Sự ra đi của nhà báo Bùi Tín, một trong những nhà bất đồng chính kiến Việt Nam nổi tiếng nhất ở hải ngoại và là blogger lâu năm của VOA, để lại nỗi buồn thương và cảm giác mất mát cho những người quen ông hoặc biết đến ông qua những bài viết sắc sảo từ hàng chục năm qua.
Sau gần một tháng nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy yếu, ông qua đời vào sáng sớm ngày 11 tháng 8 ở ngoại ô Paris, Pháp, nơi ông tị nạn chính trị kể từ năm 1990. Ông hưởng thọ 91 tuổi.
“Tôi lặng người đi và cảm thấy rất bất ngờ dù biết bác tuổi đã cao và gần đây cũng ốm yếu,” ông Nguyễn Tường Thụy, một nhà báo độc lập và nhà hoạt động dân chủ, chia sẻ với VOA từ Việt Nam.
Một người lính và một nhà báo, ông Bùi Tín viết nên những chương cuộc đời mình bằng trải nghiệm và hiểu biết của người từng là quan chức cao cấp bên trong nhà nước cộng sản, và sau này bằng sự phản tỉnh được khơi gợi cảm hứng bởi lý tưởng tự do và dân chủ.
“Người ta nói rằng số năm tháng mà mình sống trên cuộc đời này chắc có lẽ không quan trọng bằng những việc mà mình đã làm được khi sống trên quả đất này,” nhà báo Đinh Quang Anh Thái của báo Người Việt nói với VOA từ California. “Ông Bùi Tín đã sống một cuộc đời rất trọn vẹn.”
Bùi Tín nhập ngũ năm 18 tuổi vào thời Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sau đó trở thành ký giả của báo Quân đội Nhân dân Việt Nam với bút danh Thành Tín. Sau sự kiện 30 tháng 4, 1975, ông giải ngũ và tiếp tục viết báo, vươn lên đến vị trí phó tổng biên tập báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông quyết định xin tị nạn ở Pháp trong một chuyến đi công cán sang Paris vào năm 1990.
Đó là một sự kiện vẫn in sâu trong trí nhớ của ông Phạm Minh Hoàng. Nói chuyện với VOA từ Paris, vị giáo sư và nhà hoạt động nhân quyền này cho biết ông đọc thấy tin ông Bùi Tín đào thoát trên nhật báo Le Monde khi đó.
“Tờ Le Monde đăng chuyện đào thoát của bác khá chi tiết và sau đó họ có đăng một mẩu tin của tờ Nhân dân phê phán chuyện bác đào thoát,” ông Hoàng kể lại. “Tờ Nhân dân chế giễu bác, ‘Thành Tín’ có nghĩa là người giữ chữ tín nhưng mà thực sự ông ấy là người ‘bội tín.’”
Phản tỉnh và phản biện
"Bội tín" với chủ nghĩa cộng sản, ông Bùi Tín tìm thấy niềm tin nơi lý tưởng tự do. Ông trở thành một trong những tiếng nói mạnh mẽ chỉ trích chính quyền Việt Nam và cổ súy cho dân chủ và nhân quyền ở quê nhà qua những bài viết phản biện.
Với những trải nghiệm và mối quan hệ
của một người trong cuộc, ông đem đến cho độc giả hiểu biết về nội tình của nhà
nước cộng sản ít người biết tới, lý giải và phân tích mọi diễn biến bằng sự
nhạy bén và am tường của một nhà báo kỳ cựu. Lập luận của ông rành mạch, ngôn
ngữ của ông sắc sảo có khi đanh thép xoáy sâu vào vấn đề mà ông bàn luận
Cộng tác với VOA Tiếng Việt trong tư
cách một blogger thường xuyên, ông đã viết hơn 1.000 bài bình luận từ năm 2009
cho tới nay, bám sát mọi sự kiện và diễn biến trong đời sống chính trị, xã hội,
kinh tế và văn hóa ở Việt Nam nhưng vẫn luôn để mắt đến thời sự quốc tế, nhất
là Trung Quốc và Mỹ.
Ông đả kích gay gắt Luật An ninh
Mạng trong một bài blog
đăng ngày 13 tháng 6, một ngày sau khi nó được Quốc hội Việt Nam thông qua. Ở
tuổi 91, ông tôn vinh Internet là “túi khôn của nhân loại” và phê phán luật
nhằm kiểm soát dữ liệu người dùng này là “phản động.”
Trong một bài viết được chia sẻ hơn 3.000 lần, ông đòi
chính quyền phải trả “món nợ lưu cữu” cho người dân là ban hành luật về hội
họp, biểu tình.
Và ông luôn dành một tình cảm trân
quý đặc biệt cho những nhà hoạt động trong nước, nêu tên và ca ngợi thành tích
của họ trong một bài tổng kết đăng vào cuối năm 2017.
‘Một mất mát to lớn’
“Những gì mà bác để lại là một tài
sản hết sức quý giá,” ông Nguyễn Tường Thụy nói. “Tôi không dám nói rộng nhưng
đối với tôi Bùi Tín là một người thầy, vừa là nhân cách vừa là nhiệt huyết.”
Ông Thụy, thành viên ban biên tập
Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, cho biết ông đã “ngưỡng mộ” tài viết lách của ông
Bùi Tín từ đầu những năm 1970 khi còn là một người lính trẻ mới 20 tuổi đời.
Sau khi ông Bùi Tín tị nạn ở Pháp, ông Thụy nói ông thường nghe trộm “đài địch”
để theo dõi ông Bùi Tín viết gì vì những bài viết đó “mở mang chúng tôi rất
nhiều vấn đề.”
Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam nói
trong một thông cáo rằng sự ra đi của ông “là một mất mát to lớn, không chỉ đối
với bản thân [hội], mà rộng hơn là phong trào đấu tranh dân chủ - nhân quyền
Việt Nam.”
Sự mất mát đó được cảm nhận rõ bởi
nhiều nhà hoạt động. Trên mạng xã hội họ loan tin về sự ra đi của ông kèm theo
những thông điệp chia buồn.
“CÁC CỤ RỦ NHAU ĐI CẢ .....CÒN CHÚNG
TA CHỜ NGÀY RỜI KHỎI CÕI TẠM NÀY,” nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng chia sẻ trên
Facebook, sau khi loan thêm tin nhạc sĩ Tô Hải qua đời không lâu sau ông Bùi
Tín.
“Rõ ràng sự ra đi của bác là một mất
mát lớn cho những người yêu chuộng tự do,” giáo sư Phạm Minh Hoàng nói với VOA
qua điện thoại. Năm ngoái ông Hoàng bị Việt Nam tước quốc tịch và trục xuất về
Pháp trong điều mà ông nói là “sự trả thù” đối với hoạt động của ông nhằm cổ
súy cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.
Xem tất cả các bài blog của nhà báo
Bùi Tín ở đây.
Đại sứ Dương Trọng Minh và Quốc vụ khanh Slovakia, Lukas Parizek.
‘Tưởng niệm’ tròn một năm sau vụ Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin vào tháng Tám năm 2017 và chính thức mở màn cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt, thời điểm đầu tháng Tám năm 2018 đang chứng kiến cơn khủng hoảng Slovakia - Việt Nam ập đến rất gần!
Kaliňák lâm nguy!
Dù cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kaliňák tuyên bố rằng những bài viết điều tra trên tờ báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức và báo Dennik N của Slovakia ngày 3/8/2018 về ‘Robert Kaliňák đã giúp Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia’ là ‘bịa đặt’, nhưng cho tới nay Kaliňák vẫn chẳng thể tự bảo vệ mình khi không chứng minh được báo chí bịa đặt về ông ta ra sao.
Trong khi đó, những tờ báo trên lại mô tả một cách chi tiết: “Bộ trưởng Tô Lâm là người đầu tiên bước lên chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia, tiếp theo là các thành viên của phái đoàn Việt Nam, tất cả 12 người. Trịnh Xuân Thanh là người cuối cùng được đưa lên máy bay, rõ ràng là ông ta bị thương, trông có vẻ đờ đẫn và được hai mật vụ Việt Nam xốc nách hai bên dìu đi…” (Thoibao.de dịch từ http://bit.ly/2Kk7jh3)
Số phận Robert Kaliňák đang lâm nguy!
Cảnh sát Slovakia đã chính thức tiến hành cuộc điều tra về hành vi và trách nhiệm của cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kaliňák. Rồi đây ông Kaliňák thậm chí có thể bị bắt giữ về hành vi ‘tiếp tay cho bắt cóc’.
Cái cách báo chí mô tả chi tiết như trên chỉ có thể thông qua phương pháp khai thác nhân chứng - những viên cảnh sát Slovakia đã có mặt ở sân bay Bratislava vào ‘ngày định mệnh” của cuộc gặp Robert Kaliňák - Tô Lâm, và đã tận mắt chứng kiến Trịnh Xuân Thanh bằng xương bằng thịt được chuyển từ xe hơi này sang xe hơi kia trước khi bị ‘dìu’ lên máy bay như thế nào.
Không phải ngẫu nhiên mà cả hai tờ báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức và báo Dennik N của Slovakia cùng ‘song kiếm hợp bích’ vào một thời điểm. Không khó để nhận ra rằng Frankfurter Allgemeine Zeitung là tờ báo đã theo dõi và viết khá nhiều bài về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ nửa cuối năm 2017 đến nay, và gần đây nhất đã tiết lộ thông tin Nhà nước Việt Nam sẽ trả lại Trịnh Xuân Thanh cho Đức để làm dịu khủng hoảng ngoại giao và cũng nhằm đạt được Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) được Nghị viện châu Âu thông qua sớm.
Cũng không khó hình dung việc Frankfurter Allgemeine Zeitung đã được cơ quan cảnh sát Đức cung cấp những tin tức có giá trị không chỉ về vụ bắc cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, mà còn cả về vụ Trịnh Xuân Thanh đã được ‘trung chuyển’ như thế nào tại Slovakia mà tình báo Đức nắm được.
Nhưng cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kaliňák - người đàn ông có gương mặt điển trai như một minh tinh màn ảnh và có dáng dấp vạm vỡ như một nhà thể thao - có lẽ đã không biết rõ vòng vây đã dần siết lại của báo chí Đức và cả ‘báo nhà’ Slovakia.
Những gì mà Kaliňák mạnh miệng tuyên bố ‘không biết gì’ và ‘không liên quan’ vào tháng Năm năm 2018 về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, trùng thời điểm với cuộc gặp giữa Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin, cùng những câu thanh minh mới đây của ông ta trên mạng xã hội về “tên của Trịnh Xuân Thanh không nằm trong danh sách hành khách sử dụng máy bay do chính quyền Việt Nam cung cấp; không có bệnh nhân nào được vận chuyển trên máy bay, hoặc một ai bị trói hoặc có cử động bị hạn chế theo bất kỳ cách nào khác…”, đều có thể sẽ là những bằng chứng chống lại Kaliňák - vào lúc ông ta chính thức rơi bị cảnh sát Slovakia điều tra và sau đó còn có thể rơi vào vòng tố tụng hình sự.
Tương lai thật bất trắc trên là có thật, và rất gần.
Cả Chính phủ Slovakia cũng thế
Chỉ vài ngày sau bài điều tra của hai tờ báo Frankfurter Allgemeine Zeitung và Dennik N, hàng loạt tờ báo lớn trên thế giới đã hào hứng vào cuộc. Một cách chân thành, nhà nước cộng sản Việt Nam ‘luôn quan tâm vào bảo đảm các quyền con người’ có rất nhiều lý do để tự hào bởi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh không chỉ được châu Âu hóa từ cuối năm 2017 mà đến nay còn được quốc tế hóa và nổi tiếng đến mức ngay cả siêu sao ca nhạc Michael Jackson của Mỹ nếu còn sống cũng phải phát ghen tỵ đến khó ngủ.
Khác hẳn với thái độ nhẩn nha và lẩn tránh trách nhiệm cách đây vài ba tháng, vào lúc này Chính phủ Slovakia đang như thể bấn loạn để cứu vãn cấp thời thể diện đối nội và uy tín quốc tế của họ.
Nếu trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin vào tháng Năm năm 2018, Thủ tướng Peter Pellegrini còn cười rất ngoại giao mà đã không trả lời thẳng câu hỏi của bà Merkel về dấu hỏi ‘Chính phủ Slovakia đã đóng vai trò gì trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đưa về nước hồi mùa hè năm ngoái?’, đồng thời mạnh miệng khẳng định với đám đông các nhà báo vây quanh là Chính phủ Slovakia không dính dáng gì đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, thì nay Peter Pellegrini không thể lảng tránh trách nhiệm của người đứng đầu một nội các mà có thể bị tan vỡ bởi cơn địa chấn bắt cóc đang quốc tế hóa với tốc độ tên lửa này.
Tháng Tám nóng rẫy Bratislava. Lời chỉ trích nghiêm khắc của Tổng thống Slovakia Andrej Kiska đối với Cảnh sát trưởng Milan Lučanský về trách nhiệm của cảnh sát và Bộ Nội vụ nước này đã không tổ chức điều tra vụ ‘vận chuyển Trịnh Xuân Thanh’, về chi tiết một đoàn cán bộ công an cấp cao của Việt Nam, dẫn đầu bởi Bộ trưởng Công an Việt Nam là tướng Tô Lâm, dường như đã lợi dụng lòng hiếu khách và sự nhẹ dạ của Chính phủ Slovakia để mượn một chiếc máy bay của Slovakia, rồi dùng máy bay này để ‘vận chyển’ Trịnh Xuân Thanh bay qua không phận Ba Lan về Hà Nội…, có thể chỉ là khởi đầu cho một chuỗi tiếp nối nhiều chuyện còn căng thẳng hơn.
Lần đầu tiên Tổng thống Andrej Kiska phải xuất hiện để làm dịu sóng phun trào của ngọn núi lửa mang tên ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ chỉ chực chờ bùng tóe cả bầu trời xanh sẫm của đất nước Slovakia tươi đẹp.
Phản ứng từ các đảng đối lập ở Slovakia thật rúng động! Đài VOA cho biết cáo buộc về sự dính líu của chính phủ Slovakia đã gây căng thẳng trong liên minh cầm quyền gồm ba đảng của nước này. Đối tác phụ trong liên minh là Đảng Most-Hid hôm 6/8 nói rằng họ sẽ không thể ở lại trong liên minh nếu tin tức mà báo chí loan tải được xác nhận là có thật.
Còn theo Thoibao.de, “Sau khi báo chí truyền thông đưa tin về mối nghi ngờ rằng cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia, ông Robert Kalinak đã tham gia vào vụ bắt cóc một người Việt từ Berlin, phe đối lập ở Bratislava - thủ đô Slovakia - yêu cầu mở cuộc điều tra hình sự chống lại ông cựu Bộ trưởng này. Hôm thứ Sáu ngày 03/08/2018 hai đảng đối lập lớn nhất trong quốc hội tại Bratislava cũng đòi hỏi ông Peter Pellegrini, Thủ tướng Slovakia (thuộc đảng Dân chủ Xã hội) phải từ chức vì không hành động gì để làm sáng tỏ vụ việc”.
Đến ngày 6/8/2018, nữ Bộ trưởng Nội vụ Denisa Sakova tuyên bố rằng trong thời gian điều tra về sự nghi ngờ vụ Trịnh Xuân Thanh ở Slovakia, bà đã đình chỉ công việc của người đứng đầu cơ quan nhà nước bảo vệ an ninh cho yếu nhân, và đã quyết định rằng “các cảnh sát được miễn trách nhiệm bảo mật thông tin trong vụ bắt cóc một công dân Việt Nam từ Đức đưa về Việt Nam”.
Nhưng Tổng thống Andrej Kiska, trước sức ép và mối đe dọa của truyền thông quốc tế, dư luận trong nước và mối quan tâm đang đến gần và đưiọc cụ thể hóa của Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu và có thể cả Tòa án Cộng đồng châu Âu, còn muốn hơn thế. Kiska đang đòi hỏi phải bãi nhiệm Bộ trưởng Nội vụ Denisa Sakova. Báo chí Slovakia cho biết sau cuộc nói chuyện với ông Peter Pellegrini và Thủ tướng Slovakia thuộc đảng Dân chủ Xã hội, Tổng thống Kiska đã công khai rằng ông không còn tin tưởng bà bộ trưởng Denisa Sakova nữa, và cơ quan của bà là ‘cánh tay phải của cựu Bộ trưởng Nội vụ Kalinak’.
Cùng ngày 6/8/2018, Tổng công tố viên Jaromir Ciznar thỉnh cầu Tổng thống tổ chức một cuộc họp khủng hoảng với Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Slovakia. Còn Thủ tướng Peter Pellegrini đã phải quyết định rằng ông sẽ điều Bộ trưởng Sakova và Cảnh sát trưởng Milan Lucansky đến Đức để hợp tác với cảnh sát nước này điều tra vụ việc.
Vào lúc này, không chỉ cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kaliňák mà cả chính phủ Slovakia cũng đang lâm nguy!
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam!
Phải hô to ba lần như thế như một kẻ lúc trăng trối không còn cơ hội để hô lần nào nữa.
Đã đến lúc Slovakia phải tìm cách đưa ra ít nhất một quyết định nào đó, và phải là quyết định cứng rắn và sòng phẳng về mặt ngoại giao với Đức và Việt Nam, để cứu vãn tình thế.
Dù chưa có quan chức nào của Slovakia tuyên bố một cách chính thức về tình trạng thực ra đã rạn nứt đáng kể giữa Slovakia và Việt Nam qua vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, nhưng thông tin của báo chí Slovakia và báo chí Đức đều phản ánh mối quan hệ này đang xấu hẳn đi, với sự cảnh giác cao độ của người Slovakia đối với giới mật vụ và ngoại giao Việt Nam.
Chẳng bao lâu nữa, Chính phủ Slovakia - để tự bảo vệ lòng tự trọng của mình - sẽ phải tung ra một quyết định dù rất khó khăn nhưng thật sự cần thiết và cứng rắn với chính thể độc đảng ở Việt Nam và những kẻ bắt cóc.
Khủng hoảng Slovakia - Việt đang chính thức bắt đầu và còn vượt trên khủng hoảng Đức - Việt một bậc: trong khủng hoảng Đức - Việt, các cơ quan tư pháp Đức chỉ làm rõ chứng cứ vụ bắt cóc đến Nguyễn Hải Long và một quan chức công an bậc trung là Đường Minh Hưng trong bối cảnh chuyến đi Đức của tướng Hưng là lén lút chứ không công khai và càng không chính thức, thì chuyến đi của Bộ trưởng công an Tô Lâm đến Slovakia ngay sau khi xảy ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức, cùng cuộc gặp chính thức của Tô Lâm với bộ trưởng nội vụ Slovakia khi đó là Robert Kaliňák đã xác nhận rằng Tô Lâm là một đại diện chính thức của Chính phủ Việt Nam, là tiền đề kéo theo mức độ xung đột ngoại giao giữa Slovakia và Việt Nam là xung đột cấp nhà nước.
Tương lai của những tháng tiếp tới trong quan hệ Slovakia - Việt Nam là cực kỳ khó đoán định. Sẽ không loại trừ khả năng do phải chịu áp lực từ dư luận đủ lớn tại Slovakia, từ Chính phủ Đức và từ giới báo chí quốc tế, phản ứng tối thiểu của Chính phủ Slovakia đối với Việt Nam sẽ là hạ cấp mối quan hệ ngoại giao và thương mại mà được xem là ‘tốt đẹp’ trước đây.
Chưa bao giờ ‘uy tín Việt Nam luôn nâng cao trên trường quốc tế’ lại được trối trăng quá nhiều cảm xúc như hiện thời. Việt Nam, Việt Nam và Việt Nam - cả thế giới chỉ còn biết có cái tên đó!