFVS, yêu cầu phải có những biện pháp thích ứng với tình hình nghiêm trọng : « Chính quyền phải cho thiết lập bản đồ để cho thấy rõ những nơi mà ngày nay người ta tìm thấy chì, trong bụi, trong đất, đo lường chính xác. Phải xem đối tượng là ai để đưa ra lời khuyên, chỉ thị, phải có phương thức hành động. Chúng tôi đang đợi quyết định, hành động của chính quyền về những trường hợp này ».
Tuy công việc nghiên cứu đã bắt đầu, nhưng bác sĩ Denantes chờ đợi các kết quả đo lường cụ thể, chứ không phải những « ước tính ». Theo bà, việc không có thông báo rõ ràng chỉ khiến người dân hoang mang, lo sợ. Họ có quyền được biết, nhất là khả năng nhiễm độc đối với trẻ em chẳng hạn, và trong trường hợp này, làm thể nào tránh không để cho việc nhiễm độc nghiêm trọng thêm.
http://vi.rfi.fr/phap/20190516-vu-chay-nha-tho-duc-ba-paris-se-de-lai-hau-qua-nhu-thap-doi-new-york

Pháp – New Zealand :

Kêu gọi chống phổ biến nội dung cực đoan trên mạng

Thanh Hà
Hai tháng sau vụ thảm sát tại Christchurch (New Zealand), ngày 15/05/2019 tại Paris, 26 lãnh đạo trên thế giới và đại diện của các tập đoàn Internet ký “Bản Kêu Gọi từ Christchurch” chống phố biến trên mạng những tài liệu có nội dung kích động khủng bố và tư tưởng cực đoan.
Nhân danh quyền tự do ngôn luận, Hoa Kỳ không hưởng ứng sáng kiến do Pháp và New Zealand chủ xướng.
Thủ phạm vụ nổ súng tại Christchurch làm 51 người thiệt mạng đã phát trực tiếp trên mạng Facebook vụ thảm sát trong suốt 17 phút. Trong nhiều tiếng đồng hồ, đoạn video này đã được chia sẻ trên các trang mạng xã hội khác từ Twitter đến YouTube, WhatsApp…
Trong văn bản mang tên lời “Kêu Gọi từ Christchurch”, các nhà cung cấp dịch vụ Internet cam kết sẽ có những biện pháp tức thời để ngăn chận những tài liệu có nội dung tuyên truyền hay kích động hận thù, bạo lực…
Tại Paris hôm 15/05, thủ tướng New Zealand nhắc lại : “Facebook đã gỡ 1,5 triệu lần đăng đoạn video trên. Nhưng trong 24 giờ sau vụ thảm sát, cứ mỗi giây, đoạn video lại được đăng lại trên YouTube”.
Chính quyền Trump từ chối ký vào văn bản chống phổ biến các nội dung cực đoan trên mạng. Trong lúc các tập đoàn tin học Mỹ, từ Google đến Facebook, đều tham gia. Ngược lại, các nhà cung cấp dịch vụ trên mạng như WeChat của Trung Quốc đã vắng mặt.
Bản “Kêu Gọi từ Christchurch” được đưa ra nhân dịp Paris tổ chức hội nghị Tech for Good lần thứ hai và khai mạc hội chợ công nghệ cao VivaTech tại khu triển lãm Porte de Versailles từ ngày 16 đến 18/05/2019.
http://vi.rfi.fr/phap/20190516-phap-new-zealand-keu-goi-chong-pho-bien-noi-dung-cuc-doan-tren-mang

Kìm chế hạt nhân TQ: Điểm chung hiếm hoi Nga-Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ và Nga đã có cuộc gặp nhau ở Sochi, cùng khẳng định sẽ quyết tâm cải thiện quan hệ.
Ngày 14/5, phát biểu trong chuyến thăm tới thành phố nghỉ dưỡng Sochi (Nga), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov rằng ông mang theo một sứ mệnh quan trọng trong chuyến đi này.
Theo Ngoại trưởng Mỹ: “Tổng thống của chúng tôi, ngài Donald Trump nói rằng ông quyết tâm cải thiện quan hệ với Moscow. Giữa hai nước có thể không đồng thuận về mọi thứ, nhưng chúng ta vẫn có điểm chung và cần có sự hợp tác”.
Ông Pompeo khẳng định: “Hoạt động chống khủng bố là nơi Mỹ và Nga đều cho thấy đang hành động rất quyết liệt. Và còn một vấn đề khác, việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, Mỹ và Nga sẽ có sự đồng thuận với nhau về điều này”.
Đáp lại, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho rằng đã đến lúc Nga và Mỹ bắt đầu mối quan hệ hợp tác mới mang tính xây dựng.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Nga đánh dấu sự tương tác đáng kể nhất của Washington với Moskva kể từ tháng 7/2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở Phần Lan.
Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang phủ bóng lên mọi điểm nóng trên toàn thế giới. Có thể thấy sự đối đầu thể hiện ở cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela, cuộc chiến tranh tại Syria, sự đối đầu chính trị ở Ukraine, và chút bóng dáng tại cuộc nội chiến ở Libya…
Tuy nhiên, giữa Nga và Mỹ vẫn có một điểm chung, như ông Pompeo nói: Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Thoáng nghe có thể thấy sự hài hước khi Mỹ là nước đơn phương chấm dứt Hiệp ước hạn chế tên lửa tầm trung INF hồi tháng 2/2019. Sau đó một tháng, Nga cũng chính thức khép lại bản Hiệp ước kéo dài hơn 3 thập kỷ này.
Vậy điểm chung của họ ở đâu? Cần chú ý rằng khi hủy INF, Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh INF là vô nghĩa khi Nga và Mỹ thì bị kìm chế sức mạnh, trong khi nhìn rộng hơn, kho vũ khí tầm trung của Trung Quốc là dồi dào nhất và được nâng cấp liên tục.
Nói cách khác, ông Trump – người muốn mọi thứ luôn được giải quyết theo kiểu song phương, nhưng riêng về vũ khí hạt nhân, ông muốn đa phương và có sự góp mặt đàm phán của Trung Quốc.
Đáp lại, ông Putin cũng thẳng thắn về INF: Nga không vi phạm hiệp ước này, và Mỹ cũng không trong sạch gì khi cáo buộc Nga vi phạm. Vì thế, Mỹ đã hủy bỏ INF và Nga đáp lại bằng hành động tương tự. Tuy nhiên, Nga sẵn sàng ngồi vào một bàn đàm phán đa phương.
Gần đây, hồi tháng 4/2019, Tổng thống Trump lại lên tiếng về Hiệp ước New START kiểm soát vũ khí tấn công tầm xa có thể mang đầu đạn hạt nhân, hay còn gọi là tên lửa đạn đạo chiến lược. Theo đó, ông Trump lập lại quan điểm: Nga- Mỹ kìm chế nhau, nhưng các nước khác thì không hề cắt giảm kho vũ khí của mình, cụ thể là Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ đe dọa sẽ không có bản Hiệp ước New START nào tiếp theo nếu không phải là thỏa thuận của 3 bên (gồm cả Trung Quốc tham gia). New START sẽ phải đàm phán gia hạn bắt đầu tư năm 2020.
Đáp lại Mỹ, Tổng thống Nga vẫn giữ nguyên quan điểm: Nga sẵn sàng ngồi vào mọi bàn đàm phán liên quan đến cắt giảm vũ khí hạt nhân. Và Moscow hoan nghênh ý tưởng đa phương hóa các thỏa thuận liên quan đến giải trừ loại vũ khí này.
Kim che hat nhan Trung Quoc: Diem chung hiem hoi Nga-My
Loạt tên lửa liên lục địa của Trung Quốc trong một buổi duyệt binh ở Thiên An Môn
Như vậy, Nga và Mỹ có thể không chỉ đồng thuận về việc cần phải đa phương hóa, mà còn chỉ đích danh nên có một bản hiệp ước ba bên, trong đó, Trung Quốc là một phần quan trọng.
Vũ khí hạt nhân từ lâu đã trở thành cây gậy răn đe nguy hiểm nhất lịch sử nhân loại trong tay bất kỳ chính quyền nào. Tất nhiên, trong tâm thế đối đầu với Trung Quốc, Washington không hề muốn Bắc Kinh sở hữu một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ.
Còn với Nga, Moscow và Bắc Kinh đang trong mối quan hệ tốt đẹp. Họ có quyền lợi chung ở nhiều vấn đề. Nhưng lịch sử giữa hai quốc gia cho thấy Nga không nên tin tưởng hoàn toàn vào Trung Quốc, dù ở thời kỳ nào với chế độ nào. Do đó, Nga không hề muốn người láng giếng hùng mạnh của mình được tự do phát triển kho vũ khí hạt nhân của họ.
Mỹ và Nga lần đầu tiên và có lẽ là duy nhất chung lợi ích. Tuy nhiên, sẽ là rất khó để có thể ép được Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Nhận xét về điều này, Chủ tịch CLB Valdai Andrey Bystritskiy cho rằng có rất ít khả năng Nga, Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận ba bên về giảm thiểu vũ khí hạt nhân.
Thứ nhất, có rất nhiều quốc gia hạt nhân khác trên thế giới ngoài 3 cường quốc kể trên và mọi hiệp ước nhằm giảm thiểu đáng kể các loại vũ khí hạt nhân chỉ thực sự hiệu quả khi có sự tham gia của nhiều quốc gia.
Thứ hai, kho vũ khí hạt nhân của Nga, Trung Quốc và Mỹ rất khác nhau, nên việc đạt thỏa thuận càng khó khăn. Dù tin rằng đàm phán (kiểm soát vũ khí hạt nhân) là khả thi và tiến triển trong vấn đề này là khả thi, song chuyên gia Bystritskiy nhận định để đạt được một hiệp ước thật sự và nghiêm túc, các bên phải vượt qua một chặng đường dài phía trước.
Chuyên gia Bystritskiy cũng tin rằng ý tưởng thảo luận về vũ khí hạt nhân theo định dạng ba bên không hề vô lý. Ông đồng thời đánh giá đây là một đề xuất có ý nghĩa tích cực.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28036-kim-che-hat-nhan-tq-diem-chung-hiem-hoi-nga-my.html

Ảrập Xêút cáo buộc

Iran ra lệnh tấn công đường ống dẫn dầu

Thứ trưởng quốc phòng Ảrập Xêút hôm 16/5 cáo buộc Iran ra lệnh thực hiện một cuộc tấn công vào các điểm bơm dầu của Ảrập Xêút mà phiến quân Houthi có liên hệ với Iran ở Yemen đã tuyên bố nhận trách nhiệm.
Thái tử Khalid bin Salman, con trai của Quốc vương Salman, viết trên Twitter rằng vụ tấn công “chứng tỏ rằng các phiến quân này chỉ là công cụ của chính quyền Iran để thực thi chương trình bành trướng của mình”, theo Reuters.
Phiến quân Houthi, vốn chống lại liên minh quân sự do Ảrập Xêút dẫn đầu ở Yemen suốt bốn năm qua, tuyên bố đã tiến hành vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái hôm 14/5 nhắm vào đường ống có tên East-West.
Vụ tấn công gây ra cháy, nhưng Riyadh nói không làm gián đoạn việc sản xuất hoặc xuất khẩu.
Các quan chức Ảrập Xêút khác cũng viết các tweet tương tự, gây áp lực lên đối thủ truyền kiếp của vương quốc này trong khu vực, trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Tehran leo thang vì các lệnh trừng phạt và sự hiện diện quân sự của Mỹ ở vùng Vịnh.
https://www.voatiengviet.com/a/%E1%BA%A3r%E1%BA%ADp-x%C3%AA%C3%BAt-c%C3%A1o-bu%E1%BB%99c-iran-ra-l%E1%BB%87nh-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-%E1%BB%91ng-d%E1%BA%ABn-d%E1%BA%A7u/4920133.html

Eo biển Hormuz :

Thùng thuốc súng trong căng thẳng Mỹ-Iran

Từ khi căng thẳng Mỹ và Iran gia tăng, những tên gọi như “Vùng Vịnh”“eo biển Hormuz” thường xuyên được nhắc đến. Eo biển Hormuz vẫn được chính quyền Hoa Kỳ đánh giá là “điểm trung chuyển dầu lửa quan trọng nhất thế giới”. Liệu Iran có sử dụng eo biển Hormuz như một lá bài chiến lược để đáp trả những đe dọa trừng phạt của Mỹ ? Iran có quyền đóng cửa eo biển Hormuz như vẫn thường dọa không ? RFI tiếng Việt tổng hợp một số bài viết từ France 24, TV5, AP.
Eo biển Hormuz nằm ở đâu ?
Eo biển Hormuz là cửa ngõ từ Vịnh Oman vào Vịnh Persic, một bên bờ là Iran, bên kia lần lượt là Oman, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Qatar, Bahrein, Ả Rập Xê Út và Koweit.
Eo biển Hormuz, chỉ rộng khoảng 55 km, dài 63 km, do Iran và Oman đồng kiểm soát. Vì không phải là vùng nước sâu nên tầu bè qua đây, trước tiên phải đi theo một hành lang cố định ven theo hai hòn đảo Quoin và Ras Dobbah của Oman, sau đó lượn theo hành lang qua ba hòn đảo Hormuz, Larak, Qeshm do Iran kiểm soát. Cả hai hành lang này chỉ rộng gần 3 km. Vào bất kỳ thời điểm nào, Cộng Hòa Hồi Giáo Iran hoàn toàn có thể đóng cửa chặng đường này.
Tại sao eo biển Hormuz có vai trò chiến lược ?
Đối với các nước bên bờ Vịnh Persic, eo biển Hormuz là tuyến đường biển duy nhất dẫn vào khu vực, được đánh giá là một trong những hành lang hàng hải chiến lược nhất thế giới. Theo thống kê của Cơ quan Thông tin Năng lượng của chính phủ Mỹ (AIE), trong quý I năm 2018, hàng ngày có khoảng 18,5 triệu thùng dầu thô, tương đương với 30% sản lượng thế giới, do các vương quốc dầu mỏ sản xuất và được chở trên 14 tầu chở dầu khổng lồ trung chuyển qua eo biển Hormuz để ra biển Oman, rồi Ấn Độ Dương.
Hoa Kỳ nhập khoảng 10%, sau đó khoảng 25% của khối lượng dầu này được các nước châu Âu mua lại. Khoảng 17 triệu thùng được chuyển sang châu Á, chủ yếu là Ấn Độ và Trung Quốc, và một số khách hàng khác như Hàn Quốc, Nhật Bản. Khối lượng xuất khẩu được thẩm định sẽ tăng thêm 30% từ nay đến năm 2030 do nhu cầu ngày càng lớn của Trung Quốc và Ấn Độ. Khoảng 18% lượng xuất khẩu khí đốt cũng được trung chuyển qua khu vực này. Ngược lại, các nước Vùng Vịnh nhập hàng công nghiệp từ Trung Quốc và Nhật Bản.
Dù Oman và Iran kiểm soát nhưng eo biển Hormuz là một hành lang quốc tế, và trên nguyên tắc mọi tầu bè, dù mang bất kỳ quốc tịch nào, đều có quyền qua lại theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Vì vậy, eo biển Hormuz trở thành tuyến thương mại quan trọng trong giao thương quốc tế, đặc biệt đối với ngành vận tải dầu lửa vì những trạm trung chuyển dầu gần như không tồn tại.
Tại sao Vùng Vịnh được coi là khu vực “siêu vũ trang” ?
Hai cực đối đầu – một bên là Iran theo hệ phái Shia, bên kia là các nước Ả Rập, phần lớn theo hệ phái Suni – chỉ cách nhau qua eo biển hẹp Hormuz. Thế giới Ả Rập, do Ả Rập Xê Út đứng đầu, không ngừng tỏ ra thù nghịch với Iran. Riyad và Teheran luôn gườm nhau để mở rộng ảnh hưởng trong vùng. Điều này được thể hiện rõ qua cuộc chiến ở Yemen.
Để đối phó với mối đe dọa Iran, chính quyền Riyad không ngừng tăng ngân sách quốc phòng, tái vũ trang quân đội. Đến mức, năm 2017, Ả Rập Xê Út trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, vượt qua cả Ấn Độ. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (Sipri) ở Stockholm thẩm định Riyad đã chi khoảng 4 tỉ đô la để mua vũ khí, đặc biệt là từ Mỹ, Pháp, Đức…
Chiến lược tăng ngân sách quốc phòng trùng hợp với thời điểm Ả Rập Xê Út tham chiến ở Yemen vào năm 2015 : Liên minh Ả Rập, do Riyad đứng đầu, ủng hộ chính phủ của tổng thống Hadi trong khi Iran yểm trợ lực lượng nổi dậy Huthi. So với Syria, cuộc nội chiến Yemen rất ít được truyền thông chú ý dù độ khốc liệt và tình trạng nhân đạo cũng ở mức báo động.
Eo biển Hormuz vẫn là tuyến đường hướng đông xuất khẩu dầu lửa của các nước vùng Vịnh sang châu Á. Từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, áp dụng các biện pháp trừng phạt ngày càng khắc nghiệt nhằm buộc Teheran lùi bước, chính quyền nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran buộc phải gia tăng phòng thủ từ vài tháng gần đây với việc nâng cấp cảng quân sự Bandar Abbas, trấn ngay cửa ngõ vào eo biển và nhiều căn cứ bảo vệ các đảo Tomb và Abu Musa, nằm trên hành lang qua lại của các tầu chở dầu.
Gọi là “khu vực siêu vũ trang” vì trong Vùng Vịnh còn có nhiều căn cứ quân sự mang tính chiến lược của Hoa Kỳ. Ngoài một căn cứ ở Oman, Mỹ lập căn cứ không quân lớn nhất trong khu vực Trung Đông, ở Qatar. Hạm đội 5 Hoa Kỳ đóng ở Manama, Bahrein. Trong thời gian gần đây, bộ Quốc Phòng Mỹ đã quyết định điều thêm tầu sân bay USS Abraham Lincoln, một chiến hạm, nhiều máy bay ném bom B-52 và một hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot để đối phó với mối đe dọa từ Iran và các đồng minh của nước Cộng Hòa Hồi Giáo nhắm vào công dân và lợi ích của Mỹ ở Trung Đông.
Ngoài ra, Pháp cũng có một căn cứ thường trực ở Abu Dhabi, thuộc Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, từ ngày 26/05/2009, nhưng ở quy mô nhỏ hơn.
Eo biển Hormuz trong tâm điểm của các vụ xung đột
Cuộc xung đột ác liệt nhất ở Vùng Vịnh là chiến tranh Iran-Irak (1980-1988). Trong giai đoạn từ năm 1984 đến 1987, hơn 600 con tầu bị tấn công trong “cuộc chiến tầu dầu”. Mục đích của hai nước là cắt đường xuất khẩu dầu khiến đối phương không còn thu nhập để tiếp tục tham chiến. Trên thực tế, trục đường chuyên chở dầu lửa này chưa bao giờ thực sự bị cắt đứt, nhưng vào năm 1988, trong một chiến dịch bảo vệ tầu dầu của Koweit, chiến hạm Mỹ USS Samuel B. Roberts đã bị hư hại nặng vì trúng thủy lôi của Iran. Washington trả đũa. Một hạm đội Mỹ đã phá hủy nhiều khu khai thác dầu của Iran, một tầu tuần tra, một tầu hộ tống chống tầu ngầm.
Trong những năm gần đây, phía Iran đã nhiều lần dọa phong tỏa eo biển Hormuz trong trường hợp Mỹ can thiệp quân sự trong vùng. Năm 2012, một đô đốc Iran từng tuyên bố rằng “đóng cửa eo biển là việc rất dễ đối với lực lượng vũ trang Iran… Eo biển hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi… Phong tỏa eo biển, dễ như uống một cốc nước, theo cách nói Ba Tư”.
Như để cảnh cáo, vào tháng 07/2018, tổng thống Iran Hassan Rohani rành rọt nhắc lại lời đe dọa, ngay trước tổng thống Mỹ Donald Trump : “Chúng tôi là người bảo đảm an ninh cho eo biển này từ lâu, đừng vờn đuôi sư tử, ngài sẽ phải hối hận !”
Nghi kị gia tăng sau vụ “4 chiếc tàu vận tải thương mại trở thành mục tiêu của hành vi phá hoại ở khu vực phía đông cảng Fujairah”, ở Vịnh Oman, trong hai ngày 12 và 13/05/2019. Cho đến nay, thủ phạm vẫn là một ẩn số. Mỹ nghi ngờ Iran hoặc lực lượng ủy nhiệm của nước này ; Iran cảnh báo về những “âm mưu của những phần tử có ác ý, muốn khuấy động an ninh khu vực”.
Ngày 13/05, tổng thống Mỹ tuyên bố : “Nếu họ (Iran) làm gì đó, họ sẽ phải đau đớn chịu đựng”, nhưng ông không cho biết thêm chi tiết. Mỹ và Iran tiếp tục nắn gân nhau dù cả hai bên không muốn xảy ra vũ lực. Ngoài những lời đe dọa, chính quyền Trump gia tăng trừng phạt để bóp nghẹt nền kinh tế Iran. Teheran đáp trả khi tuyên bố đình chỉ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân Viennna được Iran kí ngày 14/07/2015 với 5 nước thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc) và Đức.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190516-eo-bien-hormuz-thung-thuoc-sung-cho-cang-thang-my-iran

Bắc Hàn bị hạn hán tồi tệ, cần ‘cứu trợ khẩn cấp’

Bắc Hàn nói nước này đang trải qua chịu trận hạn hán tồi tệ nhất kể từ 37 năm qua, và kêu gọi người dân “chiến đấu” trong tình trạng mùa màng thất bát.
Liên Hiệp Quốc nói có tới 10 triệu người Bắc Hàn đang “khẩn cấp cần được trợ giúp lương thực”.
Trong năm nay, người dân Bắc Hàn đã phải sống lay lắt với khẩu phần chỉ 300g lương thực mỗi ngày, bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc nói.
Mỹ bắt giữ tàu chở than của Triều Tiên
Bắc Hàn ‘thử tên lửa’ lần hai trong vòng năm ngày
Mỹ ‘theo dõi’ việc Bắc Hàn thử tên lửa tầm ngắn
Hồi thập niên 1990, nạn đói khủng khiếp được cho là đã khiến hàng trăm ngàn người Bắc Hàn thiệt mạng.
Hiện không có chỉ dấu nào cho thấy trận hạn hán lần này sẽ tồi tệ như hồi đó, nhưng nó lại xảy ra sau khi có những cảnh báo về mùa màng thu hoạch không tốt trên cả nước.
“Hiện vẫn chưa rõ là tình hình tồi tệ tới mức nào, bởi với bất kỳ chuyện gì có liên quan tới Bắc Hàn thì các dữ liệu đưa ra đều không minh bạch,” Oliver Hotham từ NK News, một tổ chức độc lập chuyên phân tích thông tin về Bắc Hàn, nói với BBC.
Nhưng, ông nói, nếu như các dữ liệu chính thức là chính xác, thì nghiên cứu của họ cho thấy Bắc Hàn sẽ cần nhập khẩu tới 1,5 triệu tấn lương thực để bù đắp cho phần sản lượng bị thiếu hụt.
Trận hạn hán tồi tệ tới mức nào?
Kênh truyền thông chính thức của nhà nước Bắc Hàn, KCNA, nói rằng trên cả nước trong năm tháng đầu năm có lượng mưa 54,4mm. Hãng này nói đây là lượng mưa thấp nhất kể từ 1982 tới nay.
Tờ báo hàng đầu nước này, Rodong Sinmun nói thêm rằng “nước hiện nay là thứ cần hơn bao giờ hết” và đất nước đang trong một “cuộc chiến dữ dội” để ngăn chặn thiệt hại do hạn hán gây ra.
“Người lao động trong ngành nông nghiệp phải… quyết liệt bảo vệ ruộng đồng khỏi thiệt hại do hạn hán,” báo này viết.
Hồi tháng trước, Chương trình Lương thực (WFP) và Tổ chức Nông Lương (FAO) của Liên Hiệp Quốc nói trong một bản phúc trình chung rằng sản lượng thu hoạch vụ mùa 2018 của Bắc Hàn rơi xuống mức thấp nhất kể từ 2008.
Bản phúc trình ước tính là có 10 triệu người, chiếm 40% dân số cả nước, đang khẩn cấp cần cứu trợ lương thực.
Nga đón Kim Jong-un bằng bánh mì và muối
Bắc Hàn đòi loại Ngoại trưởng Mỹ khỏi đàm phán hạt nhân
Bắc Hàn họp bàn cải cách đất nước
Bản phúc trình nói thêm rằng “tình hình có thể còn tồi tệ thêm trong mùa khô, từ tháng Năm đến tháng Chín” nếu như không có hành động đối phó phù hợp.
Các lệnh trừng phạt đóng vai trò gì?
Lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn đã được tăng cường kể từ 2006, nhằm chặt đứt các nguồn tài chính cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Lệnh trừng phạt khiến hoạt động xuất khẩu của nước này bị giảm mạnh, và hiện không rõ Bắc Hàn có bao nhiêu ngoại tệ để mua lương thực nhập khẩu.
Cũng không rõ là các lệnh trừng phạt thực sự có tác động tới đâu, nhưng đó là cách đưa tin mà truyền thông nhà nước Bắc Hàn ưa dùng.
“[Bắc Hàn] muốn tạo cảm giác rằng các lệnh trừng phạt thì tương đương với việc gây ra nạn đói, cho nên Mỹ cần phải nương tay, từ bỏ việc đó,” Benjamin Silberstein, đồng chủ bút tờ Theo dõi Kinh tế Bắc Hàn (North Korea Economy Watch) và là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Ngoại giao nói với Reuters.
Các lệnh trừng phạt không cấm viện trợ nhân đạo, và thậm chí ngăn cản việc Bắc Hàn xuất khẩu các loại lương thực có thể dùng cho dân chúng.
Nhưng chỉ có một số ít các nhóm được chuẩn thuận là có thể đem hàng viện trợ tới Bắc Hàn, và các tường thuật nói rằng những nhóm làm việc bên trong nước này đang phải đối diện với môi trường làm việc ngày càng khó khăn hơn.
Hồi 2017, tổ chức NGO Save the Children đã rời khỏi Bắc Hàn. Họ nói các lệnh trừng phạt khiến hoạt động của họ trở nên quá khó khăn.
Bắc Hàn từng bị hạn hán?
Hồi 2017, Bắc Hàn bị một trận hạn hán nghiêm trọng, khiến sản lượng lương thực căn bản bị giảm nghiêm trọng, cả gạo, ngô, khoai tây lẫn đậu nành.
Không rõ chính xác là điều này có tác động tới đâu, nhưng các tường thuật nói rằng rất nhiều người đang phải đối diện với tình trạng suy dinh dưỡng và tử vong.
“Bắc Hàn rất dễ bị tổn thương do các kiểu thiên tai này, do mức độ lạc hậu trong rất nhiều công nghệ làm nông của họ, và do các vấn đề đang tồn đọng trong hệ thống y tế công và lương thực của nước này,” ông Hotham nói.
Hồi thập niên 1990, hàng trăm ngàn người Bắc Hàn được cho là đã thiệt mạng trong nạn đói nghiêm trọng.
Nạn đói này đã buộc Bắc Hàn phải lần đầu tiên tìm đến sự giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế.
Quan hệ Mỹ-Triều hiện thế nào?
Quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi sau khi cuộc họp tại Hà Nội giữa lãnh đạo hai nước hồi tháng Hai kết thúc mà không đạt thỏa thuận nào.
Tại kỳ họp thượng đỉnh thứ hai giữa ông Kim Jong-un và ông Donald Trump, Mỹ muốn Bắc Hàn từ bỏ chương trình hạt nhân, trong lúc Bình Nhưỡng đòi nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Hồi tuần trước, Hoa Kỳ lần đầu tiên bắt giữ một tàu hàng của Bắc Hàn và nói tàu này vi phạm lệnh trừng phạt. Bình Nhưỡng đòi phải trả tàu ngay lập tức.
Bắc Hàn trong những tuần qua cũng đã nối lại việc thử vũ khí, hành động được cho là nhằm tăng áp lực lên Hoa Kỳ
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48288511

Băng đảng TQ đang ‘hoạt náo’

ở Preah Sihanouk của Campuchia

Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia cho biết cảnh sát Trung Quốc đang hợp tác cùng với cảnh sát Campuchia để điều tra một băng đảng tuyên bố rằng họ sẽ “gây bất ổn an ninh tại Preah Sihanouk”, theo Khmer Times.
Trong video clip được công bố hôm 12/5, khoảng hơn một chục người đàn ông, hầu hết đều ở trần, một số xăm trổ nói họ đến từ tỉnh Trùng Khánh và đe dọa họ sẽ gây rắc rối ở thành phố Sihanoukville, thuộc tỉnh Preah Sihanouk.
VN tăng trưởng ‘vượt trội’ cùng Lào, Campuchia
Trung Quốc muốn gì ở tiểu vùng sông Mekong?
TQ viện trợ xe bọc thép cho Campuchia
Trung Quốc đang đặt hệ thống tên lửa Biển Đông?
“Kampong Som [tên khác của Sihanoukville], trong ba năm tới, dù an toàn hay bất ổn đều ở dưới tay tao!”, người đàn ông có vẻ là người cầm đầu tuyên bố bằng tiếng Trung.
Cũng trong ngày 12/2, Đại sứ quán Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi tin chúng tôi sẽ giải quyết vụ việc này sớm và sẽ cung cấp thông tin khi có diễn biến mới.”
Trước đó, hôm 7/5, Bộ Nội vụ Campuchia công bố người Trung Quốc là người nước ngoài có hoạt động tội phạm mạnh nhất ở Campuchia. Trong quý đầu 2019, 341 người nước ngoài đã bị bắt giữ, 241 trong số đó là người Trung Quốc, đứng thứ hai là người Việt Nam với 49 người.
Chủ tịch một xã ở tỉnh Preah Sihanouk đã than phiền về những người Trung Quốc vi phạm pháp luật.
“Nó ảnh hưởng người dân địa phương vì họ lái xe rất nhanh và không tôn trọng luật giao thông,” vị quan chức địa phương nói với điều kiện giấu tên để đảm bảo an toàn.
Ông cũng chỉ trích các công trình xây dựng không an toàn và ảnh hưởng đến môi trường.
“Tôi nghĩ chính quyền phải buộc họ tuân thủ luật pháp, thủ tục tập quán, truyền thống của người Campuchia.”
Theo Bưu điện Hoa Nam, trong những năm gần đây, người Trung Quốc đã xây dựng hơn 100 sòng bạc và hàng chục khách sạn và nhà nghỉ tại tỉnh Phreah Sihanouk ven biển phía tây nam.
Năm ngoái, có khoảng 16.000 người Trung Quốc có giấy phép lao động tại Campuchia. Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dự án xây dựng ở tỉnh Sihanoukville và tỉnh Koh Kong lân cận. Tuy nhiên, Cục Di trú Campuchia cho biết có khoảng 78.000 người Trung Quốc đang ở tỉnh Sihanoukville, nhiều người trong số đó không có giấy phép lao động.
Nhiều người Campuchia chào đón các dự án của các chủ đầu tư Trung Quốc vì nó đem lại việc làm và lợi ích kinh tế. Nhưng nhiều người chỉ trích về những thiệt hại về môi trường, giá nhà tăng vọt, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn đất đai và tình trạng trục xuất bất hợp pháp và tình trạng tội phạm gia tăng.
Hồi tháng Một, thống đốc tỉnh Sihanoukville Yun Min đã viết đơn cho Bộ trưởng Nội vụ Campuchia về tình trạng tội phạm gia tăng, giá bất động sản gia tăng ảnh hưởng đến người Campuchia bản địa và sự bão hòa của lao động Trung Quốc trong lĩnh vực xây dựng.
“Nó tạo cơ hội cho những người Trung Quốc thuộc các băng đảng mafia hoạt động các hành vi phạm pháp,” ông Yun Min viết.
Một bài xã luận trên tờ Phnom Penh Post phỏng vấn một cảnh sát trưởng của một xã nói: “Tôi nghĩ, những công dân Trung Quốc đến đây không ý tuân thủ luật pháp của chúng ta”.
“Những người Trung Quốc đến đây hầu hết là những kẻ phạm tội ở Trung Quốc… nếu chúng ta thực hiện tất cả quy định luật pháp của đất nước chúng ta, sẽ không có chuyện ân xá cho họ.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48277734

TQ tác động, lôi kéo các nước

tham gia Sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển

Tuyến đường chính của Con đường tơ lụa trên biển trải dài từ châu Á đến Trung Đông và châu Âu. Phía Trung Quốc tuyên truyền rằng gần 60 nước trên thế giới đã tuyên bố ủng hộ và tham gia Sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển do Bắc Kinh khởi sướng.
Campuchia đã chính thức tuyên bố ủng hộ dự án Con đường tơ lụa trên biển và tham gia sáng lập AIIB. Campuchia được hưởng lợi từ việc tham gia dự án của Trung Quốc về phương diện kinh tế lẫn chiến lược. Về mặt kinh tế, dự án này mang lại nhiều cơ hội to lớn cho Campuchia trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng: các cảng biển, đường cao tốc và đường sắt. Theo kế hoạch tổng thể của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Campuchia buộc phải xây dựng các tuyến đường còn thiếu dựa vào tiền của Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN (AIF) do ADB quản lý. Tuy nhiên, ADB và Chính phủ Campuchia đã không thể đạt được thỏa thuận về những điều kiện cung cấp tài chính. Trung Quốc đã giúp giải quyết vấn đề này, cung cấp 600 triệu USD dưới dạng viện trợ. Trên phương diện chiến lược, sự hỗ trợ của Trung Quốc giúp nâng cao mức độ an ninh của Campuchia tại các đường biên giới với Việt Nam và Thái Lan.
Indonesia hiện đang thực thi chính sách nhằm mục tiêu trở thành cường quốc biển. Để đạt được mục đích này, Indonesia đã hoạch định xây dựng 24 cảng biển với tổng khối lượng đầu tư khoảng 55,4 tỷ USD. Cho đến nay, cảng biển Tanjung Priok không thể tiếp nhận được những tàu vận tải liên lục địa cỡ lớn đến từ châu Âu và Mỹ, do đó các tàu này phải bốc dỡ hàng hóa tại các cảng của Singapore và Malaysia, sau đó hàng hóa được vận chuyển trên các tàu cỡ nhỏ hơn đến Indonesia. Kế hoạch phát triển vận tải đường biển rất phù hợp với dự án Con đường tơ lụa trên biển. Không phải ngẫu nhiên mà các công ty của Trung Quốc như Tianjin Port và China Harbour Engineering thời gian gần đây đã thể hiện sự quan tâm đến việc cung cấp tài chính phát triển cảng Kuala Tanjung, nằm cách không xa eo biển Malacca.
Malaysia có thái độ rất tích cực với sáng kiến của Trung Quốc. Tại Diễn dàn châu Á Bác Ngao, thủ tướng Najib Razak đã bày tỏ sự ủng hộ dự án Con đường tơ lụa trên biển. Malaysia sẽ tham gia dự án,
chú trọng xây dựng các bến cảng, trong đó có các cảng biển, và nhà ga tàu hỏa, cũng như phát triển hàng không. Để thực hiện những kế hoạch đã nêu ra, Chính phủ Malaysia dự kiến đến năm 2020 sẽ thu hút 118 tỷ USD vốn đầu tư trong và ngoài nước. Vốn đầu tư Trung Quốc đã hiện diện trong nền kinh tế Malaysia.
Thái Lan ủng hộ các sáng kiến của Trung Quốc về xây dựng Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển và sẵn sàng tham gia tích cực vào những sáng kiến này. Kênh đào Thái Lan hay còn gọi là kênh đào Kra (lấy theo tên đất Kra), đóng vai trò chủ chốt trong dự án Con đường tơ lụa trên biển. Con đường thủy nhân tạo này sẽ kết nối Biển Đông với quần đảo Andaman không đi qua eo biển Malacca.
Myanmar với cảng Yangon được công bố là điểm trung gian của Con đường tơ lụa trên biển. Ngoài ra, tại Myanmar, Trung Quốc đã thực hiện dự án xây dựng đường ống dẫn dầu cho phép giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu mỏ từ Trung Đông đi qua eo biển chiến lược Malacca. Vào thời điểm hiện tại, dầu mỏ từ các nước Trung Đông hay Mỹ Latinh sau khi bốc hàng các tàu chở dầu tại cảng ở cảng Chauphyu rồi được vận chuyển bằng đường ống tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên, đường ống dẫn dầu không thể htay thế được tuyến đường biển do nó có công suất tương đối thấp. Liên quan đến vấn đề này, Trung Quốc đang soạn thảo các kế hoạch xây dựng hành lang đường sắt từ Chauphyu đến tỉnh Vân Nam. Đường ống dẫn dầu phục vụ hai trung tâm phát triển chính của Trung Quốc là Côn Minh và Trùng Khánh, hai tỉnh đóng vai trò trung tâm trong phát triển Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển. Côn Minh cũng là một trong những điểm khởi đầu Con đường tơ lụa trên biển, bởi tỉnh này kết nối với ba nước ASEAN: Myanmar, Việt Nam và Lào. Không có đường ra biển, về phần mình Lào được tiếp cận các cảng biển của Thái Lan và các mạng lưới giao thông Malaysia và Singapore.
Bangladesh cũng ủng hộ sáng kiến của Trung Quốc. Hai nước này, theo thừa nhận của giới lãnh đạo, có cơ hội phối hợp chặt chẽ các chiến lược phát triển quốc gia của mình nhằm mục đích thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” và giấc mơ vàng của Bangladesh. Lãnh đạo Trung Quốc gọi Bangladesh là quốc gia quan trọng của dự án Con đường tơ lụa trên biển. Không phải ngẫu nhiên, Tập đoàn China Merchants Holdings International bằng sức lực của mìnhđã tiến hành hiện đại hóa Chittagong, cảng có ý nghĩa quan trọng đối với Bangladesh, bởi nó xử lý 92% ngoại thương của nước này. Trung Quốc còn đề xuất Bangladesh cung cấp 99% tài chính dự án cảng nước sâu Sonadia ở Coke Bazaar, trị giá 1,9 tỷ USD, nhưng chỉ với điều kiện các cảng này phải do các công ty Trung Quốc nghiên cứu và thực hiện. Nhờ có mạng lưới đường cao tốc và đường sắt, Con đường tơ lụa trên biển sẽ kết nối được với Con đường tơ lụa trên bộ. Bangladesh cũng tham gia xây dựng hành lang kinh tế “Ấn Độ – Bangladesh – Myanmar – Trung Quốc”.
Sri Lanka cũng tham gia xây dựng hành lang kinh tế Ấn Độ – Bangladesh – Myanmar – Trung Quốc. Trong bối cảnh thực hiện Con đường tơ lụa trên biển, các bên đã bắt đầu tiến hành đàm phán về việc thành lập khu vực thương mại tự do, góp phần hỗ trợ hợp tác thương mại và đầu tư, trong giai đoạn thực hiện hợp đồng 15 năm (2008 – 2023) của China Harbour Engineering Company về việc xây dựng cảng nước sâu Hambantota với công suất lên tới 20 triệu TEU mỗi năm.
Colombo, hiện tại, Trung Quốc đã bắt tay xây dựng đảo nhân tạo cách không xa Colombo. Tổ hợp cảng biển khổng lồ được thiết kế về quy mô có thể sánh với Monaco, với trị giá ước tính lên tới 1,4 tỷ USD. Trên thực tế, trạm container phía Nam cảng Colombo được xây dựng cách đây chưa lâu với tổng kinh phí 500 triệu USD hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của công ty nhà nước China Merchants Holdings International Co., Ltd.
Maldives cũng lên kế hoạch tích cực tham gia xây dựng Con đường tơ lụa trên biển. Nước này sở hữu tiềm năng lớn về du lịch trên biển, do đó việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới sẽ trở thành lĩnh vực hợp tác quan trọng với Trung Quốc. Maldives đã tham gia dự án Con đường tơ lụa trên biển, sau khi ký kết lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ song phương, Biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại vào tháng 12/2014. Trung Quốc có kế hoạch hỗ trợ nước này xây dựng cây cầu kết nối thủ đô Male với hòn đảo, nơi có sân bay, cảng trung chuyển quốc tế ở miền Bắc nước này và hiện đại hóa sân bay quốc tế Maldives. Trung Quốc coi Maldives là “trạm dừng chân” quan trọng trên tuyến tường Con đường tơ lụa trên biển.
Ấn Độ là nước chủ chốt trong dự án Con đường tơ lụa trên biển; tuy nhiên, nước này giữ lập trường không rõ ràng về dự án của Trung Quốc. Một số phương tiện truyền thông đại chúng, chuyên gia và nhà hoạt động chính trị đã bày tỏ mối quan ngại đặc biệt về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, bởi sẽ ngày càng có nhiều nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương rơi vào vòng ảnh
hưởng của Trung Quốc. Do đó, Ấn Độ, vốn xem tiểu lục địa Đông Nam Á là khu vực lợi ích quốc gia của mình, có thể bị thiệt hại nghiêm trọng. Đáp lại sáng kiến của Trung Quốc, Ấn Độ đã soạn thảo kế hoạch riêng của mình.
Pakistan có ý nghĩa quyết định đối với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Trung Quốc đã đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng của nước này với số tiền lên đến 42 tỷ USD. Hiện tại, Trung Quốc đang tiến hành nghiên cứu kết nối khu tự trị Tân Cương với biển Arập, sau khi xây dựng hành lang giao thông trên bộ dài 3000 km đến Gwadar Pakistan đi qua Kashmir, phần đất thuộc quyền kiểm soát của Pakistan. Nhờ đó, cảng Gwadar sẽ kết nối với thành phố Kashgar của Trung Quốc bằng đường sắt và đường bộ. Được biết đến như Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan, nó sẽ kết nối Con đường tơ lụa trên biển và trên bộ. Hành lang chiến lược này sẽ cho phép Bắc Kinh giảm 1/4 tuyến đường nhập khẩu dầu mỏ từ Trung Đông và châu Phi. Dầu mỏ từ cảng Gwadar sẽ được vận chuyển bằng đường ống đến phía Tây Trung Quốc. Chi phí ước tính của dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan là 75 tỷ USD; hành lang này sẽ bắt đầu vận hành vào năm 2020. Một hợp đồng không kém phần quan trọng mà công ty China Harbour Engineering Company đang thực hiện là việc xây dựng cảng nước sâu Gwadar, có khả năng tiếp nhận tàu chở dầu trọng tải lớn và các tàu thương mại.
Iran cũng tham gia thực hiện kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc về việc hồi sinh Con đường tơ lụa. Thứ trưởng Bộ Kinh tế Iran Masoud Karbasian cho rằng Iran trở thành tuyến đường trung chuyển cho khoảng hơn 12 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Nước này có vị trí địa lý rất đặc biệt trên tuyến đường Con đường tơ lụa hiện đại, vì 7 trong số 15 quốc gia láng giềng không có lối ra biển.
Các Tiểu Vương quốc Arập Thống Nhất (UAE), trong vòng mấy năm trở lại đây, 2 công ty vận tải container là China Shipping Container Lines’ (CSCL) và United Arab Shipping Company đã ký một loạt thỏa thuận chung về bảo dưỡng các tuyến đường kết nối các cảng châu Á với các cảng Trung Đông và châu Âu. Năm 2014, trạm container Khor Fakkan trên bờ vịnh Oman đã tiếp nhận chuyến tàu đầu tiên của China Shipping Container Lines’ Co. (CSCL). Trạm container duy nhất hoạt động hết công suất tại UAE này nằm ngoài ranh giới eo biển Hormuz, bắt đầu được người Trung Quốc tích cực sử dụng, bởi nó làm giảm nguy cơ địa chính trị liên quan đến khả năng eo biển này bị phong tỏa.
Ai Cập, Trung Quốc đã đầu tư một số tiền lớn vào kênh đào Suez, vì Bắc Kinh xem kênh đào này như là điểm mấu chốt để tiếp cận châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc.
Israel, công ty China Harbour Engineering Company của Trung Quốc đang thực hiện dự án giao thông liên doanh Red-Med trị giá 2 tỷ USD xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 300 km giữa Địa Trung Hải và Biển Đỏ trong vòng 5 năm, cũng như 2 cảng biển tại Đại Trung Hải là Ashdod và Haifa, cho phép đi vòng qua kênh đào Suez đã quá tải trong khuôn khổ Con đường tơ lụa trên biển. Dự án này sẽ làm gia tăng các vị trí chiến lược của Trung Quốc trên thị trường Israel. Nhờ có dự án Red-Med, Israel cũng có thể đảm bảo trung chuyển hàng hóa từ Địa Trung Hải đến Jordan và Iraq. Cuối năm 2014, Trung Quốc và Israel đã ký hợp đồng xây dựng Cảng Phương Nam (Ashdod) trị giá gần 3,3 tỷ shekel (930 triệu USD). Đầu năm 2015, công ty Shanghai International Port đã thắng gói thầu khai thác cảng biển Cảng Vịnh ở Haifa, với điều kiện bỏ thầu là sẽ được quản lý các cảng này trong vòng 25 năm. Việc xây dựng cảng này được khởi công ngay sau khi thắng thầu, và dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện tổng dự án 10 năm “Tầm nhìn 2023”, trong đó đề xuất thực hiện một loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn trong những lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế với tổng giá trị lên tới gần 100 tỷ USD. Cuối năm 2015, các công ty của Trung Quốc China Merchants Group và Cosco Group cùng với Quỹ thịnh vượng quốc gia Trung Quốc đã bỏ ra 1 tỷ USD mua 65% cổ phần của một trong những trạm container Kumport tại cảng Ambarli. Trong khuôn khổ xây dựng Con đường tơ lụa trên biển, mở ra con đường tới các thị trường Tây Âu, Trung Quốc dự kiến đầu tư một lượng tiền lớn vào cơ sở hạ tầng cảng biển của châu Âu. Đặc biệt, Trung Quốc đang lên kế hoạch hiện đại hóa cảng biển Koper lớn nhất ở Slovenia.
Hy Lạp đang tích cực tham gia dự án của Trung Quốc, vì Trung Quốc chiếm một vị trí vững chắc ở quốc gia Địa Trung Hải này. Năm 2009, công ty Cosco Pacific Ltd đã nhận được hợp đồng nhượng quyền 35 năm từ Ban giám đốc cảng Piraeus hoạt động với tư cách đơn vị khai thác trạm vận tải và đã bắt đầu xây dựng thêm một trạm nữa. Theo điều kiện hợp đồng, Cosco sẽ thanh toán số cổ phần trị giá 368,5 triệu euro này trong vòng 5 năm. Sau khi tư nhân hóa, cảng này có thể thu hút đầu tư 500 triệu euro, nhờ đó đến năm 2025 sẽ tạo ra 320.000 việc là. Là một trong những cảng lớn nhất phía Đông Địa Trung Hải, Piraeus sẽ phải trở thành nhân tố quan trọng của Con đường tơ lụa trên biển. Rốt cục, Cosco sẽ là chủ sở hữu một đầu mối giao thông đường biển lớn để mở rộng kinh doanh tại châu Âu.
Nhánh Con đường tơ lụa đến châu Phi: Châu Phi đang trở thành mắt xích chủ đạo trong dự án Con đường tơ lụa trên biển. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì thương mại Trung Quốc với châu Phi đã vượt quá con số 300 tỷ USD trong năm 2014. Trong vòng 6 năm trở lại đây, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất khu vực; trong khi đó, khối lượng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đã đạt mức 32,4 tỷ USD. Tham vọng của Trung Quốc trên biển được gắn kết với khu vực này thông qua việc xây dựng nhiều cảng container hiện đại tại một loạt quốc gia trong khu vực. Ý tưởng nằm ở chỗ, các cảng này phải phục vụ đội tàu thương mại chủ yếu đến từ châu Á, và mỗi cảng như vậy, bao gồm cả các cảng nhỏ được sử dụng đội tàu ven bờ hỗ trợ cỡ nhỏ.
Trong khuôn khổ dự án Con đường tơ lụa trên biển, Trung Quốc dự kiến xây dựng 7 cảng nước sâu nằm dọc bờ biển châu Phi: Djibouti (Gee Buti), Dar es Salaam (Tanzania), Maputo (Mozambique), Libreville (Gabon), Tema (Ghana), Dakar (Senegal) và Bizerte (Tunisia). Những cảng này rất thuận lợi cho các tàu thương mại cỡ lớn từ châu Á cập bến, cung cấp hàng hóa thực phẩm và công nghiệp tới châu Phi, từ đó chở nguyên liệu và khoáng sản.
Congo, Nigeria và tiếp tục về phía Bắc: Trung Quốc cũng đang tiến hành xây dựng cảng nước sâu Kribi ở Cameroon. Giá trị hợp đồng trong giai đoạn 1 đạt 586 triệu USD. Trong giai đoạn tiếp theo, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng cảng này bằng cách xây dựng các bến tàu mới với công suất hơn 100 triệu tấn mỗi năm. Và một số công việc khác về kết nối cảng biển quốc tế mới với các khu vực biển cũng đang được thực hiện. Tập đoàn China Communications Construction Co., Ltd từ năm 2013 đã bắt đầu thực hiện dự án cảng lớn ở Lamu (Kenya) với 32 bến cảng, 3 sân bay, đường sắt, đường ống dẫn dầu và các tài nguyên khác từ Sudan, Ethiopia và một số quốc gia khác trị giá 25 tỷ USD. Việc xây dựng cảng đa năng và hành lang vận tải Lamu – Nam Sudan – Ethiopia này, dự kiến được hoàn thành vào năm 2030 sẽ bảo đảm sự thống trị lâu dài của Trung Quốc trong việc buôn bán các nguồn tài nguyên ở phía Đông châu Phi.
Mozambique, công ty China Harbour Engineering Co., Ltd vào mùa Thu 2015 đã bắt đầu xây dựng cảng mới Beria. Hiện tại, chính công ty này cũng đã gia nhập toàn đoàn quốc tế xây dựng cảng nước sâu mới tại tỉnh Maputo. Khối lượng đầu tư vào dự án này có thể vượt con số 1 tỷ USD. Cảng mới sẽ mở lối ra biển cho các nước trong khu vực như Botswana, Swaziland và Zimbabwe. Công ty China Merchants Holdings International Co., Ltd đang thực hiện thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD về xây dựng cảng nước sâu với 2 bến tàu trạm container, đường sắt và một số cơ sở hạ tầng gần thành phố Bagamoyo (Tanzania). Cảng này cũng sẽ trở thành cảng quan trọng nhất trong khu vực, biến Tanzania thành trung tâm hậu cần lớn nhất, có khả năng phục vụ toàn bộ phía Đông châu Phi, xử lý khối lượng hàng hóa lên tới 20 triệu TEU. Công việc xây dựng giai đoạn đầu dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm 2018, còn toàn bộ tổ hợp này sẽ mất thêm 10 năm nữa.
Với liên minh châu Phi, Trung Quốc đã đồng ý và bắt đầu thực hiện kế hoạch phát triển giao thông khu vực nhằm kết nối tất cả 54 quốc gia châu Phi: đường sắt ven biển ở Nigeria (13 tỷ USD), đường sắt Nairobi – Mombasa (3,8 tỷ USD), đường sắt Addis Ababa – Djibouti (4 tỷ USD) và mạng lưới đường sắt tại Chad (5,6 tỷ USD).
Nhánh Con đường tơ lụa trên biển dẫn đến phần phía Nam Thái Bình Dương: Trong những năm gần đây, các quốc đảo ở phía Nam Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược trong các kế hoạch của Mỹ và đồng minh, đặc biệt trong bối cảnh “sự trở lại” châu Á của Washington và sự hình thành khu vực siêu lớnn Ấn Độ – Thái Bình dương. Và Trung Quốc cũng không tụt hậu so với Mỹ. Rõ ràng, Bắc Kinh đã tăng cường đáng kể các biện pháp củng cố vị thế của mình trong các hoạt động chính trị và kinh tế của các quốc đảo trong khu vực. Theo số liệu của Đại học Lowy, Australia, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ và tín dụng hàng hóa cho các nước trong khu vực này với tổng số 2,5 tỷ USD, trong đó có nhà máy thủy điện và một số tổ hợp thể thao ở Fiji (158 triệu USD), bệnh viện ở Apia (100 triệu USD), nhà đón khách và hiện đại hóa đường băng cất – hạ cánh ở sân bay Faleolo (40 triệu USD), bến tàu ở Upolu (140 triệu USD); tòa nhà chính phủ và 2 máy bay trực thăng tubin cánh quạt dùng cho ngành hàng không nội địa tại Samoa (12 triệu USD); 2 máy bay tubin cánh quạt, thành phố sinh viên cho Đại học miền Nam Thái Bình Dương và tòa nhà Quốc hội tại Tonga (60 triệu USD).
Nhìn chung, để đạt được mục đích và ý đồ đặt ra, Trung Quốc đã tích cực sử dụng sức mạnh kinh tế để chi phối, tác động và lôi kéo các nước dọc theo tuyến Con đường tơ lụa trên biển ủng hộ và tham gia.
http://biendong.net/bien-dong/28042-tq-tac-dong-loi-keo-cac-nuoc-tham-gia-sang-kien-con-duong-to-lua-tren-bien.html

Từ đế chế số 1 phương Đông, TQ lộ diện là “hổ giấy”,

sa chân vào Thế kỷ ô nhục như thế nào?

Chiến tranh nha phiến thứ nhất (1839-1842) là bước ngoặt thảm họa trong hàng nghìn năm lịch sử của Trung Quốc, khi nước này bị tước đoạt vị thế siêu cường khu vực.
Những bất đồng về chủ quyền, thương mại, và thuốc phiện 180 năm về trước đã cuốn đế chế giàu có nhất hành tinh vào cuộc xung đột vũ trang với Vương quốc Anh. Kết quả cuộc chiến là một thảm họa với Bắc Kinh.
Chiến tranh nha phiến 1 làm Trung Quốc đánh mất địa vị cường quốc hùng mạnh nhất châu Á, cũng vị thế của nền kinh tế thịnh vượng hàng đầu. Trung Quốc chính thức “mở cửa” trước ảnh hưởng của phương Tây và trở thành miếng bánh cho nước ngoài xâu xé.
“Sau Chiến tranh nha phiến, Trung Quốc liên tục bị đánh bại bởi những quốc gia nhỏ bé và có dân số ít hơn rất nhiều,” chủ tịch Tập Cận Bình nói trong diễn văn ngày 1/7/2017, kỷ niệm 20 năm Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc. “Trang sử này trong lịch sử Trung Quốc là một trong những sự hổ thẹn và đau buồn.”
Các nhà phân tích cho rằng di sản của các cuộc chiến từ 2 thế kỷ trước vẫn tiếp tục tác động lên các chính sách đối ngoại của Bắc Kinh ngày nay, cũng như thúc giục mong muốn thống nhất những địa bàn từng thuộc về Đại lục trong quá khứ – bao gồm đảo Đài Loan.
Để thực sự hiểu được Trung Quốc hiện đại, câu chuyện phải bắt đầu từ Chiến tranh nha phiến.
Trung Quốc đánh giá thấp thương mại với phương Tây
Trong thế kỷ 18, các nước châu Âu như Anh, Hà Lan, Pháp bắt đầu tìm hướng mở rộng mạng lưới thương mại ở châu Á bằng cách kết nối với một trong những nguồn cung ứng các thành phẩm được phương Tây ưa chuộng: Đế chế Thanh tại Trung Quốc.
Trong hàng nghìn năm, Trung Quốc đã là đích cuối trên Con đường tơ lụa và là nguồn cung các sản phẩm hào nhoáng xa xỉ. Những công ty cổ phần châu Âu như Công ty Đông Ấn Anh Quốc và Công ty Đông Ấn Hà Lan cho thấy rõ sự thèm muốn tiếp cận với hệ thống trao đổi cổ xưa này.
Dù vậy, các nhà buôn châu Âu gặp phải vấn đề với chính sách nghiêm ngặt của Trung Quốc. Chính phủ Thanh giới hạn doanh nghiệp, cá nhân ngoại quốc chỉ hoạt động tại thương cảng Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Những người châu Âu cũng bị cấm học tiếng Hoa và bị cảnh báo trừng phạt nặng nếu dám tìm cách rời cảng để xâm nhập sâu hơn vào Đại lục.
Tồi tệ hơn, người tiêu dùng châu Âu “phát cuồng” với sản phẩm lụa, gốm sứ, đặc biệt là trà – “chất gây nghiện” hàng ngày đối với người Anh. Nhưng thị trường Trung Quốc lại lạnh nhạt với bất kỳ sản phẩm nào mà châu Âu đưa ra để trao đổi, chủ yếu là mặt hàng lông thú và dệt may.
Đặc biệt, nhà Thanh đòi hỏi được thanh toán bằng tiền mặt, mà cụ thể là bằng bạc trắng.
Anh Quốc nhanh chóng lâm vào tình trạng thâm hụt thương mại nghiêm trọng với Trung Quốc, bởi nước này không có nguồn cung cấp bạc nội địa và phải mua bạc từ Mexico hay từ các nước châu Âu khác sở hữu những mỏ bạc ở thuộc địa.
Về thuế quan, Trung Quốc áp thuế 20% đối với sản phẩm nhập khẩu từ Anh, khiến Anh bất mãn.
“Cơn khát” tiêu thụ trà tăng trưởng chóng mặt của chị trường Anh là tác nhân đặc biệt làm gia tăng mất cân bằng thương mại. Đến cuối thế kỷ 18, Anh nhập khẩu hơn 6 tấn trà từ Trung Quốc mỗi năm. Trong nửa thế kỷ, Anh chỉ bán được 9 triệu bảng hàng hóa cho Trung Quốc, so với kim ngạch nhập khẩu 27 triệu bảng (thanh toán bằng bạc trắng).
Sự mất cân bằng thương mại ngày càng làm sâu sắc thêm mâu thuẫn Trung-Anh, một kịch bản rất giống với chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay khi tổng thống Donald Trump cáo buộc Bắc Kinh hưởng lợi lớn từ xuất siêu sang Mỹ, trong khi Mỹ thiệt hại do thâm hụt thương mại nặng nề. Điểm khác biệt là so với tính chất phụ thuộc lẫn nhau trong thị trường thương mại quốc tế toàn cầu hóa ngày nay, Anh Quốc thế kỷ 19 hầu như không có điểm tựa để phát động thương chiến với Bắc Kinh.
Vua Thanh Càn Long (1711-1799) thậm chí đánh giá Trung Quốc không thiếu hàng hóa gì và không cần phải giao thương với Anh.
Bước ngoặt cuộc chơi, Anh đột phá thị trường Trung Quốc
Sau khi trở thành nước đi đầu trong cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, mở đầu với sự cơ giới hóa ngành dệt may), giới tư bản Anh đưa các sản phẩm công nghiệp tới thị trường Trung Quốc với kỳ vọng mở cửa thị trường lớn nhất khu vực này. Tính đến thập niên 1820,
1830, quy mô xuất khẩu của Trung Quốc sang Anh vẫn duy trì ở mức hơn 2-3 triệu lượng bạc trắng mỗi năm.
Trong khi nỗ lực ngoại giao với Tử Cấm Thành không hiệu quả, để thay đổi cục diện, công ty Đông Ấn Anh Quốc thúc đẩy một hình thức thanh toán giao dịch phi pháp nhưng lại được giới thương nhân Trung Quốc chấp nhận: Thuốc phiện.
Từ giữa thế kỷ 18, Anh bắt đầu dùng thuốc phiện trồng tại Ấn Độ để đổi lấy bạc trắng từ các nhà buôn Trung Quốc. Thuốc phiện – chất gây nghiện được dùng để tinh chế thành heroin – bị luật pháp Anh cấm, nhưng được sử dụng tại Trung Quốc như một dược liệu truyền thống mà chỉ có tầng lớp tinh hoa được tiếp cận.
Thuốc phiện của Anh mạnh hơn những sản phẩm tương tự của Trung Quốc. Việc sử dụng thuốc phiện cho mục đích “giải trí” là phi pháp và không được phổ biến.
Câu chuyện thay đổi khi Anh tuồn hàng tấn thuốc phiện vào Trung Quốc nhờ mạng lưới buôn lậu bản địa cùng các lỗ hổng luật pháp. Giới chức triều đình tại địa phương thu những khoản hoa hồng béo bở và dung túng cho hàng lậu.
Các tàu hàng Mỹ cũng gia nhập thị trường nóng bỏng này vào đầu những năm 1800 bằng thuốc phiện trồng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Người tiêu dùng Trung Quốc tiêu thụ thuốc phiện gia tăng chóng mặt, và sản phẩm “cao cấp” một thời bất ngờ tràn ngập thị trường đại chúng.
Mối lo ngại ngày càng leo thang trong chính phủ Thanh, dưới thời các hoàng đế Gia Khánh và Đạo Quang. Theo một số thống kê, tính đến thập niên 1830, có đến 90% nam giới thanh niên ở các khu vực duyên hải phía đông Trung Quốc nghiện thuốc phiện. Cán cân thương mại đã xoay chiều theo hướng thặng dư cho Anh nhờ buôn lậu nha phiến.
Lần đầu tiên lép vế trong thương mại, Trung Quốc trả đũa
“Có thể nói rằng việc hút thuốc phiện trong thập niên 1780, 1790 chỉ là một đốm lửa, thì đến những năm 1830 nó đã trở thành một ngọn lửa. Đó là một ngọn lửa bùng cháy,” giáo sư lịch sử Trung Quốc Yang-Wen Zheng từ Đại học Manchester, Anh, bình luận.
Buôn bán thuốc phiện mang lại cho các nhà tư bản Anh, chính quyền thuộc địa Anh-Ấn, công ty Đông Ấn lẫn các nhóm buôn lậu thuốc phiện khoản lợi nhuận khổng lồ. Ưu thế thương mại mà Bắc Kinh có được trong một thời gian rất dài bị phá vỡ, khiến nước này lần đầu tiên sau hơn 200 năm trở thành quốc gia nhập siêu. Thuốc phiện được đánh giá là “mối họa chưa từng thấy trong 3.000 năm”.
Cùng với sự chiếm lĩnh thị trường của thuốc phiện Anh, Trung Quốc bị thất thoát đến 6 triệu lượng bạc ra nước ngoài mỗi năm, gây ra tình trạng thiếu bạc trên thị trường, tiền tệ mất giá, quốc khố trống rỗng.
“Bạc ồ ạt chảy khỏi Trung Quốc. Đó là khi chính quyền nhận thấy báo động về tình trạng đang diễn ra,” giáo sư lịch sử Đại học Bristol ông Robert Bickers lý giải.
Tác động ghê gớm của thuốc phiện đối với thị trường, tài chính, xã hội Trung Quốc buộc chính phủ Thanh phải hành động. Trong giai đoạn 1821-1834, Bắc Kinh ban bố 8 lệnh cấm đối với sử dụng thuốc phiện trong dân sự. Một số quan chức nhận thấy nguy cơ và yêu cầu triều đình cải tổ, thực thi lệnh cấm trên phạm vi toàn quốc.
Tháng 12/1838, vua Thanh Đạo Quang bổ nhiệm tổng đốc Hồ Quảng Lâm Tắc Từ làm khâm sai đại thần – đặc phái viên của triều đình giám sát chương trình cấm thuốc phiện tại tỉnh Quảng Đông.
Nắm trong tay báo cáo điều tra về mạng lưới thuốc phiện và quan chức tham nhũng, Lâm Tắc Từ đến Quảng Châu vào tháng 3/1839. Lâm cùng giới chức địa phương yêu cầu các nhóm buôn lậu Anh giao nộp thuốc phiện trong thời hạn quy định và cam kết không buôn bán thuốc phiện, đồng thời ban hành lệnh cấm người ngoại quốc rời khỏi Quảng Châu.
Khi người Anh chống lại mệnh lệnh của nhà chức trách, Lâm bắt đầu ra lệnh bao vây và tấn công thương quán của Anh từ ngày 21/3/1839. Khoảng 1.700 đối tượng buôn thuốc bị bắt giữ, cùng lượng lớn thuốc phiện tại các bến tàu và trên các tàu ở biển.
Đến ngày 18/5, Lâm Tắc Từ thu giữ được gần 20.000 thùng, 2.119 túi thuốc phiện với khối lượng hơn 1.188 tấn, giá trị thị trường vào khoảng 2 triệu bảng Anh. Trong thời gian 3-25/6, Lâm cho tiêu hủy thuốc phiện thu được – phần lớn thuộc sở hữu của người Anh – tại bãi biển Hổ Môn. Một lượng lớn thuốc phiện khác được đóng trong các rương hàng và thả xuống biển.
Sự kiện “đốt thuốc Hổ Môn” khiến chiến dịch chống thuốc phiện của Trung Quốc bị người Anh cáo buộc là xâm phạm tài sản tư nhân, và các nhà buôn Anh bắt đầu yêu cầu chính phủ can thiệp.
Mâu thuẫn đỉnh điểm, xung đột bùng nổ
Căng thẳng Trung-Anh leo thang nhanh chóng do chiến dịch chống ma túy quyết liệt của Lâm Tắc Từ.
Tháng 7/1839, biến cố xảy ra tại Hồng Kông tiếp tục làm gia tăng mâu thuẫn song phương. Các thủy thủ người Anh và Mỹ trên các tàu vận chuyển thuốc phiện gây bạo động tại làng Tsim Sha Tsui thuộc đảo Cửu Long, Hồng Kông, đánh chết một dân thường Trung Quốc và hủy hoại một ngôi chùa. Lâm Tắc Từ yêu cầu Tổng giám thương mại Anh Sir Charles Elliot bàn giao các đối tượng để xét xử, nhưng Anh từ chối với lý do hai nước có khác biệt về nền tảng tư pháp cơ bản.
Sáu thủy thủ được xét xử và bị kết tội tại một tòa án Anh ở Quảng Châu, nhưng được trả tự do ngay khi bị trục xuất về Anh.
Sau sự cố Cửu Long, Lâm Tắc Từ ban hành lệnh phong tỏa toàn bộ giao dịch thương mại, trừ khi người Anh cam kết tuân thủ luật pháp địa phương – bao gồm quy định về cấm buôn bán thuốc phiện, cũng như chấp hành hệ thống tư pháp của Trung Quốc. Charles Elliot phản ứng bằng việc đình chỉ toàn bộ giao dịch với Trung Quốc và ra lệnh cho các tàu Anh rút khỏi Quảng Châu.
Lâm Tắc Từ tiếp tục điều động quân đội tới đồn trú ở Macau, thúc đẩy chiến dịch trục xuất người Anh. Đây được cho là “mồi lửa” dẫn đến xung đột vũ trang bùng phát.
Ngày 1/10/1839, chính phủ Anh ra quyết định triển khai hạm đội tới vùng biển ngoài khơi Trung Quốc với lý do bảo hộ công dân. Tình huống trớ trêu xuất hiện khi tàu Thomas Coutts của Anh tiến đến Quảng Châu và ký kết thỏa thuận pháp lý để nhận được quyền kinh doanh.
Để đáp trả, Charles Elliot ra lệnh hải quân hoàng gia Anh phong tỏa cửa biển ở Vịnh Châu Giang nhằm ngăn cản các tàu hàng Anh tiến vào cảng Trung Quốc. Ngày 3/11, hạm đội của Anh thậm chí đã nổ súng xua đuổi chiếc Royal Saxon – một tàu hàng của Anh – tiếp cận Quảng Châu, trong khi hải quân Thanh xuất hiện để… bảo vệ tàu hàng này. Kết quả giao tranh khiến một số tàu Trung Quốc bị hải quân Anh đánh chìm.
Ngày 5/1/1840, Lâm Tắc Từ nhận chỉ thị của Đạo Quang, tuyên bố chính thức phong tỏa cảng khẩu, cắt đứt hoàn toàn quan hệ thương mại với Anh. Từ ngày 15/1, hải quân Anh tuyên bố phong tỏa các cửa biển Quảng Châu và Vịnh Châu Giang, trong khi nữ hoàng Victoria phát biểu trước Quốc hội Anh một ngày sau đó, cam kết sẽ quan tâm sâu sắc đến diễn biến ở Trung Quốc để bảo đảm lợi ích của công dân Anh.
Tháng 2/1840, chính phủ Anh bổ nhiệm George Elliot và em trai Charles Elliot lần lượt làm Chánh/Phó toàn quyền. George Elliot làm Thống soái hải quân Anh. Hai tháng sau đó, dưới ảnh hưởng của nữ hoàng Victoria, Quốc hội Anh thông qua kế hoạch quân sự nhằm vào Trung Quốc với số phiếu 271-262. Dù vậy, Anh không chính thức tuyên chiến với Bắc Kinh, mà chiến dịch quân sự chỉ được xem như hành động trả đũa.
Tháng 6 cùng năm, George Elliot chỉ huy hạm đội Anh hơn 40 tàu – gồm tàu hơi nước, pháo hạng nặng, pháo Congreve, và 4.000 binh sĩ được trang bị súng trường tầm xa có độ chính xác cao, tiến về vùng biển tỉnh Quảng Đông, khơi mào Chiến tranh nha phiến thứ nhất.
Quân đội chính phủ Thanh – với nòng cốt là các lực lượng Bát Kỳ người Mãn Châu vẫn chỉ sử dụng súng hỏa mai có độ chính xác dưới 50m và tốc độ bắn 1 vòng/phút – đã hoàn toàn thất thế.
Khi Trung Quốc vẫn còn là một bí ẩn ở phương Đông, nước này giống như một siêu cường khổng lồ và đoàn kết. Nhưng khi người Anh dần dần khám phá thực tế diễn ra bên trong đế chế Thanh, họ đã chắc chắn hơn rằng Trung Quốc yếu ớt hơn nhiều so với hình ảnh thiên triều thể hiện, với những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ xã hội.
Về bề nổi, Chiến tranh nha phiến gần như là khái niệm vô lý khi một hạm đội nhỏ cùng vài nghìn binh sĩ Anh đối đầu với đế chế hơn 300 triệu dân. Đó là một canh bạc mà trước đó vài thế hệ, người Anh không thể nghĩ tới.
Trong cuộc xung đột kéo dài 3 năm với Anh, cơn ác mộng “Thế kỷ ô nhục” của Trung Quốc – mà truyền thông nhà nước gọi là “Quốc nhục trăm năm” – đã chính thức mở màn.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28059-tu-de-che-so-1-phuong-dong-tq-lo-dien-la-ho-giay-sa-chan-vao-the-ky-o-nhuc-nhu-the-nao.html

Đáp trả Mỹ, TQ tiến hành tập trận bắn đạn thật

 ở eo biển Đài Loan

Ngay sau khi Mỹ điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan và tuyên bố bán vũ khí cho Đài Bắc, Trung Quốc (5 – 10/5) tiến hành tập trận bắn đạn thật ở cuối phía bắc eo biển Đài Loan để thể hiện quyết tâm ngăn chặn “các lực lượng ủng hộ độc lập” ở Đài Loan.
Trung Quốc tập trận răn đe Đài Loan và cảnh cáo Mỹ
Giới chức Trung Quốc thông báo, từ ngày 5 – 10/5, cấm tàu thuyền hoạt động đánh bắt cá ở khu vực cuối phía bắc eo biển Đài Loan; cho biết, đây là một phần trong “kế hoạch tập trận thường xuyên hàng năm” của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) và hoạt động tập trận này sẽ liên quan đến việc “sử dụng vũ khí thực tế”.
Giới học giả và chuyên gia phân tích quân sự quốc tế cho biết sự căng thẳng đối với các cuộc diễn tập bắn đạn thật cho thấy cuộc tập trận sáu ngày sẽ mô phỏng các điều kiện chiến đấu thực sự. Một nhà phân tích các vấn đề Đài Loan từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết các cuộc tập trận ngoài khơi Chiết Giang thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh để bảo vệ vị thế của mình đối với Đài Loan; đồng thời nhận định Trung Quốc đang cố gắng xây dựng hình ảnh rằng Bắc Kinh có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến với Đài Loan và mục tiêu chính của Bắc Kinh là kiềm chế các lực lượng ủng hộ độc lập, đây là mối đe dọa lớn nhất đối với tiến trình thống nhất hòa bình”.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo thường niên cảnh báo rằng Trung Quốc đang chuẩn bị các phương án để thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Được biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Đài Loan tiếp tục là một trong những “điểm nóng” trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả phải dùng vũ lực. Bắc Kinh đã tăng cường áp lực với hòn đảo kể từ khi bà Thái Anh Văn nhậm chức năm 2016 do bà không thừa nhận chính sách “Một Trung Quốc”. Trong khi đó, Mỹ công nhận chính sách “Một Trung Quốc” vào năm 1979 nhưng vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất và là đồng minh không chính thức mạnh nhất của Đài Loan.
Trong khi đó, Trung Quốc luôn cho rằng Đài Loan là ưu tiên số một về mặt chủ quyền lãnh thổ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục đưa ra cảnh báo “lợi ích căn bản” của Trung Quốc là đạt được “thống nhất toàn bộ” đất nước. Để ngăn chặn và kiểm soát Đài Loan tuyên bố độc lập, Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng chính trị để ngăn cản Đài Loan. Trong thông điệp tại buổi kỷ niệm 40 năm ban hành Văn kiện “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (2/1) một lần nữa lại đưa ra yêu cầu thống nhất với Đài Loan. Không những vậy, Trung Quốc liên tục tập trận, tuần tra sát eo biển Đài Loan nhằm cảnh cáo Đài Bắc sẽ phải trả giá đắt nếu tìm cách tuyên bố độc lập. Trong năm 2018, Trung Quốc liên tục tiến hành tập trận bắn đạn thật và tuần tra trong khu vực eo biển Đài Loan. Người phát ngôn Không quân Trung Quốc Đại tá Shen Jinke cho biết, tăng cường các cuộc diễn tập xung quanh đảo Đài Loan là hành động thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Chuyên gia Tống Trung Bình, cựu quan chức thuộc Quân đoàn Pháo binh số 2 của Trung Quốc nhận định để cảnh báo nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc tập trận chung với sự tham gia của cả lục quân, hải quân và không quân. Hành động này nhằm tăng cường sự hiện diện của các lực lượng vũ trang Trung Quốc ở eo biển Đài Loan. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn nhấn mạnh, Bắc Kinh muốn thể hiện “khả năng tấn công chính xác” ngay trong các cuộc tập trận với mục tiêu “dằn mặt” ý định giành độc lập của Đài Loan. Cùng quan điểm trên, chuyên gia Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho rằng, thông qua các cuộc tập trận, Trung Quốc muốn cảnh báo Đài Bắc và Washington là không có chuyện vượt qua “lằn ranh đỏ” do Trung Quốc đã vạch ra, cũng như đặt lại vấn đề về lợi ích cốt lõi.
Không chỉ hù dọa bằng quân sự, Trung Quốc còn ra sức cô lập Đài Loan tại các tổ chức quốc tế, giảm dần số đồng minh của Đài Bắc. Mới đây Cộng hòa Dominicana sau 77 năm nhận viện trợ của Đài Loan, đã mờ mắt trước số tiền đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh, đã bỏ rơi Đài Bắc, khiến số quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan chỉ còn 19 nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn ra sức dụ dỗ giới trí thức và tinh hoa của Đài Loan trong kinh tế sang định cư tại Đại lục, với rất nhiều ưu đãi.
Khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực thống nhất Đài Loan
Quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đã xấu hẳn đi từ sau khi bà Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) lên làm tổng thống Đài Loan vào đầu năm 2016. Bà Thái Anh Văn là lãnh đạo đảng Dân Tiến có chủ trương dân chủ và xúc tiến đặc tính quốc gia dân tộc Đài Loan riêng biệt với Trung Quốc. Trung Quốc
cho không quân và hải quân tăng cường hoạt động gần Đài Loan từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử, nghi ngờ bà muốn chính thức tuyên bố độc lập với Trung Quốc. Vì vậy, giới chuyên gia, học giả và truyền thông nhận định Trung Quốc hoàn toàn có khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất với Đài Loan. Chuyên gia Bonnie Glaser nhấn mạnh “nguy cơ Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan là có thật. Nhưng Đài Bắc rất thận trọng, ít khi tạo cớ cho Bắc Kinh có thể gây sự, nên hiện nay khả năng này ở mức thấp”.
Về địa điểm Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan: Thời báo Tự do (Liberty Times – Đài Loan) dẫn lời ông Ian Easton – chuyên gia quốc phòng về Trung Quốc của Viện Dự án 2049 tại Washington dự đoán, có 14 khu vực ở Đài Loan có thể trở thành mục tiêu tập kích của quân đội Trung Quốc, trong đó, bờ biển Lâm Khẩu – nằm phía Tây Bắc của Đài Loan, đối diện tỉnh Phúc Kiến, sẽ là một trong những lựa chọn hàng đầu của quân đội Trung Quốc, Ngoài ra, quân đội Trung Quốc cũng sẽ tấn công một số địa điểm khác như Kim Sơn, Vạn Lý, Đàm Thủy, Trung Lịch, Đài Bắc…
Tuy nhiên, cơ quan tình báo Đài Loan cho biết, họ đã phát hiện ra kế hoạch tác chiến – chiếm lĩnh cảng biển phía Bắc Đài Loan, mở đường cho đội quân phía sau lên đảo – của quân đội Trung Quốc từ 10 năm trước nên họ đã đưa Lữ đoàn 66 tới Lâm Khẩu, nhằm tăng cường khả năng phòng ngự cho khu vực cảng biển phía Bắc. Theo giới quân sự Đài Loan, quân đội Trung Quốc có khả năng sẽ đánh lạc hướng Đài Bắc bằng tuyên bố tổ chức tập trận quân sự quy mô lớn ở bờ biển Phúc Kiến, sau đó nhân cơ hội bất ngờ tấn công Đài Loan nên trong thời gian quân đội Trung Quốc vượt eo biển Đài Loan, giới quân sự đảo này sẽ có 3 giờ để ứng phó.
Trung Quốc sẽ gặp khó khăn lớn nếu tấn công Đài Loan
Nhà nghiên cứu Denny Roy, Trung Tâm Đông-Tây (East-West Center), Honolulu, Hawaii nhận định, cho dù Trung Quốc có sức mạnh quân sự đáng gờm đến mấy, thì họ cũng khó có thể thành công trong một cuộc tấn công toàn diện – trực diện trên đảo Đài Loan. Để tiếp cận các thành phố lớn của Đài Loan, lực lượng của quân đội Trung Quốc sẽ phải vượt biển, mà cụ thể là trên những chiến hạm lớn và di chuyển chậm. Eo biển Đài Loan với chiều rộng 160km có thể được coi là “tử huyệt” – nơi các binh lính Trung Quốc rất dễ bị tấn công bất ngờ. Hơn nữa, ngay cả khi các quân đoàn của Trung Quốc tiếp cận được đảo Đài Loan, thì con đường từ bờ biển tiến vào các thành phố cũng đầy thử thách, khi họ phải mang vác những vũ khí nặng và di chuyển trong tầm đạn của quân đội Đài Loan. Ngoài ra, Trung Quốc chỉ có thể di chuyển được vài vạn quân lính mỗi lượt. Lực lượng này quá mỏng so với 180.000 quân nhân tại ngũ và 1,5 triệu quân nhân dự bị của Đài Loan.
Mỹ với vai trò là đồng minh thân thiết của Đài Loan sẽ không để yên cho Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công Đài Bắc. Đối với Mỹ, xung đột Đài Loan – Trung Quốc không đơn thuần là vấn đề địa chính trị, nó còn là con bài mặc cả giúp Washington kìm chân Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Đông Á. Trước đây, trong thời gian ông Trần Thủy Biển lãnh đạo Đài Loan (2000-2008), Washington từng tuyên bố sẽ không can thiệp vào xung đột địa chính trị này nếu có các dấu hiệu cho thấy Đài Bắc gây sự trước với Bắc Kinh. Vì vậy, Mỹ sẽ không để yên cho Trung Quốc sử dụng quân đội tấn công Đài Loan. Nếu Mỹ can thiệp, Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại để đạt được mục đích, vì: (1) Mỹ và Đài Loan có thể nắm bắt được thông tin chuẩn bị của Trung Quốc trước 60 ngày. Đây là thời gian đủ để Đài Loan di dời các cơ sở chỉ huy vào khu vực hầm núi gồ ghề nhưng kiên cố cũng như rải mìn trên biển, phân tản và ngụy trang các đơn vị quân sự; (2) Phía Tây Đài Loan có 13 bãi biển – nơi Quân giải phóng Trung Quốc có thể đổ bộ nên cần tiến hành kế hoạch chuẩn bị tác chiến ở 13 bãi biển này. (3) Đài Loan có nhiều nhà máy hóa chất ven biển – nơi đây vô hình trung sẽ trở thành cái bẫy khí độc khi quân đội Trung Quốc tấn công. (4) Nếu không quân Trung Quốc tấn công vào hệ thống phòng không và giàn pháo di động thì hiệu quả sẽ không cao.(5) Sau khi lên bờ, quân đội Trung Quốc sẽ phải đối mặt với với 2,5 triệu người nằm trong lực lượng dự bị phân bố rải rác trong thành phố và các khu rừng rậm của Đài Loan.
Đáng chú ý, có nhiều chuyên gia nhận định, ngay cả khi Trung Quốc dành thắng lợi trong chiến dịch quân sự này, thì chính quyền Bắc Kinh vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó bao gồm việc quản lý đảo Đài Loan, khi có rất nhiều người dân trên đảo này phản đối việc Trung Quốc thống nhất bằng vũ lực.
Trong khi đó, nguyên Phó tư lệnh quân khu Nam Kinh Trung Quốc Vương Hồng Quang phản bác lập luận của giới chuyên gia, học giả quốc tế khi cho rằng Trung Quốc sẽ dễ dàng “tiêu diệt” Đài Loan. Ông Vương Hồng Quang nhận định: (1) Nếu cuộc chiến này thực sự xảy ra thì cả hai bên đều phải chuẩn bị cho cuộc chiến. Trung Quốc gần hai thập kỷ nay đều tiến hành công tác chuẩn bị chiến tranh như dựng chiến trường trong thời bình, trong đó lực lượng chính tấn công Đài Loan đã luôn “sẵn sàng
chiến đấu”, trạng thái trực chiến rất cao, ngay cả Chủ nhật hay các ngày nghỉ đều không giống như các lực lượng khác. Nếu tấn công, Bắc Kinh chỉ cần 10 ngày đến nửa tháng để chuẩn bị và dựa vào quân lực và khí tài như hiện nay, quân đội Trung Quốc có thể chiến thắng các trận đánh. (2) Quân đội Đài Loan muốn né tránh hỏa lực của Bắc Kinh bằng cách sơ tán thì đây là cách có thể giảm tổn thất nhưng cũng có hạn chế. Ông Vường Hồng Quang cho rằng, dù Đài Loan có di tản tàu thuyền, căn cứ quân sự nhưng trung tâm chỉ huy Viên Sơn, Hoành Sơn ở Đài Bắc khó để né tránh khi nó đã nằm trong trọng tâm phạm vi tấn công của quân đội Trung Quốc. Do hỏa lực tập kích, tác chiến đánh chiếm đảo, đánh thọc sâu là một quá trình liên tục nên đợi đến khi quân đội Đài Loan khôi phục được sức mạnh chiến đấu thì đã quá muộn. (3) Quân đội Trung Quốc không chỉ đổ bộ lên Đài Loan từ 13 bãi biển phía Tây mà họ có thể tấn công từ các hướng còn lại. Quân đội Đài Loan chỉ có khoảng 120.000 binh sĩ, phải phân chia thành nhiều lực lượng như chống đánh chiếm đảo, trấn thủ căn cứ quan trọng… Trong khi lực lực chống đánh chiếm đảo chỉ có khoảng 40-50.000 người/km, không bằng 1 tiểu đoàn nên Đài Loan dễ thất thế khi quân đội Trung Quốc cử 1 lữ đoàn tấn công. (4) Trước kiến nghị phá hoại các nhà máy hóa chất khiến binh sĩ quân đội Trung Quốc dính bẫy khí độc, ông Vương cho rằng, đây là hành động chống lại nhân loại nên nếu Đài Bắc thực sự tiến hành thì chính người dân trên đảo sẽ phản ứng lại chứ không cần quân đội Trung Quốc đổ bộ lên đảo.
Bất chấp cảnh báo của Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ quốc phòng
Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá đã nhiều lần dùng Đài Loan làm “con bài” để mặc cả, gây sức ép với Bắc Kinh trên phương diện chính sách: từ vấn đề thương mại đến việc cảnh cáo Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông. Chính quyền Trump đã thông qua đạo luật Du lịch Đài Loan trong đó khuyến khích các quan chức Mỹ đến thăm hòn đảo này. Mỹ còn khánh thành văn phòng mới của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT). Giới chuyên gia nhận định, động thái này của Mỹ nhằm biểu thị thông điệp của Washington về việc các nước có quyền tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế chiến lược và cam kết bảo vệ đồng minh trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc. Đài Loan hiện là một trong số những điểm nóng trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bao gồm cuộc chiến thương mại và tình trạng Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Trung Quốc trước nay luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ, sẽ sáp nhập về Đại lục trong tương lai. Bắc Kinh luôn bày tỏ quan ngại về các chính sách của Mỹ nghiêng về Đài Loan như bán vũ khí cho chính quyền Đài Bắc dù 2 bên đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức vì chính sách “Một Trung Quốc”. Bắc Kinh cũng từng dọa sẽ sử dụng vũ lực để ngăn chặn Đài Loan đòi độc lập đồng thời tăng cường tập trận rầm rộ với máy bay ném bom chiến lược và tàu sân bay tại eo biển Đài Loan thời gian gần đây. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê chuẩn thỏa thuận bán các linh kiện chiến đấu cơ cho Đài Loan, còn nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tuyên bố sẽ tăng cường ngân sách cho lực lượng phòng vệ.
Bất chấp sự đe dọa từ Bắc Kinh, chính giới Mỹ đã đưa ra nhiều tuyên bố thể hiện Washington sẽ tiếp tục hợp tác quốc phòng và bảo vệ Đài Loan.
Phát biểu sau cuộc gặp với cựu tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho rằng các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc mang tính đe dọa và chuyến viếng thăm của Đô đốc Scott Swift “không chỉ cải thiện giao lưu quân sự mà còn thể hiện quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai bên”, đồng thời kêu gọi “bình thường hóa” việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và Chính phủ của bà muốn có thêm nhiều hoạt động trao đổi quân sự hơn giữa hai bên.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ (9/2018) cho biết Quốc hội Mỹ đã thông qua hợp đồng bán vũ khí, trị giá 330 triệu USD cho Đài Loan. Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp nhiều khí tài lớn cho Đài Loan bao gồm tiêm kích F-16 và vận tải cơ C-130. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng với mức ngân sách quốc phòng 716 tỷ đôla, gồm các điều khoản kêu gọi cải thiện năng lực phòng thủ cho Đài Loan nhằm đương đầu với việc phô trương sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời tăng cường trao đổi quân sự cấp cao giữa Mỹ và Đài Loan như mở rộng hợp tác về trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Ông Donald Trump cũng ký ban hành Đạo luật đi lại Đài Loan, một đạo luật mang lại cho Tổng thống vỏ bọc chính trị nhằm thay đổi đáng kể chính sách của Mỹ đối với Đài Loan. Theo đó, Đạo luật cho phép các quan chức Mỹ ở mọi cấp có thể tới Đài Loan để gặp những người đồng cấp Đài Loan của họ và các quan chức cấp cao Đài Loan tới Mỹ để “gặp các quan chức Mỹ, bao gồm các quan chức từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng”.
Kể từ khi Mỹ không công nhận Đài Loan và thiết lập quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) vào năm 1979, Washington đã chỉ duy trì quan hệ không chính thức với Chính phủ Đài Loan. Quan hệ Trung-Mỹ được củng cố bởi ba thông cáo báo chí chung (được nhất trí vào các năm 1972,
1979 và 1982), theo đó Mỹ đã “thừa nhận” nhưng không công khai chấp nhận lập trường của Trung Quốc rằng chỉ có một Trung Quốc và rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì quan hệ không chính thức với “người dân Đài Loan”, trong đó có những người trong Chính phủ Đài Loan, thông qua Học viện Mỹ ở Đài Loan, một thực thể giống như sứ quán được thành lập thông qua Đạo luật quan hệ với Đài Loan vào năm 1979. Đạo luật này tuyên bố rằng quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc của Washington dựa trên sự mong đợi rằng tương lai của Đài Loan sẽ được định rõ bằng các biện pháp hòa bình. Nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình, Mỹ sẽ bán vũ khí mang tính chất phòng thủ cho Đài Loan và duy trì khả năng quân sự để chống lại sự ép buộc của Trung Quốc.
http://biendong.net/bien-dong/28044-dap-tra-my-tq-tien-hanh-tap-tran-ban-dan-that-o-eo-bien-dai-loan.html

Liệu TQ có dùng quân sự tấn công Đài Loan?

Tình báo Quốc phòng Mỹ nhận định Trung Quốc đang chuẩn bị cho kịch bản quân sự nhắm vào một số đảo nhỏ gần Đài Loan.
Báo cáo năm 2019 của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) về sức mạnh quân sự của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang lên kế hoạch cho những tình huống bất ngờ ở eo biển Đài Loan nhằm răn đe và nếu cần thiết sẽ ép hòn đảo này phải từ bỏ những động thái đòi độc lập.
Theo báo cáo, quân đội Trung Quốc (PLA) nhiều khả năng cũng đang chuẩn bị cho kịch bản hợp nhất Đài Loan vào đại lục bằng vũ lực, đồng thời ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp nào của bên thứ ba.
“PLA có khả năng tiến hành nhiều chiến dịch đổ bộ khác nhau mà không cần đưa quân tiến đánh đảo chính của Đài Loan”, báo cáo có đoạn. Theo đó, với sự chuẩn bị công khai trên danh nghĩa huấn luyện thường kỳ, Trung Quốc có thể phát động tấn công vào các đảo Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông và một số đảo gần hơn, được phòng thủ tốt hơn như Mã Tổ hay Kim Môn.
Theo các chuyên gia DIA, quân đội Trung Quốc gần đây đã thành lập hai bộ tư lệnh mới gồm Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF), tập trung vào các hoạt động không gian, chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử, chiến tranh tâm lý cùng Lực lượng Hỗ trợ hậu cần liên quân (JLSF) với mục đích chính là chuẩn bị cho kế hoạch thống nhất Đài Loan bằng biện pháp quân sự.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ cần thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Trung Quốc đã nhiều lần điều máy bay và tàu quân sự lượn quanh đảo trong các cuộc diễn tập vài năm qua và tìm cách cô lập Đài Loan, khiến hòn đảo này chỉ còn vài đồng minh ngoại giao.
Dù công nhận chính sách “Một Trung Quốc”, Mỹ trên thực tế vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thường xuyên cung cấp những vũ khí, khí tài cần thiết để Đài Bắc có thể đảm bảo khả năng phòng thủ. Theo Lầu Năm Góc, Mỹ đã bán cho Đài Loan số vũ khí trị giá hơn 15 tỷ USD từ năm 2010.
http://biendong.net/bi-n-nong/28039-lieu-tq-co-dung-quan-su-tan-cong-dai-loan.html

Đoạn phát biểu hiệu triệu toàn dân “chống Mỹ”

 được lan truyền mạnh mẽ tại TQ

Truyền thông Trung Quốc đã đồng loạt đưa ra thông điệp kêu gọi người dân nước này kiên định trước cuộc chiến cam go với Mỹ.
Đột ngột thay đổi thái độ
Chỉ trong hơn 1 tuần, Trung Quốc đã chuyển thái độ từ im lặng trước lời đe dọa chiến tranh thương mại của ông Trump sang những lời phản pháo ở quy mô quốc gia. Và trong lịch sử 5.000 năm của mình, hiếm khi nào Trung Quốc phát đi thông điệp mạnh mẽ như vậy mà không rút ra một bài học nào.
Một biên tập viên của kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV hôm 15/5 đã phát đi những thông điệp được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Weibo của nước này. Đoạn video đã kêu gọi người dân Trung Quốc kiên định trong cuộc chiến thương mại cam go.
Bên cạnh đó, là một nước lớn, Trung Quốc tự hào vì đã trải qua 5.000 năm “phong ba bão táp”, không có gì chưa nếm trải. Do đó, vấn đề thương chiến với Mỹ “không phải không thể vượt qua được”.
Truyền thông Trung Quốc cũng kêu gọi các công dân sẵn sàng cho một “cuộc chiến toàn nhân dân”.
“Mỹ đang phát động chiến tranh thương mại vì lòng tham và bởi Mỹ muốn khoe mẽ. Mỹ sẽ phải tự tuyên truyền về cuộc chiến chiến này. Nếu họ không tự khoe khoang và vẽ nên những câu chuyện, thì ý chí chiến đấu của Mỹ sẽ bị suy sụp bất cứ lúc nào. Ngược lại, Trung Quốc đang nỗ lực tự vệ. Chúng ta biết tại sao chúng ta đàm phán, và tại sao chúng ta phải tiếp tục chiến đấu cho dù không đạt được thỏa thuận. Trung Quốc và toàn bộ người dân đang bị Mỹ dồn ép,” bài báo trên tờ Hoàn Cầu viết.
Lời kêu gọi ở các trang truyền thông Trung Quốc được phát đi sau khi Bắc Kinh tuyên bố trả đũa với thuế quan áp lên 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Việc Trung Quốc giữ im lặng một thời gian dài sau khi ông Trump đe dọa trên Twitter cho thấy Bắc Kinh muốn tránh thu hút sự chú ý của công chúng và có thể gây ảnh hưởng tới thỏa thuận với Trung Quốc. Hoặc là, Trung Quốc muốn dành thời gian để lên kế hoạch cho cuộc trả đũa thích đáng và hợp lí hơn.
Một số nhà bình luận đã tận dụng thương chiến để gợi nhắc lại những “thỏa thuận bất công” mà Trung Quốc đã phải chịu đựng trong những thế kỉ trước, khi Phương Tây và Nhật Bản ép buộc vua quan nhà Thanh phải trao lãnh thổ.
Trong số đó, không thể không kể đến Hiệp ước Shimonoseki buộc Trung Quốc nhượng lại Đài Loan cho Nhật Bản và phải mở nhiều hải cảng hơn cho giao dịch thương mại với nước ngoài.
Chặng đường 20 năm
Trong một bài báo đăng ngày 9/5 có tựa đề “Nếu muốn đối thoại, hãy đối thoại; Nếu muốn giao tranh, hãy giao tranh” được đăng trên tờ Xinhua, tác giả cho biết sau vụ Mỹ đánh bom nhầm Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade vào năm 1999, Trung Quốc đã theo đuổi mục tiêu củng cố nền kinh tế, quân sự và thương hiệu quốc gia.
“Hai mươi năm sau, đó có phải quyết định đúng đắn không? Thời gian đã cho chúng ta câu trả lời. Và thời gian sẽ tiếp tục cho chúng ta câu trả lời,” bài viết khẳng định.
Ngày 13/5, tờ Hoàn Cầu đã đăng bài viết kể lại giai đoạn Trung Quốc mới gia nhập WTO vào năm 2001 sau quá trình đàm phán 15 năm.
Khi ấy, Mỹ là rào cản lớn nhất đối với sự gia nhập của Trung Quốc. Mỹ cho rằng Trung Quốc rất muốn đạt được thỏa thuận, nên Mỹ đã tỏ ra rất khó khăn và đặt nhiều điều kiện với Washington.
Sau đó, khi bộ trưởng ngoại thương Wu Yi đặt ra giới hạn thỏa thuận và tuyên bố Trung Quốc “sẽ không đời nào đánh đổi những lợi ích cơ bản” để được gia nhập WTO, nguyên tắc này đã được tôn trọng trong suốt những buổi đàm phán sau đó – tờ Hoàn Cầu viết.
“Trung Quốc đã chuẩn bị đầy đủ để đương đầu với mọi biến cố trong quá trình đàm phán. Điều này bao gồm việc giữ bình tĩnh dưới áp lực cực đại từ Mỹ, thay vì hoang mang và sợ hãi khi thấy Mỹ không hài lòng,” tờ báo kết luận, và cho rằng chính phủ có thể học được nhiều điều từ những bài học lịch sử trước đây.
http://biendong.net/doc-bao-viet/28058-doan-phat-bieu-hieu-trieu-toan-dan-chong-my-duoc-lan-truyen-manh-me-tai-tq.html

Chủ tịch TQ kỳ vọng đứng đầu kinh tế thế giới

Trước hiện trạng đối đầu thương mại Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình lạc quan về kinh tế Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã lên tiếng đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế quan mới đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc muốn nhập vào Mỹ.
RT dẫn lời ông Tập bày tỏ sự lạc quan về cuộc đối đầu thương mại này, khẳng định ưu thế vượt trội của Bắc Kinh có thể đạt được vị trí đứng đầu kinh tế thế giới.
“Trung Quốc ngày nay không chỉ là Trung Quốc của Trung Quốc. Đó là Trung Quốc của châu Á và Trung Quốc của thế giới. Trung Quốc trong tương lai sẽ có lập trường thậm chí cởi mở hơn để nắm lấy thế giới” – Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố trong Hội nghị Đối thoại các nền văn minh châu Á (CDAC) được tổ chức tại Bắc Kinh.
Dù không đề cập đích danh Mỹ trong tuyên bố của mình, ông Tập Cận Bình vẫn giúp người nghe hiểu được lời tuyên bố mạnh mẽ mà ông đưa ra: Trung Quốc đã và sẽ thay đổi vị thế đứng đầu của bất cứ quốc gia nào đang là số 1 kinh tế thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc cũng tập trung đề cập tới việc cải thiện quan hệ thương mại với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Dẫu vậy, ông nhắc tới quan điểm gieo rắc trừng phạt và cô lập các nền kinh tế đang phát triển như Mỹ vẫn làm, cảnh báo Mỹ đang tự tách mình ra khỏi phần còn lại của thế giới.
“Cho rằng chủng tộc và nền văn minh của một người là vượt trội, có khuynh hướng thay đổi hoặc thay thế các nền văn minh khác chỉ là ngu ngốc. Hành động dựa trên đó sẽ chỉ mang lại hậu quả thảm khốc…” – ông Tập tuyên bố.
Chủ tịch Trung Quốc cho rằng “không một quốc gia nào có thể đứng một mình” và “các nền văn minh sẽ mất đi nếu chọn cách quay trở lại sự cô lập và tự tách khỏi phần còn lại của thế giới”.
Theo Chủ tịch Trung Quốc, “điều chúng ta cần là tôn trọng nhau, và nói không với sự kiêu ngạo và định kiến.”
Dù không đề cập tới Mỹ, tuyên bố của ông Tập được cho là nhắc tới quan điểm của lãnh đạo bộ phận hoạch định chính sách Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ – Kiron Skinner.
Bà Skinner cho rằng, cuộc cạnh tranh với Trung Quốc là lần đầu tiên Mỹ đối mặt với một đối thủ cạnh tranh quyền lực lớn không phải là người da trắng (Caucasian). Bà Skinner cho rằng đối đầu Mỹ- Trung là “một cuộc chiến với một nền văn minh thực sự khác biệt và một hệ tư tưởng khác”.
Tuyên bố có tính chỉ trích Washington được ông Tập Cận Bình đưa ra vào lúc cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung Quốc  đang rơi vào bế tắc.
Khi chính quyền ông Trump tuyên bố Trung Quốc đã phá vỡ thỏa thuận của hai nước, lời tuyên bố của ông Tập Cận Bình không nhắc tới việc này. Nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ trích lại Mỹ từ những ngày đầu phát động ra cuộc chiến thương mại giữa hai nước, cho tới hiện nay, khi các cuộc đàm phán chưa đạt đến mức hài lòng của cả hai bên.
Ngay cả khi Trung Quốc là bên đã “phá vỡ thỏa thuận” như lời ông Trump tuyên bố, động thái coi mình là trên hết và muốn đối đầu với “một nền văn minh khác” là quan điểm sai lầm, chỉ mang lấy thất bại.
Ông Tập cũng không quên cảnh báo thời kỳ đen tối của nước Mỹ sẽ đến một khi chính quyền ở Washington phát động cuộc đối đầu với “các nền văn minh khác”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho rằng, Trung Quốc tìm cách kéo dài cuộc đối đầu thương mại với Mỹ là để trông chờ vị Tổng thống tương lai của Mỹ. Bắc Kinh được cho là sẽ mong ông Joe Biden – đối thủ sáng láng với ông Trump của Đảng Dân chủ, có quan điểm mềm mỏng hơn với Trung Quốc.
Sau khi nhận được bản thỏa thuận mà Trung Quốc đã sửa đổi gửi tới, ông Trump đã lập tức nâng thuế với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc và đe dọa đánh thuế 25% với hơn 300 tỷ USD hàng hóa còn lại.
Trung Quốc hôm 13/5 trả đũa bằng việc thông báo nâng thuế với gần 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 1/6.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28037-chu-tich-tq-ky-vong-dung-dau-kinh-te-the-gioi.html

Trung Quốc phản đối Mỹ

đưa Huawei vào danh sách đen

Trung Quốc hôm 16/5 lên án quyết định đưa tập đoàn viễn thông Huawei vào danh sách đen của chính phủ Mỹ.
Theo Reuters, Bắc Kinh tuyên bố sẽ có các bước đi nhằm bảo vệ các công ty Trung Quốc.
Hãng tin Anh dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng Trung Quốc mạnh mẽ phản đối các nước khác áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương lên các công ty của Trung Quốc.
Tin cho hay, người phát ngôn này cũng nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ nên tránh gây ảnh hưởng thêm nữa lên quan hệ thương mại Trung – Mỹ.
XEM THÊM:
Tin tặc liên hệ tới TQ dùng công cụ của Mỹ để tấn công VN?
Quyết định của Washington đối với Huawei được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng ông sẽ sớm thăm Trung Quốc để tham gia các cuộc đàm phán thương mại.
Hy vọng đạt được một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nước đã trở nên mong manh hơn sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nâng mức thuế suất đối với hàng hóa của nhau trong tuần qua.
Bộ Thương mại Mỹ hôm 15/5 thông báo đưa Huawei và 70 chi nhánh của tập đoàn này vào một danh sách, theo đó cấm công ty của Trung Quốc mua các thiết bị và công nghệ từ các công ty Mỹ nếu không nhận được sự cho phép trước của chính phủ Mỹ.
Trong một động thái khác, Tổng thống Trump hôm 15/5 ký một sắc lệnh hành pháp, cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông được sản xuất bởi các công ty bị coi là gây ra nguy cơ an ninh quốc gia.
Sắc lệnh này không nêu tên cụ thể bất kỳ quốc gia hay công ty nào, nhưng các quan chức Mỹ trước đó từng coi Huawei là một “mối đe dọa” đồng thời vận động các đồng minh không sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng 5G thế hệ mới.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-qu%E1%BB%91c-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-m%E1%BB%B9-%C4%91%C6%B0a-huawei-v%C3%A0o-danh-s%C3%A1ch-%C4%91en/4919777.html

TQ chính thức ra quyết định bắt hai công dân Canada

Chính quyền Trung Quốc hôm 16/5 thông báo đã chính thức ra quyết định bắt hai công dân Canada bị giữ năm ngoái vì các tội danh liên quan tới bí mật nhà nước, theo Reuters.
Doanh nhân Michael Spavor, từng làm việc với Bắc Hàn, và cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig bị giữ riêng rẽ hồi tháng 12 năm ngoái, ít lâu sau khi Canada bắt Giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu, hiện đối mặt với việc bị dẫn độ sang Mỹ.
Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu thả bà Mạnh và phản ứng tức tối trước việc bà bị đưa ra xét xử tại tòa án ở Canada.
XEM THÊM:
Trung Quốc phản đối Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen
Phát ngôn viên Lục Khảng được trích lời nói trong một cuộc họp báo rằng ông Kovrig “bị nghi phạm tội thu thập bí mật nhà nước và thông tin tình báo cho các thế lực nước ngoài”, trong khi ông Spavor “bị nghi phạm tội đánh cắp và cung cấp trái phép các bí mật nhà nước cho các thế lực nước ngoài”.
Ông Lục nói rằng việc ra quyết định trên đúng luật, đồng thời kêu gọi Canada “không đưa ra các bình luận thiếu trách nhiệm” về việc thực thi pháp luật và tiến trình tố tụng ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Reuters, chính phủ Canada “đã mạnh mẽ” lên án động thái trên, đồng thời yêu cầu Trung Quốc “ngay lập tức thả” ông Kovrig và Spavor.
Bộ Ngoại giao Canada cho biết thêm rằng các nhà ngoại giao của nước này đã tới thăm cả hai người, nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết vì các lý do riêng tư.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-ch%C3%ADnh-th%E1%BB%A9c-ra-quy%E1%BA%BFt-%C4%91%E1%BB%8Bnh-b%E1%BA%AFt-hai-c%C3%B4ng-d%C3%A2n-canada-/4919866.html

+ Ý kiến
Powered by Blogger.