Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Chủ Nhật, 12 Tháng 1, 2025
Tin Mới :

Đọc báo Pháp – 21/01/2019

Monday, January 21, 2019 4:01:00 PM // ,


Đọc báo Pháp – 21/01/2019

Pháp vẫn thu hút đầu tư

bất chấp khủng hoảng Áo Vàng

Pháp trấn an giới đầu tư quốc tế trong bối cảnh khủng hoảng Áo Vàng tiếp diễn. Hy vọng và lo âu xen lẫn, trước triển vọng của cuộc Thảo luận toàn quốc tại Pháp. Hố giàu nghèo trên thế giới tăng mạnh : tài sản của nhóm 26 tỉ phú giầu nhất hồi năm ngoái tăng thêm 900 tỉ đô la, trong lúc thu nhập của 3,8 tỉ người nghèo nhất giảm 11%. Trên đây là một số chủ đề lớn các báo Pháp hôm nay 21/01/2019.
Nhật báo kinh tế Les Echos có bài nhận định về sức hút đầu tư của nước Pháp vẫn mạnh, bất chấp phong trào Áo Vàng.
Bài « Sức hút của nước Pháp vẫn còn mạnh » giới thiệu kết quả điều tra vừa công bố của công ty nghiên cứu trị trường Kantar theo yêu cầu của Business France. Nghiên cứu dựa trên việc phỏng vấn 500 nhà đầu tư nước ngoài tại 5 quốc gia châu Âu (gồm Đức, Pháp, Anh, Thụy Điển và Ailen). Theo đó, Pháp tiếp tục là quốc gia hấp dẫn thứ hai châu Âu, sau Đức. Theo tổng giám đốc Business France, hình ảnh của nước Pháp ở nước ngoài « gần như » không bị ảnh hưởng bởi phong trào Áo Vàng, bởi các nhà đầu tư xem trọng « các thế mạnh khách quan» của một quốc gia như Pháp.
Hình ảnh xe hơi bốc cháy ngùn ngụt trên đại lộ Champs-Elysées cách nay ít tuần không khiến giới đầu tư hoảng hốt. Theo ông Marc Lhermitte, một chuyên gia về đầu tư quốc tế (người điều phối từ nhiều năm nay một mạng lưới đo lường sức hấp dẫn đầu tư tại 25 quốc gia), thì khủng hoảng Áo Vàng chủ yếu tác động đến hình ảnh nước Pháp trong dư luận bên ngoài, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến các nhà đầu tư tại Pháp. Không nhà đầu tư nào có ý định ra đi, ngược lại với tình trạng sẵn sàng khăn gói tại Anh trước thời điểm Brexit đến gần.
Vẫn theo chuyên gia Marc Lhermitte, các nhà đầu tư đặc biệt chú ý đến các cải cách sắp diễn ra tại Pháp. Vấn đề chủ yếu đối với họ là nhận diện được chính xác xem cuộc khủng hoảng Áo Vàng hiện nay – gắn liền với những thay đổi lớn tại Pháp – có thể đảo ngược hay không các cải cách của chính phủ Pháp từ 18 tháng nay, nhằm cải thiện « mức linh hoạt và khả năng cạnh tranh » của nền kinh tế.
Theo tổng giám đốc Business France, Christophe Lecourtier, chính sách giảm thuế cho các công ty nước ngoài vẫn được giữ nguyên, trừ một vài tập đoàn lớn. Cũng như thuế ISF đánh vào tài sản của những người giàu.
Hôm nay, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức cuộc gặp với 120 nhà đầu tư nước ngoài tại lâu đài Versailles, cũng với mục tiêu nhấn mạnh là chính phủ sẽ không thay đổi đường lối trong « Hồi 2 » của nhiệm kỳ 5 năm, được đánh dấu bằng sự trỗi dậy của phong trào Áo Vàng.

Bất bình đẳng toàn cầu tăng vọt :

Một lựa chọn chính trị

Tình trạng bất bình đẳng về kinh tế tăng vọt trong năm qua là hồ sơ lớn của nhật báo thiên tả Libération. 26 người giàu nhất thế giới, có tổng tài sản tương đương với một nửa nhân loại – 3,8 tỉ người nghèo nhất thế giới. Một phần trăm dân số thế giới chiếm hữu đến 45,6% thu nhập của nhân loại trong năm vừa qua. Bài xã luận của Libération mang tựa đề « Trơ tráo », nói đến khoảng cách chênh lệch kinh hoàng không bút nào tả nổi, chưa từng có câu chuyện cổ tích nào cho trẻ em nêu lên được điều này. Một thiểu số vô cùng nhỏ của nhân loại nắm quyền sở hữu một khối lượng tài sản khổng lồ, trong lúc hàng tỉ người dân không có điều kiện đi học, tiêm chủng, có được nước sạch, hay sống trong những điều kiện vệ sinh tối thiểu.
Libération có bài phóng sự mô tả Hồng Kông, như là một nơi tập trung mức độ bất bình đẳng lớn nhất trên thế giới hiện nay, giữa một bên là những tỉ phú đi xe hơi sang, với chó được chăm sóc kỹ lưỡng, và bên kia là bốn, năm người sống chen chúc trong một căn hộ hơn 20 mét vuông, mà đó chưa phải là những người khốn khổ nhất.
Libération có bài phỏng vấn bà Winnie Byanyima, giám đốc Oxfam International. Bài mang tựa đề « Bất bình đẳng là một sự lựa chọn chính trị ». Theo nữ giám đốc Oxfam, chính « chủ nghĩa tân tự do là gốc rễ của những khoảng cách kinh hoàng về tài sản giữa một nhúm nhà tỉ phú và hàng tỉ người nghèo ».
Vấn đề chủ yếu là tình trạng bất bình đẳng gia tăng mạnh này được chính quyền đa số các nước khuyến khích, với chính sách ưu đãi về thuế má cho các công ty, ngược lại, siết chặt các đầu tư cho « các nhu cầu xã hội căn bản ».
« Các bung xung » đánh lạc hướng dư luận
Giám đốc Oxfam khẩn thiết lưu ý đến việc là một số chính trị gia đã sử dụng « một số chiếc bung xung », như « người tị nạn », « Liên Hiệp Châu Âu », hay « Trung Quốc »… để tạo hỏa mù đánh lạc hướng dư luận, khiến xã hội quên đi một « vấn đề thực sự ». Đó là « khuyết tật trầm trọng » của hệ thống kinh tế hiện nay.
Giám đốc Oxfam cũng nêu một số trường hợp tích cực mới đây như ở Thái Lan, ở Hàn Quốc, các tập đoàn kinh tế bị đánh thuế cao hơn, và số tiền này được sử dụng cho các dịch vụ công ích cơ bản, như sức khỏe, giáo dục…, vốn là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo bà, đáng tiếc là ít quốc gia đi theo con đường này, mà thậm chí người ta làm ngược lại : tăng lợi nhuận cho các nhà đầu tư và giảm đầu tư cho các dịch vụ công ích cơ bản.
Giải pháp cho vấn đề này thực ra là nằm trong tầm tay chính quyền các nước, với chính sách chống biển thủ tài chính, và chống lậu thuế. Một ví dụ : Chỉ cần tăng thuế 0,5% với tài sản của 1% người giàu nhất, thì có đủ tiền học tập một năm cho 262 triệu trẻ em hiện nay không được đến trường, và cải thiện chăm sóc y tế giúp 3,3 triệu người không chết sớm hàng năm.
Cải thiện tình trạng bất bình đẳng xã hội cũng là một vấn đề trọng tâm của cuộc Thảo luận toàn quốc tại Pháp, diễn ra từ 10 hôm nay.

Thảo luận toàn quốc : Cơ hội thu hẹp

khoảng cách giữa giới tinh hoa và dân thường

Về cuộc Thảo luận toàn quốc tại Pháp, báo chí hôm nay dành rất nhiều bài vở cho chủ đề này. Xã luận La Croix mang tựa đề « Tạo ra cái chung » nhấn mạnh đến việc giới chính trị Pháp hiện nay dường như đang tụt hậu trong việc huy động các đóng góp tập thể, của đông đảo dân chúng, trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số đã và đang làm thay đổi triệt để các phương thức tạo ra cái chung. Khi tổ chức cuộc Thảo luận toàn quốc, tổng thống Pháp đã tỏ ra hiểu được « cái hố sâu ngăn cách » giữa giới tinh hoa và những người dân bình thường, điều mà những người Áo Vàng lên tiếng tố cáo.
Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc Thảo luận toàn quốc do chính quyền tổ chức chỉ thu hút được một phần người Áo Vàng. Rất nhiều người Áo Vàng khác vẫn tiếp tục xuống đường. La Croix nhấn mạnh là cuộc Thảo luận này cũng không phải là « diễn đàn duy nhất », nơi các công dân Pháp bày tỏ ý kiến, mà còn có rất nhiều nơi khác, theo sáng kiến độc lập của các công dân, và nhiều chủ đề vượt khỏi khuôn khổ các đề xuất của tổng thống Pháp.
Khó dự đoán kết quả của đợt thảo luận lớn đang diễn ra, nhưng theo La Croix, điều chủ yếu là sau đây, nước Pháp sẽ bước vào một thời kỳ mà chính quyền sẽ phải điều hành đất nước theo phương thức gần gũi với người dân hơn, « trí tuệ tập thể » được huy động hiệu quả hơn, ý kiến của ngay cả những người « đang trong tình trạng bấp bênhnhất » cũng có mang lại đóng góp.
Về cuộc Thảo luận toàn quốc, Le Figaro có bài « Cánh cửa hẹp » cũng nhấn mạnh đến việc nước Pháp chắc chắn « sẽ không tìm lại được sự an bình trong xã hội, nếu giới tinh hoa chính trị không thực sự xem xét lại mình », bởi một số lớn người Pháp hiện nay không còn khoan dung cho thực trạng bất công hiện nay trong hàng loạt lĩnh vực như thuế khóa, giáo dục, an ninh, di cư, bảo trợ xã hội… và đôi khi là sự thất bại của Nhà nước.
Về đối thoại xã hội, Le Monde có cuộc phỏng vấn với nhà chính trị học Loic Blondinaux. Nhà nghiên cứu Pháp khẳng định cuộc Thảo luận toàn quốc hiện nay là « một phương tiện chiến lược » để thoát khỏi khủng hoảng, nhưng trong tương lai cũng cần phải có các phương thức tham vấn công dân khác, trước các lựa chọn quan trọng.
Đối với Les Echos, thách thức của tổng thống Macron hiện nay là, một khi Thảo luận đã được mở màn, « điều khó nhất » là duy trì được cường độ thảo luận.

Vì sao Kim Jong Un

thích tổ chức thượng đỉnh tại Việt Nam ?

Riêng về tình hình châu Á, Le Figaro quan tâm đến cuộc thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên lần thứ hai, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 2. Việt Nam có khả năng được chọn là địa điểm cho cuộc gặp. Le Figaro tìm cách giải thích lý do qua bài « Việt Nam, một mô hình phát triển đối với Bình Nhưỡng ».
Theo Le Figaro, thượng đỉnh giữa Trump – Kim rất có thể sẽ diễn ra tại Hà Nội hoặc Đà Nẵng. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên có vẻ như nghiêng về Việt Nam, hơn là Thái Lan, với lý do đơn giản Việt Nam là một quốc gia cộng sản, đã cất cánh về kinh tế, nhưng vẫn nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng. Việc Nam cũng được coi là mô hình phù hợp với Bắc Triều Tiên về quy mô, hơn là Trung Quốc. Triều Tiên và Việt Nam cùng chia sẻ một điểm chung là đều từng là quốc gia theo văn hóa Khổng Giáo, nhưng để kháng cự lại Trung Quốc.

Bắc Kinh trấn áp

cả người bất đồng chính kiến trên Twitter

Về Trung Quốc, Le Monde giới thiệu với độc giả về cuộc đàn áp khốc liệt của Bắc Kinh nhắm vào những người sử dụng mạng xã hội Twitter. Trong ba tháng qua, đã có nhiều vụ bắt bớ, hàng trăm người bất đồng chính kiến bị đe dọa và bị buộc phải xóa các thông điệp đã đưa lên mạng.
Theo nhận định của HRW hồi tháng 11/2018, việc mạng xã hội này trở thành đối tượng tấn công mới của chính quyền Trung Quốc, trong lúc không hề có một phong trào xã hội nào được truyền bá trên mạng này, cho thấy mức độ đàn áp chống tự do ngôn luận hiện đã « tăng thêm một nấc », trong bối cảnh đàn áp nói chung vốn đã khốc liệt kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền.
Trên thực tế Twitter hay Facebook đều bị cấm tại Trung Quốc. Người sử dụng thường dùng phần mềm VNP, được tải từ một số trang mạng nước ngoài. Tuy nhiên, năm 2017, Bắc Kinh ra quy định mới trừng phạt những người tải nạp VNP để vượt tường lửa. Quyết định được đưa ra vào lúc ông Tập Cận Bình đang tìm cách khẳng định như lãnh đạo tối cao và mãn đời.

Brexit : Thủ tướng Anh có thể bị « loại »

Về thời sự quốc tế, hai chủ đề lớn khác là tại Hoa Kỳ, viễn cảnh Shutdown (tức chính phủ Liên bang bị tê liệt một phần do không có ngân sách) tiếp tục kéo dài và thủ tướng Anh trình phương án « B » về Brexit.
Về phương án B của Brexit, thủ tướng Anh dự định trình trước Nghị Viện hôm nay, theo Les Echos, nhiều nghị sĩ đảng cầm quyền và đối lập đang một lần nữa mưu toan phủ quyết. Những giờ tới sẽ có tính quyết định đối với số phận của thủ tướng May. Thủ tướng May có nhiều khả năng bị tước quyền xử lý hồ sơ Brexit, và nhiệm vụ này có thể sẽ được giao lại cho Quốc Hội. Les Echos dành một hồ sơ nói về Brexit và 15 nguy cơ lớn với người Pháp.

« Shutdown » Mỹ tiếp diễn :

Làn sóng ủng hộ nhân viên bị cắt lương

Theo Les Echos, các chính trị gia đảng Dân Chủ không chấp thuận đề nghị của tổng thống Trump đánh đổi việc thông qua ngân sách xây dựng bức tường với Mêhicô, với một số điều kiện thuận lợi hơn cho hàng trăm nghìn người nhập cư không giấy tờ. Cuộc thương lượng giữa tổng thống Mỹ và các lãnh đạo Dân Chủ hôm thứ Bảy được truyền hình trực tiếp.
Hàng trăm nghìn con cái người nhập cư, lớn lên tại Mỹ, nhưng không có giấy tờ, đã tránh bị trục xuất nhờ chính sách bảo vệ thời Obama (2012-2017), từ khi tổng thống Trump lên nắm quyền, một lần nữa họ lại có nguy cơ bị trục xuất.
Do Shutdown, khoảng 800.000 nhân viên Nhà nước không được nhận lương. Theo Les Echos, từ một tháng nay, hơn 1.800 người đã lập ra nhiều diễn đàn trên mạng, để kêu gọi ủng hộ. Tiền, quà tặng, bữa ăn miễn phí… được huy động. Tại Los Angeles, Houston hay Detroit, nhiều hiệu ăn đã phục vụ một bữa ăn miễn phí cho nhân viên Nhà nước và gia đình bị mất thu nhập. Một số dân biểu từ chối nhận lương để tỏ tình đoàn kết, hoặc chuyển tiền cho các gia đình khó khăn. Riêng tại Washington, một hiệp hội từ thiện đã cung cấp 600.000 bữa ăn miễn phí trong tháng 1/2018, nhiều hơn 20% mức bình thường. Cục Điều Tra Liên Bang (FBI) cũng tổ chức quyên góp tiền cho nhân viên mất thu nhập.

Tin đọc nhanh

( Inquirer.net ) – Lần đầu tiên Philippines sẽ gởi một chiến hạm đến dự lễ duyệt binh hải quân quốc tế do Trung Quốc tổ chức. 
Đó là thông báo của Tư lệnh hải quân Philippines, phó đô đốc Robert Empedrad với trang mạng Inquirer.net hôm nay, 21/01/2019. Lễ duyệt binh hải quân quốc tế này sẽ diễn ra vào ngày 23/04 tới, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc. Hôm qua, phó đô đốc Empedrad đã cùng với bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana lên tham quan một trong ba chiến hạm của Trung Quốc hiện đang viếng thăm Philippines trong 5 ngày. Đây là lần thứ hai các chiến hạm Trung Quốc ghé thăm Philippines dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte.
( AFP ) – Carlos Ghosn hứa sẽ ở lại Nhật nếu được tại ngoại. 
Trong một thông cáo do đại diện của ông tại Hoa Kỳ công bố hôm qua, 20/01/2019, chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn Renault, Carlos Ghosn, bị giam tại Tokyo từ hai tháng nay, đã cam kết sẽ không rời khỏi nước Nhật nếu ông được tự do với tiền thế chấp. Một lần nữa ông Ghosn khẳng định hoàn toàn vô tội, trong khi ông bị tư pháp Nhật truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm và các sai phạm tài chính khác. Tòa án Tokyo hôm nay sẽ xét đề nghị nói trên của lãnh đạo tập đoàn Renault. Còn hôm qua, bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire đã bác bỏ thông tin của báo chí Nhật, theo đó các đại diện của nhà nước Pháp trong tuần này tại Tokyo đã đề nghị sáp nhập hai tập đoàn xe hơi Renault và Nissan.
(Reuters) - Israel lại oanh kích Syria, nhiều chiến binh Iran tử thương. 
Đêm chủ nhật rạng sáng tư hai, hai đêm liên tiếp, máy bay Israel oanh kích các vị trí của lực lượng tình nguyện AlQod của Iran. Bị phòng không Syria bắn trả, chiến đấu cơ Israel oanh kích vị trí của quân đội Syria. Theo tổ chức nhân quyền OSDH cho biết có ít nhất 11 chiến binh tử thương trong đó có hai quâN nhân Syria. Mục tiêu bị oanh kích là phi trường quân sự Soueida và nhiều kho đạn của Hezbollah và Al Qod , Iran.
(AFP) – Nổ đường ống dẫn dầu tại Mêhicô, 85 người chết.
Số nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ đường ống dẫn dầu tại bang Hidalgo cách nay ba ngày liên tục gia tăng. Bộ Y Tế Mêhicô ngày 20/01/2019 thông báo đã có ít nhất 85 người thiệt mạng. Tai nạn xảy ra hôm Thứ Sáu 18/01/2019 cách thủ đô Mêhicô hơn 100 cây số về phía bắc. Tân tổng thống Manuel Lopez Obrador chuẩn bị một bộ luật mới ngăn chận các vụ cướp xăng dầu, làm thất thoát 3 tỷ đô la cho công quỹ nhà nước năm 2017.
(AFP)- Đi làm sớm được hãng xe điện ngầm Tokyo tặng bữa điểm tâm. 
Đây là một sáng kiến của hãng Tokyo Metro để giải quyết nạn hành khách bị quá tải vào giờ cao điểm. Tuần tới, khoảng hai ngàn hành khách thường xuyên sử dụng tuyến tàu Tozai, trục đông người nhất với 7,2 triệu hành khách mỗi ngày, cho biết sẽ đi làm sớm hơn để được tặng một tô mì soba. Mỗi ngày từ 7 giờ 50 sáng đến 8 giờ 50, có tới 76.000 hành khách sử dụng đường tàu Tozai, lượng hành khách như vậy cao gấp đôi so với khả năng chuyên chở của tuyến đường này.

+ Ý kiến
Powered by Blogger.