Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Thứ Bảy, 11 Tháng 1, 2025
Tin Mới :

TIN THẾ GIỚI - 14/09/2016

Wednesday, September 14, 2016 3:41:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 14/09/2016

Bà Clinton trở lại vận động vào thứ Năm

sau khi nghỉ ngơi dưỡng bệnh

WASHINGTON —
Bà Hillary Clinton dự định sẽ trở lại vận động tranh cử vào ngày thứ Năm sau khi đột ngột rời khỏi một sự kiện kỷ niệm ngày 11 tháng 9 tại thành phố New York hôm Chủ nhật vừa rồi. Lúc đầu ban vận động của bà nói là bà bị tăng nhiệt quá mức nhưng sau đó mới cho biết bà được chẩn đoán bị viêm phổi hôm thứ Sáu.
Trong một thông cáo, ban vận động của bà Clinton cho biết bà sẽ đến thành phố Greensboro của bang North Carolina vào ngày thứ Năm để “nói về viễn kiến của bà cho một nước Mỹ hùng mạnh với tất cả mọi người hợp lực với nhau.”
Trong khi bà Clinton tiếp tục hồi phục sức khỏe, bà nhận được sự vận động nhiệt tình từ nhân vật số một của Đảng Dân chủ và cũng là sếp cũ của bà – Tổng thống Barack Obama.
Trước những người ủng hộ hò reo ở thành phố Philadelphia bang Pennsylvania hôm thứ Ba, ông Obama phát biểu:
“Ở giữa những cuộc khủng hoảng, bà ấy sẽ lắng nghe mọi người và bà ấy sẽ bình tĩnh và đối xử với tất cả mọi người bằng sự tôn trọng. Cho dù tình thế có gian nan tới mức nào, cho dù nhiều lần người ta hạ gục và gây sự với bà ấy, bà ấy không bỏ cuộc. Bà ấy không nản lòng. Đó là Hillary mà tôi biết.”
Ông Obama chế giễu ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump, nói rằng ông ta “không thích hợp đại diện đất nước này ở nước ngoài và làm tổng tư lệnh của chúng ta dưới bất kỳ hình thức nào.”
Ông Obama nói thêm: “Ý tôi là, tôi cứ đọc những phân tích nói rằng Trump nhận được sự ủng hộ của những người lao động. Thật thế à? Các bạn muốn người này đấu tranh vì người lao động à? 70 năm sống trên trái đất này ông ta có đoái hoài gì tới người lao động đâu – thế mà đột nhiên ông ta sẽ là người tranh đấu cho các bạn hay sao?”
Ông Obama cũng chế giễu những lời ca ngợi của ông Trump dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin là “một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, bởi vì ông ta xâm lược những nước nhỏ hơn, bỏ tù những đối thủ của ông ta, kiểm soát báo chí và đẩy nền kinh tế của mình vào một cuộc suy thoái lâu dài.”
Ông Trump phản pháo ông Obama bằng cách đăng một tuyên bố lên website của ông đả kích ông Obama bỏ bê nhiệm vụ tổng thống để đi vận động cho bà Clinton. Tuyên bố của ông Trump liệt kê một số “vấn đề,” bao gồm một vụ việc xảy ra vào cuối tuần qua mà trong đó Iran dọa bắn hạ hai máy bay phản lực của Hải quân Mỹ bay trong không phận quốc tế, và vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên mà có thể là vụ thử mạnh nhất từ trước tới nay. Ông Trump nói rằng ông Obama có thể lo giải quyết những vấn đề này thay vì xuất hiện trong những buổi vận động tranh cử.
Về phần mình, ông Trump vận động tại bang nông thôn Iowa thuộc vùng trung tây, hứa hẹn sẽ đem công ăn việc làm trở về từ những nước khác. Sau đó ông xuất hiện bên ngoài thành phố Philadelphia, nơi ông công bố chi tiết kế hoạch của ông làm cho việc chăm sóc trẻ em ít tốn kém hơn đối với những gia đình và những người mẹ đi làm ở Mỹ.
Ông Trump nói: “Quá thường xuyên những người có quyền thế tỏ ra khinh thường những quan điểm, niềm tin và thái độ của những người không có quyền lực chính trị. Những người ở vị trí lãnh đạo phải đặt mình vào vị trí của những công nhân nhà máy bị sa thải, của gia đình lo lắng về an ninh hoặc của người mẹ chật vật với chuyện chăm sóc trẻ em. Chăm sóc trẻ em là một vấn đề rất lớn.”
Ông Trump mô tả kế hoạch của ông là một cách để giúp đỡ những gia đình lao động đối phó với chi phí chăm sóc trẻ em, là một trong những loại chi phí lớn nhất đối với nhiều gia đình theo lời ông Trump. Đề xuất của ông Trump sẽ cho phép những gia đình có thu nhập ít hơn 500.000 đôla mỗi năm khấu trừ chi phí chăm sóc trẻ em khỏi thuế thu nhập của họ. Ông Trump cũng cam kết sáu tuần nghỉ thai sản cho những người mẹ đi làm nhưng chủ chưa cung cấp những phúc lợi.
Ban vận động của ông Trump cho biết trong một tuyên bố: “Những cải cách của ông Trump sẽ cho phép gia đình lựa chọn liệu một người cha hay mẹ nên làm việc ở ngoài nhà mà không có sự thiên vị từ luật thuế. Vì đã thuê mướn và trao quyền cho hàng ngàn phụ nữ ở mọi cấp trong suốt sự nghiệp của mình, Donald Trump hiểu được nhu cầu của lực lượng lao động hiện đại.”
Kế hoạch của ông Trump nhận được lời khen từ ít nhất năm thành viên nữ của Quốc hội, trong đó có Dân biểu Cynthia Lummis, người gọi đề xuất này là “phương sách nghiêm túc và cân bằng.”
Những cuộc thăm dò ý kiến mới nhất cho thấy cuộc đua giữa bà Clinton và ông Trump đã trở nên sít sao. Bà Clinton đang dẫn đầu với cách biệt từ 3 đến 4 điểm.

Facebook, Twitter bắt tay chống tin giả

Facebook và Twitter đang hợp tác với gần 30 công ty khác để cùng giải quyết xu hướng “tin giả” đang lưu hành ngày càng nhiều trên truyền thông xã hội, theo thông tin mà “liên minh” trên đưa ra hôm thứ Tư.
Nhóm Liên minh Dự thảo Đầu tiên, được thành lập vào tháng 6 năm 2015 bao gồm New York Times, Washington Post, BuzzFeed News, AFP và CNN, cũng như hai công ty mạng xã hội khổng lồ, cho biết họ sẽ cùng làm việc với nhau để cải thiện chất lượng tổng thể của các bản tin trên Internet.
Nhóm này công bố nhiều sáng kiến, chẳng hạn như việc tạo ra một mã thực hành tự nguyện, thúc đẩy sự hiểu biết tin tức giữa những người sử dụng mạng xã hội, và đưa ra một đề xuất vào tháng này cho phép các thành viên xác minh những tin tức có vấn đề.
Xu hướng tin giả đã gây chú ý công luận khi Facebook thông báo tính năng đưa tin của trang mạng này là do một thuật toán quyết định, thay vì các biên tập viên. Một số bản tin vô căn cứ vẫn được lưu hành, gây ra những thắc mắc về thuật toán trên và các lỗ hổng của những chương trình tương tự khi đăng những bản tin lừa đảo nhằm mục đích kiếm tiền từ quảng cáo trên mạng Internet.

TT Obama muốn nhận nhiều người tị nạn hơn vào năm 2017

Tổng thống Barack Obama vừa đặt ra mục tiêu nhận 110.000 người tị nạn vào Hoa Kỳ trong năm tài chính 2017. Con số này cao hơn mục tiêu ban đầu khoảng 10.000 người và cao hơn khoảng 33% so với năm nay.
Truyền thông cho biết Ngoại trưởng John Kerry đã loan báo kế hoạch tái định cư mới trong một phiên họp kín với các thành viên của ủy ban tư pháp ở Hạ viện và Thượng viện hôm thứ Ba.
Lần gần đây nhất mà Mỹ đưa ra mục tiêu tái định cư cao tương tự như của ông Obama là trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Bill Clinton vào năm 1995. Khi đó, ông Clinton đã đồng ý tiếp nhận 112.000 người tị nạn. Trong năm tài khóa 2015, Mỹ chỉ nhận có 70.000 người tị nạn.
Thông tin đăng trên tờ Politico cho biết chính quyền Obama muốn tiếp nhận một số lượng người tị nạn “cao hơn đáng kể” từ Syria vào năm tới, sau khi đã đạt được mục tiêu của năm 2016 là 10.000 người, một tháng sớm hơn thời hạn đã định.
Nhiều khả năng Tổng thống Obama sẽ chính thức công bố kế hoạch nhận người tị nạn trước khi ông tham dự một hội nghị thượng đỉnh về người tị nạn trong thời gian diễn ra cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tuần tới.

Các thượng nghị sĩ Mỹ

đề xuất đạo luật tăng viện trợ cho Myanmar

Thượng nghị sĩ John McCain và Ben Cardin hôm thứ Ba đã đề xuất một dự luật lưỡng đảng xin tăng viện trợ tài chính và quân sự cho Myanmar, còn gọi là Miến Điện, vốn đã bị ngăn chặn gần một năm từ cuộc bầu cử dân chủ lần đầu tiên trong gần năm thập niên tại nước này.
Ông Cardin nói đạo luật thừa nhận các biện pháp trừng phạt hiện hành áp dụng đối với quốc gia này được lập ra dựa vào thời kỳ chế độ cai trị ở Myanmar áp bức hơn rất nhiều. Ông nói đạo luật sẽ giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, nhưng cũng đặt ra các tiêu chuẩn cho mối quan hệ giữa Mỹ và Myanmar trong tương lai.
Ông Cardin nói với đài VOA: “Nó cung cấp viện trợ kinh tế, tạo điều kiện cho chúng ta can dự trực tiếp giữa dân với dân, cũng như giữa quân đội với quân đội”, và ông nói thêm rằng “Nó cũng tạo điều kiện cho hai nước chúng ta làm việc với nhau”.
Đạo luật Chiến lược Miến Điện năm 2016 hướng dẫn việc hạ giảm các biện pháp trừng phạt và kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ sửa đổi hoặc dỡ bỏ trừng phạt trong tương lai, căn cứ vào sự tiến bộ của đất nước này trong tiến trình minh bạch hóa và các mục tiêu quản trị tích cực khác.
Đạo luật tăng viện trợ kinh tế của Mỹ, và tìm cách thúc giục các tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ cho các sáng kiến ở Myanmar. Đạo luật này cũng cho phép quân đội Mỹ tham gia huấn luyện cho quân đội Myanmar về tiếng Anh và các chương trình khác được thiết kế nhằm tăng sự kiểm soát dân sự trong quân đội.
Ông McCain cho biết trong một tuyên bố: “Sau gần 50 năm dưới sự cai trị của quân đội, Miến Điện đã đạt được một cột mốc lịch sử bằng một cuộc bầu cử dân chủ và chuyển tiếp thành công quyền lực cho một chính phủ dân sự lãnh đạo. Tiến trình phi thường này cho phép xem xét lại chính sách của Hoa Kỳ đối với Miến Điện, và đạo luật này tìm cách mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước. Mối quan hệ sẽ hỗ trợ cho việc tiếp tục tiến trình hướng tới dân chủ, nhân quyền và hòa bình cho người dân Miến Điện”.
Việc giới thiệu dự luật xảy ra trùng hợp với chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Cố vấn Nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình và là nhà hoạt động nhân quyền trong một thời gian dài. Theo lịch trình, bà Suu Kyi sẽ gặp gỡ nhiều thành viên Quốc hội trong chuyến thăm này.
Dưới chế độ độc tài quân sự của Myanmar, bà Suu Kyi đã bị nhiều năm quản thúc tại gia, trước khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân Chủ (NLD) của bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015 và lên nắm quyền. Vì có hai con trai là công dân Anh, theo hiến pháp của Myanmar, bà không được phép làm tổng thống. Do đó bà đã được trao danh hiệu cố vấn nhà nước kiêm bộ trưởng ngoại giao.

TT Obama họp với bà Aung San Suu Kyi

về các lệnh trừng phạt Myanmar

Cindy Saine
TÒA BẠCH ỐC —
Khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gặp bà Aung San Suu Kyi tại tư gia của bà ở Rangoon năm 2014, ông hứa sẽ tiếp tục ủng hộ các diễn đàn dân chủ của nước bà, và ông nhận được bảo đảm rằng bất chấp những khó khăn, các diễn đàn đó sẽ tiếp tục. Nay là thời điểm để kiểm tra tình hình thực tế của lời hứa đó.
Tổng thống Barack Obama sẽ đón tiếp biểu tượng dân chủ và lãnh tụ thực quyền của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, tại Tòa Bạch Ốc hôm nay, thứ Tư 14/9. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của bà Suu Kyi kể từ khi bà làm cố vấn nhà nước và bộ trưởng ngoại giao Myanmar. Trước đây bà đã bị chính phủ quân nhân giam giữ tại gia hơn 20 năm ở Miến Ðiện, tức Myanmar.
Các giới chức Tòa Bạch Ốc nói Tổng thống Obama muốn nghe quan điểm của bà Suu Kyi về việc Mỹ nên tháo dỡ chế tài đối với chính phủ do quân đội đứng sau của Myanmar đến mức nào. Kể từ khi lên nắm các chức vụ trong chính phủ hồi tháng 3, bà Suu Kyi chưa lên tiếng yêu cầu chấm dứt các biện pháp trừng phạt vốn được xem như chiếc đòn bẩy để thúc giục quân đội Myanmar cho phép cải cách dân chủ nhiều hơn.
Tại buổi nói chuyện với truyền thông báo chí hôm thứ Ba, người phát ngôn Mark Toner của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng dỡ bỏ chế tài phải gắn liền với cải cách dân chủ:
“Chúng tôi chưa rút lại tất cả các lệnh chế tài. Một số biện pháp vẫn còn hiệu lực. Chúng tôi luôn giữ quyền tiếp tục các lệnh trừng phạt đó khi nào chúng tôi cảm thấy các biện pháp đó hữu dụng.”
Ông Lex Rieffel, chuyên gia của Viện nghiên cứu Brookings, nhận xét với đài VOA rằng ông Obama lắng nghe ý kiến của bà Suu Kyi là cách làm sáng suốt:
“Tôi nghĩ tham khảo ý kiến bà Aung San Suu Kyi là hợp lý nhất và bảo đảm rằng chúng ta không đi trước ý kiến của bà ấy quá nhiều, mà cũng không tụt lại đằng sau quá xa.”
Ông Reiffel nói với đài VOA rằng nếu bà Suu Kyi thành công trong việc lãnh đạo tiến trình chuyển đổi dân chủ và giúp mang lại hòa bình cho Myanmar sau 60 năm nội chiến, thì điều đó sẽ có tác dụng động viên các nước khác cũng đang chìm trong những cuộc xung đột lớn và kéo dài.

Tổng thống Obama nỗ lực

để Quốc hội thông qua dự luật chi tiêu

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói ưu tiên hàng đầu của ông khi làm việc với Quốc hội là đảm bảo rằng các nghị sỹ thông qua dự luật chi tiêu vào cuối tháng này để duy trì hoạt động của chính phủ liên bang.
Ông phát biểu: “Hy vọng của tôi là chúng ta có thể đạt một số tiến bộ khiêm tốn trong những lĩnh vực mà chúng ta đồng ý với nhau và chúng ta đã làm việc cùng nhau. Sau cuộc bầu cử, tôi thậm chí còn có nhiều hy vọng hơn là chúng ta có thể thực hiện được một số việc”.
Ông Obama đã hội đàm với lãnh tụ đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, lãnh tụ khối Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Harry Reid và lãnh tụ khối thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi tại Phòng Bầu dục hôm thứ Hai.
Tòa Bạch Ốc đã đề nghị Quốc hội chi thêm ngân sách để chống Zika kể từ tháng 2.
Nhưng các nghị sỹ đảng Dân chủ tại Thượng viện đã 3 lần ngăn chặn một dự luật được Hạ viện thông qua về số tiền 1,1 tỷ đôla để chống virus Zika vì họ phản đối một điều khoản sẽ ngăn chặn việc cấp ngân quỹ cho chương trình Làm cha mẹ có kế hoạch (Planned Parenthood), là chương trình cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Chương trình này đã trở thành đối tượng tấn công của phe Cộng hòa bảo thủ và các nhà hoạt động về vấn đề phá thai và bán các mô người.

Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đề nghị Mỹ bắt ông Gulen

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Ba, 13/9, cho hay chính phủ nước này đã gửi đề nghị chính thức đầu tiên đến Hoa Kỳ đòi bắt giữ một giáo sĩ bị cáo buộc đã lãnh đạo cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần cáo buộc ông Fethullah Gulen đứng đằng sau âm mưu đảo chính khiến ít nhất 270 người chết.
Tin tức của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đề nghị bằng văn bản gửi đến Hoa Kỳ cáo buộc rằng ông Gulen đã “ra lệnh và chỉ huy” vụ đảo chính. Trong nhiều tuần qua, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu dẫn độ ông Gulen, song họ chỉ nói một cách không chính thức.
Ông Gulen, 75 tuổi, đã tự sống lưu vong ở Hoa Kỳ từ năm 1999. Ông phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào vào cuộc đảo chính bất thành.
Các quan chức Hoa Kỳ đã nói rằng bất kỳ việc dẫn độ nào cũng sẽ phải được phê duyệt trong hệ thống tòa án của Hoa Kỳ.

Lãnh đạo Uỷ ban châu Âu kêu gọi đoàn kết hậu Brexit

Lãnh đạo Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong bài phát biểu về Tình trạng Liên hiệp Âu châu hôm thứ Tư đã kêu gọi sự đoàn kết giữa các nước Đông và Tây Âu, khi căng thẳng tiếp tục gia tăng giữa các quốc gia thành viên tiếp theo sau cuộc biểu quyết của Anh rời khỏi EU.
Ông Juncker nêu lên tình trạng chủ nghĩa dân tộc ngày càng tăng ở các quốc gia trong phản ứng đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn đang diễn ra là một vấn đề lớn cần phải giải quyết, trong lúc “mức độ hợp tác của chúng ta lại quá nhỏ”.
Ông nói: “Lợi ích quốc gia thường luôn được đưa lên hàng đầu. Và chúng ta không nên hiểu lầm điều này, hội nhập châu Âu không có nghĩa là phải hy sinh các lợi ích quốc gia. Châu Âu không thể biến thành một nơi hội nhập các nền văn hóa không còn sắc thái.”
Ngoài việc kêu gọi đoàn kết, ông Juncker còn công bố kế hoạch đầu tư trực tiếp vào các quốc gia châu Phi trong một nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng di cư tại đầu nguồn của nó. Ông kêu gọi thành lập một quỹ 49 triệu đôla, và có thể sẽ tăng lên gấp đôi sau này, tùy theo mức độ thành công của nó.
Ông Juncker nói ông và EU vẫn nên “làm bạn” với nước Anh, nhưng cảnh báo rằng quốc gia này chớ trông đợi sẽ tiếp tục quyền tiếp cận với thị trường chung EU như trước đây một khi chính thức rút lui.
Ông nói: “Chúng tôi tôn trọng và đồng thời lấy làm tiếc về quyết định của Anh, nhưng Liên minh châu Âu sẽ không gặp rủi ro”.
Ông Juncker khuyến khích Anh quốc bắt đầu đàm phán rút khỏi EU càng sớm càng tốt để cả hai bên đều có thể tiến tới theo đường hướng riêng.
Sau khi người dân Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi EU vào tháng Sáu, các nhà lãnh đạo EU gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực duy trì sự thống nhất giữa các nước Đông và Tây, những nước đã lên tiếng đòi giảm bớt ảnh hưởng từ liên minh hơn, trong khi những nước khác lại mong có quyền lực tập trung mạnh hơn.
Sự chia rẽ giữa các nước càng lộ rõ hôm thứ Ba khi Ngoại trưởng Luxembourg kêu gọi loại Hungary ra khỏi EU sau khi ông nói những người tị nạn tại nước này đang bị đối xử như “súc vật”.
Ông Jean Asselborn nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Đức Die Welt rằng “Bất kỳ ai, giống như Hungary, xây các hàng rào chống người tị nạn chiến tranh, hoặc những người vi phạm tự do báo chí và độc lập tư pháp, đều cần phải bị loại khỏi EU tạm thời hoặc vĩnh viễn nếu cần thiết”.
Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary, ông Péter Szijjártó, đáp lại những lời chỉ trích trong một tuyên bố, gọi ông Asselborn là “một nhân vật tầm thường” và nói ông đã quá quen với cách làm của EU nên chẳng xem đó là một chuyện lớn lao.
Ông Szijjártó nói: “Điều đáng ngạc nhiên là ông Jean Asselborn và ông Jean-Claude Juncker — cả hai đều xuất phát từ những nước có chế độ thuế khóa rất lạc quan – nhưng đều nói về việc cùng nhau chia sẻ gánh nặng. Nhưng chúng tôi hiểu điều này thực tế có nghĩa là: Hungary nên chịu trách nhiệm về những sai lầm do người khác đã gây ra”.
Vào ngày 2 tháng 10, Hungary sẽ tổ chức trưng cầu dân ý liệu có chấp nhận cho EU phân bổ bắt buộc số người tị nạn mà Hungary phải nhận bất chấp quốc hội có thông qua hay không.

LHQ chờ hành lang an toàn để phân phối cứu trợ cho Syria

ISTANBUL —
Thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga điều giải dường như đang có hiệu lực trên phần lớn đất nước Syria nơi chìm đắm trong chiến tranh, nhưng việc đưa cứu trợ nhân đạo đến các thành phố và khu vực bị vây hãm vẫn chưa tiến hành được trong lúc chính phủ Syria kiên quyết rằng cứu trợ nhân đạo ở thành phố Aleppo cần phải được phối hợp với chính phủ ở Damascus.
Thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Mỹ điều giải dường như đã mang lại yên lặng cho Syria sang ngày thứ hai.
Người phát ngôn Mark Toner của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết:
“Chúng ta chỉ có thể đánh giá được tình hình theo từng ngày một, từng giờ một mà thôi để xác định là các quy định của lệnh ngừng bắn có được tuân thủ hay không. Nhưng mới chỉ giảm bớt bạo động thôi là chưa đủ, chúng ta còn cần phải đánh giá về tình hình cứu trợ nhân đạo. Chúng ta nhận thấy có những dấu hiệu chuyển động, nhưng vẫn chưa thấy sự tiếp cận thực sự. Chúng ta cần phải thấy được hoạt động cứu trợ nhân đạo thực sự diễn ra.”
Các tổ chức cứu trợ nói rằng họ đang chờ một hành lang an toàn cho cứu trợ nhân đạo được bảo đảm, không chỉ từ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad thôi, mà còn từ các bên tham chiến khác.
Ðặc sứ Liên hiệp quốc về Syria, ông Staffan de Mistura, nói với các phóng viên báo chí ở Geneva rằng “bạo động đã giảm đáng kể, tình hình cải thiện rất nhiều, và không có các cuộc oanh kích.”
Nhưng ông Mistura nói thêm rằng cứu trợ nhân đạo chưa được phân phối bởi vì chính phủ Syria vẫn chưa cấp phép cho Liên hiệp quốc, mặc dù ông bày tỏ hy vọng rằng các đoàn xe cứu trợ đang chờ ở biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ có thể phân phối hàng cứu trợ nội trong ngày hôm nay, thứ Tư, cho khoảng 250.000 thường dân theo ước tính đang ở trong các khu vực phía đông thành phố Aleppo do phe nổi dậy kiểm soát.
Các nhà hoạt động tỏ ra hoài nghi về khả năng lệnh ngừng bắn được tuân thủ.
Bà Jens Laerke, một người phát ngôn của văn phòng nhân đạo của Liên hiệp quốc nói: “Chúng tôi cần đi vào những nơi mà không bị nguy hiểm của pháo kích đe dọa.” Theo ước tính của Liên hiệp quốc, hơn nửa triệu người Syria đang ở trong các khu vực bị vây hãm.
Những cuộc giao tranh nhỏ lẻ vẫn xảy ra
Kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực vào lúc mặt trời lặn hôm thứ Hai, trùng với thời điểm bắt đầu lễ Eid al-Adha của Hồi giáo, các nhóm nổi dậy và bên chính phủ của Tổng thống Assad tố cáo qua lại những vụ vi phạm lệnh ngừng bắn rải rác tại một số nơi, mặc dù không có báo cáo về thương vong ở thường dân. Các giới chức quân sự Nga tố cáo các nhóm nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn đã vi phạm gần 20 lần trên đường Castello, một trục đường quan trọng dẫn đến những nơi trong thành phố Aleppo do phe nổi dậy kiểm soát.
Một nhóm quan sát thân với phe đối lập, Ðài quan sát Nhân quyền Syria, nói rằng các lực lượng thân chính phủ đã pháo kích vào hai làng ở tỉnh Aleppo và các vùng phụ cận của thủ đô Damascus, và không kích tỉnh Hama ở miền bắc.
Các phe nhóm nổi dậy vẫn không tin tưởng thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga điều giải này. Trong một thông báo của hơn 20 nhóm nổi dậy, trong đó có nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng Syria, được Washington hậu thuẫn, nói rằng họ hoàn toàn “cảnh giác trước cái bẫy của thỏa hiệp hoặc dụ chúng tôi vào chỗ kình chống để chia rẽ chúng tôi.”
Các nhóm nổi dậy cũng chỉ trích việc Mỹ và Nga đề nghị phối hợp oanh kích các mục tiêu của nhóm Jabhat Fateh al-Sham trước đây liên kết với al-Qaida với tên gọi vào lúc đó là Jabhat al-Nusra. Các nhóm nổi dậy nói rằng “Điều này sẽ làm suy yếu cánh quân sự của cuộc cánh mạng và tăng cường cho chế độ Assad và các đồng minh của chế độ đó.”
Nếu thỏa thuận ngừng bắn được tôn trọng trong một tuần, Mỹ và Nga sẽ bắt đầu chiến dịch không kích phối hợp chống Nhà nước Hồi giáo và nhóm dân quân Mặt trận al-Nusra.
Cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua ở Syria đã làm hàng trăm ngàn người thiệt mạng và tạo ra khoảng 12 triệu người tị nạn, và gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Nghị sĩ Brazil thúc đẩy việc phế truất bà Rousseff bị mất ghế

Hôm thứ Hai, 12/9, Hạ viện Brazil đã bỏ phiếu bãi nhiệm nghị sĩ đã đứng đầu thúc đẩy việc phế truất cựu Tổng thống Dilma Rousseff.
Cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm ông Eduardo Cunha có kết quả áp đảo là 450-10 phiếu.
Ông bị cáo buộc đã dối trá về việc có tài khoản ngân hàng bí mật ở Thụy Sĩ. Ông Cunha đã nói tài sản của ông được cất giữ trong một quỹ tín thác mà ông không kiểm soát.
Trong một vấn đề riêng rẽ, ông Cunha cũng có liên quan đến những cáo buộc tham nhũng dính líu đến công ty dầu khí quốc doanh Petrobas.
Thượng viện Brazil đã bỏ phiếu hồi tháng trước bãi nhiệm bà Rousseff vì vi phạm luật ngân sách liên bang.
Bà Rousseff đã bị cáo buộc đã sử dụng trái phép tiền từ các ngân hàng nhà nước để trang trải thâm hụt ngân sách liên bang trong một nỗ lực để thúc đẩy tiếng tăm của bà khi bước vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2014. Bà phủ nhận có bất kỳ hành vi sai trái nào trong vấn đề này và nói rằng các đối thủ chính trị của bà đã sử dụng phiên tòa như một cách để lật đổ bà và phá hoại nền dân chủ của Brazil.

Cảnh sát Trung Quốc trấn áp biểu tình ở Ô Khảm

Cảnh sát chống bạo động Trung Quốc hôm thứ Ba, 13/9, đã đụng độ với người dân của làng Ô Khảm ở ven biển miền nam Trung Quốc. Nơi này từng được coi là biểu tượng về dân chủ cơ sở, nhưng đã trở thành một điểm nóng của các cuộc biểu tình chống tham nhũng.
Những người biểu tình ở Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông, hiện đang giận dữ về bản án được tuyên hồi tuần trước đối với vị cựu trưởng làng Lâm Tổ Loan, ông là người đã đòi bồi thường cho những vùng đất bị các quan chức Đảng Cộng sản tịch thu. Những người biểu tình thề sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi ông được thả ra khỏi nhà tù.
Nhà chức trách muốn chấm dứt các cuộc biểu tình và họ đã tiến hành đột kích trong đêm để dập tắt bất ổn, bắt giữ 13 dân làng với cáo buộc là họ đã xúi giục đám đông cũng như đã “hăm dọa và gieo rắc tin đồn” để kích động mọi người tham gia các cuộc biểu tình của làng.
Chính quyền đã nhanh chóng xóa những thông tin về các cuộc biểu tình xuất hiện trên mạng. Tuy nhiên, vào thứ Ba, dân làng dường như đã thành công trong việc đưa lên mạng các đoạn video.
Một đoạn video cho thấy một vụ đụng độ vào buổi trưa giữa cảnh sát chống bạo động và người dân, nhiều người trong số họ trút giận bằng cách ném đá vào cảnh sát còn cảnh sát đã bắn đạn hơi cay và nấp túm tụm đằng sau lá chắn.
Một đoạn video khác cho thấy cảnh sát chống bạo động đã xông vào nhà một người dân làng trước bình minh và bắt một người bị tình nghi khi người này còn đang ngủ.
Không thể xác minh độc lập về các đoạn video này, một phần vì cuộc trấn áp của chính quyền làm việc liên lạc với những người biểu tình trở nên khó khăn.
Có tin vụ đụng độ đã làm bị thương hàng chục người dân và làm thiệt mạng một người phụ nữ lớn tuổi, theo một đài truyền hình trực tuyến tại Hong Kong. Hình ảnh một số người bị thương đã được đưa lên mạng.
Nhà chức trách ở thành phố Lục Phong tuyên bố rằng họ bắt giữ 13 người trong đó có các lãnh đạo cuộc biểu tình vì bị tình nghi tụ tập trái phép và gây rối trật tự công cộng.
Nhưng các nhà phân tích nói rằng cuộc đột kích của cảnh sát là không phù hợp và cũng không hợp pháp.
Luật sư nhân quyền Cát Vĩnh Tân (Ge Yongxi) lập luận rằng việc bắt giữ bất kỳ nghi phạm về tội tụ tập trái phép phải được tiến hành tại hiện trường khi họ bị cáo buộc là từ chối ngừng biểu tình.

Chủ tịch Ủy hội EU đề xuất lập quân đội

Liên hiệp Âu châu cần có tổng hành dinh quân sự để hợp tác, hướng tới có một lực lượng quân đội chung, Chủ tịch Ủy hội Âu châu nói với các dân biểu thuộc Nghị viện châu Âu tại Strasbourg.
Ông Jean-Claude Juncker nói việc thiếu vắng một “cơ cấu thường trực” khiến gây lãng phí tiền bạc khi cần thực hiện các nhiệm vụ quân sự.
Một phần đáng kể trong bài diễn văn đầu tiên của ông trước toàn Liên hiệp Âu châu kể từ khi Anh bất ngờ bỏ phiếu ra khỏi khối được dành để nói về Brexit.
Ông Juncker nói EU không có nguy cơ rủi ro từ kết quả Brexit.
Ông đang muốn củng cố 27 quốc gia trong khối EU trước những thách thức về di dân và an ninh.
Việc Anh quyết định ra đi đã dẫn tới tình trạng “chủ nghĩa dân túy tăng mạnh”, và châu Âu cần phải được bảo vệ khỏi trào lưu này, ông nói.
Anh luôn phản đối ý tưởng EU có quân đội chung, bởi lực lượng này có thể sẽ xung đột quyền lợi với Nato. Tuy nhiên, việc Anh quyết định ra đi khiến EU nay có thêm quyết tâm thực hiện các kế hoạch hợp tác quốc phòng ở mức cao hơn.
“Điều này sẽ bổ sung sức mạnh cho Nato,” ông Juncker nói.
Việc lập ra một Quỹ Quốc phòng Âu châu sẽ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực quân sự, ông nói.
Tiếp cận thị trường chung châu Âu
Ông nói Anh chớ mong tiếp cận thị trường chung của khối nếu không áp dụng chính sách tự do đi lại cho các công dân EU. Sẽ không có chuyện “tiếp cận riêng rẽ”, ông nói.
Thẳng thắn chỉ trích các vụ tấn công gân đây nhằm vào người nhập cư ở Anh, ông nói ông sẽ “không bao giờ chấp nhận việc các nhân công người Ba Lan bị đánh đập, bị quấy nhiễu trên đường phố Essex [của Anh]“.
Sau đó, ông thúc giục tiếp tục tập trung vào việc coi EU như một “động lực có thể đưa đến sự thống nhất – chẳng hạn như tại Cyprus”.
“Trên hết, châu Âu có nghĩa là hòa bình – không phải là ngẫu nhiên mà thời kỳ hòa bình dài nhất đã bắt đầu với việc hình thành cộng đồng Âu châu,” ông nói.
Cảnh báo của Tusk
Các lãnh đạo EU sẽ họp tại thủ đô Bratislava của Slovakia hôm thứ Sáu nhưng không có mặt Thủ tướng Anh Theresa May.
Vào cuối ngày thứ Ba, Chủ tịch Hội đồng Âu châu Donald Tusk đã nêu chủ kiến của mình trong cuộc tranh luận về tương lai EU.
Trong một lá thư – theo truyền thống là được viết gửi cho các lãnh đạo trước khi diễn ra kỳ họp thượng đỉnh – ông Tusk cho rằng EU cần phải lưu tâm tới những tham vọng riêng của mình khi cân nhắc tới kết quả bỏ phiếu Brexit của Anh.
“Những vấn đề then chốt duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia thành viên và của toàn khối nằm ở thủ đô các nước,” ông Tusk nói.
“Các thể chế cần phải hỗ trợ cho những ưu tiên đó, đúng như thỏa thuận giữa các quốc gia thành viên, chứ không phải áp đặt các ưu tiên của mình lên các quốc gia.”
Nhận xét trên tương phản với thái độ khăng khăng của ông Juncker hôm thứ Tư rằng “rất thường xuyên, những lợi ích quốc gia được đặt lên trên [toàn khối]” ở châu Âu.

Quỹ Trump bị điều tra về tiền quyên góp

Người đứng đầu ngành tư pháp New York cho biết ông đang điều tra quỹ của ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump về một số hoạt động “không thích hợp”.
Ông Eric Shneiderman nói cơ quan tư pháp muốn đảm bảo sao cho quỹ này “tuân thủ luật pháp điều hành các tổ chức từ thiện ở New York”.
Quỹ Trump đã và đang chịu nhiều đợt tấn công từ truyền thông.
Đội ngũ của ông Trump bác bỏ ông Schneiderman – người theo Đảng Dân chủ, là “tay sai của đảng [Dân chủ]”.
Vị giám đốc sở tư pháp ủng hộ đối thủ của ông Trump là bà Hillary Clinton, vào ghế tổng thống.
Ông Jason Miller, phát ngôn viên chiến dịch vận động của ông Trump, nói ông Schneider đã “nhắm mắt làm ngơ cho Quỹ Clinton suốt nhiều năm” và gọi yêu cầu điều tra này là “một âm mưu của cánh tả nhằm đánh lạc hướng khỏi một tuần tồi tệ của bà Hillary Clinton dối trá”.
Quyên góp đáng ngờ
“Chúng tôi lo ngại về việc Quỹ Trump có thể đã tham gia vào một số hoạt động không thích hợp,” ông Schneider nói với CNN.
“Chúng tôi đang xem xét vụ việc, và chúng tôi đã liên hệ với họ. Tôi không làm to chuyện hay tổ chức họp báo nhưng chúng tôi đang điều tra Quỹ Trump để đảm bảo họ tuân thủ luật pháp điều hành các tổ chức từ thiện ở New York.”
Truyền thông Hoa Kỳ nói cơ quan của ông Schneiderman điều tra Quỹ Donald J Trump ít nhất từ hồi tháng Sáu sau khi chính thức đặt câu hỏi đối với một khoản quyên góp cho nhân vật ủng hộ Đảng Cộng hòa, Giám đốc Sở Tư pháp Florida, bà Pam Bondi vào năm 2013.
Khoản thanh toán 25.000 USD được thực hiện khi văn phòng của bà Bondi lúc đó đang xem xét việc có nên mở cuộc điều tra sai phạm của Đại học Trump.
Vụ điều tra lừa đảo chưa hề diễn ra, tuy nhiên bà Bondi phủ nhận quyết định này bị số tiền quyên góp mà bà nhận được gây ảnh hưởng.
Phụ tá của ông Trump cũng thừa nhận khoản quyên góp là do lỗi từ văn phòng, theo truyền thông.
Đảng Dân chủ đã yêu cầu Cơ quan Tư pháp Hoa Kỳ ở Hạ viện điều tra khoản quyên góp 25.000 USD tới bà Pam Bondi.
Một số báo khác điều tra cáo buộc Quỹ Trump báo cáo các khoản quyên góp mà người nhận nói chưa bao giờ được lãnh, và các khoản chi tiêu cho việc cá nhân của ứng viên.

Thực hư kế hoạch hạt nhân Bắc Hàn

Sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử hạt nhân lần thứ 5 thành công, cả Seoul và Bình Nhưỡng đều dọa sẽ biến miền kia thành tro bụi.
Tuy nhiên liệu khả năng hạt nhân của Bắc Hàn thực sự ra sao?
Để có vũ khí hạt nhân trong tay, cần giải quyết hai vấn đề: một là sản xuất được ra đầu đạn đủ nhỏ để lắp vào hỏa tiễn và giữ nguyên được ở đó cho tới khi chạm mục tiêu. Hai là hỏa tiễn phải nhỏ và năng động đủ để tránh bị phát hiện, thí dụ được lắp trên tàu ngầm chẳng hạn.
Bao nhiêu đầu đạn hạt nhân?
Giáo sư Siegfried S Hecker từ Đại học Stanford ở California từng làm giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos của Mỹ và đã thăm các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên nhiều lần.
Ông nói: “Với hai vụ thử hạt nhân thành công trong năm nay, chúng ta có thể nghĩ rằng Bắc Triều Tiên đã thiết kế và thử các đầu đạn hạt nhân có thể lắp trên các hỏa tiễn tầm ngắn và có thể cả tầm trung”.
“Tuy nhiên khả năng chế tạo được hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa ICBM (inter-continental ballistic missile) có lắp đầu đạn hạt nhân với tầm che phủ tới Hoa Kỳ thì còn rất xa, có lẽ khoảng 5-10 năm nữa cho dù hoàn toàn có thể nếu chương trình hạt nhân của Bắc Hàn không bị kiềm chế.”
Theo GS Hecker, đe dọa từ Bắc Hàn là hiển hiện.
Cùng với đó là nguy cơ các nước có thể tính toán sai vì Nam Hàn, Nhật Bản và Mỹ có thể do lo ngại về nguy cơ bị tấn công nên tấn công trước.
Ông Hecker cũng quan ngại rằng công nghệ và nguyên liệu làm vũ khí nguyên tử có thể lọt vào tay các phần tử nguy hiểm, như khủng bố.
Vấn đề lớn nhất, theo nhận định của ông, là các thành công mới rồi có thể khiến Bình Nhưỡng tự tin một cách không đúng mức và thay đổi nhịp độ cũng như bối cảnh an ninh khu vực.
Lần cuối GS Hecker thăm cơ sở hạt nhân Yongbyon của Bắc Hàn là vào tháng 11/2010. Dựa trên các trang thiết bị cũng như kho uranium và plutonium mà ông thấy thì ông cho rằng Bắc Hàn có đủ nguyên vật liệu để chế tạo chừng 20 bom nguyên tử trước cuối năm nay và mỗi năm sau đó có thể thêm khoảng 7 quả.
Lắp trên tàu ngầm
Một trong những yêu cầu quan trọng là phải giấu được hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử trước đối phương, thí dụ như lắp nó trên tàu ngầm.
Theo kỹ sư về không gian John Schilling, chuyên gia về công nghệ hỏa tiễn: “Thành công của vụ thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) mới rồi của Bắc Hàn cho thấy nước này tiến triển nhanh hơn trông đợi”.
“Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi thứ sẽ sẵn sàng trong tuần sau, tháng sau, hay thậm chí là năm sau. Tiến độ và phương pháp dùng trong chương trình SLBM của Bình Nhưỡng cho thấy phải sớm nhất là tới nửa thứ hai năm 2018 mới có thể có khả năng vận hành gì đó.”
Bắc Hàn cũng đạt được một số tiến bộ trong lĩnh vực tên lửa phóng từ mặt đất. Nước này đã thử hỏa tiễn nhiều lần trong năm nay và tầm xa cũng ngày càng tăng.
Tháng Sáu vừa qua, Bình Nhưỡng đã bắn tên lửa lên tầm cao 1.000km. Lý do bắn lên cao thay vì bắn đi xa có lẽ là để tránh Nhật Bản để không bị cho là quá khiêu khích.
Nếu nó được bắn từ góc độ thông thường thì tầm che phủ chắc chắn là rất lớn.
Bắc Hàn cũng nói đã chế tạo được nguyên liệu chịu nhiệt đủ mức có thể quay trở lại bầu khí quyển và đạt mục tiêu sau khi được bắn lên.
Các phân tích khoa học đáng tin cậy nhất cho thấy Bắc Hàn có thể đã có khả năng tấn công hạt nhân trong khu vực nhưng chưa thể với xa ra ngoài như tới Hoa Kỳ.
Tuy nhiên Bình Nhưỡng đang trên đường đạt kết quả này, và khả năng là tới 2020 sẽ khả thi.

Tại Rumani,

tổng thống Pháp ra sức thuyết phục về phòng thủ châu Âu

Tổng thống Pháp François Hollande, đã đến Rumani vào ngày 13/09/2016, trong chuyến viếng thắm đầu tiên cấp Nhà nước của một tổng thống Pháp, từ năm 1997, tức thời ông Jacques Chirac. Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ kinh tế song phương, và ông Hollande đã đến khai trương vào trưa cùng ngày xưởng máy bay Airbus Helicopters ở Brasov. Nhưng vấn đề phòng thủ và an ninh châu Âu cũng được ông cổ vũ tại Rumani.
Thông tín viên RFI, Anastasia Beccio phân tích từ Bucarest :
“Ông François Hollande đã nhắc đi nhắc lại trong chuyến viếng thăm này, trong cuộc gặp với tổng thống Rumani Klaus Iohannis, lúc ông đến xưởng máy bay Airbus Helocopters ở Brasov, và ngay cả trước cộng đồng người Pháp tại Rumani, là châu Âu nếu muốn có tiếng nói mạnh mẽ trên chính trường quốc tế, muốn có trọng lượng trên phần còn lại của thế giới thì châu Âu phải có khả năng phòng thủ : bảo vệ biên giới, đảm bảo an ninh của chính mình, chống khủng bố. Hợp tác về phòng thủ là một sự cần thiết đối với châu Âu.
Đối với Rumani, một nước trong khối Pháp ngữ, được xem là đầu cầu giữa Đông và Tây, tổng thống Pháp đã cho là Paris và Bucarest có cùng mục tiêu ưu tiên : kiểm soát và đảm bảo an ninh biên giới châu Âu. Ông hoan nghênh việc Rumani áp dụng hệ thống PNR, tức việc trao đổi thông tin về hành khách đi máy bay ở châu Âu, một điểm quan trọng, theo tổng thống Pháp, trong việc chống khủng bố.
Phía Rumani cũng tỏ ra hài lòng về việc Pháp ủng hộ ý muốn của Bucarest gia nhập không gian Schengen, nhưng vấn đề tế nhị này còn phải được tát cả các thành viên Schengen quyết định”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, vào ngày 13/09/2016, đã họp mít tinh tại Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, để vận động cho ứng viên Hillary Clinton, mà theo ông đã bị tấn công oan ức. Bà Hillary bị viêm phổi, đã phải ngưng cuộc vận động tranh cử trong vài ngày. Bà sẽ làm việc trở lại vào ngày 15/09.
Thông tín viên RFI tại Hoa Kỳ, Anne Marie Capomaccio, đã ghi nhận cảnh vận động rất hào hứng của vị tổng thống sắp mãn nhiệm rất được hoan nghênh.
« “Tôi không thể nào hãnh diện hơn nữa về người lãnh đạo mà chúng ta đã giao trách nhiệm để thay chỗ của tôi… Tôi sẽ cố sức làm việc trong mùa thu này để Hillary Clinton được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ”.
Tay áo xắn lên, cà vạt nới lỏng, Barack Obama tuyên bố là hậu thuẫn của ông đối với Hillary Clinton, không phải là hình thức, mà là rất nhiệt tình và ông sẽ chứng minh điều này : 12 cuộc mít tinh đã được thêm vào chương trình làm việc của ông từ đây đến cuộc bầu cử vào tháng 11. 
Với diễn văn kéo dài một tiếng đồng hồ ở công viên Philadelphia, Barack Obama lúc nghiêm nghị, lúc khôi hài đã chinh phục cử tọa.
Nhưng mục tiêu của ông là gởi thông điệp thuyết phục đến những người còn do dự tại một tiểu bang chưa nghiêng hẳn về bên nào : “Donald Trump là một mối nguy hại đối với những giá trị của nước Mỹ”, và việc ông ta ngưỡng mộ Putin “đủ cho thấy là ông ta tôn trọng dân chủ như thế nào”.
Trong đám đông thì rõ ràng là fan của ông Obama nhiều hơn số người do dự. Chris, một người từng ủng hộ Bernie Sanders, không ngớt thán phục : “Ông ấy tuyệt vời, ông ấy đã nói lên tất cả những gì mà tôi chờ đợi”.
Còn sức khỏe của bà Hillary có vẻ như không làm ai lo ngại. Anna, gốc người Mêhicô, giải thích : “Mỗi người chúng ta đều có thể bị mệt. Bà Clinton làm việc quá nhiều, có lẽ là không ngủ nhiều, bị mệt là lẽ thường, nhưng bà vẫn có khả năng điều hành đất nước”.
Phần Barack Obama thì cam kết : “Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để Hillary Clinton được bầu”. Ông đã rời buổi mít tinh trước một đám đông có nhiều người xúc động ».

Bình Nhưỡng : Mỹ đẩy Triều Tiên “đến bờ bùng nổ”

Ngày 14/09/2016, Bình Nhưỡng lên án Hoa Kỳ là đang đẩy bán đảo Triều Tiên « đến bờ bùng nổ », sau khi Washinton điều hai oanh tạc cơ siêu âm B-1B bay đến không phận Hàn Quốc ngày 13/09 để biểu dương lực lượng sau vụ thử hạt nhân thứ năm của Bắc Triều Tiên.
Thông tấn xã chính thức KCNA cảnh báo là quân đội Bắc Triều Tiên « có đủ phương tiện cần thiết » để trả đũa quân sự trong trường hợp bị kẻ thù tấn công.
Theo hãng tin Yonhap, ngoài việc gởi hai oanh tạc cơ B-1B bay đến không phận Hàn Quốc ngày 13/09 để thể hiện « cam kết không gì lay chuyển » của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ các đồng minh trong khu vực, Washington còn dự trù điều động hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Ronald Reagan đến hải phận Hàn Quốc vào tháng tới để tập trận chung với hải quân nước này. Tuy nhiên, Seoul chưa xác nhận tin trên.
Trong khi đó, bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 14/09 thông báo là ngày chủ nhật tới, 18/09, tại New York, ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ họp với hai đồng nhiệm Hàn Quốc và Nhật Bản về phản ứng của ba nước này sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Bắc Triều Tiên.
Washington, Seoul và Tokyoi muốn Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Các biện pháp trừng phạt này đã được tăng cường tháng 03/2016 sau vụ thử hạt nhân thứ tư của Bắc Triều Tiên vào đầu tháng 01/2016.
Về phần Trung Quốc, qua tờ Nhân Dân Nhật Báo số ra ngày 14/09, tuyên bố Hoa Kỳ là một quốc gia gây rối, nên không có quyền « dạy dỗ » Trung Quốc trên vấn đề Bắc Triều Tiên. Theo tờ báo này, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chính là hậu quả trực tiếp của những hành động của Mỹ.
Mặc dù rất giận dữ khi thấy Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ năm, nhưng Bắc Kinh cho rằng Washington cũng có thái độ khiêu khích khi quyết định đặt hệ thống chống tên lửa THAAD ở Hàn Quốc.

Thủ tướng Anh bàn về nhân quyền với bà Aung San Suu Kyi

Nữ thủ tướng Anh Theresa May vào ngày 13/09/2016 đã tiếp bà Aung San Suu Kyi tại Luân Đôn nhân chuyến thăm Anh Quốc đầu tiên của lãnh đạo Miến Điện. Nội dung thảo luận bao gồm tiến trình cải tổ dân chủ ở Miến Điện và hồ sơ nhân quyền.
Trong một thông cáo, phủ thủ tướng Anh cho biết là hai lãnh đạo đã đồng ý rằng « Miến Điện phải có thêm nhiều tiến bộ trong việc tạo ra công ăn việc làm, phổ cập một nền y tế có chất lượng cho mọi người, và cải cách hệ thống giáo dục ».
Văn phòng của thủ tướng Theresa May còn cho biết là chính quyền Luân Đôn « sẵn sàng để viện trợ thêm » cho Miến Điện, trong đó có khoản hỗ trợ tài chính 118 triệu bảng Anh (138 triệu euro) trong năm nay.
Vấn đề nhân quyền tại Miến Điện dĩ nhiên đã được phía Anh Quốc gợi lên. Thủ tướng Theresa May đã bày tỏ các mối quan ngại trước các vụ vi phạm nhân quyền mà thủ phạm là quân đội Miến Điện.
Vào hôm 12/09, bà Aung San Suu Kyi đã gặp ngoại trưởng Anh Boris Johnson. Hai bên đã thảo luận cụ thể vấn đề của sắc dân thiểu số Rohingya theo đạo Hồi, đang phải đối mặt sự vươn lên của những thành phần Phật giáo cực đoan tại Miến Điện.
Ông Johnson hoan nghênh việc thành lập một ủy ban để tư vấn cho bà Aung San Suu Kyi về tình hình ở bang Rakhine, nơi có một cộng đồng Rohingya đông đảo và từng xẩy ra những vụ xung đột dữ dội với một số Phật tử vào năm 2012.
Trong một báo cáo gần đây, Liên Hiệp Quốc đã tỏ quan ngại về các vụ vi phạm quyền của người Rohingya ở Miến Điện, kể cả việc họ bị từ chối quyền công dân, bị lao động cưỡng bức và bạo lực tình dục. Liên Hiệp Quốc cho rằng đó có thể bị coi là « tội ác chống nhân loại ».


    + Ý kiến
    Powered by Blogger.