Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Thứ Bảy, 11 Tháng 1, 2025
Tin Mới :

Tin Biển Đông – 07/11/2016

Monday, November 7, 2016 7:32:00 PM // , ,

Tin Biển Đông – 07/11/2016

Ấn Độ sẽ cùng Nhật Bản tuyên bố

công nhận phán quyết Biển Đông ?

Báo chí Ấn Độ ngày 07/11/2016 đồng loạt đưa tin : Chính quyền New Delhi đang thảo luận với Tokyo về khả năng công nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Lời công nhận này có thể được ghi trong một tuyên bố chung Ấn-Nhật sẽ được công bố sau cuộc họp vào tuần tới giữa hai thủ tướng Narendra Modi và Shinzo Abe, nhân dịp thủ tướng Nhật công du Ấn Độ.
Trích dẫn một số nguồn tin cấp cao, nhật báo Ấn Độ Times of India cho biết là chính quyền New Delhi có vẻ như muốn lấy ý từ Tuyên bố chung Ấn Độ-Việt Nam công bố nhân chuyến thăm Hà Nội của thủ tướng Modi hồi tháng 9 vừa qua, để làm mẫu cho các tài liệu tương tự sẽ ký kết với các nước trong khu vực.
Theo Times of India, văn kiện ký kết với Việt Nam hiện là độc nhất vô nhị, vì ngoài các yêu cầu thông thường như bảo đảm quyền tự do hàng không và hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế, bản tuyên bố chung Ấn-Việt còn « ghi nhận Phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016 của Tòa Trọng Tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) ».
Nhật báo Ấn Độ còn tiết lộ rằng New Delhi đã từng thuyết phục Singapore vào tháng 10 vừa qua về việc 2 nước nên đề cập cụ thể trong một tuyên bố chung phán quyết của Tòa Trọng Tài PCA bác bỏ các tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Đề nghị này không được Singapore chấp nhận, nhưng sáng kiến của Ấn Độ cho thấy quyết tâm của New Delhi muốn nêu bật việc Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế.
Về khả năng Nhật Bản chấp nhận đề nghị của Ấn Độ, báo Times of India rất lạc quan và nhắc lại rằng mới ngày 24/10 vừa qua, Nhật Bản đã chính thức xác nhận là Tokyo luôn khuyến khích New Delhi cho biết rõ ràng quan điểm của mình về Biển Đông.
Ấn Độ và Nhật Bản đã từng cùng nhau lên tiếng về Biển Đông trong bản tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh vào năm ngoái. Nhưng nếu hai bên lần này chính thức công nhận Phán Quyết Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực, điều đó chắc chắn sẽ bị Trung Quốc phản đối dữ dội.
Vấn đề, theo báo Times of India, là gần đây Bắc Kinh đã hai lần có những động thái không thiện cảm với New Delhi : Ngăn cản không cho Ấn Độ gia nhập nhóm quốc gia cung cấp hạt nhân NSG, và mới đây đã cản đường, không để cho Liên Hiệp Quốc trừng phạt Masood Azhar, thủ lĩnh nhóm Hồi Giáo cực đoan Jaish-e-Mohammed có trụ sở tại Pakistan.
Trong bối cảnh đó, theo Times of India, Ấn Độ « dường như đã thấy rằng đã đến lúc phản công ».

Việt Nam khó đạt thỏa thuận

giống Philippines với Trung Quốc

Thỏa thuận giữa Manila với Bắc Kinh về việc cho phép ngư dân Philippines trở lại đánh cá ở khu vực bãi cạn Scarborough, mà Trung Quốc chiếm đóng có thể được xem như là một thay đổi lớn trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Đây thật sự có phải là một thành công lớn về ngoại giao của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, vì coi như đã ông đã buộc được Bắc Kinh thực thi một phần nội dung phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ngày 12/07/2016? Hay chính phía Trung Quốc mới là kẻ thắng cuộc, tức là chỉ nhượng bộ chút ít mà lôi kéo được một đồng minh thân cận của Mỹ về phía mình?
Hiện hãy còn quá sớm để trả lời câu hỏi này, khi nào mà chúng ta chưa biết cụ thể các điều kiện mà phía Bắc Kinh đặt ra cho Manila khi chấp nhận cho Manila khi cho phép ngư dân Philippines trở lại đánh cá ở khu vực bãi cạn Scarborough.
Dầu sao, nhìn vào thỏa thuận nói trên, người ta liên tưởng ngay đến trường hợp của Hoàng Sa. Cũng giống như ngư dân Philippines từ năm 2012, ngư dân Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn bị phía Trung Quốc xua đuổi, bắt bớ, đánh đập, thậm chí bắn giết, khi đánh bắt cá ở khu vực Hoàng Sa.
Nhưng hiện rất khó mà Việt Nam đòi được Bắc Kinh cho phép ngư dân vào đánh cá ở Hoàng Sa, vì Trung Quốc cho rằng khu vực này không có tranh chấp nào. Đó là nhận định của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ.

Tỷ phú Trump ‘sẽ xử lý biển Đông tốt hơn ông Obama’

Người dân Trung Quốc tin rằng cả hai ứng viên của Đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ giải quyết tranh chấp giữa Bắc Kinh và Washington tốt hơn đương kim Tổng thống Barack Obama.
Cuộc thăm dò ý kiến 1500 người Trung Quốc ở thành thị, do tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng có trụ sở ở Hong Kong công bố hôm 5/11, vài ngày trước cuộc bầu cử 8/11, còn cho thấy một nửa trong số đó cho rằng ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ xử lý vấn đề biển Đông tốt hơn ông Obama (54%) cũng như về các vấn đề hợp tác về an ninh mạng (59%), thương mại song phương (57%) hoặc tình hình trên bán đảo Triều Tiên (52%).
Trong đó, một số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam nuôi hy vọng ứng viên Đảng Cộng hòa của Mỹ sẽ giúp “dẹp mộng bá quyền của Trung Quốc”.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của Đại học George Mason ở Hoa Kỳ từng nhận định với VOA Việt Ngữ rằng ông Trump nhận được sự ủng hộ của một số người Việt chính vì ông từng mạnh mẽ “chống” Bắc Kinh.
Theo trang tin News.com.au, khoảng 51% tin rằng tỷ phú bất động sản Mỹ sẽ can thiệp ít hơn vào châu Á so với đương kim Tổng thống Obama.
Trong khi ông Trump vượt trước bà Clinton về các vấn đề trên, những người được thăm dò ý kiến ở Trung Quốc đánh giá ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ cao hơn về các chủ đề như bảo vệ nhân quyền và sở hữu trí tuệ.
Cuộc thăm dò của tờ báo ở Hong Kong còn cho thấy rằng 52% công dân Trung Quốc tin rằng bà Clinton là lựa chọn tốt nhất để củng cố quan hệ với Mỹ so với ông Trump (48%).
Trong khi đó, dựa trên cuộc thăm dò với hơn 3 nghìn người từ Trung Quốc, Nhật, Philippines, Singapore, Indonesia, và Hàn Quốc, tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng còn đưa tin rằng 76% người châu Á, trong đó có 61% người Trung Quốc, cho biết ủng hộ bà Clinton lên làm Tổng thống Mỹ.
Xét tổng thể, kết quả thăm dò cho thấy rằng người Trung Quốc lạc quan hơn về việc phát triển quan hệ Mỹ – Trung so với người dân các nước láng giềng.

Giữ nguyên trạng Biển Đông có thể là giải pháp tốt nhất

Trong khi một giải pháp về những cuộc tranh chấp tại Biển Đông sẽ không đạt được trong một tương lai gần, nhưng việc cải thiện những mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila có thể báo trước cho hòa bình trên mặt biển trong vùng.
Khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thăm Trung Quốc vào tháng 10 vừa qua, một số người lo ngại là ông ta sẽ tránh xa Hoa Kỳ. Tuy nhiên ông Trần Trường Thủy, giám đốc điều hành của Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ở Hà Nội nghĩ đây là tin mừng cho Biển Đông.
Tại một Hội nghị thượng đỉnh về Việt Nam mới đây của tạp chí Economist ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Thủy nói nếu Trung Quốc tỏ ra thân thiện hơn với Philippines, thì chắc tiến bộ này sẽ không đe dọa, chẳng hạn như đòi chủ quyền tại các đảo gần Philippines.
Ông Thủy nói: “Hiện nay, nếu Trung Quốc đòi chủ quyền như thế sẽ lật ngược lại mối quan hệ của Bắc Kinh với Philippines. Và trong tương lai gần, tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ hành động như vậy.”
Việc xáp lại gần nhau giữa Manila và Bắc Kinh hầu như không được mong đợi vì Tòa án Trọng tài Thường trực có trụ sở tại La Haye, Hà Lan vào tháng 7 năm nay đã ra phán quyết là việc xây dựng đảo của Trung Quốc lấn sang lãnh hải Philippines. Manila từng là đối thủ mạnh mẽ nhất của Trung Quốc trong việc Bắc Kinh đòi chủ quyền lãnh thổ trong vùng. Tuy nhiên tất cả đều thay đổi khi tổng thống mới của Philippines lên cầm quyền vào mùa hè năm nay.
Ông Ian Storey, một thành viên của một uỷ ban tại hội nghị thượng đỉnh và là một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore nói “Chính quyền Duterte đã chọn cách hạ giảm tầm quan trọng của phán quyết này. Philippines công nhận sự hiện hữu của phán quyết này nhưng không nêu lên tại Trung Quốc.”
Ông Storey nói Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan có lẽ xem xét kỹ vụ kiện do Philippines khởi xướng này, trong trường hợp những bất đồng về Biển Đông bùng nổ. Tuy nhiên ông thấy đây là giải pháp cuối cùng, vì các nước nhỏ đòi chủ quyền sẽ không chọc giận Trung Quốc.
Ông Storey nói tiếp: “Vì Philippines đã quyết định không đẩy mạnh vụ này nên tôi không nghĩ các nước Đông Nam Á khác sẽ làm như vậy.”
Ông Bill Hayton là tác giả cuốn sách Đông Nam Á: Tranh chấp Quyền lực tại châu Á. Ông Hayton cho rằng dù Bắc Kinh chỉ trích phán quyết của Tòa án Trọng tài La Haye, nhưng hành động của Trung Quốc kể từ mùa hè năm nay đã phù hợp với phán quyết của tòa.
Ông Hayton nói: “Trung Quốc đang tuân thủ phán quyết, và mới đây cho phép ngư dân Việt Nam hay Philippines trở lại bãi cạn Scarborough.”
Ông Hayton cho biết việc Bắc Kinh không còn hung hăng nữa được chứng tỏ bằng những quan hệ với Hà Nội. Xung đột vũ trang dường như có thể xảy ra cách đây 2 năm, khi Trung Quốc thăm dò dầu khí tại một vùng biển ở Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền.
Ông Hayton nói: “Kể từ biến cố giàn khoan dầu năm 2014, trong đó Trung Quốc thất bại thảm hại—Việt Nam đã đối phó khá tốt vào năm 2014—Trung Quốc không khoan dầu tại những nơi không đúng chỗ.”
Dường như đã có sự đồng thuận trong uỷ ban là việc tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại Biển Đông vẫn còn, cùng với điều được gọi là một miếng băng vết thương thường xuyên: Đó là chấp thuận nguyên trạng để giữ cho vùng biển này được yên tĩnh.

+ Ý kiến
Powered by Blogger.